Friday, August 31, 2012

ÁO TRẮNG PHÔI PHAI

NHƯ LY


















Con đường xưa có hàng lá me bay
Còn nguyên vẹn một mầu xanh lưu luyến
Nằm chứng kiến bao nhiêu lần biến chuyển
Chờ tôi về tâm sự chuyện ngày qua

Kể từ khi tà áo trắng phôi phai
Không còn chiếc xe đạp chiều gió ngược
Không còn gót son hồng khua nhịp guốc
Tất cả đều như quyển sách sang trang

Con sóng đời lúc sụp đổ tan hoang
Cuốn theo mối tình xanh đưa đi mất
Vùng kỷ niệm vương dấu buồn lây lất
Hy vọng ngày mai nối lại nhịp cầu

Đã lâu rồi ta chẳng gặp lại nhau
Dù vẫn biết mình cách xa ngàn dặm
Trong tâm tưởng còn khắc ghi sâu đậm
Bóng ngưòi xưa, giờ lạc bước về đâu?

 

Saturday, August 25, 2012

biển xưa giờ vẫn gió

phạm ngũ yên

1.

Buổi sáng rét ngọt trên chỗ ngồi. Không có nắng để nhìn thấy trong mắt nhau hơi ấm. Trên thềm cỏ vừa đổi màu những cánh lá màu vàng sậm từ một mùa đông. Giống như màu tóc của nàng. Chiếc áo phồng căng cánh gió.

Nàng vừa trở về từ Việt Nam. Một đất nước đầy những nghịch lý, vừa mới mẻ vì những đổi thay, vừa cũ mòn vì lòng người vô cảm.

Hơi thở của nàng mới tuần rồi còn ủ những nắng gió nhiệt đới, bây giờ đã khô tạnh một lời chim. Ðã có những ngày mưa lây lất trên vai, trên những vạt cỏ trong thành phố chúng tôi đang sống. Thời tiết lạ lùng đã làm thay đổi một phần đời sống kinh tế của Mỹ quốc, đồng thời làm cho mùa xuân dài hơn những mùa khác trong năm. Tôi không kịp thấy cây anh đào nở hoa khi một mình xuống phố. Nhưng đã có vài cây bên hiên nhà hàng xóm đang lấm tấm chồi nụ màu hồng. Những chuyến xe khép kín cửa và mở máy heat tối đa lười biếng vụt qua. Thời gian trôi như một dòng sông ngỡ ngàng, kéo theo nỗi buồn, không muốn ngừng lại.

Nàng kể cho tôi nghe, về những nơi nàng đã đi qua, trong đó có thành phố biển của tôi. Những con phố đèn khuya thao thức bước chân khách vãng lai về muộn. Những khoảng trời che khuất tầm nhìn vì những nhà cao mọc lên không thứ tự. Trên cùng là những giấc mơ của chúng tôi.

Có bao nhiêu giấc mơ cháy hết trong một đời người nhưng sự thật thì không hiện ra? Tôi chờ đợi những hạnh phúc đàng sau những điều nàng kể. Nhưng chỉ cảm nhận được sự nhức nhối ngỡ ngàng trên những đầu ngón tay. Buổi sáng thật bình yên và tôi nghe tiếng nàng vẫn bên tôi sôi nổi, cùng xen lẫn những lời nũng nịu. Tôi không hình dung ra rằng biển của tôi vẫn hiền hòa như ngày nào tôi còn thơ ấu. Nàng nói. Tôi ngỡ tôi chưa từng phơi mình dưới những tán dù nhiều màu để nghe đời căng chật một cánh buồm. Những con hải âu luống cuống tìm mồi trên bãi cát nước ròng. Cái ngày xưa đó qua lâu rồi.

2.

Mười tám tuổi tôi chưa tròn trịa một tình yêu. Nhưng lòng tôi đã xao động những cơn sóng. Người con gái nhỏ hơn tôi ba tuổi nhưng khôn ngoan hơn tôi tưởng. Nàng cũng chưa biết buồn. Chưa hình dung ra những bão giông đàng sau những vai đời. Những cơn nước lên xuống mỗi ngày và đứng trước biển nàng thấu đáo mỗi lời sóng là mỗi niềm vui. Mười lăm tuổi có lẻ Giang không cần son phấn, nhưng tôi thấy nàng lộng lẫy và quý phái vô cùng.

Tôi nhớ lại một ngày chủ nhật tôi đưa nàng ra biển.

Biển vắng vẻ và trên băng ghế ngồi lạnh lấm tấm những bông bàng. Chúng rụng xuống hồi đêm như để làm những chứng nhân trãi qua lòng hai chúng tôi sự nhớ mong hối hả. Dưới kia, người ta đang kéo lưới lên bờ. Những ngư dân lực lưỡng nghiêng mình kéo những dây lưới bằng hai bàn tay. Nắng lấp lánh như những giải bạc tỏa trên lưng người vũ công trong một hoạt cảnh múa. Những con cá đối hiện ra rõ dần khi lưới kéo lên khỏi mặt nước, chúng đang nhảy xoi xói mong vượt thoát ra khỏi ô lưới, như muốn thoát ra khỏi số phận. Những con cua cũng vậy. Vài đứa nhỏ mặc quần đùi đứng coi, chờ đợi những con cá bị bỏ quên. Giang phấn khởi không kém những đứa trẻ đó. Nàng chạy tới chạy lui tìm kiếm những con cá đang hoi hóp, những con ốc tí xíu màu sắc lạ lùng. Trong mắt nàng chúng trở nên kỳ diệu và quan trọng. Nhìn nàng vui mừng giống như người lính thắng trận hân hoan chạy đôn chạy đáo thu về những chiến lợi phẩm. Một tay túm cao hai ống quần, một tay cầm bao ni lông có đựng nước biển. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn đôi bắp chân trắng muốt như chưa từng biết qua nắng gió, và nhủ với lòng không thể quên hình ảnh đó một mai khi xa cách nàng... Gió thổi mái tóc nàng bay ngược về phía sau, trong khi cuộc đời tôi cũng bay ngược chiều trên tình yêu nàng. Tiếng cười của nàng trong veo ùa qua trái tim tôi mù lòa, đau nhói.

Cuối cùng thì mẽ lưới cũng kết thúc. Và người ta chuẫn bị làm thêm những mẽ lưới kế. Giang tiếc rẻ sánh vai bên tôi lên trở lại bờ. Tôi không cao hơn nàng và ốm o trông thấy. Có những điều chỉ xãy ra trong một phút giây nhưng tồn tại và sâu đậm lâu dài. Hình ảnh của Giang trong buổi sáng chủ nhật đó quả tình theo tôi nhiều năm.

Biển biền biệt sau lưng tôi từ mùa xuân đó. Năm sau tôi rời trường, đi lính.

Cũng một mùa xuân như vậy, tôi nằm trong quân trường. Dưới những gốc cây bã đậu, tôi chà láng những đụn cát theo lời thượng cấp giống như chà láng một quá khứ. Thời gian là sáu giờ sáng. Tôi nhớ Giang vô cùng. Giờ này có lẽ nàng đang nằm trong chăn ấm. Ðang chạm tới một giấc mơ? Làm sao để nuôi dưỡng một tình yêu sắp trở thành tro than không bao giờ thành ngọn lửa?

