phạm ngũ yên
Ngày xưa, có ai đó nói với tôi rằng, tình yêu, giống như
mây trời. Tự nó đến rồi đi. Và không ai nhốt hay giữ chặt được mây trời.
Bây giờ, sau một đời biến động, tôi nhìn thấy điều đó
đúng.
Khi tôi trở lại thành phố từng cưu mang tôi trong thời gian
tôi còn trong quân ngũ… Không phải chỉ cưu mang thôi mà còn chia sẻ cùng tôi
những cảm xúc, những ngào ngạt màu đời. Thành phố đó còn cho tôi một tình bạn và
một tình yêu. Tình bạn giản đơn mà cũng rất bền bĩ. Trong khi tình yêu như ngọn
gió trở mình mang nhiều nông nổi đi xa.
Tôi mắc nợ thành phố Đàlạt và khánh tận mọi quá khứ để
không bao giờ trả được. Vì khi tôi còn thanh xuân, tôi đã không kịp bù đắp hay
có cơ hội san sẻ, huống chi bây giờ đã già. Đã cách ngăn nửa vòng trái đất. Thời
tiết và thời gian đã khác nhau như hai hướng đời mộng thực. Đêm bên này và ngày
sáng bên kia. Những con đường không dài nhưng mệt mõi một ngày
về.
Từng vệt xuân son héo hắt màu thủy chung và bước chân mưa
đuổi nhau ngoài khung cửa. Mọi hình ảnh về nhau, nếu còn, chỉ như sương lạnh
trên sông buồn. Khi tôi nhớ về Đà Lạt, (cũng như khi nhớ về Vũng Tàu) không hiểu
sao tôi muốn mọi cảnh vật hay con người đều không thay đổi. Tôi không chờ đợi
hay chịu đựng được sự thay đổi đau lòng. Tin tức từ trong nước cho tôi biết hai
thành phố yêu dấu của tôi là Đà Lạt và Vũng Tàu đều đổi thay chóng mặt. Người ta
đã đem những tiện nghi nhất thời phủ chụp lên những nét mỹ quan lâu đời của
thành phố. Họ xây dựng cũng như tàn phá bằng trái tim vô cảm để chạy đuổi theo
nền kinh tế chụp giựt thay vì tìm lợi ích lâu dài. Đâu rồi những rừng thông chập
chùng bao quanh những mái nhà nằm im nghe gió bay qua đầu hồi, hay cửa biển xưa
lồng lộng cánh buồm nâu trân mình trong bão? Những cây bàng già trắng bệt thời
gian hay những cành mạc lan dẫn về đường nhà ai thảng thốt? Tôi nghĩ về những
điều đó, như nghĩ về một ảo ảnh đau lòng.
Năm 1975, tôi sắp từ giả Ðà Lạt để về Vũng Tàu, trái tim
vừa được sưởi ấm bằng giá rét và vừa chín đủ đau buồn. Buổi sáng thức dậy trong
căn nhà của người bạn gần phi trường Cam Ly, nắng còn e ấp trên những luống su
lơ sau vườn. Màu xanh của lá và màu trắng của bắp cải trộn lẫn với màu sưong mù
mộng mị. Những trang giấy viết về đời quân ngũ vừa chấm dứt và khép lại sau
những lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Khoảng trời êm đềm cũng vừa tan
vở. Tôi mang vết thương trong lòng và vết thương trên cơ thể làm một người lính
giải ngũ bất đắc dĩ, đi qua những đoạn đường xanh rợp bóng mát nhưng rát bỏng
nỗi đau.
Ðêm ngủ không còn nghe tiếng súng, nhưng mơ hồ đâu đây
tiếng dội của trái mìn làm nát ngứu tương lai. Ngày đó tôi hơn 29 tuổi. Tình yêu
còn rất trẻ để tôi chưa biết đời huyễn hoặc và phù hư, khi mưa đêm gõ nhịp ngoài
cửa kính cắt xén giấc ngủ ra nhiều lần. Mộng ước cũng ngỡ ngàng không
kém.
