Wednesday, May 29, 2013


VỚI NGƯỜI MỘT THUỞ… CƯ-AN

. thơ mhhoàilinhphương

 






 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
…Và có phải… mãi còn trong tâm tưởng?
Khi ta… với người… nửa đoạn đời xa.
Ta vẫn lặng thầm trên từng bước chân qua
Tay se chỉ giở từng trang sách cũ…
 
Mưa tháng tư nhớ trời Tăng Nhơn Phú
Tuổi hai mươi tổ quốc gọi lên đường
Áo thư sinh bỏ lại những mùa thương
Chân rón rén… thư trao… ngoài cửa lớp…
Ta bé nhỏ bên hiên trường im khuất
Thơ học trò viết mãi chuyện yêu nhau
Chiều Văn Khoa… tay nhòe mực, cúi đầu
Mưa vẫn bay nghiêng trên hàng phượng vĩ…
 
Đồi 25, đồi 30, “địa hình”, “căn cứ”
Vang rừng chồi xanh ngắt  bước quân ca…
Dây tử thần… như tráng sĩ Kinh Kha
Kiêu dũng lắm, đường chiến binh gian khổ!
Nung chí trai nơi thao trường nắng gió
Quyết  một ngày về nối dãi non sông
Đồi Mẹ Bồng Con ôm ấp trong lòng
Gươm súng khắc ghi lời thề son sắt
Bình Thủy, Năm Căn, đặc khu Rừng Sát…
Ánh mắt theo người khắp nẻo di quân…
Và lênh đênh khi vận nước xoay vần
Tuổi trẻ tang thương, thiên đường đóng cửa!
 
Trời tháng tư, mưa còn qua phố nhỏ?
Màu Cư-An, trường Thủ Đức còn đâu?
Nên tiếng thơ ta vẫn mãi giăng sầu
Người đã khuất xa… bỗng về trong nỗi nhớ…
M.H HOÀI LINH PHƯƠNG
Washington D.C tháng 04/ 2013

* Cư-An Tư-Nguy: tôn chỉ trên phù hiệu của các S.V.S.Q xuất thân từ trường Bộ Binh Thủ- Đức V.N.C.H
 
 


Thursday, May 23, 2013




CANADA, QUEBEC VÀ TÔI
Trích từ bahaidao



(Tháng Tư 2013, để nhớ lại tháng Tư 1975)

 



 

Tôi ngụ cư ở Montréal, đô thị lớn nhất của Tiểu Bang Québec, Canada, như vậy là đã được 35 năm rồi, gấp đôi thời gian tôi ở Sài Gòn (chỉ vỏn vẹn có 13 năm!). Như vậy, tôi là người Việt Nam, Saigonais hay Canadien, Quebecois ??
Việc tôi đến Québec, thực ra cũng là do sự sắp đặt của số mệnh. Hồi đó, tôi cũng chưa tính tới chuyện vượt biên thì anh bạn tôi, Dương Quang Hảo , tổ chức một con tầu vượt biên. Đó là mùa hè năm 1978, khi tôi vừa đi “cải tạo” về, còn chưa hoàn hồn. DQH tử tế cho tôi đi ké. Tới nay, tôi vẫn còn cám ơn ông bạn vàng này. Anh em là anh em, nhưng là ân nhân thì vẫn là ân nhân.
Chúng tôi đến được Mã Lai sau một cuộc hải trình khá vất vả, có gặp hải tặc, nhưng vì lúc đó quá sớm, không có chuyện hải tặc giết hại thuyền nhân, chỉ chấn lột một ít tiền bạc, vàng, nữ trang. Giữa lúc đang bị cướp, biển động, sóng cấp 3. Bọn hải tặc đưa chúng tôi lên tầu lớn của chúng, đãi ăn một bữa cơm chiều với cà ri gà, khá ngon, cho ngủ lại một đêm. Hôm sau, thả chúng tôi về thuyền, cho đi tiếp. Lênh đênh mãi, suốt 3 ngày đêm, chúng tôi lên được đất liền. Mã Lai không cho lên, đang lo, thì thấy có một người da trắng bơi đến gần, ra hiệu cho anh bạn tôi phá tầu đi. Sau này, người ta nói cho chúng tôi biết đó là ông Cao Ủy, tên Pierre, không biết có phải không. Anh bạn tôi bèn lấy con heo dầu của tầu, liệng xuống biển rồi họ nhẩy xuống đục tầu. Tầu tỵ nạn không chìm, nhưng mắc cạn, nằm nghiêng ngay bãi biển Paulau Bésar, là một thành phố du lịch của Mã Lai, đầy du khách, nên chính quyền Mã Lai phải miễn cưỡng cho chúng tôi lên bờ, và vào trại tỵ nạn Poulau Bésar, hồi đó chưa có Poulau Bidong .Nghĩ lại, còn kinh hồn, Nhờ phước của ông bà để lại, chúng tôi an toàn, may mắn hơn các người vượt biên vài tháng hay vài năm sau.

 Tôi gặp tại trại tỵ nạn nhiều đồng nghiệp.Các người tỵ nạn có một chút trình độ, thì cũng dễ dàng được phái đoàn các nước chấp thuận cho vào định cư. Người tôi gặp đầu tiên là một ông Mỹ. Ông này gọi riêng tôi lên để khai thác xem tôi có thể cho tin tức gì liên quan đến những người Mỹ còn mất tích hay không. Sau khi không khai thác được gì từ tôi, ông hỏi tôi muốn đi định cư ở nước nào, tôi trả lời bừa, không suy nghĩ :
- Có lẽ tôi sẽ xin đi Canada.
Ông Mỹ thích quá, reo lên :
- Ồ, Canada, đây là một nước rất tốt.
Không thấy ông ta khuyến khích mình xin đi Mỹ, có vẻ không wellcome mình, tôi cũng không hỏi gì thêm và cũng không xin gặp phái đoàn Mỹ..
Lúc ra về, tôi gặp anh bạn N.V.Nam, đồng nghiệp, cùng một promo. Anh Nam nói với tôi : “Moi thì chỉ thích nước Pháp. Voir Paris et (ou)… mourir.”..Quả nhiên, anh xin đi Pháp và được phái đoàn Pháp chấp nhận dễ dàng. Tôi có một anh bạn, cựu Đại Úy không quân, dân pilote hào hoa và liều lĩnh. Anh nói với tôi :
– Cậu đi với tôi qua Úc đi, hai đứa mình xin đi làm nông trại, khẩn hoang, làm giầu.
Tôi lúc đó biết rằng việc trở lại nghề Y ở ngoại quốc rất khó, và cũng có chút thích phiêu lưu, thích quá, nói với anh bạn này : Đồng ý, khi nào phái đoàn Úc đến, tôi sẽ xin đi với anh. Anh bạn này sau sang Úc, không đi khai phá đất hoang gì, mà mở quán ăn ở Perth hay Melbourne gì đó, làm giầu thực. Nay đô la rủnh rỉnh, mua nhà ở Việt Nam, rồi đi đi, lại lại giữa Việt Nam và Úc, như đi chợ.
Tôi về lều, nói với bà vợ mới cưới, chỉ 4 tháng trước khi vượt biên ý định xin đi Úc của mình. Bà ta nhất định không chịu :
- Em của anh ở Canada, anh của anh ở Mỹ, đi Úc làm cái giống gì ??
Nói tới, nói lui mãi, hai vợ chồng chưa quyết định gì được. Một hôm,. đến lều của anh Nguyễn Phú Cường chơi, gặp đàn anh Nguyễn Văn Trí, hai anh này nói với tôi :
– Canada có vùng Québec nói tiếng Pháp,, dễ sống lắm. Quebec đất rộng gấp 10 lần nước Việt Nam, dân số chỉ có 6, 7 triệu, đời con, đời cháu mình cũng không sợ thiếu đất như ở Paris hay London.
Chính 2 lý do thiết thực này đã làm tôi suy nghĩ : Có lý, sao mình nghĩ không ra.Thế là khi phái đoàn Canada đến, tôi lên xin đi Québec, và được chấp thuận, với điều kiện là tôi đừng đòi hỏi phải trở lại với nghề nghiệp của tôi, vì họ không thể bảo đảm về việc này..Cho đến nay, tôi vẫn không biết quyết định như vậy có đúng hay không. Nhiều khi sau này, khi nghe các đồng nghiệp hốt bạc ở Hoa Kỳ, đôi lúc có hối tiếc, nhưng về già, nghĩ lại thấy quyết định của mình cũng không đến nỗi tệ. Đúng như vậy, đời sống của chúng tôi tại Montréal tuy không giàu có như ai, nhưng rất là êm đềm, như nước hồ thu và không vất vả như các đồng nghiệp ở các quốc gia khác.

