Monday, April 30, 2012

MỘT NGÀY CỦA MỌI NGÀY





VŨ CHÂU SA


(New Orleans LA)







Bầu trời đang trong xanh bỗng nhiên tối sầm lại. Đứng trong tiệm đưa mắt nhìn ra tôi ngước lên màn trời qua lớp cửa kiếng thấy xuất hiện những đám mây đen đang lờ lững kéo đến với mục đích giăng kín, bao phủ. Tiếp theo là những tiếng gầm gừ của sấm sét báo hiệu của một cơn mưa. Dựa theo sự đe dọa báo trước này thì cơn mưa sắp đến sẽ lớn lắm. Rời counter tôi vòng ra đàng trước kiếm mấy tấm carton mềm mỏng trải xuống nền nhà để tránh vấn đề trơn trợt vì lượng nước mưa từ ô dù hay áo đi mưa .v.v… do khách mang vào của mỗi lần trời đổ mưa. Bao nhiêu năm trong nghề tuy chưa từng gặp, nhưng chúng tôi quá rành rẽ qua bạn bè hoặc đồng nghiệp nên thà phòng còn hơn chữa.


Sống trong một đất nước tự do, nơi sự tự do nhiều khi trở thành quá đáng vì thế càng ngày ở đây càng đào tạo ra rất nhiều Luật Sư. Đã nhiều mà hình như người nào cũng bận rộn với công việc thì việc cẩn thận trong giao tiếp hàng ngày là chuyện mà chúng tôi đặc biệt cần quan tâm. Tuy hàng năm vẫn phải đóng tiền cho hãng để bảo hiểm đủ mọi thứ, nhưng chúng tôi vẫn chẳng bao giờ muốn họ phải lấy chính số tiền của mình đóng, rồi bù thêm trả lại cho khách.


Cơn mưa mới bắt đầu mà đã nặng hạt như thể có bao nhiêu nước đổ ập xuống bấy nhiêu, hay làm sớm nghỉ sớm. Mưa đã rơi mà sấm sét cũng vẫn chưa chịu nhường bước nên cứ tiếp tục gầm gừ khi to, lúc nhỏ và nạn nhân đầu tiên lãnh hậu qủa là hệ thống điện. Cũng may nó chỉ chớp tắt chứ không bị cúp hẳn. Vì nếu mất điện thì chỉ còn cách khóa cửa lại là tốt nhất và dĩ nhiên phải nhờ đến ánh sáng leo lét của đèn cầy. “Thà đốt lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa trong bóng tối”. Lúc “on” khi “off” làm hệ lụy cả đến cái máy bán xăng của chúng tôi. Đang ngon lành tự nhiên dở chứng không chịu work. Một mình ở tiệm lúc đó tôi thật sự rối trí vì trong hoàn cảnh ấy không biết phải làm sao. Chẳng lẽ bó tay chịu trận đóng cửa rồi ngồi nhìn mưa rơi thả hồn mơ mộng hoặc làm thơ? Cũng có lý lắm, nhưng thực tế “đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ” và vì thế tôi đành phải cố gắng tìm cách sửa mò với hy vọng cầu may máy hoạt động trở lại càng sớm càng tốt. Đã nóng ruột tôi càng cuống cuồng thêm khi nhận thấy trời mưa thường vắng khách thế mà số khách vào tiệm lúc ấy lại toàn những người không muốn mua bất cứ cái gì khác ngoại trừ việc đổ xăng. Tôi nhăn nhó đau khổ khi phải lắc đầu từ chối không nhận tiền từ tay họ.