Căn nhà tôi trú ngụ trong thời gian chờ ngày giải ngũ là
của Vũ Chí Tuân- một bạn thân người Bắc- cùng chung đơn vị Truyền Tin. Anh nhỏ
hơn tôi một tuổi nhưng lập gia đình sớm. Gia đình anh chấp nhận tôi làm một
thành viên không so đo và cũng không chờ đợi tôi lời tri ân. Nhiều bửa cơm tối
quây quần quanh chiếc bàn vuông làm bằng gỗ thông, dưới ánh đèn điện, hai đứa
con nhỏ của anh nhìn tôi vừa tò mò, vừa thân thiết. Có một đứa tóc tai bồng bềnh
và quăn quíu dể thương, thường hay bám theo tôi. Một người con gái mà tôi biết
là em của Tuân, hai gò má lúc nào cũng hồng, dù mùa hạ hay mùa đông. Nàng đang
xới cơm và đưa chén cơm cho tôi bằng hai tay. Tôi không biết nàng nghĩ về tôi
thế nào, nhưng tôi không bao giờ quên được nụ cười đôn hậu của nàng.
Cho đến khi tôi rời xa gia đình Tuân, tôi vẫn chưa biết rõ
ràng tên nàng. Một cái tên tưởng chừng nếu vang lên được thành lời sẽ làm cho
chúng ta bớt đi sự khoắc khoải. Và đủ làm chật chội hay làm vui buồn một ngăn ký
ức. Tôi không biết lý do nào tôi không chịu hỏi tên nàng. Mà chỉ gọi bằng cô Út,
như Tuân đã gọi nàng. Có thể vì tình bạn mật thiết của tôi và Tuân. Và có thể vì
thương tật trong cơ thể làm tôi ngại ngần.
Ðêm đủ ấm để lòng thôi bỡ ngỡ về nhau. Và cũng vừa đủ nồng
để nghe khao khát dội lên mấy đầu ngón tay. Những điều tôi muốn nói với nàng, có
lẽ chỉ nên viết ra trên giấy, như một phác thảo tình yêu chưa tròn trịa bố
cục.
Tôi chỉ có thể viết về nàng, về tình yêu mơ hồ gần như
không hề xãy ra, sau này, khi một mình ngồi trong căn phòng trong một nhà trọ
tại Ðà Lạt. (Trước ngày lên đường sang Hoa Kỳ, tôi có ghé về thăm lại thành phố
của quá khứ). Đúng ra là tôi muốn thăm lại nàng. Tôi đã từng mắc nợ một hạnh
phúc mà gia đình Tuân đã chia sớt cho tôi, giống như chén cơm mà cô Út đã sới
cho tôi đêm nào. Cũng như từng mắc nợ một mái ấm đã cho tôi những năm tháng thơ
mộng. Trong khi nơi ngôi nhà tại phi trường Cam Ly, Tuân vừa già nua nhưng vẫn
dào dạt trong anh một tình bạn son trẻ ngày xưa. Nỗi buồn chất ngất trong tôi,
khi tôi nghe Tuân báo tin em gái của mình lấy một người chồng ngoại quốc. Nàng
theo chồng định cư tại nước ngoài.
Người con gái đã như cánh gió bay giạt theo những buồn vui
của đời. Nàng có còn nhớ một mảnh vườn xưa có những luống sú lơ sau nhà, khi cơn
mưa đêm bay về làm ướt một cánh bướm tơi tả giang hồ là tôi? Lòng nàng có còn
thổn thức lúc đêm về từ một đất đai tạm dung nào đó, để nghe gió qua đồi vẫn cất
lên tiếng hát?
