Wednesday, December 21, 2011

ngọc tím

THƯ VIẾT TỪ ĐƯỜNG HEATHERGLEN

Thật thơ mộng và đẹp, nếu chúng ta cứ sống mãi bằng quá khứ. Mới đó mà ba mươi hai năm. Mới ngày nào tóc còn xanh và vai còn vươn tới trước. Mới ngày nào còn đi lang thang trên từng góc phố khua động tiếng xe cộ, tiếng rao hàng, lòng căng đầy cánh gió bình minh.

Cách đây nhiều năm, một đêm mùa xuân tôi gọi điện thoại về thăm nhà. Trên đường dây viễn liên tiếng Mẹ tôi run rẩy. Bà buồn bã mong được thấy tôi trở về trước khi Bà khuất núi. Tôi trả lời dứt khoát là chưa thể về được. Sự dứt khoát đau đớn mà sau này tôi rất lấy làm ân hận.

Trên những khung cửa xô ngược mặt kính lên bầu trời, tiếng gió nghe rền rĩ. Tôi nín thở nghe tiếng thở dài của Mẹ tôi. Một khoảnh khắc trôi qua nhưng sao dài cả một đại dương và núi non chập chùng. Tiếng gác điện thoại từ tốn của Mẹ tôi- sự từ tốn luôn đi theo Bà từ bao nhiêu năm.

Khi Cha tôi nằm xuống, Mẹ chỉ mới ngoài hai mươi. Người phụ nữ chưa từng biết có mùa xuân hoặc nếu có thì mùa xuân đó chỉ ngắn hạn. Mẹ trãi hồn mình trên những tháng năm bên bầy con chưa biết buồn, và mỗi đêm nghe cơn mưa chạy dài trên mái nhà, nhủ lòng đừng khóc.

Tôi không biết tại sao tôi lại làm cho Mẹ tôi buồn vì một điều đơn giản như vậy. Ðàng sau thành công của tôi, nếu có (có đúng như vậy không?) có bao nhiêu giọt nước mắt long lanh trên đôi mắt buồn rười rượi của Bà?

Biển của Mẹ muôn đời vẫn xanh. Nhiều mùa xuân tôi không về. Mẹ vẫn biết vậy, nhưng vẫn dựa lưng vào biển để ngóng trông. Những ngọn gió mang mùi muối thổi sau lưng bà.

Những chuyến xe chiều đậu lại trong thành phố, không có đứa con cứng đầu của Bà bước xuống. Vẵng từ nơi xa, dưới một hàng cây bàng già nua như tuổi đời của Mẹ, con chim trốn biệt không đậu xuống nhánh cũ. Những hoa sứ không còn màu trắng mịn màng như ngày tôi ra đi

Có những nhánh sông đem theo phù sa mỡ màng về làm hạnh phúc cho biển. Còn tôi. Không có một lời hứa để làm no đầy mong đợi của Mẹ tôi. Một chút nào cho lớn khôn và một chút nào cho dối lòng?

Bây giờ Mẹ đã ra người thiên cổ. Năm Bà mất là năm 1997. Tôi cũng vừa bị thất nghiệp. Trong căn nhà đường Heatherglen, con gái tôi mở lại tape băng có ghi lại đám tang của Bà Nội nó tại Vũng Tàu, Việt Nam. Chị Hai của tôi gởi qua. Ðêm thị thành hiếm muộn những vầng trăng. Những cây bàng già trắng lá chạy ngang con đường ra nghĩa trang, giống như tuổi thơ của tôi chạy ngang qua những năm tháng góa bụa của mẹ tôi. Tôi run rẫy viết xuống những câu thơ, y hệt như tiếng thở dài run rẫy của mẹ tôi lúc gác máy điện thoại:

‘Bởi những bước chân xa nay không thể về gần

Hãy gởi cho con một thời góa bụa

Hãy gởi dùm con Vũng Tàu nắng lửa

Biển mồ hôi da cháy nắng khoang thuyền

Những trái bàng già rụng xuống tháng Giêng

Những bông sứ nằm yên nghe tháng Chạp…”



Góc phố dường như còn xào xạc bước chân của ai làm bùng lên nỗi nhớ. Cho dù tình yêu có tàn lụi nhưng một màu son vẫn còn. Nhiều năm trôi qua, con đường qua chỗ nằm của nàng đã thay đổi. Cửa tiệm và cây xăng mọc lên. Những chung cư và nhà cửa mọc lên ồn ào. Không còn sự trống trải và quạnh quẻ mà thay vào đó là tiếng động của đời sống đêm ngày. Chỉ có những con chim đen là vẫn còn. Chúng bay từng bầy giữa buổi chiều mùa đông như giỡn chơi với thời tiết giá lạnh. Một nơi khác, chúng đậu hàng dài trên những đường dây điện. Gió rét thổi qua lưng chúng. Vài nhà thờ nhô lên cây thánh giá vừa mới sơn phết lại trong mùa lễ vừa qua. Tiếng chuông ngân ngại ngần xa tít.

Bên đường, dưới cột điện giao lộ, đôi tình nhân chờ đèn xanh để băng qua đường. Họ cho nhau hơi ấm trong bàn tay và nhìn về một hướng. Lát nữa đèn xanh bật lên, họ sẽ cùng vượt lên phía trước. Họ sẽ đi qua những đông buồn, những thu xám. Và những bình minh trước mặt. Còn tôi?

Mùa xuân này tôi sẽ viết những câu thơ dài lê thê như nỗi buồn. Và những bài tạp ghi tròn trịa một nỗi nhớ. Khi người ta già và tuổi tác trở nên có vấn đề, người ta sẽ ngồi ôn lại quá khứ. 

Biết làm sao để quay về với thời gian của thanh xuân. Của không gian bao la nhưng chật chội những kỹ niệm đẹp? Của Ðà lạt. Của Sài Gòn. Của Vũng Tàu. Mọi thứ đều đã gần mất dấu sau tháng tư năm 1975.

Khi một tình yêu giống như một đời lá ngủ vùi trong một góc hiên đời, người ta sẽ khó lòng để thấy lại màu xanh của chúng. Những chiếc lá không thể cựa mình để lên tiếng một cành nhánh xanh um. Mùa đông ném lên chúng những giá rét và một hôm nào đó chúng sẽ tàn rũ.



Lúc tôi rời Sàigòn, mùa xuân năm 1991. Tháng ba vừa mới chớm cái rét nàng Bân trên những mái che trước thềm tam cấp của Nhà Hát Lớn, mà sau nầy chế độ Cộng Hòa dùng làm trụ sở Quốc Hội. Một quán cà phê nằm bên hông, sâu trong một hành lang hẹp, nhìn ra con đường Nguyễn Huệ lúc nào cũng đầy xe cộ. Tôi vừa từ giả Ngọc để ra đi. Ngọc cũng vừa từ Bảo Lộc để về Sài Gòn. Mùa xuân thổi qua vai chúng tôi tiếng gió và mùi thơm của cà phê lan tỏa trong không khí.

Nàng vừa đem theo cái trầm mặc của cây rừng để hòa cùng với cái nắng của biển mà tôi đang ủ trong lòng. Một khung tường cũ hiện rõ đám rêu xanh chạy dài từ sân sau của quán ăn thông ra đường Hai Bà Trưng. Hình như có một hãng làm bia nằm trên đó. Lâu rồi tôi không nhớ. Những xe hàng lớn chạy vào bốc những thùng bia bỏ vào trong thùng xe rồi chạy ra. Một cổng gác sơ sài mọc lên để kiểm soát cho có lệ.

Nàng hỏi tôi: “Anh định qua bên đó rồi ở đâu?” “California”. “Anh đâu có bà con thân thuộc bên đó?”. ”Không có ai. Nhưng Cali có nhiều tòa soạn báo và anh nghĩ anh có thể xoay sở để sống bằng ngòi viết”. Tôi trả lời.

Những rồi tôi không về Cali mà trôi giạt về Texas. Một thành phô non trẻ của cộng đồng người Việt, một năm có 3 tháng nóng cháy da và 3 tháng lạnh run phổi.

Nàng ngồi trước tôi. Sau lưng nàng màu xanh của tán dù vải dội xuống như một màu thông. Tóc nàng ngày đó chẻ hai trên đầu và cột phía sau làm thành một cái đuôi. Ngày đó tôi yêu Ngọc biết bao.