Khi tôi vừa dứt khóa học quân sự tại Quang Trung, chuẫn bị theo học ngành ở trường Truyển Tin tôi có một tuần lễ phép. Tôi về thăm Vũng Tàu. Buổi sáng đầu tiên tôi ra biển, trúng vào giờ nước đang ròng. Phía xa, cũng có vài ba nhóm người đang thả lưới. Họ đi vòng ra khơi, nhưng chưa đến lượt kéo lưới lên bờ. Tôi ngồi trên một ghế bố, dưới một tàn dừa tơi tả theo thời gian. Tôi kêu một ly cà phê và vài đìếu thuốc lá. Khói bay ẻo lả trên bàn và tan trong gió sớm như mối tình cũng vừa mất đi. Những ngày ở quân trường, ngoài những bài học để trang bị cho một người lính vào đời, tôi học thêm bài học xấu là hút thuốc mỗi khi ngồi một mình.

Màu trời xanh trên cao, giống như màu xanh của biển bên dưới. Vài đám mây lạc lỏng mờ nhạt như muốn gởi gắm một thông điệp không rõ ràng. Hai ngọn núi nằm về hai phía. Như tôi và nàng nằm ở hai đầu cuộc sống.

Có những lúc tôi muốn quên nàng. Vì sự chia xa mỗi ngày thấp thoáng sự tan vỡ, trong khi mưa nắng cứ ùa qua những cửa lòng trống trải.

Một tuần lể phép không lâu nhưng tôi thấy biển mênh mông và thời gian dài hơn một cơn mưa bay qua đời người.

Cát dưới chân tôi vẫn mịn màng như buổi sáng nào nàng dẫm lên đó. Những ngón chân có màu son đỏ như những vệt san hô rướm máu trôi trác trên một trang vở lòng thơ dại, nơi những tình sữ lấp lánh một bến nước rộn ràng. Nơi mà bến cảng và tàu ghe mỗi chiều về cùng những câu chuyện kể về các nàng tiên cá, từ các quán rượu bên đường đang xối xả bia bọt.

Tôi nhớ tiếng cười nàng. Tiếng cười có khả năng nẩy mầm để làm thành những nhánh cỏ tương tư. Có những điều mà tôi không làm sao hiểu được là sự chia cách không phải vì khoảng cách của không gian bao la hay thời gian chật hẹp, mà chia cách vì hình ảnh bé nhỏ của người này trong lòng người kia. Dù biển lúc nào cũng xanh. Dù bầu trời vẫn trong vắt dịu dàng.

Tôi nhớ có một lần tôi rũ Giang đi uống cà phê.

Ðêm tháng ba hiu hắt gió mùa. Vũng Tàu chợt rét đột ngột sau những ngày nắng oi ả. Nàng khoát chiếc áo lạnh trên vai, không chịu mặc vào, đi bên tôi hết một chặng đường mà nghe rưng rưng những vì sao trên đầu. Giữa hai chúng tôi đâu là mơ và thực? Tôi thầm nghĩ và vụng về dừng lại mua một bao thuốc bên đường. Ðứa con gái ốm o ngổi bên tủ thuốc lá trao cho tôi gói Capstan và vặn ngọn đèn hột vịt cho cao ngọn. Tôi thầm tính những số tiền tôi để dành trong túi chuẫn bị cho một buổi tối đầy hao tốn. Cửa biển xưa giờ vẫn gió. Chúng tôi nói đủ chuyện trên trời dưới biển. Về chuyện mưa nắng, chuyện học hành cả hai. Lâu lâu tôi xót xa nhắc về một gả trai nào đó tôi bắt gặp đi bên nàng lần trước. Mười lăm tuổi Giang không cần chọn lựa một hướng đi vì cuộc đời còn mênh mông quá. Ngay cả tình yêu cũng vậy. Biết bao nhiêu đêm gió thổi từ biển về bờ, làm xô lệch vạt áo đêm và trái tim tôi trống hoác?

Tôi hỏi nàng có nên vào một quán cà phê đêm từng là nơi hẹn gặp của hai đứa? Nàng nói “sao cũng được”.

Tôi thấy thương nàng vô cùng. Tiếng nói của nàng giống như một dòng nắng mật chảy qua suốt một mùa đông, làm hồi sinh những cây cỏ.

Tôi nghe hơi thở nàng rung trên tuổi thơ tôi, như tiếng đời câm rung theo những mùa màng. Một chiếc quán chìm khuất trong một lô cốt có từ thời xa xưa. Lô cốt này do người Nhật xây để chống lại cuộc tấn công từ ngoài khơi của hải quân Pháp. Một ông già cô đơn sống trong đó và bán rượu cho những dân nhậu bụi đời. Không biết ai đã đặt tên cho quán của ông là quán Tổ Phụ. Có thể vì cái dáng dấp nhỏ bé và già nua vô cùng của ông. Nhìn ông, người ta liên tưởng đến những nhân vật tiền bối quy ẩn trong truyện kiếm hiệp Kim Dung. Tôi thay đổi ý định đi uống cà phê và nói với nàng nên ghé vào quán ngồi chơi một lát.

Nói là quán cho ra vẻ long trọng, thật ra đó chỉ là một cái chòi che bằng vài tán dừa, bắt ngang qua lô cốt để chịu đựng vài cơn mưa nhỏ nào đó. Còn mưa lớn, thì khỏi vào vì quán đóng cửa. Một chiếc bàn cũ trên đó bày ra mấy con khô cá đuối, cá hố, vài con khô mực, một vài hủ rượu nếp than. Ðặc biệt ông có một hủ ruợu thuốc to ngâm chim bìm bịp trong đó. Tổ Phụ tự hào với khách nhậu là chỉ duy nhứt trong quán của ông mới có rượu bìm bịp. Uống vô tiêu trừ bá bịnh và ... cải lão hoàn đồng như Châu Bá Thông. Mỗi lần có khách lạ đến uống, ông vớt con bìm bịp trong hủ rượu ra khoe: “Ðó là con bìm bịp thứ … mấy trong tháng nầy”.

Chúng tôi thì quá quen thuộc cảnh con bìm bịp khô khốc được lấy ra rồi bỏ vào lại trong hủ rượu mỗi ngày, đến nổi không biết con chim đó có còn nguyên vẹn thịt da như ngày đầu hay đã trở thành một mục rữa nhiều năm. Nhưng màu đen sệch của chất rượu đã như lời cầu chứng hùng hồn về những điều ông nói và chúng tôi cũng không thắc mắc, không so bì, về con bìm bịp thứ nhứt hay thứ mấy mươi từng đi qua cuộc đời ăn nhậu của chúng tôi.

Giang chỉ muốn ngồi xuống một chút, kêu một vài miếng khô mực và ăn để thưởng thức một món ăn về đêm của biển. Nàng cố tạo dáng vẻ giang hồ và đường phố một chút, để làm dáng với  đời.

