phạm ngũ yên
1.
Không ai gởi cho nàng đóa hoa nhân ngày Mothers’ Day. Chỉ
còn tôi. Tôi mua nó nơi một siêu thị sáng nay. Từ mùa xuân vừa qua, hai hàng cây
vào cổng nghĩa trang đã xanh đầy lá và trên bải cỏ phẳng phiu có dấu cắt của
người làm vườn.
Không có lời thầm thì của gió để đưa đến tai nàng một lời
tạ lỗi vì lâu lắm rồi, mọi lời nói đều vô nghĩa. Từ lâu lắm rồi tôi không còn
thói quen để nói một mình khi đối diện với Ng. Có nhiều nỗi nhớ như những bó hoa
được gói ghém trong một bao kiếng, có thắt nở vải nhiều màu và được đánh dấu cẩn
thận. Có nhiều nỗi nhớ trần trụi và phơi bày ra giữa nắng gió cùng rét mướt. Và
đàng sau đó có bao nhiêu tấm lòng thủy chung của người còn sống ? Tôi không hình
dung được vì riêng tôi, tôi sẽ không muốn khua động một vết thương
đời.
Vài ngôi mộ mới đắp chưa có kịp mộ bia. Vài ngôi mộ không
được chăm sóc vì thân nhân hình như không còn tại đây. Những cây dâu có thân
trắng bệt vì thời gian đứng im lặng như chứng tích của một bất hạnh. Mưa không
lớn lắm nhưng đủ để tôi ướt át và tôi phải vào ngồi lại trong xe, nhìn ra quạnh
hiu bên ngoài với một trái tim sũng nước. Ðời sống còn quá nhiều nghịch lý nhưng
đời sống cũng quyến rũ không kém. Ly cà phê để trong vị trí của nó bên cạnh tay
lái đã nguội lạnh từ lâu. Nhưng mùi hương của Hazelnut còn vương vãi chung quanh
chỗ ngồi. Quanh những dây an toàn. Chiếc gạt nước uể oải chuyển động trên mặt
kính mờ đục, tiếng kêu tựa như tiếng rít róng của một mù phù thủy già. Giữa
tiếng rầm rì của máy xe chờ đợi khởi hành và hình ảnh bó hoa còn nguyên bao
kiếng nằm trang trọng trước mộ bia, tôi muốn nói với nàng rằng đã đến giờ chia
tay. Rằng hẹn sẽ gặp lại, kỳ tới. Những cuộc đời thiếu hơi ấm một bếp lửa luôn
là những hướng đời chạy ngược về hai phía.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng những con ve sầu đã sống
hết cuộc đời nó ra sao khi mùa hè không còn? Khi những lá khô xô xuống đời nhau
để tiễn đưa một ngày cũ? Có biết bao điều quen lạ xãy ra trong thành phố này. Vì
người đàn bà trở nên quyến rũ hơn bao giờ hết, khi nàng ngồi một mình. Mái tóc
được vén lên cao để chiếc gáy trắng màu sửa phơi ra liền lạc với đôi vai trần.
Ðó là những hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp khi tôi trở về Houston. Trong cái
không khi se sắt của một ngày mưa và đường xá ướt đẫm những bụi nước, màu mắt
của nàng làm cho buổi sáng càng thẳm xa. Nhưng hình như tôi sắp phải rời bỏ chỗ
ngồi quen thuộc trong quán để trở về. Hồn lạnh căm tiếng gió. Và trống rỗng một
màu đời.
2.
Khi con bão bay ngang qua thành phố biển của tôi, năm rồi,
bạn tôi là Huỳnh Quốc Hải đã gởi cho tôi những bức hình ghi nhận những khung
cảnh nhà cửa, đường phố bị tàn phá dưới đường đi của bão. Những bức hình được
chụp bằng máy Digital và phóng qua internet cho nhóm bạn hữu Vũng Tàu. Hải tình
cờ có mặt tại đó khi anh từ Mỹ trở về thăm nhà, cũng vửa tình cờ chứng kiến sự
tàn phá của thiên tai. Ngoài những câu giới thiệu đôi nét chính về tình trạng đỗ
nát tại các nơi mà chúng tôi từng có kỷ niệm ngày xưa, có một câu anh viết làm
tôi xúc động:
“ Các bạn có còn nhớ cây điệp giữa khu nhà Lồng Chợ hay
không? Cây điệp rất già nua, rất lâu đời, nơi mà chúng ta thường ra coi các đoàn
Sơn Đông mãi võ diễn tuồng. Cây điệp đó cũng bị tróc gốc hết
rồi...”