Có bao giờ nàng tin rằng năm tháng biết yêu và biết chờ
đợi? Lòng một người con gái ngày đó giống như một mảnh vườn chưa có cổng, không
có cả một lối để vào. Nhưng chỉ cần một ngọn gió hay một tiếng mưa đêm cũng đủ
làm cho trái tim rung động thổn thức. Nếu tình yêu không nung nấu đủ bằng ngày
tháng chờ đợi nhớ mong thì tình yêu chưa chín. Ai đó đã ví von như
vậy?
Những ngày mưa tiếp theo ngày nắng. Buổi sáng Tuân lái xe
Honda đi làm, chở theo tôi ra ngồi ở một quán cà phê bên hông Nhà Chung, gần nhà
thờ Con Gà. Sau đó Tuân đến sở làm. Tôi lang thang một ngày ngoài phố và cơm
trưa qua quít. Đôi khi hào phóng ngồi ở Shangai hay Tùng, với bò bít tết cùng
bia bọt. Đôi khi bần tiện ngồi trong Nhà Lồng Chợ với bánh mì cầm tay và cà phê
đá. Sau đó ghé vào thư viện viết bài. Những trang bản thảo thơm mùi mực bút
nguyên tử được viết xuống chậm rãi bằng bàn tay trái, vì bàn tay phải bị thương
chưa cữ động được. Nhiều truyện ngắn mà sau này ra hải ngoại tôi gom lại và in
thành tuyển tập có tưạ là “Hoa Bluebonnetts Cho Hai Người”. Buổi chiều tôi đi bộ
từ thư viện về nhà Tuân. Sương mù che kín tầm nhìn trên đường về Cam Ly. Dòng
thác mơ hồ quặn mình đau như người đàn bà thai nghén.
Tôi nghĩ về cô Út. Qua rồi những vạt nắng xuân thì làm má
đỏ hây hay khi nàng tưới rau sau nhà. Vạt áo bà ba nhuộm nâu giống y hình ảnh cô
gái quê của Nguyễn Bính. Qua rồi mùi hoa sửa bay giạt cả về đêm. Những cơn gió
mùa về lạnh cóng bàn tay đủ băn khoăn để ấm lòng thiếu nữ. Những tiếng cười dấu
kín trong môi nàng khi sợi tóc ưót đẫm mồ hôi lật ngược về vai như dòng sông
trôi ngược về nguồn.
Một đêm tôi trở về nhà Tuân từ sau một cơn bia là đà ngây
ngất. Tôi không nhớ tôi đã làm thế nào để vào được phòng riêng của mình và trèo
lên giường mà không va vấp vào một cái gì đó. Em gái Tuân là người đầu tiên nhìn
thấy tình trạng thiểu nảo của tôi. Cả nhà đều say
ngủ.
Nàng vừa là một bà tiên vừa là một kế mẫu độc ác đủ để tôi
thẩm thấu một nỗi đau tuyệt vời. Ðêm cao nguyên ướt nhòa những dòng lệ hoan lạc.
Ngọn đèn đêm nằm khuất đâu đó không đủ soi rọi thân thể của ai vừa va nhập vào
tôi. Nhưng đủ khêu lên những thèm muốn giữa lòng đêm hốc hác. Tôi không biết
giữa tôi và nàng ai là người cho và nhận. Ai là người thống hối và ai phải ăn
năn? Nhưng tình yêu đã trở thành một điều tự nhiên khi ánh nhìn đau đớn từ đôi
mắt của nàng như ngọn lửa ùa xuống da thịt tôi. Có tiếng mưa run trên mái tôn cũ
mòn, như hơi thở run trên vai tôi chất ngất.
Rồi khoảnh khắc, nàng chợt rời xa tôi. Trả tôi một mình với
đêm và giấc ngủ ngào ngạt hương thể và hương đời. Nàng đến và đi như một hình
bóng trong giấc mơ huyễn hoặc. Ðâu đó tiếng một trái thông rơi làm ngỡ ngàng sự
tỉnh lặng của đêm. Và thoảng qua khứu giác mơ hồ của tôi là mùi cỏ lạnh vừa xới
ngoài vườn buổi chiều. Mùi hoàng lan ngoài song
cửa…
Bây giờ ngồi tại đây, trong không khí dịu dàng của một ngày
chớm thu. Thành phố Austin dể chừng giống một ngôi nhà hạnh phúc trống hoác.
