Monday, April 30, 2012

hoa bluebonnets cho hai người

phạm ngũ yên





Khi Chú Năm đang còn ở Bangkok mẹ tôi đã chuẩn bị sẳn sàng mọi việc cho chú. Bà sửa soạn suốt ngày nơi ăn chốn nghỉ cho một người đàn ông độc thân sẽ đến từ Việt Nam.

Căn phòng nhìn xuống khoảng sân cỏ và bãi đậu xe rộng, có cây thù du che khuất thùng rác công cộng của chung cư. Buổi sáng có bầy chim đen về đậu trên bờ thềm ẩm ướt sương lạnh. Những con chim mỏ vàng hung dữ, dạn dĩ chao đảo khắp mọi góc sân, coi như nơi chốn riêng biệt của chúng, bất chấp sự hiện diện của con người.

Ngày mới đổi về đây, tôi ngạc nhiên lẫn sợ hãi khi nhìn thấy loài chim như vậy đậu trên cành và kêu những tiếng lạ tai. Lúc đó là mùa thu năm ngoái. Thân cây sần sùi và những ngọn không còn lá, như không còn sự sống, in dấu giữa nền trời khô xám như thể nét phác thảo bằng phấn màu. Nhưng bây giờ đang là mùa đông.

Trời trở lạnh đột ngột gần một tuần nay. Hôm về Waco chơi, chúng tôi nghe nói vài nơi đã có tuyết bay buổi sáng. Sáng đi làm không muốn rời khỏi giường, còn nấn ná trong chăn ấm tàn đêm trong khi bên ngoài sương đang chảy từng dòng trên cửa kính. Chúng tôi đã sống qua một mùa thu tuyệt diệu vì phong cảnh thật đẹp. Trong lá thư gởi về Việt Nam tháng mười, tôi có viết cho người bạn trai về những cây phong đỏ rực bên đường, như một cánh rừng lửa mà ngày còn ở quê nhà tôi chỉ thấy qua mấy tấm Carte Postale. Màu đỏ và vàng trộn lẫn ủ ê nhưng không phải vì vậy mà không đẹp. Khung trời chập chờn thấp thoáng một đời giang hồ giữa sương mù và mưa bụi, và khu rừng nguệch ngoạc những cành nhánh mộng du, mỗi lần chạy xe ngang tôi vẫn nhìn đắm đuối.

Mẹ tôi năm nay bốn mươi ba tuổi. Ngày còn ở quê nhà bà vẫn thường ao ước được trông thấy một thành phố nào đó ở Âu Châu. Bà nói sống ở Việt Nam chật hẹp và tù túng. Và con người cũng ảnh hưởng địa lý đất đai nên không có sự rộng lượng. Tôi không biết suy nghĩ này có lệch lạc và chủ quan hay không, nhưng tôi không cãi lại, vì biết bà muốn ám chỉ đến ba tôi, cùng cuộc tình đổ vỡ của hai người.

Cha tôi là một công chức trong chế độ cũ. Ông dạy môn văn tại trường Trung Học Vũng Tàu. Mẹ tôi là dân Đà Lạt. Một năm nào đó cha tôi lên coi thi ở Đà Lạt và gặp bà. Một đời biển và một đời rừng kết hợp sau một cuộc tình tưởng chừng chơi mà thành thiệt. Đó là năm xãy ra biến cố Mậu Thân. Mẹ tôi về sống với cha tôi dù gia đình hai bên không ai vui lòng cho lắm. Bên nội cũng như bên ngoại kỳ thị địa phương. Cha tôi người Nam và mẹ tôi người Bắc. Dù sao thì tôi cũng vẫn có mặt và mẹ tôi đặt tên tôi là Mạc Lan. Mãi đến sau này, khi lớn lên tôi mới biết loài hoa mang tên mình như thế nào- lúc về sống gần gũi với gia đình bên ngoại- Loài hoa màu đỏ chìm khuất trong bóng tối và không cao hơn ngọn cỏ. Mùi thơm bay ra từ những cánh mỏng khi đêm xuống mang một dáng vẻ quê mùa mộc mạc.

-Mẹ muốn con bình dị, mộc mạc như vậy. Cuộc đời có quá nhiều điều mệt mõi, chóng mặt.

