Thursday, April 25, 2013




THÁNG TƯ- BOM NỔ BOSTON ĐẠN BAY KÝ ỨC
Trần Thu Miên


Tháng Tư 2013, hai quả bom khủng bố nổ giữa lòng Boston, nhưng hình như đạn vẫn còn bay trong ký ức của đồng bào tôi và của chính tôi, những người tị nạn Cộng Sản tha hương. Chúng tôi đã sống ở xứ sở thanh bình tự do gần 4 thập niên rồi mà sao vẫn chưa tìm thấy bình an vẫn chưa tìm thấy tự do.
Hàng năm cứ vào ngày thứ Hai tuần thứ Ba của tháng Tư, cư dân Bang Massachusetts được nghỉ lễ Patriots’ Day (Ngày của người yêu nước) để tưởng niệm và vinh danh các anh hùng ái quốc đã can đảm hy sinh trong cuộc khởi nghĩa chống Thực Dân Anh. Trận chiến mở đầu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc xảy ra tại Lexington và Concord bang Massachusetts vào ngày 19 tháng Tư, 1775. Ngày này cũng là ngày thi chạy bộ đường trường Boston được tổ chức từ năm 1897 (The Boston Marathon). Đây là cuộc đua chạy đường trường lâu đời nhất tại Hoa Kỳ. Hơn một trăm năm qua, các lực sĩ chuyên nghiệp hay “lực sĩ tài tử” muốn tham dự cuộc đua này đã phải tốn nhiều công sức rèn luyện để đủ sức chạy xong đoạn đường dài hơn 26 dặm (26.2 miles) hay 42.195 km.
Cuộc thi chạy đường dài và ngày vinh danh tiền nhân yêu nước của người Hoa Kỳ có một tinh thần rất giống nhau: Đấy là lòng quả cảm và tính kiên trường. Những nhà cách mạng thời lập quốc Hoa Kỳ là những người can đảm và kiên trì. Họ can đảm không chỉ vì dám liều mạng chống lại quân đội hùng mạnh của thực dân Hoàng Gia Anh Quốc, nhưng họ can đảm vì sau cách mạng thành công, họ không lợi dụng chiến thắng để củng cố quyền lợi cá nhân hay đảng phái. Họ can đảm bỏ qua ích lợi cá nhân hay gia đình để qui tài năng vào việc chung: Việc tạo dựng nền dân chủ thật sự cho cả nước. Ai đã sinh sống tại Hoa Kỳ và học lịch sử dựng nước của xứ sở này có lẽ cũng đồng ý rằng ý niệm dân chủ phát xuất từ thượng cổ Cộng Hòa La Mã (the Roman Republic) đã thật sự được trưởng thành và hoàn thiện hơn tại Hoa Kỳ. Ngược lại những cuộc cách mạng Cộng Sản trong thế kỷ 20 là những cuộc cách mạng giả dối và tàn bạo. Các cuộc cách mạng Cộng Sản đã không mang lại tự do hạnh phúc thật cho dân chúng nhưng chỉ gây ra những khủng bố, đàn áp, kìm kẹp tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, và tự do lập đoàn, hay hội họp của người dân. Công dân hay người tạm cư tại Hoa Kỳ đã từng sống ở những quốc gia khác mới hiểu và cảm nghiệm được ý nghĩa và kinh nghiệm Tự Do Dân Chủ của xứ sở này.
Nói dông dài về ý nghĩa của ngày Patriots’s Day và Boston Marathon để độc giả không sống ở Boston biết vài nét chính của ngày này. Người viết đã sống ở Boston từ cuối thập niên 80 và làm việc tại một đại học nằm ngay bên tuyến đường dài của cuộc đua đường trường này, nhưng chưa bao giờ tham dự như hàng chục ngàn người yêu chuộng thể thao đứng bên đường xem và cổ võ các lực sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới để tham dự cuộc đua.
Tháng Tư ở Boston là những ngày mùa Xuân bắt đầu khởi sắc. Dân thành phố xôn xao chờ mùa bóng Côn Cầu-Base Ball khai mạc, môn thể thao quốc hồn quốc túy của người Mỹ. Dân ham mê môn bóng này tìm đủ cách để có vé xem trận đấu đầu tiên của đội nhà “The Red Sox” tại sân bóng nổi tiếng, Fenway Park. Ngày lễ hội Patriots’ Day và cuộc đua đường trường cũng là ngày đầu của tuần nghỉ mùa Xuân cho học sinh tiểu học và trung học Bang Massachusetts. Các công sở và đại học chỉ đóng cửa ngày thứ Hai để mừng lễ hội Patriots’ Day. Con gái tôi không về vì muốn ở lại đại học cùng lũ bạn dẫn nhau xem và cổ động cho các lực sĩ. Tôi và Uyên-Sa không có chương trình rõ rệt cho ngày lễ nghỉ, nhưng con trai nhỏ xin ra phố Harvard Square để đi tiệm sách The Coop Bookstore. Cả mùa Đông chúng tôi không ra Harvard Square la cà vì thời tiết, nên khi con trai xin đi cả hai đều chiều ý. Chúng tôi ngồi uống càfê đọc sách báo trong quán càfê nhỏ nằm trên lầu hai của tiệm sách chật chội không có cửa sổ nhìn ra ngoài. Gần 3 giờ chiều, đói bụng, con trai xin sang phố Tàu ăn cơm Á Châu.
Khi rời tiệm sách cũng là lúc bom nổ ở Boston, nhưng không theo dõi tin nên chúng tôi hoàn vô tư. Khách vãng lai quanh khu Harvard Square cũng không tỏ ra dấu hiệu gì đáng chú ý. Thường thì để sang phố Tàu từ Cambridge chúng tôi đi đường Memorial Drive, lên cầu băng ngang dòng sông Charles vào khu Kenmore Square và Boston University, rồi tạt sang phố Tàu từ đường Commonwealth, nhưng nghĩ cuộc đua vẫn còn nên đã vào phố Tàu từ Thông Lộ 90 hay Mass Turn Pike. Khi vào Mass Turn Pike chúng tôi thấy cả đoàn xe cảnh sát chạy ngược chiều và trực thăng bay ngay trên bầu trời trung tâm Boston, nhưng tôi nghĩ bụng có lẽ cảnh sát bảo vệ nhân vật quan trọng nào đó còn trực thăng thì thu hình tại điểm cuối của đường đua. Chúng tôi vẫn nghe tin qua đài NPR (Nationa Public Radio) mỗi khi lên xe, nhưng hôm ấy không theo dõi tin như thói quen. Vào phố Tàu theo ngõ vào trạm xe lửa South Station nên không thấy dấu hiệu gì khác lạ. Du khách vẫn qua lại, ra vào các tiệm ăn như chưa có gì xảy ra tại Boston. Tuy nhiên có một số người, từ trung tâm Boston, kéo vali đi một cách vội vã xuống cổng vào trạm xe điện ngầm phố Tàu. Bây giờ nghĩ lại mới hiểu tại sao. Thức ăn vừa được dọn ra bàn, tôi chưa kịp uống cạn ly bia đầu tiên lúc điện thoại cầm tay của tôi báo tin. Thấy số gọi không quen, định tắt ngay, nhưng không hiểu sao tôi vẫn mở nghe. Giọng con gái vừa khóc vừa nói “Bố, con đây! Điện thọai con không gọi được…” Nghe không rõ nên tôi ra ngoài tiệm ăn để hỏi con thêm.
“Điện thoại hư, sao con lại khóc?” Tôi hỏi rất vô tình.
“Không! Có hai quả bom nổ ở phố!” Con tôi vẫn còn khóc!!!!
“Con đang ở đâu?”
“Con về lại trường rồi! Và đang ở nhà bạn. Hệ thống Cell Phone bị cắt đứt nên con không dùng điện thoại của con được. Bố mẹ ở đâu? Con gọi về nhà không gặp.”
“Bố mẹ và em đang ở phố Tàu!”
“Con chỉ muốn bố mẹ biết là con OK thôi!”
Trở lại tiệm ăn trong trạng thái xúc động, tôi nói vội với Uyên-Sa, “Có bom nổ ở ngoài phố!”
“Con mình ở đâu?”
“Nhà bạn!”
“Anh gọi lại số con vừa gọi, lấy địa chỉ để mình đến thăm con ngay.”
Chúng tôi vội vã mua thức ăn mang đến cho con và bạn cháu. Đây là lần đầu tiên con tôi và bạn nó chứng kiến cảnh bom nổ và sự xáo trộn của thành phố. Dấu ấn “khủng bố” đã được đóng vĩnh viễn vào tâm hồn của con tôi và bạn cháu từ ngày hôm nay. Tôi đã tưởng chỉ đời mình mới bị dấu tích chiến tranh hằn sâu trong ký ức. Ai ngờ hôm nay, chính con mình lại phải chứng kiến hậu quả của “khủng bố” ở giữa một thành phố đã sống thanh bình hơn 200 năm qua.
Tôi gọi bạn tôi, người có cửa tiệm tạp hóa ở Phố Cổ Ý. Bạn cho biết có thêm vụ nổ nữa ở thư viện JFK.
“Boston đại nạn rồi ông ơi” Bạn tôi nói với giọng lo lắng.
Sau này mới biết vụ cháy ở thư viện cố tổng thống Kennedy bên cạnh Đại Học Massachusetts-Boston không liên quan đến vụ bom khủng bố ngoài phố.

Đúng 2:49 chiều ngày tưởng niệm những phát súng khởi nghĩa đầu tiên tại Hoa Kỳ 238 năm trước, trong khoảnh khắc, hai quả bom khủng bố nổ tung trên đường Boylston gần Quảng Trường Copley Square ngay trước điểm đích cùng của cuộc đua Boston Marathon. Cả Boston xôn xao nhưng không rối loạn. Cả nước Mỹ xôn xao nhưng không sợ hãi. Tin về số tử vong và thương vong được lập đi lập lại trên các hệ thống truyền thông. Hình ảnh lúc bom khủng bố nổ ở đoạn cuối đường đua cũng được chiếu lại nhiều lần trên các đài truyền hình. Các vị lãnh đạo chính quyền địa phương trấn an dân chúng bằng những lời lẽ rất chân tình và can đảm. Boston, nơi người dân phất cờ khởi nghĩa chống thực dân Anh đòi đập lập cũng vào ngày này, 238 năm trước (1775-2013), không chịu khuất phục bất cứ quyền lực hay bạo tàn khủng bố nào, sẽ phục sinh sau biến nạn khủng bố này. Đấy là ý chung của người dân và chính quyền. Tin sau cùng xác định, một em bé trai 8 tuổi, 2 thiếu nữ chưa hết tuổi 20, một cô người Mỹ cư dân vùng Boston, và một cô sinh viên từ Trung Hoa đã tử thương. Rất nhiều người bị thương tích nặng đến nỗi phải cưa chân. Những người khủng bố nghĩ gì? Họ nhân danh ai để làm điều dã man vậy? Biết đâu họ đã cầu nguyện với “Thần Linh” của họ trước khi giết người. Thượng Đế nào? Thiên Chúa nào? Thần Linh nào mà ác độc thế????
Buổi Cầu Nguyện Chữa Lành