Tôi nhớ những ngày đông đầy mưa tại thành phố Blao của nàng. Nàng theo tôi vào quán cà phê bên bờ hồ Ðồng Nai Thượng. Lúc đó tôi đi linh và trú đóng tại đó. Một quận lỵ nhỏ chỉ có vài ba quán cà phê, nhưng có cả trăm tiệm bán trà. Ly cà phê đắng và nóng làm nàng bị bỏng môi. Hay những đêm rối bời hạnh phúc, sau lưng là bếp lửa chập chờn ôm ấp một thanh xuân.

Thành phố của nàng không có mùa hè nên không có những giọt mồ hôi để làm chứng tích một tình yêu phờ phạc. Căn phòng trống không nhốt hết gió lùa, nên được gần gụi nhau là một hạnh phúc.

Bây giờ, những ngày của mùa xuân 1991, tôi sắp rời xa nàng. Lòng tôi chùng xuống. Chiều xuống dần và tiếng gió rượt nhau trên các lề đường, nơi những bước chân từng kề cận bên nhau. Rồi lạc rời nhau mất dấu.

Tôi nắm bàn tay trần trụi không đeo nhẩn của nàng. Nàng lặng yên. Gần mười năm không gặp nhau, nàng vẫn chưa chịu đi tiếp một con đường, trong khi tôi thì có một gia đình khác và một đứa con gái. “Có những chuyện không nên buồn”. Nàng nói với tôi. Giữa hai bờ môi phụng phịu. Tôi hỏi: “Tại sao?”. Tôi từng hỏi những câu tại sao trong suốt nhiều năm và chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Có những điều có thể lý giải được, và có những điều không.

Như tại sao nàng bỏ tôi để về lại Ðà Lạt, khi tình yêu đang ấm áp? Khi những bông sứ đang run rẩy bên vạt hè đường ra Bãi Trước? Tại sao nàng để cho giấc mộng tự nó chết đuối ngoài biển khơi, khi bão giông chưa hề?

Câu hỏi tôi rơi xuống một giờ phút tỉnh lặng. Rơi xuống mặt bàn thiêm thiếp và trầy trụa những vết dao muỗng khắc dấu. Không có hình một trái tim và mũi tên xuyên qua để cảnh giác người ngồi. “Anh có từng đi qua những thảm kịch anh mới biết. Nàng tiếp. Người ra đi không bao giờ buồn chỉ có người ở lại...” “Nhưng còn ngày xưa?” Tôi cố gắng hỏi.

”Chuyện ngày xưa chỉ là kỷ niệm. Hãy quên. Hay để tự nó sẽ trôi theo sông và đi vào biển”.

Tách cà phê nằm im không khói. Tiếng muổng vô tình gợi lên một tấu khúc buồn. Trong khi những sợi nắng cuối cùng rớt trên má nàng. Những sợi tóc óng ánh màu mật ong sáng rực một đường ngôi.



Căn phòng nhìn xuống một góc phố đường Phạm Ngũ Lão và chợ Thái Bình.

Một nơi mà ngày xưa tôi từng qua lại khi về phép từ Ðà Lạt. Có một quán cơm tấm năm kế tòa soạn của tạp chí Văn do Mai Thảo chủ trương. Một lần tôi ghé lại lảnh tiền nhuận bút. Lần khác tình cờ ghé lại để nhận một lá thư của một độc giả. Nơi góc đường đối diện với chợ Thái Bình là rạp hát bóng Khải Hoàn. Một con đường xe lửa nằm vắt qua. Chia những góc đời chảy về nhiều hướng. Những người bạn của tôi trong đoàn Văn Công Chí Linh đang có gia đình và sống ổn định trong khu cư xá Võ Tánh. Ðồi diện với khu cư xá là đường Cống Quỳnh, mà một đầu nối dài với đường Nguyễn Cu Trinh, con đường kỹ niệm thời thơ ấu của tôi và bến xe đò lục tỉnh. Ðầu kia đụng rạp Quốc Thanh và khu Mã Lạng.

Tôi hôn nàng trong ánh điện hiu hắt mà mọi căn phòng trọ đều giống nhau như vậy tại Sài gòn thời đó. Một bình hoa bằng vải màu sắc tươi tắn đặt trên chiếc bàn ngủ và một ngọn đèn nhỏ có phủ chụp, là hai vật chứng duy nhất, thầm lặng.

Chúng tôi không chờ đợi để sa vào nhau trong khi vải vóc thừa thải. Những câu nói cũng không cần thiết vì nụ hôn làm thay điều đó.

Ngày đó tôi 45 tuổi trong khi nàng nhỏ hơn tôi tám tuổi.

Có những mùa xuân hời hợt không để lại một chút hương phấn hay một mùi hoa trong tâm hồn. Nhưng có những mùa xuân mang hơi lửa ngút ngàn ủ trên môi miệng nhau. Những vòng tay mệt nhoài xóa lấp mọi băng giá.



Tôi mang mùa xuân đó trèo lên máy bay, giữa tiếng gầm rú ngoài phi đạo. Mùa xuân sáng ngời hạnh phúc sau mười tám năm trong lòng chế độ cộng sản. Tôi định sẽ không muốn nhớ mọi bất hạnh cùng đau khổ trong thời gian qua. Tôi sẽ để riêng nó ra một ngăn đời nào đó, sau này sẽ nhớ lại. Nhưng khi ngồi ngã dựa ra băng ghế phi cơ, mọi hình ảnh cũ đều lần lượt hiện về, như một đoạn phim rời nhiều tập. Ngồi giữa vợ tôi là đứa con gái vừa lên bốn tuổi rưỡi. Nó đang hướng về người tiếp viên phi hành để chờ đợi một ly nước ngọt mà nó thèm thuồng từ lúc mới lên.

Ngọc không chịu ra tiển đưa tôi, chỉ có em trai nàng. Minh nhét vào tay tôi một tờ giấy có ghi địa chỉ của chị Ngọc rồi chúc tôi lên đường bình an.

Khi Minh rời khỏi phòng cách ly của phi trường, tôi mở tờ giấy ghi địa chĩ của nàng ra xem. Những chữ viết mềm và nghiêng về một phía như ngày nào. Có bao nhiêu lá thư nàng gời cho tôi suốt một mùa yêu đương? Không có nhiều. Nhưng tôi viết cho nàng rất nhiều, những lá thư mà có lần giận tôi nàng đòi đốt bỏ và nói:”Ðủ để đun nóng một ấm nước pha cà phê”. Nhưng nàng chỉ đùa. Không bao giờ có được bếp lửa đó vì lúc lìa xa tôi tại căn gác trọ ở Vũng Tàu (ỡ ngả tư Giếng Nước) nàng đã trả lại tôi chồng thư cũ. Những lá thư có cả bao bì thẳng thớm được bó chặt bằng dây thun. “Trả lại anh để anh không cón bận tâm và lo sợ có ngày em sẽ đốt”.

Chiếc phi cơ êm ả bay về hướng phi trường Thái Lan. Từ Thái Lan chúng tôi sẽ làm thủ tục để đi tiếp. Phi trường Denver ở Seatle là chặng cuối cùng. Giữa hai chặng này là phi trường Tokyo, Nhật Bản.

Những cụm mây bềnh bồng trôi xuôi dưới cánh máy bay. Tôi buồn bã khi nghĩ rằng sẽ không còn cơ hội để trở về thăm nàng. Một phần đời thơ mộng của tôi và làm tôi khôn lớn.

Tình yêu của nàng dành cho tôi, lúc nào cũng chứa đựng sự cho đi nhiều hơn lấy lại. Tôi là một người lính, nên dễ nhìn đâu cũng thấy chết chóc tàn phai, nên ít trân trọng những khoảnh khắc đẹp trong đời sống. Tôi sống vội vàng và không bận tâm đến những hơi thở đã thở ra mổi ngày mang một rung cảm như thế nào.Tôi tiêu pha những hạnh phúc không so đo giống như tiêu pha những đồng lương ngày đầu tháng. Trong lúc nàng giữ gìn từng giá trị nhỏ nhoi.

Lúc gần mất nàng vĩnh viễn tôi mới bình tâm lại. Những giọt đắng đọng trong lòng tôi và nàng, hình như chỉ có nàng cảm nhận được.

Còn tôi, khi tôi học được bài học quí giá của tình yêu cũng là lúc tình yêu không còn đươm hoa kết trái.