Bà thường nói với tôi khi gặp những thất bại cay đắng trong đời sống. Được ngoại tôi giúp vốn, sau khi chia tay với cha tôi bà trở về thành phố núi, mở một gian hàng chạp phô trong khu Hòa Bình. Tôi có rất ít kỷ niệm về cha tôi vì lúc xa ông, tôi còn nhỏ. Người ta nói tôi giống bên ngoại nhiều hơn. Điều này tôi chấp nhận, nhưng đối với tên Mạc Lan thì hình như tôi không dính dấp gì đến nó. Tôi xông xáo năng động ngay từ những ngày ở Tiểu Học, và lên Trung Học, trường Bùi Thị Xuân đã đôi lần xét nét về sự năng động đó. Tính nết tôi cũng trái ngược với mẹ tôi. Bà thích sự gọn ghẽ ngăn nắp, ít nói và ít có mặt ở đám đông, trong khi tôi ham vui, bừa bãi lượm thượm.

Có lẽ định mệnh đã không thích gì mẹ tôi, cho nên khi Cộng sản vào chiếm miền Nam, họ đã đem theo những ràng buộc, bất trắc. Điều này làm mẹ tôi buồn rầu gần muốn trở thành bà cụ non. Cuộc đời vẫn chật hẹp gò bó- theo ý bà- Cộng sản lại làm cho nó trở nên chật hẹp, gò bó hơn. Hai lần đổi tiền, hai lần mẹ tôi chao đảo. Cho nên khi nghe đồn sắp đổi tiền lần thứ ba là mẹ tôi dắt díu tôi về Vũng Tàu kiếm đường vượt biên. Không may chuyến đi không thành công. Cả hai mẹ con bị bắt và bị giam ở ngả ba Cầu Cháy, gần rừng Chí Linh. Tại đây, những ngày gian khổ, chúng tôi gặp chú Năm.

Cha tôi có hai người bạn thân cùng suýt soát tuổi nhau. Chú Tuân dạy toán đệ nhị cấp, có gia đình và sống một đời sống gương mẫu hơn cả cha tôi. Người ta ít thấy chú đi một nơi nào khác ngoại trừ từ nhà đến lớp. Mẹ tôi nói vì dạy toán nên chú bị đóng khung vào công thức và, cuộc đời theo chú đã có những đáp số có sẳn. Chú khó khăn với học trò và sòng phẳng với đồng nghiệp. Đừng ai chờ đợi ở chú một gia nhập hay chống đối với những điều dụ hoặc nào mà xã hội tình cờ đưa đẩy. Chú không bận tâm đến những nhập nhằng vô lý do cuộc chiến đem tới. Tất cả những điều đó giống như các giả thuyết trong một bài toán mà bài toán nào không có đáp số? Một lần duy nhất chú đã giải sai đáp số bài toán cuộc đời chú (một lần thôi cũng đủ làm chú ân hận). Chú không định liệu được miền Nam sẽ mất vào tay Cộng sản. Cho đến những ngày cuối tháng tư bảy mươi lăm có vài người rủ rê chú vào phi trường. Họ có máy bay muốn chú theo họ cùng bay ra ngoài hạm đội, chú cười từ chối:

-Năm Mậu Thân chúng vào tận trong Sài Gòn mà còn chưa làm gì được, huống hồ… Việt Cộng chưa thắng nổi chúng ta, ít ra là trong lúc này…

Khi tôi theo mẹ tôi về Đà lạt, tôi nghe tin chú đã trở thành một thầy giáo “mất dạy” nói theo danh từ lúc đó, cho tất cả các vị thầy khả kính khác- là không còn lớp và học trò để dạy. Nhưng ngược lại chú được người ta tận tình dạy dỗ dài hạn trong một trại tù nào đó, giống như cha tôi.

Chú Năm nhỏ hơn cha tôi hai tuổi. Là một người đàn ông khác biệt hẳn với cha tôi và chú Tuân. Chú giang hồ từ những ngày thơ ấu và không học nhiều ở trường lớp như hai người bạn. Chú tham dự vào cuộc đời với nhiều hoan lạc không kể xiết, và yêu mến chính cuộc đời mà chú đang sống. Chú là một con người biết tận hưởng tất cả các lạc thú và khổ đau trong cùng một thời gian mà không hề phàn nàn hay so bì. Vì chưng chú là một nghệ sĩ, cho nên ngày nào còn sống, mọi điều dàn trải ra trước mắt cũng đều làm chú thích thú.

Có lẽ chúng tôi thích chú nhiều hơn chú Tuân, chính vì sự độc lập và những nét riêng tư, gần gũi đó. Chú đi rất nhiều (chính vì vậy mà đến bây giờ chú vẫn chưa có gia đình để trụ lại chăng?). Chú bươn bả chạy về phía trước, kéo theo cuộc đời ồn ào phức tạp phía sau lưng mình. Tôi nghe chú kể về vùng 1, vùng 2 là những nơi chú dừng lại lâu nhứt. Đa số là cao nguyên Trung phần. Chú không thích biển- mặc dù chú sinh ra và lớn lên bên cạnh biển- Chú nói gió biển mang hơi hám rít ráp của biển mặn, trong khi nắng quá nhiều làm con người dễ mệt mõi. Đứng trước biển, đầu óc con người bị hạn chế vì có quá nhiều màu xanh.

