Monday, April 30, 2012

nghe lạnh về nhớ một bàn tay

phạm ngũ yên

 


Lần đầu tiên tôi nhận ra chính mình trong lá thơ Quỳnh viết. Những ngày đông đầy mưa, chỉ có tôi và nàng trong chiếc quán quen thuộc. Ngụm cà phê nóng làm nàng suýt xoa. Chiếc bàn mica mát lạnh hai chỗ ngồi và khung trời tạnh khô màu tro như được vẽ bằng mực tàu pha loảng.

Những lời trong thư của nàng mang một giá trị của một cời than còn nóng, thắp cháy những đoạn đường xưa, nơi thành phố buồn lạnh như dòng sông chảy qua đời nhau lặng lẽ. Khi tôi nhớ về Quỳnh, là tôi muốn nhớ về một màu son trên môi giống như một màu phượng cháy. Tôi từng có một lần ra đi để không bao giờ trở về Ðà Lạt. Những góc phố ướt mưa vẫn nằm im không trăn trở. Tôi nhớ đến con đường Ðào Duy Từ chạy ngang qua nhà nàng, mùa này sửng sốt tiếng chuông. Những tam cấp rỉ rên dưới bước chân người, nhìn xuống một bến xe đò huyên náo và rực rỡ mộng giang hồ. Lúc nào cũng vậy, khi nhìn thấy những cơn mưa vắt ngang qua một bến xe đò là lòng tôi nôn nóng một chuyến đi. Không biết đi về đâu. Chỉ biết trèo lên ngồi ở băng ghế, nhìn xuống những vạt cỏ chạy lùi lại phía sau, những cột mốc lầm lũi bên đường, lòng thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi không biết nơi chặng dừng chân phía trước có bao nhiêu niềm vui hay nỗi buồn đón đợi, và trái tim sẽ ủ được bao nhiêu hương sắc của đời?

Những ngày như vậy, tôi nhớ vô cùng tiếng cười trong veo của nàng. Như một giọt mực xanh rụng xuống lòng giấy trắng. Nàng không yêu tôi nhiều như tôi tưởng. Nhưng tôi vẫn nghe chật trong lòng ngực một bếp lửa mùa đông. Nàng tồn tại trong trái tim non yếu của tôi như một đóa hoa tồn tại bên ngoài cửa sổ. Ðôi khi tôi thấy Quỳnh là một nửa tìm kiếm của tôi, đôi khi nàng không là cái gì hết. Như một ẩn số. Nàng yêu tôi giống như người ta làm văn nghệ và giống như mây trời. Nghĩa là tùy hứng và nếu có thì cũng không dài lâu. Ðâu có ai giữ được mây trời và cũng không ai bắt một trái tim mãi rung lên những nhịp đập sắt son trong lòng ngực.

Nhưng tôi vẫn không thể thiếu nàng. Tôi luôn khao khát nhìn thấy nàng từ phía xa, trong đám sương mù lãng đãng. Màu tím của chiếc áo len bao quanh thân hình mảnh dẻ và mái tóc lúc nào cũng ướt át mưa phùn. Nàng sẽ nhìn quanh quất tìm kiếm dấu vết tôi, trước khi nhìn ra chiếc bàn tròn khập khiểng thời gian và lạnh buốt dường nào. “Hôm nay anh không đi làm sao?” Nàng hỏi và khép nép ngồi xuống. “Anh có làm nhưng bỏ ra đây uống cà phê”. “Ngộ quá! Ðể nhìn ông đi qua bà đi lại?”. “Không có! Ðể nhìn em đấy chứ...”. “Xạo ghê. Nhìn em?” Nàng chống tay lên cằm nhìn tôi đăm đăm như nhìn một món đồ bày trong tủ kính. Tôi cũng nhìn nàng và bộc lộ vẽ nồng nhiệt không kém. Mái tóc Quỳnh không còn ướt nhiều có vài chỗ đã khô ráo, vài ngọn rũ xuống trán. Tôi nhìn kỹ những viền xanh mờ nhạt dưới mí mắt nàng. Màu xanh làm cho tia nhìn của nàng mang một vẽ thẩm xa như một chân trời. Nó gây cho người đối diện một nỗi phấn khởi được hôn lên đó. Nhưng tôi dằn xuống và thán phục những công ty làm ra những mỹ phẫm ác liệt.

Buổi sáng có biết bao màu sắc hiện ra trên con đường trước mặt. Qua vai nàng, tôi cảm nhận được đời sống đang tuôn chảy những nhịp đời hối hả, trong khi tình yêu đọng xuống như giọt cà phê. Những cây ngo run rẩy dưới một khung tường nhìn từ xa tôi tưởng chừng như chúng vừa được vớt lên từ một khúc sông nào đó. Rải rác từng mái ngói đỏ màu gạch ngữa mặt lên trời để hứng sương mù. Những vệt nắng không thể xuyên qua các tàn nhánh mùa đông, chính vì vậy nên tia nhìn của nàng bớt thấy chông chênh mà dịu dàng biết bao.

Ðôi lúc tiếng cười của nàng như một chiếc lá khô rơi xuống mặt đường tĩnh lặng. Và nỗi buồn chạy đuổi theo từng tiếng chân mưa vuột ngã ngoài kia.