Thành phố nơi tôi khôn lớn, luôn có rất nhiều hình ảnh mật
thiết đã theo tôi đi suốt những mùa trăng thơ ấu. Những hình ảnh đó từng khua
động hồn tôi như tiếng sóng xô vào bờ cát mỗi ngày. Chúng như bóng mát che kín
hồn tôi, và đôi khi làm thành cánh gió kéo theo từng cánh diều lộng lẫy bay qua
tuỗi thơ tôi. Có những con đường, những cửa tiệm mãi đậu xuống trí nhớ của các
đứa con trai vùng biển, không bao giờ chìm khuất, không bao giờ tàn phai. Dù qua
bao tháng năm thay đổi. Dù những đứa con của Vũng Tàu bây giờ đã già nua, đã hom
hem như lá úa, như cây đời. Làm sao chúng tôi có thể quên mất tên của các con
đường như Trấn Hưng Ðạo, Lý Thướng Kiệt, Phan Thanh Giản...? Làm sao chúng tôi
có thể quên tên các tiệm buôn bán nằm song song hai bên đường Trưng Trắc, Trưng
Nhị...? Các tiệm Thanh Bình, Tây Hồ, Nhựt Tân, Lâm Quới Cảnh, Liên Tinh, Thăng
Long, Nguyễn Văn Tư, Văn Ánh...
Tiệm Kim Phượng là một trong những cửa tiệm đã từng góp
phấn làm nên lịch sữ phồn vinh của Vũng Tàu. Kim Phượng là một tiệm vừa chụp
hình vừa bán những đồ đạc liên quan đến nhiếp ảnh. Sau này tiệm có bán thêm đồ
bách hóa, giầy dép...
Huỳnh Quốc Hải lớn hơn tôi một tuổi nhưng anh học chung lớp
với tôi những năm Trung Học Ðệ Nhứt Cấp. Anh là một trong những đứa con trai
cưng của gia đình Kim Phượng. Ðúng như câu nói ngày xưa, Hải thuộc dân con nhà
giàu, học giỏi và rất đẹp trai. Thời đi học, những anh em của Hải đã nổi tiếng
đào hoa và từng là nổi say đắm của các cô gái cùng lớp. Sau khi gia nhập quân
đội- là binh chũng Không Quân, Hải cũng vẫn là người lính hào hoa và thường
xuyên làm mê hoặc phụ nữ.
Ðó là chuyện của ngày xưa, của những thập niên 60, 70. Cấp
bậc cuối cùng của anh khi gần mất nước là Thiếu Tá Không Quân, ngành Hoa tiêu
Quan sát. Sau năm 1975, Hải cùng chung số phận với những Sĩ Quan thuộc chế độ
cũ, anh bị tù và khi trở về thì cùng lúc nghe vợ anh mất. Giống như lời thơ của
Hữu Loan:
”lấy chồng thời chiến
chinh
mấy người đi trở lại,
lở khi mình không về,
thương người vợ hiền bé bỏng chiều
quê
nhưng không chết người trai khói
lửa
mà chết người em nhỏ hậu
phương...
em ơi giây phút cuối
không đuọc nghe em nói
không được thấy nhau một
lần...
khi gió chớm thu về gờn gợn nước
sông
chiếc bình hoa ngày
cưới
được thay bằng chiếc bình hương tàn lạnh vây
quanh...”
Anh đã tìm gì sau những ngày trở về từ trại tù đắng cay?
Chỉ còn là những hoa ô môi nở trắng như khăn tang trên đầu của con thơ và đàng
sau anh là dòng sông, nơi bắt đầu của biển. Không hề có tiếng cười và một bếp
lửa long lanh màu đời. Anh trở lại Vũng Tàu sống chung với gia đình. Buồn và
hoang mang hơn ngày còn ở trong tù.
Ông bà Kim Phượng tìm cách cho anh vượt biên bằng đường
biển. Trước ngày Hải đi khoảng vài tháng, tôi có ghé thăm anh tại nhà. Anh tôi
đưa ra ngồi quán cà phê vỉa hè gần quầy sửa chìa khóa của một người bạn, cũng
học chung thời Trung Học. Ðó là lần cuối tôi gặp anh ở trong nước. Hơn 10 năm
sau tôi mới gặp lại Hải ở hải ngoại.
