SÀIGÒN, QUÁN CÀ
PHÊ VÀ TUỔI LANG THANG
|
Ở Sài Gòn, ngoài viện Đại Học Vạn Hạnh và các trường Bồ Đề, Tổng
Vụ Giáo Dục và Thanh Niên thuộc Giáo Hội Phật Giáo còn nhiều cơ sở trực thuộc
khác như cư xá Quảng Đức ở đường Công Lý, trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội ở
chùa Ấn Quang. Nói chung là dân Vạn Hạnh có nhiều chỗ để lui tới, để “dụng võ”
lắm. Tuy nhiên, dường như “tổng đàn” của Vạn Hạnh không nằm ở những nơi chốn
“thâm nghiêm” này, nó đặt tại một tiện cà phê: Quán Nắng Mới ở dốc cầu, ngó
chéo về phía chợ Trương Minh Giảng.
Quán Nắng Mới có nhiều ưu thế để trở thành đất nhà của dân Vạn
Hạnh, trước nhất vì gần gũi, kế đến là khung cảnh đẹp, nhạc chọn lọc và cuối
cùng, có lẽ quan trọng nhất là sự thấp thoáng của những bóng hồng, có vẻ tha
thước, có vẻ chữ nghĩa. Chừng đó là quá đủ, quá đạt để phe ta tụ lại: Các anh
chị em thuộc khối Văn Thể Mỹ của thầy Phạm Thế Mỹ tấp vào nói chuyện văn nghệ.
Nhóm làm thơ trẻ Nguyễn Lương Vỵ, Võ Chân Cửu lúc đó đang lên và đang chiếm đều
đặng nhiều cột thơ trên báo Khởi Hành, ngồi đồng từ sáng đến tối để… làm thơ.
Những “chuyên viên xuống đường trong sáng” chụm đầu lại để bàn kế hoạch. Những
“chuyên viên lợi dụng xuống đường” cũng chụm đầu lại để bàn quỷ kế và đông hơn
cả, ấm áp hơn cả là những nhóm hai người, một tóc dài, một tóc ngắn chờ vào
lớp, chờ tan trường và chờ nhau ở Nắng Mới.
Đại Học Vạn Hạnh có một phân khoa mà bên Văn khoa không có: Phân
khoa báo chí. Vạn hạnh còn có một lợi thế như là một sự ưu đãi đặc biệt vì nhu
cầu giáo dục là phân khoa sư phạm thi tuyển và được tăng một tuổi theo luật
động viên. Vì lẽ đó anh em đến với Vạn Hạnh đông lắm. Không khí ở Vạn Hạnh hào
hứng và sôi nổi lắm. Mỗi lần có đợt tranh đấu, xuống đường, ngày Vạn Hạnh chạo
rạo, đêm Quảng Đức không ngủ, sáng Nắng Mới không có chỗ ngồi. Vạn Hạnh như một
lò lửa, một điểm nóng, một trung tâm. Tiếc thay đàng sau những nhiệt tình trong
sáng, những lý tưởng vô cầu là những bóng đen rình rập, những nanh vuốt hờm
sẵn.
Hình như Nắng Mới đã sống với Vạn Hạnh, sống theo Vạn Hạnh cho đến
ngày cuối cùng. Nó chứng kiến cảnh Nguyễn Tổng cởi áo thầy tu, đi tiếp thu một
trường Trung học. Nguyễn Lương Vỵ bỏ bộ mặt hiền thi sĩ đóng vai mặt lạnh ở
phòng giáo dục Phú Nhận. Võ Như Lanh xông xáo từ Thành Đoàn qua báo Tuổi Trẻ.
Trần Bá Phương làm chúa một trại giam, gọi đẹp đẽ là hiệu trưởng trường giáo
dục lao động và còn nhiều lắm, kẻ thù mai phục và bạn bè bạc bẽo trở cờ. Tất cả
thành một bầy kên kên nhởn nhơ trên nỗi khổ của anh em, nỗi đau của cả dân tộc.
