phạm ngũ yên
”Chị Măng Mai,
Khi chị đọc xong lá thơ này, thì tôi đã đi khỏi đây. Xa
lắm. Xa hẳn thành phố nhỏ bé, hiền hậu, không chật hẹp nhưng sao không đủ chỗ
tôi dung thân. Như con ngựa hoang không tìm thấy bầy, tôi chạy kiếm hoài một
đồng cỏ xanh và vầng trăng non còn thơ ấu. Cái bóng mát rực rỡ mà người ta gọi
là hạnh phúc bây giờ sao trở nên đơn điệu và tôi thầm ao ước được đứng bên ngoài
với tâm hồn mang ít nhiều bão tố, hi vọng chia xẻ với ai kia một chút thênh
thang của đời sống.
Không phải ai cũng biết chọn lựa cho mình một hướng đi
đúng- nhưng tất cả đều cảm thấy muộn màng khi lao đao gần cạnh hố thẳm. Tôi
không biết mình có đủ can đảm để trở lại căn nhà nơi chị đang ở. Ðang nói cười.
Ðang gởi gấm những tan hoang trên những chăn gối lạc lõng. Và trái tim yếu đuối
đôi lần ướt sũng những dòng lệ hoan lạc. Không phải chị đã cưu mang ngần ấy niềm
vui để làm đầy thêm nỗi buồn người khác? Chị không muốn biếu xén hoặc thu về một
thứ hạnh phúc vô cớ- tôi biết như vậy...”
Ðâu đây có tiếng lá khô khua động lề đường tăm tối. Và đêm
ủ kín trong lòng của nó những tiếng thở hổn hển của gió. Tôi đứng côi cút bên
này lối đi vây bủa cành nhánh khô khốc của mùa thu. Sân xi măng phẳng phiu có lẽ
đang ướt át hơi sương và ngọn đèn khép nép thả xuống bên dưới một thứ ánh sáng
buồn rầu. Khung cảnh giống như trong một đoạn mở đầu của một chuyện phim loại
kinh dị. Chỉ thiếu có một xác chết đầm đìa máu me đàng sau bức tường hoen ố thời
gian. Có nhiều con đường mang rất nhiều tên nghe lạ tai. Như đường Tổ Ong. Ðường
Ðồng Cỏ. Ðường Cây Sồi Hạnh Phúc... Nhưng không thấy ai đặt tên con đường dẫn
vào nhà chị là đường Gió. Bởi chưng nơi đây gió quanh năm rượt đuổi nhau không
mệt mỏi. Lúc tôi mới đến thăm chị lần đầu tiên mừng ngày ra trường đứa con gái
lớn, tôi nghe thấy gió làm rung động những đài hoa nở sung mãn dưới cửa sổ. Ðó
là mùa thu sau hai năm tôi đến Mỹ. Người khách đến chậm vì lạc đường bỗng cảm
thấy chới với khi lọt thỏm vào một nơi chốn không quen thuộc. Buổi chiều tơi tả
những lá vàng khô bay nghiêng xuống vai những pho tượng trước nhà thờ Thiên
Chúa. Và khu phố im vắng núp sau hàng cây trơ cành xám xịt như sự sống không bao
giờ hiện diện quanh đây. Chỉ có bãi đậu xe dày đặc xe cộ trước nhà chị báo hiệu
cho khách mời yên tâm dừng lại không cần tìm kiếm đâu xa. Và ở đàng sau ánh sáng
long lanh của ngọn đèn treo trước cửa ra vào, chắc đang đông vui những tâm hồn
ham thích tiệc nhậu. Và bia bọt. Và nhạc nhiếc trộn lẫn vào nhau. Và những màu
sắc rực rỡ của xiêm áo tương phản với những ngồn ngộn thịt da cố tình phơi bày
không dấu diếm. Người ta tìm kiếm nơi đó những giấc mộng phơi phới mùa xuân,
nhưng đố ai nhìn thấy một chút rách nát, bầm vập của trái tim đau trong ngăn đời
chật hẹp.
Tôi xin lỗi và lách mình vào. Ðêm dừng lại bên ngoài cùng
với gió lướt thướt. Chị cười cười, đôi mắt ướt át như suốt đời ngụp lặn trong
vũng lầy hạnh phúc. Mái tóc rối bời cố ý, dội chiếu ánh sáng đèn và thoang
thoảng mùi hương. Tôi không biết tôi có phải là người khách cuối hay còn ai sẽ
đến trễ hơn. Nhưng quanh quẩn trong không khí mát rượi của căn phòng giống như
đang được ấp ủ trong một tủ lạnh lớn, người ta đứng ngồi lố nhố. Vài người ngồi
ngay trên cầu thang lót thảm, tay cầm lon bia, mắt chăm chú vào kẻ đến muộn.