Chú nói rất nhiều. Những ngày đó tôi không nhớ hết và hiểu hết mọi điều chú nói. Chú đến thăm gia đình tôi vài tuần rồi đi mất biệt. Lâu lâu trở lại, chú đưa cho tôi xem một bài báo hay một bài thơ do chú viết và nói:

-Đọc đi. Anh không tưởng tượng được là tôi đã đau khổ như thế nào trong lúc viết bài này đâu nhé.

Hoặc nói với mẹ tôi:

-Tôi về đây có quấy rầy sự yên tỉnh của chị không? Tại nhớ món chả giò của chị quá đi thôi. Chị có món nào tuyệt chiêu hơn nửa hay không?

-Có chứ. Mẹ tôi trả lời. Chỉ e chú không chịu nấn ná ở đây lâu.

-Được thôi. Anh chị có lòng thì Năm này cũng có bụng…

Chú Năm là như vậy. Chú là nguồn vui nhỏ của gia đình và thỉnh thoảng làm chất keo gắn lại những vết nứt tình yêu của cha mẹ tôi. Một lần tôi gặp chú Năm trong dịp chú về Đà Lạt. Lúc đó cha mẹ tôi đã thật sự xa nhau. Một người đàn bà khác đã thay thế chỗ mẹ tôi một năm sau giải phóng. Có lẽ mẹ tôi có buồn trong hoàn cảnh đó, nhưng trong thâm tâm bà cũng thấy dễ chịu vì được sống riêng, dù lúc đó bà chỉ mới ngoài ba mươi.

Cuộc chia tay của hai người không mang màu sắc dữ dội của một thảm kịch. Chỉ có cơn mưa mùa hạ bay lướt qua trên mái tôn cũ buồn- Căn nhà chập choạng ánh đèn dầu vì nhà đèn cúp điện. Tôi khóc lặng lẽ ở cuối phòng. Điệu nhạc buồn vẳng lại từ chiếc cassette nhà ai (bản nhạc vàng lén lút “Lạnh Trọn Đêm Mưa” mà nhiều năm sau tôi vẫn còn nhớ). Bản nhạc trùng hợp dù lời ca không sang trọng, nhưng chân thật đi vào tâm hồn mỗi chúng tôi. Trong bóng tối ủ ê, lời ca trở lại điệp khúc đầu. Cơn mưa giữa chừng bỗng tạnh.

Tôi không nhớ rõ mặt người đàn bà đã làm gia đình tôi đổ vỡ. Chỉ nhớ mang máng một khuôn mặt bầu bĩnh tầm thường cùng mái tóc uốn dợn sóng trước trán. Tôi không thể biết điều gì đã làm cha tôi đắm đuối người đàn bà đó. Vì so với mẹ tôi. Ngoài sự trẻ trung và diêm dúa, bà ta không hơn mẹ tôi.

Vài tháng sau cha tôi đi học tập cùng với chú Tuân, trong khi chú Năm thì vẫn nhởn nhơ bên ngoài cuộc đời như cánh chim bay đảo qua ngày tháng rộng phiêu bồng, cho dù không khí đang nhuốm những bụi bậm và đường phố vang dội những âm thanh cuồng nộ hơn xưa. Giống như những dâu bể đổi đời không phải đang xảy ra mà chỉ như một vở kịch, và chú đứng xem với một tấm lòng ngưỡng mộ. Chú là người đầu tiên nói về cha tôi, dù mẹ tôi không nhắc đến:

-“Người ta” có đi thăm nuôi. Nhưng thỉnh thoảng đôi lần. Chủ yếu là gia đình anh ấy. Chắc chị cũng biết anh có chân trong đảng Dân Chủ, nên ít hi vọng ra sớm. Rồi chú đột ngột: “Chị có đi thăm nuôi không? Tháng sau trại có đợt thăm nuôi, chị muốn đi tôi đưa đi?”

-Để làm gì? Tôi không nhớ đến chuyện đó. Vả lại, tôi còn lo cho Mạc Lan.

