VIÊN TRÔI NƯỚC
Chơn Hiền
Sáng nay bà bạn tôi vừa cúng mụ đầy tháng cho thằng cháu ngoại đầu, lễ
mễ đi bộ từ đầu ngõ mang vào cho tôi một mâm xôi chè, trái cây … Mới hơn tháng
(không có dịp gặp nhau ở chùa, tôi cũng không dám ghé nhà vì sợ ảnh hưởng đến
thằng bé mới sinh kia. Gì thì gì, người ta vẫn còn hay kiêng khem lắm lắm cái
chuyện em bé còn “nằm trong ..ổ chưa tròn tháng”) mà bà bạn tôi sụt cân thấy
rõ. Gầy thì có gầy nhưng nét mặt thì “sao mà hớn hở” tươi vui thế không biết.
Có thêm một hủ… vàng mà. Nghĩ thật thương cho phụ nữ chúng tôi, cả đời nuôi con
vất vả, con lớn “giao” cho người khác, về nhà người ta rồi, giờ lại tất tả nuôi
cháu, mà tự nguyện ấy chứ, lắm khi “nhà người ta” dành cũng không chịu, thế mới
lạ”Nghiệp”!! Đúng là
Vừa vui vẻ trao cho tôi mâm quà, bà Mến vừa nói: “con trai, nhưng em
cũng cúng trôi nước, kệ! cho nó có “diên”, đủ “diên” tốt cái gì cũng tốt, hen
chị!”. Trời đất ơi!, tôi phì cười :”bà ngoại nầy …tham ha, muốn cháu ngoại mai
mốt con gái xếp hàng đi theo cho dễ kén cháu dâu hả? còn đòi đủ duyên nữa, quá
quá , Phật hông có chứng đâu nhen!” Bà Mến cười ha hả: ”Cha, chị đi guốc trong
bụng em nghen”. Rồi như được dịp, bà Mến tíu tít kể tôi nghe chuyện thằng cháu
ngoại.
- Trời ơi, chị biết hông, mới bi
lớn mà nó biết… bà ngoại nghe, khuya khuya thấy mẹ nó mệt quá, em lên pha sữa
cho nó, rồi ẳm nó dỗ ngủ, nó… rúc vô bà ngoại thấy thương lắm. Mà… ngộ thiệt
nghe, có chút xíu vậy đó mà biết giọng bà ngoại rồi, nghe tiếng em mà không ẳm
lên hả, nó khóc quá trời!
Tôi thấy bà bạn huyên thuyên mà … lo, nhớ chuyện cháu nội của bà sui
tôi ở Sài Gòn, do cũng một tay bà ngoại chăm bẵm thay mẹ mà giờ vắng bà, cả nhà
không ai dỗ được, thằng bé khóc nhớ ngoại đến bỏ ăn, bỏ ngủ phát ốm, nên nói:
- Thôi, lo gì thì lo chứ đừng dành ôm cháu ngủ thay mẹ nó luôn là chết
nghe.
Bà Mến cười giả lã: “Thấy thương
quá chị ơi, với lại dòm mẹ nó mệt quá, thành ra…”
- Tui can thiệt đó, mai mốt khổ mình, khổ thằng nhỏ, khổ ba mẹ nó luôn
đó.
Bà Mến như … cụt hứng bèn chào
tôi rồi vội vàng đi về. Nhìn cái dáng tất tả của bà bạn, tôi bỗng thấy thương
thương, nghĩ thầm: “thêm một người giống mình nữa rồi, cái sợi dây ái nó ràng rịt,
quấn quít, cứ luôn siết chặt, khó mà gỡ ra là đây”.
