phạm ngũ yên
(Gởi Người Nằm Xuống/ Mục sư TRẦN XUÂN
HÀ)
Hãy để tôi như một cái ấn nơi lòng
chàng
Như một cái ấn trên cánh tay
chàng
Vì, Ái tình mạnh như sự
chết.
(Nhã
Ca, đoạn 8 câu
6)
1.
Nơi một góc phố nhìn ra con đường chạy ngang khu Little Sài
Gòn, hôm qua sương mù che kín một vùng công viên của người Việt Tị Nạn. Trạm xe
buýt đầu ngày lướt thướt trái tim đầy những mưa bụi. Vài người Việt Nam ngồi co
ro ngồi chờ xe nhìn ra dòng mưa buổi sáng dưới những ngọn đèn muộn. Dưới những
nụ hoa đêm còn khép nép trong khi cuộc đời mang trên vai nó một dòng sinh lực
không hề cạn.
Mỗi thành phố đều có một đời sống riêng và một dáng vẻ
riêng. Westminster cũng vậy. Những cây Italian Cypres có những ngọn mượt mà xen
lẫn những lùm cam trĩu trái, khi tôi trở về Cali. Tôi đi qua những con đường
quen thuộc dẫn đến những địa chĩ mang hơi hám Việt Nam. Những linh hồn Sài Gòn
và những trái tim miền Nam chứa đầy diệp lục
tố.
Những con đường nào tôi đã đi qua lạ xa mà rất gần gũi.
Những hàng quán mang dáng dấp một Sài Gòn- Chợ Lớn xưa. Nhìn đâu cũng thấy người
Việt và người Tàu qua lại, mua bán. Cười nói. Nhìn đâu cũng thấy những dòng chữ
quảng cáo quen thuộc gợi nhớ một miền Nam sung túc an bình. Hình như trên vỉa hè
sáng nay, tiếng chim kêu không ngớt một thời mê sảng của quá khứ. Thời của những
bàn tay nằm thổn thức trong những bàn tay. Cùng những bước chân quấn quít đuổi
theo những thơ ngây đã mất. Từ mảnh sân nhà ai xanh rực một bờ cỏ tương tư,
những chùm hoa thạch thảo đang trở trăn một mùa thu đã
chết.
Không có hơi thuốc lãng mạn nào bay quanh quẩn trên chiếc
khăn len người tình để nhớ về một vùng trời thanh xuân Ðà Lạt, và tâm hồn ai
đang nhức nhối một quá khứ đau buồn. Hãy
tưởng tượng một hôm nào trái tim không còn biết thổn thức một tín hiệu trong
lồng ngực già nua khô khốc. Trong khi bàn tay run không thể vươn ra vói hái
những trái cây đời. Hãy tưởng tượng một hôm nào đi qua khoảng sân xi măng quạnh
hiu, nơi có những chiếc lá vàng khô mới vừa rụng xuống, lòng trống vắng nụ hôn
giờ chia tay. Và cuộc đời nghe áo não những hồi kèn thua
trận.
Buổi sáng nay cũng vậy. Ly cà phê ngập ngừng trên môi rét
căm của người bạn và chúng tôi cùng ôn lại một chút quá khứ tàn phai của ngày
xưa. Ngôi trường cũ. Thời mới lớn biết tương tư đuổi theo những tà áo dài trắng
cùng lớp, lòng không tin những chuyện hoang đường. Những bài thơ viết vội không
dám trao đi vì nghi ngờ lòng thành khẩn của mình không bay xa hơn nhịp đập của
một cánh bướm. Năm một ngàn chín trăm sáu mươi lăm. Những người con gái ngày đó
bây giờ vẫn còn đẹp khi gặp lại. Chỉ duy có tình yêu bớt đi những nồng nàn. Quá
khứ nào cũng ủ chất men làm chết ngất những ly rượu đời và em sang sông như một
loài sáo.
Có một chút lướt thướt của mưa và một chút gió thổi về làm
ly cà phê lạnh tanh. Hai con chim bồ đậu trên chụp đèn trước một quán ăn. Chúng
chia xẽ cùng nhau một chút rét mướt đồng lỏa. Bên kia công viên mặt hồ mù mịt
như bị cuốn trôi theo những màn sương. Hai vòm cây không còn lá cong đầu vào
nhau. Hai người trẻ tuổi nơi cửa ra vào cũng châu đầu vào nhau thầm thì. Quá khứ
son trẻ hiện về làm nhói một chút trong tim.
2.
Buổi sáng đầu tuần mát rượi một không khí Ðà Lạt. Bậc thang
mênh mông về khu Chợ Hòa Bình đầy người. Thiếu vắng màu áo len xanh trên thềm
đường dẫn xuống bến xe đò trước rạp Ngọc Lan. Nắng trở mình xô giạt những cánh
lá. Tâm hồn tôi đang thênh thang một cõi sương mù mộng mị. Nghe lạnh ùa về làm
nhớ một bàn tay.
Ngày nàng theo chồng không có một vuông thiệp gởi qua đường
bưu điện. Người lính không đợi chia tay mới tập biết thất tình. Bài hát ngày nào
nghe lạc lõng giờ nghe như ám đúng vào tôi:
Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mãi
Ðời chia như nhánh sông
……………………………………..
Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong
chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn
Ngày nhà em pháo nổ,
Tâm hồn anh rướm máu
Ôi nhát chém hư vô
……………………………………
Anh một đời dong ruổi
Em tay bế tay bồng
Chiều hắt hiu xóm đạo
Hồi chuông giáo đường
vang.
(Chuyện Tình Buồn/ Phạm Văn
Bình)
Khi tôi quen nàng, tôi chưa biết uống cà phê và chưa biết
hút thuốc. Giờ khi xa nhau, tôi đã biết tường tận cả hai điều đó. Ðời sống quân
ngũ làm cho người ta tập nhiều thói hư tật xấu. Những đứa con trai vào đời mang
trong lòng một chút kiêu bạt. Một chút buông thả. Vì họ muốn làm người lính chai
sạn, trưởng thành.
