Monday, April 30, 2012

DƯỜNG NHƯ MÌNH YÊU NHAU


PHẠM KHẮC TRUNG


(Canada)








Tôi quen nàng từ dạo mới vào học năm thứ nhất, hai đứa cùng ở chung một nhóm học tập. Thuở ấy nhiều chàng trai đeo đuổi nàng, nhưng nàng luôn giữ vẻ “nghiêm trang con nhà giáo”. Bố nàng là hiệu trưởng một trường trung học công lập có tiếng ở Gia Định, từ lúc di cư, gia đình nàng ở hẳn trong khuôn viên trường. Phần tôi cũng nghiêm trang giới thiệu cô bồ với nàng, thành thử hai đứa dễ dàng kết bạn, thân thiện giỡn phá nô đùa, chắc bởi cả hai cùng biết, là đã có cái giậu mồng tơi kiên cố chắn giữa rồi.


Sau 30/04/75 tôi bị đào đá văng lăn lóc, gia đình nàng bị đuổi ra khỏi khuôn viên trường nên mua nhà dọn ra ở khu Đa Kao. Mới vừa dọn xong hôm trước là hôm sau tôi gõ cửa, ông cụ tóc râu bạc trắng đạo mạo như thể ông tiên mở cửa mời tôi vào. Dơ tay bắt tay tôi, cụ ngoái lên lầu gọi lớn, “Tố ơi xuống có bạn!” Bước xuống cầu thang, nàng ngỡ ngàng chứng kiến cảnh bố nàng đang xiết chặt tay tôi, rụt rè nàng le lưỡi bảo, “bạn ngon quá dzậy? Bạn là người đầu tiên đấy!” Tôi hỏi gặn nàng, “thế có thấy giống hình bác Hồ với bác Tôn bắt tay nhau không?” Hihi! Nàng cười xinh xinh để trả lời câu hỏi giỡn... Từ đấy tôi biết chị em nàng có cùng một tên, ở nhà phân biệt gọi nhau bằng chữ lót, và tôi hiên ngang gọi nàng là “Tố” từ đó về sau.


Có lần nàng nũng nịu vặn tôi, “ai cho phép bạn gọi tui bằng Tố?” Tôi ỡm ờ, “Tố của Hoàng hay Tố của Trung?” Nàng “ứ” một tiếng rồi chớp chớp mắt quay đi không nói nữa, rồi lâu lâu lại nhắc lại cùng một câu hỏi, tôi độ rằng nàng thích nghe đi nghe lại câu: “Tố của Hoàng hay Tố của Trung?”


Cũng từ bữa ấy tôi biết, ở nhà thì nàng lấy áo đầm đẹp ra mặc, ra đường lại phải tìm bộ nào cũ kĩ, xấu xí khoác vào, có cái xã hội nào lại tệ hại như thế không? Hôm lao động hốt rác chợ Vườn Chuối, thấy nàng lúng túng trong bộ đồ lao động, tôi không nhịn được cười, quay hỏi nhỏ nàng, “mượn được ở đâu bộ đồ hợp thời trang thế?” Nàng cười méo miệng không biết trả lời sao... Thấy đau đau, tôi chép miệng, nửa như trêu, nửa như nịnh, nửa phần mỉa mai, “ngày xưa ngoài bẩy trong ba, bây giờ đổi đời rồi thì ngoài ba trong bẩy, tới nhà gặp thấy Tố đẹp hơn gặp ngoài đường!” Ai được khen chẳng thích, nàng cười khúc khích xòe hai bàn tay trắng nõn ra khoe, miệng phũng phịu, “cắt gọn gàng rồi nè, không thể lấy cớ mà rút móng tay tui được đâu!” Số là mấy hôm gần ngày “đứt bóng”, tôi vẫn trêu cảnh cáo nàng rằng, “móng tay để dài nó vào lấy kìm rút sạch”. Hồi đó còn bồ làm lá chắn nên tôi giỡn hơi sỗ sàng, “Không có người bảo kê, nó giao thương phế binh về nuôi đấy! Hối lộ đi, tôi nhận làm vợ cho thoát nạn!” Nàng phùng mang trợn mắt quạt lại rằng, “bộ ông tưởng ông khá hơn tui chắc? Nó sẽ giao cho ông con giao liên béo trục béo tròn, cụt hết tay chân cho ông lăn về mà nuôi suốt đời cho biết”. Tôi làm mặt đanh rít, “còn cứ trả trêu như thế, tôi không thèm cưới nữa đâu!” Nàng cười cợt nhã, “còn phia nha bạn! Đừng có nghèo mà ham!”


