Tuesday, October 21, 2014


NHỮNG QUẢ NHO ... DỮ DỘI
Nancy Nguyễn

 
Đất nước tôi, một rẻo đất tẻo teo khốn khó nép mình bên rìa Thái Bình Dương quanh năm giông bão, của cả trời đất lẫn nhân sinh, trong suốt gần một thế kỷ, chưa có một ngày đứng gió.
Mỗi một mười năm, là một cơn dâu bể đầy khinh ngạc của kiếp người, của dân tộc. Không cơn dâu bể nào giống cơn dâu bể nào, ngoài một điểm chung duy nhất: niềm đau.

Những người sinh ra vào khoảng năm 20 phải chứng kiến đất nước bị xâm lăng và đô hộ. Một đất nước không chùn bước trước vó ngựa Nguyên Mông, bỗng một ngày trở thành thuộc địa, đó, chẳng phải là một biến cố lớn?
Nhưng chỉ 10 năm sau đó, những người sinh ra thời 30, phải chứng kiến cảnh đau thương hơn nhiều lần: đất nước chia đôi, nồi da nấu thịt. Súng của ngoại bang chĩa vào da thịt người mình. "Xương chất đầy đồng, máu chảy thành sông". "Niềm đau" có là một từ quá nhẹ?
Mười năm sau, hơn hai triệu con người người sinh vào những năm 40 phải gồng gánh nhau, dắt díu nhau bỏ lại nhà cửa ruộng vường, bỏ lại phần mộ tổ tiên để chạy loạn. Dân tộc tôi chứng kiến một cuộc di cư lớn chưa từng có trong lịch sử. Và nếu không phải do bị cấm cản, cuộc thiên di ấy có lẽ sẽ còn vĩ đại hơn nhiều. Và như thế, dân tộc tôi đã bắt đầu rách bào, chia đôi, bắt đầu viết những trang sử sau đó bằng nước mắt và bằng máu.

Những người sinh khoảng năm 50, ngắn gọn là: một dân tộc, hai định mệnh! Tôi không còn chữ nghĩa nào hơn để diễn tả nỗi bất hạnh cùng cực ấy.
Những người sinh khoảng năm 60, chứng kiến sự sụp đổ của một thể chế, sự tái thống nhất một đất nước, và sự chia đôi vĩnh viễn của lòng người. 40 năm qua đi mà vết cứa vẫn rịn máu tươi. Vết thương lòng chưa thấy ngày se mặt.
Những người sinh khoảng năm 70 có cơ hội chứng kiến cuộc thiên di thứ 2 trong lịch sử. Hàng triệu triệu con người phải mạo hiểm tính mạng bản thân, gia đình, để tháo chạy khỏi quê hương. Đất nước tôi đó, những năm tháng lầm than, kêu trời không thấu, kêu đất chẳng nghe. Dân tộc tôi lạc lõng, bơ vơ như những con thuyền lênh đênh trên biển.
Và những người sinh vào những năm 80, là tôi đây, 10 năm sau "giải phóng", những-tháng-năm-cấm-vận. Có lẽ ký ức tuổi ấu thơ là những ký ức hằn dấu nhất, ám ảnh nhất của một đời người.

Tôi nhớ hoài mẹ tôi, bà đáng ra còn trẻ lắm, mà dáng đã còm cõi, bà bòn từng đồng, lo chạy bữa cho con. Có những ngày trời mưa, mẹ tôi ngồi co ro bên vệ đường, gánh hàng quạnh hiu. Bà chẳng lo mình sẽ nhiễm phong hàn, chỉ lo làm sao cho đủ sống!
Có đất nước nào khốn nạn như đất nước tôi? Có bà mẹ nào khốn nạn như mẹ tôi, người mẹ Việt Nam? Tôi lớn lên, mang theo trong tiềm thức vóc dáng mẹ tôi, còm cõi như đòn gánh, co ro như một dấu chấm hỏi. Một dấu chấm hỏi xiêu vẹo trong những ngày mưa.
Tuổi thơ tôi gắn với những ngày mưa Sài Gòn, xoong chảo nồi niêu, có gì ... hứng nấy bởi cái mái tôn nhà tôi ... "đưa ánh nắng vào nhà" (mẹ tôi bảo thế), đêm nằm có thể nhìn thấy trăng sao. Những khi trời trở bão, gió giật từng cơn, tôi sợ sấm sét chui qua lỗ đinh vào nhà.

Tôi nhớ đôi dép cọc cạch, bên trái con trai, bên phải con gái, mẹ tôi bảo dép "uyên ương". Chiếc bên trái là của anh Hai để lại, chiếc bên phải mới là của tôi. Và cả hai chiếc đều vá chằng vá đụp, bằng chỉ bố, mẹ để dành từ quân phục của ba. Quần áo mới chỉ được bận 3 ngày tết, và cũng là của anh hai tôi để lại. Mẹ luôn mua rộng ra mấy tuổi, anh Hai bận chật rồi đến phiên tôi. Quần áo của con trai đấy, nhưng chỉ cần mới, chỉ cần không ... vá đít là đủ hấp dẫn rồi!