Có những ngả ba đường làm cho chúng ta phân vận không biết đi về đâu. Tôi không muốn làm một kẻ phiền muộn đứng chôn chân bên những ngược xuôi của người khác. Bài học cay đáng về một tình yêu mênh mông kia, tôi đã học được và đang tìm cách viết ra. Những mùa xuân có phai và những màu đời có lợt, nhưng tôi sẽ cố gắng làm mới lại. Không có ai tắm hai lần ở một dòng sông, nhưng kinh nghiệm về một đổ vở sẽ làm cho chúng ta trưởng thành.

Mùa xuân này tôi sẽ viết những câu thơ dài lê thê và những bài tạp ghi tròn trịa một tình yêu mất dấu bên kia đời. Khuôn mặt nàng đang ngời sáng với đôi mắt là hai vì sao đêm. Nhìn xuống.

Có thể là đêm sẽ rất mong manh. Tôi nghĩ vậy khi nhìn ra ngoài vườn. Ðêm mùa đông luôn rét mướt những cây sồi tháng chạp. Mới hôm nào, những đèn hoa bủa giăng trên đó, từ ngọn xuống đến tận gốc. Bây giờ dường như có triệu chứng ũ rũ chờ ngày thu dọn.

Tôi vẫn là tôi, người đàn ông già nua đang chạy theo những hương sắc bên đời. Không một nụ cười nở ra để lau dùm những nhau những ngấn lệ.

Nàng sẽ ra sao? Tôi vừa nghe được một tin từ một người quen ở gần gia đình nàng. Bây giờ nàng đang gần 55 tuổi. Nàng không có vẽ gì là nhớ về tôi- đứa con trai của mấy chục năm xưa đi ngang qua đời nàng- Khu chợ Mới nhìn ngang qua Hồ Ðồng Nai Thượng vẫn còn gian hàng chạp phô của nàng. Nàng không còn bận tâm nhiều về nó và chuyển dần công việc cho mấy đứa con gái. Giống như ngày xưa mẹ nàng từng làm. Mỗi tháng nàng ăn chay vài ngày và lên chùa nghe kinh mỗi dịp lễ lạc.

Con đường về mịt mùng bóng đêm. Tà áo trắng của nàng mệt mõi như một vệt khói. Nó bay vút lên và chảy tràn lơ đảng. Lạnh như sương và buồn như sông...

2007.

Sunday, December 18, 2011

như vết cắt của đời

VĂN CHƯƠNG

Chàng chờ nàng khá lâu nơi quán cà phê đường Great Hill. Lâu đến nổi coi hết một tờ tạp chí tiếng Việt và buổi sáng rã rời một cảm giác lười biếng. Người ta chưa vội ra khỏi nhà để mua sắm cuối tuần trong khi hơi hám của một mùa Giáng Sinh vẫn còn bồi hồi trên những giây đèn màu trước cửa tiệm bán trang phục phụ nữ. Ai đó đã để những dấu chân mờ nhạt trên vạt cỏ vừa tàn lụn sương đêm như một dấu tích lầm lỡ và thành phố hôm nay dường như đang nhớ đôi tình nhân mới vừa say đắm ngày nào. Họ đến với nhau và cho nhau những vết thương tưởng chừng không có sự băng bó nào đủ để kéo da non, nhưng cả hai chưa từng cảm thấy đau đớn.

Linda sẽ là một cô gái dễ thương nếu nàng chịu để cho đời sống này ràng buộc nàng bằng những thói quen. Nhưng Linda thề rằng sẽ không bao giờ để ai cướp mất tự do của nàng- ngay cả lúc nàng yêu chàng say đắm. Vì đối với nàng thói quen sẽ hủy diệt tự do- một điều mà suốt đời nàng khao khát. Nàng không thỏa hiệp với sự bất công nhưng đồng thời ghê tởm những gì gần gũi với nhàm chán. Trước khi gặp chàng, quan niệm sống của nàng là mọi cho đi hay lấy lại đều đặt trên căn bản sòng phẳng, đừng để nợ nần nhau vì có ai biết được ngày mai sẽ ra sao. Tình yêu không thể đậu xuống trên một bao tử rổng không và hạnh phúc không thể bay trên những con đường một chiều. Nàng có vẻ là một phụ nữ Việt Nam, nếu nhìn bằng trực giác. Nhưng nàng nói nàng là một cô gái sinh ở Philipine. Cha của nàng là một quân nhân Hoa Kỳ làm việc tại đó và nàng nói nàng giống mẹ nhiều hơn.

Nàng không có chỗ ở nhứt định từ nhiều năm nay, khi Bob, chồng nàng qua đời. Nàng có chồng khi còn rất trẻ, khoảng 17 hay 18 gì đó. Đó không phải một cuộc hôn nhân theo định nghĩa mà là một cuộc cưỡng hiếp hợp pháp.

Bob mua nàng từ một quán nhậu có vũ khỏa thân. Chủ quán nhậu mua nàng từ một tay trung gian đưa người vượt biên lậu từ Á Châu vào Canada. Từ Canada nàng trôi giạt sang Hoa Kỳ.

Sau khi thanh toán mọi thứ chi phí, Bob đem nàng về trình diện ông bà già của hắn ở một nông trại cách xa quán nhậu hơn 20 dặm về hướng bắc đường 71. Họ cho nàng trú ngụ, cho ăn uống, nhưng bù lại nàng làm việc như một con ở không có thù lao, chưa kể chuyện phải chấp thuận cho Bob làm tình bất cứ lúc nào hắn muốn.

Nàng có một đứa con gái, từ sau những đêm bão bùng cùng những ngày nắng chói bên ngoài nông trại thiếu vắng mùa thu hoạch. Cuối cùng hai ông bà già tống nàng ra khỏi nhà, không cần hỏi ý kiến gả con trai bắt đầu có triệu chứng suy nhược vì rượu và đàn bà.

Nhiều năm trôi qua, đứa con gái khờ khạo khi bước vào đời không còn cảm thấy sợ hãi. Gai góc và thương tật quá khứ đủ để trang bị cho nàng lòng tự tin đi về tương lai phía trước mặt, cùng với nhan sắc là một vốn liếng căn bản.

Nơi chốn nào cũng hấp dẫn được nàng, khi thuận mua vừa bán. Đôi khi dưới một mái hiên của tiệm giặt ủi, hay đàng sau một quầy chơi billard. Đôi khi nàng sống sang trọng nhiều ngày trong một Hotel dọc bên đường xa lộ hay trong một apartment rẻ tiền. Tất cả đều giống nhau. Gió đêm và ánh đèn nơi con đường số 6 là những tương quan mật thiết với nàng vì nơi đây đem đến cho nàng đời sống thực sự và cũng từ nơi đây nàng có vài người bạn. Họ luôn nhìn nàng bằng sự say đắm và rẻ rúng trộn lẫn, trong tay cầm ly rượu. Họ không chờ đợi ở nàng sự thủy chung nhưng ở nàng lúc đó toát ra vẻ trang nghiêm của một người phụ nữ đứng đắn. Nàng biết mình đủ đẹp để làm xao xuyến những trái tim khờ khạo nhất. Đêm cũng dễ làm cho người qua lại lầm lẫn nàng với những em nử sinh nội trú trong khu đại học, nếu nàng không kẻ thêm màu xanh trên viền mắt để dấu giếm những đêm ngủ muộn màng…

Những điều nàng kể, theo chàng, giống như một chuyện phim mà trong đó đạo diển đã cắt xén lộn xộn, không có đoạn đầu và lơ lửng ở đoạn kết. Nhưng chàng biết từ sau những lời nói khô khốc kia là một trái tim đang ướt át những dòng lệ. Đêm luôn có những vì sao nhấp nháy trên trời. Những vì sao úa bầm một niềm chai hóa tuyệt vọng.

Hình như có lần nàng đã nói với chàng rằng nàng yêu thích chàng. Chàng luôn cảm ơn nàng về điều đó.

Hai người hẹn gặp nhau tại quán cà phê Starbucks mỗi tuần vào ngày thứ ba. Sau đó Linda và chàng rời nhau, mỗi người đi về hai hướng ngược lại.

Hình như họ chưa từng hỏi về đời sống hiện tại của nhau. Điều đó đối với hai người không cần thiết và họ cảm thấy không có gì quan trọng bằng những ly cà phê đậm đen nóng hổi trước mặt. Giống như hai nhánh lục bình trôi giạt từ một góc sông đời, họ va vấp vào nhau và san sẻ niềm vui cho nhau mỗi lần gặp lại. Có vài con chim đen dạn dĩ đậu xuống giữa chân hai người để nhặt những mảnh bánh vụn và vài chiếc lá run rẩy trên mặt kính xe đậu nơi ngoài parking. Tất cả đều sáng rực một góc hạnh phúc ngắn hạn mà không phải ai cũng có thể đụng tới. Tất cả đều trở thành mối tương quan chặt chẻ với nhau.