Ngày tôi về lại Sài Gòn sau nhiều năm phải xa, cà phê Nắng Mới
không còn. Đại học Vạn Hạnh biến thành một cư xá sinh viên, áo thun quần lót
treo la liệt từ trên xuống dưới, quang cảnh vừa đìu hiu vừa bát nháo nhìn thấy
mà đứt ruột. Nghe nói núi sách của thư viện bị lấy hết, đốt sạch. Thầy Minh
Châu dời lên một Phật học viện nhỏ trên đường Võ Di Nguy gần Trung Tâm Tiếp
Huyết. Thầy Quảng Độ bị quảng thúc đâu đó tuốt ngoài Bắc. Thi sĩ, thầy Bùi
Giáng lang thang ngạo đời ở đầu phố cuối chợ. Không lâu sau đó Đại Đức Tuệ Sĩ,
Trí Siêu lần lược bị bắt. Vạn Hạnh không còn gì, thật sự không còn gì. Những
con người cũ tứ tán muôn phương. Cái nơi chốn đầy sức sống và niềm tin ngày nào
giờ tiêu điều buồn bã như giòng kinh nước đen uể oải dưới chân cầu Trương Minh
Giảng.
Mấy năm trước đây tôi có được đọc một bài báo, nội dung của nó
cũng thường thường không có gì đặc biệt lắm. Tuy nhiên bài báo có nhắc đến một
chi tiếc làm tôi ngẩn ngơ nhiều ngày. Tác giả đã nói về một quán cà phê thân
quen: Quán chị Chi ở Dakao. Thật ra đây không phải là quán cà phê mà là quán
trà, mà thật ra có lẽ cũng không thể gọi là quán trà mà chỉ có thể nói là chỗ
uống trà ở nhà chị Chi mới hoàn toàn đúng.
Bạn hãy tưởng tượng giùm tôi cái khu gia cư xưa cũ, rất yên tĩnh
và rất dễ thương, nằm phía sau rạp hát Văn Hoa Dakao, ở đó có những con đường
rất nhỏ, những ngôi nhà mái ngói phủ đầy rêu xanh, những hàng bông giấy che kín
vỉa hè. Ở đó không có cái ồn ào náo nhiệt như ngoài Trần Quang Khải, khúc đổ về
Tân Định, cũng không có cái tập nập mắc cưởi của đoạn Lê Văn Duyệt hướng về
Lăng Ông. Nó trầm lắng cô liêu và im ả tách biệt lắm. Nhà nào cũng nhỏ, cất cao
hơn mặt đường mấy bực tam cấp xi măng, mở cữa ra là có thể nghe người bên trái
nói, thấy người bên phải cười và có cảm tưởng như có thể đưa tay ra bắt được
với người đối diện bên kia đường.
Quán chị Chi ở một trong những ngôi nhà này. Làm sao để nhận ra?
Không biết, tôi đã nói là không phải quán xá gì cả mà, chỉ là tới nhà bà chị uống
trà chơi vậy thôi và đã là nhà bà chị thì phải tự biết chớ, cần gì hỏi. Phòng
khách, được gọi là quán, chị Chi nhỏ lắm, chắc độ chín mười thước vuông gì đó,
chỉ đủ chỗ để đặc ba bốn chiếc bàn nhỏ. Nhà không có nhạc, không trưng bày
trang trí gì cả ngoại trừ một bức tranh độc nhất treo trên vách, bức tranh đen
trắng, cỡ khổ tạp chí, có lẽ được cắt ra từ một tờ báo Pháp. Tranh chụp để thấy
một bàn tay giắt một em bé trai kháu khỉnh, vai đeo cặp sách, miệng phụng phịu
làm nũng, hai mắt mở to nhưng nước mắt đang chảy dài theo má, phía dưới có hàng
chữ nhỏ: “Hôm qua con đã đi học rồi mà.”
Giang sơn của chị Chi chỉ có vậy và chị mở “tiệm.” Khách đến với chị Chi không phải coi bản hiệu mà vào, cũng không phải nghe quảng cáo trên đài địa phương hay đọc giới thiệu trên báo chợ báo bán gì cả, mà hoàn toàn do thân hữu chuyền miệng cho nhau để đến, nhiều lần thành quen, từ quen hóa thân và quyến luyến trở lại. Chị Chi có bán cà phê nhưng tuyệt chiêu của chị là trà. Loại trà mạn sen, nước xanh, vị chác nhưng có hậu ngọt và mùi thơm nức mũi. Trà được pha chế công phu trong những chiếc ấm gan gà nhỏ nhắn, xinh xinh. Ấm màu vàng đất, thân tròn đều, láng mịn, vòi và quai mảnh mai, cân đối. Mỗi bộ ấm có kèm theo những chiếc tách cùng màu, to bằng ngón tay cái của một người mập, vừa đủ cho vài hốp nước nhỏ.
