Monday, April 30, 2012

bay đi những cánh diều

phạm ngũ yên


 


Ngày tôi rời Việt Nam, tôi gởi quá khứ tôi cho nàng giữ dùm. Quá khứ là những mảnh vụn của đời sống không có nhiều góc cạnh nhưng có khả năng làm rách nát một thanh xuân. Nhiều khi chúng ta cất nó trong một ngăn đời chật chội để yên tâm chạy về phía trước, nhiều khi không đúng như vậy. Như buổi chiều hôm nay lúc tôi nhìn xuống đôi mắt nhắm nghiền của Ngọc, tôi biết quá khứ đang trở về. Mưa đang rơi trên khung kính phi trường và mưa chia đều trên vai của hai chúng tôi. Nhiều năm rồi, tôi vẫn thấy sự rung động mới mẻ trong lòng mỗi khi nhìn vào đôi mắt đó.

Tiếng nàng thầm thì nghe như tiếng mưa: “Ðừng viết thư về cho em. Không tiện.” Tôi chưa hết ngạc nhiên thì nàng tiếp: “Hãy để cho nỗi buồn tự nó mọc tay chân và theo biển lội ngược về với em”… Tôi cười trong khi nàng vuốt nhanh khóe mắt. Những cây sao già có tuổi đời có thể bằng tuổi hai chúng tôi đang vặn vẹo những cành nhánh trong khi tiếng gầm rú của máy bay ngoài phi đạo báo hiệu giờ chia tay. Ai đã vừa để lại một chút quyến rũ từ những bọt nước ướt đẫm trên đầu lưỡi, như hương vị một liều thuốc kích thích. Trong khi đời sống ngổn ngang những nỗi buồn?



Không ai yêu tôi bằng nàng. Năm mười bảy tuổi nàng run rẩy đón nhận nụ hôn đầu tiên của tôi tại sân trường Bảo Lộc. Lúc đó tôi đang là một người lính Truyền Tin và nàng đang học đệ nhị. Nụ hôn đầy thơ dại nhưng không dài lâu vì cả hai đều thiếu những kinh nghiệm. Tôi với nàng dù sao vẫn là đôi chim non trang bị tấm lòng chưa bị bão giông làm rách nát .

Nhiều buổi chiều tan trường tôi đón Ngọc về. Con đường về nhà nàng đôi khi chìm đắm trong sương mù, qua các khóm cúc dại vàng lạnh giống như màu tranh của Van Goh. Chiếc áo len màu tím than trên thân thể nàng cùng chiếc khăn choàng trôi giạt về một phía như nói lên sự hiện hữu của đời sống. Sự hiện hữu giống như một tình cảm có thực, làm tôi rung động, đến nỗi tôi muốn ôm thân thể của nàng trong vòng tay. “Lính tráng gì mà tham lam quá”. Nàng nói như vậy. Nàng gỡ tay tôi và trước khi tôi có phản ứng nàng đãờ biến mất giữa lối đi dẫn đến khu Chợ Mới. Nơi có tiệm chạp phô của Mẹ nàng mở cửa mỗi ngày. Bức tượng điêu khắc “Kinh Thượng Một Nhà” trước nhà bưu điện tượng trưng cho sự mật thiết của hai sắc dân nhưng chưa chắc đã hòa cùng một hơi thở.

Phải chi tình yêu của tôi và nàng cũng vậy. Bây giờ, tôi có cảm tưởng tôi sắp không còn được hôn nàng một lần nào nửa.

Có phải mọi nụ hôn đều có khả năng xua đi bóng tối và làm lành lặn mọi tấm lòng rách nát? Giữa năm tháng hoang dại, những gì xãy ra đủ để làm phai nhạt một màu son? Nhiều năm trôi đi đủ cho tôi trưởng thành nhưng tôi biết mình vẫn gặp lại những lầm lẫn cũ. Ðâu phải ai cũng đón nhận nụ hôn của nhau với tấm lòng thành khẩn? Không ai tắm hai lần ở một dòng sông- một mối tình tuyệt vời cũng không thể hai lần tìm thấy trong đời. Người ta không thể cùng một lúc ngụp lặn trong vũng lầy hoan lạc và cùng lúc cầm tay đi qua những tan tác, ngậm ngùi...

