VĂN CHƯƠNG
Cuối cùng thì chúng tôi cũng chia tay. Một ngày nào tôi sẽ để dành những đau khổ cùng với những lá thư của tôi định gởi cho nàng cất kín trong một ngăn đời riêng biệt. Những lá thư dài dòng và cường điệu nhiều đến nổi nếu gom lại và đốt có thể đun sôi một một ấm nước. Riêng nàng thì sao? Tôi biết nàng sẽ đi trên một con đường ngược chiều khác. Lòng bình an như ngày nào chưa có những lời gian dối trên môi. Như một đường bay của một mũi tên, câu nói của nàng để lại trong tim tôi một vết thương sâu hoắm. “Cầm xin cầu mong trái tim của anh, cuối cùng có nơi trú ngụ thôi buồn bã.”
Không ai có thời gian để quay lui về một quá khứ, một khi nó không cần thiết và choán chỗ vô ích. Cũng không ai muốn ngồi xuống thu nhặt những chiến lợi phẩm không đáng tự hào trong khi nỗi vinh quang còn đợi chờ phía trước. Nàng cũng vậy. Nàng không có thời gian để hồi đáp cho một lời thăm hỏi vớ vẩn hàm chứa những ẩn ý đàng sau đó, đại khái là tình trạng em bây giờ ra sao? Việc làm em có xuôi chèo mát mái hay không...?
Những lá thơ tôi gởi cho nàng thời gian vừa qua không có cơ hội để đến đúng địa chỉ của người nhận. Nàng đã di chuyển về một nơi khác không trở lại. Người phát thơ mỗi buổi sáng lúc mười giờ ghé ngang qua thùng thơ lấy những lá thơ được bỏ vào đó chiều qua. Những cây sồi che hết một phần ánh sáng của mặt trời nên khoảng sân trước nhà nhìn ra lúc nào cũng có bóng mát, để từ đó những con sóc chạy qua chạy lại, thỉnh thoảng chúng dừng lại, cong đuôi đưa những cặp mắt tròn xoe nhìn tôi. Lá vàng bắt đầu rụng xuống từ những ngày chớm thu che lấp hai lề đường và bay tung lên mỗi khi có một chiếc xe vừa chạy qua. Chiều nào cũng vậy có hàng trăm con chim bay về đậu đen những ngọn cây bên khu nhà bưu điện. Những con chim thiết tha kêu gọi nỗi buồn về cho một trái tim đau.
Lần đầu tiên tôi gặp lại nàng trong khu triển lãm tranh. Có tất cả ba họa sĩ cùng trình bày tranh của mình tại đây và tôi là một.
Nàng đi với một người bạn gái cùng tuổi. Hôm đó là ngày cuối cùng, người ta có trình diễn thêm văn nghệ và dạ vũ để câu khách. Thời đại bây giờ đa số những cái gì dính líu đến văn hóa văn học đều phải có nhảy nhót đi kèm. Dù đó không phải là mục đích chính của thiệp mời, nhưng không có không được. Vả lại, khiêu vũ cũng là một bộ môn nghệ thuật mang đầy những dấu ấn, nó làm cho con người dễ gần gụi với nhau và thông cảm với nhau hơn. Trong khi những gì còn lại của một đêm thì mênh mang.
Từ buổi sáng, đài phát thanh địa phương thông báo cho những người tổ chức chương trình là phóng viên Nguyệt Cầm sẽ đến gặp chúng tôi tại phòng tranh để phỏng vấn một vài vấn đề mang tính chất nghệ thuật để làm cơ sở cho một bài bình luận cuối tuần. Hai người kia đã có vấn đề riêng của họ. Họ nhờ tôi thay mặt cả nhóm tiếp đón nàng. Chương trình tiếp theo cuộc phỏng vấn là tôi sẽ có bổn phận đưa cô ta đi ăn tối ở một quán ăn do nàng chọn. Sau đó ban tổ chức sẽ thanh toán lại những chi phí.
Nhưng giờ chót người có tên là Nguyệt Cầm gọi phone cho tôi biết sẽ không có mặt ở phòng tranh được vì phải đưa khẩn cấp người thân vào bệnh viện.
Khi nàng, chớ không phải ai khác bước vào phòng, lập tức tôi bị cuốn hút vào sự buồn bã trên khuôn mặt nàng. Tôi không biết tôi đã từng vẽ lên một đời sống như vậy trên khung vải hay chưa và màu sắc nào tôi phải pha chế để trùng hợp với nàng. Nhưng màu đen từ trong đôi mắt nàng đêm đó giống như một bóng tối toát ra đã che lấp mọi thứ hạnh phúc bên đời.