Khi mặt trời thả xuống những tia nắng đầu tiên và khi chàng vừa sửa soạn đứng lên thì nàng hiện ra bên kia đường. Nàng đang gởi đến chàng một chiếc hôn đầy những gió lạnh. Phải còn vài phút nữa Linda mới đến tận chỗ chàng ngồi vì xe cộ đông nghẹt buổi sáng. Một người đàn ông hóa trang làm một tên hề đứng che chắn lối đi trước mặt nàng. Trên tay hắn đang cầm những chiếc bong bóng nhiều màu. Hắn đưa nàng một cái khi nàng đi qua và chàng thấy nàng biểu lộ một cữ chỉ cám ơn. Trong khi chờ đợi, chàng đi đến quầy kêu cho nàng một ly cà phê có pha một chút Hazelnut, một chiếc bánh Bagel nướng cắt làm hai, còn chàng thì kêu thêm cho mình một phần Martini đúp.

“Hello anh. Mạnh giỏi?”

“Hello em. Còn em?”

“Tuyệt. Nàng nói. Cứ tưởng là không đến được vì ở trạm xe buýt người ta đang biểu tình.”

“Họ đòi hỏi cái gì vậy?”

“Họ đả đảo ông Bush và chống lại chiến tranh nhắm vào Iraq. Đa số là sinh viên.”

“Người Mỹ mau quên quá khứ.” Chàng nói, hai tay cởi chiếc áo lạnh của nàng máng trên lưng ghế. Chiếc bong bóng cũng được cột bên cạnh. Chiếc khăn choàng trên vai nàng có vài đốm tuyết thì phải.

“Quá khứ của ai?”

“Của gần 3,000 người chết ở New York. Quá khứ của Saigon cách đây 30 năm”.

“Saigon là ở đâu vậy?”. Nàng ngơ ngác.

“Ồ anh xin lổi. Thành phố quê hương của anh. Nơi chứng kiến khủng bố và bạo lực nhiều nhất trên hành tinh này”.

“Tuổi trẻ có lý do của họ. Làm sao anh có thể quả quyết rằng khi nhắm vào Iraq là chình quyền của ông Bush có thể giải quyết được tận gốc rễ của khủng bố?”

“Nhưng ít ra cũng là dấu hiệu cho người ta thấy rằng dân Mỹ quyết tâm không để cho tai nạn ngày 11 tháng 9 tái diễn một lần thứ hai”.

Chàng ngượng ngùng và đẩy ly cà phê về phía nàng. “Đừng nên cải nhau về chuyện của người khác. Cũng đừng để buổi sáng hiếm hoi này của chúng ta bốc hơi trước khi anh và em hôn nhau”. Chàng hôn nhẹ một bên tai nàng. Giống tiếng va chạm của gió hay tiếng cựa mình của vải vóc. Chiếc bong bóng đang lảo đảo trong không khí.

Qua vai chàng, Linda thấy những khuôn mặt mờ nhạt trôi vụt qua bên ngoài cửa kính. Những chiếc áo gió lộng lẫy, duyên dáng chuyển động trên những bước chân vội vàng như chạy kiếm một thời vận vừa vuột khỏi tầm tay. Một góc đường ướt đẫm vì vòi nước đang xoay quanh một thảm cỏ chưa kịp hồi sinh vì mùa đông vừa rồi. Mùi cà phê bốc lên thơm ngát làm ngườ ta cảm thấy tươi tắn hơn một chút.

Ngày bắt đầu bằng những vang động của xe cộ bên kia đường. Của mùi son phấn len lỏi giữa bàn ghế thưa người. Linda nắm tay chàng bằng bàn tay ở không, giọng đầy phấn khởi:

“Em mua cho anh một món quà kỷ niệm”.

Nàng lấy từ trong túi xách của nàng một con chó bằng vải màu vàng đất. Nó có đôi mắt nhỏ giống như hai hột cườm đen, mềm nhũng vì không xương sống. “Anh để trước xe. Nó có thể trông chừng xe của anh suốt ngày không sợ ai lấy”.

“Ai gợi cho em cái ý nghĩ kỳ quặc như vậy?”

“Tự em nghĩ ra buổi chiều hôm qua khi về nhà. Bộ anh không thích sao?”

“Thích. Có điều là trông nó hiền quá. Làm sao nó có thể phản ứng lại khi có kẻ gian?”

“Nó không hiền đâu anh. Em sắp rời khỏi đây bây giờ”. Nàng nhìn lên đồng hồ trong quán.

“Em sao vậy?” Chàng nghĩ là Linda sắp trở chứng.

“Em không sao cả. Có một tí việc em phải thu xếp cho xong hôm nay. Hẹn anh tuần tới”.

“Anh đưa em đi được không?”

“Không, cám ơn”

Chàng đưa nàng lại áo choàng và để yên chiếc bong bóng. Có một chút mưa vội vàng bên ngoài. Mùa đông nơi đây rất ít khi thấy mưa buổi sáng. Người ta không kịp đem theo những cây dù để có dịp nở bùng trên những đôi vai đã yếu mòn vì đời, nên những quán có mái che bên đường sẽ là nơi ẩn núp lý tưởng.

“Em đợi hết mưa rồi đi”

Nàng cương quyết:

“Hôn em đi. Chàng ngốc của em”.

Họ hôn nhau giữa lối đi dọc bên hông những shop màu sặc sỡ. Những cây thông mùa Giáng Sinh lâu đời cao ngọn che lấp ánh mặt trời. Chàng đưa nàng đi một đoạn đường, qua một đèn đỏ rồi chia tay. Tên hề không còn đó, bù lại là một người Homeless mang bìa carton có viết hàng chữ “God Bless You” Và một ghi chú thêm bên dưới là một cựu quân nhân từng tham chiến ở Việt Nam. Làm như đó là một câu thần chú mở toang được mọi tấm lòng hào phóng của người qua đường. Cũng đâu phải người Mỹ nào cũng can đảm nhìn lại vết thương tượng trưng một quá khứ lầm lẫn?

Mùa đông luôn thỏa hiệp với chia ly và các băng ghế luôn chứng kiến những đôi tình nhân rời nhau dù dâu biển ngoài kia xô lấp chân trời. Chàng nhớ lúc mới quen nhau, có lần Linda cũng hiện ra tình cờ rồi biến mất nhanh chóng đến nổi trái tim chàng thắt lại nhiều ngày. Chàng đau khổ nhận ra rằng muốn tham dự vào tình yêu hay chối bỏ tình yêu, con người luôn phải có kinh nghiệm về sự mất mát. Nó sẽ là kích thích tố làm cho đời sống này đậm đà và bao la hơn.

Chàng chưa từng khen Linda rằng nàng có một khuôn mặt rất giống Việt Nam. Cho dù mái tóc vàng hoe của nàng không nói lên điều gì khác nhưng thẳm sâu dưới vầng trán êm ả kia là một trũng mắt đầy bóng tối. Nó tượng trưng cho một nơi chỉ có đêm và bất trắc. Nơi mà hạnh phúc không lớn hơn một tô phở và con người muốn tồn tại phải biết dối mình.

Nhìn chung, Linda có đầy đủ cơ sở để chàng tin rằng nàng từng ở Việt Nam hay dính líu đến Việt Nam. Đôi lần chàng làm như vô tình thốt lên một hai tiếng mẹ đẻ của chàng, nhưng nàng vẫn thản nhiên, không mảy may để ý. Nàng là một kịch sĩ tài ba hay là một cô gái tự nguyện chối từ gốc gác? Chàng không biết vì giữa hai người đã có hợp đồng là không ai lục lọi vào đời tư của nhau. Những chuyến buýt sẽ thả nàng xuống mỗi ngày thứ ba hàng tuần và cuốn hút nàng trở về một nơi chốn nào đó, từ nhiều tuần lể rồi. Còn lại một mình bên chiếc bàn tròn làm bằng gỗ đào hoa tâm, chàng nghe nổi khao khát dội lên từng ngón tay. Mùi hương từ thân thể nàng quẩn quanh không muốn vượt ra khỏi quán và chàng mường tượng đến thịt da nàng. Ôi phải chi chàng có thể hóa thân thành một hòn sỏi lăn theo vết chân chàng, để cảm nhận được từ nơi xa hơi thở nàng đang ràn rụa trong buồng phổi.

