phạm ngũ yên
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp đi trở về Austin bằng đường 71.
Con đường mang trên lưng nó một đời sống khoắc khoải. Một bên này thầm lặng của
sông. Một bên kia là phố sững sốt. Trên mỗi phiến đá khô ran vì nắng cháy mùa
hè, cành ngo xanh mùa xuân vẫn đâm chồi nẩy lộc. Mỗi con đường đều có một hơi
thở riêng tư dấy lên từ một quá khứ bầm vập, và một chút đớn đau buồn bã hôm qua
nằm yên trên những hòn cuội âm thầm. Một lúc nào đó chúng sẽ bừng thức dậy và
lên tiếng. Khua gõ khẩn thiết vào trong trái tim đau. Những khua gõ có khả năng
làm tuôn chảy những dòng lệ mặn chát trên những môi
đời.
Ðêm mùa thu còn oi nồng hơi thở mùa hè. Nơi một góc phố im
khuya ngủ vùi giữa ngả ba San Marcos và Bastrop, ngọn đèn đỏ giao thông chớp
nháy mệt mõi như đôi mắt người mất ngủ. Cây xăng bên đường lác đác vài ba chiếc
xe lữ thứ dừng tạm bước giang hồ. Chiếc bàn làm bằng gỗ thông bị thời gian bào
mòn hắt hiu ánh đèn đêm và ly cà phê còn bốc khói. Khu rừng sau lưng tối mù như
phó bản cuộc đời tôi và dòng sông Colorado chảy ngang qua không thèm ghé lại.
Không còn tuổi thanh xuân để tôi chờ đợi người yêu với bó hoa hân hoan giọt lệ
tương phùng. Không còn luôn những tháng năm rượt đuổi theo hạnh phúc xa ngoài
tầm tay.
Lâu lắm rồi, kể từ cuộc chia tay lên đường của người đàn bà
cuối đường gió lộng lẫy, tôi mới nhìn thấy lại cõi sương mù quen thuộc từ một
quá khứ Ðà Lạt. Sương mù như một dòng sông sửa mênh mông che lắp hai bên lề
đường trong khi ánh đèn xe bị đẫy dạt về phía sau. Tôi lái xe chạy qua những
vũng tối mênh mông chứa đầy những nghi hoặc. Ðêm hình như không bao giờ tàn nên
đêm còn thao thức. Ðêm chờ tôi ở chân trời mịt mùng trong khi dấu chân non trẻ
của nàng đang dẫm nát một vùng ký ức tàn phế mọi ước vọng. Hoa cúc núi màu vàng
bất chợt hiện ra đôi lần nhòe nhoẹt như một hình ảnh trong giấc ngủ. Tôi không
biết có đúng là loài hoa màu vàng tương tư ngày nào khi tôi còn thanh niên tập
tành nhớ thương “người dưng khác họ”. Mùa thu cao nguyên của một thời lính
tráng, tôi nhìn những hoa dại và làm những bài thơ tình gởi đi đăng báo Sài Gòn.
Những bài thơ mênh mông một cõi núi và ràn rụa một cõi đời. Ba mươi năm sau, tôi
không còn có thể làm được những vần thơ như thời mới lớn. Vì đời sống đã mang
hơi thở khác. Ðời sống mang quá nhiều chông gai và mệt mõi bởi sinh kế đêm ngày.
Tôi không thể gieo những vần điệu mật ngọt trong khi sự đắng cay thường xuyên
nằm trong ly rượu đời hôm nay. Hãy cố gắng đi cho trọn đường dương gian trong
khi trái tim vẫn còn rung lên những nhịp đập bồi hồi. Tôi nhủ thầm. “Cõi đời có bao nhiêu. Mà tình sầu vô
lượng?”.
2.
Những năm tháng hoang dại thời thanh xuân, sẽ nằm yên đâu
đó trong lớp bụi thời gian, nếu không có hình ảnh hay một âm thanh nào nhắc nhở
ta quay trở lại, tìm kiếm trong quên lảng một vài kỹ niệm đẹp. Một tiếng chim
kêu trên gờ mái xám xịt mùa thu hay giọng hát nỉ non của con dế mèn nơi đóng đồ
phế liệu. Một tấm hình cong queo quá quen thuộc nụ cười hay một bảng tên đường
dẫn về nhà ai có hàng cây xanh xao mùi vị cuộc tình. Tất cả đều có khả năng đánh
động trái tim và làm cho chúng ta trở nên vui hơn hoặc buồn rầu hơn. Hạnh phúc
nhiều hơn hay đau khổ kém hơn- trong một khoảnh khắc nào
đó.