Hình như nàng có gật đầu chào tôi hay chỉ tại tôi giàu tưởng tượng. Nàng đi với một người bạn gái có lẽ suýt soát với tuổi của nàng. Khi đến một bức tranh nằm lạc lõng cuối phòng, hai người phụ nữ dừng lại, nhìn đăm đăm. Hôm đó nàng mặc chiếc áo thun màu nâu cùng chiếc robe đen có xẻ một chút bên dưới. Nó khiến cho những bước đi của nàng dù cố gắng cũng không thể giấu giếm được hết màu trắng chóng mặt từ hai bắp chân. Ðêm chưa đến nhưng đâu đây khua động những vũng tối đầy mùi hương mật và tôi bay theo nàng như một con bướm có đôi cánh sắp bị gẫy. Mái tóc nàng nhìn từ phía sau như một dòng sông đêm chảy về một cõi vô tận. Nơi có bóng tối, tiếng cười và những ràn rụa môi hôn. Nơi mà những cặp tình nhân không thể nói với nhau điều gì ngoài những lời thổn thức. Không biết có phải vì sự thu hút của đôi mắt buồn pha ít nhiều mệt mỏi của nàng hay vì bức tranh mà nàng định xem chính là của tôi mà tôi tiến đến gần nàng. Tôi nghe tiếng người bạn của nàng thì thào:
- Tao không biết tại sao họa sĩ lại đặt tên cho bức tranh này là Hôn Lễ. Mình có thấy cái gì dính líu tới hôn lễ đâu?
- Chắc đó chỉ là liên tưởng. Nàng nói. Nhiều khi cái tựa chỉ là một cái cớ để tác giả của nó muốn nói riêng với ai đó. Mình không thể hiểu hoặc không cần hiểu.
- Ừ nhỉ. Tiếng cô bạn vui vẽ. Nếu vậy thì chỉ có một người sẽ cảm thông được tín hiệu đánh đi từ bức tranh như thế nầy. Những người thưởng ngoạn khác sẽ trở thành vô can...
- Không có vô can đâu cô bé. Tôi nói từ phía sau hai người. Âm thanh cố hạ xuống chỉ vừa đủ nghe. Hình như cô bạn của cô đã nghe ngóng được tín hiệu...
Người con gái được tôi kêu bằng cô bé quay nhìn tôi. Gương mặt xinh xắn và mang dáng điệu tự tin của một người biết rằng mình đẹp. Tôi thấy cả hai cùng cười và bỗng dưng thấy mình lố bịch khi xen vào chuyện riêng tư của người khác.
- Nghĩa là bức tranh chỉ có thể dành riêng cho ai đó, nếu nhìn từ góc cạnh thuần túy tính cảm. Còn nói về bố cục thì... Nàng ngập ngừng...
- Thì sao?
- Có một cái gì gẫy đổ. Nó gây cho người ta sự bất an nhiều hơn là hạnh phúc.
Cô bạn nàng tiếp lời, giọng chế nhạo:
- Anh có vẽ là một người am tường về tư tưởng của người khác? Nhưng lại không biết gì về tuổi tác của một phụ nữ. Chúng tôi không phải là cô bé như anh tưởng đâu nhe.
- Vậy sao? Tôi xin lỗi và xin rút lại hai tiếng đó. Có lẽ tại vì gương mặt của hai cô đã đánh lừa thị giác của người ta.
- Anh chắc là một thành viên trong ban tổ chức? Nàng hỏi. Nụ cười có những chiếc răng trắng đều như ngọc.
- Tôi là họa sĩ có tranh tại đây. Bức Hôn Lễ nầy của tôi.
- Anh có thể giải thích tại sao có một cái tựa như vậy không?
- Nó là một cuộc hôn nhân thiếu vắng đoạn cuối. Người vẽ nó ước ao một kết thúc tròn trịa như một đám cưới sẽ xảy ra cho hai người. Nhưng nàng đã đi lấy chồng.
- Một tác phẩm hư cấu hay có thực của tác giả? Nàng tò mò.
- Cô muốn hiểu sao cũng được.
Khi phòng triển lãm đóng cửa, và mọi người đổ xô về phòng dạ vũ, tôi mời cả hai người đi uống nước nơi một quán bên kia đường. Cô bạn từ chối vì phải về ngủ sớm mai đi làm. Nàng nhận lời nhưng sẽ không ngồi lâu lắm và với điều kiện là tôi phải lái xe đưa nàng về. “Chuyện nhỏ thôi”. Tôi nói.
