Friday, August 30, 2013


Tình Ca …Trần Quang Khải
thơ mhhoàilinhphương












Chưa một lần em kể
Chuyện tình buồn mười năm
Nỗi đau dài lặng lẽ
Như ngày tháng mù tăm

Anh xa rồi…có phải?
Sao vẫn còn quanh đây…
Mắt môi nồng thân ái
Yêu dấu tràn trên tay

Người về trong chiêm bao
Dáng buồn im như đá
Em níu đời hư hao
Qua muôn trùng bến lạ

Không còn qua phố xưa
Hai hàng cây đan lá
Không còn đứng chơ vơ
Chờ nhau trong nắng hạ

Em một đời… viễn xứ
Pensée cũ… mấy mùa
Đã phai từng cánh mỏng
Mộ khúc buồn…như mưa!

M.H.HOÀI LINH PHƯƠNG
Washington D.C tháng 8/2013



Sunday, August 25, 2013


XIN LỖI THÁNG TƯ
BÌNH NGỌC


 
Bài thơ của một cựu cán binh CS.
Hãy tha thứ cho mình !
Rất chân thành, chứ không phải lời giả dối.Xin lỗi ! Miền Nam, những việc tôi đã làm!
Xin lỗi tất cả!
Cả những người "bên thua cuộc!"


Thời trai trẻ, gác bút nghiên, gác mọi ước mơ ...lên đường " đánh Mỹ!"
Cây súng trên vai, máu đỏ trong tim!
Mụ lí trí! Hùng hục vượt Trường Sơn.
Đêm nghỉ, ngày đi, giày vẹt gót, áo sờn vai thấm lạnh!
Mẹ còng lưng vắt kiệt sức, mỏi mòn, thao thức đợi con về!
"Ba mươi tháng Tư" Bên Thắng cuộc, hả hê!!!
Con trở thành kẻ "kiêu binh!" trong đoàn "quân Giải phóng!"
Nhưng! Ba mươi tám năm sau con vô cùng thất vọng!
Không hiểu mình đi Giải phóng cho ai???
Chỗm trệ trên cao, toàn những kẻ bất tài!
Đáy xã hội, nhiều "dân oan" mất đất.
Những nghịch lý, tai ương...chồng chất!
Khoảng cách "sang, hèn" cứ rộng mãi ra.
Người ở “quê" không còn tha thiết với "ao nhà".
Tràn vào Miền Nam "ngoạ, chiếm, xâm canh...từ núi, rừng, chợ búa, thị thành, lầu cao, gác tía ...!"
Ngay như nhà ta thôi!
Chỉ có mình tôi "gọi là : góp công giải phóng".
Chẳng tước quan gì! Mà cũng cả xóm kéo vào.
Người thì bán rau, lượm ve chai, giặt ủi, bán thịt chó, thuốc Lào ...
Thậm Chí! Có cả lừa gạt, bảo kê, hút chích, đĩ điếm, bụi đời...
Đi đâu, ở đâu cũng gặp toàn người "ngoài ấy".
Còn! đố ai tìm thấy bóng dáng người "miền trỏng!" hiện diện trên quê hương mình đấy?
Nhà cửa, ruộng vườn ngoài ấy họ bỏ hoang???
Quê Hương tôi, tên thật đẹp (làng Vàng).
Cũng có đình, chùa, bờ xôi, ruộng mật!
Không hiểu vì sao nhiều người "bỏ tất?" để vào Nam chen lấn, đua đòi ?

Riêng tôi!
Đã hơn sáu mươi năm, đang ở cuối cuộc đời .
Vẫn cháy bỏng! Muốn được về nơi mình "chôn nhau, cất rốn!"
Đã mấy năm nay, tôi đã làm kẻ "chạy trốn!"
Trốn khỏi "sai lầm !" những năm, tháng ...đã đi qua!
Trở về quê hương, cất lại một nếp nhà!
Tập làm nông, ngớ ngẩn tìm những mảnh gốm xưa, và "Hoài niệm!" thuở ấu thơ …
Bỗng choàng tỉnh! Đôi khi tìm thấy mình trong đó.
Cửa, cổng nhà tôi cứ mở toang! Kể cả khi trời đang nổi giông, nổi gió ...
Mỗi tháng Tư về tôi lại nhớ vào Nam!
Xin lỗi! "tháng Tư!"
Xin lỗi! Miền Nam, những việc tôi đã làm!
Xin lỗi tất cả!
Cả những người "bên thua cuộc!"
Biết sao được !
Mọi người chúng ta sinh ra, đâu có thể chọn được thời cuộc
Nhưng! Lẽ đời, Đen, trắng phải phân minh!
Xin lỗi! "tháng Tư!"
Hãy tha thứ cho mình! Rất chân thành, chứ không phải lời giả dối.

B.N

 

Saturday, August 17, 2013


KHI BẠN TUỘT MỘT CÚC ÁO NGỰC

TRANG HẠ

 

Người ta không nhớ lâu việc bạn bị hở ngực, hở quần lót, nhưng sẽ nhớ và bật cười thú vị vì hình ảnh bạn rối rít và thảm hại, cuống quít chỉnh đốn bản thân.

Trong những trang phục của mình, tôi tốn nhiều nhất là tiền dành để mua đồ lót. Tất nhiên, về số lượng thì phụ nữ luôn phải tốn tiền gấp đôi đàn ông để đảm bảo nội y của mình tạm đủ dùng. Song về giá tiền, thì nội y luôn là thứ đắt tiền hơn quần áo đang mặc ngoài nó. Đó là sự lựa chọn của tôi từ gần hai mươi năm nay, từ ngày tôi chưa có người yêu, cho tới ngày tôi làm mẹ của ba con.

Còn một lý do riêng tư khác nữa, là bởi khi béo lên hoặc gầy đi chỉ 1kg thôi, quần áo vẫn còn giữ nguyên size, thì vòng ngực tôi đã thay đổi. Và size áo lót sẽ phải điều chỉnh ngay lập tức, không phải để tôi đẹp hơn, mà để tôi thấy dễ chịu hơn.

Nhưng bài viết này tôi không định quảng cáo đồ lót hoặc khoe số đo cơ thể mình, tôi chỉ muốn nói về việc xử lý khủng hoảng.

Đôi khi, phụ nữ nghĩ rằng, khủng hoảng của phụ nữ là phát phì, cơ thể trở nên phì nộn, hoặc bị mất trinh (với người nàng không được hứa hẹn cầu hôn) v.v… đại loại là những nguy cơ nhìn thấy được.

Còn bản thân tôi lại nghĩ, ngay cả khi phụ nữ thành đạt và xinh đẹp, mọi phụ nữ đều đối diện các nguy cơ của cuộc sống y như nhau. Mà đôi khi, một phụ nữ hoàn hảo sẽ dễ bị sụp đổ hơn, nhanh chóng bị đánh gục hơn.

Ví dụ bạn tôi, cô ấy rất xinh và nhạy cảm, tới mức một ngày, khi đang nói chuyện với một chàng mới được mai mối, trong quán cà phê, cô ấy… gây tiếng ồn. Chàng kia rất lịch thiệp không tỏ vẻ nhận ra, nhưng cô bạn tôi từ đó vừa hổ thẹn vừa ngại ngùng nên đã tự làm cho mình biến mất trong cuộc đời chàng kia, dù đáng lẽ, hạnh phúc từ đó có thể đi theo cô ấy…

Nếu cô bạn ấy kém hoàn hảo hơn, giả như cô xuề xòa dễ tính, bộc tuệch hoặc tự nhiên chủ nghĩa hơn, kém chỉn chu nghiêm túc hơn, chắc cô sẽ biết nói một câu dí dỏm chữa thẹn, biết tự tha thứ cho bản thân, hoặc biết cách hài hước để đánh trống lảng.

Thế nhưng, cho đến tận giờ và chắc chắn cả sau này, mỗi khi nghĩ đến anh chàng được… nghe tiếng ồn cơ thể kia, cô vẫn ngượng chín mặt.

Tôi thì nghĩ, việc gì phải khốn khổ và tự ti như thế!

1. Chiếc khuy không có lỗi:

Một buổi chiều đang đi mua sắm tại trung tâm thành phố, tôi bỗng thấy mấy người nhìn mình kỳ lạ và chằm chằm. Sau một giây định thần thì tôi phát hiện, mấy hôm nay mới chỉ tăng cân một chút thôi, cái áo sơ mi của tôi ở ngay “điểm chết” giữa ngực đã căng và hôm nay tự dưng tuột khuy. Toàn bộ người đi trong Plaza có thể ngắm áo lót của tôi mà từ dùng quen thuộc giờ đây là “lộ hàng”. Trong giây lát ngừng thở vì ngượng và sợ, tôi phát hiện ra sự thể không đáng sợ như mình nghĩ.

Một – Bất cứ ai trong đời cũng sẽ gặp phải tình huống khó xử như thế. Mọi người như bạn, và bạn cũng như mọi người mà thôi. Vậy bạn hãy nghĩ như tôi là, đã hàng triệu người trên đời này bị bật khuy áo ngực giống ta, bị quên kéo khóa quần, tất bị dính vào chân váy, mũ bị sờn, tóc bị cắt hỏng, bị rơi xuống cống trên đường đi dự tiệc v.v…

Những sự cố nhỏ nhoi này chẳng thể biến ta thành quái vật được. Và ngược lại, hàng tỷ người cài khuy đàng hoàng, không bị rủi ro nhưng điều đó cũng chẳng làm cho họ trở thành một người hoàn hảo. Vậy tại sao ta không đường hoàng và từ tốn cài lại khuy áo, sửa chữa sai lầm một cách bình thản?

Bạn có biết rằng, người ta không nhớ lâu việc bạn bị hở ngực hở quần lót, nhưng sẽ nhớ và bật cười thú vị vì hình ảnh bạn rối rít và thảm hại, cuống quít chỉnh đốn bản thân. Một tin được đưa sai trên radio không được ghi nhớ lâu bằng bản tin cải chính sau đó. Vậy, đừng sửa chữa chi tiết sai sót bằng một thái độ sai lầm.

Hai – Nhanh chóng lấy lại tự tin cho bản thân. Tôi thì tự nhủ rằng, cho dù hở ngực, thì không phải ai cũng đủ tiền để mặc nhãn hiệu đồ lót này. Vậy người xấu hổ là ai đó đang âm thầm mặc một chiếc áo ngực cũ và xấu, chứ không phải là tôi!

Nếu bạn bị bắt gặp đang… quên cài khóa quần, bạn hãy tin rằng bản thân bạn không phải là sứ thần ngoại giao đang trên đường đi trình quốc thư tới cho một vị thủ tướng nào đó, cho nên một lần quên kéo khóa quần chỉ chứng tỏ bạn hơi đãng trí, đầu óc hơi lão hóa như vài trăm triệu người khác trên đời, chứ không ảnh hưởng tới phẩm cách hoặc giá trị con người bạn, càng không thể hủy hoại tiền đồ của bạn.

Tôi nhớ ngày còn là thiếu nữ, trong một buổi hò hẹn, tôi đã phát âm sai tên tiếng Anh của lon nước ngọt 7up trước mặt người phục vụ và anh bạn trai mới quen. Hai mươi năm đã trôi qua, tôi tha thiết muốn gặp lại người con trai ngày ấy biết bao, để nói với cậu ta rằng: “Anh ạ, em đã tránh mặt anh hai mươi năm nay chỉ vì một từ phát âm sai, em thấy thế là đủ rồi! Em vẫn dốt tiếng Anh như ngày xưa, nhưng giờ đây em đã biết, điều gì thực sự quan trọng với em, và điều gì chỉ là những vụn vặt không đáng bận tâm trong cuộc sống!”

