Friday, February 27, 2015


BUỔI SÁNG Ở CAFÉ PALOMA
PHẠM NGỌC





Tóc em nghiêng xuống ngày tháng Chạp
rơi giữa tim tôi ngọn gió mùa
nói nữa đi em lời chim hót
tôi thấy quê nhà trong dáng xưa

Trong em tôi vẫn còn rất trẻ
bối rối lời nhau những ngại ngần
trong em tôi biết rằng không thể
nên vẫn xa rời những bước chân

Cà phê ngọt sữa mà môi đắng
để biết tôi- em sẽ không cùng
ngồi đo khoảng cách bằng im lặng
để thấy muôn trùng một khoảng chung

Mai xa thành phố rồi sẽ nhớ
đôi mắt em cười hương phấn đưa
tóc em nghiêng xuống ngày tháng Chạp
rơi giữa mùa-đông-tôi-rất-thơ!
(Tháng Chạp tôi và em)
Phạm Ngọc

Wednesday, February 25, 2015

viết cho hồn thơ dại

thư viết từ đường heatherglen

Phạm Ngũ Yên

1.
Có những lúc tôi muốn đi về phía một tình buồn, như đi về một trạm dừng của định mệnh. Nơi phố khuya miệt mài những hàng cây và con đường mệt đuổi theo những quá khứ. Đêm chưa kịp thắp đèn mà đêm đã mù mịt giăng mưa. Những đời xe nối đuôi nhau ướt át theo dòng đời. Không ai đón tôi nơi cuối đường. Không cả vòng tay chật ấm cùng với nụ hôn dài cả một đời người cộng lại.
Đâu rồi nụ cười của em, cùng tia nhìn bão lửa? Tôi trói mình vào gian phòng đang ủ kín mùa xuân trong khi gió lạnh còn tạt hối hả qua lòng.
Góc đường tháng hai đang ẩm ướt mưa bụi. Ai đợi chờ tiếng phone của ai đêm cuối năm và tiếng thời gian đi từng bước thầm trên tờ lịch cũ. Có rất nhiều đời sông vội vã đi qua một khúc quành để kịp chảy xuôi về biển lớn. Tình yêu nàng dành cho tôi giống như dòng sông ngày nào. Nàng chảy ngược ngang đời tôi rồi xóa nhòa một dấu tích.
Con người luôn có trái tim yếu đuối, nhưng lạ lùng thay nó có thể chịu đựng được hết mọi thống khổ tình yêu. Mùa này, những cây sứ đang nở hoa trên đường về Dinh Ông Thượng. Màu hoa trắng tinh chở chuyên hạnh phúc thời con gái của em. Và trái tim lãng mạn cho đi mà không biết lấy về. Hương thầm của hoa và hơi thở em đang hòa nhập làm một đọng lại giữa hồn tôi hớn hở, trong khi môi em cuống quít một màu son.
Mùa này, Việt Nam đang mùa Tết. Tôi đã qua một tuổi thơ mộng mị để bay bổng những điều tưởng như cỗ tích. Bụi thời gian dù có chồng chất từ sau một cuộc biển dâu, nhưng không làm sao xóa mờ những ngăn ký ức. Giống như ngọn lửa giữa đêm về sáng của ngoại tôi bên nồi bánh chưng. Thơ ấu của tôi còn rõ nét một buổi chiều cuối năm như vậy, để tôi biết rưng rưng một màu nắng. Có phải nó đang nằm yên nơi ngạch cửa để chờ đợi vỡ òa khôn lớn. Và trái tim sắp chín đủ đau buồn?
Nhiều năm rồi tôi vẫn còn nhớ như mới vừa hôm qua, một lần tôi được thức khuya để coi bà ngoại tôi nấu bánh chưng. Lòng náo nức một niềm vui vì sáng mai được mặc quần áo mới, được tiền lì xì làm tôi không thấy buồn ngủ. Đêm tối đen xào xạc tiếng lá cây sau vườn. Nơi có những cành lá chuối sau nhà xô giạt vào nhau như tiếng đùa cợt của hồn ma bóng quế. Tuổi nhỏ luôn có nhiều lý do để sợ hải. Tôi tin những điều huyễn hoặc được nhào nặn, thêu dệt của người lớn. Bây giờ hồi tưởng lại tôi thấy buồn cười. Nó thay đổi theo thời gian và gắn chặt trong lòng tôi có thứ tự lớp lang như bố cục tuyệt vời của chuyện cổ tích. Tôi không dám ra vườn ban đêm và khi ngủ tôi dành nằm phía trong hoặc giữa mấy người lớn. Chiếc mền trùm kín không để hở chân. Lòng an tâm tự nhủ nếu có gì xãy ra thì tôi sẽ là người sau cùng đối diện với bất trắc. Có lần, tôi làm gan đi theo ông ngoại tôi ra sau vườn, để tìm một con gà lạc đàn không chịu về ngủ ở chuồng. Dưới ánh đèn “bão” xanh mướt thắp bằng dầu hôi, tôi co rúm bước theo ông, mắt nhìn dáo dác, sợ bất cứ một tiếng động nào vang lên hoặc sợ gió làm tắt ngọn đèn và tôi sẽ lạc mất ông tôi. Và một ông thần hung ác hay một con quỉ sẽ nhảy bổ ra, bắt tôi đem về hang của nó.
Buổi chiều bà ngoại tôi sai bà chị lớn của tôi tướt lá chuối để bà gói bánh. (Bây giờ bà chị đã đi tu. Không biết mùa xuân có làm chị tôi nao lòng khi tiếng gió thổi qua sân chùa. Nơi có góc vườn bồ đề trở trăn một kiếp người ngắn ngủi?). Nếp và đậu xanh được chuẩn bị từ buổi sáng. Mọi thứ được gói gém gọn gàng thành từng phần đều nhau. Chính giữa là thịt mỡ và cuối cùng được bọc bên ngoài bằng lá chuối, sau đó cột dây chặt chẻ chung quanh. Một bà chị khác lo châm củi nấu nước. Nồi nấu bánh là một thùng sắt vuông có từ thời Nhựt Bổn đô hộ. Má tôi cũng không hở tay, bà lo làm thịt một con gà để cúng ông bà. Trên bàn thờ gia tiên đã có vài ngụm khói. Những sợi khói quẩn quanh không chịu bay xa mấy bộ lư bằng đồng. Vài đĩa mức. Vài đĩa trái cây. Một chai rượu mua ngoài tiệm “ba tàu” còn nguyên giấy kiếng chưa mở ra. Không thể thiếu một bình hoa vạn thọ vàng chói nằm bên cạnh. Và một phong pháo dài treo trước cửa. Đúng nửa đêm cậu tôi sẽ đốt.
Đêm chưa đến bao lâu, nhưng tôi nghe lác đác vài tiếng pháo vội vàng của ai đốt tiển đưa một năm sắp tàn. Tiếng ồn ào của nhà gần đó, đang mở vội một sòng bầu cua. Tiếng cười nói, tiếng nhạc mừng xuân từ chiếc radio mở hết âm độ từ một căn nhà khác.
2.