Một chiếc bàn nằm bên ngoài hành lang, dưới một cây dù nhiều màu nhìn ra một trạm xe buýt. Nếu là ban ngày, người ta sẽ thấy rõ ràng những khóm tường vi nở đỏ thắm một góc tường, nơi những băng ghế chờ xe và những con chim bồ câu đi tới đi lui tìm mồi. Tiếng nhạc vang xa từ một loa bắt chìm khuất trong quầy hàng và tiếng ca khàn đục mới nghe giống như giọng ca của Whitney Houston. Ðêm mùa thu mát rượi và chúng tôi cùng nghe rõ ràng tiếng gió đang lướt đi trên những giây cờ nhiều màu quảng cáo cho một Grocery mới vừa khai trương.
- Chúng ta vẫn chưa biết tên của nhau? Tôi hỏi khi người tiếp viên quay lưng vào bên trong.
- Lạ chưa? Sao có người vô tình quá vậy? Nàng cười.
Tôi ngỡ ngàng nhìn đăm đăm khuôn mặt nàng cố đào xới nhanh chóng trong ký ức một cái tên. Nhưng chịu thua.
- Mới ban sáng chúng ta đã nói với nhau trên điện thoại, anh quên rồi sao?
- Nguyệt Cầm? Cô là Nguyệt Cầm? Sao cô nói là không đến được?
- Lúc đầu thì đúng như vậy. Nhưng người chủ đài bắt buộc bằng mọi giá Cầm phải đến. Vả lại, để anh bất ngờ thì cuộc phỏng vấn sẽ trung thực hơn.
- Thì ra vậy. Những gì tôi nói lúc nãy có cần phải rút lại không?
- Nếu đó là những lời dối trá thì anh có quyền rút lại, Cầm không cản.
Trước mặt tôi người đàn bà đã không còn vẽ ủ rũ ban đầu. Không biết có phải vì gió đêm đã thổi bay đi những dấu vết phiền muộn (hoặc nàng làm ra vẽ phiền muộn như là một cái mode). Tôi nghĩ đến căn phòng dạ vũ mà chúng tôi mới vừa đi ra và những vòng tay đan kết nhau cùng những môi miệng thầm thì.
- Từ bỏ một nơi chốn đông vui để ngồi tại một nơi như vầy Nguyệt Cầm có hối tiếc không?
- Nguyệt Cầm không thích những chỗ ồn ào. Khác với Ngọc Anh. Dù nó với Cầm rất thân nhau. Nó với Cầm là hai người bạn học cùng lớp ngày trước ở VN.
- Tôi cũng vậy. Tôi không cảm thấy thoải mái khi tham dự vào những cuộc vui. Như một con cá bị bỏ vào trong một hồ nước không phải môi trường của mình. Trước sau gì nó cũng chết.
- Màu sắc trong tranh anh mang một vẽ khoắc khoải dữ dội. Nó có phải là những âm bản từ cuộc đời của anh hay không?
- Sao Cầm hỏi như vậy?
- Nếu anh không thấy thích thì đừng nên trả lời.
- Ðôi khi tôi muốn cố gắng đừng để những tồi tệ trong đời sống làm ngập ngụa bố cục của tranh. Nhưng càng giấu giếm nó càng bộc lộ ra. Bằng chứng là chính Cầm đã nhìn thấy.
- Thì đã sao? Ðâu có phải vì vậy mà nó giết chết những tài năng của người tạo ra nó.
Tài năng. Hai tiếng đó nghe như một lời đùa cợt nếu không thoát ra từ đôi môi gắn liền những đường mật kia. Tôi đổ một vài muỗng Irish cream từ chiếc chai cổ lùn vào ly cà phê của mình và nghe mùi thơm từ đó bốc lên. Như một thứ gia vị của đời sống
- Tôi không biết có đúng như điều Cầm nói hay không. Nhưng nếu bỏ được hai tiếng đó mà tìm thấy một đời sống ít ỏi niềm đau hơn thì tôi cũng nên đánh đổi nó.
- Cầm thấy anh hơi bi quan.
- Khi những tình yêu làm cho người ta bị mất mát và khánh tận nhiều quá thì phải gọi làm sao? Lạc quan chăng?
- Dù sao thì anh cũng không nên tưởng rằng mình đã lật đến trang chót quyển sách đời mình. Biết đâu còn những đoạn cuối hay những dòng tái bút ghi chép rằng một hôn lễ nào đó thực sự sẽ xảy ra.
- Ai bảo đảm được như vậy?
Tôi hỏi. Nhưng Nguyệt Cầm không trả lời. Nàng đẩy dĩa bánh ngọt về phía tôi, và ly cà phê của nàng vẫn còn nguyên chưa thấy uống.
- Anh ăn thêm phần của Cầm đi.
Tôi ngại ngần vì không muốn ăn nhồm nhoàm trước một người phụ nữ vừa mới quen. “Ăn giùm em đi”. Nàng nói. “Anh gầy quá. Em thích thấy anh mập ra”
Biết bao nhiêu người anh hùng ngày trước không qua được cửa ải mỹ nhân, trong khi tôi không phải là anh hùng để chống chọi lại với những lời mời gọi vật chất. Những lời nàng nói gợi trong tôi nỗi xốn xang từng mất mát bên ngoài những vách hiên đời.