Bồn xăng mới được fill up sáng nay. Xăng được trút xuống từ bồn lưu động của họ sang bồn nằm im dưới lòng đất của mình xong xuôi, cái bill sẽ được họ fax tới cùng ngày hay muộn lắm là ngày mai. Và chỉ năm, sáu hôm sau là phải lo cho họ món tiền lớn nhỏ tùy thuộc vào gía xăng thị trường. Tiệm nhỏ như chúng tôi và với mức giá trung bình thì tệ lắm cái bill cũng phải trên dưới vài chục ngàn. Mình mua xăng trả tiền một lúc, nhưng khi nhặt lại thì thật là nhiêu khê. Nhất là những lúc đang kẹt cần tiền, nhìn cảnh khách hàng ôm vào một bọc cent đỏ đứng đếm để đổ xăng mà ngao ngán. Cứ cái kiểu này thì mấy chục ngàn bao giờ mới lấy lại?. Bán xăng bỏ vốn ra thì nhiều, nhưng mức lời kiếm được ít lắm nếu có sự so sánh. Nhưng cũng nhờ, có kẻ này người nọ và lấy cái này bù cái kia nên cũng tạm sống.


Tuy chậm, nhưng xăng có ra thì tiền mới vào đàng này máy hư, xăng nằm im trong bồn không nhúc nhích, không bán ra được thì lấy tiền đâu để trả. Lại phải ứng trước chứ họ không cho mình nại bất cứ lý do gì để xin trả trễ, và cứ đúng ngày là họ lấy thẳng trong nhà băng. Không đủ nhà băng vẫn bỏ thêm trả trước, nhưng xong xuôi họ quay sang chém lại mình. Nghĩ đến đây tôi lại rầu rĩ và chỉ biết thở hắt ra. Mặc dù chẳng biết một tí gì về máy móc nhưng gặp những lúc chuyện xảy ra bất tử trong hoàn cảnh mình ên, tôi đành phải đóng vai người thợ sửa bất đắc dĩ. Cứ dùng “bàn tay năm ngón em hết kiêu sa” bấm lia chia, nút này không xong bấm sang nút khác. Máy có bao nhiêu nút tôi đều dí thử không để sót một nút nào. Bấm hết một loạt rồi tôi trở lại từ đầu, cứ thế và cứ thế. Nhưng có lẽ không phải nghề hoặc chữa không đúng bệnh nên dù loay hoay mãi mà máy cứ trơ ra. Đã vậy nó còn hiện lên hàng chữ nhấp nháy vừa vô duyên vừa dễ ghét “not in service”.


New Orleans đang trong mùa bão. Hàng năm, từ tháng này trở đi trời thường hay mưa. Mưa hầu như hàng ngày, không sáng thì chiều, không chiều thì tối mà không tối thì đêm. Khi to, lúc nhỏ. Có những cơn mưa bất chợt đến mau mà đi cũng rất lẹ, nhưng cũng có những trận kéo dài lê thê dai dẳng. Ngày mưa mặt trời đi vắng nên tối om và buồn hiu hắt, buôn bán vì thế cũng ảnh hưởng. Nhưng đã chấp nhận sống ở vùng bão tố nhất là vào thời điểm này thì mưa cũng phải chịu, chỉ cầu xin bão đừng đến viếng là bằng an rồi. Nhưng chẳng ai biết được ý Trời, ông vui thì nhờ ông buồn thì lãnh trọn.


Cơn mưa có vẻ nhẹ dần, mà cái máy vẫn ì ra. Đang lu bu khổ sở và vật lộn với máy móc mà vẫn chưa thấy tí ánh sáng nào loé lên, ngay lúc ấy một chàng thanh niên mặt mày không được sạch sẽ lắm mở cửa bước vào. “Lòng buồn mặt có vui đâu bao giờ”, thấy khách nhưng tôi chẳng muốn mở miệng chào hỏi. Anh ta cũng vậy, không nói một câu chỉ lặng lẽ móc trong túi ra một mớ tiền cắc rồi đặt xuống counter. Nhặt lại những cục quarter, số còn lại gồm một, năm, mười xu không cần đếm là bao nhiêu anh ta gạt cả về phía tôi và nói:


- Tôi muốn đổ xăng.