Ấm có ba loại, được gọi tên ra vẻ “trà đạo” lắm: độc ẩm, song ẩm
và quần ẩm nhưng hồi đó chúng tôi thường “diễn nôm” theo kiểu “tiếng Việt trong
sáng” thành ấm chiếc, ấm đôi và ấm bư. Trà được uống kèm với bánh đậu xanh, loại
bánh đặc biệt của chị Chi, nhỏ, màu vàng óng và mùi thơm vô cùng. Nhắp một ngụm
trà, khẽ một tí bánh, cà kê đủ chuyện trên trời dưới đất trông cũng có vẻ phong
lưu nhàn tản và thanh cao thoát tục lắm.
Đến với chị Chi có cái thú vị là được hưởng một không khí thân
mật, thoải mái như đang ngồi trong nhà của mình, điều thích nữa là không bao
giờ phải bận tâm đến chuyện tiền bạc gì cả, muốn đến lúc nào cứ việc đến, không
có tiền thì chỉ cần ngồi cười cười, chị Chi sẽ nói giùm cho bạn điều bạn khó
nói, “Cuối tháng chưa lãnh măng đa phải không? Uống gì nói chị lấy.” Chưa hết
đâu, khi đã thân, đã thành “bạn của chị Chi,” hai lần mỗi năm vào khoảng trước
Giáng Sinh và hăm ba ông táo về trời bạn sẽ được chị Chi kêu “đến chị chơi.”
Đến chị chơi có nghĩa là đến uống trà mà không phải trả tiền và nếu gặp lúc chị
Chi vui và khoẻ, “chơi” còn có nghĩa là có bánh bèo tôm chấy hay bánh hỏi thịt
nướng kèm thêm nữa.
Khách của chị Chi không đông, giá nước ở chị Chi không đắt vì vậy
chắc chắn chị Chi không sống bằng “cửa tiệm,” chị bán cho vui, bán mà như kêu
anh em góp chút tiền cho chị để chị nấu giùm chút nước uống cho vui. Mà quả
tình ở chỗ chị Chi vui thật, vui vì những đậm đà tình nghĩa.
Hồi đó chị Chi đã khá lớn tuổi, bây giờ sợ chị đã lìa xa chúng ta
hoặc nếu không thì cũng không còn đủ sức để nấu nước giùm cho ai được nữa. Quán
chị Chi chắc không còn nhưng dù sao cũng xin cảm ơn chị và xin đại diện cho
những anh chị em đã từng ngồi quán chị Chi bày tỏ lòng tiếc nhớ đến chị và đến
những ngày khó quên cũ. Tôi nghĩ anh chị em cũng không hẹp lòng gì mà không cho
tôi nói lời đại diện này. Cuộc đời chúng ta đẹp vì những niềm vui nho nhỏ không
tên. Sài Gòn của chúng ta đáng nhớ vì những dễ thương nho nhỏ không tên. Chị
Chi, chị đã cho chúng tôi những niềm vui ấy. Chị đã góp cho Sài Gòn một phần
của cái dễ thương ấy. Cảm ơn chị.
Những năm cuối thập niên 60 Sài Gòn có mở thêm nhiều quán cà phê
mới, những quán sau này thường được trang hoàng công phu hơn, có hệ thống âm
thanh tối tân hơn và nhất là quán nào cũng chọn một cái tên rất đẹp, phần lớn
là dựa theo tên những bản nhạc nổi tiếng: Cà Phê Hạ Trắng, Lệ Đá, Diễm Xưa,
Hương Xưa, Hoàng Thị, Biển Nhớ, Hoài Cảm, Da Vàng… Tuy nhiên, ở một con đường
nhỏ, hình như là Đào Duy Từ, gần Sân Vận Động Cộng Hòa có một quán cà phê không
theo khuôn mẫu này, nó mang một cái tên rất lạ: Quán Đa La. Đa La là Đà Lạt,
quán của chị em cô sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, có lẽ vừa từ giả thác Cam
Ly, Hồ Than Thở để về Sài Gòn học năm cuối tại nhà sách Xuân Thu hay sao đó, mở
ra.