Ðêm khoáng đạt mùi khô nướng như mùi vị thời gian bay qua tuổi nhỏ. Cùng với biển cả và trăng sao tôi đã lớn lên như cành xanh run rẩy. Tôi đã từng như dòng sông chảy qua những bến nước và không biết ai còn ai mất. Ai bạc lòng chia cách và ai còn đó thủy chung.

Tôi không biết tôi uống được rượu như thế nào. Nhưng tôi biết có một người con gái ngồi bên cạnh tôi và xé khô đuối đưa cho tôi. Bàn tay trắng muốt có những ngón đài cát trang trải hồn nhiên hôm nay hay xé lòng tôi ngày mai thành những mảnh đời vụn vặt?

Men rượu có tên là bìm bịp đó, vì tôi nàng đã nhấp chút đỉnh. Cũng như tôi đã vì nàng mà nhớ nhung mất ngủ một đêm. Giữa tôi và Giang, không biết ai sẽ ngã sóng sượt vào đời nhau và mắc nợ nhau một lời chúc không tròn trịa trăm năm? Nhưng tôi biết từ đêm đó, Vũng Tàu sẽ không quên được nàng. Vũng Tàu sẽ chờ mong và tương tư một cô gái Sài Thành. Như dòng sông tương tư hai hướng bờ nhân quả. 

3.

Hai năm đi lính, tôi được phép trở về. Ngang qua góc biển xưa. Quán rượu bìm bịp không còn vì Tổ Phụ đã chết. Cũng không có ai bên cạnh tôi trên đường đêm mịt mùng.

Nàng đã biền biệt từ khi tôi vào lính. Cũng như nàng không từng chờ đợi bước chân ai dẫm qua trái tim mình. Năm đó Giang 16 tuổi. Còn tôi? Nàng đâu có biết rằng năm tháng cũng biết yêu khi mùa xuân gõ những tiếng mưa trái mùa lên mái nhà. Những trái bàng cựa mình trên cành khô mà suốt một mùa đông đã cố tình trụ lại không chịu rụng. Năm tháng dù dài đến đâu vẫn không làm xô lệch và méo mó mọi hình ảnh trong trí nhớ. Tôi nhớ về nàng. Nhớ cái cung cách nàng ngồi bên cạnh tôi, từ tốn và khoan thai. Nhưng cũng quyết liệt ngại ngần không kém.

Làm sao để tôi thuyết phục một tấm lòng xuân nữ yêu mình và thắp trong lòng nàng đóm lửa đam mê với một que diêm thất bại? Trong khi những ồn ào sinh động vây bủa chung quanh nàng.

4.

Mùa này đang Tết ở Việt Nam. Ðêm giao thừa cháu gái con bà chị gọi phone qua chúc mừng tôi thêm một tuổi- trong lúc tôi đang ngồi trong sở làm. (Gần mười hai giờ trưa). Tôi sững sờ không biết nên vui hay buồn. Nó nói gia đình đang nhớ tôi và mọi người gởi lời thăm. “Bao giờ cậu về Việt Nam ăn tết với tụi con?”. Tôi trả lời nghi hoặc. “Chắc chờ lúc cậu về hưu”.

Ðầu tháng ba có rét nàng Bân (ở quê nhà) cùng với cái rét đột ngột tại đây của cơn bão đi qua vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ. Những lá bàng già đã còn hay đã rụng xuống một vùng biển quá khứ? Tôi chưa thể trở về để gõ cửa ngôi nhà tưởng như chìm trong thiên tai và nghe gió tháng ba ùa qua lòng hối hả. Ðể gởi trả lại cho người ấy- ngày xưa- một tiếng cười thân thiết.

Tôi ghi xuống vài câu thơ rời rạc. Qua màn ảnh laptop, tôi biết mình khó khăn để viết ra thành lời những đau khổ, nhưng tôi vẫn không muốn cất nó trong lòng. Khi biết không còn là của nhau, thì những lời văn thơ óng ả có ích lợi gì?

 

Cho đến bây giờ, nhiều chục năm sau, trên một đất nước không phải là quê hương của mình, trong một cuộc sống đầy sửa và mật, tôi vẫn chưa thể trả lời câu hỏi đó. Mùa xuân trôi êm đềm trên những ngọn cây đầy sinh lực. Chiếc bàn nơi góc quán không có dịp đón nhận hơi ấm của cánh tay người tựa lên nó, nhưng vẫn nghe ràn rụa một bình minh.

Có những tình yêu giống như một đời lá. Có những tình yêu giống như một bông hoa. Chúng sẽ ủ rũ hay phơi phới bên đường tùy theo sự đón nhận của trái tim và tấm lòng mỗi người qua lại.

Khi tôi yêu nàng, tình yêu rất son trẻ dường nào. Bây giờ tôi đã hơn 65. Hơn 40 mươi năm rồi còn gì? Những kỹ niệm nào được gợi ra từ một ánh mắt, một môi cười có còn tươi màu hay đã mất biến tàn phai? Những điều gì gây cho lòng nhau những dấu ái có còn nồng nàn hay trở thành ray rức?

Tôi không biết Giang bây giờ ra sao. Không biết nàng còn sống hay đã không tồn tại từ sau một cuộc đổi đời. Nhưng nếu nàng còn sống thì bây giờ nàng ra sao? Thí dụ tôi gặp lại nàng đâu đó, trên đất nước Hoa Kỳ, không biết tôi có nhận được ra nàng dễ dàng như ngày nào? Và nàng cũng vậy, có nhìn ra được tôi ? Không chắc.

Có những điều làm cho người ta sợ hãi. Danh vọng, hạnh phúc, tiền bạc, nhan sắc. Trong đó nhan sắc làm cho người ta sợ hãi nhất. Danh vọng, hạnh phúc hay tiền bạc nếu mất đi, người ta có thể hi vọng một ngày nào đó sẽ tìm thấy lại. Nhưng nhan sắc mà đã bỏ đi cùng với thời gian thì con người khó lòng tìm thấy lại. Năm ba năm không nhìn thấy nhau, đã cảm giác được sự thay đổi. Mười năm hay hai mươi năm, gặp lại nhau thì cảm giác xưa và sự mường tượng cũ đã thay bằng thực tế. Huống hồ là bốn mươi mấy năm.

Tôi nghĩ Giang còn sống và đang sống bình thản ở đâu đó. Một ngày nào đó nếu tôi gặp lại nàng trên đường phố Bolsa chẳng hạn. Cả hai đều không nhận ra nhau và đi lướt qua nhau. Mắt lơ đảng nhìn về phía khác và cái giây phút cảm nhận về nhau cũng không hề. Như hai người xa lạ chưa từng quen nhau. Không có cả một tín hiệu giăng ra từ một trái tim hay nỗi cảm thông về nhau từ một tấm lòng.

Nếu quả thực như vậy, thì cuộc đời phũ phàng quá. Nó đau khổ và tồi tệ hơn là thấy nhau mà không với đụng được với nhau. Nó còn đau khổ và tồi tệ hơn là thấy nhau mà kinh ngạc về nhau vì sự đổi thay lớn quá.