Một người đi là xa hẳn. Khó lòng để tìm lại trong ý ức cũ
một màu áo rực rỡ. Tôi nhớ tiếng cười của nàng trong veo giữa từng sợi nắng.
Nàng đã mười tám hay mười chín tuổi? Đâu có ai đếm được thời gian trên môi của
người con gái, khi tóc chưa cháy và mô vẫn thắm màu? Nhưng đã có thời tôi uống
say những hương sắc đó như người ta nhấp quá đà một hơi rượu
cay.
Khi tôi biết về nàng, tôi chỉ là một gả con trai vừa rời bỏ
tuổi thơ để cuốn theo dòng đời. Qua những cơn mưa mùa thu úa vàng, mùa hè cũng
vừa bằng bặt tiếng ve.
Tuổi thơ tôi chạy đuổi theo một con đom đóm lăng thinh bay
qua vườn nhà ngoại. Ánh sáng thoi thóp từ bụng của nó làm đau mảnh trăng rằm.
Bên giếng khuya ai khua gàu múc nước?
Tuổi thơ tôi cũng chạy đuổi theo cánh diều chao đảo trên
không. Ðuôi của nó vướng víu trên hàng dây điện. Tôi buồn như chưa hề biết vị
ngọt của đời. Thời gian sững sờ khôn lớn.
Người đàn bà ra khỏi đời một người đàn ông, luôn để lại
những bão tố.
Tình ta như hàng cây
Ðã yên mùa bão gió
Tình ta như dòng sông
Ðã yên ngày thác lũ
Thời gian như ngọn gió
Mùa đi cùng tháng năm
Đuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại
Kìa bao người yêu mới
Ði qua cùng heo may
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại...
(Thư Tình Cuối Mùa Thu/ Xuân
Quỳnh)
3.
Ngồi bên
nhau trong quán cà phê giữa một ngày mưa bão, đôi lúc chúng tôi không nhìn thấy
hết được vẻ diễm lệ của thành phố California. Con đường Westminster đang có
những cây anh đào non mới vừa ra hoa. Ðây là lần thứ hai chúng tôi gặp nhau tại
Quận Cam. Và là lần cuồi cùng gặp nhau trong
đời.
Anh Trần
Xuân Hà đang là một Mục Sư Baptism. Ngày còn ở Việt Nam tôi và anh là hai tín đồ
Tin Lành. Cùng có chung một quá khứ sôi nổi những mối tình bèo bọt. Cùng khoác
áo Truyền Tin khi vào quân ngũ. Cùng làm việc chung một quân trường. Anh bên Trợ
Huấn Cụ của Trường. Còn tôi Huấn Luyện Vô Tuyến Viễn Ấn. Anh giải ngũ trước tôi
vài năm vì phổi của anh có vấn đề- nghĩa là có vết nám- Anh là một người rất đẹp
trai. Ngày còn học Trung Học, anh có hình chụp được trưng bày làm mẫu tại tiệm
ảnh Tây Hồ, trước phòng Thông Tin Vũng Tàu. Bây giờ, nhìn lại, thấy anh vẫn còn
những nét quyến rũ của một người đàn ông đẹp trai. Ngoài vẻ đẹp của dung mạo,
anh còn chụp hình, vẽ rất giỏi và biết thêm điêu khắc. Ðã nhiều lần, anh dùng
bàn tay tài hoa của mình để trang trí nhà thờ trong những dịp lễ lạc. Nét cọ của
anh xữ dụng mang một màu sắc mạnh mẽ, dứt khoát. Giống như tính tình
anh.
Cũng nên nói thêm một tài năng khác ở anh là anh nói chuyện
rất lưu loát. Chính điều này đã nhen nhúm trong lòng anh ước vọng trở thành Mục
Sư sau này.
Sau ngày
miền Nam sụp đổ, tôi trở về Vũng Tàu sống cùng gia đình. Gặp anh đang trở thành
thợ sửa đồng hồ. Tiệm tạp hóa Hồng Hoa đã không còn bán đồ tạp hóa. Anh là con
trai lớn của ông bà Hồng Hoa và có một bàn sửa đồng hồ tại đó. Nhiều khi đi
ngang tiệm, thấy anh đang chăm chú sửa chữa, bất chợt anh nhìn ra thấy tôi. Tôi
ghé lại ngồi nói chuyện mưa nắng cùng anh. Những chuyện đổi đời, chuyện ai còn
ai mất. Những lòng người mênh mông mà trái tim như neo thuyền, không bến đậu.
Những ngày Chủ Nhật ngồi cùng anh trong nhà thờ Tin Lành. Sau đó ra ngồi ở quán
cà phê của Tăng Nhuần. (quán cà phê chỉ bán buổi sáng và đóng cừa sau mười hai
giờ trưa, nằm trên góc đường Lý Thường Kiệt và Nguyễn Thái Học, kề bên hãng nước
đá Nam Long). Ðôi khi chúng tôi ra ngồi ngoài bãi biển, buổi chiều sau khi rảnh
việc. Anh có một ước mơ bình dị nhưng cũng rất lãng mạng khi một lần anh tâm sự
với tôi là, bao giờ được định cư tại Hoa Kỳ, hành động đầu tiên là anh và tôi sẽ
gặp nhau dưới chân Tượng Nữ Thần Tự Do ở Nữu Ước. Chúng tôi sẽ sờ tay lên trên
những phiến đá mang hơi thở cũa Tự Do. Ðể biết rằng đời sống này Hạnh Phúc không
phải là điều không thể với tới được. Hạnh phúc là một điều có thể sờ thấy được
bằng tay và nhìn tận mắt.
Rất tiếc, mơ ước tầm thường đó không xãy ra. Không bao giờ
có dịp xãy ra.
Chúng tôi
cùng được định cư tại Hoa Kỳ trước sau một năm. Anh đi theo diện ODP, do nhạc
phụ anh là ông Trần Văn Thông (?) bảo lảnh. Ông Thông là cựu Huấn luyện viên đội
tuyển túc cầu quốc gia thời Ðệ nhị Cộng hòa. Còn tôi đi theo diện PIP, vì vợ tôi
làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ.
