phạm ngũ yên
Gởi Hoa, người Chu
Hải
1.
Khi yêu nhau, người ta có thể chấp nhận những lầm lỗi của
người mình yêu, dù sự lầm lỗi có làm cho chúng ta thương tổn. Bài hát chia tay
vừa tắt và mới ngày hôm qua vệt son còn lầm lũi trên môi. Tôi nghĩ đến điều này
khi tôi không còn nàng trong vòng tay. Con đường ngược gió sáng nay tôi lái xe
đi về không có ai ngồi cạnh. Chiếc áo len vất hờ hững trên lưng ghế. Ngày chủ
nhật tiếng chuông nơi giáo đường tự nó ngủ vùi trên cánh gió. Có những nỗi buồn
không muốn gọi tên. Như những đêm dài không có bình minh chờ đợi.
Con đường đôi lúc bị ngăn đôi bởi hai hàng cây thù du. Phía
bên kia là quán cà phê có nàng ngồi trầm ngâm trước khi đi xuống phố. Tiệm nail
của nàng nằm trong một khu thương mại sầm uất, gần miền South, có tên là khu
West Lake- Tây Hồ. Từ nơi này, cách đây 5 năm, tôi gặp
nàng.
Không phải mùa thu sao vẫn còn có một vài chiếc lá vàng rơi
trên mui xe của nàng. Mới tuần rồi tôi thúc giục nàng đưa xe cho tôi đi thay
nhớt máy, nhưng công việc bận rộn đến nỗi nàng không nhớ đến kỳ hạn. Mãi đến
chiều hôm qua nàng mới nhớ lại và tôi là người có “bổn phận” nối tiếp công việc
đó.
Suốt đời tôi, tôi luôn đi bên cạnh những đoạn rời của người
khác. Những đoạn rời lỡ làng và dang dở không tròn trịa một vầng trăng. Tôi
không thể là một giấc mơ trong lòng của ai đó, hay là một tia nắng, dù thoi thóp
hoàng hôn. Tôi cũng không thể là một cơn mưa bay nghiêng trên mỗi vai đời. Với
sự thầm lặng kiêu hảnh của nàng, mọi người luôn vấp váp và té ngã vào đó. Trong
đó có tôi.
Ngày cuối tuần không có nàng đi chung trên đường về. Nhưng
mùa xuân lại cháy sáng trên mặt đường lầm lũi. Có khi nào tôi để tình yêu vuột
mất trong vòng tay hay không? Tôi thầm nghỉ. Thành phố mang tên Austin và là thủ
phủ của Texas, đang được trang điểm bằng những cây anh đào. Một ngày có nắng reo
vui và màu hoa làm cho nắng trở nên rực rỡ hơn. Trên cao, từ một góc đường
Congress và đường số hai nhập vào nhau, các tòa buynh đinh che kín một vùng.
Những khung cửa kính vuông vức nhìn xuống như những đôi mắt nghiêm trang nhìn
xuống xe cộ và dòng người xuôi ngược. Trời lạnh đột ngột và nhiệt độ xuống thấp.
Nghe nói có tuyết ở Dallas ngày hôm qua và mưa tầm tả một vài nơi khác. Ðêm ủ
những cơn mưa và ngậm trong lòng nó những gió rét. Tháng năm âm thầm đi qua trên
vai người đàn ông già, mệt mõi. Những cơn mưa cũng vậy, ướt nhòa một nỗi
nhớ.
2.