Khi Doctor Zhivago gặp lại Lara trên đường phố Mạc Tư Khoa, là buổi sáng mùa xuân mát rượi những cánh gió. Boris Pasternak để cho Zhivago nhìn thấy Lara dưới đường phố ồn ào. Nhưng Lara thì không thấy ông. Zhivago đang ngồi trên xe điện nhìn mông lung xuống phố. Và trong một lúc đôi mắt ông bắt gặp mái tóc vàng quen thuộc của người đàn bà mà ông từng yêu dấu. Ông đã sững sờ. Người đàn bà tuyệt vời đó đang đứng sau những dòng người để chờ qua đường. Hai tay nàng bỏ trong túi áo khoác màu kem, đầu ngẩng cao như đã từng ngẩng cao thách thức lại số phận. Nhưng có một số phận chung giữa hai người không thể vượt qua, dù cách nhau chỉ một vạch vôi đường. Ðèn xanh. Xe điện vượt lên phía trước. Zhivago đứng bên khung cửa kính tuyệt vọng nhìn xuống. Ông cố gắng làm mọi cách để xe dừng lại, trong khi bên dưới đường, màu vàng thân yêu của mái tóc đã trôi biến theo dòng người. Như vạt gió mùa thu bay qua miền dâu bể.

Zhivago đột ngột cảm thấy khó thở, ông ngã về phía trước. Trong khi miệng cố gắng kêu tên nàng. Trong khi bàn tay xua đi nỗi bi thiết là không thể vói đụng đến hạnh phúc. Cái hạnh phúc lẫm liệt nhưng đầy nước mắt là gần nhau gang tấc mà cách xa nghìn trùng.

Ðàng sau những trang sách khép lại một tình yêu vùi dập thương đau nhưng mở ra giải Nobel văn học cho Boris Pasternak. Cũng đàng sau những trang văn mượt mà nước mắt kia là một tác phẩm kinh điển về mối tình tay ba vĩ đại của thế kỷ hai mươi.

5.

Làm sao để tôi vẫn còn yêu mến đời sống này một khi tình yêu không còn đậu xuống và mỗi ngày nghe giông bão trên vai?  Chính vì những giây phút ngắn ngủi mà lẫm liệt đó. Gần 50 mươi năm, kể từ khi bước xuống cuộc đời, tôi vẫn trang trọng mọi điều làm nên tình yêu, dù hạnh phúc hay khổ đau. Dù từng chia tay hay từng nắm tay đi nhau dưới một con đường. Dù sáng bình minh hay đêm dài thao thức. Người ta không chờ đợi những bất hạnh nhưng không thể quay lưng lại bất hạnh.

Ðộc giả và bạn hữu hỏi tôi tại sao cho đến giờ phút nầy tôi vẫn còn viết được về tình yêu và tác phẩm của tôi vẫn còn thấp thoáng những nhân vật còn biết thổn thức môi hôn trong khi ràn rụa nước mắt? Tôi không có bí quyết nào khác ngoại trừ tâm hồn mượt mà những cánh đồng xanh và đôi môi luôn bầm vập những vết roi đời. Tôi đã chạy qua nghịch cảnh bằng tuổi thơ vừa cơ hàn vừa ốm đói. Nhưng tôi biết chấp nhận quà tặng cho đi hay lấy lại của đời sống. Trong đó, còn bao hàm hạnh phúc và luôn cả khổ đau.

Trước khi tôi là một đứa học trò biết thu nhận mọi điều hay lẽ đẹp trong sách vở tôi đã là một đứa trẻ mồ côi cha. Tôi đang sống êm đềm dưới một mái ấm cùng với người thân nhất trong đời thì chiến tranh đã làm mất đi hình ảnh một người cha. Khi tôi đi học và bước xuống cuộc đời, thì mẹ tôi là người dạy tôi biết can đảm để đón nhận. Thầy giáo dạy tôi kiến thức. Nhưng mẹ tôi cũng là người dạy tôi biết thêm một mặt khác của đời sống. Tôi sẽ kể ra chuyện nầy vào một dịp khác.

Có rất nhiều buổi sáng tôi ngồi uống cà phê trong một quán cà phê quen, trong thành phố tôi đang sống là Austin, Texas. Tôi định cư tại đây gần 20 năm. Có nhiều buổi sáng cuối tuần tôi uống một mình và cũng có nhiều buổi sáng tôi ngồi với một người đàn bà vừa quen. Chiếc bàn hai chỗ ngồi lạnh căm khi mùa đông và mát mẻ vào mùa thu. Ðôi khi cái nóng của mùa hè làm khô môi nàng hay mưa phùn có làm tóc nàng lướt thướt. Mọi thứ, có khả năng làm hạnh phúc và làm tròn trịạ những ngày tháng tạm dung. Mọi thứ như đậm đà thêm ly cà phê không bỏ đường của hai chúng tôi. Lâu lâu có vài chiếc lá bay lạc xuống chỗ ngồi. Những chiếc lá tạo thành nỗi nhớ từ một cửa sổ phòng đêm bốn mươi mấy năm. Rụng xuống như bước chân những người đi qua đời nhau, tê điếng…

 

Austin tháng 3 2012

 

VỢ CHỒNG ĐIỆP VIÊN

PHẠM THÀNH CHÂU

 

Học xong trung học, tôi thi vào Đại Học Sư Phạm ban Anh Văn.

Trong thời gian là sinh viên tôi còn làm việc cho số 3 Bạch Đằng. Đó là cách nói gọn của phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo Việt Nam Cộng Hòa.

Tôi làm tình báo vì có máu phiêu lưu, thích chuyện mạo hiểm, sau nầy lại thêm mối thù việt cộng giết cha tôi. Ông già tôi là chủ một nhà máy xay lúa nhỏ ở vùng quê tỉnh Bạc Liêu. Vì là vùng mất an ninh nên phải đóng thuế cho việt cộng, ấy vậy mà cũng bị chúng nửa khuya đến gõ cửa đem ra đồng bắn bỏ. Cả mấy năm sau, tôi cố tâm điều tra mới biết rõ thủ phạm là một tên nằm vùng trong xóm, chỉ vì một xích mích nhỏ, hắn dẫn đồng bọn về giết người. Dĩ nhiên tôi trả thù.

Sau khi tốt nghiệp sư phạm, trong lúc chờ sự vụ lệnh, tôi lẻn về nhà trốn trong phòng không cho hàng xóm biết, đến khuya tôi đến nhà hắn, nằm sau hè chờ. Ở thôn quê không có phòng vệ sinh trong nhà, khi cần thì ra sau vườn. Qua đêm thứ hai hắn mở cửa ra đi tiểu, tôi chĩa súng vào lưng hắn.

- Đồng chí ra ngoài kia trả lời trước tổ chức về vài việc cần gấp.

Hắn sinh nghi định phản ứng, tôi giáng cho một bá súng vào đầu, hắn bất tỉnh, tôi cột chân tay hắn, cõng trên lưng, ì ạch băng đồng ra chỗ bọn chúng giết cha tôi.