Góc ngã tư đường Phan Thanh Giản và Lý Thường Kiệt buổi
sáng thưa thớt xe cộ và người mua bán. Bàn ghế chông chênh nơi quán cà phê sao
giống như cuộc đời chúng tôi lúc đó. Thềm đường loang lỗ những mảnh xi măng nứt
nẻ không được tu sửa. Ðâu đây, những biểu ngữ giăng ngang hai trụ điện, ca ngợi
một “thành phố mười mùa hoa”. Có những đóa hoa tỏa ngát hương thơm vì mùi vị an
bình. Có những đóa hoa làm úa sầu hạnh phúc. Những người chiến thằng luôn tưởng
họ là những người bổng dưng đem đến cho dân chúng miền Nam những niềm vui. Nhưng
thấp thoáng đàng sau cái thiên đàng treo kia có biết bao là cuộc đời mệt
lã?
Cũng nơi quán cà phê vỉa hè nầy, chúng tôi đã từng chia xẽ
với nhau những đắng cay vì đời không cho nhiều vị ngọt. Cái đắng cay đồng nghĩa
với bất trắc, sợ hải, khi chung quanh chúng tôi mỗi ngày đón nhận thêm một tin
xấu từ một người thân hay bạn bè. Nó không đủ đễ chúng tôi cạn kiệt niềm tin,
nhưng có khả năng làm cho những mơ ước bị bào mòn, bị kéo xuống thấp la đà với
cơm áo. Giống như cành diều ngẫn ngơ trên một góc phố buồn, lòng chúng tôi chao
đảo giữa chừng, sắp đứt.
Cũng nơi quán cà phê này, chúng tôi đón nhận thêm một vài
người bạn học cùng thời, cùng lớp. Nguyễn Văn Lô mỗi ngày đạp xe từ Rạch Dừa,
Cát Lở ra ngồi cụng ly với chúng tôi. Lô cũng là lính Không Quân như Hải, nhưng
là Sĩ Quan Tiếp Liệu tại Quân Ðoàn 2,
Nha Trang, Lý Ngươn Hồng đi Quân Cảnh Tư Pháp, bị thương giải ngũ ngũ trước ngày
sập tiệm, nhà gần bên hông rạp Võ Ngọc Chấn, cách chỗ chúng tôi ngồi có một
block đường, uống ruợu nhiều hơn ăn cơm, đêm về nhà kêu cửa bà già không được,
ngủ tại hành lang. Lý Ngươn Hồng cũng thuộc type người đẹp trai, nhưng hơi nhỏ
con. Ruợu vào “đủ đô” hát bản “Mùa Thu Lá Bay” bằng hai thứ tiếng. Tiếng Việt và
tiếng Tàu. Tiếng hát lã lướt không thua gì Doanh Doanh bây giờ. Có Lê Công Thiện
ở Xóm Vườn, đóng ghe “dả cào” nhưng không phải để đánh bắt cá tôm mà để chờ ngày
ra khơi. Có Phạm Văn Phước, sĩ quan không quân, lái trực thăng ngoại hạng. Những
tình huống khó khăn và nguy hiểm, phi hành đoàn giao cho Phước. Trong một lần
tản thương, trực thăng bị trúng đạn. Phước bị thương một chân vả giải ngủ trước
ngày mất nước. Về Vũng Tàu lấy vợ. Có
Nguyễn Minh Tân, sáng say chiều sĩn. Vừa uống rượu vừa nói chuyện tiếu lâm. Buổi
sáng chúng tôi tụ tập dưới tán dù vải chỉ che một phần bóng mát lên chiếc bàn
sửa ổ khóa của một người bạn khác. Ly cà phê ngập ngừng trên môi mỗi người như
tiếng lá khô rụng xuống bên hiên đời. Buổi chiều tàn ánh nắng, chúng tôi gầy độ
nhậu. Ðôi lúc có mưa bay trên đầu, bên kia đường là tiệm kem Ðại Nam, nơi từng
có mấy chĩ em chủ quán có những đôi mắt xanh như màu biển khơi. Tấm lòng của
những gả con trai chùng xuống và ướt át mưa bụi, đôi lúc trái tim tưởng như có
thể phơi bày ra rõ ràng bên này chai rượu ruợu đế. Nhưng không phảỉ như vậy. Vì
buổi sáng hôm sau tụ tập “điểm danh” mới biết tin “ai còn ai mất”. Có người vượt
thoát thành công. Có người thất bại. Trong những người may mắn có Huỳnh Quốc
Hải, Vợ chồng Lê Công Thiện, Lý Nguơn Hồng. Sau này có thêm Nguyễn Văn Lô. Còn
Phạm Văn Phước bị chết ngay lúc xuống bãi. Ðể lại một vợ và bầy con nheo nhóc.