Bình thường, ít khi thấy mẹ tôi bày tỏ sự quyết tâm trong bất cứ việc gì. Nhưng lúc này bà từ chối quyết liệt sự đề nghị thăm nuôi của chú Năm. Có lẽ do sự oán hận đã làm bà mất đi sự bao dung chăng? Tôi không dám xen vào ý nghĩ của bà, chỉ lặng thinh nhìn chú Năm đang vừa nói, vừa cười:

-Chị thù dai quá, chị Ngọc. Chỉ có Cộng sản mới thù dai, chớ người Quốc gia thì không thể…

Mẹ tôi cãi:

-Ai bảo người Quốc gia không biết thù dai? Tại sao chú không lập gia đình đi, để chứng tỏ chú không thù ai?

Mẹ tôi muốn ám chỉ mối tình đầu của chú, một lần do chính chú kể lại. Mối tình cay đắng và tan hoang mọi ước vọng trai trẻ. Giữa cõi đời hư hoặc hôm qua, chú vẫn nhìn ngoái lại hạnh phúc bay vuột ngoài tầm tay mình trong khi trái tim thừa mứa một thứ tuyệt vọng cùng quẫn. Chú không chịu lấy vợ cũng vì lẽ đó.

-Thôi đi chị. Tôi sắp sửa có vợ rồi đây. Chị đừng mỉa mai cay đắng.

-Ai vậy? Tôi nhanh nhẩu hỏi, lòng háo hức.

-Bí mật. Chú nheo một con mắt nhìn về phía tôi. Tình yêu không phô trương mới là tình yêu lớn nghe cháu.

Mẹ tôi cũng không kềm được:

-Ai vậy? Cô nào ba đầu sáu tay mới dám yêu chú.

-Không cần những thứ đó đâu chị ơi. Nàng chỉ có một trái tim non nớt thường xuyên đập những nhịp đập run rẩy…

-Nhưng đủ để nhốt một tâm hồn già cỗi như chú?





Chúng tôi ra khỏi phòng đợi phi trường Austin lúc 9 giờ 30 tối. Đêm tháng ba trời rét nhưng thiếu cái ẩm ướt của mùa đông. Sự rực rỡ của phi trường đã làm chú Năm choáng váng trong giây lát. Chú đứng lặng yên trước cửa ra vào, hai tay thọc sâu vào túi áo Veston, như không thể tin vào thực tế trước mắt. Sài Gòn ở xa chú quá và những ngày Việt Nam mới vừa trôi qua. Mộng và thực trộn lẫn kỳ ảo? Chú nhìn mọi thứ một cách mê đắm, như cố thu tất cả vào trí nhớ của đêm đầu tiên nhập cư. Người nữ cảnh sát mang súng lục bên hông đang cúi xuống biên phạt một xe đâu sai chỗ trong parking dành cho người tàn tật. Mái tóc vàng bay ngược ra phía sau vì gió cùng màu da trắng tương phản với màu đen của cảnh phục. Mẹ tôi hối chú:

-Chúng ta ra xe đi. Ở mãi ngoài này, bị lạnh.

Bà len lỏi qua mấy vuông sân, mắt nhìm tìm chỗ đậu xe. Tôi theo sau chú Năm, xách hộ chú một túi xách nhỏ. Sau nhiều năm không gặp, tôi thấy chú ốm và có vẻ cao hơn. Bộ Veston sọc nhỏ may trước ngày rời Việt Nam làm chú mang một dáng dấp trang trọng. Nhưng không phải vì vậy mà chú kém thoải mái.

Đêm như riêng biệt của chúng tôi giữa những dòng chảy bất tận của đời sống. Những giao lộ như hẹp lại vì xe cộ dồn dập từ mọi phía, như thể những gì hiện hữu của đời sống này sẽ không còn tồn tại, nên người ta tìm cách len lỏi, vượt lên trên phía trước tìm kiếm cho mình một chỗ nghỉ khác, một phần đời khác.

Đến nơi, mẹ tôi mở cửa xe, mời chú Năm ngồi ở cạnh bà. Tôi ngồi phía sau. Hành lý để ở “cốp” xe. Tôi chồm tới trước chỉ chú cách thắt giây an toàn. Xe ra khỏi phi trường, sau khi dừng lại một chút ở cổng để trình ticket và đóng tiền lưu bãi. Chú quay lại tôi, với cái nheo mắt và nụ cười cố hữu:

-Chú có đem qua một món quà dành cho Mạc Lan. Suýt chút nữa bị giữ ở phi trường Tân Sơn Nhất. May nhờ có “bác” dẫn đường…



Tập thơ gần ngót một trăm trang đánh máy là món quà chú Năm dành cho tôi. Những lời thơ rải rác từ những năm sau ngày mất nước, dài có, ngắn có. “Những bài thơ trộn lẫn nỗi tức tưởi cơ cực của chú”. Chú nói trong lúc khuấy đều ly cà phê. Trước mặt chú là những món ăn mẹ tôi tự tay nấu nướng trước khi ra đón chú ở phi trường. Mẹ tôi hỏi:

-Những nỗi cơ cực nào đâu sao tôi không biết? Còn người đàn bà nào chú định giới thiệu với mẹ con tôi?

