pham ngũ yên
1.
Dưới
những trụ đèn đêm khi qua cầu xa lộ, những ngọn điện cháy từ buổi chiều hôm
trước, như những niềm vui và nỗi nhớ cột chặt với tôi và nàng, cùng lúc mùa thu
trở về.
Ðàng
sau những bước chân mưa là một tình yêu cuồng nhiệt. Mưa mờ mịt một góc trời.
Lá chưa rụng xuống sân nhà của tôi, vì lá rơi nhầm địa chĩ. Lá đang bay về một
hướng đời mênh mông. Người đàn bà cũng vậy.
Trời
đã chớm thu rồi, nên buổi sáng nàng phải choàng thêm một chiếc áo len đi làm.
Tôi cũng vậy. Làm sao để nhắc cho nàng biết rằng năm tháng cũng biết yêu khi
mùa thu trở mình trên lá. Và năm tháng cũng son trẻ như tình đầu.
Có
một màu hoa nhuộm trong lòng và cháy mãi sau lưng. Nhưng đừng hỏi vì sao tôi
lại yêu nàng say đắm?
2.
Tháng
giêng này tôi muốn ghi xuống kỷ niệm một vì sao đã tắt. Trên bầu trời văn học
lưu vong vì sao có tên là Mai Thảo đã không còn và mùa xuân này đánh dấu mười
tám năm ngày ông mất.
Mai
Thảo tên thật là Nguyễn Ðăng Quý. Ông là cháu gọi giáo sư Nguyễn Ðăng Thục là
cậu.
Tác
giả “Tháng Giêng Cỏ Non” đã coi việc viết văn là một nhu cầu cần thiết không
thể tách rời trong cuộc sống. Như ánh sáng và khí trời cho buồng phổi. Như bông
hoa ngoài đồng cần thiết cho trái tim. Mãi đến khi nằm xuống, ông vẫn luôn quan
niệm dùng văn chương để làm đẹp cho đời.
Cái
nét chính trong ngòi viết của ông là sự tài hoa. Và sự cô đơn cũng là nét chính
trong đời sống của ông. Ông khao khát rất nhiều, nhưng hình như vẫn không có gì
nhiều trong tầm tay, ngoài muôn vàn kính trọng mà độc giả dành cho ông. Người
ta sẽ không tìm thấy một tình yêu hay một nhan sắc cuối đời, nơi căn phòng
đường Westminster. Khu vườn cũ vừa mọc thêm những bông hồng rạng sáng, trong
khi cơn mưa làm khát mòn trong ông.
Năm
1993 tôi về California, gặp lại Mai Thảo để nhờ ông đề giúp lời tựa cho tác
phẩm “Hoa Bluebonnets Cho Hai Người”. Ông già nua. Thoạt nhìn qua, tôi thấy phong
thái của ông bớt đường bệ như ngày nào ông ngồi làm việc trên lầu tòa soạn báo
Văn đường Phạm Ngũ Lão. Sau khi vượt biên bằng đường biển và định cư tại Hoa
Kỳ, Mai Thảo về Washington State (Seatle) sống với vợ chồng nhà văn Thanh Nam-
Túy Hồng và cùng làm tờ Ðất Mới. Khi Thanh Nam chết, ông về Cali tục bản lại
tạp chí Văn. Mọi thứ ông đều tự lo liệu một mình như ngày xưa. Những việc làm
hào hoa mang tính chất Mai Thảo. Từ chuyện chọn bài vở, viết mục Sổ Tay mỗi kỳ,
đến chuyện gởi báo đi in, chuyện viết thư trả lời, gởi báo biếu dài hạn cho
thân hữu cộng tác. Căn phòng nhỏ vừa dùng làm chỗ ở, vừa làm báo quán nằm trong
chung cư phía sau lưng tiệm ăn Song Long, mỗi ngày ông đi về nghe những màu đời
rụng xuống. Một chiếc ghế và chiếc bàn viết nhỏ gần như khiêm tốn. Trên đó là
bức ảnh của Kiều Chinh đang cười. Khi có khách, ông mời họ ngồi trên chiếc ghế
duy nhứt, còn ông ngồi trên giường. Một tủ lạnh nhỏ chứa đầy rượu kề cận dãy sách
báo tài liệu văn học và những gì liên quan đến tạp chí Văn. Chúng được xếp ngay
ngắn và cao lên gần đụng trần nhà. Chúng tôi nói chuyện. Vẫn những chuyện mưa
bão, chuyện văn chương trong nước và ngoài nước. Chuyện những người viết văn và
làm thơ đương thời. Ông rót rượu mời tôi, nhưng tôi từ chối. Ông uống một mình.