Tôi đưa nàng trở về trước khi những giọt sương tàn đêm bay trên mái tóc của hai người. Nàng ở một mình trong một căn phòng trong một chung cư nằm trên đường Wilcrek. Nàng không mời tôi ghé qua nơi ở của nàng và tôi cũng không muốn nỗi buồn tồn tại theo tôi trên đường về. Nó sẽ làm tôi mất ngủ và cơ thể hao mòn, trong khi kể từ giờ phút nầy tôi không còn muốn mình ốm. Nhưng một chút rượu khi ngồi trong quán làm tôi mạnh dạn cầm bàn tay nàng. Tôi chờ đợi nó sẽ dãy giụa trong bàn tay tôi nhưng không thấy. Tôi ham hố hôn nàng dưới bóng tối của những tàng cây dẽ bộp. Ðâu đây tiếng bánh xe hổn hển trên mặt đường loang láng mưa bụi như tiếng cựa mình từ một trái tim đau. Từ chiếc áo hở cổ khoét sâu và đêm bứt rứt không muốn lìa khỏi vũng trắng chìm khuất nơi ngực nàng, tôi nghe tiếng đập bồi hồi của hai cánh chim uyên. Tôi hình dung ra sự khánh tận chắc chắn từ một tình cảm cho đi mà không hề được bù đắp. Hoặc nếu có bù đắp cũng không được là bao.
Khi chúng ta vừa khám phá ra tình yêu cũng là lúc lý trí chúng ta báo động về một chia tay ở cuối đường. Phải chi đời sống nầy luôn chật chội những mối tình thơ dại thì con người sẽ hạnh phúc biết bao.
Những tháng năm phôi pha đã trôi đi giống như những cơn giông trên bầu trời. Có những lúc tôi và Nguyệt Cầm là đôi bạn không thể rời xa như hai đứa trẻ vào đời. Có những lúc tôi không biết nàng đi đâu. Như một trò chơi cút bắt thời niên thiếu, tôi luôn lạc mất nàng trong những thời điểm vô lý nhất. Hình như có không dưới hai hay ba người đàn ông đang theo đuổi nàng. Tất cả mọi người đều trên cơ tôi và tôi ngạc nhiên khi biết mình là một đấu thủ không có kinh nghiệm chiến trường, ngoại trừ một tài năng đáng nghi hoặc mà nàng đã gán ghép cho tôi đêm nào. Một người trong số họ mà tôi vừa biết đang là ứng viên sáng giá.
Ðó là một nhà thơ đang lên của thành phố và giọng ngâm thơ của Vinh Tường thì số một. Anh ta sẽ làm tuyệt vọng những người ngâm thơ “nghiệp dư” muốn tìm kiếm sự may mắn để bon chen vào những căn phòng thu băng tuyệt vời tại thành phố nhiều nắng gió nầy. Tôi đã nghe anh ngâm thơ hai lần. Một lần trong đêm ra mắt tập thơ của nhiều tác giả trong thính đường mênh mông chứa 400 chỗ ngồi. Một lần khác nơi chỗ trọ của Nguyệt Cầm.
Ðêm đó từ một tiệc cưới con gái của người bạn họa sĩ trên đường về tôi tạt qua nơi ở của nàng. Hình như tôi lấy cớ là muốn nhấp thử một ngụm rượu vì nghe Nguyệt Cầm khoe vừa có ai đó tặng nàng chai Rémy Martin. Tôi muốn cảnh giác với nàng rằng hãy coi chừng những người đàn ông có thói quen tặng rượu cho đàn bà. Nhưng nếu như vậy thì làm sao tôi có lý do để cầm trên tay ly rượu sóng sánh những hơi thở hồi sinh và để âu sầu nghe nàng cười nói? Những cảm xúc nào cũng đều mới mẻ và đều đáng ca ngợi, dù cảm xúc được đào xới và vớt lên từ những cuộc tình thất bại. Vinh Tường cũng có mặt trong đêm và luôn cả người bạn gái thân thiết của nàng. Cả bốn người đều muốn quên đi những cuộc tình bầm vập hôm qua, (với tôi thì chắc vậy nhưng ba người kia thì còn phải xét lại). Tất cả đều mong mỏi cuộc đời thăng hoa và bốc hơi theo những hơi rượu càng uống càng thấy ngọt ngào trên đầu lưỡi. Mặc cảm thua thiệt làm tôi cũng nâng ly tới tấp. Biết đâu mai nầy đài phát thanh của nàng sẽ loan tin có một người lính vừa “tử trận” giờ thứ hai mươi lăm, trong khi mặt trận miền tây vẫn yên tỉnh?