Trước hết là các đồng nghiệp người bản xứ. Hồi đó, Ordre des médecins du Quèbec (Bây giờ gọi là Collège des médecins du Québec) có ông chủ tịch A.Roy, nâng đở các y sĩ Việt Nam hết mình. Trong khi các y sĩ Việt Nam đến các tiểu bang khác của Canada trầy vi, tróc vẩy, không trở lại nghề được, thì ở Montréal, y sĩ Việt Nam được giúp đỡ, thi lại, đi thực tập, rồi hành nghề trở lại khá dễ dàng. Trung bình, chỉ 2 hay 3 năm, là lấy lại được quyền hành nghề. Bản thân tôi, đến Montréal tháng 11 năm 1978…dến giữa năm 1981, đã có quyền hành nghề một cách rất đàng hoàng. Sau này, khi ông chủ tịch Y Sỹ Đoàn đó về hưu, thì khó khăn hơn, nên nhiều đồng nghiệp đến sau, không trở lại nghề được. Chẳng ai giỏi hơn ai. Cuộc đời hơn nhau ở cái may mà thôi.
Người dân Québec gốc Pháp, nhưng không phải dân Parisien đâu.. Họ có lẽ là những người anh chị, phóng khoáng, giang hồ nên khi đến đất mới, có lẽ theo như tôi nghĩ (việc này không biết có đúng không, phải kiểm chứng lại), đổi lại họ tên, nên các họ của dân Québec nhiều khi nghe buồn cười lắm. Nào là ông LAPORTE, bà LAMONTAGNE, cậu BOILEAU, cô BOIVIN. Có người lại tên CAUCHON, có người lại tên COITEUX… còn các tên thơm như DESJARDINS, LAFLEUR thì nhiều lắm.
Người québecois ăn nói bộc trực, cư xử phóng khoáng hệt như dân Nam Kỳ. Họ không phân biệt đối xử. Trong khi các đồng nghiệp của tôi ở Mỹ hay các tiểu bang nói tiếng Anh, BS da vàng mũi tẹt thường chỉ có khách hàng cũng da vàng mũi tẹt, người da trắng ít khi chịu cho bác sĩ mít khám, thì các người quebecois, gần phòng mạch nào đi khám phòng mạch đó, bất luận bác sĩ là Việt Nam hay da trắng, da đen gì. Tôi làm việc tại một khu phố gần như hầu hết là dân quebecois pure laine ( nghĩa là chánh gốc, thứ thiệt, 100 phần dầu). Hồi sau này, bác sĩ ở đây khan hiếm, nhiều khi đến phòng mạch làm, thấy mấy người này sắp hàng dài, chờ mình đến, tự hỏi tại sao mấy người này có thể tin cậy một ông bác sĩ già, nhỏ bé , ăn mặc bừa bãi, không xe xua gì (nhà quê, theo lời bà vợ tôi tôi phán) như mình, thiệt là kỳ lạ.
Sau này, con cháu của các đồng nghiệp, của các thuyền nhân thuộc các giới khác như giáo sư, luật sư theo các ngành Nha Y Dược nhiều lắm. Trong một bệnh viện thuộc Rive Sud của Montréal, số bác sỹ gốc Việt đông lắm, đi đâu cũng thấy họ Trần, họ Nguyễn, họ Phạm….v.v Nhiều khi loa phóng thanh vang lên “bác sỹ Nguyễn” , có việc cần ở phòng này, phòng nọ…thì không biết là ông Nguyễn nào, vì trong nhà thương, có cả chục BS Nguyễn, vui lắm.
Dân Quebecois nói tiếng Pháp với một giọng đặc biệt, gọi là accent quebecois. Cũng tỷ như người xứ Quảng nói tiếng Việt. Không quen, đố nghe được. Ngay cả như tôi, khi 2 đứa con nói chuyện với nhau bằng thứ tiếng này ( mà khổ nỗi, hễ nói với nhau, là chúng không bao giờ nói tiếng Việt), là tôi và mẹ chúng, chịu thua một phép.
Khi viết, thì càng tệ hơn. Tôi có thể dám cá với mọi người là khi viết tiếng Pháp, tuy tôi là dân Chu Văn An, so với người trung bình quebecois, tôi ít lỗi chánh tả và văn phạm hơn họ. Người québecois viết như họ nói, nói sao, viết vậy, không cần để ý đến orthographe , grammaire gì hết. Ngay trên báo chí, người ta cũng bắt gập các lỗi rất thông thường. Không hề gì, miễn làm sao cho 2 người hiểu nhau, vậy thôi. Còn bà Pauline Marois, đương kim Thủ Tướng Québec, khi bà nói tiếng Anh, không hiểu các bạn có nghe chưa ?? Các ký giả trên tờ Journal de Montréal kêu quá, về vấn đề này, nhưng “no Star Where”… chuyện nhỏ.

Việc tôi không mấy thích ở Québec là mùa đông ở đây lạnh quá, nhiều tuyết quá.
Hồi mới sang đây, mới có xe, tôi dại dột mua mấy cái xe Mỹ (chiếc xe đầu tiên tôi mua là 1 chiếc Mustang sport, mầu đỏ chói cho đúng điệu dân chơi cầu ba cẳng, được có 2 năm, gặp trục trặc đủ điều). Khi trời lạnh quá, đề xe không nổ. Sau này đổi sang xe Nhựt, hâng Toyota, không còn gập cảnh phải kêu người đến “bouter” cho xe chay ( tiếng này không hiểu có phải do tiếng anh to bơost hay bouter là đem một chiếc xe đang chạy, đến câu điện vào bình của xe mình bằng 2 sợi dây một đen, một đỏ, mình gọi là câu xe. Bouter là nối bout này đến bout kia ). Dù sao chăng nữa, nói như vậy là dân québecois hiểu liền, không phải giải thích lôi thôi . Cũng như khi dục ai nhanh nhanh lên một chút, thì họ nói Ơ Wây, Ơ Wây. Hỏi một ông québecois chữ này viết ra sao, tại sao lại nói như vậy, thì ông này giải thích một cách đại khái : Có lẽ chữ này xuất xứ từ chữ envoyer, khi xưa làm việc en chaine trong các hãng xưởng, người ta dục nhau…. envoie, envoie. Cũng là một cách giải thích. Đại khái cách nói của người quebecois có nhiều chỗ bí hiểm như vậy.
Trở về với mùa đông,lâu lâu, có những cơn bão tuyết dầy đến 50, 60 cm, có khi 100 cm. Mà các cơn bão tuyết này lại thường xẩy ra ban đêm. Có năm, đánh bài xong, ra khỏi nhà bạn, lấy xe về, nhìn thấy xe mình chôn vùi dưới đống tuyết, thấy muốn khóc. Hôm đó, tôi may mắn gặp được một người chuyên môn dọn tuyết cho tư nhân, với một cái xe có trang bị một cái cào tuyết bằng sắt to tổ chảng phía trước, nhận lời cào tuyết để đem xe ra với giá 100 đô nên ra về được. Sáng ra, anh Phạm H T chủ nhà, ra đường nhìn thấy một cái lỗ khổng lồ, cứ tấm tắc khen tôi giỏi đào tuyết. Tôi dấu biệt chuyện mình đã thuê người ta làm. Đó là trận bão người ta gọi là trận bão của thế kỷ 20.

Hồi tháng giêng năm 2013 mới đây, tôi lâm vào một hoàn cảnh tương tự sau khi ở phòng mạch ra. phải nhờ đến 2 thanh niên québecois giúp, mà gần một tiếng mới đào được một lối cho xe chạy được ra giữa đường, vì xe làm đường ủi tuyết vào lề đường mà mình đang đậu xe. Ngộ một điều ở đây, là khi mình hoạn nạn, là có nhiều người sẵn sàng giúp mình, đẩy xe dùm mình. Làm như ai cũng quen với việc này rồi, nên giúp nhau là lẽ đương nhiên. Cho đến nay, đây là trận bão của Thế Kỷ 21, Không hiểu thừ nay đến năm 2199, có trận bão nào lớn hơn hay không ?
Mùa hè ở Montréal thì dễ chịu lắm. Trừ một vài ngày rất nóng, thì ba tháng hè rất lý tưởng cho các du khách. Người ta đặt ra rất nhiều lễ hội, cũng như các thành phố khác ở khắp nơi trên thế giới, để quyến rũ du khách. Nào là Festival nhạc jazz, Juste pour rire, just for fun,….đua xe F1, bắn pháo bông quốc tế…v.v Lúc nào centre ville cũng đầy người, đầy xe cộ. Thú nhất là xuống đường St Denis, vào các quán cà phê, vừa uống cà phê, vừa nhìn đầm non đi lại, ăn mặc rất là thiếu vải. giống như hồi trước ở Sài Gòn, ra La Pagode hay vào Givral.

Tôi sống ở Montréal mà không khác gì thời sống ở Sài Gòn. Bạn bè Việt Nam, đồng ngiệp, đồng “thói hư tật xấu” giống như xưa, mà chẳng bị lên án là đồi trụy gì . Vậy mà, ở Việt Nam, sau 1975, tôi đã bị bọn cán bộ đạo đức giả lên án vì đã bị hủ hóa, trở thành xấu xa vì Mỹ Ngụy. Thực kỳ quái, tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn, vẫn du hý, đánh bài, giống hệt như hồi xưa ở Sài Gòn, Cần Thơ, mà sao ở đây, họ không kết tội tôi là bán nước, bóc lột dân lao động, ăn bám xã hội gì hết. Bọn chết tiệt CS sau khi vào được Miền Nam, đưa chúng tôi vào trại cải tạo, rồi gán cho trăm ngàn các thứ tôi, mà trong các buổi học tập, mình nói như con vẹt, nhận tội , rồi sau đó chẳng hiểu mình mắc tôi gì. Ai không nhận tội, dù chỉ trên đầu môi chót lưỡi, nín thở qua sông, thì coi như chưa tiến bộ, phải ở lâu hơn.
Thôi, coi như cái thời kỳ đen tối đó đã đi vào dĩ vãng rồi. Quên nó đi cho được việc.

Trở lại với mùa hè ở Montréal, nếu thời tiết quanh năm được như vậy, thì Montréal quả thực là một thiên đường. Đáng tiếc là chỉ được 3 tháng đẹp trời mà thôi. Hè đi thì thu tới.
Mùa Thu Montréal nói riêng, và Québec hay Canada nói chung, đẹp tuyệt vời, với lá thu vàng hoạc đỏ rơi tả tơi, bay theo gió thu. Nhiều người sang Canada để chỉ muốn nhìn thấy những cảnh lá đổi mầu và rừng thu thay áo như vậy. Trong một mùa Thu gần đây, dù không phải thi sĩ, nhưng trước cảnh đẹp mùa thu, và tuổi già, nhớ tới những cố nhân, tôi đã sáng tác ra mấy câu thơ sau đây, xin trình bầy để bà con thưởng lãm (thơ con cóc, xin đừng cười) :
Nhìn lá vàng rơi, lá vàng rơi.
Mùa Thu quyến rũ đã qua rồi.
Ta tìm gì nữa , tìm gì nữa.
Chỉ thấy lá vàng lác đác rơi.
Nhìn lá vàng rơi, lá vàng rơi.
Sự nghiệp, công danh, chán quá rồi.
Ta tìm ai nữa, tìm ai nữa.
Bạn bè mấy đứa nhớ nhau thôi
Đúng như vậy, bạn bè lâu lâu lại có một đứa bỏ cuộc chơi . Gặp nhau ngày nào vui ngày đó, còn tương lai : Kệ nó !! thắcmắc mà làm chi.
Cuộc đời, như một dòng sông , một chuyến đò, hay một chuyến xe métro.
Mỗi người, mỗi thế hệ, theo thời gian, lại có những bến đỗ khác nhau.
Tôi là một người Việt Nam, nhưng hình như các con tôi bây giờ, chúng là các Quebecois. Mới đây, tôi hỏi thử thằng con út của tôi : Con có muốn sang Mỹ làm việc hay không. Con sẽ kiếm rất nhiều tiền bên đó. Đứa con trả lời tôi một cách bất ngờ :
– Làm sao con có thể bỏ Québec được hở bố. Québec đã đầu tư quá nhiều vào những người như con.

