Monday, April 30, 2012

em về giông bão qua vai

phạm ngũ yên



1.

Khi những hoa sứ vẫn nồng nàn đậu trên phố đêm đêm, thì tôi đã xa Vũng Tàu thật lâu. Mảnh trăng vỡ trên đầu ghi dấu một mùa trăng tháng giêng cũng xa rồi. Làm sao để thổi tắt ngọn lửa trong lòng cứ cháy miên man về một tình yêu đầu đời. Làm sao để cho lòng cố quên khi con tim vẫn còn muốn nhớ?

Một ngày nào tôi không còn nghĩ về nàng. Liệu có được hay không? Trái tim dù có khô như lá thu, nhưng nó vẫn nằm im trong lòng ngực. Nên khi tình yêu không còn đươm hoa, tôi vẫn không thể quên được nàng dễ dàng.

Những chiếc ghe đi ra khơi khi trời tịnh yên. Và trở về vài ngày hôm sau. Mùi vị của muối làm rít róng cơ thể. Hương vị của Tết và mùi khói pháo còn lảng đãng trong không khí Người ta vẫn còn tiếp tục vui chơi trên những đoạn đường chạy dài ra phố. Mọi cửa hàng đều mở cửa bán lại. Hình như đêm tháng giêng dài hơn vì đã khuya mà tiệm quán còn mở đèn. Tôi ngồi ở quán cà phê góc đường Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Thái Học, nhìn ra gió đêm đang thổi tung những tá áo bên ngoài. Quán có tên là Anh Ðào (trùng với quán Anh Ðào ở Blao), vừa bán kem vừa bán cà phê, có ba cô con gái đẹp đứng bán hàng. Cả ba cô không biết có từng là nữ sinh của thành phố của tôi hay không, nhưng ít nhiều ẩn dấu trong mắt họ một chút trùng khơi và một chút nắng gió khi họ cười. Tùy theo tuổi tác của mỗi cô mà mỗi ngày đều có các cây si được trồng lên trong quán. Đa số các cây si gốc gác nhà binh.

Vũng Tàu là một thành phố biển. Thành phố nhỏ của du lịch đồng thời là một thành phố của quân trường. Các quân trường huấn luyện các ngành chuyên môn thời Cộng Hòa đa số đều đặt cơ sở tại đây. Trong phạm vi thành phố có Trường Quân Cảnh, Trường Thiếu Sinh Quân, Trường Sinh Ngữ Quân Ðội. Nằm phía ngoài một chút là Trường Truyền Tin, Trường Cảnh Sát Quốc Gia, Trường Xây Dựng Nông Thôn. Xa một chút nữa là Căn Cứ Hải Quân và một đơn vị nhỏ đào tạo Người Nhái tại Cửa Lấp, gần ngả ba Cầu Cháy. Ra khỏi Vũng Tàu, giáp ranh với Bà Rịa có Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp.

Những binh chũng không hẹn mà gặp nhau tại quán Anh Ðào. Hình như vậy. Ông bà chủ quán từng có thời là những trí thức của thành phố, tôi không biết hai người về Vũng Tàu làm làm ăn từ bao giờ. Chỉ biết là khi tôi chuyển về làm huấn luyện viên tại quân trường Truyền Tin thì tôi mới biết có một quán kem và cà phê có tên là Anh Đào. Quán nằm giữa Pharmacie Hoàng Mộng Giác và một căn phố riêng của gia đình Lý Thế Ký. Kem là thực đơn chính. Cà phê chỉ là phụ. Nhưng khách hàng lại thích kêu cà phê, thay vì gọi những ly kem ba màu, hay dâu tây có rắc đậu phong bên trên. Chỉ vì một mục đích duy nhứt là ngồi đồng trong quán càng lâu càng tốt.

