Saturday, July 7, 2012

NHỮNG CHIẾC GIỎ XE

phạm ngũ yên


1.

Vài tuần nửa đến tựu trường.  Những cánh hoa hững hờ phai màu quá khứ. Con đường có trạm xe buýt vắng tanh không tìm thấy một bóng dáng học trò đứng đợi. Một chút mưa hiu hắt chiều nay, khi tôi ngồi trong quán cà phê Mozart cạnh bờ hồ Austin. Vẫn biết không thể nào quên một ký ức mờ mịt, nhưng lòng vẫn nhói đau khi nghe một bài hát cũ. Ngày xưa. Ngày xưa. Tất cả xa quá rồi.
Khi người ta giữ mãi vết thương trong lòng, người ta sẽ chẳng bao giờ mất dấu một quá khứ. Cơn gió mùa hè lẫn quất mùi mạc lan bay qua khứu giác. Như mùi vị nụ hôn đầu không tàn phai và không bỡ ngỡ. Mạc lan là một loài hoa bên đường, khi tôi còn đi lính ở Đà Lạt. Hoa có màu tím và thẩm màu đêm như cánh bướm lạc vào đời. Những tháng năm vội vàng đẩy thanh xuân tôi về phía trước. Gả con trai từng biết khổ đau khi chưa biết trưởng thành.
Từng chiếc xe chở chiều qua phố, tiếng rít róng của bánh xe thắng gấp như một lời chia tay dứt khoát. Thành phố biển mù mịt sau lưng, như một giấc mơ chưa từng rõ nét. Cơn mưa vừa đổ xuống một góc lòng bao dung.
Những người khách ngồi uống cà phê bên ngoài quán vội chạy vào trong tìm chỗ trú. Nước rơi mạnh mẽ trên mặt bàn gỗ cũ mới vừa bốc hơi nóng hồi trưa. Góc phố bên kia đường vắng vẻ và sạch như chưa có bàn chân người lai vảng. Người phụ nữ trước mặt tựa chừng như muốn cười mà không phải. Bầu ngực thanh tú hiện rõ đàng sau vạt áo thun màu đen hở sâu. Khoảng trũng nhìn chóng mặt.

Ðêm nay sẽ có một kẻ trở về không ngủ được vì thao thức. Vì trái tim mọc thêm nỗi nhớ. Trong hơi thở của thời gian qua rất khẽ khàng, mùa hè mới mẻ như giọt rượu vừa nhấp môi. Những con đường nhỏ nhoi như những đường chỉ tay, đan kẻ vào nhau và chìm vào phố đêm. Những cột điện ngậm ngùi nghe ngóng một thời son trẻ. Tôi sẽ viết về thời niên thiếu của tôi, như viết về một giấc mơ trong đó chứa những  điều huyễn hoặc, những tình yêu không trọn vẹn. Và biển ngoài kia chưa từng dâng sóng gió.

Mười bảy tuổi tôi muốn làm người lớn. Trót tương tư một màu hoa giống như trót tương tư một người.
Lớp học cũ vùng biển nằm lọt trong góc sân trồng đầy cây điệp. Chính từ nơi đây, từ dưới những tàn lá xanh um và cành nhánh sù sì, những mối tình thơ dại được dấy lên. Những người con gái dáng điệu như những con sơn dương và đôi mắt liếc nhanh như tia chớp rình chụp những con mồi. Là những gả trai khờ khạo.
Một ngày nào đó, tôi không còn ngồi trong lớp để nghe tiếng phấn miêt lên mặt bảng và bụi phấn rơi lả tả dưới chân Thầy, Cô.  Những chuyện chợt nhớ chợt quên theo nhau ùa về, như một đoạn phim không có lời thuyết minh. Tôi sợ tôi không nhớ kịp về người con gái, có tên Hoàng Hoa. Kỷ niệm ùa về hớn hở tươi xanh như một cành ngo của núi đồi Ðà Lạt.
2.

Nàng là em bà con với Hoàng Lực. Một bạn học cùng lớp với tôi những năm Trung Học. Vũng Tàu ngày đó chỉ có một ngôi trường nằm bên hông Nhà Thờ Lớn, đường Trần Hưng Ðạo. Nếu chạy dài thêm nửa, con đường sẽ nhập vào đường Hoàng Hoa Thám và bắt tay với biển. Nếu đi ngược trở lại, đường sẽ đụng với sân đá banh. Sau lưng sân đá banh là ngọn Núi Nhỏ. Nhà tôi nằm trên con đường chạy dài dưới chân Núi. Có một con đường nửa, mang tên Lê Lợi, cũng thơ mộng và mát rượi hai hàng me. Suốt năm lá me rụng đầy hai bờ đường không hề biết ánh nắng mặt trời. Nhà Hoàng Hoa nằm trên đó.
Tôi không biết tôi yêu Hoàng Hoa trước khi tôi yêu những cây me hay tôi yêu cây me trước khi tôi biết yêu nàng. Sau này, về Sài Gòn, đi bộ trên đường Lê Thánh Tôn tôi thấy những thân cây me Sài Gòn thiếu phần thơ mộng hơn những cây me Vũng Tàu. Lá me Sài Gòn chứa nhiều bụi bậm và sớm ngã màu hơn. Và dưới những cây me Sài Gòn có quá nhiều gánh hàng rong.  Có quá nhiều gập ghềnh, ngổn ngang như tấm lòng người dân thành phố.
Khi tôi rời xa Vũng Tàu như rời xa một chặng đường đời, hàng me đã vẫy mãi những cành lá để chia tay. Tôi không dám nhìn lui lại sợ nổi buồn đậu xuống suốt những đêm dài trống trải.