Giống như một niềm bí ẩn, Linda không bày tỏ thêm điều gì ở nàng. Nàng không để lại số phone cũng như để lại một địa chĩ. Một nơi chốn duy nhất khiến chàng có thể tìm thấy nàng là con đường số 6, vì đêm đầu tiên chàng gặp nàng tại đó.  Con đường phơi ra những nhánh điện rối bời lời kêu gọi tình yêu và dục vọng trộn lẫn. Cũng trên con đường này, đêm đêm ngồn ngộn da thịt xuống đường và những đấng mày râu sẽ giống như con thiêu thân tình nguyện lao vào lửa đỏ. Những nàng Kiều thời đại sẽ làm thăng hoa đường phố Mỹ quốc và áp đặt lên xã hội phồn vinh này một luật chơi mới là không hề có kẻ ném đá và người bị ném đá. Và nếu Chúa nếu có hiện hữu cũng sẽ không thể làm gì khác hơn là tế nhị quay lưng lại những gì dính líu đến tội lỗi.

Đời sống luôn tồn tại những đau khổ. Vì suốt hai tuần sau đó chàng không gặp Linda. Những chuyến buýt đi xuống vùng Downtown không có nàng bước xuống. Nàng mất tăm như một cánh chim đi qua giữa vùng biển hào phóng những san hô, những rong rêu che lấp nỗi buồn.

Đời sống cũng leo lét trong chàng những đóm lửa được thắp sáng bằng những que diêm chờ đợi, từ những cảnh quan bên ngoài. Những chỗ ngồi riêng tư của hai người, những bước chân đi về mê lộ. Vài chiếc xe đời mới chạy vụt qua và đàng sau tay lái là những chủ nhân thản nhiên với những gì đang có trong tầm tay. Còn gì nửa? Còn có cả mùi vị của nước bọt đọng trên đầu lưỡi của nhau khi họ không thể đè nén được sự rung động trong khi thời gian giãy chết bên ngoài.

Đến tuần lễ thứ ba nàng mới đến. Gương mặt nàng xanh hơn đôi chút so với bình thường, nhưng đôi mắt thì long lanh hơn. Nàng nói với hơi thở đứt quảng, như muốn hụt hơi:

“Em vừa gọi hẹn một cái phòng dành cho chúng mình. Anh có muốn xem không?”

Làm sao chàng từ chối được, vì đó là giấc mơ của chàng?

“Ở đâu?”

“Gần đây thôi. Cách hai Block đường”.

Nàng trang phục đồ đen với chiếc áo lạnh kiểu cách mùa đông bên ngoài. Với màu sắc này trông nàng có vẻ ốm hơn. Trên đầu Linda có thêm một chiếc mũ cùng màu không che hết mái tóc vàng hai bên tai. Không khí rét ngọt của buổi sáng tháng giêng làm cho thân thể nàng muốn sát vào chàng trên những bước chân cuống quýt.

“Ông bà cần phòng đôi hay chiếc?” Người phụ trách hỏi.

“Phòng chiếc thôi”. Linda trả lời.

“Có hút thuốc không?”

“Không”

“Ông bà trả tiền bằng cách nào?

“Tiền mặt”

Sau khi điền qua quít vào một tờ giấy và nhận tiền từ tay Linda, hắn đưa cho nàng hai thẻ chìa khóa, không quên nói thêm:

“Có cần gì xin ông bà gọi chúng tôi. Chúc vui vẻ”.

“Ông cũng vậy”. Chàng xen vào.

Hai người thản nhiên đi qua người trực phòng, trèo lên những bậc thang cũ kỷ có bọc thảm màu sáng. Chàng thấy mình trở nên ngại ngần như một đứa con trai chưa kịp trưởng thành. Cho đến khi cánh cửa vừa ập sau lưng hai người, chàng nghe tiếng nói của nàng khàn đục, cùng lúc chàng cũng nói giống như nàng:

“Nhớ anh quá”.

“Anh cũng nhớ em quá”.

“Em đi đâu mấy tuần lể nay?”

“Em vừa mới đi du lịch xa về. Có người muốn em cùng đi với họ sang Tampa”.

“Tampa là ở đâu?”

“Florida”. Nàng đáp.

“Chi vậy?”. Trái tim chàng vụt nhói như có ai vặn nó trong hai bàn tay.

“Chia bài. Họ đánh bài trên một du thuyền ở ngoài khơi. Em có bổn phận chia bài cho họ. Mỗi giờ họ trả 100 đồng, chưa kể típ”.

“Cũng không đến nổi tệ…”

Chàng bày tỏ sự thán phục giả vờ trong lúc nàng kéo chàng ngã nằm trên giường. Môi nàng tham lam rụng xuống như mưa trên mặt mủi chàng trong khi chiếc giường khổ sở vì hai người đã va nhập vào nhau dữ dội. Có một lúc nàng vượt lên trên chàng như con cá heo trồi lên thủy triều để thở. Chàng thấy màu trời màu chì sau vai nàng từ một khung cửa sổ không khép kín. Ở đó các cành cây khẳng khiu vươn lên như hứng bắt mọi niềm hoan lạc. Gian phòng không sáng vì không ai muốn mở đèn, nhưng đủ để chàng nhìn thấy chiếc dây chuyền có gắn thánh giá giữa đôi bầu vú trắng tuyệt vời của nàng. Như một chứng tích bất đắc dĩ. Cuối cùng Linda nằm xuống, nàng để một khủy tay hờ hững bên vai chàng:

“Anh có khinh em không?”

Chàng ngạc nhiên không phải vì câu hỏi mà ngạc nhiên vì Linda nói với chàng bằng tiếng Việt Nam.

“Em làm anh quá bất ngờ”.

“Anh không từng chờ đợi sự bất ngờ này sao?”

“Lúc đầu anh vẫn ngờ rằng em là cô gái Việt Nam. Em đánh lừa anh hay quá”.

“Không phải em muốn đánh lừa anh. Nhưng em không muốn làm dài thêm danh sách những cô gái hư hỏng trong cộng đồng…”

“Đâu phải lỗi ở em”.

Chàng vuốt ve trên bụng nàng. Nỗi ham muốn vẫn đầy ứ như lúc đầu.

“Em cũng muốn nghĩ như anh vậy. Nhưng không phải mọi suy nghĩ đều có khả năng xóa sạch dấu vết của tội lỗi. Không ai có thể phủ nhận căn cước của mình phải không?”

“Trong chừng mực nào đó thì việc làm của em không đúng. Nhưng trên khía cạnh nhân bản thì em vẫn là một cô gái đáng thương. Em ở đâu tại Việt Nam?”

“Cũng Sài Gòn”.

“Tại sao em không thử thay đổi sống khác hơn? Em vẫn dư sức làm lại cuộc đời không cần phải trông cậy nơi lòng hào phóng của người khác?”

“Muộn rồi”.

“Tại sao?”

Linda không trả lời. Nàng vẽ những nét vô nghĩa trên ngực chàng bằng ngón tay có những nét trau chuốt màu cánh sen. Giống như màu son trên môi nàng. Chiếc máy Heat trên tường không chuyên chở đủ hơi ấm khắp phòng, trong khi trái tim ướt át những ngày tháng tìm kiếm nhau. Giữa hai người, ai sẽ lau khô trước ngấn lệ mà cuộc đời đã đem đến? Vì chiều tối sẽ đến trong vài tiếng nữa. Bây giờ nàng đang lắng nghe môi miệng chàng dò dẫm bên dưới nàng, bên những ngỏ ngách mê đắm. Một chéo khăn trải giường nằm trong miệng nàng vừa kịp chận ngăn tiếng thổn thức. “Muộn rồi”. Nàng nghĩ. Họ lại quấn quýt một lần nữa trước khi chiều tối, trước khi hai trái tim lặng lẽ cùng thắp sáng một niềm tin.

Tuyết xuống mênh mông trên đường chiều vội vàng. Linda trả lại phòng và họ đang đứng trước chỗ đã chia tay lần trước. Một góc im vắng nhìn ra tòa nhà Capitol. Mọi người qua đường đều cảm thấy hân hoan khi những bông tuyết bám cứng trên tóc, trên vai áo, như thể trái đất này chưa từng trãi qua những biến động. Vài chiếc xe nằm bất tỉnh đó đây, mui phủ đầy tuyết trắng. Hơi khói từ sau xe tuôn ra rền rĩ như khiếu nại với thiên nhiên bên ngoài.