-À há. Tôi phụ họa. Mối tình lớn của chú

-Chú đã để quên đâu đó giữa bèo bọt cuộc đời rồi cháu ơi!

Chú nói tỉnh bơ và quay sang mẹ tôi:

-Sao chị dám tin chắc là tôi đã có đủ can đảm để đèo bồng thêm một gánh nặng quá tải trong khi thân phận tôi thì nhẹ tênh?

-Ai biết đâu đó? Chính miệng chú nói chớ ai?

-Chị thường dể tin như vậy sao? Khi gặp chị và Mạc Lan ở trong trại giam Vũng Tàu, tôi thấy chị nghi ngờ tất cả mọi thứ?

Chú đã khéo léo đưa câu chuyện sang một ngã khác. Và mẹ tôi bị lôi cuốn theo

-Chú nhắc tôi mới nhớ. Lúc chúng tôi ra, chú còn ở lại bao lâu trong đó?

-Gần ba tháng. Tụi nó nghi tôi tổ chức vượt biên có vỏ trang nhưng không tìm thấy bằng chứng. Vả lại, tôi cũng biết cách xoay xở.

-Thì chú luôn là một người khéo xoay xở…

Tôi tò mò ngắm những cành hồng trong bình sứ đặt giữa bàn. Bó hoa mua lúc dừng lại lâu ở một ngã tư đèn đỏ. Người Mỹ già tội nghiệp đứng bán bên lề đường, mắt chăm chú nhìn tờ bạc từ tay tôi. Tôi không chờ lấy lại tiền thối. Tôi không biết chú Năm có khéo xoay sở được như trước không? Giữa một xứ sở rộng lớn, phức tạp- mà ngay chính người Mỹ cũng vẫn thất nghiệp và sống bằng food stamp. Một xứ sở phì nhiêu đượm đầy sữa và mật, nhưng con người phải quần quật tám tiếng một ngày… chộn rộn với những nhiêu khê, rối rắm mà ngày tháng trôi qua vùn vụt như tên bay. Dù sao thì chú vẫn là đàn ông. Chú có thể bắt đầu không khó khăn lắm, miễn là chú đừng rong chơi như loài ngựa hoang, cho dù Austin này có quá nhiều đồng cỏ. Tôi nói:

-Không ngờ chú Năm từng tuổi này mà chưa có vợ.

Chú uống chầm chậm ly cà phê của mình một cách thích thú:

-Có gì lạ đâu, Mạc Lan. Sự cô đơn nào cũng có mùi vị của nó. Sống trong hạnh phúc của mình hay đi bên cạnh hạnh phúc của người khác đều có nỗi thích thú riêng.

-Mùi vị nào ở trong sự cô đơn của chú?

-Hình như đắng cay thì phải. Nhưng đó là đời sống. Chú thích như vậy. Nhưng tại sao chúng ta cứ nói mãi về những điều không đáng nói? Mạc Lan hãy nói về cháu cho chú nghe đi. Nhưng trước hết hãy nói về mẹ cháu cái đã.

Tôi nhìn mẹ tôi. Trong khi bà đang dùng dao cắt cho mình một miếng thịt nướng. Bà dừng lại giây phút nhìn tôi, mắt mở lớn. Trong bóng tối lem luốt bên ngoài cửa kính, những bóng xe cộ chạy vun vút bên kia cầu, như những vệt lửa bay vào cõi hư vô. Chúng tôi, hai người đàn bà cũng đang để tuổi xuân của mình trôi băng về phía trước, không một sức hút nào kéo lại. Gần mười năm, kể từ ngày rời Việt Nam, mẹ tôi vẫn sống như ngày nào không có cha tôi.

Tôi không biết bà chịu sự cô độc cho đến lúc nào một khi không có tôi bên cạnh. Đôi lúc tôi không làm vơi đi nỗi buồn trong bà mà còn làm đầy thêm những phiền muộn. Tôi vẫn còn trẻ để không thể đứng bên ngoài những cuộc vui, trong khi mẹ tôi ngại ngần tham dự, cho dù nhiệt tình vẫn còn. Những nét quyến rũ thời con gái của bà vẫn tồn tại, nhưng tiềm ẩn, không mãnh liệt như ngày xưa. Vài ba người đàn ông trong hãng giặt ủi đôi lần đến thăm chỗ chúng tôi. Những đôi mắt khao khát muốn bày tỏ cho ai đó nỗi niềm riêng biệt cùng những lời nói nửa chừng. Họ là những người đã có công ăn việc làm ổn định, nếu không nói là có chiều hướng đi lên trong một xã hội trung lưu. Một người đã có gia đình. Những người kia còn độc thân. Bà không biểu lộ hay hứa hẹn một quan tâm tương đối nào với họ. Thời gian càng kéo dài, và họ càng cảm thấy lúng túng trong vòng tơ nhện mù tăm không lối thoát. Tôi hỏi bà, sau khi chỉ còn lại hai mẹ con:

-Mẹ không chấm được ai trong số những ứng cử viên đó sao?