Hoa Kỳ, cái nôi của Dân Chủ đại đồng, nền móng của văn minh khoa học kỹ thuật, cũng là nơi đức tin vào Thượng Đế được thấm nhuần và nảy nở từ thời lập quốc đến nay. Người dân Mỹ tin vào Thượng Đế nhiều hơn vào chính quyền. Và tự do dân chủ chỉ có thể phát triển và tồn tại trong một xã hội có đức tin vào Thượng Đế. Luật lệ quốc gia không đủ để kiểm soát hành động phạm pháp của người dân ở khắp nơi trong 24 giờ mỗi ngày. Nhưng niềm tin vào Thương Đế, giáo lý của tôn giáo giúp người dân kiểm soát hành vi của mình ở bất cứ lúc nào hay nơi nào. Trong xã hội độc tài vô thần như xã hội Cộng Sản, nhà nước phải dùng bạo lực để kiểm soát hành động và tư tưởng của người dân. Nhưng dù có kềm xiết, kiểm soát cách mấy, không có chế độ vô thần nào có thể kiểm soát nổi hành vi của người dân liên tục được. Giáo lý tôn giáo và đức tin vào Thượng Đế của Thiên Chúa Giáo đã giúp Hoa Kỳ phát triển và bảo tồn nền dân chủ đại đồng của họ hơn 200 năm qua. Cũng vì vậy, khi gặp hoạn nạn người dân Hoa Kỳ cầu nguyện với Thượng Đế cho được chữa lành. Ba ngày sau, thứ Năm ngày 18, tháng Tư, một buổi cầu nguyện chữa lành liên tôn giáo được tổ chức tại nhà thờ chính tòa Tổng Giáo Phận Công Giáo, Cathedral of the Holy Cross, nằm về phía nam của Boston, gần phố Tàu. Tổng Thống Hoa Kỳ, đương kim và các cựu Thống Đốc của Massachusetts, thị trưởng Boston, và cả ngàn người đã tham dự buổi cầu nguyện chữa lành cho vết thương khủng bố đã tàn phá thân xác của nhiều nạn nhân và gây khiếp loạn cho nhiều tâm hồn. Có người đã đến cửa nhà thờ từ bốn giờ sáng để mong có chỗ trong buổi cầu nguyện đặc biệt này. Vì có lớp buổi sáng nên tôi không đi dự được dù rất ao ước đến. Trên đường về nhà, theo dõi đài radio NPR nghe những lời cầu nguyện của các vị đại diện các tôn giáo lòng mình cũng tràn ngập niềm tin vào sự thiện và tình yêu nhân loại. Vị mục sư da đen của một nhà thờ Tin Lành lớn ở Boston nhắc về bài giảng trên núi của đức Giê Su trong kinh thánh Matthew (6:16-24). Tôi nghĩ vị mục sư này đã chọn đoạn Kinh Thánh rất ý nghĩa cho buổi cầu nguyện chữa lành này. Đức Giê-Su dạy tin mừng của hy vọng, “Phúc cho ai đang khóc lóc buồn khổ vì họ sẽ được ủi an vỗ về,” và “Phúc cho ai mang hòa bình cho người khác vì họ được coi như là con của Trời.” Con của Trời, con của Thiên Chúa hẳn phải là những vị Thánh. Chúng ta có thể trở thành những vị Thánh hay con của Trời nếu chúng ta mang hòa bình đến cho người xung quanh cho cộng đoàn, cho xã hội mình đang sinh sống. Lúc lái xe về, nghe tiếng đàn Đại-Vỹ-Cầm của thiên tài Yo Yo Ma trong buổi cầu nguyện mà lòng mình rưng rưng tan tác. Về tới nhà chương trình cầu nguyện vẫn còn nên tôi mở truyền hình theo dõi ngay. Giáo đường chật kín và mọi người dường như hết sức chăm chú nghiêm trang. Sau những lời cầu nguyện của các đại diện tôn giáo là phần phát biểu của đại diện chinh quyền và của Tổng Thống Hoa Kỳ, Obama. Thông điệp của tình yêu và hy vọng thay cho hận thù và tức giận là thông điệp chung của các lời cầu nguyện và phát biểu. Đúng vậy, chỉ có tình yêu và niềm tin mới mang lại hạnh phúc cho con người. Hồng Y O’Malley, vị lãnh đạo Công Giáo của vùng Boston và người trông coi nhà thờ Chính Tòa, đã tỏ ra thật khiêm nhường từ cách ăn mặc đến những lời phát biểu. Lần đầu tiên tôi thật sự cảm động trước cung cách khiêm nhường của vị giáo chủ này. 
Thành Phố Nín Thở
Đêm thứ Năm ngay sau buổi lễ xin ơn chữa lành cảnh sát và các biệt đội an ninh đã chạm súng với hai tay nghi phạm khủng bố. Tôi dường như đã thức trắng đêm theo dõi tin về cuộc rượt bắt hai nghi phạm khủng bố từ Đại Học MIT chạy băng giòng sông Charles sang Watertown, một thành phố nằm trong vùng Boston. Lại thêm người chết oan. Lần này là anh cảnh sát trẻ để lại vợ và con thơ. Một nghi phạm tử thương còn người kia chạy trốn. Các lực lương an ninh đổ dồn bao vây phố Watertown và chính quyền ra lệnh giới nghiêm toàn thành phố và cả những thành phố lân cận. Các đại học và công sở nằm trong vùng săn nghi phạm đều bi giới nghiêm. Cả thành phố nín thở thu mình trong nhà chờ tin. Đến chiều tối, chính quyền ra lệnh bỏ giới nghiêm nhưng khuyến cáo dân chúng phải cực kỳ cảnh giác và ra đường trong tình trạng báo động. May quá, chỉ một thời gian ngắn, sau khi bãi lệnh giới nghiêm, nghi phạm thứ hai đã bị bắt. Thành phố thở phào dù vết thương “khủng bố” còn tươi trong trí nhớ của người dân và nhiều nạn nhân vẫn còn trong tình trạng hiểm nghèo. Dân chúng tự động kéo nhau ra đường tụ họp đông đảo để biểu dương tinh thần bất khuất và lòng yêu chuông tự do cố hữu của Hoa Kỳ.
Những Tấm Lòng Tử Tế

Ngay sau biến nạn khủng bố, báo chí và các cơ quan truyền thông đã tường thuật về những tấm lòng tử tể của người dân quanh vùng Boston đối với khách phương xa và nhất là những lực sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới. Người mở cửa nhà mình đón khác lạ, kẻ sẵn sàng cung cấp phương tiện di chuyển cho khách đường xa bị kẹt lại Boston. Y như lời giảng trên núi của Đức Giê-Su hơn hai ngàn năm trước, “Phúc cho ai đang khóc lóc buồn khổ vì họ sẽ được ủi an vỗ về.” Anh bạn tôi kể, một người lính biệt phái về khu phố nơi anh có cửa tiệm đã vào tiệm định mua một hộp thuốc lá loại “nhai trầu,” giá 6 Đô nhưng không đủ tiền nên đành bỏ đi. Ngay lúc ấy, một người khách khác gọi anh lính lại rồi vội trả tiền hộp thuốc, dúi vào tay anh lính và xin anh nhận món quà rất chân tình. Người khách hàng muốn tỏ lòng biết ơn anh lính đến từ phương xa bảo vệ an ninh cho Boston dù món quà chẳng là bao. Khi người lính bỏ đi, bạn tôi vội vàng năn nỉ người khách hàng cho mình được chia sẽ lòng tử tế nên đã xin được trả lại người khách hàng nửa số tiền hộp thuốc. Bạn tôi bảo anh đã học được bài học tử tế đầy ý nghĩa từ một cử chỉ thật bất ngờ của khách hàng dành cho một người lạ mặt. Số tiền mua hộp thuốc chả là gì, nhưng tấm lòng người ta đối xử với nhau trong lúc khó khăn thật bao la vô giá. Tôi sực nhớ lại những tấm lòng tử tế của rất nhiều người lạ trên đường di tản và trên đường tị nạn năm xưa.
Tháng Tư Đạn Vẫn Còn Bay Ký Ức

Tháng Tư 2013, hai quả bom khủng bố nổ giữa lòng Boston, nhưng hình như đạn vẫn còn bay trong ký ức của đồng bào tôi và của chính tôi, những người tị nạn Cộng Sản tha hương. Chúng tôi đã sống ở xứ sở thanh bình tự do gần 4 thập niên rồi mà sao vẫn chưa tìm thấy bình an vẫn chưa tìm thấy tự do. Có người than phiền với tôi rằng, “Bây giờ mình phải ăn nói cẩn thận, giao tế cẩn thận, hay nghe nhạc trong xe cũng phải cẩn thận, kẻo bị chụp mũ là kẻ thù, là Việt Cộng đấy.” Tôi trả lời, “Ông phải hiểu được tâm lý đồng bào mình, vết thương hận thù khó chữa lành lắm. Vả lại những người mình chạy trốn năm xưa bây giờ vẫn hung bạo với đồng bào mình thì làm sao mà an tâm được.”
Chúng ta dĩ nhiên không nên xóa vùi, khỏa lấp, hay bóp méo lịch sử. Chuyện đã xảy ra, chúng ta phải nhớ phải bảo tồn để những thế hệ tương lai tránh lập lại những điều không tốt lành đã xẩy ra. Tuy nhiên, một việc mà cộng đồng Việt Nam tị nạn Cộng Sản nên làm và phải làm đó là không chỉ học tư tưởng Tự Do, nhưng còn phải thực hành, và phát triển tư tưởng tự do dân chủ qua cách cư xử và cách sống hàng ngày. Thí dụ như trong các buổi “nhậu nhẹt” thân hữu, ta đừng cố chấp hay gây gỗ với những người không đồng ý quan điểm cá nhân của ta. Trong các sinh họat tôn giáo và xã hội cũng vậy, đừng “chộp mũ” nhau, đừng phao tin đồn thất thiệt chỉ vì một cá nhân hay đoàn thể bất đồng “ý kiến” hay có cách sinh hoạt khác với ta. Chúng ta chỉ hưởng và sống đời tự do thật sự khi biết tôn trọng những sự khác biệt của người xung quanh.
Bên cạnh các cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản ở Hoa Kỳ và khắp thế giới, có một thế hệ sinh viên du học từ Việt Nam đang học tập tại các đại học và cả trường trung học quanh nơi chúng ta cư ngụ và sinh hoạt. Một số lớn những người trẻ này sẽ về làm việc và giữ những địa vị quan trọng tại Việt Nam trong tương lai. Cách sinh họat dân chủ của các cộng đoàn Việt Nam tự do ở hải ngoại là những bài học rất thực tế cho những người trẻ này. Hãy ngưng ngay những đánh phá nhau bằng nghi ngờ bằng chụp mũ. Đừng đàn áp tư tưởng nhau như chính Đảng Cộng Sản đang đàn áp tư tưởng và tự do của người dân Việt Nam.
Tháng Tư, đạn vẫn còn bay trong ký ức tôi. Nhưng tình yêu và niềm tin sẽ giúp tôi tránh được những làn đạn của quá khứ.
TTM



Sunday, April 21, 2013

hãy nói chia tay khi chúng ta còn có thể

văn chương

PHẠM NGŨ YÊN
 

Nắng buổi chiều hờn dỗi trốn đi đâu mà hơi ấm không còn trên mặt đường chiều nay. Lá cỏ tưởng chừng khát khao những lời thầm thì của gió. Em trở về nơi chốn của riêng em, căn phòng có những điều huyễn hoặc. Phố cũng vừa vắng thêm một người dù đó đây vẫn còn những cửa tiệm sáng choang ánh đèn mời gọi khách hàng.

Biết em có còn ngồi sau tay lái và nhìn lên hộp kiếng để săm soi lông mày khi dừng xe ở một ngã tư? Có những điều gì đó còn thiếu sau lưng em khi anh ngồi đồng hàng bao giờ nơi quán cà phê quen, uống mãi mà vẫn còn đầy nỗi buồn trong ly. Mùa đông này nghe chừng ít lạnh nhưng trái tim buốt những đợi chờ.

Tôi không định nghĩa được tình yêu và đo lường được bề dài của xa vắng. Người đàn ông vừa qua tuổi 50 có thể sẽ biết nhói đau nhưng lại không biết làm sao để đứng lên khi té ngã. Cũng không biết hàn gắn những tháng năm bên nhau làm thành một khối tình yêu tròn đầy.

Chuyến buýt cuối ngày qua lâu rồi. Đêm luyến tiếc những vòng xe lên phố và những tiếng lục lạc khua vang từ chiếc xe ngựa băng qua đường Congress. Tiếng chim cũng im bặt từ một ngày mưa.

 

Khi tôi quen nàng, tôi không kịp hỏi tuổi nàng. Mãi đến sau này, tôi mới biết nàng nhỏ hơn tôi gần một con giáp. Mười một năm chồng chất và đẩy tôi xa nàng như những cột mốc đẩy lùi những quận lỵ bên đường.

- Những người đàn ông càng lớn tuổi càng nhút nhát. Nàng nói.

- Anh cũng vậy thôi.

- Anh không giống họ. Nhưng anh hãy chịu khó cười thêm một chút.

Nàng nói bằng mắt cười nhưng không mang một ý nghĩa đùa cợt. “Không những nhút nhát thôi mà còn hay bỏ cuộc nửa chừng. Đúng không?”

Tôi không nhớ tôi đã làm như vậy bao lần. Nếu không nói lên một lời yêu đương trước mặt một người đàn bà thì tình yêu quả có mất đi mùi vị đậm đà của nó.

- Nhưng tình yêu giống như một bông hoa. Hương thơm có thể dài lâu nhưng cũng có thể bay đi vội vàng.

- Chuyện đó xưa rồi. Anh nghe em nói đây. Chuyện này nghiêm chỉnh nhen. Hôm qua trong nhà thờ có người vừa khen em…

- Điều đó không sai. Nhưng người đó già hơn anh hay trẻ hơn anh?

- Trẻ hơn anh.

- Những lúc sau này thấy em trang điểm hơi khác. Chuyện này làm anh lo lắng.

- Vậy sao anh không nói ra?

