Monday, April 30, 2012

cổ tích

phạm ngũ yên


 



Tôi không có trí nhớ tốt để nhớ mọi điều gì làm nên bối cảnh gia đình tôi lúc đó. Hình như các sự kiện xảy ra mới đầu có vẻ như tốt đẹp, nhưng dần dà, chúng bỗng trở nên tồi tệ. Và ngược lại, lúc tôi chờ đợi những cơn giông làm hoen ố mái ấm gia đình thì lập tức hạnh phúc lại hiện ra. Và thời gian đối với tôi cũng lộn xộn không thứ tự. Cho nên, bây giờ khi hồi tưởng lại để có thể kể cho Duy nghe mà không sợ làm chàng chán nản, tôi không biết mình nên phải bắt đầu từ đâu. Duy không khó khăn trong việc đánh giá những câu chuyện không đầu đuôi kia, giống như những món đồ chơi được lấy ra từ trong chiếc túi của ông già Noel. Chàng nghe tôi nói với tấm lòng bao dung của một người đàn ông. Ðôi khi mang một dáng điệu ngưỡng mộ của một đứa trẻ. Chính nhờ vậy, những mảnh vụn quá khứ của cô gái hai mươi mốt tuổi đã là cái cớ làm cho tình yêu của hai chúng tôi tồn tại. Tôi cũng không có tài kể chuyện. Và nếu những gì tôi nói ra mà quý vị không cảm thông được, thì đó là do tôi vụng về, chớ không phải câu chuyện thiếu thốn những kịch tính của nó.

Duy an ủi tôi:

- Ðừng quan trọng hóa vấn đề. Em hãy coi như cuộc đời này luôn có hai mặt tốt xấu lẫn lộn. Nhưng em cố gắng xử dụng tối đa mặt tốt của nó.

- Vậy sao?

- Nhờ đó, chúng ta có cảm giác rằng mình được nhiều hơn là bị mất.

Duy lớn hơn tôi mười tuổi. Cho nên chàng không cần phải sắp đặt những suy nghĩ của mình trước khi nói. Vả lại, Duy có thừa sự thuyết phục để cho bất cứ ai cũng đều tin vào những lý lẽ của chàng.

Ngày Thanksgiving vừa qua là tôi đúng hai mươi mốt tuổi. Và đáng lẽ Duy cùng ăn tối với tôi đêm thứ năm, nhưng vì chàng không về kịp nên lùi lại đêm nay. Nơi tôi và chàng tìm đến là một nhà hàng Tàu nằm ở miền South, có một cái tên mỹ miều là August Moon- Trăng tháng tám. Chúng tôi chọn một cái bàn trong một góc phòng khuất tối, có cửa sổ nhìn ra những cây anh đào và con đường phía trên cao chạy quanh co vào một lòng cầu. Hồ cá vuông có gắn đèn soi sáng những hòn non bộ cầu kỳ và những cành rong xanh mướt. Ðây là lần thứ hai chúng tôi ăn tại đây. Lần trước có mặt vì tham dự tiệc cưới của người bạn làm chung hãng của Duy. Người bồi bàn đứng băn khoăn ở bên cạnh Duy chờ đợi, cuốn sổ ghi chép món ăn cầm trên tay.

Anh vui lòng cho chúng tôi hai ly sâm banh và hai ngọn nến. Duy nói. Và chúng tôi sẽ chọn món ăn trước khi anh trở lại.

Khi người bồi quay lưng đi, Duy vuốt ve bàn tay ở không của tôi trên bàn. Ðiều này làm tôi nhớ đến ba tôi. Khi ông còn sống, ông vẫn thường xoa xoa bàn tay khô ráp của ông trên tay tôi, mỗi khi tôi có dịp ngồi bên ông. Ðó là cách bày tỏ nỗi cô đơn của ông trên đứa con gái thích làm phiền ông nhiều hơn là cho ông sự thảnh thơi. Nhưng cả tôi và ông đều yêu mến điều đó. Tôi nhìn Duy, cố thuyết phục với mình đừng khóc vô lý. Hãy để cho niềm vui ngày sinh nhật tự nó nẩy nở như mấy đài hoa chen chúc trong bình sứ trước mặt. Vì không ai muốn níu kéo nỗi phiền muộn đi theo mình suốt đời.

- Em không muốn thổi tắt ngọn nến của mình. Tôi nói với chàng.

- Không sao. Những ngọn nến có mặt chỉ để làm cho cuộc đời ấm áp hơn.

- Vừa rồi anh làm em nhớ đến Ba.

- Anh xin lỗi. Chỉ vì anh không thể cầm lòng trước sự lộng lẫy bất ngờ của em.

Tôi chế nhạo:

- Câu này xưa rồi. Tôi nói và thấy Duy khựng lại. Nghĩa là từ trước đến nay em chỉ là con bé lọ lem? Và đêm nay mới hóa thân thành một người khác?

Duy nhìn tôi đăm đăm. Chàng định nói nhưng người hầu bàn đã đem nến và sâm banh ra, phân đều cho mỗi người. Ánh lửa bùng ra từ ngọn diêm trong lòng bàn tay hắn, kỳ diệu như một người làm ảo thuật. Người ta không biết làm thế nào để trong một phút giây cái bóng tối ràn rụa của một đêm tháng mười một bỗng khép nép đâu đó và chúng tôi nhìn thấy hình của nhau trong ánh mắt. Và qua hắn, đêm bỗng trở nên linh động hơn. Duy kêu món ăn cho tôi và chàng. Một con cá hấp với bào ngư. Hai con tôm càng lột vỏ dùng với sốt Mayonaise. Sườn xào chua ngọt. Một dĩa sành có bông cải xào dầu hào. Một món mà ngày xưa cha tôi rất thích. Và hai thố cơm. Bữa ăn có vẽ tươm tất và hơi thịnh soạn. Chàng đưa tôi ly sâm banh và nâng ly của chàng lên mời:

- Mừng sinh nhật của em. Và đêm Thanksgiving nữa.