Cái hình ảnh mà tôi muốn nói với các bạn khi một mình đi
qua cánh đồng còn ướt đẫm sương đêm như những dòng lệ hoan lạc ngày nào. Và trên
đầu tôi xanh ngắt một vầng trăng. Ðêm về sáng. Con đường nửa khuya mơ hồ sương
khói và thiếu tiếng cười làm nên cõi mộng mị Bồ Tùng Linh. Thiếu câu thần chú và
hồi còi đuổi theo dấu chân loài chồn tu luyện ngàn năm. Vầng trăng tròn hiện ra
trước xe tôi trong một khoảng cách đều đặn và hình như có mặt từ lâu lắm. Khi
trời đất còn hoang sơ những vùng thảo nguyên chưa có dấu chân người. Ai đó đã
nói rằng trăng trên xứ Mỹ tròn hơn trăng nơi quê nhà. Trăng cũng sáng hơn trăng
của thời thơ ấu. Nhưng trăng đã lạnh lùng hơn. Ðiều đó rất
đúng.
Ðâu mất rồi những mùa trăng êm đềm mà tuổi thơ thao thức
chờ vầng trăng vượt lên hàng cau trước sân nhà. Ðứa bé trai mười tuổi chờ đợi
trăng lên nhưng mõi mòn và ngủ quên trên ghế bố, đem theo giấc mơ có vầng trăng
non cùng chú cuội già. Ðêm trung thu đầu đời xách đèn lồng của ông ngoại làm ban
chiều đi vòng quanh xóm. Và chiếc đèn bị cháy trước khi về trở lại nhà. Ðứa bé
bất lực nhìn ngọn lửa ăn dần những manh giấy bóng nhiều màu như tuổi thơ trong
suốt những điều huyễn hoặc. Chưa biết sau lưng cuộc đời trăng mênh mông kia là
những gai nhọn âu sầu. Ngọn lửa cháy rụi theo những dấu chân tức tửi cơ hàn, nơi
mẹ tôi chạy vạy từng ngày để nuôi một bầy con chưa biết buồn, dù bão giông hôm
qua còn hằn trên vai như những lằn roi sợ
hãi.
Ðâu mất rồi những miếng bánh trung thu phân chia dè sẽn còn
thơm mùi hạt dưa hạt mè. Miếng bánh trôi mất trong những cổ họng ham ăn của
chúng tôi trước khi kịp nhai. Chúng tôi thèm thuồng tự nhũ thôi hãy chờ đợi mùa
trăng năm sau.Vì biết rằng khả năng mẹ tôi chỉ có ngần ấy. Nhưng không phải vì
vậy mà cuộc đời thiếu đi vị ngọt và tâm hồn mờ nhạt hình ảnh cây đa và chú cuội
già. Trăng luôn là nỗi đam mê làm choáng ngợp tâm hồn tôi trong suốt nhiều năm.
Cho đến khi tôi vào lính. Cho đến khi tôi chạy đuổi theo những cuộc tình vô
vọng.
3.
Trong khi tôi viết những dòng này thì cơn bão Alex đã đi
qua 2 thành phố kế cận của Texas. Nặng nhất là Austin. Sự thiệt hại và tổn thất
tạm thời đưọc ước tính là mấy tĩ mỹ kim.
Những trận mưa phũ phàng làm lụt lội một vài nơi trên con
đường 35 về hướng bắc. Kèm theo những cơn Tonado cuốn phăng đi mọi vật chất phồn
hoa.
Cuộc đời còn đó nhưng mất đó. Mới hôm qua đang yên giấc
trong nệm ấm và bàn tay vươn ra là đụng tới mọi tiện nghi vật chất. Hôm nay đã
trơ trọi hoang mang giữa bụi nắng vô thường. Như vậy mới biết rằng con người chỉ
là hữu hạn trước cái vô hạn của thiên nhiên và chúng ta cần học từ thiên nhiên
những bài học lớn.
