GIỖ
THỨ CHÍN CỦA NHÀ VĂN HOÀNG NGỌC TUẤN.
Nguyễn Thị Thúy Hồng
Đã chín năm trời anh mất, hôm nay tôi mới
làm bửa cơm cùng với nhóm bạn bè thân hữu cúng anh, xem như được dịp để chúng
tôi cùng ngồi chung bàn với nhau, như trước đây hàng tuần ở Nhà hàng Đất Phương
Nam. Những người khá gần gủi với anh trước kia đã đến dự như Anh Trần Quốc Định,
hai em gái Hồng Nga, Huyền Trân, bạn Cẩm Hường, bé Mơ con gái Cẩm Hường mà anh
hay chơi đùa với nó, tất nhiên không thể vắng chủ nhà là tôi. Chúng tôi nhóm bạn
bè nhỏ không bù khú trên bàn tiệc đông người, không chui rúc riêng tư với mối
quan hệ thầm kín nào ngoài tình cảm bạn bè thật trong sáng, có thể thân thiết
trên tình bạn nhưng chưa bao giờ chạm đến chuyện đôi lứa, dù có đủ quyền tự do
để đến với nhau, công khai tùy hiểu của mọi người, tôi chẳng hề quan tâm, chỉ một
góc nhỏ dành cho nhau vẫn đủ ấm lòng.
Dù không cúng kiến anh hàng năm nhưng
tôi luôn giữ kỹ niệm về anh một người bạn, người anh mà tôi luôn quý trọng, như
đã dành chiếc ghế xích đu dưới tán cây xoài trong sân nhà tôi, nơi anh hay nằm
ngủ co ro khi đã ngà ngà men bia rượu, nơi mà anh tìm giấc ngủ bình yên nhất
trong sân vườn nhà, tôi vẫn giữ nó như dành cho anh một vị trí tĩnh lặng riêng
biệt mà không ai có thể xâm phạm đến… Chuyện mời mọc tôi rất hạn chế vì tôi hiểu
tính anh không bao giờ chịu ngồi chung bàn với người nào anh không thích. Có lẽ
nhóm thân hữu nho nhỏ này gồm các thành viên kể trên luôn có mặt cùng anh trong
những cuộc chè chén suốt 5, 6 năm liền cuối đời anh.
Tôi quý đức tính nghiêm túc, từ giờ giấc,
lời hứa hẹn đến cách ăn mặc phẳng phiu, chỉnh chu nghiêm túc bằng bộ cánh trang
nhã với sơ mi màu sáng quần màu sậm “sur ton”, giày “xăng đan” luôn có quai hậu…
nghiêm túc như phong thái một nhà giáo, hơn là nhà văn, nhà báo. Không ai có thể
ngờ được sau lần đầu gặp gỡ anh, khó tin rằng đang diện kiến đệ nhất “lang bạt
kỳ hồ”. Anh không có mái ấm thật sự, nhà bạn bè là nơi anh trú qua đêm có “ xếp
lịch “ hẳn hoi, nhà anh TQ. Định 3 đêm một tuần xen kẻ với các đêm ở nhà anh Võ
Chân Cửu hay nhà anh Nguyễn Tôn Nhan, trừ một đêm cuối tuần giành cho cô giáo H
người yêu mà anh quyết không cưới nhưng rất giữ gìn chữ thủy chung… gia đình, mẹ
vẫn dành cho anh chỗ riêng tư để viết lách và nghỉ ngơi, nhưng thi thoảng anh mới
về thăm mẹ, dấm dúi ít tiền nhuận bút cho bà rồi lại đi. Giấy tờ tùy thân của
anh không một mảnh, chứng minh, hộ khẩu đều không, chỉ tấm thẻ nhà báo là bùa hộ
mạng để anh cộng tác với các báo, viết lách, bán chữ mưu sinh.
