Monday, April 30, 2012

new orleans cà phê còn đầy

phạm ngũ yên


 



“xưa nay, lòng biết ơn còn đi mau hơn nhan sắc…”/Ngọc Thứ Lang (Bố Già)



1.

Ở một trạm xe từ trạm xăng bên đường chiếc xe buýt Greyhound vừa đậu lại thả xuống đôi tình nhân. Không biết họ về đâu nhưng đối với họ thời tiết có vẻ như hạnh phúc. Một cây sồi thả bóng mát lúc hai người đi qua và ánh nắng đượm màu mật. Có tiếng chim gọi ngày đâu đây. Âm thanh rớt xuống đôi lúc mang sự trong trẻo, đôi lúc đượm những giai điệu tủi hờn.

Con đường 10 chạy về hướng đông, chạy ngang qua Lake Charles, qua La Fayette, qua Barton Rouge, những cái tên nghe gần gũi với Âu Châu. Nghe nói vùng này ngày xưa đất đai thuộc quyền vua Louis của Pháp. Sau này vua sang nhượng lại cho Hoa Kỳ. Đoạn cầu dài 17 mile, một trong những đoạn cầu dài nhất nước Mỹ như một cánh tay nối dài hai hướng đời tạm dung.

Rũ nhau về New Orleans lần này, trên 2 chuyến xe nhỏ mới vừa thuê, những anh chị em trong Văn Bút Nam Hoa Kỳ mang theo một chút nắng ấm, một chút cành xanh từ khu vườn King Wood nhà Yên Sơn để tìm đến thành phố có dòng sông Mississipi chảy qua và mùa thu vừa mới chớm. Tháng mười không còn mới mẻ đóa tường vi hai bên đường và cơn mưa đêm vừa làm trôi những kỷ niệm. Vĩnh Tuấn và Yên Sơn hai người đòi lái. Cả nhóm đều rất bằng lòng và không ai phản đối.

Tôi ngồi cạnh Vĩnh Tuấn và vợ chồng Túy Hà ngồi sau. Vừa nhìn đường, Vĩnh Tuấn vừa ca bài ca “một mình” (?). Không có ai là “một nữa kia” để ngồi bên bạn tôi như những lần trước. Lâu rồi, sự nông nổi giống như cơn mưa trái mùa, đã làm ướt át trái tim những người đàn bà nhẹ lòng. Những tình yêu đích thực cũng hiếm hoi không kém. Nên từ một chặng dừng điêu linh, ở một ngả ba số phận, người ta đã bước xuống. Không quay đầu nhìn lui…

Xe bên kia, Ngọc Bích ngồi cạnh Yên Sơn. Với tôi, Ngọc Bích là hình ảnh tiêu biểu cho những mối tình keo sơn trên cuộc đời này. Chị luôn ở bên cạnh chồng khắp mọi chân trời góc bể. Hai chuyến đi Nhật Bản và Serbia vừa qua là một thí dụ. Sau lưng hai người là hai vợ chồng Cù Hòa Phong- Nhật Hạnh. Cũng là một mối tình tròn trịa có hậu và nhuốm màu thủy chung.

Chuyến đi còn có thêm Như Ly. Cô gái vừa đến từ Hòa Lan. (Như Ly là em gái của Vũ Châu Sa). Thoạt nhìn, người ta đã bị nàng thu hút. Bởi thấp thoáng dưới đôi mắt màu hột nhản kia là hai đường viền thẳm sâu màu đêm và một làn mi thao thức gió mùa. Tôi tự hỏi đã từng có biết bao nhiêu trái tim đập sai nhịp vì nàng chưa? Khi tôi nghe Như Ly thố lộ nàng là cư dân của quốc gia có nhiều hoa Tulip, tôi hình dung ra một người đàn bà mà cách đây không lâu đã để bước chân của mình xào xạc trên đường phố của Amsterdam hay trong mùa đông phủ phục những đóa dã quỳ. Đâu đó, nơi quán tình nhân từng thao thức một chỗ ngồi, nghe nói nàng làm những câu thơ rất hồn nhiên và rất lạ.