- Em cũng không biết mình có nên tìm một cái cớ nào để chúc lại anh. Tôi nói, trong lúc đưa ly rượu của mình lên miệng nhấm nháp. Hay là anh chờ cho đến sang năm vậy? Em sẽ chúc anh có một người bạn mới nào đó, để không phải khổ sở vì tính bốc đồng của em?

- Good idea! Duy tán thành ngay.

Chàng cười nửa miệng. Tôi rất thích nụ cười khinh bạc đó. Nhưng tôi không muốn Duy chia xẻ cho một ai khác. Giống như nụ cười của ba tôi dành cho mẹ tôi, khi những năm tháng tôi chưa ra đời. Căn nhà thời thơ ấu của tôi, nơi phòng khách chật hẹp vừa đủ kê một bộ sô pha cũ mà người láng giềng tốt bụng đem biếu cho lúc chúng tôi mới vừa từ Việt Nam sang, có treo bức ảnh của ba mẹ tôi chụp chung ngày cưới. Sau này, khi lớn khôn, và suốt những năm đầu Trung Học, tôi vẫn thấy ba tôi không bao giờ cười khác với nụ cười trong ảnh.

Bữa ăn ngon và kéo dài đến khi khách khứa không còn một ai. Ngọn nến cũng lụn tàn cong queo trên mặt đĩa. Lọ hoa có những nụ hoa Daisy màu vàng giống như một loài cúc núi có mùi thơm. Chúng sống rất lâu và bóng tối đang ràn rụa trên từng cành nhánh mỏng. Ðã bao lâu rồi chúng chứng kiến những hạnh phúc và lắng nghe đủ mọi chuyện tầm phào của mọi người- cho đến khi nào gói ghém tất cả những thứ đó vào nằm yên lặng trong thùng rác. Chúng tôi không nhớ là đã nói với nhau những gì. Nhưng đã đến lúc chúng tôi phải đứng lên ra quầy tính tiền, trả lại cho những bàn ghế và người hầu bàn tốt bụng một phần còn lại của đêm. Tiếng nhạc bây giờ nghe rõ rệt như bài hát dành cho hai chúng tôi, trong khi những con cá màu cam quẫy đuôi mừng rỡ. Giống như những nụ hoa, chúng cũng có mặt trong một cõi thiên nhiên giả tạo giống như cuộc đời thu hẹp- và niềm hoan lạc đầy ứ bên những cánh rêu trôi giạt quanh chúng. Bài hát đuổi theo chúng tôi ra tới tận ngoài sân. Tôi đứng lại để nghe cho rõ, trong khi Duy tìm kiếm trong túi áo xâu chìa khóa. Bãi đậu xe vắng lạnh và đêm chạy sâu trên những vũng tối khuất lánh tầm mắt. Ánh điện mù căm trước tiệm làm liên tưởng đến một cà phê đèn mờ, và chúng tôi như thể hai con chim đêm vừa rời khỏi chỗ nấp. Duy ôm tôi từ phía sau. Những ngón tay gai góc sờ soạng trên vai, trên lưng, như những nhánh xương rồng ngoài đêm. Chàng hôn tôi. Tiếng nói anh nghe khàn đục như hai buồng phổi bị ngợp nước:

- Ðố em biết bản gì?

- Bản gì? Tôi hỏi lại.

- “Cây Chanh”- Lemon Tree- Của Peter, Paul và Mary. Có một thời bản này nổi tiếng ở Mỹ. Ra ngoài xe anh mở lại cho em nghe.



Chúng tôi quấn quít lấy nhau. Căn nhà nhỏ xinh xắn mới vừa vắng bóng ba mẹ tôi. Tôi thấy xấu hổ vì cưỡng chống được những quyến rũ từ đôi môi ham hố của Duy trên cổ tôi. Nơi những hàng nút áo vừa mở bung như một vết thương bị mở miệng. Bức tranh chụp lại từ nguyên tác của Claude Monet treo nghiêm trang trong phòng ngủ. Những con thuyền bồng bềnh trên một bến nước, ràn rụa như thể toàn bộ phong cảnh đang chìm đắm trong sương mù. Không biết ai đã lôi kéo ai ngã xuống nơi chiếc giường giờ đây cũng bồng bềnh một cảm giác chóng mặt. Có một lúc nào đó, qua vai Duy, tôi thấy màu bọt đô của chiếc rèm kéo lại nửa chừng phơi bày một khung trời đầy bóng tối bên ngoài. Nơi chỉ có đêm và giá rét tháng mười một. Nơi mà mới vừa hôm qua tôi vẫn đi một mình dưới lòng mùa thu đếm thầm những năm của mình. Ðứa con gái lớn lên cùng với những phiền muộn và biết mình yếu đuối khi không còn ai thân thuộc. Ba mẹ tôi đã dừng lại, chia tay với tôi không một lời hẹn, từ mùa hè năm trước. Họ đã rẽ đâu đó, nơi ngã ba cuối đường, cuối đời.

Bây giờ, sự phiền muộn cũng thản nhiên chia tay với tôi, khi những niềm hoan lạc như dấu chân của loài sâu bò trên thân thể không gì che đậy của hai đứa. Duy đang cúi mặt trên khuôn ngực xuân thì của tôi như một đứa trẻ. Không biết anh có nghe những tiếng kêu gọi vô nghĩa của tôi vừa ném trên mái tóc thơm mùi rượu sâm banh hồi chiều. Chỉ biết rằng chúng tôi đùa giỡn, khóc lóc, cắn nát những thanh xuân của nhau với một tấm lòng không muốn nhìn về phía trước. Vì thời gian không có là bao.