Ðôi lúc chúng tôi khách sáo cụng ly nhiều lần để chúc cho nhau những điều gì bất chợt thoáng qua trong đầu. “Mừng cho tình bạn luôn bền vững, không có gì đánh đổ được, ngoại trừ Rémy Martin”. Tôi chúc cho Vinh Tường. Nghe cũng có lý nhưng hơi cải lương. “Thôi thì chúc cho em luôn là một người tự do (kể từ đêm nay) rong chơi bên những mối tình lãng đãng”. Một lần nàng chúc lại tôi: ”Chúc cho một trái tim đang hồi sinh”- Tôi tiếp lời nàng:“nhưng đừng quá nhiều trầy trụa”. Bạn của nàng, Ngọc Anh, cầm trên tay ly rượu nhưng không thấy uống: “Chúc các anh tìm thấy được một tình yêu chân thành”. Vinh Tường vổ tay: ”Hoan hô”.
Nàng yêu cầu Vinh Tường ngâm thơ cho nàng nghe.
- Bài gì? Vinh Tường hỏi.
- Bài gì cũng được. Nàng đáp, nhịp nhàng như hai kịch sĩ thoại kịch đã có tập dượt trước.
Sau một hớp rượu thấm giọng, Vinh Tường ngâm ngay không cần nhạc đệm. Anh ngâm bài “Chút Tình Ðầu” của Ðổ Trung Quân, một nhà thơ đang còn ở trong nước, có thời là thanh niên xung phong. Tiếng ngâm nghe buồn không biết có phải vướng vít chất men trong cổ họng. Hay bài thơ tự nó đã buồn: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng Em chở mùa hè của tôi đi đâu? Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám Thuở chẳng ai hay thầm lặng mồi tình đầu...”
Khi chai rượu chỉ còn sót lại một chút dưới đáy thì tiếng ngâm cũng dừng lại. Ðêm bành trướng những nỗi lo toan về một đường về mịt mùng và tôi cũng thấy tới bến. Có phải mưa đang vang trên vạt mái thấp của căn phòng trọ hay rền rĩ bật lên từ một giếng tim buồn, tôi thấy tôi không thể ngồi lại, dù biết mình đứng lên là sẽ té. Tôi bỏ ra về không quên lễ phép chào hết mọi người. “Ðừng bao giờ nên bộc lộ cho kẻ địch nhìn thấy những sơ hở” Tôi nói thầm trong khi xỏ tay vào chiếc Veston. “Chúc... ngủ ngon”. “Anh lái xe cẩn thận”. Ngọc Anh nói.
Tôi đứng hồi lâu dưới mái hiên. Mưa có lớn hơn và mang nhịp điệu tha thiết và cấp bách. Tôi không nhớ rõ xe mình đậu ở chỗ nào và không biết chìa khóa có còn trong túi quần hay rớt đâu đó trong căn phòng của nàng (có một lúc quá đã tôi nằm dài dưới thảm). Hi vọng tôi không phải đưa tay gõ lên cánh cửa căn phòng 305 để nghe nàng đùa cợt: ” Cầm cứ tưởng anh làm bộ bỏ quên cái gì đó để trở lại”.
Tôi bước qua hành lang, qua những khoảng tối âm u và những vũng nước mưa làm ngại ngùng những bước chân, trong đầu chợt bật ra lời hát : “sợ bến đất lấm gót chân. Sợ bến gió buốt trái tim...” Gót chân của nàng thì may ra chớ của tôi thì còn chi mà sợ lấm?
Tôi chạy xe loanh quanh một lúc vẫn chưa tìm thấy lối ra đường 10. Một lần tôi dừng xe lại bên một khu body shop tối mịt ngổn ngang những đời xe chờ sữa. Lòng hơi e dè không biết có một gả sì ke nào đó hiện ra dàn chào bắt tôi vui lòng đưa chìa khóa xe cho hắn. Có triệu chứng hình như bao tử tôi muốn phản đối không chịu giữ lại những thức ăn lúc ban chiều. Tôi gục đầu mữa thốc tháo bên một thùng rác công cộng. Mệt ngất như mới vừa chạy việt dã trở về. Tôi lên xe ngồi lại và chạy lạc thêm một khúc đường nữa. Cuối cùng tôi thấy tôi trở lại con đường cũ. Tôi thấy tôi đậu xe trước khu chung cư mà cách đây vài tiếng đồng hồ tôi từ trong đó bước ra. Mưa vẫn còn trùng điệp trên vòm cây đen và vùi dập không thương xót những ô cửa sổ phủ kín rèm. Tôi ngồi trong tay lái nhìn sững vào vũng tối đang phủ chụp trên chiếc xe van màu xám tro của Vinh Tường vẫn còn nằm yên chỗ cũ. Những dây nho dại đang níu kéo cuộc đời bằng những nhánh tay non yếu của chúng. Còn tôi, làm sao để níu kéo mọi hạnh phúc quá tãi trong đời? Không lâu nửa bình minh sẽ hiện lên cuối chân trời phía đông và tôi biết tôi không có khả năng tìm đường để trở về Austin. Trong khi giấc ngủ sật sừ hơi rượu không muốn tìm đến. Tôi mở hộc tủ trong xe tìm một CD nhạc quen, tình cờ bắt gặp mãnh giấy napkin có ghi vội vã một số phone và địa chĩ của ai đó. Chữ viết ngay ngắn và đẹp của nàng làm tôi đau lòng. Những mẫu tự cuối đều có nét bay thẳng lên giống như một mũi tên, xuyên thấu qua những định mệnh...