Buổi chiều cả nhóm vòng vo khu French Quarter. Đi theo những đám người nhộn nhịp từ khắp nơi đổ về. Qua ngang quán rượu đường Bourbon của gia đình Hữu Việt. Qua những góc đường chật kín, khó lòng tìm ra một chỗ đậu xe. Lẫn trong tiếng gió từ dưới sông thổi lên là tiếng lục lạc rộn ràng trên cổ con ngựa kéo và tiếng lộp bộp của móng sắt va xuống mặt đường. Dàn bông giấy đong đưa trên khung cửa của một tiệm bán đồ lưu niệm, nơi có những họa sĩ vẽ chân dung và những gã homeless ngồi chơi đàn. Túy Hà vừa đi vừa chụp hình. Phía đàng kia anh Cù Hòa Phong cũng bấm máy lia lịa. Vài con sóc chạy theo những quả thông vừa lăn xuống bậc thềm bụi bặm. Màu nắng vàng tươi trên lưng chúng. Cái sức sống tuôn chảy như một dòng đời không hề biết mệt mỏi. Mới đó mà đã 3 năm.

Những đầu hồi từ một quán trọ nhìn xuống lòng hẻm chật chội, màu sơn cũ mèm trên vách tường, trên cửa sổ đóng kín từ bao đời, bao thế hệ vẫn không được chính quyền cho phép tu sửa. Mọi thứ đều toát lên vẽ cũ kỹ và đâu đây những hơi thở hổn hển rớt ngang. Những cô gái lồ lộ thịt da nhức nhối và đôi môi như thách thức gọi mời.

Cuối cùng, để kết thúc cuộc dạo phố ngắn ngủi đầy gấp rút, chúng tôi phải từ giả quán cà phê Du Monde, mà theo thống kê, quán này được xếp hạng thứ 53 trong số 665 quán ăn và nhà hàng tại New Orleans. Cho dù có thì giờ ghé vào, cũng không còn chỗ ngồi để kịp uống một ly cà phê và ăn một chiếc bánh Beignets có rắc bột làm bằng lúa mì.

Thu Ba đang chờ chúng tôi với món cháo lòng nấu với hột vịt bắc thảo. Hình ảnh Thu Ba luôn tỏa sáng và làm ấm áp mọi tấm lòng nguội lạnh nhất. Nàng không cần thuyết minh hay giải thích về mình. Đó mới chính là điều quan trọng. Quan Dương có thể không biết hay giả vờ không biết, nhưng những người ở chung quanh vùng này đều biết Quan Dương sở dĩ làm thơ hay được là vì có Thu Ba bên cạnh.

Không biết sao, mỗi lần về Lousiana là mỗi lần tôi nghĩ về những người bạn tại đó. Những khuôn mặt thân quen cùng tiếng nói hiền hòa của Nhật Nguyễn, Hữu Việt. Đó có phải là những nhánh cỏ trong veo giữa một vườn trăng vừa chớm?

Tất cả cùng mang trong tim niềm đam mê không già nua và lòng kiêu hãnh. Cái kiêu hãnh lạ kỳ của những người đem văn chương đi dưới trời đổ nát.

Ở đó còn có Lê Cửu Long, chủ tịch Văn Bút Trung Nam Hoa Kỳ. Có Trường Sơn Lê Xuân Nhị mà mỗi chữ viết tính bằng tiền không khoan nhượng. Anh từng làm đau đầu các nhà xuất bản hải ngoại và nghe đâu tác phẩm Xếp Al Capone của anh được coi như một Bố Già của Việt Nam (?). Nhưng đó là chuyện của mười mấy năm về trước. Thời của Xếp Al Capone bóp cò súng và mỗi viên đạn đổi một mạng người. Bây giờ thì Xếp ngồi trước bàn viết, màu rượu óng ánh ngọn đèn khuya đã thay cho màu mực ngày nào. Nỗi khao khát vàng bệt những cơm áo, những nhà xe như ai. Rồi sao nữa? Những dòng chữ nghiêng như một đường bay âu sầu không tìm ra chân trời, thù bạn.