Trường kinh doanh quả là khéo đào tạo ra những môn sinh giỏi kinh
doanh: Tin mấy cô sinh viên mở quán thật tình là không được chính thức loan báo
ở đâu cả. Tuy nhiên, cứ úp úp mở mở như vậy mà tốt, nó được phóng lớn, lang xa,
tạo ấn tượng mạnh và quán được chờ đón với những trân trọng đặc biệt, những náo
nức đặc biệt. Những cô chủ chắc có máu văn nghệ, đã cố gắng mang cái hơi hướng
của núi rừng Đà Lạt về Sài Gòn: Những giò lan, những giỏ gùi sơn nữ, những cung
tên chiến sĩ đã tạo cho quán một dáng vẻ ngồ ngộ, dễ thương; rồi những đôn ghế,
những thớt bàn được cưa từ những bi cây cổ thụ u nần, mang vẻ rừng núi, cổ sơ
đã giúp cho Đa La mang sắc thái rất… Đa La.
Ngày khai trương, Đa La đã mời được Linh Mục Viện Trưởng Viện Đại
Học Đà Lạt đến dự và đã chuẩn bị một chương trình văn nghệ hết sức rôm rả với
những bản nhạc “nhức nhối” của Lê Uyên Phương, Nguyễn Trung Cang, Lê Hữu Hà…
Chừng đó là đủ chết người ta rồi. Dân Đại Học Xá kéo qua, dưới Sư Phạm, Khoa
Học lên, Y Khoa. Phú Thọ xuống. Cả Petrus Ký, Chu Văn An nữa là đủ bộ, quanh
quanh khu Ngã Sáu chấm Đa La và dồn tới.
Những ngày đó Đa La đông vui lắm, nó trở thành một chốn tụ tập hết
sức văn nghệ. Nó đã chứng kiến sự nở hoa của nhiều mối tình và cũng chia xẻ sự
héo tàn của nhiều mối tình khác. Nó có thể tiếp tục buồn vui với những người
bạn trẻ như thế nếu như đất nước không có những đột biến to tát: Biến cố Tết
Mậu Thân với cảnh nhà cháy người chết ngay tại thủ đô Sài Gòn. Rồi tổng công
kích đợt hai. Rồi tổng động viên lần thứ nhất năm 1968. Quân sự học đường. Tổng
động viên lần thứ hai năm 1972. Tất cả những điều đó đã làm thay đổi rất nhiều
nhịp sống chung và tác động sâu xa đến suy nghĩ và hành động của từng con
người.
Đa La vắng dần những người khách cũ, lưa thưa có thêm những người
mới với dáng vẻ ủ dột trầm ngâm hơn, lác đác những bộ đồ vàng quân sự học
đường, những bộ đồ phép Thủ Đức, những bộ đồ lính thứ thiệt của nhiều quân binh
chủng vội đến, vội đi. Đa La lần lược nhận được tin tức về nhiều người bạn cũ
không bao giờ còn trở về. Đa La tiếp tục có thêm nhiều buổi cà phê cuối cùng để
tiễn những người đến lược ra đi. Đa La không vui và những người bạn của Đa La
cũng không vui bởi vì cả đất nước không vui, cả dân tộc đang muộn phiền.
Đa La còn đến lúc nào? Đóng cữa bao giờ tôi không biết, có điều là
đã có thời Đa La giống như một tri kỷ của nhiều người, nó cũng buồn, cũng vui,
cũng hy vọng, cũng rã rời, cũng phấn chấn, cũng mệt mỏi, cũng khóc, cũng cười,
cũng muốn ngoan ngoãn xây dựng, cũng thích tung trời phá phách, cũng tỉnh, cũng
điên, nói chung là nó chung chịu với bạn bè những tháng ngày nhiều chuyện, dễ
thương lắm và đáng nhớ lắm, một chút Sài Gòn.
Hồi đã vào Thủ Đức tôi còn rất nhiều dịp để ngồi cà phê Hân, đường
Đinh Tiên Hoàng. Thật ra phải nói tôi bị bắt buộc phải ngồi ở đó vì thời gian
trong quân trường tôi thuộc loại con bà phước, gia đình ở xa, người yêu thì mặc
dù đã quen từ thời còn ở tỉnh nhỏ quê nghèo nhưng cũng vẫn chưa qua được giai
đoạn “mặt ngoài còn e,” cuối cùng tôi chỉ còn bạn bè. Hồi đó mỗi lần đi phép,
xe quân trường sẽ thả xuống và đón về ở khu Mạc Đỉnh Chi, gần Hội Việt Mỹ. Tuy
nhiên dạo đó tình hình sôi động lắm, quân trường lúc cắm trại, lúc xả phép,
không chắc lúc nào có thể về được vì vậy tôi chỉ có thể nhắn chung chung là
“đón tao ở Hân,” phòng hờ có trục trặc gì thì bạn bè kể như đi uống cà phê chơi
với nhau, đỡ sốt ruột. Tôi thật sự vui mừng và cảm động, chưa bao giờ tôi đến
Hân mà không có người chờ, cũng chưa bao giờ tôi chờ ở Hân mà không có người
đến. Bạn bè! Biết nói sao cho đủ cái nghĩa đặc biệt của hai chữ ấy.