Có lúc nào đó tôi sẽ xa nàng. Như một điều tự nhiên. Từ khi tôi quen nàng, những mầm mống của tan vỡ đang thành hình. Tôi không thể hiểu được trong tâm hồn đơn sơ của nàng có bao nhiêu chỗ để dành cho tôi. Và bao nhiêu chỗ để dành cho người khác. Ðã có một thời tôi uống say tiếng cười nàng. Trong khi sự mâu thuẩn về một tình yêu va vào đời nhau tê điếng.

Tôi là một người lính trẻ xa nhà. Không có nhiều tài năng để phô trương với nàng ngoài một trái tim tươi rói hồng huyêt cầu. Mỗi ngày tôi đi đến đơn vị để làm việc. Căn phòng truyền tin có những máy móc kèn cựa nằm chồng lên nhau. Những công điện được nhận và được gởi đi mỗi ngày qua chiếc máy viễn ấn, qua những ngón tay thoăn thoát gõ xuống bàn phím của người nữ quân nhân. Tiếng xào xạc của khuôn chữ trên trục giấy như hơi thở run qua những vai đời thơ mộng kia cùng tiếng tín hiệu của máy siêu tần số là những âm thanh duy nhất trong phòng. Công việc của một trưởng ban Truyền Tin đòi hỏi tôi phải có mặt mỗi ngày, nhưng không ràng buộc tôi phải chấp hành nghiêm chỉnh giờ giấc hành chánh. Có nhiều công tác tôi cần phải giải quyết xong kịp thời hạn. Nhiều đêm cặm cụi thức khuya để giải quyết cho xong một hệ thống viễn liên bị giao thoa, hay một trở chứng nào đó của chiếc máy viễn ấn tự. Cũng như có nhiều ngày rổi rảnh không biết phải làm gì cho hết giờ, tôi xoay ra viết văn làm thơ gởi đăng trên các báo Sài Gòn. Vài mối tình phù hư đậu xuống những trang giấy từ bàn máy đánh chữ của đơn vị, tưởng chừng như giọt mưa. Ðôi lúc như những cánh bướm. Chúng có khả năng bốc hơi hoặc bay đi bất cứ lúc nào. Ký ức sẽ trở thành mù sương để bay qua những vai đời thầm lặng.

Khi tôi biết Quỳnh, một cô gái mảnh mai làm việc ở bưu điện Ðà Lạt, những tác phẩm của tôi đang có chiều hướng quen thuộc với một số độc giả địa phương- trong đó có nàng. Những cuộc hẹn hò nơi quán cà phê bên hông nhà bưu điện hay những lúc theo chân nàng về nhà, đã nuôi dưỡng tình yêu tôi khôn lớn mỗi ngày.

Nhà nàng ở dốc Hai Bà Trưng, khi đi làm nàng phải băng qua một con lộ màu đất đỏ và khu bệnh viện nằm mơ màng dưới một rừng thông. Tiếng chim rót bên tai như những giọt mật đọng xuống lòng mình lúc nào không biết.

Một lần nàng hỏi tôi: “Nhân vật Nhó là ai trong truyện ngắn anh vừa mới viết...?” Tôi trả lời đó là em gái của tôi ở Vũng Tàu. Nàng có vẻ không tin. Nhưng thấy vẻ mặt thành khẩn của tôi nàng không hỏi thêm. Người đàn bà có nhiều điều ngộ nghĩnh trong đầu. Họ thường nghi ngờ những gì mà người đàn ông nói thật, nhưng lại rất tin tưởng những gì người đàn ông nói dối. Và từ đó, kéo theo những thảm kịch.



Một đêm tôi trở về từ căn phòng làm việc trong đơn vị. Những ngày kề cận với cái Tết Việt Nam. Tháng giêng rét mướt những đóa dã quỳ bên vệ đường. Tôi đi qua chiếc quán cà phê của tôi và nàng đã từng có thời ngồi với nhau. Nàng gọi tên đó là “quán tình nhân” và tôi đã từng nghe ở đó tiếng cười trong veo của nàng. Chiếc quán khuya có màu đèn thoi thóp trên những bàn gỗ hai chỗ ngồi. Bó cẫm cúc cắm trong bình sứ màu trắng như bơi trong không khí ướt lạnh.

Ðà Lạt đang chìm đằm trong màn đêm và tiếng gió làm rung những tấm bạt làm bằng vải dù che trước quán. Ðường phố mang một hơi thở mùa xuân. Ðường phố đó đang nói với tôi sự cô đơn luôn là một cứu cánh của đời sống. Cô gái lớn con của ông chủ ngồi ở quầy tình tiền luôn vồn vã với mọi người bước vào quán. Trong khi cô gái nhỏ hơn chạy tới chạy lui hỏi thăm coi khách hàng uống thức gì và sau đó biến mất vào trong bếp. Một vài phút sẽ trôi qua và người ta sẽ không cảm thấy lạc lõng khi bắt gặp cái nhìn kín đáo của cô gái lớn. Ðó đây trên vách tường được dán bằng giấy hoa, những bức tranh của vài họa sĩ thời thượng nhìn xuống những vũng tối. Ðiều này khiến cho bức tranh mang một sự thỗn thức rời rã và mùi vị của cà phê sẽ trở nên ngây ngất hơn.