Đúng thế. Vì bạn là phụ nữ, bạn không thể bị đánh gục bởi những thứ không xứng đáng với bạn.

2. Nhưng tự bạn đánh gục bản thân bạn:

Bằng sự day dứt, sự hối hận, sự xấu hổ, sự sợ hãi, sự lo sợ. Phụ nữ thường rộng lượng với đàn ông trong khi lại khe khắt với bản thân và phụ nữ khác. Trong khi đàn ông thì ngược lại, họ có thể tự tha thứ cho bản thân nhưng đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn ở phụ nữ. Ví dụ như, đàn ông họ chẳng sợ mất trinh, họ chỉ sợ bạn gái mất trinh thôi.

Tôi đã nhiều lần được bạn bè, những cô gái trẻ, những bạn quen qua mạng v.v… thổ lộ điều tương tự. Họ đã mất nhiều hơn thế, bị lợi dụng hoặc bị lạm dụng tình dục, bị bạn trai bỏ rơi, bị từ hôn, bị chồng ngoại tình và bỏ. Thậm chí có một lần, một chàng trai cầu cứu tôi tư vấn khi bạn gái của chàng bị người lạ cưỡng hiếp.

Những cơn khủng hoảng này sâu sắc hơn tất thảy những tai nạn nhỏ nhoi tôi vừa kể. Bởi nó lấy đi những giá trị quan trọng, thậm chí chúng ta cho là quan trọng nhất đời: Trinh tiết, tự trọng, tình yêu, gia đình, hạnh phúc, thể diện, sự thiêng liêng của cảm xúc v.v… Tôi tin rằng chúng ta không thể dùng phép thắng lợi tinh thần, hay bất kỳ lời biện hộ nào để lừa dối bản thân vượt qua những khủng hoảng lớn như thế.

Nhưng chúng ta có quyền đứng lùi xa, nhìn vào tổng thể của cả một cuộc đời, một số phận, một con người để tìm cách hóa giải khủng hoảng. Bạn hãy tự hỏi xem, bạn thực sự cần gì, điều gì mới thực sự có giá trị với bạn?

Một cô gái bị chụp ảnh khỏa thân tống tiền đã thổ lộ với tôi rằng, cô ấy muốn chết.

Chàng trai có người yêu bị cưỡng hiếp nói với tôi rằng, anh sẽ mang dao đi giết chết kẻ khốn nạn kia.

Tôi nói, vậy thì kẻ tung ảnh khỏa thân không cầm dao giết bạn, mà chính cô gái nhẹ dạ đã tự giết mình đó thôi. Và kẻ hiếp dâm kia đáng lẽ chỉ cướp được thân thể cô gái một giờ, thì từ đây hắn đã cướp được tương lai của hai bạn cả đời. Thậm chí còn tống được chàng trai vào tù với tội sát nhân.

Bởi nếu bạn đã sống tốt, tích cực, thì bạn xứng đáng có một tương lai tốt đẹp. Bị hãm hiếp, bị bỏ rơi, bị lừa dối, bị phá sản v.v… thực tế nó giống như một tai nạn giao thông. Bạn không muốn nó, nhưng một ngày bất ngờ nó xảy ra, không thể thay đổi. Tai nạn ấy sẽ cướp mất của bạn một cánh tay, một tình yêu, gia sản, một gia đình v.v… Bạn buộc phải chấp nhận và chung sống với khuyết tật ấy cả đời. Nhưng bạn muốn chặn đứng tai họa lại, hay bạn muốn tiếp tục tự vơ vào bản thân vô số tai họa nữa, bằng cách tự tử, bằng cách giết kẻ đã hãm hiếp (mà không tố cáo hắn), bằng cách phạm pháp, bằng cách lo sợ cả đời, tự khép mọi cánh cửa của cuộc đời mình?

Tôi nhớ những bài báo viết về nữ hoàng talk-show Mỹ Oprah Winfrey đã vượt qua việc bị hãm hiếp lúc còn tuổi thiếu nhi và mang thai khi mới 14, để sống và thành đạt như hôm nay. Chắc còn nhiều người nhớ đệ nhất phu nhân Evita Peroni của Argentina cũng từng mang một quá khứ đầy gánh nặng. Chúng ta không vượt qua khủng hoảng để đạt được giàu sang, nổi danh hay bất cứ sự lộng lẫy nào. Cũng không có một kịch bản nào soạn sẵn, một giải pháp nào chung cho mọi số phận. Nhưng nếu không hóa giải được khủng hoảng, bạn sẽ không có cơ hội nào khác để thoát khỏi nó.

Hãy thử nghĩ rằng, tình yêu quan trọng hơn hay màng trinh quan trọng hơn? Nếu người yêu bạn nói màng trinh quan trọng hơn, bạn hãy tránh xa anh ta cùng những tay đàn ông chỉ yêu màng trinh của bạn chứ không hề yêu con người bạn với những giá trị sống của bạn.

Nếu sự hận thù hoặc cơn sụp đổ làm bạn hoa mắt, hãy nghĩ rằng bạn luôn có cơ hội sống khác, bạn luôn có những lựa chọn tử tế hơn. Đừng làm nô lệ cho những sai lầm trong quá khứ.

Tôi rất muốn nói với người phụ nữ đang đau khổ vì bị chồng phản bội rồi li dị chị, rằng, thực ra chị không mất gì cả, không mất tình yêu hay mất gia đình, không mất người đàn ông của chị. Chị chỉ mất đi thứ mà chị chưa từng có mà thôi. (Hoặc mất đi thứ mà chị tưởng chị có thôi). Chị chỉ chưa tìm ra người đàn ông của chị mà thôi, đó đâu phải lỗi của chị, một người đã yêu và đã hết mình, chân thành?

Cha mẹ sinh ra ta, nuôi ta lớn, đâu phải là để cho kẻ khác chà đạp?

Đôi khi, tôi cũng rơi vào những cơn khủng hoảng, khi cuộc sống chẳng được như mình mong muốn, những thất bại liên tiếp, những sức ép quá lớn, hoặc gặp những chỉ trích quá nặng nề. Tôi thường thở sâu, ngồi yên suy nghĩ, và tự hỏi, mình có đang sai lầm không? Cách mình giải quyết sắp tới liệu có phải sai lầm không? Nếu mình là người khác, mình sẽ làm gì?

Và quan trọng hơn, tôi luôn tự nhủ: Nếu không từng sai sót, không từng mất mát hay lầm lẫn như thế, hẳn tôi đã không ở vị trí của tôi ngày hôm nay.

Vậy, có điều gì xứng đáng để đánh gục và hủy hoại ta hôm nay nữa?

 

Thursday, August 15, 2013


MƯA BUỒN THÁNG SÁU
tùy bút Phạm Tuơng Như

Tháng sáu trời mưa như giọt nước mắt rơi xuống những đổ vỡ đời người. Nỗi buồn dài bất tận lướt trên mặt xa lộ thênh thang không ngã rẽ chạy miết về hướng mưa giông. Nỗi buồn dầy đặc như rừng thu rụng hoài chưa hết lá, màu lá tím vàng úa niềm đau riêng cứ bỏ đời rơi, bay theo chiều gió lệch hướng thơ đi vụn vỡ cõi lòng. Sau cơn mưa là buổi chiều mây chở màu tím hoàng hôn bay mãi tìm chân trời mà chân mây cứ mênh mông vô định trôi tìm góc biển. Dòng sông có con nước lớn ròng xuôi ngược sao lòng mình cứ phải dâng lên dâng lên chất ngất buồn tênh ! Cánh cửa tâm hồn vừa mở ra khung trời sầu chất ngất !

Tôi tìm tôi ở đâu nơi đường đang rơi của hố sâu vực thẳm? Em còn đó bên đời sao tình đã bỏ đi xa? Mái tóc óng ả đeo những chữ thơ của thuở nào tình yêu thiếu ngủ, vẫn lan tỏa hương hoa từ những ngày xuân hội ngộ. Tôi hôn chỗ vai trần hoang dại những sợi tóc buông bỏ niềm riêng cùng khứu giác tôi quấn quít làm tê dại dấu yêu xưa. Tôi vuốt tóc em cho chữ thơ kết lại thành vần điệu để hát một lời ru. Tôi hôn bàn tay em của thuở nào từng nằm gọn trong hơi ấm bàn tay tôi như ngầm hỏi em có còn muốn níu kéo những gì đã lỡ? Nắng hôm nay không đốt cháy sự tẻ lạnh và nỗi buồn u ẩn trong huyết mạch , lại còn un khói cho niềm đau âm ỉ . Cỏ lá nhầu nhầu đang đợi gió qua để tỉ tê âm điệu van lơn thì thầm. Con chim trên cành hát mỏi một điệu buồn tháng sáu rồi vụt bay đi về hướng nắng, bỏ lại tôi nỗi buồn vu vơ của cành lá đơn phương “Anh còn lại những gì. Ngoài cuộc đời giông bão.Qua bước đường em đi. Lót tím, vàng lá úa.”

Em đã về rồi sao thuyền đời chưa ghé bến? Sao còn lang thang làm rạn nứt cõi thơ tôi? Tiếng thơ ru là lời than vãng nỉ non của lòng tôi hay tiếng trách hờn cho đời em chưa tìm lối thoát? Hạnh phúc là gì nếu không có tên gọi từ tim? Là sự bằng lòng chấp nhận hiện tại hở em? Chữ thơ không định nghĩa được tình yêu dù đó là lời ước của tim. Câu thơ chất chồng từng lớp trống vắng, chân không của niềm vui và hy vọng , đâu phải điểm tựa cho mình khỏi ngã, càng không giúp mình đứng dậy khi đã té sấp xuống cuộc đời ! “Hoa thả mù phấn hương.Anh một thời bướm dại. Xác bướm gầy tiếc thương, cây mùa chưa đơm trái”.


Tháng sáu trời mưa qua hướng em đi . Mùa hạ không có lá rơi phủ chật lối đường cho bước chân em xào xạc một nỗi lòng. Phần tôi! Tháng sáu thả ra hơn sáu mươi bài thơ dài ngắn hàng hàng lớp lớp giọt mưa rơi để đón bắt một đời tim ngỡ nồng nàn ánh mắt, bờ môi hay vòng tay âu yếm, cho cảm xúc nửa muốn cho đi , nửa muốn tha thiết đón về. Tháng sáu đưa tang nỗi buồn chưa cạn , nguồn sầu chưa khô mạch đau thương! Có phải bút mực là bể sầu hay lòng mình là biển nhớ ? Mái tóc em vẫn mượt mà chảy mãi ánh trăng soi, bềnh bồng bềnh bồng cơn gió thổi. Ánh mắt em rót vào anh dòng hạnh phúc miên man. Đôi môi còn rực rỡ nụ cười, còn men say chuốc rượu tình yêu . Tà áo quá khứ hôm qua còn quấn bước chân tôi, thả ra những chùm mây và mùi hương làm đầy mộng mị. Thời gian và những tháng sáu cứ trôi, không giữ nổi một tình yêu tròn đầy, những hàng mưa bong bóng chảy trôi nỗi sầu làm chật kín và trắng xóa dòng sông, phủ trùm cây lá. Tiếng ve gọi nắng âm vang, xoáy vào lòng tôi niềm trăn trở, làm buồn những hồn lá trên cây và hình như làm trôi đi những áng mây vô vọng đang đối mặt với chu kỳ mưa nắng.