Ông chủ quán dáng người tròn trịa, dể tính, không thấy làm gì hết, ngoại trừ ở trên lầu đọc sách và chơi dương cầm. Mọi chuyện do bà vợ và các cô gái quán xuyến. Lâu lâu ông ngậm ống vố, xuống lầu, ra đứng trước quán nhìn mông lung. Đàng sau khung kính cận thị kia là đôi mắt lơ đảng đang ghi nhận một đường chiều mịt mùng cùng những dáng người đang mệt mề cơm áo. Bụi bậm mỗi ngày như phấn mỏng phù hoa đôi lúc có làm ông xốn xang? Tôi không biết. Nhưng tôi biết tâm hồn ông đang bị dằn vật giữa những hạnh phúc mộng mị và những ốm đói cơ hàn. Của có và không trong một xã hội bị mất dần dà những tình người, những nhân cách.

Nghe nói ngày xưa ông yêu bà khi hai người còn là sinh viên. Khi mà cái thời sách vở và trường lớp không hoàn toàn là bối cảnh lãng mạng của đôi tình nhân học trò. Họ không còn cơ hội nắm tay đi qua những hàng phượng bên đường và thầm thì với nhau những lời lửa cháy. Mà họ chỉ còn kịp thổn thức vì những tiếng nổ trong thành phố. Những cuộc xuống đường hôm qua và những cuộc bắt bớ ngày hôm sau đã đẩy họ về một nghịch cảnh. Không có sự tròn trịa của một đám cưới và lời mừng trăm năm. Không có những bạn bè nhìn lên sân khấu để chia xẽ cùng họ một tương lai hồng và hạnh phúc vặm vỡ. Họ nắm tay đi ngược lại con đường mà đa số thanh niên thiếu nữ ngày đó từng dẫm lên, để đi trên những gai góc tự nguyện. Tâm hồn họ đang lạnh như sương và buồn như sông.

Bà vợ, dáng người nhỏ con, gương mặt còn phảng phất vẻ đẹp thời niên thiếu. Bà thường xuyên đứng trong quán, điều hành tổng quát công việc mua bán. Lâu lâu quan sát các “cây si” coi có la đà hay quá trớn với ba cô con gái rượu hay không. Các đấng nam nhi quyết tâm rình chờ cơ hội bà bận bịu trong bếp, bèn buông những lời tỏ tình với các cô. Có những lời tỏ tình được kết quả. Có những lời tỏ tình bay từ lổ tai này sang lổ tai kia, và đi vào quên lảng. Nếu ai đó được may mắn đôi chút, là bởi vì đã từng ”đóng hụi chết” triền miên cho quán từ ngày nọ sang tháng kia, thì sẽ được một vài cô ra ngồi nói chuyện lúc uống cà phê. Ðại khái là những câu hỏi thăm sức khỏe, hoặc điều tra nghề nghiệp một cách khoa học, như “dạo này anh làm ăn ra sao”.” Lâu không thấy anh ghé quán”. Hoặc “trí tuệ” hơn thì hỏi đã đọc “Ngày Sinh Của Rắn” của Phạm Công Thiện chưa? Hay phim “Người Tù Khổ Sai” của Papillon có màu sắc ảm đạm quá...” Nhưng đó là bối cảnh của trước ngày 30 tháng tư.

Hà là cô gái ở giữa những điều kể trên. Nàng bình dị và hơi yểu điệu. Nàng đẹp và mảnh mai như một cây sậy. Nhưng ngầm dấu đàng sau cái dáng điệu thục nữ kia là những quyết tâm dứt khoát. Tôi biết rõ điều đó khi tôi thân thiết với nàng.

Tôi đến quán uống cà phê, chỉ khi nào đi ngang thấy có nàng trong đó. Sau ngày mất nước tôi không còn thói quen ngồi nhâm nhi cà phê trong bất cứ một không gian hay bất cứ một thời gian nao, vì túi tiền không cho phép. Nụ cười nàng dành cho tôi, hình như không giống với nhiều người khác- (hay tôi chỉ tưỡng tượng). Ðôi lúc nàng có làm dáng, nhưng không phải vì vậy mà tôi không nhìn thấy sự tuyệt diệu của nàng. Trong lúc hai cô kia, Hoa, trang nghiêm hơn và ít cười (giống như mẹ nàng). Và Tuyền, cô bé có mái tóc “demi garcon” có đôi lúm đồng tiền trên má. Những khát khao về một lời tỏ tình nào đó đậu xuống trên mặt bàn tròn bằng mi ca sao giống như sự yếu đuối của một tình yêu mơ hồ. Giống như vạt mưa đang xối xả trên bờ thềm xi măng ngoài sân quán. Tôi thấy tôi mỗi lúc một bị đẩy xa ra khỏi đời sống quen thuộc của Hà, cùng những mênh mông ướt nhòa nỗi nhớ.