Tháng bảy về khan lạc tiếng ve. Mùa hè có thêm những âm thanh quen thuộc như báo trước một lời tiên tri. Vì tôi sẽ chẳng trở về kịp để chứng kiến những đổi thay của trường lớp. Mười năm lính tráng ghim chặt hồn tôi xuống mọi bến nước sông đời như vết mực từng ghìm chặt lớn khôn xuống mặt bàn. Một đôi lần, cũng trong ngăn bàn đó, tôi bắt gặp một trái cóc chua, một viên xí muội bỏ quên. Một chiếc kẹp tóc nằm hững hờ nhưng từng đâm suốt hồn ai đau điếng? Tiếng chim rũ rượi dưới một bờ tường thấp, nhưng có khả năng ngăn chia hai phần đời.

Khi tôi đi lính và về phép từ vùng một Chiến Thuật, tôi ghé ngang qua trường cũ. Không phải để nhìn lại những thay đổi mà để hồi tưởng lại một thời có tình yêu mà không dám ngỏ. Ngày chủ nhật không cón ai trong sân trường và người lính sẽ nhìn thấy một nỗi côi cúc. Sân chơi Volley đã bị dẹp bỏ và dời về một khoảng đất khác, cùng với phòng thí nghiệm của trường. Những gánh hàng rong mà Hoàng Hoa và các bạn của nàng thường chiếu cố tận tình trong giờ ra chơi đâu còn để nhường chỗ cho những sân gạch chói chang nắng hè.
Các bực thềm nứt nẻ dẫn lên phòng học từng trở trăn dấu giầy thơ dại. Tôi ngồi xuống trước cửa lớp mà tôi học năm Ðệ Nhị, nhìn ra một góc sân cờ. Như ngày xưa tôi đã từng ngồi đó để chờ ngóng những cơn mưa. Màu cờ không tượng trưng cho một màu môi hay một màu đời của tôi mà ngượng ngùng mang trên nó một chút bụi buồn bay xa. Những con chim sẻ của một mùa thi bay mất từ năm nào không trở về góc hiên để làm tổ.
Dù sao thì trường của tôi vẫn chưa thay đổi. Những đứa bạn giống như tôi rời bỏ trường để vào lính. Những hướng đời giống nhau nhưng số phận thì đổi khác. Có người mang vinh quang và vòng nguyêt quế trên cổ. Có người nằm xuống đâu đó trên một đất đai anh hùng. Có người rách rưới tả tơi trở về. Có người lành lặn hạnh phúc. Tất cả vừa là những khán giả vừa là những diễn viên trong một vở kịch đời tưởng chừng không có hồi kết thúc. Vì cuộc chiến dài quá. Dài đến nỗi nhiều khi tôi nghĩ chúng tôi sinh ra, học hành và lớn lên để làm đầy cho những bất hạnh.
Sau năm 1975, những kết cuộc giống nhau rụng xuống trên vai những người lính chúng tôi. Giống như một vở tuồng được viết ra từ những soạn giả tồi, những nhân vật chính quay lui về phía hậu trường không có tiếng vổ tay để rồi bước hụt chân vào những vực thẳm ngút ngàn. Bình minh trở thành lạnh giá.
Một lần đi qua trường cũ. Tôi không nhìn thấy sự quen thuộc và lòng khô khốc như đi qua một rừng chiều.
Hai hàng cây sao bên hông nhà thờ già nua và lầm than vì tiếng mời gọi đổi đời. Tiếng những nhát chổi về khuya của người phu quét đường như tiếng cào lên da thịt. Nhà thờ thiếu tu bổ trông xanh xao như một giáo đường mùa sơ tán.
Hoàng Hoa có chồng và có con từ những ngày tôi vào lính. Từ những ngày tình yêu của tôi vổ cánh bay ra khỏi đời nàng. Những ngày chồng Hoàng Hoa đi tù nàng lăn xả vào đời một cách kiêu hảnh. Có lúc nàng để quên thanh xuân mình trôi tuột vào những ngày tháng cơm áo. Hạnh phúc tưởng chừng như vắng mặt và nếu có, người ta có thể chia xẻ nó ra làm nhiều mảnh giống như chia xẻ một ổ bánh hay một ký thịt.
Vài lần tôi gặp nàng bán thuôc tây ngoài chợ chiều, góc đường Duy Tân và Trần Hưng Ðạo. Bên kia hàng rào là biệt thự do người Pháp xây bây giờ dùng làm trụ sở Ủy ban Phường Châu Thành. (Vài người bạn học của tôi ngày xưa đang có chức phận trong trụ sở đó). Màu mắt nàng vẫn xanh màu biển cả, nhưng sự tự tin đã không còn. Ðôi mắt đã có thời tôi sùng bái và làm tôi tương tư suốt nhiều năm dài. Bây giờ đang nhìn xuống bước chân mình. Chiếc áo bà ba chật căng một đời lam lũ. Chiếc xe đạp nữ dựng bên cạnh. Trong giỏ xe là một thùng carton đựng đầy thuốc và đường về mênh mông.
3.
Một thi sĩ Sài Gòn sau năm 1975 đã viết ra những vần thơ ca tụng chiếc giỏ xe đựng đầy hoa phượng. Và thi vị mối tình từ một màu hoa trót đỏ bầm vì roi gạo quất ngang qua nó mỗi ngày:
“những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
em chở mùa hè của tôi đi đâu?...”