Tôi đi lạc mấy bloc đường trước khi tìm ra con đường Shady
Park. Lâu lắm rồi tôi không có dịp đi về khu Downtown Houston. Những nhịp cầu
chằng chịt đường 59, đường 45 chia hai miền Nam Bắc đã làm tôi ngỡ ngàng và
không tài nào định hướng được lối về nhà của Bùi Chiến Công. Một cái tên nghe
“dữ dội”, giống như một mệnh lệnh xung kích của địch quân ngày trước. Nhưng chủ
nhà hiền khô và là một người sùng bái những ly bia và mồi màng hơn sùng bái
những cuộc “dành dân chiếm đất”. Ðịa chĩ mang số 3050 cuối cùng tôi cũng đã tìm
thấy trước khi đêm xuống. Ngôi nhà mang một khung cảnh thơ mộng giống như một
câu chuyện cổ tích, trong đó có những mái che nhìn ra một vạt rừng và một lòng
suối hẹp. Có những dây leo quân quít trên các đầu hồi mà ban ngày mới nhìn thấy
rõ. Chúng sẽ chuyển mình và theo gió run rẩy như hơi thở của nàng Bạch Tuyết
đang ngủ yên đâu đó. Ðâu đây tiếng một con sóc không chịu an giấc mà thao thức
trên lá khô tìm mồi. Vài ánh đèn dội xuống trên ngạch cửa của những căn nhà lân
cận, như nói lên sự huyễn hoặc của đời sống. Trong đó cơm áo và nhà xe đã xa rời
và không lý giải được được một hạnh phúc đang đầm đìa tím lạnh, giống như những
cành mạc lan. Chính trong ngôi nhà này, cách đây mấy năm, vợ chồng nhà văn
Nguyễn Hữu Nhật và Nguyễn Thị Vinh từ Na Uy đã từng ngủ lại. Có luôn cả Bích
Xuân. Người phụ nữ diễm kiều của Paris và của vườn Lục Xâm Bảo. Một tuần lễ mà
Bích Xuân ghé lại nơi này, nghe đâu nàng không xẻ chia với Texas những vạt nắng
mùa xuân, mà đem về những giông bão. Có những mưa bay và bão nổi trên vai những
người đàn ông, nhưng tâm hồn người đàn bà vẫn bình yên như chưa từng biết qua
những môi đời bầm vập. Tâm hồn họ trống hoác một khu vườn chưa nhú mầm bội phản
và nắng gió chưa làm già háp dung nhan. Bích Xuân là một phụ nữ như vậy.
Khi tôi đến nơi và gài thắng tay để đậu xe vì xe nằm trong
tư thế chúi đầu xuống một con dốc. Tôi không muốn thấy buổi sáng bước ra nhìn
thấy xe của mình nằm ở đâu đó trong đám lá um tùm bên dưới, trong khi những con
rùa, con rắn phơi mình trên mui. Giang sơn của Bùi Chiến Công không bình thản để
một người viết văn đêm nay có cơ hội ngồi viết xuống chữ nghĩa. Chiếc laptop đem
theo cũng không có dịp để tắm lạnh sương đêm và tình yêu cũng không kịp lai láng
trên những mặt phím. Vì vẳng từ bên trong là tiếng người, tiếng những chén muỗng
va chạm. Tiếng mở nút chai bia và tiếng cụng ly. Những người bạn tôi quen và
chưa quen quy tụ nơi ngôi nhà đường Shady Park dường như không muốn tiển chân một mùa tết âm lịch, vì tôi nghe họ
đang đòi “chúc mừng năm mới”. Ngoài vợ chồng Túy Hà và vợ chồng Bùi Chiến Công
là bạn bè thân thiết thường gặp trong các sinh hoạt cộng đồng tại Houston, thêm
Nguyễn Xuân Cương, gốc Bảo Lộc đang ồn ào không chịu nhường ai nói nhiều hơn
mình. Hai người bạn mới một người tên Cư, một người phụ nữ, tên Hoa
Nguyễn.
Ðã qua rồi cái thời thanh xuân và lửa tin yêu đang cháy đỏ
trong lòng. Qua rồi cái thời mà nhìn thấy búp non trong vườn đã ngại ngần không
muốn hái. Nhưng tôi ngồi giữa bạn bè và nghe trong lòng vang động lại những bước
chân vào đời. Ngày đó tôi liều lĩnh biết bao. Tâm hồn tôi giống như mảnh trời
đêm ủ chật những vì sao đang bước vào vùng bão lửa. Sự khao khát, sự hoài mong
và trên cùng là sự đam mê làm vụng về ngôn ngữ.
Khi tôi biết Nguyễn Xuân Cương tại phòng sinh hoạt của Ðài
Litle Sàigòn, tôi không thấy Cương ồn ào vui nhộn. Tôi biết Cương vì Cương là
bạn thân của nhà thơ Tú Kếu- Trần Ðức Uyển. Dù Cương không thiết tha với thơ
thẩn văn chương. Tâm hồn Cương ngày đó như một vườn bơ, một luống trà trở trăn
theo đất. Tẩm mát trái tim Cương, là sương mù và mưa bụi, đến nổi nhìn đâu Cương
cũng thấy cuộc đời đều mỡ màng đất đỏ phù sa. Tôi cũng là một trong vài người
bạn với Tú Kếu, khi anh về sống tại Bảo Lộc. Tú Kếu lập gia đình với cô Phượng,
con gái út của ông chủ tiệm trà Tiến Ðạt. Ðám cưới linh đình thời đó, thời tôi
là lính. Báo chí loan tin và bạn bè trong đó hầu hết đều là văn nghệ sĩ trong
giới báo chí đều đến chung vui với anh.