Khi đi vào đời, rồi vào lính, những mùa xuân như vậy không còn được bao nhiêu. Nó không theo tôi vì mỗi năm hoàn cảnh đổi thay. Lòng người cũng đổi thay theo. Những hơi thở chất ngất tình tự gia đình đã chìm khuất trong một ngăn đời quá tải. Những chiếc bánh tét, bánh chưng thơm mùi lá chuối non cũng mai một dần dà. Chiến tranh và nhịp sống vội vã đã đẩy những hình ảnh thân thiết đó vào tận cùng tâm hồn tôi và trái tim tôi chai mòn kỹ niệm.
Tiếng pháo, đôi khi thay bằng tiếng súng bên kia núi, làm mùa xuân trở nên cay đắng hơn. Tôi không còn thường xuyên ở thành phố. Dấu chân mòn vẹt đế giầy “sô” trên các vùng chiến thuật. Năm trước ở vùng 1. Năm sau ở vùng 2. Màu áo treilli cũng phai màu nắng mưa trong khi tóc tai bồng bềnh bụi đường từ một quán gió. Những bài hát về lính, ca ngợi tình lính luôn tuôn chảy trên làn sóng điện, khi dừng chân tại một khu gia binh. Những bài hát thời thượng tôi không muốn tha thiết để nghe, vì tôi nghĩ nó hơi cường điệu và hơi làm nản lòng … chiến sĩ : “đồn anh đóng bên rừng mai, nếu mai không nở, anh không biết xuân về hay chưa…” (nhưng bây giờ, sau ba mươi mấy năm tôi nghe lại thấy cũng hay).
Những mùa xuân xa nhà trong đời lính rất nhiều. Những gác trọ quen thuộc cũng vùi dập một đam mê khi tôi đi phép về Sàigòn. Con đường Nguyễn Thiện Thuật khu Bàn Cờ và căn nhà giặt ủi Như Ý. Tôi đã có những ngày tết đầy đủ nhan sắc và mùi vị học trò. Bà chủ nhà tốt bụng cũng là người dân Vũng Tàu. Mấy anh em của Nguyễn Hải Nam, Nguyễn Hải Đông, và các cô em Thu, Cúc đã yêu mến tôi coi tôi như người nhà. Tôi ghé ở tại đó vài hôm Tết, trước khi đón xe đò về Đà Lạt.

