phạm ngũ yên
Từ một đêm mưa, tôi trở về tìm lại Ngọc. Năm 1970 thị trấn
Blao còn những nét thơ mộng chưa bị đô thị hóa. Chuyến xe GMC từ tiểu khu Tuyên
Ðức về muộn vượt qua những đồi núi quanh co và nhiều cây số đường gập ghềnh vì
bom đạn, trong khi sương mù phủ kín hai lối đi. Người tài xế là một người lính
miền Thượng cùng với tôi là hai người duy nhất trên xe. Ðó là chuyến công tác
đêm đầu tiên từ Ðà Lạt về Blao. Chuyến đi có thể xãy ra nhiều bất trắc trên một
chặng đường thường xuyên bị quấy rầy. Ban đầu chúng tôi ngại ngần, định sáng hôm
sau sẽ đi sớm. Nhưng với một chút liều lĩnh, một chút lãng mạn thời mới lớn, và
một chút thôi thúc của tình yêu, cuối cùng chúng tôi nhận lời lên
đường.
Bây giờ, khi hồi tưởng lại những mảnh vụn của quá khứ, tôi
thấy tôi đã thơ mộng hóa cuộc đời quá nhiều. Nhiều khi tôi để tình cảm lấn át lý
trí và không muốn hình dung đến một hiểm nguy nào khác ngoài trái tim luôn rung
động vì những lời kêu gọi giang hồ. Ðêm mịt mùng lúc chúng tôi khởi hành, vì ở
cao nguyên trời thường tối sớm. Qua khỏi Di Linh thì trời đổ mưa nhẹ. Một đoạn
đường khác gần khu vực cầu Ðại Quay phải chạy chậm vì đường xấu. Trời không có
mưa nhưng phía trước bị vùi lấp trong sương
mù:
“người ta tìm nhau giữa một cõi
sương
người ta lìa nhau không một sợi tóc
vương
sương mờ mịt sợi buộc ràng ai
thấy?
ta xa nhau lòng em đau
dấy
bài nghìn trùng không ai hát mà
đau
nụ hôn nào chưa kịp nở ở môi
nhau
đã héo vội theo ngày mưa
rũ
anh nhớ gì mù sương chốn
cũ?
anh nhớ gì tình mê muội trao
đi?
đã gặp bao giờ mà lại phải chia
ly
tiếng em khóc dội hồn anh chốn
đó...”
(thơ Hoàng Du Thụy,
Canada)
Người tài xế quen thuộc đoạn đường vì anh sinh ra và lớn
lên tại đây. Những bản làng, những đồi trà và những con suối quanh co là những
phần đời niên thiếu của anh. Anh yêu mến chúng cùng lúc yêu mến luôn những con
bò ngu ngơ, những con heo mọi ốm o chạy rong trong chòi. Cuộc sống của những
người Thượng giản đơn như hạt muối khô không cần tinh lọc qua những ruộng đời
biến động. Họ không cần ánh điện thành phố vì trên đầu họ đang có cả một mùa
trăng. Và tình yêu cũng không cần nhiêu khê, thắc mắc vì đàng sau những tấm lòng
sơn nữ kia, họ có sẵn sự thủy chung, mộc mạc của núi
rừng.
(Nhiều chục năm sau, những con người sơn cước đó đành bỏ
quên những phần đời quen thuộc của mình. Bỏ quên đất đai, những con suối và
những ông Thần khuất mặt, để trôi giạt về một nơi chốn văn minh tột cùng là Mỹ
Quốc. Họ không còn một mùa trăng để đi và nước uống mỗi ngày thiếu vắng mùi vị
ngây ngất của rượu cần. Người ta đã chiếm ruộng nương và lấy những nhịp thở đất
đai ra khỏi tim họ)
2.