2.

Sau 30 tháng 4 tôi ít thấy những cô bạn gái thời niên thiếu của tôi. Một số lập gia đình phương xa. Một số bươn chải ngoài chợ đời để tìm cách nuôi con và nuôi chồng trong các trại tù CS. Một số khác vượt biên. Có biết bao dâu bể và mọi cô gái thanh xuân đang trôi trác về một định mệnh vỡ òa những tai ương. Tôi không nhớ hết và không biết được hết có bao nhiêu người bạn của tôi đã ra đi như vậy. Vì họ không từ giả tôi. Còn lại vài gia đình như gia đình Hà và những cô gái đang lớn khôn trên sầu đạo. Đàng sau quầy tính tiền, Hà vẫn nhìn tôi và cười thay cho lời nói.

Ðôi mắt nàng long lanh như những giọt cà phê màu sáng rụng xuống ly. Xa nàng nhiều năm, tôi không nghĩ rằng trong trái tim của nàng còn một chỗ dành cho tôi. Khi tôi quyết định không còn lang thang ở Sàigòn và sau đó từ khu Kinh Tế Mới Phú Mỹ trở về, Hà hỏi mượn tôi một cuốn sách, một cái cớ để nối lại những tình cảm đứt đoạn. Trong khi tôi mặc cảm về đủ mọi chuyện. Không ai có thể giàu có để tiêu pha rời rộng một khi đời sống khó khăn làm cho con người luôn bận tâm với những vật chất tầm thường nhất. Chỉ có một thứ để tiêu pha mà không dè sẻn, đó là thời gian.

Từ Sàigòn về, tôi “ăn bám” gia đình trở lại. Mẹ tôi bán lần hồi những tài sản dành dụm được trước kia, để cầm cự chờ thời. Danh từ chờ thời nghe sao nhục nhằn và phù phiếm quá.

Tôi khuấy đường bằng chiếc muổng nhôm mỏng manh. Tiếng nhạc nghe xa vời, như tiếng thầm thì của sóng biển xô vào bờ cát. Mùa xuân ngỡ ngàng vì cả nước đang “thay da đổi thịt”. Không còn những bài hát ươm mật tình yêu một thời mà là những bài hát dập dồn xung trận, đòi xẽ dọc Trường Sơn. Âm điệu mang hơi hám nhạc Tàu thời Mao Trạch Ðông phất cờ làm cách mạng văn hóa. Ngoài sân quán ngọn điện lầm lũi buông ánh sáng vàng khô xuống cơ ngơi của người thợ sửa xe đạp. Đó là người bạn học cũ của tôi. Anh đang hối hả thu dọn đồ nghề. Một người bạn học khác cúi đầu ghi chép trên bàn vé số. Dưới ánh sáng của mọi ngọn điện như vậy, là những nghị quyết. Nên cả nước mù căm hi vọng. Và mù căm cả tương lai.