Duy cắt chiếc bánh sinh nhật đời con gái tôi, đêm đó. Cho tới giờ phút nầy, khi ở xa, tôi không biết Duy nghĩ thế nào về tôi. Người đàn bà lớn hơn anh ba tuổi đã giật anh khỏi tay tôi. Và hai người có chiều hướng hợp thức hóa mối tình chênh lệnh đó bằng một đám cưới? Tôi không hề biết thêm điều gì mới mẻ về Duy. Trong khi tôi bù đầu chuẫn bị cho một cuộc thi cuối khóa. Thật ra mọi việc làm hoen ố mối tình của tôi với chàng không phải chỉ đơn giản như vậy.

Một buổi chiều mùa đông, trước Giáng sinh vài ngày, trong khi tôi ngồi ở Barnes & Noble, tiệm sách nổi tiếng có bán cà phê vừa lật quyển “ War in shadows” của Robert Asprey- nói về cuộc chiến tranh Việt Nam- thì thấy bà. Người đàn bà xin lỗi đã quấy rầy tôi và xin được nói chuyện với tôi trong vài phút.

- Tôi thấy không có gì phiền lòng. Xin mời bà ngồi xuống đây.Tôi nói với lòng xúc động thì ít, mà hồi hộp thì nhiều.

- Chị muốn đi thẳng vào vấn đề vì biết em không có nhiều thời gian. Người đàn bà nói. Tên chị là Ngọc. Em cứ gọi chị như vậy.

- Vui lòng được biết chị.

- Chị mới vừa biết em qua Duy. Người đàn bà bắt đầu nói sau khi nhìn tôi dò xét. Mái tóc bà ướt đẫm hơi sương vì mới vừa đi bộ từ phía bên kia đường. Nơi mà bà phải đậu xe vì parking của tiệm sách đầy ắp xe cộ. Khuôn mặt trắng như một pho tượng mệt mỏi và màu viết chì xanh dưới quầng mắt cố che dấu được những vết tích mất ngủ chừng nào hay chừng ấy. Nhưng nhờ vậy tia nhìn trở nên thu hút hơn. Nhìn chung, bà rất hấp dẫn, nếu không nói là quá đẹp. “Mới vừa tháng trước, chị không hề biết em là bạn gái của Duy”.

- Em không nghĩ chuyện đó làm cho chị đến đây?

- Tại sao không? Người đàn bà cười. Vẻ mệt mỏi thình lình biến mất sau nụ cười đó.

Vấn đề có chiều hướng không được suông sẻ. Tôi nghĩ thầm và nhìn ra vuông cửa sổ. Có ngọn đèn tròn treo giống như một chiếc bong bóng màu trắng trôi giạt giữa lối đi và lát nữa đây sương mù sẽ làm nhòe nhoẹt nó. Hàng cây co ro ôm trong lòng chúng những giá rét. Và không ai hình dung ở đàng sau những gờ mái kia đêm có một màu sắc gì. Những vệt đèn xe cắt ngang một vùng tối, nơi có những cánh chim nằm thao thức chưa ngủ. Một buổi tối có lắm chuyện và không biết bao lâu nữa nỗi buồn sẽ theo tôi trở về. Nơi kệ sách, những quyển sách đủ loại, đầy màu sắc, thơm phức, chen chúc, xô đẩy nhau để báo tin cho cuộc đời này sự hiện diện của chúng. Trên trần của quầy bán cà phê, người ta vẽ bức tranh lớn, nhắc nhở một thời xa xưa, nơi mà những nghệ sĩ tầm cỡ của thời đại đã từng tề tựu nơi đây. Hình như trên chiếc bàn chật hẹp phủ vải trắng kia đang nở bùng một thứ ký ức quen thuộc. Và màu sơn làm nền phông của bức tranh có khả năng đẩy lùi thời gian mấy chục năm lại gần với chúng ta thay vì làm xa cách. Ở đó có Hemingway hút vố. Ông vừa từ bỏ những thảm tuyết rực nắng ở đỉnh Kilimanjaro, hay mới trở về sau cuộc chia tay với bầy sư tử nơi rừng già Châu Mỹ- giờ đang cúi xuống Shelley, dáng điệu quê mùa, nhưng thành khẩn. Trong khi Orwell chăm chú nhìn Nabokov. Và James Joyce ngồi nghe Mark Twain kể chuyện tiếu lâm.

“ Chị cũng là bạn gái của Duy- Và nay mai chắc chắn sẽ là vợ Duy”.

Người đàn bà ho nho nhỏ và rút từ trong ví ra một tờ Kleenex lau miệng. Có một chút màu son môi in dấu mờ nhạt trên nền giấy trắng mịn màng. Tôi nhìn trân trối vào đó và tự hỏi màu son đó đã in dấu trong trái tim Duy từ bao giờ. Nhưng với tôi, trong lòng tôi vẫn còn nguyên vẹn những dấu ấn của chàng, như mới vừa hôm qua.

- Duy không nói với em điều đó. Tôi nghe giọng nói mình trầm xuống, như sợ những quyển sách đang mọc ra những lỗ tai.

- Hôm nay chị nói với em. Chắc chắn Duy không thể bày tỏ cho em hiểu thế nào về tình yêu của Duy với em và Duy nói với chị là rất tiếc về sự đổ vỡ. Riêng chị muốn khuyên em là hãy quên...