Tôi cũng vậy. Từ một mùa trăng tháng tư, tôi đã bị mất
nhiều thứ, vì cuộc đời luôn biến động theo những dòng chảy của xã hội. Tôi bị
cuốn hút ra ngoài một đời sống bất an như con ốc bị đặt sai chỗ trong một guồng
máy. Tôi ngạc nhiên và thấy mình tồn tại ngay trên quê hương xa lạ của mình. Tôi
không còn biển để tìm lại một mùa hè rong chơi và một tình yêu thủy chung như
ngày mới lớn. Mọi thứ, đều trở thành quan trọng, từ lon gạo, ký đường, đến cây
kim, sợi chỉ. Chỉ có giá trị con người là xuống cấp. Và trí tuệ thì trôi trác
trên những nhánh sông buồn. Những người bạn học chung trường ngày xưa rất ít khi
gặp lại. Ða số đã vượt biên. Một số còn lại đang làm việc nơi những văn phòng
phường xã, thời gian phần nhiều dành cho những quán cà phê và những cửa hàng ăn
uống. Một số ít thản nhiên chấp nhận thân phận trên những chiếc xe ba gác, xe
xích lô hoặc ngồi sau lưng những thùng vé số. Họ ngồi bên lề cuộc đời đếm hi
vọng và niềm vui của người khác như đếm năm tháng của
mình.
Mười hai năm tôi xa quê và hai mươi tám năm Vũng Tàu của
tôi đã phai nhạt màu xanh. Muối của biển có còn mặn mà hay phôi pha vì mỗi mùa
giông bão? Ngọn hải đăng mỗi đêm có còn soi rọi những hướng đi về tương lai cho
những chiếc tàu đã không còn tay lái? Nghe nói con đường chạy quanh Núi Lớn, Núi
Nhỏ đã khang trang hơn vì nhu cầu du lịch, nhưng tấm lòng của người dân đang cạn
hẹp và ngổn ngang những gai góc tình người.
Mẹ tôi không còn cách đây vài năm. Khi bà mất tôi không thể
về.
Có những lầm lỗi mà chúng ta có thể quên được, nhưng có
những lầm lỗi không bao giờ san sẻ hay bị đồng hóa dù chúng ta biện minh bằng
những lý do nào đi nữa. Suốt đời tôi sẽ hối hận vì điều này. Và mọi thành công
sau này nếu tôi vươn tay tới được, sẽ nặng trĩu lòng thống hối. Nó sẽ làm lem
luốt mọi mùi thơm và mọi vinh quang từ những vòng nguyệt
quế.
Có biết bao nhiêu người Từ Mẫu đã hụt hơi đi bên cạnh bước
chân thơ dại của con mình? Có biết bao nhiêu người Mẹ còn giữ cho đời một chút
màu xanh hi vọng? Mẹ tôi là một trong những người Mẹ đó. Bà đã ươm trong hồn
tôi, từ ngày thơ ấu những hơi thở tươi mát như gió biển. Bà không đủ giàu để mua
tặng tôi chiếc vé xe mộng ước chạy đuổi theo những thành phố hào nhoáng vật
chất. Nhưng bà đã đặt tôi trang trọng trên chỗ ngồi của lòng can đảm - để từ đó
đi xuống đời bằng bước đi chân cứng đá mềm.
Trên đất nước tạm dung nơi đây có ngày lễ Mẹ. Người Mỹ
thích cho thế giới thấy sự hiếu thảo của họ, dù chung quanh vùng Down Town có
những căn nhà Nursing Home. Có bao nhiêu chiếc ghế xích đu đong đưa nỗi cô đơn
của những ông bà già, như đong đưa niềm hi vọng? Ở đó cũng còn có người trợ tá
đút cơm cho những người không còn trí nhớ suốt ngày cười nói như một đứa trẻ,
trong khi màn ảnh truyền hình chiếu đi chiếu lại những bộ phim tình yêu. Những
quảng cáo thuốc tăng cường sinh lực. Mọi điều có vẽ như một mặt khác của đời
sống. Nó trùng lấp, hỗn độn và đầy gai góc. Và chúng ta nhìn vào bức tranh đó,
chúng ta sẽ thấy rõ tương lai của chúng ta ra
sao.
Những đứa con của Hợp Chũng Quốc Hoa Kỳ thích vinh danh
những người Mẹ. Hãy để cho chúng có việc để làm và có một sự bận rộn dể thương
bên cạnh những căng thẳng nhà xe, cơm áo.