Máy hư, mấy chục còn phải lắc đầu huống chi một, hai đồng bạc cắc. Nhưng chưa vội từ chối vì tôi muốn trút đi một tí bực bội để vơi bớt cả khối đang nặng đầu lúc ấy. Liếc sơ mớ tiền, đoán khoảng trên dưới một đồng tôi nói.


- Bây nhiêu thì chỉ đủ để mua lon nước uống chứ làm sao mua xăng được.


Anh ta lắc đầu:


- Tôi không mua nước, chỉ cần xăng.


Tôi bực bội:


- Bằng này mà đòi đổ xăng thì được bao nhiêu?


Anh ta nói:


- Tôi chỉ cần đủ để chạy từ đây về đến nhà, vì nhà tôi không xa đây là mấy.


Vẫn còn giận cá nên tôi dồn hết bằm xuống thớt:


- Không có tiền đổ xăng, tại sao không đi xe đạp hoặc đi bộ?


Anh ta lặng thinh không nói, bây giờ tôi mới đưa tay chỉ lên tấm bảng dán phía trước “MINIMUM GAS PURCHASE: CASH PAY MENT -$2.00. CREDIT CARD PAY MENT -$10.00”. Ngó nhìn tấm bảng, lẩm bẩm đọc và đưa tay vơ lại số tiền, nhưng vừa quay đi anh ta vừa cằn nhằn, văng tục. Mặc kệ, tôi không quan tâm lắm vì chuyện này trong nghề đã lâu nó không còn là chuyện lạ. Tôi đoán, có một số lý do đối với những người đổ xăng ít. Mượn xe người khác nên chỉ đổ để vừa đủ chạy vài vòng không để dư giọt nào lúc trả xe lại. Chạy lúc nào đổ lúc đó chứ không muốn bỏ ra nhiều một lần ruột đau, bụng sót nhất là những lúc xăng tăng giá. Vỏn vẹn chỉ có bằng ấy sau khi đã vơ vét, lục lạo. Sợ xăng nằm lâu trong bình, xăng sẽ bay hơi và hao hụt. Vừa đủ cho một lần cắt cỏ (vì trạm xăng của chúng tôi tọa lạc tại nơi có đông dân cư ngụ) hay thử một đầu máy v.v…


Phải nói kể từ khi có tấm bảng, chúng tôi đỡ bực bội không cần mở miệng mà chỉ cần giơ tay ra chỉ vào đó khi gặp phải những trường hợp mua xăng như trên. Tấm bảng xuất hiện sau khi chúng tôi bị thua một “vụ kiện 35xu” mà Chánh Án là một ông Cảnh Sát.


Hôm ấy, một buổi sáng vắng vẻ. Những lúc không có khách tôi thường đứng sau lớp kính cửa sổ đưa mắt nhìn ra để xem mọi sinh hoạt diễn tiến bên ngoài. Chợt thấy một ông khách với chiếc xe truck to lớn kềnh càng, ngừng lại hình như để đổ xăng. Thấy có khách tôi trở về vị trí cũ và nghĩ thầm cái xe to như vậy thì tệ lắm cũng được vài ba chục. Ông ta mở cửa bước vào, với mấy tờ giấy bạc một đồng cầm sẵn trên tay. Chìa mớ tiền ông nói cụt ngủn:


- Ba đồng xăng.


Mất hứng, tay bấm máy miệng tôi lẩm bẩm “cái xe to như cái nhà mà đổ có ba đồng bạc.” Thế nhưng, chẳng những ông ta không đổ hết ba đồng mà ngưng lại tại con số 35xu. Tôi ngạc nhiên thắc mắc chờ đợi. Trở vào tiệm, ông ta đòi thối lại vì đã xong. Tôi hỏi:


-Cái xe như vậy mà ông cần có bằng ấy thôi sao?