Tôi khai thác tận tình cho đến khi hắn thú nhận tội giết cha tôi, lúc đó tôi mới cho hắn biết sự thật. Hắn van lạy, nhưng vô ích, hình ảnh cha tôi chết oan ức, mắt vẫn mở trừng trừng khiến tôi sôi gan.

Sau đó gia đình tôi bán nhà máy xay lúa, bán nhà lên Sài Gòn ở. Tốt nghiệp xong tôi được điều đi các tỉnh dạy học. Sau mỗi công tác tình báo dù thành công hay thất bại tôi lại chuyển qua tỉnh khác.

Câu chuyện bắt đâu khi tôi được giao cho việc theo dõi một cô thợ may ở ngoại ô một thành phố ven biển miền trung.

Nguyên nhân là thỉnh thoảng lại có truyền đơn rải vào buổi sáng trên con đường vào thị xã. Đây là con đường mà đa số nông dân thường đem nông sản vào chợ bán. Họ chở bằng xe đạp, xe lăm hay xe bò.

Sáng sớm nào cũng có cảnh sát rình ở đó nhưng chẳng thấy ai đáng tình nghi cả. Sau phải cho người nằm sát lề đường mới khám phá ra một cô gái đi xe đạp chở rau muống phía sau, dưới chân chỗ bàn đạp để mớ truyền đơn, cứ dỡ nhẹ chân là truyền đơn rơi xuống đường khó mà thấy được nhất là ở quãng đường tối.

 

Qua điều tra đây là cô thợ may nhà ở vùng ngoại ô, sát địa giới thành phố. Sau nhà là một vạt ruộng nhỏ trồng rau muống, mỗi sáng cô chở rau vào chợ bán sỉ cho bạn hàng rồi về ngay. Cô sống với một mẹ già hơn sáu mươi tuổi.

Gọi là tiệm chứ thực sự là một bàn máy may phía trước, cách một tấm vách cót là giường ngủ của hai mẹ con vừa làm chỗ thử áo quần. Gia đình nầy mới từ một quận miền núi về hơn một năm nay. Theo báo cáo, trước đó cô là nữ sinh trung học, sau theo nghề may. Tiệm của cô khá đông khách vì cô hiền lành, vui vẻ lại lấy công rất rẻ, có lẽ đây là trạm giao liên hơn là cơ sở kinh tài của địch.

Nhiệm vụ của tôi là tìm cách tiếp cận cô để theo dõi. Tôi sẽ đóng vai một kẻ si tình cô, gặp gỡ cô mà bọn chúng không thể nghi ngờ, hoặc tốt hơn nữa sẽ được móc nối làm việc cho chúng.

Một buổi sáng chủ nhật tôi chạy xe gắn máy gần đến nhà cô thì xe chết máy phải dừng lại sửa. Tôi vào tiệm xin cô miếng giẻ rồi loay hoay mở máy ra chùi, thay bu gi, tháo bình xăng con... toát mồ hôi mà xe vẫn không nổ. Tôi xin cô miếng nước uống và ngồi trước hiên nhà cô hỏi vài câu vơ vẩn rồi dẫn xe về.

Qua hôm sau tôi đem một xấp vải đến nhờ cô may cho một áo sơ mi. Lần nầy tôi được cô mời vào nhà vì tôi là khách. Thế rồi, thỉnh thoảng tôi lại nhờ cô may một thứ gì đó và tôi ngập ngừng nói là tôi làm thế để được dịp gặp cô, không gặp tôi nhớ. Cô có vẻ bất ngờ, nhưng yên lặng. Những lần sau cô lại càng giữ ý, nhưng tôi bắt gặp trên đôi mắt cô mỗi khi thấy tôi, long lanh niềm vui.

Trong lúc trò chuyện tôi cho cô biết về gia đình tôi rằng ông già tôi tham gia mặt trận bị quân đội Quốc Gia hành quân bắn chết. Thỉnh thoảng tôi đi chùa nghe thuyết pháp hoặc tham gia mít ting, tôi phát ngôn bừa bãi ra người bất mãn chế độ.

Sau một thời gian lạnh lùng, giữ kẽ, cô có vẻ thân thiện, vui vẻ hơn. Kẻ thù trong bóng tối đang kéo dần con mồi về phía chúng, tôi biết mình đã được để ý, nhưng chỉ đến đấy thì hầu như bế tắc, tôi không biết được những gì chúng tôi cần.

Một sáng chủ nhật, như thường lệ tôi đến thăm cô, nhưng đến nơi chỉ thấy một đống tro tàn đang bốc khói. Thì ra, không hiểu vì sao lúc khuya lửa bắt cháy, hai mẹ con chỉ kịp chạy thoát thân. Tôi khuyên nhủ nhưng cô vẫn lắc đầu lo lắng.

- Tiền mua bàn máy may, mua miếng đất em trả chưa hết nợ, còn quần áo của khách nữa, họ nói bao nhiêu phải cố mà trả. Nhưng em còn đồng nào đâu!

Tôi hứa với cô là sẽ hết lòng tìm cách giúp đỡ. Thế rồi tôi về bán chiếc xe gắn máy. Nhờ bà con chung quanh phụ giúp nhặt nhạnh những miếng tôle còn xài được, mua ít vật liệu, dựng lại căn nhà mới cũng khang trang, ngoài ra còn mua được một bàn máy may mới nữa.

 

Chỉ trong một tuần tôi lo toan cho cô chu toàn. Từ đấy thái độ của cô đối với tôi thay đổi hẳn. Chúng tôi thường đưa nhau đi xem hát, ăn quà rong, đôi khi cô đến nhà trọ thăm tôi nữa. Mỗi khi đi với nhau cô thường chải chuốt, thoa chút phấn hồng trên má, trông cô đẹp hẳn ra, như lột xác từ một cô thợ may lọ lem thành một nàng tiên, nhưng đối với tôi, đi bên cô, nhất là những chỗ vắng, tôi có cảm giác rờn rợn, tưởng như mình đang đứng trước đỉnh đầu ruồi của một họng súng nào đó trong bóng tối. Vì nghề nghiệp, lúc nào tôi cũng cảnh giác, ngụy trang, dọ dẫm tìm một chỗ an toàn phía sau lưng.

Một lần cô ghé nhà trọ thăm tôi, có một bà hàng xóm biết cô là thợ may đến năn nỉ cho con gái học nghề may. Cô là học sinh thi hỏng tú tài, muốn theo nghề may để phụ giúp gia đình. Nghe tôi nói thêm vào cô ta có vẻ bằng lòng nhưng hẹn ít hôm nữa mới trả lời, có lẽ chờ quyết định của tên đầu sỏ, chỉ huy cô.

Tuần sau cô đồng ý nhận học trò. Được độ ba tháng nhờ sáng ý, cô bé học nghề khá tiến bộ. Tiệm may cũng đông khách hơn trước.

Một hôm tôi gọi riêng cô bé hàng xóm qua nói chuyện.

- Em học nghề may với chị Lan đến đâu rồi?

- Em cắt chưa vững nhưng may thì khá lắm, khách nào cũng khen đường chỉ em thẳng, mịn và đẹp.