Không ai phủ nhận bài thơ “Mối Tình Đầu” của Đỗ Trung Quân là một bài thơ hay đáng được trân trọng trong những bài thơ tình thời cộng sản. Những câu thơ bay bổng và bồng bế những hạnh phúc học trò. Những câu thơ nói dùm bạn và tôi những tình câm vụng dại và sũng ướt màu hoa phượng.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy thử hình dung ra một hình ảnh khác, bên cạnh một bối cảnh mang nhiều nắng gió ngợp trời. Một người đàn bà vừa qua tuổi hai mươi. Mới ngày nào nàng còn đi những bước chân mềm của một loài sơn dương để đến trường. Mới ngày nào nàng còn e ấp vành nón che dấu nụ cười vì chợt nghe một lời tỏ tình xa lạ. Nàng chưa từng biết vu quy và chưa từng biết hồn phượng rưng rưng như thế nào nếu một ngày mai xa rời trường lớp. Nhưng hôm nay, trên con đường gập ghềnh vì ai đã trải lên đó những điều nghi hoặc. Những lời phù thủy có thể trấn an những người no và an lòng những kẻ đói… “ với sức người sỏi đá cũng thành cơm…” Trong khi ruộng đồng Việt Nam còn đầy thuốc khai quang và mìn bẩy. Máy cày còn nằm im trong kho và phân bón còn nằm yên trên những hợp đồng.
Những người thiếu nữ như vậy không hề biết đến mùa hè hay một màu  phượng cháy đỏ trong lòng. Vì họ đang mãi cúi đầu chạy vạy từng bửa cơm. Họ không từng biết đến một lời chim vang lên như một lời tỏ tình. Và những đôi mắt trong veo từng làm bối rối hồn nhau…
Sao thi sĩ không ghi xuống thật lòng trên trang giấy nhòe nước mắt khổ đau và nghiệt ngã, rằng trong những giỏ xe đạp một thời thơ mộng kia bây giờ là thuốc tây. Là đường đậu nhu yếu phẩm. Là vải vóc đem ra buôn bán giữa quán đời mênh mông. Những lời thơ như vậy chắc sẽ mượt mà trung thực hơn và với đụng tới hạnh phúc đau lòng.
Những người phụ nữ đó không cần biết mùa hè trôi đi đâu vì cuộc đời quanh năm lạnh buốt mùa đông. Cuộc đời là những đêm dài trùng điệp khổ đau và trùng điệp nước mắt. Thảng hoặc- nếu có- vài đóa hoa rớt lạc lõng trên giỏ xe, giống như những đóa hoa vừa ngắt đi từ những hương trinh đầu đời. Chúng rụng xuống cùng những dòng lệ thơ ngây và ghim chặt xuống hồn thương đau để bán cho người ngoại quốc.
Người ta sẽ nghe những câu thơ của Ðỗ Trung Quân để an ủi rằng Việt Nam đang trải qua những năm tháng tuyệt vời. Người ngoại quốc vô tâm sẽ nhìn về Việt Nam với lòng biết ơn vì một dân tộc anh hùng đã sản sinh ra những thiên anh hùng ca, đã biết gượng đứng lên sau những hoang tàn đổ nát. Họ không biết đàng sau những lời thơ phồn vinh kia là những lời nguyền rũa. Là một dân tộc chuyên nhổ rồi lại liếm. Hôm qua chống Mỹ cứu nước và hôm nay đã rước Mỹ cũng để... cứu nước.
Những chiếc giỏ xe mà trong đó có những đóa hoa- nếu có- là của những người dân cùng đinh áo ôm khố rách, hái từ vườn hoa Mai Xuân Thưởng Hà Nội, để đem lên khiếu kiện.  Để cúng tế những con ma sống đang ngồi trong Bắc Bộ Phủ... Họ đòi lại đất đai bị cưỡng đoạt và đòi lại những quyền được làm một công dân bình thường.

Những chiếc giỏ xe chở đầy bất hạnh
Em chở cuộc đời của em đi đâu…?

PNY

No comments:

Post a Comment