Hai mươi mấy năm không là gì hết đối với trái đất nhưng đối với những kẻ lạc mất nhau thì quá dài. Tôi quyết định sẽ không bắt đầu lại từ một bài học khác mà trong đó mỗi dòng chữ cộm lên nỗi tức tưởi muộn phiền.

Tình yêu từ lúc nào đó đã khởi đi bằng những giọt nước mắt, cùng những vết chém làm chằng chịt trái tim. Nhưng hôn nhân sẽ hàn gắn mọi tấm lòng rách rưới. Năm 1970 nàng bỏ tôi đi lấy chồng ngay sau khi rời bỏ Vũng Tàu để trở về thành phố núi.

Bên này sông là biển. Bên kia sông là đồi. Nàng sang sông bằng đôi cánh của loài sáo. Tôi tưởng mình có thể chết được và không viết được gì trong nhiều năm. Trên chuyến xe đò rời khỏi Bảo Lộc tôi ngồi thu mình trong băng ghế chật chội trong khi mưa bay bên ngoài. Trong khi những sương mù chập chờn dưới những thung lũng chạy ngược với những vòng quay bánh xe. Ðám cưới đông vui nơi cuối một con phố bên kia quán cà phê Anh Ðào, nơi tôi vẫn ngồi một mình nhìn ra nhịp cầu trơ trọi trên mặt hồ Ðồng Nai Thượng. Tôi không bao giờ là một chú rể may mắn để có mặt kịp bên những cuộc hôn nhân đời. Nên ly cà phê đắng chát hương vị tuyệt vọng ngày nao được làm ra để bổ sung cho một nỗi buồn.

Nhiều tuần sau đó, Ngọc gởi cho tôi một tấm thiệp có đóng dấu bưu diện Ðà Lạt- (một trạm dừng chân của tuần trăng mật?) với hai câu thơ :

“Xin hãy là hoa, xin khoan là trái.

Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua”.

Nàng muốn nhắn nhủ với tôi điều gì giữa những dòng chữ kia?

Buổi chiều hôm đó tôi lang thang qua rất nhiều con đường bằng chiếc xe đạp đòn vông dùng để chạy xe thồ. Qua một con hẻm có vài ba cô gái đứng khép nép dưới những vòm cây. Nhan sắc chập chùng giữa liêu trai và những nữ tặc. “Ghé lại một chút đi anh Hai. Trước mua vui sau làm việc thiện”... Chiếc xe như muốn lồng lên bởi hai bàn chân tôi hốt hoảng đạp lên bàn đạp. Tôi mang mặc cảm bị trấn lột từ một quá khứ lính tráng, sau một lần mua vui ở xóm nhà lá. Ðoạn đường trống trải không có xe cộ là bao nhưng tôi cảm thấy không gian bị nén chặt tứ bề. Sau cùng một khúc quanh dẫn thoát ra một vùng ánh sáng từ một cửa hàng bán sinh tố. Tôi không nhìn lui để yên tâm lắng nghe hơi thở mình hòa hoãn lại. Bên tai còn vẳng theo một lời mắng nhiếc vu vơ: “Chồng con gì mà đoản hậu.”

Tôi không phải là người uống được nhiều rượu để phải dùng nó giải cơn sầu chất ngất. Nhưng tối hôm đó tôi cũng bày đặt đem về một chai “ông già đi bộ”. Chất đắng luôn luôn là những thần dược cứu rỗi. Nó làm cho con người bớt mặc cảm tự ti hay ít ra nhờ nó mà sự đau khổ bị bốc hơi.



Khi tôi bắt đầu hồi sinh trở lại, Sài Gòn sắp mất vào tay Cộng Sản. Năm một ngàn chín trăm bảy mươi tư là một năm đẹp nhất của mọi người dân miền nam Việt Nam. Có lẽ những gì sắp mất đi đều mang một màu sắc rực rỡ- và sẽ không hề tàn phai trong trí nhớ mọi người. Sài Gòn cũng vậy. Tôi rời quân đội trở về nhưng không có ý định về sống ở Vũng Tàu. Một phần vì tôi không muốn nhìn lại biển và nhìn lại màu xanh nhức nhối của nó. Một phần vì bạn bè không còn ai. Với số tiền một năm lương giải ngũ vì nạn thương không cấp dưỡng tàn phế, tôi nghĩ tôi có đủ phương tiện để rong chơi trước khi làm lại cuộc đời.