Tôi lái xe đi qua ngôi trường con tôi học năm rồi. Nó vừa
từ giả nơi đó để đến học một trường khác. Buổi sáng mai lòng no đầy tiếng
gió.
Nơi sân trường vắng bóng bầy trẻ thơ và những người cha
không còn có dịp đưa chúng đến trường. Không có dịp nghe chúng nũng nịu. Những
lời nói thơ ngây của chúng làm xót xa những người cha đã có một thời ngã ngựa.
Trong ghế dựa êm ái và seat belt an toàn, có lẽ chúng đang mơ một giấc mơ đầy
những kẹo ngọt, trong khi xe chạy trong buổi sớm mai còn ướt đẫm sương mù. Nhưng
có còn giấc mơ nào cho những người đàn ông già trước tuổi của mình? Những người
đàn ông cách đây mấy chục năm dâng hiến thanh xuân mình cho một lý tưởng rực
rỡ?
Hình như không có ai không ngậm ngùi khi hồi tưởng lại quá
khứ thời thanh xuân, nơi tiếng ve sầu rền rĩ dọc theo những hàng phượng đỏ. Khi
cổng trường vừa khép lại và mới vừa hôm qua ai đó đã để lòng thổn thức trên từng
trang giấy trắng học trò. Lời chia tay nắn nót trong quyển lưu bút như một hành
trang mang theo xuống tam cấp cuộc đời. Những gả học trò tóc tai bồng bềnh lãng
mạn mới vừa biết tương tư nơi sân trường. Biết đâu ngày mai sẽ không biền biệt
nơi một vùng biên giới nào đó. Và nói cho cùng mọi giá trị và chân lý cuộc đời
không quan trọng hơn một ly rượu ngày chia ly. Hay một hơi thuốc se môi chiều
mất ngủ. Họ quay lưng lại những lấp lánh hào quang đời thường và đi về một
nghiệt ngã phía trước.
Mùa này ở Austin ngày thật dài và đêm thật ngắn. Tám giờ
tối còn ánh sáng mặt trời trong khi chiều đang chết trên đường phố. Trên những
cành phượng vĩ màu hồng. Chúng đang có mặt và phân bua với cuộc đời cháy rát
những dung tục. Không có màu hoa mang nỗi rưng rưng học trò từ trong này cửa lớp
nhìn ra. Cùng những giông bão ngày mới lớn:
“Có hoa có lá và người
khóc
Em sợ ngày nao phải lấy
chồng...”
Thế hệ con tôi bây giờ không còn những hình ảnh đó. Cho nên
chúng không có một kỹ niệm mật thiết về trường lớp. Về những năm tháng đầu đời
hồn nhiên bên bảng đen phấn trắng. Thế hệ con tôi chắc không còn cảm xúc khi
nghe lại tiếng hát Thanh Tuyền qua Nỗi Buồn Hoa Phượng. Chúng không hình dung ra
tại sao ”...màu hoa phượng thắm như máu con
tim”?
4.
Khi con tôi sang Mỹ, nó còn nhỏ. Nhỏ lắm. Nó không còn nhớ
Trung Thu ở VN như thế nào và tôi cố gắng dạy cho nó hiểu ý nghĩa của ngày Tết
Nhi Ðồng. Mỗi năm, khi có dịp tôi đưa nó xem người ta tổ chức Trung Thu. Khi thì
ở Chùa, khi thì ở Nhà Thờ. Năm vừa qua tại nhà thờ Tin Lành. Trong không khí êm
dịu của một ngày đầu tháng mười, trên những tàng cây bắt đầu mang triệu chứng
của tàn phai, vầng trăng vượt lên lặng lẽ. Ban đầu nó chỉ là một quả banh màu
cam dịu dàng nằm trốn lánh đâu đó sau bức tường in hình cây Thánh Giá. Một lúc
sau nó rời xa những ngọn đèn xa hoa và những mái nhà cao tầng. Như thơ ấu đã rời
xa tôi và chìm khuất trong cổ tích. Tôi không biết mình phải làm sao dạy cho nó
bài học của người lớn. Có những sự việc mơ hồ tưởng như một giấc chiêm bao nhưng
lại quyết định không nhỏ đến cuộc sống con người. Chỉ vài phút nửa thôi, người
ta sẽ phân phát cho bọn trẻ những chiếc lồng đèn làm sẳn cùng một kích thước,
cùng một kiễu mẫu giống nhau. Người ta sẽ gởi thêm cho chúng một chiếc bánh được
gọi tên là bánh Trung Thu nhưng chắc chúng sẽ không tìm thấy mùi thơm nồng nàn
của hột dưa hột mè nằm đâu đó trong bánh. Chúng sẽ không tìm thấy hương vị hạnh
phúc tê đọng trên đầu lưỡi, giữa hai hàm răng để cảm giác sự luyến tiếc. Vì
không có danh từ thiếu thốn trên xứ sở được mệnh danh là Hợp chũng quốc Hoa Kỳ.
