Monday, December 31, 2012

21 năm nhìn lại để buồn


 thư viết từ đường heatherglen

phạm ngũ yên


1.

Trong giấc mơ màu buồn, chiếc lá mới chớm vàng ngoài sân vừa rụng xuống giữa cơn say. Em mang tình yêu của tôi đi qua những góc đường mưa bão. Tia nhìn lặng câm không thể làm hồi sinh một màu lá. Tôi đứng chôn chân nghe chiều khóc không thành lời.

Tôi chỉ là một người đàn ông vừa đi qua tuổi 60. Vừa ôm công việc trong tay vừa tập tành viết lách. Bỗng tiếng chân ai qua đời nghe dòn như tiếng lục lạc gieo xuống ngày bình an. Đến nổi mùa thu cũng giật mình. Tôi vừa biết làm một nhà văn không dễ dàng chút nào. Vì trái tim trót nghe quen những lời nũng nịu.

Có những người đàn bà đi qua đời một người đàn ông hồn nhiên như chim trong vườn. Vừa nhỏ bé mảnh mai nhưng sao đi nhanh như một tia nắng. Bỏ lại sau lưng quá khứ chật những gió mùa và tiếng bánh xe miết trên mặt đường vội vã.

Có những người đàn bà đi qua đời một người đàn ông lóng lánh mắt cười nhưng sao hồn mình nghe dao cứa? Vì những cánh buồm ra khơi nhưng vẫn làm nặng lòng những bến đợi. Mùa thu này tôi vừa viết xuống những lời thơ bao dung với người nhưng với đời thì tê điếng.

Ai đó, đã muốn tôi viết về những kỷ niệm của 21 năm cầm bút nơi xứ người. Coi như những hồi tưởng trùng điệp mà bất cứ người viết văn nào cũng đều cảm thấy hứng thú. Nhưng với tôi, không phải vậy. Tôi vừa chợt nhận ra tôi đã chọn lầm cái nghiệp. Tôi đã gõ lầm cánh cửa mở ra một khu vườn phủ che những điều dụ hoặc. Khi biết cây nhánh không còn xanh, cũng là lúc trái tim không còn thốt lên những lời kiêu hảnh.

Ngay chỗ tôi ngồi chiều nay, có vệt son nào vừa sót đọng trên miệng tách cà phê. Màu trắng của sành sứ và màu đỏ của son môi chập chờn như một cánh bướm bị thương tích. Lát nửa đây, tôi sẽ trở về căn phòng nhỏ của riêng tôi. Trên khung ảnh, chân dung ai vừa quay lưng như cánh chim vừa đão ngược vòng bay, nàng còn đó nhưng cũng vừa mất đó. Thành phố của em. Ngôi nhà của em. Nhưng trái tim em đã dành cho người khác. Thì tại sao tôi không thả nỗi buồn xuống gối chăn để quên mất đêm dài?

2.

Những nhà văn giống như những đạo diễn trên sân khấu đời. Họ hiểu từng hạnh phúc, từng khổ đau. Họ hiểu từng chặng đường nhấp nhô gai nhọn và hiểu luôn những bình nguyên. Họ để nhân vật thổn thức bất an trên những bối cảnh êm đềm hay để đôi tình nhân suông sẻ nắm tay qua những nghịch cảnh. Họ có quyền phóng tay viết nên những điều hư cấu phủ lên một xã hội thật. Có người còn ví von nhà văn là Thượng Đế.

Tôi không từng nắm bắt được kinh nghiệm đó. Tôi hiểu, nhà văn, là viết xuống dùm khổ đau và hạnh phúc của người khác, cho người khác.

Còn riêng khổ đau của chính mình thì sao?

21 năm sinh hoạt trong Văn Bút, tôi chưa từng biết hết những khúc nôi, những ngọn nguồn, như một chiếc lá bất ngờ rơi trên một suối đời nhân quả.

Những luồng xe vụt qua những ngã tư đèn, để lại những dòng người xuôi ngược.

21 năm theo đòi nghiệp viết, tôi vượt lên những u uẩn đèn vàng, nhưng không lách được những rào chắn phiền muộn. Có những điều phân vân sao cứ ủ chật trong lòng như màu mực đọng hoài trên trang giấy thơ dại?

 

Năm 1992, bài viết đầu tiên tôi viết xuống trong căn phòng chung cư mang tên một Thánh Nữ- Santa Maria. Mùa xuân vừa từ giả chúng tôi để nhường chỗ cho một mùa hè oi bức. Những cơn gió từ hoang mạc thổi về, vuốt ve trên mặt vách đá hai bên đường đi làm và ngọn đồi mang dấu chân của người da đỏ. Trước đó là thời điểm của tháng ba còn những đóa hoa Bluebonnets mọc dài trên xa lộ. Màu hoa gợi hứng cho một chuyện tình đồng thời khởi đầu cho một định mệnh. Truyện ngắn “HOA BLUEBONNETS CHO HAI NGƯỜI” tôi viết xong một tuần lễ trong đó có hai ngày cuối tuần ngoài quán cà phê Donkin Donnuts. Tôi hoàn chỉnh và đánh máy lại bằng chiếc máy đánh chữ xách tay mượn từ một người bạn tốt bụng. Đêm mênh mông những cánh gió bên kia cầu 183, những dòng chữ cũng mênh mông bày tỏ một hạnh phúc. Tôi không biết tôi có thể viết được nhiều hay ít sau này, nhưng tôi biết tôi không thể không viết vì đời sống này cho tôi nhiều thứ hơn tôi tưởng. Tôi viết, vừa để tiếp nối những mạch viết bị tắt nghẽn sau ngày 30 tháng tư, 1975. Và cũng vì một lý do khác.

Trong một vài số báo mà tôi tìm mua tại các chợ  Austin, tôi đọc thấy một Thông báo của Tổ chúc Văn Bút Nam Hoa Kỳ. Nội dung kêu gọi những cây viết tại phía Nam Hoa Kỳ và những vùng phụ cận gởi truyện ngắn dự thi nhân dịp kỷ niệm 30 tháng tư. Thời hạn nhận bài (tôi không nhớ rõ) nhưng hạn cuối là ngày 30 tháng tư năm 1992. Lúc tôi đọc thông báo và viết bài gởi đi thì thời gian chỉ còn hai tuần. Tôi gởi truyện ngắn “H B C H N” về cho Ban Tổ Chức. Sau một tuần, tôi gọi phone cho nhà văn Nguyễn Văn Sâm- vừa là Chủ Tịch VB,  vừa là một thành viên trong Ban Tuyển Chọn để hỏi xem bài đã đến chưa. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm nói chưa nhận được bài- chắc bưu điện làm thất lạc- Ông khuyên tôi nên gởi hỏa tốc (over night). Vì thời gian hết hạn nhận bài chỉ còn vài ngày. Tôi vừa nguyền rũa Bưu điện, vừa bóp bụng tìm ra chỗ gởi Over night. Cước phí khoảng 10 dollar và mấy mươi xu- cho một cái thơ đi suốt đêm- Một số tiền không phải nhỏ đối với một người mới vừa định cư như tôi.

Đêm sau, tôi gọi cho nhà văn, và  được ông trả lời là bài của tôi đang nằm trên bàn viết.

3.

Cái định mệnh mà tôi nói ở trên, là Giải Truyện Ngắn Văn Bút Nam Hoa Kỳ năm 1992. Ngày tôi tháp tùng một người bạn (đang là Supervisor của tôi- tên là Michael Nguyen) về Houston nhận giải, tôi gặp nhà văn Nguyễn Văn Sâm lần đầu tiên. Nhà văn Xuân Vũ của Đường Đi Không Đến ngồi trên hàng ghế Chủ Tọa và bên cạnh là nhà văn, nhà báo Nguyển Đình Phùng, cùng một vài người khác, tôi không nhớ. Giải thưởng 500 dollars như thông báo, sụt xuống còn 300. Và những tin tức không vui nằm đàng sau hậu trường Văn Bút. Nghe nói hình như đang có sự rạn nứt nào đó trong nội bộ làm cho nguồn tài chính dùng để phát giải bị trở ngại giờ chót. Tôi nhìn quanh căn phòng dùng làm nơi phát giải. Chỉ có khoảng 20 người, tính vừa Ban Tổ Chức, vừa các tham dự viên gởi bài. Và thêm vài ca sĩ nhạc sĩ cây nhà lá vườn…

Tôi trở về Austin, buổi chiều nhá nhem và không bao lâu sẽ mịt mùng trên đoạn đường mang dáng vẻ mùa thu. Người bạn ngồi sau tay lái dù nói chuyện bên tai tôi, nhưng hình như không dấu được sự thất vọng muộn phiền. Còn tôi, số tiền 300 dollars trong phong bì, dù sao cũng làm tôi an lòng đôi chút, vì tôi biết nhờ vậy mà tôi có thể thu về những giá trị tinh thần khác, sau này. Cái giá trị mà vật chất không thể san sẻ được.

Con đường có lúc chìm trong hàng cây sồi đang oằn oại và ánh trăng mờ nhạt trên đầu. Dưới ánh sáng dù không chói lòa nhưng hào quang đã như một khúc tình đau rát mặt, có khả năng kéo tôi bay lên những nghịch cảnh hay vinh quang của đời thường. Trong đó thấp thoáng những thủy chung và bạc tình. Những sự thật trần truồng và lõa lồ cũng từ đó hiện ra

4.

Tôi thành danh và đứng vững trên đôi chân của mình, từ mùa thu 1992. Có cần để viết xuống hay không, khi ý nghĩa của hai chữ đó ẫn giấu đàng sau là một lời nguyền rũa?

Những dòng mực có miệt mài cùng tháng năm, như cơn mưa thấm sâu vào lòng đất. Những mầm hạt cuối đời tưởng trở thành bông hoa nhưng cuối cùng tản lạc trong mùa màng. Những trang văn hổn hển ước vọng không qua hết cuộc buồn vui. Những tình yêu óng chuốt một thời. Nơi có môi hôn cùng nước mắt lung linh màu đêm phơi phới. Tất cả lần lượt trở về, sau những bước chân kiếm tìm tuyệt vọng.

Có nghĩa gì đâu những giây phút phù hư nhưng kéo dài hơn hai mươi năm? Tôi ngồi đếm Thành Bại, Mất Còn.

Trong suốt thời gian sinh hoạt cùng Văn Bút, biết bao nhiêu bằng hữu đi qua đời nhau. Biết bao nhiêu vì sao băng qua một thiên hà khô lạnh. Từ cột mốc buổi chiều mùa thu cách đây 21 năm, tôi bước qua một chặng dài vụn vỡ những hào quang. Những dấu chân ướt mèm như dẫm lên cơn say tiền kiếp.

Nói sao cho đủ khi đêm dường như không thể hồi sinh thành sáng mai cũng như những ước mơ bị dán chặt xuống cuộc đời. Những người bạn, những tâm hồn thân quen đuổi theo nhau về đâu? Những nhân vật mang tình yêu trên vai và trái tim tràn đầy nhân ái?

Có những người bạn văn rất thân- cả nam lẫn nữ- đã quay lưng lại với tôi không cần lời thuyết minh. Có những điều nghịch lý đến nỗi trở thành không tưởng nhưng được họ dựng lên làm bảng chỉ đường cho đám đông xông lên và hành quyết. Họ quên rằng mới ngày hôm qua, hay mới đây thôi, họ đã nhấp môi cùng tôi những chén đắng chờ qua hết một thời nhiểu nhương.

Có những người bạn văn say đắm văn tôi và uống từng lời văn tôi như cửa sổ uống từng luồng gió đêm khoáng đạt. Nhưng bây giờ, họ xa lạ cùng tôi trong một thành phố tưởng chừng xa lạ không kém. Lý do rất mơ hồ.

Những đôi chân đang mõi vì đường dài, trong đó có tôi. Những ký ức không tên nay trở thành lời trăn trối. Rằng không có hạnh phúc hay khổ đau trong một khu vườn mà hoa hồng ít hơn gai nhọn.

Mùa thu sinh ra và sẽ chết đi. Dòng sông không bao giờ chảy ngược.

Đừng chờ đợi tôi viết về Văn Bút Nam Hoa Kỳ. Nơi tôi trưởng thành và già nua vì ảo tưởng một bến bờ hạnh phúc. Nơi tôi khát cháy một tình yêu đích thực giữa người và người. Chưa vội nói đến giữa những người cầm viết.