Rất ít khi tôi thấy ông chủ quán. Ông là một người đàn ông độc thân lúc nào cũng ngậm một ống vố trong miệng. Nghe nói ông cũng là một nhạc sĩ có thời có những tác phẫm cầu chứng với đời. Ông thường về Sài Gòn để rong chơi với bạn bè tại đó, lâu lâu trở về thành phố núi để lấy thêm tiền tiêu xài. Tôi không nhớ tôi có được nghe bài nhạc nào của ông chưa, nhưng hình như trong một vài đoạn băng nào đó có bài của ông - cô gái nhỏ của ông tiết lộ với sự hảnh diện pha lẫn sự thán phục. Ðôi khi tôi cũng cảm giác được sự thán phục trong mắt cô khi nhìn tôi. Nhưng chắc sẽ không tràn trề hơn những gì mà ly cà phê chứa đựng.

Những bài thơ và những truyện ngắn của tôi mang hơi hám từ một quán cà phê như vậy. Nó sẽ ít khi có một kết thúc sáng sủa nhưng chập chờn những bóng tối. Nó sẽ dừng lại nửa chừng khi đôi tình nhân lìa nhau vội vàng. Và nó đen sậm màu sắc của đau khổ trong khi khói thuốc mệt lã không thể rời khỏi bàn ghế từng đêm.

Có thể những gì nàng bày tỏ trong lá thư nàng gởi cho tôi qua cô con gái nhỏ kia đã soi rọi trong tôi một ngõ ngách tâm hồn nàng. Như một bến đời lạnh căm không có mùa xuân quá vãng.

Những hương hoa bên ngoài vội vàng bay đi như tình yêu giữa tôi và nàng, không hề đọng lại một chút gì, tôi nghĩ. Chỉ có sự khắc khoải và nhớ mong.

Ai đó đã từng nói rằng trong tình yêu không có phép trừ. Và chỉ có đang yêu nhau người ta mới nhân lên sự đau khổ. Không phải vì ngăn sông hay cách núi, nhưng bởi vì sự hiểu biết về nhau quá ít oi.

Tôi không nhớ hết những điều gì tôi đã làm cho nàng. Tôi cũng không nhớ hết có bao nhiêu ly cà phê mà tôi và nàng từng chia sẻ với nhau. Nhưng tôi nhớ những cay đắng và những ngọt bùi nàng dành cho tôi. Chúng có khả năng làm tăng thêm mùi vị những giọt cà phê, như muối làm tăng gia vị cuộc đời.

Tôi yêu mến nàng xiết bao. Yêu cả những điều mạnh mẽ cùng những yếu đuối làm nên con người nàng.

Tôi nhớ một lần tôi mua cho Quỳnh hộp Band-Aid vì nàng bị đứt tay. Có tất cả 50 miếng băng nilông có màu trùng hợp với màu da, xinh xắn như một món đồ mẫu. Chúng không đáng để tôi viết ra đây nhưng nàng coi đó như một sự tha thiết. Nàng chỉ dùng có hai lần là vết thương lành hẳn. “Thịt của em hiền”. Nàng sôi nổi khi gặp tôi. “Giống như con người của em vậy”.Tôi cũng sôi nổi đáp. Cho tới khi lìa xa, hình như nàng vẫn còn giữ lại 48 miếng còn lại trên bàn làm việc của nàng.

Một lần khác sinh nhật nàng ... Dĩ nhiên có rất đông người tham dự. Tôi ghen với những câu nói bông đùa của những người đàn ông làm chung sở với nàng. Gói quà tôi mua tặng nàng nặng trĩu trên tay khi tôi đưa cho nàng. Nặng đến nổi tôi vụng về khi trao cho nàng và không nói được rõ ràng một lời chúc. Nàng không giận tôi vì nghĩ rằng không sự ngăn cách nào có thể làm cho chúng tôi quay mặt với nhau.

Mùa xuân năm đó tôi chia tay với nàng. Khó lòng để người ta phải nói lên một lời như vậy mà không vấp phải sự thương tổn.

Có những tình yêu tự nó ủ mùi vị của chia ly như dòng sông rời bỏ bờ khô. Không có đường chân trời để nghe sầu đau nửa bãi.

Ở cương vị của tôi, tôi không trách nàng. Hai ngày trước giao thừa nàng nói với tôi sẽ về thăm lại Bảo Lộc. Và ở lại ăn tết vài hôm cùng gia đình. Cha mẹ nàng có một gian hàng bán trà tại đó. “Mấy năm qua em không có ăn Tết cùng gia đinh”. Nàng tâm sự.

Buổi trưa cuối năm se lạnh nhưng thời tiết khô ráo. Buổi sáng có sương mù bay quanh quẩn ngoài mặt hồ. Tôi đi bộ với nàng một quảng đường, trước khi trở lại bến xe. Rạp Ngọc Lan nằm phía trên con dốc. Những cây anh đào mảnh dẻ trồng trong lưới sắt, chạy dài lên khu Hòa Bình. Bên ngoài có đề hàng chữ: “Cây không phải chết, xin đừng bẻ cành”.