Không có bà mẹ nào tại đây chạy đôn chạy đáo trong buổi chiều trước ngày Trung
Thu để tìm mua cho con mình một chiếc bánh mang dấu ấn màu đỏ của tiệm Ðông Hưng
Viên. Chỉ có những bà mẹ Việt Nam của tôi xa tít buồn rầu đứng chôn chân trước
hàng bánh không muốn bước đi vì tiền trong túi không đủ để mua thêm cho con mình
một chút vị ngọt.
Tôi không nhớ con tôi rời khỏi tôi trong lúc nào. Nó đang
đứng xếp hàng phía trước chờ đến phiên được quà. Sự vui mừng của nó đong đầy bao
nhiêu trên những năm tháng cơ hàn của ba nó? Chắc vừa đủ thêm một chút sức nặng
làm tâm hồn tôi bồi hồi. Tôi ngồi xuống dựa lưng vào chấn song của hàng rào sắt
phân chia sân nhà thờ. Sân xi măng sạch sẽ vì cơn mưa hồi sáng đã cuốn trôi đi
mọi bụi bậm. Tôi muốn nằm xuống gối đầu lên hai cánh tay nhìn lên vầng trăng
lạnh lùng. Thật khó lòng để chúng ta thả rong trí nhớ về ngược thời gian ba bốn
chục năm mà không vấp phải sự kháng cự của quên
lãng.
Ánh trăng vằng vặc trên đầu và gió mát mơn trớn da thịt
tôi. Không vách phên nào đủ sức nhốt kín được gió, nên “gió không có nhà gió đi muôn phương...
và... có thằng cuội già ôm một giấc
mơ...”
Không có ngăn kéo nào trong tim để giữ cho hồi tưởng hãy
nằm yên. Nên bây giờ vài vì sao xa tít nơi cuối trời kia làm tôi nghĩ đến những
giọt lệ.
Tôi nhớ đến đoạn văn của Alphonse Daudet, có tựa là “Những
Vì Sao” nói về gã chăn chiên và cô chủ bé bỏng. Một buổi chiều cô đem thức ăn
lên đồi cho gã mục đồng và định bụng sẽ quay về trước khi trời kịp tối. Nhưng
cơn mưa tình cờ giữ chân cô lại. Cô sợ những dòng suối cạn đầy bất trắc cùng
những con sói trên đường về. Khuya, khi vị Thần Ðêm đi rãi hàng vạn viên kim
cương lấp lánh trên vòm trời, thì cô quá mệt mõi ngũ quên trên vai của gả mục
đồng lương thiện. Tác giả dùng ngôi thứ nhất để kể lại tâm trạng của người chăn
chiên vừa biết có điều gì đó giống như tình yêu- gần gũi với tình yêu. Một điều
gì đó cũng thánh thiện như giọt nước ướt sũng trên đôi mi đang khép kín kia. Cô
bé vừa qua một cơn sợ hãi khi chợt thấy một vì sao đổi ngôi. Trong khi cô chủ
ngủ, gã nhìn lên những vì sao trên trời và ao ước một tình yêu lấp lánh những
huyền nhiệm.
“những vì sao nhỏ lệ
suốt đêm thâu
gió sẽ bảo tình yêu nào cũng đẹp”
4.
Không có ai trên vai để tôi tin rằng cuộc đời luôn êm đềm
và lôi kéo theo những tình yêu đẹp. Trên cuối đường tạm dung, giấc mơ nhà xe,
cơm áo làm thui chột mọi lý tưởng thời trai trẻ. Trong khi tình yêu, sao quá mờ
nhạt ở cuối trời. Chỉ còn lại, một chút ánh trăng bàng hoàng trên đầu. Và một
chút thơ ngây đã mất...
No comments:
Post a Comment