“Có phải nơi kia là phố tôi
sinh
Có sương sớm đọng trên đèn
muộn
Ðâu? Ðâu có ngụm đèn
xanh
Rèm che nhòe cửa sổ
Nín
đi thôi. Nín đi thôi các đại lộ nhiều cây...”
(Trần
Dần)
Ðêm mênh mang những cánh gió rượt theo vòng lăn của bánh xe
và con đom đóm bay dật dờ trong đám cỏ. Không lâu nửa con gái tôi sẽ trưởng
thành. Nhưng chắc còn lâu nó mới hiểu tường tận về bà nội của nó nơi một góc phố
mà ba nó sinh ra. Trong khi nền văn hóa tại đây không dạy cho nó cái cảm giác về
sự ràng buộc mật thiết của tình mẫu tử. Nên nó sẽ đi vào đời với một đóa hồng
rất hời hợt ngày Mother’s Day. Một lần tôi chỉ cho nó tấm hình chụp chung với bà
Nội, lúc nó mới vừa bốn tuổi, khi chúng tôi về thăm lại Ðà Lạt. Bà Nội nó đội
khăn mỏ quạ và trông có vẽ “quê mùa” dưới mắt nó. Nhưng với tôi, cuộc đời sẽ
không lớn lao và văn minh được nếu không có những chiếc khăn mỏ quạ. Từ những
vuông khăn đó, mồ hôi và nước mắt khổ đau đã được lau khô. Hạnh phúc và niềm vui
cũng gói ghém trong đó. Chúng tôi, cùng khôn lớn theo màu thời gian phai mờ trên
từng sợi vải và tương lai phồng căng trên đó như một cánh
buồm.
Những chiếc khăn mỏ quạ che kín những vai đời, trong khi
nắng gió làm già háp mộng ước thời niên thiếu. Tôi lớn lên theo những mùi thơm
ngào ngạt toát ra từ nổi buồn, như hóa thân của thời gian. Chiếc khăn cũng vậy.
Nó bạc màu theo tuổi già của Mẹ tôi. Nhưng sao tôi vẫn thấy nó chứa đựng bao
điều mới mẻ.
3.
Ðang mùa
tựu trường. Gió thu hiu hắt những hồi tưởng. Khi tôi còn là học sinh trọ học bất
đắc dĩ trên thành phố Sài Gòn. Vũng Tàu của tôi là một tỉnh nhỏ, khi học xong
Trung Học đệ nhị cấp phải về thành phố để thi Tú Tài. Một người bạn cùng lớp đã
rủ tôi lên nhà bà cô của nó để chuẫn bị ngày thi. Căn gác trọ nằm trên đường
Nguyễn Cư Trinh. Căn nhà số 105 ngày đó là một nhà gổ hai tầng. Phía dưới dùng
làm kho chứa hàng hóa đang bán ngoài chợ. Đa số là hàng chạp phô. Tầng trên dùng
làm sinh hoạt cho cả gia đình.
Ðó là
những năm của thập niên 60. Lúc đó bến xe đò lục tỉnh nằm trên đó, chưa dời ra
ngoại ô. Mỗi tháng thay đổi vị trí một lần. Tháng trước xe về đậu bên này đường.
Tháng sau về đậu phía bên kia. Sự huyên náo, ồn ào chia đều cho hai bên và người
dân hai khu phố quen thuộc với những hoạt cảnh mỗi ngày. Từ một buổi sáng nào
đó, trên căn gác trọ số 105, tôi nhìn xuống con đường và những đời xe tất tả,
xuôi ngược, tôi thấy hết nhịp sống của Sài Gòn. Mọi loại xe đều hiện diện trong
ngần ấy không gian chật chội, giữa những tiếng động nhức nhối. Tiếng kèn xe,
tiếng máy nổ chờ lăn bánh, tiếng rao hàng, tiếng cải cọ, tiếng đồ vật rơi đổ,
tiếng một con chó bị đánh từ một bà bán hàng ế ẩm, tiếng chọc ghẹo, tỏ tình sỗ
sàng từ những người lơ bạt mạng giang hồ với các cô gái bán hàng. Xen lẫn giữa
mùi thơm của cà phê, của hủ tiếu và hơi thuốc lào là mùi cống rãnh nghẹt ứ, mùi
rác rến tùy tiện.