Đúng như vậy, sống ở Québec, một thanh niên, bất cứ thuộc sắc dân nào, nếu có tài, và có chí, thì Québec giúp họ thành công dễ dàng. Được voi, đòi tiên, các sinh viên Québec hiện còn đang đòi học đại học miễn phí, việc chưa bao giờ có ở Bắc Mỹ. Các con tôi, khi học đại học, được cho vay tiền, được học bổng. Cả 2 đứa,đều có trêm mười năm học đại học, chúng tôi có giúp chúng, rất ít, nhưng nếu chúng tôi không giúp gì đi nữa, chúng cũng có điều kiện ra trường một cách dễ dàng, chỉ nợ thêm một chút nữa thôi, khi đi làm, sẽ thanh toán mau chóng.Xã Hội Québec giúp đỡ các công dân của mình thành công. So với các sinh viên Việt Nam còn sống trong nước, các con tôi thực may mắn.Đây mới chính thực là Xã Hội Chủ Nghĩa.
Viết bài này, tôi, một người Việt Nam, bị các đồng bào của mình ngược đãi, đến mức phải bỏ xứ mà đi, vì không muốn bị kỳ thị, vì không muốn mấy đứa con không có tương lai chỉ vì lý lịch của bố nó), chỉ để tri ân các người quebecois, đã đưa tay ra đón nhận và giúp đỡ chúng tôi làm lại cuộc đời.
Xin cám ơn Canada.
Xin cám ơn Québec.
Bọn CS sẽ không thể kết tội tôi “bán nươc”.
Sau 75, tôi đâu còn “nước”.Chính chúng nó đã cướp mất “nước” của chúng ta, để bán cho Tầu !!!

Saturday, May 18, 2013


ĐÊM LÍNH CŨ

BÙI CHÍ VINH
 








 



“Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm”
Bài nhạc đầy cải lương nói về người lính
Nam Bắc phân tranh, chiến hào Nguyễn Trịnh
Điệu Habanara nón sắt úp trên đầu

“Sương trắng rơi vai tôi ướt rồi sao?”
Vai ai ướt, Bắc Kỳ hay Nam Bộ?
Đời lính thú lưu đồn quên cố thổ
Một chữ Lính viết hoa, bao ngôn ngữ đều thừa

Gặp lại bạn bè cũ vẫn như xưa
Thằng nào cũng hát những bài ca tang chế
Điệu Bolero như một lời trách khẽ
Tiếng đàn đêm bỗng hóa tiếng than dài

Phải rồi tiếng đàn quen thuộc ở Chu Lai
Nắp hầm đầy rêu ta ngồi bưng mặt khóc
Nghe gõ nhịp điệu sênh tiền lóc cóc
Nhạc ngựa reo thấp thỏm giọng nam trầm

Phải rồi tiếng đàn quen thuộc ở Chư Pông
Dân “sinh Bắc tử Nam” không cần Trương Lương thổi sáo
Thằng ca sĩ lính Cộng Hòa cụt đầu, cây guitar chảy máu
Khán giả hét “xung phong” qua tiếng pháo ngậm ngùi

Phải rồi phải rồi, tiếng đàn quen thuộc ở đây thôi
Thằng đang là đồng chí, thằng từng là chiến hữu
Cũng tiếng đàn ấy tưởng xưa mà chẳng cũ
Dù đứt một dây, gân cổ vẫn nghẹn ngào

Mười năm mới gặp nhau, mỗi đứa một cơn đau
Cởi áo binh chủng sao hồn còn vằn vện ?
Nói gì đây khi rửa tay gác kiếm
Chỉ biết lặng im chờ thái độ tiếng đàn

Nhưng tiếng đàn của binh nhì thì không chọn lọc giống sĩ quan
Lại Habanara, lại Bolero lại những bài hát ấy
Không phải Tango, không phải Valse quý phái
Mà rất rưng rưng con mắt kẻ giang hồ

Giải phóng về ta bỏ súng làm thơ
Bạn bè tàn phế phải ăn mày hát dạo
Tiếng đàn từ đó trở thành ra giọt máu
Máu đã ứa ra không thể ứa hai lần

Không thể quay đầu trước xương máu nhân dân
Và đóng ngược vào đời mình đinh nhọn
Cám ơn lời ca và tiếng đàn chưa muộn
Đã đánh thức ta sau mười tuổi công hầu…

BCV


Friday, May 17, 2013


ĐỪNG KHÓC CHO PHƯƠNG UYÊN MÀ HÃY SỐNG CÙNG MƠ ƯỚC CỦA EM
TRẦN TRUNG ĐẠO

 Bức tường chuyên chính CSVN đã không sụp đổ vì những cơn bão thời đại Liên Xô, Đông Âu, Bắc Phi xa xôi nhưng chắc chắn sẽ sụp đổ vì những giọt nước kiên nhẫn Việt Nam đang nhỏ xuống từ tuổi trẻ Việt Nam, từ đồng bào Việt Nam trong cũng như ngoài nước. 


Cô bé đứng trên bục cao, đôi kính cận có cọng dày, tóc vén cao, áo trắng học trò, thân hình mảnh mai trông giống như một cô bé học sinh 15 tuổi đang đứng bảng đen trong lớp học chứ không phải đứng trước tòa án Cộng Sản. Em không sợ hãi, không van xin, trầm tĩnh và tinh khôi như một thiên thần: “Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm”.
Cạnh em, Đinh Nguyên Kha, áo sơ mi trắng, tóc cắt cao của một thanh niên Việt Nam kiểu mẫu. Nguyên Kha cũng dõng dạc: “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội”.
Hàng triệu người Việt Nam trong hai ngày qua sống trong tâm trạng vừa vừa phẫn nộ, vừa xót xa nhưng cũng vừa hãnh diện. Phẫn nộ khi đọc bản án của đảng CS dành cho hai em, xót xa khi nhìn vóc dáng mảnh mai, yếu đuối của Phương Uyên, nhưng hãnh diện đến rơi nước mắt vì những câu nói lịch sử của hai em.
Trước ngày ra tòa Cộng Sản, không ít người nghĩ rằng giới lãnh đạo CSVN chắc cũng “giương cao đánh khẽ thôi” vì hai em còn trẻ, nhất là Nguyễn Phương Uyên không những là một cô bé khi bị bắt mới 20 tuổi mà còn là một cán bộ đoàn trường của đoàn Thanh Niên Cộng Sản Đại học Công nghiệp Thực phẩm. Đất nước khó khăn, lòng người ly tán. Chưa bao giờ Việt Nam đứng trước hàng trăm ngàn thử thách như ngày nay. Ngoài biển, như Việt Khang thét lên trong dòng nhạc của em “Giặc Tàu ngang tàng trên quê hương ta, Hoàng Trường Sa, đã bao người dân vô tội, chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu” và bên trong là một căn nhà đang đổ nát, một quốc gia bị phân liệt đến mức tận cùng, một nền kinh tế đang trên đà phá sản, giới lãnh đạo đảng CS dù độc ác, bất nhân, ti tiện, ngu xuẩn bao nhiêu cũng phải biết ngừng tay đao phủ để cứu vớt non sông và cứu vớt chính bản thân đảng. Nhiều người nghĩ thế.
Trước ngày ra tòa Cộng Sản, không ít người có thể đã nghĩ hai em sẽ xin tha, sẽ tự thú, sẽ đầu hàng. Các em còn nhỏ và đời sống còn dài. Cuộc tranh đấu giữa các em và chế độ độc tài như trò chơi cút bắt. Bắt được xin tha, tha xong lại tranh đấu tiếp theo kiểu “vừa đánh vừa đàm” của người lớn. Nhiều anh chị của các em trước đây đã chơi trò chơi đó vì họ nghĩ muốn làm gì trước hết cũng cần phải sống, cần phải có mặt, cần phải có điều kiện để viết, để nói, và muốn thế hãy tạm thời thú nhận, có chết chóc ai đâu, chẳng người nào, cơ quan nào, tổ chức nào, dù quốc tế hay Việt Nam, tin một lời tự thú trong chế độ CS độc tài. Nhiều người nghĩ thế.
Cả hai nhóm người tiên đoán như trên đều lầm.

Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha không khuất phục. Chuyện “thú tội”, “xin khoan hồng” chỉ mới vài năm trước đây nhưng như đã thuộc vào quá khứ xa xôi, một thời kỳ còn chập chững đấu tranh, một phương pháp nay đã lỗi thời. Tranh đấu cho quyền lợi của dân tộc là một tự nguyện phát xuất từ trái tim và lòng yêu nước. Không ai bắt các em phải làm những việc các em không chọn lựa. Nhịp đập chân thành của con tim và tiếng gọi thiêng liêng của lòng yêu nước không cho phép một người gập đầu “xin khoan hồng”, “thú tội” dù chỉ là một hình thức trá hàng. Bảo vệ tổ quốc là một niềm vui, niềm hãnh diện. Nếu đã chọn hy sinh phải hy sinh cho trọn vẹn với lý tưởng của đời mình.
Tình yêu nước trong lòng Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vô cùng trong sáng. Không giống Nguyễn Thị Minh Khai trước giờ bị xử tử hô lớn “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!” để thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung của bà ta đối với đảng, hay Lê Hồng Phong, trong lời trăn trối cuối cùng ngoài Côn Đảo chỉ nguyện trung thành với đảng, Phương Uyên và Nguyên Kha chỉ nghĩ đến những bà mẹ Việt Nam đang buôn tảo bán tần, nghĩ đến các em thơ đang lây lất trên đường phố, nghĩ đến máu các chú bác đã đổ xuống ở Hoàng Sa, nghĩ đến nắm xương của các chú bác đã thành cọc cắm lên hải đảo Trường Sa.
Ngày 16 tháng Năm 2013 là ngày lịch sử.
Như đã có một lần trong lịch sử, ngày 26 tháng Hai năm 1285, Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng hô lớn “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Chàng thanh niên Việt Nam Trần Bình Trọng chỉ mới 26 tuổi.
Như đã có một lần trong lịch sử, ngày 17 tháng Sáu năm 1930, 13 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã dành hơi thở cuối cùng của đời mình trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng Việt Nam trước khi bước lên máy chém, tuyệt nhiên không ai trong số họ kể cả Đảng trưởng Nguyễn Thái Học hô Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm. Đảng chính trị với họ chỉ là chiếc ghe để chèo dân tộc sang bến bờ độc lập chứ không phải mục tiêu, cứu cánh của cuộc đời họ hay của phe nhóm và tổ chức họ giống như đảng CSVN. Nguyễn Thái Học khi sống là Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng khi chết đã chết như bao nhiêu thanh niên yêu nước khác, thư thái ngâm những vần thơ tuyệt mệnh “Chết vì tổ quốc, chết vinh quang, lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng”. Chàng thanh niên Việt Nam Nguyễn Thái Học chỉ mới 29 tuổi.