Ông ta nói:


-Tôi không cần xăng cho xe mà chỉ đổ vào cái máy chém cỏ. Giận quá giọng tôi lúc ấy hơi hằn học:


-Tôi chỉ trả lại ông một đồng. Ở đây chúng tôi không bán xăng dưới hai đồng, khách hàng thường xuyên ai cũng biết, nếu không dùng hết ông có thể rửa tay cho đến hết hai đồng …


Ông ta không đồng ý, còn tôi thì nhất định không chịu nhường. Thế là sau vài câu cãi qua cãi lại anh ta móc phone dọa gọi cảnh sát. Tôi cứng rắn “cứ tự nhiên” rồi ung dung bình tĩnh ngồi chờ, yên tâm vì ỉ i đã thắng vài vụ phải nhờ đến công quyền. Cuối cùng, cảnh sát đến và họ xử tôi thua nên phải trả lại cho khách số tiền thặng dư với lý do không thấy bất cứ thông báo nào cho khách thấy luật lệ của tiệm.


Như đã nói, bán xăng vốn nhiều lời ít. Đấy là chưa kể đến việc bảo trì và những phụ phí linh tinh, nên khi gặp phải loại khách chỉ tiêu vài ba đồng nhưng chìa ra cái credit card là chúng tôi chán nản lắc đầu nguầy nguậy. Hai đồng tiền mặt mình cầm đủ. Còn hai, ba đồng credit card vì phải trả lệ phí cho công ty nên may thì huề còn không thì lỗ vốn. Đó cũng là lý do khách muốn đổ xăng và trả bằng thẻ ít nhất là mười đồng.


Trở về với công việc mò máy tôi tiếp tục thử sức. Chừng vài phút sau một cô gái da mầu bước vào. Lượn một vòng, vừa đi vừa lắc như để rũ hết chất nước mưa còn sót bám trên tóc tai, quần áo, giầy dép .v.v…Trở lại cô ta đến trước counter hỏi mua gói thuốc. Trong lúc đếm tiền để trả cô cất tiếng hỏi trống không:


- Đàn ông đàng hoàng tử tế, tốt bụng đi đâu hết rồi?


Biết cô nhắm vào tôi để hỏi, vì trong tiệm lúc ấy không ai ngoài tôi và cô nhưng tôi cứ lờ đi. Tôi không thích hay nói trắng ra là rất ghét cái lối hỏi trống không của bất cứ ai không cần biết lạ hay quen. Đây không phải là lần đầu tiên tôi đối diện với trường hợp này, nhưng mỗi khi gặp phải tôi thường giả lờ làm như không nghe. Và dĩ nhiên nếu không nghe thì chẳng bao giờ tôi lên tiếng trả lời câu hỏi. Bình thường đã không được trả lời huống chi lúc này đang điên tiết với máy móc nên tôi làm thinh ngậm miệng nhận tiền. Tuy biết cô là khách hàng quen đến tiệm tiêu tiền thường xuyên, và thỉnh thoảng chúng tôi cũng trao đổi với nhau vài câu đùa cợt, nhưng lần này cô ta đến không coi giờ và hỏi không đúng lúc làm tôi mất hứng. Đợi không thấy tôi trả lời, cô nhắc lại câu hỏi và bây giờ thì cô ta mới bắt đầu nhìn thẳng vào mặt người đối diện:


- Sao bà không trả lời tôi?


Tôi nhướng mắt hỏi lại cô ta:


- Ủa, cô hỏi tôi? Thế mà tôi cứ tưởng cô hỏi ai đó chứ.


Đưa mắt quét quanh một vòng trong tiệm rồi cô ta tiếp:


- Có ai đâu ngoài tôi và bà?


Tính cho cô ta một bài học về cái tội hỏi trổng, hỏi thiếu lịch sự nên không được trả lời chứ chẳng phải tôi không biết câu hỏi được nhắm vào tôi. Nhưng nghĩ lại mất thì giờ vô ích trong lúc tôi đang bận, vì thế sự bực bội đang một thành hai làm câu trả lời của tôi nghe không được xuôi cho lắm:


- Họ chết hết rồi!