5.

Có những điều dù rất quen nhưng cuối cùng lại lạ lùng làm sao. Có những lúc tôi tưởng chừng chạm tay vào một cánh cửa đã khép.

Tôi yêu những đêm mưa về sáng thu mình đi qua những hành lang loang loáng ánh đèn để đến nhà nàng. Những cơn mưa quen thuộc và dấu ái như vậy sao hôm nay dội vào lòng tôi nhiều nhức nhối. Như tiếng lòng lặng thinh gõ nhịp lên quá khứ muộn phiền.

Tôi gối đầu lên những đợi chờ. Và mơ ước giản đơn một màu lá. Có những giọt mưa làm mát những thăng trầm đồng thời có những giọt mưa làm úng đất đai.

21 mùa thu đi qua tôi đứng trong mảnh vườn chữ nghĩa, nhưng chân dợm bước ra ngoài. Nhiều lần.

Tôi chỉ muốn những con chữ tôi viết xuống trở thành những cánh bướm bay lên làm đẹp cho đời. Không cần biết bão giông đang thổi tốc lòng người. Cánh bướm đã mỏng mà lời văn tôi còn mỏng hơn. Nên cuối cùng bất lực…

Tháng 10, 2012

PNY

Saturday, December 29, 2012


PHÍA CUỐI CHÂN TRỜi
Thụyvi

LỜI THƯA,
Bài này tôi viết vào năm 2000 và được đăng tại Hải ngoại với tên “ Phía Cuối Chân Trời”
Bất ngờ, mấy tuần nay trong nước vài Blogs Lề Trái đăng lại bài này với tựa “ Cớ Sao Phải Tiếc “
Nhận thấy bài rất hợp với hoàn cảnh những người trẻ trong nước đã vượt qua sự sợ hải để tranh đấu cho Nhân Quyền Tự Do…
Tác giả đăng lại bài này, mời quý vị cùng đọc…



1.
Bất ngờ Ca Dao báo tin nàng sẽ về Việt Nam trong vài ngày tới mà không nói rõ lý do khiến trong lòng tôi tuy có khấp khởi mừng thầm nhưng vẫn cứ thắc mắc tại sao nàng không nói đầy đủ ý nghĩa của sự trở về nhất là thời gian gần đây đối với tôi nàng tỏ vẻ thờ ơ tránh né đến độ khó hiểu bằng những đối thoại miễn cưỡng, khá nhạt nhẻo...
Tâm trạng đợi chờ của tôi trong trường hợp này không thoải mái chút nào, đây không hẳn là tâm trạng của sự náo nức đợi chờ trong thương yêu mà còn là tâm trạng của một người ngoi ngóp trong kiên nhẫn lẫn hồi hộp. Chẳng hạn như giờ này đây chung quanh tôi tràn đầy bóng tối nhưng tôi không thể nào ngủ, chỉ cố gắng nằm im trong cảm giác dằn co giữa thương yêu trông đợi về mối tình ghi dấu thật nhiều kỷ niệm nồng nàn của hai đứa cũng như vừa trộn lẫn một nỗi niềm chênh vênh trãi rộng như muốn nhận chìm tất cả những tiếng động dường như còn tiếc nuối vang vọng rời rạc ngoài kia.
Tôi quen Ca Dao tại nhà một người bạn và chú ý ngay đến cô bé có khuôn mặt tuy thật xinh xắn, nhưng dáng dấp thì rụt rè như con mèo khờ nhìn thật dễ thương nên sau đó tôi quyết đeo đuổi cho bằng được vì tin rằng đây chính là người con gái trong mơ của mình huống chi nàng còn khiến tôi sinh lòng hào hiệp vì cám cảnh trước một gia cảnh oái ăm như tiểu thuyết trong đó có người cha trầm lặng và đứa con gái không phải do ông sinh ra rồi tiếp theo định mệnh mở thêm một oan trái khác ngay thời gian ông quẩy túi nhẹ bổng đi trình diện tập trung cải tạo theo lịnh của nhà nước là lúc vợ ông chấp nối lại với người tình xưa - người đàn ông trở về hả hê sau đoàn người huyên náo trong những ngày biến động của đất nước. Người đàn ông hãnh tiến đó là một trong trong nhóm nhỏ sinh viên học sinh phơi phới năm nào - đã gây rối Sài Gòn một dạo, sau đó bỏ trốn, lên rừng rồi bặt tăm…bỏ lại người con gái là mẹ nàng với giọt máu vừa được tượng hình trong bụng.
Mười năm đằng đẳng. Cuối cùng, người tù được thả nhưng ông càng lặng thinh gần như vô cảm vì đã nghe về sự phản trắc của người vợ. Ông dường như sẵn sàng để chịu đựng thêm những điều bất ý không lối thoát...Hình như ông cũng chưa bao giờ nói về những chuyện riêng của gia đình bởi ông là người biết kềm chế để cân bằng sự sống... Không phải đến bây giờ ông mới ý thức những điều này đâu mà ngay từ đầu trong ký ức của ông đã trải qua những ngày tháng không bình yên về gia đình, sau này là một cuộc đổi đời...đây chính là chuỗi xích chắp nối một cách khắng khít những mảnh vỡ tan hoang trong lòng mà không có gì cứu vớt được nếu không nhờ đứa con gái bé bỏng đã can đảm chọn đứng về phía ông như một cách báo hiếu người cha đầy độ lượng.
Cùng chịu chung hoàn cảnh thay đổi một thể chế là chịu chung tất cả các thảm trạng khốc liệt, vì thế cha con nàng phải cố gắng lắm, phải dè dặt lắm, phải thu nhỏ đời sống giống như những người chung quanh co cụm lại cọ quậy một cách bất lực trong đáy lưới ngột ngạt, cùng chịu chung một tâm trạng bất an sống mà thấp thỏm đợi chờ vô số bất hạnh nào đó sẽ vô cớ chụp lên đầu vào bất cứ lúc nào.
Tôi xuất hiện đúng lúc như chàng hoàng tử đánh thức nàng công chúa khiến nàng choàng dậy như cánh lá non thở hơi hồn nhiên trong một mùa nắng ấm. Chúng tôi luôn luôn sóng đôi tưởng chừng sẽ kết cục bởi một lễ cưới, nhưng chương trình tỵ nạn bất ngờ mở ra một tương lai tốt đẹp đang vẫy gọi đón chờ. Chúng tôi đang yêu nhau và chưa bao giờ nghĩ tới chuyện chia lìa nhưng trong hoàn cảnh này những người tuổi trẻ như chúng tôi - những người thanh niên cùng thế hệ hiện tại giống như những con cá mắc kẹt trong vũng nước cạn làm sao tôi có thể là sợi dây buộc cánh chim trời đang có cơ hội thoát ra cánh cửa chật hẹp bay vút trong bầu trời lộng gió. Vì thế, ngày tiễn nhau, nước mắt nàng thấm ướt cả vùng ngực tôi. Trước khi chia tay, tôi cúi đầu chào từ giã người cha, ông mỉm cười với ánh mắt thật cương nghị nhưng tôi thấy loang loáng ánh lên chút lửa thật nồng.
2.

Tôi đứng chen lẫn trong đám đông ồn ào chật chội trong không khí nóng bức nơi cổng chờ của phi trường để đón Ca Dao và cứ bị đẩy qua đẩy lại mỗi lần có người bên trong đi ra khiến tôi nhiều lần phải kiễng chân, bị đẩy lùi vào một góc đứng căng mắt hồi hộp chờ đợi cho đến khi có tiếng ai đó kêu to " Ca Dao kìa" và trái tim tôi đập rộn ràng hơn khi thấy bóng dáng nàng xuất hiện đàng xa. Trong lúc tôi chưa kịp chồm ra mừng thì một người đàn ông lạ mập mạp chen ra ngoài chạy tới choàng vai tặng nàng bó bông hồng thật to vừa cười hớn hở trong ánh sáng đèn flash lấp loé liên tục. Sau vòng vây của gia đình Ca Dao đến bên tôi vẻ như mừng ngày tái ngộ nhưng không hiểu sao tôi lờ mờ nhận ra dường như điệu bộ nàng có chút gì không thật thà nên mặc dù tôi rất xúc động nhưng bằng một kềm giữ phi thường tôi đứng im cười bối rối.
Thấy cảnh trước mắt tôi cảm nhận ngay mọi chuyện đã tan vỡ, đã lỡ dở hoàn toàn nhưng vì cả nể tôi theo nàng về cùng chuyến xe, cho nên dù ngồi sát bên nhau tôi cũng không còn biết nói thêm với Ca Dao như thế nào ngoài những hỏi thăm lấy có. Tôi cảm thấy lạc lõng trong đám đông thân tộc bên ngoại của nàng, nhất là cảm thấy có gì ngăn cách với cô gái mà tôi từng yêu thương giờ lạ lẫm với mái tóc hoe vàng bung lên như kiểu thời trang của những cô ca sĩ trong những tụ điểm ca nhạc đang nở rộ ngoài kia.
Cuộc tái ngộ thật ngỡ ngàng. Sự xa lạ vẫn nguyên vẹn vì đáng lẽ chúng tôi có rất nhiều điều để kể lể về những lời nhớ thương nhau, nhưng trong suốt một buổi chiều, chúng tôi nói với nhau những điều vụn vặt, gượng gạo với những tiếng Việt rời rã mà nàng cố tình không muốn nói càng làm tôi vướng víu trong nỗi thất vọng vô bờ. Đúng là bây giờ nàng là một người khác và tôi không phải là tôi, do đó tôi thấy mình không cần phải chịu đựng với những cố gắng vô ích, tôi tìm điếu thuốc và bật lửa vừa lúc với tiếng nàng hốt hoảng kêu lên “ Oh ! No, no...”. Giọt nước đã tràn khỏi cái ly đầy ắp. Tôi nhìn nàng, muốn nói một câu, nhưng rồi chỉ mỉm cười với hai chữ xin lổi và dứt khoát đứng lên đi ra cửa với tiếng gọi tên tôi thật thảng thốt chạy đuổi từ ở phía sau lưng.
3.