Trước năm 1975 anh là một trong những
nhà văn trẻ sáng giá của dòng văn học lãng mạn, với nhiều tác phẩm nổi tiếng,
được giới trẻ bấy giờ mến mộ như: EM VÀ TÔI, CHUYỆN HAI NGƯỜI, HÌNH NHƯ LÀ TÌNH
YÊU, Ở MỘT NƠI AI CŨNG QUEN NHAU, THƯ VỀ ĐƯỜNG SƠN CÚC, HÔN LỄ, CÔ GÁI TREO
MÙNG, BUỔI CHIỀU HẠ LAN, ĐÔI MÔI DẠ HƯƠNG, NHÀ CÓ HOA MIMOSA VÀNG, HỌC TRÒ… Sau
75, cuộc mưu sinh đưa đẩy anh vào nghiệp báo, cộng tác viết cho các tờ báo lớn
Thanh Niên, rồi Tuổi Trẻ từ bình luận bóng đá đến chuyện thời trang người mẫu…
Trước khi quen anh tôi chưa từng đọc một câu nào anh viết, mãi đến khi lần đầu
đến nhà tôi với chiếc xe đạp cộc cạch tiệc tùng cùng bạn bè, anh mang tặng tôi
quyễn sách mang tựa LỜI CẦU HÔN và mua quà cho con gái tôi hai lốc sữa tươi. Tất
nhiên là tôi phải đọc, nhưng vì tò mò hơn là sự ngưỡng mộ. Đó cũng là dịp tôi
khám phá ra anh không đơn giản, trầm mặc, già nua như tôi nghĩ mà là một tâm hồn,đầy
chất Huế lãng mạn, trẻ trung và trí tuệ bởi lối viết giản dị trong sáng pha trộn
chút hài hước, chỉ vậy mà lôi cuốn lạ thường. Từ đó tôi thật sự mến mộ ngòi bút
tài hoa của anh. Ngoài ra tôi còn nể trọng nhân cách và lòng tự trọng được cất
giữ trong phong thái trầm tĩnh, khiêm tốn của người đàn ông Huế lịch lãm nhưng
ngầm chứa sự ngạo nghễ và bất cần nơi anh. Anh sống lang thang, nhưng lạ là ở
đâu bè bạn cũng dọn sẵn nơi cho anh nghỉ, đọc và viết, dù anh không cưới vợ
nhưng vẫn có tình yêu như vợ chồng sẵn đón anh về. Chưa bao giờ anh tỏ lời ong
ve tán tỉnh phụ nữ, với tôi lúc nào anh cũng nghiêm túc xưng hô “ Anh Tuấn” và
gọi tên tôi, luôn hài hước pha trò hóm hỉnh nhưng đầy vẻ ngạo mạn và khí khái.
Câu nói vừa buồn cười nhất làm tôi nhớ mãi: “ Từ ngày Thúy Hồng vẽ tranh anh Tuấn
thấy nấu ăn ngon hơn.” Chất giọng Huế êm tai nhẹ nhàng của anh nhưng không thiếu
gai góc và đểu đểu của chàng trai Huế. Nhưng kỳ thực anh rất thẳng thắn và thật
lòng.
Anh nghèo đúng nghĩa là một người trí thức
vô sản, sống và rong chơi trong cuộc đời bằng đồng tiền anh tự làm ra bằng những
sản phẩm trí tuệ của mình. Anh đã bị vùi dập không thương tiếc, khi nguồn cảm hứng
đang tuôn chảy bị những rào cản về cơ chế chính trị, mà chính anh phải tự phá vỡ
cái thiên đường lãng mạn ở tâm hồn mình, một nhà văn có tầm cỡ trở thành tên đồng
nát văn học, viết những bài báo theo thị hiếu độc giả để kiếm cơm trong thời đại
gọi là “cách mạng”, chừng ấy thôi đủ làm cho tài hoa lao đao, nói chi đến Cách
Mạng Văn Hóa thời xưa Miền Bắc như vụ việc“ Nhân Văn Giai Phẩm”, kiểu rập khuôn
Hồng Vệ Binh của “Mao sếnh sáng”. Chính vì thế anh đã thoát nạn, không bị đi học
tập cải tạo vài năm như anh Trịnh Công Sơn và các văn nghệ sĩ Huế khác, cải tạo
lao động ở Quảng Trị, phải đi cày cuốc trên những mảnh đất đầy bom mìn mà dân ở
những vùng đó không dám đặt chân đến. Các anh ấy sống sót nhờ theo dấu chân
trâu, những con vật này đi trước thay mạng, theo lời kể lại của anh Trịnh Công
Sơn mà tôi được nghe tại nhà anh, vào thời chưa dám mở cửa. Thời văn nghệ sĩ miền
Nam cùng tan tác như nhau nhưng mỗi người mỗi “nỗi ”…
Tôi không hề tìm đến các văn nghệ sĩ tên
tuổi để “dựa hơi” khi họ đươc thăng hoa, nhưng thời họ khổ sở lao đao tôi may mắn
cùng đau khổ với họ trong đó có những tên tuổi lớn, vì tôi làm việc trong ngành
Văn Hóa, công việc buộc phải tiếp xúc hay ngẫu nhiên gặp g… Với anh Hoàng Ngọc