Khề khà, chậm rãi. Buổi chiều xuống ngoài thềm chung cư. Tiếng những bước chân
khẻ khàng lên xuống cầu thang và tiếng nói chuyện dưới hành lang vọng lên. Mọi
thứ đều mang một vẽ bình thản và mang một màu sắc đơn điệu.
Cây
hồng đào đang vươn cành nhánh lên tận chỗ chúng tôi ngồi. Màu hoa thắm thiết và
thủy chung. Chỉ có con người là tàn phai theo dâu bể. Tôi nhìn gương mặt ông.
Già nua hơn tôi hình dung. Lâu lâu tôi nghe ông văng tục cuộc đời. Ông gọi
phone tìm Du Tử Lê và Khánh Trường, kêu họ đi uống rượu với ông và tôi. Cả Du
Tử Lê cùng Khánh Trường không đến được. Chỉ có Phan Tấn Hải đến. Và chúng tôi
ra đường đi uống rượu lúc đêm tối. Giống như đêm của Sài Gòn xuống đường không
sợ giờ giới nghiêm. Dọc đường, Mai Thảo kêu Phan Tấn Hải dừng lại trước một
tiệm rượu do người Việt Nam làm chủ, bảo chúng tôi ngồi trong xe chờ. Ông bước vào
và trở ra với chai rượu cầm tay. Tôi không nhớ tên quán chúng tôi ghé vào vì
Phan Tấn Hải lái vòng vo, trong khi tôi mới về thăm California lần đầu. Chỉ
biết quán có treo mấy bức tranh của Khánh Trường trên tường. Mai Thảo nói đó là
tranh do Khánh Trường vẽ để trừ nợ cho chủ quán. Màu sắc nóng hổi, dữ dội,
không thích hợp với không khí của một tiệm ăn. Mai Thảo nói: “Tôi muốn giới
thiệu cậu với Khánh Trường, để mai này hắn vẻ cho cậu cái bìa”.
Mai
Thảo không ăn nhiều. Hình như ông chỉ gắp một lần lúc đầu bửa ăn. Thời gian còn
lại chỉ uống. Phan Tấn Hải và tôi chịu thua, vừa ăn vừa nhìn ông rót ly nầy đến
ly khác.
Khi
đêm đã khuya chúng tôi rời quán. Tôi định trả tiền nhưng ông không cho. Ông nói
với Phan Tấn Hải: “Cái thằng này nhà quê quá. Sao nó lại dành trả tiền?” Ngoài
sân tiệm ăn, tôi thấy ông đứng yên chưa chịu lên xe. Dáng đứng chênh vênh và
thân hình gầy gò. Chiếc áo len màu xanh dương đậm sát nách có hai túi. Ông thọc
hai tay vào đó và trầm ngâm. Chiếc bóng ngã sóng sượt trên bờ thềm nhể nhại
những vũng tối, như vũng lầy của cuộc đời. Người đàn ông đã từng thao túng chữ
nghĩa một thời đang thấm mệt rồi sao? Người đàn ông đã gầy dựng tiếng tăm từ
sau một Ðêm Giả Từ Hà Nội, từ một Tháng Giêng Cỏ Non đang đi qua những bóng xế,
chân mõi mòn dẫm lên những nhọn hoắc chông đời?
Dù
sao, tôi không nghĩ đó là lần gặp ông sau cùng.
Khi
Mai Thảo chết tôi hay tin. Một hai lần xe cứu thương đưa ông vào bệnh viện rồi
đưa về. Những trang Sổ Tay cuối cùng chập chờn những chuyện tử sinh, đi ở. Tôi
đọc từ đó, không thấy sự sợ hải và bất an. Mà thấy ông vẫn bình thản coi sự
sống chết như một chuyện đùa. Những trang văn lai láng những giọt rượu từ một
bàn viết cô độc, nhìn xuống khu Bolsa. Gió theo đêm về gõ cửa căn phòng bộn bề
sách vở và người đàn ông sống trọn đời cho văn học đã thao thức, nhỏ máu từ
trái tim mình đậu xuống chữ nghĩa. Tâm hồn ông luôn trang trọng với những điều
cho đi không màng lấy lại giữa cuộc đời, giống như những nét chữ trang trọng
ghi xuống ngoài phong bì cho những bạn văn. Không dời đổi. Những người đàn bà
đẹp đi qua đời ông, sừng sững có mặt trong suốt mấy mươi tác phẩm để lại. Những
người đàn bà đẹp và từng nổi tiếng một thời, trong đó hình như có Vũ Nữ Cẩm
Nhung (?) Trong đó có những người đàn bà đang lẫy lừng những vinh quang. Những
số báo Văn cuối thất thường và rời rạc. Ông sống một mình nhưng lúc chết có
nhiều người tiễn đưa. Ðám tang của ông rất đông người từ phương xa về tham dự.