Và quả nho, những quả nho ... dữ dội nhất của tuổi thơ tôi.
Tết năm đó, chỉ duy nhất Tết năm đó, mẹ tôi mua nho Mỹ về biếu nội. Những quả nho mẹ chắt chiu từ gió sương của cả năm trời, gom góp lại để biếu mẹ chồng dịp tết đến. Những quả nho mập ú, căng tròn, hệt như trong phim Mỹ, giống y chang mấy chùm nho ... giả, loại những quán sinh tố trong xóm hay treo làm cảnh.
Trời ơi! Giòn! Mọng! Ngọt!
Mẹ đã dặn đi dặn lại không được ăn, mẹ còn cất tuốt lên nóc tủ. Vậy mà mấy trái nho như có ma lực, cái đứa tôi như bị thôi miên! Tôi lén trộm một trái.
Trời ơi! Ngon! Rồi 1 trái nữa, rồi trái nữa! Từng trái, từng trái một, như một kẻ đã hoàn toàn mông muội, không còn có thể cưỡng lại được sự quyến rũ phát ra từ mấy trái nho. Mẹ sẽ đánh nát tay tội ăn vụng, tôi nghĩ, tay ... vẫn tiếp tục công cuộc ... mưu cầu hạnh phúc.
Cảm giác tôi lúc đó vừa hoảng loạn, vừa lo sợ, vừa ... sung sướng, vừa sung sướng, vừa hoảng loạn sợ hãi. Tột cùng của sự hoảng loạn sợ hãi là khi chùm nho của mẹ chỉ con trơ lại cọng. Khốn nạn thân tôi! Rồi tôi sẽ phải sống tiếp phần ... ngày còn lại ra sao đây?
Vậy mà mẹ không đánh tôi. Bà chỉ ôm tôi vào lòng ... và khóc, khóc gào lên, khóc trào ra. Khóc như một đứa trẻ. Mẹ tôi đó. Ôm con vào lòng, gào khóc lên như trút hết hơi sinh vào từng tiếng nấc.

Năm tháng qua đi, cuộc đời mang lại cho tôi thừa mứa. Giờ tôi muốn ăn gì thì ăn, muốn đi đâu thì đi, muốn mua gì thì mua. Tôi ngán đủ thứ, chả muốn ăn gì, chỉ còn ăn được mỗi nho. Bởi với nho, tôi không ăn bằng trực giác, mà thưởng thức bằng mùi vị của ký ức. Và vì với nho, tôi mua được một vé đi tuổi thơ. Hai mươi mấy năm trôi qua, ký ức vẫn chưa ráo mực. Mỗi lần ăn nho, tôi thấy mình bé lại, và được một bàn tay vô hình kéo tuột về thủa ấy, những-năm-tháng-cấm-vận.
Tôi chỉ là một cá nhân, một cá thể, trong một tập thể những con người thế hệ 8x. Và chỉ là 1 thế hệ, trong nhiều thế hệ con người. Nhưng nói như một nhà văn Nga: "Cây đời có hàng triệu chiếc lá, và nói về một chiếc lá, là cũng đang nói về hàng triệu chiếc lá khác".

Cứ mỗi mươi năm, con Tạo quái ác xoay vần, là dân tộc tôi lại được gán cho một định mệnh mới. Tôi đã nghe rất nhiều người bảo tôi "thời em sướng rồi, thời của anh khổ lắm", còn tôi, tôi chỉ thấy thời nào cũng khổ. Và chẳng cái khổ nào giống cái khổ nào. Cái nào cũng "đặc thù" và cái nào cũng "nhất"!
Người mình khổ quá, đất nước mình đau thương quá. Phải không mẹ? Phải không anh?
Nancy Nguyễn
 

 

Wednesday, October 15, 2014


MÙA VÀNG

PHẠM NGỌC

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Chào tháng Mười lặng lẽ đi qua
chào chiếc lá đã vàng trong ký ức
chào dòng sông vẫn muôn đời thao thức
chào con trăng đã tàn lụi theo mùa

Chào con đường không kẻ tiễn đưa
bàn tay nắm bây giờ xa xôi quá
biết nói gì cùng muôn vàn chiếc lá
chỉ một màu vàng, vàng cả kỷ niệm xưa

Nhặt bao nhiêu để ghép lại thành thơ
đốt bao nhiêu để cháy bùng quá khứ
ngọn lửa nồng nàn của ngày xưa cũ
đã lụi tàn theo theo năm tháng trôi xa

Lối cỏ một thời dìu dắt nhau qua
bao vết tích vẫn còn nguyên ở đó
chỉ có anh là điều không thể có
em đứng giữa trời cùng gió heo may

Tháng mười về cầm ngọn gió trên tay
em lay hoay với giấc mơ vàng vọt
bước chân đi nỗi buồn như thiêu đốt
còn lại gì ngoài chiếc lá gọi nhau

Lá rơi đầy chẳng lấp được niềm đau
em biết yêu sẽ muôn đời vấp ngã
em biết anh sẽ trở thành xa lạ
sao trong em như vừa mới bắt đầu…

P.N
(Cho những ngày mưa xa)
 

 