Mùa Xuân Sàigòn luôn lấp lánh những suối nắng chảy dọc dài các ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Sàigòn đầy bụi cuốn tung khi gió theo bước chân các cô nữ sinh tan trường về. Tà áo dài quấn quít e thẹn khi họ băng qua đường. Sàigòn muôn thuở thiếu mùa thu và Vũng Tàu mùa đông cũng ngỡ ngàng xác hoa muồng rụng xuống trên tam cấp nhà thờ. Tôi đứng trên ban công căn nhà 16/14 đường Nguyễn Thiện Thuật nhìn xuống người đi như lá xanh. Các xe Honda luồn lách tài tình trong đường hẽm chật chội. Vài xe xích lô nổ máy chờ đợi khách hàng trả giá bên vựa dưa hấu chồng chất, bên gánh hàng hoa đủ màu. Tiếng rao bán vé số và tiếng hát mời gọi một thời vận huy hoàng của Trần Văn Trạch vang lên quen thuộc ”kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta /mua vé số này giàu sang mấy hồi…”
Bên kia đường là quán cà phê Năm Dưỡng. Một góc khác là lớp dạy Anh Ngữ có tên là Trung Hiếu. Tôi đã từng là khách quen của cà phê Năm Dưỡng khi về thăm lại Bàn Cờ. Ngồi ở một chiếc bàn gỗ thấp, trước mặt là ly “xây chừng”- đôi khi là ly bạt xĩu- Châm điếu thuốc Bastoz xanh và rít một hơi vào trong buồng phổi, trước khi thở ra ngoài. Khói chảy tràn lơ đảng. Tôi thấy đời sống cũng tất bật và ồn ào giống như xe cộ đang xuôi ngược bên ngoài. Vài xe hủ tiếu, xe bánh cuốn, xe bò bía đậu chênh vênh trên vỉa hè. Lâu lâu có vài chị bán mía ghim, bán trái cây ngừng lại. Mọi hình ảnh tưởng chừng như nhỏ nhoi và rời rạc đó, nhưng là mảnh keo vặm vỡ nối kết đời sống này trở thành một phần của Sàigòn muôn mặt.
Những ngày như vậy tôi rất hạnh phúc. Có những xác hoa vàng đại diện một mùa xuân đã nằm lại đâu đó trên góc phố. Tiếng cười mật ngọt của người con gái bên kia lan can lầu ghi dấu một câu chuyện tình dang dở bị chết non. Từ lâu tôi cố gắng nhớ lại một dung nhan tình cờ trên chặng đường xuôi ngược. Và một mùa xuân êm ả bên dòng đời. Nhưng thời gian giống như cơn sóng, xua đi những rác rến cùng những cành hoa trôi hết ra ngoài khơi biển động. Cuối cùng không để lại dấu vết.

Người con gái trên lầu hoa một lần tôi thấy khi đứng bên này nhìn sang. Chiếc áo dài màu xanh da trời và chiếc áo lạnh màu đen hờ hững, trông nàng vừa sang trọng vừa lạnh lùng. Chỉ có đôi mắt hấp háy nụ cười hoặc không khí mùa xuân làm nàng có vẻ tự tin, yêu đời? Ngay cả cái tên của nàng tôi cũng không biết. Tôi hỏi thăm Thu, Cúc thì biết nàng không phải là người địa phương, giống như tôi, từ xa về thăm bà con ở Sàigòn. Cứ coi như tôi và nàng là “hai người dưng khác họ”, nhưng lạ lùng làm sao, không biết tại sao tôi cứ đem lòng hoài vọng?...
“Hãy gọi cho anh khi đêm đã khuya rồi
Khi anh đã về với mình rất thật
Khi anh thấy tận trong anh- sâu nhất
Ánh mắt em nhìn trách móc suy tư” (?)
Đoạn thơ của ai đó, tôi không biết tên tác giả chợt tạt qua trí nhớ, như minh họa lại một góc quá khứ đậm đặc nỗi buồn mà mãi sau này tôi mới biết, sau những ấm lạnh tình đời…
3.
Bây giờ căn nhà 16/14 đường Nguyễn Thiện Thuật đó vẫn không thay đổi một chút nào. Không sửa sang thêm cũng không tàn phai thêm. Bà chủ nhà dĩ nhiên có già đi chút đỉnh, nhưng vẫn mang dáng điệu sang trọng, quí phái của một người phụ nữ Hà Nội. Còn Thu, Cúc hai cô gái đã có chồng. 
Chỉ có Đông và Nam không tin tức sau ngày vượt biên. Không ai biết về chuyến ghe có hai anh em trên đó. Tội nghiệp người đàn bà vẫn hơn ba mươi năm chắt chiu hi vọng nhìn thấy hai đứa con trai trở về. Bà không tin Đông và Nam là hai vì sao xấu số trong muôn vạn vì sao đang lấp lánh trên trời. Những thày bói, những cô đồng nổi danh Sài gòn đều được bà ghé lại hỏi han. Những số tiền không nhỏ bỏ ra chỉ để thu về một kết quả lạc quan ít ỏi. Nhưng tất cả đều sai lạc, mơ hồ…
Tôi ghé thăm bà một lần. Rồi không bao giờ dám ghé lại một lần thứ hai. Không phải tôi vô tình nhưng tôi không muốn nhìn thấy hi vọng của ai kia bị bầm vập dưới những bước chân đời, như cành hoa mùa xuân bị tàn phai sau một ngày tan chợ.
Dỉ nhiên, người con gái trên lầu hoa cũng biền biệt. Tình yêu đi qua đời nhau nhẹ nhàng, lặng lẽ. Nhưng làm buồn và rách rưới một tương lai.