Chưa gì khung cảnh mang vẻ la đà của một cuộc vui sắp đi vào đoạn cuối. Một
người đàn ông hồng hào mang dáng dấp thành đạt của một người định cư lâu năm,
đến gần chị và tôi. “ Ðây là Thái- chồng em”. Chị giới thiệu.” Và đây là anh
Học, làm chung hãng”. Chúng tôi bắt tay nhau, mật thiết không thua gì những bằng
hữu lâu ngày gặp lại.
Anh dẫn tôi đi ngang qua những khuôn mặt lạ lẫm và tiếng
cười nói thầm thì, cuối cùng cũng đến được nơi để đồ ăn thức uống. Anh đưa cho
tôi một lon bia và nâng lon bia của anh mời:” Mừng cuộc gặp gỡ hôm nay”. “Mừng
ngày vui của anh chị cùng sự thành công của cháu. Anh chị có định cho cháu theo
ngành nào không?” “Nó thích học Bác Sĩ, nhưng còn đắn đo không biết nên chọn
ngành nào. Riêng tôi muốn nó theo Nha.” Chị chen vào: “Nội chuyện đó cũng thấy
anh Thái tính toán. Vì con người ta chỉ có một bộ phận bị hư hao khi đến Bác Sĩ.
Nhưng răng thì có tới ba mươi hai cái. Tha hồ nhổ”. Anh cười, nhìn chị: “Nhưng ý
kiến cuối cùng của mẹ nó trên hết. Bà ấy muốn nó theo ngành thẩm mỹ, để mai mốt
lỡ dung nhan có xuống cấp sẽ được nó tân trang miễn phí” “Em đẹp suốt quanh năm
bốn mùa, không cần những thứ đó”. Chị đáp.
Và nheo mắt nhìn tôi, như ngầm hỏi tôi có đúng vậy hay
không? Tôi nghĩ là chị nói đúng. Có ai đã đi qua những năm tháng hư hao này với
ít nhiều thương tật, mất mát. Nhưng với chị thì không. Người đàn bà không e ngại
thời gian làm tàn phai nhan sắc kia đang đứng dưới một vùng sáng êm ả của những
ngọn nến bằng pha lê buông thõng xuống bàn ăn tám chỗ ngồi. Ðàng sau chị là đám
đông ồn ào, vọng động, không ngớt cười nói để phân bua với cuộc đời êm ả này sự
hiện hữu của họ. Chị không cần những dáng vẻ để kích thích tia nhìn người khác,
Nhưng lạ lùng sao, từ chị, toát ra một quyến rũ làm chấn thương những trái tim
sầu não nhất.”Ðôi khi, thời gian không phải chỉ để làm thương tổn một nhan sắc.
Tôi nói mà không biết có phải để làm vui lòng chị hay không- nhưng thật tình tôi
không thể nói khác hơn- Mà chính thời gian là cái cớ để làm tăng trưởng và hoàn
hảo hơn một nhan sắc. Chị nằm trong trường hợp đó”. Chị cười nói:”Cám ơn. Mong
anh nói thật như vậy”.
Ðêm hân hoan trên những nụ hoa nằm khép nép nơi kệ sách đặt
trong một góc khuất lánh. Người ta nhìn thấy một vài tên tuổi quen thuộc của
những nhà văn thành đạt ở hải ngoại. Vài cuốn của Hoàng Chính, Nguyên Phong,
Ngọc Anh, Ngô Du Trung, Hồ Ðình Nghiêm, Hoàng Du Thụy... Họ đang co cụm lại
trong một vị trí khiêm tốn cho phép của căn phòng và nhìn ra những huyên náo với
sự an lòng, có lẽ. “Hãy thoải mái coi như ở nhà. Anh đến trễ nên ăn uống nhiều
một chút mới theo kịp chúng tôi.”
Vừa nói, anh Thái vừa nhướng mắt chào một người nào đó,
trong khi chị đưa cho tôi một chiếc đĩa bằng giấy: “Anh thích gì cứ tùy nghi. Em
rất vui khi thấy anh có mặt hôm nay. Người ta đồn anh rất khó khăn trong vấn đề
tham dự vào những cuộc vui của người khác. Có phải vậy không?” “Họ ác ý”. Tôi
đáp. Tôi có mặt là bằng chứng chống đối lại những xuyên tạc đó”. “Chắc tại em
may mắn”. “Tôi không nghĩ vậy. Tôi thấy tôi mới đúng là người may mắn”. “Thôi
đừng ca cẫm về những chuyện không đâu, đây là những món ăn tự em làm lấy, hi
vọng anh không chê”. “Không dám đâu”.