-Hình như là không. Mẹ tôi cười. Mỗi người đều có những ưu và khuyết điểm giống nhau. Nhưng khuyết điểm nhiều hơn.

-Chẳng hạn như?

-Không biết mẹ có nên nói ra hay không. Nhưng tất cả đều không hiểu mẹ yêu thích những gì. Và họ cũng rất ít lòng vị tha. Đó là căn bản trong đời sống chung.

-Hay mẹ vẫn còn nhớ đến cha?

-Không hề như vậy. Chủ yếu là mẹ chưa muốn xa con trong lúc này. Mẹ vẫn biết con không cần mẹ. Nhưng mẹ thì khác. Một ngày nào đó, hoặc mẹ, hoặc con sẽ đi về hai ngã, một nơi chốn nào đó, dù lòng không đợi.



Khi màu xanh tím của hoa Bluebonnet chạy dài trên những bãi cỏ dọc đường 35 cùng những nơi khác, mùa xuân đã gần hết trong thành phố. Cây anh đào đã nở đến những nụ cuối cùng của nó và màu hồng phơn phớt đã làm tăng thêm vẻ diễm lệ của thời tiết tháng tư. Từ trên tầng lầu cao nhất của một khách sạn, người ta có thể nhìn thấy đủ mọi ưu đãi mà Thượng Đế đã dành riêng cho nước Mỹ. Cho dù mới ngày nào mỗi người vừa đi vừa thở những hơi khói dưới sương mù làm tối tăm tầm mắt. Những nhịp cầu vòng vo chạy qua đường 183 vừa làm xong tháng trước, nay đã bề bộn một rừng hoa tím phía dưới. Vài cây xương rồng mọc đơn độc ở cuối một bãi đậu xe, như nhắc nhở thị dân ở đây đừng quên ngày xưa nơi này là hoang mạc. Dấu vết khai phá của người da trắng đầu tiên trên đất đai của người da đỏ chỉ còn lại những kỷ niệm làm ràng buộc những người già ngồi lại với nhau. Họ có lý do để kể cho bầy trẻ nhỏ nghe cái thời niên thiếu của họ như kể về một chuyện cổ tích. Như một cây sồi nào đó ở miền South, gần khu Capitol có tuổi thọ mấy trăm năm- và dưới bóng mát của nó, vị Tù trưởng của bộ lạc đã ký kết văn bản nhượng đất cho người Mỹ bằng chiếc bút làm bằng lông con đà điểu.

Tôi lái xe chạy vòng theo thung lũng, dưới ánh nắng chói chan. Che khuất một vùng trời là hai vách đá chằng chịt những vết nứt. Hơi nóng cũng từ đó bốc ra. Vài người đàn bà Mỹ cởi trần lái xe vượt qua mặt như muốn trốn bỏ sau lưng một mặt trời rát bỏng.

Buổi chiều gợi lại trong ký ức tôi những ngày tù tội ở trại tạm giam Vũng Tàu. Cơn sốt miền nhiệt đới cùng nắng gió trộn lẫn cát bụi. Con người của ngày tháng đó đang cố ngoi lên giữa những ham muốn tầm thường. Như một chút bóng mát hay một cơn gió biển thổi về bất chợt. Hay những vòi nước giống như “chế độ” lúc có lúc không, cùng những cảnh chụp giựt chen lấn để tìm cho mình một chút gì khả dĩ làm ẩm ướt gương mặt nhơm nhớp mồ hôi. Những va chạm cố tình vì chính sự chật hẹp của không gian, thời gian. Sự mất ngủ thường xuyên đã làm tôi bần thần suốt một tuần lễ sau cùng trước khi rời khỏi trại tạm giam.

Nhưng tại sao tôi lại nghĩ về bối cảnh đen tối u trầm đó, trong khi con đường trước mặt tôi mênh mang và khoáng đạt như không hề quanh co như chính cuộc đời tôi hôm nay? Tôi không muốn về nhà bây giờ và cứ để cho chiếc xe lao đi không chủ đích. Hình như tôi vừa vượt qua một Stop sign. Tôi liếc nhìn kính chiếu hậu, để ý tìm kiếm một bóng dáng xanh trắng của chiếc xe cảnh sát đuổi theo, nhưng không thấy.