Sáng nay, một đóa hoa xuân rụng bên thềm vì gió lạnh, khi tôi đi ra ngoài lấy thơ. Mưa rơi mỏng như sương mù. Hoa đã chết non một đời hoa vì cuộc đời không chịu xanh hồn thơ dại. Nhưng trái tim vẫn râm ran những bản tình ca dù tình yêu đã ngã xuống lâu rồi…
PNY

 

Tuesday, February 24, 2015

ANH ĐẾN GIỮA ĐỜI EM
BÙI SIM SIM

 




















 

 
Anh đến giữa đời em
Như cơn mưa rào đầu, bất chợt
Như là ngẫu nhiên, như là hẹn trước
Như bao nhiêu cái có thể trong đời

Khi nửa - đời - mình còn thiếu vắng trong tôi
Bao khao khát, bao kiếm tìm mải miết
Một trí tuệ thông minh, một trái tim cuồng nhiệt
Một mẫu hình lý tưởng khắt khe

Hồn lang thang phiêu lãng cuối trời xa
Mắt mơ màng những nên thơ, huyền thoại
Gửi khắp đó đây: một chút dỗi, một chút hờn,
một chút buồn, chút nhớ
Bóng hình ai trong ảo giác đơn côi

Anh đến giữa đời em, như trận gió
không ngờ
Làm đảo lộn những gì em vốn có
Bao triết lý thơ ngây nhuốm màu sách vở
Bao ước vọng cao xa em mê mải kiếm tìm

Nửa cuộc đời em đang ở trong anh
Khi em nhận ra mình, mọi triết lý bỗng trở thành xa lạ
Anh - một mình chan hòa trong tất cả
Nỗi buồn, niềm vui, khát vọng ước mơ

Với em, anh là cả nguồn thơ
Bình dị sáng trong giữa cuộc đời rất thực
Không ồn ào, chẳng nhiều thề ước
Anh đã là tất cả của yêu tin
Anh đã là cái - nửa - của riêng em !
Bùi Sim Sim
 

 

Friday, February 20, 2015


TRƯA BA MƯƠI TẾT
TTTN
Năm nay nhuần, những 13 tháng mới Tết, thế mà những ngày cuối tháng chạp vẫn … y như cũ, nghĩa là bận tối mắt bởi lo Tết!. Có thêm 30 ngày nữa cũng thế thôi vì những việc chuẩn bị cho 3 ngày đầu năm cũng chỉ bắt đầu từ ngày 23 đưa ông Táo. Có gì đâu, dưa hành, củ kiệu, dưa món thì đã lai rai xong rồi nhưng còn những món khác phải đến 28 Tết mới bắt tay thực hiện, có muốn sớm cũng không được Thế là dồn dập, dồn dập và chạy.  Trưa 30, chạy vội về Chùa có việc và đi tìm mấy sợi trầu bà treo lên mảng tường bị bỏ quên tôi có cớ đi vòng vòng ngắm phố xá và chợ hoa giờ cuối năm. Rời Chùa, thả  xuống con dốc nhỏ nhìn mấy bông hoa sứ lắt lay, rụng chơ vơ buồn thiu trên đường bỗng dưng nghe buồn làm sao. Một hoa sứ trắng bé nằm phơi mình dưới nắng trưa, chiếc bóng cũng nhỏ ngã dưới đường  hiu hắt, chợt nhớ có  một người bảo mấy mươi năm mới thấy lại hoa sứ nghe lòng rưng rưng muốn khóc. Có khi nào cũng như tôi bây giờ không nhỉ?
 