Hà vẫn ngồi trước mắt tôi. Một tay nàng chống cằm. Tôi nhớ thời niên thiếu của tôi. Chưa biết đến tình yêu và ngày đó chắc Hà còn thơ dại ở Sàigòn. Ngày đó chắc Hà là một cô bé con còn ăn quà vặt nơi những gánh hàng rong bên đường. Tôi nhớ tiếng cười dòn tan của Hà. Một trong những cuốn sách tôi cho nàng mượn là cuốn Tầng Ðầu Ðịa Ngục, của Solzhenitsyn, phát hành trước ngày 30 tháng 4. Hình như người dịch là nhà văn Hoàng Hải Thủy. Nhiều chục năm trôi qua tôi quên mất một vài nhân vật và một số tình tiết. Chỉ biết rõ ràng là tác phẫm quá hay, làm tôi buồn và thổn thức một thời gian. Nhà văn Nga đã kể lại đời sống của tù nhân trong trại tù thời Staline. Một trong hàng ngàn trại tù Cộng Sản Nga. Ðời sống vật chất của tù nhân dĩ nhiên là thiếu thốn đủ thứ, trong khi tinh thần bị căng thẳng. Trong tù, mọi người đều bị theo dõi, rình rập ngày đêm và có thể bị đem đi hành quyết bất cứ giờ phút nào. Trong suốt mấy trăm trang giấy, tác giả đã chỉ cho độc giả thế giới bên ngoài một kinh nghiệm về chính sách cai trị của mọi chế độ cộng sản từ đông sang tây. Ðó là sự quản lý con người và họ luôn tự hào coi đó là một nghệ thuật. Nghệ thuật cai trị bằng sự đàn áp. Theo nhà văn Duyên Anh định nghĩa, thì danh từ quản lý con người, nhất là con người đang trong hoàn cảnh mất tự do- như trong các trại lao động khổ sai- gồm có bắt bớ, giam giữ, hỏi cung, tra tấn và thủ tiêu. Và cái nghệ thuật quản lý con người (hay tù nhân) sẽ lên đến giai đoạn cao nhất là không cho con người (hay tù nhân) có cơ hội để chống đối và nổi loạn. Ðó là kết quả chung cuộc và niềm hảnh diện tuyệt vời của mọi đỉnh cao trí tuệ. Trong đó có đỉnh cao trí tuệ Việt Nam.

Ðoạn cuối, bi đát nhất là cảnh tả đoàn xe chở tù đi Tây Bá Lợi Á làm khổ sai. Ðàng sau những năm dài khổ sai sẽ là sự hũy diệt. Vì rất ít ai bị khổ sai ở Tây Bá Lợi Á mà hi vọng sống sót để trở về. Những đoàn xe chở tù nói trên chạy ngang qua thành phố Mạc Tư Khoa, qua những đường phố đông đúc người qua lại. Giữa những ngày đông tuyết giá trơn trợt. Mọi người qua đướng nép lại. Họ lơ đảng nhìn chuyến xe vượt qua, không ai biết rằng bên trong lòng xe kia từng có thân nhân kém may mắn của họ. Những chiếc áo tù được vẽ bằng những con số mệt lã trùm lên những xác thân ốm đói, tuyệt vọng. Nhưng bên ngoài thùng xe được ngụy trang bằng những dòng chữ rất nhân đạo, rất tình người: “Xe chở thực phẩm cứu trợ”.

Tác phẩm không biết làm xúc động thế giới tự do bên ngoài như thế nào, chứ riêng tôi, những người đang sống trong hoàn cảnh Việt Nam sau một cuộc đổi đời đã vô cùng xúc động khi đọc xong.

Nhiều năm sau, khi còn ở trong nước. Còn ở trong lòng chế độ “ưu việt” của cộng sản, tôi đã hiểu thế nào là sợ hải và gian dối. Sợ hải làm cho con người học biết gian dối. Ðó cũng là một nghệ thuật cai trị và quản lý con người của chính quyền cộng sản, ngoài nghệ thuật làm cho bao tử con người lúc nào cũng thấy đói.

Một lần mẹ của Hà phàn nàn với tôi là đã cho nàng mượn những tác phẩm thuộc về “văn hóa đồi trụy”. Bà tỏ vẻ không bằng lòng về chuyện này. Tôi không biết trả lời với bà làm sao. May mắn vì tôi là bạn của con gái bà, nên câu chuyện dừng lại ở đó.