Tú
Kếu bây giờ đã chết. Sau nhiều năm tù ở trại Ðại Bình, Bảo Lộc, Tú Kếu về sống ở
Sàigòn đường Trương Minh Giảng, nơi mà chị Phượng có một cơ sở buôn bán trà,
cũng lấy tên Tiến Ðạt. Tú Kếu vẫn “ốm yếu ho hen” như ngày còn cộng tác với nhật
báo Sống của nhà văn Chu Tử. Một đôi lần tôi ghé thăm anh, sau đó chúng tôi cùng
uống cà phê nơi một quán nhỏ đường Huyện Thanh Quan. Người thi sĩ tài hoa của
Sơn Tây, của “đồi núi Chí Linh và sông Hồng lộng lẫy” lúc đó vẫn hào sãng và còn
phong độ. Cho đến khi tôi ra hải ngoại và biết tin anh mất vì chứng Alzheimer.
Những bài thơ anh sáng tác lúc thanh xuân mang một màu sắc
dữ dội và gây nhức nhối những trái tim thiếu vắng hồng huyết cầu. Anh làm thơ
giống như một kẻ giởn chơi giữa cuộc đời. Nhưng mỗi bài thơ là một nhát dao trủy
thủ, rạch ròi và đâm suốt những tư cách vô
lại.
Nguyển Xuân Cương ồn ào kể lại thời kỳ vàng son ở Bảo Lộc,
về Tú Kếu. Ðiều thú vị thứ nhất là Cương đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ
viết cho bạn hiền Tú Kếu, khi nghe tin anh lìa
đời:
“Này ả phù dung, này lảng
tử,
Này lời cao ngạo ý thâm
sâu
Này khi bút chiến cùng thi
tửu
Tất cả xin đừng hẹn kiếp
sau”...
Một điều thú vị thứ hai là Cương giành nói mà không để cho
ai nói được hết câu. Trước “đài phát thanh” Nguyễn Xuân Cương, mọi vô tuyến đều
phải ...im lặng.
3.
Gió bên ngoài khung cửa không kịp khép, làm xao động một
bâng khuâng. Cái bâng khuâng tưởng chừng đã thầm lặng từ lâu, từ những ngày lính
tráng. Giữa những câu nói loang thoáng, xen kẻ
tiếng cười, tiếng cụng ly mời “chúc mừng năm mới’’, tiếng rền rĩ vì bia
bọt chất ngất của Nguyễn Xuân Cương, tôi vừa nghe ai nhắc đến Chu
Hải.
Giọng nói vút cao bằng âm sắc rất ư là Bắc Kỳ vừa khua gõ
trong lòng tôi một cánh cửa đóng kín. Trong nhất thời tôi không kịp nhớ Chu Hải
là một địa danh nằm ở đâu.
Tôi trở về Vũng Tàu từ một đêm mưa. Lâu lắm. Khi tôi chia
tay với một người con gái ở đầu đường gió. Mới đầu, nàng thổi qua vai tôi những
ngơ ngác làm bằng tiếng hôn và nước mắt nóng hổi. Sau đó, nàng đã rực rỡ vùi lấp
mọi hi vọng. Năm 1970 nghe tin Ngọc đi lấy chồng. Tôi ũ trong buồng tim tăm tối
của tôi những cuống lá mùa đông để mỗi ngày nhóm lửa. Bởi Vũng Tàu trong những
ngày tới sẽ thiếu vắng mùa xuân. Bởi nụ cười nàng quá đổi ngọt ngào. Nó có khả
năng biến đổi màu xanh của trùng khơi và núi non trở thành mịt mùng sương khói.
Trên chuyến xe đò Thành Hưng chật chội chuyển tiêp giữa hai
đoạn đường Bảo Lộc- Sàigòn và Sàigòn- Vũng Tàu, tôi ngồi thu mình giữa những
hành khách xa lạ. Giữa những khói thuốc và hơi người. Tôi hình dung đến những
ngày trước mặt. Tình yêu chảy lùi sau lưng như một dòng sông mờ ão. Tình yêu
củng đang thấp sáng bằng dung nhan của Ngọc, đang chạy đuổi theo xe. Tôi nhủ
lòng cố quên.
Tất cả rồi sẽ trôi qua. Mọi ký ức rồi sẽ khép kín như một
lòng sách dấu chứa trong đó những dòng xuống hàng vội vã.