Con đường đã nhập vào giao lộ phức tạp trong thành phố. Tôi lái chậm lại và cảm thấy đói bụng, rẻ vào quán Donkin’ Donuts gần đó. Những giỏ hoa treo tùy tiện trên trần buông rũ những giây lá mạnh mẽ xuống gần ngang mặt người ngồi.

Quán trống trải vì đang giờ tan sở. Tôi kêu một ly cam lạnh và một bánh ngọt có rắc đường ướt lên trên, tìm một góc ngồi nhìn mông lung ra ngoài khoảng sân quạnh hiu. Buổi chiều trôi qua chậm rãi cùng với màu vàng úa mệt mõi. Tôi không biết giờ này mẹ tôi đang làm gì ở nhà, với khung máy may và những sấp vải cắt sẳn. (Mẹ tôi nhận may thêm ngoài giờ từ một Shop may ở dưới miền South). Chú Năm đi làm ca đêm từ hơn tháng nay, trong một xưỡng in của người Mễ. Công việc khiến chú ít khi ở nhà buổi tối. Ban ngày chú xem sách, ngủ, làm những việc vặt vãnh trong nhà. Thỉnh thoảng chú dùng bàn máy đánh chữ của tôi để sửa lại tập thơ đánh vội vã từ Việt Nam. Đó là vùng đất im sững nước mắt và đầy âp tiếng cười của cõi đời riêng biệt. Nơi trái tim lãng mạn đậu xuống như một cánh chim mõi và đôi môi thì nứt khô rướm máu của con sói rừng hoang. Đôi lần, chú ôm đàn và hát một bài hát xa lạ, tôi không biết của chú hay của ai. Lời hát mang niềm đau hay nỗi buồn chập chờn, trôi trác giữa giòng đời? Trong đó có những câu làm tôi say mê: “Này em hoa quỳ, chiều thơm phấn nụ, người về bao lâu, tình như áo cũ? Người vừa qua đây, quán đời tăm tối…”

Tôi thấy mình có thể yêu say đắm mọi thứ dường như tầm thường toát ra từ con người chú. Không biết có phải tình yêu hay không, vì tôi chưa yêu ai, dù bây giờ tôi đã hơn hai mươi lăm tuổi. Tôi vẫn còn tỉnh táo và sáng suốt để đánh giá cùng nhận diện những rung động của mình. Người ta nói trái tim có những lý lẽ của nó, tôi không biết có trường hợp ngoại lệ hay không? Nhưng không biết phải nói thế nào về mối tình của một người con gái yêu một người đàn ông hơn mình hai mươi tuổi. Chỉ có thể nói rằng mỗi khi nghĩ đến nó tôi thấy mình chấp choáng trong một cảm xúc tuyệt diệu.

Buổi chiều xuống cùng khắp ngoài bãi đậu xe. Tôi đứng lên trở về. Căn phòng không có ai trống vắng. Đáng lẽ giờ này mẹ tôi có ở nhà. Phòng khách bày biện có vẻ tươm tất hơn và mang một hơi hám sinh động hơn. Bước vào phòng ngủ của mẹ tôi nhìn bó hoa của ai gởi tặng để nằm trên bàn phấn, tôi chợt nhớ hôm nay ngày sinh của bà (trong khi tôi quên thì vẫn có người khác nhớ).

Bó hoa được mua từ chợ Alberson với tờ giấy nhỏ kèm theo: “Chúc Mừng ngày vui của M. N. Chúc cho những yếu đuối và luôn những vững vàng”. M. N là chữ viết tắt tên của mẹ tôi. Cũng có nghĩa là Em của Anh. Không đề tên người gởi nhưng tôi biết là của chú Năm. Nét chữ hôm nào gần gũi mà nay đã nghìn trùng xa cách. Mẹ tôi chưa về, nên bó hoa vẫn còn nguyên bao kiếng chưa mở ra. Và có lẽ chú không nghĩ tôi thấy nó trước khi mẹ tôi nhìn thấy.