Tôi đi lang thang một cách vô ý thức trong dòng xe cuống quít, đầu óc như rơi vào khoảng không mịt mù. Tôi cứ đi trong trạng thái mộng du như vậy mà không biết làm cách nào mà tôi có thể ghé được vào quán café cũ kỹ quen thuộc đầy kỷ niệm của tôi với nàng. Tôi ngồi chìm đắm trong lặng lẽ hồi lâu. Thật lâu. Khoảng không gian mát mắt với màu lá phủ xanh um, khiến lòng tôi bình tĩnh trở lại chút đỉnh nhưng lại khiến tôi rơi vào trạng thái buồn rười rượi khi nhớ lại chỗ ngồi này, những chiếc ghế này, những cái bàn này thảy thảy ghi dấu một thời hai đứa thương nhau, gắn bó nhau với từng hơi thơm quấn quít trên vai tôi cùng những lọn tóc mềm chảy dài trên triền lưng con gái.
Có lẽ bây giờ tâm hồn tôi đang lội sâu vào một thế giới đổ vỡ mà trước đây trong sự chừng mực của lòng tự trọng tôi đã mơ hồ khám phá ra những thay đổi của nàng đã manh nha từ mấy tháng nay nhưng tôi cứ mâu thuẫn để biện hộ cho hành động này. Bây giờ đối diện nhau tôi thấy không cần phải hỏi gì hết để khỏi phải nghe những giải thích quẩn quanh. Bây giờ chúng tôi đã đi hai con đường khác nhau, đã mất hút, đã lạc nhau mặc dầu tôi chưa kịp chuẩn bị gì để đón chờ tình huống này, nhưng trong cuộc tình, những cuộc tình đứng đắn không bao giờ người trong cuộc muốn điều này xãy ra, nếu có, có lẽ phía nào đó xem tình yêu chỉ là nhà ga tạm bợ hoặc xem tình yêu hôn phối chỉ là cuộc mua bán bằng những đồng đô la bóng bẩy.
Từ ngày còn nhỏ, anh em chúng tôi được cha mẹ dạy dỗ trở thành người cứng cỏi lương thiện để có thể tồn tại được trong bất cứ hoàn cảnh nào và biết phải đứng lên bảo vệ mình, cho nên dù cha tôi đã chết trong trại tù Hoàng Liên Sơn, dù tôi bị nhà cầm quyền phân biệt đối xử vì lý lịch "Con nguỵ" nhưng tôi mặc kệ cứ vác đơn đi thi hết lần này đến lần nọ với số điểm thật cao không ngờ. Cuối cùng … “Chuột chạy cùng sào”… mới vào Sư Phạm chăng? Hề gì đâu tôi muốn mình là người có công ăn việc làm tử tế.
Tôi trầm ngâm hồi lâu trước bóng đen dày đặt mà bùi ngùi khi mường tượng chúng tôi như những con chim ướt cánh, xụi bại, ngơ ngác nhìn vào khoảng không tối mịt không biết làm sao bay lên, làm sao thoát ra, làm sao kêu lên những tiếng kêu thống thiết để báo động cho thế giới bên ngoài biết đất nước này, đất nước do chính cha ông gầy dựng mà dân chúng cứ bị đày đoạ hết lần này tới lần khác khiến ai nấy cũng mang cùng cảm giác như người ở tạm trơ mắt bất lực nhìn xã hội suy đồi. Tôi không muốn bi thảm hóa nhưng trước những bất công, đàn áp đầy o ép...những người trong phía chúng tôi không khác gì dân Do Thái xưa bị Đức quốc xã gom lại, rọ lại, tuy họ chưa giết cấp tốc chúng tôi bằng hơi ngạt nhưng họ tàn ác không thua gì Hitler, họ khủng bố tinh thần chúng tôi thường xuyên bằng đủ mọi cách khiến chúng tôi sống như những thây ma dật dờ không còn hồn vía, thui chột hết tất cả niềm tin hoặc lý tưởng.
Trong khi tôi đang chờ chuyến đi xa, sắp lìa bỏ quê hương mà tâm trạng giống như người Do Thái năm nào náo nức được trở về đất hứa. Bỏ đất nước ra đi mà ai nấy cũng đều mang tâm trạng vui mừng nôn nóng bởi vì trong cái xã hội tồi tệ này tuổi trẻ chúng tôi làm gì có được tự do, làm gì có sự tự chọn mà lúc nào cũng bị bắt buộc phải theo một hướng nào đó, một đường nào đó đầy rẫy vô lý, chúng tôi phải tự mình quờ quạng trong bóng đêm để bảo vệ chính mình. Chúng tôi không được quyền thắp lên đốm lửa, chúng tôi không được chuyền ánh sáng soi rọi một thể chế đầy áp bức huống hoặc la to đòi hỏi nhân quyền này nọ .
Tôi ngồi thật lâu như thế rồi bừng tĩnh khỏi dòng suy nghĩ đầy buồn phiền, dụi điếu thuốc, để tiền dưới đáy ly rồi đứng lên lững thững đi lấy xe. Đêm tối, trời mát, những ngôi sao nhỏ xíu chấp chới trên cao, tôi thở hơi thật dài, lòng dịu lại và thầm thương Ca Dao, nàng có khác gì một số thân phận con gái tội nghiệp trên đất nước nghiệt ngã này. Tôi cũng chợt nhớ tới nụ cười thật tươi của mẹ nàng sáng nay, nụ cười của bà làm tôi rờn rợn.
Nàng tự đánh mất mình rồi, nàng không tiếc. Cớ sao tôi lại tiếc ?
4.

Tôi vội vã phóng xe về nhà, vì chợt nhớ đêm nay, như thường lệ, đứa cháu trai ở Mỹ gọi về tíu tít kể đủ thứ chuyện từ chuyện học, chuyện trong nhà, chuyện chơi banh, chuyện chơi ice- skate…tiếng Việt trơn tru líu lo như con chim đầy sức sống véo von vọng về từ phiá cuối chân trời.
thuỵvi

(Hầm Nắng năm 2000 )

Friday, December 28, 2012


CÓ TỘI HAY KHÔNG CÓ TỘI

LE HOA WILSON
 
 
"Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn, Nó đến từ chính hành động của bạn.

Tín ngưỡng của tôi rất đơn giản. Tín ngưỡng của tôi là lòng tốt...."

Đức Đạt Lai Lạt Ma
 


Tôi thật không biết phải bắt đầu từ đâu để câu chuyện đời lộn xộn của mình có được một chút ngăn nắp để bạn hiểu tôi hơn. Thôi thì bắt đầu vào một ngày nắng đẹp, tôi bước ra khỏi toà án Saigon với cái giấy ly dị trên tay. Tôi có một trai và một gái, và quan toà đã rộng lượng xử cho tôi được trọn quyền giữ cả hai với điều kiện là không nhận được chu cấp từ người chồng. Tôi hoan hô quan toà cả hai tay. Đó là năm 1969.

Bà chị tôi có hãng thầu cung cấp dịch vụ hớt tóc, giặt quần áo, bán hàng kỷ niệm cho quân nhân Mỹ tại Việt Nam và hàng ngàn xe đá để hãng RMK làm phi trường. Đó là một công cuộc làm ăn lớn lao có tới vài trăm nhân viên nên chị nhận cho tôi theo làm để nuôi con. Do đó tôi gặp Ron, người chồng hiện tại.

Bạn ơi, không biết tôi đã tốn bao nhiêu nước mắt cho cuộc hôn nhân nầy. Không biết tôi đã nhận được bao nhiêu lời sỉ nhục khi đi sánh đôi với người chồng Mỹ tại Việt Nam. Nếu phải đếm hết những danh từ thô bỉ, những ánh mắt chê bai, những đối xử khinh bạc của bạn bè, của những người quen biết cho đến những kẻ qua đường vì tôi "lấy Mỹ" thì chắc tôi phải biến thành con rết khổng lồ với cả ngàn chân tay mới đếm hết nổi. Thôi thì chẳng qua là cái nghiệp. Chắc mình đã dè bỉu, chê bai bao nhiêu là người ở những kiếp trước nên kiếp nầy nhận lại "gậy ông đập lưng ông" thôi mà.

Mỗi lần bị "tai nạn" như vậy, tôi giả vờ phớt tỉnh. Những dòng nước mắt tủi hổ cứ chực tràn ra. Ông xã cứ hỏi là "họ nói gì vậy?", tôi thì cứ ai biết đâu, họ dùng danh từ em không hiểu!". Nhưng ông xã thì biết vì anh có rất nhiều nhân viên Việt Nam làm việc cho anh và chắc họ đã giải nghĩa cho anh hiểu địa vị của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội khi họ vô phước kết hôn với ngươì Mỹ.

Sau khi anh hiểu được, tôi không bao giờ quên được ánh mắt của anh nhìn tôi trong những lần "tai nạn" đó. Đôi mắt anh chứa đầy những biết ơn, những chia xẻ, những đau thương, những căm giận, những cảm thông... Anh cầm tay tôi nói: "Thật là không công bình cho em. Anh rất biết ơn em. Sự chịu đựng những nỗi nhục nhằn của em làm tan nát tim anh. Anh cảm thấy không xứng đáng với sự hy sinh của em." Tôi chỉ nói nhỏ: "Cả hai, em và họ đều là nạn nhân, mỗi người mỗi cách. Có phải chúng ta đã hứa là sẽ cùng chung chịu những niềm vui và nỗi khổ trên đời không? Vậy đó không phải là sự hy sinh. Đó chỉ là sự chia xẻ."

 

Và tôi đã sát cánh cùng anh nổi, chìm trong cõi ta bà, trong nụ cười khi gia đình xum họp, trong nuớc mắt khi một đứa con sớm vội ra đi, trong thành công, trong thất bại suốt bốn chục năm qua.

Rồi Trời Đất nổi cơn gió bụi. Năm 1975 tôi dắt díu các con qua Mỹ sống tại California. Bà mẹ chồng ở tận Boston qua CA thăm cháu nội và dâu lần đầu tiên.

Mẹ ruột kẹt lại quê nhà, mẹ chồng ở kề cận, thôi thì hãy vui với hiện tại và những gì mình có. Gạo trồng ở Việt Nam hay trồng ở Mỹ thì cũng nấu thành cơm. Mẹ ruột hay mẹ chồng thì người đàn bà đó cũng đã thương yêu và dưỡng nuôi người mình yêu dấu. Bà hỏi chớ các cháu đã được rửa tội chưa? Tôi nói ngắn gọn "Dạ chưa. Con đạo Phật." Bà mỉm cười không nói gì và không bao giờ nhắc lại.

Hình như người Mỹ có tâm hồn rộng rãi hơn. Bà thường hay lục lọi và gởi về cho cháu nội những quyển thánh kinh rất cũ của gia đình. Tôi nhận và trân trọng giao lại cho các con. Mẹ chồng gần với con dâu hơn người con ruột.

Thời gian qua, một hôm thằng con cả báo cho mẹ biết là nó muốn cưới vợ. Mình đã già rồi mà không hay bạn ơi. Khi nghe con trình bày mọi điều, bà chị la làng chói lói. Trời ơi, nó là con trai lớn nhất mà theo đạo Chúa thì lấy ai mà thờ phượng em? Bạn ơi, bạn nghĩ sao? To be or not to be? Nói Yes, con cứ tiếp tục lo hôn lễ hay nói No, No Way.

Hừm, thờ phượng là nó sẽ nhớ tới ngày mình theo Phật, mua một mâm đủ cả heo quay, gà vịt, có cả bia rượu, bưng lên bàn thờ để một tiếng đồng hồ rồi dọn xuống mời bạn nhậu? Hay là nó cúng mâm chay nhưng lại không ăn? Hay là nó tới chùa nhờ thầy đọc một thời kinh? Thầy lo đọc, nó lo nhớ tới cái đầu gối hơi đau vì quì lâu! Hay nó dọn một cái bàn thờ trong nhà, chưng cái hình mình lên. Có ai đó hỏi con nó trưng hình của ai vậy thì thằng cháu nội nhìn hình và nói "I don't know" !

Chỉ còn cách hỏi nó.

Cô đó hiền không? Dạ hiền. Cô đó giỏi không? Dạ giỏi. Cô đó thích săn sóc con cái, nhà cửa không? Dạ thích. Cô đó thương con không? Dạ thương. Vậy thì Yes, con ơi, Yes. Mẹ chỉ cần thấy con được hạnh phúc, an vui. Mẹ tin vào sự khôn ngoan và lựa chọn của con. (Cho con học bao lâu chắc con không ngu đâu, phải không?).
Vợ chồng con thương yêu nhau và tử tế với Mẹ khi Mẹ còn sống là con đã "thờ phượng" Mẹ rồi. Trong con đã có dòng máu của Mẹ. Con làm một người chồng tốt, một người cha tốt, một con người tốt là con thờ phượng Mẹ đó, phải không? Bạn ơi, bạn có thấy tôi quá "văn minh" không? Quá... quá... tiếng gì hả mà người Mỹ thường hay chỉ mấy ông nghị viên trong đảng dân chủ đó? À à, quá "liberal" không?

 

Vậy là tôi có hai thằng con theo đạo Chúa của vợ và năm đứa cháu nội biết Phật là Budha chớ chẳng biết Nam Mô. Quên cho bạn hay là tôi đã không rửa tội hoặc bắt các con theo đạo nào hết. Tôi để cho chúng tự do chọn lựa khi chúng đến tuổi trưởng thành (hoặc "được" vợ dẫn dắt). Tuy nhiên tôi cũng thường đem các con đi chùa khi chúng còn nhỏ và mỗi khi tết tôi đều dạy chúng lạy bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên. Cho đến bây giờ vẫn vậy. Phải lạy bàn thờ. Đó là điều kiện duy nhứt tôi đòi hỏi gia đình các xuôi gia trong ngày cưới, dù họ là đạo nào. Tôi kính trọng tất cả các đấng dẫn dắt linh hồn.

Mỗi khi gia đình tụ họp tại nhà thằng con cả, nhằm ngày ăn chay, tôi luôn có ít nhứt một món chay rất ngon do con dâu Công giáo nấu. Tôi biết ơn chúa Jesus quá đỗi vì con dân của Ngài quả là một người đầu bếp giỏi và là một đứa con dâu rất hiếu thảo.