Nhưng tôi đã lầm. Nơi các ngã tư đường và dưới những bảng hiệu, hướng đi về những ngày bình yên không còn nữa. Người ta đã treo trên mọi nơi có thể treo được lá cờ màu xanh đỏ. Kèm theo những biểu ngữ báo tin sự hiện hữu của một đời sống ấm no hạnh phúc. Giống như một câu thần chú được vẽ ra để trấn an người bịnh, những gả phù thủy tân thời tin rằng nhờ nó mà đám thị dân đang tất tả xuôi ngược kia sẽ bớt xao động mà ngồi yên một chỗ. Giữa bụi bậm phố phường, người lớn mang cảm giác sợ hãi nhiều hơn là đói nghèo, dù không ai biết rõ ngày mai mình phải sống như thế nào. Con nít cũng vậy. Chúng hình như bớt nghịch ngợm hơn và bớt đòi hỏi hơn những nhu cầu dành cho tuổi thơ của chúng.

Một xã hội tồi tệ, tự nó sẽ bộc lộ trong một thời gian ngắn, dù mỗi ngày người ta luôn ca ngợi và bắt mọi người “hồ hỡi” ca ngợi theo. Một hôm tôi thấy mình trở thành một người đứng bên ngoài đời sống quen thuộc của mình. Vài người khác mang một số phận bi đát hơn khi nửa đêm có tiếng gõ cửa, bị dựng dậy đẩy ra khỏi nhà. Những người còn lại hôm sau trong giấc ngủ mơ thấy đến phiên mình bị bắt.

Danh từ “tiến nhanh tiến mạnh” tuôn chảy hàng ngày từ những cặp loa treo trên cột đèn như những lời trấn an của kẻ chiến thắng. Có hàng trăm ngàn cặp loa như vậy trên toàn lãnh thổ góp công vào việc làm tan vỡ niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Nó giống như chùm bong bóng đủ màu mỗi năm một lần được thả bay vào không khí trong ngày Quốc Khánh. Chúng bay về trăm hướng mịt mùng kéo theo những chiếc đũa thần khua khoắng một hạnh phúc không hề có. Chỉ có bất hạnh và lầm than là sừng sững.

Mỗi ngày trôi qua, thành phố dường như cũ thêm bởi không ai buồn nghỉ đến chuyện xây dựng hay tu bổ điều gì. Mọi người đều tính chuyện thoát ra khỏi đất nước đầy rẫy những nghịch lý. Mọi thứ đều “xuống cấp” ngay cả tấm lòng con người. Rất khó lòng tìm cho ra một thứ gì đúng với ý nghĩa và bản chất của nó trong thời đại này. Người ta tính chuyện mánh mung gạt gẫm nhau để vươn lên khỏi vũng lầy của chế độ. Từ chiếc xe đạp “cho mượn đi một chút rồi... mất luôn” đến chuyện “hùn thêm tiền để mua dầu vượt biển”... Tất cả đều hư hư thực thực đến nỗi mọi người không còn biết tin ai. Tương chao và nhang đèn ngoài chợ có tăng giá chút đỉnh chẳng qua để chia sớt với thần linh về hoàn cảnh ngộ biến phải tòng quyền.

Nghĩ cho cùng khi con người sống trong thời đại ma quỷ lộng hành, nhìn đâu cũng thấy nghi ngờ thì lương tâm cũng không còn răng để mà cắn rứt. Những thầy bói mù được mùa và phất lên như nấm rơm sau cơn mưa. Người nào muốn biết trước ngày mai như thế nào phải tìm đến họ. Vì trong chừng mực nào đó, những điều nói ra dù chưa chắc đã đúng hoàn toàn, nhưng ít ra cũng gây trong lòng người nghe một ấn tượng tốt. Như một chút anh sáng cuối đường hầm.

Nếu cần phải dẫn chứng một thành phố nào đó trên thế giới có nhiều cái vĩ đại nhất thì người ta nghĩ ngay đến thành phố Sàigòn. Thành phố mà ít lâu sau đó đã bị đổi tên. Giống như định mệnh, thành phố đó cũng mang trên thân thể nó những vết thương, không phải từ nguyên nhân bên ngoài như bom đạn hay vì chiến tranh, mà do chính chế độ đang cầm quyền.