Hãy quên? Lời nói của người đàn bà làm tôi lạ lẫm. Không biết nàng đã tốn bao nhiêu thời gian và công sức để đến đây nói với tôi như vậy? Và tôi ngạc nhiên thấy mình dửng dưng. Tôi xếp chồng sách bề bộn trước mặt chuẩn bị ra về:

- Không phải chị có mặt chỉ để khuyên em ngần ấy thôi sao? Còn vấn đề yêu cầu em hãy bước ra khỏi cuộc đời anh ấy sao không nghe chị nhắc tới?

- Chị không có quyền. Người đàn bà từ tốn đáp. Vì Duy là người sẽ quyết định chớ không phải chị hoặc em, phải không?

Tôi đứng lên tìm tới những ngăn kệ và để lại những quyển sách mà tôi đã mượn vào đúng vị trí ban đầu. Người đàn bà cũng đi theo tôi và tôi có ý nghĩ tôi sắp sửa trả Duy về nơi chốn của chàng. Không phải ai cũng tìm thấy nỗi hân hoan và những màu sắc lấp lánh trên những ngăn đời có quá nhiều gai góc kia. Và bàn tay đưa ra để hái những hạnh phúc chông chênh bỗng nghe đau buốt. Tôi nghe tiếng người đàn bà thì thào bên tai tôi, ngọt ngào như một người bạn gái quen thuộc từ lâu:

- Em còn trẻ. Chị không tin em biết buồn.

- Em mong như vậy. Tôi đáp. Chúng ta có nên chia tay nhau chưa? Tôi hỏi.

- Nếu em muốn. Người đàn bà sờ soạng để tìm chìa khóa.

Chúng tôi bước ra khỏi đó. Và chia tay. Ðêm ném tới mặt mũi tôi những cái tát lạnh run tháng chạp. Khoảng sân ngập đầy những tuyệt vọng. Nơi một khu nhà giàu, người ta treo đèn rực rỡ trên mấy nhánh cây, nhìn xa như một thành phố truyền kỳ trong cổ tích. Chuyện ba Vua tìm Chúa theo ánh sáng của vì sao phương Ðông. Chuyện mục đồng thức canh ngoài đồng chờ Hài Nhi Thánh ra đời. Chuyện hang đá quạnh hiu ở Bết Lê Hem mà nơi đó người ta thấy mấy con bò đang thao thức chờ mong một điều trọng đại sắp sửa hiện ra. Ông già Santa Claus râu trắng mặt mũi hồng hào ngồi trên chiếc xe do những con tuần lộc kéo bay ngang qua những mái nhà, kéo theo đàng sau những bánh xe những bông tuyết trắng xóa. Những bông tuyết không ngại ngần phung phí thanh xuân của nó trên bóng tối của ngọn thông, trong khi các vì sao kêu gọi một tình yêu bình dị bên ngoài đời sống vĩnh hằng. Có tình yêu nào cho tôi không?

Tôi thầm nghĩ trong khi chạy xe chầm chậm. Lẽ ra tôi phải thấy rõ cuộc chia tay của tôi và Duy từ những tuần lễ trước, không đợi đến khi người đàn bà báo tin. Không ai cúi xuống chiếc bóng của người khác để tìm kiếm một dày vò của lương tâm. Bài học từ cây chanh mới những ngày qua khiến tôi ngỡ ngàng không tin mình đang gậm nhấm nỗi chua chát. Thực ra thì cũng không phải vì cớ những lời hát mà tôi chạm mặt với nỗi buồn. Nhưng đó là sự thật. “It’s common tale but true.” ... Cây chanh thật xinh xắn và hoa chanh rất ngọt ngào. Nhưng trái chanh không dễ dàng cho con thưởng thức. “Don’t put your faith in love... Ðừng nên gởi gấm vào trong tình yêu một sự thủy chung nào hết...



Nếu ai có thể cho tôi biết điều gì rực rỡ hay khác thường về một người lính, và những lý do nào đã gắn chặt những năm thanh xuân của ba tôi vào trong một cuộc chiến không lối thoát, có lẽ tôi sẽ không chú tâm tìm kiếm một giấc mộng u ám nào trong những mớ ký ức hỗn độn mà mẹ tôi thường ném vào ba tôi khi hai người lời qua tiếng lại với nhau. Không ai nói cho tôi biết rằng cách đây mấy chục năm, có một quốc gia nhỏ giống như một vệt bụi nằm trên bản đồ thế giới nhưng rất nổi tiếng vì bom đạn cày xới và chết chóc mỗi ngày. Nơi có đủ tất cả mọi khổ đau và con người ta luôn luôn sợ hãi mỗi khi đêm xuống.

Ba tôi đã từng là một người lính trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông tham dự vào cuộc chiến với nhiệt tình của một người ở phe bên này chống lại phe bên kia- Và theo như lời ông nói, có một phần cơ thể ông bị mất mát để bảo vệ cho cái chính nghĩa tự do kia. Nhưng không phải hoàn toàn như vậy. Mẹ tôi tiết lộ cho tôi biết cái vết thương mà ba tôi đang có trên người chính là kết quả của một mối tuyệt vọng thảm sầu nào đó khi ông chưa gặp bà. Mối tình bèo bọt và phù phiếm nhưng đủ để làm ba tôi “thân bại danh liệt”. Và chính điều này đã khiến mẹ tôi ghét cay ghét đắng cái “con mẹ” không ra gì làm vẩn đục hạnh phúc của bà.