Thế là tôi trở thành minority, có nghĩa là thiểu số trong gia đình tôi. Ông xã, hai thằng con, hai cô dâu, năm đứa cháu nội, tất cả là mười người con Chúa. Một đứa con gái và chồng cùng ba đứa con tin tưởng cả Phật lẫn Chúa. Ngày lễ Giáng Sinh và cuối tuần thằng cháu ngoại mười hai tuổi đi đờn violin trong nhà thờ. Khi về nhà ngoại thì vô lạy Phật và... ngồi thiền!

 

Thằng con út thì, bạn có thể gọi nó là người vô tôn giáo, khuyên các cháu của nó không nên mỗi chút mỗi đổ thừa cho Chúa, và khi xưng tội thì phải nhớ chừa cái tội đó đừng lập lại và nhận xét rằng thuyết nhân quả của nhà Phật rất hay, nhưng đôi khi Phật tử lạm dụng thuyết nhân quả để chê đè người khác và vì thế làm cho người ta đau khổ. Bạn thấy nó đúng không? Nó mới hai mươi bảy tuổi và đôi khi nó nói chuyện đạo Phật làm tôi cũng ngẩn ngơ. Nó nghiên cứu đạo Phật bằng tiếng Mỹ. Tôi học Phật bằng tiếng Việt. Không biết có khác nhau nhiều không?

Nói cho bạn mừng dùm là dù thiểu số nhưng đạo Phật trong nhà tôi vẫn thịnh vượng. Tôi chưng bày tượng Phật tùm lum, trong vườn hoa đằng trước, trong sân đằng trước, trong vườn hoa đằng sau, trong sân đằng sau, ngay giữa vườn, trong luống hoa, giữa bụi lan... Bàn thờ Phật ở phòng khách, bàn thờ Phật trong phòng thờ, tượng Phật trên đàn dương cầm, tượng Phật trên đầu ti vi. Đây cũng là một tội ăn hiếp người (chồng) quá đáng, chắc kiếp sau lại phải trả thôi.

Rồi cách đây hai tháng, khi anh và tôi cùng ở tuổi bẩy mươi, phải bạn ơi cái tuổi 'thất thập cổ lai hi' đó, thì có một người quen từ Việt Nam qua chơi. Người nầy đã đi tu Chúa khi còn con gái mười bẩy tuổi và hiện nay năm mươi bẩy tuổi và đã được lên chức Mẹ Bề Trên. Trong khi trò chuyện, Sơ (xin tạm gọi như thế cho gọn) khám phá ra là chồng thì đạo Chúa chánh gốc (quên nói cho bạn biết là bố chồng mình gốc gác người Ý), đã được rửa tội, đã hưởng hết các phép ban ơn v.v... mà lại đi cưới một người vợ ngoại đạo, lại còn không bắt vợ theo đạo của mình. Thế thì khi chết sẽ không được vào nước Thiên Đàng, sẽ không được Chúa tha thứ, sẽ xuống địa ngục v.v... Và Sơ chỉ cho tôi nên đi kiếm Cha để xin Cha làm phép, xin Chúa tha tội cho ông xã để ông xã được trở về với Chúa.

Tôi hoảng hồn nghĩ mình thật là tội lỗi, bấy lâu nay chỉ lo cho linh hồn của mình, còn người bạn đời thì mình lại thờ ơ, may mà có Sơ nhắc nhở. Tôi bèn dịch lại những lời Sơ nói. Ông xã vẫn làm thinh (lại cho bạn biết anh là người ít nói nhất thế gian, bạn có biết tại sao không? Vì chị vợ đã nói hết thời gian rồi, anh chồng làm gì còn chỗ và thời gian để nói nữa, đã cưới nhau bốn mươi năm rồi, phải quen tánh quen nết chớ, phải không bạn?. À hình như anh có lầm thầm cái gì là anh chưa từng bao giờ bỏ Chúa thì tại sao phải trở lại? Tôi thì sợ hãi nên thúc giục anh mau đến tìm Cha.

Bạn có thấu hiểu được nỗi đau lòng của tôi không? Chắc là không. Vì để hiểu được bạn phải ở trong hoàn cảnh nầy và tôi thì không muốn cho bất cứ ai vướng vào cái vòng tục lụy nầy hết. Giống như cái ông gì đó (trí óc tôi lúc nầy chậm chạp quá, đã quên béng tên ổng) đang làm quan lớn với đầy đủ vợ đẹp, con khôn, quyền cao, chức trọng thì bỗng giựt mình tỉnh giấc Nam kha thấy mình vẫn đang ngồi dưới đất, vợ con không, lầu đài không, tiền bạc không, quan chức không.

Giống như bạn, tôi đã "cho anh cả cuộc đời", những tưởng mình đã cùng ai chung chịu nhục nhằn, hạnh phúc, đã cùng ai nở nụ cười, lau nước mắt, đã cùng ai ngẩng mặt, cúi đầu... Ngờ đâu bừng con mắt dậy thấy mình tay không! Mình đã đẩy người ta xuống địa ngục, mình là nguyên nhân để người ta xuống địa ngục. Bạn khuyên tôi phải làm sao? Người ta xuống địa ngục chưa thì tôi không biết, mà tôi thì đã ở trong đó rồi. Lòng tôi tan nát, bạn ơi. Tôi phải đọc tụng kinh gì hả bạn? Lương Hoàng Sám? Thủy Sám? Mà tụng thì ăn thua gì! Nếu tụng mà hết được tội đẩy người xuống địa ngục thì tôi nguyện đọc mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, từ đây cho đến hết cuộc đời.

Ngày hôm sau khi ngồi ăn cơm, dưới cái diã, tôi thấy một cái bao thơ, giống như cái card chúc tết hay chúc sinh nhật vậy. Tôi ngạc nhiên vì không phải tết, cũng chẳng là sinh nhật . Anh chẳng nói gì. Tôi mở card ra đọc những dòng chữ có thể dịch ra Việt ngữ như sau:

"Nếu phải xuống địa ngục và vĩnh viễn bị cấm cửa thiên đàng thì anh sẵn sàng và hạnh phúc chấp nhận. Ngày em nhận lời làm vợ anh là ngày Chúa đã ban ơn phước cho anh và chấp nhận anh vào cõi Thiên Đàng và anh đã ở Thiên Đàng từ dạo đó, nay sao lại còn phải xin xỏ để trở vào? Anh không ăn năn. Anh không ân hận. Anh không van xin. Anh chắc rằng Sơ đã không nhìn thấy những giọt nước mắt của em đã đổ ra cho anh, vì anh, vì hạnh phúc của anh, vì tội lỗi của anh. Nếu thấy thì anh lại tin chắc rằng Sơ sẽ bảo anh:

“Con hãy cám ơn Chúa đã cho con gặp người vợ ngoại đạo nầy'. Em hãy yên lòng, đừng thúc giục anh tìm Cha. Chúa rất nhân từ và thông cảm. Anh đang ở Thiên Đàng."

Đọc xong, tôi ngẩng lên nhìn anh. Tôi lại để cho nước mắt chảy ra thấm ướt tờ thư. Đã lâu rồi tôi không khóc. Lần nầy tôi không cố ngăn lại. Khóc được cứ khóc bạn ơi. Chỉ sợ rằng mình không khóc được và không được khóc!

Bạn có thấy dị không khi một bà già bẩy mươi tuổi còn khóc được vì một lá thư.. (có thể gọi là thư tình không bạn?). Không, đây không phải là thư Tình! Đây là thư Nghĩa! Tình yêu sôi nổi với dục vọng, với ghen tương, với giận hờn đã qua lâu rồi. Đây là sự thương yêu, nâng đỡ, dắt dìu nhau của hai con người đang đi vào đoạn cuối của cuộc đời mà không lãng quên những hứa hẹn ở buổi ban đầu. Đây là Nghĩa Vợ Chồng. Dù cho bạn có thành hôn với người Việt Nam, người Mỹ, người Trung Quốc, người Đại Hàn, người Pháp, người da đen, da trắng, da màu... thì nó vẫn tồn tại và rực rỡ trong tâm bạn.

Tôi hy vọng mãnh liệt rằng Chúa sẽ không bắt tội anh vì tôi tin rằng anh đã sống giống như ý Chúa: Thương Yêu, Trung Thành và Nhân Ái.

 

Đây là một phần câu chuyện đời lộn xộn của tôi và tôi xin chia xẻ cùng bạn với tất cả trái tim tôi. Có tội hay không có tội? Anh đã đi trật đường của Chúa dạy? Anh đang từ bỏ Thiên Đàng và trên đường xuống địa ngục? Anh thật không biết. Tôi là tên ác quỷ đang đẩy người vào chốn tối tăm? Tôi thật không biết. Chúng tôi chỉ biết cầu xin Chúa và Phật cho chúng tôi được có mặt bên nhau những khi hoạn nạn, được giúp đở nhau những lúc vấp ngã, được nấu cho nhau chén cháo trong lúc ốm đau, được nắm tay nhau mỉm cười khi mở cửa nhà đón đàn con cháu.

Bạn ơi, tôi không cần phải có bàn thờ và anh thì không cần phải kiếm Cha để rửa tội. Tôi vẫn là một Phật tử thuần thành và anh vẫn làm dấu thánh giá. Chúng tôi không quá "liberal" phải không bạn? Thiên Đàng và Niết Bàn của chúng tôi có nghĩa là " in the here, in the now" như Sư Ông N.H vẫn nói. Không biết chúng tôi có hiểu đúng ý của Sư Ông không?

Hai chúng tôi Tội Lỗi và Hạnh Phúc ngang nhau. Cả Phật và Chúa đều rất Bác Ái và Công Bằng. Bạn đồng ý hay không?





 

 

Wednesday, December 26, 2012




CUNG TRẦM KHI TÔI VỀ


PHẠM TƯƠNG NHƯ
















Tôi về em còn chờ tôi không?
Khung trời xưa vàng trưa mây hồng
Ngoài đồng mình cùng chơi diều giấy
Mười năm ai chờ người sang sông?
Tôi về trường nhìn quanh sân xưa
Ve râm ran lời ru dư thừa
Chim trên cành ca bài tạm biệt
Tình mười năm còn ai nghe mưa?
Tôi về phà qua sông lênh đênh
Người thân quen nhìn nhau như quên
Là đà chim bay tìm cố xứ
Dòng người trôi và tôi không tên !
Tôi về nghe đàn ai trong đêm
Cô đơn cùng vàng trăng bên thềm
Sương khuya và lòng tôi rơi rụng
Hoa cam trong vườn thơm hương em
Tôi về càng xa tôi tha hương
Trăm năm qua cơn mơ vô thường
Tình yêu, tim tôi là trái phá
Bùng lên ! Bùng lên điều buồn thương
PTN
Dec. 21 2012


 

Monday, December 24, 2012


ĐỌC BÊN THẮNG CUỘC NGHĨ VỀ BÊN THUA CUỖC
VŨ THị PHƯƠNG ANH
 
 
Bên Thắng Cuộc của Huy Đức từ lúc gần ra đời đến nay đã làm xôn xao dư luận - nói như một học giả người Mỹ trong Vietnam Studies Group (từ ĐH Washington) thì cuốn sách là một sensation. Người khen thì rất nhiều, kẻ chê cũng không ít, nhưng dù yêu dù ghét thì mọi người đều phải đồng ý một điều: đây là cuốn sách đầy đủ nhất về lịch sử VN sau năm 1975, cho dù tất nhiên vẫn rất phiến diện, như chính tác giả cũng thừa nhận và dự liệu.

Như rất nhiều người Việt khác ở trong và ngoài nước, tôi cũng háo hức tìm và đọc cuốn sách này. Vì cuốn sách rất dày, nên tôi chỉ mới lướt qua toàn bộ cuốn sách (Phần 1: Giải phóng) và đọc kỹ những phần mình quan tâm nhất, đó là những chương về cuộc sống ở SG sau năm 75, trong đó có các chương mà nhiều người khen hay như các chương Cải tạo, Đánh tư sản, Nạn kiều. Nhưng có lẽ không giống với nhiều người khác, tôi không có ấn tượng gì mấy về những chương vừa nêu. Những chi tiết trong các chương ấy đa phần tôi đã biết quá rõ và gần như có thể tự viết ra được mà chỉ dựa vào trí nhớ. Vì đó chính là một phần không bao giờ quên được của cuộc đời tôi.