Cái nhịp đời đó không bao giờ nằm im trong trí nhớ tôi. Nó
vẫn sừng sững dù nhiều năm bể dâu biến động. Vì nó đánh dấu một mối tình mới
lớn. Người con gái của hơn ba chục năm về trước mà tôi từng yêu khi về sống tại
Sài Gòn. Căn gác ván cũ kỹ (sau này được xây ba tầng gạch, nhưng vẫn chật chội
bề ngang) mỗi đêm tôi về nghe lại tiếng cười và tiếng nói chuyện của những cô
gái con bà chủ nhà người Bắc. Nhà không có đàn ông. Những bữa cơm tối muộn màng
vì mọi người bận bán hàng ở chợ Thái Bình, tôi đói bụng lén xuống kiếm món gì ăn
đỡ. Tôi biết buồn và biết đau khổ từ những ngày đó. Và cũng biết thêm những thôi
thúc giang hồ theo tiếng kèn xe. Nơi căn gác còn có thêm một bà cô mù suốt ngày
ngồi một mình, nghe tiếng bước chân chúng tôi lên gác mà mừng rỡ. Tôi biết bà
thương tôi và kỳ vọng ở tôi một chàng cháu rể không cứng đầu. Những con mèo ẻo
lả nằm quanh quẩn cạnh bà trong khi tôi lắng nghe bà kể lể chuyện đời. Ðôi lúc
câu chuyện của bà bị ngắt quãng vì tiếng cãi lộn bên dưới. Những tiếng chửi thề,
nhiếc móc đay nghiến nhau của những đôi vợ chồng vọng lên căn gác, như những vết
cắt đau điếng của đời, làm cho cuộc sống thêm sần sượng, gai góc. Cái góc phòng
chật hẹp và bề bộn những tiếng động đó nhưng đại diện cho một Sàigòn lớn
lao.
Bây giờ, một vài người nơi căn nhà 105 đó vẫn còn. Những
người lớn thì đã mất vì thời gian -trong đó có bà cô chủ nhà và bà cô mù. Một
trong ba người con gái nơi căn gác đó vẫn không chịu có chồng và sống thui thủi
một mình bên những ngày tháng rời rộng khổ đau nhưng thiếu vắng hơi thở hạnh
phúc. Tôi chắc như vậy vì sau một cuộc đổi đời mọi đời sống đều như vậy. Tôi
không biết trong tâm hồn người con gái lở thì đó có bao nhiêu hình ảnh của tôi,
có bao nhiêu khoảng trống cho một kẻ giang hồ như tôi cư ngụ? Nhưng với tôi,
tình yêu tự nó thu xếp những chổ trú trong tim. Nó giống như những chuyến xe đò
mỗi chiều về tìm bến đậu. Có một lúc nào, tự chính nó, vì bận rong chơi trên
đường dài, lúc tàn cuộc quay về, sẽ mất hẳn một chỗ nằm khiêm tốn qua đêm. Chỉ
tội nghiệp cho những quang gánh chất đầy mộng ước, bị bỏ quên dưới gầm xe vì
không có người thu nhặt, phải chờ đến bình
minh...
Một buổi chiều chủ nhật, trước ngày thi một ngày trời đổ
mưa. Mưa dai dẳng từ buổi trưa, kéo dài đến chiều tối. Tiếng mưa buồn bã gõ nhịp
trên mái tôn cũ nghèo. Trên những mâm cơm tức tửi nỗi cơ hàn. Tôi đứng trú mưa
giữa hành lang nối liền hai dãy nhà, lòng trống trải một quạnh hiu. Vẵng đâu đây
từ một chiếc radio, tiếng hát Phương Dung vọng xuống. Bài “Nỗi Buồn Gác
Trọ”.
Tiếng hát ráo hoảnh giữa những dòng mưa. Tiếng hát chạy
thêng thang trên những lòng đường bên dưới. Con nhạn trắng Gò Công giữa những
thập niên 60 đã cất cánh soãi bay mượt mà qua mọi cánh đồng âm nhạc miền Nam và
đậu xuống lâu dài trên mỗi trái tim người mộ
điệu.