Lịch sử mang tính thời đại và tính liên tục. Mỗi thế hệ có một trách nhiệm riêng, dù hoàn thành hay không, khi bước qua thời đại khác, vẫn phải chuyển giao trách nhiệm sang các thế hệ lớn lên sau. Sức đẩy để con thuyền dân tộc vượt qua khúc sông hiểm trở hôm nay không đến từ Mỹ, Anh, Pháp hay đâu khác, mà bắt đầu từ bàn tay và khối óc của tuổi trẻ. Lịch sử Việt Nam đã và đang được viết bằng máu của tuổi trẻ Việt Nam.
Giới lãnh đạo Đảng cũng không “giơ cao đánh khẻ” như có người hy vọng nhưng bằng một bản án nặng nề, bẩn thỉu và hèn hạ nhất đối với hai em Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha.
Mấy ngày nay trên nhiều diễn đàn khá đông người lại tiếp tục tranh cãi chuyện chủ nghĩa Cộng Sản còn sống hay đã chết. Thật ra, chủ nghĩa Cộng Sản sống hay chết tùy thuộc vào góc nhìn và cách phân tích bản chất của chế độ độc tài toàn trị Cộng Sản. Chủ nghĩa Cộng Sản, như một lý tưởng mà không ít người đeo đuổi trong thời trai trẻ, có thể đã chết tại Nga ngay sau khi Cách Mạng Tháng Mười bùng nổ 1917, đã chết tại Trung Quốc khi Mao Trạch Đông lên nắm chính quyền 1949, và chết tại Việt Nam khi Hồ Chí Minh cất tiếng trên quảng trường Ba Đình đầu tháng 9 năm 1945, nhưng từ đó đã bắt đầu một loại chế độ Cộng Sản thức tế với các đặc tính bất nhân, tàn bạo nhất trong các chế độc độc tài của lịch sử loài người. Chế độ đó vẫn còn tồn tại ở Việt Nam biểu hiện qua bản án khắc nghiệt dành cho Phương Uyên và Nguyên Kha.
Bộ máy chính trị toàn trị, kinh tế lạc hậu, xã hội sa đọa, đạo đức suy đồi, hiện tượng sùng bái cá nhân, thói quen suy tôn lãnh tụ, lừa dối nhân dân, bưng bít có chủ trương, đỗ thừa có hệ thống của ý thức hệ Cộng Sản vẫn còn nguyên tại Việt Nam như từ ngày mới nhập cảng từ Liên Xô, Trung Quốc.
Phương pháp đầu độc, tẩy não của đảng CSVN dành cho các em bé Việt Nam hoàn toàn giống phương pháp đầu độc thiếu nhi đang thực hiện tại Triều Tiên. Hình ảnh “Bác Kim” trong lòng thiếu nhi Triều Tiên như Bradley K. Martin mô tả trong tác phẩm “Dưới sự bảo bọc đầy tình thương của cha già dân tộc” (Under the Loving Care of the Fatherly Leader) không khác gì hình ảnh một “Bác Hồ” “tình thương bao la”, “cha già dân tộc”, “nhà thơ lỗi lạc”, “nhà quân sự thiên tài”, “nhà giáo dục vĩ đại” được Đảng nhồi nhét vào tâm hồn trong trắng của bao nhiêu thế hệ Việt Nam.
Những ai còn nghĩ đến “hòa giải hòa hợp” với CS, còn tin vào lòng dạ chí thành của Thứ trưởng Ngoại Giao CS Nguyễn Thanh Sơn khi thắp hương trước phần mộ của các chiến sĩ VNCH ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa hãy đọc lại bản án của đảng CS dành cho hai em Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên một lần nữa và tự hỏi có một phương pháp, một con đường nào, một hy vọng nào để dân tộc Việt Nam có thể sống chung với đảng CSVN. Một người có nhận thức chính trị căn bản nào cũng biết là không.
Những ai còn hoài nghi vào sức mạnh dân tộc Việt Nam hãy đọc lại lời tuyên bố của hai em “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi.” Là một đoàn viên đoàn thanh niên Cộng Sản chắc chắn Phương Uyên đã được nhồi sọ rằng khi lớn lên phải biết trung thành với đảng, phải biết đi theo con đường đảng đã vạch ra. Tư tưởng Cộng Sản ngoại lai nô dịch dù độc hại bao nhiêu cũng không giết được hạt mầm dân tộc đang âm thầm lớn lên trong tâm hồn hai em, đã chiến đấu trong nhận thức của hai em, đã chiến thắng qua hành động của hai em và biểu hiện hùng hồn qua câu nói lịch sử của hai em. Đảng CS muốn Phương Uyên trở thành sâu bọ đo hai hàng chân trên cành cây mục nát của đảng nhưng em đã vươn lên thành cánh bướm vàng.
Trong nỗi đau khi nghe tin hai em bị kết án nặng nề đã dâng trong lòng hàng triệu người Việt Nam một niềm hãnh diện. Lòng yêu nước đã thắng. Chưa bao giờ ranh giới giữa yêu nước và bán nước rõ ràng hơn hôm nay. Cuộc chiến nào cũng khó khăn nhưng cuộc chiến tư tưởng bao giờ cũng khó khăn nhất. Những câu nói của hai em sẽ vang vọng trong dòng lịch sử ngàn đời không phai. Lịch sử dân tộc, qua bao thời đại, đã được giữ gìn bằng sức mạnh tuổi trẻ. Thời đại hôm nay là thời đại của Đổ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, của hàng trăm thanh niên nam nữ đang ở trong tù CS, của hàng ngàn hàng triệu thanh niên Việt Nam đang sắp sửa tiếp nối hành trình. Lịch sử Việt Nam vừa đau thương nhưng vừa là một bản hùng ca viết bằng nước mắt và nụ cười của bao nhiêu thế hệ.

Ai dạy Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên để nói những câu hào hùng như thế. Không ai dạy. Như một lần tôi đã viết, tuổi trẻ Việt Nam không cần một ngọn hải đăng để rọi sáng đêm tối trời dân tộc nhưng ngay từ trong lòng họ đã bùng cháy lên ngọn đèn tự chủ được thắp sáng bằng tâm thức Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay không cần chờ đợi một minh quân ra đời hay một lãnh tụ xuất hiện để dẫn dắt họ trên đường cứu nước bởi vì chính họ sẽ là những minh quân của thời đại và con đường dẫn đến điểm hẹn lịch sử được soi sáng bằng trí tuệ Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay không cần vay mượn một chủ nghĩa, một ý thức hệ, một lý thuyết ngoại lai nào làm kim chỉ nam để giải phóng dân tộc bởi vì chính họ đã được trang bị bằng các đặc tính dân tộc, nhân bản và khai phóng kết tinh và kế thừa từ hơn bốn ngàn năm lịch sử. Các em cũng nhắc cho giới lãnh đạo Đảng biết rằng một ngàn năm sống trong bóng tối Bắc thuộc không làm dân tộc Việt Nam mù mắt thì ba mươi tám năm trong triết học Mác-Lê làm sao có thể thui chột đi tình yêu nước thiết tha trong lòng người dân và nhất là trong lòng tuổi trẻ Việt Nam.
Ngoài bản chất tàn ác, bất nhân, ti tiện, còn lý do nào khác khiến Đảng đã ra tay nặng nề với hai em Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên.
Còn một lý do nữa, bởi vì Đảng sợ.
Đúng như Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Human Rights Watch (HRW) phát biểu: “Đưa người dân ra tòa xử chỉ vì phát tán tờ rơi chỉ trích chính phủ là một việc làm lố bịch và biểu hiện sự bất an của chính quyền Việt Nam”.
Đảng cảm thấy “bất an” là phải. Trong suốt 38 năm cai trị đất nước bằng nhà tù sân bắn chưa bao giờ đảng CS bị cô lập trên thế giới và mất chỗ đứng hoàn toàn trong lòng dân tộc Việt Nam như ngày nay. Không giống như trong thời chiến núp bóng dưới chiêu bài “chống ngoại xâm” và lợi dụng lòng yêu nước của nhiều người Việt Nam, ngày nay, chung quanh đảng chỉ có kẻ thù. Những tâm thư, thỉnh nguyện, góp ý kiến về hiến pháp, đổi tên đảng, thay tên nước vừa qua cho thấy, nhiều thành phần, lực lượng trước đây là phên dậu của đảng, là hậu thuẫn của đảng đang quay sang chống đảng. Một người dù mê muội bao lâu cũng có một lần thức tỉnh. Một tiếng nói đúng gióng lên dù trễ còn hơn im lặng suốt đời.
Hành động điên cuồng vượt qua mọi thước đo đạo đức qua hai bản án dành cho hai em Nguyên Kha và Phương Uyên cho thấy không phải sức bén của con dao độc tài mà là hành động tuyệt vọng của đảng CSVN. Quyết định của Nicolae Ceausescu khi ra lệnh công an bắn vào cuộc biểu tình của nhân dân Rumania sáng ngày 17 tháng 12 năm 1989 chỉ để dẫn đến bản án tử hình dành cho vợ chồng ông ta một tuần sau đó. Thật vậy, lịch sử đã nhiều lần chứng minh, khi một chế độ chỉ còn trông cậy vào các phương tiện bạo lực trấn áp để tồn tại, chỉ còn biết sử dụng bộ máy công an kềm kẹp để duy trì quyền cai trị, ngày tàn của chế độ đó chỉ là vấn đề thời gian.
Những ai còn đang đứng bên lề cuộc tranh đấu vì chủ quyền đất nước, vi tự do dân chủ nhân bản hãy bước lên chuyến tàu lịch sử hôm nay để cùng với hai em đi về phía bình minh của dân tộc Việt Nam. Đời người rồi sẽ qua nhưng dân tộc Việt Nam phải còn và mãi mãi sẽ còn. Con tàu đi cứu nước còn nhiều toa rộng, đủ chỗ cho mọi người, mọi thành phần, mọi tôn giáo, mọi quá khứ. Hành động cứu nước cũng rất nhiều để chọn, không nhất thiết phải vào tù ra khám, không nhất thiết phải tìm cho ra được những cây búa lớn để đập vở bức tường chuyên chính, nhưng một bàn tay nhỏ, một bước chân xuống đường chống thực dân đỏ Trung Quốc, một thái độ không hợp tác với nhà cầm quyền CS, một lá thư thăm hỏi các em các cháu trong tù trong những ngày sinh nhật, lễ lớn, một tấm vé tham dự bữa cơm gây quỹ giúp các em đang bị tù hay đang bị khó khăn v.v… cũng mang đầy ý nghĩa.
Bức tường chuyên chính CSVN đã không sụp đổ vì những cơn bão thời đại Liên Xô, Đông Âu, Bắc Phi xa xôi nhưng chắc chắn sẽ sụp đổ vì những giọt nước kiên nhẫn Việt Nam đang nhỏ xuống từ tuổi trẻ Việt Nam, từ đồng bào Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Chúng ta có thể khác nhau ở điểm khởi hành nhưng có cùng một điểm hẹn tự do để đạt đến. Chúng ta có thể mang trên vai những hành lý khác nhau nhưng đều chất chứa bên trong một khát vọng dân chủ để theo đuổi. Đừng khóc cho Phương Uyên mà hãy sống cùng mơ ước của em. 
Trần Trung Đạo

Wednesday, May 15, 2013


ĐƯA O VỀ NGÕ NỘI THÀNH
PHẠM QUANG TRUNG











 