Vô tình không để ý thái độ của tôi lúc ấy nên khi nghe câu trả lời cô ta khoái chí đồng thanh:


- Tôi cũng nghĩ như bà. Đàn ông bây giờ còn lại toàn những người tệ và cheap quá. Mình hỏi xin một gói chip họ cũng không dám mua. Thế nhưng ngược lại họ cứ nhăm nhăm đòi hỏi ở mình một thứ, cái gì chắc bà cũng biết.


Nhìn kỹ lại cô gái trước mặt (tuy là khách hàng quen nhưng từ trước tới nay tôi chưa bao giờ để ý kỹ, nhất là đến tuổi tác của cô) nếu tôi đoán không quá tệ thì cô ta chưa quá ba mươi. Và vóc dáng người đang đứng trước tầm mắt tôi trông vẫn còn trong tình trạng phát triển. Khổ một nỗi, cô không trổ chiều cao mà lại phát chiều ngang. Với một thân hình không chịu xếp theo những vòng thứ tự nên trông cô thật là vuông vức. Đã vậy, sau những lần trò chuyện trước đây tôi được biết hiện nay cô vẫn còn độc thân không bị ràng buộc hoặc sở hữu bởi bất cứ người đàn ông nào. Tuy chưa một lần lên xe hoa để được giằng khăn đỡ túi cho ai, nhưng đã bốn lần leo lên bàn đẻ và từ đó tới nay cô có cả thảy là năm đứa con bởi một lần sinh đôi. Đứa lớn nhất năm nay vừa tròn mười lăm tuổi và đứa nhỏ mới đầy năm. Single mom với năm đứa con nhưng cô không phải thức khuya dậy sớm cho vấn đề sinh kế vì mọi thứ đã có chính phủ lo, từ tiền ăn, tiền tiêu cho đến y tế v.v… Chuyện sinh con một mình này xảy ra rất thường ở những đất nước tự do nhất là đối với thành phần da mầu. “Không chồng mà đẻ mới hay. Có chồng mà đẻ thế gian thiếu gì…” nhiều khi còn trường hợp mỗi đứa con có một ông bố khác nhau. Đất nước tự do cũng chẳng có gì để mắc cở hoặc sợ ai chê trách. Còn nhiều trường hợp con lọt lòng mẹ chui ra chẳng bao giờ được biết mặt cha, hoặc không bao giờ nghe bà mẹ nhắc đến tên người đã hợp tác bỏ sức ra đầu tư chung với bà.


Được ra đời, những đứa con lớn lên theo thời gian trong vòng tay bà mẹ và sự bao bọc, giúp đỡ của những cơ quan chính quyền. Nên cũng chẳng cần thắc mắc truy lùng tung tích người cha và chỉ cần biết người đã cho chúng chui ra khỏi bụng. Đàn bà thì thế, còn đàn ông đa số ở vào trường hợp đi làm để nuôi con người khác. Nhưng bù lại, con mình cũng được người không chung mẫu máu với chúng nuôi thay. Theo họ, không hẳn tình yêu mới tạo ra con cái mà chỉ cần hai người nhập lại góp sức tạo ra thôi, nên rất hiếm trường hợp ăn đời ở kiếp với một chồng một vợ cho phí một kiếp làm người ngắn ngủi.


Vừa trong nhà vệ sinh bước ra, tôi đã thấy một khách hàng choai choai da mầu đứng đợi sẵn. Cậu này khách quen, có lẽ gia đình sống loanh quanh đâu đó gần tiệm nên chúng tôi thường xuyên gặp. Năm nay cậu chưa đủ mười lăm tuổi. Sở dĩ tôi biết tuổi cậu bởi có lần cậu hỏi mua thuốc lá. Thấy mặt còn trẻ tôi hỏi ID, cậu hiên ngang móc thẻ ra trình. Xem xong mới biết hắn chưa đủ tuổi. Luật đòi hỏi 18 cho thuốc lá và 21 để mua bia. Trả lại thẻ tôi từ chối không bán thuốc lá và bảo hắn “mày chỉ đủ tuổi để mua chip hay cocacola”.