Tôi không kiểm chứng được bằng trực giác những gì ba mẹ tôi nói. Những uẩn khúc và những đau khổ từ phía nào cũng làm cho tôi buồn rầu- Dầu tôi chưa có kinh nghiệm để nắm bắt một mảnh vụn riêng tư của quá khứ làm trầy trụa hạnh phúc chung của hai người. Nhưng chắc chắn là quyển sử của gia đình chúng tôi có nhiều trang được viết bằng những chủ quan nhiều hơn là vô tư. Và ai là người “phóng đại” thêm để gây xúc động cho đứa con gái mười tuổi vốn hay vòi vĩnh và xí xọn. Ba tôi không nhắc nhở hoặc hé môi cho tôi biết thêm những gì liên quan đến những lời tố giác của mẹ tôi. Nhưng dầu sao, trí óc thơ dại của tôi vẫn bị kích thích bởi bóng dáng sừng sững của ông và mong muốn thấy ông là một người anh hùng, thay vì là một kẻ tình si.

Buổi chiều mùa đông phả những hơi lạnh trên mấy tàn cây ủ ê trước sân nhà, ba tôi trở về sớm từ sở làm và ngồi chờ mẹ tôi làm cơm bên ly cà phê không được nóng lắm. Chiếc áo khoác rộng màu kem mua từ Việt Nam hơi cũ vì thời gian hay vì nỗi sầu muộn trộn vào đó. Lớp bông gòn chính giữa hai lớp áo lộ rõ ra ngoài. Ba tôi nói đùa: “Ðây là áo vũ cơ hàn”. Tôi không hiểu ý nghĩa của những tiếng đó. Mẹ tôi giải thích đó là một tuồng cải lương xa xôi, và khuyên tôi đừng bận tâm về những vớ vẩn của ông. Ba tôi thản nhiên ngồi ngắm mẹ tôi nấu nướng. Bà luôn cảm thấy bận rộn với những chuyện bếp núc cuối tuần. Không một ai thích ăn đồ Mỹ. Riêng tôi còn thưởng thức chút đỉnh, khi thì miếng pizza, khi thì món hamburger mua vội vã ở Mac Donald, hoặc Burger King. Thứ nào cũng bị ba tôi chê lên chê xuống. Cơ thể ông ốm yếu nhưng không phải vì vậy mà ông tiếp thu được những thứ “hầm bà lằng” như vậy. Món mà ông tạm chấp nhận là cà phê. Dĩ nhiên không phải cái thứ nước đen chua chua lờ lợ nằm trong chiếc bình thủy tinh luôn tỏa mùi thơm kia đã quyến rũ được ông.

Nhưng tìm kiếm ở đâu ra những giọt cà phê phin chảy quạnh hiu xuống đáy ly như những giọt buồn? Những ly cà phê làm gợi nhớ những buổi sáng dĩ vãng. Những hoàng hôn mịt mùng ướt đẫm sương mù và mưa bụi. Những ly cà phê nơi bến xe đò khi chia tay với người bạn gái tuổi dần đẹp não nùng như lời ông nói. Nào ai biết được từ những ly cà phê uống một mình như vậy, ba tôi đã gởi gắm hay chia xẻ với cuộc đời lưu vong này một chút thương tật nào đó?

Mẹ tôi là người cương quyết chống lại việc uống cà phê của ba tôi, từ khi còn ở quê nhà. Không biết theo một sách vở nào bà cho rằng uống cà phê làm đen phổi. Và vết nám trong phổi ba tôi là hậu quả của nó. Trước ngày lên đường sang Mỹ định cư, mẹ tôi đã khốn đốn vì vết đen nằm trong phổi của ba tôi. Vì bệnh viện Chợ Rẫy đã từ chối cho chúng tôi lên đường. Nghe mẹ tôi kể lại bằng giọng bực bội cố hữu, tôi cũng cảm thấy ái ngại muốn đứng về phía bà, nếu không nhìn thấy vết thương trên ngực ba tôi. Viên đạn đã xuyên từ trước và trổ ra sau lưng, để lại vết thẹo bằng đầu ngón tay. “Lâu quá rồi để ba không còn nhớ là Việt Cộng nó bắn ba trong dịp nào”. Ba tôi nói một lần chở tôi đi nhà thờ không có mẹ tôi theo.” Con cứ biết rằng chiến tranh luôn đem đến cho người ta sự mất mát.” Và ông nói tiếp: “ Nhưng chiến tranh cũng làm cho người ta nhìn cuộc đời khoan dung hơn”.

Căn nhà chúng tôi dọn về ở có tuổi thọ là mười hai năm, nằm trong khu trường A.C.C- chữ viết tắt của Austin Comunication College- Ba tôi muốn sau này khi tôi lên đại học sẽ học ở đó. Trường cách hai bloc đường và nếu không có xe tôi có thể đi bộ băng qua một khu Plaza và một bãi cỏ lúc nào cũng có bàn tay người chăm sóc. Ngày nào đi học tôi đều nhìn thấy những cây anh đào non đang phơi mình trong nắng. Và vòi nước phun những tia nước màu bạc trên màu cỏ xanh, đôi lúc làm ướt một bên kiếng xe- khi thì chỗ tôi ngồi- khi thì chỗ ba tôi- lúc chạy ngang.

Tôi nhớ những con chim én bay thành từng bầy hồi tháng mười hai năm ngoái, khi những cơn gió lạnh thổi ngược về hướng đông, lúc trường học đóng cửa hai tuần. Những con chim của thời thơ ấu mỏi cánh bỗng đậu thành từng hàng trên đường dây điện cao thế sau nhà. Chúng hiện diện và kêu gọi một tấm lòng thủy chung nào đang phôi pha và mệt mề vì cơm áo để bỏ bê một khoảnh khắc mùa Xuân lồng lộng bên ngoài. Nơi những gờ mái và dưới những đầu hồi chưa kịp quét sơn làm mới lại, tôi thấy những chiếc tổ nhỏ được bện bằng rơm đang run rẩy trong gió- vết tích của một thời ghé lại của chúng trước khi bay tiếp về phương nam. Trí óc thơ dại của tôi khiến tôi thương xót những con chim bé bỏng trong tưởng tượng:

- Làm sao chúng sống được? Tôi hỏi. Khi không có ai cho chúng ăn.