Tối hôm đi lao động về, tôi nhại mấy câu thơ của Tạ Ký làm bài “Tôi thương em” như sau:


Tôi thương em


Người giai cấp!


Phấn son


Đôi má thêm hồng


Bờ môi thêm ấm


Nhung lụa


Em lộng lẫy huy hoàng


Dù phấn son không bền bỉ


Dù nhung lụa chỉ tạm thời


Nhưng em đổi được kiêu sa


Em không thể thiếu


Có bao giờ em đọc thơ tôi?


Nên không biết


Tôi thương em


Người giai cấp!


Có bao giờ em khóc?


Vì cuộc sống bất công


Có chàng trai


Đang sức sống kiêu hùng


Hằng mơ đổi


Một khung trời mới lạ


Nhưng than ôi!


Cuộc đời không giản dị


Mà áo cơm


Không chừa kẻ anh tài


Nên chàng trai


Để ngày tháng dần phai...


Nay giai cấp em sụp đổ


Tiếc thương


Ngậm ngùi


Tôi thương em!


Hôm sau đi học tôi khoe nàng. Đọc xong nàng chớp chớp đôi mắt dài đuôi hỏi, “tui giữ nha?” Tôi gật đầu ưng thuận. Vừa hý hoáy kẹp bài thơ vào giữa những trang tập, nàng vừa lí nhí hỏi trỏng, “bộ chỉ thương khơi khơi thôi sao?” Tôi cười hô hố trả lời, “trong tình thế này, ông nội ai dám mang sầu đến biếu?” Cả hai đứa cùng cúi mặt xụi lơ. Buồn ơi là buồn!


Mỗi ngày vô lớp học, nàng để quyển tập trên bàn kế bên giữ chỗ cho tôi. Vô ngồi rồi, tôi đâu đã trả quyển tập lại nàng liền, tôi lật đại một trang giấy trắng nào đó, ghi vội những cảm nghĩ bâng khuâng bất chợt. Vậy mà nàng thích trò chơi này lắm, lấy tập về, nàng xục tìm đọc cho được mới yên tâm ngồi học.


Mấy lúc sau tôi bị cán bộ lớp kẹp chặt, bắt làm tự kiểm liên miên nên bực bội trong lòng, vào lớp tôi chẳng buồn mở quyển tập của nàng ra viết. Nàng có vẻ nhớ trò chơi cũ nên cứ thấp thoảng trông chờ. Thấy tình hình hơi yên nên nàng thúc, “sao không viết cho tui đọc?” Trong lòng bực dọc, tôi than, “cứ hở miệng ra là nó chộp bắt làm tự kiểm, có điên mà viết nữa à?” Nàng xụ mặt, “cứ làm như tui tố cáo không bằng?” Tôi hơi xẵng, “chứ thời buổi này còn biết tin ai?” Nàng giận thật rồi, đôi môi chảy thề lề xuống, “Với tui mà bạn nói câu đó, rõ ra chơi với nhau bao lâu nay, bạn chả hiểu gì cả!” Ai bảo đàn bà giận không đẹp? Mỗi khi Tố giận, đôi môi nàng chảy xuống trông như hai quả chuối mẳn hấp dẫn vô cùng, nhiều khi tôi nghĩ quanh, “cứ cắn đại hai quả chuối mẳn đó rồi tới đâu thì tới!” Nghĩ vậy thôi chứ chưa dám làm càn, mà hễ nàng giận thì tôi lại xốn xang, “bút sa gà chết! Thày Tòng khuyên tôi đừng viết lếu láo nữa không tốt, hãy tập viết trong đầu cho an toàn”. Thấy tôi xuống nước nên nàng đổi giận làm vui, quay qua cười ruồi làm dáng, “đâu bạn chẻ đầu ra cho tui đọc tí nào!” Tôi làm mặt nghiêm nghị, “đừng dụ khị, chẻ ra rủi bạn ăn mất óc lấy đâu viết nữa?” Kéo dài đuôi mắt, nàng õng ẹo, “tui chỉ muốn ăn tim thôi chứ hổng thèm ăn óc”. Im lặng!