Linda bây giờ trở thành Linda Trần, đúng như ghi nhận trong bằng lái xe đã không còn hiệu lực- quay lưng lại phía chàng. Nàng không muốn để chàng thấy những dòng lệ chưa kịp chảy ra khỏi khóe mắt mình. Chuyến xe buýt còn vài phút nữa mới đến. Chàng đứng yên lặng nhìn về sau lưng nàng, hai tay thủ trong túi áo. Phải chi chàng được nàng cho phép vượt lên để ôm chặt nàng trong vòng tay và san sẻ với nàng một chút rét mướt? Phải chi bóng tối đừng bao giờ ùa tới để cho bình minh luôn ủ men hạnh phúc trên từng môi miệng của đời?

Chuyến xe buýt đang đi tới cách một Block đường. Nàng tiến về phía trạm xe, dưới những bông tuyết bôi xóa phũ phàng màu son đang rã rời trên môi. Hàng chữ Ozone Day nhấp nháy trước đầu xe đầy tuyết. Và tuyết cũng đóng băng trắng xóa trên vỉa hè xi măng. Trên những bảng hiệu từ các tiệm Pizza, tiệm Hamburger đang phơi phóng lời kêu gọi khách bộ hành ghé lại. Nàng cười một mình, không quay đầu nhìn lui, trong khi nước mắt ràn rụa.

Có những vết thương không cần băng bó, tự nó sẽ lành lặn. Nhưng có những vết thương không thể hồi phục vì vết cắt của đời sâu quá. Sự chia tay đột ngột đến nỗi chàng không muốn tin.

Một tháng sau chàng trở lại nơi chàng đã gặp nàng sau lần đầu tiên. Quán cà phê ngày thường không đông vui nhưng vẫn ào ạt mùi thơm. Chiếc bàn của hai người bỏ trống cùng hai chiếc ghế nằm nghiêm chỉnh. Chàng đậu xe bên thềm và đi bộ chậm rãi qua bên kia khách sạn, nơi ghi dấu một hạnh phúc gối chăn. Chàng ngồi xuống bên bậc thềm lên xuống làm bằng đá ong, không buồn để ý đến bụi bậm và một chậu hoa có nhiều màu. Mùa xuân báo hiệu bằng những đài hoa đủ màu cùng màu xanh no nê trên những cành dương xỉ. Có tiếng chim kêu vui đâu đây dưới bảng hiệu của một cửa hàng.

Mọi thứ giống như định mệnh. Nhưng là thứ định mệnh không ăn khớp và đi chệch bên ngoài hạnh phúc. Vì trong lúc chàng ngồi đó để tơ tưởng đến Linda thí nàng đang đứng bên ngoài Parking của quán cà phê Starbucks. Nàng đặt trên kính trước xe của chàng một hộp vuông và cẩn thận dán băng keo sợ rớt. Sau đó nàng bỏ đi. Con chó vẫn nằm im nhìn lại cố nhân mà không chút nào bày tỏ lòng phấn khích.

Khi chàng trở lại, nhìn thấy món quà bất ngờ trước xe mới biết rằng mình vừa vuột khỏi cơ hội. Chàng nhìn quanh không thấy gì khác ngoài chuyến buýt vừa vượt qua nơi chàng đứng.  Làm sao để biết nàng đang có trên đó hay không? Làm sao để níu kéo một tình cảm đã cố tình niêm phong chặt kín?

Chàng mở máy xe, nhưng không vội chạy đi. Chiếc CD của nàng nằm trong hộp giấy được tháo ra. Không có một chữ nào để chứng minh rằng món đồ vừa mang hơi thở nồng nhiệt của nàng. Chàng đút đĩa vào hộc máy, nhấn nút. Tiếng của nàng vang lên quen thuộc, không lớn lắm nhưng rõ ràng. Đôi lúc dừng lại vì đẫm nước mắt…

“Anh yêu dấu của em.

Chàng ngốc của em.

Làm sao để không dây dưa đến anh mà không vấp phải sự chống đối của trái tim. Em biết anh đang nhớ em quay quắt vì chính em cũng đang như vậy. Những gì em nghĩ về anh thì anh cũng nghĩ về em vì chúng ta là một từ lâu lắm rồi. Anh hãy nhớ lại nguyên nhân nào làm em sa ngã vào anh ngay lần gặp đầu tiên? Đó là nụ cười bao dung của anh. Nụ cười có khả năng níu kéo em quay lưng lại với tội lỗi và cũng từ nụ cười của anh, em biết mình được hồi sinh.

Cho đến bây giờ em vẫn chưa biết gì về anh. Vẫn chưa biết anh có một gia đình và người đàn bà nào đã ràng buộc được anh. Nhưng những gì anh cho em đã làm em cảm giác rằng em đã ràng buộc được anh bằng thứ khác.

Khi anh hỏi em rằng tại sao em không làm lại cuộc đời em trả lời với anh rằng đã muộn. Tại sao? Đây là điều em muốn nói với anh. Nói trước khi em lìa xa anh. Sau ngày em đi chia bài từ bờ bể Florida về, em được bác sĩ khuyên em nên đi thử máu. Kết quả mới chiều hôm qua, cho biết là em có triệu chứng nhiểm HIV.

Anh yêu dấu,

Ôi phải làm sao để diễn tả cho anh biết rằng em rất yêu anh. Đêm đêm, đứng bên đường số 6, em vẫn coi thường chính bản thân em vì đời sống đã cung hiến cho em những đau khổ nhiều hơn lạc thú. Em không có cả một quê hương hay cả một Sài Gòn để nâng niu và để bộc lộ với bạn bè chung cảnh ngộ. Những Madelene khác dù sao cũng còn có một tổ quốc, với em thì không, cho đến ngày em gặp anh, lúc đó anh khật khưỡng vì uống nhiều bia và đứng không muốn vững. Nụ cười rạng rỡ trên môi anh mang một ý nghĩ đặc biệt cho em, vì anh đã chấp trên vai em đôi cánh của một thiên thần.

Anh hãy để cho em mang ơn anh. Hãy để cho tình yêu tự nó bù đấp những mất mát của nhau, nếu anh coi sự vắng mặt của em là sự mất mát. Hãy để thời gian vá lành mọi thương tật. Em cố gắng sống không có anh. Còn anh?

Chúc anh nhiều nghị lực. Và hãy tha thứ cho em về những gì em đã làm cho anh…”

Chiếc đĩa không còn tiếng nói. Chàng đưa tay nhấn nút Off và khởi động cho xe lăn bánh. Nhưng chàng lại tắt máy xe và nhìn trân trân vào dòng người xuôi ngược. Con chó vẫn nằm bẹp dí bên cạnh tay lái. Hình như cuộc đời luôn đem đến những bất ngờ và mọi tặng phẩm từ đất nước này không bao giờ cho không mà không có sự trả giá.

Lâu lắm rồi chàng không muốn chạy ngang đường số 6. Chàng cười khan một mình và nghĩ về cái giá quá đắt của hạnh phúc. Nếu sự chết, sự tàn phai, trong một nghĩa nào đó cũng là một mặt khác của hạnh phúc…

Tháng 1, năm 2003


Sunday, December 11, 2011

chu hải có gì lạ không em?

THƯ VIẾT TỪ ĐƯỜNG HEATHERGLEN


Gởi Hoa, người Chu Hải

1.

Khi yêu nhau, người ta có thể chấp nhận những lầm lỗi của người mình yêu, dù sự lầm lỗi có làm cho chúng ta thương tổn. Bài hát chia tay vừa tắt và mới ngày hôm qua vệt son còn lầm lũi trên môi. Tôi nghĩ đến điều này khi tôi không còn nàng trong vòng tay. Con đường ngược gió sáng nay tôi lái xe đi về không có ai ngồi cạnh. Chiếc áo len vất hờ hững trên lưng ghế. Ngày chủ nhật tiếng chuông nơi giáo đường tự nó ngủ vùi trên cánh gió. Có những nỗi buồn không muốn gọi tên. Như những đêm dài không có bình minh chờ đợi.

Con đường đôi lúc bị ngăn đôi bởi hai hàng cây thù du. Phía bên kia là quán cà phê có nàng ngồi trầm ngâm trước khi đi xuống phố. Tiệm nail của nàng nằm trong một khu thương mại sầm uất, gần miền South, có tên là khu West Lake- Tây Hồ. Từ nơi này, cách đây 5 năm, tôi gặp nàng.