- Đó cũng là một mặt khác của sự nhút nhát như em nói. Điều này chứng tỏ rằng có người đang để ý đến em.

- Nhưng em nhớ anh nhiều lắm…

Nơi chúng tôi ngồi, có một con đường nối liền với một đường rầy xe lửa. Người ta vừa khánh thành những chuyến Metro tốc hành đi từ Downtown đến một quận lỵ khác, cũng nằm trong phạm vi thành phố Austin. Lúc nàng nói, chuyến xe vừa đi qua. Tiếng xe cắt nghiến âm thanh nàng hay cắt nghiến tâm hồn tôi, không rõ.

Mùa đông năm nay ít lạnh hơn năm ngoái. Trên môi tôi gió luyến tiếc giữ lại một  hương tóc. Tôi từng cảm nhận điều này khi đi cùng nàng vào trong siêu thị.

Nàng chẳng từng nói với tôi rằng nàng yêu tôi không vì lý do nào cả. Đơn giản là con người tôi toát ra sự đau khổ dài hạn. Tôi cũng chẳng quan tâm và lo lắng nhiều đến nàng. Tôi có những tật xấu (chính tôi đã từng thú nhận, còn gì?) Tôi cũng không nổi trội và không là gì giữa đám đông. Nhưng nàng yêu tôi.

Thời gian này tôi thấy những sợi tóc bạc mọc nhiều và nhanh hai bên thái dương. Sợi tóc của những đêm dài thao thức.

Tôi nắm bàn tay nàng đang hờ hững trên tay ghế. Bàn tay ấm thôi thúc một mùa đông lạc lòng tìm đến nhau.

Tôi quen nàng dễ chừng rất lâu. Những chiếc lá rụng che lấp một bờ đường nhưng làm sao che lấp một cuộc tình ngắn ngủi. Huống hồ tôi yêu nàng mười năm. Ở phía bên này năm tháng, nàng trẻ trung còn tôi già nua. Nàng như chim hồn nhiên, còn tôi thấp thởm và nghèo túng bên đời.

- Sao anh không đến nhà thờ với em? Nếu anh không muốn người ta khen em?

- Như vậy là anh đi nhà thờ là vì em chớ đâu phải vì Chúa?

- Sao cũng được.

- Anh không tin những gì Mục Sư giảng. Họ giảng một đàng, làm một nẽo. Hãy để anh một mình với những thói quen xưa.

- Anh vô thần.

- Anh sùng bái những ước lệ chân thành, không sùng bái những điều dụ hoặc. Nhưng anh yêu em. Yêu mến đất nước này, thành phố này kỳ lạ.

Thành phố giống như trái tim em trong trẻo, dù đang những ngày mù mịt mưa. Tháng mười hai đông đúc những đời xe vội vã vượt qua những lằn đường. Những chùm lá màu đỏ xanh giăng ngang trên mặt tiền các cửa tiệm, trên những khung kính mê đắm, làm day dứt khách bộ hành. Một mùa lễ lạc trọng đại đang hiện hình và một năm sẽ lướt thướt trôi qua. Còn tình yêu ở lại hay cũng sắp bốc hơi?

Có một người đàn ông ngồi lặng yên hàng giờ bên ly cà phê nhìn mông lung ra ngoài. Gọi trái tim quay về, lạc lối.

Có những trang sách ghi lại một tình yêu chung, nhưng mỗi người đọc sai một nghĩa. Tôi tóc cháy sầu đau trong khi em môi hồng vẫn thắm.

 

Tôi bắt đầu viết một truyện ngắn khác không phải về mình mà cho gả con trai nhỏ hơn nàng gần mười tuổi. Như một định mệnh xấu xí xen giữa tình yêu của hai chúng tôi. Tên của hắn là Bùi Thư. Nơi nào đó chắc nàng sẽ nhớ đến một đêm bình yên có vầng trăng non chất đầy khát vọng. Những thân phận lạ lùng khép kín  trong khi lời nguyền rũa gọi tên tình yêu. Nơi nào đó chắc nàng nhập vai một kẻ bạc tình đi qua đường phố muôn màu với nụ cười xanh biếc.

Tôi biết ngoài kia tiếng gió vu vơ tạt ngang nỗi buồn không thể nói lên thành lời. Ghi dấu mùa đông này nàng xa tôi.

Bùi Thư là người đã khen nàng trẻ trung trong nhà thờ. Hắn cũng trẻ trung so với tuổi của nàng.

Hắn bị nàng hớp hồn khi đại diện cho Ban trị sự đi thu tiền dâng hiến. Qua hàng ghế ngồi của nàng, hắn cảm giác được hơi ấm từ bàn tay trau chuốt những ngón son im bặt. Những tờ giấy bạc không nói lên sự thánh hóa nhưng nói lên sự trần tục, trong một nghĩa nào đó. Vì sau khi đi thu tiền, trở về chỗ ngồi, hắn không còn nghe được lời giảng của người truyền đạo.

Ngày đó là một buổi sáng chủ nhật nắng ấm. Nàng mặc một áo đầm màu đỏ hở cổ và chiếc áo khoác ngắn lưng chừng màu đen. Mái tóc được cột lên cao phía sau bằng một sợi thun nên làm cho ngực nàng mở rộng thêm và những bước chân của Bùi Thư cứ vấp mãi những nỗi buồn cũng dọc ngang không kém.

Sau lễ, nàng ngồi chờ đứa con gái đang tập hát trong ca đoàn. Gió mơn man sau vườn, nơi sân chơi của đám trẻ. Gió cũng hớn hở trên ngực nàng. Bùi Thư đi qua chỗ nàng ngồi.

- Chào chị. Chị uống một cái gì nhen?

- Chị không khát.

- Em nhìn chị giống một người quen của em, hồi còn ở Việt Nam.

- Người quen đó là bạn hay người thân?

- Là người yêu.

- Vậy em mường tượng chị là người yêu của em chớ gì?

- Em không dám nghĩ vậy. Nhưng nếu không thấy chị đi chung với Thư Hiền, em không biết chị đã là mẹ. Trông chị rất trẻ…

- Em tán khéo quá. Em bao nhiêu tuổi rồi?

- Em… ba mươi bảy …

- Chứ không phải… gần ba mươi lăm?

Bùi Thư đỏ mặt.

- Em mới chuyển về đây hay sao mà chị không gặp? Nàng hỏi để làm bớt sự lúng túng của hắn.

- Câu đó đáng lẽ em dành cho chị. Em ở Hội Thánh này nhiều năm. Nhưng mãi sau này mới biết chị.

- Chị ít đi nhà thờ.

- Vì sao?

- Không vì sao hết. Không đi vì phải đi làm. Không đi cũng vì không tìm thấy bình an trong lòng.

- Như vậy, đáng lẽ chị càng nên đi.

Khi nói câu này, Bùi Thư đứng lên từ giã. Tiếng sỏi chộn rộn dưới gót giầy nhắc nàng đến giờ phải rời khỏi đó. Chiếc áo khoác màu bọt đô của Bùi Thư khi ẩn khi hiện giữa đám đông và mất hút nơi một bãi đậu. Phía hai bờ héo hắt vạt xuân son, tiếng những buồn vui rượt đuổi theo nhau làm chật chội những quá khứ. Nàng không nhớ rằng đã từ lâu không ai khen mình son trẻ, từ ngày bị gẫy đỗ hạnh phúc. Một gả con trai biết nói năng đồng thời cũng biết che đậy những cảm xúc. Nàng nghĩ về hắn về lần gặp thứ nhất như vậy. Và kể cho tôi nghe về hắn bằng giọng sôi nổi không dấu diếm.

 

Khi tôi góp những khổ đau để hiểu trái tim mình cũng là lúc mùa đông vàng phai trên từng gân lá nơi ngôi nhà đường Heatherglen. Ngày xưa em nói với tôi là con đường có cái tên khó đọc. Nhưng nó là hiện thân của đời sống anh. Nó đại diện cho anh. Tôi nói.

Đàng sau những cơn bão là tình yêu dại khờ. Có đúng vậy không? Có những ngọn nến không cần phải thắp vì mắt ai đã là ngọn lửa.

Sau những ngày xa tôi, nàng trở lại. Nỗi nhớ làm đắng ngọt trên lưỡi tôi, khi hôn nàng. Chiếc khăn len quàng cổ luống cuống không kịp rơi xuống nên vấn vương run rẩy. Có khi mùa đông là bối cảnh của lạnh giá nên nàng đem hơi ấm về trả lại cho căn phòng. Có khi mùa đông là thịt da ngào ngạt hương phấn.

Chưa gì tôi đã cảm nhận hương thể nàng trên khứu giác và điều này làm tôi bồi hồi. Mái tóc nàng nghiêng nhưng vạt áo còn nghiêng hơn. Nơi giữa khoảng trũng của hai bầu vú là sợi dây chuyền màu bạc, kín khuất nửa mặt đá quý hình trái tim- Hình như bao giờ cũng vậy, cách thức nàng hôn tôi cũng như cách thức nàng ruồng rẫy đều giống nhau.

Nàng kiêu kỳ dấu trong môi miệng một lời trìu mến, trong khi tôi khổ sở chờ đợi tiếng nói nàng. Cuối cùng nàng cũng nói:

- Em nhớ anh nhiều lắm…

- Nhưng rồi em lại bỏ đi.

Nàng giơ tay vừa như muốn xua chận câu nói của tôi, vừa muốn tháo bỏ một vướng bận. Cử động của nàng vô tình làm chạm nhẹ chiếc bàn nhỏ nơi đầu giường. Nơi có chiếc đèn và cái chụp che sáng màu vôi tường. Hai chiếc điện thoại của tôi và nàng nằm kề bên tập bản thảo. Có vài trang giấy bị rơi xuống sàn phòng lát gỗ. Tựa như những tờ mộng bị rách lìa khỏi ảo tưởng bình yên. Đó là những say đắm đêm ngày của tôi giống như cơn mưa không chờ kịp bình minh đã tạnh. Nàng cúi xuống và nhặt lên.

- Anh đang viết gì vậy?

- Về một tình yêu mắc cạn. Về hai người yêu nhau nhưng không thể quên được những ngày qua. Về nỗi đau của em từng lôi cuốn anh…

- Lạ thật…

- Anh chưa biết kết thúc như thế nào và bắt đầu từ đâu.

- Anh định đưa chuyện em lên báo chứ?

- Chắc vậy.

- Nhưng em phải đọc trước coi anh viết như thế nào về em.

- Chắc phải tuyệt vời hơn những phụ nữ khác.

- Cám ơn anh về những điều anh nghĩ về em.

- Anh cũng cám ơn em về những gì em đã làm cho anh.

- Anh nói thêm cho em hiểu được không?

- Về điều gì?

- Nỗi đau mà anh nói đó.

- Nó lôi cuốn anh và làm anh cảm thấy thôi thúc viết ra. Khi anh nghĩ về nó, thì

mọi sự đều tình cờ. Đôi lúc anh không biết mình sẽ ra sao khi vài ba năm nữa không còn em đi chung trên một đường. Có khi nào em hạnh phúc chưa?

- Hạnh phúc à? Sao anh lại hỏi em?

- Vì anh đang hạnh phúc.

- Mọi người bàn ra tán vào rất nhiều về anh và em, nhưng em vẫn luôn cho rằng mình có một tình yêu đẹp và em đã từng rất hạnh phúc khi có anh bên cạnh.

“Vì hạnh phúc của em ẩn chứa cả những nỗi đau”. Giọng nàng trang nghiêm không ngờ. “Em chợt nhận ra rằng anh là người duy nhất đang và đã từng làm em đau. Với anh, em chọn không chọn nhầm người.

- Nhiều khi anh tưởng rằng có thể buông tay em dễ dàng. Nhưng không phải như vậy. Anh vẫn muốn níu kéo khi mọi chuyện kết thúc.

- Em cũng vậy. Em dữ dằn lắm đừng coi thường em.

Nàng nghe ngóng và chờ đợi trong khi những ngón tay đánh thức một câm nín. Những khoắc khoải hay những hoài nghi vừa bỏ đi, đã mơ hồ trở lại. Chiều bình thản và phố xá ngoài kia vừa âm vọng tiếng còi xe cảnh sát vụt qua. Những cột điện thẳng tấp dưới lòng đường vừa lóe lên màu sáng. Sương mù che hết tầm nhìn. Lời của ai vừa nũng nịu vừa có khả năng lấp đầy những khoảng trống run rẩy. Tôi không hiểu giữa hai chúng tôi, ai đang là người sa bại?

- Anh còn giận em?

- Không?

- Anh nói dối. Em có thể cảm nhận điều đó qua cơ thể anh.