Xe qua Long Thành. Qua Phú Mỹ. Qua mọi bờ cỏ xuân thì. Ðêm
bay cùng cánh gió bên ngoài. Vệt đèn pha trước đầu xe quét lên màu đường trước
mặt hai vệt sáng yếu ớt, không đủ soi rõ cảnh vật. Vài phụ nữ thiếp ngủ nhưng
vẫn ôm chặt hành lý trong mình. Khuôn mặt chìm trong bóng tối một phần vì nón lá
che nghiêng. Phần kia là mái tóc buông rũ như một nhánh sông đang tìm đường ra
biển. Tôi nhớ Ngọc vô cùng. Khi những ngày chỉ còn lại mùa đông, Bảo Lộc mơ màng
một bếp lửa. Nàng cũng vậy. Có những ngọn cháy đỏ trong tim nên tro than còn âm
ĩ sau một cuộc chia lìa. Có những ngọn chưa dấy lên một lần để cuối cùng tàn vào
nỗi rã rời khao khát. Những năm tháng đi qua âm thầm như tiếng thở dài dấu diếm.
Sự đau khổ lớn lao nhất trên trần gian này là hai người yêu nhau nhưng không thể
tìm đến nhau. Thành phố của tôi và Ngọc tương phản nhau như tính tình của hai
người. Của nàng là rừng, của tôi là biển. Biển và rừng có khi nào kết hợp vào
nhau? Chúng tôi chỉ giống nhau ở một điều là cùng mang tình yêu đi vào đời mà
không so bì hơn thiệt. Nhưng khi sa bại mất mát, tôi bị khánh tận, còn nàng vẫn
dửng dưng, đứng vững.
Ðâu đây tiêng bánh xe rít róng trên mặt đường đêm vì quẹo
vào khu vực có nhà cửa. Ðâu đây phố núi châm đèn. Tiếng của người lơ xe thúc
hối: “Cô bác ai xuống Chu Hải sửa soạn hành lý...”. Có tiếng một cô gái vang
lên, hối hả:”Cho tôi xuống”.
Tiếng của một cô gái Bắc. Âm vọng như một nhánh cỏ nứt nẻ
giữa dòng mưa, làm tôi ngỡ ngàng.
Chu Hải, ngày đó là một xứ đạo non trẻ, được thành lập sau
ngày tôi vào lính. Ðó là một xóm nhỏ, nằm dựa lưng vào núi Dinh và sân bắn của
Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp. Bên kia đường là những ruộng mạ phơi phới cùng
chạy song song với quốc lộ 15. Trước khi xe đò vào địa phận Bà Rịa, Vũng Tàu,
Chu Hải có thể là một chặng xuống cuối cùng.
Xe dừng lại hẳn để thả cô gái xuống cùng với hành lý. Cô
gái sẽ đi thêm một đoạn đường nửa để về nhà. Nàng hãy mang trên vai nỗi mừng
được đoàn tụ lại với người thân sau mấy tiếng đồng hồ ngồi bó gối trên xe. Nàng
sẽ về trên bước chân vui cùng cọng cỏ cong mình như một vầng trăng gầy yếu, mặc
trên vai tiếng gió thầm thì...
Hôm nay, trong ngôi nhà vùng South 45, đường ra biển
Galveston, tôi vừa nghe lại một địa danh tưởng chừng như mất biến trong ký ức
cuộc đời. Người con gái trước mặt tôi, tròn trịa như một viên mực lăn lóc trên
trang vở cũ, đã gợi lại trong tôi một quá khứ thương tật.
Mùa xuân của Vũng Tàu năm 1970, khi tôi chia tay với người
con gái Blao vừa thơm ngát môi đời. Mái tóc em vừa nghiêng xuống vai tôi cũng
thơm ngát một màu son và tôi cảm giác muốn trưởng thành con người phải chạm tay
với đau khổ.
Trước mặt tôi, cô gái có tên giản đơn tượng trưng một đời
hoa- Hoa Nguyễn, vừa nhắc cho tôi nhớ rằng Vũng Tàu thân yêu của tôi, ngoài Bến
Ðình, Bến Ðá, Bãi Trước, Bãi Sau, còn có một vùng đất mang tên Chu Hải. Có một
vùng đất mà cư dân nơi đó đa số đều phát âm giọng Bắc không sai trật chính tả và
mỗi tâm hồn ươm tụ phù sa sông Ðuống, sông Hồng. Mùi hoa sửa vẫn nồng nàn đậu
xuống phố từng đêm, trên từng cửa ô Hà Nội. Mỗi cửa ô là mỗi ngăn lòng nhức
nhối.
Chu Hải có gì lạ không em? Tôi hỏi nàng. Có thể nàng không
thể trả lời vì không hề biết bao nhiêu bão giông đã từng đi qua trên vai nàng?
Có bao nhiêu câu thơ trở mình để làm đậm đất đai và giữ xanh màu lá? Và trên xứ
người tạm dung có làm người con gái bị đứt rời quê hương nghe khao khát trong
lòng một mạch đất hồn nhiên đã từng như một mạch đời đau
khổ?...
No comments:
Post a Comment