- Ba má chúng tha mồi về mớm cho chúng.

- Chim nó có gây gổ với nhau không ba?

- Con này ngu quá. Ba tôi nói trước khi nhìn mẹ tôi. Nó không biết nói làm sao gây gổ được?

Nhưng không hẳn vậy. Sau này tôi biết ba tôi giải thích sai lạc. Năm tôi học lớp năm hay lớp sáu, thằng Ung Hoach cho tôi biết là hai con chim hoàng yến nuôi ở nhà nó bỗng gây gỗ và mổ nhau, một con xổ lồng bay đi. Ung Hoach là người Mỹ gốc Chinese, dân nhà giàu, xài kỹ. Nhưng mùa Valentine năm đó bỗng dưng nó tặng tôi một cây viết xài mực có khắc hai chữ U.H. Tôi không biết dùng như thế nào và cứ để nguyên trong hộp đựng trên bàn làm việc của ba tôi, bên cạnh cây Bonsai lùn xủn. Thật kỳ lạ. Khi tôi lớn khôn, tôi mới biết rằng mẹ tôi chăm sóc tôi giống như người ta trồng Bonsai trong chậu. Bà muốn tôi trưởng thành trong một khuôn khổ do bà sắp đặt. “ Húp thêm chén canh nầy cho nó bổ.” Hoặc: “ Ðừng ăn món đó nhiều nóng lắm, mai mốt nổi mụn giống như ba mầy”. Ðôi khi đang dán mắt say sưa vào bộ phim hoạt hình Walt Disney, bà la: “Tắt T.V, lấy cửu chương ra học...”

Ba không có như vậy. Ông để tôi an tâm bước đi trên đôi chân của mình. Ðôi khi tôi sẩy chân vấp té. Nhưng mỗi lần như vậy tôi trở nên tự tin hơn. Mẹ tôi không thích ra mặt. Bà phàn nàn:

- Anh chiều nó làm cho nó hư.

- Nhưng không phải cứ áp đặt là nó phải theo. Sự giáo dục ở đây không giống như hồi chúng ta còn nhỏ. Vả lại em nhớ là chúng ta không phải lột da sống đời để đi bên cạnh nó.

- Chính vì vậy nên phải uốn tre khi còn măng.

Toàn là những danh từ lạ lẫm tôi không rõ nghĩa. Nào là “uốn tre khi còn măng” và “lột da sống đời”... Nhưng tôi không có cơ hội để hỏi ngay khi vừa mới nghe, vì sau những lời qua tiếng lại như vậy thì cuộc chiến bùng nổ. Và chỉ chấm dứt khi ba tôi chụp cái mũ lên đầu và ra khỏi nhà.

Tôi buồn rầu chui vào căn phòng của mình, ngẩn ngơ hồi lâu trước keyboard và những khung chữ chớp nháy như một thứ hạnh phúc rời rã. Tôi không biết tại sao những điều tương phản nhau lại song hành bên nhau lâu dài. Và thời thơ ấu của tôi gồm có những niềm vui nỗi buồn trộn lẫn. Gồm có tiếng cười hân hoan nhưng cũng có nước mắt. Tôi không phải là cái gạch nối cho hai đường xe lữa đi bên cạnh nhau nhưng không bao giờ gặp nhau kia hay sao? Có lẽ nào như vậy? Tôi tự hỏi điều đó khi tôi có đủ trí khôn. Còn bây giờ thì cố gắng để không phải vì tôi mà hai người phải cay đắng nhau, mặc dù tôi lờ mờ hiểu rằng tôi vừa là nguyên nhân nhưng cũng là kết cuộc.

Ðôi khi tôi theo ba tôi ra ngoài tham dự vào những hội hè đình đám. Không có mẹ tôi. Bà thích ở nhà nấu nướng trong những ngày cuối tuần. Thãng hoặc đi mua sắm một mình. Chỉ khi ngồi trong nhà thờ người ta mới thấy hai người tỏ vẻ quan tâm với nhau. Và đôi khi trong ánh sáng mờ tối của một buổi chiều chủ nhật, tôi bắt gặp đôi mắt ba tôi đậu xuống trên khuôn mặt mẹ tôi, sững sờ. Dường như ông tìm thấy ở đó một điều gì ấm áp hay một nỗi ham muốn trần tục nào chăng? Vài lần tôi đứng hát trước Hội Thánh, mùa Giáng Sinh hay ngày lễ truyền giảng nào đó. Chị Ái con ông Mục Sư ngồi đàn phía sau. Lúc đầu tôi hơi run rẩy không làm chủ được giọng hát của mình. Nhưng sau vài câu, tôi an tâm biết giọng mình cũng không đến nỗi tệ. Tôi muốn hát riêng cho ba tôi nghe. Bài hát mà ông rất thích (thường khi ông ngồi mệt mỏi sau tay lái, trên chuyến xe đường về, lắng nghe tôi hát đi hát lại điệp khúc quen thuộc: Ðời tôi luôn ca ngợi Chúa GiêXu, Ngài hơn bao bông hồng tươi thơm ngát... Lúc ta lang thang trên bước đường lạc lầm, Vì yêu ta Chúa quên thân Ngài...)