Đâu có nỗi tuyệt vọng nào cho tình yêu trú ngụ ! Chỉ có nhung nhớ làm đầy những giấc mơ. Ánh sao trời nơi đôi mắt em đâu cần ai thắp lửa mà vẫn sáng mãi trong lòng tôi ngọn nến rưng rưng. Giọng nói em là lời ru vừa nũng nịu vừa kiêu kỳ , tiếng ‘dạ” luôn ở đầu môi như vừa thiết tha vừa ruồng rẫy như tiếng thơ rơi chạm vào bờ đá của cuộc đời và thảm cỏ của thương yêu. Tôi cúi xuống cúi xuống thật gần tình yêu và nhặt lên từng mảnh vụn của tâm hồn. Tôi biết cử chỉ tội nghiệp của tôi sẽ làm đau lòng và tội nghiệp em lắm. Tôi giấu tội nghiệp em và tội nghiệp tôi trong cõi thơ tình !

Trời sắp sẵn những cơn mưa cho tôi chìm vào nỗi nhớ. Cơn mưa của ngày hôm qua khi tình yêu nóng bỏng. Quán cà phê ngát mùi thơm Tây Nguyên và mùi tóc, son phấn du dương đánh thức nỗi khát khao trên từng vuông da thịt. Khi tôi sắp tan vào em thì cơn mưa chợt đến, nắng chiều nhợt nhạt làm óng ả những giọt mưa và bóng tối chực hờ chạm ngõ. Em từ chối mặc áo mưa để cùng tôi ướt đường thơ qua chiếc cầu cao như cầu vòng ngũ sắc để về quán trọ bên sông. Những giọt nước trên tóc áo em cho tôi một hạnh phúc vừa tình tự vừa nôn nao ảo giác xuân thì . Những bờ gió không ngăn được nhịp tim đang thổn thức, cũng không che chắn nổi nghịch cảnh và luân lý xã hội vừa ùa tới trong tầm nhìn. Em diễm kiều vừa lộng lẫy trong lớp áo vải thô của tôi, hơi hướm em đang lan tỏa cùng mùi nước hoa trong áo vẽ vời một cõi thơ tình không ngôn từ mà đầy vần điệu. Hàng nút khuy đang chực hờ bật tung trong niềm rạo rực căng cứng đời tình !

Cuối tháng sáu trời chưa dứt những cơn mưa. Tháng bảy đã về nắng đi mưa ở. Em vẫn còn đó trong lòng tôi đầy nỗi nhớ. Dòng Cổ Chiên hồi đó mùa mưa, nước chỉ chảy về hướng biển, tôi và em nơi quán gió bên sông, cùng chia nhau vị ngọt bùi của hai ly sinh tố như chia sẻ một nỗi niềm. Em ví những khóm lục bình trôi như đời tình lênh đênh chưa định hướng “ làm sao ngăn bước thời gian, cho lục bình trôi dừng lại, cho tình kịp lúc đơm hoa , cho anh bên em mãi mãi”. Em nắn nót đôi bàn tay tôi, kẽ hình tim trong lòng bàn tay mềm mà em bảo là “nghệ sĩ”, em khép những ngón tay tôi lại như ngầm nhờ tôi giữ mãi tim em.

Bây giờ tôi còn lại những cơn mưa. Tháng sáu với hơn sáu mươi bài thơ tình buồn bã và Em, tất cả có thể cộng thêm hay lũy thừa hạnh phúc, đã lấy đi hết những ngày vui, nắng không đủ ấm lòng và mưa rớt hạt ngậm ngùi . Tôi nhìn xa qua mặt hồ tĩnh lặng, mây đang kéo tới cho nước hồ và hồn tôi gợn sóng, Cơn mưa chiều đến muộn, tiếng mưa hay ai đó nói với tôi điều gì tôi chưa hiểu. Trên mặt hồ mù mưa qua, có bóng ai đó đang quay lưng bỏ đi hay bước về hướng tôi không rõ nét. Không biết đó là ảo giác của tình yêu hay là hồn của chữ thơ, đôi chân của bút mực đang lưỡng lự trong hướng thơ chưa biết lối đi, về!!!

PTN
July 10, 20, 2013

Wednesday, August 7, 2013



HỒI KÝ CỦA MỘT NGƯỜI HÀ NỘI

tựdo (NGUYỄN VĂN LUẬN)

 

Ông Hòa là cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, bị cộng sản bắt đi tù năm 1975, sang Mỹ theo diện HO. Tôi gặp ông tại một tiệc cưới, trở thành bạn, thường gặp nhau bởi cùng sở thích, nói chuyện văn chương, thời thế, dù trong quá khứ ông sống tại miền Nam, tôi ở xứ Bắc.

Một lần tới thăm, cháu Thu Lan, con ông Hòa, hỏi tôi:

“Bác ở Hà Nội mà cũng đi tị nạn à...?”

Nghe hỏi tự nhiên nên tôi chỉ cười: “Cái cột đèn mà biết đi, nó cũng đi... nữa là bác!”

Thực ra tôi đã không trốn thoát được từ lần đầu “vượt tuyến” vào miền Nam. Rồi thêm nhiều lần nữa và 2 lần “vượt biển,” vẫn không thoát.

Chịu đủ các “nạn” của chế độ cộng sản trong 27 năm ở lại miền Bắc, tôi không “tị nạn,” mà đi tìm tự do, trở thành “thuyền nhân,” đến nước Mỹ năm 1982.

Sinh trưởng tại Hà Nội, những năm đầu sống ở Mỹ, tôi đã gặp nhiều câu hỏi như cháu Thu Lan, có người vì tò mò, có người giễu cợt. Thời gian rồi cũng hiểu nhau.

Tôi hằng suy nghĩ và muốn viết những dòng hồi tưởng, vẽ lại bức tranh Hà Nội xưa, tặng thế hệ trẻ, và riêng cho những người Hà Nội di cư.

Người dân sống ở miền Nam trù phú, kể cả hàng triệu người di cư từ miền Bắc, đã không biết được những gì xảy ra tại Hà Nội, thời người cộng sản chưa vận com-lê, đeo cà-vạt, phụ nữ không mặc áo dài.

Hiệp Ðịnh Geneve chia đôi nước Việt. Cộng sản, chưa lộ mặt là cộng sản, tràn vào miền Bắc tháng 10 năm 1954. Người Hà Nội đã “di cư” vào miền Nam, bỏ lại Hà Nội hoang vắng, tiêu điều, với chính quyền mới là Việt Minh, đọc tắt lại thành Vẹm. Vì chưa trưởng thành, tôi đã không hiểu thế nào là... Vẹm!

Khi họ “tiếp quản” Hà Nội, tôi đang ở Hải phòng. Dân đông nghịt thành phố, chờ “tầu há mồm” để di cư. Trước Nhà Hát Lớn, vali, hòm gỗ, bao gói xếp la liệt. Lang thang chợ trời, tôi chờ cha tôi quyết định đi Nam hay ở lại. Hiệp Ðịnh Geneve ghi nước Việt Nam chỉ tạm thời chia cắt, hai năm sau sẽ “Tổng tuyển cử” thống nhất. Ai ngờ cộng sản miền Bắc “tổng tấn công” miền Nam!

Gia đình lớn của tôi, không ai làm cho Pháp, cũng không ai theo Việt Minh. Cha tôi làm chủ một hãng thầu, nghĩ đơn giản là dân thường nên ở lại. Tôi phải về Hà Nội học.

Chuyến xe lửa Hà Nội “tăng bo” tại ga Phạm Xá, nghĩa là hai chính quyền, hai chế độ, ngăn cách bởi một đoạn đường vài trăm mét, phải đi bộ hoặc xe ngựa. Người xuống Hải Phòng ùn ùn với hành lý để đi Nam, người đi Hà Nội là con buôn, mang “xăng” về bán. Những toa tầu chật cứng người và chất cháy, từ chai lọ đến can chứa nhà binh, leo lên nóc tầu, bíu vào thành toa, liều lĩnh, hỗn loạn ...

Tới cầu Long Biên tức là vào Hà Nội. Tầu lắc lư, người va chạm người.

Thằng bé ù chạc 15 tuổi, quắc mắt nhìn tôi: “Ðề nghị đồng chí xác định lại thái độ, lập trường tư tưởng..!” Tôi bàng hoàng vì thứ ngoại ngữ Trung Quốc, phiên âm thành tiếng Việt, nghe lần đầu không hiểu , để rồi phải “học tập” suốt 20 năm, “ngoại ngữ cộng sản”: đấu tranh, cảnh giác, căm thù và... tiêu diệt giai cấp! (Thứ ngôn ngữ này ghi trong ngoặc kép).

Hà Nội im lìm trong tiết Ðông lạnh giá, người Hà Nội e dè nghe ngóng từng “chính sách” mới ban hành. “Cán bộ” và “bộ đội” chỉ khác nhau có ngôi sao trên mũ bằng nan tre, phủ lớp vải mầu cỏ úa, gọi là “mũ bộ đội,” sau này có tên là “nón cối.” Hà Nội “xuất hiện” đôi dép “Bình Trị Thiên,” người Bắc gọi là “dép lốp,” ghi vào lịch sử thành “dép râu.”

Chiếc áo dài duyên dáng, thướt tha của thiếu nữ Hà Nội được coi là “biểu hiện” của “tư sản, phong kiến,” biến mất trong mười mấy năm sau, vì “triệt để cách mạng.” Lần đầu tiên, “toàn thể chị em phụ nữ” đều mặc giống nhau: áo “sơ mi,” quần đen. Hãn hữu , như đám cưới mới mặc sơ mi trắng vì “cả nước” không có xà phòng.

Chơi vơi trong Hà Nội, tôi đi tìm thầy xưa, bạn cũ, hầu hết đã đi Nam.

Tôi phải học năm cuối cùng, Tú tài 2, cùng một số “lớp Chín hậu phương,” năm sau sẽ sát nhập thành “hệ mười năm.” Số học sinh “lớp Chín” này vào lớp không phải để học, mà là “tổ chức hiệu đoàn,” nhận “chỉ thị của thành đoàn” rồi “phát động phong trào chống văn hóa nô dịch!” Họ truy lùng... đốt sách ! Tôi đã phải nhồi nhét đầy ba bao tải, Hiệu đoàn “kiểm tra,” lục lọi, từ quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và sách quý, mang “tập trung” tại thư viện phố Tràng Thi, để đốt. Lửa cháy bập bùng mấy ngày, trong niềm “phấn khởi,” lời hô khẩu hiệu “quyết tâm,” và “phát biểu của bí thư thành đoàn”: tiểu thuyết của Tự Lực Văn Ðoàn là... “cực kỳ phản động!” Vào lớp học với những “phê bình, kiểm thảo... cảnh giác, lập trường,” tôi đành bỏ học.

Chiếc radio Philip, “tự nguyện” mang ra “đồn công an,” thế là hết, gia tài của tôi!

Mất đời học sinh , tôi bắt đầu cuộc sống đọa đày vì “thành phần giai cấp,” “sổ hộ khẩu,” “tem, phiếu thực phẩm,” “lao động nghĩa vụ hàng tháng.” Ðây là chính sách dồn ép thanh niên Hà Nội đi “lao động công trường,” miền rừng núi xa xôi. Tôi chỉ bám Hà Nội được 2 năm là bị “cắt hộ khẩu,”... đi tù!