- Nếu em nói đã từng yêu anh. Thì em cũng nên biết rằng quyết định phải rời xa em là khó khăn như thế nào?

Tình yêu của người đàn ông ngoài 50 dành cho một người đàn bà ngoài 40, sao giống như một đời lá. Nó vừa đậu xuống an lành trong bàn tay nhưng mầm xanh cũng vừa chết.

Những mùa đông từng tàn phai và cuối cùng thức dậy dưới những môi hôn khát cháy. Trái tim cũng ngập tràn những dấu răng bất ngờ tê điếng. Người đi qua đời nhau vừa mới mẻ vừa quen thuộc làm sao. Từng miếng va vấp theo sau những lời tình hổn hển. Ngay cả trong giây phút này, cả tôi và nàng đều cảm giác rằng có những nỗi buồn cũ xưa tưởng chừng làm cho con người không thể đứng lên được, bỗng ào ạt thành những niềm vui và những yêu thương mới.

- Anh đang nghĩ gì vậy?

- Về người con trai mà em vừa quen trong nhà thờ.

- Một lần em gặp Bùi Thư trong quán cà phê Starbuck’s, lúc đó em vừa mua vội ly cà phê và sắp ra xe để đi làm. Em hỏi: “Sao em cứ tìm gặp chị hoài vậy?” Em hỏi Bùi Thư và nghe hắn trả lời tỉnh bơ: “Em đâu có tìm gặp chị. Tiệm này gần khu vực nhà của em mà. Em lui tới thường xuyên với nó nhiều hơn chị…”

Hắn làm em quê quá. Nhưng nhìn đôi mắt hắn em biết hắn nghĩ gì… Hắn còn nói thêm: “Em và chị cùng chung một Hội Thánh, chung một đức tin. Không có gì sai khi em muốn gần gũi và thân cận chị”. Anh nghe ghê không?

- Cũng đúng. Tôi nói.

Nhưng là những buồn bã vô bờ.

Trong một nghĩa nào đó, thì ở cuối chân mây là một lòng thuyền bị mất bến bờ. Nàng biết khóc cười với chính cuộc đời nhưng không từng gian dối với trái tim. Tình yêu đối với nàng giản dị như vậy nhưng sao tôi thấy đầy gai góc.

Trước khi đến nơi tôi ở, con đường nào nàng đi qua chiều nay? Ngọn gió nào thổi mát phía sau em nhưng phía anh vẫn là mùa đông rét mướt?  Một người đàn bà càng tỏ ra cứng rắn bao nhiêu lại càng yếu đuối bấy nhiêu. Tôi biết vậy và ngậm suy nghĩ đó trong lòng.

Phía bên này là tháng năm. Tôi và nàng đang ở hai đầu nỗi nhớ. Những tình nhân miên man biết về đâu để tìm lại khởi thủy của tình yêu. Trong đó sự đau đớn mạnh hơn sự chết.

Tôi ngồi lên trong khi nàng quay lưng về phía tôi. Bờ vai nhỏ nhắn hình như vừa thổn thức. Chai rượu trên đầu tủ chỉ với tay là chạm đến. Màu rượu giống như màu máu long lanh nhưng chảy suốt cuộc đời đắng ngọt. Tôi ực một hơi cạn ly và rót thêm một chút mời nàng.

- Em không uống. Không phải lúc nào em cũng uống.

- Vậy anh uống thay cho em…

- Anh uống cho nhiều đi. Có tài liệu nói rằng uống rượu nhiều sẽ liệt dương.

- Không cần rượu người ta cũng trở thành liệt dương. Tôi cười. Những lo âu thường trú dài hạn trong lòng sẽ làm cho người đàn ông trở nên như vậy.

- Anh lo âu chuyện gì?

- Giá mà rượu làm anh say và khi tỉnh dậy, biết em vừa quên được một tình yêu bóng mây và một gả con trai nhỏ tuổi hơn mình.

- Em không yêu ai ngoại trừ anh. Ngoại trừ anh buông tay em dễ dàng.

Nàng quay mình, chồm lên và suýt chút nữa tôi bị nàng sát thương. Những ngón gầy thiếu phụ một thời óng chuốt tình yêu bỗng chốc chạm qua ranh giới hận thù?

Tôi ngã về phía sau tránh né nhưng không chịu buông ly rượu trong tay. Thân thể nàng liêu xiêu gẫy ập xuống trên vai tôi. Phong phanh vạt áo đêm không che hết những thịt da nồng nàn, những ngỏ ngách lạ quen. Và khóc ngất.

Có bao nhiêu vết son in hình một làn môi vút cong như gió mùa thổi qua lòng trống trải? Tôi không nhớ nhưng thương nàng vô cùng.

Đêm mênh mông có tiếng gì rất lạ trên đầu hồi, làm rách màu đêm lổ chổ ánh đèn khuya.  Hình như đêm nay trăng cũng khóc ngoài kia. Không có gì gọi là bình yên vì ngay cả biển dù hiền hòa cũng có lúc dập dồn sóng gió. Nhưng nàng thì khác. Nàng hồn nhiên như một đứa trẻ trong khi tôi yếu lòng. Tiếng khóc nàng mới đó đã mất biến như vừa trang trải xong một bi kịch.

- Em vừa thù hận anh vừa yêu mến anh. Tại sao anh không chịu ra khỏi cuộc đời em?

- Vì anh chưa bộc lộ hết tình yêu của anh dành cho em. Từ giờ trở đi, nếu em nói em muốn khóc, anh sẽ khóc thay em.

- Em sẽ không bao giờ nói. Để cho nước mắt tự nó chảy ngược xuống trái tim.

Giọng nàng xoa xuýt như tiếng phong linh trước nhà. Hay như tiếng chim vừa đánh rơi một cọng mềm xuống tổ. Nàng không cần che dấu cảm xúc mình vì đêm không còn bao lâu. Tôi nghe ngóng và bất lực trước tình yêu bao la cho đi và lấy về, trên trùng điệp và u uẩn. Đêm dường như cộng lại những hạnh phúc chứ không phải trừ ra. Giống như những đứa trẻ hồn nhiên giữa phút yếu lòng, không cần biết những mong manh, mất còn, chúng tôi đã vội trượt ngã vào nhau, mơ hồ. Những khát vọng còn thơm ngày hôm qua trở mình thành cơn gió đêm bay vào mênh mông. Làm sao có nơi dừng chân. Làm sao có bắt đầu?

Nhưng cuối cùng thì đam mê cũng dừng lại. Nàng đứng lên thản nhiên không che đậy đi qua một góc tường đang rì rầm tiếng máy sưởi. Qua một chiếc sô pha hai chỗ ngồi và đứng ở cửa sổ nhìn ra. Cơ thể nàng trắng nhòe nhoẹt nhìn từ sau giống như một nàng tiên cá vừa trồi lên khỏi mặt đại dương. Mùi thơm toát ra từ thân thể nàng đậm đặc cùng rét mướt tháng mười hai sao giống một hơi rượu làm hôn mê chết ngất. Nàng nhìn thấy gì bên ngoài? Những hoang vu hay mịt mùng cỏ ướt? Những hàng cây câm lặng hay mới vừa lao xao? Chỉ trong một phút chốc, mà tôi thấy tôi già nhiều năm. “Chúng ta chia tay nhen?”

Nàng nói mà không nhìn lui. Nhưng âm thanh rõ ràng từ tốn. “Hãy nói chia tay khi chúng ta còn có thể”.

- Nhưng chúng ta mới vừa gặp lại nhau mà…

- Em muốn về Việt Nam một thời gian…

- Thật lạ lùng. Tôi vói tay rót thêm một phần rượu khác. “Mới đây thôi anh tưởng mình như một sân ga. Em là con tàu dừng lại. Con tàu nghỉ ngơi và chỉnh đốn lại máy móc mệt lã. Đột nhiên con tàu chẳng giận mà đi.

- Anh không vui khi biết em về thăm gia đình?

- Không.

- Em chỉ đi vài tháng thôi mà.

- Vậy thì em hãy đi. Nhưng hãy quay về khi em cần một ai đó.

- Không biết em có đáng cho anh chờ không?

Tôi nhắm mắt và cố hình dung khuôn dáng nàng. Người đàn bà từng làm tôi say đắm một thời gian dài. Vẫn đôi mắt thắm xa màu chiều và đôi môi ào ạt màu phượng. Giờ đây tiếng nói nàng bên tai như một tiếng đời phán xét.

- Chia tay không phải là hết yêu mà vì đã yêu nhau đủ rồi. Em nhận ra điều này là không hẳn mình yêu nhau là cứ ở gần bên nhau. Và chia tay không có nghĩa là ngừng yêu thương.

- Em nói còn hay hơn anh viết.

Giọng nàng vẫn đều đều. Làm như không nghe tôi cay đắng.

- Có thể mình ít thấy nhau thường xuyên, nhưng trong lòng vẫn quan tâm cho nhau.

Có một lúc, tôi cảm nhận những ngón ẻo lả đài các của nàng đang mơn man hai bên thái dương- nơi những sợi tóc vừa đổi màu.

“Anh chẳng từng nói với em rằng em sẽ phải tự mình vượt qua để trưởng thành. Và những lúc không có anh em vẫn sống tốt, cho dù có khi em gục ngã, em sẽ tự mình biết đứng dậy thế nào”.

Nàng dừng lời và đặt trên trán tôi một nụ hôn. Dè dặt và êm đềm nhưng lòng tôi chao nghiêng quá đỗi. Hãy cứ bình tâm như thể chuyện buồn vui là chuyện của đất trời và những tình nhân không hề mỏi chân để bước qua những cơn say hào nhoáng. Hãy chờ nghe những bước chân mưa đời sẽ xóa nhòa những đau đớn, những bội phản.

Giữa ngực nhau, tôi ham muốn nàng trở lại. Trong cái rét mướt của đêm sắp sang ngày, tôi dấu môi tôi trong tóc nàng. Những buồn run hối hả.

 

Những trang bản thảo nằm trơ trên mặt bàn. Từ một tuần lễ nay mưa cứ miệt mài qua phố.

Tôi không viết được vì nàng không trở về từ cái hôm mà ngọn gió đêm đi qua miền dâu bể. Nơi những buồn vui thân phận chụp xuống đời ngã nghiêng.

Cơn say cũ ướt mèm gối đầu lên những đợi chờ. Hạnh phúc thầm thì những lời lạc giọng. Vuông phòng nhỏ nhoi như hộp kẹo mùa Giáng Sinh cứ mỗi buổi sáng chiếc rèm che được vén ra. Người đàn ông già ngồi nôn nao nhớ biển.

Những con đường chạy song song ôm chặt thành phố trong lòng giống như trong chuyện cổ tích. Nơi có tình yêu và những tâm hồn đuổi theo nhau nhưng mất dấu nhau. Ở đàng sau những cánh cửa vừa chạm vào đã khép là rừng chiều không có bình minh. Những thửa đất vừa ươm mầm đã úng.

Một buổi chiều tôi lái xe qua nhà thờ. Bãi đậu xe vắng chỉ có vài chiếc xe đậu trong màu chiều tàn phai. Hành lang chật và lượm thượm những đồ đạt không kịp thu dọn sau một mùa lễ. Tôi đậu xe và đến ngồi ở một băng ghế gần sân chơi. Nơi mà có lẽ một buổi sáng nào nàng đã ngồi và Bùi Thư đến bên nàng mời nước. ”Chị uống một cái gì nhen…” Tôi nghe rõ từng lời như tiếng nói vẫn còn đọng lại trong không khí đặc quánh. “Nếu không thấy chị đi chung với Thư Hiền em không biết chị đã là mẹ. Trông chị rất trẻ…”

Có lẽ nào nàng vội quên tôi vì có người vừa khen nàng? Nếu như vậy thì nỗi đau là điều luôn có thực giữa khi hạnh phúc đang nắn nót những lời tình mơn trớn nhất. Tôi mơ màng ngồi dựa lưng vào băng ghế và nghe đêm đến chầm chậm. Có nỗi nhớ nghe quen thuộc đâu đây hiện về lãng đãng. Bàn tay tôi tình cờ cộm trên một vật gì của ai bỏ quên. Tôi cầm trong tay và nhìn rõ là một con dao nhỏ dùng để rọc thùng cạt tông- một con dao dành cho những người làm việc trong Warehouse. Nó giống như một món đồ chơi của trẻ em bị sứt sẹo vì sử dụng lâu ngày. Tôi đùa nghịch nó giây lát trong bàn tay và định bỏ xuống lại, đi về. Nhưng định mệnh cũng ùa đến, như đêm ùa đến, lạnh lùng.