Một buổi chiều mùa đông Cyndy chạy qua nhà tôi hỏi tôi con gái tôi có thể giữ giùm con nàng một buổi tối hay không? Người bạn trai của nàng phải trở về Trung Ðông gấp vì chuyện riêng. Hắn sắp ra phi trường.
- Con gái của bạn có thể qua bên tôi vài tiếng đồng hồ được không? Nàng hỏi.
- Sao bạn không đưa cháu bé sang đây?
- Nó đang ngủ. Tôi phải đi liền bây giờ.
Cyndy là một phụ nữ hàng xóm cách tôi hai căn nhà phía bên kia đường. Nàng có một bạn trai người Thổ Nhỉ Kỳ và lâu lâu nàng nhờ con gái tôi trông dùm con của nàng vài tiếng đồng hồ. Khi thì party, khi thì sinh nhật. Cyndy có nhan sắc man dại của một người phụ nữ miền nhiệt đới. Ðôi chân mày rậm và cặp mắt màu nâu giống như hai hột nhãn lúc nào cũng long lanh tình tứ. Nghe nói quê hương của nàng ở đâu đó tận Nepal. Con gái của nàng là phó sản của mối tình mưa bóng mây với một người phóng viên Mỹ. Hắn gặp nàng trong một chuyến du lịch sang xứ sở của Ðạt Lai Ðạt Ma. Kết hôn với nàng trước khi bảo lãnh nàng sang Hoa Kỳ. Ðó là mối tình của bốn năm về trước. Bây giờ đã chấm dứt. Nàng đang có bạn trai khác.
Gương mặt đứa bé là sự hài hòa giữa hai vẻ đẹp đông tây. Mái tóc quăn quíu của ba và đôi mắt tròn đen của mẹ. Mới vừa bốn tuổi và thường đi lẫm đẫm bên chân của mẹ nó mỗi khi cùng mẹ nó ra lấy thư.
Nó rất thích con gái tôi. Không biết có phải vì con tôi khéo chìu, thường nựng nịu nó hay tại vì không có ai chơi với nó trong nhà. Một con chó lông xù chạy tới chạy lui mỗi khi có khách. Thỉnh thoảng nó hục hặc sủa vu vơ vài tiếng.
Tôi không quen một người hàng xóm nào khác ngoại trừ Cyndy. Ðôi lần thấy người bạn trai của Cyndy đậu xe trước của garage nhà nàng và chúng tôi cùng “Hi” với nhau một tiếng. Ðó là một thanh niên hơi đẹp trai theo lối cổ điển cách đây vài thập niên. Thời đại của Jean Paul Belmondo, có mái tóc hơi dợn sóng và môi dưới trề ra dầy dục vọng.
Một đôi lần tôi đi bộ ngoài công viên thì gặp Cyndy. Nàng mặc chiếc áo pull hở cổ màu vàng cam và chiếc quần thun dài có hai viền trắng hai bên. Mùa đông không có nắng nhiều nhưng tôi thấy mái tóc nàng sáng lên và hai má hồng vì mới vừa chạy quanh đó. Tôi thấy rõ những lông măng rịn ướt mồ hôi dưới sống mũi nàng. Tôi thầm nghĩ với một cơ thể tuyệt diệu như nàng chắc không cần phải thường xuyên đi bộ. Chuyện đó dành cho những người đàn bà có những vòng nây bụng ngang với vòng ngực, mỗi lần di chuyển những thớ thịt cũng rung động theo. Nàng hỏi:
- Con gái của bạn vẫn thường chứ?
- OK. Nó vẫn thường. Mùa đông nầy chắc nó đi Iowa để dự Giáng sinh với bà má nuôi của nó. Còn bạn ra sao?
- Rất khá. Bye. Nói rồi Cyndy chạy tiếp.