Chúng tôi không tiên liệu được những khó khăn về công việc
làm ăn, về những dịp tiện để có thể đi từ tiểu bang này sang tiểu bang khác. Nó
không đơn giản như một người Việt Nam đi từ Vũng Tàu lên Sài Gòn hay từ Sài Gòn
lên Ðàlạt. Nước Mỹ bao la quá. Cơ hội và thời gian có thể đến với người này mà
không đến với người kia.
Lúc tôi
còn bận bịu sinh kế tại Austin, thì nghe tin anh vào học ở Thần Học Viện Tin
Lành. Một thời gian sau anh trở thành Mục Sư Hội Thánh Baptism tại vùng Norway,
California, cách Santa Ana về phía Bắc chừng 30 phút lái
xe.
Về Cali
thăm anh lần thứ nhứt, tôi có nhắc đến chuyện gặp nhau dưới chân Nữ Thần Tự Do.
Anh chỉ cười và nói mình chờ một ngày nào khác. Cuộc đời còn dài mà. Quả cuộc
đời cũng còn dài thật. Năm đó chúng tôi chưa đến
60.
Một hôm,
trên đường điện thoại viễn liên có tiếng của anh gọi đến: “Tôi đi thư viện
Norway thấy tác phẩm Hoa Bluebonnets Cho Hai Người của anh trong đó”. Tôi ngạc
nhiên: “Làm sao sách của tôi lại trôi giạt đến đó được?” “Không biết” Anh trả
lời. “Norway là một quận nhỏ mà có sách của anh thì hi vọng nơi khác cũng có”.
Tôi đáp: ”Hi vọng như vậy”...
Lần khác, anh cũng gởi đến cho tôi sự ngạc nhiên, cũng trên
đường dây viễn liên: “Tôi mới vừa nghe Bích Huyền đọc bài thơ của anh trên đài
VOA”.” Bích Huyền là ai?” Tôi hỏi. “ Là người phụ trách chương trình phát thanh
đài VOA bằng Việt Ngữ tại quận Cam”. ”Bài thơ tựa gì vậy?”.”Tôi không nghe kịp.
Anh Hà trả lời. Tôi ở ngoài sân bước vào thì nghe bài thơ đang đọc. Hình như nội
dung đề cập đến sinh nhật của con gái anh. Chị Bích Huyền đưa lên chương trình
nhân ngày Father’s Day, cùng với một số bài thơ khác. Chị ấy cũng không biết anh
ở đâu nên có vài lời xin lỗi tác giả”. “Khỏi cần. Mai mốt qua Cali tôi tìm gặp
cô ấy để bắt cô dẫn chúng mình đi uống cà
phê”.
Tôi nhớ bài thơ tôi viết trong thời điểm lang thang ở Sài
Gòn, trong những tuần lễ trước khi rời Việt Nam. Tôi viết một mạch bên hông Nhà
Hát Lớn (Hạ Nghị Viện). Giữa tiếng rao vặt, tiếng xe cộ huyên náo, tiếng cười
nói của những trẻ nhỏ chơi quanh đấy. Bầu trời xanh chới với những đám mây trên
đầu. Có tiếng chim ríu rít trên một khung cửa tò vò. Bàn chân ai vừa dẫm lên
những vĩa nhựa đường nóng bỏng, thoi thóp một thời phồn
hoa.
Bài thơ nói lên tâm sự của một người cha trong thời đại xã
hội chủ nghĩa Việt Nam, nghèo túng không có tiền để mua cho con món quà ngày
sinh nhật. Bài thơ gởi đăng trên báo Văn của Mai Thảo, tháng 8 năm 1991, có tựa
là “Mùa Mạc Lan Cuối Cùng”. Mạc Lan là tên của một loại lan hoang dã bên vệ
đường Đà Lạt. Có thể Bích Huyền trích từ những trang báo đó
chăng?
Sau này khi trở lại Cali lần thứ nhì. Tôi và anh Trần Xuân
Hà và Bích Huyền tình cờ găp nhau nơi tòa soạn Nhật Báo Người Việt, đường Moran.
Chị Bích Huyền đặt đài phát thanh trong cơ sở của nhật báo Người Việt. Mỗi buổi
sáng chị đến đó để làm chương trình phát đi. Giống như một định mệnh. Tôi nhắc
lại bài thơ. Nhưng Bích Huyền đang bận nên không đưa chúng tôi uống càphê như
tôi đòi hỏi. Tôi cho chị nợ và nói thêm “kiếp sau sẽ trả”. Bích Huyền lúng túng
không dám trả lời. Văn chương chữ nghĩa đã là một cái nợ đời. Tại sao lại còn
làm khó khăn nhau bằng một cái nợ khác? Tôi nghĩ và đọc thơ Nguyễn
Bính:
Lòng tôi rối những tơ
đàn
Cao vời những ước đầy tràn những
mơ
Lòng cô chẳng có dây tơ
Ước thì thật thấp mà mơ thật
nghèo
Hồn tôi giếng ngọt trong
veo
Trăng thu trong vắt biển chiều trong
xanh
Hồn cô cát bụi kinh
thành
Ða đoan vó ngựa chung tình bánh
xe.
Rời khỏi tòa soạn báo Người Việt, tôi và Trần Xuân Hà đi
uống cà phê.
Vẫn quán cà phê quen lần trước. Trần Xuân Hà vẫn tươi tắn
tráng kiện. Vài câu nói đùa với nhau trong khi ký ức vỡ òa những chuyện xưa.
Những chuyện không đầu đuôi và cũng không có thứ tự. Nhớ đến đâu chúng tôi nói
đến đó. Mái tóc của anh lúc đó đang sớm những sợi bạc bên thái dương. Còn tôi,
may mắn hơn và chỉ có một vài sợi bạc vài năm sau, khi xãy ra biến cố 9-11.