Một vệt đèn sáng lên giữa hành lang nối liền phòng cầu nguyện và phòng ăn. Một bóng người hiện ra sau một khung cửa. Tôi đoán là Bùi Thư vì màu bọt đô của chiếc áo khoác mọc trên người. Có lẽ hắn vào dọn dẹp ngày cuối tuần hoặc tình cờ ghé qua như tôi. Tôi ngồi bên ngoài trong bóng tối nên hắn không thấy tôi. Mãi đến khi hắn vượt ngang chỗ tôi ngồi, mới thấy.

- Hi. Bùi Thư giật mình chào.

- Hi. Tôi đáp. Tôi qua đây tình cờ, thấy có bảng nhà thờ Việt Nam nên ghé vào giây lát.

- Chú là tín hữu? Bùi Thư bình tỉnh trở lại.

- Không. Tôi là người ngoại đạo.

- Chủ nhật mời chú đến nhà thờ chơi, nếu chú rảnh.

- Cám ơn. Tôi ao ước tìm thấy bình an trong lòng, nhưng vô vọng.

- Vậy chú càng nên ghé đến đây. Chú sẽ thấy bình an hơn.

- Cậu nghĩ vậy sao?

- Cháu nghĩ vậy…

Có những điều dù rất quen, nhưng lại lạ. Và ngược lại. Tôi nhìn xuống chiếc bóng mờ nhạt của mình và bóng của Bùi Thư bên cạnh. Tôi chẳng từng nghĩ về người đàn ông đó, từ nhiều tháng nay, bây giờ tôi đang đứng cạnh hắn? Tôi chưa bao giờ thấy mình bình tỉnh như lúc này. Con dao dùng để rọc thùng giấy được hướng lưỡi về phía bụng dưới của gả đàn ông đang mải miết bước đi. Những bước chân dưới đèn đẹp như khiêu vũ. Vết đâm của tôi cũng vậy. Ngọt và sâu như được điều khiển từ một tay chơi ngoại hạng. Không kịp kêu lên một tiếng, Bùi Thư ôm bụng ngồi xuống…

 

Điều đó có nghĩa là câu chuyện đã có đoạn kết.

Có những toa tàu muộn không về được tới bến. Cho nên không cần những sân ga. Không cần những tình yêu dại khờ thả buồn vui theo gió. Con đường qua nhà nàng sáng nay có tiếng chim kêu rất lạ. Sự bình an trong tôi cũng giống như tiếng chim vừa hót lên đã âu sầu bay đi. Chỉ có tình yêu của tôi dành cho nàng là có thực.

Mùa xuân này tôi ra bưu điện gởi cho nàng tờ báo chợ địa phương, có loan tin một vụ giết người trong khuôn viên nhà thờ Tin Lành. Vụ án còn trong vòng điều tra vì chưa tìm ra thủ phạm. Nàng đang ở Việt Nam.

 

PNY

Friday, April 19, 2013


Với Người Một Thuở… Cư-An  *
 
. thơ mhhoàilinhphương




















… Và có phải… mãi còn trong tâm tưởng?

Khi ta.. với người …nửa đoạn đời xa.

Ta vẫn lặng thầm trên từng bước chân qua

Tay se chỉ giở từng trang sách cũ….

 
Mưa tháng tư nhớ trời Tăng Nhơn Phú

Tuổi hai mươi tổ quốc gọi lên đường

Áo thư sinh bỏ lại những mùa thương

Chân rón rén… thư trao … ngoài cửa lớp…

Ta bé nhỏ bên hiên trường im khuất

Thơ học trò viết mãi chuyên yêu nhau

Chiều Văn Khoa…tay nhòe mực, cúi đầu

Mưa vẫn bay nghiêng trên hàng phượng vĩ…

 
Đồi 25, đồi 30, “ địa hình”, “ căn cứ “

Vang rừng chồi xanh ngắt bước quân ca..

Dây tử thần… như tráng sĩ Kinh Kha

Kiêu dũng lắm, đường chiến binh gian khổ!

Nung chí trai nơi thao trường nắng gió

Quyết một ngày về nối dãi non sông

Đồi Mẹ Bồng Con ôm ấp trong lòng

Gươm súng khắc ghi lời thề son sắt

Bình Thủy, Năm Căn, đăc khu Rừng Sát…

Ánh mắt theo người khắp nẻo di quân..

Và lênh đênh khi vận nước xoay vần

Tuổi trẻ tang thương, thiên đường đóng cửa!

 
Trời tháng tư, mưa còn qua phố nhỏ?

Màu Cư-An, trường Thủ Đức còn đâu?

Nên tiếng thơ ta vẫn mãi giăng sầu

Người đã rất xa… bỗng về trong nỗi nhớ…

M.H. HOÀI LINH PHƯƠNG

Washington D.C  tháng 04/2013.

* Cư-AnTư-Nguy: tôn chỉ trên phù hiệu của các S.V.S.Q xuất thân từ trường Bộ-Binh Thủ-Đức  V.N.C.H

Friday, April 12, 2013


TRẮNG ĐẾN KHI ÚA TÀN

Thụyvi


Cái chết của bà cựu thủ tướng Anh quốc đã khiến giới truyền thông báo chí sôi sục mấy hôm nay.
Dĩ nhiên người ta lật lại hết những đoạn đời của bà.
Nhất là những đoạn đời mà thế giới đã gán cho bà biệt danh “The Iron Lady “ đáng hãnh diện không người đàn bà nào có được.
Tôi cũng bắt chước nhiều người bằng cách chăm chú nhìn lại, ngắm lại một phụ nữ lừng danh trên chính trường.
Bỗng dưng tôi nhớ đến bà Hillary Clinton, cưụ Ngoại trưởng nước Mỹ của tôi.
Tôi thấy hai bà, người nào cũng tài giỏi, cứng cỏi, đầy tham vọng chính trị và đam mê quyền lực.
Bà nào cũng đầy bản lảnh ứng xử trong cuộc sống hôn nhân gia đình.
Bà nào cũng đẹp.
Là loại “đàn bà dễ có mấy tay”.
Nhưng tôi không nhìn để thú vị so sánh ở khía cạnh này.
Tôi muốn nói,
Bà Thatchers như đoá hoa trắng, trắng đến khi úa tàn.
Còn bà ngoại trưởng nước Mỹ của tôi.
Mỗi ngày mỗi xộc xệch, cẩu thả…
Hỏi có chán không chứ!
. thụyvi
( Hầm Nắng, 12/ 4/ 2013 )

Tuesday, April 9, 2013


GHEN TỴ VỚI LÁ CỜ NƯỚC MỸ

Trần Thanh Thủy


Đây là một tự sự đặc biệt gửi ra từ trong nước. Theo bài viết, tác giả lớn lên tại miền Bắc, sau 1975 mới theo cha hồi hương miền Nam, có hai bằng đại học, nói thông thạo tiếng Anh tiếng Nhật, từng là một “tour guide chuyên nghiệp”; đi nước ngoài như đi chợ, đi Mỹ thì thích lúc nào đi lúc đó… Và tâm sự: “Vậy mà tôi vẫn không có cảm giác tự hào về vị thế công dân của mình và đất nước mình.” Tự mô tả mình là “con cái của những người cộng sản” nhưng tác giả vẫn viết “chế độ độc đảng và tư tưỏng cộng sản đã làm cho dân mình không tiếp nhận được những giá trị chung của nhân loại về dân chủ, tự do, quyền con người… tạo nên một lực cản không đáng có cho đất nước.” Đề cập tới lá cờ của nước Mỹ, tác giả viết “Người ta yêu lá cờ là vì nó đại diện cho vô số điều tốt đẹp ẩn phía sau.” Và ngậm ngùi thấy mình là “Một công dân không có lá cờ tổ quốc!” Bài viết được phổ biến nguyên vẹn, không thêm bớt, cắt xén.

Tôi để tâm tới lá cờ nước Mỹ từ trước khi đến xứ này. Nguyên cớ cũng là từ tên con trai của tôi. Năm ngoái tên này 5 tuổi. Tôi nhớ là bữa đó tôi đang xem lại bộ phim”Sinh ngày 4 tháng 7″ trên kênh Star Movie thì hắn ta đi ngang qua và hỏi:

-Ba ơi ba! Lá cờ đó là cờ của nước nào vậy ba?

Lúc đó phim đang chiếu cảnh mấy người thanh niên đốt cờ Mỹ.

-Cờ đó là cờ nước Mỹ.

-Sao họ lại đốt cờ vậy ba?

-Tại vì họ muốn phản đối chính quyền.

Rồi hắn còn hỏi … và …. nữa nên tôi cũng giải thích cho hắn như thế và như thế…

Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là tại sao một tên nhóc 5 tuổi lại thắc mắc về lá cờ của quốc gia hợp chủng xa xôi này nên tôi có hỏi hắn:

-Sao con lại hỏi về lá cờ này?

-Tại vì trong mấy phim con coi có mấy lần con thấy lá cờ này, mèo Tom cũng có lần mặc đồ cờ Mỹ này, mà mấy phim ba coi thỉnh thoảng con cũng có thấy vậy!

À ra vậy! Hèn chi…

Tên nhỏ này thì toàn coi phim hoạt hình, là mấy bộ phim mà Cartoon network ngày nào cũng chiếu, kiểu như “Tom and Jerry” hoặc “Teen Titan” mà mấy phim này có cờ Mỹ không tôi cũng không chắc! Hắn cũng coi phim thiếu nhi Walt Disney trên đĩa, rồi phim thiếu nhi trên kênh Star Movie và HBO. Thỉnh thoảng hắn cũng có coi mấy phim Việt Nam nhẹ nhàng như “Kính vạn hoa” hay ” Gọi giấc mơ về”…

Và từ đó tự nhiên tôi lại hay tò mò về lá cờ này khi xem những phim của Mỹ sản xuất. Thật bất ngờ đối với tôi và có thể với rất nhiều người khác! Trong tất cả những bộ phim này, lần nào lá cờ Mỹ cũng xuất hiện.Từ phim hành động tới phim hài, phim tình cảm rồi phim kinh dị, phim ma, phim viễn tưởng… Lá cờ Mỹ hiện hữu khắp nơi nơi! Từ cơ quan chính phủ, đồn cảnh sát, trường học đến trang trại, nhà riêng của người dân Mỹ, trên đồi cao hoặc trong vùng rừng núi, bên hông xe bus, trên nóc xe hơi cá nhân…Nơi này nơi kia, lúc này lúc khác tôi luôn luôn có thể nhìn thấy lá cờ này, lá cờ nước Mỹ! Tên nhóc nhà tôi cũng có ý nghĩ giống tôi, hắn nói với tôi như vầy:

-Ba, sao con coi phim Mỹ con thấy có nhiều cờ Mỹ mà phim Việt Nam mình ít thấy cờ Việt Nam hả ba?!…

Xin nhắc lại là tên nhóc nhà tôi năm ngoái mới chỉ có 5 tuổi! Thắc mắc của hắn thật ra cũng chưa chính xác , vì phim Việt Nam cũng có thấy cờ Việt Nam chứ không phải không có nhưng chỉ có điều là ít xuất hiện, hoặc thường xuất hiện trong mấy phim chiến tranh, tuyên truyền chính trị mà thôi.

Chưa hết, trong những chương trình thời sự trên tivi dù là kênh Việt nam hay nước ngoài, lá cờ Mỹ cũng xuất hiện với tần suất khá dày đặc.Cũng đúng thôi, Mỹ bây giờ là siêu cường, tin tức trên thế giới cứ 10 tin thì hết 3-4 tin là liên quan đến Mỹ! Quốc gia này mà hắt hơi, sổ mũi là cả thế giới rung rinh! Mà tin tức liên quan đến Mỹ thì đủ kiểu. Từ tin đưa về Nhà trắng và tổng thống Obama đến thị trường chứng khoán phố Wall, những quyết định của FED, rôbôt chinh phục sao Hỏa… Và nói đi cũng phải có nói lại: Chúng ta có thể dễ dàng thấy những cảnh người Mỹ “nhiệt tình” đốt cờ nước họ lắm! Có lẽ họ coi lá cờ giống như người yêu nên có lúc thương có lúc giận và lúc giận dữ họ cứ thẳng thắn biểu lộ cảm xúc đôi khi rất cực đoan!

 

Còn chuyện giữa tôi và tên nhóc nhà tôi, kể từ lần đó có một cuôc đua ngầm về việc ai là người thấy lá cờ này nhiều hơn trên màn hình! Thường thì lúc rảnh rỗi vào buổi tối hoặc những ngày cuối tuần, mấy ngưới trong nhà lâu lâu lại nghe một tên nhỏ và một tên lớn hồ hởi giành nhau về lá cờ:

-Ba ơi! Con thấy cờ Mỹ trước rồi nha!