Hân là quán cà phê thuộc loại sang trọng, khách phần lớn ở lớp
trung niên và đa số thuộc thành phần trung lưu, trí thức. Bàn ghế ở đây đều
cao, tạo cho khách một tư thế ngồi ngay ngắn, nghiêm chỉnh và bàn nào cũng có
đặt sẵn những tạp chí Pháp ngữ số phát hành mới nhất. Câu chuyện ở Hân chắc là
quan trọng lắm, lớn lắm. Nhìn cái cách người ta ăn mặc. Trông cái vẻ người ta
thể hiện là biết ngay chứ gì. Có lẽ cả thời sự chính trị, kinh tế tài chánh,
văn chương, triết học đều có cả ở đây. Một chỗ như vậy tốt lắm, đáng trân trọng
lắm chứ. Tuy nhiên, dường như có một chút gì rất xa, rất lạ với một người lính.
Thật tình tôi chỉ là một người lính bất đắc dĩ, lệnh tổng động
viên giới hạn tuổi ở đại học, ông tướng Đạm không ký giấy hoãn dịch nữa thì
trình diện. Tôi rời Sài Gòn cũng chưa được bao lâu, ở Thủ Đức thì cũng chỉ mới
là lính tập sự, lính sữa. Đđã có tối nào nhìn toán tiền đồn lầm lũi đi vào đất
địch để phục kích, để lấy tin đâu mà hiểu được nỗi cô đơn. Đã có đêm nào trùm
poncho ghìm súng ngồi dưới mưa giữa vòng vây quân địch đâu mà biết được cái cảm
giác trống vắng, khiếp hải. Đã bao giờ ôm thân thể thủng nát của một đồng đội
rạp người dưới làn đạn thù, nhìn máu chảy cho đến hết đâu mà hiểu được nỗi bi
uất, tuyệt vọng. Vậy mà tôi đã tự nhân danh là một người lính để cảm thấy xa
lạ, lạc lõng với Hân, với Sài Gon. Kỳ cục không?
Cảm giác của tôi lúc ấy lạ lắm, khó nói lắm. Nhưng tôi không có
thì giờ để suy nghĩ, để phân tích điều gì, tôi đang đi phép mà, cho tôi nghỉ
một chút, chơi một chút dù cả lúc chơi, lúc nghỉ tôi đều bị cái cảm giác lạ lạ,
khó nói kia ám ảnh. Sau này, Nhà văn Thế Uyên có viết một quyển tạp bút tựa là
“Mười Ngày Phép Của Một Người Lính.” Tôi đọc và thấy nhẹ nhàn thơ thới lắm. Đại
khái tác giả đã nhân danh một người lính mà đặc vấn đề với những con người,
những cách sống, nói chung là với một hậu phương mà ông cho là bất xứng. Tôi
nhẹ nhõm vì ông Thế Uyên đã nói giùm tôi cái mà tôi gọi là cảm giác khó nói ở
trên.
(Đoạn sau đây lẽ ra không có trong bài viết này, nhưng tôi vừa
nhắc đến nhà văn Thế Uyên với một cách nói được hiểu như là một sự mến mộ vì
vậy nên tôi xin phép nói thêm vài đều trong cái ngoặc đóng này. Đúng, có một
thời gian rất dài tôi mến mộ ông Thế Uyên. Tôi mê Thế Uyên từ truyện ngắn
“Những Kẻ Thuộc Bài.” Đại khái chuyện muốn nói là mỗi chúng ta đều học được từ
sách vở, học đường, tôn giáo và nhiều nguồn giáo dục khác những điều tốt đẹp.