Tôi lí nhí cám ơn. Và không cầm lòng trước những miếng thịt
nướng thơm tho nằm kề cận thố rau xanh mơn mởn, chen chúc trên chúng là mấy lát
cà chua cắt mỏng, và những miếng dưa chuột muối theo kiểu Mỹ. Những đùi gà tươm
mỡ nằm quây quần cạnh hai chiếc đĩa sành hình bầu dục đựng gỏi ngó sen. Tất cả
phơi bày với sự hấp dẫn giống như một bức tranh tĩnh vật trang trí trong các nhà
hàng ở Pháp. Tôi không cần phải khách sáo để vừa ăn vừa ca ngợi tấm lòng hào
phóng của chủ nhân. Cùng nụ cười êm ả của chị đang phân chia đồng đều cho mọi
người có mặt đêm đó như một thứ gia vị cuộc
đời.
Tôi tưởng buổi tiệc trôi qua đã lâu. Nhưng thật ra chỉ mới
bắt đầu trước khi tôi tới vài phút. Dù những đôi mắt long lanh ướt rượt vì rượu
bia và môi miệng ngồm ngoàm thức ăn chúc tụng lẫn nhau bằng những lời được lấy
ra từ trong sách vở. Có ai đó vừa trèo lên bục gỗ, nơi để dàn máy karaoké đắt
tiền và đề nghị một chương trình văn nghệ giúp vui. Người ta tán thưởng bằng một
tràng pháo tay. Và không khí như lắng xuống đôi chút vì không ai dám cử động e
rằng mình phải lên “sân khấu” để mở đầu cuộc vui
chăng.
Người lên hát đầu tiên là chị. Bài hát mang một ngụ ý tìm
kiếm giữa những mông mênh tạm bợ này một chút hụt hẫng tình yêu không cần bù
đắp. Vì yêu là cho đi chớ không phải là
nhận.
“Ai cho tôi tình yêu, của ngày thơ ngày mộng. Tôi xin dâng
vòng tay mở rộng, chờ đón người đi vào tim
tôi...”
Có cần thiết hay không? Bởi nếu có ai dám van xin tình yêu
trong hoàn cảnh này, tôi nghĩ phải là một trong những khuôn mặt ngơ ngác đứng
ngồi lố nhố kia. Chớ không phải là người đàn bà đang vừa rời bỏ chỗ đứng của
mình để ném vào lòng đêm những tiếng hát chất đầy phiền
muộn.
Tôi không hình dung ra đời sống nầy không có chị. Chị là
niềm vui hay nỗi thảm sầu đem đến cho người khác? Khi tôi trở về trong đêm hoang
mang những cánh gió, chị là hình ảnh mật thiết làm tôi xúc động và tôi ngơ ngác
với những vệt sáng loang lổ từ nơi mấy chung cư vây quanh nhà chị. Mấy khóm hoa
Daisy có bông màu trắng lúc này đang run rẩy nơi bờ tường đá thấp và sẽ chết khi
mùa đông tới. Chúng tượng trưng cho một nỗi đam mê cuối đời- trong khi tôi thảng
thốt chạy lùi xe tìm lối ra. Sương mù bay dật dờ trước vệt sáng đèn pha. Con
đường vòng vo mở ra phía trước những ngã rẽ âm thầm. Lằn ranh vàng phân chia hai
chiều lâu ngày bị phai nhạt đến nỗi không nhìn thấy rõ. Cây kim đồng hồ nơi hộc
xe ngã tới ngã lui giữa những vòng số xanh màu cẩm thạch và mực xăng đang báo
hiệu gần hết trong bình. Gió không còn đuổi theo phía sau lúc tôi rẽ vào tiệm
“Seven-Eleven” bên đường. Người bán hàng mặc áo có ba màu xanh-cam- đỏ và chiếc
đầu trọc đang ngồi ngất ngưởng đàng sau quầy, thấy tôi bước vào vội gõ vào máy
tính, miệng nói “Hello”. Tôi cũng đáp lại và móc bóp trả
tiền.