Tết đầu tiên sau “tiếp quản,” còn được gọi là” sau hòa bình lập lại,” Hà Nội mơ hồ. Những bộ mặt vàng võ, áo quần nhầu nát, xám xịt, thái độ “ít cởi mở,” từ “nông thôn” kéo về chiếm nhà người Hà Nội di cư. Người Hà Nội ở lại bắt đầu hoang mang vì những tin dồn và “chỉ thị”: ăn Tết “đơn giản, tiết kiệm.” Hàng hóa hiếm dần, “hàng nội” thay cho “hàng ngoại.”

Âm thầm, tôi dạo bước bên bờ Hồ Gươm, tối 30 Tết. Tháp Rùa, Cầu Thê Húc nhạt nhòa, ảm đạm, đền Ngọc Sơn vắng lặng. Chỉ có Nhà Thủy Tạ, đêm nay có ca nhạc, lần cuối cùng của nghệ sĩ Hà Nội. Ðoàn Chuẩn nhớ thương hát “Gửi người em gái miền Nam,” để rồi bị đấu tố là tư sản, rạp xinê Ðại Ðồng phố Hàng Cót bị “tịch thu.” Hoàng Giác ca bài “Bóng ngày qua,” thành “tề ngụy,” hiệu đàn nhỏ phố Cầu Gỗ phải dẹp, vào tổ đan mũ nan, làn mây, sống “tiêu cực” hết đời trong đói nghèo, khốn khổ. Danh ca Minh Ðỗ, Ngọc Bảo, nhạc sĩ Tạ Tấn, sau này làm gì, sống ra sao, “phân tán,” chẳng ai còn gặp nhau, sợ thành “phản động tụ tập.”

“Chỉ thị đảng và ủy ban thành” “phổ biến rộng rãi trong quần chúng” là diệt chó. “Toàn dân diệt chó,” từ thành thị đến “nông thôn.” Gậy gộc, dây thừng, đòn gánh, nện chết hoặc bắt trói, rồi đầu làng, góc phố “liên hoan tập thể.” Lý do giết chó , nói là trừ bệnh chó dại, nhưng đó là “chủ trương,” chuẩn bị cho đấu tố “cải tạo tư sản” và “cải cách ruộng đất.” Du kích , công an rình mò, “theo dõi,” “nắm vững tình hình” không bị lộ bởi chó sủa. Mọi nơi im phăng phắc ban đêm, mọi người nín thở đợi chờ thảm họa.

Hà Nội đói và rách, khoai sắn chiếm 2 phần tem gạo, 3 mét vải “cung cấp” một năm theo “từng người trong hộ.” Mẹ may thêm chiếc quần “đi lao động” thì con nít cởi truồng. Người thành thị, làm cật lực, xây dựng cơ ngơi, có ai ngờ bị quy là “tư sản bóc lột”? nhẹ hơn là “tiểu tư sản,” vẫn là “đối tượng của cách mạng.”

Nông dân có dăm sào ruộng đất gia truyền vẫn bị quy là “địa chủ cường hào”! Giáo Sư Trương văn Minh, hiệu trưởng trường Tây Sơn, ngày đầu “học tập,” đã nhẩy lầu, tự tử.

“Tư sản Hà Nội” di cư hết, chẳng còn bao nhiêu nên công tác cải tạo được làm “gọn nhẹ” và “thành công vượt mức,” nghĩa là mang bắn một, hai người “điển hình,” coi là “bọn đầu sỏ” “đầu cơ tích trữ,” còn thì “kiểm kê,” đánh “thuế hàng hóa,” “truy thu,” rồi “tịch thu” vì “ngoan cố, chống lại cách mạng!”

Báo, đài hàng ngày tường thuật chuyện đấu tố, kể tội ác địa chủ, theo bài bản của “đội cải cách” về làng, “bắt rễ” “bần cố nông,” “chuẩn bị thật tốt,” nghĩa là bắt học thuộc lòng “từng điểm”: tội ác địa chủ thì phải có hiếp dâm, đánh đập, bắt con ở đợ, “điển hình” thì mang thai nhi cho vào cối giã, nấu cho lợn ăn, đánh chết tá điền, hiếp vợ sặc máu...! Một vài vụ, do “đảng lãnh đạo,” “vận động tốt,” con gái, con dâu địa chủ, “thoát ly giai cấp,” “tích cực” “tố cáo tội ác” của cha mẹ. Cảnh tượng này thật não nùng! Lời Bác dạy suốt mấy mươi năm: “Trung với Ðảng, hiếu với dân...” là vậy!

“Bần cố nông” cắm biển nhận ruộng được chia, chưa cấy xong hai vụ thì “vào hợp tác,” “làm ăn tập thể,” ruộng đất lại thu hồi về “cộng sản.”

“Toàn miền Bắc” biết được điều “cơ bản” về Xã hội chủ nghĩa là... nói dối! Mọi người, mọi nhà “thi đua nói dối,” nói những gì đảng nói. Nói dối để sống còn, tránh “đàn áp,” lâu rồi thành “nếp sống,” cả một thế hệ hoặc lặng câm, hoặc nói dối, vì được “rèn luyện” trong xã hội ngục tù, lấy “công an” làm “nòng cốt” chế độ.

Ở Mỹ, ai hỏi bạn: “How are you?,” bạn trả lời: “I'm fine, thank you.”

Ở miền Bắc, thời đại Hồ chí Minh, “cán bộ” hỏi: “công tác” thế nào? dù làm nghề bơm xe, vá lốp, người ta trả lời: “...rất phấn khởi, ra sức thi đua, lập thành tích chào mừng... các nước anh em!”

Bị bắt bên bờ sông Bến Hải, giới tuyến chia hai miền Nam Bắc, năm 19 tuổi, tôi bị giong về Lệ Thủy bởi “bộ đội biên phòng,” được “tự do” ở trong nhà chị “du kích” hai ngày, đợi đò về Ðồng Hới. Trải 9 trại giam nữa thì về tới Hỏa Lò Hà Nội, vào xà lim. Cảnh tù tội chẳng có gì tươi đẹp, xã hội cũng là một nhà tù, không như báo, đài hằng ngày kêu to “chế độ ta tươi đẹp.”

Cơ hàn thiết thân, bất cố liêm sỉ, người tù “biến chất,” người tứ chiếng kéo về, nhận là người Hà Nội, đói rét triền miên nên cũng “biến chất”! Ðối xử lọc lừa, gia đình, bè bạn, họ hàng, “tiếp xúc” với nhau phải “luôn luôn cảnh giác.” Hà Nội đã mất nền lễ giáo cổ xưa, Hà Nội suy sụp tinh thần vì danh từ “đồng chí”!

Nằm trong xà lim, không có ngày đêm, giờ giấc, nghe tiếng động mà suy đoán “tình hình” Ánh diện tù mù chiếu ô cửa sổ nhỏ song sắt, cao quá đầu, tôi đứng trên xà lim, dùng ngón tay vẽ chữ lên tường, “liên lạc” được với Thụy An ở xà lim phía trước.

Thụy An là người Hà Nội ở lại, “tham gia hoạt động” Nhân Văn Giai Phẩm, đòi tự do cho văn nghệ sĩ, sau chuyển lên rừng, không có ngày về Hà Nội. Bà đã dùng đũa tre chọc mù một mắt, nói câu khí phách truyền tụng: “Chế độ này chỉ đáng nhìn bằng nửa con mắt!”

Người du lịch Việt Nam, ít có ai lên vùng thượng du xứ Bắc, tỉnh Lào Cai, có trại tù Phong Quang hà khắc, có thung sâu heo hút, có tù chính trị chặt tre vầu theo “định mức chỉ tiêu.” Rừng núi bao la, tiếng chim “bắt cô trói cột,” nấc lên nức nở, tiếng gà gô, thức giấc, sương mù quanh năm.

Phố Hàng Ðào Hà Nội, vốn là “con đường tư sản,” có người trai trẻ tên Kim, học sinh Albert Sarreaut. Học trường Tây thì phải chịu sự “căm thù đế quốc” của Ðảng, “đế quốc Pháp” trước kia và “đế quốc Mỹ” sau này. Tù chính trị nhốt lẫn với lưu manh, chưa đủ một năm, Kim Hàng Ðào “bất mãn” trở thành Kim Cụt, bị chặt đứt cánh tay đến vai, không thuốc, không “nhà thương” mà vẫn không chết.

Phố Nguyễn Công Trứ gần Nhà Rượu, phía Nam Hà Nội, người thanh niên đẹp trai, có biệt danh Phan Sữa, giỏi đàn guitar, mê nhạc Ðoàn Chuẩn, đi tù Phong Quang vì “lãng mạn.” Không hành lý nhưng vẫn ôm theo cây đàn guitar. Chỉ vì “tiểu tư sản,” không “tiến bộ,” không có ngày về...!

Ba tháng “kỷ luật,” Phan Sữa hấp hối, khiêng ra khỏi Cổng Trời cao vút, gió núi mây ngàn, thì tiêu tan giấc mơ tình nghệ sĩ !

Người già Hà Nội chết dần, thế hệ thứ hai, “xung phong,” “tình nguyện” hoặc bị “tập trung” xa rời Hà Nội. Bộ Công An “quyết tâm quét sạch tàn dư đế quốc, phản động,” nên chỉ còn người Hà Nội từ “kháng chiến” về, “nhất trí tán thành” những gì đảng... nói dối!

Tôi may mắn sống sót, dù mang lý lịch “bôi đen chế độ,” “âm mưu lật đổ chính quyền,” trở thành người “Hà Nội di cư,” 10 năm về Hà Nội đôi lần, khó khăn vì “trình báo hộ khẩu,” “tạm trú tạm vắng.” “Kinh nghiệm bản thân,” “phấn đấu vượt qua bao khó khăn , gian khổ,” số lần tù đã quên trong trí nhớ, tôi sống tại Hải Phòng, vùng biển.

Hải Phòng là cơ hội “ngàn năm một thuở” cho người Hà Nội “vượt biên” khi chính quyền Hà Nội chống Tầu, xua đuổi “người Hoa” ra biển, khi nước Mỹ và thế giới đón nhận “thuyền nhân” tị nạn.

Năm 1980, tôi vào Sài Gòn, thành phố đã mất tên sau “ngày giải phóng miền Nam.” Vào Nam, tuy phải lén lút mà đi, nhưng vẫn còn dễ hơn “di chuyển” trong các tỉnh miền Bắc trước đây. Tôi bước trên đường Tự Do, hưởng chút dư hương của Sài Gòn cũ, cảnh tượng rồi cũng đổi thay như Hà Nội đã đổi thay sau 1954 vì “cán ngố” cai trị.

Miền Nam “vượt biển” ào ạt, nghe nói dễ hơn nên tôi vào Sài Gòn, tìm manh mối. Gặp cha mẹ ca sĩ Thanh Lan tại nhà, đường Hồ Xuân Hương, gặp cựu sĩ quan Cộng Hòa, anh Minh , anh Ngọc, đường Trần quốc Toản, tù từ miền Bắc trở về. Ðường ra biển tính theo “cây,” bảy, tám cây mà dễ bị lừa. Chị Thanh Chi (mẹ Thanh Lan) nhìn “nón cối” “ngụy trang” của tôi, mỉm cười: “Trông anh như cán ngố, mà chẳng ngố chút nào!”

“Hà Nội, trí thức thời Tây, chứ bộ...! Cả nước Việt Nam, ai cũng sẽ trở thành diễn viên, kịch sĩ giỏi!”