Những thềm đá vuông dấu trong lòng nó tiếng dế, khi chúng tôi đi qua. Tiếng dế làm nhớ lại trong ngăn bàn ủ ê một thời đi học. Một buổi sáng nào tôi nhìn thấy trong một góc bàn lem luốt vết mực, con dế nhỏ lạc loài nhìn ra. Chiếc đầu đen bóng của nó chuyên động không tỏ vẻ sợ hãi tôi và hai sợi râu rung rung thách thức. Tôi cũng nhớ về một hình ảnh khác, lúc tan trường về tôi không về ngay nhà mà băng qua một cánh đồng hoang để vạch tìm những con dế đá trong bụi cỏ, trong những lon sửa bò. Cánh đồng đó bây giờ biến mất nơi thành phố biển của tôi không nhớ từ bao giờ. Có những kỷ niệm và những giấc mộng đẹp trong đời một đứa trẻ. Nhưng chúng sẽ tàn phai mau chóng không đợi ngày trưởng thành.

Mọi người vội vã mua sắm cho mình những bánh mứt, hoa kiểng. Không khí chật đầy tiếng động của xe cộ vút qua. Tiếng cười nói, vòi vĩnh đòi mua quà của trẻ nhỏ sau lưng. Tiếng nhạc rơi nghiêng trên mặt đường trong veo như tiếng gió.

Cuối cùng tôi thấy nàng ngồi gọn gàng trong lòng xe. Những quang gánh chất chồng trên mui, nhiều đến nổi người ta có cảm giác đồ đạc như muốn chôn lấp chiêc xe và người lơ lấy khúc cây dưới bánh xe sau để cho xe khởi hành. Hai tay hắn vổ ầm ĩ vào thùng xe: “Tới luôn bác tài”. Xe chồm lên cuống quít, để lại sau lưng nó những vòng khói đau điếng...

Tết đó Cộng sản tấn công hầu hết các tỉnh lỵ và thành phố miền Nam. Quân đội Bắc quân tràn ngập biển người ở nhiều thành phố miền Trung, trong đó có Huế, Ðà Lạt. Riêng Sài Gòn tưởng chừng như thất trận khi một vài vị trí quan trọng như đài phát thanh, đài truyền hình bị chiếm. Sau vài ngày, quân đội Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu phản công và lần lượt giành lại những vùng bị mất. Vài sư đoàn thiện chiến của cộng sản bị xóa sổ trong thời gian này vì sự chủ quan của những kẻ cầm đầu Hà Nội. Một phần khác do những bộ đội miền bắc không nắm rõ địa hình các thành phố miền nam, họ trở thành kẻ thua trận sau khi những người nằm vùng lần lượt bị bắt. Sau một thời gian hốt hoảng, dân chúng Sàigòn bình tâm trở lại và chứng kiến từng toán bắc quân bị lạc trong những ngỏ ngách quanh co của thành phố. Chúng trà trộn trong nhà dân để cố thủ, cho đến khi bị lùng diệt.

Những ngày biến động Mậu Thân, tôi bị cấm trại một trăm phần trăm trong đơn vị. Ngày đêm ứng chiến và cùng với nhân viên túc trực cả ba ca. Hệ thống siêu tần số hoạt động hết công suất và các công điện thu phát triền miên trên các máy viễn ấn. Những giấc ngủ bị ngắt đi nửa đêm về sáng theo tín hiệu réo rắc của máy PRC 25, những tài liệu mã hóa cần phải đưa qua phòng dịch trong vòng vài phút để gởi về trung tâm hành quân Tiểu Khu. Những tiếng súng vang dội đó đây thay cho tiếng pháo giao thừa và ánh hỏa châu bùng lên ngoài lô cốt như soi rọi một cõi đời mộng mị.

Ðêm khan những tiếng nhạc mùa xuân muộn màng được phát đi trên chiếc máy truyền hình trong phòng ngủ độc thân. Ðêm cũng ngỡ ngàng khi nghe tiếng phone rung lên không một lời nhắn gọi. Những bước chân xào xạc một lần đi. Ðà Lạt trống vắng như chưa từng.

Một tuần lễ trôi qua Quỳnh không trở lại làm việc. Con đường nối liền Ðà Lạt và Blao bị tắt nghẽn giữa cầu Ðại Nga và một phần ở Ðức Trọng. Nghe nói giao tranh vẫn còn và Công binh đang cố gắng nối lại vài nhịp cầu đã gẫy. Trong hoàn cảnh như vậy, không ai tiên đoán được bao giờ thì giao thông sẽ thông suốt.

Sự chờ đợi bao giờ cũng làm người ta cảm thấy thời gian qua lâu từng bước. Tôi nhớ nàng vô cùng. Những đường mưa ướt nhòa giá rét khi tôi trở về trại độc thân. Những khao khát bốc hơi trên mấy đầu ngón tay như khói thuốc đêm tàn. Làm sao để giải thích rằng đêm bao la nhưng lòng chật chội một nỗi buồn?