Ðêm khoáng đạt và gởi tới con người những mênh mông của một
thứ tình yêu buồn. Vì tôi chạy trở về với lòng rười rượi những vũng tối âm thầm
và một niềm đau khổ không duyên cớ. Ai đã để quên đâu đó những năm tháng thanh
xuân và tuổi trẻ cơ hàn không hề có hố thẳm tuyệt vọng, cho nên bây giờ lang
thang một mình lòng thèm muốn một hạnh phúc chân thật. Một nơi chốn trùng lai
của nụ cười và tiếng khóc lẫn lộn. Một mái nhà che núp những hoan lạc và một khu
vườn lướt thướt những vầng trăng. Cái đời sống phức tạp và mệt mề những nỗi khổ
mà chị thường than van trong lúc làm việc chung, lại là chính là điều mà tôi ao
ước được chìm đắm trong đó. Phải chăng mâu thuẩn luôn là một bài học lớn của con
người. Sự no đủ của người nầy lại là nỗi thiếu vắng của người khác. Một lần ở
trong sở làm, trước giờ làm việc, chị nói:
- Không
biết tại sao em vẫn thấy chán cái không khí gia đình này quá. Nó làm cho em bị
ngợp thở.
Tôi nhìn chị đăm đăm như nhìn một người đến ngoài giải ngân
hà. Tôi cố tìm kiếm một chút đùa cợt nào trên khuôn mặt hồn nhiên kia nhưng
tuyệt không nhìn thấy. Tôi hỏi lại:
- Chị không đùa chứ?
- Em nói thật.
- Có lẽ chị nói thật. Nhưng tại
sao?
- Ðã bảo với anh là em không biết. Lúc nào em cũng có cảm
giác mình là một con cá đang mắc cạn.
Tôi ngơ ngẩn. Chị vẫn thường có cách xưng hô làm bần thần
những người đối diện. Trong khi tôi có thói quen gọi người đàn bà có chồng bằng
chị, và nơi những sâu kín của tâm hồn kia, đố ai tìm thấy nỗi sầu thãm nào mà
chị đang muốn che dấu. Tôi nhớ nụ cười của chị. Nó có khả năng lôi kéo người ta
phải xích lại gần với những tan hoang và làm tan chảy những giá rét. Có lẽ, suốt
đời tôi không thể thanh thản được khi phải xa nụ cười đem nhiều ăn năn cho lắm
kẻ tội đồ.
- Chị khe
khắt với những gì tưởng chừng như hạnh phúc. Tôi nói. Có hàng trăm người đang
thèm muốn được như gia đình chị.
- Coi vậy mà không phải
vậy.
Tôi pha cho mình ly cà phê từ chiếc bình của hãng. Buổi
sáng mai có hơi sương bám trụ trên mặt kính và trong này nhìn ra, cuộc đời đẹp
ràn rụa những mộng uớc thời trai trẻ. Bây giờ đâu còn phải lúc để nhìn ngắm lại
cái quá khứ trầy trụa kia như nhìn lại một chiếc bông vụ. Nó đang chao đảo giữa
những vòng quay đầy bất trắc có tên gọi là cuộc đời. Một lúc nào nó sẽ dừng lại
và ngã xuống bên ngoài những niềm vui lao xao của người khác. Tôi không biết chị
đang có những mơ uớc nào và màu xanh nước biển từ đôi mắt kia có ẩm ướt một chút
thơ ngây nào hay không? Nhưng tôi biết chị không còn trẻ để có thể bay ra ngoài
cái phiền muộn mà chị đang có bằng đôi cánh yếu đuối của mình. Còn những giông
tố nữa. Liệu chị có muốn làm một kẻ lội ngược dòng để chống đối lại với những
thói quen và những quán tính?
Câu chuyện bị ngưng giữa chừng vì có vài ba người vào
phòng. Ly cà phê mang vị nhạt nhẽo vì thiếu đường. Ngoài sân, cây plum đang phơi
phóng những cành nhánh màu tím đậm đang lấp lánh màu nắng
sớm.
Có một chút rối rắm cố tình trên mái tóc chị và tôi nhìn
thấy ánh nắng phản chiếu trên những hỗn mang đó và đời sống sao đối với tôi đầy
gai góc dường ấy. Khi ly cà phê còn những cặn cáo dưới đáy ly và giờ làm việc
cũng sắp tới trong vài phút, tôi nói với
chị:
- Chị Măng Mai. Ðâu có ai vừa lòng với chỗ đứng của mình
đâu. Người ta thường đứng núi này trông núi nọ. Cái quan trọng là chị hãy thu
vén cho mình một bóng mát và an tâm thụ hưởng nó. Mai kia, nếu từ bỏ thanh xuân
mình, nhìn lại, chị sẽ thấy tiếc rẻ vì không biết trang trọng những gì đang có
trong tầm tay.