Con đường Hạ Long ôm vòng từ Bãi Trước ra Ô Quắn  vắng ngắt, những quán Café  cũng thưa thớt bóng người, vài chiếc xe vụt qua nhanh trên đường chở những người đi mua sắm trễ ôm những chậu cúc đại đóa, mai ghép vàng ươm như nắng, mua giờ nầy chắc hoa rẻ hơn tầm 24, 25 Tết. Trời Vũng Tàu đã bắt đầu nóng dần nên trưa trời nắng, biển đã xanh hơn, sóng nhè nhẹ vỗ bờ… những bọt nước trắng như đăng ten viền bờ cát thoai thoải dưới bầu trời xanh trong. Ở biển mấy mươi năm nhìn biển hoài, lúc dịu dàng, lúc cuồng nộ, sao tôi vẫn bị mê hoặc bởi biển, sóng và đá? Tôi vẫn thích ghi lại những khung ảnh quen thuộc với những cung bậc khác nhau của biển và nhìn mãi không chán mắt.. Bất chợt, thích thú bắt gặp một chú chim đang lang thang dưới bãi, chú chim gì tôi chịu chẳng biết tên, đang cô đơn, lầm lủi tìm tìm kiếm kiếm thức ăn (có lẽ?). Không bỏ qua, tôi để xe trên hè đường nhè nhẹ lần xuống bãi... cái máy mini “zoom” chả được là bao nhưng dù sao thì cái hình ảnh cô độc, lẻ loi, bé nhỏ kia cũng đã lọt vào tầm ngắm và cho tôi mấy tấm ảnh thật dễ thương mà cũng thật buồn.
Thế rồi để khỏi uổng công mò xuống bãi giữa trưa nắng cháy, biển khơi trước mắt lại khiến tôi mê mẫn và… hình ảnh một con thuyền nhỏ chòng chành ngoài khơi xa đập vào mắt tôi, thuyền chỉ có 1 người, hình như người ta đang chèo ra hàng đáy ngoài kia gỡ cá. Tự dưng tôi nghe lòng chùng xuống, giờ nầy nhà nhà , người người đang quây quần, vui cười râm ran bên mái nhà của mình chuẩn bị đón Xuân vẫn còn có người lặn lội ngoài khơi một mình tìm cái ăn như chú chim bé nhỏ kia ư? Tôi tần ngần trong nắng trưa dõi mắt theo bóng con thuyền bé đang nhấp nhô trên sóng nghe tâm mình cũng bồi hồi sóng nổi…

Phố trưa thật yên vắng , từ Bãi Trước tôi về ngang trường cũ, Nhà Thờ lớn im lìm, nhưng phía sau, đường Lý Thường Kiệt, Khu Nhà của UB Tỉnh vừa được dở bỏ bây giờ là khu vườn cây bán Tết, ôi sao vẫn còn nhiều hoa  quá, nào mai, nào cúc, hồng, tắc, rồi cả dưa hấu vẫn còn khá nhiều. Bây giờ đã hơn 12 giờ trưa ba mươi rồi còn gì. Người bán vẫn cố mời chào và người mua vẫn đang kì kèo ngã giá… Năm nay  thời tiết lạnh tưởng mai khó ra hoa mà giờ thì trổ nụ vàng ươm. Nắng gắt khiến người bán mệt mỏi nhưng vẫn phải cố phun sương cho mai … tỉnh táo trông thật tội nghiệp… Trên đường Nguyễn Thái Học cũng thế, mai , cúc, tắc và cả lan cũng còn đầy trên vỉa hè. Chẳng hiểu mấy hôm trước người ta bán làm sao chứ đến giờ nầy mà hoa vẫn còn khá nhiều, nhìn hoa phơi nắng cũng thấy thương mà cũng thật tội nghiệp cho người bán. Có những loại hoa khi chở xuống thì được nâng niu, chễm chệ thật oai , người bán nói giá cao ngất ngưỡng mới vài ba hôm, bây giờ thành rác mang đem bỏ, nhìn người ta chất những thân đào khô khốc lên xe mang đi vất mà tôi cũng còn thấy xót xa nói chi người bán…
Tìm được vài nhánh lá, mua thêm vài ba món lặt vặt còn thiếu mà cũng mất hai giờ đồng hồ. Một vòng trưa ba mươi Tết thấy Xuân về nhưng sao nghe lòng không vui nữa. Chỉ có mấy giờ đồng hồ mà trong mắt tôi chỉ toàn những hình ảnh chẳng hề mang lại cho lòng nỗi náo nức chờ Xuân. Bông hoa sứ trắng buồn, cánh chim côi, chiếc thuyền với bóng người đơn lẻ giữa đất trời tỉnh lặng. Buồn! Mà những chốn đông người, xôn xao cũng thấy Buồn. Hai nỗi buồn khác nhau nhưng đủ cho tôi thấy cuộc đời sao chông chênh quá… Lại thêm một lần Xuân đến nữa, thời gian làm phai màu tóc và thêm lắm nghĩ suy… Làm sao tìm thấy niềm vui thực sự, khi ta đang ở giữa chốn lao xao với biết bao chuyện  chẳng có chi là vui thực.