Nhưng đã có một chút mông mênh của sóng trong tâm hồn hai chúng tôi. Ðã già quá
rồi phải không? Tôi hỏi. Anh cười: “Người xưa nói 60 mươi năm cuộc đời. Người
nào qua tuổi 60 mà còn tồn tại ngày nào thì coi như được Bonus của Chúa ngày
đó”.
Tôi không nghĩ đó là câu nói hay nhứt và cuối cùng của một
người bạn nói cho một người bạn. Nhưng bây giờ hồi tưởng lại, đó là câu nói hay
nhứt của anh mà tôi nghe được. Ðôi khi tôi không nghĩ anh là một Mục Sư. Vì tâm
hồn anh còn lãng mạn quá. Anh chưa đứng hẳn về một phía nào của cuộc đời. Giữa
trần tục và thanh thoát. Giữa đạo và đời. Nhưng tôi vẫn thấy mến anh nhiều nếu
anh vẫn là một tín đồ đơn thuần như ngày còn ở Việt Nam. Tôi sẽ thoải mái san sẽ
lòng tôi với một người bạn thân thay vì phơi bày ra với một người Chủ Chăn Bầy.
Tôi cũng sẽ sôi nổi để bàn luận cùng anh về những nhân sinh quan không dính líu
đến một niềm tin nào, ngoài niềm tin về con người và cuộc đời. Tôi sẽ mạnh dạn
ngồi xuống với anh trong một quán xá bên đường và ồn ào kêu một hai chai bia để
cùng cụng ly như ngày xưa từng ngồi tại bờ biển cũ. Tôi sẽ nghe giống với anh
nhịp đập thổn thức từ một buồng tim non yếu, giống như nhịp vỗ triền miên của
sóng vào ghềnh đá. Vào khoang thuyền. Trong khi cuộc đời ngây ngất ngoài
kia.
Ðôi khi chúng ta không đi qua đời sống này bằng một khung
cửa hẹp, như khung cửa của Chúa Giêxu từng khuyên bảo môn đồ. Nhưng chúng ta sẽ
khó lòng vượt qua những bất hạnh, những chông chênh với cõi lòng thanh thản để
ca ngợi hạnh phúc luôn miệng. Vì chúng ta là con người trần trụi trước những cám
dổ dung tục.
Cho nên, tôi không thể không đau lòng khi nghe tin người
bạn thân, Mục Sư Trần Xuân Hà đã đột ngột về với
Chúa.
Anh được Hội Thánh Baptist tại vùng Waynesville, North
Carolina mời về giảng Lời Chúa. Ðang lúc đứng trên bục giảng sáng ngày chủ nhật
cuối tháng 5. 2005 anh đã quỵ xuống vì chứng tai biến mạch máu não. Trên đường
đưa vào bệnh viện, anh đã mất.
Chúa đã rước một tôi tớ Chúa về nhà của Ngài một cách yên
thắm.
Hình ảnh của anh Trần Xuân Hà trong phong cách hầu việc
Chúa, gợi tôi nhớ về những nén bạc và người quản gia trong Kinh Thánh. Thiên
Chúa đã đặt trong tay anh tài năng, ân tứ và việc phụng sự Ngài. Giống như những
nén bạc để anh làm hành trang trên đường Thiên Lý. Anh đã làm hết sức của anh và
kết quả là những nén bạc đã sinh lời cho Ngân Quỹ Nhà Chúa. Cánh đồng của Chúa
đã chín vàng. Nhưng con gặt thì thiếu. Ngày niên thiếu anh mơ ước được làm một
con gặt của Chúa trong mùa gặt, gánh những hạt lúa bội thu về cất trong nhà kho
Trên Trời. Những mơ ước khi còn ở quê nhà kia là những mơ ước không vinh quang
và rất nhục nhằn- đã chạm đến tầm tay anh khi ra hải ngoại. Nhưng buồn thay, Quỹ
Thời gian dành cho anh thì đã hết. Anh lặng lẽ và tuân phục trở về với
Chúa.
Khi viết những dòng này, tôi lục lại trong tài liệu cũ lưu
trong computer của mình, tìm thấy những dòng tâm sự anh viết cho bạn bè, cho
ngôi trường miền biển của chúng tôi, cho một tình yêu mờ nhạt thời niên thiếu.
Anh cũng viết cho vợ mình, người phụ nữ thủy chung đi cùng anh suốt một đời
thăng trầm, qua những đổi thay vinh nhục. Những dòng tâm sự chói lòa một định
mệnh và cũng khép lại một định mệnh. Tôi xin trân trọng gởi đến bạn đọc đã từng
yêu mến văn chương tôi, hãy đọc ở anh, để nhìn thấy một mặt khác của đời sống
trong đó. Để ngậm ngùi với một lòng thuyền không kịp chở hết một mùa
trăng.
Những dòng tâm bút của anh, rất ngắn. Nhưng chín ững một
tình người.
*Xin trích từ Trần Xuân
Hà
NHƯ CHUYỆN CỔ TÍCH (Vài kỷ niệm vụn vặt, xin dành cho những
người tình cũ)
1. Gợi Nhớ Ngày
Xưa
Hôm nay 28- 04, một trong những ngày dân mình lưu lạc tại
Hoa kỳ và nhiều nơi trên thế giới, kỷ niệm năm thứ 28 ngày bắt đầu bỏ nước ra
đi.
Tình cờ đọc các thơ trao đi gởi lại của các người bạn (bạn
của bạn mình), những người từng cùng chia sẻ buồn vui dưới mái trường Trung Học
Vũng Tàu thân yêu, khi họ tìm cách nối lại sợi dây liên lạc đã đứt, hoặc gián
đoạn, khi “on” khi “off” từ gần ba mươi năm nay, lòng mình se lại, dường như có
một chút buồn len lén bước vào tim, phải chăng đó là kỷ niệm tuổi học
trò?