Trước khi "giải phóng", tôi chỉ là một đứa trẻ con chưa đầy 15 tuổi, nhưng sau ngày 30/4/1975 tôi đã từ vai trò một đứa con thứ trong gia đình (tôi thứ ba, có cả anh trai và chị gái, nên hầu như chẳng bao giờ được giao việc gì quan trọng) bỗng trở thành một trụ cột, khi anh chị tôi đi "di tản" theo dòng người đông nghẹt leo lên những chiếc tàu để chở quân nhân Mỹ rời VN vào chiều 29/4. Ba tôi thì làm việc với chế độ mới không được bao lâu rồi xin tự nghỉ việc vì "mất sức lao động". Ông vốn có bệnh glaucoma (cao nhãn áp) từ trước, đến sau 30/4 thì trở nặng, phải vào Bệnh viện Bình Dân vài lần, tôi và mẹ tôi phải nuôi bệnh khá vất vả, đặc biệt là những ngày sau năm 75 thiếu thốn đủ thứ. Ra viện, ba tôi có đi làm thêm ít lâu nhưng đi làm về rất căng thẳng, hay kêu nhức đầu (từ trước 1975 ông đã bị "thiên đầu thống" tức là đau nửa bên đầu) rồi cuối cùng làm đơn xin nghỉ việc.

Lúc ấy, việc tự động xin nghỉ việc của ba tôi đã làm cho mẹ tôi có chút ít oán trách, vì không phải ai cũng được chế độ mới lưu dụng - thậm chí có thể nói là "trọng dụng" như ba tôi: ông là một công chức hành chính rất giỏi của chế độ cũ, tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chính của VNCH, trước năm 75 làm việc tại Sở Thuế Quận 5 với chức vụ gì đó khá cao, nhưng sau năm 75 sau mấy ngày đi học tập (3 ngày?), ông vẫn được làm việc với chế độ mới. Tôi còn nhớ ông làm tại Phòng Thu Quốc Doanh thuộc Sở Thuế TP HCM với trụ sở đặt trên đường Đồng Khởi, chuyên phụ trách mảng thu thuế của các công ty sản xuất của tư nhân mới được chế độ mới tiếp quản; lúc ấy tôi còn đến đó một vài lần để đưa giấy tờ gì đó trong thời gian ba tôi nằm bệnh viện.

Tôi vẫn nhớ trước khi ông quyết định nghỉ thì ba mẹ tôi có tranh cãi với nhau khá nhiều về điều đó, và mẹ tôi cố khuyên ông cố gắng đi làm vì con cái (lúc ấy là tôi) cần có lý lịch "cha (mẹ) làm việc cho nhà nước" để thi đại học, nhưng cuối cùng ông vẫn nghỉ và tôi đã đi thi đại học với cái lý lịch "mẹ buôn bán nhỏ, cha trước 1975 làm việc cho chế độ cũ, sau 1975 đi làm tại ..., đến năm 1977 nghỉ việc vì mất sức lao động."

Mãi đến sau này, khi tôi quyết định nghỉ việc khỏi cơ quan cũ (cũng chính là trường đại học mà tôi đã thi vào, đậu, là sinh viên rồi sau đó được giữ lại làm giảng viên đến mấy chục năm) như một hành động phản đối (dù chỉ lặng lẽ và không nói ra cho ai biết), tôi mới nhớ lại hành động nghỉ việc của ba tôi hồi ấy, và tự hỏi, phải chăng ông đã quyết định nghỉ vì không thể chịu nổi những chính sách vô lý, vô nhân của chính quyền mới mà lúc bấy giờ ông phải cam tâm làm người thực hiện, và thậm chí phải đóng vai người tham mưu?

Câu hỏi này không ai có thể trả lời cho tôi được, vì cũng như nhiều người thuộc bên thua cuộc còn ở lại VN sau năm 75, ông đã ra đi mang theo tất cả những suy nghĩ của ông về chế độ mới và thời đại mới xuống tuyền đài mà không kịp chia sẻ cho ai.

Cũng vì rút hồ sơ để nghỉ việc nên tôi mới có dịp nhìn thấy trên tờ khai lý lịch đi thi đại học của tôi đã được cán bộ tuyển sinh năm ấy ghi chú ở trên là "con ngụy quyền".

Chẳng rõ dòng chữ ấy trên lý lịch có làm ảnh hưởng gì đến "sự nghiệp chính trị" của tôi không, chỉ biết sau khi ở lại trường thì tôi luôn bị lẹt đẹt, chậm chạp hơn những bạn bè cũng lứa trong việc xét biên chế chính thức, xét tăng lương, xét cử đi học, vv.

Nhưng cũng chẳng hiểu tại sao tôi chưa bao giờ thắc mắc về những điều ấy cả, mà luôn chấp nhận đương nhiên bị đối xử tệ hơn, "vì mình là con ngụy, lý lịch lại xấu, anh chị đi di tản, định cư ở Mỹ" mà. Tôi luôn nghĩ như tôi mà được đi học, lại có việc làm trong nhà nước (thay vì phải đi buôn bán ở chợ như nhiều người khác cùng lý lịch), thì dù có bị kỳ thị đôi chút (!), lẹt đẹt đôi chút, cũng là đương nhiên, và thực ra là may mắn lắm rồi!

Nói thẳng thừng ra, thì chúng tôi còn sống sót đã là may, vì chúng tôi là bên thua cuộc!

Vâng, suốt mấy chục năm đó từ ngày 30/4/1975, ở phía bên thua cuộc là tôi và gia đình tôi, rồi các chú, các bác, cô dì cậu mợ và con cháu của họ hàng tôi và sau này là gia đình ông xã tôi - vốn là một Thanh niên xung phong (TNXP), đi theo lời kêu gọi của ông Võ Văn Kiệt (VVK) để tìm cách gột rửa lý lịch như Huy Đức (HĐ) đã viết trong chương về thanh niên xung phong - có biết bao nhiêu là bi kịch đã xảy ra.

Bà con tôi, bạn bè tôi và hàng xóm tôi có rất nhiều người phải đi học tập cải tạo, có người trốn trại cải tạo bị bắn chết, có người đi vượt biên bị bắt, khi công an còng tay đã nhảy xuống biển chết, có người đi vượt biên bị mất tích cả gia đình, có người bị đánh tư sản, tịch thu nhà cửa, mất toàn bộ gia sản nên phát điên, suốt ngày đi lang thang, nói năng lảm nhảm.

Ông xã tôi sau khi đi TNXP được ít lâu bị đưa sang Campuchia khi đang chiến tranh thảm khốc, khi ba chồng tôi bị bệnh mất thì ông xin phép về chịu tang cha rồi bỏ đi vượt biên luôn nhưng không thành, bị cắt hộ khẩu, cũng đã có lúc phải lê la ở chợ trời buôn bán thuốc tây.

Tôi và đứa em kế cũng đã từng được cha mẹ cho làm đơn đi "bán chính thức", đóng tiền mỗi người cả chục cây vàng (chả biết do ai mách bảo, dẫn mối), nhưng vừa mới đi đến Vũng Tàu (giả dạng làm khách du lịch) thì được báo là "động, không xuống ghe được" nên lại về chờ.

Rồi ngay sau đó là vụ rồi chìm tàu ở SG (không rõ có phải là vụ Cát Lái trong sách của HĐ không?), vụ này tôi cũng biết rõ, vì lúc ấy ở khu Ông Tạ, Xứ An Lạc có nguyên cả một Hợp tác xã (HTX) đan len gồm mấy chục gia đình với cả trăm nhân mạng cùng đi và mắc nạn trong chuyến đi định mệnh ấy. Các xác chết được nhận về, đem về Nghĩa trang Chí Hòa (bây giờ là Công viên Lê Thị Riêng) "người nào người nấy đã trương lên, to như con bò", tôi nghe mấy đứa hàng xóm kể như vậy khi chúng rủ nhau lên nghĩa trang để xem, chúng rủ cả tôi nhưng tôi sợ ma, không dám đi. Khăn tang trắng cả một xóm, rất thê lương. Chính vì vụ này mà ba tôi ngừng hẳn không còn bao giờ dám nghĩ đến chuyện cho con cái đi vượt biên nữa, nên tôi vẫn còn ở VN đến tận bây giờ.

Sau này, mỗi khi có dịp nghĩ đến những sự kiện đã xảy ra, thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi, những nạn nhân xấu số của bên thua cuộc ấy đã nghĩ gì, và cảm nhận những gì, trong những phút giây đau đớn cuối đời?

Nhưng rồi thì người ta cũng phải quên đi để mà sống. Trong số bạn bè có lý lịch thuộc "phía bên kia" giống tôi (có lẽ phải khá hơn tôi một chút, vì ngoài việc thuộc về phe thua cuộc thì tôi còn là Bắc di cư, Công giáo, cha ngụy quyền, anh chị di tản), cũng có những người sau này vào Đảng, nắm giữ những chức vụ quan trọng.

Nhiều người cố gắng học hành để đi làm cho công ty nước ngoài khi VN bắt đầu mở cửa, lương bổng tử tế, cuộc sống khá ung dung. Một số không nhỏ đi định cư ở nước ngoài theo diện HO của cha sau khi đi cải tạo về, hoặc lấy chồng, lấy vợ là con của những người HO và sau đó được bảo lãnh để đoàn tụ gia đình. Mọi việc rồi cũng nguôi ngoai, cuộc sống cứ tiếp diễn, bạn bè, đồng nghiệp, sui gia có nhiều người thuộc phe chiến thắng, là Đảng viên ĐCS ...

Tưởng như cuộc chiến đã hoàn toàn qua đi, sự chia rẽ giữa những người Việt thực sự đã không còn... Mà cũng chẳng ai muốn nhớ đến hoặc nhắc đến những ngày tháng đen tối ấy để làm gì. Chỉ giữ ở trong lòng, vì nó là một phần cuộc đời mình, thế thôi.

Không ai trong chúng tôi lại có thể ngờ có ngày những ký ức và sự kiện lịch sử ấy lại được một người từ bên thắng cuộc viết ra. Những dòng chữ trong cuốn sách của HĐ được tác giả viết bằng giọng văn rất bình thản, khách quan, chẳng thấm vào đâu so với những ký ức đầy cảm xúc của chúng tôi, những người đã thực sự phải trải nghiệm những thí nghiệm của một chế độ mới đối với những người anh em thua cuộc của họ. Nhưng cũng chính vì giọng văn bình thản đó mà những sự vô lý đến không thể tưởng tượng và không thể tin được của những chính sách sau ngày "giải phóng" mới càng lộ rõ.

Những thông tin trong cuốn sách không làm tôi xúc động - vì chăc chắn các chi tiết mà tôi có thể kể ra từ kinh nghiệm cá nhân còn lâm ly và kỳ bí hơn nhiều - mà chỉ làm cho tôi thắc mắc, không biết đến bao giờ thì những người anh em thắng cuộc mới thực sự hiểu đầy đủ những người thua cuộc, và ý thức rõ những điều phi nghĩa, phi nhân mà họ đã làm đối với những người anh em kém may mắn của họ?

Nếu bên thắng cuộc không chịu thực tình tìm hiểu và không chân thành nhận lỗi, thì sẽ không bao giờ có sự hòa giải thực sự.

Để tồn tại, những người thua cuộc đã phải chấp nhận - dù muốn dù không - từ đó đến nay, đã cố nguôi ngoai để quên đi và chung sống, nên chắc chắn họ không cần sự hòa giải này. Giờ đây, những người thực sự cần hòa giải phải là bên thắng cuộc chứ không bao giờ là bên thua cuộc nữa. Bên thắng cuộc chỉ có một cơ hội duy nhất để có thể dễ dàng có được sự hòa giải thôi, đó là có sự độ lượng và công bằng đối với bên thua cuộc ngay khi họ vừa chiến thắng.

Vì khi đối xử bất công, và thực hiện chính sách trả thù với bên thua cuộc, lại trong suốt một thời gian dài như vậy, thì bên thắng cuộc đã cho phép bên thua cuộc tự giải thoát khỏi nỗi đau thua cuộc của mình bằng sự khẳng định chắc chắn rằng phe thắng cuộc chẳng qua thắng được là vì họ tàn ác hơn. Nỗi đau thua cuộc đã được gột rửa bằng niềm tự hào rằng chính mình mới là người có chính nghĩa

Và tôi tự hỏi, liệu ai sẽ là người đầu tiên viết lên những trang sử VN đương đại từ cái nhìn phía của những người thua cuộc đây?