Tuấn, không vì công việc mà hoàn toàn ngẫu nhiên từ mối quan hệ bạn bè cũ đưa đẩy
tôi gặp anh. Lúc tôi đã trả hết mọi thứ lại cho “quan trường” trở về cuộc sống
dân dã. May mắn đó, đã cho tôi một tâm thế khác, đứng vào hàng ngũ của người
"cùng khổ", khi tôi đã nếm trãi, chạm vào đáy cuộc đời để bươn chải
kiếm sống. Tôi viết được những điều mình nghĩ, không hề bị vo tròn bóp méo bởi
xu hướng chính trị nào và tôi hoàn toàn là tôi thật sự. Không dối cấp trên, lừa
cấp dưới, sống muôn mặt, chạy trốn sự thật vì những bỗng lộc hư danh. Vì thế
tôi tự tại được ngồi chung với những người có nhân cách, có tấm lòng mà không
chút hổ thẹn. Một trong vài người trong đó có anh Hoàng Ngọc Tuấn, một người
khá nhiều kỷ niệm gắn bó với tôi trước khi anh mất...
Chúng tôi phát hiện vẻ tiều tụy mệt mỏi
của anh trong bửa tiệc tân gia tại nhà anh T.Q.Đinh, các bạn bè quý mến yêu cầu
anh phải khám bịnh ngay, rồi bàn với nhau mỗi người mua một món quà tặng anh,
theo dị đoan sẽ mang lại sức khỏe để anh vượt qua bệnh hoạn nếu có. Riêng tôi
không mua gì tặng anh vì tôi không tin mấy chuyện nhảm nhí đó, điều quan trọng
làm sao thuyết phục được anh đi khám bệnh, vì mấy mươi năm anh đến tá túc tại
nhà anh T.Q.Định chưa bao giờ anh đi khám sức khỏe, dù anh Định và các bạn bè
thân tình khuyên nhiều và có người hứa đưa anh đi bác sĩ, anh đều cự tuyệt. Sau
đó tôi thu xếp đi Pháp hai tháng, ngày tôi về lại Sài Gòn hay tin anh ngả bệnh
nặng đã chữa trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy và chuyển tiếp về nằm tại bệnh viện Vạn Hạnh.
Nhiều thông tin trên báo chí kêu gọi rất thống thiết. Bạn bè và các nhà hảo tâm
giúp đỡ anh rất tận tình. Lúc này đây tôi mới thấy được tận cùng sự nghèo khó của
anh mà trước đây anh đã bảo vệ mình bằng lòng tự trọng của một kẻ “sĩ “.Sáng sớm tôi tức tốc vào bệnh viện Vạn Hạnh thăm anh, đã thấy nhiều bạn bè ở đó, phía ngoài phòng anh nằm rất nhiều người quen tôi đã từng gặp, bạn bè nhiều thời của anh, có cả các bạn nữ. Tôi đi thẳng vào phòng anh nằm, theo chỉ dẫn của nhân viên bệnh viện, nhưng anh T.Q.Định chạy lại ngăn bảo tôi không nên vào, vì bất cứ bạn nữ nào bước vào thăm là anh phản ứng, cự tuyệt , giẫy nẫy ngay, bởi lúc ấy lưỡi anh đã đơ không còn nói chuyện được. Bất chấp tôi bước thẳng tới, đứng cạnh giường anh nằm, chạm ngay ánh mắt anh nhìn tôi thật hiền từ và mệt mỏi, tôi giằng lòng không khóc khi thấy người anh gầy rạc, cơ thể như dán sát vào chiếc giường bệnh viện. Yên lặng thật lâu tôi mới thốt nên lời giữa cơn xúc động :” Anh Tuấn ráng điều trị bệnh nghen!”. Lúc ấy em trai anh bên cạnh thấy tay anh ra dấu gì đó liền bảo tôi: “ Ảnh không nói được nhưng vẫn nghe và hiểu, chị ngồi xuống ghế đi! cứ nói chuyện ! Tôi sẽ dịch lại theo dấu hiệu của ảnh”. Thì ra dấu hiệu ngúc ngoắc tay là những lời nói cuối cùng của anh dành cho tôi trước khi ra đi vĩnh viễn… Đúng 3 giờ chiều hôm đó anh tạ thế, khi đám bạn bè cùng vào thăm anh kéo về bù khú tại nhà hàng Đất Phương Nam, nơi chúng tôi thường ngồi cùng anh mỗi tuần. Anh Võ Chân Cửu là người ở lại tới phút anh lâm chung, là người bạn cho anh tá túc qua đêm nhiều ngày, tháng, năm… nhưng không ngồi chung bàn nhậu với nhau bao giờ. Thật khó hiểu , khi cả hai không ai là người phản trắc, đối xử với nhau luôn tốt.