Trên những ngọn cây sầu đông phủ đầy bụi bậm mùa hè, vài cánh diều còn vướng lại tơi tả. Những đứa bé đã để lại những thứ như vậy giống như thơ ấu của chúng. Chiếc đuôi diều là sự kết hợp vụng về của những mảnh giấy cắt từ chiếc vở cũ của một thời trường lớp xa xôi, chúng đã xé ra từ sau một mùa hè, đang mỗi ngày một ngắn thêm vì mưa gió...



Tôi rời Việt Nam trong đợt đầu tiên của chương trình P.I.P, để lại đàng sau lưng nỗi đau và hình ảnh mệt mõi những cánh diều như vậy. Nhiều năm khi hồi tưởng lại lúc chia tay cùng nàng, tôi thấy tôi thiếu sự cương quyết để nói với nàng một lời hứa. Nói cho cùng, sự chia tay nào cũng đều giống nhau, có khác chăng là trong lòng tôi có chứa đựng bao nhiêu hình ảnh của nàng. Những năm chật vật nơi xứ người, tôi vẫn thường tự hỏi nếu định mệnh cho tôi bắt đầu làm lại một cuộc đời mới, tôi sẽ chọn một tình yêu có nàng hay sẽ là một người khác?

Ðôi lần tôi đau đớn nhớ ra rằng tôi quên không hỏi rõ Ngọc về một mầm sống của tôi vừa bắt đầu trong cơ thể nàng. Ðó là đêm nàng rời bỏ tôi để về Ðà Lạt. Hình như nàng nói như vậy, nhưng khi tôi hỏi thì nàng im lặng. Tôi không biết nàng nói thật hay nói chơi vì tôi không nghe nàng nhắc lại điều này một lần thứ hai. Bây giờ, làm sao để tôi xác minh là tôi có một đứa con vì cơ hội không còn.

Sự bộn bề công việc cùng những chi tiêu, hóa đơn hàng tháng khiến tôi quên nàng một lúc. Một căn nhà tôi mua vẫn còn trả góp sau thời gian dài dành dụm không dám tiêu phí và sống như một thầy tu. Vài người đàn bà thương hại muốn “ghé ngang cuộc đời” nhưng cuối cùng không kết quả vì hai bên để lý trí đè lên trái tim nhiều quá. Một người đàn ông hơn năm mươi tuổi khó lòng tự tìm kiếm cho mình một tình yêu cuối đời với tấm lòng thảnh thơi như một tờ giấy trắng.

Mấy lúc sau này lại ôm đồm thêm một tờ báo địa phương. Tôi mất thì giờ rất nhiều về chuyện này. Thêm vài chuyến đi xa gặp gỡ bạn bè đồng hương, tiệc tùng đám cưới.

Khi những nhánh cây trường xuân mọc lan tràn trên bờ tường hai bên cầu đường Riverside vùng Downtown, và những cây đổ tùng vừa run rẩy những cành lá, tôi biết tôi không thể sống một mình mà không có Ngọc. Ðiều này xưa như trái đất. Phải chăng một đời sống đích thật là đời sống trong đó luôn ẩn dấu trong lòng nó những mới mẻ. Tôi khám phá ra tình yêu của tôi cũng bao gồm những mới mẻ như vậy.

Tôi đặt mua vé máy bay với ý định trở về Việt Nam thăm lại nàng. Tôi xin phép hãng lấy ba tuần vacation và một tuần không hưởng lương. Mọi việc đều có vẻ thuận lợi và gần đến ngày trở về tôi đi đến siêu thị tìm mua cho Ngọc vài món quà. Vấn đề này làm tôi mất nhiều thời gian hơn tôi tưởng. Vì tình yêu đôi khi không bù đắp bằng vật chất, nhưng tình yêu có chỗ đứng cụ thể trên bề mặt của vật chất.

Tôi không biết làm sao để đối diện với nàng mà không gặp phải những bối rối. Lâu lắm rồi, tôi không không nghe tiếng nói nàng và tôi hình dung ra một dung nhan sẽ già nua hơn ngày nào. Nhưng không phải vậy. Người phụ nữ ngồi trước mặt tôi vẫn không đổi khác dù mười năm có đi qua. Ai nói rằng thời gian sẽ bào mòn mọi thứ và sẽ đuổi xua xuân sắc trôi giạt đến mọi bến nước sông đời?