Nguyễn Minh Tân không chịu đi, cũng không có cơ hội đễ làm đơn theo chương trình
H.O vì ở tù không đủ 3 năm, giờ đang làm tu sĩ tại gia, (tiệm Nhựt Tân) ăn chay
trường và đêm đêm tiếng tụng kinh gõ mõ của anh bay xa ra tận bên kia đường
Trưng Trắc.
Những gã đàn ông lỡ thời và nát ngứu tương lai đi trên
những chuyến ghe khác nhau, lầm lũi nhưng nôn nóng một bến bờ xa lạ. Họ ra đi,
nhưng không hình dung nơi sẽ đến. Không biết về đâu, về
đâu...
Cuối cùng họ gặp nhau trên đảo.
Huỳnh Quốc Hải đến đảo và nghe nói dường như anh có một mối
tình trên đảo. Một thời gian sau anh được định cư tại Hoa Kỳ. Anh lập gia đình
với một người phụ nữ khác, cùng làm chủ một tiệm Nail ở Alabama. Rồi chia tay.
Rồi gặp gở một người phụ nữ khác, rồi chia tay. Cuộc đời của anh được viết xuống
bằng những trang nhật ký tình yêu mà trong đó mỗi dòng chữ nổi cộm lên sự chia
ly, tan tác. Bây giờ thì Hải sống an phận (như lời anh nói) tại Houston với hai
người cháu gái con của bà chị ruột. Thỉnh thoảng anh về Việt Nam thăm lại bà Mẹ
đã hơn 90 tuỗi. Cụ bà còn sống, nhưng đôi mắt đã lòa. Bà ở cùng với đứa con gái
út, cũng có tên là Kim Phượng, tại ngôi nhà cũ- ngôi nhà và cũng là cửa tiệm-
từng chứng kiến sự khôn lớn, thành đạt của mỗi đứa con thân yêu.
Một lần trở về Việt Nam, anh gặp lại một người tình cũ đang
là nữ bác sĩ phục vụ tại bệnh viện Cần Thơ. Những gì đã đến và đã xãy ra mà theo
anh nói với chúng tôi- trong những cuộc họp mặt tại Dallas- thì đó là một tình
yêu cuối đời (?). Tôi hi vọng như vậy. Những con sói rừng hoang đã thấm mệt để
không còn rong chơi và chạy đuổi theo những vạt nắng làm cháy rát môi khô rồi
chăng? Người phụ nữ đó đang ở Cần Thơ và chờ đợi một cánh buồm chuyển
bến.
3.
Tháng 5 ở
Hoa Kỳ có ngày Lễ Mẹ. Những đứa con hiếu thảo ở Mỹ sẽ nhớ về đấng sinh thành của
mình và nếu cần để cho tình cảm trở nên sâu đậm hơn thì đóa hoa hồng sẽ thay mặt
nói lên điều đó. Người ta ước tính sẽ có mấy trăm triệu đô la sẽ bỏ ra trong
ngày lễ quan trọng này để trang trải cho chi phí mua hoa và quà cáp cho Mẹ.
Con gái tôi không cỏn Mẹ để tuần qua nó đi ra siêu thị tìm
mua một bó hồng. Trên cánh đồng tuổi thơ ngày nào, nó sẽ không có cơ hội để nhớ
về những bước đi chập chững vào đời. Về cái nắm tay hờ hững nhưng ngậm hết nỗi
chua xót mà bây giờ nó mới chạm đến.
Hai mươi một tuổi, nó đang đi về phía trước với lòng êm ả
những niềm vui. Như đường phố đang cháy thênh thang những tấm lòng của phượng.
Còn tôi thì sao?
Mẹ tôi đã không còn cách đây 10 năm. Khi bà mất tôi không
có mặt ở Việt Nam để chia sớt với gia đình một mảnh khăn tang. Trong khi mưa bay
trên đường chiều mịt mùng, làm ướt những tờ giấy vàng mã bị rụng rơi. Những gì
mất đi, chúng ta không thể thu nhặt lại. Trong đó tình yêu, lòng hiếu thảo và sự
biết ơn.