Từng cơn gió thổi qua đời nhau nhưng không ngừng trụ
lại.
Ly cà phê cuối tuần vừa bốc hơi thoáng đã nguội. Người đàn
bà mà mới hôm qua mời tôi cắt chiếc bánh sinh nhật của nàng trong một nhà hàng
vùng Downtown, có tên là La Madelaine. 50 mùa xuân đi qua đời nàng tượng trưng
bằng 5 ngọn nến đơn điệu và tôi thấy nàng thổi tắt vụng về. Nàng đang ngồi trước
tôi. Chiếc áo thun màu đen và chiếc Robe màu đen nhễ nhại. Cùng hai đôi giầy bốt
cao cổ có dây kéo chụp ngoài đôi vớ cũng màu đen. Nếu có thêm một chiếc mặt nạ
mang vào mặt, nàng sẽ giống như nhân vật nữ trong phim Cat Women. Nàng nhìn tôi
bằng ánh mắt sao đêm vừa ngút mình bước vào vùng bão lửa…
Nàng có thói quen uống cà phê không bỏ đường. Nếu sự cay
đắng tượng trưng cho nỗi đau có thật thì nàng đại diện cho nỗi đau trùng điệp
không vị ngọt nào hóa giải.
Những chiếc lá bay về đâu trong mùa thu này? Chiếc lá lòng
héo úa vì mầm xanh không còn trong lòng tôi từ bao năm, sáng nay dường như muốn
bay về để đậu xuống trên trán nàng, tới tấp thành những nụ hôn. Qua rồi cái thời
nông nổi để người ta tìm đến nhau mà lòng giữ được sự an tịnh.
Cây hồng đào sau lưng nàng, vừa mới ra thêm hoa. Trong lòng
tôi cũng vừa mọc thêm sự xúc động cũng mới mẻ không kém, khi mường tượng ra tình
yêu chết cạn giữa tôi và nàng. Trái tim luôn rực rỡ màu lửa như ngày đầu, nhưng
trái tim cũng thường hay thay đổi. Một ngày nào, trong lòng nàng sẽ không còn
chỗ cho hình bóng của tôi trú ngụ. Và như vậy, để làm quen với đau khổ, tôi sẽ
tập chịu đựng. Giống như một giấc mơ vội vàng không qua kịp hết đêm, sự ngắn
ngủi luôn làm nên một bi kịch. Một ngày nào tôi sẽ không còn đi chung với nàng
một con đường. Những tương phùng hay hạnh ngộ nếu có chỉ là một phần của đời
sống. Trong lúc khoảng cách thì mênh mông.
Ðâu có ai nhớ mãi
về một khoảng đời nhức nhối khi cả hai dại dột nói lời thủy chung? Khi tôi hiểu
về nàng và nàng hiểu về cuộc đời thì mọi thứ đều quá muộn.
Góc phố quen thuộc khi chúng tôi nhìn qua vai nhau, vừa có
thêm màu phượng tím. Những chiếc xe nằm bên lề đường cũng từng bốc hơi cả một
mùa hè. Trên báo chí loan tin những cơn cháy loang dài trên những thửa rừng bạt
ngàn ở Cali. Giống như những ngọn lửa thịnh nộ giáng xuống thành Sôđôm trong Cựu
Ước.
Màu phượng tím làm tôi liên tưởng đến một màu áo, từ một
thành phố núi. Bốn mươi năm trước, có người từng hỏi tôi: “Anh yêu màu tím rồi
mới yêu em hay yêu em rồi mới yêu màu tím?”
Câu hỏi giản đơn rơi xuống cùng với buổi chiều Blao tỉnh
lặng, nhưng tôi thấy khó trả lời. Có thể tôi yêu cùng lúc hai điều đó.