Đêm nay là đêm cuối cùng của năm. Một năm mới sẽ bắt đầu khi chuông đồng hồ lên tiếng gõ. Giao thừa đến, chia tay năm cũ, chia tay hết mọi buồn - thương- giận- ghét đã qua… Thêm 360 ngày sẽ đến. Buồn hay Vui  nào ai biết trước… lại cũng sẽ giận- ghét- buồn- thương? Mong sao Ngày bình yên và Đêm cũng bình yên!
30 tháng chạp Giáp Ngọ.
TTTN
 

Tuesday, February 17, 2015


CHÀO NGUYÊN XUÂN
BÙI GIÁNG





















Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người

Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau

Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu?
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà

Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió đàn xa dặm dài?
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào

Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.
Bùi Giáng

Sunday, February 15, 2015


CẢM XÚC SAU KHI ĐỌC HỒI KÝ

MỸ TRINH



















Đọc hồi ký anh gần tới sáng
Những trang đời hạt bụi luân lưu
Những người anh một thời khói lửa
Những hy sinh bay vào khói mù

Những khoảng đời cho đi đánh mất
Lịch sử dài nằm nó quạnh hiu
Tôi lọt lòng cái thời anh đã
Nuốt bụi trần ăn cát hoang liêu

Ôm kỷ niệm quê nghèo thơ ấu
Đi muôn phương từ phía chân trời
Vác lên vai gia tài khập khểnh
Hứng bụi hồng gió ngược chơi vơi

Quê hương đó mấy lần ai nhớ
Những người anh "Ngơ Ngác Cõi Người" (*)
Nuôi tim sống bằng tình ngôn ngữ
Cũng như tôi bán mất nụ cười

Những cuộc đời gian truân khó nhọc
Những trận đời nung nấu sức hơi
Những trái tim vo tròn bóp méo
Tìm khoảng đầy thở gió mưa tươi

Tôi thấy tôi trong bài hồi ký
Tôi thấy anh ngồi bó vết thương
Lòng không chùng cho tôi sức mạnh
Còn đứng lên tiếp nối chặng đường

Những ngày buồn chữ dường như cạn
Những ngày vui mỗi lúc hiếm đi
Tôi học ngồi thẳng lưng học đứng
Mỗi những lần ngả quỵ nhiều khi

Chữ tôi ít hồn tôi nhiều lắm
Bàn tay gầy đào đất trồng cây
Gieo cỏ mới chờ lên hoa dại
Nhớ về anh chữ nghĩa biết say

Cám ơn người cho tôi hạt thóc
Đồng lúa xanh mơn mởn chờ mùa
Tôi thức dậy giũ buồn ra cửa
Áo học trò che những ngày mưa

Lại thấy chữ lăn trên bàn viết
Lại thấy thầy bảo ghép vần vui
Tôi lui cui thay quần thay áo
Bỏ vào thơ một chút ân đời...
Mỹ Trinh
(*) "Ngơ Ngác Cõi Người" Tập thơ của thi sĩ Luân Hoán







 

Saturday, February 14, 2015


BÌM BỊP KÊU THƯƠNG

Nguyễn Thị Ánh Huỳnh

(hình tác giả)






Ai bịp mày chim ơi
mà bìm bịp suốt đời
hay sông Vàm Cỏ bỏ mày
đi lấy vợ
hay Đồng Tháp Mười bỏ mày
đi lấy chồng
bìm bịp
tiếng chim kêu
làm goá cả buổi chiều

Cho chị ngủ nốt đêm Cần Đước
kêu thương chi cho đau lòng nhau
bật máu cây trạng nguyên
đốt cháy tán bàng
cứ bíp bịp hoài
chị không về Sài Gòn đặng
sợ chồng ghen
có ai lại lấy tiếng chim bìm bịp làm chồng?

Thôi chị phải bỏ đi
không dám ngủ trọn một đêm với tiếng kêu thương
tiếng chim có bùa ngải

Bìm bịp bìm bịp…
tiếng kêu vò xé cả trời
nghe chim
có thể chết người
như không!