Vài lần tôi ra ngồi ngoài bờ biển, nhìn những cánh hải âu bay trên sóng. Mơ tưởng một cuộc đời bên kia Thái Bình Dương. Bầu trời xanh thẳm trên đầu và những gợn mây mềm mại không muốn bay đi. Như những số phận không muốn đào thoát ra khỏi nghịch cảnh. Ngày sẽ tàn, héo hắt vạt nắng xuân thì và tiếng chân mệt mõi trên bờ bãi nước ròng. Trong trái tim đứa con trai già háp vì đời đã căng chật một nỗi buồn. Nỗi buồn nào cũng đốt cháy mộng ước và ngăn trở mộng ước nở hoa. Một lần tôi tình cờ gặp Hà đang tắm ngoài bãi. Chiếc bikini màu đỏ như một đóm lửa khao khát mùa đông. Trong khi tôi khao khát một nỗi đam mê rất đời là được ôm Hà trong vòng tay. Hà có vẽ ngượng khi bộc lộ một phần cơ thể trước mắt tôi. Nàng không cười như mọi khi và tôi cũng ngượng, không muốn ngồi lâu. Tôi từ giả nàng để trở về.

Mùa xuân se sắt và mai mốt sẽ tàn như một mùa trăng. Những vì sao đêm có còn nhấp nháy trên trời để ngọn hải đăng có cơ hội quét ánh sáng của nó trên mặt nước no đầy bất trắc? Hà quyết định vượt biên sau đó. Người bạn đồng hành là Bé Tư, một thanh niên trẻ hơn nàng vài tuổi, cách nhà nàng một góc phố, từng yêu nàng say đắm. Trước ngày lên đường, Hà hỏi tôi có muốn đi chung hay không? Ðiều kiện là một ít vàng bỏ ra để phụ tiền mua dầu. Tôi ngẩn ngơ không biết trả lời sao. Lúc đó tôi vừa mới lập gia đình. Tôi không đủ tiền để tham dự vào một trò chơi ít nhiều may rủi. Tôi cũng không tin vào sự tháo vác của Bé Tư. Không tin chiếc ghe một block có khả năng vượt qua những gian nguy biển cả. Những niềm tin cạn kiệt theo thời gian trưởng thành của chế độ. Tôi chấp nhận một tình yêu tàn dần theo nỗi nhớ xanh xao của Nguyễn Bính:

“Người đi phương ấy sao mà lạnh

Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi...”



Và cũng như Nguyễn Bính, tôi oán trách nàng. Sự oán trách vô lý:

“Một trăm con gái thời nay ấy

Ðừng nói ân tình với thủy chung”

3.

Những mối tình đẹp tuyệt vời đi qua đời một người con trai. Hơn ba chục năm trước tôi trải tấm lòng của tôi ra như một tờ giấy trắng. Những tình yêu qua đời giống như những vết mực. Hơn ba mươi năm sau, những vết mực ngày xưa vẫn còn ngổn ngang trên trang giấy lòng thơ dại, như chưa hề bị mưa nắng làm hoen ố. Như chưa hề bị thương tật làm trầy trụa. Những vết mực vẽ xuống muộn màng một hạnh phúc hay sớm sủa một thương đau, đều là những bài học sống tuyệt vời.

Người đàn ông sáu mươi tuổi một hôm ngồi lại bên bến nước. Biển trước mặt và trời xanh trên đầu.

Mùa xuân Mỹ Quốc vẫn còn gió lạnh trên mái che, trên ghế ngồi. Những con hải âu bay chao đảo trong sương mù. Giống như tôi, chúng đang tìm kiếm một niềm tin hay tìm kiếm một quá khứ đã đánh mất? Ngoài kia con đường dẫn quanh co ra một khu siêu thị ồn ào. Có những khóm hoa màu tím xanh run rẩy như viền mắt của ai chờ đợi một bờ môi đắn đo đậu xuống.