- Có lẽ cần một máy may nữa mới phụ chị Lan kịp giao hàng cho khách.

- Em cũng nghĩ vậy nhưng không có tiền.

Tôi tâm sự với cô học trò.

- Như em biết, thầy và chị Lan yêu nhau, dự định sẽ làm đám cưới, nhưng thầy còn ngại hình như chị Lan đang yêu ai nên thầy nhờ em giúp thầy tìm hiểu chị Lan xem có ai đến thân mật chuyện trò với chị ấy không? Em sẽ chẳng làm gì cho chị ấy nghi ngờ. Thầy có cái máy nầy, sẽ giấu dưới xách tay của em, khi đến nơi, em chỉ cần mắc xách tay sau lưng chỗ ngồi của em sát vách với phòng thử áo quần. Chỉ thế thôi, đừng cho bất cứ ai biết chuyện nầy. Nếu chị Lan hay ai bắt gặp cứ bảo rằng đó là máy thu thanh, thầy sẽ chỉ em cách mở nghe đài phát thanh. Em cũng đừng cho chị ấy biết là thầy cho em mượn tiền mua máy may, sợ chị nghi ngờ, ghen tuông phiền phức.

Thế là chúng tôi nghe rõ những trao đổi, bàn bạc với nhau của bọn chúng trong phòng thử quần áo. Một bộ phận khác rình thu hình những khách hàng khả nghi và tiến hành điều tra. Chúng tôi gần như nắm vững tất cả những tên nằm vùng, cơ sở kinh tài, nơi chứa chấp những tên xâm nhập nữa, nhưng tên đầu sỏ vẫn chưa tìm ra!?

 

Trong nghề nầy, một chút sơ ý là chết. Như cô thợ may, bị chúng tôi theo dõi mà không hay biết. Cô với tôi như hai tay nhu đạo đang lừa nhau để vật đối thủ xuống, cô đã bị thất thế hoàn toàn, nhưng tôi chưa ra tay và chờ cô ra đòn. Có thể cô làm bộ chuyện trò, hỏi han để tìm hiểu tôi hoặc rủ tôi một chiều nào đó ra vùng quê hóng gió tâm sự... Nhưng tuyệt nhiên chuyện đó không xảy ra. Cô lúc nào cũng ít nói, dịu dàng, nhưng như thế lại càng làm tôi e ngại và thấy cô rất bản lĩnh, rất nguy hiểm.

Đi bên cô tôi cố làm vẻ sung sướng, hạnh phúc nhưng thật sự tôi có cảm tưởng cô như con rắn độc, chỉ một tích tắc cô hành động là đời tôi tàn ngay. Mạng tôi đổi mạng cô thì không xứng. Thế nên tôi chẳng hứng thú gì trong vai trò nầy cả. Tôi được lịnh phải tiến xa hơn tức là phải chung đụng xác thịt để giữ chặt con mồi, nhưng tôi không làm được. Dù cô có yêu tôi thực hay giả vờ tôi cũng quyết không đụng chạm đến nơi thiêng liêng đó của người con gái. Đó là yếu điểm của một tên tình báo non tay nghề như tôi.

Mùa hè năm đó, đối phương lên phương án tấn công tỉnh. Mẻ lưới được tung ra. Chúng tôi dự định hành quân vào lúc khuya.

Buổi chiều cô bé học may về báo cho tôi biết là lúc trưa có một ông sư khất thực đến trước nhà, cô Lan ra cúng dường, ông sư lầm thầm tụng kinh chúc phúc như mọi khi, nhưng lúc quay vào, thấy mặt cô tái mét, người cứ run lên bần bật...Chúng tôi đề nghị cảnh sát hành quân sớm hơn dự định. Thế là cả bọn bị tóm, kể cả chính tôi cũng bị cảnh sát đến gõ cửa, còng tay, đẩy lên xe cây.

 

Thường thì sau khi vở kịch đã hạ màn như thế, tôi thảnh thơi nghỉ ngơi rồi nhận công tác mới. Nhưng không hiểu sao hình ảnh cô ta vẫn nguyên vẹn trong đầu tôi. Khi cô bị bắt, bị giam giữ, lòng trắc ẩn của tôi lại nổi lên. Đàn bà, con gái, trẻ con không có chỗ trong chiến tranh, họ phải được ở hậu phương, phải được thường xuyên che chở, bảo vệ. Một cô gái vô ý vấp ngã thấy đã động lòng rồi, huống gì cô thợ may hiền lành, dịu dàng kia đang bị nhốt trong nhà giam sau những song sắt như một con thú đã bị săn bắt, chờ ngày bị đem xẻ thịt.

Tôi đã nhiều lần bí mật nhìn cô ủ rũ ngồi ở một góc phòng giam, héo úa như không có linh hồn, không còn cảm giác, suy nghĩ gì. Tương lai là chết rũ trong tù, tình yêu, hy vọng của tuổi thanh xuân coi như đã chấm hết.

Đối với cô, tôi thấy thật bất nhẫn, lừa gạt một cô gái dù cô ta được điều khiển từ trong bóng tối. Và khi cảm tưởng cô không còn là kẻ thù của tôi nữa, sự cảnh giác đã được gạt bỏ, như bụi bặm trên một bức tranh đã được chùi sạch, để lộ ra hình ảnh trong sáng, dịu dàng của cô trong tâm trí tôi. Thế nên tôi đề nghị thả cô ra để cho những con mồi khác đến móc nối lại với cô.

 

Từ phòng giam, tôi lại được gọi lên để đối chất về sự liên hệ giữa tôi và cô. Chúng tôi xác nhận có yêu nhau nhưng chẳng biết gì về việt cộng cả và anh cảnh sát thẩm vấn (vờ) tin ngay là thật, anh hứa sẽ thả chúng tôi ra và anh bỏ đi làm giấy tờ. Tôi đến ngồi gần cô cầm lấy tay cô, cô ngước nhìn tôi và lắc đầu, có lẽ cô cho rằng lời anh thẩm vấn viên chỉ là cái bẫy, nhưng tôi cố tình cho cô hiểu tôi là người có thẩm quyền, tôi cứu cô ra vì tôi yêu cô.

- Như em đã nghe lúc nãy, anh xin bảo lãnh em và chịu trách nhiệm liên đới về những hành động của em sau nầy. Nếu em thương yêu anh thực lòng thì em hãy lánh xa những gì có thể gây nguy hiểm cho em. Em còn mẹ già phải nuôi dưỡng, rồi em sẽ lập gia đình, có con cái, sống hạnh phúc như bao người bình thường khác.

Đừng dại dột nữa, không phải anh sợ bị vạ lây nhưng nếu em gặp chuyện không may anh sẽ đau khổ lắm. Anh sẽ thu xếp cho em và mẹ em vào Sài Gòn sống lẫn trong đồng bào thì sẽ không có ai quấy rầy em nữa. Chúng mình sẽ làm đám hỏi và khi nào anh vận động xin về dạy gần Sài Gòn sẽ làm đám cưới.