Bốn mươi năm sau, lòng tôi vẫn còn đậm một màu hoa, dù tình
yêu không tròn trịa thủy chung. Người đàn bà đã đi ra khỏi chặng đường mà không
nhìn lại phía sau. Chiếc áo tím ngày nào còn đậm trong hồn tôi như một vết mực
tròn vo trong lòng trang vở cũ.
Người ta thường nói về định mệnh trùng lập. Cái định mệnh
đã từng vùi lấp biết bao cuộc đời và nhốt kín trong lòng nó mọi dâu biển.
Lúc tôi đi, Ðà Lạt có chút nắng trên cây thánh giá của nhà
thờ đường Hai Bà Trưng. Con gà bằng đá bên chót vót nóc cao đang nhìn xuống mặt
đường mênh mông vàng lạnh những đóa dã quỳ. Có một người con gái vừa trượt ngã
vào một tình yêu yếu lòng. Những hơi thở tưởng chừng tròn trịa hạnh phúc nhưng
chất ngất đắng cay kia có còn đậu xuống trên vải vóc áo xiêm? Hay chỉ là một kỷ
niệm?
Có những dòng sông suốt đời không tìm thấy biển. Nhưng biển
vẫn chờ đợi phù sa bù đắp từ sông. Cuộc sống thực hư giữa hai bờ đời thường lẫn
lộn với nhau. Có tiếng chim kêu vang dưới một khung bảng hiệu bán trang phục phụ
nữ gần đấy. Tôi nhận ra tiếng lòng ủ rũ của mình.
Ðâu có ai giữ được thời gian về phía mình. Khung trời trên
cao vẫn còn xanh màu một nỗi nhớ. Buổi sáng đầu mùa thu đem hơi sương lướt thướt
trên tán dù mới may. Mùi cà phê từ những cây cà phê được trồng từ một vùng đất
đai Nam Mỹ theo gió vỡ oà ngang khứu giác. Tôi nghe sự bình yên của ngày trở
mình theo lời ca quen thuộc. Giọng hát của Frank Sinatra, bài I Love Paris. Bài
hát cũ làm nên quá khứ lộng lẫy của người ca sĩ những thập niên 60. Tiếng hát
vang ra tận chỗ chúng tôi ngồi. Tiếng hát lấp đầy những khoảng trống đang có của
hai người đang yêu nhau.
Có những khoắc khoải giống như vết thương lòng được giữ yên
trong lòng ngực. Tôi không cần thiết phải nói về một màu son trên môi nàng mà
tôi từng ngưỡng mộ. Tôi cũng không cần thiết phải viết xuống giấy vì mọi chữ
nghĩa đều thừa thãi và sáo mòn. Vì nàng mỗi ngày đều xoay trở chóng mặt theo
dòng đời. Như cánh bướm màu vừa hiện ra nơi bàn chúng tôi ngồi. Nó tương phản
với màu đen của vải vóc trên thân thể nàng. Tôi nhìn mà bâng khuâng.
Ngày đó, tôi và nàng vừa yêu nhau. Cách đây 5, hay 6 năm gì
đó. Ngày đó, tình yêu của tôi và nàng còn trẻ trung. Cảm giác mê đắm của tôi về
nàng nhiều hơn lý trí. Mọi màu sắc làm nên con người nàng, hay một tiếng cười,
tiếng nói của nàng cũng làm tôi choáng ngợp. Những phấn hoa bay vàng trên lối về
tiệm Nail của nàng, qua những giao lộ sầm uất phố thị.
Mùa hè trôi qua. Mùa thu đến. Nàng vẫn thản nhiên ngồi sau
tay lái nhìn ra dòng xe trước mặt, không buồn trăn trở một nụ hôn vừa trao. Năm
tháng dù dài và dù khó hiểu dưới mắt nàng, nhưng tình yêu vẫn luôn là một nhịp
đời lấp lánh. Nàng vẫn ngày hai buổi đi về trên chiếc 4 Runner đời mới màu trăng
khuya. Cho đến một ngày nàng giận tôi...