Các bạn thân mến, có lẽ mình cũng từng ngồi chung một bàn,
cùng chung một lớp, học chung một thầy với một số lớn các bạn có tên trong các
thơ đó; nhưng không phải Trung Học Vũng Tàu, khi mà cơ sở nhà trường đã được xây
thành hình chữ L (với hàng chữ đắp bằng xi-măng khá lớn bên cánh dơi: TRI ÂN
THIẾU TƯỚNG LÊ VĂN VIỄN), hay hình chữ U như sau nầy; mà lúc nó chỉ mới được xây
lại vì đổ nát, sau trận bom đồng minh đánh hụt thành “Ông Dem” (11ème R.I.C.)
bên kia đường, năm 1945.
Bấy giờ ngôi trường chỉ có một dãy, song song với Rue De
Laboussière (nay là Ðường Lý Thường Kiệt), có bốn lớp học, kể cả Lớp Tiếp Liên
do Thầy Minh “Rờ Que”, ở đầu dãy, gần sân bóng chuyền và Văn phòng Hiệu
Trưởng.
Ðọc “ké” thơ các bạn gởi cho nhau, kỷ niệm thời thơ ấu chợt
về trong tôi. Phải chăng kỷ niệm “ăn theo” hay chính là kỷ niệm của riêng mình?
Tôi tưởng mình vẫn đủ tư cách hoài niệm về ngôi trường cũ đầy kỷ niệm đó kia
mà!
2. Tình Chỉ Ðẹp Khi Còn Dang
Dở.
Câu thơ nầy, cho đến hôm nay, hơn nửa thế kỷ sau khi được
thi sĩ Hồ Dzếnh viết ra, tôi thấy vẫn còn hợp thời. Ðọc thơ các bạn, mình nhận
ra trong từng câu gợi nhớ, một bàng bạc nuối tiếc những cuộc tình không trọn.
Nào là mối tình vô vọng với hoa khôi lớp học của người con trai đầy mặc cảm thua
thiệt; tình sôi nổi như cơn sóng (thần) ngầm của cô học sinh mới lớn, với người
thầy trẻ vừa ra trường; tình cao thượng của người học trò với ông thầy cũ trong
vai trò đồng nghiệp, gặp lại nhau tại một tỉnh lỵ miền cao. Ôi! Có gì hạnh phúc
cho bằng “Tha hương ngộ cố tri”. Tình của những bạn ráp nhau thành cặp uyên ương
xứng lứa vừa đôi, từng làm ganh tị nhiều bạn trang lứa, những tưởng họ sẽ dìu
nhau đi suốt cuộc đời, nhưng lại gãy gánh giữa đường, và cũng phải kể luôn đến
những mối tình chung thân (khổ sai hoặc hạnh phúc) cho đến ngày nay. Tất cả
những cuộc tình thành hay bại đó cũng đều để lại dấu ấn khá đậm trong tim người
trong cuộc, và bây giờ nếu được phép hỏi lại, có lẽ tất cả đều biểu tỏ nuối tiếc
những xúc cảm thơ ngây ngày nào, mong ước gặp lại nhau để nhìn lại hình bóng
cũ.
Thiển nghĩ, các bạn tiếp tục gặp nhau trên E-mail như bấy
lâu nay, hình ảnh người trai hào hoa, hùng dũng, người em nhỏ bé, dịu dàng, thơ
ngây sẽ vẫn còn sống mãi trong tâm khảm; nhưng nếu gặp nhau chắc sẽ không ít
thất vọng. Thà đừng gặp nhau có lẽ tốt hơn. Thật, “tình chỉ đẹp khi còn dang
dở”!
3. Con Ðường Mang Tên
Em
“Con Ðường Mang Tên Em” là tựa đề bản nhạc rất phổ thông
đầu thập niên 60. Bài hát bắt đầu bằng câu: “Kể lại chuyện hai chúng mình, khi
em với anh...” Các bạn đã nhắc lại chất giọng khàn đục của Kim Hoa, cô ca sĩ học
sinh đầy triển vọng, từng làm nhức nhối nhiều con tim mới biết yêu. Cho đến hôm
nay, tuổi mình đã vào ngõ “tri thiên mạng”, mà vẫn còn nhớ ngày đó như mới hôm
nào. Ðó là chuyện hai chúng mình trong bản nhạc, còn chuyện của riêng hai chúng
mình cũng không phải là chuyện vui, cuộc tình chúng mình không là cuộc tình lãng
mạn; nhưng chắc chắn là thơ mộng. Thơ mộng vì nó không phải là tình đầu của anh
và em, mà cũng không phải là cuộc tình cuối để thành vợ chồng. Nó thoảng qua
cuộc đời mình như ga xép dọc đường tàu, hình như có một chút thiếu hụt và uẩn ức
bàng bạc nào đó mà anh không nhận ra.
Ngày xưa, như chuyện cổ tích, có một chàng họa sĩ lãng tử,
phiêu bạc giang hồ, đến khi mỏi gối chồn chân, dừng lại quê nhà, gặp người con
gái vẫn còn dáng dấp e dè vụng dại và (khi không lại....) thương người ta. Tình
yêu nhẹ nhàng và trong sáng, không tỏ tình, không ước hẹn. Cũng vì mối tình
pha-lê đó, chàng ghi lại trên khung bố, bằng chất liệu sơn dầu, cảnh con đường
nhỏ, hai bên hai hàng bàng lá đỏ đặc thù quê hương, và ngay điểm mạnh của bố cục
1/3, là người con gái trong tà áo dài màu huyết dụ, đang bước đi mờ ảo gần cuối
đường, như điểm hẹn cuộc đời chàng chọn. Nếu bức hoạ sơn dầu đó đáng gọi là tác
phẩm, thì tác phẩm có tên là “Con Ðường Mang Tên Em”. Nhưng thực tế không hay ho
như vậy, “Ðường chẳng riêng hai chúng mình, nên khi vắng anh, đường đã thay
tên”.