Nhìn mấy chén chè trôi nước hấp dẫn, tôi lại nhớ đến bốn câu thơ của nữ
sĩ Hồ Xuân Hương thuở còn đi học:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn,Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
Bài Vịnh thật hay, thật thâm thúy khi mượn mấy viên bánh bằng thứ bột gạo
nếp dân dã, thường tình mà gợi tả cái đẹp, cái đậm đà, và cái tình, cái khí tiết
của người con gái, quả thật tuyệt vời! Mà gẫm ra cái đẹp, cái hay đó nó có trọn
vẹn đâu, nó long đong, lận đận, may nhờ rủi chịu, làm người phụ nữ có sung sướng
gì đâu, cũng là của một kiếp người mà giờ tôi thấy lời Phật dạy sao đúng quá!
Ngày xưa đi học bình giảng bài nầy tôi chỉ thấy nó hay, quá hay thế thôi!
Nhớ mấy câu vịnh của bà HXH tôi lại càng thấy thương mình, thương bạn
bè … Mới ngày nào đây, một thời tuổi trẻ áo trắng học trò… giờ thoắt đã hai màu
tóc, thành bà nội, bà ngoại, thậm chí có một bà vừa lên chức “cố” mới ghê cơ chứ!
Chẳng là nhỏ bạn tôi mới học đến lớp mười một, bà nội bắt con nhỏ lấy chồng… Rồi
cứ thế, con gái mới mười bảy nó cũng cho về nhà người ta, giờ thì đến cháu ngoại.
Cả nhóm bạn tôi, ai cũng tròn mắt, lắc đầu “thán phục” vui vẻ chúc mừng khi nó
tuyên bố: “tháng sau tui lên chức bà cố đó nghen!” (mà thực trong lòng thì tôi
chẳng mừng cho nó tí nào). Cái vòng lẩn quẩn của một đời người nó cứ như thế, lặp
đi lặp lại bởi cái duyên nợ từ trong tiền kiếp, nó cột trói và dẫn con người ta
lòng vòng để rồi buồn nhiều hơn vui, vậy mà… Ôi chính tôi cũng thế!
… Nhớ đến mấy lần đầy tháng, thôi nôi mấy đứa cháu ngoại, tôi cũng… ”tham,cầu”
mọi điều tốt đẹp cho cháu mình ở tương lai (mà biết ra sao cái tương lai ấy, nó
còn xa xôi quá). Ngoài hoa trái tươi tốt, đủ màu sắc (đa màu cho đời nó rực rỡ,
sáng sủa), con trai thì cúng Mụ chè đậu (sau nầy được giỏi giang, thi đâu… đậu
đó, có đỗ đạt thì mới sung sướng chứ), con gái thì cúng Mụ chè trôi nước, (con
gái thì phải duyên dáng, dễ coi, cái duyên cũng là cái nết ăn, nết ở nữa mà…)
Ôi trời! quả thực là do mình tất cả, hạt đậu, viên chè nó chỉ là hạt đậu và bột
nếp do con người chế biến, tưởng tượng rồi gán ghép cho nó “cái phúc, cái may”
mang lại cho chính mình và cứ thế đời “đặt để” cho nó trọng trách thật vô cùng
quan trọng mang lên…”bàn thờ” hương khói mong cầu. Rồi… sau nầy con cháu mình lớn
lên, nếu không đỗ đạt hơn người, không sung sướng được như mơ ước chắc chắn
mình sẽ khổ lắm đây, “cầu bất đắc” mà.
Tôi có cô em bà con cô cậu, lúc nào cũng kỳ vọng vào thằng con trai lớn,
cứ mong nó phải là bác sĩ (cô mắc bệnh tim, chồng bị thấp khớp, mẹ chồng lại tiểu
đường, cả nhà ra vào bệnh viện, gặp bác sĩ như cơm bữa). Cô luôn ao ước thằng
cháu tôi thành bác sĩ để chữa bệnh cho cả nhà, vả lại làm bác sĩ thì cũng sẽ có
mối quan hệ rộng với đồng nghiệp ở ngành Y nữa, thật lợi lạc, vẹn cả đôi đường.
