Saturday, February 16, 2013
BIẾT LÀ ĐỦ
PHẠM KHẮC TRUNG
(Canada)
Năm đó tôi học lớp Đệ Tứ, là năm đầu tiên lên Saigon học nên tôi ghi danh trễ phải học buổi chiều, trong khi chị và các em tôi đều học buổi sáng tại các trường học địa phương.
Chị lớn tôi bị bệnh phải mổ thay đốt xương sống, nằm điều dưỡng tại bệnh viện Bình Dân trên đường Phan Thanh Giản một thời gian dài. Mỗi sáng mẹ tôi xách làn đi chợ mua đồ ăn trong ngày về quăng ra đấy, rồi tức tốc đi xe đò lên nhà thương thay thế chăm sóc chị cho bà bác tôi về nhà ngủ. Chiều thức dậy, bác tắm rửa, ăn cơm tối xong mới lên thế chỗ cho mẹ tôi về.
Không có chó mèo phải dọn dẹp. Mỗi sáng thức dậy, tôi thái thịt, lặt rau, vo gạo, nhóm bếp nấu cơm lo nguyên ngày cho cả nhà. Xong xuôi, tôi ăn trước rồi chuẩn bị đi học, chị và các em tôi đi học về ăn trưa rồi rửa chén bát, nồi niêu... “Khéo tay không bằng hay làm”, nhờ vậy mà thằng con trai trưởng trong gia đình là tôi lại rành chuyện nấu ăn hơn cả chị và các cô em gái.
Khi vết thương đã lành, chị tôi đang tập đi để tuần sau xuất viện, thì bị trúng đạn pháo kích của Việt cộng ngay phòng kế bên khoảng giữa đêm, sức ép của quả pháo hất chị văng xuống giường gẫy xương trở lại, chị tôi mất lúc 5 giờ sáng cùng ngày.
Tôi có thói quen thích dậy sớm học bài, nhất là sắp thi đệ nhị lục cá nguyệt nên tôi dậy sớm hơn mọi khi. Mới hơn 5 giờ, đứa em gái kế tôi hối hả chạy ra bàn tôi đang ngồi học, cô vừa dụi mắt vừa run giọng kể, “Em vừa mơ thấy chị Nhung, chị kêu đau lưng lắm nhưng phải đi gấp! Không biết có điềm gì?” Thế là hai anh em lo âu, bó gối ngồi kể chuyện cho nhau nghe chờ trời sáng. Đến hơn 7 giờ thì bà bác trở về báo hung tin... Xong đám tang, gia đình tôi trở về nếp cũ, việc bếp núc bấy giờ đã có mẹ lo.
Ít tháng sau, ba tôi có vẻ nhớ khẩu vị thức ăn tôi nấu, nên ông bày vẽ tổ chức nấu ăn đua có thưởng cuối tuần. Đồ ăn thức nấu mẹ đi chợ mua giống nhau, tôi chỉ hơn chị và em nhờ khéo phân chia gia vị, và giải nấu ăn ngon trong nhà luôn thuộc về tôi.
Nắm được bí quyết trong tay, tôi tập thêm thắt gia vị cho những sinh hoạt hàng ngày. Khởi từ những câu chuyện vu vơ qua vô tuyến truyền tai giữa chúng bạn, thấy bạn bè thích, tôi thừa thắng xông lên đưa dần vào lớp học, từ những câu buông đùa vô thưởng vô phạt, đến những lời giỡn phá vui tươi của tuổi học trò... Dần dà, tôi góp nhặt những mẩu chuyện vui bên lề, thêm mắm thêm muối cho có hào hứng và thích hợp với môi trường, viết làm quà cho chúng bạn mua vui. Bài tôi viết ra, cũng có người khen hay, khối người chê, “Vớ vẩn”. Có người khuyến khích, “Viết dí dỏm, có triển vọng”, lắm người phán, “Viết tầm phào”, hay “Bố cục lỏng lẻo”. Cũng có người vì tò mò mà tìm đọc, nhưng thích thú như cô bạn học luôn thúc giục rằng, “Viết đi cho tui đọc”, thì chỉ đếm được mỗi một người. Phải chi tôi học với cô lâu hơn, hay có được vài người bạn như vậy, chắc giờ này tôi đã viết văn hay?
Mấy hôm trước vô tình gặp tấm Thẻ Sinh Viên năm thứ Nhất, tôi đem khoe chị Thọ diện mạo mình. Chị bảo, "Mặt mũi này giống cậu học trò khoảng 13,14 tuổi, các 'chị' chạy hết, hihi!"
Sự thực còn tệ hại hơn vậy. Có cô bạn lúc ấy chưa chồng mà tuyên bố sẽ gả con gái cho tôi đấy thôi! Bởi vậy nên tôi mới để râu và tóc dài phủ tai trông cho ra vẻ phong độ một chút, vậy mà vẫn không qua được mắt chú Lê Ngọc Hiển, chú phao tin trong trường rằng, "Mặt thằng Trung búng ra sữa, nó để râu đặng cua đào già!" Thế có ức không?