- Em vẫn biết như vậy. Chị nói. Nhưng không ai cấm mình
sống thực với tình cảm của mình. Nói thẳng ra, tại sao con người ta vẫn chạy
đuổi theo hoài một cái bóng của người khác? Trong khi lòng quặn thắt một trái
tim đau.
Tôi không thể trả lời hay lý giải cho chị một nan đề mà
ngay chính tôi cũng không biết làm sao thoát ra nếu tôi gặp phải. Vã lại tôi vốn
chậm chạp trong mọi tình huống. Nên cuối cùng rồi cũng không đi tới đâu. Tôi đi
theo chị để bắt đầu ngày làm việc mới với lòng rưng rưng buồn vì bỗng dưng dính
líu vào một hoàn cảnh chập chùng éo le giống như tiểu
thuyết.
Bây giờ tôi không còn thấy thanh thản để đi về một mình
trên đoạn đường quen thuộc. Có điều gì không ổn ở đàng sau những câu chuyện đứt
khoảng không đầu không đuôi kia. Tôi không chắc mình hiểu rõ tuờng tận một người
đàn bà.
Tại sao chúng ta không đứng bên ngoài niềm vui nỗi buồn của
họ và huýt sáo thán phục đời sống đầy những huyễn hoặc kia? Hãy để cho những môi
cười tự nó chất chứa những vị ngọt, thay vì nhấm nháp sự chua chát lấy từ những
xác nho hoang.
Sắp sửa hết một mùa thu, nhưng bên đường vẫn lác đác một
vài thân cây còi cọc, khô khốc thiếu vắng cành lá. Khung trời mang một vẻ buồn
rầu và người ta thấy thấp thoáng phía sau khu rừng thu phong là công viên của
hãng điện tử Texas Instrument. Nơi mà buổi chiều những con nai được nuôi trong
vườn đứng ngơ ngác nhìn ra xe cộ bên ngoài. Chúng đại diện cho một cõi nhân gian
có quá nhiều hạnh phúc. Cũng như chị. Vậy mà chị nỡ buông lời ta
thán.
Hôm tháp tùng theo nhóm vợ chồng chị xuống Louisianna chơi,
tôi nghe chị trách móc:
- Bộ em già lắm hay sao mà anh cứ gọi em bằng
chị?
Tôi nhìn anh Thái:
- Vì tôi gọi anh Thái bằng
anh.
- Nhưng anh Thái nhỏ tuổi hơn anh
mà.
- Có sao đâu. Tôi muốn được coi chị như một bậc... trưởng
thượng.
- Không dám đâu. Chị cười. Chuyện bảo lãnh của anh đi tới
đâu rồi?
- Mọi thủ tục đã xong. Chờ phỏng vấn và lên danh sách
chuyến bay. Chắc sớm nhất cũng sang năm tới.
- Thời gian ở đây trôi qua tất bật. Một năm không có là
bao. Anh Thái nói. Anh Học có thích đi xem người ta sát phạt nhau
không?
- Tôi không mấy thích. Thủa nhỏ tôi chơi bầu cua cá cọp
trong mấy ngày Tết, khi thua nhà cái hết tiền lì xì, tôi về khóc mấy ngày. Tôi
tiếc rẻ và đau khổ không kém một người hà tiện trong mấy câu chuyện ngụ ngôn vừa
đánh rơi đồng xu trong túi áo.
- Chúng tôi thì khác. Có dịp là chúng tôi xuống đây thử
thời vận. Hai vợ chồng khác nhau nhiều thứ, nhưng nỗi đam mê thì giống
nhau.
- Ăn hay thua?
- Khi ăn khi thua. Nhưng thua nhiều hơn ăn. Em thì không
ham đánh bài. Chỉ khoái kéo máy. Lúc nghe những đồng nickel rơi xuống, lòng thấy
hân hoan và yêu mến cuộc đời ngắn hạn này vô
kể.
Chị Măng Mai ngã mình trong chiếc nệm xe, mắt lim dim mường
tượng về một âm thanh làm vỡ tung mọi ngóc ngách u trầm mà đời sống này che dấu.