Nguyên do là tôi lỡ lời nói lên một câu- mà theo nàng- đã
gây cho nàng sự thương tổn. Mới đầu nàng kinh ngạc. Sau đó thì giận dữ và cương
quyết đòi chia tay.
Tôi đã cay đắng nhìn xuống những vòng xe của nàng, vừa rời
khỏi Parking. Tôi đã cay đắng nhận từ tay nàng chiếc Remote Control mở cửa
Garage nhà tôi mà tôi đã đưa cho nàng ngày đầu.
(Tôi xin nói thêm đây khi tôi quen nàng và một lần nàng đến
tìm tôi mà tôi không có nhà. Nàng đi lang thang trong một vài siêu thị, khi trở
lại nàng phàn nàn với tôi. Khi đưa nàng chiếc Remotte là tôi không muốn tình
trạng đó xảy ra một lần nữa).
Tôi không biết lòng tôi sẽ như thế nào khi những trận gió
đêm thổi ngang qua mái nhà cũ kỷ. Căn nhà tôi mua có tuổi đời 20 năm. Những
chiếc lá sồi miền Alaska và khóm Wisteria màu tím than có còn tươi khi bị gió
vùi dập xuống lề đường? Giống như hi vọng của tôi có còn thắm màu khi biết nàng
vừa quay lưng?
Tôi tìm cách gọi phone để giải thích với nàng và mong được
nàng cảm thông. Một người đàn ông hơn sáu mươi tuổi, gần chạm đến lằn vôi tử
sinh mà buộc phải nói lên những điều như vậy thì rất khó nghe. Nàng bắt phone,
nhưng ở đầu bên kia thay vì nghe tôi giải thích, thì nàng trả lời là phone của
nàng sắp sửa “hết pin”. Rồi cúp luôn.
Buổi tối tôi ngồi trước computer. Những dòng chữ định viết
trên màn ảnh bị khựng lại. Tâm hồn khô ráo như một cánh đồng mùa nắng. Tôi khao
khát một tiếng nói làm thành sông bao la chảy qua nỗi muộn phiền của nàng. Tôi
cảm thấy cuộc đời đã từng thiếu vắng một điều gì đó, rất quan trọng. Ðó là những
gì làm nên con người nàng.
Khi tôi biết như vậy, thì nàng đang xa rời tôi. Tôi đã khó
khăn để dàn trải những điều mà ngày thường thấy dễ dàng viết ra. Có một thời tôi
cũng từng nếm trải sự cay đắng cùng nàng và từng đo lường những yêu thương của
nàng theo chiều dài cơn giận. Nhưng nó ngắn ngủi, không phải như bây
giờ.
Tôi muốn mình được bay trong giấc mơ khu vườn của nàng.
Trong đó nàng thơ ngây biết bao và lạc lõng biết bao. Và tôi sẽ là người để nàng
dựa lưng vào đó. Thời gian trôi qua mọi cánh cửa âm thầm. Thời gian không dừng
lại.
Tôi nhớ đến những bài viết của tôi đăng thường xuyên trên
báo tại địa phương và nàng thường tìm đọc một cách háo hức. Không biết lúc này
nàng có còn say mê điều đó hay không?
Tình cờ, tôi tìm thấy những câu thơ của ai đó, ngơ ngác và
rối bời giữa những trùng điệp văn chương. Nó hợp với nỗi buồn của tôi và tôi sao
chép gởi vội đến nàng. Hi vọng nàng có thì giờ đọc e mail của
tôi...
“Em hờn tôi, xin đừng bỏ thơ
tôi…
Tôi có tội, còn thơ thì vô
tội
Thơ khóc, thơ cười... nhưng không hề gian
dối,
Xin em về thương thơ khóc mồ
côi...”
No comments:
Post a Comment