Sunday, October 12, 2014

con sáo sang sông


thơ
phạm ngũ yên











Khi đưa tiễn nhau
Em về nơi khác
Lòng nghe dấy đau
Trùng trùng phai lạt

Giữa dòng trôi giạt
Đôi nhánh lục bình
Từng giọt mưa xanh
Xuống đời ray rứt

Thổi hoài heo hút
Cơn gió mũi lòng
Ta về phòng không
Khêu đèn thao thức
Tóc nào nhẫn nhục
Che lấp sông dài

Có người sáng mai
Không chờ nghe khóc
Chiều nay sợi tóc
Rơi xuống gối nằm
Đường phố lạnh câm
Cắt bàn chân mỏng

Thuyền trôi bé bỏng
Một người sang sông
Dội ngược về sông
Bài ca con sáo

Em như cơn bão
Bay qua đời thường
Ta như mùa xuân
Ngại ngần cỏ lệ

Tình yêu quá trẻ
Mà ta sắp già
Một dòng mưa sa
Cũng làm rét mướt…

Tháng 9, 2014
PNY









Saturday, October 11, 2014


CHƠN HIỀN

Lá rụng! Chuyện bình thường. Thành phố tôi ở người ta trồng cây xanh rất nhiều trên các con đường, góc phố, ngày ngày tôi qua lại biết bao lần dưới những tán cây cao mát rượi, nhưng… mùa gió về, ven đường ngập đầy xác lá và thương sao những công nhân vệ sinh luôn phải khó khăn, cần mẫn dọn dẹp sạch sẽ mặt đường…

Còn đường lên chùa tôi trên núi, xác lá vàng rơi ngập đầy, gió lùa lá, đùn đẩy hai bên ven sườn, tôi nhìn hàng ngày thấy đẹp làm sao. Có những buổi chiều nhập nhoạng tối, một bà cụ già gầy gầy, tóc trắng, lom khom gom từng núi lá rồi đốt. Lửa cháy, có tiếng lách tách khô giòn, mùi lá, mùi khói ngun ngún, mùi của núi rừng và cái dáng nhỏ bé, lưng còng liêu xiêu kia lụm cụm đốt lá buổi hoàng hôn theo mãi tôi xuống phố về tận đến nhà…

Cây cối xanh tươi, lá mơn mởn đẹp đã đành, lá khô vàng úa tôi nhìn vẫn thích. Đời lá như đời người có khác chi đâu? Nếu cây không lá làm sao người biết gọi tên, không có lá lấy gì nuôi cây, lấy gì giúp cây vươn mình làm đẹp mắt người, che mát cho người, làm xanh thêm cuộc sống… Hiện diện trên đời, ngày ngày đón nắng gió nuôi cây vững chãi rồi tàn úa, lá lìa cành, tiếc nuối phút… chia ly, lá ngập ngừng, luyến tiếc lượn chao trong gió rồi bình yên về với đất, lại cùng đất cống hiến lần cuối cùng chiếc thân khô héo, tiếp tục hòa mình với đất vun xanh cây đời lần sau cuối. Lá thường… im lặng, và có lẽ lá luôn “tỉnh thức, chánh niệm” với nhiệm vụ của mình, có bao giờ thấy lá giận dữ, cuồng nộ với ai đâu nhỉ? Bốn mùa đến với nhân gian, lá bao giờ cũng góp mặt, cộng hưởng cùng đất trời mang lại bao điều làm thăng hoa cuộc sống.

Mùa Xuân, ngời ngời sức trẻ, hy vọng, bởi vẻ tươi non, rực rỡ như mời gọi người hãy dấn thân về tương lai phía trước. Mùa Hạ, là “tay quạt” dịu dàng, là bóng mát chở che, xua đi cái nóng và ánh mặt trời màu lửa . Mùa Thu, ôi chao! Lá … hy sinh làm những thảm cỏ vàng cho biết bao người thả hồn với thi ca, trải lòng với bầu trời dịu dàng, mênh mông, lãng đãng mây trôi, để lại biết bao rung động còn mãi cho đời… Mùa Đông, cây như buồn, lá cũng buồn theo lặng lẽ như muốn nhắc nhở người rằng: ”một chu kỳ của cuộc sống sắp kết thúc rồi đấy! Có ai nhận kịp ra những điều mình đã lãng quên, những điều chưa từng nghĩ đến? Hãy mau chóng thực hiện ngay đi, chẳng còn bao lâu nữa, kẻo rồi tiếc nuối khôn nguôi!“

Ô! Lá trong tôi là thế, trong mọi không gian và thời gian Lá bao giờ cũng đẹp! Ngay cả phút lìa cành, chao lượn, nắm níu giữa khoảng không chơi vơi và cả khi nằm chơ vơ trên mặt đất vô tình! Một đời lá như thế, một sự cho đi thầm lặng tuyệt vời!