Cô cúi đầu yên lặng nghe, rồi cô nắm tay tôi đặt lên đùi cô, siết nhẹ. Một giọt nước mắt rơi trên tay tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Cô đã hiểu ý tôi. Cô viết cho mẹ cô một lá thư, dặn bán nhà để chuẩn bị về quê, chỉ giữ lại bàn máy may.

Sau đó chúng tôi lặng lẽ về Sài Gòn.

Nhờ bạn bè giúp đỡ, tôi tìm mua được một căn nhà nhỏ ở chợ Cây Quéo, góc đường Hoàng Hoa Thám, Ngô Tùng Châu Gia Định. Dĩ nhiên việc theo dõi cô không phải đã chấm dứt.

 

Công tác của chúng tôi thường được tình báo Mỹ yểm trợ. Người Mỹ rất hào phóng nhưng cũng rất nguyên tắc, họ đã vui vẻ trả lại tiền cho tôi mua lại chiếc xe gắn máy, trả cả những chi phí lặt vặt như đưa cô đi xem hát, ăn quà rong. Nhưng sau cuộc hành quân, hồ sơ coi như đã đóng.

Lần nầy tôi lại bán xe, vay mượn thêm để lo cho cô mà không biết khi nào mới có tiền mua lại xe khác.

Suốt mấy tháng hè, tôi về Sài Gòn với gia đình. Buổi chiều tôi thường ghé thăm cô, có khi tôi ăn cơm tối với gia đình cô. Sau bữa ăn, bà mẹ dọn dẹp chén đĩa, còn cô thì xin phép đi tắm. Chợ Cây Quéo nằm trong một đường hẻm, sau khi tan chợ chiều, trở thành vắng lặng như ở một vùng quê.

Sau nhà cô có một sân vuông nhỏ, rào kín chung quanh, tôi thích ra đấy ngồi xuống một ghế gỗ dài để chờ cô. Cô có thói quen là sau khi tắm cô không mặc nịt ngực, nên qua lần vải mỏng, đồi ngực cô thẳng đứng lên, lồ lộ như hai mụt măng tre vừa chồi lên khỏi mặt đất.

Cô ngồi cạnh tôi, nghiêng đầu dùng khăn vò mái tóc cho khô, chải nhẹ cho tóc thẳng, xong cô ngửa người vuốt mái tóc về sau lưng, rồi cô nhìn tôi mỉm cười. Tôi yên lặng ngắm cô, tưởng như thấy rõ làn da mịn màng, thơm tho của thân thể cô... Sau đó chúng tôi có một thứ quà rong như chè hay trái cây để vừa ăn vừa chuyện trò đến khuya mới chia tay.

 

Sau kỳ nghỉ hè tôi được chuyển ra Huế dạy học, tôi viết cho cô một lá thư dài và hẹn Tết sẽ về xin làm đám hỏi. Tính cô ít nói, ngay cả thư trả lời chỉ vỏn vẹn mấy câu "Được thư anh, em khóc mấy hôm nay vì vui mừng. Cám ơn anh đã hiểu em và lời hứa của anh lần nầy em tin là thật, bằng trái tim và cả cuộc đời em"

Khoảng cuối năm đó tôi xin phép về Sài Gòn, khi đến nhà cô tôi ngạc nhiên thấy nhà đã sửa sang lại tươm tất. Cô dẫn tôi ra phía sau khoe một căn phòng vừa mới được xây thêm.

- Mẹ ngủ phòng ngoài kia, em ngủ trong nầy.

- Còn anh thì nằm dưới đất?!

Cô đỏ mặt nhưng sung sướng.

- Anh với em phòng nầy chứ.

Lễ hỏi chúng tôi diễn ra đơn giản, kín đáo. Gia đình tôi cứ tưởng tôi sẽ lập gia đình với một cô nữ sinh nào đó, không ngờ là một cô thợ may. Chẳng phải họ kỳ thị hay giai cấp gì mà theo lệ thường, thầy giáo rất dễ chọn vợ đẹp trong trường mình dạy. Nhưng khi gặp lần đầu, mọi người đều thích cô ngay. Cô vừa hiền vừa đẹp một cách thùy mị.

Mẹ tôi cứ mẹ mẹ con con với cô ngọt xớt, các cô em gái tôi thì tíu tít hỏi han, trò chuyện rất thân mật khiến cô bối rối, vụng về vì cảm động.

Từ đó gần như ngày nào tôi cũng đến nhà cô, đôi khi ngủ lại nữa, nhưng chúng tôi đã hứa với nhau phải giữ gìn, để dành cho ngày hôn lễ. Cô có những suy nghĩ lẩm cẩm rất đàn bà. Cô thêu những áo gối có hình quả tim, tên tôi và tên cô lồng vào nhau, hình đôi chim đang bay, rồi cô phân vân về tên của những đứa con trong tương lai. Tôi chế giễu thì cô giận, nhưng thâm tâm cô rất vui sướng với giấc mơ đơn giản đó.

Tôi bàn với cô vài tháng nữa sẽ làm đám cưới, nhưng rồi đầu năm bảy lăm miền Nam bắt đầu sụp đổ từng mảng, tất cả tan rã như bọt nước.

 

Người ta ùn ùn chạy về phía Nam, tôi phải nấn ná lo tiêu hủy hồ sơ, phân tán mạng lưới nên vào đến Đà Nẳng lại đành quay về Huế vì miền Trung đã rơi vào tay đối phương rồi. Kẻ thù hình như chưa biết gì về tôi cả ngoài cái vỏ bọc thầy giáo trung học. Chúng bắt đầu gọi các cô thầy đến khai lý lịch và như đang sắp xếp mở cửa các trường học.

Thế rồi khoảng cuối tháng năm, năm bảy lăm, nửa khuya, chúng đến vây nhà trọ, gõ cửa, còng tay tôi dẫn ra xe. Thoạt nhìn, ngoài chiếc xe cảnh sát chở đầy bộ đội tôi còn thấy một xe mang số ẩn tế Sài Gòn, tôi biết ngay bọn chúng đã tìm ra chính xác tông tích tôi. Nhưng tại sao trung ương lại không hủy hồ sơ?

Ngồi kèm tôi là hai tên bộ đội còn trẻ mang súng AK. Phía trước, bên cạnh tài xế là một người đàn bà. Xe chạy ra khỏi cửa Thượng Tứ, qua cầu Trường Tiền đến đường Duy Tân, chiếc xe chạy trước quẹo vào ty cảnh sát (cũ), còn xe chở tôi chạy thẳng, hướng về quốc lộ. Tôi đoán chúng đưa tôi về Sài Gòn khai thác. Tôi dự định thoát thân, nhưng đến gần phía Nam tôi mới hành động. Nghĩ thế nên tôi buông thả, thiu thiu ngủ dưỡng sức.

 

Dọc đường xe phải ngừng ở các nút chặn, tên tài xế cũng là bộ đội trình giấy và nói gì đấy, ánh đèn loang loáng vào xe, rồi xe lại tiếp tục. Đến Quảng Ngãi trời đã rạng sáng, tôi lơ mơ mở mắt nhìn quanh. Bỗng tôi lạnh người khi nhận ra người đàn bà ngồi phía trước là cô thợ may, vợ sắp cưới của tôi.