Hồi đó tôi chơi thân với hai cha con chú. Chú Hiển trước kia là phóng viên thể thao, sau này chú chạy công văn, liên lạc lo thủ tục hành chánh cho trường, còn cô con gái tên Hằng làm thư ký trực điện thoại. Hằng bằng tuổi tôi nhưng đã có chồng. Hằng lên tiếng cáp tôi với em Hằng tên Hạnh, cả chú thím Hiển đều hoan hỷ tán thành. Hạnh lúc đó mới 12, còn ngây thơ chưa biết gì về ba cái chuyện nhân ngãi vợ chồng, mỗi lần tôi đến thăm, vẫn thấy Hạnh nhẩy cò cò hay chơi chuyền trước cửa. Thím Hiển bảo, "Thím không tính tiền gạo, thím giữ hộ sáu năm, lúc đó Trung cũng công thành danh toại rồi, chú thím gả cho!" Chú Hiển cười ha hả độp thêm, "Lấy Hạnh Trung không cần để râu nữa!"
"Nhất ngôn ký xuất... cái gì... mã năng truy!" Bớ chú thím Hiển và Hằng bây giờ ở đâu? Mau mau đem vợ Hạnh trả cho Trung kẻo Trung nằm vạ bây chừ! Chị Thọ nghe tôi réo thê thảm thế lại an ủi, "Trung viết truyện nhiều khi có thể tìm ra tung tích. Trung sướng ghê hí, tự nhiên ngồi yên mà có người muốn gả con!" Cái số tôi tưởng ngon vậy đấy, bao nhiêu người réo gả con cho, nhưng toàn là gả miệng thôi, chứ nhìn qua nhìn lại chẳng thấy có cô vợ nào!
Mấy cụ nhà mình nói, "Trẻ người non dạ!" Mặt mũi tôi trông như con nít, nên tính tình tôi cũng ngây thơ hết biết luôn. Năm lớp 12 có một anh người miền Trung phát âm rất nặng, anh ở trong nhóm "Tiên Rồng" do Quốc Vụ Khanh Phan Quang Đán hay Mai Thọ Truyền gì đó thành lập. Thỉnh thoảng anh lại xin phép giáo sư ít phút, lên bục tường trình về hoạt động của nhóm và cổ động cho nếp sống văn minh. Một hôm anh gằn to giọng, "Biết đủ là đủ!" Tôi thơ ngây dơ tay hỏi, "Mấy tuổi thì anh biết đủ?" Mà tôi phát âm bằng giọng Bắc rất chuẩn, vậy mà cả lớp lại phá lên cười, Ngô Văn Quỳnh cười đến mức làm ướt ót người ngồi phía trước bị anh ta hăm đục... Thày Phạm Vân Trung dạy Triết tủm tỉm bước xuống cú nhẹ vào đầu tôi, chẳng thấy đau nên tôi không biết thày cảnh cáo hay khích lệ đứa học trò?
Mới năm rồi có cái bài học trong sạch hóa nội bộ đảng. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vạch mặt chỉ tên, “Một bộ phận không nhỏ trong đảng, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp thoái hóa hư hỏng đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ”. Ông Trọng bày tỏ sự bức rứt trước đông đảo cử tri Hà Nội rằng, “Tiêu cực, tham nhũng nhìn đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có, Trung Ương cũng sốt ruột lắm”.
Trong khi Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang lại “sâu cách hóa” với cử tri ở Saigon, "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là “chết cái đất nước này".
Thế rồi hơn 700 tờ báo lề đảng và hàng trăm đài truyền thanh, truyền hình cùng vận động rầm rộ cho cuộc thanh lọc nội bộ, tốn không biết bao nhiêu tiền của của người dân. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá Nghị Quyết Trung Ương 4 như một “cuộc tắm rửa vĩ đại nhất” trong lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam. Ông quyết tâm trét xà bông, "tắm rửa" kỹ lưỡng từ trên xuống dưới, "kỳ cọ" thật kỹ, thật cụ thể, không xuề xòa, không bênh che, không nể nang gì sất, ông kiên quyết “loại trừ những cán bộ, đảng viên hư hỏng ra khỏi đội ngũ!”
Rồi kinh qua các cuộc họp của Bộ Chính Trị, của Ban Bí Thư, của Ban Chấp Hành Trung Ương, và hội nghị cán bộ toàn quốc… cuộc “tắm rửa” kéo dài cả năm trời để “Nhìn thẳng vào sự thật, không giấu giếm loanh quanh, vạch mặt chỉ tên, không phân biệt bất kỳ ai”.
Thế nhưng, khuôn mặt của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chưa kịp rực lên đã lú lại, ông tuyên bố, “Nghị Quyết Trung Ương 4 ban hành trước hết là cảnh tỉnh với những người đang ngủ quên. Bên cạnh đó là răn đe, ngăn chặn những suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống”. Rồi ông hỏi, “Vừa rồi chúng ta răn đe được chưa?" Và cũng chính ông trả lời, "Khối anh sợ đấy!”