Mùa đông năm đó có lạnh hơn đôi chút. Những đụn rơm bên hông nhà bưu điện bị thưa dần vì người ta chở chúng đem về dự trữ trong các trang trại. Mai mốt, từ thửa đất trống đó nghe nói sẽ có thêm một cái chợ bán tạp phẩm và thuốc tây và một quán ăn có tên là Wendy’s. Nhiều buổi sáng sớm có tuyết bám trên mấy gờ mái và có tiếng loại chim gì đó kêu rúc từng hồi. Con gái tôi sửa soạn hành lý cho một chuyến đi dài ngày về Iowa vì đang mùa Giáng Sinh.
Ở với tôi đôi khi nó than buồn và đòi tôi dẫn đi ra ngoài, nhưng tôi không xin được phép. Những chuyến đi ngắn ngày về những thành phố lân cận đã làm cạn dần những ngày vacation trong năm. Tháng giêng nầy nó sẽ lên mười lăm tuổi và sẽ có rất nhiều cái làm tôi điên đầu. Mỗi ngày có hàng chục cú phone gọi tới và tôi không biết nó nói chuyện gì. Mỗi tháng trả bill điện thoại thấy chóng mặt. Ðôi khi chuông điện thoại kêu tôi đứng gần tiện tay bắt lên nghe giọng nói từ đầu giây bên kia của một đứa con trai vừa bể tiếng. Nó cúp và không đợi tôi hello tiếng thứ hai. Con gái tôi biết được và phàn nàn tôi: “Ba à. Ba nghe điện thoại của con làm chi làm bạn con nó sợ”. Tôi cũng muốn nói với nó rằng “Ba cũng sợ nó còn hơn nó sợ ba”. Nhưng chắc nó không hiểu và mất công giải thích dài dòng.
Thiếu vắng một người đàn bà trong gia đình làm cho sự sinh hoạt hàng ngày trở nên rối rấm và lộn xộn. Tôi không muốn áp đặt nhiều sự gò bó trên đứa con gái duy nhất sớm mồ côi. Ðiều nầy dĩ nhiên làm cho nó vòi vĩnh nhiều thứ. Hai cha con sống với nhau và mỗi người có một thứ mong ước không thể bộc lộ hoặc chia xẻ cho nhau. Dù không nói ra, nhưng nó và tôi đều cùng cảm thấy mỗi ngày trôi qua niềm vui trở nên hiếm hoi hơn. Một vài năm tôi tổ chức sinh nhật của nó một cách qua loa. Những nụ hồng dường như ít tươi tắn hơn trong khi những món quà tôi mua cho nó dường như không làm nó mừng rỡ.
Khi tôi đưa Nguyệt Cầm về chơi mùa hè cách đây một năm, nó tưởng tôi muốn giới thiệu nó với người bạn mới. Nó nói:
- Khi nào ba thực sự đem cô ấy về ở luôn đây ba ?
Nó không biết rằng, tình yêu không giống như một chuyện phim có một kết thúc có hậu mà nó thường coi ở rạp. Những nhân vật chính luôn nắm tay đi về một cõi an bình và đàng sau lưng những chông chênh sẽ mờ dần theo tiếng kèn kết thúc. Tháng giêng nầy nó mười lăm tuổi, nhưng nó chưa đủ khôn lớn để tưởng tượng ra rằng muốn tìm gặp một hạnh phúc nhỏ nhoi, người ta phải trải qua rất nhiều khổ đau, bầm vập. Trong khi những nhịp đập từ trái tim thì luôn bị giới hạn.
Khi tôi đưa con gái tôi lên máy bay, tôi mới thấy buồn. Trở về một mình buổi sáng sớm con đường mù mịt ánh đèn muộn và sương bay ở hai bên thành cầu. Những trạm xăng nhòe nhoẹt bên ngoài kính xe và ngọn đèn đỏ bị hư chớp tắt liên hồi. Tôi lái xe chạy về nghĩa trang. Xa lộ lạnh căm những vạt khói xám bay là đà trên mặt cỏ vàng úa. Cây cối trơ mình đưa những nhánh gầy thổn thức lên khung trời. Những bảng chỉ tên đường bị xóa nhòa không thương xót bởi sương mù và mưa bụi. Từ nhiều tháng qua công việc bề bộn ở sở làm khiến tôi không có dịp ra nhìn lại chỗ nằm của Ng.
Ai đó đã cắm thêm những nụ hoa giấy nhiều màu trên chiếc mộ kế cận. Và một bó hoa thật tươi tắn màu vàng cũng được đặt ngay ngắn trên một chiếc mộ khác. Những đóa hoa luôn đem lại niềm vui không nhiều thì ít cho người sống lẫn người chết. Và luôn là biểu tượng cho những hạnh phúc thơm tho trong lòng đời ngọt ngào.