Mùa đông làm tối rất mau bên hông sân nhà thờ, trên bãi cỏ mà đám con nít chúng tôi vẫn rượt đuổi nhau khi người lớn đang nhóm họp bên trong. Cây thánh giá im sững màu nâu chìm trong màu xám lướt thướt của sương mù. Và cuộc đời theo tôi không hoàn toàn là những cuộc vui huyên náo mà còn có những lặng lẽ. Tôi không biết tại sao từ dưới những thớ gỗ vô tình kia lại có khả năng làm biến đổi người ta trở nên thánh thiện hơn hoặc buồn rầu hơn. Tuổi tôi lúc đó chưa phân biệt được những gì đúng sai mà người lớn đặt ra. Chúng tôi không được nói cười lớn tiếng khi đang giờ thờ phượng. Không được đi lại trong lúc Ông Mục sư đang giảng. Năm tôi tám tuổi tôi vẫn còn lén uống phần rượu thánh còn sót lại của ba tôi trong những tuần có Tiệc Thánh. Tôi tưởng ba tôi không biết, nhưng tôi lầm. Sau giờ nhóm, trên đường về, ông nói:

- Mai mốt con không được uống rượu trong nhà thờ theo cách như vậy.

Tôi ngạc nhiên pha lẫn xấu hổ:

- Sao ba biết?

- Ba nhắm mắt cầu nguyện nhưng vẫn... thấy.

- Con thích uống vì nó ngon quá mà ba.

Con chưa thể uống vì con chưa được phép. Ba nhìn tôi nghiêm khắc. Khi con mười bốn tuổi con làm lễ Báp Têm con sẽ được uống giống như những người khác.

Mẹ tôi xen vào:

- Con gái gì y hệt con trai. Anh coi trời lạnh mà nó chạy giỡn ngoài sân tóc tai mình mẩy đầy mồ hôi. Về nhà bệnh hết đi học cho coi.

Tôi không lắng nghe hết những gì mẹ tôi nói. Ðó là những điệp khúc của bà, không có gì mới mẻ. Tôi lim dim mường tượng đến năm tôi mười bốn tuổi, tôi sẽ hả hê tham dự vào những lễ nghi hấp dẫn của người lớn. Còn bây giờ, hãy đứng bên ngoài và cố gắng đè nén những ham muốn trẻ con của mình.







Lâu lắm rồi tôi mới có dịp ra phía sau nhà xem lại mảnh sân nhỏ bé đầy ấp những kỹ niệm ngày mới lớn. Mái hiên có mái che nắng đã muốn xiêu vẹo và bụi thời gian đã làm màu sơn trở nên xấu xí. Chiếc lò nướng B.B.Q nằm yên lặng ở cuối sân. Cạnh đó là hai cây hồng dòn ba tôi trồng vài tháng sau khi về ở. Buổi chiều cuối tuần đôi khi có khách từ nơi xa đến chơi, mẹ tôi lui cui nấu nướng cùng với vài người bạn. Ba tôi và vài người đàn ông khác ngồi lai rai bên chiếc bàn làm bằng gỗ thông sơn màu đỏ bầm nói năng ồn ào. Mùi thịt nướng từ lò bay lan sang hàng rào hàng xóm. Và nếu hạnh phúc có mùi vị thì tôi biết nó đang ngợp ngụa trong khu vườn nhỏ giống như vậy. Rất ít khi tôi nhìn thấy nét rạng rỡ trên mặt ba mẹ tôi. Nhứt là ba tôi. Cái vẻ ủ rũ ít nói thường ngày biến đi đâu mất mà bây giờ ông bổng trở thành một “con cưởng mới lột lưỡi” (câu này mẹ tôi thường nói). Những người bạn của ba tôi cũng vậy. Khi những lon bia trở thành những chiếc lon không móp méo nằm dưới chân họ, cũng là lúc câu chuyện gay go. Thường là dính líu về hiện tình ở Việt Nam. Ai đó khơi mào:

- Nghe nói Thiếu Tá Xuân Tóc Ðỏ mới về Việt Nam lần nữa...

- Vậy sao? Ba tôi hỏi.

- Bây giờ người ta về thăm nhà như đi chợ. Cộng Sản họ đã thay đổi, không còn khó khăn như lúc mình mới sang đây.

- Ai nói với anh như vậy? Họ hé mở vài cánh cửa nho nhỏ để bòn rút ngoại tệ, nhưng cánh cửa lớn là tự do nào có thấy hé ra đâu?

- Dầu sao cũng dễ thở hơn.

- Anh về chưa mà biết dễ thở? Một người lên tiếng.

Những người đàn bà mỉm cười lắng tai nghe. Chuyện đi về Việt Nam từ khi người Mỹ bỏ cấm vận bỗng trở nên quen thuộc. Gặp nhau ngoài chợ, trong lúc tìm kiếm đồ ăn thức uống họ thông báo tin tức cho nhau về người này hoặc người nọ. Thường là chuyện đi về thăm nhà hoặc dựng vợ gả chồng cho con cái. Ba tôi là một người luôn luôn dị ứng với những tin tức như vậy. Ông nói với tôi:

- Con lấy thêm đá cho ba và mấy bác.

Ly bia nằm trong bàn tay ông vàng óng ánh màu nắng chiều trong khi khuôn mặt ông xanh xao như một người mới từ phòng hồi sinh bước ra. Ông nhướng mắt về phía tôi lúc tôi để khay nước đá trên bàn:

- Con nhỏ này sang Mỹ được sáu năm. Nhưng tôi nghĩ là nó sắp sửa quên mặt bà nội nó.

- Mai mốt có tiền anh và chị đưa nó về thăm chớ sao đâu? Một người đàn bà nói.

- Không phải chuyện tiền bạc. Nhưng tôi không có chủ trương về trong lúc này. Ba tôi từ tốn đáp. Thôi thì hãy cho nó quên luôn.

- Sao vậy?