Những lúc đó tôi thường làm bộ cay cú:

-Đâu phải cờ Mỹ, cờ nước khác mà!

-Cờ Mỹ mà ba, có sao và vạch tùm lum kìa!

-Ờ ờ! Đúng rồi! Tên này lợi hại ghê vậy ta…!?

Hoặc có lúc:

-Ê ê! Góc đường có một lá cờ Mỹ nha!

Thì hắn bao giờ cũng làm tài lanh:

-Con cũng thấy rồi!

Còn không thì là:

-Biết rồi!

Và tôi lại làm bộ cho hắn đi tàu bay giấy:

-Sao anh tinh mắt quá vậy anh?

Vậy là hắn có lý do để cười khanh khách khoái chí vì đã thắng được ba hắn!

Tất nhiên đây chỉ là chuyện đùa vui của hai cha con tôi.Nhưng nghiêm túc mà nói, thì rõ ràng, có nhiều điều rất đáng để suy nghĩ. Không nói trong các chương trình tin tức mà chỉ nói trong phim ảnh thôi thì cũng phải đặt câu hỏi là tại sao lá cờ Mỹ xuất hiện nhiều như vậy? Tại sao lá cờ Viêt nam không xuất hiện nhiều trong phim ảnh Việt nam? Phải chăng nhưng nhà làm phim Hollywood muốn thể hiện lòng yêu nước hay là thực tế cuộc sống của người Mỹ là như vậy? Và các nhà làm phim đã thể hiện phim như những gì cuộc sống hiện hữu? Mà nếu như thế thì người Mỹ họ yêu nươc dữ vậy sao?

Câu hỏi này của tôi đã được giải đáp trong những lần tôi đi tham quan, tìm hiểu nước Mỹ. Tôi đã đi qua gần 30 tiểu bang bằng đường bộ để cố ý quan sát kỹ càng nhiều mặt xứ sở Hợp chúng quốc.
Quả đúng là như vậy. Người Mỹ rất yêu nước!

Chẳng phải riêng gì trong việc treo cờ. Mà cả trong sinh hoạt thường ngày, trong những hoạt động nơi công cộng cũng như trong việc tổ chức xã hội của họ… Ta có thể thấy tình cảm của họ đối với quốc gia là rất đồng thuận và rất trân trọng. Về những lá cờ, đúng như trong phim ảnh, cờ Mỹ hiện diện khắp nơi nơi!

Đầu tiên là phi trường Los Angeles. Nơi nhà ga đến, những lá cờ to tổ chảng treo khắp trần nhà cùng những hàng chữ lớn “We are a face of country”- Chúng tôi là bộ mặt của quốc gia! Chẳng biết chúng tôi đây là ai? Nhân viên trong terminal thì nhiều lắm! Mà dẫu có là ai thì bộ mặt của quốc gia phải gắn liền với những lá cờ rồi! Khỏi thắc mắc!

Tiếp đó là đến những thành phố của tiểu bang Cali và những tiểu bang khác khắp nước Mỹ, đâu đâu tôi cũng thấy chúng, những lá cờ Mỹ. Từ San Francisco xuống San Jose, rồi San Diego ở CA, sau đó là hành trình băng ngang nước Mỹ theo đường interstate 40 qua miền sa mạc của AZ và NM, đến những thành phố nhỏ như Snyder ở TX, qua bờ đông nơi SC và NC, và ngược lên Washington DC và New York… phía Bắc. Vào những ngày đẹp trời thì ôi thôi mấy lá cờ này! Luôn tung bay giữa không trung đầy kiêu hãnh!

Ở những cơ quan công quyền thì không nói làm gì. Đằng này trong dân chúng lá cờ Hiệp chúng quốc cũng luôn phấp phới và được ngước nhìn. Tôi có thể thấy chúng được treo phía trước vườn hoặc trên mái của những ngôi nhà Mỹ trên mọi con đường, trong những lần dạo phố ở Little Saigon, Cali hoặc cả ở những nơi hẻo lánh như Tucumcari city New Mexico. Tôi cũng thấy chúng trong những lần ra biển hoặc leo đồi và cả những khi đi mua sắm ở các Mall, trong sân trước của những apartement, những condo, trên cửa kiếng xe hơi của dân Mỹ, trong khu vui chơi, resort, trong nghĩa trang… và cả trong nhà thờ! Phải,trong nhà thờ. Nói có sách mách có chứng, lần tôi đi lễ ở nhà thờ St. Barbara trên đường Euclid ở Santa Ana city tôi đã thấy lá cờ Mỹ được cắm trang trọng bên trái bục giảng đạo của cha Nguyễn Đăng Đệ. Điều này đối với tôi thật lạ lùng. Không biết ở các nhà thờ Mỹ khác như thế nào chứ ở Việt nam từ trước đến giờ tôi chưa từng thấy nhà thờ nào có treo cờ quốc gia bên trong cả!

Còn nói chuyện leo đồi, có lần tôi đã lên một ngọn đồi vô danh ở vùng thung lũng Pinole, phía bắc vùng vịnh San Francisco- Oakland. Bữa đó, tôi đến thăm một người bạn có tiệm Nails ở đây nhưng nhằm lúc tiệm đông khách quá nên không muốn làm rộn bạn, nhân thấy ngọn đồi gần đó phủ đầy hoa vàng đặc trưng của miền bắc Cali, vừa đẹp lại vừa dễ leo nên cũng tò mò thử lên ngắm hoa và vùng vịnh từ trên cao cho biết. Leo lên mất khoảng một tiếng đồng hồ, khi đến đỉnh tự nhiên thấy có cắm một lá cờ lớn trước mặt, trên cao gió lộng nên có thể nghe tiếng cờ quẫy gió phần phật. Cột cờ đã cũ nhưng lá cờ còn mới chứng tỏ được thay thường xuyên, vì dãi dầu sương gió trên cao nên không thể mới hoài được. Nhìn lá cờ cô độc trên đỉnh đồi không thể không thắc mắc ai có công vác lá cờ lên cắm trên này. Tiếng lá cờ reo cùng gió khiến cho bất kỳ ai leo đến đỉnh cũng cảm thấy đỡ mệt và phấn chấn trước quang cảnh vùng vịnh bao la. Xuống dưới tôi có hỏi bạn tôi về lá cờ thì bạn tôi cũng ngạc nhiên lắm, không ngờ trên đó có cắm lá cờ. Hắn ta cũng thật tình mà rằng:

-Tao cắm rễ ở thung lũng này đã lâu nhưng chưa bao giờ leo lên đồi đó, nên cũng chẳng giải đáp được thắc mắc của mày!

Mấy lá cờ Mỹ mà tôi từng thấy thì quả thật đẹp lắm, theo đúng nghĩa đen của từ này. Thường tôi thấy những lá cờ xứ khác được may bằng vải kate, nhưng cờ Mỹ thì đa phần được làm bằng cotton nên sao và vạch thường rất nổi bật, nhất là những lá cờ có chất liệu thêu. Mà thấy cờ size lớn nhiều lắm, nhất là ở những nơi công cộng toàn là mấy lá cờ to như cái nhà vậy. Còn cờ size nhỏ thường được để trên bàn hoặc cắm trên nóc xe hơi trong mấy ngày lễ, chắc có lẽ xứ sở giàu có nên không bao giờ phân vân về chuyện lớn nhỏ. Còn vật dụng để treo cờ cũng rất đa dạng và chắc chắn lắm chứ không “lả lơi” và tạm bợ như những lá cờ mà tôi từng thấy. Rõ ràng việc treo cờ là chuyện quốc gia đại sự!

Nhìn cách người Mỹ đối xử với lá cờ nước họ tôi hiểu rằng họ thực sự trân trọng lá cờ của họ. Nhưng điều gì khiến họ yêu lá cờ và yêu nước của họ đến vậy? Có phải do nó đẹp hay chăng? Lá cờ sao và vạch đó? Nếu trên lá cờ đó không phải là sao và vạch liệu họ có yêu nó hay không? Câu trả lời chắc vẫn là như thế, một tình yêu với lá cờ. Ai trong chúng ta cũng hiểu rằng sao và vạch chỉ là hình thức và mang tính biểu tượng.

Người ta yêu lá cờ là vì nó đại diện cho vô số điều tốt đẹp ẩn phía sau: Tự do, dân chủ, tam quyền phân lập, quyền lực thứ tư của báo chí…, cũng như sự đồng thuận của tất cả mọi công dân trong việc tạo nên một xã hội công bằng, văn minh, thịnh vượng và nhân bản. Một xã hội mà trong đó mỗi người đều có quyền lựa chọn cuộc sống cho riêng mình và có quyền thực hiện ước mơ của mình. Họ yêu thương trẻ em, tôn trong phụ nữ, nâng đỡ người tàn tật và chăm sóc người già (dẫu còn nhiều ý kiến khác nhau về việc này)…

Tôi đã rong ruổi trên nhiều nẻo đường của các tiểu bang nước Mỹ và tôi có thể thấy sự phát triển vượt bậc và khá đồng đều của đất nước này. Có những lúc tôi đã phải ngạc nhiên tự hỏi tại sao người Mỹ có thể tạo dựng được một quốc gia ngoại hạng như vậy. Cơ sở vật chất của họ đồ sộ và trải rộng khắp liên bang như vậy hẳn là đòi hỏi một sự tích tụ tư bản khổng lồ của nhiều thế hệ xuyên suốt thời gian mà bản thân tôi không thể nào tưởng tượng được. Nước Mỹ đích thực khác hẳn những gì báo chí trong nước hay viết và cũng khác với nước Mỹ tôi từng hình dung.

Tôi nhớ lần lang thang ở tiểu bang Utah, xe chạy 70-80 mile một giờ trên freeway interstate 80 mà chạy hoài cũng chưa qua khỏi những cánh đồng muối. Còn khi đi qua tiểu bang Kansas, freeway interstate 70 chạy giữa những cánh đồng lúa bạt ngàn đến cuối đường chân trời. Xe chạy từ sáng đến chiều mà vẫn thấy mênh mông nối tiếp mênh mông những sóng lúa như không bao giờ dứt. Đi vào làng của nông dân Hoa Kỳ thấy toàn là biệt thự rộng rãi, tiện nghi đầy đủ, sạch sẽ vô cùng. Cảnh trí được sắp đặt đẹp như tranh vẽ, cây cối hoa lá giống như một resort 5 sao của mấy khu du lịch. Ai cũng biết Hoa Kỳ được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều, nhưng để biến đất đai tài nguyên thành của cải không thể thiếu bàn tay của con người và có cảm giác bàn tay lao động của người Mỹ hiện diện ở mọi miền, mọi vùng.

Tất nhiên Hoa Kỳ không phải là một quốc gia hoàn hảo, nhưng so với những quốc gia khác rõ ràng Hoa Kỳ đã vượt lên trước rất xa. Họ có những điều dở nhưng luôn luôn biết nhìn nhận thẳng thắn lỗi lầm và tìm cách khắc phục bằng những điều tốt hơn! Những người tốt luôn làm một điều gì đó để cái xấu không thể thắng thế và lẽ phải luôn được bảo vệ.

Quan sát xã hội Hoa Kỳ tôi thấy điều cốt lõi của xã hội này là mỗi công dân đều hiểu rõ giá trị của bản thân mình với các quyền đương nhiên của con người và hiểu biết rất cao về luật pháp để phân biệt rõ ràng những điều được phép và không được phép làm. Và chính quyền đảm bảo cho điều đó luôn được duy trì. Khi một xã hội đạt đến trình độ như vậy thì sự đồng thuận và sự minh triết sẽ xuất hiện và cùng với nó sự thịnh vượng sẽ đến với tất cả mọi người dân.

 

Người đọc có thể cho rằng tôi lý luận lẩn thẩn về một điều đương nhiên, nhưng bất cứ ai từng sống trong những chế độ độc tài đều rất dễ nhận thấy rằng để đạt được điều tưởng như đơn giản đó là cả một quá trình rất dài và gian khó. Mà nếu nói là trăm năm chưa đạt được cũng không phải là quá đáng! Ngay như trong khu vực Đông Nam Á, ai từng quan tâm tìm hiểu Thailand cũng đều phải công nhận Thailand đang phát triển trước Việt Nam khoảng 30 năm. Người Việt mình qua Thailand mà có dịp đi khắp nước họ sẽ thấy cuộc sống của người Thai khá thoải mái, cơ sở hạ tầng của họ dân mình thấy lần đầu quả thật sẽ ngạc nhiên vì không ngờ ở gần Việt Nam mà sao họ khá quá và hẳn ai cũng tự nhủ không biết bao giờ Việt Nam mình mới được như Thailand. Nhưng nếu thăm Thailand xong rồi qua Hoa Kỳ và nếu theo dõi tình hình xã hội Thailand trong thời gian qua thì thấy rõ ràng khoảng cách phát triển giữa Thailand và Hoa Kỳ vẫn xa thăm thẳm.