Tội nghiệp thằng nhỏ thích học kiến trúc, vẽ vời, khổ vì ước mơ của mẹ, thi trường
Y hai lần không đậu. Con buồn con khổ đã đành, mẹ càng héo sầu, ủ dột hơn cả
con. Mỗi lần ghé nhà, nghe cô than thở, khuyên lơn mãi cô vẫn cứ chấp cái suy
nghĩ của mình là đúng, cho rằng thằng bé cố tình thi rớt vì không muốn học Y. Mẹ
ca cẩm, con than thở, tôi thấy mà thương cả hai. Đời sao khổ thế!
May mắn cho tôi, dù sao, sau này cũng được đến Chùa tập tu, cũng thường
nghe pháp, học kinh, chiêm nghiệm lời Phật dạy, cũng chuyển hóa được ít nhiều
suy nghĩ. Đạo cũng như đời, người xưa vẫn thường nói :”tri túc, tiện túc, đãi
túc hà thời túc” cũng như lời Phật đấy thôi. Sống không tham, không mong cầu
thì đâu có khổ, mà ta thì luôn luôn mong cầu và chẳng bao giờ biết đủ nên lúc
nào cũng khổ là vậy. Một chuỗi các mắc xích của mười hai nhân duyên dẫn dắt, cột
trói làm chúng ta trôi lăn chẳng có điểm dừng…là cái lý giải rõ ràng để ta nhận
thức vấn đề và đoạn diệt thế nhưng … thật đáng tiếc. “Biết thì biết mà dừng vẫn
không thể dừng!”.
… Nhìn mấy viên chè, nhớ đến ba đứa cháu, thấy thời gian sao đi nhanh
quá, mới đây mà một đứa đã chuẩn bị vào lớp năm, con em lớp một, đứa Mẫu giáo lớp
Chồi. Mới đây mà mình đã xấp xỉ… ”lục tuần” , bạn bè sao vẫn còn sôi nổi, vui vẻ,
rộn ràng còn tôi nghĩ đến mà phát … hoảng. Ngẫm nghĩ thời gian trôi vùn vụt, chớp
mắt đã hết ngày, chớp mắt đã sang tháng, còn được bao nhiêu đây cái quĩ thời
gian của mỗi người? Mình “xài” mà không biết nó sẽ “hết” lúc nào, bởi chẳng bao
giờ được báo trước. Dù biết rồi đây có lúc mình sẽ lên đường một mình, một
bóng, chẳng có ai kề bên bầu bạn, giúp đỡ sẻ chia, dù biết hành trang cần phải
mang theo là gì vậy mà sao vẫn mãi lang thang, chẳng biết vun bồi để ngày tháng
dần qua uổng phí… Cuộc sống chung quanh với muôn vàn chuyện lôi kéo thân tâm ta
chẳng bao giờ ngơi nghỉ. Cái thân nhọc nhằn, cái tâm dong ruổi, đáng sợ thật.
Biết bao giờ ta mới sống được như lời bậc Giác ngộ đã dạy:
“Vui thay chúng ta sống
Không rộn giữa rộn ràngGiữa những người rộn ràng
Ta sống không rộn ràng!”
(kinh Pháp Cú).
Có quá khó khăn không? Nếu ta luôn tỉnh thức, luôn biết tìm lại con
trâu của mình mà nắm lấy, mà chăn dắt để nó chẳng đi hoang…Tôi và bạn tôi, đang
vô tình, đang lơ đãng, đang tự dối mình rằng thôi thì xem như ”hằng thuận chúng
sanh” để bào chữa cho cái tội “giải đãi” của chính mình. Những… chúng sanh
chung quanh tôi, là con, là cháu, là thân bằng quyến thuộc, bạn bè… Ôi! phải
làm sao, phải làm sao? Phật đã chỉ đường. Đi hay không? Lợi lạc hay đau khổ triền
miên chỉ tôi quyết định. Tôi ăn thì no, tôi đi thì đến, ai làm thay được ngoài
tôi??? Khéo không thì tôi cũng như… viên trôi nước, ba chìm bảy nổi… trôi
lăn... trôi lăn…bao giờ thoát khỏi bộc lưu?
C.H
No comments:
Post a Comment