Không biết từ bao giờ mà Trường Sơn Lê Xuân Nhị đổi rượu thành bia. Quan Dương đưa chúng tôi đến nhà anh và trong khi chờ đợi mọi người tề tựu đông đủ, những lon bia tượng trưng cho xứ lạnh nhưng tình không lạnh được lấy ra- đất đai có quá nhiều lũ lụt nên bia bọt cũng tràn trề? Thời gian trôi qua khung cửa kiếng bên ngoài, nơi thang lầu vừa thấp thoáng hình bóng ai. Hình như “Boss” của người chủ nhà, khiến đêm thêm thẹn thùng e lệ.

Đúng 8 giờ tối, những khuôn mặt tài hoa của New Orleans lần lượt xuất hiện. Không ai đi lạc chỉ một vài người. Vì họ ở xa quá (Lã Mộng Thường ở Barton Rouge, Chu Văn Hùng – niên trưởng của tôi_thì nghe nói có chuyện riêng nên giờ chót gọi phone cáo lỗi)…

Vũ Châu Sa thì chưa thấy người đã nghe tiếng từ tận ngoài parking. Phạm Thiên Lý trái lại là một sự bù trừ. Anh ít nói và nhẹ nhàng bước vào như sợ làm kinh ngạc một giấc mơ. Có Quỳnh Tín, dáng điệu tiêu sái như một nhạc sĩ luôn ôm đàn đến với đời. Có vợ chồng một thân hữu nghe nói có chúng tôi xuống chơi nên ghé lại. Có Đinh Thúy Hiền sầu muộn, ngơ ngác. Thúy Hiền, nhưng tài năng không hiền. Cô vừa ra mắt một công trình mà không phải ai cũng có thể làm được, là ấn hành một tác phẩm bằng Anh Ngữ.

Vũ Châu Sa vừa lọt vào phòng, đôi mắt nhìn lướt qua chúng tôi. Ai đó đã nói rằng con mắt những người đàn bà đẹp thường có đuôi. Cái đuôi đó đang quét ngang những người khách vảng lai đến từ Houston với vận tốc bằng cả ngàn năm ánh sáng. Chắc nàng thắc mắc không biết phái đoàn đưa cô em gái rượu của nàng (người về từ Hòa Lan/ chớ đâu phải cô gái đến từ sao Hỏa?) đi mãi tận đâu? 5 giờ sáng nghe nói đã khởi hành mà mãi đến 8 giờ tối mới về tới đây? Yên Sơn, trưởng đoàn nhấp nha nhấp nhỏm chờ hỏi, để tìm lời chống chế, nhưng may phước đồ ăn tấp nập dọn ra, và người ta đã quên cái không khí im ắng của gian phòng trước khi chúng tôi tìm đến.

Sự ồn ào vui vẻ mà bất cứ cuộc họp mặt nào cũng diễn ra trên đất nước này làm tôi nhớ một ngày mùa đông của tháng 12, cách đây gần 3 năm- cũng là chúng tôi- ngồi trong gian phòng này và uống rượu cùng chủ nhà. Một cơn mưa nào đó vụt ngang qua thành phố vừa chịu nhiều tai ương của nước Mỹ, trong một căn phòng ngăn nắp, không bụi bặm, có những mái đầu không còn tươi mới tuổi thanh xuân. Bây giờ, thời gian đang là chớm thu. Những người năm xưa vẫn nghe lạnh trên vai và đang thấm mệt. Nhưng không ngại ngần chia nhau những môi cười, những mắt cháy.

Tiếng bánh xe khô rốc nào đó vừa chạy qua nhà. Mùa thu bên ngoài ném xuống vội vàng những chiếc lá, những cánh hoa đậm màu đêm, trong này người chủ nhà hào sảng cũng vừa rớt xuống những tâm sự. Lá cờ vàng ba sọc đỏ bằng vải bề thế treo giữa tường, trên đó là bức hình chụp chân dung những vị tướng tử tiết và câu Tổ Quốc Ghi Ơn. Không có khói hương nhưng sao vẫn làm cay mắt? Mọi thứ toát lên sự mới mẻ, sự chuyển mình trong khi cuộc đời lẵng lặng ngoài kia.



2.