Bức tranh hiện không biết vào tay ai. Con đường đó ngày nay
vẫn còn bên chân Núi Lớn quê mình; chàng hoạ sĩ đó, giờ đây tóc đã điểm sương,
có lần trở về thăm lại con đường xưa, lòng chàng ngậm ngùi vì mọi vật đều đổi
thay. “Người xưa năm ấy, nơi nầy còn đâu!” (Thơ
TXH)
4. Người Em Gái Tôi
Thương
Tôi không tin số mạng, nhưng dường như có một trùng hợp
ngẫu nhiên giữa tên em và cuộc đời. L.H., tên em có nghĩa là biển nước mắt, vậy
làm sao vui cho được?
Những ngày chớm thu, Vũng Tàu không vui cũng không buồn,
trời chỉ chợt nắng chợt mưa, chỉ có tiếng xào xạc lá bàng rơi, thuỳ dương vi vu
trong gió.
Lần cuối ngồi với em tại sinh tố Phương Lan, đầu chợ cũ,
gần mười một năm trước, là một chiều thu như vậy. Im lặng thật lâu, em chỉ hỏi
tôi: Hôm nào anh chị đi? Tôi trả lời bâng quơ: Vài hôm nữa. Còn tôi, thay vì hỏi
thăm gia đình em, về Phát, chồng em, tôi chỉ hỏi: Em lúc nầy ra
sao?
Hôm đó vai em gầy hơn, đôi tay em mảnh hơn trong một cơ thể
vốn đã gầy và mảnh mai từ nhỏ. Em cho biết là em đang đau. Từ lâu, anh biết sức
khoẻ em không tốt lắm, mà hạnh phúc cũng không trọn vẹn. Anh cũng chẳng hỏi em
đau ra sao.
Cũng tiếng nói ngập ngừng như ngày đầu gặp anh, giọng kim
pha đồng đó, cũng đôi mắt u uẩn đó, nhưng ngày xưa, khi trên sân khấu, em hát
nhạc tình với tất cả trái tim rực lửa của người con gái thời chiến loạn. Anh
từng ngồi nghe em hát; nhưng chưa bao giờ là thính giả của em tại Trúc Giang,
nơi mà bấy giờ hằng đêm em có một vai trò khá bận rộn, nơi mà Thái Châu cũng
từng có mặt; nhưng nhiệm vụ anh chàng vẫn còn nhỏ bé lắm so với
em.
Mẹ em thương anh, anh Long của em cũng mến anh. Long và anh
học chung nhau từ lớp Ba tại trường sân vận động, từ khi gia đình em rời Sa-đéc
đến đây định cư. Các anh gọi anh Long là Long Sa-đéc, để phân biệt với Long
Bình-mực là vậy. Từ đó, Long và anh học với nhau đến hết tiểu học. Sau nầy, kẻ
trước người sau vào quân ngũ, chúng anh gặp lại nhau trong quân trường và chung
ngành chuyên nghiệp.
Ngày đó, thỉnh thoảng đêm đêm, anh và các bạn đồng ngũ ghé
qua quán nhà của má em ăn chả giò. Món chả giò bà làm ngon thật, cuộn chả nóng
hổi dòn tan, thấm đẫm nước chấm vừa miệng. Lúc bấy giờ anh như người trong gia
đình em. Có thể lắm, má em và Long cũng muốn anh trở nên thành viên của gia đình
bà. Anh thương em từ đó.
Về tình yêu và tình thương anh rất rạch ròi; với em, anh
không bước qua ranh giới tình yêu mà chỉ dừng tại vị trí tình anh em thuần
khiết, và bằng tình cảm đó, anh giữ mãi cho đến ngày
nay.
Em vẫn là “người em gái tôi
thương”.
5.
Những Cây Ðiệp Sân
Trường.
Những cây điệp trong sân trường chúng tôi, bông điệp không
là loại bông đẹp, chỉ là những sợi tua tủa non mềm như chùm bông ráy tai của
người thợ hớt tóc; tôi còn nhớ như in, đến mùa, rụng tím sân chơi. Chúng tôi
thường gọi loại điệp nầy là cây còng, hay cây me tây. Không biết nó có mặt nơi
đây tự bao giờ; nhưng lúc chúng tôi lên lớp nhì, lớp nhất, được về đây học, thì
đã thấy chúng nó đứng đó, và bấy giờ, thân cây đã cằn cỗi, vỏ cây cũng đã nức
nẻ, xù xì lắm rồi.
Hai hàng điệp im lặng đứng đó, đã là chứng nhân nhẫn nhục
của nhiều thế hệ tuổi trẻ Vũng Tàu, vô tình đến, rồi đi như những dòng sông
nhỏ.
Tôi chỉ biết lớp cao nhất và xưa nhất tại đây, dưới tàn
điệp nầy, là lớp Nhứt ông Ðốc Dương (1947-1948). Thầy Dương mặc quần short, áo
chemise tay ngắn, giày Bata. Thầy dạy thật giỏi, thường ngồi trên bureau khảo
bài học sinh, trò nào được gọi lên bảng, mà làm sai, thầy phóng xuống, đá vào...
đít, bất kể nam nữ, làm cô cậu học sinh chúi nhũi. Giờ đây, nhớ lại những ngày
ấy, mình thấy thầy cô quá nặng tay với học trò; nhưng đó không phải là những
trận đòn hận thù, mà là yêu thương. Từ lớp của thầy, sau nầy có những người ra
đời thành đạt, như Bác Sĩ Quân Y Trần Cao Ðễ, Dân Biểu Hồ Văn Minh, Nhạc sĩ
Khánh Băng, Mục sư Trần Văn Lang, và nhiều... nhiều anh chị khác nữa, trong
thương trường, giáo dục và nhiều lãnh vực
khác.
Hai hàng điệp vẫn đứng đó, vẫn chứng kiến các lớp anh chị
ra đi, lớp anh chị mới đến, tới thế hệ chúng tôi, rồi các em, cũng tiếp tục đến
rồi đi...