T.T.A.N
(5/2014)

Friday, October 10, 2014


TẤM LÒNG DÃ QUỲ
THANH NGỌC

Một đoạn văn ngắn viết cho những ai đã từng sống ở Bảo Lộc ... đã từng yêu quý loài hoa mang sắc màu phụ bạc mọc hoang dại ven đường.
Đó là những cảm xúc tôi đã bắt gặp khi thấy một vài đóa hoa lẻ loi mọc sớm bên đường trong chuyến về thăm Bảo lộc hôm 2/9/2014

Họ đang bên nhau trên con đường tràn ngập hoa Dã Quỳ đã góp phần tạo nên những mối tình đẹp như chuyện cổ tích trong mơ… chỉ mong sao tình yêu ấy dài lâu ... mãi là biển và sóng yêu nhau ... không phải là một cuộc tình mưa bóng mây .. không ngắn ngủi như nghìn cánh hoa có sắc mà không hương đã góp mặt bên đời vào mỗi mùa hoa Dã Quỳ ... đang nở rộ suốt con đường tình yêu đưa họ đến bến bờ hạnh phúc ... hay một nỗi đau theo đuổi suốt một cuộc đời!
Trong cái nắng vàng tươi tắn quen mắt vào buổi bình minh cao nguyên hình như đã nhạt nhòa đi chút ít bởi sắc vàng rực rỡ của nghìn đóa hoa Dã Quỳ đang vươn mình khoe nhan sắc trong một giấc mộng phù dung sớm nở tối tàn ... vì cái thân phận hoang dại của một loài hoa tự sinh tự diêt.
Tôi thích Dã Quỳ từ thời ấu thơ, một loài hoa bình dị dễ thương như cái tên của nó ai đã đặt cho, tuy hoa chẳng có mùi hương nhưng sắc của nó thì rực rỡ như bù đắp lại số phận không may trót khoác lên hình hài một màu vàng mà người đời gọi tên là màu phụ bạc. Tuy hoa không ai gieo trồng, không ai săn sóc, nhưng hằng năm đến hẹn lại lên, những cây hoa lại hồi sinh tại chính nơi nó đã tàn lụi, bị con người vùi lấp dưới lớp đất đỏ cao nguyên, góp độ phì nhiêu cho nơi đất nó ở, nuôi dưỡng thế hệ mùa hoa sau... cũng một mình lớn nhanh như thổi , lá màu xanh xanh, trổ rộ muôn đóa hoa vàng hàng loạt phủ kín cả đất trời... hồn nhiên vươn cao giữa thiên nhiên như muốn thông báo sự trở về, hội ngộ cùng cùng đồi núi cao nguyên, một lần nữa hồn nhiên dâng hiến đến mọi người vẻ đẹp đáng yêu của nó … với tấm lòng đôn hậu như xưa.
Tôi nhớ có ai đó đã ví von "Hoa Quỳ như đời một con người, hoa tự nở đến khi tàn, hoa rũ xuống khi không còn sức sống… hoa khác lại mọc lên". Dù đời hoa ngắn ngủi… nhưng khi xuất hiện vào cuối Thu luôn rực rỡ sắc màu như muốn biện bạch với thế nhân :
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt!
Còn hơn là le lói suốt trăm năm"...

Hôm nay, qua ngòi bút của một người viết không chuyên nghiệp, cảm xúc đã mài mòn theo năm tháng, Dã quỳ muốn nói với mọi người:
Tuy trót mang màu phụ bạc!
Nhưng tấm lòng vẫn giữ nét thủy chung.


Xin mọi người đừng để màu mật vàng quyến rũ của hoa Dã Quỳ chỉ còn lại trong trái tim một dấu ấn tình người phôi phai và hình ảnh mờ nhạt ấy sẽ mãi ở trong hoài niệm không vui của mỗi người!
Hãy là những nhánh sông luôn chạm biển.
Đêm có dài, có rộng ... ngọn lửa kia vẫn cháy đến bình minh
Chẳng bao lâu nữa mùa hoa sẽ trở về vùng đất Bảo lộc thiên đường tím của mộng mơ... dù chỉ một lần qua rất nhanh ... nhưng vẫn mang đến một mùa tình yêu ngọt ngào bao phủ bởi một màu vàng chủ đạo, lan tỏa lên khắp núi đồi cao nguyên xanh mát kia! Hạnh phúc tuyệt vời!

T.N

Thursday, October 9, 2014


MÙA THU CỦA MỘT ĐỜI NGƯỜI, MÙA THU CỦA NHỮNG NỖI BUỒN

DON HỒ


October 9, 2014 at 3:30am

 
Khi đang hát, sợ nhất là bị khán giả níu vai và chồm lên nói nhỏ vào tai. Chuyện này có nhiều cơ hội xảy ra khi người ca sĩ cầm microphone rời sân khấu để đi xuống bên dưới. Và tại sao "sợ" ư? Có thể bạn thắc mắc, chẳng hiểu.
- Thứ nhất: Đang mải lo trình bày một nhạc phẩm, âm thanh đang ầm ầm thì người ca sĩ làm sao có thể nghe kịp và hiểu người kia đang muốn nói gì với mình?
- Thứ hai: Nếu lắng nghe coi nói gì thì bài hát sẽ có khả năng bị khựng lại & có nhiều khả năng bị phân tâm mà quên luôn cả câu hát kế tiếp.
Không tin bạn thử vừa hát vừa lắng nghe ai nói chuyện gì đó thử xem, nếu bạn làm được cả 2 chuyện cùng lúc thì có thể bạn là siêu nhân (superman) mà không biết đấy...