Đưa O về ngõ nội thành
Huế xưa thổn thức
rêu xanh vôi mờ
che tình chiếc nón bài thơ
khép lòng e thẹn
đôi tờ lụa trinh
đường chiều thành quách lặng thinh
đưa O sương khói
triều đình xa xa
tiếng buồn rơi động hồn hoa
dừng chân giây phút
tưởng đà trăm năm
cầm tay nhè nhẹ thì thầm
O về bên nớ
vắng trầm hương mê
đưa O tận bến sông về
giọt chuông Thiên Mụ
vọng tê ráng chiều
giọt trầm rơi xuống cô liêu
giọt tình O gửi
đã đầy gió sương
đưa O qua phố hoang đường
lọng che hoàng hậu
lược gương nụ cười
quán hồng này nhé nghỉ ngơi
thắng cương yên ngựa
đạo chơi đôi vòng
con đường lên xuống cong cong
chở mang hạnh phúc
thấm giòng mồ hôi
O về còn lại một tôi
nhìn mây bàng bạc
trôi trôi qua thành
tường cao cổ điển rêu xanh
khắc ghi mấy nét
rành rành tên hoa
chiều mang hương sắc đi xa
thiên nhiên gỗ đá
bật ra lời sầu
đền đài cung điện hút sâu
từ khi hoàng hậu
khép lầu cung mơ
từ khi O vắng tôi chờ
ai đem cổ tích
vào thơ ngậm ngùi
PQT


Wednesday, May 8, 2013


VÀ EM TIN

TƯỜNG VI

 
Em bắt gặp một tháng Tư
trong ánh mắt ba nhìn, sâu thăm thẳm
Cũng bởi… quê hương bây giờ xa lắm
buốt cả tầm nhìn xuyên khoảng trống,
mênh mông…

Ở nơi này tháng Tư vẫn còn xuân
mà ở Việt Nam, mùa đi dần vào hạ
Rồi những cơn mưa sẽ về, ướt lá
nhưng chẳng rửa sạch bao giờ…
… câu chuyện buồn tưởng đã… xa xưa

Tháng Tư năm bảy lăm
đời ướt những… giọt mưa
rơi trên mắt, rớt trên môi đến bây giờ vẫn… mặn
Những người lính hóa những người bại trận
Tim hào hùng, dòng máu nóng vẫn sôi…

Càng lớn dần, em càng yêu đất nước thiết tha
Khóc cho tháng Tư đâu phải là… chính trị
chỉ bằng tình cảm, chỉ bằng ý nghĩ
Làm con người
chẳng thể nào hữu thuỷ vô chung!

Con đường ba đi hôm xưa
tắt nghẽn giữa chừng
Sự đột quỵ chẳng đặng đừng, đã có!
Em sẽ đi tiếp con đường gian nan đó
bằng nhiệt thành, bằng tất cả ước mơ

Nơi đó vẫn muôn đời là đất nước của em
sẽ chẳng ai trách khi em tìm về lại
xóa bi thương bằng tấm lòng nhân ái
đem nụ cười thay thế sợi lệ rơi

Tháng Tư của ba, của em, của anh
cùng chung một bầu trời
nhưng những thế hệ khác nhau
nên cuộc đời cũng khác
Ba em hôm xưa là một người yêu nước
Em được dòng máu di truyền
cũng yêu nước, như ba…

Và em tin…
một ngày mai sẽ rạng rỡ sơn hà

tv

Saturday, May 4, 2013


TÔI LÀ CON THẮM, CON BÀ TƯ BÁNH TẦM

HỒNG THẮM


Chẳng biết chính xác từ khi nào, tôi bắt đầu mắc cỡ khi nghe người ta gọi mình là “con Thắm, con Bà Tư bánh tằm”. Năm đó tôi học lớp 8 trường xã, đã có mấy thằng bạn trong lớp để ý và bạn bè ghép đôi. Tôi nói với má: “Từ giờ trở đi, má đừng bán ở trường con nữa, tụi bạn cứ ghẹo con hoài”.
Nghe tôi nói vậy, mặt má buồn hiu: “Vậy rồi con ăn cái gì?”. Thường ngày má vẫn để dành cho tôi một dĩa bánh thật đầy, giờ ra chơi tôi sẽ chạy ù ra ăn. Hôm nào ngán thì tôi xin tiền má để mua bánh mì hay bánh lọt mặn. “Bánh của má có nước cốt dừa, ngán muốn chết. Thôi, con không ăn nữa đâu”- tôi vùng vằng.
Không bán ở trường, má tôi phải đẩy xe bánh tằm qua tận bên xóm Nhà Thờ rất xa. Tuy vậy có nhiều hôm bán ế, má ăn bánh tằm, nhường cơm cho anh em tôi. Anh hai thương má, cũng nhất quyết đòi ăn bánh tằm. Còn tôi thì vừa nhìn đĩa bánh, vừa lắc đầu rùng mình: “Con thấy bánh tằm là ngán tới óc o”.
Má không nói gì, chỉ lẳng lặng chan nước mắm, lùa vội mấy cọng bánh tằm rồi đi dọn dẹp, ngâm bột, khìa thịt, xắt bì… Anh hai lườm tôi: “Mày ngán thì tao không biết ngán chắc? Nói mà không sợ má buồn. Đồ dở hơi”. Tôi sửng cồ: “Ngán thì nói ngán, mắc gì không được nói? Anh mới là đồ dở hơi!”.
Tôi nói vậy rồi bưng chén cơm bỏ ra hàng ba.

Ba mất khi tôi mới 2 tuổi. Nhà nội nghèo nên má dắt anh em tôi trôi dạt từ Châu Đốc xuống Bạc Liêu. Má học được cách làm món bánh tằm bì và nuôi anh em tôi khôn lớn bằng thứ bánh đơn sơ ấy. Tôi nhớ có lần má nói: “Tụi con ráng học để sau này có cái nghề mà sống sung sướng tấm thân. Thấy con ông Ba không? Toàn kỹ sư, bác sĩ…”.
Anh hai thương má nên học rất giỏi, năm nào cũng lãnh thưởng. Còn tôi thì thất thường, lúc được lúc không. Thế nhưng học xong lớp 12, anh hai nhất quyết nghỉ học, trốn ra thị xã đi làm phụ hồ để kiếm tiền phụ má. Biết tin, má giận lắm. Một bữa, tôi chuẩn bị đi học thì má bảo: “Cơm nước má nấu sẵn rồi, đi học về thì dọn ăn rồi học bài. Má đi kiếm anh hai”.
Nói rồi má tất tả xách cái nón lá đi bộ ra chợ để đón xe lên thị xã. Tôi thắc mắc không biết làm sao mà má tìm được anh hai giữa nơi đông đúc, xô bồ ấy nhưng không kịp hỏi. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy cái dáng tảo tần của má. Chuyến xe lam về thị xã hôm ấy bị lật vì chở quá đông. Trong số 2 người bị thương nặng nhất và không qua khỏi có má tôi.
Hôm đó, tôi chờ tới chiều, tới tối mà không thấy má về, trong bụng đã lo. Tới khuya thì anh hai đưa má về. Có nhiều người quen ở xã cùng đi với anh. Khi biết má gặp nạn và không trở về nữa, tôi đã ngất đi. Còn anh hai tôi thì mắt đỏ ngầu dù tôi không hề thấy anh khóc.
Lo cho má xong xuôi, một bữa tôi đi học về không thấy anh hai đâu thì cuống cuồng đi tìm. Với tôi bây giờ, nỗi sợ hãi lớn nhất là anh hai lại bỏ đi. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Tôi tìm thấy anh hai đang gục đầu trên mộ má. Anh khóc thành tiếng, khóc rất to. Tôi cũng vậy. Vừa khóc anh vừa nói, giọng khàn đặc: “Tại anh, mà má mới chết”. Tôi không biết nói gì nhưng trong bụng cũng thầm trách anh. Giá như anh đừng nghỉ học trốn ra thị xã thì má đâu có đi tìm để rồi không về nữa…
Mấy hôm sau, anh hai tôi dựng cái chòi nhỏ ở chợ xã. Anh lần mò bắt chước má làm bánh tằm bì để bán. Bánh anh hai làm lúc đầu không ngon lắm, nhưng bà con thương nên rất đắt hàng. Dần dần, tay nghề của anh được nâng lên. Khi tôi học cấp ba, rồi lên Cần Thơ học đại học, thì anh cũng ra thị xã mở quán bánh tằm bì. Rồi anh cưới vợ. Lâu lâu anh lại làm bánh tằm bì mang lên ký túc xá cho tôi đãi bạn bè. Từ khi má mất, đĩa bánh tằm bì nào của tôi cũng chan đầy nước mắt…

Tôi đã đi nhiều nơi, chỗ nào có bánh tằm bì tôi cũng ăn thử để so sánh với bánh của má và anh hai. Thật tình, tôi không thấy ai làm bánh ngon như má. Bánh tằm của má làm bằng bột gạo. Hồi trước anh hai chuyên trị bị má bắt xay bột. Tôi nhớ má cột cái bao bồng bột ở miệng cái cối đá để hứng bột chảy ra; xay xong thì cột miệng bao lại thật chặt rồi lấy cái cối dằn lên cho nước chảy ra bớt. Sau đó má khuấy bột rồi đổ vô khuôn ép cho ra những sợi bánh dài, to hơn cọng bún một chút. Xong xuôi má cho bánh vô xửng hấp chín rồi để nguội. Bánh tằm của má dai dai, giòn giòn, thơm thơm; nhai lâu cứ ngọt lịm trong miệng…
Bì má làm cũng không giống ai. Má chọn một nửa thịt đùi, một nửa ba rọi ướp cho thật thấm mới khìa nước dừa xiêm rồi xắt sợi. Da heo má cũng mua về tự tay luộc, xắt… Hồi tôi còn nhỏ, má hay nhờ tôi ra lò heo của bác tư cuối xóm để lấy da heo về làm bì; lớn hơn một chút, tôi mắc cỡ không chịu đi nên anh hai phải “bao thầu” luôn. Có lần anh bực mình cốc vô đầu tôi đau điếng: “Cái thứ làm biếng như mày mai mốt bốc đất mà ăn”. Tôi vênh mặt: “Mai mốt em làm bác sĩ, tới chừng đó anh đừng có nhờ em chữa bệnh nghen”. Anh hai “xì”một cái: “Bản mặt mày giỏi lắm là bán bánh tằm bì, chớ làm bác sĩ ai mà dám đưa cho mày chữa bệnh? Đồ làm biếng”.
Tôi công nhận mình làm biếng thật, vì tôi nghĩ có má và anh hai lo hết mọi chuyện rồi. Tới chừng những người ấy không có bên cạnh, tôi mới thấy hụt hẫng. Tôi nhớ có lần, má kêu tôi xuống bếp: “Xuống đây má chỉ cho làm nước mắm nè. Con gái, con đứa, ít ra cũng phải biết làm chén nước mắm cho ngon…”. Tôi viện cớ mắc học bài nên không chịu xuống cho má dạy.
Nhưng phải công nhận là nước mắm má làm để chan bánh tằm bì hoặc ăn cơm tấm thì ngon tuyệt. Tỏi ớt má đâm nhuyễn chứ không bằm, nước dừa tươi má nấu cho kẹo lại, chứ không dùng nước sôi để nguội pha nước mắm như nhiều người vẫn làm. Vì vậy mà nước mắm của má sền sệt chứ không lỏng bỏng.
Cả nước cốt dừa để chan vô bánh tằm, má cũng chăm chút thật kỹ: hành tăm xắt thật nhuyễn, nêm nếm vừa ăn, không đặc cũng không lỏng quá, sao cho mỗi đĩa bánh tằm chỉ cần chan một muỗng nhỏ là đủ. Hồi má mới bán bánh tằm bì, tôi rất thích chan nước cốt dừa vô cơm để ăn. Không biết có phải do ăn nhiều quá mà lớn lên một chút thì tôi lại thấy ngán…