Nguyễn Thị Ánh Huỳnh
(Bài thơ này lấy trên báo "Điện tử Bà Rịa- Vũng Tàu" in năm 2008)

 






Tuesday, February 10, 2015


Cafe cuối năm, internet
Tuankhanh

Fri, 01/23/2015 - 08:11

Những buổi sáng cafe ở Sài Gòn 10 năm trước cho đến nay dường như vẫn không có gì thay đổi. Vẫn ly cafe nhạt đó, những câu chuyện hỏi han nhau lệ thường, những cuộc tranh cãi vu vơ giữa người với người để chứng minh sự tồn tại như lẽ thật trên trần gian. Khác chăng là những đứa trẻ đánh giày nhiều hơn, những người già vé số tuyệt vọng hơn. Và đặc biệt lượng người trầm ngâm với điện thoại hay máy tính bảng ở mọi góc, ở mỗi giờ.
Thế giới đã khác, những tờ báo giấy mòn mỏi và chậm chập như những chuyến xe liên tỉnh không đến kịp thời gian. Con người Sài Gòn hôm nay ngồi chạm lướt vào hiện tại tức thì để nói về cuộc sống của mình, buồn phiền hay vui cười những tin tức chớp tắt từng giờ. Sài Gòn ngồi một chỗ có thể nhìn mọi nơi, nghe những chuyển động của người Việt, có thể cười cợt với những vận may hạnh phúc và cũng có thể chết lặng với những đảo điên của giống nòi.
Lại một buổi sáng như mọi buổi sáng ở Sài Gòn, anh bạn làm trong ngành toà án nói rằng từ internet, tin tức liên quan về luật pháp có thể những người quan tâm đến stress nặng. Anh bạn làm báo thì kể có lúc anh đọc tin, thấy những trái ngang đến mức bị trầm uất, ngồi hàng giờ ở nhà mà không nói tiếng nào, đến mức gia đình lo sợ.