Tôi nhìn quanh quẩn căn phòng và tưởng tượng chú Năm vừa từ nơi này bước ra. Đã bao lần người đàn ông quen thuộc đã hiện diện nơi đây? Nhưng hôm nay tôi vừa biết không phải lần đầu tiên người ta đi qua đời mẹ tôi bằng những bước chân âm thầm. Con sói già ngày nào đứng giữa quạnh hiu và luôn rong chơi một mình đã thấm mệt rồi chăng? Còn trái tim nào cùng những đắng cay cùng quẫn như đêm đầu tiên đến đây. Con sói già đã chạy đuổi theo con sơn dương bằng những bước chân già cỗi, cùng đôi mắt mở trân nhìn cuộc đời phía trước? Trong khi tâm hồn tôi cũng đầy ấp những tức tưởi không nguôi.

Tôi đến bên cửa sổ, kéo mạnh dây màn. Gió mát của buổi chiều mênh mông ùa vào căn phòng đêm đơn chiếc- từ những ngày tới sẽ không còn đơn chiếc- Mùa hè đêm xuống muộn màng. Cây thù du vẫn còn hiện diện phía bên này, phía bên kia là thùng rác đen đủi xấu xí, đang tràn ngập những bao bịch người ta đem bỏ ban ngày. Ngọn đèn cao áp đứng ở góc sân tỏa ánh sáng dịu mát xuống mặt thềm xi măng. Bãi cỏ ngăn ngắt một màu xanh đằm thắm mà từ đó những đám hoa Bluebonnet mọc lên. Màu tím xanh đắm đuối như những giọt lệ đá xanh của Thanh Tâm Tuyền, đang là biểu tượng cho sự sống lộng lẫy của Texas. Tôi ngạc nhiên tự hỏi sao mỗi ngày tôi vẫn đi ngang qua đó nhiều lần, đôi lúc còn cúi xuống nhìn nó- khi vài tờ giấy vô tình rơi khỏi lòng bàn tay đậu xuống- nhưng tuyệt nhiên tôi không xúc động mảy may. Đóa hoa có thật, như hạnh phúc có thật không ồn ào giữa đêm ngày khoáng đạt. Đó là quá tặng hào phóng mà cuộc đời đã bù dắp cho mỗi chúng ta bên những bất hạnh, nếu có. Màu hoa chỉ rực rỡ mỗi một mùa xuân tàn, một tháng tàn, rồi thôi.

Tôi chảy nước mắt chua xót cho sự yếu đuối hèn mọn của mình. Đóa hoa nở mỗi năm một lần, trong khi mẹ tôi ngần ấy năm có bao nhiêu lần rung động? Bao nhiêu lần trái tim đập những nhịp đập hân hoan mê đắm?

Thế nào tôi cũng phải đi xa một chuyến, nhân dịp nghỉ phép hàng năm. Lần này không có mẹ tôi bên cạnh. Tôi trở lại phòng mình, trong bóng tối mờ nhạt của ánh sáng từ phòng khách dội lại, tôi âm thầm thu xếp vài thứ quần áo vặt vãnh. Như đêm nào giữa đêm mưa của đêm Sài Gòn, tôi đã thu xếp cho mình một cuộc chia tay giữa cha mẹ tôi. Không có một màu sắc nào khả dĩ làm bớt đi những tối tăm đêm đó, ngoài những nốt nhạc trôi đi và đọng lại bên thềm hành lang sũng nước. Hồi chuông kêu vang từ chiếc điện thoại. Tiếng kêu như một nỗi buồn chạy dài làm tôi không muốn đưa tay cầm ống nghe. Ở đầu giây bên kia giọng vui vẻ của mẹ tôi:

-A lô Mạc Lan đó phải không?

-Dạ.

-Con đang làm gì đó? Ăn cơm chưa?

-Con đang thu xếp quần áo. Con chờ mẹ về ăn luôn. Hôm nay sinh nhật mẹ?

-Ừ hứ. Mẹ đang gọi con ở hãng. Nếu đói con cứ ăn trước, đừng đợi. Mẹ sợ không về kịp trước tám giờ. Bye…

-Bye…



Đêm nay chú Năm sẽ về kịp để thắp dùm mẹ tôi những ngọn nến. Đó là những ngọn nến hạnh ngộ giữa hai cuộc đời bầm vập tan hoang, mới ngày nào còn mù mịt tối tăm giữa miền đất khổ. Những ngọn nến chảy xuống và định cư trên những ngày tháng phiêu bồng, ê hề hạnh phúc. Tôi sẽ đứng bên ngoài và bằng lòng với nỗi đau nhẹ nhàng của mình, thầm chúc hai người mãi trôi giạt cùng nhau bên dòng chảy đời thường. trong khi trái tim mình vang lên những nhịp đập khô khốc. Tôi không mua kịp một bó hoa nào gởi cho ngày sinh nhật của bà. Nhưng đâu có cần thiết. Vì những đóa hoa Bluebonnet ngoài kia đã nở rộ cho hai người…

No comments:

Post a Comment