Từ đó về sau, tuy không được đích thân mua nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy hắn phì phà thở khói, có lẽ nhờ người khác mua dùm. Lần này chẳng biết ý cậu muốn mua gì, nhưng thấy cậu đứng ngay trước quầy thuốc, tưởng hắn lại tính mua thuốc lá nên chưa kịp hỏi tôi đã chìa tay đòi ID. Hắn trợn mắt:


-Tôi không mua thuốc sao bà đòi coi ID?


Tẽn tò tôi hỏi:


- Thế mày muốn mua cái gì? Cậu nhỏ trả lời gọn lỏn:


- Condoms. Ngay lúc ấy ông xã mở cửa bước vào. Thấy tôi và cậu nhỏ đang hỏi qua đáp lại ổng hỏi: “Nó cần cái gì?”. Tôi nói:


- Nó muốn mua condoms. Trợn mắt ổng nhìn thằng nhỏ từ trên xuống dưới, rồi từ dưới trở ngược lên trên, cuối cùng ông phán:


-Thằng nhóc này, chim làm gì đã mở mắt mà đòi mua condoms?


Tôi nghĩ bụng, mở hay chưa chỉ nó hoặc những đứa đã hay sắp sửa “hợp tác” với nó biết, ngoài ra chưa chắc bố mẹ nó đã biết. Đành phải bán cho nó vì không thể lấy bất cứ lý do gì khác, nhất là chưa nghe luật cấm tuổi vị thành niên mua mặt hàng cậu ta muốn.


“Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Hắn ra về với hộp condoms trong đựng ba cái loại large size. Cũng bởi những trường hợp muốn nếm mùi đời sớm nên dân lao động da mầu làm cha làm mẹ rất sớm. Họ phải sinh nhiều con để đủ điều kiện được hưởng trợ cấp lâu dài.


Cơn mưa đã dứt hẳn, máy tuy chưa hoạt động nhưng lòng tôi cũng thấy nhẹ theo mưa. Vì trời có tạnh thì mới có khách, chứ từ sáng đến giờ lèo tèo èo uột lắm. Máy sửa không được lại phải gọi thợ, tệ cũng tốn vài trăm bạc, đúng là những món chi vớ vẩn tự dưng trên trời rơi xuống. Đang đợi khách vào mua hàng thì thấy một bà to béo mặt nhăn nhó, tay ôm bụng bước vào ngó dáo dác rồi cất tiếng hỏi với cái giọng rất khó nghe:


- Nhà vệ sinh ở đâu?


Trước cửa tiệm, chúng tôi có dán sẵn hai tờ giấy với hàng chữ rõ to và đậm “NO PUBLIC RESTROOM” thế mà nhiều người chẳng chịu nhìn trước khi bước vào. Thỉnh thoảng có khách quen mua hàng xong rồi mới hỏi nhưng chúng tôi vẫn chối. Đàng này ở mãi đâu đâu mặt lạ hoắc, chạy xe ngang cần giải quyết nên đâm sầm vào tìm chỗ. Họ chẳng cần biết ai là người phải lau chùi dọn dẹp để phục vụ họ. Rồi tiền ở đâu trả tiền nước, tiền mua giấy toilett v.v… Của chùa nên họ xài thật thoải mái và phí phạm, đấy là chưa kể giấy dùng xong, vứt cả đống bỏ xuống bồn làm nghẹt cầu.


Vừa lườm tôi vừa trả lời:


- Ở đây không có nhà vệ sinh.


Tay vẫn ôm bụng bà ta trề môi:


- Bà đừng có xạo, không có nhà vệ sinh thế bà dùng cách nào?