Một buổi chiều tháng năm, đang lúc làm việc tại sở làm thì
có tiếng chuông điện thoại cầm tay reo. Bên kia đầu dây là tiếng nghẹn ngào cùa
Huỳnh Quốc Hải. Anh đang ngồi ở phòng đợi phi trường và loan báo cho tôi biết Mẹ
anh, bà Kim Phượng vừa mới mất tại Vũng Tàu. Anh phải mua gấp vé máy bay để về
Việt Nam, và chỉ còn kịp nhờ tôi bày tỏ lại với bằng hữu. Hơn sáu mươi tuổi đời
và sằp đi hết con đường tử sinh, nhưng không biết tại sao tôi nghe thấu đáo hết
sự run rẫy từ một buồng tim già nua đang cách xa tôi mấy trăm dặm đường dài,
trong tiếng gầm rú của phi cơ ngoài phi đạo. Tôi cảm nhận được trong hơi thở của
anh, đang ràn rụa nước mắt và bất chợt tôi và anh cùng cảm giác được sự yếu
đuối, sự non trẻ như mới ngày nào, cách đây năm mươi mấy năm, tôi và anh, và
những bạn hữu cùng thời tại Vũng Tàu- đã yếu đuối nép mình dưới cánh tay của các
bà Mẹ để đến trường.
Trong tất cả các bà Mẹ Vũng Tàu chúng tôi, thì có lẽ cụ bà
Kim Phượng là có tuổi thọ hơn hết. Bà mất vừa đúng 94 tuổi. Mẹ của Hồ Danh Lịch
mất năm 92 tuổi tại Cần Giờ. Mẹ của Nguyễn Văn Lô, của Trần Quang Thọ, của
Nguyễn Văn Khổ, của Trần Minh Trí, của tôi lần lượt ra đi cách đây nhiều năm. Bà
cụ thân mẫu của Ðỗ Khắc Khoan thì vừa mới qua đời năm ngoái tại California. Mẹ
của Mai Văn Tư cũng vậy, qua đời tại Bến Ðình, Vũng
Tàu.
Huỳnh Quốc Hải đang ở Việt Nam để tham dự tang lễ Cụ Bà
Quảng Thị Huyền. Không biết anh đau khổ nhiều như thế nào, nhưng tôi biết anh sẽ
nghe trong lòng mình ít nhiều giông bão. Những cơn bão luôn đi qua đời sống, qua
những vai đời và xóa sạch không thương xót mọi dấu tích tưởng chừng như sẽ không
có một áp lực hay một tai ương nào có thể chạm đến. Giống như cây điệp già nua
trước nhà Lồng Chợ, giữa hai con đường Trưng Trắc Trưng Nhị. Cây điệp đã trốc
gốc. Ðã bị đốn ngã.
Một lần tôi nghe anh nhắc đến thời niên thiếu của mình, khi
anh còn đi học. Giữa khuya, đang ngủ trong nhà anh chợt thức vì tiếng chân khua
động lề đường Trưng Trắc- con đường trước nhà anh. Ðó là tiếng guốc gõ lộp cộp
của mấy bà cụ già đi coi hát cải lương về khuya. Họ vừa đi vừa bàn tán về tuồng
hát, về những đào kép, về những gánh hát đương thời. Nhóm này qua rồi nhóm khác
đến. Trước khi họ đến tiệm Kim Phượng thì tiếng nói loáng thoáng ở tiệm trồng
răng Lâm Quới Cảnh. Rồi âm thanh trở nên rõ ràng hơn khi đoàn người đi ngang
nhà. Cuối cùng chìm khuất khi quẹo về cuối góc tiệm Tây Hồ. Tôi ngạc nhiên hỏi
lại anh tại sao mấy cụ già đi coi hát lại về hướng đó. Anh trả lời đó là những
người ngụ tại Xóm Nhà Thờ và Xóm Lưới. Một số khác về hướng sân vận động. Họ
mượn con đường Trưng Trắc để đi vì đường xá sạch sẽ và có nhiều ánh điện. Có thể
khi anh nằm nghe tiếng guốc khua động như vậy, thì biết đâu, trong căn phòng
riêng của mình, Cụ Bà Kim Phượng cũng nằm nghe như vậy. Bà đã từng nghe những âm
thanh thân mật, dể thương đó trong suốt ngần ấy năm trong
đời?
Lũ lượt mọi người vượt qua biển dâu. Những con người của
mấy mươi năm cũ không còn.
Nhưng những điều nhỏ nhặt như vậy không vượt qua trong đời
sống chúng tôi mà đang sánh vai song hành. Ðôi lúc chúng tồn tại và rực rỡ ghim
chặt xuống tâm hồn lưu vong như những vì sao đêm ghim chặt ánh sáng của mình
trên nền trời....
No comments:
Post a Comment