Sau Tết Dương Lịch 76, lớp Kinh Tế 11 chúng tôi chuyển về học dự lớp buổi sáng ở trường Luật, buổi chiều thảo luận ở Đại Học Phương Nam. Vì nhà ở xa nên tôi phải dậy đạp xe đi học sớm, sáng nào cũng có mặt từ lúc hai mẹ con bác bán cà phê vỉa hè đường Phan Đình Phùng, đối diện cổng trường Luật mới dọn ra, nên tôi ưu tiên hưởng được sái đầu. Tiêu chuẩn nghèo, sổ lệ chỉ ly cà phê vợt đen nhỏ thật ít đường.


Hồi đó đường mắc mỏ nên không còn ai để lọ đường ra bàn như trước nữa, khách kêu thật ít đường là thuận lòng chủ quán. Mấy lần đầu bác chủ quán còn ân cần, “bác cho có một tị đường thôi đấy nhé, thấy đắng anh nói bác bỏ thêm”. Thấy 2 mẹ con bác vui vẻ, phần vắng vẻ chưa có khách, nên tôi nói giỡn, “cám ơn bác, cháu uống vừa miệng rồi. Cháu không muốn lúc gần chết lại ân hận là chưa uống được ly cà phê vừa”. Bà mẹ lo dọn hàng buôn bán chỉ ậm ờ cho qua chuyện, nhưng cô con gái không nhịn được, thắc mắc, “anh nói thế là sao em không hiểu?” Tôi bèn kể rằng có lão kia là dân nghiện cà phê, lúc sắp chết lão ân hận nhắn với con cháu là cả đời lão chưa biết mùi vị của ly cà phê vừa. Bởi khi uống ở nhà thì lão bỏ ít đường, mà khi ra quán lão lại bỏ nhiều đường quá. Từ đó về sau, thấy mặt tôi ra là bác tự động mang cà phê ra cười bảo, “ly cà phê vừa của anh đây!”


Sáng đó trời mưa lâm râm ướt đường. Tôi vừa trả xong tiền cà phê định băng qua đường vào trường học, thì một cô sinh viên trợt chân ngã quay đơ trước mặt. Đầu tôi quay được toàn cảnh cô em té, trông đẹp biết dường nào, chắc chỉ có nữ sĩ Hồ Xuân Hương mới lột tả được đầy đủ vẻ đẹp nên thơ đó: “Dang tay với thử trời cao thấp / Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”. Tôi như bị thôi miên, đứng chết trân nhìn cô say đắm, lơ đãng mỉm miệng cười... Tiếc rằng tôi không phải là họa sĩ để chiếu lại cái nét đẹp tinh anh ấy, nhất là cho em mặc chiếc áo dài trắng học trò vào, chiếc áo tôi vẫn yêu vẫn tiếc vô ngần...


Cô này chắc là một Đoàn viên, thuộc loại đanh đá cá cầy có hạng, cô hùng hổ đứng dậy, xấn tới xỉa xói gây sự với tôi, “thứ đàn ông con trai gì mà vô duyên quá, thấy đàn bà con gái té, đã không lại đỡ còn đứng đó cười?” Tôi là người đàn ông hiền từ nhất xứ, dù bị xỉ vả vô cớ cũng vẫn điềm đạm trả lời cô, mà thật ra, tôi muốn được phân bua với những sinh viên đứng quanh đấy, “trước kia ngồi trên đầu trên cổ bọn mình, được bọn mình cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa lại không chịu, đòi tụt xuống cho bình đẳng. Bây giờ bình đẳng rồi, té thì tự động đứng lên chứ còn mong ai đỡ với nâng gì nữa?” “Ờ! Ờ!”, “Hé! Hé!”, “Vậy đó! Vậy đó!” Mỗi người một câu chen vào tỏ ý đồng thuận với tôi...