Không phải ai cũng có một tâm hồn đơn sơ như chim bồ câu, ở giữa cuộc đời đầy
muông sói. Và tôi ngạc nhiên về những lời chị vang lên, ướt át như thể tất cả
đều được vớt lên từ lòng biển. Người đàn bà bốn mươi lăm tuổi và nhìn thấy những
lạc thú nhỏ mọn nào nơi khung kính chiếu hậu của xe? Hay chị muốn lục lọi tìm
kiếm một nỗi đam mê nào khác ngoài những vang động đem đến nguồn vui thơ trẻ
kia. Lời nói của chị làm tôi liên tưởng đến Bao Tự, người đàn bà làm khuynh đảo
ngai vàng của vua Kiệt ngày xưa, và chỉ cười vui khi nghe tiếng lụa
xé.
- Chắc tôi phải ghé một lần cho biết. ỞỰ Louisianna có
gì?
- Có sòng bạc nổi trên hồ Lake Charles. Anh Thái nói. Ðúng
ra là một con tàu được người ta dùng làm nơi giải trí. Nó cách bờ không xa. Luật
của thành phố cấm bài bạc trên đất liền. Nhưng ở dưới nước thì cho phép. Anh sẽ
nhìn thấy nơi đó tất cả mọi trò chơi mà dân có máu me đều hài lòng. Ăn uống,
nhảy nhiếc và mọi thú vui của địa ngục.
- Giống như Las Vegas?
- Sòng bạc ở Las Vegas lớn hơn và quy mô hơn. Người ta
thích sống bằng hi vọng làm giàu chỉ trong một vài tiếng đồng hồ. Thành phố này
cung cấp những hi vọng đó. Mọi người đều bình đẳng và đều an tâm trong việc đỏ
đen. Không sợ ai quấy rầy hay cướp giựt. Ở đó có những mối tình chớp nhoáng
trong bàn rulết và cũng không thiếu những cuộc chia tay nóng hổi bên ngoài chiếu
bạc. Cho nên anh sẽ không ngạc nhiên khi thấy có nơi dành cho những lễ cưới và
cho những cuộc ly dị cấp tốc. Người ta đồn đãi một câu chuyện tiếu lâm rằng
khung cảnh cờ bạc linh động và đặc sắc đến nỗi vị Linh Mục lúc ban phép hôn phối
cho cô dâu chú rể, một tay cầm Thánh Kinh, còn tay kia thì kéo máy rột rạt. Ðúng
với chủ trương: “Người người kéo máy, nhà nhà kéo
máy”.
Tôi không hiểu những trò chơi hao tốn sức khỏe và tiền bạc
kia đem lại những lạc thú lâu dài nào cho một số người. Nhưng nếu ai cũng nghĩ
như tôi thì làm gì tồn tại một nơi chốn làm thay đổi bộ mặt kinh tế của một
thành phố đang phát triển theo cả hai nghĩa bóng và
đen.
Hoàn cảnh không cho phép tôi tham dự vào cái không khí đã
từng quyến rũ vợ chồng chị Măng Mai. Xuống Louisianna tôi bị cảm vì gặp phải đám
mưa nhỏ lúc ghé chợ ăn sáng. Những viên Tylenol được đem theo phòng hờ trong
xách tay của một người bạn trong nhóm không đủ làm cho tôi tỉnh táo
hẳn.
Trong khi mọi người túa ra mọi phía để “tranh thủ” thời
gian còn lại cuối tuần, tôi nằm lại phòng để gặm nhắm nỗi quạnh quẽ đem đến từ
những giọt mưa thu. Mưa thì nơi đâu cũng giống nhau. Nhưng những gì lắng xuống
trong tâm hồn mỗi người để tạo nên niềm vui hay nỗi buồn có mang dáng vẻ
khác.
Ðêm về sáng. Trên những tàn nhánh lấp lánh nước mưa, ngọn
đèn đường thả xuống mái che nơi thềm khách sạn ánh sáng giống như một vầng
trăng. Ðêm không hoang phế như chính những lề đường chìm khuất nơi góc trời. Nơi
dẫn xuống bờ hồ và những con tàu chứa bài cũng nằm về phía đó. Giờ này chắc chị
Măng Mai đang bơi tới bơi lui giữa những chiếc máy chớp nháy ánh đèn gợi cảm,
cùng nỗi đam mê làm chị quên mệt mỏi, và đang hồi hợp chờ đợi những âm thanh làm
nở hoa một thứ hạnh phúc, có lẽ. Tôi hình dung khuôn mặt rạng rỡ của chị cúi
xuống lòng máng đang tuôn chảy những đồng nickel. Tôi nghe tiếng xe chạy vụt
qua, ném trên giấc mộng chập chờn của tôi tiếng bánh xe nghiến rít trên mặt
đường. Tôi tỉnh ngủ hẳn, cảm thấy thèm một hơi thuốc làm ấm buồng phổi. Khoác
vội chiếc áo lạnh phòng hờ hơi lạnh tàn đêm, tôi xuống đường đi bộ sang khu
Plaza bên kia tìm một quán xăng còn mở cửa. Mưa còn lất phất như hơi
sương.