Không phải mùa thu sao vẫn còn có một vài chiếc lá vàng rơi trên mui xe của nàng. Mới tuần rồi tôi thúc giục nàng đưa xe cho tôi đi thay nhớt máy, nhưng công việc bận rộn đến nỗi nàng không nhớ đến kỳ hạn. Mãi đến chiều hôm qua nàng mới nhớ lại và tôi là người có “bổn phận” nối tiếp công việc đó.

Suốt đời tôi, tôi luôn đi bên cạnh những đoạn rời của người khác. Những đoạn rời lỡ làng và dang dở không tròn trịa một vầng trăng. Tôi không thể là một giấc mơ trong lòng của ai đó, hay là một tia nắng, dù thoi thóp hoàng hôn. Tôi cũng không thể là một cơn mưa bay nghiêng trên mỗi vai đời. Với sự thầm lặng kiêu hảnh của nàng, mọi người luôn vấp váp và té ngã vào đó. Trong đó có tôi.

Ngày cuối tuần không có nàng đi chung trên đường về. Nhưng mùa xuân lại cháy sáng trên mặt đường lầm lũi. Có khi nào tôi để tình yêu vuột mất trong vòng tay hay không? Tôi thầm nghỉ. Thành phố mang tên Austin và là thủ phủ của Texas, đang được trang điểm bằng những cây anh đào. Một ngày có nắng reo vui và màu hoa làm cho nắng trở nên rực rỡ hơn. Trên cao, từ một góc đường Congress và đường số hai nhập vào nhau, các tòa buynh đinh che kín một vùng. Những khung cửa kính vuông vức nhìn xuống như những đôi mắt nghiêm trang nhìn xuống xe cộ và dòng người xuôi ngược. Trời lạnh đột ngột và nhiệt độ xuống thấp. Nghe nói có tuyết ở Dallas ngày hôm qua và mưa tầm tả một vài nơi khác. Ðêm ủ những cơn mưa và ngậm trong lòng nó những gió rét. Tháng năm âm thầm đi qua trên vai người đàn ông già, mệt mõi. Những cơn mưa cũng vậy, ướt nhòa một nỗi nhớ.

2.

Tôi đi lạc mấy bloc đường trước khi tìm ra con đường Shady Park. Lâu lắm rồi tôi không có dịp đi về khu Downtown Houston. Những nhịp cầu chằng chịt đường 59, đường 45 chia hai miền Nam Bắc đã làm tôi ngỡ ngàng và không tài nào định hướng được lối về nhà của Bùi Chiến Công. Một cái tên nghe “dữ dội”, giống như một mệnh lệnh xung kích của địch quân ngày trước. Nhưng chủ nhà hiền khô và là một người sùng bái những ly bia và mồi màng hơn sùng bái những cuộc “dành dân chiếm đất”. Ðịa chĩ mang số 3050 cuối cùng tôi cũng đã tìm thấy trước khi đêm xuống. Ngôi nhà mang một khung cảnh thơ mộng giống như một câu chuyện cổ tích, trong đó có những mái che nhìn ra một vạt rừng và một lòng suối hẹp. Có những dây leo quân quít trên các đầu hồi mà ban ngày mới nhìn thấy rõ. Chúng sẽ chuyển mình và theo gió run rẩy như hơi thở của nàng Bạch Tuyết đang ngủ yên đâu đó. Ðâu đây tiếng một con sóc không chịu an giấc mà thao thức trên lá khô tìm mồi. Vài ánh đèn dội xuống trên ngạch cửa của những căn nhà lân cận, như nói lên sự huyễn hoặc của đời sống. Trong đó cơm áo và nhà xe đã xa rời và không lý giải được được một hạnh phúc đang đầm đìa tím lạnh, giống như những cành mạc lan. Chính trong ngôi nhà này, cách đây mấy năm, vợ chồng nhà văn Nguyễn Hữu Nhật và Nguyễn Thị Vinh từ Na Uy đã từng ngủ lại. Có luôn cả Bích Xuân. Người phụ nữ diễm kiều của Paris và của vườn Lục Xâm Bảo. Một tuần lễ mà Bích Xuân ghé lại nơi này, nghe đâu nàng không xẻ chia với Texas những vạt nắng mùa xuân, mà đem về những giông bão. Có những mưa bay và bão nổi trên vai những người đàn ông, nhưng tâm hồn người đàn bà vẫn bình yên như chưa từng biết qua những môi đời bầm vập. Tâm hồn họ trống hoác một khu vườn chưa nhú mầm bội phản và nắng gió chưa làm già háp dung nhan. Bích Xuân là một phụ nữ như vậy.

Khi tôi đến nơi và gài thắng tay để đậu xe vì xe nằm trong tư thế chúi đầu xuống một con dốc. Tôi không muốn thấy buổi sáng bước ra nhìn thấy xe của mình nằm ở đâu đó trong đám lá um tùm bên dưới, trong khi những con rùa, con rắn phơi mình trên mui. Giang sơn của Bùi Chiến Công không bình thản để một người viết văn đêm nay có cơ hội ngồi viết xuống chữ nghĩa. Chiếc laptop đem theo cũng không có dịp để tắm lạnh sương đêm và tình yêu cũng không kịp lai láng trên những mặt phím. Vì vẳng từ bên trong là tiếng người, tiếng những chén muỗng va chạm. Tiếng mở nút chai bia và tiếng cụng ly. Những người bạn tôi quen và chưa quen quy tụ nơi ngôi nhà đường Shady Park dường như không muốn  tiển chân một mùa tết âm lịch, vì tôi nghe họ đang đòi “chúc mừng năm mới”. Ngoài vợ chồng Túy Hà và vợ chồng Bùi Chiến Công là bạn bè thân thiết thường gặp trong các sinh hoạt cộng đồng tại Houston, thêm Nguyễn Xuân Cương, gốc Bảo Lộc đang ồn ào không chịu nhường ai nói nhiều hơn mình. Hai người bạn mới một người tên Cư, một người phụ nữ, tên Hoa Nguyễn.

Ðã qua rồi cái thời thanh xuân và lửa tin yêu đang cháy đỏ trong lòng. Qua rồi cái thời mà nhìn thấy búp non trong vườn đã ngại ngần không muốn hái. Nhưng tôi ngồi giữa bạn bè và nghe trong lòng vang động lại những bước chân vào đời. Ngày đó tôi liều lĩnh biết bao. Tâm hồn tôi giống như mảnh trời đêm ủ chật những vì sao đang bước vào vùng bão lửa. Sự khao khát, sự hoài mong và trên cùng là sự đam mê làm vụng về ngôn ngữ.

Khi tôi biết Nguyễn Xuân Cương tại phòng sinh hoạt của Ðài Litle Sàigòn, tôi không thấy Cương ồn ào vui nhộn. Tôi biết Cương vì Cương là bạn thân của nhà thơ Tú Kếu- Trần Ðức Uyển. Dù Cương không thiết tha với thơ thẩn văn chương. Tâm hồn Cương ngày đó như một vườn bơ, một luống trà trở trăn theo đất. Tẩm mát trái tim Cương, là sương mù và mưa bụi, đến nổi nhìn đâu Cương cũng thấy cuộc đời đều mỡ màng đất đỏ phù sa. Tôi cũng là một trong vài người bạn với Tú Kếu, khi anh về sống tại Bảo Lộc. Tú Kếu lập gia đình với cô Phượng, con gái út của ông chủ tiệm trà Tiến Ðạt. Ðám cưới linh đình thời đó, thời tôi là lính. Báo chí loan tin và bạn bè trong đó hầu hết đều là văn nghệ sĩ trong giới báo chí đều đến chung vui với anh.

Tú Kếu bây giờ đã chết. Sau nhiều năm tù ở trại Ðại Bình, Bảo Lộc, Tú Kếu về sống ở Sàigòn đường Trương Minh Giảng, nơi mà chị Phượng có một cơ sở buôn bán trà, cũng lấy tên Tiến Ðạt. Tú Kếu vẫn “ốm yếu ho hen” như ngày còn cộng tác với nhật báo Sống của nhà văn Chu Tử. Một đôi lần tôi ghé thăm anh, sau đó chúng tôi cùng uống cà phê nơi một quán nhỏ đường Huyện Thanh Quan. Người thi sĩ tài hoa của Sơn Tây, của “đồi núi Chí Linh và sông Hồng lộng lẫy” lúc đó vẫn hào sãng và còn phong độ. Cho đến khi tôi ra hải ngoại và biết tin anh mất vì chứng Alzheimer.