Có biết bao điều quen lạ được nói ra, được bày tỏ. Yên Sơn thay mặt anh em VB Houston ngỏ lời cảm tạ và tri ân những tấm lòng hiếu khách. Anh trình bày sơ lược về chuyến đi vừa qua tại Serbia cùng những gì tốt đẹp thâu lượm được nơi đó. Bên những câu hỏi thay nhau đặt ra, anh Tổng Thư Ký đã làm sáng tỏ được hai vấn đề từng làm bận tâm nhiều người. Thứ nhất là chuyện đòi hỏi từ vị Cựu Cố Vấn và đương kim Chủ Tịch VBVNHN là triệt tiêu Vùng cùng với việc sát nhập các chi nhánh lại với nhau. Tất cả dường như khởi nguồn từ ý định muốn thâu tóm quyền lực vào trong tay một vài cá nhân. Trên căn bản, rõ ràng đó là một đòi hỏi thiếu thực tế, nếu không nói là không thể áp dụng được. Vì Văn Bút VNHN là một tổ chức đặc biệt khác với nhiều tổ chức VB trên thế giới. Là một tổ chức qui tụ nhiều hội viên rải rác khắp mọi Châu lục. Vì vậy sinh hoạt văn hóa cũng như xã hội cũng đa dạng và mang màu sắc khác hơn.

Gom những điều đó lại, chẳng những không làm Văn Bút mạnh hơn mà còn làm suy yếu.

Thứ hai, qua chuyến đi, Yên Sơn cũng có cơ hội tiếp xúc được với các thành viên then chốt trong Ban Điều Hành Văn Bút Quốc Tế, để được xác nhận rằng, những lời “khuyến cáo”, hay những “điều kiện” cho Văn Bút VNHN “dormant” từ phía VBQT là một sự suy diễn, không có cơ sở. Lý do là VBQT không muốn, cũng không có thì giờ để can thiệp hay nhúng tay vào những sinh hoạt của các trung tâm Văn Bút khác. Nếu có, chỉ là những đề nghị chớ không phải là những áp đặt. Vả lại, VBQT rất cần sự hiện diện của mọi trung tâm VB từ các quốc gia trên thế giới (để có trọng lực và có tài chánh hoạt động) thay vì loại bỏ. Ngoại trừ những quốc gia vi phạm nhân quyền và trù dập quyền tự do bày tỏ trầm trọng.

Và điều quan trọng hơn hết, chính là mối tương quan bình đẳng giữa VBQT và các Trung Tâm, dựa theo tinh thần bản Hiến Chương chớ không phải là mối tương quan cúi quì, nô lệ…

Một câu hỏi khác, từ Trường Sơn Lê Xuân Nhị, là tại sao với một cá nhân mà bề dầy kinh nghiệm cũng như tâm huyết đối với Văn Bút trong quá khứ mà hiện tại lại trở nên một người sa bại trên những bước chân của mình? Câu hỏi rơi vào sự im lặng và không ai lý giải được. Vì đó là một phản diện của đời sống, của cuộc đời. Nhưng dù sao, từ những bài học cũ đầy chua xót, chúng ta cũng vớt lên được sự trưởng thành hôm nay. Những chương sách buồn sẽ được lật qua. Những chương sáng sủa lấp lánh lòng bao dung, biết vì tha nhân và vì mọi người sẽ làm lành lặn mọi vết thương.

Nhân dịp này, văn hữu Đinh Thúy Hiền, đã tận tay trao tặng những người bạn phương xa tác phẩm tim óc của chị. Quyển “THE TRAGIC MEMORIES” (Những Kỹ Niệm Buồn). Người đàn bà vừa viết văn vừa trông chừng bảy đứa con, đối với chúng tôi quả là một điều phi thường. Càng phi thường hơn khi những áng văn nói về đời thường nhưng lộng lẫy những buồn đau kia được viết bằng tiếng Anh. Toàn bộ tác phẩm gồm có 13 chương và có 116 trang được chị run run gởi đến từng người, như một gởi gắm. Trong đó là máu lệ Việt Nam lưu vong. Là tình yêu qua những đổi đời. Tôi chưa đọc trọn quyển và nhưng mãi đến hôm nay, tôi vẫn đinh ninh là tác giả đã sống đủ với những kinh nghiệm của quá khứ. Tác giả đã có lần hạnh phúc cũng như đã đau khổ một cách tuyệt vời. Và đó là mấu chốt làm nên một tác phẫm giá trị. Xin được nghiêng mình kính phục và chúc mừng văn hữu Đinh Thúy Hiền.