Một đêm cuối tuần xả trại. Những người lính độc thân trong khu gia binh có ai đó đề nghị nên có một buổi tiệc nhỏ mừng “chiến thắng”. Và tất cả đều đồng ý sẽ “gầy” một độ nhậu lai rai coi như ăn Tết muộn màng. Vị Trung Úy Trung Tâm Trưởng hào phóng cho chúng tôi một số tiền và hai chai “ông già đi bộ” (Johnny Walker). Ðó là loại rượu Mỹ cao cấp trong thời đại khó khăn. Phần còn lại và những hoa lá cành chúng tôi sẽ tùy cơ ứng biến.

Ngay từ buổi trưa người hạ sĩ hỏa đầu vụ đã đem về một con cừu nhỏ bằng phân nửa số tiền mà vị Trung Tâm Trưởng đã cho. Ông cột con cừu bằng sợi dây và chúng tôi thay phiên nhau dẩn nó chạy vòng vòng trong khu trại. “Cho nó ra mồ hôi trước khi làm thịt. Nó sẽ không còn mùi hôi”. Ông chỉ dẫn như vậy. Một người lính khác lo phần xẻ thịt và cô con gái của ông Thượng Sĩ thường vụ sẽ giúp phần nấu nướng. Một cái bếp dã chiến được làm ra bằng những khúc gổ thông lấy từ rừng và lên lửa từ chiều. Trên bếp là hai cái chạc bắt chéo và con cừu được làm sạch sẽ đặt nằm xuyên ngang. Trong vị trí này, thịt sẽ chín đều mọi phía và người ta chỉ có việc dùng dao xẻ ra từng phần theo ý mình.

Chưa gì đã có vài khuôn mặt đỏ ké vì chưa quen với rượu Mỹ. Mái tóc họ lướt thướt sương mù và mùi thịt nướng bay khắp mọi góc nhà. Những chiếc “Jacket” không cài khuy nhốt trong lòng nó những hồn gió xuân thì.

Ðêm của cao nguyên thiếu vắng ngọn đèn đô thị. Nhưng điều đó không cần thiết vì những vì sao trên trời đang nhìn xuống. Chúng lấp lánh trên đầu các ngọn thông, trên những đóa quỳ vàng lạnh ngoài sân. Chúng còn lấp lánh trên mắt của ai, đang nhìn chúng tôi. Cô con gái của người Thượng Sĩ ngồi ở cuối phòng, bên cạnh những đồ đạt lỉnh kỉnh dùng cho bữa tiệc. Vài cái bắp cải. Vài trái cà chua. Những ly chén cũng phơi phới khi bàn tay của nàng chạm đến.

Những người lính xa nhà khao khát một bếp lửa gia đình ngày Tết. Họ đang mở lòng chờ đợi một cành mai đã không đến kịp giao thừa. Họ cũng không kịp nhìn thấy chiếc lá cuối cùng rơi để tiễn chân mùa cũ. Nên chỉ còn một cách là ôm vào lòng màu mắt long lanh và đôi má hồng đào đang ngồi kia. Trong khi ngọn lửa mơn man theo tiếng gió như âm phách một cung đàn xưa.

Tôi không biết có bao nhiêu tiếng chân mưa từng đi qua một đêm dài, nhưng đêm nay tôi biết tôi đã buồn vô hạn vì trái tim vừa chạm đến một rách nát.

Những cánh tay giơ ra chỉ để cầm chắc ly rượu, như sợ tuổi trẻ vuột mất trong bàn tay. Họ mời nhau uống cạn trăm phần trăm với đôi mắt cũng long lanh không kém đôi mắt của cô gái. Một vài người suống sã gọi ông Thượng Sĩ bằng bố: “Bố uống với con một ly đi bố”. Người khác, sôi nổi hơn: “Tháng này con lãnh lương gởi hết cho bố. Ðể bố dành nuôi em con ăn học”. Một người khác tỏ vẻ hiểu biết hơn: “Xưa rồi ông ơi, con gái của Thượng Sĩ đâu còn học tại đây nữa đâu mà ông còn mơ màng đòi gởi tiền nuôi em ăn học. Mai mốt em về làm việc ở Sài Gòn.”

Người lính già nhìn nhanh về đứa con gái, lòng phân vân giữa hư cấu và thực tại. Giữa cho đi và lấy về. Và nếu phải chọn lựa, ông không biết phải chọn lựa ai. Ngày xưa chỉ có Sơn Tinh và Thủy Tinh giành giựt một Mị Nương mà đã chiến tranh dữ dội. Bây giờ nhiều quá. Cuối cùng, để khỏa lấp sự lúng túng bất ngờ, ông cũng làm bộ bông đùa: “Tụi bây nói năng bạt mạng, coi chừng tao phạt hít đất bây giờ...”

Ðứa con gái của ông Thượng Sĩ thường vụ ngồi nhìn những gã con trai ồn ào bằng đôi mắt ấm như hai đóm than hồng. Nàng có cái tên mà mới nghe tưởng như được lấy từ trong một tuồng hát cải lương nào đó. “Hoa Chúc”.

Cái tên ngộ nghĩnh và dễ gây cho người ta những ấn tượng. Cái tên đôi khi dính dáng đến một số phận và đẩy người mang nó trôi theo dòng đời. Tôi nghe nói cách đây vài năm nàng có một mối tình sâu đậm đến nỗi bỏ học, theo người yêu về Sàigòn. Nhưng hình như người đàn ông may mắn kia đã thôi không còn đeo đuổi nàng từ một mùa đông năm nào. Những cánh bướm luôn chập chờn không đậu lâu trên một đài hoa, Như một hơi gió ruỗi dong bên cuộc đời phẵng lặng.