Cảm giác ghen tỵ với lá cờ nước Mỹ lần đầu xuất hiện trong tôi là khi tôi dừng chân ở thành phố Jackson của tiểu bang Mississippi, trên đường xuôi xuống New Orleans từ St.Louis city. Tôi nhớ bữa đó tôi đang ăn trưa trong một nhà hàng trên đường Wilson gần freeway interstate 55, trời mùa thu tháng 11 phương Nam, mưa rơi tầm tã, nhìn mưa nơi này không khỏi nhớ về những cơn mưa miền Trung ở Việt Nam, mưa không ngừng nghỉ với gió từng cơn và sấm chớp dọc ngang bầu trời. Trong lúc nhìn mưa mông lung bất giác tôi phát hiện phía bên kia đường có một lá cờ. Cột cờ nằm trước một center bán lốp xe hơi, với một lá cờ lớn. Dù mưa rơi tầm tã, bầu trời đen kịt, nhưng lá cờ vẫn ngạo nghễ tung bay. Đơn độc và bền bỉ, dường như nó muốn chống chọi cùng sấm chớp, quét sạch mây mù! Sự kiêu dũng của lá cờ khiến tôi không khỏi thầm khen “anh bạn khá lắm, thật là một tay can trường!”. Và cũng lúc đó tôi chợt cảm thấy buồn! Hôm đó đã gần đến đoạn cuối của hành trình, sau những ngày thăm thú nhiều tiểu bang tôi cảm nhận sâu sắc sự trân trọng lá cờ quốc gia của người Mỹ, dù thấy lá cờ rất là đẹp (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) và cảm mến lá cờ này nhưng rõ ràng nó không phải là lá cờ của tôi. Lá cờ sao và vạch đó, nó là của họ, những người dân quốc gia hợp chủng!

Tôi nhớ rất rõ cảm giác khó chịu len lỏi trong tôi lúc đó, một cảm giác thèm muốn mình cũng có một lá cờ để trân trọng và ngước nhìn, để có lúc tôi có thể đặt bàn tay lên con tim mình và cảm nhận tình yêu tổ quốc, tình yêu đồng bào của mình đang hiện hữu trong tôi! Điều đó tôi chưa bao giờ từng trải qua!

Nước tôi cũng có một lá cờ…

Và lá cờ tổ quốc của tôi, mỗi lần đến dịp lễ hoặc Tết là bác tổ trưởng dân phố lại đi từng nhà nhắc nhở (hay năn nỉ) người dân trong tổ treo cờ, bác này là cựu chiến binh, trong chiến tranh được phong anh hùng, giờ nghỉ hưu làm công tác dân phố. Mỗi lần gặp bác tôi hay trêu là nhờ chuyện treo cờ mà bác có cơ hội đi bộ thể dục! Thêm nữa tivi và báo đài cũng lại nhắc cho dân chúng biết về lịch treo cờ tổ quốc! Vậy đó mà có nhà họ cũng chẳng treo! Nhưng những ngày này thì công tâm mà nói cờ Việt Nam được mùa, phấp phới tung bay, nếu nói là “rợp trời cờ hoa” cũng không phải là quá đáng. Còn vào những ngày thường thì tuyệt nhiên không thấy dân chúng treo cờ, ngay cả cơ quan nhà nước cũng vậy! Sau lễ, Tết mấy lá cờ này như có chân vậy, chúng trốn mất tiêu, siêu tốc độ, chẳng còn mấy lá!

Tôi là dân có tập luyện, đại thể sáng nào cũng chạy khoảng 5-6 cây số, mà tính hay cầu toàn nên bữa nào có gió mạnh thường hay căn hướng gió để chạy. Nói ra có nhiều người ngạc nhiên! Tôi muốn tìm một cây cờ để xem hướng gió nhưng hiếm khi nào thấy. Nhiều lần chạy buổi sáng ở nhiều thành phố của Việt Nam mình mỗi khi đi công tác hoặc du lịch tình trạng cũng tương tự. Nếu đứng tại một điểm cao làm chuẩn mà lia tầm mắt trong vòng bán kính 5 cây số, 10 cây số, có lúc 20 cây số cũng không hề thấy lá cờ nào cả. May ra mà đứng gần ủy ban nhân dân thành phố hoặc phường xã thì mới thấy, mà lá cờ cũng “nhỏ như con thỏ” chứ ít thấy cờ lớn, có lẽ là được mua ở chợ chỉ chung một size! Không biết từ bao giờ người Việt mình thờ ơ với lá cờ như vậy?

Tôi nhớ lúc nhỏ sống ở miền Bắc, dù chưa đủ hiểu biết để suy nghĩ sâu xa về lá cờ, nhưng lá cờ đỏ sao vàng lúc đó cũng gần gũi với lũ trẻ bọn tôi lắm.Vì miền Bắc hồi đó nặng về tuyên truyền lên cờ hoa hay xuất hiện, thời bao cấp mỗi dịp lễ Tết dẫu có khó khăn nhưng tôi nhớ bọn tôi luôn được cho quà bánh. Mọi người được nghỉ ngơi nên ba tôi và mấy người bạn hay tụ tập khi nhà người này, khi nhà người kia ăn uống “cải thiện”. Lại nhớ có lần ba tôi chở tôi đi cùng một người bạn đi ăn liên hoan Quốc khánh, hai vị đạp xe chầm chậm nói chuyện, tôi ngồi phía sau mải mê nhìn mấy lá cờ đỏ treo hai bên đường thế nào mà rơi khỏi yên xe lúc nào không hay, còn hai vị cha chú cũng ham chuyện đến nỗi đi cả trăm mét mới phát hiện con cháu mất tích, hớt hải quay lại tìm “thằng nhóc suy dinh dưỡng”. Chuyện thật như bịa! Mấy chục năm sau gặp lại chú bạn vẫn nhắc:

- Mày hồi đó lỳ lắm con nhá, rơi xuống xe mà không hề khóc, vẫn lon ton chạy theo cho kịp tao với ba mày, mà cũng không thèm gọi bọn tao đâu nhá, rõ ông tướng chứ lị!

Sau này khi chiến tranh kết thúc gia đình tôi theo ba trở về quê hương miền Nam, tôi lớn lên, đi nhiều đọc nhiều biết nhiều, rồi lá cờ nhạt nhòa dần trong tôi hồi nào không hay. Dân chúng Việt Nam chắc cũng như vậy, chung suy nghĩ như tôi. Cuộc sống vất vả mưu sinh, thời gian trôi nhanh, chiến tranh đã qua hơn 30 năm rồi mà thực sự đất nước vẫn chưa có gì chuyển biến lớn lao cả. Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì chưa thấy mà những cái xấu thì dường như ngày càng trầm trọng. Khi ẩn sau lá cờ không phải là những điều tốt đẹp thì màu đỏ và sao vàng sẽ thực sự chỉ còn là hình thức, những thành phần trong xã hội mà năm cánh sao vàng tượng trưng sẽ chẳng thấy mình trong đó và họ dần trở nên lãnh đạm với lá cờ cũng là điều dễ hiểu. Tôi cũng như họ, nhiều lần tôi nhìn lá cờ đỏ sao vàng đó và tôi không hề thấy tôi trong đó. Tôi không hề cảm nhận được đó là lá cờ tổ quốc của tôi! Trường hợp của tôi là con của những người cộng sản mà còn vậy, còn con em của những người ở “bên kia chiến tuyến” chắc là cực đoan hơn nữa.

Tôi là một tour guide chuyên nghiệp và đã đi khắp Việt nam, nhiều lúc khách nước ngoài họ hỏi mà không biết trả lời thế nào cho đỡ mất sĩ diện. Trẻ em bán vé số, kẹo cao su, hủ tiếu gõ… có mặt trên mọi ngả đường. Lên vùng Tây Bắc hoặc về miệt sông nước Cà Mau thấy trường lớp của con trẻ xập xệ, dột nát mà muốn rơi nước mắt. Trong khi ở các đô thị người ta mua xe triệu đô, xây các công trình thì cứ 10 tầng họ bỏ túi 1 tầng nên chất lượng chỉ còn 9 tầng! Phụ nữ bị bạo hành là chuyện nội bộ gia đình, khi nào sắp xảy ra án mạng chính quyền mới can thiệp. Có lần tôi thấy một người chồng đánh vợ bằng một chiếc ghế nhựa, cú phang lên đầu người vợ mạnh và tàn nhẫn đến nỗi chiếc ghế vỡ tan thành mấy mảnh, máu chảy tèm lem trên mặt cô.

Cũng có đông người nhưng không thấy ai ra tay nghĩa hiệp cả. Có chị phụ nữ xấn vào còn bị chồng lôi ra mắng:

-Xen vào làm gì! Vợ chồng mình có lúc còn quá nhà người ta!?

Tôi nhảy vào can thiệp thì tên chồng trừng mắt nạt:

-Tôi đánh vợ tôi thì liên quan gì đến ông!

Đánh hắn thì mình phạm luật mà không chừng lại bị hắn “tẩn” cho no đòn!? Bực quá móc điện thoại ra gọi cảnh sát 113 thì thất vọng vô cùng! Họ hỏi nhanh nhưng cặn kẽ sự việc, khi biết là chồng đánh vợ họ nói “chuyện này là xung đột gia đình, anh gọi qua bên phụ nữ nhờ họ giải quyết!”. Nghe họ nói tự nhiên bao nhiêu nhiệt huyết trong tôi tan như mây khói và cảm thấy bất lực, đơn độc biết bao nhiêu.

Quả thật hiện trạng xã hội khắp mọi miền đất nước rất đáng lo ngại, thành phố có nhiều nhân tài hội tụ nhưng toàn là “siêu sao kiếm tiền” chứ hiếm thấy người có tinh thần thiện nguyện, sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng, “lĩnh ấn tiên phong” quyết liệt đấu tranh với cái xấu, định hướng cho đất nước đi lên. Mà dân nhập cư vào thành phố tự phát, tạo áp lực lớn lên toàn thể, những là kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm… bây giờ là bài toán nan giải đối với cấp lãnh đạo các thành phố.

 

Chị của tôi đang tính mở tiệm thuốc tây, tôi nghe mấy chị bàn bạc mà đau hết cả ruột, “mở tiệm đừng ham chi mặt tiền đường lớn, cứ vào mấy khu lao động mà mở, mấy khu lao động bây giờ dân họ ưa bịnh lắm đảm bảo kinh doanh sẽ phát đạt”. Còn nông thôn bây giờ vấn đề con người rất đáng bàn, làm việc với cán bộ cấp huyện hoặc xã, sau bao nhiêu năm thấy vẫn dậm chân tại chỗ. Người giỏi thì bỏ xứ đi, người ở lại trình độ thấp mà không có tư tưởng cầu tiến, làm chưa được việc đã cầu lợi, báo đài vừa rồi đồng loạt đưa tin về mấy chuyện cán bộ các xã ăn chặn tiền hỗ trợ Tết cho dân nghèo, nghĩ mà xấu hổ cho “con rồng cháu tiên”. Còn nam thanh niên nông thôn khoảng 6 giờ chiều muốn gặp khó lòng thấy mặt, 8 giờ tối gặp tên nào nói chuyện cũng nghe mùi rượu bia. Hỏi ra mới hay nông thôn bây giờ chẳng có gì vui chơi giải trí, “bọn em thanh niên lao động chân tay, buổi tối làm mấy ly cũng đỡ nhức mỏi anh ạ!”.

Điều này chẳng riêng gì nông thôn, các đô thị loại 1, loại 2 bây giờ quán nhậu thì tràn lan mà thư viện, nhà văn hóa ngày càng xuống cấp, toàn xã hội đề cao “chủ nghĩa kim tiền”, đồng tiền lên ngôi trở thành thước đo mọi giá trị, mọi mặt của đời sống đều tụt hậu. Ngay như vợ tôi cũng là dân trí thức, yêu chồng thương con cũng thuộc loại “số một thế giới”, vậy mà thấy thiên hạ tiêu xài cũng phát hoảng. Có lần giận tôi nàng mắng là chồng gì mà toàn lo chuyện bao đồng, nhà người ta thì nhà lầu xe hơi, tiêu xài như nước mà nhà mình cứ bình bình hoài, làm mãi cũng chẳng thấy phát tài, tiêu pha thứ gì cũng phải cân nhắc! Mà thật ra gia đình tôi có thể được xếp vào dạng trung lưu, hai vợ chồng ba đứa con- một gái hai trai- ăn uống, chi tiêu cũng không đến nỗi thiếu thốn.Thêm nữa gia đình sum vầy hạnh phúc, không đau ốm, bệnh tật, cuộc sống bình an, nếu học theo Lão Tử kể như cũng là “bến bờ ngay sau lưng ” rồi! Vậy mà cũng có lúc cũng bị vợ nhằn, chẳng qua nàng thấy xã hội suy tôn đồng tiền quá đáng nên mất khôn chứ không thực nghĩ như vậy.