Thật đáng buồn, thực tế không giống như những gì ta được dạy. Trong cuộc đời có
quá nhiều những kẻ không thuộc bài, có quá nhiều những ngụy quân tử, nói rất
đúng bài vở nhưng chính họ lại làm khác và Thế Uyên nhân danh một người thuộc
bài, phê phán về điều đó. Tôi đã từng có lúc bạo gan nghĩ là mình cũng thuộc
loại thuộc bài nên hết sức thông cảm và chia xẻ nỗi buồi của Thế Uyên, ủng hộ
Thế Uyên. Về sau Thế Uyên lập nhà xuất bản Thái Độ, lại đúng nữa, xã hội của
chúng ta quả là có nhiều vấn đề cần tỏ thái độ và tôi lại tiếp tục ủng hộ Thế
Uyên dù tôi chưa bao giờ gặp gỡ hay quen biết gì với ông. Tôi giữ một tình cảm
rất đặc biệt về Thế Uyên cho đến năm 1979. Hồi đó các trại tù đã được thăm nuôi
và tôi được bạn bè lén lút gởi cho tờ báo Đứng Dậy hay Đối Diện gì đó của nhóm
Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan. Trong tờ báo này có một bài viết của Thế Uyên, anh
ta kể về một cái Tết ở trại giam Kà Tum. Nhà văn lớn có khác, tả tết thì đúng
là tết, có thịt cá bánh trái ê hề, có cà phê thuốc lá vui vẻ, có giọng nói
tiếng cười “hồ hỡi phấn khởi,” có những khuôn mặt rạng rỡ tin yêu, có các cán
bộ khoan hòa nhân ái như những nhà tu, đặc biệt là cảm tưởng sung sướng xúc
động của tác giả khi được đứng nghiêm chào lá cờ máu trong ngày đầu năm. Tôi
đọc bài báo mà buồn lắm, buồn ghê gớm lắm. Tôi biết là trong hàng ngũ những kẻ
không thuộc bài đã có thêm một người và tôi tự buộc mình phải quên hai chữ Thế
Uyên đi, thật đau lòng nhưng phải quên, nhất định).
Tôi xin trở lại với cà phê Hân và xin làm ơn bỏ qua một bên cái
cảm giác xa lạ của riêng tôi. Hân vốn tự nó là một nơi chốn hết sức đáng yêu và
chắc chắn là một nơi chốn rất đáng nhớ của nhiều người. Về sau, ở đối diện với
Hân người ta mở thêm quán cà phê Duyên Anh (không biết nơi này có liên quan gì
với nhà văn Duyên Anh hay chỉ là tên đặt bỡi một người chủ ái mộ nhà văn này).
Hai tiệm cà phê, một sang trọng chững chạc, một trẻ trung sinh động, cả hai đã
trở thành một điểm hẹn, một đích tới mà khi nhắc đến chắc nhiều anh chị em ở
trường Văn Khoa, trường Dược, trường Nông Lâm Súc ngay góc Thống Nhất - Cường
Để và các anh em bên khu Đài Phát Thanh, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị hướng
Phan Đình Phùng, Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ mỉm cuời và sẽ thấy rất gần gũi, rất thân
thiết.
Tôi vừa mời các bạn đi thăm một vòng mấy quán cà phê mà chắc nhiều
anh em trong chúng ta từng quen biết, từng có những gắn bó thế này hay thế
khác. Tôi xin ngừng ở đây nhưng anh em có thể tiếp tục đến những nơi chốn kỷ
niệm khác của riêng mình. Tôi biết anh em đều là những người nặng tình cho nên
tôi tin là mỗi hẻm nhỏ, mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi cổng trường đều thấp
thoáng bóng hình của tuổi nhỏ, của quê xưa.
Tôi xin nhắc là anh em nào muốn gặp các nhà văn nhà thơ, muốn nhìn
họ ngậm ống vố, đeo kiến cận nói chuyện văn chương thì mời đến quán Cái Chùa,
anh em nào muốn có không khí trẻ trung đầm ấm mời đến Hầm Gió. Anh em nào muốn
có chỗ riêng tư tâm sự thì cứ theo đường Nguyễn Văn Học chạy tuốt lên Gò Vấp,
vào quán Hương Xưa, ở đó có vườn cây đẹp, các cô chủ đẹp và cái cách người ta
đối với nhau cũng rất đẹp. Tất cả những gì tôi nhắc tới là một chút ngày cũ,
một chút cảnh xưa, một phần hơi thở và nhịp sống của Sài Gòn trong trí nhớ. Xin
tặng anh, tặng chị, tặng em, tặng tất cả những ai còn có lúc bỗng bàng hoàng
nhận thấy, dường như một nửa trái tim mình còn đang bay lơ lửng ở đâu đó, nơi
quê nhà.
NMAD
|
||||
No comments:
Post a Comment