Ngày tang lễ anh, các bạn bè thật vất vả việc tổ chức, chỉ vì anh không có chứng minh nhân dân, không hộ khẩu. Thật khó khăn dưới chế độ luôn đòi hỏi giấy tờ, thủ tục một cách quá mức. Muốn là người tuân thủ luật pháp phải có một đống giấy tờ kè kè bên mình, nếu có vài thứ tài sản đáng giá lại càng nhiều giấy tờ hơn. Phải mang theo đầy đủ khi cần hay bị xét hỏi, mọi thứ quản lý trên ký hiệu, máy móc đều vô giá trị. Chết cũng phải có giấy tờ chứng minh đầy đủ mới có chỗ để chết, chỗ để hỏa táng, chỗ để chôn. Quản lý cái kiểu gì không biết! Nhưng vẫn còn có thứ “đầu tiên” bôi trơn được tất cả, đó là “tiền” sẽ lướt qua êm ái mọi điều khó khăn, lắc léo, trắc trở bậc nhất nhì. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của bạn bè và những nhà hảo tâm đã làm mọi việc cho đám tang nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn được tổ chức trang trọng tại ngôi chùa ở quận 10, cuối cùng mọi người đã tiễn đưa anh hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, được suông sẽ là nhờ đã xử dụng triệt để chất bôi trơn như tôi đã đề cập, để anh được về nơi vĩnh hằng một cách êm thắm như bao nhiêu công dân Việt Nam khác. Cái xã hội gì sống đã khó mà chết lại càng trắc trở hơn đối với những người như anh, nhưng may mắn hay khốn nạn thay còn nhiều kẻ hở để lách…
Bao nhiêu năm rồi vắng anh nhưng tôi cùng bạn bè khác vẫn luôn nhớ về anh một nhà văn tài hoa sống bên lề pháp luật, nhưng luôn hiện hữu trong lòng mọi người. Anh Hoàng Ngọc Tuấn không tự viết về cuộc đời anh một dòng nào nhưng anh để lại những điều mà bạn bè phải viết về anh không những sự nghiệp văn học, mà còn cuộc đời ngụp lặn trong đau khổ, tại thời điểm xã hôi gọi là xã hôi chủ nghĩa, độc lập, tự do và hạnh phúc, nhưng đẩy đưa nhiều người tài năng như anh vào chốn long đong, cùng cực và bi thảm. Riêng tôi được đi vào góc khuất của nhiều tài năng và cuộc đời những tên tuổi lớn, thấy xốn xang cho từng nhân vật, những nhân tài muốn cống hiến thực tài cho xã hội, cho công chúng, nhưng chỉ vì những “nghịch lý “ đã làm thui chột đi lòng đam mê của họ trong đó có nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, khiến xã hội mai một, mất đi nhiều nhân tài một cách oan uổng. Tôi luôn nhớ về anh không chỉ riêng ngày giỗ, mà hàng ngày từ bài học cuộc đời anh cho tôi thêm nghị lực bền bỉ, để sống và làm công việc mình yêu thích, dù tôi không được tài hoa và trí tuệ như anh. Hy vọng ngày nào đó đất nước và xã hội này sẽ thay da đổi thịt để người nghệ sĩ chân chính luôn có chỗ đứng, cuộc đời, sự nghiệp của họ được trân trọng tôn vinh xứng đáng không bị ghẻ lạnh, phân biệt đối xử như nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn của chúng ta và nhiều nghệ sĩ tài năng khác.
Sài Gòn tháng 7/2014, mùa mưa bắt đầu, kỷ niệm ngày giỗ thứ chín của Nhà Văn Hoàng Ngọc Tuấn.
No comments:
Post a Comment