Khi trở lại, vừa cúi khom châm thuốc trong lòng bàn tay,
tôi thấy một bóng người ngồi co ro trước tam cấp, trong bóng tối nhòe nhoẹt như
thể đêm không muốn hiện diện trên nỗi buồn của con người. Người đàn bà quay lưng
lại phía tôi và hai tay ôm trước đầu gối không ai khác chị Măng Mai. Không biết
sao chị trở về một mình giờ này khi cuộc vui chưa hết. Khi đến gần, tôi gọi
khẻ:
- Chị Măng Mai.
Chị quay lại đáp về phía tôi nụ cười buồn. Có phải tia nhìn
đang ẩm ướt những giọt lệ hay tôi tưởng tượng ra để làm phong phú một đêm sâu?
Tôi không hình dung ra chuyện gì xảy ra đàng sau khuôn mặt hoang mang kia. Vả
lại, tôi không quen nhìn một người đàn bà
khóc.
- Anh ngồi xuống đây đi, anh Học. Chị
nói.
Trước khi ngồi xuống cạnh chị với sự bối rối không kém, tôi
thấy mưa còn ướt át trên mái tóc rối bời và vầng trán hồn nhiên của chị. Hình
như chị đi bộ rất lâu trước khi về lại đây.
- Anh Thái đâu? Sao chị về một
mình?
- Anh Thái còn chơi. Anh ấy đang thua. Mấy người kia cũng
vậy. Chúng em vừa cãi nhau.
- Chị có muốn tôi đến đó khuyên anh ấy và gọi anh trở về
không?
- Không phải chuyện ăn thua. Chúng em cãi nhau vì chuyện
khác. Em có bằng chứng anh ấy ngoại tình.
- Hồi nào?
- Cả tháng nay. Người tình cũ của anh ấy lúc em chưa qua
đây. Em cứ ngỡ anh ấy đã chấm dứt liên lạc.
- Chị có nghĩ tình cảm của anh ấy đối với người kia giống
như một cơn mưa bóng mây?
- Em làm sao biết. Ðàn ông mau quên và dễ nhớ. Người ta nói
tình cũ không rủ cũng tới, là vậy.
Và chị bật khóc. Tôi lúng túng không biết phải an ủi như
thế nào. Dầu sao, khóc được, chị sẽ nguôi ngoai phiền muộn. Gió gởi tới cho đêm
những mịt mùng, cùng những vì sao trên kia như những con mắt nhân chứng nhìn
xuống chỗ hai chúng tôi ngồi. Có một lúc, đầu chị vô tình nghiêng hẳn vào vai và
tôi vừa biết những lọn tóc thơm ngát mùi hương kề sát một bên má. Tôi run rẩy,
không chắc mình có thể chia sớt với chị những phiền muộn hay làm rối ren thêm
một nỗi niềm. Nhưng chắc chắn là tâm hồn tôi đang hấp hối, khi tôi thẫn thờ cúi
xuống hôn lên vầng trán vừa ngước lên của chị. Tôi đã vượt qua cái ranh giới mà
cuộc đời trần trụi này cho phép.
Chị gởi trả bức thư lại cho tôi, trước khi tôi kịp thu xếp
để đi. Tôi bồi hồi mở vội lá thư được gởi từ địa chĩ
gió:
”Anh yêu,
Có gì để anh phải lo toan quá vậy? Anh không muốn làm hoen
ố một tình bạn thì thôi, can cớ gì anh phải bỏ đi. Bộ anh nghĩ rời khỏi đây lúc
này là ra khỏi luôn đời em được sao, nếu em chưa cho phép? Ðùa thôi. Dù sao anh
cũng còn cái gánh nặng ở Việt Nam mà anh phải cưu mang. Giống như cái thập tự
giá mà anh thường nói với em. Chúng ta hãy vác nó đi cho hết cuộc đời này. Vì
nếu bỏ cái cũ để thay bằng cái mới chắc gì đã êm ái hơn? Em không nỡ bắt anh
quay lưng lại với một hoàn cảnh mà dù muốn dù không anh cũng có bổn phận phải
thu xếp cho xong một lần. Anh là con ngựa già ủ rũ (như anh tự nhận- chớ em
không nói thêm) với hàm thiếc dây cương. Và hai lá vả che hai bên mắt. Anh chỉ
còn con đường trước mặt để đi tới, không được nhìn ngang dọc. Em thì khác. Em đã
có một kinh nghiệm về một đổ vỡ. Em không ngại ngần để tiếp xúc với nó một lần
thứ hai. Nhưng nỗi đau dù có dịu dàng đi chăng nữa, dù sao vẫn là nỗi
đau.