Khi Hoa Chúc đem thêm cho mọi người bình nước đá và mấy chai soda, chiếc áo len màu đen khít khao thân thể của nàng trở thành một nỗi ám ảnh dịu dàng trong lòng mấy gả đàn ông. Như một dòng sông chảy sững sờ vô biển, nàng đang chảy qua đời nhân gian bằng nụ cười mà bất cứ ai cũng không thể nào tỉnh táo được. Cho nên chai rượu cạn tới giọt cuối cùng chỉ trong một thời gian ngắn. Trong lúc tiếng ồn ào có chiều hướng gia tăng. Mọi người, kể cả tôi không muốn chạy trốn nỗi khát khao trong đó được sở hữu tiếng nói của nàng. Một điều mà lý trí thầm thì lên tiếng gần như cáo trách trong tôi, rằng trái tim dù đã từng bỏ ngỏ nhưng không thể cùng một lúc chứa hai người đàn bà.

Ðêm có tiếng mưa từ núi rừng dội về. Tôi không biết có phải uống nhiều rượu hay vì cơ thể yếu đuối mà tôi có cảm giác khó chịu. Tôi phải ra ngoài gục đầu dưới trụ ăngteng cho ra hết những thức ăn trong bao tử. Tôi thấy mệt mõi như một người chạy đua chưa đến đích mà đã bị “vọp bẻ”. Với một nghĩa nào đó, bên đám đông đang chộn rộn trong kia, tôi là người đầu tiên thua cuộc. Tôi vừa nôn thốc nôn tháo, vừa hình dung ra dáng đi của Hoa Chúc. Hình dung ra nụ cười ban phát đồng đêu cho mọi người của nàng mà lòng thấy thương tổn. Tôi đứng bên ngoài dưới một bầu trời đen trôi mất những vì sao, và nỗi buồn thầm lặng.

Tôi nhớ Quỳnh. Hình ảnh nàng cuốn hút mạnh mẽ những mê đắm dường nào. Bảo Lộc xa gần một trăm cây số không phải là lý do để nàng không thể về được với tôi. Tôi nghĩ thầm. Tôi khổ sở khi không biết tin tức nàng, ngày mai tôi sẽ tìm cách hỏi cho ra hoàn cảnh nàng. Còn bây giờ, tôi phải trở vào để tiếp tục bữa tiệc nửa đêm về sáng. Tôi sẽ nhìn những bước chân qua lại ẻo lả của Hoa Chúc, đôi khi đến gần chỗ chúng tôi để đem thêm mồi màng. Nàng bỏ ngoài tai những lời bóng gió của đám đàn ông đang ngật ngưởng say, như những tên lại cái lên đồng. Tôi nghe những tiếng nói bắt đầu bị tắt nghẹn trong thanh quản mà ngán ngẩm về phận mình. Mọi lẫm liệt rồi sẽ đi qua, tôi biết chắc như vậy.

Tôi uống nhiều rượu đến nỗi say nằm gục ngay trong bàn tiệc. Tôi không nhớ làm sao để lê lết được tấm thân tàn vào trong giường mình. Tôi chỉ nhớ mang máng có ai đó lên tiếng báo động rằng có thể tôi bị trúng gió. “Có ai biết cạo gió không...?”. Có tiếng cười rền rĩ, từ một người khác, nghe như ủ bằng sương mù và rượu: “Gió Ðà Lạt coi bộ không độc bằng gió Sài Gòn...”

Giữa mệt mề của thân xác và giữa lâng lâng của chất ruợu, tôi có cảm giác ai đó lật lưng tôi ra cạo gió. Mùi dầu chạm qua mũi và nóng rập trên lưng. Những đường kéo mạnh dạn trên da như những đường cày. Ðôi lúc dứt khoát. Ðôi lúc trì miết, mơn trớn. Vệt dầu xanh run rầy dưới mười đầu ngón tay có móng nhọn để từ đó tôi nghe biết một cảm giác ấm áp ùa về như cời than cháy bùng lên trong lò. Những buốt giá ban đầu vuột mất. Tôi biết mình được sống sót thêm một ... mùa trăng.

Gần trưa hôm sau tôi tỉnh dậy. Tôi chưa nhớ hết hẳn mọi sự kiện đêm trước, cũng không nhận thức được những gì đang diễn ra. Nhưng tôi biết nó rất tồi tệ. Vì ngồi ở cạnh giường là Quỳnh. Nàng về lại từ đêm qua, như một cơn mưa bay ngang qua đường chiều mịt mùng. “Em đi đâu mà lâu quá” .Tôi ngượng ngùng muốn nắm bàn tay của nàng. Nhưng nàng duổi ra. “Ðừng đụng vào em”. Nàng nhìn ra khung cửa. Không có nắng để xiên màu mật vàng tươi trên mái tóc mệt mỏi của nàng. “Em có chuyện gì vui không?” Tôi xuống nước nhỏ. “Chắc không vui bằng anh đâu. Vừa nhậu thoải mái vừa... có người đẹp cạo gió”. Tôi ngạc nhiên: “Người đẹp nào đâu?” “Làm sao em biết họ. Ðúng là lòng dạ đàn ông. Hở ra là bay bướm”.