VTPA

 

 

Saturday, December 22, 2012


TÚY HỒNG, VIẾT VỀ VÕ PHIẾN

 
Túy Hồng là vợ góa của nhà văn Thanh Nam.
 

 

Hai tiết trôi qua, giờ ra chơi, tôi vào phòng giáo sư ngồi nghỉ. Các nam đồng nghiệp làm như không nhìn thấy tôi, vẫn nói chuyện với nhau.

Hôm nay sắc trời đổi khác, nhưng tác phong của mấy ông thầy giáo trẻ ấy vẫn như mọi ngày, họ không bao giờ nhìn tôi nửa con mắt, hoặc tán tỉnh tôi một đôi lời mà lòng tôi thì rất sẵn.

Trường trung học Hàm Nghi tọa lạc sau cửa Thượng Tứ, một ngôi trường khiêm tốn, không nổi tiếng như trường Quốc Học và trường Đồng Khánh. Học trò con trai xứ Huế, sau cuộc cách mạng quân đội lật đổ chế độ gia đình trị họ Ngô, đã đứng vùng lên biểu tình bạo động, đấu tố giáo sư.

Ai ai cũng biết chắc rằng thế nào Bắc-Quân cũng tổng tấn công và đánh chiếm Huế bất cứ giờ phút nào, cha mẹ và các em tôi di cư vào Sàigòn. Tôi là công-chức mới vừa được bổ dụng, bị kẹt lại ở phố cổ, vùng địa đầu.

Tôi xin thuyên chuyển về dạy trường Gia-Hội. Trường này nằm sau đầm sen trước tư dinh ông Hoàng Mười, sáng chiều có con đò nhỏ một mái chèo ngơ ngẩn trầm tư giữa hai bè bèo tím biếc và vạt rau muống tươi xanh non dại như lòng con gái nhẹ mềm..

Những đêm rằm, tôi chèo thuyền về xóm Đập Đá đất khô cứng, ngó xuống thôn Vĩ-dạ xanh um hàng cau lả mình trong gió đa tình, trong ánh trăng Hàn Mạc Tử, lòng thấy nhớ những cuốn sách dày, những tập thơ mỏng, những tên tuổi người viết lách.

Những ngày thứ bảy, tôi phóng xe đạp lên đồi Vọng-Cảnh, hướng về điện Hòn-Chén, thả tầm mắt ngắm núi Ngự Bình trọc đầu, nhìn xa xa về cửa Thuận An, rồi đăm chiêu ngắm Thành Nội êm đềm tĩnh lặng.

Cất dấu hình bóng sông Hương núi Ngự trong tâm, ấp ôm khung trời xứ Huế đa tình đa tật trong lòng và không mấy nặng tình với luân lý Khổng Mạnh, tôi nảy sinh tham vọng viết văn. Nhiều đêm tôi thức trắng viết truyện ngắn đầu tay gửi đăng báo Sàigòn. Một tuần lễ trôi qua, tòa soạn báo Văn Hữu phúc đáp. Trong bao thư trả lời có một nghìn đồng tiền nhuận bút và những dòng chữ hồi âm của nhà văn Võ Phiến: “Sao tôi khờ dại và ngu như bò! Sao tôi thật thà chất phác như trâu. Suốt thời gian làm việc ở sở thông tin Huế, tôi dốt nát và u mê như heo! Tôi không dám tìm gặp cô một lần, và không đủ can đảm làm quen với cô hồi đó! Xứ Huế đang yêu ai và có bao giờ sông Hương ngủ đò… Chào cô!”

Hai ngày sau, Võ Phiến thân ái tặng sách: “Tôi gửi cô cuốn Hồng Lâu mộng.”

Tôi phóng xe đạp ra bến sông ngồi suốt buổi chiều. Chớp leo lét trên đồi, sấm rung rền từ đàng xa, mây nằm chồng lên nhau như mây đang làm tình. Cơn giông và làn gió cuốn laị, đàn quạ bay lượn tròn, kêu man dại rồi vòng lại bay lui. Tôi tự hỏi nếu ai đó có một chút buồn, một chút chán đời trong buổi chiều rực rỡ này, kẻ đó chắc không phải là tôi.

Sau đó, tôi dắt xe đạp đi bộ vào làng Quáng, dừng lại bên một cái hói, con lạch này là một nhánh của sông Hương.

Nguyệt Biều làng Quáng bao xa

Cách nhau cái hói trổ ra hai làng.

Trước khi rẽ vào Bến Ngự, tôi ghé chợ mua một mớ khoai lang dương ngọc, một chút ít bột hàn-the để làm một gói mứt Huế gủỉ tặng Võ Phiến.

Những lát mứt khoai lang nặng nghiệp văn nghệ, những trang tiểu thuyết Hồng-lâu mộng nặng tình văn hữu, thư từ giao thiệp đều đều mỗi ngày, nhưng Sàigòn và Huế giới nghiêm chúng tôi: tôi không xê dịch khỏi Huế và Võ Phiến cố định ở Sàigòn. Rồi một buổi sáng nắng Huế hung hăng bốc nóng, ông cai trường dúi vào tay tôi một bức thư, Võ Phiến với nét chữ nghiêng nghiêng đã viết: Anh xin thú thật với em một tội lỗi, vì một ngày kia em sẽ hỏi. Xin em tha thứ cho anh: anh đã lập gia đình từ lâu, và vợ chồng anh có bốn đứa con.

Đó là cái nghiệp của ít nhiều nhà văn và nhà thơ nữ miền Hương-Ngự, những kẻ tháo gỡ vòng dây trói Khổng Mạnh Huế để vào nam hòa nhập với tự do Sàigòn. Những người viết nữ thường sa vào tay những kẻ đã có vợ và nhiều con. Nếu tôi là một ông thầy tướng số mù, (thầy bói thì phải mù, chứ thầy bói mà hai mắt mở thao laó thì nói ai nghe), tôi sẽ tiên đoán vận mệnh của các nhà văn nữ: văn chương thì rạng rỡ, nhưng tình duyên thì trắc trở. Những nhà văn nữ thường thích sinh sống ở Sàigòn hơn ở Huế, Vĩnh Long, Phan Rang. Sàigòn thông cảm tâm sự của họ hơn Huế, và những nơi khác. Sài gòn có đủ đàn ông để họ lãng mạn và làm bạn.

Cha tôi và ông em rể của tôi tìm đủ mọi cách vận động cho tôi được thuyển chuyển vào Sàigòn. Hồi đó, một công chức xứ Huế xin đổi vô Sàigòn là một việc không phải dễ, nhưng một công chức Sàigòn xin đổi ra xứ Huế, vùng điạ đầu gai lửa thì… muốn là được .

Tư dinh ông Hoàng Mười rộng rãi trang nghiêm, bộ quốc gia giáo dục thu mua và trùng tu thành trường trung học Gia-Hội, tôi làm đơn xin được ở trong khuôn viên nhà trường. Cấp trên cấp cho một phòng cạnh nhà ông Cai. Bà Cai gánh cho tôi hai thùng nước giếng mỗi ngày.

Mẹ tôi ra Huế một lần và yên tâm khi thấy chỗ ở của tôi an toàn.

Tôi tham vọng viết truyện dài, nhưng không có thực tài, khả năng chỉ đủ để sáng tác truyện ngắn. Trong một truyện vừa không ngắn không dài, tôi miêu tả hình ảnh một tên đàn ông đểu giả gian dối, một kẻ ngọai tình với tôi và phụ tình với vợ. Nhiều đêm dài mất ngủ, cùng với hoa quỳnh ngày tàn đêm nở, tôi trút giận hờn vào những câu văn ác ôn. Tình yêu là một giọt máu mang số 35.

Võ Phiến khuyên:

“Em hãy liên lạc với tòa báo, nói với ông chủ bút gửi trả lại cái truyện ngắn đó… không đăng báo. Em mà để cái truyện ngắn đó đăng lên báo… thì thì em lỗ, anh thì chẳng mất mát gì.”

“?.”

“ Em hãy thay đổi bút pháp, thay đổi giọng văn, đừng trút giận hờn vào bài viết. Đừng đùa với dư luận, đừng khai sự thật với độc giả… Phải dấu kín, phải niêm phong bí mật lại. Dư-luận độc địa lắm. Chúng ta không lấy được nhau thì chúng ta sẽ làm sui gia với nhau. Con anh sẽ lấy con em.”

“Con anh đã lớn sầm sầm cái đầu, còn tôi thì chới với chưa chồng, làm sao đẻ con kịp để mà… sui gia.”

Năm đó, học sinh Huế bãi khóa biểu tình, tuyệt thực dấn thân, đấu tố thầy giáo, trường học đóng cửa suốt nửa niên khóa.

Các tướng lãnh miền Nam âm mủu lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm trong lúc Bắc quân Cộng Sản tấn công dồn dập, dân chúng hoang mang, mất niềm tin. Giang sơn miền Nam sắp tiêu tan, những tướng lãnh cầm nắm vận mạng quốc gia cứ phóng tay phát động những cuộc cách mạng. Cách mạng xía vô đời sống hằng ngày của người dân, cách mạng kéo theo chỉnh lý, phản cách mạng nối tiếp đảo chánh, miền Nam nhất định sẽ chết yểu. Ông tướng này đá ông tướng kia lăn xuống để mình trèo lên ghế cao.

Học sinh chờ đợi chừng đó để bỏ học. Trời làm thiên tai, Huế giông tố mưa gió bão lụt, trường học vừa mới mở cửa đã đóng lại. Suốt hai mùa thi đầu hè và cuối hè, tổng số thí sinh trúng tuyển ít quá, chính quyền lo sợ học sinh bất mãn sẽ bạo động bãi khoá tuyệt thực. Để o bế lòng dân, bộ giáo dục cho mở thêm một kỳ thi trung học đệ nhất cấp thứ ba trong năm gọi là ân khoa, một khoa thi đặc ân dành cho học trò thi hỏng được thi lại, và giáo chức được đặc ân đi chấm thi tại nơi nào tuỳ thích trên lãnh thổ miền Nam: Đà Lạt, Nha Trang, Lâm Đồng, Buôn Mê Thuộc.

Tôi đi Dalat chấm thi và tạm trú tại cư xá Bùi Thị Xuân. Võ Phiến từ Sàigòn đến Dalat trước tôi vài tiếng đồng hồ.

Trời mau tối, lâu sáng. Dalat chưa vào đêm, gió xé rách những cánh hoa và xoay tít chúng trên vai người đi đường. Các nữ giáo chức ăn cơm tối xong họp mặt chuyện trò trong phòng khách. Cô Hồng Vân nói sẽ làm đơn xin thuyên chuyển lên Lâm Đồng dạy học. Chị Lai Hường thì hy vọng được đổi đến cao nguyên Dalat hành nghề mô phạm vì chị đắm đuối say mê một sĩ quan võ bị Thủ Đức. Bà Minh Khuê giám học trường Đồng Khánh Huế, cũng hứng lên muốn xin thuyên chuyển đến trường Bùi Thị Xuân Đàlat sương mờ…

Đêm tối, Võ Phiến đến cư xá Bùi Thị Xuân tìm gặp tôi, nhìn tôi qua cửa kính một lát rồi gõ cửa.

Chúng tôi đi đêm dưới trăng mờ Dalat. Vườn nhà ai, những búp hoa Quỳnh màu bạch ngọc đã uốn cong cánh từ chiều muộn để sẽ nở bung cánh ra khi màn đêm dần xuống. Mỗi bước đi của chúng tôi là mỗi nhịp đời nhẹ êm, mỗi hé nở âm thầm của quỳnh hoa, mỗi hơi thở dài sâu của câm lặng tình cảm. Bóng tối chụp lên cảnh vật, nhưng ánh trăng cũng sáng soi chiếu xuống vòm cây cành lá. Đêm nhẹ êm, thế giới về khuya tĩnh lặng, hương quỳnh tương thơm dịu trời mây. Trong thời gian và không gian này, quỳnh hoa sẽ bung nở với trăng, với khoảng không bao la và với bóng tối lan tràn để khi đêm hết, quỳnh hoa sẽ tàn vì mặt trời chói sáng, quỳnh hoa sẽ chết đúng vào ngày mai với ańh thái dương nóng cay. Cuộc đời của hoa quỳnh chỉ trường thọ được một đêm thôi.