Chuyến buýt công cộng từ đâu trôi giạt tới, ngừng lại. Một người đàn bà bước xuống cùng những bước đi an nhiên. Mái tóc tung xổ trong gió mai và trong sương sớm. Chiếc khăn choàng quấn hờ hững trước ngực bay ngược về phía sau. Ðôi môi màu đỏ như muốn cười cợt với những bộ hành đi ngược về phía nàng. Tự dưng tôi nhớ Hà vô cùng. Không biết nàng có tìm được bến bờ tự do như đã từng mơ tưởng? Tôi nhớ tiếng cười khoan dung của nàng. Ðôi mắt ngời sáng một nỗi tự tin và bước đi mềm mại như một con sơn miêu. Tôi nhớ đến dáng ngồi chống cằm trong quán cà phê quen thuộc của nàng. Nàng muốn tìm gì sau một mùa đông khi những hoa sứ rơi miên man bên kia đường đối diện? Hay nàng muốn tìm gặp một dòng sông, nơi sẽ bắt đầu cửa biển, để khoan thai giả biệt phố phường? Tất cả, đối với nàng, luôn là một ngày vui tiếp nối những ngày vui. Như một trường ca không có một nhịp buồn trong đó. Ðời sống tôi rồi sẽ ra sao, khi không có dáng dấp nàng bên cạnh?

Những ngọn lửa cháy trong lòng, muộn màng, sáng nay, khi những tươi mới của thanh xuân không còn.

Trong mờ ảo của sương, những cây đổ tùng như sậm màu hơn. Những cây Italian Cypress có ngọn nhọn hoắc chỉa ngược lên trời. Không khí gợi nhớ một Ðà Lạt mùa đông, khi tôi còn lính tráng. Một lần tôi đứng một mình bên thành cầu Thủy Tạ. Nhìn xuống mặt hồ Xuân Hương. Những khóm dã quỳ mọc tràn lan bên sườn đồi dẫn về khu nhà thờ Lớn đường Hai Bà Trưng. Màu hoa có một thời đã trở thành biểu tượng của thành phố núi. Ai đó đã thơ mộng hóa cho rằng Ðà Lạt là thành phố của tình nhân. Một thành phố buồn và “vừa đi đã mỏi”.

Mùa đông không lạnh nhiều như tôi tưởng. Trong khi vài thành phố phía bắc Hoa Kỳ đang có tuyết và tin tức trên truyền hình cho thấy Nhật Bản cũng có tuyết dữ dội. Những đụn tuyết cao gần đụng đầu người và Ấn Ðộ thì đang lạnh nhất trong vòng 70 mươi năm trở lại. Gió rít ngoài mái che. Những âm thanh lướt thướt va vào nhau giống như những tiếng thở hổn hển từ một tình yêu vội vàng.

Chiến tranh có làm mất mát nhiều thứ đồng thời cũng bù đắp nhiều thứ. Nhưng tình yêu thì không bao giờ. Tình yêu cũng như mây trời. Ðến rồi đi.

Người đàn ông sáu mươi tuổi -mà người bạn đời vừa dửng lại ở một chỗ rẽ- không còn cơ hội để ghi xuống một địa chĩ hoa dẫn về một căn nhà ai có bếp lửa sưởi ấm. Hay không đủ thời gian để rượt đuổi một mùa xuân vừa mất dấu bên đời. Mọi thứ đều trở thành muộn màng. Mọi tấu khúc đều trở thành sai nhịp.

Kinh nghiệm về một mối tình sẽ không giống nhau, như mùi vị của một ly cà phê trên đầu lưởi. Khi còn trẻ, người ta không thấy đau khổ nhiều vì đánh mất một món đồ giá trị. Chỉ khi về già, người ta mới nhận ra được cái giá trị của sự nắm bắt hời hợt. Cho nên nỗi buồn được nhân rộng ra.

Mùa này vẫn còn đó những cơn mưa. Một chút mưa ngập ngừng trên đường chiều hay ào ạt từ buổi sáng sớm sẽ giữ chân khách bộ hành trong quán cà phê. Ðể tìm trong cái rét ngọt của mùa đông một chút ấm áp của mùa xuân. Và ly cà phê đậm mùi sẽ lan tỏa trong một góc không gian nỗi thao thức không thành lời, không tên gọi.