Nghe rõ bực, đưa tay chỉ tờ giấy dán ngoài cửa tôi nói to:


- Tôi dùng bao ny lông.


Bỏ tay xuống không còn ôm bụng, bà ta mở cửa bước ra nhưng không quên để lại mấy câu chửi thề. Sự bực bội chưa kịp tan thì một người khách nữa bước vào. Không dáo dác như người trước, anh ta bước thẳng lại hỏi tôi:


- Tôi có hai chục đồng quarter muốn đổi tờ hai chục.


Dịch vụ này không phải của chúng tôi, vì tiền cắc thâu vào hàng ngày quá nhiều đến nỗi thỉnh thoảng phải mang đến nhà băng, nên tôi trả lời:


- Ở đây không bao giờ chúng tôi cần tiền cắc.


Anh ta đưa khuôn mặt rất đau khổ cố năn nỉ:


- Làm ơn đổi dùm tôi.


Giận qúa tôi nói:


- Bây giờ hai chục lấy mười tám có chịu không?


Thay hẳn thái độ anh ta hằn học:


- Are you crazy?


Tôi lắc đầu chán nản nghĩ thầm không biết hôm nay là ngày gì mà gặp toàn chuyện lãng nhách, nghĩ bụng nếu ngày nào cũng như ngày này thì tôi sẽ crazy thật.


“Ghét của nào trời trao của ấy”. Chuyện đã hơn ba mươi năm mà tôi thấy như còn mới lắm. Làm sao quên được những trận đòn thừa chết thiếu sống của chị Hải, người em kế của bà chị dâu họ ở gần nhà tôi thời trước bảy lăm. Với mục đích tiếp tay phụ cha mẹ nuôi bầy em ăn học sau khi bà chị cả đi lấy chồng, chị xin cha mẹ bỏ học đi làm. Nhà gần những căn cứ quân sự, nên chị theo bạn bè kiếm việc tại một sở Mỹ. Với công việc này, chị đã kiếm được khá nhiều tiền và nhờ đó đời sống của cả nhà tương đối thoải mái hơn. Nhưng xui cho gia đình chị, vì niềm vui ấy không ở được lâu, lý do chỉ vài năm sau mọi người thấy bụng chị Hải mỗi ngày mỗi lớn. Kết qủa này cũng tại chị quá nhẹ dạ. Không chồng mà chửa đã là một trọng tội thế mà chị lại còn cho ra chào đời một thằng nhóc con lai đen. Bố chị, đau khổ nhục nhã với họ hàng cùng bà con lối xóm về đứa con hư từ lúc khám phá ra, nay lại điên lên khi thấy nước da sậm, mái tóc quăn xoắn, mắt ốc nhồi và cặp môi dầy cộm của thằng cháu ngoại bất đắc dĩ. Ông trở nên như điên khùng, rượu uống liên tục và luôn miệng chửi bới biến không khí gia đình ngày càng trở nên nặng nề, đến nỗi chị phải bồng con bỏ nhà ra đi tìm một nơi xa lạ sinh sống nuôi con, để bố chị khỏi ngứa mắt hy vọng dần dà nỗi buồn nguôi ngoai ông sẽ bỏ tật dùng rượu giải sầu để mẹ và các em chị bớt khổ. Cha thằng bé sau khi gieo giống, quên hẳn những gì đã làm, tỉnh bơ trở về cố hương sau khi hết nhiệm kỳ.


Chứng kiến được thảm cảnh đó tôi rùng mình sợ hãi, từ đó mất hết cảm tình với tất cả đàn ông da mầu, vì nghĩ rằng họ đi đến đâu là làm thay đổi đến đó, đạo đức suy đồi, gia đình tan nát, reo rắc đau khổ và chỉ có hit rồi run. Bây giờ, thời thế xoay chiều, hoàn cảnh thay đổi, trời xui đất khiến chúng tôi lại chọn đúng vùng đất mà đa số dân ở đây là người da mầu để định cư sinh sống.