Những năm tôi học nơi đây (1952-53), trường chỉ dành cho
nam sinh cấp tiểu học. Dưới bóng điệp già nầy, chúng tôi chơi đánh trổng, bắn
đạn cu-li, đánh bông vụ, lại còn đá banh nữa. Nhưng nhộn nhịp nhất là thời gian
Thầy Ðoàn Kỳ Quận, mà chúng tôi thường gọi thân mật là Anh Ba Quận, vừa tốt
nghiệp Trường Thanh Niên Thể Thao Trung Cấp, về làm Huấn Luyện Viên Thể Dục,
kiêm Văn nghệ cho nhà trường. Ngày ấy, sân chơi, giữa hai hàng điệp, nhà trường
dựng lên khung sắt lớn dành cho môn leo giây, hai bên có xà ngang, xà đôi, gần
đó có hố cát hỗn hợp cho hai bộ môn nhảy cao và nhảy xa, lại còn có một giàn đu
gỗ nữa. Từ đó, nơi đây, cũng dưới sự chứng kiến lặng lẽ của hai hàng điệp nầy,
chúng tôi thích thú được Anh Ba Quận “hành hạ”. Làm sao không thích thú cho
được, khi bọn con trai chúng tôi được tung tăng thoả thích trong giờ thể
dục?
Giả từ Tiểu học, chúng tôi ra đi như đàn chim nhỏ. Một số
đông các bạn ở lại chờ trường mở cấp Trung học, nên phải chịu trể mất một năm.
Trường Trung Học Vũng Tàu bắt đầu thành hình với mấy lớp Ðệ Thất. Những năm nầy,
hàng điệp già bắt đầu được chứng kiến những tà áo dài trắng nho nhỏ dễ thương,
thấp thoáng trong sân chơi; nhưng có thể chưa có mối tình con nào xuất hiện, cho
đến vài năm sau nầy.
Ngày đó, tôi không còn ở đây, nhưng chắc chắn dưới bóng
hàng điệp im lìm nhẫn nhục, có những cuộc tình đầu đời nở hoa, những hò hẹn,
những lá thơ nắn nót trên giấy học trò, trao vội cho nhau, cũng có những nụ cười
và nước mắt của các bạn, của các em.
Thời gian bình thản trôi qua, các thế hệ học sinh cũng qua
rồi lại qua. Thời cuộc đẩy đưa, hôm nay, một số các bạn vẫn ở lại quê nhà, số
khác “lang thang như người Do-thái”, lưu lạc kẻ đông người tây trên khắp cùng
trái đất, cũng không ít bạn đã đi về cõi vĩnh hằng bình yên; nhưng hàng điệp
ngày nào vẫn đứng đấy, vẫn tiếp tục làm chứng nhân cho các thế hệ con cháu chúng
mình.
Hàng điệp già vẫn còn
đó!
TXH (May, 2 .2003)
Những ngày mưa bão
Cali
Em yêu dấu,
Dường như
lâu lắm rồi, anh không còn thói quen viết cho em những dòng chữ thế nầy, như anh
đã từng làm trong thời gian đầu mình mới quen
nhau.
Trời Cali hôm nay chớm thu, dù ánh nắng hạ gay gắt vẫn còn
lẫn khuất đùa nghịch, chợt đến, chợt đi, như tính nết bất thường đáng yêu của cô
bé mười bảy năm nào.
Hơn ba mươi năm rồi chớ ít ỏi gì, nhưng anh thấy dường như
chỉ mới hôm qua. Ngày đó, Saigon cũng vừa vào thu, nắng đã dịu, nhưng bầu không
khí vẫn còn nồng mùi đất ẩm sau cơn mưa. Em tròn mười bảy, anh hơn hai mươi. Lẽ
ra với tuổi đó, em vẫn còn được ngồi trong lớp với các bạn; nơi đó, sau hàng
song vuông cửa sổ, em vẫn có quyền thả hồn mơ mộng, dành đôi phút nhìn ra khoảng
trời thênh thang, bên kia đường Phan Thanh Giản, ngắm hàng sao đen, nghe lá nhỏ
tâm sự rì rào; lòng em có thể chùng lắng khi chợt nghe tiếng chuông chùa Xá Lợi
bên kia hông trường vọng lại, để liên tưởng đến tiếng chuông chùa Long Giáng
trong Hồn Bướm Mơ Tiên. Em có quyền, em có quyền tiếp tục hưởng cuộc sống êm đềm
bình thường như bất cứ thiếu nữ nào.
Nhưng số phận đã an bài, mẹ em đột ngột ra đi, và đây cũng
là lý do em phải từ giã khung trời mơ mộng, rủ bỏ ước vọng tương lai, như rời
khỏi tấm thảm hoa đang dệt dở dang trên khung cửi. Em phải rời bạn bè, rời
trường lớp thương yêu, rời tổ ấm gia đình, để ra đi tìm sống, như chim non lạc
đàn trong bão tố. Trong cơn bão đó, em gặp
anh.
Ngày đó,
anh cũng đã rời ghế nhà trường để vào quân ngũ như các bạn anh, như các thanh
niên thời chiến. Anh gặp em, chúng mình gặp nhau và yêu nhau. Anh không nghĩ
chuyện chúng mình là ngẫu nhiên. Mối tình của chúng mình không suông sẻ gì, nó
cũng trắc trở, và đầy thử thách. Nhưng để bù lại những bất trắc đó, nó cũng lãng
mạn, dễ thương. Và như em thấy đó, chẳng những chỉ lãng mạn và dễ thương thôi
đâu, chúng mình cũng còn được hưởng phần thưởng quí giá: dường như mỗi chúng ta
là con hình trong trò chơi Puzzle, mà chú bé vui mừng tìm được đúng hai mãnh ráp
khớp vào nhau, hai nửa mảnh đời đã tìm được nhau để trở nên
một.