Về lại Hải Phòng với “giấy giới thiệu” của “Sở Giao Thông” do “móc ngoặc” với “cán bộ miền Nam” ở Sài Gòn, tôi đã tìm ra “biện pháp tốt nhất” là những dân chài miền Bắc vùng ven biển. Ðã đến lúc câu truyền tụng “Nếu cái cột điện mà biết đi...” dân Bắc “thấm nhuần” nên “nỗ lực” vượt biên.

Năm bốn mươi tư tuổi, tôi tìm được tự do, định cư tại Mỹ, học tiếng Anh ngày càng khá, nhưng nói tiếng Việt với đồng hương, vẫn còn pha chút “ngoại ngữ “ năm xưa.

Cuộc sống của tôi ở Việt Nam đã đến “mức độ” khốn cùng, nên tan nát, thương đau. Khi đã lang thang “đầu đường xó chợ” thì mới đủ “tiêu chuẩn” “xuống thành phần,” lý lịch có thể ghi là “dân nghèo thành thị,” nhưng vẫn không bao giờ được vào “công nhân biên chế nhà nước.”

Tôi mang nhẫn nhục, “kiên trì” sang Mỹ, làm lại cuộc đời nên “đạt kết quả vô cùng tốt đẹp,” “đạt được nguyện vọng” hằng ước mơ!

Có người “kêu ca” về “chế độ tư bản” Mỹ tạo nên cuộc sống lo âu, tất bật hàng ngày, thì xin “thông cảm” với tôi, ngợi ca nước Mỹ đã cho tôi nhân quyền, dân chủ, trở thành công dân Hoa Kỳ gốc Việt, hưởng đầy đủ “phúc lợi xã hội,” còn đẹp hơn tả trong sách Mác Lê về giấc mơ Cộng sản.

Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ rồi. Cộng sản Việt Nam bây giờ “đổi mới.”

Tiếng “đổi” và “đổ” chỉ khác một chữ “i.” Người Việt Nam sẽ cắt đứt chữ “i”, dù phải từ từ, bằng “diễn biến hòa bình.” Chế độ Việt Cộng “nhất định phải đổ,” đó là “quy luật tất yếu của lịch sử nhân loại.”

Ôi! “đỉnh cao trí tuệ,” một mớ danh từ...!

 

Sunday, August 4, 2013


TRỜI ƠI! DUYÊN DÁNG VIỆTNAM!!!

(Khuyết danh)




- Mấy người?
- Bốn, hai Việt Kiều với hai Việt Cộng!
Đó là câu đối đáp giữa nhóm người vừa bước vào tiệm phở với ông chủ tiệm. Cách ăn nói ở Việt bây giờ coi mòi tự nhiên và hình như họ không còn e dè gì nữa.
Về nước, mặc bộ đồ lao động, da được phơi nắng hai ba tuần nám đen cho giống người VN, tôi ung dung ngoắc chiếc xe ôm và oách như người Di cư 54:
- Đi Thủ Đức!
Gió chiều lồng lộng trên xa lộ Biên Hoà, tôi mỉm cười đắc chí, lẩm bẩm ca bài "Từ bắc vô nam tay cầm bó rau.... đay, còn tay kia... chúng ông dắt con cầy..."
Chạy ngang khoảng Cát Lái, chú xe ôm bắt chuyện: - Anh ở lước lào về?
Ô hay, sao lại "lước lào về" xế lày?
Tôi hỏi: - Anh tưởng tôi là Việt Kiều à? Tôi quê ở ngoài Hà Lam Linh đấy.
Anh nhất định tôi chẳng lừa được anh.
Có đời nào người trong "lước" mà lại ra đường đứng ngẩn ngơ ngó trời ngó đất, ngó cái bảng hiệu, ngó tùm cây bông giấy và ngó... con gái đi đường, y hệt đám bộ đội hồi mới vô nam năm 75!
Anh giải thích thêm: - Ra đường, cứ thấy ai băng qua lộ mà thập thò như con nít, nắm tay nhau hai ba người như dân quê lần đầu ra tỉnh, chắc trăm phần trăm họ là Việt Kiều đấy.
Hôm về quê, vợ chồng tôi ra chợ, cũng được chào đón một câu rất niềm nở:
- Mời anh chị Việt Kiều mua cho em ít rau.
Tôi ngạc nhiên, nhưng con em giải thích: - Ai đời vào chợ mà mặt mày ngơ ngáo, chợ quê có ai đi cả hai vợ chồng như thế, mà có đi chăng nữa cũng nguời đầu chợ kẻ cuối chợ lo mua đồ mà về cho sớm, chứ có đâu dẫn nhau đi vô hàng rau, nhìn quả khổ qua, ngó thúng cà pháo, ngó cả bó rau dền.
Nhớ lúc mới bước xuống phi trường, tôi mắc cười ngay cái bảng ghi hàng chữ "Tổ Lái", người đi bên cạnh hỏi nhỏ:
- Cười gì thế?
- Cái bảng ghi Tổ Lái.
- Kệ họ, đó là lối đi dành riêng cho tiếp viên và phi công, mình đi lối bên này.
Khi về tới đò Vàm Cống gần Long Xuyên, vợ tôi lại chúm chím cười với hàng chữ: Cụm Phà Vàm Cống.
Thằng em tôi thấy thế nói rằng: - Ăn thua gì, ở SG còn có một cơ quan đề là Cụm Cảng Hàng Không Phía nữa kìa.
Từ đường lộ vào nhà Má tôi còn hai cây số nữa, khi bước xuống đò, tôi thấy hàng chữ sơn trên một tấm tôn treo toòng teng: Đừng cột ghe xập nhà.
Em tôi lại phải giải thích là nhà làm de ra phía trên sông, nếu người ta cột ghe vào mấy cây chống sàn nhà, khi tàu lớn chạy ngang sẽ tạo ra sóng nhồi xóc chiếc ghe, thì nó sẽ giật tung lên và đổ nhà là cái chắc.
Bao nhiêu năm xa nhà, về lại thì cái gì cũng lạ và dễ tức cười, mà người ở nhà họ cũng cười cái lạ của mình. Tôi ra phố chợ, đặt tiệm da giầy một cái bao điện thoại theo ý mình, đeo vào, thằng bạn lắc đầu cười:
- Y như cái bao đựng đạn súng lục.
Mặc cái áo sơ mi kiểu Hawaii định ra phố, bà chị nói: - Trông cậu y như phường tuồng!

Tôi ở Garden City, KS. muốn về VN phải lên Wichita để đón máy bay, lái xe hơn ba tiếng đồng hồ. Khi đi, mùa hè oi ả, mặc chiếc quần ngắn cho nó mát, lên đến nơi, gặp bạn bè nói chuyện đến khuya, gần nửa đêm chuẩn bị áo quần để sáng mai ra phi trường sớm mà về VN, lục quần áo mới thấy "sự cố" là không có cái quần dài nào cả, vội vàng ra chợ Walmart kiếm cái quần vào lúc nửa đêm. Walmart bán đủ mọi cỡ áo quần, duy chỉ có size của tôi nó lại không bán, cuối cùng cũng lựa được một cái tạm hài lòng: lưng rộng hơn hai số, bù lại, chiều dài ngắn đi một số.
Hôm sau tôi mặc vào cảm thấy nó làm sao ấy, nhưng lỡ rồi, mặc đại, đi đường cứ lâu lâu lại phải ôm nó mà xốc lên vì dây lưng cũng quên tuốt ở nhà.
Về đến SG, bà chị tôi nhìn em thương hại quá, cứ xuýt xoa hoài, tội nghiệp nó ở Mỹ mà quần áo xốc xếch, xộc xệch!
Trời mùa hè VN nóng thật, con tôi không muốn đi giầy nên tôi dẫn nó ra chợ Thái Bình mua đôi dép Nhật, tôi định tập cho nó trả giá cho quen. Hỏi giá thì bà hàng nói 4,500 đồng, thằng bé ngơ ngác không hiểu nên tôi phải thông dịch từ tiếng Việt qua tiếng Việt:
- Giá bốn mươi lăm trăm đó con, trả giá đi.
Thằng bé nói: - Đâu cần trả đâu, được rồi, rẻ quá mà.
Những người chung quanh cười um lên, xúm lại coi thằng Việt Kiều con mua đồ.

Có bữa kia ngồi ở quán cóc đầu ngõ uống cà phê, đứa em thò cổ vô gọi: - Anh ra đây xem Việt Kiều Con bị đày.

Tôi ngạc nhiên không hiểu nó nói gì, ra xem thì thấy một bà già kè hai đứa nhỏ khoảng dưới sáu tuổi, ăn mặc có vẻ tươm tất lắm, không biết là đi nhà trẻ hay ra công viên chơi nhưng mặt tụi nó ỉu xìu.
Thì ra hai đứa bé đó có cha mẹ làm Nail ở Mỹ, không hiểu sao lại giao chúng về cho bà ngoại nuôi, cả xóm này gọi tụi nó là hai thằng Việt Kiều Con Bị Đày!

MỜI BẠN CÙNG TÔI KHÁM PHÁ SỰ ĐỔI MỚI CỦA VN TRONG 3 TUẦN THĂM QUÊ CỦA TÔI.
Xe Đò Nằm: Hồi này có một loại xe đò (xe khách) gọi là xe đò nằm. Đi xe này hành khách không ngồi ghế như xe đò thường, mà được nằm dài ra.. Xe có ba dãy giường, mỗi dãy ba chiếc giường sắt và lại còn chồng lên một tầng nữa, vị chi là 24 cái giường.
Đây là loại giường hiện đại điều chỉnh được, tựa như giường ở trong bệnh viện.
Xe có điều hoà không khí và mở nhạc vàng nghe thoải mái. Mỗi người lên xe đều được phát một chiếc mền để đắp vì xe mở máy lạnh.
Hành khách mua vé qua điện thoại, tài xế sẽ bốc khách hẹn trước tại bất cứ khúc đường nào trên tuyến xe sẽ chạy qua.
Xe chạy khá đúng giờ, giá vé cũng tương đối hạp với túi tiền, thí dụ tuyến Rạch Giá-Vũng Tàu là 125,000 một lượt (chưa tới 8 đô la). Lơ xe rất điệu nghệ, phục vụ hành khách rất lịch sự và tận tình.
Hôm đó, nằm kế tôi là một cô nhìn dễ thương lắm, nhưng hai giường lại cách nhau đến nửa thước. Tôi ước ao lần sau họ ghép giường gần nhau hơn, để hành khách có thể nằm mà dòm nhau, âu cũng là cách rút ngắn thời gian trên đường dài.
Ai cũng biết xe đò VN có cái tật là hễ thấy khách đón xe thì không cần biết họ muốn đi tới đâu, anh lơ nhảy xuống kéo ào lên xe, miệng la "Tới luôn bác tài".
Chuyến tôi đi, có hai cha con ông kia lên xe, xe chạy một quãng thì lơ xe mới khám phá ra "có vấn đề". Ông già có tính tiết kiệm, đặt mua vé có một giường, mà lại dẫn theo cô con gái. Ông cãi với lơ xe:
- Hai người ngồi trên giường thì cũng choán chỗ y như một người nằm chớ gì.
Mặt nạ lịch sự của anh lơ xe bèn rớt xuống, anh ta với ông già xổ tiếng Đức với nhau một hồi, rồi sau cùng ông già nhượng bộ trả thêm 20,000 để cô con có thể ngồi ké ở phía cuối giường.
Tôi rất tội nghiệp mà không thể mời cô ngồi qua phía giường tôi, hoặc là mua cho cô một vé, vì hôm đó tôi đang đi chung với "con gấu yêu dấu" của tôi!