Tuần tới, có nghĩa là trước ngày Thanskgiving một ngày, em
về Việt Nam, và ở lại đó ba tháng. Thời gian không dài lắm nhưng đủ để em quên
được những gì tồi tệ ở đây. Và quên luôn được anh trước khi anh quên em. Cái ông
nhà văn Maugham gì đó đã nói tình yêu nó không biết lội. Em nghĩ có lẽ đúng. Nó
sẽ chết chìm đâu đó ở giữa biển khơi. Và em sẽ tập làm người đàn bà sống cô đơn
trước khi mọi sự về phía anh được ổn thỏa. Hãy hứa với em, là anh sống hạnh phúc
với người anh yêu dấu mà không lâu nữa sẽ đoàn tụ với anh. Và đứa con gái mà anh
nói giống như Thiên Thần. Ðừng bao giờ để xãy ra những cơn giông, dù nhỏ. Vì anh
đâu có còn thơ trẻ để chạy đôn đáo dông dài mà không thấm
mệt?
Em không muốn cường điệu tình yêu của hai chúng ta. Nhưng
quả thật em muốn thấy anh ra tiễn em ở phi trường. Chắc anh không đi lạc đường
để em ngồi chờ mõi mòn trên mấy băng ghế vô tình và người qua kẻ lại dập dìu mà
em tưởng ngồi giữa sa mạc? Em muốn được khóc trên vai anh một lần chót. Dầu gì
chúng ta cũng có một chút nợ nần với nhau. Bây giờ là lúc phải trả. Em không
chắc là em còn có thể khóc mùi mẫn như đêm nào ở sòng bài về, và anh lấy gì để
lau ráo những giọt nước mắt? Những giọt lệ mặn chát có đủ sức làm lành lặn những
vết thương lòng hay làm rát bỏng thêm những trầy trụa từ trái tim đau? Còn những
chiếc hôn? Tưởng chừng hời hợt nhưng sao lấp kín cả một quá khứ dường
ấy?
Anh hãy tạm gác qua một bên cái mặc cảm phạm tội mà anh
thường đeo đẳng trên cổ. Không ai bắt anh phải chết cho một tình yêu cuối đời
nếu anh không muốn. Cũng không ai muốn anh chặt đứt những gì liên hệ, dính dáng
đến cái hạnh phúc nhỏ mọn mệnh danh là gia đình mà anh thường nhắc nhở. Nhưng
cũng đừng dối lòng mình để quay lưng với một nỗi buồn dịu dàng mà chúng ta
thường mong muốn ngụp lặn trong đó. Nỗi buồn có những gai góc đâm nhức buốt tâm
hồn già cỗi của anh và em. Ðêm đêm anh có cầu nguyện cho
em?
Ước ao gì em có sức mạnh của đức tin bằng hột cải như anh,
để dời được những hòn núi hệ lụy ngăn chận giữa chúng ta. Nó làm cho chúng ta
cách xa nghìn trùng và không hề thấy nhau, dù đôi lúc gần trong gang
tấc.
”Ái tình mạnh như sự chết”. Kinh Thánh đã nói. Nên em không
thể làm khác hơn những gì em được phép làm. Em không biết em sống được ở Việt
Nam và đi qua đời này mà không cần một nỗi quan hoài nào hay không? Và không
chắc em sẽ quên anh như đầu lá thư em đã viết. Nhưng chắc chắn, và luôn luôn ở
trong sâu thẳm của trái tim em có chất chứa nụ cười buồn rầu của anh. Của con
ngựa già mà bây giờ chắc đang lang thang tìm kiếm cho mình một đồng cỏ an bình.
Hãy giữ mãi nụ cười đó. Nó không làm vui đời kẻ khác, nhưng với em, nó đủ sức
trì kéo một tâm hồn bị chấn thương và rách rưới cúi gần xuống hạnh
phúc...”
No comments:
Post a Comment