Chúng tôi hôn nhau nơi góc khuất của quán cà phê nhìn xuống khu Hòa Bình. Vẫn nụ hôn vội vàng mặc cảm giống như ngày trước. Nhưng sự run rẩy thì nhiều hơn. Những cành ngo tươi tắn trong buổi chiều Ðà Lạt lúc người hầu bàn đem ra hai ly cà phê:

- Anh dùng những ngày ở đây như thế nào? Nàng hỏi.

- Không biết. Tùy ở em. Anh không biết sẽ gặp lại em trong hoàn cảnh này.

- Anh không nghĩ có một lúc chúng ta sẽ quay lưng lại với hai hướng đời sao?

- Có nghĩ, nhưng anh tin rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi thứ. Chúng ta còn thời gian.

Nàng bĩu môi:

- Chúng ta già quá rồi. Anh biết không?

- Anh biết. Chính vì vậy anh mới trở về hôm nay.

Nàng để yên bàn tay trong tay tôi, nhìn xuống mặt bàn trải vải hoa, có những bóng lá nhỏ lặng lẽ đậu xuống. Sau lưng nàng dãy nhà cao tầng dùng làm khách sạn được cất vội vàng tượng trưng một thời đổi mới. Quán cà phê internet và điện thoại tự động cầm tay bên cạnh trụ sở Công an phường. Nó gợi cho người khách vãng lai cảm giác bất an khi chờ đợi những giọt cà phê rơi xuống đáy ly, dù lời tình ca nồng nàn từ các máy hát có tuôn chảy thênh thang mọi góc quán. Bởi vì thẩm thấu qua những giọt đắng kia có bao nhiêu cuộc đời đen đúa cơ hàn bị nắng mưa sàng sẩy? Cho nên tôi vẫn không biết được đàng sau những cười cợt của nàng là hạnh phúc thật sự hay đau khổ dấu kín?

- Mẹ em đã mất hình như sau ngày anh đi một vài năm.

- Anh mất địa chỉ em lúc dọn chỗ ở. Chính vì vậy mà không liên lạc với em.

- Ngày xưa em không quyết tâm đi theo sự bảo lãnh của gia đình anh Ðạt là vì mẹ em. Bây giờ em lại không muốn đi. Có những lúc em thấy em không muốn hội nhập đời sống vào một ai khác.

- Em đã thử đâu?

- Có. Ðã một lần ở cuộc chia tay trước. Anh không nhớ em đã nói với anh là đời sống của em là tại thành phố này.

- Austin cũng đẹp và có khí hậu tuyệt vời giống như Ðà Lạt của em.

- Nhưng nơi đó không có cái hơi thở riêng tư của nơi chốn sinh ra và trưởng thành của một người.

- Anh không nghĩ điều nầy quan trọng. Vì không ai nhìn lui lại quá khứ cả.

- Quan trọng chứ. Tại anh không nghĩ. Còn một thứ nửa nói ra chắc anh không vui. Nó cũng là một quá khứ nếu anh chịu nhìn lui. Ðó là giọt máu bỏ quên của anh.

Tôi sững sờ buông bàn tay của nàng, không hề chờ đợi nghe một câu như vậy. Nàng vẫn tiếp tục bằng một giọng đều đều như nói với chính nàng:

- Khi anh rời Việt Nam, nó chưa ra đời. Bây giờ mùa đông này nó gần 11 tuổi. Ngần ấy ký lô xương thịt đó từ đâu mà ra?

- Em không nói thật cho anh biết. Tôi quá xúc động. Nếu biết, anh đã không ra đi một mình.

- Anh phải làm sao? Ngày đó em vừa ra khỏi đời anh. Trong khi anh lại không chấp nhận ở lại Vũng Tàu. Tình trạng của anh giống như một con cá nước mặn bị người ta đem bỏ vào nước ngọt. Trong khi đứa bé cần phải có người cưu mang. Cho đến bây giờ anh Ðạt vẫn là một người cha tốt với nó. Tốt đến nỗi đôi lúc em tưởng nó là con của chính anh ấy.

- Anh muốn được nhìn thấy nó.