Đêm như chưa hề trôi đi. Vì từ trong ánh sáng của ngọn điện có nhiều ngọn nến tỏa xuống bàn ăn và những chỗ ngồi, ai đó vừa cất lên tiếng hát. Mọi bia bọt cũng ngừng chảy và mọi người nhìn ngắm những chất lỏng sóng sánh màu hổ phách nằm trong đáy ly để nghe lại vết thương lòng. Những bài hát thoát đi từ những thanh quản không hứa hẹn với đời là thành đạt nhưng lôi kéo người nghe cúi xuống những ngậm ngùi. Đó là Như Ly, với Khúc Thụy Du và Lạy Trời Con Được Bình Yên. Đó là Thúy Hiền với Lấy Chồng Xứ Lạ. Của ai đó (quên mất tên) với Dân Ca Ba Miền.

Có Yên Sơn và Vĩnh Tuấn cũng phụ họa cho một đêm vui. Những bài hát cùng lời thơ mượt mà cất lên làm động lòng vàng đá. Có Lê Xuân Nhị, quên mất hoàn cảnh “2 chàng phi công mất vợ”, cũng vừa vổ nhịp vừa ca Nguyễn Đức Quang, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ…



3.

Hạnh phúc là con đường mà chúng ta đi hoài không hết. Cho nên, nếu không có cuộc hẹn ở nhà Hữu Việt, người ta sẽ ngồi mãi tại đó để tương tư với tiếng hát và người hát. Để nghe hạnh phúc từng đi qua và thấm ướt cuộc đời này…

Hữu Việt và Nhật Nguyễn vẫn để đèn chờ chúng tôi. Đồng hồ trong Cell phone chỉ 11 giờ khuya. Đêm New Orleans có hai người nấu nước pha cà phê để đãi bạn bè. Một ấm trà cũng biệt riêng cho những ai bị cà phê làm mất ngủ. Những tấm lòng không còn son trẻ đều muốn thức lại với ngày xanh.

Lâu lắm rồi tôi mới có một đêm thong thả. Vì la đà bia bọt suốt buổi tối mà sáng ngày mai không phải lái xe. Chiếc bàn làm bằng gỗ thông được đánh vẹc ni màu đỏ bầm chiếm một chỗ trong phòng khách. Những mâm thức ăn thịnh soạn đậy kín không vội mở ra vì tất cả mọi người đều quá no… Nhưng chỉ một lát nữa thôi những thứ đó sẽ được chiếu cố tận tình vì chúng tôi không muốn công lao bỏ ra một buổi chiều của Khôi (con trai của Hữu Việt) và Thúy (bạn gái của Khôi) trở thành vô ích. Đâu ai nỡ quay lưng lại một đêm vui và một góc bạn bè hội tụ?

Hữu Việt ngồi so dây đàn cho Nhật Nguyễn hát. Lời ca như nhập nhằng vào một vũng lầy không tìm được lối ra, nên người nghe cũng còn nguyên một nếp lòng chưa mở. Dáng dấp và phong cách trình bày của hai người làm chúng tôi nghĩ đến đôi song ca Lê Uyên và Phương khi vừa bắt đầu sự nghiệp ca hát ở La Toulipe Rouge, Đà Lạt.

Nhật Hạnh, phu nhân của Cù Hòa Phong, bây giờ mới thực sự cất tiếng. Trước đó ở nhà của TS Lê Xuân Nhị, chị có hát. Nhưng là tiếng hát xa cách. Chưa lan tỏa được cái muộn phiền mông mênh để đọng thành nỗi nhớ…

Trong gian phòng vừa vắng đi vài người vì mệt mỏi đường xa, Nhật Hạnh ôm đàn hát những bài do chị sáng tác.

Đó là những tiếng hát lả tả bay qua một vườn xanh hay những lời dao nhọn? Tôi không biết và mơ hồ cảm nhận rằng chính người hát và ca khúc đã nhập làm một. Đã làm đêm trở nên tròn trịa và no đầy hơn.