Hóa ra chúng tôi đã lầm trong điệp vụ vừa kể, tên đầu sỏ là cô ta chứ không phải gã thầy tu khất thực. Tôi cay đắng cười thầm mình thua trí một người đàn bà, cô đã ngụy trang một cách tài tình, không chỉ đánh lừa chúng tôi mà còn đánh lừa cả đến lũ chân tay của cô.

Nhớ lại những ngày chúng tôi bên nhau, tôi sượng sùng, xấu hổ với cô. Cô đã đóng một vai kịch rất xuất sắc, rất bản lĩnh, tôi vẫn chỉ là một con mồi ngây thơ. Ấy vậy mà tôi cứ tưởng tình yêu chân thành của tôi đã cảm hóa được cô. Giờ đây cô ngồi đó, lạnh như tiền. Cô đang nghĩ gì về tôi, một tên điệp viên hạng bét, ngây ngô, lãng mạng tiểu tư sản?

Xe đến Bình Định, ghé vào một quán cơm bên đường, tôi được tên bộ đội mở còng nhưng dặn "Cần gì nói tôi, giữ khoảng cách năm bước, đến gần hay xa hơn, sẽ bị bắn bỏ"

Tôi được dẫn vào ngồi một bàn ở một góc quán, mấy tên bộ đội ngồi hai bên, còn cô ta thì ngồi riêng. Sau bữa ăn, lúc trả tiền cô lôi ra một xấp bạc mới tinh, rút vài tờ vất đấy, đứng dậy, không lấy tiền thối.

Tôi cố tỏ ra sợ sệt và ngoan ngoãn để chúng tin, hi vọng đến chiều tối nếu cũng ăn uống như thế nầy tôi sẽ bỏ chạy rất dễ dàng và bóng đêm sẽ che chở cho tôi. Nhưng tôi đã lầm, xe chạy suốt đến sáng, đến ngã ba Hàng Xanh theo đường Bạch Đằng, rồi Chi Lăng, Ngô Tùng Châu và vào hẽm chợ Cây Quéo.

 

Cô vào nhà một lúc lâu mới đi ra với bà mẹ. Hai mẹ con ngồi phía trước, xe lại tiếp tục trở ra xa lộ đến Biên Hòa quẹo hướng Vũng Tàu. Tôi đoán chúng sẽ truy tôi về công tác ở Vũng Tàu, Long Hải trước đây hoặc giao cho lũ nằm vùng, nội tuyến đã bị tôi đưa đi tù, và chúng sẽ mặc sức trả thù.

Đến Vũng Tàu, ghé mua mấy ổ bánh mì thịt, xe vào một khách sạn hạng trung bình. Sau khi ăn uống, làm vệ sinh, tôi lại bị còng tay cho vào phòng riêng, phía ngoài là hai tên bộ đội canh cửa.

Tôi nghe cô ta dặn hai tên gác là phải cảnh giác cao độ với tên địch nguy hiểm đó (là tôi), và cô đến ủy ban quân quản có chuyện cần, sẽ về ngay. Tôi mệt mỏi lăn ra ngủ một giấc lấy sức, dự định tối nay leo cửa sổ trốn đi. Cái còng không thành vấn đề, một cọng thép nhỏ là xong, và cọng thép đó đang nằm trong sợi dây đồng hồ mà tôi đã có được lúc tôi đòi đi tiểu ở hàng cơm ở Bình Định.

Nhưng đến gần tối, sau khi được ăn một ổ bánh mì nữa, chúng lại còng cả chân tôi vào giường và hai tên bộ đội ngồi ngay trong phòng tôi, thay phiên nhau lõ đôi mắt cú vọ canh chừng tôi. Thế là hết đường trốn thoát!

Nhớ lại thời gian hứa hôn chúng tôi sống bên nhau, cô đã dần dần hiểu tôi, trong sự săn sóc cô đón ý tôi rất tài. Lúc đó tôi sung sướng nghĩ rằng mình có được cô vợ toàn tâm toàn ý, bây giờ chính cái toàn tâm toàn ý kia lại hại tôi. Cô đã thấy được không sai chạy những gì tôi nghĩ trong đầu, dù chỉ vừa thoáng qua là cô đề phòng ngay.

Tối đó độ hơn mười giờ, tôi được dẫn ra xe, vẫn đủ sáu người như trước. Xe chạy loanh quanh trong thành phố một lúc rồi hướng ra Bãi Sau.

 

Trời đêm đầy mây, lạnh kinh khủng, miền Nam chưa bao giờ lạnh như năm đó, đường vắng tanh, lờ mờ ánh đèn, tiếng sóng vỗ rì rào, buồn bã. Xe chạy đến cuối bãi thì dừng lại. Cô ra lịnh bịt mắt tôi lại.

- Đồng chí đưa tôi khẩu AK. Cứ ở đây chờ, khi nào nghe tiếng súng nổ tôi sẽ ra.

Và cô nói với bà mẹ, giọng lạnh lẽo, hàm răng rít lại.

- Mẹ phải theo con, xem con trả thù kẻ đã giết hại gia đình mình và bao nhiêu đồng chí khác nữa.

Đúng là oan oan tương báo. Tôi đã xử tội tên nằm vùng giết cha tôi ra sao, bây giờ tôi sẽ gặp y như vậy. Nhưng tôi không nhớ rõ mình đã làm gì để cô thù hận tôi đến độ giờ đây đem ra xử bắn tôi, không lẽ cô là con của tên nằm vùng kia?!

Cô lên đạn, chĩa súng vào lưng tôi, đẩy tôi đi trước. Cô đã phạm một sai lầm chết người. Cô dí súng vào lưng tôi là giúp tôi nắm được quãng cách giữa cô và tôi. Tầm vóc cô thì tôi còn lạ gì. Chỉ cần tôi quay nhanh lại là mũi súng sẽ chệch ra ngoài và với một đòn chân, tôi có thể đá gãy cổ cô hay ít ra cũng hạ gục cô trong tích tắt. Trong bóng tối thì bị bịt mắt hay không cũng mù như nhau. Tôi lần tìm cọng thép trong dây đồng hồ và bắt đầu mở khóa còng tay.

Được một quãng, khi đoán đã xa tầm nghe ngóng của mấy tên bộ đội, tôi vừa định ra đòn thì cô mở băng bịt mắt tôi.

- Anh cõng mẹ được không? Nhanh lên! Nếu có chuyện gì, anh và mẹ cứ chạy thoát đừng lo cho em. Có thuyền chờ sẵn đằng kia.

Cô ôm súng chạy phía trước, tôi cõng bà cụ men theo bờ rừng dương liễu mải miết theo cô.

Độ một cây số, chúng tôi đến một thuyền nhỏ có người chờ sẵn. Thuyền được đẩy ra, nổ máy và nửa giờ sau chúng tôi ra thuyền lớn đi thẳng.

 

Hôm sau chúng tôi được tàu Mỹ vớt về đảo Guam.