Tôi cố gằng nhớ lại những gì xãy ra đêm qua. Những hình ảnh chắp vá, khúc khuỷu từ giây phút tôi mê muội không còn biết gì, ngoại trừ biết có ai đó cạo gió cho mình. “Một người đàn bà? Tôi không dám nghĩ thêm ai khác. Nhưng tia nhìn quyết tâm của Quỳnh đang đậu xuống trên trán tôi, tôi biết người đã cạo gió cho tôi không ai ngoài Hoa Chúc.

Có lẽ nào tai nạn đến dễ dàng như vậy, bởi một duyên cớ tầm thường xen giữa tình yêu của hai chúng tôi làm cho sự gắn bó về nhau không còn. Giống như một hòn sỏi vu vơ lọt vào giữa đường rảnh bánh xe làm cho vòng quay khập khiểng. Nhưng điều đó đã xãy ra và Quỳnh thản nhiên dứt bỏ mối tình. “Trong chuyện nầy quả nhiên khiến em hiểu lầm, hãy để anh bày tỏ”. “Có cần thiết nữa không?”. Nàng cương quyết. “Nếu em đã cố tình không muốn nghe thì anh cũng đành chịu. Nhưng em đừng nói lên những lời như dao nhọn làm đau lòng nhau”. Tôi nói với nàng như vậy. “Trong vấn đề này thì ai đau đớn hơn ai? Chắc là em rồi”. Nàng giận dữ. Một người đàn bà giận dữ luôn làm cho người đàn ông trở nên yếu đuối, mù lòa.

Những chiếc lá rụng xuống ngoài sân trại gia binh. Giống như tình yêu của tôi bây giờ. Vì nó không còn xanh thì nó phải rơi. Sau cùng nàng bỏ ra về. Buổi trưa mát lạnh trong veo vì vừa một tiếng chuông ngân từ phía nhà thờ. Tôi nghĩ nàng giận tôi lúc đó rồi sẽ hồi tâm lại vì câu chuyện mang tính cách vô lý và rõ ràng không phải lỗi ở tôi. Nhưng tôi đã không biết giải thích đúng về một hoàn cảnh cũng như ngày xưa đi học không tìm ra đáp số của một bài toán.

Riêng Hoa Chúc thì tôi không gặp lại nàng sau lần tai nạn đó. Tôi biết nàng quanh quẩn trong thành phố và chưa về Sài Gòn. Vài lần tôi muốn tìm gặp nàng và bày tỏ vần đề theo chiều hướng trung thực và muốn nhờ nàng giải thích với Quỳnh. Nhưng chưa kịp gặp nàng thì đã xảy ra vài công việc trong đơn vị khiến tôi không ra khỏi trại. Trong khi bên ngoài lại có những tin đồn sai lạc. Mãi về sau nầy khi xa nhau hoàn toàn, tôi mới biết rõ.

Có một người làm việc chung với Quỳnh tại bưu điện - tôi không nói tên ra đây - Người này yêu Quỳnh tha thiết giống như tôi. Anh ta lớn hơn Quỳnh 10 tuổi và săn đuổi nàng nồng nhiệt. Một lần tôi gặp anh ta trong dịp sinh nhật nàng và tôi không đánh giá đúng mức người đàn ông này.

Trong khi tôi rong chơi và giản đơn hóa tình cảm tôi với Quỳnh thì anh ta đã xông xáo trên từng ngỏ ngách quanh co đễ dẫn đến tình yêu nàng. Thậm chí những ngày Tết vừa qua anh ta đã đột ngột đến thăm gia đình Quỳnh tại Bảo Lộc và dĩ nhiên có quà Tết nồng hậu từng người. Quỳnh không nói tôi biết chuyện như vậy. Tôi biết do sự tìm hiểu. Có lẽ nàng không cảm giác được đó là chuyện quan trọng đối với tôi và coi việc một đồng nghiệp làm chung sở đến thăm gia đình mình mang ý nghĩa bình thường. Anh ta có một người bà con đi lính chung đơn vị với tôi. Những tin đồn mang ẩn ý ly gián tôi và Quỳnh một phần do người này. Quỳnh ở bên ngoài có nghe biết về một người đàn bà có tên là Hoa Chúc thường ghé chơi trong trại của tôi. Những gán ghép mơ hồ với tôi và Hoa Chúc nhiều khi vô tình, nhiều khi cố ý. Những câu nói lơ lửng gây đầy ngộ nhận đến tai Quỳnh làm nàng bị chao động. Càng chao động, Quỳnh càng dấu kín không bày tỏ với tôi. Tôi chợt nhớ trong đêm tôi uống say, có một câu nói tôi nghe loáng thoáng mà không hiểu rõ nghĩa: “Gió Ðà Lạt không độc bằng gió Sài Gòn...” Mới nghe qua tưởng là một câu nói đùa có duyên. Giờ thì tôi đã thông suốt.

Tôi không có khả năng đem tình yêu của tôi và Quỳnh đặt lên bàn cân. Nhưng tôi biết nếu có làm điều đó, thì cán cân sẽ nghiêng về phía tôi.