*Ăn Uống: Nghệ thuật ẩm thực VN thì quá siêu đẳng rồi, tôi xin không đề cập đến những chuyện uống máu rắn, ăn bò cạp hoặc trích mật gấu ..., mình chỉ làm một người bình thường ăn những món ăn bình thường.
-Bạn muốn xài tiền triệu?
Mời vào tiệm C. Steak House ở đường Đinh Công Tráng (chợ Tân Định), một miếng T Bone 6oz… giá rất nhẹ nhàng là 250,000 (tiệm này có vẻ kỳ thị nặng, trên bảng giá đề: Thịt bò Mỹ: 250.000 thịt bò Úc 225.000 thịt bò nội địa 180.000)..
Miếng steak ăn vào, nuốt đến đâu, thấy nó nghẹn nghẹn đến đó, vì giá cả là một, nhưng cũng tại vì nó giống như miếng thịt được bỏ trong Microwave!

- Bạn muốn xài tiền lẻ?
Mời bạn đi ăn cháo lòng bình dân với tôi.
Tôi biết cô bán cháo lòng ở quê, trước 1975 cô thuộc loại sắc nước hương trời, nhưng hồng nhan đa truân, cô đã kẹt lại. Quán cô chỉ là một cái bàn làm bằng gỗ tạp nho nhỏ, trên để mấy chai lọ lỉnh kỉnh như muỗng đũa, nước mắm, ớt... ngang chỗ cô ngồi là một nồi cháo đang sôi ọc ạch đặt trên cái cà ràng lửa liu riu.
Là khách đặc biệt nên tôi được cô vồn vã hỏi thăm và ân cần đưa cho một đôi đũa không nằm trên ống đũa "dân gian" trên bàn, cô lau cẩn thận bằng một miếng giẻ và nói:
- Anh dùng đũa này sạch hơn.
(Đũa của cô có nhiều loại: Sạch, sạch vừa, sạch hơn)
Cháo bán giá từ 3 ngàn một tô, dĩ nhiên khách muốn thêm thịt, thêm lòng thì sẽ tính thêm tiền.
Tôi ngồi ăn cháo mà ái ngại cho cuộc đời cô, vì cách đây hơn hai mươi năm, thấy cô đi ngoài đường thì tôi "chỉ nhìn mà không dám nói" vì nghĩ tới cái thân phận "quản chế" của mình.
Chợt một bà đi ngang phía trước, bà bước bỗng một chân và né sang phía trái, tôi ngạc nhiên khi thấy động tác của bà nên chú ý nhìn xuống mặt đường thì - eo ơi một đống phân chó nằm thù lù ở đó. Khiếp đảm, tôi bèn gài tờ giấy bạc vào dưới tô rồi cám ơn cô chủ quán để vọt gấp. Dợm đứng lên thì cũng vừa lúc cánh cửa sắt phía sau lưng cô hàng mở ra, một mùi nồng nặc xộc vào mũi tôi, thì ra đây là cửa hàng bán phân bón và thuốc trừ sâu rầy, mà cô hàng chỉ thuê phía trước chái hiên để bán buổi sáng. Khách hàng của cô cứ tự nhiên ăn uống kề bên những bao phân và những chai thuốc sâu độc hại, có điều mỗi lần xe đò chạy ngang, bụi tung lên mù mịt nên mùi phân bón cũng vì thế mà bớt đi phần nào!

Tham Dự Phiên Toà Lưu Động

Đang lững thững gần chợ Kinh 8 để ngó ông đi qua bà đi lại thì tôi nghe "loa cột đèn" thông báo hôm nay có phiên toà lưu động xử vụ ăn cắp trong chợ cách đây ít lâu, phòng xử ở ngay trong trường tiểu học Đông Thọ, Tân Hiệp, Kiên Giang.
Trong sân trường có một xe công an, phía trước có hai anh công an đang đọc báo, thiên hạ xầm xì rằng hai người bị còng ngồi phía sau là một cặp vợ chồng, tôi nhìn thấy tụi nó nhóc quá, chừng mười bảy mười tám tuổi là cùng. Viên chức toà án, nhân viên an ninh và ấp đội chộn rộn chạy lăng xăng trong sân trường.
Tới giờ xử, bị cáo được dẫn từ xe vào trong trường, rồi thủ tục rất rườm rà, nào là trình diện bị cáo, nào là giới thiệu thành phần các cấp dự phiên toà và tuyên đọc quyền hợp pháp của bị cáo ..
Theo cáo trạng, hai vợ chồng trẻ vì túng tiền nên len lỏi vào chợ bấm dây chuyền của một đứa bé mà má nó đang bồng trên tay, bị phát hiện thì cô vợ đưa tang vật cho chồng, anh này nuốt ngay vô bụng. Họ bị bắt đem vào nhà thương rọi X ray và bị truy tố.
Phiên toà bắt đầu bằng cảnh thư ký toà đọc tên tuổi, lý lịch của bị cáo, cáo trạng bị truy tố ... sau đó là phần chất vấn giữa Công Tố Viên và bị cáo:
- Bị cáo tên gì?
- Tên là Hoa, ông có tên tui ở trong miếng giấy ở trên đó.
- Bị cáo bị tội gì có biết không?
- Dạ bị chi tố tội chôm đồ, bấm dây chiền. (bị truy tố tội chôm đồ, bấm dây chuyền)
- Bị cáo tả lại cảnh âm mưu đi bấm dây chiền như thế nào.
- Đâu có âm mưu gì đâu, hết tiền nói đi vô chợ kiếm tiền xài với trả nợ thôi.
- Bị cáo hãy kể rõ, ở nhà hai vợ chồng bàn tính âm mưu như thế nào để giựt dây chiền trong chợ.
- Ông đổ oan, chứ đâu có mưu gì, làm sao ở nhà mà biết có đứa nhỏ ở trong chợ có dây chiền mà âm mưu.
- Bị cáo không quí trọng sức lao động, không chịu làm ăn lương thiện mà tối ngày cứ lo đi giựt đồ là làm sao, bị cáo có muốn nói gì không?
- Đâu có tối ngày đi giựt đâu, lâu lâu mới làm một lần, giờ muốn xin dìa.
- Bị cáo phạm tội, bị cáo lại xin về, bị cáo nói vậy nghe có được không?
- Chứ lỡ rồi biết làm sao giờ, ở tù rồi ai nuôi con, nó còn nhỏ híu mới chín tháng hà.
- Cha bị cáo bao nhiêu tuổi? Làm nghề gì?
- Tuổi hổng nhớ, nghề đi ghe.
- Tuổi cha mà không nhớ, hay dữ, đi ghe mà làm nghề gì?
- Đã nghề đi ghe là nghề đi ghe chứ ai mà biết làm gì.
- Bao lâu về một lần?
- Dạ vô chừng, ổng có bà nhỏ, về vô chừng lắm.
Quan toà đúng là Phụ Mẫu Chi Dân nên quay qua hỏi thân nhân bị cáo có ai muốn nói gì không, thì một bà quấn khăn rằn đứng lên xưng là mẹ bị cáo:
- Ông có cách gì coi cho nó dìa sớm sớm một chút tui đội ơn, nó là "con ních" đâu có làm hại ai bao giờ, tự tay giựt dây chiền mới bị bắt có một lần hà.
Quan toà rất thông cảm, cười cười rồi nói: - Mới bị bắt có một lần, còn thoát được mấy chục lần rồi?
Thằng chồng đen thui, chắc gốc Miên, không thấy nó nói gì ngoài những câu trả lời về lý lịch khi toà hỏi, đa số là con vợ nói xen vô.
Thằng bạn tôi thì thầm: - Đàn bà ở đâu cũng lắm mồm, kể cả khi ra toà.
Phiên toà toàn là những câu đối đáp cù cưa như trên, nghe cũng buồn cười và giải trí được chốc lát.
Phiên toà kết thúc bằng một bản án 36 tháng tù dành cho mỗi người.
Dân trí ở miền quê hình như còn quá mộc mạc, họ không coi phiên toà ra gì, hoặc họ lì rồi nên coi như một trò hề trong phiên xử.
Nhìn cảnh anh Trung uý Công An đeo quân hàm oai vệ, bước bẻ góc ở ngoài sân khi trình diện bị cáo với quan toà, rồi nghe những lời đối đáp giữa quan toà và bị cáo, giống như hai cảnh ở hai nơi, bị ép duyên vào một màn kịch bi hài.

Đi Thăm Mộ Ngô Tổng Thống

Báo chí hải ngoại đưa tin rằng anh em ông Diệm được cải táng rồi đem chôn ở Lái Thiêu, nên tôi hỏi người bạn:
- Ông biết nghĩa trang Lái Thiêu có mộ anh em ông Diệm ở đâu không?
- Ai nói với ông là ông Diệm chôn ở Lái Thiêu?
- Thấy báo nói vậy.
- Lầm tuốt. Ba anh em họ Ngô và thân mẫu của họ đều chôn ở
nghĩa trang Vườn Ngâu - Thủ Đức, chỗ này còn có tên là Thừa Thiên Tương Tế. Bởi vì bên kia xa lộ có cái bảng đề là Lái Thiêu nên người ta tưởng lầm vậy, chứ phía bên này đường là thuộc về quận Thủ Đức.
Anh xe ôm ở gần nhà cãi lại: - Hổng dám đâu. Mộ ông Diệm chôn cùng chỗ với ông Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn đó… Họ đều là người Huế hết mà, ngay nghĩa trang Gò Dưa gần đây chớ đâu xa.
Thế là tôi và ba người quen được anh ta hướng dẫn đi thăm.
Trời chiều mưa sụt sùi, nhưng nghĩa trang không có không khí ảm đạm, coi cũng khá đẹp. Chúng tôi đứng nhìn mộ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trang trí như một hòn non bộ lớn.
Lúc chúng tôi đứng chụp hình thì anh xe ôm lội cùng khắp mà không kiếm ra mộ ông Ngô Đình Diệm, anh ta tẽn tò nói tụi tôi ra ngồi chờ ở quán cà phê rồi xách xe đi kiếm. Cả tiếng đồng hồ sau mới quay trở lại và cho biết người bạn tôi đã nói đúng: Họ được chôn ở
nghĩa trang Vườn Ngâu chứ không phải Gò Dưa.
Chạy xe khoảng 5 cây số nữa mới đến nơi, người ta chỉ cho ngôi mộ ông Diệm đề là Gioan Baotixita Huynh, mộ kế đó là của bà mẹ, tức là bà Ngô Đình Khả, rồi mới tới mộ ông Nhu đề là Giacôbê Đệ. Ngay kế bên là một ngôi mộ có hình một người mặc quân phục VNCH, mang một sao hai bên cổ áo, đề tên Trần Văn Ân. Cách đó dăm ngôi mộ mới là mộ ông Ngô Đình Cẩn, phía trước đề tên là Cẩn, nhưng phía sau lưng bia lại đề tên Can. Những người giữ nghĩa trang kể cho tôi nghe rằng tháng trước có người đặt một tấm bia mới đề tên là Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, rồi đem tới gắn lên ngôi mộ, đang làm thì công an tới bắt đập bể ra, còn người thì bắt đi làm kiểm điểm.
Ngày còn ở lính, tôi không hề nghe tên Chuẩn Tướng Trần Văn Ân bao giờ, hay đây là Đại Tá Ân, có bà vợ cũng là Nữ Quân Nhân, hai vợ chồng tử nạn khi bay trên chiếc trực thăng C&C trong một cuộc hành quân trên vùng Cao Nguyên (?)