Ấy thế mà cô ta còn chưa chịu tìm đường rút lui êm cho đẹp, vẫn mồm năm miệng mười leo lẻo, “đồ bất lịch sự! Người lịch sự không bao giờ đánh đàn bà, dù bằng nhánh hoa”. Chu choa mẹ ôi! Cô này nói năng lãng nhách chi lạ, khi khổng khi không lại đem chuyện đánh đấm gài vào, hay cô nghĩ chuyện tôi trả trêu cô là thiếu ga lăng, bất lịch sự? Nghĩ là nghĩ vậy, thế nhưng tôi vẫn ôn tồn giải thích, “đó là trước kia thôi, chứ bây giờ phải lấy bình cắm hoa mà đánh!” Mấy sinh viên đứng quanh vỗ tay cười tán thưởng, bác bán cà phê cũng ấm ức lâu ngày, nay thấy chuyện bất bình nên nhẩy vô ăn có, “anh ấy nói phải đấy, trước kia tôi chỉ có ăn rồi ngồi lê thóc mách, một tay chồng làm nuôi hết cả nhà. Chứ đâu có khổ như bây giờ, phải thức khuya dậy sớm buôn bán từng ly cà phê, tom góp từng đồng mà nuôi con ăn học, nuôi chồng học tập cải tạo đâu?”


Vô lớp tôi đem kể Tố nghe, Tố cười hăng hắc nói, “sợ bạn luôn! Chuyện gì cũng cười được!” Rồi nàng chớp chớp đôi mắt cười, đôi môi mọng mị dầy cong tớn bảo tôi, “tui không có đòi bình đắng đâu đấy nhá, mà tui cũng không đòi ngồi trên đầu trên cổ bạn đâu, cho tui ngồi trên vai bạn là tốt lắm rồi”. Tôi cười vang, “thế thì gù mất!” Nàng xụ mặt quay đi, giận tôi ghẹo nàng tròn...


Ba cái chuyện làm lành thì tôi ma lanh lắm. Tôi dơ tay rút nhẹ quyển tập của nàng, nàng thản nhiên dơ cùi chỏ lên cho tôi lấy, tay vẫn chống dưới cằm bình thản như không quan tâm. Tôi liếc thấy đầu nàng nhúc nhích, ghé nghiêng mắt nhìn xem tôi đang làm gì, đã lâu lắm rồi tôi không viết gì vào tập của nàng.


Nắn nót viết xong, tôi đẩy nhẹ quyển tập về chỗ cũ. Nàng mỉm cười chộp vội quyển tập lật tìm đọc những điều tôi viết. Mắt nàng long lên niềm hy vọng. Tôi cố nén đè một tiếng thở dài...


Đọc xong, nàng xếp quyển tập lại ôm trên ngực, rồi cứ thế nắc nẻ ngồi cười, nước mắt chảy ròng ròng mà nàng vẫn mặc chẳng thèm lau, lâu lâu lại nấc lên nghe như tiếng khóc. Tôi biết nàng thất vọng, bởi tôi đã không viết những điều nàng trông đợi nơi tôi, nhưng như tôi đã nói với nàng, tôi đâu đủ can đảm đem nỗi sầu đến biếu? Hôm đó tôi viết giỡn câu anh em chúng tôi đã soạn khi xưa thế này: “Nhân dịp Tết đến Xuân về, bổn hãng chúng tôi xin giới thiệu một sản phẩm độc đáo, làm bằng nylon đặc biệt, độc quyền do bổn hãng chúng tôi sản xuất, đó là lược chải đầu hiệu ba trái táo. Vâng! Kính thưa quý vị, lược ba trái táo: Chải chí chí té nhào, chải gàu gàu bật ngửa, chải ba bữa còn cái cán không. Đây, lược chải đầu hiệu ba trái táo!”


Tổ Phó chúng tôi bấy giờ là Huỳnh Văn Thuận. Thuận học chung với chúng tôi từ trước 75. Thuận hiền, cục mịch và hơi hâm hâm chút chút. Trước kia Thuận núp trong bóng tối, chuyên lo chuyện học hành. Bây giờ nhờ thành phần gia đình cách mạng, nên Thuận phấn đấu được kết nạp vào Đoàn, học kỳ này lên làm Tổ Phó. Coi bộ có chút oai!