Tuần rồi trong một buổi gây quĩ, ban tổ chức nhờ cầm rổ đi xuống dưới khán giả, vừa hát vừa nhận phong bì tiền ủng hộ từ những vị hảo tâm, một bác lớn tuổi đã níu vai thì thầm gì đó thì vào tai. Dĩ nhiên là đã ... chẳng hiểu bác nói gì, phải nói lẹ: "Thưa, cháu chẳng nghe được gì cả! Ghế bác chỗ nào, khi hát xong cháu xin trở ra tận nơi ạ?"
Và đúng như đã hứa, hát xong phần mình vào trong lau mồ hôi xong trở lại tìm.
Được níu lại chụp hình ở một số bàn, nhưng rồi cuối cùng cũng kiếm được. Bác kéo tay bảo: "Trong này ồn quá, ra ngoài bác có tí chuyện xin nhờ đến cháu..."
Chút hồi hộp lẫn với tò mò.
Mái tóc gần như bạc phơ, nhìn bác có vẻ lớn tuổi lắm nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Dáng người nhỏ nhắn, lịch sự, nói chuyện giọng của những người Bắc di cư giống hệt mẹ. Bác như hơi đắn đo chút rồi bắt đầu:
- "Bác xin lỗi có hơi chút đường đột, nhưng bác có chuyện này muốn nhờ đến cháu vì bác nghĩ cháu có thê có khả năng giúp được ..."
- "Dạ... Bác cứ nói, nếu làm được gì cháu sẽ làm."
- "Chuyện như thế này..."
Ánh mắt bác trở nên xa xăm, giọng trầm hẳn xuống "Bác có đứa con gái nhỏ đi vượt biên năm 1980 rồi bặt tăm tin tức. Gia đình bác nhiều năm đã nhờ rất nhiều nơi để kiếm em nhưng không có kết quả. Không biết cháu có thể giúp bác, mỗi nơi cháu đi qua để mắt kiếm dùm em?
"Thưa..."
Dường như bác đã lạc vào một thế giới khác, chẳng còn nghe, còn thấy gì chung quanh...
- "Em nó tên là Trần Thị Thanh Lan, năm ấy em nó mới có 13 tuổi, vẫn còn láu táu lắm, tóc dài chấm vai. Gia đình bác thời ấy chỉ có khả năng cho mỗi một đứa con đi nên mới gởi gấm em đi theo gia đình người bạn quen. Cả tàu không có một tin tức trở về, chẳng biết chết sống. Nếu em nó còn, năm nay em nó tròn 47..."
Tới phiên mình bị đẩy lạc trở về cái khoảng quá khứ đầy mộng mị.
Cũng cuối năm 1980 ấy, con tàu vượt biên nhỏ xíu chật ních những người, khoang tàu xâm xấp nước biển lẫn lộn cùng chất thải từ cơ thể bấy nhiêu hành khách. Con bé tóc ngắn nằm sát bên cạnh dường như đi một mình, từ lúc đặt chân xuống ghe chẳng nghe mở miệng nói một câu. Mà mở miệng nói với ai bây giờ, cả chiếc ghe bốn mươi mấy người có mấy ai quen ai!
Con bé dường như cũng bị say sóng nặng giống hệt mình, cũng ói lên ói xuống ngay tại chỗ và cũng lả đi nằm thiêm thiếp. Một lần quay đi không kịp, con bé ói văng đầy cả vào mặt mình sát cạnh!
Biết được nó còn sống là nhờ có một lần bắt gặp ánh mắt của con bé yếu ớt dòm qua. Ánh mắt dường như muốn xin lỗi. Anh mắt thăm thẳm, lạc lõng, vướng vất nhiều tảng mây xám ngắt chiều thu. Ánh mắt đã đi theo ám ảnh mình suốt cả mươi năm đầu lúc mới tới được Hoa Kỳ...
Con bé chắc còn nhỏ lắm, cũng chỉ cỡ 12, 13 là cùng, và là người con gái đầu tiên bị thằng hải tặc ỡ trần vấn xà rông xốc cho ngồi lên, rồi chọc thẳng tay vào áo rờ rẫm mà rú lên cười!
Con bé cũng là bé gái nhỏ nhất trong nhóm phụ nữ đầu tiên bị bắt chuyền qua tàu hải tặc và chẳng bao giờ còn nghe tin.
Con bé nằm ngay sát cạnh mình mà chẳng hề biết được tên...
Giọng bà bác ngay sát tai mà như rất mơ hồ đến tự đâu đâu...
- "34 năm rồi đó cháu, biết đâu con bé tội tình của bác đang sống lưu lạc ở một nơi nào đó trên thế giới mà không có cách nào để tìm lại được gia đình. Biết đâu em nó ở đâu đó trong những thành phố cháu đi qua..."
Ôi... người mẹ tội nghiệp tìm con, đã chừng mấy năm rồi mà vẫn không vơi đi niềm hy vọng dù rất mỏng manh...
Tần ngần hỏi:
- "Thưa bác, chị ấy đã ... đi từ đâu?"
Giọng 2 bác cháu đều trở nên tự lư, nhẹ như tơ tự lúc nào.
- "Ghe em nó đi từ Rạch Giá cháu..."
Một phiến đá nặng chặn nghẹn nãy giờ bỗng được nhấc lên khỏi lồng ngực, không phải con bé ấy rồi! Ghe mình đã xuất phát khời hành từ mũi Cà Mau...
- "Anh em cháu cũng vượt biên vào khoảng thời gian ấy, tụi cháu may mắn đã đến được bến bờ. Cháu ... chưa biết sẽ phải làm gì, nhưng cháu sẽ ráng..."
Trao đổi nhau số phone.
Bác gái nhũ danh: Trương thị Hoà, nhà đã ở khu Hoà Hưng Sài gòn...
Sợ bác sẽ khóc, nhưng nước mắt bác chẳng ra. Chắc những dòng nước mắt đã chảy cạn khô trong suốt ba mươi mấy năm qua rồi, chẳng còn!
Bác run run siết chặt đôi bàn tay cảm ơn, xin lỗi đã làm phiền, rồi xiêu vẹo bước trở lại vào khán phòng.
Mình ngồi thừ lại ở bên ngoài phải cho mãi một thời gian.
Lâu lắm mới buồn như thế!
Và cái buồn chắc chắn sẽ còn vương vất mãi chẳng biết đến bao giờ...
Gần 35 năm rồi, khả năng còn sống sót của người con chắc không nhiều nhưng cũng có thể... Biết đâu ở đâu ở nước nào đó trong vùng Đông Nam Á không chừng....
Và không phải chỉ có mỗi chị Thanh Lan này, mà còn biết bao nhiêu người con gái khác cũng mất tích, biết đâu cũng đang lưu lạc ở đâu đó...
Và nếu đúng thế, biết đâu bạn ... quen, bạn biết? Biết đâu bạn có chút tin tức?
Hoặc giả nếu như không thấy phiền bạn có thể "share" dùm bài này đến bạn bè như một tờ truyền đơn nhắn tin, tìm kiếm. Biết đâu ở một mảnh đất nào đó có một người con gái cũng bao nhiêu năm mong mỏi tìm được lại gia đình của mình ...
Thảm cảnh của cả một đất nước, của cả một dân tộc...
Buồn nhỉ!
Giá như mình có thể khóc được ...
DON HỒ