Là người, chắc không ai quên được vụ thảm sát công dân Ngô Thanh Kiều ở Phú Yên (2014), mà thủ phạm lại là 5 công an viên do bức cung, nhục hình, bất chấp nạn nhân kêu oan. Tin tức về sự kiện này thoạt đầu, báo chí không đưa nhiều, thậm chí nương nhẹ, giấu bớt phần tội ác của các công an viên. Thế nhưng tin tức trên internet bùng nổ lên tiếng, mang đi hình ảnh những đứa trẻ đeo khăn tang, người vợ mang bức hình thi thể dập nát của chồng mình kêu oan trước những ánh mắt nhân viên an ninh trừng trừng vô hồn đe doạ. Có một bức ảnh được truyền đi trên mạng, cho thấy đứa trẻ đang hôn vào di ảnh của cha mình. Nhiều người đã bật khóc vì khoảnh khắc đó. Nhiều người như anh bạn làm ở ngành toà án hay nhà báo của tôi, và cả tôi đã nhưng nghẹt thở khi nhìn thấy. Tíc tắc của hình ảnh đó có thể theo tôi đến tận cuối đời như một lời nhắc nhở rằng xứ sở mình, người Việt mình đã oan khiên như thế nào, và may mắn thay, nếu không có internet, những điều như thế này sẽ không bao giờ chạm được vào đời thường để được sẻ chia công lý.
Tin tức trên internet như một cuộc cách mạng thầm lặng và vĩ đại đã thay đổi đất nước này, dù không phải ai cũng hân hoan đón chào nó. Trước khi có internet, mọi thứ bị kềm hãm trong truyền hình và báo giấy, trở thành một lá bài ma thuật muôn mặt với công chúng.
Những người bạn ngồi cafe gợi nhớ ngày tháng mọi thứ lệ thuộc vào các bản tin nhanh. Từ bóng đá cho đến các sự kiện thế giới như Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chiến tranh Vùng Vịnh... Dòng người nôn nao đứng trước Thông Tấn Xã VN chờ mua vào lúc 4g chiều - những ngày tháng đó đã nói hết mọi điều. Những bản tin một chiều, bị kiểm duyệt và thậm chí bóp méo đã được nâng niu, bàn tán từng ngày. Cuộc sống trong một cái nồi đậy nắp kín vẫn luôn đau đáu ngóng chờ một giây phút nào đó để nhìn thấy bầu trời bên ngoài. Hôm nay thì mọi thứ đã thay đổi, dù cá mập có xuất hiện từng đàn theo ước hẹn trước để cắn các dây cáp quang dưới lòng biển, internet xoay tròn tìm kiếm, người ta vẫn tìm thấy đủ cách để tiếp nhận thông tin quanh mình.
Không thể nào dừng được thông tin đến với mọi người, và càng không thể che đậy hay ngăn chận. Vụ thảm sát ở Phú Yên lộ dần bộ mặt của các ác và sự thống trị như cát cứ của chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành công an ở đó. Và cũng nhờ đó, mà người ta biết đến chân dung của một người luật sư trẻ đáng kính trọng, Võ An Đôn.
Hãy hình dung vào 10 năm trước, nếu vụ án oan này xảy ra mà không có internet, có lẽ số phận gia đình của nạn nhân Ngô Thanh Kiều sẽ nguy nan biết mấy trước sự bao che, cấu kết lộ rõ ở vùng đất đó. Và luật sư Võ An Đôn chắc cũng sẽ bị xô vào một góc tối khác, nơi công lý chỉ còn một hình hài rách rưới và cam chịu.
Có thể anh Võ An Đôn cũng có một trái tim bình thường như mọi con người khác. Anh cũng biết sợ hãi và biết mình đang đối diện với điều gì. Khi bị cáo công an Lê Minh Phát nổi giận, đạp ghế và chửi bới trước toà khi nghe án tù 6 năm của mình cho tội giết người, nhiều người đã lo sợ. Và chắc anh Võ An Đôn cũng có một tíc tắc bất an nào đó. Ai cũng hiểu hành động của viên công an giới thiệu một bộ mặt khác của Phú Yên, nơi công an là trời, là núi cao, là cát cứ trong sự sợ hãi của dân chúng. Cú đạp của viên công an chỉ là sự bày tỏ rằng vì sao có một loại công lý nào đó có thể chạm được đến họ.
Vụ án kết thúc, nhưng đến năm 2015, cuộc trả thù đánh với vẫn dai dẳng, khi đoàn luật sư tỉnh Phú Yên loay hoay tìm cách rút thẻ hành nghề của luật sư Võ An Đôn. Thậm chí đòi thanh tra nơi làm việc của luật sư Đôn để "quét nhà ra rác". Nhưng may sao, câu chuyện này với các mặt phải-trái của nó đã nhiều đến mức mọi người đứng về vị luật sư cô đơn ngay trên quê mẹ của mình. Bộ mặt quyền lực cát cứ và dẫm đạp lên cả đồng loại mình bị xé toạc ra, lộ ra giòi bọ nhun nhúc trong đó. Nhưng cũng từ đó, những người biết chuyện lại thêm sự lo ngại, rằng cuộc chiến đó chưa yên, quyền lực đó vẫn sẽ âm mưu phục kích công dân tử tế của mình một ngày nào đó để kiểm soát mọi thứ.
Tôi chưa một lần gặp mặt luật sư Đôn, chỉ thấy anh qua hình ảnh. Trong sự rắn rỏi và quyết liệt của anh, dường như tôi còn nhìn thấy sự liều chết của một kẻ đánh bom, muốn phá tan các bức tường che đậy tội ác, bứt đứt những bàn tay đang nắm chặt với nhau vượt qua các giá trị luân lý và nhân tính. Hôm nay, một phần bóng tối đó bị đẩy lùi không chỉ bằng sự cao quý trong trái tim luật sư Đôn, mà còn cả truyền thông nhà nước lẫn tự do cũng lên tiếng. Internet mang đi xa câu chuyện nhức nhối đó, các câu chuyện cafe chia sẻ mạnh mẽ hơn. Sài Gòn xa Phú Yên hàng trăm cây số, nhưng gần bởi cùng sự căm giận cho số phận con người.

Những buổi sáng trôi qua chầm chậm, giật mình lại thấy đã cuối năm. Những câu chuyện từ internet thì dồn dập đến mức khó mà nhớ hết được, nhất là khi mảnh đất Việt Nam này sáng nào mà không đọc thấy một chuyện đáng ngậm ngùi. Trong tập cuối bộ phim Rurouni Kenshin, thầy của tay lãng khách sát thủ đã nói rằng "sao nhìn con như đang mang giùm nỗi đau cho cả đất nước này vậy." Nhìn mặt của nhiều người tiếp nhận tin tức buổi sáng cafe hôm qua và hôm nay, vẫn có thể thấy được những điều u uất đó lởn vởn chung quanh. Nhưng nếu không là vậy, hoá ra, chúng ta đã trở thành loài súc vật công cụ vô tri sao?
Tôi chép lại câu chuyện này như một thứ nhật ký, bằng một niềm hy vọng nhen nhúm. Những ghi chép này như một thứ nhật internet ghi lại sức mạnh của chính nó, ghi lại con người đã ra sao từ đó, và ghi lại một phần những câu chuyện không bao giờ được quên lãng trên đất nước này.

Đây là một lời cảm ơn thầm lặng của tôi đến luật sư Võ An Đôn và chia sẻ đến gia đình của nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Và đây cũng là lời cảm ơn đến những ai đã từng chia sẻ câu chuyện này và biến nó thành một sức mạnh công lý của chúng ta.
T.K