Sài Gòn, nhắm mắt,
níu lại
Tuấn Khanh(từ Tuấn Khanh’ Blog)
30 tháng 4, 1975, đánh dấu một Sài Gòn đã rất khác. Như một cô gái đẹp buộc phải thay đổi mọi thứ quen thuộc của mình, ly thân với quá khứ vì thời thế.
30 tháng 4, 2015, giờ có đứng giữa Sài Gòn, hãy nhắm mắt lại, im lặng lắng nghe. Có thể ký ức sẽ đưa lối bạn về những điều đã mất, nhưng sống động khôn cùng, đặc biệt nếu bạn đã đã từng đến nơi này, trước khi có những đổi thay, những đổi thay mà không phải ai cũng mong muốn.
Người Sài Gòn gần đây hay tự giới thiệu mình với địa danh của thành phố. Danh từ “Người Sài Gòn” giờ đây được thốt ra như một kiểu “đặc sản” hiếm hoi. Nhưng đôi khi, không phải là do sinh trưởng ở nơi đây, mà do họ đã sống qua, đã thương nhớ. Những đổi thay của Sài Gòn bây giờ đã tạo nên một lớp người Sài Gòn kiêu hãnh và buồn bã khi độc quyền trong trí nhớ về những con đường, hàng cây, về phố nhỏ, cà phê, vỉa hè và bánh, về rạp hát, thương xá… Trong ngày đường Lê Lợi hạ gục những hàng cây, tôi nhìn thấy một cụ già ngồi yên lặng nhìn, lấy máy chụp hình ra ghi lại những hính ảnh cuối cùng quen thuộc ra đi. Ai biết trong trái tim của người già đó nghĩ gì? Ký ức bị ép uổng xoá đi, có thể là một nỗi buồn không bút mực nào tả xiết.
Khi tôi còn bé, cha tôi đưa đi chơi ở Sài Gòn. Đứng trước Toà Đô Chính (nay gọi là Uỷ ban Nhân dân TP). Ông nhờ một người thợ chụp hình dạo lấy cảnh 2 cha con đứng ở đó. Sau lưng tấm ảnh polaroid, ông ghi “Nhiều năm nữa, khi lớn lên, quay lại nơi này, con sẽ nhớ hôm nay”. Nhưng giờ thì tôi quay lại cũng sẽ không còn nhận ra nơi chốn cũ, với quá nhiều điều lạ lẫm. Cũng như cụ già chụp ảnh tiếc nuối hàng cây, trong trí nhớ tôi chỉ hiện lại tất cả khi đứng im, nhắm mắt và nhớ về một Sài Gòn thanh cảnh không ồn ào xe máy, những hàng kiosk bán đủ loại hàng trên đường Nguyễn Huệ, những gánh hàng rong dẫn đường về bến Bạch Đằng, những tiếng nói miền Nam chân chất… như một nơi tụ hội quen thuộc của những ai là “dân Sài Gòn”.
Không hiểu sao, những ngày đi xa, nhìn những kiosk ở downtown hay trong các thương xá lớn, tôi hay nhớ về những hàng kiosk ở Sài gòn. Có những con phố cổ chỉ hơn nửa thế kỷ nhưng con đường và các kiosk của người nước ngoài ở đây được bảo tồn một các thận trọng. Ký ức được thế giới văn minh mọi nơi giữ gìn như một niềm thương nhớ và tự hào chứ không là một gánh nặng tinh thần, vì lý do nào đó, của người cầm quyền.
Tuổi trẻ của tôi, hay cũng rất nhiều người Sài Gòn đã từng đi qua những con đường cũ, ngồi chờ lấy một tấm ảnh vừa phóng xong, hoặc dò tìm những bài hát hay, thuê sang ra băng cassette. nhà báo Mạnh Kim, Nguyễn Dũng kể rằng họ cũng một thời lê la nơi đó, chờ mướn những cuốn băng video phim mới nhất để viết bài cho báo. Chắc họ cũng kiêu hãnh khi nhớ Sài Gòn như tôi. Một quảng trường mới đập phá thênh thang đủ làm người ta lạc lối và quên lãng, nhưng một khung trời cũ dù nhỏ nhoi thì đủ để giam nhốt sự thương yêu đến hơi thở cuối.