“Bộ Chính Trị đã thống nhất 100% xin được nhận một hình thức kỷ luật, và xin hình thức kỷ luật một đồng chí trong Bộ". Nhưng 100% Ủy Viên Trung Ương lại "sợ" cái "thế lực thù địch" nó tấn công bằng "diễn biến hòa bình" làm "bay" chế độ, nên 100% các đồng chí ấy đành hiệp thương với bầy sâu để bảo vệ cái sổ hưu cho mình, và họ đã bỏ phiếu không kỷ luật Bộ Chính Trị và một đồng chí 'sâu chúa': "Ban Chấp Hành Trung Ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính Trị và một đồng chí trong Bộ Chính Trị; và yêu cầu Bộ Chính Trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá”.
Cho nên chẳng có ai bị vạch mặt, chẳng có ai bị chỉ tên, tất cả cán bộ, đảng viên hư hỏng vẫn an nhiên trong đội ngũ, y như cũ! Một điều hết sức khôi hài là 100% Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Ủy Viên Trung Ương đều không biết mặt mũi cái "thế lực thù địch" mà họ ra rả nói tới nó tròn méo thế nào, cái "diễn biến hòa bình" ra sao, cái "trào lưu Dân Chủ" là gì..., vậy mà cứ sợ vu vơ, sợ những gì họ không biết, giống như cái sợ của A Pó dưới đây (Trích):
Một người làm trong ủy ban Kế Hoạch Hóa gia đình người Kinh công tác trên miền núi, gặp vợ chồng A Pó mới 25 tuổi, nhưng đã có 6 đứa con.
Anh ta chê, "Chúng mày kém, nghèo mà đẻ lắm. Càng đẻ càng nghèo, trách nào chả bằng một góc người Kinh."
Bị chạm tự ái, A Pó bảo vợ, "Tao với mày tối nay phải đến nhà thằng giáo viên người Kinh xem nó 'ấy' vợ nó thế nào mà thằng kia bảo mình không bằng một góc của tụi nó".
Tối đến, A Pó cùng vợ rình nhà giáo viên người Kinh. Nhà sàn hơi cao, A Pó không nhìn thấy gì bèn bảo vợ đứng lên trên lưng mình để xem.
Vài phút sau, vợ A Pó trèo xuống, mặt hơi đỏ. A Pó hỏi, "Thế nào? Mày thấy gì không?"
Chị vợ thèn thẹn lắc đầu, "Vợ chồng ông giáo 'ấy' cũng thế. Chả khác gì lúc mình 'ấy' tôi cả".
A Pó tức lắm, lầm bầm, "Thằng kia đã bảo khác là khác. Để ông đứng trên vai mày ông xem".
Năm phút sau, A Pó trèo xuống đất, mặt xanh mét, chân tay run lẩy bẩy. Vợ lấy làm lạ lắm, nhưng không dám hỏi. Trên đường về, A Pó rỉ tai vợ, "Thôi mình nghèo cũng được, đẻ nhiều cũng được, chứ tao không bắt chước bọn người Kinh đâu. Chúng nó 'ấy' nhau xong... lột da 'thằng nhỏ' vứt vào sọt rác. Đau lắm, tao sợ!" (Ngưng trích)
Để biện minh cho sự bất thành của Hội Nghị Trung Ương 6, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng mới giải thích vòng vo tam quốc, đưa ra cái “Triết lý nhóm lò” khi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 01/12/2012, “Làm sao cố gắng để với tinh thần nhân văn của Bác Hồ. Kỷ luật sắt nhưng với tinh thần tự giác. Ví như nhóm một cái lò, có củi khô, có củi tươi, có củi vừa vừa. Nhưng quan trọng nhất là bước đầu phải nhóm được cái lò lên, tạo thành hơi ấm thì khi đó củi khô, củi tươi đưa vào cũng phải cháy hết. Sâu xa là như thế. Phải đồng lòng, nhất trí hết, nhóm lò lên”.
Ối giời làng nước tôi ơi! Việt Nam có 34% dân số sống tập trung ở đô thị, với tỷ lệ đô thị hoá là 30%. Mặc dù hiện nay Việt Nam chưa làm được con ốc vít cho ra hồn, nhưng Đảng Cộng Sản đang hô hào phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vậy mà đồng chí Tổng Bí Thư lại cổ động bỏ lò tôn mà nhóm lò củi! Có mà lú?
Mà thật ra thì cả "đảng lú" chứ đâu chỉ mình ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lú như người ta thường nhìn mặt đặt tên!
Gặp anh bạn người miền Trung nói nặng của tôi sẽ bảo rằng:
− Đạ bạo rồi! "Đạng lú" là nguyên nhân cụa đọi nghèo và lạc hậu!
PKT
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment