Monday, April 30, 2012

CHUYỆN NGÀY XƯA, CHUYỆN NGÀY NAY…





VÕ NHƯ LĂNG


(Orlando, FL)








Một khi đang là “Thành phần đứng giữa” của độ tuổi 6 bó và 7 bó thì những kỹ niệm thời son trẻ vẫn thường bổng chốc ẩn hiện trở về. Và có hình ảnh nào êm đềm xinh đẹp cho bằng cái thuở chúng ta còn cắp sách cùng đi học chung dưới một mái trường.


Những lúc gần đây thật là vui khi tôi bắt gặp trên Internet những thông tin trao đổi, những thăm hỏi liên lạc nhau của những ngưòi bạn cùng thời, cùng trang lứa của THVT. Xin cám ơn các công việc đó, nó đã phần nào giúp các bạn học cũ nối kết lại những bàn tay mà từ lâu rồi vẫn tưởng lạc mất nhau. Tôi từng nhận được những e- mail với một bức tranh thật đẹp. Có khi là một bản nhạc hay, một bài thơ trữ tình… nhưng bên cạnh đó là cái… im lặng. Tôi vui thích để đón nhận vì sự im lặng cũng là một cách diễn đạt. Hạnh phúc nhiều lúc thật đơn sơ và dù đơn sơ đến cở nào cũng đã là hạnh phúc.


Tôi xin nhắc đến thầy Trần Văn Đông. Thời gian nầy, thầy Đông thường xuyên gửi đi những thông tin sốt dẻo về Thời sự, Chính trị, Văn hóa, Đấu tranh cho nhân quyền, tôn giáo… Thầy Đông về dạy THVT khoảng năm 1960. Thầy chỉ dạy Đệ Nhị Cấp với môn Hóa Học. Vậy mà không hiểu do đâu mà thầy đã dạy chúng tôi một thời gian ngắn vào năm Đệ Tứ.


Thầy Đông được các học trò ngưỡng mộ. Nét chữ viết của Thầy rất đẹp, tôi và Trần văn Sê cố gắng để bắt chước. Đặc biệt là cái dấu ^ của Thầy không gẩy nhọn mà lại tròn như nửa vành môi. Cách ăn mặc của Thầy lịch lãm, rất “chic”. Áo chemise chắc là phải may tại La Ligne, quần tây nhất thiết phải là Văn Quân (?). Năm 2008 khi gặp nhau ở nhà Trần Quang Thọ, Dallas, Tạ Nhựt Huy đã liên lạc điện thoại với Thầy Đông để bọn học trò cũ được tiếp chuyện, thăm hỏi thầy. Ước mong Thầy và gia đình luôn được bình an khoẻ mạnh.


Nhắc đến Trung Học Vũng Tàu là phải nói đến Kim Chi. Đây là mối dây liên lạc của mọi thế hệ THVT, là “Ngả Tư Quốc Tế” của bạn bè 5 châu tìm về với nhau. Hỏi thăm về Kim Chi, Sê Trần cho biết lúc nầy cô nàng sức khoẻ hơi kém, chứ không thì hoạt động hăng hái nhiều hơn nửa. Phải công nhận rằng ngoài Kim Chi còn có Huỳnh Quốc Hải, Phạm Ngũ Yên, mỗi người là một “L’ homme qui en savait trop” về Vũng Tàu từ cái thời còn là Cap Saint Jacques.


Cách đây 5, 6 năm tôi có gặp lại Kim Chi và Như Huỳnh ở Florida. Mọi người đều có thay đổi chút đỉnh, nhưng cũng dễ dàng nhận ra nhau. Nhớ lại lúc còn nhỏ, tôi thường theo gia đình ra Bãi Trước hóng mát, Ba tôi thường ghé lại Kiosque Thanh Cảnh, phần vì quen biết nhau, phần vì cái không khí dễ chịu ở nơi đây. Ôi Vũng Tàu của tuổi ấu thơ xinh đẹp.


Tôi có thấy xuất hiện e- mail của anh Ly và Trương Thu Thủy. Tôi được gặp 2 vợ chồng cô bạn học cùng lớp mỗi khi hai ông bà nầy có dịp về Tampa, Florida thăm con cháu. Trương Thu Thủy hỏi tên cúng cơm của PNYên giùm cho người khác thì OK, nếu Trương Thu Thủy không nhận ra PNYên là Sê “đầu bạc” thì hơi bất công cho thằng bạn nhỏ bé trong lớp.


Trong một bút ký của mình, PNY có nhắc đến một cô nữ sinh má đỏ môi hồng tên là TTT đang e ấp đứng ăn đậu đỏ bánh lọt cạnh xe của chú Tiều bên hông nhà trường. Thật vậy trong những bút ký, truyện ngắn của mình PNY đã dành nhiều giấy mực để nhắc đến quê hương của thời trẻ dại, ngôi trường thân yêu với những dáng huyền, thấp thoáng nữ sinh. Tay viết văn nầy có cái suy nghĩ là “có những điều mà người ta chỉ có thể viết đến, khi nó chạm đến một vết thương”. Thật ra vết thương của hắn cũng là vết đau của bọn con trai khờ dại tụi tôi. Khi PNY viết ra, đã có biết bao bóng dáng người đẹp thơ ngây bước qua cổng trường. Tên những người con gái được nhắc đến như những ký ức không bao giờ tàn phai được. Đã có những nữ sinh duyên dáng sớm rời trường về học một nơi khác như Minh Nguyệt, Phương Khanh, Thu Thủy… nhưng cũng có nhiều người đẹp tiếp tục học tại trường như Kim Chi, Thanh Tiên, Tuyết Bạch… Những hình ảnh đẹp, kỷ niệm đẹp về những người đẹp thỉnh thoảng lại được Sê Trần, khi ngồi bên ly cà phê Starbucks đã bê vào trong truyện thường tạo thêm sự nhức nhối, chập chờn. Những con tim gia nua hằng ngày vốn đã đập sai nhịp, bắt gặp hồi ức của PNY thì trái tim đã hoàn toàn không còn ngủ yên được.


Năm 1963, khi chúng tôi bắt đầu học Đệ Nhị (?) thì truyện ngắn của Trần Sê gửi đăng báo đã có nhuận bút với với bút hiệu là Thương Tuyết (?). Số tiền 300$ nhận được lúc đó có thể mời 30 đứa bạn cùng lớp đi ăn phở Thiện Lợi. Nhớ lại cũng năm này, khi tôi được chọn vào đá banh cho Đội tuyển Bóng Tròn Vũng Tàu, có lần ông bầu Bảy Sên, chủ nhà hàng Au Favori thết đãi cầu thủ một bửa cơm tây tại Nhà hàng và thưởng cho mỗi người 150$. Nhận được món tiền như vậy, thằng học trò sướng rên người. Thật ra tuổi trẻ chúng tôi lúc đó chưa chú trọng vào tiền bạc, nhưng đấy là một phần thưởng để đánh dấu một công sức không thiếu vắng sự đam mê.


Thời buổi chiến tranh, bọn con trai phải xa nhau, mỗi người mỗi nơi. Nhưng rồi còn gặp lại nhau. Năm 1985, Sê và Nguyễn Quan Nhựt (anh của Nguyễn Minh Tân) có về Sàigòn thăm khi tôi vừa mới được thả ra từ một trại tù ở miền Bắc. Tôi rất cảm kích tình cảm bạn bè, nhưng đến nay tôi vẫn còn ân hận vì lúc đó đã không tiếp đón bạn mình cho thật nhiệt thành, vui vẻ. Tâm trạng vừa thoát ra khỏi vòng tù nhỏ để sống trong một vòng tù to rộng hơn vẫn chưa giúp cho tôi được phần nào thảnh thơi, an tâm. Mới đây tôi có bàn bạc với Sê là nên có một buổi Reunion nửa để bạn bè gặp lại nhau cho vui, nếu ở Nam Cali thì càng tốt. Sê nói mọi việc còn tùy theo sự hiện diện của Huỳnh Quốc Hải. Có Hải Ù làm Chủ Xị mới vui. Không phải vì ôm chai XO rót rượu vòng vòng cho bạn mình là Chủ Xị. PNY muốn nhắc đến tính tình vui vẻ, lôi cuốn thu hút bạn bè của Huỳnh Quốc Hải.


Lúc nhỏ tôi đã thích tính vô tư, vui vẻ và chững chạc của Hải. Trên những chặng đường ngược xuôi của cuộc sống, hai đứa tụi tôi đã nhiều lần gặp lại nhau. Năm 1965, tôi theo Hải để xin gia nhập vào Không Quân. Qua hai lần giám định sức khỏe vẫn không được tuyển lựa nên quyết định trở về với học đường. Người chơi nhiều môn thể thao như tôi mà bị Không Quân loại bỏ, cho “K.O” vì tim có vấn đề thì vô cùng “tự ái dồn dập”. Dịp nầy “bọn xấu” đã có lời đồn đoán, cho rằng tại vì hồi đó trong trường học đã có một thời “Kiếp nào có yêu nhau” quá sức nên tim gan mới ra nông nổi nầy”. Tôi biết phần mình, lúc còn trẻ chơi thể thao không điều độ, thiếu phương pháp sẽ ảnh hưởng không tốt đến trái tim, có khi về già phải cần giải phẩu chút đỉnh để “điều chỉnh” nửa. Phân tích theo lối nầy sẽ được ít ra một người tán thành, đó là Huỳnh Văn Chừng ở Atlanta.


Trở lại Huỳnh Quốc Hải, năm 1971, từ Cần Thơ Huỳnh Quốc Hải chuyển ra Sư Đoàn I Không Quân, Đà Nẳng. Vài tháng sau đó mang lon Đại Úy, để rồi cũng trong trận chiến Mùa hè Đỏ Lửa 1972, Hải được đăc cách vinh thăng Thiếu Tá, nhận chức Biệt Đoàn Phó một đơn vị Không Quân tại Phú Bài, Huế.


Những tuần lễ u buồn của tháng 5/1975 mất nuóc, tôi còn gặp Huỳnh Quốc Hải tại nhà bên hông rạp hát Quốc Thanh. Hải đã trao cho tôi 5,000$ bảo là giữ lấy để chuẫn bị nộp tiền cơm nước cho “cách mạng” khi đi trình diện “học tập” 10 ngày. Nghĩa cữ của bạn bè thường hay bị lãng quên nếu không có dịp gợi nhớ lại.


Hiện nay Hải là người của Liên Lục Địa. Nếu có nhiều e- mail của Hải Huỳnh xuất hiện thì anh chàng đang ở đất nước tự do Hoa Kỳ. Nếu thấy vắng vẻ thì Người đang lội ngược dòng về bên kia bờ Thái Bình Dương, sống hạnh phúc vui thú bên người vợ hiền, phúc hậu là một Bác Sĩ Sản Khoa tại Cần Thơ.


Tôi đã dài dòng văn tự, lại bày trò Tản (bạt) Mạn(g). Xin hiểu cho là tôi đang nhớ đến bạn bè và quý mến họ. Phải mượn lời của Kim Chi để được dừng lại nơi đây: “Ham vui, nếu có gì đụng chạm thì xin lỗi”.

No comments:

Post a Comment