Sunday, October 5, 2014


Để Gửi Phu-Quân

 * thơ mhhoàilinhphương

 











 
Mình hiểu thấu… em còn một quê hương bỏ lại bên trời
Nhưng đau thắt…đã không về thăm nữa!
Tổ quốc mang theo trong từng hơi thở
Của một người mang căn cước lưu vong.

Chiều nhìn về biển Đông
Cuồn cuộn sục sôi trên giòng thác bạc..
Làm sao em quên?
Trang sử buồn lưu lạc
Vì sao em có mặt nơi này?
Nhận quê hương thứ hai ở phía trời Tây
Cho phận người lưu xứ…
Lặng lẽ, âm thầm
Trên ngày tháng cũ..
Saigon rã rời trong mắt lệ tìm nhau
Saigon giới nghiêm
Không tiếng vẫy chào
Saigon cô đơn
Saigon hấp hối
Saigon của em
Saigon của anh
Saigon của triệu người miền Nam
Không lời trăn trối
Bị bức tử ngông cuồng trong nỗi oan khiên
Saigon bị xóa tên
Nhưng không xóa được Saigon muôn đời trong ký ức…

Nên em vẫn còn môt quê hương để khóc
Còn một Việt-Nam dấu yêu để muôn kiếp nhớ về…
Để sắt son ghi khắc một lời thề
Trong mối hờn vong quốc!

Cám ơn mình, vẫn đồng hành cùng em đi về phía trước…
Một rừng cánh tay vung cao cho ngày mới Việt Nam…

M.H.HOÀI-LINH-PHƯƠNG
Washington D.C tháng 09/2014
 


Saturday, October 4, 2014


MÙI ÁO LÍNH

Nguyễn Thị Thêm
 

Hôm nay tui lãng mạn một chút cho vui cuộc đời.
Tui muốn viết về tình yêu.
Úy chu choa quơi ! Đời mà không có tình yêu thì chán chết. Tẻ ngắt, chua lè.
Tình yêu là đầu dây mối nhợ cho biết bao nhiêu nhì nhằng, đau khổ, sướng rên và cũng lâm ly bi đát trên cõi đời này.
Chả thế mà mẹ chúng mình sinh con gái ra thương quá là thương. Rồi thì chắt chiu gìn giữ. Sợ con yêu nhầm, sợ con lạc bước. Sợ đủ thứ và tưởng tượng nhiều thứ mỗi khi con vắng nhà.

Bởi vì con đường đó mẹ đã bước qua, mẹ là tấm gương trước mắt. Khi gương sáng, đẹp thì mở ra cho con coi. Khi quá khứ tối mù đau thương thì giấu kín tận đáy con tim vỡ nát. Giấu để nghiền ngẫm nỗi buồn, để lo sợ cho con. Để bảo vệ con bằng tất cả tình thương và những lời giáo huấn.
Cái hồi chúng mình còn con gái mơn mởn má đào là thời kỳ chiến tranh.
Tình yêu trong thời kỳ chinh chiến nó nhiều màu sắc lắm. Nó cuồng nhiệt, nó lãng mạn mà cũng nhiều thú đau thương.
Bạn có đồng ý với tui không ?