Một buổi chiều sau giờ thảo luận, Thuận ngỏ lời muốn nói chuyện riêng với tôi. Tôi nghĩ cũng ba cái chuyện “tự kiểm” hay “công tác giáo dục” như mọi khi nên chỉ ỡm ờ “ừ!” Đến lúc gặp, Thuận đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: Thuận biết khi xưa tôi đã từng cố vấn cho vài cuộc tình, Thuận nhờ tôi cố vấn, viết giùm thư cho Thuận “cua” Tố!!! Cuộc đời thật ra có nhiều cái bất ngờ, nhưng cái bất ngờ này làm tôi dở cười dở khóc. Vâng, tôi thuộc loại “quân tử Tàu” vừa ngông vừa ngốc, chuyện tôi và Tố quấn quít bên nhau cả trường đều biết, vậy mà tôi vẫn đinh ninh rằng Thuận nhờ tôi chỉ là sự vô tình? Tôi hoàn toàn tôn trọng Thuận, trên cương vị của một thằng bạn học cùng lớp cùng thày, tôi nói với Thuận rằng, “con tim không có lý lẽ, chuyện tình yêu không có một mẫu mực nào, Thuận thương Tố thì cứ mạnh dạn giải bày, yêu không phải là cái tội”. Việc Thuận nhờ viết thư thì tôi từ chối vì một lý lẽ riêng không tiện nói với Thuận, nhưng tôi dặn Thuận cứ thẳng thắn bày tỏ những cảm nghĩ trong lòng. Thuận hỏi thêm, “nên bắt đầu thư ra sao?” Tôi cười vỗ vai ghẹo Thuận, “con cháu cụ Hàn mà không biết mở màn ra sao ư? Cố lên đi bạn!”


Vài ngày sau Tố cười khoe tôi bức thư Thuận gửi. Tôi gạt phăng đi nói rằng, “dù là Thuận hay bất cứ người nào, một khi người ta đã trang trọng tỏ tình, thì Tố có đáp lại hay không cũng nên trang trọng chứ đừng tỏ ra khinh bạc”. Tố hơi bẽn lẽn nhét vội bức thư vô bóp lại.


Chẳng dè Tố lại khinh mạn đem thư khoe với hai người bạn khác. Một trong hai người này vô tư cách, đem phao tin và dè bỉu rằng Thuận không biết phận hèn, đem lòng mơ tưởng bóng hình tiên nga, thậm chí anh ta còn mỉa mai gọi Thuận trước mặt chúng bạn là “cua trông trăng” chẳng hạn!


Thuận đau khổ và cảm thấy bị nhục mạ, anh chàng bèn tâm sự với mấy người bạn trong ký túc xá. Mấy người này từ lâu không ưa Thuận, gặp dịp mới đổ xăng vào, “mẹ kiếp! Hết người nhờ làm cố vấn sao lại nhè kép người ta mà nhờ?” Họ có thâm ý, muốn mượn tay tôi trị Thuận một phen! Thuận bị khích nên kiếm tôi mắng vốn, “tôi có tin nên mới nhờ anh, anh không giúp thì thôi sao lại tung tin nhạo báng?” Tôi giận run người nhưng cố đè nén, tôi chỉ minh định với Thuận rằng tôi không phải là kẻ tung tin, rồi tôi hùng hổ đạp xe đến nhà tìm Tố. Không biết giữa giận, buồn, ganh, tự ái, cái nào chiếm nhiều, mà chiều hôm đó tôi đã nặng lời với Tố. Vậy mà nàng đã không hề giận, nàng nhận lỗi đã không nghe lời tôi mà đi khoe với hai người bạn kia, nàng biết chuyện nàng làm trời sẽ không dung, chắc khi chết sẽ bị đày xuống chín tầng địa ngục. Nghe xong tôi đứng dậy ra về, nàng níu tay tôi lại, thiết tha xin tôi cho nàng được làm người tình! Vậy mà tôi vẫn nhẫn tâm, quyết lòng cắt đứt, sinh nhật nàng năm ấy tôi đã lẳng lặng làm lơ không chúc lấy một lời, âm vang tiếng hát Julie dồn dập trong đầu, “vì còn yêu, vì còn yêu mà gặp nhau đành cúi đầu!... Vì còn yêu, vì còn yêu nên vương vấn ngàn nỗi sầu...!” Sinh nhật nàng năm trước, tôi đèo nàng đi ăn rồi ghé quán uống cà phê nghe nhạc, hai đứa ngồi nói chuyện đâu đâu hết cả buổi chiều. Những lúc sau này, mỗi khi ngồi đối diện trong quán nước, nàng lại ngậm thật sâu đầu lọc điếu thuốc, mồi lửa rồi trao lại cho tôi. Tôi đoán chừng nàng biết tôi mơ ngậm bờ môi nàng, nên đã trao thầm cho tôi trong chừng mực ấy...