Những ngày học trung học, mỗi khi góp được ít tiền, lũ bạn thường hay rủ nhau đạp xe ra đó, thèm muốn những băng cassette nhạc nước ngoài, nhập từ Thái Lan vào. Những ngày nghe Beatles, Smokie bị coi là bất hợp pháp với kiểm duyệt văn hóa hát vang con đường Huỳnh Thúc Kháng. Những ngày nghe Abba và Boney M rộn rã suốt cả một con đường dài, mua một cây kem mát lạnh ở Brodard vừa đi vừa ăn. Để nắng hực trên đầu rồi ra Hồ con rùa thả chân xuống nước cho mát hết một buổi chiều. Ngày ấy đạp xe ra Sài Gòn, đường thật lớn và những hàng cây thật cao, đời dẫu sao cũng thật đẹp và người Sài Gòn cũng còn lại một niềm an ủi.
Ngày trước, tôi vẫn nghe người lớn dỗ dành trẻ phải ngoan thì mới chở đi đi Sài Gòn. Chơi, là một vòng chạy qua các kiosk, ngó nhìn người ta mua bán, ăn một cái gì đó, chạy ra bến Bạch Đằng nghe tàu chạy tu tu. Rồi thì đợi đến chiều để xem xịt nước ở vòng xoay trước khi về. Hôm nay, Sài gòn rực sáng hơn xưa rất nhiều, nhiều nơi vui chơi hơn, nhưng dường đi khái niệm “đi Sài Gòn chơi” đã biến mất. Người ta chỉ kéo về trong những dịp như Giáng Sinh hay năm mới, đi loanh quanh – không có gì để níu lại. “Phố đi bộ Hồ Chủ Tịch”, như trong công văn của thành ủy căn dặn báo chí phải học thuộc để mô tả lễ khánh thành, chắc sẽ loanh quanh hơn và ít điều níu lại hơn nữa.
Đi qua nhiều thành phố, tôi thấy mình trôi tuột qua những đô thị mới mẻ, không có điểm bám. Phải sống rất lâu, người ta mới nhận ra những điều rất cũ lại vô cùng quyến rũ. Phố cũ Hà Nội, Hội An, Sa Đéc… luôn được nhắc đến là vậy. Nhắm mắt lại giữa Sài Gòn, tôi luôn thấy mình bị níu lại ở những hình ảnh rất cũ. Những điều mới mẻ có thể lộng lẫy nhưng biến Sài Gòn thành nơi để đi qua, chứ không phải để đến, để dừng chân. Sài Gòn hôm nay như Cần Thơ, Cà Mau, Long Xuyên… đô thị vùn vụt đi qua, bê tông hiện đại, như thiếu một hơi thở của đời sống nhân hậu của người xưa.
Sài Gòn càng thay đổi, lại càng nghe nhiều câu chuyện vãn, kể về Sài Gòn hôm qua. Cuốn phim hồi ức cũ hơn, càng kiêu hãnh hơn, càng quý giá hơn. Mọi thứ đã đi qua nhưng như không đành lòng rời bỏ thế giới này, cũng như lòng người miền Nam vẫn cứ muốn níu lại. Hôm qua, tuổi trẻ, tình yêu, tự do… được níu lại cùng một hình ảnh thành phố ngọc ngà quá khứ. Và những điều vô giá đó, chỉ khi là một con người, khi nhắm mắt, im lặng, mới có thể cảm nhận được.
Chào 30 tháng 4, 2015, chào một chương ký ức kiêu hãnh nữa lại ra đời.
T.K
No comments:
Post a Comment