Bàn tay nhà văn xoắn chặt vai tôi:

“Bây giờ anh đưa em về, ngày mai anh sẽ đến đón em sớm.”

Ánh trăng trên đường về sờ mó vuốt ve thịt da tôi, tôi nếm tình yêu trên chót lưỡi, nhắm mắt nhìn hình bóng mình in trên đường đời sỏi đá, trên lối đi lót gạch và đầu óc tôi tự hỏi làm sao một ai đó có thể vướng mắc chút sầu riêng trong một đêm trăng toàn bích và an lành như thế này. Tôi tự hỏi thêm một câu nữa: sao anh không cùng em đi hết đêm dài? Tình yêu cay như phở tái chín, tình yêu chua như hàn the, hay tình yêu làm xác thân ta rạo rực sướng khoái… làm sao giảng nghĩa được? Anh và em như hai hạt muối mặn hòa tan trong đêm ngọt. Những cảm giác em đang có, thúc đẩy em muốn đi cùng anh khắp tổ quốc và đến một nơi chỗ không có tiếng reo hò chiến thắng, không có tiếng khóc than thất thủ kinh thành, không có nội chiến Nam-Bắc quốc cộng. Em đang hứng, em đang đầy và em đang căng, em có thể hứng và đầy và căng và yêu anh từ chỗ anh đang đi bên em đến bất cứ chỗ nào anh nằm xuống ôm em.

Sáng hôm sau, nhà văn bốc tôi ra khỏi cư xá giáo chức để đến một ngôi nhà cho thuê.

Đàlat hôm ấy thật đẹp. Sau mấy ngày âm u, hôm nay nắng hồi sinh. Trời bao la nắng hanh vàng, tôi hôn nắng, tôi hôn ánh sán .

Tôi giữ bàn tay Võ Phiến khi đi giữa rừng thông. Dưới chân đồi, xe lam ba bánh đưa rước khách và xe ngựa thồ qua lại ngược chiều. Hai bàn tay tôi thật khô, thật ấm, và thật mềm, nhưng đa tình lắm lắm.

Lên tới đỉnh cao trên lủng đồi thông, chúng tôi yên lặng ngồi xuống. Chiều tắt nắng. Thời tiết lười biếng. Gió thở từng hơi dài mát dịu. Trời đất hòa đồng với ngàn hoa muôn lá. Trời trên cao và đồi thông Dalat dưới thấp hiểu lòng nhau, xích lại gần nhau hơn. Hoa lilac màu tím biếc bông cà. Hoa đừng-quên-em màu hồng sẫm. Tình yêu đột xuất trong xác thịt tôi. Tình yêu là cặp bài trùng ăn ở với nhau mãn đời, là đôi bạn không bao giờ đoạn tuyệt, là chuyện vui để cười chút thôi, là tâm địa không sâu độc đa mang thù oán, là quần áo lót yêu thương vợ anh mặc vào người, là viên thuốc bổ, là sự thúc đẩy anh phải kiếm việc làm, và là con chó tốt bụng chỉ sủa gâu gâu chứ không bao giờ cắn…vân vân … Chỉ gồm hai chữ mà thôi, nhưng sao mà rắc rối không định nghĩa được cái gọi là tình yêu.

Võ Phiến xích lại gần:

“ Anh không ham muốn em từ phút ban đầu, cũng không ham muốn em sau cái phút anh nhìn em qua cửa kính cư xá Bùi Thị Xuân, mà anh chỉ yêu em bởi vì những câu văn đầu tay em viết trong truyện ngắn gửi đăng báo..Yêu đời sống, chúng ta hãy đầu cơ khả năng, thì giờ và lòng thành vào văn chương. Anh cho nghệ thuật tất cả tài sản tinh thần của anh. Con đường anh đi là con đường văn nghệ, chấp nhận sống và chết, trừu tượng và cụ thể. Anh không phải là họa sĩ, nhưng anh có màu sắc nét vẽ; anh không phải là nhạc sĩ nhưng anh có âm thanh tiếng động.”

Nhìn thông reo, anh nói tiếp lời tình vào tai tôi:

“Em hãy nhìn lên: Trời gió, thông reo, em hãy ngắm kỹ những đọt thông trên cao tít. Gió như vậy, nhưng những đọt thông vẫn không lay động, chỉ những cành lá dưới thấp xoay mình mà thôi.”

Tôi gật đầu:

“ Đalat tuyệt vời! Đất Đalat nhiều phân bón nên cây cối tốt tươi... Mỹ viện trợ cho miền Nam gạo cơm tiền bạc, và cả phân bón cây cối”.

Võ Phiến không cử động bàn tay nữa:

“Huế đất rộng, người ít. Nhà cửa ở Huế, nhà nào cũng có một miếng vườn. Sàigòn thì quá đông người chật chội, nạn nhân mãn và nạn kẹt xe là hai mối đe dọa sẽ làm Việt Nam khó mà trở thành một cường quốc Đông nam Á.”

Tôi nhìn quanh:

“Nhiều người ở Huế đang chuẩn bị di tản vô Saìgòn… Tôi cũng sắp theo gia đình vô Nam lánh nạn Cộng Sản.”

“Đừng vô Saìgòn nắng nóng! Huế có muà thu gió mát. Còn Sàigòn muốn hưởng gió mát mùa thu thì phải có quạt máy.”

“Anh cứ khuyên tôi đừng xa Huế, bộ anh muốn mượn tay Cộng Sản giết tôi chắc? Theo ý anh thì miền Nam còn cầm cự được bao lâu nữa mới mất vào tay Cộng Sản? ”

“Mối lo âu hàng đầu của chúng ta là chúng ta không tập đứng với hai bàn chân của chính mình, mà phải dựa vào một thế lực từ bên ngoài.”

Võ Phiến là một văn tài lớn, ngòi bút của ông như quả banh lăn quá lằn vôi biên, ông viết đủ mọi thể loại: văn xuôi văn vần thơ bút ký. Ông cộng tác với nhiều báo chí nhưng tuyệt đối không viết tiểu thuyết ba xu đăng báo hằng ngày.

Ông tự do nhiều, chống Cộng mạnh, và sẽ chống Cộng cho đến khi hai lỗ mũi không còn thở được nữa. Và ông quê một cục, cả đời không hát một câu, không thuộc lòng một bài ca nào hết. Đó là một người vô thần vô thánh không can nổi, không đi lễ chùa cầu an, không vô nhà thờ rửa tội sám hối, không Phật không Chúa không Hồi-giáo Mohamed. Có lẽ danh nhân thế giới mà Võ Phiến mến mộ là Sigmund Freud.

Tôi hỏi:

“Có phải đức tin của anh là tình dục?”

Khi chúng tôi ngang qua quân trường võ bị, bỗng có một người đàn bà đi ngược chiều, tay dắt một đứa con gái mặc áo đầm.

Võ Phiến mặt mày tái xanh, sợ hãi, vụng về hoảng hốt qúynh lên:

“Vợ anh, em tìm xe về đi.

 

 

Võ Phiến đi Huế công tác một lần nữa. Nhà văn Đỗ Tấn dẫn ông ta đến thăm tôi lần đó.

Lần đó Võ Phiến nói:

“Em không bằng Nguyễn thị Hoàng, em thua kém Nguyễn thị Thụy Vũ. Họ kính nể người yêu, họ không oán trách người tình, không căm giận những người đàn ông mà họ đã thương. Còn em, em không tốt, em nói xấu anh dữ dội trong truyện ngắn em viết…”

Qua hết mùa xuân đau thương, tôi giã từ thành phố tình ca, thành phố cổ thơm hương đức hạnh của các bà công chúa, ngát hương thiền của các bậc chân tu, tỏa hương trầm của cố đô những muà lễ hội và nhẹ thoảng hương sen tinh khiết từ các ao hồ.

Em là gái trời cho không đẹp, và trời không cho một đàn ông. Một cô gái đã già, một nữ giáo chức cô đơn dạy học ở một tỉnh lỵ chậm tiến, nhưng tôi không Huế một chút nào cả, tôi nhanh chóng hội nhập đời sống Sàigòn. Hồi đó, tôi nói tiếng Bắc, phát âm rõ từng chữ và đúng giọng, nhưng không bắt chước được giọng Nam.

Giờ phút đầu tiên tiếp xúc với học sinh trong Nam, tôi ngạc nhiên nhận thấy học trò trường Mạc Đĩnh Chi Sàigòn ngoan hiền, kỹ luật và kính trọng thầy cô.

Tôi đến sở thông tin tìm gặp Võ Phiến lần cuối rồi dứt khoát chấm hết mối tình phiền não này. Không thường xuyên lui tới tòa soạn Bách Khoa nữa, không luôn luôn gặp gỡ nhóm văn sĩ Bách Khoa nữa, tôi xoay qua giao lưu với các nhà văn tàn dư của nhóm Sáng Tạo, Hiện Đại.

Quen biết qua một hai cái thư trao đổi kiến thức từ lúc còn ở Huế, bấy giờ tôi mới gặp mặt văn thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, tức đại úy Dư Văn Tâm trong nha chiến tranh tâm lý.

Người ta bảo Mai Thảo mục hạ vô nhân; Võ Phiến tỉ mỉ chẻ sợi tóc ra làm tư; Thanh Tâm Tuyền khó khăn kiêu ngạo không bao giờ khen ai một câu. Thanh Tâm Tuyền phê bình Võ Phiến và các văn hữu khác: “Những nhà văn viết truyện dài 5 trang! Những nhà văn không có sách xuất bản!.. Những người con nít viết văn, viết cái kiểu gì mà đọc lên hiểu liền, hiểu ngay, không cần phải suy đoán. Một tác phẩm có giá trị là một tác phẩm đọc xong, người đọc không hiểu tác giả muốn nói gì, muốn trình bày một quan điểm gì. Đó mới đúng là một cuốn sách hay. Muốn viết được truyện dài thì phải kéo dài tài năng ra.”

Vài tháng sau, tôi gửi bản thảo truyện dài đầu tay Những sợi Sắc Không dự thi giải Văn học nghệ thuật toàn quốc. Các giám khảo chấm giải là Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn vv… Các thí sinh gồm có Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ vv..

Truớc hội đồng giám khảo, Võ Phiến lên tiếng:

“Xin đề nghị toàn ban giám khảo loại bỏ tác phẩm Những sợi Sắc Không, không cho phép tác phẩm này dự thi vì tác giả đã đánh máy bản thảo gửi đi dự thi chứ không gửi một cuốn sách. Yêu cầu ban giám khảo không nên chấm chọn tác giả này trúng giải. Muốn trúng giải Văn học nghệ thuật toàn quốc, thí sinh phải gửi sách đi dự thi, chứ không được gửi bản thảo…”

Trong buổi họp tuyên bố kết quả, Võ Phiến nhấn mạnh:

“Giải Văn học nghệ thuật là một giải thưởng lớn. Truyện dài Những sỏị Sắc Không chỉ là một tập giấy đánh máy, một tập bản thảo chưa in thành sách, chưa phải phải là một cuốn sách. Tôi xin lập lại: đó chỉ là một tập bản thảo được đánh máy… Hãy loại bỏ.”

Phiên họp tiếp tục vào ngày hôm sau; Võ Phiến lên tiếng:

“Nhã Ca là một dáng lớn, một tài hoa chói ngời trong văn học, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn thị Thụy Vũ là những người viết đang rực sáng, đang lên hương...”

Những gì xẩy ra trong mỗi buổi họp mặt của ban giám khảo, Mai Thảo đều kể hết với Thanh Nam:

“Một tác phẩm đoạt giải nhất phải được ba giám khảo đồng ý. Trong lần họp cuối cùng, Võ Phiến gân quá, gạt hết mọi ý kiến xây dựng của các giám khảo khác. Tác phẩm Những sợi Sắc không chỉ được hai ông thầy đồng ý, nhưng quy luật bắt buộc phải đủ ba ông. Cuối cùng, ông trưởng ban tuyên bố: Truyện dài Những sợi Sắc không chỉ được hai vị giám khảo chấp thuận, hãy còn thiếu một. Vậy, tôi sẽ tường trình lại với văn phòng phủ Tổng Thống rằng: Giải Văn học nghệ thuật năm nay không có tác phẩm trúng giải nhất, mà chỉ có hai tác phẩm đoạt giải nhì đồng hạng.”