Tôi đã lớn lên bằng những dĩa bánh tằm bì của má và anh hai. Giờ đây tôi đã trở thành bác sĩ như má hằng mong muốn, nhưng trong lòng tôi chưa bao giờ vơi đi những niềm ân hận. Năm nào về đám giỗ tôi cũng ngồi thật lâu bên mộ má để thầm thì những lời mà khi còn sống, má chưa bao giờ được nghe…
Tôi nhớ dáng má thập thò trước cổng trường chờ giờ ra chơi để đem bánh tằm cho tôi ăn sáng; tôi nhớ những bước chân rón rén dù má phải nhấc cái càng xe lên để không gây ra tiếng động, làm mất giấc ngủ của tôi mỗi sáng sớm; tôi nhớ những ngày mưa dầm bán ế, má ăn bánh tằm thay cơm…
Giờ đây, có nhiều hôm tôi bỗng thấy thèm quay quắt những cọng bánh tằm của má, thèm nghe tiếng má từ dưới bếp vọng lên nhắc tôi đi ngủ, thèm được má sai đi xuống xóm dưới lấy da heo về cho má làm bì…
Và tôi thèm được nghe người ta gọi tôi là “Con Thắm, con Bà Tư bánh tằm!”…
Đối với tôi, giờ đây đó là điều đáng tự hào nhất…



 

Wednesday, May 1, 2013




NHỮNG ĐỒNG MINH ANH HÙNG


NGÔ KỶ chuyển ngữ


Bây giờ đã quá trễ để Hoa Kỳ chuộc lại tội ác tầy trời khi bỏ rơi nhân dân miền Nam Việt Nam vào tay Cộng Sản. Nhưng nó chưa quá trễ để Hoa Kỳ thú nhận lỗi lầm trong việc nhục mạ họ. Và cũng chưa quá trễ để bắt đầu vinh danh các thành quả và lòng dũng cảm của những binh sĩ VNCH đã chiến đấu bảo vệ lý tưởng tự do.
"Heroic Allies" của Harry F. Noyes III đăng trong Nguyệt San VIETNAM, phát hành tháng 8 năm 1993. Do Ngô Kỷ chuyển ngữ để kính tặng và tri ân sự chiến đấu dũng cảm và tuyệt vời của những Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Họ dáng người thì nhỏ nhắn, nói chuyện bằng những âm ngữ líu lo, thường chan nước mắm vào thức ăn và hay cầm lấy tay nhau.
Chẳng ai ngạc nhiên lắm khi thấy những quân nhân Mỹ gởi qua Đông Nam Á - phần lớn họ còn rất trẻ, có một kiến thức nông cạn, được đào tạo trong một xã hội vị kỷ và hiểu rất ít về những nền văn hóa khác - họ không cảm thông được tâm trạng của các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Thật đau lòng khi có nhiều cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam lại đi cấu kết với cái đám phản chiến cấp tiến, những tên trốn quân dịch và bọn chính khách hoạt đầu xúm nhau bôi nhọ danh dự của một Quân Lực đã chẳng còn có cơ hội để được tự bào chữa. Nhục mạ một quân đội đã sa cơ trên chiến trường vì bị Hoa Kỳ phản bội là một hành động đê tiện và bất xứng của những người Hoa Kỳ.
Có thể một số quý vị sẽ ngạc nhiên về lý luận của tôi. Làm sao tôi có thể biện hộ cho quân lực VNCH được? Phải chăng tất cả binh sĩ VNCH đều thuộc loại bất tài, xảo trá và hèn nhát? Không, không phải vậỵ. Trong bài này tôi sẽ vạch ra một số bằng chứng xác đáng để phản bác lại cái luận điệu đê hèn đó và phân tích lý do tại sao cái luận điệu đó phát sinh. Dĩ nhiên, quân đội VNCH không toàn hảo. Họ cũng có một số lãnh đạo tồi tệ, một số lính tráng hèn nhát, vài ba lần hoảng hốt bỏ chạy, xằng bậy và hung bạo. Tuy nhiên, các điều này cũng đã từng xảy ra đối với quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại Đông Nam Á.
Trong một số lãnh vực như: tổ chức, tiếp vận, tham mưu và chỉ huy, quân đội VNCH thua kém quân đội Hoa Kỳ thật. Nhưng họ làm gì khác hơn được khi đất nước họ là đất nước đang phát triển, họ mới giành độc lập từ tay chế độ thuộc địa và bất ngờ lao vào một trận chiến khốc liệt, đối đầu với kẻ thù hung hăng được vũ trang hùng hậu từ cả khối Cộng Sản? Thật ra, các khuyết điểm của quân đội VNCH có cũng giống như các khuyết điểm mà quân đội Hoa Kỳ mắc phải trong Trận Chiến Dành Độc Lập, dù rằng Hoa Kỳ vào thời cuối thế kỷ 18 đó có nhiều lợi điểm hơn, như:
- Tầm vóc của Cuộc Cách Mạng Dành Độc Lập hạn hẹp hơn và dễ điều khiển hơn.
- Khác với sự bị trị của Việt Nam, Hoa Kỳ qua kinh nghiệm bị trị đã nuôi dưỡngtinh thần tự trị địa phương và tạo thuận lợi cho quốc gia đào tạo nên những nhà lãnh đạo ưu tú.
- Quân đội Hoàng Gia Anh không bền bỉ như quân đội Bắc Việt.
- Có phải các binh sĩ Hoa Kỳ giỏi giang hơn các chiến hữu đồng minh của họ đến độ người Mỹ đối xử miền Nam Việt Nam với một thái độ khinh rẻ như vậy.

Câu trả lời cho cả hai câu hỏi trên là: "Không!"
Bằng chứng cho câu trả lời đó thật rõ ràng. Ý đồ Tổng Công Kích Tết Mậu Thân của Cộng quân là bẻ gẫy ý chí pḥòng thủ của miền Nam Việt Nam. Nhưng chúng đã thất bại, binh sĩ VNCH đã chống trả một cách quyết liệt và hữu hiệu: không một đơn vị nào bị tan rã hay tháo chạỵ. Thậm chí cảnh sát cũng đã chiến đấu, họ dùng cả súng lục để bắn lại bộ đội chính quy của Bắc Việt trong khi những người bộ đội CS này thì lại được võ trang với vũ khí hạng nặng. Theo báo cáo cho thấy là vào thời điểm đó, số người tình nguyện nhập ngũ lên quá cao, đến nỗi chính phủ phải ngưng tuyển mộ lính trong một thời gian.
Trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, các binh sĩ VNCH bị vây hãm tại An Lộc đã anh dũng tử thủ chống trả lại lực lượng hùng hậu của địch, cùng với những trận mưa pháo bất tận, và cuối cùng họ đã đè bẹp được những trận tấn công liên tục của các chiến xa địch quân. Sau đó, tôi được một cố vấn Mỹ kể lại chuyện một tiểu đội bộ binh VNCH được lệnh phải phá hủy 3 chiếc xe tăng của địch. Ông kể:
- Các binh sĩ của tiểu đội này phá hủy được một chiếc xe tăng, rồi sau đó họ lại tự quyết định bắt sống hai chiếc xe tăng kia. Họ rượt bộ và bắt được thêm một chiếc nữa, còn chiếc kia thì chạy thoát. Khi trở về pḥòng tuyến, họ bị khiển trách nặng nề.. vì đã để chiếc xe tăng kia tẩu thoát."
Tuy hành động của tiểu đội lính này không đúng với quân kỷ lắm, nhưng cái hành động đó đã nói lên tinh thần chiến đấu cao độ và sáng kiến tác chiến của rất nhiều binh sĩ VNCH. Chắc chắn sự kiện trên không thể hổ trợ luận điệu cáo buộc họ hèn nhát được.
Một chứng cớ điển hình hơn, trong những giờ phút cuối cùng của miền Nam Việt Nam năm 1975, khi mà nỗi tuyệt vọng bao trùm lên cả đất nước họ, khi mà biết rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không yểm trợ gì nữa (ngay cả nhiên liệu và đạn dược); ấy thế mà một sư đoàn VNCH đã anh dũng cầm cự chiến đấu với bốn sư đoàn quân Bắc Việt trong suốt hai tuần lễ tại Xuân Lộc. Trên mọi bình diện, trận chiến Xuân Lộc đó cũng hào hùng như bất cứ trận chiến nào trong quân sử Hoa Kỳ. Các binh sĩ VNCH cuối cùng đã phải rút lui vì không lực của họ không còn bom cluster để yểm trợ cho lực lượng bộ binh đụng trận dưới đất.
Có lần tôi được coi một phim tài liệu truyền hình nói về một người phóng viên Úc đặc trách quay phim chiến trường. Khác với các phóng viên Mỹ, ông ta dành nhiều thì giờ theo sát binh sĩ VNCH. Ông ta công nhận tinh thần chiến đấu anh dũng của họ, và để minh chứng điều đó, ông đã cho trình chiếu cả cuốn phim. Ông ta nhớ lại rằng, trong chuyến thăm viếng một khu làng do địch quân kiểm soát, ông được nghe kể rằng Cộng Sản sợ binh sĩ VNCH hơn là sợ binh sĩ Mỹ. Cái lý do chính là binh sĩ Mỹ quá ồn ào, do đó địch quân luôn nghe trước được đường tiến quân của họ. Làm sao có được điều so sánh này nếu trên thực tế các binh sĩ VNCH không thuộc loại lính thiện chiến.
Tuy nhiên, cái chứng cớ quan trọng nhất để chứng minh tinh thần chiến đấu cao độ của binh sĩ VNCH nằm trong hai sự kiện thật đơn giản và rõ ràng sau đây, dù rằng các sự kiện này thường bị làm ngơ hoặc giả vờ không biết nhằm che đậy sự thất bại của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Sự kiện thứ nhất: Chiến tranh đã bắt đầu từ 7 năm trước khi quân đội tác chiến Hoa Kỳ bước chân vào Việt Nam, và trận chiến đó vẫn tiếp tục kéo dài suốt 5 năm sau khi Hoa Kỳ rút quân. Phải có những người đứng ra chiến đấu trong thời gian đó, và không ai khác hơn là các binh sĩ VNCH.
Sự kiện thứ hai: Có độ 1/4 triệu binh sĩ VNCH hy sinh trong cuộc chiến. Nếu đem so sánh tỷ lệ dân số hai nước, thì con số này phải tương đương với khoảng hai triệu người Mỹ chết (gấp đôi tổng số thương vong của tất cả cuộc chiến Hoa Kỳ cộng lại). Bạn không thể tổn thất lớn lao như vậy nếu bạn không thực sự chiến đấu.