Qua Mỹ, không được may mắn như đa số các gia đình tị nạn khác. Vì hầu hết họ đã phải đi đây đi đó, quan sát tình hình trước khi quyết định nơi ăn chốn ở. Gia đình tôi, ông chồng và thằng con lớn sang trước dừng tại đây thế là ba mẹ con qua sau cứ vậy mà nhập hộ không cần đòi hỏi hay thắc mắc. Vì thế LOUISIANA là địa điểm đầu tiên và duy nhất chúng tôi ở cho tới ngày hôm nay. Sau này, tuy không nhiều nhưng chúng tôi đã có dịp đi đến vài ba tiểu bang khác, nếu có sự so sánh thì tiểu bang chúng tôi chọn chẳng có gì đáng nói ngoài con số quá đông của sắc dân da mầu và xui xẻo hơn nữa là vấn đề bão tố hàng năm. Nhưng ở đâu quen đó và nhất là với công việc hiện tại chúng tôi đành nhận nơi này là quê hương.


Mấy mươi năm sống chung vùng và làm ăn với người da mầu, chúng tôi còn nhận ra thêm: Thành phần lao động, đa số làm ít tiêu nhiều. Thủ phạm của nhiều tội ác. Hay đổ thừa và thường kiếm cớ ăn vạ. To tiếng ăn gian, nói dối, kỳ thị, ganh tị. Vào tù ra khám như người ta đi chợ. Nhưng công bằng mà nói, cũng chính dân da mầu đã giúp bao nhiêu người tị nạn. Những người mấy chục năm về trước, chân ướt chân ráo, xa lạ, bỡ ngỡ, lạc lõng lúc ban đầu đến định cư tại vùng đất này, nhất là sống bằng nghề buôn bán chẳng mấy chốc làm nên cơ nghiệp, khấm khá và sau đó thừa thắng xông lên họ dọn đi nơi khác hoặc đổi sang những nghề thoải mái hơn. Cuối cùng, cũng người da mầu, tuy chẳng ai biết ông có những căn bệnh trên hay không, nhưng hiện nay ông là người đầy quyền lực, đang đứng đầu chèo lái con thuyền của một đại cường quốc.


Thời gian thấm thoát, mới đó mà đến nay chúng tôi xa quê hương cũng trọm trẹm ba mươi năm. Nếu đem số tuổi đời hiện đang mang bây giờ ra chia làm đôi, thì thời gian của hai nơi mà chúng tôi đã và đang sống đã đồng đều ngang ngửa. Tuy thời gian cùng tuổi tác giữa hai nơi ngang ngửa và mặc dầu hiện taị chúng tôi mang quốc tịch ở đất nước đang cư ngụ, nhưng không hiểu sao tình cảm vẫn không thể chia hai đồng đều. Chúng tôi vẫn bên nặng bên nhẹ. Một nơi là chỗ chôn nhau cắt rốn, cho chúng tôi được cất tiếng chào đời tới khi khôn lớn vào đời. Và nơi đây, quê hương thứ hai đã đón nhận, cưu mang, nuôi nấng và nhất là được hít thở không khí tự do, dân chủ, nhân quyền v.v… là điều mà ở chốn cũ chúng tôi đã mất sau khi đất nước bị đổi chủ. Biết như thế, nhưng không hiểu sao chúng tôi vẫn không thể quên, vẫn trăn trở, vẫn ray rứt vẫn không thể dứt bỏ hoặc làm ngơ trước những đau khổ đã và đang chịu của những người còn lại. Và lâu lắm rồi, kể từ khi có những chương trình Việt Ngữ chúng tôi đã quên hẳn các chương trình phát thanh, phát hình, báo chí v.v… của người bản xứ mà chỉ nghe đài, xem truyền hình, đọc báo, thức ăn và nhất là vẫn giữ lại những phong tục tốt đẹp của Việt Nam. Có lẽ cũng tại “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”

No comments:

Post a Comment