Này nhé biết bao bài hát, lời ca để nói về lính và các mối tình em gái hậu phương.
Mà thiệt ra thời buổi chiến tranh đó không lấy lính thì chỉ có nước lấy ông già hay mấy tên tàn tật bị lính chê. Hoặc giả lấy mấy anh chàng trốn lính vào bưng làm du kích. Còn mấy ông hoãn dịch vì lý do gia cảnh rồi thì cũng từ từ khăn gói vào Quân trường khi bị Tổng động viên.
Thiệt ra hồi tui còn lang thang đón xe đò lên Sài Gòn vào văn khoa thì mấy bài ca về lính tụi tui không có phê đâu. Cứ chê nhạc “Sến” dù đôi khi thấm tình, hợp cảnh cũng lôi ra rên rỉ.
Nhưng nhạc sinh viên mê và hợp thời thượng nhất là nhạc Pháp, nhạc Từ Linh, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… nghĩa là nhạc cao cao hơn. Hổng hiểu cao tới đâu nhưng dường như là phong trào lúc đó.
Tui thì không lãng mạn bồ bịch vì má tui khó lắm. Bà cứ lấy nước mắt ra mà hù tui.
- Con thấy rồi đó ! Ba mày vợ lớn, vợ nhỏ lung tung. Má chỉ có mình con con gái. Con có bề nào má xấu hổ má chết cho con coi.
Ui ! bài ca con cá má tui hát hoài mà khán giả là tui không vỗ tay là không được. Nên tui đành trốn chạy tình yêu.

Thế mà ông tơ bà nguyệt cà chớn thiệt, cột cái dây tơ hồng vào chân tui hồi nào tui cũng không biết. Mới lúc trước thấy cái mặt khó ưa, nói năng trọ trẹ không hiểu gì hết trơn, lại lì lợm tới nhà người ta ngồi lì hoài không biết mắc cở.
Thế rồi … Ủa sao mình thấy nhớ nhớ vậy ta. Sao hôm nay hắn không tới ? Không biết có đụng trận không? Nếu hắn bị thương mình có nói láo má đi thăm hắn không ?
Cái đầu lung tung thứ nghĩ về hắn, nhớ hắn cho mình tức, mình giận chính mình.
Thiệt là kỳ ! Hổng lẽ :
- Bừng con mắt dậy biết mình đã yêu.
Cái dáng ốm ốm cao cao, nụ cười nửa miệng và bộ đồ Treillis có cái mùi lạ lạ, quen quen.
Cái mùi áo lính kỳ kỳ đó mê hoặc tui lúc nào tui cũng không ngờ.
Các bạn từng là vợ lính có cảm giác giống tui không ?
Dường như áo lính có cái mùi rất lạ.
Mùi đàn ông, mùi chinh chiến, mùi chỉ có lính mới có tui không cắt nghĩa được. Nó không phải là mùi mồ hôi vì khi chàng mà đến thăm tui thì thay bộ đồ Treilli ủi thẳng nếp. Giày cũng soi gương được và hàm râu cắt tém rất phong độ.
Chàng về rồi, trong nhà vẫn còn mùi áo lính, nó làm tui bị vây chặt trong không gian có chàng quanh quẩn. Tui nhiều lần chống trả bản thân là không nghĩ, không nhớ, không lo. Nhưng con tim thao thức chờ đợi, nó chụp hình chàng trong đó cho tui không thể so sánh chàng với ai để mà chọn lựa. Chàng chỉ là chàng của tui, của trái tim tui.
Thế mới chết các bác ạ !
Tui nhắn con nhỏ bạn thân nhất của tui :
- Mày lên đây với tao, coi thử tên này có được không ? Hắn tới nhà tao hoài. Tao không biết làm sao ?
Con nhỏ bạn từ Sài gòn khăn gói lên nhà tui. Nó nhìn cái tướng tui đứng ngồi không yên, nó phán một câu xanh lè :
- Thôi đi má ! Mày chờ đợi kiểu này thì mày yêu chỏng gọng rồi còn hỏi tao gì nữa.
Thế rồi :
- Dù ai nói ngã nói nghiêng.
Tim em cũng chỉ là riêng của chàng.