Thế thì tại sao thanh danh quân đội VNCH lại bị xúc phạm nặng nề như vậy?
Dĩ nhiên quân đội VNCH cũng có một số lần chiến đấu kém hiệu năng hoặc bị khủng hoảng, nhưng các trường hợp này cũng từng xảy ra trong quân đội Hoa Kỳ. Tôi biết một vị chỉ huy đơn vị pháo binh Hoa Kỳ đã có lần ra lệnh trực xạ vào địch quân vì lực lượng bộ binh Mỹ "bảo vệ" cho căn cứ pháo binh đã hốt hoảng tháo chạy trước hỏa lực hùng hậu của địch.
Sự kiện trên không có nghĩa là toàn thể quân đội Hoa Kỳ hèn nhát, và đôi lần thất bại của binh sĩ VNCH cũng không có nghĩa là toàn thể quân đội VNCH hèn nhát. Dù vậy, người ta lại rất dễ tin như thế khi được nghe kể lại từ chính miệng các cựu chiến binh Hoa Kỳ hoặc từ các chính trị gia nhằm chạy tội cho chính phủ Hoa Kỳ về việc bỏ rơi miền Nam Việt Nam trong cơn hấp hối.

Sự thật của vấn đề được diễn tả khéo nhất qua mẩu đối thoại cách đây gần hai thế kỷ khi một mệnh phụ Anh hỏi Quận Công Wellington rằng: "Có bao giờ quân Anh tháo chạy trên chiến trường không?" Vị Thiết Quận Công này trả lời: "Thưa bà, tất cả binh sĩ đều bỏ chạy trên chiến trường."
Chỉ cần lướt qua quân sử cũng đủ để xác nhận điều này. Trong suốt cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ, chúng ta đã thấy rất nhiều tấm gương can đảm nhưng cũng không thiếu gì các hành động khiếp nhược. Trên mặt trận, lúc đầu binh sĩ của hai phe Nam Bắc đều chiến đấu rất dũng cảm, rồi pḥòng tuyến vỡ, rồi bỏ chạy, rồi tái phối trí và chiến đấu trở lại. Không có quân đội nào được xem là có lòng hy sinh anh hùng hơn họ, nhưng những binh sĩ tham dự trận nội chiến này cũng không tránh khỏi những lúc thất điên bát đảo, và đó cũng là chuyện thường tình trên chiến trường..
Tác giả S.L.Ạ Marshall đã tường thuật chuyện một đại đội lính Mỹ trong Đệ Nhị Thế Chiến đã tháo chạy tán loạn trước tiếng la ré xung phong của một toán lính Nhật. Nhưng đại đội lính Mỹ khác thì lại tiếp tục chiến đấu, giết sạch hết toán lính Nhật (độ 10 người), và khám phá ra rằng hầu hết những tên lính Nhật này không võ trang gì cả. Nếu chuyện trên xảy ra cho một đơn vị quân đội VNCH, thì chắc chắn những kẻ muốn bôi nhọ quân đội này sẽ lợi dụng đó như là một "cơ hội bằng vàng" để mạ lị rằng toàn thể quân lực VNCH là hèn nhát.
Tại sao vậy? Tôi đã nêu ra câu trả lời rồi. Tất cả tùy thuộc vào màu da và ngôn ngữ của các binh sĩ liên hệ. Sự thật bỉ ổi là việc mạ lị quân đội VNCH lại xuất phát từ tinh thần kỳ thị chủng tộc và bồng bột của nền văn hóa Hoa Kỳ.
Tôi có thể làm chứng cho việc xuyên tạc đầy ác ý và phổ quát này. Khi vừa đến Việt Nam vào tháng 6 năm 1969, tôi đã chứng kiến ngay sự ngu ngơ và thái độ khinh bỉ của một số người Mỹ đối với nhân dân và quân đội VNCH. Cái thái độ đó nằm trong mọi tập thể quân nhân da trắng lẫn da đen, trong các giới dân sự cũng như ký giả Hoa Kỳ. Phong trào thù ghét đất nước và nhân dân Việt Nam bị lan tràn như một thứ bệnh dịch truyền nhiễm đáng ngạc nhiên.
Tôi quen một viên đại úy Hoa Kỳ tốt nghiệp về môn điện ảnh từ một viện đại học danh tiếng (một ngành chuyên môn được dùng để giúp nâng cao tŕnh độ nhận thức quan sát). Khi viên đại úy này trở lại đơn vị sau một chuyến công tác ngắn tại Thái Lan, anh ta ca ngợi đáo để dân tộc Thái Lan. Anh nói rằng: "Dân Thái Lan cho con cái đi học khác hẳn với dân Việt Nam". Anh ta ngạc nhiên nhưng lại không lộ vẻ hối hận khi tôi chỉ cho anh thấy một ngôi trường Việt Nam sát nách doanh trại chúng tôi. Bất cứ ai có mắt cũng đều thấy hàng trăm em học sinh mặc đồng phục quần xanh áo trắng qua lại mỗi ngày, chỉ trừ anh chàng phim ảnh này không nhìn thấy các em mà thôi.
Thật là mỉa mai khi người Việt Nam có tiếng hiếu học hơn người Mỹ, và miền Nam Việt Nam đã nâng cao được mức biết đọc biết viết từ 20% lên 80% trong khi đất nước chiến tranh triền miên (và mặc dù Cộng Sản chủ trương giết hại các giáo chức), thế mà lại bị anh chàng phim ảnh này cho rằng Việt Nam không có trường học. Vì bị gởi đi chinh chiến xa xôi và bị cách biệt gia đình, nên anh Mỹ này nảy sinh lòng oán ghét Việt Nam, và tạo nên thành kiến rằng mọi người Việt Nam đều đáng khinh. Do đó, trong đầu anh cứ ám ảnh là Việt Nam không có trường học, dần rồi cái tâm lý bệnh hoạn đó đã làm hư đi cái khả năng nhận thức và đánh lừa cả thị giác của anh.

Hãy tưởng tượng cái tâm trạng của một tập thể lính Mỹ ít học, sống giữa một nền văn hóa xa lạ và thần kinh lúc nào cũng bị căng thẳng ra sao?! Có lẽ chúng ta không nên trách cứ những người lính thiếu học này, lỗi là do nơi các cấp chỉ huy Hoa Kỳ đã huấn luyện họ hiểu một cách mơ hồ về đất nước Việt Nam cũng như về thực chất của cuộc chiến.
Tuy nhiên, đó không phải là cái cớ để các cựu chiến binh Mỹ huênh hoang rằng họ hiểu những cái mà họ đã thấy tại Việt Nam. Các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam cần được vinh danh về các đức tính can đảm, hy sinh, ái quốc của họ. Nhưng can đảm và hy sinh không đồng nghĩa với kiến thức. Đánh giặc tại Việt Nam không làm cho những người lính này trở thành những chuyên viên thông thạo về đất nước hoặc cuộc chiến Việt Nam, cũng như việc mang nặng đẻ đau không thể biến người đàn bà trở thành một chuyên gia về thai nhi học được.
Giới truyền thông Mỹ cũng chẳng khá gì hơn. Trong một phóng sự đầy thành kiến, tôi nghe một phóng viên lên án Không Lực VNCH - dù đã được tân trang qua chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh - thế mà lại "đẩy cho Không Quân Hoa Kỳ" thực hiện những phi vụ nguy hiểm ngoài Bắc Việt. Trên thực tế Hoa Kỳ không muốn Không Quân VNCH bay ra Bắc (chỉ trừ vài phi vụ oanh tạc ban đầu). Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ muốn kiểm soát kế hoạch oanh tạc để dùng nó như một lá bài thương thuyết. Vì không muốn miền Nam Việt Nam có bất cứ quyền kiểm soát nào trong chính sách oanh tạc, Hoa Kỳ đã trang bị cho Không Quân VNCH những vật dụng không thích hợp cho các phi vụ ra Bắc. Miền Nam Việt Nam không được cung cấp oanh tạc chiến đấu cơ, phi cơ tiếp liệu trên không, vũ khí hay các dụng cụ điện tử cần thiết cho các phi vụ này. Đó là quyết định của người Mỹ.
Câu hỏi đặt ra là có phải người phóng viên truyền hình nêu trên dốt đặc về sự kiện đó hay giả vờ không biết nhằm đi hạ nhục những đồng minh của Hoa Kỳ. Dựa vào các lời lẽ lố bịch, chói tai và thanh âm của anh ta, tôi kết luận rằng anh ta chủ mưu làm như vậỵ. Một thí dụ khác nói lên cái thành kiến của giới truyền thông, đó là trận chiến vây hãm Khe Sanh. Nếu bạn đi hỏi một ngàn người Mỹ từng nghe biết về trận đánh này rằng đơn vị nào chiến đấu tại Khe Sanh, thì có lẽ hầu hết đều trả lời là Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Nhưng sẽ làm họ ngạc nhiên nếu có một người trong số ngàn người đó nói rằng có một tiểu đoàn Biệt Động Quân VNCH đã cùng chia sẻ nỗi gian lao với các đồng minh Thủy Quân Lực Chiến Hoa Kỳ trong trận chiến ngặt nghèo đó. Có nhiều đơn vị VNCH khác cũng đã hổ trợ chiến đấu bên ngoài vòng đai căn cứ Khe Sanh.. Giới truyền thông Mỹ không đếm xỉa đề cập đến các chiến hữu đồng minh của Hoa Kỳ, mà họ chỉ để ý đến những điều bê bối thôi, bởi vậy những binh sĩ VNCH chiến đấu cam khổ này đã bị trở thành những chiến sĩ "vô hình" của Khe Sanh.
Tất cả thành kiến - trong quân đội cũng như trong truyền thông - được thể hiện rõ ràng qua các bản tin chiến sự về cuộc hành quân Hạ Lào năm 1972.
Trong cuốn phim tài liệu truyền hình mười năm trước đây, có một đoạn phỏng vấn lính Mỹ trong lúc chiến trường Hạ Lào đang tiếp diễn. Các lính Mỹ được phỏng vấn này đang sống an toàn tại hậu cứ Nam Việt Nam. Họ "giải thích" về sự chiến đấu của quân đội VNCH với những lời lẽ khinh bỉ và kỳ thị. Thế mà sau đó người phóng viên này đã ca ngợi khen mấy người lính G.I Mỹ đó am tường về tình hình chiến sự hơn là các nhà tướng lãnh Hoa Kỳ.