Mai Thảo kể tiếp:

“Bỗng từ cuối phòng họp, Võ Phiến ho lên một tiếng,uống một ly chanh đường cho dịu cổ rồi nói một hơi: Năm 1963 là một năm ghi dấu những bước tiến, những thành công của văn chương nữ giới. Những nhà văn nữ của chúng ta giờ này đang làm chấn động tình cảm, đang xuôi ngược tìm kiếm chất liệu, đang lao đao vấp ngã vì những vấn đề triết học quá cao siêu, vì những hoang mang ngờ vực trước tình thế sa đọa của đất nước.”

Vị chủ tọa hội nghị tuyên bố bế mạc buổi họp:

“Thưa quý vị, tác phẩm Những sợi Sắc Không của Túy Hồng chỉ đoạt giải nhì đồng hạng”...

Bỗng Võ Phiến dong tay lên phát ngôn một lần nữa, ngón tay trỏ cong cong như cái lưỡi câu:

“Khoan khoan… tôi đồng ý với giám khảo Nguyễn Mạnh Côn và giám khảo Mai Thảo: Tác phẩm Những sợi Sắc không đoạt giải nhất văn học nghệ thuật miền Nam năm 1970.”

Mai Thảo tiếp theo:

“Võ Phiến chẻ sợi tóc ra làm tủ. Những gì hắn đã trải qua, hắn nhớ dai và thù dai... Hắn là nhà văn lớn, một cây bút kẻ cả, nên cũng có lắm người đàn bà đi qua đời hắn. Tất cả những người đàn bà bước vào đời hắn, đều được hắn tạp ghi, tạp luận và tạp bút. Nhưng cái tác phẩm Những sợi Sắc Không đó, hắn loại bỏ, bởi vì có điểm thiếu sót là tác phẩm chưa in thành sách. Và tác giả Những Sợi Sắc Không, cũng không hề được hắn nhắc tới tên, như hắn đã âu yếm nhắc tên Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, ThuỵVũ trong buổi họp. Võ Phiến là một cây bút phê bình khách quan và công bằng, không thiên vị. Điều gì hắn cho là đúng với lẽ phải thì hắn làm.”

Võ Phiến viết nhiều sách, sở trường của ông là Truyện Vừa, không dài không ngắn.

Gật đầu, rung đùi, nâng ly bia 33 lên miệng, dụi mẫu thuốc lá vào cái gạt tàn, Thanh Nam nói:

“Giải nhất, giải nhì, với giải đồng hạng… Suýt chút nữa thì không ăn được cái giải gì và làm trò cười cho thiên hạ.”

Sau khi Mai Thảo từ giã để đến phòng trà với người ca sĩ hát bài có phải em là mùa thu Hà Nội, Thanh Nam nhìn tôi:

“Có những kẻ nhớ lâu và giận lâu.. Anh, một người con gái anh đã quen và đã yêu thì không bao giờ anh ghét. Anh công bằng nói rằng Võ Phiến thù em.”

Tôi trợn mắt:

“Văn không phải là người. Những gì tôi viết ra… đều là đùa nghịch giỡn chơi thôi. Tôi chỉ biết một điều về Võ Phiến là ông ta rất thương yêu vợ.”

Thanh Nam bảo tôi bỏ nghề dạy học để xoay qua viết bài cho đài phát thanh.

Chiến tranh tiếp diễn, miền Nam là món nợ, là một cục nợ khổng lồ người Mỹ mắc từ tiền kiếp nên kiếp này phải nhúng tay vào chiến cuộc miền Nam, một quốc gia nhược tiểu đang giãy chết với bốn đạo quân: Mỹ, Bắc Việt, giải phóng, Nam quân.

Thanh Nam, là một văn sĩ nhỏ nhưng chơi toàn với những tay lớn, đã nhờ một ông thiếu tá giới thiệu tôi với một bác sĩ quân y để xin một giấy chứng nhận tôi bị đau bệnh thần kinh điên loạn, được nghỉ phép ăn lương, gọi là nghỉ phép giả hạn. Tôi ở nhà nghỉ giả hạn ăn lương của đài phát thanh Mỹ bốn năm và vẫn lãnh lương giáo chức của chính phủ miền Nam Việt Nam. Sau đó Thanh Nam nhờ nhà báo Lê Phương Chi giới thiệu tôi với ông giám đốc Khai Trí để bán tất cả những tác phẩm tôi đã viết, đang viết, và sẽ viết với một số tiền trả trước. Thanh Nam nói:

Em cứ làm theo lời anh. Trời phạt anh chịu.”

Nhờ viết bài cho nữ danh ca Thái Thanh đọc hằng đêm trên làn sóng điện chiến tranh tâm lý, ba mươi tháng tư ngày quốc hận, tôi đem được gia đình sang Mỹ. Trạm nghỉ chân đầu tiên trên bước đường di tản là đảo Phú-Quốc. Công chức đài phát thanh được lãnh mỗi người ba mươi sáu đô la tại biển đảo này.

Sau một tuần lễ, người tị nạn leo lên hạm đội số 7 của hải quân Hoa Kỳ để sang Mỹ đổi đời.

Lênh đênh trên đường biển sóng reo sóng cười, biết mặt trùng dương biết trời mênh mông, nhưng dân tị nạn cứ quen miệng kêu khổ ơi là khổ. Hầm tàu chật chội nóng hực hỏi người. Trẻ con ói mửa, iả đái và kêu khóc vì đói bụng, đau đít, rôm sảy. Ngày đêm mọi người nằm lăn ra trên sàn tàu. Không có chiếu trải dưới lưng, không có chăn đắp trên mình, mỗi ngày mỗi tị nạn chỉ được cấp phát một hộp lương khô C-ration, nhưng mỗi ngày, hy vọng mỗi vươn lên. Hoa Kỳ, Mỹ, Núi vàng.. đời sống mới đang mở cửa trước mắt chào đón mọi người.

Một bà nằm cạnh tôi nói nhỏ:

“Hạm đội số bảy của đại cường quốc cái kiểu gì mà nghèo khổ thế này.”

Tôi đáp:

“Chắc đây không phải là hạm đội số bảy, mà chỉ là hạm đội số sáu rưởi..”

Chiến hạm lướt sóng, vượt Thái bình dương rồi đến Mỹ.

Mệt mỏi vì say sóng, Thanh Nam bia rượu uống nhiều từ thuở bụi đời nên giờ phút này xỉu. Tàu cập bến, dân tị nạn phải trèo thang dây để lên bờ.

Một người đàn ông đồng hương chỉ tay vào bốn đứa con tôi và nói:

“Ông Bà một nách bốn đứa con dại, để tôi giúp, tôi đỡ hai đứa bé này trèo lên bờ.”

Rồi ông ta kéo hai đứa nhỏ đi.

Lên đến đảo Guam, Thanh Nam bảo:

“Em phải ở trong trại lính không được đi đâu hết, thằng Ốc Sên sẽ phải đi xin sữa cho thằng Cu Tí uống.  Anh mỗi ngày phải ra khỏi trại lính để hỏi tin tức bạn bè ai đi được, ai kẹt lại.”

Theo lời đồn thì những ai làm đài phát thanh ăn lương Mỹ đều được Mỹ bốc đi hết. Tôi được biết Viên Linh và Lê Tất Điều hiện đang có mặt trên đảo tị nạn.

Cuối cùng, dân tị nạn được tàu bay bưng đến thành phố Pennsylvania miền Bắc Mỹ.

Từ đảo Guam đến Hiệp Chủng Quốc, con chim sắt thẳng cánh bay bốn ngày đêm. Chúng tôi sinh dưỡng bốn đứa con, gia đình sáu người, nhưng Thanh Nam không lanh trong những lúc người đàn ông cần phải lanh, chỉ tìm được năm chỗ ngồi. Bốn ngày đêm giam hãm trong bụng tàu bay chật hẹp, thằng con út nằm trên đùi tôi lên cơn sốt nóng lạnh, tôi mệt mỏi ngồi ôm con niệm Phật từ bi gia hộ cứu độ cho nó đừng làm kinh run giựt tay chân. Trẻ con dưới ba tuổi làm kinh, lớn lên sẽ không cao.

Mất ngủ đêm ngày, đầu óc tôi thao thức nghĩ rằng mình đã sống hư hỏng hơn một nửa cuộc đời ở quê hương rồi, bây giờ phải lo làm ăn, dại gì mà chơi, ngu gì mà lười. Ước ao gì có được một cuốn từ điển Việt Anh lúc này để học Anh văn ngay tức khắc. Nước Mỹ đây rồi, đất lành ta đã thiền hành và đã đến, Việt kiều sẽ học English để đi làm, sẽ dồn tiền mua nhà, mua xe, mua bảo hiểm. Việt kiều sẽ có một sớm mai hồng, một bình minh xanh để ngắm, để nghe tiếng chim nói vào tai rằng đêm đã tàn, ngày đã nở, phải vùng dậy để lắc lư con tàu đời. Quá khứ đã chết, cuộc đời mới đã nhô ra ở phương đông…

Bỗng tôi sực nhớ mấy lời trao đổi giữa nhà văn Lê Tất Điều và nhà báo Lê Phương Chi ngày nào còn ở Sàigòn:

“Tình yêu của Võ Phiến dành cho cô bạn xứ Huế đã chết nghẻo cổ rồi, gái Huế ngủ đò và hò Huế chấm hết từ canh ba rồi. Bây giờ Võ Phiến chỉ mơ ước ngủ với Trùng Dương biển cả.”

“Bạn nói đúng quá và thật quá! Trùng Dương Nguyễn Thị Thái trẻ hơn nhiều và đẹp. À, mà có phải Trùng Dương đó không? Sức mấy! Võ Phiến mơ cao quá!”

Tôi ngủ thiếp đi một chặp cho đến khi chiêu đãi viên hàng không loan báo phi cơ sắp đáp xuống phi trường Pennsyilvania. Hành khách phải nịt dây an toàn thật chắc và cài khóa an toàn thật kỹ, không được rời chỗ ngồi, không được vào phòng vệ sinh từ giờ phút này.

Khi phi cơ ngừng cánh, tiếp viên hàng không lại bảo hành khách hãy ngồi yên… rồi lại bảo đứng dậy chuẩn bị hành lý và bước xuống máy bay trong trật tự.

Chân tôi chạm đất hứa, đầu tôi đội trời tự do. Đại bản doanh quân lực Hoa Kỳ hùng anh nhất thế giới đặt tại đây. Tôi đi và thở không khí trong sạch của một siêu cường quốc sản xuất nhiều thuốc xịt trùng và diệt sâu bọ hữu hiệu nhất thế giới, nhiều xe hơi tối tân nhất thế giới.

Thanh Nam gặp bạn quen dừng lại nói chuyện, tôi kéo bốn đứa con bước nhanh về lều trại số tám, dân tị nạn kêu là barrack số tám.

Truớc cửa barrack có một người đàn ông đang đứng đợi ai đó. Tôi tiến lại gần chút nữa. Hóa ra là cố nhân Võ Phiến. Ối giời ôi… Võ Phiến cũng đi được sao? Ôi thôi rồi tôi quên lú đi mất. Võ Phiến cũng cộng tác với đài phát thanh Mỹ. Vậy mà tôi cứ tưởng chỉ có Lê Tất Điều với Viên Linh trong chuyến hành trình qua Mỹ quy mã này mà thôi!

Thằng Cu Tý bỗng kêu lên:

“ Mẹ..Tý muốn ỉ quá.”

Con chị nó quát lên:

“Câm cái đít lại! Không được ỉa trong quần.”

Võ Phiến chạy chậm đến bên tôi, mặt mày tái nhạt và ẩm mồ hôi, hơi thở tưởng như sắp đứt, nói:

“Em đem con em đến barrack số mười đi, gia đình anh đã ở trong barrack số tám này rồi, vợ anh đang nghỉ ngơi trong đó, vợ anh hơi mệt, vợ anh cần dưỡng sức, vợ anh đang nằm trong đó. Vợ anh… vợ anh..”

Tôi chưa thấy một người đàn ông nào thương vợ nhiều như thế, yêu vợ kỹ như thế. Vợ anh, vợ anh.. cái miệng cứ tía lia vợ anh vợ anh, làm như người ta sắp giựt mất.

Bà Võ Phiến tên cúng cơm là Viễn Phố.

Túy Hồng