Hồi đó trước mặt chàng tui cũng lắc đầu ngoay ngoảy. Mặt vẫn tỉnh queo. Nhưng đàn ông mà, họ biết tẩy ngay tui đã cắn câu. Thế là không cần tỏ tình cho tốn nước miếng, tốn hoa, tốn quà. Chàng của tui chơi kiểu nhà binh đánh nhanh rút gọn. Chàng a thần phù một buổi trưa mùa hè đẹp trời chàng bước vào nhà ba má tui.
Trời đất thánh thần ơi ! Ba tui nhìn chàng hết hồn, má tui lấm lét ngó xung quanh. Đây là vùng xôi đậu, bốn bên Việt Cộng nằm vùng. Một tên Sĩ quan ăn mặc chỉnh tề hỏi từ đầu xóm đến cuối làng tìm con gái ba má tui.
Tui bước ra cửa thấy chàng mặt tui tái mét. Dù đã đi dạy rồi nhưng tui là con gái ngoan của ba má. Tui không biết phen này mình lãnh án tử hình hay chung thân hoặc tha bổng với án treo.
Chàng cười cầu tài, cúi đầu lễ phép và nói :
- Như ri là trụng rồi. Con tìm nãy chừ giờ mới đúng nhà ni.
Úy mèn ơi ! Má tui há hốc miệng, bà già không hiểu gì hết trơn. Ba tui thì hiểu bằng sự phán đoán tinh tế của đàn ông và mời chàng vào nhà. Tui rót nước rồi rút vào nhà sau.
Chàng lễ phép thưa với ba má tui là chàng và tui đã tìm hiểu và yêu thương nhau. Vì mẹ chàng còn ở ngoài Huế chưa vào kịp. Chàng xin phép tới thăm trước để khi mẹ chàng vào sẽ đem lễ vật tới nhà. Chàng xin ba má tui cho chàng được tới nhà riêng của tui để thăm viếng danh chánh ngôn thuận.
Má tui không nghe được giọng Quảng Trị nên cứ ờ ờ ! Còn ba tui hỏi dăm ba câu rồi cũng gật đầu, kêu dọn cơm lên cho chàng ăn để còn về sớm.
Chàng về rồi tui lảnh nguyên bốn viên đạn lửa lên nòng xuất phát từ hai đôi mắt của ba má tui. Ba tui kêu tui ngồi xuống ghế và từ từ, nhẩn nha tuyên bố :
- Ba má không ép con, con đã chọn thì con ráng chịu. Sau này “Sướng khổ là do con”
Còn má tui ứa nước mắt :
- Sao lại ưng người Huế ? Nó nói con có hiểu không mà thương nó. Trời ơi ! Ớt mà nó dám cầm nguyên trái cắn thì nó khó và dữ lắm con ơi !
Tui hả ? Tui nghẹn lời. Nói không cũng không được vì hình như tui đã yêu. Mà nói đã yêu để lấy chồng thì cũng không đúng vì tui chưa có một lời ước hẹn.
Ba tui là người ngay thẳng, chính trực. Ông bảo :
- Ba đã hứa với nó rồi. Một lời như đinh đóng cột. Má nó vô đem trầu cau dạm hỏi là con đã có chồng.
Thế là tui đi lấy chồng mà không biết ất giáp gì về bên nớ. Cũng may miền Nam nắng đẹp hai mùa. Má chồng tui khăn gói vào Nam cưới dâu rồi mọc rễ luôn ở Biên Hòa.
Tui trở thành vợ lính và gắn liền đời mình với mùi áo lính.
Cái mùi lính ấy thật lạ, dù áo đã giặt rồi, phơi khô, ủi kỹ nó vẫn có cái mùi hăng hăng, thơm thơm. Người ta nói đó là mùi da thịt của chồng nên mình quen hơi. Chim quyên quen chậu, vợ chồng quen hơi í mà.
Thật ra tui cũng không biết người khác đi lính có cái mùi đó không ? Nhưng chồng tui quả thật cho tui cái mùi mà mỗi khi nhớ, chỉ có cái áo lính của chồng, tui mới tìm lại được những cảm giác có anh bên cạnh.
Khi chàng đổi đi xa hay đi tù CS, tui vẫn giữ lại bộ đồ lính, nhất là cái áo để theo tui những lúc ra ngoài đồng làm việc. Mùi đó từ từ theo năm tháng, theo mưa gió, theo sông nước quê người đã không còn hiện hữu.
Nó phôi pha theo người lính buông súng bại trận và xa hẳn Quê hương.
Bây giờ, thú thiệt cái mùi đó mất rồi kể từ khi chàng trở về từ trại tù Cộng Sản. Không còn cái áo lính nào cho tui giữ lại để lấy hơi.
Và nếu đó là mùi mồ hôi chồng thì tui xác định không phải. Vì bây giờ chàng cũng có mồ hôi. Nhưng tất cả các áo anh mặc không hề có cái mùi ngày xưa.
Cho nên cái áo lính do vải, do hồ, do nhiều thứ của một thời chinh chiến cộng lại. Quyện với mồ hôi chồng tui cho tui có những hồi ức đẹp khó quên trong đời.
Tui yêu chồng tui và yêu vô cùng mùi áo lính của anh.
Mùi áo lính yêu thương của một thời kỷ niệm.
Tui lại làm thơ nè :
Mùi áo Lính
Em vẫn nhớ áo anh mùi thật lạ
Mùi mồ hôi của một thuở yêu thương,
Mùi của anh cho em mãi vấn vương,
Của gió, cát và máu xương người lính.


Em vẫn nhớ như in nhiều năm tháng
Một mùi hương la lạ rất dễ thương
Áo treillis anh mặc của chiến trường,
Mùi áo lính, em yêu và em nhớ.

Áo của anh giặt bao lần không rõ,
Vẫn cho em một cảm giác yêu thương
Mùi hôi chồng xen lẫn chút gió sương
Làm ngây ngất con tim người vợ trẻ

Bốn mươi năm qua đi rồi và có lẽ
Áo treillis xưa rách nát không còn
Áo như anh xơ xác với nước non.
Làm thắt lại tim em, khi nhớ mùi áo lính.

Nguyễn Thị Thêm