Trận Hạ Lào đã trở thành đề tài vì nó có liên quan đến một tấm hình có cảnh người lính VNCH bám vào cái càng máy bay trực thăng để trốn chạy khỏi chiến trường. Tấm hình này bị bêu riếu khắp nước Mỹ ngày này qua tháng nọ như là một "bằng chứng" về sự khiếp nhược của quân lực VNCH. Thực tế, đây là một trò cổ điển nói lên mãnh lực của sự xuyên tạc hình ảnh. Thật ra thì sự việc nó diễn tiến như sau: Binh sĩ VNCH bị tấn công bởi một lực lượng Cộng quân hùng hậu. Quân đội Hoa Kỳ đã thất bại trong việc yểm trợ như đã hứa vì hỏa lực phòng không của địch quá mạnh. Những báo cáo cho biết là lính trên trực thăng đã đạp những thùng đạn đại bác từ cao độ 5,000 feet xuống với hy vọng chúng sẽ rơi vào vòng đai của quân đội VNCH. Các trực thăng đó đã không thể nào bay thấp hơn được.
Đại tá Robert Monelli, một sĩ quan Hoa Kỳ có mặt trong mặt trận đó đã kể lại trên báo Armed Forces Journal số 19 tháng 4 năm 1972 như sau: "Một tiểu đoàn VNCH với 420 binh sĩ bi bao vây liên tiếp trong ba ngày bởi một trung đoàn Cộng Sản độ 2,500 đến 3,000 tên. Quân đội Hoa Kỳ không thể tiếp tế cho họ được. Họ phải chiến đấu cho tới khi gần hết đạn, rồi mở đường máu bằng khí giới tịch thu của địch. Họ đã mang theo tất cả binh sĩ bị thương và cả một số xác chết. Không ảnh thám sát chụp được rõ ràng có 637 xác địch rải rác chung quanh căn cứ.
Về phía quân đội VNCH, tiểu đoàn trên chỉ còn lại có 253 binh sĩ sau khi đến được vòng đai bạn. Chừng 17 người trong số binh sĩ này bị khủng hoảng và đã bám vào càng trực thăng để chạy trốn, số binh sĩ còn lại thì không làm như vậỵ"

Bây giờ, có thể một số người cho rằng hành động bám vào càng trực thăng đang bay và dễ làm mồi cho hỏa lực phòng không địch là một hành động gan dạ. Hãy xếp đề tài đó qua một bên, tôi muốn đề cập đến việc là tại sao chỉ có một trường hợp riêng lẻ như vậy - xáp lá cà mở đường máu rút lui (được coi là một chiến thuật khó khăn nhất trong binh thư) lại bị thổi phồng để đi lên án cả một quân lực, cả một quốc gia, cả một dân tộc?
Câu trả lời là tại vì kỳ thị chủng tộc. Các người lính VNCH bám lủng lẳng vào trực thăng bị coi là những tên ngoại quốc hợm hĩnh. Nhưng nếu là lính Mỹ, hay cả lính Anh, thì hành động này đã gây được lòng trắc ẩn vì được biện minh rằng họ vừa trải qua một cuộc thử thách đầy cam go. Bằng cớ cho lập luận này có thể thấy được qua cái phản ứng của người Mỹ đối với cuộc rút lui của binh sĩ Hoàng Gia Anh trong những ngày đầu của trận Đệ Nhị Thế Chiến. Từng có một số lần nhục nhã đã xảy ra trong quân đội Hoàng Gia Anh tại Dunkirk và nhiều nơi khác. Tại Dunkirk, một trung sĩ trên một chiếc tàu cấp cứu đã chĩa súng tiểu liên vào các binh sĩ khủng hoảng để duy trì trật tự. Trên một con thuyền khác, binh sĩ phải dùng báng súng đánh vào đầu một viên sĩ quan để ông ta khỏi leo qua mép thuyền làm nước tràn vào. Tại Crete, một lữ đoàn Tân Tây Lan phải lập vòng đai an toàn quanh biển bằng dao găm để ngăn chặn binh sĩ Hoàng Gia Anh tràn ngập lên thuyền. Cái hình ảnh quân đội Hoàng Gia Anh đơn thân độc mã chống lại Hitler năm 1940 thì ca ngợi là một biểu tượng đầy đủ dữ kiện, còn những trường hợp riêng lẻ như các trường hợp kể trên không được phép làm hoen ố cái bức tranh toàn cảnh dũng cảm và tận tụy của những người lính chiến.
Thành thật mà nói thì quân đội VNCH đã chiến đấu một cách tầm thường trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, ngoại trừ trận đánh hào hùng và tuyệt cú tại mặt trận Xuân Lộc. Nói vậy chứ nó cũng có những nguyên do của nó. Và cũng có nhiều yếu tố để ta tin rằng nếu nhận được sự yểm trợ chân thành từ phía Hoa Kỳ, quân đội VNCH đã có thể tạo được những trận thư hùng như kiểu Xuân Lộc, và không chừng ngay cả việc họ đã cứu vãn được đất nước.
Vấn đề đặt ra đây một lần nữa không phải đề bàn đến cách ứng xử của miền Nam Việt Nam, nhưng chính là đem so sánh cách ứng xử của họ với Hoa Kỳ để xem liệu Hoa Kỳ ứng xử ra sao nếu Hoa Kỳ bị nằm trong một hoàn cảnh, tình huống tương tự. Và thật sự - nếu binh sĩ Hoa Kỳ bị bỏ rơi giống như Hoa Kỳ đã cắt viện trợ Miền Nam Việt Nam một cách nặng nề trong năm 1974, nhiều tháng trước khi địch quân mở những trận tổng công kích lần chót. Hậu quả là chỉ có rất ít nhiên liệu và đạn dược cung cấp cho miền Nam Việt Nam. Phi cơ và quân xa của VNCH bị nằm ụ vì thiếu phụ tùng. Binh sĩ phải ra trận với máy truyền tin mà không có bình batteries, và các toán cứu thương thiếu cả các loại thuốc thang căn bản. Pháo binh thì bị giới hạn bắn được ba trái đạn mỗi ngày trong ngày cuối cùng của cuộc chiến. Tình trạng bi đát đến nỗi tư lệnh quân đội Bắc Việt xâm lăng miền Nam Việt Nam, tướng Văn Tiến Dũng cũng thừa nhận rằng khả năng di động và hỏa lực của quân đội VNCH đã sút giảm phân nửa. Bên cạnh những ảnh hưởng trực tiếp về vật chất, chúng ta cũng phải để ý đến những tác hại tinh thần đối với các binh sĩ VNCH. Lợi dụng tình thế bi thảm này, quân đội Bắc Việt đã ào ạt tấn công với đầy đủ vũ khí tối tân, chiến xa và đại bác di động.
Vâng, quân đội VNCH đã bại vong. Họ đã vất bỏ các chiến cụ (phần lớn đã không còn dùng được vì thiếu phụ tùng) và một số đạn dược (số đạn mà họ đã dành dụm tối đa cho đến khi nó trở thành quá muộn để bắn, bởi vì họ biết rằng sẽ không bao giờ nhận được tiếp tế nữa). Vậy thì lỗi của ai? Của họ... .hay của Hoa Kỳ?
Vâng, miền Nam Việt Nam rút quân khỏi các tỉnh cao nguyên e có phần trễ và vụng về, đưa đến sự khủng hoảng và sụp đổ. Nhưng làm sao chính phủ miền Nam Việt Nam lại cam tâm bỏ rơi đồng bào họ sớm hơn trước được, khi mà địch quân chưa tung ra một áp lực nào ? Đã có lúc miền Nam Việt Nam hy vọng oanh tạc cơ B52 Hoa Kỳ sẽ trở lại giúp họ ngăn chặn làn sóng tiến quân của Cộng Sản. Nhưng khi rõ ràng là việc này sẽ không xảy ra, binh sĩ trở nên hoang mang là một điều dễ hiểu thôi. Tinh thần chiến đấu suy sụp, nhiều binh sĩ bị bỏ ngũ - không phải họ hèn nhát hay không muốn chiến đấu bảo vệ tổ quốc, nhưng bởi vì họ không muốn chết một cách vô ích trong khi gia đình đang cần.

Liệu Hoa Kỳ đã có thể làm gì khá hơn nếu ở trong tình trạng y hệt miền Nam Việt Nam thời 1975? Liệu các đơn vị Hoa Kỳ có tiếp tục hăng say chiến đấu trong lúc quân xa và hệ thống truyền tin thì hư hỏng, y tế thì què quặt, nhiên liệu và đạn dược thì thiếu thốn, không được máy bay yểm trợ - lại phải đương đầu trước một địch quân hùng hậu hỏa lực, đầy đủ tiếp liệu và tinh thần phấn khởi ? Tôi không tin như vậy.
Liệu miền Nam Việt Nam có thể chiến thắng vào năm 1975 nếu chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ cho họ một số lượng tương đương với số tiếp liệu mà khối Cộng Sản đổ vào Bắc Việt ? Câu trả lời không ai biết được. Nhưng chắc chắn một điều là họ cũng có được cơ hội chiến đấu bình đẳng, thế mà Hoa Kỳ đã phản bội tước đi cái cơ hội này của họ. Chắc chắn họ đã có thể chiến đấu một cách hiệu quả hơn. Rồi dù có thua, họ cũng thua một cách hào hùng trong một trận chiến để đời, và biết đâu đã chẳng tạo được một cuộc kháng chiến thần thánh như A Phú Hãn.
Ví dù miền Nam Việt Nam có bị đại bại hoàn toàn, cái yểm trợ tận lực của Hoa Kỳ sẽ cho phép người Mỹ nhún vai và nói rằng họ đã cố gắng hết sức. Nhưng, Hoa Kỳ đã không tận lực, mà trái lại người Mỹ lại còn cố gắng che đậy sự thật bằng cách bôi nhọ miền Nam Việt Nam và nhục mạ quân lực VNCH đã sai lầm.
Bây giờ đã quá trễ để Hoa Kỳ chuộc lại tội ác tầy trời khi bỏ rơi nhân dân miền Nam Việt Nam vào tay Cộng Sản. Nhưng nó chưa quá trễ để Hoa Kỳ thú nhận lỗi lầm trong việc nhục mạ họ. Và cũng chưa quá trễ để bắt đầu vinh danh các thành quả và lòng dũng cảm của những binh sĩ VNCH đã chiến đấu bảo vệ lý tưởng tự do.