Ông được chôn ở nghĩa trang quen thuộc mà dân chúng Bolsa thường gọi tên là
Peek Family Funeral Home, tọa lạc tại số 7801 đường Bolsa Ave, Westminste. Có
hoa tươi đặt trên mộ bia mỗi tuần. Những đóa hoa thân tình của gia đình và luôn
cả những đóa hoa trang trọng của người không quen biết. Người ta đọc thấy trên
mộ bia của ông, hướng lên trời, có khắc 4 câu thơ trích từ tập thơ do chính ông
làm khi còn sống:
“Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.”
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.”
3.
Mai Thảo sinh ngày 6 tháng 8 năm
1927, tại Nam Ðịnh, Việt Nam. Mất ngày 10 tháng 1 năm 1998, tại Orange County,
Hoa Kỳ. Cả hai lần di cư quan trọng xãy ra trong một cuộc đời. Một lần năm
1954, từ Hà Nội vào Sàigon. Và lần thứ hai từ Sàigòn đến Mỹ. Ông đặt chân đến
California năm 1978, và sống ung dung một đời nghệ sĩ- 10 năm- cho đến khi nằm
xuống.
Từ
năm 1956 đến 1975 ông chủ trương tờ Sáng Tạo, một trong những tờ báo văn học
giá trị của Việt Nam Cộng Hòa, mở đầu cho phong cách sáng tác mới. Những người
viết chung với ông trong Sáng Tạo gồm có: Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc
Khoan, Sao Trên Rừng, Viên Linh, Tô Thùy Yên, Trần Lê Nguyễn, Nguyễn Huy Oanh,
Nguyễn Văn Trung, Thạch Chương...
Sau
khi Sáng Tạo bị hết vốn và tự đình bản, năm 1973 ông trông coi tờ Văn, trước đó
do Trần Phong Giao điều hành. Sang Mỹ, ông tiếp tục tái bản tờ Văn ngay khi vừa
chân ướt chân ráo đặt chân đến thành phố tị nạn của người Việt.
Mai
Thảo có trên 30 tác phẫm, vừa tùy bút, truyện ngắn, truyện dài. Tác phẫm đầu
tiên là một tùy bút- “Ðêm Giã Từ Hà Nội”- và tác phẫm cuối cùng là một tập thơ-
“Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Ðền”. Những tác phẩm khác, phải kể đến, là: Tháng
Giêng Cỏ Non, Bản Chúc Thư Trên Ngọn Ðỉnh Trời, Mái Tóc Dĩ Vảng, Khi Mùa Mưa
Tới, Bầy Thỏ Ngày Sinh Nhật, Viên Ðạn Ðồng Chữ Nổi, Ðêm Lạc Ðường, Cùng Ði Một
Ðường, Lối Ði Dưới Lá, Tới Một Tuổi Nào, Sống Chỉ Một Lần, Ðể Tưởng Nhớ Một Mùi
Hương, Những Người Tình Tuổi Song Ngư, Ði Giữa Giờ Giới Nghiêm...
Trong
một lần được phỏng vấn bởi một tạp chí ngoại quốc (tôi không nhớ tên tạp chí)
tôi đọc thấy ông muốn trở thành một tiểu thuyết gia- muốn độc giả gọi ông là
Tiễu thuyết gia- thay vì là một nhà văn.
Những
năm cuối đời, tác phẫm cuối cùng (Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Ðền) gây cho người
đọc những tranh cải cùng những ngộ nhận. Một số người nói ông cuồng ngạo. Nhưng
trên hết, Ông vẫn là Ông và những dòng văn trên từng trang giấy được nắn nót
viết tay vẫn lóng lánh vàng ròng. Ông trang trọng và nâng niu chữ nghĩa như
nâng niu một người tình. Suốt đời ông vẫn là một người cô đơn, độc hành đi qua
những tinh cầu để tìm một mảnh đất tình yêu cũng cô đơn không kém...