4.

Mùa thu năm ngoái, khi Trần Nho Bụi (Trần Văn Minh- Rạch Dừa) từ Canada sang thăm tôi tại Austin, hắn tiết lộ về tin tức của Hà. Hình như Hà đang định cư tại Úc, và có một lần nàng về chơi ở Quận Cam. Hắn cũng không nói thêm về đời sống, hoàn cảnh của nàng, vì hình như Trần Nho Bụi chỉ biết điều này qua một người bạn khác, là Phạm Gia Trí, cũng dân Vũng Tàu, nhưng học dưới tôi nhiều lớp.

Lúc Hà rời VN, Vũng Tàu đang là tháng ba. Người ta nói “tháng ba bà già đi bể”. Có nghĩa là thời tiết tốt đến nổi một bà cụ đi thuyền ra khơi cũng bình yên, không hề say sóng. Thời gian Hà xuống ghe tôi có biết mang máng nhưng không bận lòng. Vợ tôi đang bị hư thai và tôi không còn lòng dạ nào để nghe ngóng về một chuyến đi.

Khi vợ tôi trở lại bình thường, cũng là lúc tôi nghỉ đến sự an nguy của nàng. Một người đi xa trong thời đó có nghĩa là sẽ mang theo những giông bão trên vai. Và những ký ức cũng sẽ ray rức hay biến dạng theo từng thời gian, từng hoàn cảnh. Tôi thầm mong nàng đến được bến bờ tự do và tìm thấy hạnh phúc như bao nhiêu người con gái khác.

Chiếc quán kem Anh Đào tôi không ghé lại một lần nào khi nàng ra đi. Nhiều đêm, có dịp tôi đi ngang qua đường Trần Hưng Đạo. Một góc đường khác nối với quán của gia đình nàng chạy thẳng ra biển, mang tên cũ là Nguyễn Thái Học. Đêm đầy gió mát và những vì sao lấp lánh trên trời. Tôi hình dung ánh mắt của nàng cũng giống như vì sao kia. Hai vì sao riêng tư của đời tôi, sẽ không bao giờ chìm khuất dù nhà cao tầng mọc lên hay mưa đêm dạt dào qua phố. Trên biển đời bao la, tình yêu của tôi dành cho Hà- nếu có còn sót lại trong trái tim nàng- hi vọng sẽ trở thành ngọn hải đăng để soi rọi hành trình.

Ngày xưa tôi yêu nàng say đắm, dù tình yêu của tôi gần như một chiều. Hà chưa từng nợ nần tôi một lời tỏ tình hay tôi nợ nần nàng một cử chỉ bù đắp. Nhưng hơn ba mươi mấy năm trôi qua, dù tôi đi qua gần hết một vòng tử sinh và qua bao nhiêu nẽo đường vinh nhục, tôi vẫn còn khao khát muốn gặp nàng để trả lại tiếng cười trong veo ngày ấy.

Vũng Tàu bây giờ nghe nói thay đổi nhiều. Những cây bàng già trên đường ra biển ít đi vì người ta đốn ngã chúng để mở thêm đường. Không biết những cây bông sứ trên đường ra Dinh Ông Thượng có cùng chung số phận?

Có những cung phách làm nên nhịp điệu một cung đàn xưa, nên tin tức về sự hiện diện của nàng, dù đang xa tôi gần một đại dương cũng đủ chạm thành một tiếng lòng thổn thức. Những chiếc lá me vàng hai bên đường Lê Lợi, có còn bay cả về đêm như tóc của nàng đêm giả từ phố biển?

Con hạc trắng cuối trời biết tương tư khi soãi cánh bay qua những lòng dâu bể. Nàng cũng vậy chăng? Trong khi tôi nghèo túng một tình yêu đến nỗi không thể bay được đến Úc Châu với nàng, chỉ biết gởi sang bên đó những tiếng cười từng làm một lời chim im bặt...

No comments:

Post a Comment