Những bài thơ anh sáng tác lúc thanh xuân mang một màu sắc dữ dội và gây nhức nhối những trái tim thiếu vắng hồng huyết cầu. Anh làm thơ giống như một kẻ giởn chơi giữa cuộc đời. Nhưng mỗi bài thơ là một nhát dao trủy thủ, rạch ròi và đâm suốt những tư cách vô lại.

Nguyển Xuân Cương ồn ào kể lại thời kỳ vàng son ở Bảo Lộc, về Tú Kếu. Ðiều thú vị thứ nhất là Cương đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ viết cho bạn hiền Tú Kếu, khi nghe tin anh lìa đời:

“Này ả phù dung, này lảng tử,

Này lời cao ngạo ý thâm sâu

Này khi bút chiến cùng thi tửu

Tất cả xin đừng hẹn kiếp sau”...

Một điều thú vị thứ hai là Cương giành nói mà không để cho ai nói được hết câu. Trước “đài phát thanh” Nguyễn Xuân Cương, mọi vô tuyến đều phải ...im lặng.

3.

Gió bên ngoài khung cửa không kịp khép, làm xao động một bâng khuâng. Cái bâng khuâng tưởng chừng đã thầm lặng từ lâu, từ những ngày lính tráng. Giữa những câu nói loang thoáng, xen kẻ  tiếng cười, tiếng cụng ly mời “chúc mừng năm mới’’, tiếng rền rĩ vì bia bọt chất ngất của Nguyễn Xuân Cương, tôi vừa nghe ai nhắc đến Chu Hải.

Giọng nói vút cao bằng âm sắc rất ư là Bắc Kỳ vừa khua gõ trong lòng tôi một cánh cửa đóng kín. Trong nhất thời tôi không kịp nhớ Chu Hải là một địa danh nằm ở đâu.

Tôi trở về Vũng Tàu từ một đêm mưa. Lâu lắm. Khi tôi chia tay với một người con gái ở đầu đường gió. Mới đầu, nàng thổi qua vai tôi những ngơ ngác làm bằng tiếng hôn và nước mắt nóng hổi. Sau đó, nàng đã rực rỡ vùi lấp mọi hi vọng. Năm 1970 nghe tin Ngọc đi lấy chồng. Tôi ũ trong buồng tim tăm tối của tôi những cuống lá mùa đông để mỗi ngày nhóm lửa. Bởi Vũng Tàu trong những ngày tới sẽ thiếu vắng mùa xuân. Bởi nụ cười nàng quá đổi ngọt ngào. Nó có khả năng biến đổi màu xanh của trùng khơi và núi non trở thành mịt mùng sương khói.

Trên chuyến xe đò Thành Hưng chật chội chuyển tiêp giữa hai đoạn đường Bảo Lộc- Sàigòn và Sàigòn- Vũng Tàu, tôi ngồi thu mình giữa những hành khách xa lạ. Giữa những khói thuốc và hơi người. Tôi hình dung đến những ngày trước mặt. Tình yêu chảy lùi sau lưng như một dòng sông mờ ão. Tình yêu củng đang thấp sáng bằng dung nhan của Ngọc, đang chạy đuổi theo xe. Tôi nhủ lòng cố quên.

Tất cả rồi sẽ trôi qua. Mọi ký ức rồi sẽ khép kín như một lòng sách dấu chứa trong đó những dòng xuống hàng vội vã.

Xe qua Long Thành. Qua Phú Mỹ. Qua mọi bờ cỏ xuân thì. Ðêm bay cùng cánh gió bên ngoài. Vệt đèn pha trước đầu xe quét lên màu đường trước mặt hai vệt sáng yếu ớt, không đủ soi rõ cảnh vật. Vài phụ nữ thiếp ngủ nhưng vẫn ôm chặt hành lý trong mình. Khuôn mặt chìm trong bóng tối một phần vì nón lá che nghiêng. Phần kia là mái tóc buông rũ như một nhánh sông đang tìm đường ra biển. Tôi nhớ Ngọc vô cùng. Khi những ngày chỉ còn lại mùa đông, Bảo Lộc mơ màng một bếp lửa. Nàng cũng vậy. Có những ngọn cháy đỏ trong tim nên tro than còn âm ĩ sau một cuộc chia lìa. Có những ngọn chưa dấy lên một lần để cuối cùng tàn vào nỗi rã rời khao khát. Những năm tháng đi qua âm thầm như tiếng thở dài dấu diếm. Sự đau khổ lớn lao nhất trên trần gian này là hai người yêu nhau nhưng không thể tìm đến nhau. Thành phố của tôi và Ngọc tương phản nhau như tính tình của hai người. Của nàng là rừng, của tôi là biển. Biển và rừng có khi nào kết hợp vào nhau? Chúng tôi chỉ giống nhau ở một điều là cùng mang tình yêu đi vào đời mà không so bì hơn thiệt. Nhưng khi sa bại mất mát, tôi bị khánh tận, còn nàng vẫn dửng dưng, đứng vững.

Ðâu đây tiêng bánh xe rít róng trên mặt đường đêm vì quẹo vào khu vực có nhà cửa. Ðâu đây phố núi châm đèn. Tiếng của người lơ xe thúc hối: “Cô bác ai xuống Chu Hải sửa soạn hành lý...”. Có tiếng một cô gái vang lên, hối hả:”Cho tôi xuống”.

Tiếng của một cô gái Bắc. Âm vọng như một nhánh cỏ nứt nẻ giữa dòng mưa, làm tôi ngỡ ngàng.

Chu Hải, ngày đó là một xứ đạo non trẻ, được thành lập sau ngày tôi vào lính. Ðó là một xóm nhỏ, nằm dựa lưng vào núi Dinh và sân bắn của Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp. Bên kia đường là những ruộng mạ phơi phới cùng chạy song song với quốc lộ 15. Trước khi xe đò vào địa phận Bà Rịa, Vũng Tàu, Chu Hải có thể là một chặng xuống cuối cùng.

Xe dừng lại hẳn để thả cô gái xuống cùng với hành lý. Cô gái sẽ đi thêm một đoạn đường nửa để về nhà. Nàng hãy mang trên vai nỗi mừng được đoàn tụ lại với người thân sau mấy tiếng đồng hồ ngồi bó gối trên xe. Nàng sẽ về trên bước chân vui cùng cọng cỏ cong mình như một vầng trăng gầy yếu, mặc trên vai tiếng gió thầm thì...



Hôm nay, trong ngôi nhà vùng South 45, đường ra biển Galveston, tôi vừa nghe lại một địa danh tưởng chừng như mất biến trong ký ức cuộc đời. Người con gái trước mặt tôi, tròn trịa như một viên mực lăn lóc trên trang vở cũ, đã gợi lại trong tôi một quá khứ thương tật.

Mùa xuân của Vũng Tàu năm 1970, khi tôi chia tay với người con gái Blao vừa thơm ngát môi đời. Mái tóc em vừa nghiêng xuống vai tôi cũng thơm ngát một màu son và tôi cảm giác muốn trưởng thành con người phải chạm tay với đau khổ.

Trước mặt tôi, cô gái có tên giản đơn tượng trưng một đời hoa- Hoa Nguyễn, vừa nhắc cho tôi nhớ rằng Vũng Tàu thân yêu của tôi, ngoài Bến Ðình, Bến Ðá, Bãi Trước, Bãi Sau, còn có một vùng đất mang tên Chu Hải. Có một vùng đất mà cư dân nơi đó đa số đều phát âm giọng Bắc không sai trật chính tả và mỗi tâm hồn ươm tụ phù sa sông Ðuống, sông Hồng. Mùi hoa sửa vẫn nồng nàn đậu xuống phố từng đêm, trên từng cửa ô Hà Nội. Mỗi cửa ô là mỗi ngăn lòng nhức nhối.



Chu Hải có gì lạ không em? Tôi hỏi nàng. Có thể nàng không thể trả lời vì không hề biết bao nhiêu bão giông đã từng đi qua trên vai nàng? Có bao nhiêu câu thơ trở mình để làm đậm đất đai và giữ xanh màu lá? Và trên xứ người tạm dung có làm người con gái bị đứt rời quê hương nghe khao khát trong lòng một mạch đất hồn nhiên đã từng như một mạch đời đau khổ?...