Mẹ tôi chen vào:

- Ảnh thuộc loại gàn bướng chị ơi. Hơi sức đâu mà thắc mắc. Ảnh không muốn về vì còn chế độ Cộng Sản ở đó. Ảnh luôn nói như vậy. Má của ảnh năm nay cũng gần tám mươi. Bà nói riêng với ba tôi: “ Không phải ai cũng lợt lạt như anh đâu? Ai người ta cũng nhớ gia đình của họ”.

- Anh có nói là tôi không nhớ đâu? Ba tôi nói. Nhưng thời gian chưa đủ dài để cho nỗi nhớ mọc chân trở về. Giữa sự nhớ thương và lòng tự trọng của một người tị nạn chúng ta phải hi sinh một thứ. Còn biết bao nhiêu người đang mỏi mòn trên đảo chờ ngày định cư ở một nước thứ ba. Chúng ta trở về là chặt đứt niềm hi vọng của họ. Vì sẽ không cần thiết để tìm cách cho một nhóm người này ra đi trong khi có những nhóm khác lại muốn trở về sống lại với Cộng Sản. Vả lại, sự nhớ thương không nhất thiết chứng tỏ bằng hành động nói trên. Tại sao không gởi tiền về cho gia đình? Nó thực tế hơn.

- Tôi cũng nghĩ vậy. Ðó cũng là một cách mình báo đáp hữu hiệu. Người ngồi kế ba tôi lầu bầu trong miệng vì bận nhai. Cái gì mà mới qua mấy năm chưa sạch hết nước phèn ở quê nhà đã quay đầu về, trong bụng thì áo gấm về làng ngoài miệng bào chữa “xa quê hương nhớ mẹ hiền”.

- Ai có thể chứng minh rằng việc về Việt Nam là đơn thuần mang ý nghĩa tình cảm? Tôi quả quyết động lực chính là những thôi thúc vật chất. Ba tôi cay đắng. Như lòng ham muốn hưởng thụ vì những thèm khát bị dồn nén lúc còn ở đó. Và trên hết là muốn khoe khoang với bè bạn những tiền bạc mà họ thu nhặt được chỉ trong một thời gian ngắn nơi quê người. Ðiều này vô tình làm đau lòng thêm những người không may mắn còn ở lại.

Bạn của ba tôi vuốt tóc tôi khi tôi bỏ thêm đá vào ly ông:

- Thôi bỏ qua chuyện đó đi, con gái. Con ráng học hành cho giỏi để viết thơ thăm bà nội.

Tôi thấy mình bỗng dưng trở thành một đề tài nổi cộm giữa bàn nhậu. Tôi không biết làm thế nào ba tôi có thể ngụp lặn mãi không thôi trong một quá khứ đầy những xáo trộn, trong đó định mệnh lầm lẫn đã xóa sạch mọi dấu vết mê đắm làm nền tảng cho một tình yêu buồn. Ðiều gì làm ông quay lưng lại với nơi chốn đã ra đi, trong khi lá cờ vàng ba sọc đỏ cắm trên bàn viết của ông không phải là một chứng cớ để ông thổn thức về nó mỗi ngày?







Tôi trở lại nghĩa trang để từ giã ba mẹ tôi một lần chót, trước khi thu xếp để di chuyển theo hãng mới về New Jersey. Tôi không nghĩ rằng họ còn có những giận hờn nhiều như ngày còn sống để chia xẻ với nhau. Cuộc đời buồn tẻ và lạc lõng như hai nhánh sông đã xa rồi. Bây giờ hai người có quyền kề cận nhau mà không phải so bì một thứ hạnh phúc chật chội mọc lên từ những tan tác, chia phôi. Như một bù đắp. Trên lối đi trần trụi màu gạch đỏ bị hoen ố vì năm tháng, gió làm cuống quít những chiếc lá khô. Chúng không phải có mặt để kêu gọi cuộc đời hãy vui hơn hay buồn hơn. Nhưng hình như mỗi một chiếc lá mang trên lưng nó những xao động làm ngẩn ngơ người sống còn ở lại. Tôi không muốn quay nhìn về phía hàng rào sơn đen tượng trưng cho một tuyệt vọng không thể bày giải, nơi có Duy đang đứng. Hai bó hoa màu trắng chàng đã đặt nằm ngay ngắn trước hai phiến đá vuông gợi lại tôi nỗi chua xót tôi không muốn nhớ. Cây sồi già đang đưa những cánh tay đen đúa cằn cỗi của nó trên chỗ nằm riêng tư của ba mẹ tôi mà cách đây không lâu ông Mục Sư đã đứng dưới bóng mát của nó và đọc kinh cầu nguyện.

Duy đã làm gì trong suốt thời gian chúng tôi xa nhau? Chị Ngọc nghe nói đã trở về lại Việt Nam và chết trong một tai nạn giao thông vô lý. Không lẽ chàng mãi chạy đuổi theo một quá khứ vô ích luôn bay về phía trước bằng hai cánh? Tôi thì không thể. Mối tình của tôi và chàng không phải là một chuyện cổ tích có hậu để tôi lúc nào muốn đọc lại sẽ lật tìm ở trang có làm dấu bằng chính những tức tữi của mình? Tôi cũng không thích làm một khán giả luôn ngồi nán lại sau cùng từ một chuyện phim buồn trong khi mọi người lũ lượt ra về. Trong khi mọi người lũ lượt vượt qua bao nhiêu bể dâu để hạnh ngộ một bờ bãi thủy chung và hớn hở những tao phùng?

Cuối cùng, khi ngồi ngay ngắn trước tay lái và nổ máy, tôi thấy mình chảy nước mắt trong khi trái tim vang lên bài hát “Cây Chanh” ngày trước, khởi đầu bằng những câu:

“ Khi tôi lên mười tuổi, cha tôi nói với tôi rằng...”

No comments:

Post a Comment