Tôi không biết phải nói làm sao cho Quỳnh biết rằng tình yêu, không phải là một giấc mơ. Trong đó hai người yêu nhau sẽ nhìn thấy người kia trong suốt như nhìn qua một tờ giấy bóng. Và trong giấc mơ đó, hai người sẽ bay được qua mọi bão giông và đáp xuống an bình.

Có những giấc mơ cháy hết và lụn tàn như sáp nến, nhưng con người trong giấc mơ không bao giờ hiện ra. Có nhiều buổi tối tôi thao thức nhìn ra bên ngoài trại gia binh. Căn phòng độc thân trống trải gió mùa... Ðêm đêm có tiếng súng vọng về từ xa, heo hút. Tôi nhớ đến đôi môi nàng lúc nào cũng cháy hồng thầm kêu gọi môi tôi, khi tôi ngồi bên cạnh nàng. Tôi nhớ đến những trang bản thảo tôi viết chưa kịp gởi đi nàng đã đọc trước và phê bình: “Tại sao anh để cho cô ta chết trong khi còn có thể chữa được căn bệnh nan y đó? Thời bây giờ thiếu gì máy móc tối tân...?” “Tại sao người đàn ông không thổ lộ tình yêu của mình mà cứ im lặng?...”. Có quá nhiều câu hỏi tại sao trong tác phẩm của tôi. Quả nhiên tôi không biết hư cấu tác phẩm của tôi như cuộc đời thường hư cấu.



Tôi không biết Quỳnh bây giờ hạnh phúc hay không.

Cuối năm đó tôi có lệnh đổi ra Trung Tâm Truyền Tin Quảng Ðức. Khi chiếc máy bay quân sự đáp xuống và xúc tôi nằm gọn trong lòng của nó, tôi vẫn yêu nàng vô cùng. Tôi yêu mà tưởng chừng có thể sẽ không sống được nếu không có nàng bên cạnh.

Nhiều mùa xuân đi qua tôi cũng từng đi qua biết bao nẻo đường. Nhưng sao lòng vẫn mênh mông tiếng cười của nàng ngày trước.

Một lần có dịp công tác về Ðà Lạt, đi qua con đường nhà Chung để nhìn sang Bưu Ðiện. Không có dấu vết gi chứng tỏ Quỳnh còn làm việc tại đó. Mùa đông khóm dã quỳ run rẩy trong một lòng đá nâu sậm. Người hành khất già ngồi co mình trong một góc ngoặt, chỗ giao nhau của quán cà phê và con đường Ðào Duy Từ. Ông xin tôi một điếu thuốc và cầm khúm núm trong bàn tay. Vòng khói bay quanh co, nhưng cuối cùng đậu xuống cuộc đời cơ hàn để vinh danh một hạnh phúc dè xẻn. Ðiếu thuốc, nếu có một hồn riêng, chắc nó sẽ tự hỏi đã cho đời thêm bao nhiêu nỗi nhớ.

Con đường phong phú màu xanh của cỏ. Và khát vọng mùa xuân. Những bước chân tìm về từ một người vừa bỏ quên thành phố. Thời gian qua rất khẽ khàng. Tôi đi lại con đường xưa, nơi mà chiếc quán tình nhân của tôi và Quỳnh đã ngồi. Tiếng một con chim đêm cắt đôi con đường mịt mùng phía trước. Nỗi nhớ dường như mênh mông.

Những thân anh đào vươn nhánh đợi chờ mưa đêm. Ðài khí tượng loan tin chiều hôm nay có bão. Tôi nhớ những cây anh đào còn non như vậy cách đây mấy năm, được người ta rào chung quanh bằng lưới sắt. Khi đó chúng chưa có nụ và ra lá. Tôi cũng nhớ đến tấm bảng chú thích bên dưới: “Cây không phải chết, xin dừng bẻ cành”

Ngày đó nàng thơ dại biết bao. Tình yêu của chúng tôi cũng mang một dáng vẻ xanh xao như vậy. Tình yêu lúc đó chưa đâm chồi nẫy lộc, nhưng tôi nghĩ khó có mưa nắng nào làm hạnh phúc chúng tôi ủ rủ.

Nhưng tôi đã lầm. Tôi không biết che chắn một trái tim để đừng cho nghịch cảnh làm lem luốt.

Những bài học luôn mới mẻ trong đời sống. Bài học về tình yêu lại càng mới mẻ hơn. Tiếng cười của nàng xuyên suốt tâm hồn tôi dạo nào, bây giờ nghe thẳm xa nghìn trùng. Tôi tưởng tôi trưởng thành vì sự đau khổ làm già háp trái tim. Nhưng mỗi ngày trôi qua tôi thấy tôi càng ngây thơ, khờ khạo.

Mọi vết mực lấm lem sẽ không bao giờ xóa được trên cỏi lòng thủy chung. Những dấu chân của nàng dẫm nát đời tôi cũng hằn lên như vậy. Ðám đông và phù hoa đời này đã cuốn nàng xa rời tôi. Tôi muốn hóa thân thành ngọn gió để bay ngược về con đường nàng đi. Và tôi chờ mong một phép lạ…

No comments:

Post a Comment