Những ngày mới quen nhau, anh về lại Saigon của anh thời
học sinh, cũng là Saigon của em thời hoa mộng, cũng là vùng trời chung của nhiều
tâm hồn riêng lẻ. Anh đưa em thăm lại những kỷ niệm ngọt ngào của em, kỷ niệm
đời học sinh lưu trú của anh. Chúng ta uống lại ly nước mía Viễn Ðông, tìm hương
thơm vị ngọt ngày cũ; chúng mình đứng bên cội me già, ăn miếng phá lấu, viên
ruột vịt, quấn cặm vào que tăm, giản dị bình thường. Em yêu dấu, còn nhớ không,
những chiếc bánh mì cóc Bưu điện, dĩa cơm gà xé Thanh Bạch, ly sữa “soóc” Xuân
Hương, cốc kem Brodard, những món ăn thật tầm thường, nhưng ngày đó sao ngon quá
đi thôi! Bấy giờ, đối với chúng mình, sơn hào hải vị của vua chúa ngày xưa, yến
tiệc linh đình ngày nay, chắc chắn không thể nào ngon hơn. Ôi! Nhà ảo thuật đã
có thể làm chiếc khăn tay biến thành con bồ câu trắng bay ra khỏi chiếc nón như
thế nào, thì tình yêu và kỷ niệm của chúng mình cũng đã biến những điều đơn giản
thành quí giá, và hạnh phúc thăng hoa như vậy
đó!
Hôm đó, từ nhà Brodard, tay trong tay, chúng mình lang
thang trong lòng phố hẹp, khu phố cũ có một chút dáng dấp Paris, lại còn có lá
me bay bay trong nắng ấm nữa. Chúng mình ghé qua Phòng Thông tin Ðô thành, góc
Lê Lợi - Tự Do, nơi thường triển lãm tranh ảnh. Hôm đó, người ta đang trưng bày
ảnh nghệ thuật dự thi. Mình đến đây như những khách thưởng ngoạn vô tình. Cũng
vẫn tay trong tay, chúng mình nhởn nhơ ngắm từng tác phẩm mà không sợ thời gian
phiền nhiễu. Mình còn nhiều thì giờ bên nhau mà! Phải không
em?
Bấy giờ, dường như em đặc biệt chú ý đến những tác phẩm mà
tác giả đã hào phóng dành quá nhiều cho những khoảng không gian, mà chủ đề lại
bé nhỏ một cách không cân xứng. Hình như em xúc động. Em thắc mắc tại sao tác
giả lại chịu chụp ảnh một hai người nhỏ tí tẹo, đang gánh gồng, bước đi tại một
điểm nào đó giữa đồi cát bao la? Tại sao họ ghi lại hình ảnh chiếc thuyền nhỏ bé
đang nhảy sóng, như chiếc lá nhỏ trong chảo dầu sôi, được cố ý đặt tại một trọng
điểm mà chung quanh chỉ là mây nước? Tại sao tác giả tấm ảnh kia lại cho chú bé
lui cui bắt ốc tại một nơi xa lắc trên góc ảnh mà phần còn lại chỉ là bãi bùn
bên bờ nước đen? Tại sao và tại sao?
Ngày đó, anh chưa biết gì về nhiếp ảnh, nhưng có một chút
hiểu biết về bố cục hội hoạ và tạo hình. Tuy vậy, anh không lợi dụng những hiểu
biết ít ỏi về sơn cọ dao bay đó mà “hù dọa” em. Hình như lúc đó anh chỉ triết
lý: “Những khoảng trống đó được tác giả cố ý để làm nổi bật chủ đề nhỏ bé. Con
người nhỏ bé nhưng vẫn tồn tại trước thiên nhiên và hoàn cảnh, có lẽ đó lại lợi
thế của nhiếp ảnh so với hội hoạ. Em thấy không, dù con người nhỏ xíu trong
không gian rộng lớn, vẫn làm cho bức ảnh có ý nghĩa và giá trị, không khác nào
những khoảng trống có thể xảy ra trong cuộc tình chúng mình, nó chỉ làm tăng
thêm hạnh phúc khi chúng mình lại được gần nhau, miễn là em vẫn còn yêu anh như
bây giờ”. Anh nhớ, lúc đó em cấu vào tay anh và nói: “Xì! Anh xạo
hoài!”
Hơn ba mươi năm trôi qua như giấc
mơ.
Sáng hôm qua em soạn lại ngăn kéo đựng đủ thứ linh tinh mà
từ lâu lắm rồi anh không đụng đến. Trong giữa đám giấy tờ lộn xộn đáng cho vào
sọt rác đó, có một tấm ảnh cở 4” x 6” anh chụp hồi nào không nhớ nữa; anh chỉ
nhớ lúc đó máy ảnh anh còn tấm phim cuối cùng trong cuộn phim chụp gia đình mình
vào lễ Chúa Giáng sinh. Để lấy phim mang đi tráng, anh cầm máy ảnh ra sân chụp
con ốc sên đang bò trên lá huệ một cách tình
cờ.
Tấm ảnh không chụp ai, nên chẳng để kỷ niệm, cũng không
người sở hữu, anh lấy riêng ra để dùng ngăn trang sách đọc dở. Bây giờ thì nó
đang nằm trước mắt em. Cũng đôi mắt ấy, nheo lại như ngày xưa, ngày mà em ngắm
các tấm ảnh trong phòng triển lãm, giờ đây đã có con chim nhỏ nào vô tình bước
trên đuôi mắt để lại dấu chân. Cũng mái tóc đó, ngày xưa đen dầy, em có thói
quen hất ngược về sau mỗi khi muốn nói hay phản đối anh điều gì, nay mảnh hơn và
ẩn hiện những sợi xám như làn mây nhẹ. Em cười buồn, nhưng đầy vẻ hạnh phúc, em
nói: “Anh biết không, từ ngày mẹ mất, ngay cả khi thời gian mình sống với nhau,
có những khoảng thời gian em phải lặng lẽ độc hành như con ốc nầy. Nhưng bây giờ
thì em không còn ao ước gì hơn, em biết rồi, những khoảng không gian trống trải
trong cuộc đời chỉ có thể làm tăng thêm hạnh phúc cho những người thật sự yêu
nhau” như anh đã nói ngày nào.Em nhìn anh âu yếm. Phải chăng chân hạnh phúc là
đây? (TXH)
No comments:
Post a Comment