Tôi ngồi trên chiếc băng ghế bằng gỗ sồi, dưới một mái che đang rung động vì những cơn gió. Phía sau là mặt ghế trống. Người ta làm những loại băng ghế hai chiều như vậy để cho những ai muốn ngồi bên nào cũng được.. Một bên nầy nhìn ra đời sống thênh thang những nụ hôn rực rỡ. Bên kia là im sững chìm khuất những môi cười.
Không biết bao lâu nửa mặt trời mới hiện ra bên kia vùng Pflugerville, nhưng đã có tiếng chim kêu vang không cần đợi một ngày đến. Vài con ong bay tìm hơi mật trong một thùng rác gần đó. Tôi thấy thèm một ly cà phê có pha một chút rượu dâu. Và nếu cần thiết, tôi sẽ trở về lấy sơn cọ và giá vẽ để vẽ lại một buổi sáng tan vỡ. Trong một ý nghĩa nào đó, thì trang sách đời tôi đã lật đến trang cuối. Không có những dòng tái bút dịu dàng. Tôi dựa đầu trên băng ghế lạnh căm mùa đông, nhắm mắt nghe tiếng gió rượt đuổi nhau ngỡ ngàng. Tiếng xe buýt ngừng lại bên kia đường và một hồi lâu có tiếng chân người giẫm lên mặt xi măng khô khốc như tiếng khua từ một trái tim đau. Mùi thơm thanh thoát từ thân thể một phụ nữ bay giạt qua mũi tôi cùng lúc tiếng vãi vóc chạm nhẹ trên thành ghế. Có ai đó vừa ngồi xuống. Rất nhẹ như sợ làm kinh động giấc ngủ của một em bé.
- Tại sao anh ra ngồi đây?
Tiếng của nàng vang lên sau lưng tôi. Âm thanh quen thuộc không thể trùng lấp với một người nào khác, từ lần gọi phone thứ nhất nơi đài phát thanh. Tôi ngồi thẳng người chống lại sự cám dỗ quay nhìn về phía Nguyệt Cầm.
- Anh mới vừa đưa con gái ra phi trường. Nó đi về Iowa.
Cánh tay nàng duỗi song song theo thành băng ghế. Những ngón tay xanh mướt vì lạnh. Không biết có chờ đợi một ve vuốt ngần ngại nào không. Chiếc nhẫn ngày nào tôi đeo vào ngón tay áp út vẫn còn đó, vừa khít, không suy suyển nắng mưa, bụi bặm. Nhưng tâm hồn nàng thì sao? Có còn nguyên vẹn thủy chung hay cũng trầy trụa vì những va chạm với đời?
Bàn tay ở không kia của nàng đưa lên kéo xuống chiếc mũ trắng che đầu. Mái tóc vẫn đen như ngày nào xổ tung và vẫn từng che lấp một tương lai. Chiếc cổ thanh tú đầy đặn như một bánh kem ngày sinh nhật.
- Dễ chừng chúng ta xa nhau lâu quá phải không? Tôi hỏi, mắt nhìn ra những đời xe nối nhau chạy mãi miết ngoài xa lộ.
- Tháng giêng nầy đúng một năm. Nàng trả lời.
- Em vẫn hạnh phúc?
- Theo nghĩa nào mới được chứ?
- Theo nghĩa thông thường nhất.
- Vậy thì câu trả lời là không
- Ðiều gì đã ngăn cản em không thể với đụng tới nó? Tôi nhìn khuôn mặt quay nghiêng của nàng. Chiếc gò má xanh xao và một vầng mắt thâm quầng mệt mỏi.
- Có khi nào chúng ta hiểu nhau cặn kẽ chưa?
- Ðôi khi anh không hiểu được em. Hoặc cứ tưởng mình đã hiểu hết một người đàn bà. Ðó là ưu điểm hay khuyết điểm đây?
- Cả hai.
- Em vẫn còn ôm con gấu ngủ mỗi đêm chứ?
- Vẫn còn. Bây giờ nó đã cũ mòn, nhưng em không muốn thay thế nó.
- Ðâu có ai giũ bỏ được một quá khứ hay một sự tuyệt vọng. Tốt hơn hết người ta đành giữ chặt nó vậy.
Tôi đưa bàn tay run vì lạnh của mình nắm bàn tay đeo nhẫn của nàng. Không phải mới đây không lâu tôi đã nắm nó trong tay mình và đồng thời nghe cộm lên một nỗi tức tưởi muộn phiền? Làm sao để chúng ta biết chắc rằng mọi hạnh phúc trong bàn tay sẽ nằm im luôn ở đó? Chúng không muốn cựa mình để đào thoát ra ngoài ?
Giữa một cõi sương chằng chịt, tôi và nàng ai sẽ là người rời nhau trước?
No comments:
Post a Comment