Bâng khuâng gác vắng khêu tim đèn
đêm
Nhớ nhung đi vào
quên
Tâm tư cố nhân ơi
...
Ðể buồn chìm vào đôi
mắt
Ái ân không trọn để ngàn đời nhớ
nhau.
Và:
Nhớ ai mà ánh đèn hiu
hắt
Lá vàng nhè nhẹ
rơi...
Mỗi mùa vắng đi một
người.
Tiếng hát dội vào lòng tôi như điềm dự báo một số phận. Lần
đầu tiên trong buổi chiều xa nhà, tôi cảm biết rằng tình yêu sẽ làm cho con
người ta lớn lao hơn hay bé nhỏ hơn. Lần đầu tiên tôi cảm biết rằng đời sống có
những giá trị khác, tuyệt vời hơn. Không phải đơn điệu chỉ màu sắc của cơm áo,
của công danh hay những thành đạt. Mà còn có sự lãng mạn của nắng mưa, của thời
tiết. Của hạnh phúc và những đau khổ trộn lẫn. Của tình yêu tơi tả, bầm vập vì
không tìm ra lối thoát.
“Mỗi mùa vắng đi một người”. Như mỗi đứa học trò sẽ trụ lại
hay sẽ rời bỏ trường lớp sau một mùa thi. Ðể trôi lăn trên những vòng đời chóng
mặt?
Năm đó tôi thi rớt Tú Tài 1. Tôi nạp bài thi trước hết và
ra khỏi phòng. Lòng tôi trống trải như bến xe đêm về sáng. Không còn tồn động
một phương trình hay một định lý nào trong trí tôi. Tôi lang thang gần nửa ngày,
qua rất nhiều ngả tư ồn ào xe cộ. Qua những quán cà phê và những cô chủ quán yêu
kiều. Tôi tập làm người lớn và tập hút điếu thuốc đầu tiên trong đời. Khói thuốc
sẽ làm khô môi nhưng ướt sũng hạnh phúc được pha chế bằng mùi vị đau khổ. Những
vòng khói níu chân tôi bước xuống cuộc đời và tôi nghe trong đó hương thơm của
sầu mộng. Những vòng khói quấn quít, như những vòng tay
ôm.
4.
Mỗi người
có một định mệnh từ một cuốn phim hay một bài hát. Tôi không ra ngoài ngoại lệ.
Bài hát Nỗi Buồn Gác Trọ đã cắt hồn tôi thành hai mảnh đời. Và tôi sẽ không bao
giờ ghép hai nửa mảnh đời đó nhập lại cùng nhau. Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn
không thể quên được giọng hát làm trái tim tôi trầy trụa. Tiếng hát cắm vào hồn
tôi những chiếc gai nhức nhối có khả năng làm rơi máu lệ. Tiếng hát như một định
mệnh đẩy tôi trôi trên những nhánh sông
buồn.
Con nhạn trắng Gò Công chắc không thể hình dung được rằng
cách đây hơn 40 năm, tiếng hát của nàng đã gây cho tâm hồn đứa con trai mười tám
tuổi cơn địa chấn. Không phải cấp 4 hay cấp 5. Mà là cơn địa chấn ngọt ngào hơi thở của môi
miệng và ràn rụa của nước mắt.
Nhiều năm trôi qua, hồn tôi vẫn còn rung động như ngày nào,
khi nghe lại Nỗi Buồn Gác Trọ. Vẫn in như ngày mới lớn, vẫn mới mẻ ngần ấy những
rung động.
Nhiều năm trôi qua. Từng có biết bao nhiêu gác trọ hiện ra
bên cạnh cuộc đời. Một lần ở khu Bàn Cờ. Một lần ở Bảo Lộc. Một lần ở Chi Lăng,
ở đường Hai Bà Trưng, Ðà Lạt. Vài gác trọ trên đất nước người có danh xưng khô
khốc là Motel, là Suite, Inn… bên những chặng nghỉ đường dài. Nhưng sự rung động
bớt đi những sôi nổi, bồi hồi.
Hình như chúng chỉ tiếp nối những định mệnh, chớ không phải
bắt đầu một định mệnh./.
No comments:
Post a Comment