Buổi sáng sớm ngồi trong căn phòng riêng tư của hai vợ chồng chủ nhà. Riêng tư vì nơi đó chính là chỗ mà “đôi uyên ương” thường ngồi với nhau, trong mọi thời tiết. Một chiếc bàn nhỏ và hai chiếc ghế đẩu thấp để khi nhìn qua vai nhau họ thấy được những ấm lạnh màu đời. Dù giấc ngủ không no giấc tối qua, nhưng chúng tôi thấy xanh đầy những hạnh phúc sai quả, tựa những nhánh cam trong vườn. Lời sáng mai bay qua các giây phong linh treo bên hàng rào, sao giống như lời chia tay? Vì mọi cuộc vui nào cũng đi đến chỗ cuối cùng. Hữu Việt đề nghị mỗi người sửa soạn lại nhan sắc để làm vài “pô” kỷ niệm. Tất cả đều tươi rói mùa xuân dù dấu vết mùa thu trên mặt mũi bày ra “những cõi đi về”.

Nhưng dưới ống kính tài ba của Hữu Việt, tất cả đều đẹp trai đẹp gái không kém gì tài tử. Người nổi bật nhất là nhà thơ say Túy Hà. Những tấm chụp cận cảnh chân dung của anh rất tuyệt (trong đó có vài tấm cầm điếu thuốc trong tay đã trở thành huyền thoại trong những huyền thoại). Nhật Nguyễn là người “khó tánh” nhất, mà cũng lên Facebook ca tụng hết lời...



4.

Ai đó đã nói rằng, “xưa nay, lòng biết ơn còn đi mau hơn nhan sắc”. Trong một suy nghĩ nào đó, thì điều đó đúng.

Khi tôi ngồi xuống và viết lại những dòng này, thời gian là 2 tuần lễ sau cái ngày chúng tôi về New Orleans. Chúng tôi lái xe đi qua 2 chiếc cầu có vẻ hình “con bù nông” (mà người ta thường gọi là cầu Con Cò). Một cái khi vào địa phận La Fayette. Một cái khi vào West Bank, Gretna. Nhánh sông chảy qua khu đầm lầy có biết bao nhiêu là cá sấu nằm ngụy trang dưới lau lách. Những khung cần cẩu vươn mình nơi bến. Những cụm khói tàu lãng đãng như một nỗi buồn.

Không ai bảo ai, nhưng hình như những khói buồn đó từng bay qua mắt của những người ngồi trên xe. Một đoạn đường dài gần 7 tiếng đồng hồ- nhân hai là mười ba tiếng- đã trở thành một ký ức mạnh mẽ. Nó không bao giờ ngủ yên dù mai kia bão giông làm ướt át vai đời.

Những người bạn nơi đất đai từng chịu nhiều tai ương kia, chúng tôi muốn gởi đến các bạn LỜI BIẾT ƠN viết hoa. Các bạn đã cho chúng tôi nhiều thứ. Sự hiếu khách. Sự tận tâm. Sự lắng nghe và sự chia sẻ. Các bạn đã vì chúng tôi mà để rơi xuống những giọt thời gian quý giá- một điều mà tất cả ai cũng khó tìm lại được trong đất nước này.

Tôi muốn nói lên những điều ấm áp kỳ diệu như vậy từ các bạn, vì không muốn lòng biết ơn bị bốc hơi. Không muốn người ta ám chỉ lòng biết ơn giống như nhan sắc.

Từ một chỗ nghỉ- giống như lúc khởi hành- chúng tôi ghé vào một cây xăng bên đường. Vừa đổ xăng, vừa mua cà phê. Quán xăng có một cô gái da màu đứng bán. Mái tóc có những sợi thuôn thả ép chặt vào da đầu và một đường ngôi chính giữa. Tôi định hỏi cô bán hàng là “Đàn ông đàng hoàng tử tế, tốt bụng đi đâu hết rồi?” Nhưng chần chừ không dám.

Xe qua hết địa phận Louisiana, sắp từ giã đường 10 thơ ngây để bắt vào đường 90 cũ kỹ. Những vạt nắng cuối ngày vừa xuyên qua chỗ ngồi của tôi để bám lên vai Như Ly. Có một lúc, nó đậu xuống nơi hộc ghế bên cạnh chỗ ngồi. Nơi có ly cà phê. Nó vẫn còn đầy, quên uống…



Austin 31 tháng 10, 2011

No comments:

Post a Comment