Nàng nhìn mông lung ra phía sau tôi. Tiếng nàng nghe giống như một lời mưa bay qua một vách đời trống trải:

- Trễ rồi. Anh Ðạt đã đem nó đi vì phái đoàn không cho phép anh nấn ná hoài hủy. Hoặc anh ấy sẽ ở lại vĩnh viễn. Em thì còn kẹt phải lo cho mẹ em.

Tôi nhìn nàng để tin chắc sự cô đơn đã trụ lại dài lâu trên vầng trán nàng. Những vết nhăn không kịp vùi lắp thanh xuân của người đàn bà bốn mươi tám tuổi. Mọi chuyện xảy ra trên sức chịu đựng của tôi và tự hỏi sự trở về của mình mang lại những tổn thất nào khi không lượng giá được đúng mức tâm hồn ngổn ngang của một người đàn bà.

Chúng tôi từ giã chiếc quán trước khi chiều xuống. Mùa hè dã dượi những nụ hoa muguet mọc bên lối đi xuống phố. Tháng sáu đã dần tàn trong khi mưa chiều đến thường xuyên hơn mọi năm. Người ta nói ảnh hưởng của thời tiết El Nino gì đó. Chúng tôi thả bộ dưới những cây sơn táo để về hướng nhà nàng. Tôi không biết khi dốc lòng yêu một người nào thì người ta có thể tha thứ cho nhau được không. Riêng tôi muốn tìm lại những ngày tháng nồng nàn của ngày xưa nhưng không thể.

Con đường có một lúc bị cắt ngang bởi một sân đá banh. Bãi cỏ không kịp no đầy màu xanh vì bàn chân con người giẫm lên đó mỗi ngày. Một hàng rào che quanh sân làm bằng những thân cây thông sù sì hoen ố màu bùn đỏ.

Có vài cánh diều cố bay lên khỏi những hàng cây bên kia đồi trước khi chúng trở về nơi xuất phát. Những cánh diều tức tưởi như đời sống của ai đó không thể vươn lên khỏi nghịch cảnh. Chúng chỉ hiện diện để mặc cả với định mạng. Tôi hình dung đến một đứa bé đang chạy thoăn thoắt dưới kia. Nếu tôi trở về sớm hơn một chút, biết đâu tôi sẽ thấy được một đứa bé 11 tuổi như phó bản của tôi hồi thơ ấu đang thả cánh diều khỏi tay như thả một phiến buồn?

Tất cả mọi ràng buộc hay mọi tương quan đều gắn chặt với nhau và có những lý do của nó. Chúng sẽ làm cho chúng ta nhận chân ra rằng sự tan vỡ hay trùng phùng chỉ là một mặt của đời sống. Nhờ đó chúng ta biết chia xẻ với người khác lạc thú nhiều hơn là bất hạnh. Tôi đề nghị với nàng là bây giờ không phải là lúc để tôi và nàng cay đắng với nhau và hãy nhìn lui một quá khứ lầm lỡ. Rằng chúng ta hãy rút ra ở bài học kia một kinh nghiệm. Tại sao tôi và em không thể là hai cánh diều cùng bay thoát ra ngoài khung trời kia để tìm lại mạch đời đã mất. Ðừng ngại bão giông dưới kia đang làm trái tim ướt át và tương lai trầy trụa vì những vết cắt của đời?

Nhưng nàng không trả lời. Khi tôi trở về lại Hoa Kỳ, nàng vẫn không chịu trả lời. Làm sao để tìm thấy đáp số bài toán tình cảm trong trái tim một người đàn bà?



Buổi sáng hôm nay tôi đi ra nghĩa trang và ôm trong lòng bó hoa mua từ siêu thị. Những đóa hồng mới vừa cắt ra từ khu vườn nông trại hồi đêm ướt đẫm một hạnh phúc đau đớn và buồn rầu. Và những cụm tường vi cuối chân tường kia cũng vậy, chúng đang đại diện thắm thiết một đời sống lẽ ra chỉ có những người đang xa nhau mới cảm nhận được. Không biết từ bao giờ tôi yêu mến màu hoa như đã yêu một niềm thủy chung trọn vẹn giữa biến cố và mưa nắng mỗi ngày. Mỗi vết thương luôn làm cho chúng ta nhức nhối. Nhưng còn sự chờ đợi, thì bao lâu sẽ được đền bù?

No comments:

Post a Comment