“Ta thấy hình ta những miếu đền
Tượng thờ nghìn bệ những công viên
Sao không, khói với hương sùng kính
Ðều ngát thơm từ huyệt lãng quên
Ta thấy muôn sao đứng kín trời
Chờ ta Bắc đẩu trở về ngôi
Sao không, một điễm lân tinh vẫn
Cháy được lên từ đáy thẵm khơi
Ta thấy đường ta Chúa hiện hình
Vườn ta Phật ngủ, ngõ Thần linh
Sao không, tâm thức riêng bờ cõi
Ðịa ngục, ngươi là, kẻ khác ơi! ...”
Và:
“Ta thấy rèm nhung khép lại rồi
Hạ màn, Thế kỷ hết trò chơi
Sao không, quay gót tên hề đã
Chán một trò điên diễn với người
Ta thấy ta treo cổ dưới cành
Rất hiền giấc ngủ giữa rừng xanh
Sao không, sao chẳng không là vậy
Khi chẳng còn chi ở khúc quanh...”
4.
Nhưng
tháng này sẽ không nằm yên và tương đối bị khuấy động bởi sự nằm xuống của một
nhà văn khác. Đó là nhà văn nữ Ái Khanh.
Cơn bão IKE đã thôi không còn quấy nhiểu
vùng Texas của chúng tôi. Nhưng hệ lụy của nó còn lâu lắm mới dừng lại. Tôi đi
qua những con đường chớm thu vùng South West để về Austin. Dưới chân cầu bắt
ngang dòng sông Colorado đã có thời những cụm hoa vàng nở rực làm say đắm khách
đường dài. Những đời xe đi qua còn để lại dấu vết như tình yêu để lại trên quá
khứ nhiệm mầu. Khi bạn tôi là Võ Như Lăng, từ Florida về Dallas thăm chúng tôi,
trong một lần gặp riêng anh nói với tôi về căn bệnh của Ái Khanh. Và khuyên tôi
nên e mail để thăm hỏi sức khỏe chị. Tôi hứa sẽ tìm cho được e mail để viết
thư, nhưng chưa kịp viết thì chị đã buông chữ nghĩa để ra đi (nói theo cách nói
của nhà văn Vũ Châu Sa).
Người
phụ nữ tác giả của Hình Như Là Tình Yêu đã nằm xuống theo lời kêu gọi của Thần
Chết. Tôi viết về chị, trên chiếc bàn quen thuộc nơi quán cà phê quen thuộc có
tên Starbuck’s, thay cho lời cáo lỗi muộn màng. Buổi sáng mùa đông no đầy những
cơn gió làm lạnh chỗ ai ngồi. Những phấn hoa ngoài kia bay mênh mang trên bờ cỏ
mộng mị. Và vạt áo không đủ ấm trên vai người đàn bà đối diện. Mọi điều, có vẽ
như không muốn bận lòng đến sự tan tác chia phôi. Mọi điều có vẽ như không cần
thiết cho cuộc tử sinh, còn mất. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta không cần
nói thêm về một chiếc lá vàng vừa rười rượi một vầng trăng?
Những
rừng xưa phong kín khi sự im lặng đáng sợ mỗi ngày hiện ra. Có cơn bão nào vừa
đi qua vùng Lake Ivanhoe, Florida. Có một nhà văn tuyệt vọng vì chữ nghĩa giờ
chót không nói lên thành lời- vì những trang bản thảo mượt mà đang bị vết dao
đời cứa nát. Có một người đàn bà úp mặt vào tay giấu nỗi đau khi những vệt son
đã không còn gắn bó trên môi và màu phấn cũng thôi hồng hào trên má. Người đàn
bà mang một bút danh nũng nịu, nghe giống như lời kêu gọi của một đấng quân
vương gọi cho người sũng ái.
Suốt
đời Ái Khanh viết về những chuyện tình yêu. Vậy còn những tình yêu đã từng rung
qua tuổi thơ của chị thì sao? Những tiếng chim hót rụng vào tim và những bình
minh chưa kịp tới ngoài kia? Hình như đó mới giống như Tình Yêu chứ chưa phải
là Tình Yêu?