Thành phố Đà Nẵng là đô thị trực thuộc trung ương mà thư viện chẳng có bao nhiêu sách, tôi vào tham quan cho biết thấy chẳng được mấy cuốn có giá trị, sách truyện thì có mà toàn sách cũ, còn sách nghiên cứu thì thấy chẳng nhiều hơn tủù sách nhà tôi bao nhiêu! Mấy cô thủ thư nói giọng bất mãn:

- Lãnh đạo thành phố mê đá banh chứ đâu có mê sách mà anh bảo sao cho có nhiều hả anh?

Xuống Nhà văn hóa thanh niên ở 30 Bạch Đằng thì thấy mấy chục năm vẫn không thay đổi, có phần tệ hơn và thua xa thời năm 1986 khi bọn choai choai chúng tôi ghé thăm và nhảy đầm.

Sài Gòn cũng chẳng hơn gì, muốn đưa con trẻ đi chơi không phải là chuyện dễ dàng. Mấy điểm đu quay trong xóm thì rẻ nhưng chật chội và không an toàn, đi Đầm Sen một gia đình 2-3 đứa con chơi vài ba trò chơi cộng tiền vé vào cửa, ăn uống…tốn gần triệu như không! Đại thể là ngoài việc ăn uống mà muốn vui chơi, giải trí thì cứ phải có tiền mới dám chơi, chứ dân nghèo thì đành chịu vì nhà nước ít cho không cái gì cả. Mấy người đạp xích lô, xe thồ Sài Gòn có một thời hay lai rai loại nước giải khát lên men, chẳng biết được sản xuất bằng thứ gì mà chiều nào anh em ta cũng làm vài chai. Dân nghèo đâu có mồi xịn để lót bao tử, cứ sẵn gì nhậu nấy! Mười mấy hai mươi năm trôi qua, “phe ta” bây giờ đường ruột, dạ dày ai cũng hư hết. Đi bác sỹ khai ra mới biết cứ 10 người thì hết 9 người uống loại nước rẻ tiền đó. Mà nghĩ cũng tội nghiệp cho “ông” nhà nước, tiền thuế thu không được bao nhiêu thì lấy gì lo cho dân. Mấy anh thuế vụ ngoài chợ thu tiền của các cô, các chị bán rau thấy cũng tích cực lắm, nhưng môt sạp rau chẳng bao nhiêu tiền, thu không biết đến bao giờ mới bằng một chai rượu ngoại mấy tên “cá mập” uống trong vũ trường?

Còn nói về công viêc mưu sinh của người dân cũng trần ai, khổ ải. Mấy anh em lái xe tour du lịch tôi quen, dần dần chuyển nghề gần hết. Lâu lâu gặp lại cố nhân, nghe kể chuyện mà không biết nên vui hay nên buồn. Họ than công việc thì cực mà thu nhập không nhiều, chạy xe tour thì phải đi sớm về trễ, 7-8 giờ tối còn phải đưa khách đi ăn tối, về tới nhà bữa nào cũng 11giờ đêm, sáng ra 5 giờ phải lo dậy, chạy lên bãi xe xong đua xuống khách sạn ở trung tâm, vừa chạy vừa lo kẹt xe. Đi tham quan tuyến điểm thì lúc nào cũng như “bơi” giữa biển người, nóng nực, căng thẳng “không điên mới lạ!?”. Nghề nghiệp đặc thù, nếu tiền nhiều thì cũng ráng, chứ xương quá thì…Cuối cùng mạnh ai nấy “binh”, dù tiền ít nhưng tiện tặn cũng qua ngày mà có thời gian lo cho gia đình. Trò chuyện với anh em taxi cũng thấy buồn lòng, họ tâm sự:

-Bon chen kiếm sống, giành giật khách, giở mánh khóe này nọ, về nhà nhìn con cái ngây thơ vui học, nghĩ đến công việc mình làm cũng tự thấy mắc cỡ ghê lắm nhưng xã hội mình nó vậy, mình không làm người khác họ cũng làm, mà chậm chân thì vợ con mình đói, coi như đời mình kể như bỏ chỉ hy vọng mai sau các con mình…

Mà cũng hy vọng cầu may vậy thôi chứ không có cơ sở nào để tin đến đời con mình, cuộc sống sẽ khấm khá cả. Con cháu ra trường muốn có việc vẫn cứ phải “chạy”, mà lương cũng chỉ đủ tiêu thôi chứ không có dư, chuyện mua nhà, mua xe vẫn còn xa vời lắm. Báo chí Việt nam thì sau bao nhiêu năm vẫn ngoan ngoãn đi “lề bên phải”, cả một đất nước 80 triệu dân mà không có tờ báo nào “đáng mặt anh tài”. Có lần tôi đi Hongkong về, do bận rộn quá nên không đọc được thông tin trong nước, lên máy bay của Vietnam Airlines thấy có báo Thanh Niên thì mừng húm. Vậy mà đọc được vài trang là muốn bỏ xuống! Báo chí gì mà không đọc thì thấy thiếu thông tin, mà nếu cầm báo đọc thì lại chẳng có gì đáng đọc cả! Trước đây đã viết “dưới tầm” rồi, từ hồi mấy vị Tổng biên tập các báo bị cất chức, thấy còn tệ hơn, bài vở đọc giống như ăn cơm nguội vậy! Đất nước thiếu một môi trường tự do ngôn luận và một tầng lớp tinh hoa dẫn dắt xã hội, mà quy luật phát triển cho thấy trong một xã hội ai nấy bo bo ôm “nồi cơm” của mình thì tự do, dân chủ vẫn sẽ là chuyện của muôn năm!

Ở Việt Nam bây giờ nói chuyện chính trị và thời cuộc, mấy người thợ hớt tóc và xe ôm lại có vẻ là những người quan tâm hơn mấy vị quan lớn!? Ngồi chờ khách giở sách báo ra đọc họ bàn luận đủ thứ chuyện trên đời. Một anh xe ôm nói với tôi là anh ngồi ở mấy chỗ đèn xanh đèn đỏ mà anh thấy Sài Gòn 1 ngày lãng phí không biết bao nhiêu xăng dầu và siêu ô nhiễm. Vì dân số Sài Gòn đông mà thời gian chờ đèn lẹ quá nên ai cũng để nổ máy ngồi chờ, phải chi người ta điều chỉnh thời gian lâu hợp lý thì mọi người sẽ tắt máy, “tiết kiệm được bao nhiêu là xăng dầu chú nhỉ!”. Tôi động viên:

-Anh quan sát thực tế được bao nhiêu điều hay như vậy mà sao không viết thư góp ý với chính quyền?

Anh giãy nảy:

- Ôi dào! Bọn nó đời nào quan tâm đến thư của mình, có viết cũng như không thôi chú ạ!

Xã hội Việt Nam đang diễn ra như vậy, cuộc sống thì bát nháo, chính quyền thì luôn nói lời hay ý đẹp, dân chúng thì mất niềm tin nên lá cờ tổ quốc chẳng được mấy ai đoái hoài đến. Điều này thường xảy ra trong những chế độ độc đảng.

 

Sau mấy giải bóng đá quốc tế, chính quyền hay tuyên truyền về tình yêu lá cờ của người dân như minh chứng cho lòng yêu nước, báo đài thường nói là “80 triệu con tim đang hướng về đội tuyển Việt Nam” trước những trận cầu quan trọng hoặc nói “cờ Việt Nam tung bay trên mọi nẻo đường thể hiện tinh thần yêu nước cao độ của người dân” sau khi đội tuyển chiến thắng một đối thủ mạnh. Nhưng có lẽ họ cố ý nói sai hoặc làm như nhầm lẫn giữa lòng yêu nước và tinh thần hâm mộ thể thao. Ít nhất trong nhà tôi có hơn một nửa thành viên là không hướng về đội tuyển, vì ba má và vợ tôi không hề mê bóng đá, mọi người toàn coi phim bộ. Còn mấy tên nhỏ nhỏ trong nhà chẳng hề biết bóng đá là gì, nhất là mấy tên dưới 5-6 tuổi.

Cầm cờ ủng hộ đội tuyển Việt Nam cũng không có nghĩa là yêu nước. Chẳng qua ủng hộ màu cờ, sắc áo của đội tuyển nhà thì cầm cờ hoặc mặc áo của đội tuyển thì thích hợp hơn cả. Tôi đã chứng kiến trận cầu chung kết EURO 2008 giữa Tây ban nha và Đức cùng dân hâm mộ ở nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Sài Gòn qua màn ảnh lớn. Dân hâm mộ chia thành 2 phe ủng hộ hai đội rất cuồng nhiệt, cũng cờ quạt, áo sống y như người Tây ban nha và Đức thứ thiệt. Khi Tây ban nha ghi bàn dân hâm mộ ủng hộ đội này cũng vẫy cờ Tây ban nha và hò hét vang trời, nhưng rõ ràng nhìn cảnh đó chẳng ai nói là người hâm mộ Việt Nam yêu nước Tây ban nha cả. Điều đó là rõ ràng!

Phần tôi mắc cái tội hay tò mò tìm hiểu, lại thêm số bay nhảy nên suốt ngày chu du xa nhà. Việt Nam thì không nói làm gì mà nước ngoài cũng đi tìm hiểu nhiều nơi, rồi quan sát, so sánh mới tự băn khoăn với mình. Điều tôi rút ra về sự chậm lụt của Việt Nam là chế độ độc đảng và tư tưỏng cộng sản đã làm cho dân mình không tiếp nhận được những giá trị chung của nhân loại về dân chủ, tự do, quyền con người… tạo nên một lực cản không đáng có cho đất nước. Bên cạnh đó nó cũng khiến cho chính quyền luôn tìm cách nói dối để mị dân cho dễ cai trị nên dân chúng càng ngày càng mất niềm tin. Tôi cảm thấy rất bất an khi nghĩ về vận mệnh của đất nước.

Với những gì đang diễn ra, tôi có cảm giác như cơ thể Việt Nam đang bị bệnh nặng, mà người bệnh vẫn tin hoặc giả bộ tin là cơ thể sẽ có khả năng tự điều chỉnh dần hết bệnh. Trong khi ai cũng biết là phải giải phẫu toàn thân may ra mới có thể cứu được bệnh nhân. Cả hai điều đều sẽ rất đau đớn, tuy nhiên lối thoát chỉ có một! Mà bệnh nhân không thể tự mình giải phẫu và phải cần sự trợ giúp của bác sỹ! Bác sỹ đó là ai? Có phải Hoa Kỳ hay chăng? Dù là ai thì cũng cần rất nhiều thời gian và tôi e rằng tôi không sống đủ thọ để thấy ngày đất nước tôi thay đổi và người dân sẽ có một cuộc sống hạnh phúc.

 

Như vậy cũng có nghĩa là tôi vẫn sẽ chẳng có lá cờ tổ quốc của mình để yêu mến và trân trọng. Tôi vẫn sẽ phải ghen tỵ với lá cờ nước Mỹ, ghen tỵ với sự trân trọng mà nó được dành tặng bởi những công dân của Hợp chúng quốc. Những người mà qua quan sát và trò chuyện với họ, tôi thấy họ chẳng hơn tôi bao nhiêu. Có khi còn thua tôi!?. Tôi là một người có sức khỏe, sống điều độ và lành mạnh, luôn yêu mến mọi người. Học thức thì hai bằng đại học, nói thông thạo 2 ngoại ngữ Anh, Nhật chưa kể miệt mài tự học từ hồi thanh niên đến giờ… Đi nước ngoài như đi chợ, đi Mỹ thì thích lúc nào đi lúc đó nếu không quá bận… Vậy mà tôi vẫn không có cảm giác tự hào về vị thế công dân của mình và đất nước mình. Dù đôi khi trong cuộc sống có những lúc bộc phát muốn làm người dấn thân, nhưng tuổi tác ngày càng thêm, gia đình đề huề, tôi nghĩ mình chắc sẽ vẫn mãi chỉ là một công dân bình thường và an phận.

Một công dân không có lá cờ tổ quốc! Và luôn chạnh lòng mỗi khi nhìn thấy lá cờ sao và vạch!

TTT