Cuộc Sống Xã Hội

Hồi thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cứ ra đến ngõ là gặp anh hùng, còn bây giờ đến quán cà phê, vô tiệm phở hay lúc đến thăm người quen, đều nghe người ta nói về những tỷ phú!
Hầu hết là chuyện nhà cửa đất đai, nào là giá một mét vuông đất từ một triệu vọt lên năm triệu, mà có người sở hữu đến dăm ngàn mét vuông; lại nghe ông kia mua một miếng đất năm bảy chục ngàn cách đây mấy năm, bây giờ nếu bán cũng được ít nhất hai ba tỷ!
Tôi đang ngồi ở quán cà phê, một anh cò đất xề tới gạ: - Bên kia có miếng đất 3 ngàn mét, nếu anh trả chừng 500 ngàn một mét (một tỷ rưỡi) nó bán ngay, bảo đảm với anh, chỉ tháng sau là anh sẽ bán được 3 tỷ, nếu không dô mánh như vậy, thằng này xin làm con anh.
Trời ơi, nhìn cặp mắt láo liên của nó, tôi đã ngán rồi, nó lại còn xin làm con tôi nữa thì xin chạy mất dép.
Cứ chỉ nghe nói không thôi, thì tiền ở VN sao dễ kiếm quá.
Vậy mà hễ cứ "giúp vốn" cho đứa cháu nào, thì cứ y như rằng năm sau cụt vốn, nó nói "Làm ăn ở VN bây giờ khó lắm chú ơi! Chú ở xa không biết ..." Tôi quát lên:
- Làm ăn ở đâu không khó? Chỉ có nằm ngửa ăn sẵn mới dễ thôi.
Hôm tôi lại nhà người thân, anh đã đặt cọc để mua một miếng đất 40 ngàn đô, thì có một anh bá vơ chạy xe tới đưa cho coi một bản đồ qui hoạch, mà trong đó chỉ rõ miếng đất kia đã bị qui hoạch làm công viên và nhà thể thao. Anh ta nói:
- Thấy anh tính mua thì thương mà báo cho biết vậy, mai mốt có mất đất thì đừng trách là thằng em không báo trước.
Trời ạ, bây giờ còn biết tin ai? Lên hỏi Địa Chính thì họ cũng trả lời mờ ớ. Hay là thằng cò kia nói thế để mình nản, đi mua miếng đất của nó ở chỗ khác (?).
Bên cạnh những người nói chuyện tiền tỷ, thì lại có những cảnh lầm than quá sức.
Gia đình tôi có làm bữa tiệc đãi bà con họ hàng lối xóm nhân dịp chúc thọ mẹ tôi được 90 tuổi. Sau bữa tiệc, có một số lon bia bán ve chai. Tôi thấy con cháu gọi chị mua đồ nhôm vô, hai người nói gì đó rồi chị ta tất tả ra đi, và khoảng hai giờ sau trở lại. Chị nhờ tôi phụ đếm số lon bia đã uống hết, chứa trong mấy cái thùng giấy. Tôi hỏi:
- Chị tính đếm từng lon hay sao?
- Dạ, vì mỗi lon giá đến 200, nếu lộn thì lỗ.
Tôi nhìn đống lon bên trong chứa lẫn lộn tàn thuốc lá lẫn xương gà.

- Con cháu tôi nói với chị là bao nhiêu lon?
- Dạ cô nói là 24 két, mỗi két 24 lon, nhưng chắc không còn đủ vì có nhiều người uống rồi lấy luôn lon.
- Hồi nãy thấy chị vô rồi đi luôn, tưởng chị không mua.
- Dạ không có, tại không đủ tiền nên phải về vựa vay thêm.
- Vựa ở đâu? Vay như thế nào?
- Dạ cũng gần, cách đây 5 cây số, đi xe ôm có ba ngàn đồng hà, vay rồi chiều về bán lại, trả họ tiền lời.
- Sao hồi sáng chị không đem về bán cho họ rồi mai đem tiền vô trả?
- Dạ sợ cô nhỏ không chịu.
Tôi thấy chán đời cho cô quá, tính ra số tiền chưa tới trăm ngàn, nếu không ngồi đếm với cô thì có vẻ bất nhẫn, mà ngồi đếm đống lon hôi rình đó thì tôi chẳng hào hứng tí nào. Tôi nói:
- Thôi, khỏi đếm nữa, cô cứ đưa cho con nhỏ 20 ngàn thôi, thiếu bao nhiêu tôi bù.
Cô ngước lên nhìn tôi rồi ứa nước mắt nói nhỏ:
- Cám ơn anh.
Vừa lúc đó mẹ tôi bước ra hàng hiên vì có tiếng người đàn bà la chói lói ở phía trước bờ sông, rồi một người chạy như bay vô sân:
- Cứu mạng! Cứu mạng! Bà ngoại ơi, ngoại có thuốc gì cho đứa con của con mấy viên, không thôi nó chết.
Mẹ tôi hỏi:

- Con chị bị đau gì mà đến nỗi chết? Mà tôi đâu biết thuốc gì mà cho.
- Dạ, nó đang giựt đùng đùng dưới ghe kìa, hông có thuốc chắc nó chết.
Tôi xen vào:

- Ở nhà chỉ có thuốc cảm thôi chứ có thuốc gì mà cho, sao chị không đưa nó lại Trạm Y tế coi.
- Dạ thuốc cảm cũng được chú Hai, ở Trạm Y Tế họ đâu có cho cái gì đâu.
- Tôi chỉ có thuốc cảm người lớn thôi chứ không có thuốc con nít.
- Dạ chú Hai cho con đi, con dìa bẻ làm hai cho thằng nhỏ uống cũng được mà.
Tôi vô lục túi lấy chai thuốc Tylenol đưa cho chị nhưng vẫn ngần ngại nói: - - - Thuốc này là thuốc người lớn, tôi sợ con chị uống không hạp.
Chị ta sợ tôi đổi ý nên chụp vội chai thuốc trên tay tôi rồi nói: - Dạ không sao đâu, con cho nó uống mỗi lần nửa viên.


Những người thợ gặt mướn tạm trú bên bờ kinh, hay ngủ dưới ghe, họ ra ruộng từ khi còn tối trời, mang theo cả đứa con mới sanh chưa đầy tháng, thằng bé nằm chổng chân ngọ ngoạy trong cái thúng, phơi nắng cả ngày mặc dù có tấm mủ cao su che phất phơ trên đầu, chắc là đang tập làm Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ ngày xưa. Thỉnh thoảng nó khóc ré lên thì bà mẹ chép miệng:
- Chắc thằng nhỏ bị kiến lửa chích!
Cô em gái tôi kể một chuyện khó tin nhưng có thật: - Thằng bé mười ba tuổi vào nhà bà ngoại với chiếc giỏ đeo toòng teng trên ghi đông xe. Bà già hỏi:
- Mày có cái gì đem vô cho tao đó Tèo?
-Dạ không có gì cho ngoại hết, má con nói đem em con vô nhờ ngoại chôn giùm!
Thì ra má nó nghèo quá không có đất chôn con, nên mới bỏ đứa nhỏ vô cái bị cói, kêu nó đem vô nhờ bà ngoại chôn.


Ấp Văn Hoá
Khắp miền quê, đâu đâu cũng thấy nhiều khẩu hiệu, thỉnh thoảng có tấm áp phích lớn đề là Ấp Văn Hoá. Đây là những ấp đã đạt đủ những tiêu chuẩn gì đó về nếp sống văn minh, tiến bộ, xoá nạn mù chữ...
Tôi đến nhà bạn chơi, cũng là một Ấp Văn Hoá, chứng kiến cảnh hai đám người chửi lộn nhau to tiếng, họ dùng toàn những lời lẽ "thầy chạy" luôn. Tôi chọc bạn tôi:
- Dân xóm mày chửi tục quá.
Nó nói:

- Họ không phải dân ở đây, họ ở ấp Văn Hoá bên kia, qua đây để gặt mướn.
Tôi diễu:

 - Ở ấp Văn Hoá mà còn chửi nhau hả?
Nó cười:
- Càng ở Ấp Văn Hoá, càng chửi tục điệu nghệ hơn.


Đi Câu Giải Trí
Gọi một chiếc Taxi, tôi nhờ anh tài xế đưa đến một nơi câu cá giải trí, anh ta cam đoan biết rõ một hồ câu có lý lắm, lại có tiếp viên phục vụ và ngồi nói chuyện hết xẩy. Rồi ông chở tôi vào khu giải trí Thanh Đa. Chỉ là một cái hồ nông toen hoẻn rộng chừng một công đất, nước đục ngầu và có váng phèn. Từ cổng vào có ít bụi dừa nước đứng xơ rơ còi cọc. Chung quanh hồ có trồng một ít cây ăn trái như dừa, xoài và ít bụi tre, cứ cách vài ba bước lại làm một cái lều dã chiến, lợp lá, treo mấy cái võng. Có tiếp viên thật, nhưng là những anh thanh niên từ miền Bắc vào, họ lăng xăng mắc võng, dưa cần câu tới rồi mắc mồi bằng những miếng đậu hũ chiên vàng, nếu cá dính câu thì họ sẽ gỡ cá, bỏ vào giỏ hoặc đem đi chiên nướng theo yêu cầu của khách. .
Câu hơn nửa ngày, khách câu khoảng 50 người mà tôi thấy chỉ có một cần dính cá, nản quá tôi bảo anh phục vụ:
- Anh làm thế nào thì làm, mồi câu nào tốt nhất thì cứ móc vô cho tôi, nếu câu dính một con cá tôi tặng riêng anh 10 ngàn.
Thánh thật! Chỉ một lát là đầu cần câu tôi nhúi xuống, tôi gặc mạnh cần rồi ra sức quay vào, con cá khá lớn lao trên mặt nước nhủi qua kéo lại làm rối nùi dây câu của những người gần đó, thế là từng tràng tiếng chửi thề vang lên.
Tôi hết hứng, bỏ dở buổi câu mà lòng chán nản.

Thương Quá Em Bé Việt Nam
Ăn sáng ở lề đường Phan Thanh Giản, một em bé chừng mười hai mười ba tuổi cứ quẩn quanh mời tôi mua vé số, gương mặt và ánh mắt trông rất tội nghiệp. Tôi từ chối vài lần vì biết nếu mình mua của em này, thì vô khối người khác sẽ đổ xô vào mời mua thì rất kẹt, nhưng khi nhìn đến ánh mắt van lơn của em, lòng thương người rất hiếm hoi của tôi nổi dậy, tôi muốn mua giúp em để hôm nay em có thể về sớm một bữa. Tôi hỏi:
- Bình thường em bán đến mấy giờ thì hết xấp vé số này?
- Dạ thường thì ít khi hết lắm, nhưng nếu còn dư thì em phải đem về trả cho đại lý trước 3g chiều, nghĩa là trước khi sổ số.
Em nói từ sáng tới giờ mới bán được có 3 tấm, còn lại 97 tấm. Tôi kêu em đếm lại coi còn bao nhiêu tấm tôi mua hết cho, để hôm nay có thể về nhà nghỉ. Trong lúc tôi ăn thì em ngồi đếm từng tờ và nói còn đúng 97 tấm, giá 5 ngàn 1 tấm, vị chi là 485 ngàn. Tôi móc 500 ngàn ra đưa luôn, nói khỏi thối.
Thằng bé sung sướng nói cám ơn rồi lách vào dòng người xuôi ngược trên phố đông nghẹt những xe và người.
Đúng là: Sáng nay tươi hồng, trời không có mây... tôi tiếp tục bữa ăn sáng tuyệt vời.