Những
trang văn chị viết ngày viết đêm còn nguyên vẹn nỗi khao khát. Đời sống chưa
kịp rót hết mật ngọt vào tim đã bị vết nứt làm khô nhựa. Năm tháng dù dài và dù
khó hiểu, nhưng cuối cùng thì chị cũng đã đi đến đích. Chị vượt lên trước chúng
tôi, với nụ cười bao dung. Như một khách nhàn du tìm thấy một khung cửa nhìn ra
hoa cỏ mênh mông bên ngoài...
Những
tín hiệu của một mùa đông trên các đài dự báo thời tiết cho biết mùa đông năm
nay sẽ lạnh hơn mọi năm. Nghe nói có vài tảng băng có chu vi rộng bằng thành
phố Manhattan, Nữu Ước, đang tách rời vùng cực bắc của địa cầu, để trôi về đâu
không biết. Những thời tiết mưa nắng thất thường giống như tính tình thất
thường của những người đàn bà đẹp. Không ai biết để đối phó cũng như không thể
hóa giải. Đối với những điều đó, con người chỉ có thể chờ đợi và chịu đựng. Mùa
đông này, tại Florida, sẽ có một căn phòng quạnh hiu tiếng cười. Một người đàn
ông đi ra đi vào một mình, cùng những đứa con nhẹ nhàng đi ngang qua di ảnh của
mẹ chúng. Chúng soi bóng mình trong gương vào mỗi buổi sáng và cảm thấy thiếu
một hình bóng. Và cảm thấy hụt hẫng. Nghe vô cùng mênh mông...
Khi
trận gió đêm thổi qua tiền phòng của một nhà hàng sang trọng tại Orlando,
Florida- mà lâu quá tôi không nhớ tên- cách đây nhiều năm- tôi đã hơi la đà
chút đỉnh. Ngày đó tôi về tham dự buổi Ra mắt tập thơ của Yên Sơn. Những khách
phương xa có vợ chồng nhà văn Thu Nga từ Dallas. Có tôi và Yên Sơn. Về phía chủ
nhà có vợ chồng nhà thơ Bùi Trần Tuấn. Có Nhà văn Đào Quang Vinh. Có Võ Như
Lăng, dân Huế chính cống và cựu học sinh Trung Học Vũng Tàu. Có vợ chồng Châu
Đình An của “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển”.
Anh
chị Đỗ Xuân Hùng- Ái Khanh ngồi tận phía trong. Tôi vẫn nhận ra vẽ mừng rỡ
trong mắt chị khi tôi đến bắt tay. Chị khiêm tốn nhưng duyên dáng bên đấng phu
quân hiền lành...
Bây
giờ viết lại điều này, tôi muốn gõ cửa ngày xưa. Thời mà những đóa hoa rụng
trắng già nua trên sân thềm làm đêm trở mình thức giấc. Những cuộc gặp gỡ tình
cờ nhưng hối hả niềm vui. Có những nụ cười ngắn ngủi trong một giây phút nào
đó, trong một không gian nào đó, nhưng sẽ cháy mãi sau lưng. Như một màu hoa
thủy chung cháy mãi trên đường chiều mịt mùng.
5.
Những nắm đất sẽ được ném xuống
cùng với những đóa hoa, Chủ Nhật ngày 19 tháng 10 năm 2008. Nơi nghĩa trang Baldwin Fairchild vùng Lake Ivanhoe. Nếu chết, có nghĩa
là chuyển đổi từ một sân ga này sang một sân ga khác, thì nhà văn Ái Khanh đang
vừa bước xuống khung tàu này để chuẩn bị trèo lên một khung tàu mới. Mỗi sáng
sớm chị vẫn nghe lại tiếng cười quen thuộc và những thân thiết bốn bề. Nếu nơi
chốn của chị đang trẻ trung và đang ràn rụa hạnh phúc- nên nơi chốn đó sẽ không
phải là chấm dứt mà chỉ là mới bắt đầu.
Và dù năm tháng có vần xoay và dù cuộc
đời luôn là những cơn giông chưa hề đứng lại, thì dưới lòng đất khô kia vẫn
nóng hổi trái tim. Vài chiếc lá vàng chợt run rẩy trên mui xe của ai đang chờ
lăn bánh. Tiếng máy nổ thầm thì như một lời cầu xin gởi vào Thượng Đế...
PNY
No comments:
Post a Comment