Thời gian sau khi cơn đau dịu lại, tôi cảm thấy hối hận vì đã nói nặng nàng, và thời gian đã trôi qua một cách phũ phàng, cả hai đứa đều biền biệt tha hương, mỗi đứa một phương trời bất tận. Tôi vẫn mong sao có dịp nào đó gặp nàng, để tôi được nói một lời xin lỗi!


Một bữa kia đi làm về mệt ngủ vùi như chết, chợt chiêm bao, không hiểu sao tôi lại chết trước nàng. Trên Thiên Đình, Ngọc Hoàng ngỏ lời gả Công Chúa cho tôi. Tôi cảm ơn nhưng khước từ vì nghĩ đã trót yêu người khác. Đúng là Thiên Cung có khác, cả Ngọc Hoàng lẫn Công Chúa đều cảm khái trước mối tình vụng dại của tôi, tôi được phong chức quan nhỏ trông coi sổ sách trong triều, Ngọc Hoàng hứa sẽ ban cho tôi một điều ước nguyện.


Một hôm tra sổ biết số nàng đã hết, tôi xuống đứng trước “quỷ môn quan” chờ đợi gặp nàng. Từ xa tôi thấy hai con quỷ tướng mạo dữ tợn, đang hùng hổ xốc nách kéo nàng lê dần tới. Tóc tai rũ rượi, quần áo tả tơi, thân hình tiều tụy, nàng cúi gầm mặt nên không thấy tôi đứng dựa “quỷ môn quan”. Chừng tôi dơ thẻ quan chặn hai con quỷ lại, yêu cầu cho tôi ít phút được nói chuyện với riêng nàng. Bấy giờ nàng mới ngửng mặt lên, ngỡ ngàng nhìn tôi chăm bẳm. Tôi cất tiếng gọi, “hỡi Tố của Hoàng hay Tố của Trung?” Nàng nhào vào ôm chặt cổ tôi khóc như mưa bấc, “tới giờ phút đền tội rồi, biết bao giờ mới gặp lại nhau nữa, chàng ui!” Vuốt những sợi tóc lòa xòa dính chặt dòng nước mắt trên mặt, tôi an ủi nàng, “Tố rán chịu cực mấy ngày, để Trung về tính cách, quyết giải vây cứu Tố một phen!” Hai con quỷ nể mặt tướng nhà trời, không còn xách nách lôi nàng như lúc trước, mà để yên cho nàng tự do cất bước, chúng chỉ lẽo đẽo theo sau, rồi khuất dạng dần sau “quỷ môn quan”!


Trở lại Thiên Đình, tôi khẩn khoản xin điều ước với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng vuốt râu ngồi nghĩ thật lung rồi tha thiết bảo, “tha nàng, ngươi phải đánh đổi địa vị ở Thiên Cung. Cả ngươi lẫn nàng sẽ trở thành những bóng ma chơi, chập chờn giữa núi đồi đồng vắng?” Tôi gật đầu ưng thuận, Ngọc Hoàng ký tên đóng triện cái rụp: “Thả nàng!” Lòng rộn rã hân hoan, tôi lạy tạ Ngọc Hoàng, chào từ giã Công Chúa cùng quan quân Thiên Triều, rồi tan biến thành chùm mây trắng, bay lửng lơ chờ đón nàng ra...


Chợt chuông đồng hồ cất tiếng reo vang, tôi giật mình vùng dậy, ngồi ngẩn ngơ chép miệng than thầm, “ứ ừ! Trong giấc mơ cũng chưa kịp cắn môi nàng!”


“Trách ông trời sao sớm rạng đông”?


PKT


(Tết Nhâm Thìn)

No comments:

Post a Comment