Ở Mỹ mỗi lần mua vé số dĩ nhiên tôi mong mình trúng, mà trúng là trúng lớn để tôi có thể điềm nhiên lật ngửa cái xe cà tàng của tôi lên mà đốt, tuy nó có vẻ hơi bạc bẽo, nhưng để giã từ cái sự không sung sướng của kiếp nghèo, nếu không trúng đi nữa thì âu cũng là mua một niềm vui trong chốc lát, vì đời chỉ vui khi có hy vọng.
Đọc bài essay của một sinh viên nói về mua vé số, tôi thấy cũng có lý, vé số giúp cho mọi người trúng.
Này nhé: Ngân sách nhà nước hưởng 40%, người bán lẻ và giới quảng cáo 20%, người trúng hưởng 40% .. và ngay cả chúng ta cũng trúng luôn vì ta chỉ bỏ ra có mấy đồng, mà mua được niềm hy vọng, rẻ quá đi ấy chứ.
Những tín đồ các tôn giáo đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, cũng chỉ là mua lấy một hy vọng mai sau có về cõi trời được hơn người khác, mà niềm hy vọng này chưa được ai kiểm chứng cụ thể cả, còn mua vé số thì có người trúng thật rồi.
Hoan hô những người mua số như tôi là những người thông minh.
Lần này mua số ở VN, tôi lại thêm được cái lợi nữa là làm cho một em bé dễ thương vui được một ngày.
Ông Trương Quang Nhơn viết bài kể chuyện ông bị thằng đánh giầy lấy đinh đục cho thủng giầy rồi đòi tiền vá. Tôi nghi ông này vẫn còn thù Cộng Sản nên đặt chuyện viết "linh tinh".
Buổi chiều về nhà, tôi móc xấp vé số ra cho các cháu, tụi nó đang ồn ào chia chác thì có đứa hỏi:
- Bác mua bao nhiêu tấm?
- Thằng nhỏ biểu là 97 tấm.
- Bác có đếm không?
- Đếm làm gì?
- Thế thì bác bị nó lừa rồi, chỉ có 75 tờ thôi bác ạ.
Tôi suy nghĩ và tội nghiệp cho thiếu niên VN bị thất học, ngần ấy tuổi rồi mà đếm có mấy chục tấm vé số hãy còn sai.
Bọn nhóc trong nhà vừa cười vừa la:
- Ê, bác Việt Kiều bị thằng bán vé số nó lừa!
Tôi phân vân: Không lẽ thằng nhỏ đó nó nỡ lừa tôi, mà sao nó nghĩ cái kế lừa tôi mau như vậy được. Có lẽ nó đã lừa nhiều quả như vậy rồi.

Sách Báo
Tôi vào nhà sách mua một số sách báo mới xuất bản năm 2006.
Trong thời chiến tranh, nếu phải viết để tuyên truyền thì không nói làm gì, nhưng bây giờ đâu cần làm vậy nữa, vậy mà có những câu chuyện hay ký sự về thời chiến đã không được thi vị hoá một chút nào, toàn nói những chuyện mà người đọc bình thường cảm thấy tội nghiệp cho tác giả, bà Mã Thiên Đông viết cuốn Chuyện Giờ Mới Kể, nói về những cuộc khủng bố hay những toán đặc công đột nhập vào SG khoảng thập niên 60 hay Tết Mậu Thân. Tôi có cảm tưởng bà ta bị bệnh hoang tưởng hay là xã hội đã làm cho bà và một thế hệ cùng thời có những suy nghĩ như vậy.

Bà kể cứ chỗ nào mà đám xung kích nội thành có mặt thì bên phe Quốc Gia kể như "Tàn đời cô Lựu". Chỉ có nửa tiểu đội đặc công tấn công vào Đài Phát Thanh mà họ tả xung hữu đột, bắn cháy một xe nồi đồng, quân địch chết 38 người còn lính bị thương thì nằm la liệt khắp các nơi. Các chiến sĩ còn rất trẻ mới 17 hoặc 18 tuổi.
Ban đầu thì tôi tưởng rằng bà tả nhân dân anh hùng của SG nổi dậy nên họ rành rẽ đường đi nước bước như thế, nhưng tác giả tiết lộ đó là những du kích ở làng Trung Hoà Hạ, dưới miệt Củ Chi - Hậu Nghĩa. Trước giờ nổ súng 15 phút họ còn cách Đài Phát thanh 100 thước, với lời hứa hẹn là Đại quân sẽ tiếp viện, chỉ cần họ giữ vững 15 phút mà thôi.
Bà Mã Thiên Đông còn viết một cuốn sách quái đản: Kẻ Bị CIA Cưa Chân Sáu Lần.
Chuyện kể Mỹ dùng 10 chiếc trực thăng đổ quân để chặn bắt một anh Giao Liên ở trong rừng, họ thiệt hại một máy bay lên thẳng và chết mấy chục quân. Bắt được anh Giao Liên họ mừng lắm, chở ngay về SG cho ở trong một biệt thự tráng lệ, hứa hẹn nếu anh chịu khai báo thì sẽ tưởng thưởng cặp lon Trung Tá, cho 100 ngàn đô la với 10 người con gái đẹp phục vụ ngày đêm.
Dĩ nhiên câu chuyện lâm li ở chỗ là cái anh Vẹm con này đã thấm nhuần lý tưởng của Bác và đảng, nên từ chối những thứ kia, thế là CIA đem anh đi cưa chân đến 6 lần, mỗi lần một khúc. Một anh Bác sĩ Nguỵ còn doạ đểu, khi cầm cái cưa dứ dứ và nói cắt đến chỗ này, chỗ này... để cho anh sợ mà khai hết bí mật ra.
Đọc xong những "Đại tác phẩm" này tôi lẩm bẩm: - Sách báo như thế này mà cũng bày đặt viết rồi xuất bản.
Bà xã tôi cười mũi: - Sách vớ vẩn như vậy mà cũng có người mua đọc, rồi tức mới hay


Người Xưa Lối Cũ

Có người về VN thăm thắng cảnh quê hương, có người về kiếm thế hưởng thụ ăn chơi, cũng có người về vì tình cảm sâu đậm đối với thân nhân bạn bè năm cũ, thoáng đâu đó, có người tìm về để ôn lại một mối tình xưa..
Tôi theo người bạn đi đến nhà người xưa của nó. Bước chân vào con hẻm cụt có bóng mấy cây khế rợp mát, chân nó bước líu ríu như lê không nổi. Đến trước căn nhà có cây ngọc lan toả bóng, thấy có người đàn bà đang quét lá, tôi với tay bấm chuông, chứ thằng Thịnh như người mất hồn. Người đàn bà hỏi:
- Hai ông kiếm ai?
Thịnh buột miệng nói liền: - Thưa bác, cô Hằng có ở nhà không ạ?
Người đàn bà vừa mở cổng vừa ngờ ngợ: - Anh là ai mà biết Hằng?
- Trời ơi, bác không nhớ cháu hay sao? Cháu là thằng Thịnh hồi trước đây có kèm cho Hằng lúc cô thi Tú Tài đó.
Cây chổi rớt xuống đất cái xẹp, hai tay bà ôm chầm lấy Thịnh và tiếng khóc oà ra:
- Trời ơi anh Thịnh, em là Hằng đây mà.
Thì ra qua hơn 30 năm, Hằng ngày xưa nay đã hơn 50 rồi. Thời gian nó tàn phá chẳng chừa một ai.

Hôm tôi về Rạch Giá, vừa bước xuống con đò ngang thì đã có cả hơn chục người đứng ngồi dưới đò, ai cũng đưa mắt nhìn tôi, miệng cười cười như chào hỏi, nhưng tôi không nhận ra mặt ai quen, bỗng có một người đàn ông chừng 50 tuổi nhưng tóc còn loe hoe có mấy sợi phất phơ trước gió, vồn vã:
- Anh mới về chơi ạ, anh còn nhớ em không?
Đầu óc tôi bây giờ tây ta lẫn lộn, chỉ nhớ mang máng hình như anh này là Khanh Khờ. Và để tỏ ra là người nhiều tình cảm, chẳng bao giờ quên anh em bạn bè, tôi tiến tới vỗ vai rồi cả quyết:
- Quên thế chó nào được, cậu là thằng Khanh Khờ đây mà!
Nguyên cả chuyến đò cười ngặt nghẹo, có người ôm bụng rũ xuống cười suýt rớt xuống sông. Tôi sượng trân, còn người đàn ông hem hễ kia nói như than:
- Em là Đĩnh đây, nhưng mà thằng Khanh mới bị khờ, còn em thì bình thường mà anh.
Tôi chỉ còn biết xin lỗi anh ta vì cái tài nhớ dai của mình.

Về đi lại trên bờ con kinh xưa, tôi gặp một thiếu phụ bồng con trên tay, thôi đúng là người vợ của bạn tôi rồi, tôi xăng xái hỏi:
- Xin lỗi, chị là chị Độ phải không? Anh chị hồi này khoẻ chứ?
Cô ta ngơ ngác vài giây rồi lí nhí: - Dạ thưa, Độ là tên của bố mẹ cháu ạ.
Ôi! Từ Thức về trần, tôi quên béng đi là mình đã xa quê hương một thế hệ rồi.

Ngày còn nhỏ, thập niên 50, tôi thường nghe bản Gạo Trắng Trăng Thanh khi nghe tiếng cắc cụp đều đều ở quê tôi, vùng suối rừng Thủ Dầu Một. Người dân vần công giã gạo cho nhau, cũng là dịp trai gái hẹn hò gặp gỡ qua công việc và lời ru tiếng hát:

"Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang. Ai đang xay, chày buông lơi nghe tiếng vơi tiếng đầy ".

Bây giờ không còn cảnh giã gạo đêm trăng nữa, nhưng bạn tôi, một ông Pilot 69A - Ông Đông Nguyên (thi sĩ Điên Ngông) - cũng trong tâm trạng Từ Thức về trần như tôi, nặn ra được một bài thơ có thể làm Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phiền lòng:

Ta về giã lại cối xưa
Nửa đêm trăng tỏ bóng dừa ngả nghiêng
Thấy trong gạo trắng ưu phiền
Thương em hạt gạo còn nguyên nỗi buồn

 

Vận nước xoay vần, có những người đi xa, có những người còn ở lại, bài Tình Già của Phan Khôi sao mà thấm thía quá thể:

Hai mươi bốn năm xưa
Một đêm vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ trong gian nhà nhỏ
Hai mái đầu xanh kề nhau than thở...

 

Để rồi:

Hai mươi bốn năm sau
Tình cờ QUÊ CŨ gặp nhau
Đôi mái đầu đều bạc
Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được...

 

Người ta nói "Quê hương là chùm khế ngọt", ngọt như vần điệu ca dao và ngọt như nụ hôn người tình.
Vài vần thơ lạc điệu, xin gửi cho ai có những kỷ niệm khó quên của cây khế quê nhà:

Năm xưa có cây khế ngọt
Quả non đeo nhẹ trên cành
Tay trần anh đưa muốn hái
Em cười: Khế hãy còn xanh
Hôm nay anh cầm trái khế
Muốn cắn vào năm cánh hồng
Nhưng rồi nâng niu tay khẽ
Ôm ấp chuyện xưa vào lòng…