Saturday, July 30, 2016

NƠI NÀO DÀNH CHO EM...
Trịnh Sơn












Những cái kẹp rơi xuống
Bàn tay suông mười ngón lần tìm
Tôi đứng bên đường mà lặng cả con tim
Nhìn em... khiếm thị.

Ngày Sài Gòn dòng người vẫn tấp nập chen đi
Em lê bước gót mòn phố nhỏ
... tiếng rao trưa
Nỗi đau hôm qua em nhận lấy đã thừa
Giờ gói gém chôn sâu vào góc nhớ
Quá khứ năm xưa khuyết đời em một thuở
Nên đôi mắt buồn chớp mở với hiện sinh.

Tiếng rao em
tiếng hát em
thanh trong cong vút mái cung đình
Em mơ ước được hát vang như bình minh chim hót
Tôi, người khách qua đường chua xót trộm nghe.

Ngày Sài Gòn xanh ngắt lá hàng me
Ve rụng xác cuối mùa hạ chết
Em vẫn khao khát nuôi dưỡng ước mơ chưa bao giờ chấm hết
Được thả tiếng hát của mình bay đến trời xa.

Những ánh mắt thiết tha
Những trái tim bao la
Chợ đời đủ cả
Dòng người vẫn lại qua.

Em không muốn họ ném vào em một ánh nhìn xót xa
Nên tự sống bằng khả năng có thể
Cuộc sinh tồn của mỗi con người trong vũ trụ hôm nay đâu dễ
Em không thấy bầu trời như thế lại hay hơn...!

Hạnh phúc hơn tôi khi mắt đủ cả đôi
Phải nhìn thấy những tồi tàn bội bẩn
Ngày Sài Gòn vẫn bon chen rộn bận
Che chở những phận người nuôi cuộc mưu sinh.

Tấm lòng em trắng tinh
Nhìn đời bắng trái tim cháy bỏng
Tiếng hát em tràn căng nhựa sống
Cây kẹp rớt xuống đường
Mà tiếng hát vẫn
bay lên
bay lên...!!!
T.S
23-07-2016

Friday, July 22, 2016

tình yêu không bao giờ đủ

văn
phạm ngũ yên


Nhiều khi, bạn rất ít viết khi hạnh phúc. Nhưng khi đau khổ, bạn lại viết nhiều. Anh đang ở lưng chừng giữa hạnh phúc và khổ đau, càng viết thì càng cảm thấy những điều mình viết ra chưa thấm vào đâu với những điều mình đang trải nghiệm.

Có nhiều người sống cả đời trong một phút. Anh đã chẳng từng sống lẫm liệt như một người đàn ông và bây giờ trượt chân ngã xuống đời nàng. Cứ tưởng rằng trái đất tròn, nên những người yêu nhau sẽ về lại với nhau. Người ta vẫn nói vậy, nhưng thực tế lại khác. Vì trái đất quá lớn, không phải người yêu nào cũng đi hết vòng tròn ấy. Và cuối cùng một trong hai người, dừng lại.

Phượng là người dừng lại trước tiên. Và cái thảm kịch tự nó giống như một cơn mưa đậm trên mặt kính xe, cái gạt nước vừa xua đi đã đầy lại.

Anh chưa biết nói làm sao về một tình yêu không ấm áp nhưng cũng không hời hợt…

Phượng có một ưu điểm là có sự mạnh mẽ của một người đàn ông đồng thời có cái lãng mạn của một người phụ nữ. Đúng như những gì nàng nói trên mục tìm bạn bốn phương: “Tin ở Thượng Đế nhưng ít khi đi nhà thờ. Không xét đoán người khác nhưng không thích bị lợi dụng. Muốn tìm một người đàn ông đứng tuổi, có học, không cần giàu, đã qua một lần gẫy đổ để biết tha thứ. Và cần sự thủy chung. Nếu hợp sẽ tiến xa hơn, còn bây giờ thì bắt đầu ở tình bạn. Xin đừng đùa…. ĐT số: hoặc email…”

Chính vì vậy, khi viết e mail cho nàng, anh thấy mình hội đủ điều kiện do nàng đưa ra. Những ưu điểm khác tự nó sẽ bộc lộ khi đứng trước nàng. Còn hiện tại, anh là một nhà văn nghèo không thành công nhưng tham vọng. Là mong có ai đó giúp đỡ về gánh nặng cơm áo trong khi chờ đợi hoàn tất một tác phẩm để đời.

Phượng là người đề nghị gặp anh ngày thứ năm mỗi tuần. Sau 2 giờ chiều. Đó là quy ước. Địa điểm là căn phòng 303 của Marriott nhìn xuống góc đường Jolley Ville. Trước mỗi dãy phòng người ta trồng những cây cọ vùng California. Màu xanh tiệp với màu cửa sổ, từng buổi sáng mở ra đón không khí và ánh nắng mặt trời. Buổi chiều cửa khép lại.  Xe cộ chạy lướt qua rồi biến mất sau một ngọn đồi quanh co đường 360. Khi đến đây, Phượng là người ra đón anh ở phòng tiếp tân, trước khi giao cho anh cái thẻ chìa khóa phòng.

- Rồi anh sẽ nói là anh sẽ thích nơi này cho mà coi.

Hai người chỉ có khoảng thời gian từ đó đến tối. Sáng hôm sau, nàng đi đâu anh không biết và nếu có hỏi nàng cũng không nói. Chỉ nghe nàng nói trở về làm tiếp công việc dang dở của mình. Một lần anh vờ như tình cờ, hỏi nàng:

- Tất cả những gì em làm cho anh có phải chỉ nói Bye rồi thôi?

- Vậy còn chuyện gì?

- Ngoài cái tên mà em nói với anh, không có thêm một điều gì khác?

- Chẳng hạn?

- Việc làm và hoàn cảnh của em?

- Đâu có cần thiết đâu. Mình không có nhiều thời gian để đi xa hơn những giới hạn. Anh nên để tâm đến những trang bản thảo của anh và nếu còn thời gian, hãy coi chừng những ly rượu đừng để nó đổ ra khăn trải giường…

Nàng xa gần về triệu chứng ghiền uống của anh. Càng về lâu, anh cảm thấy rượu là chất xúc tác để anh viết, bên cạnh những sôi nổi của nàng.

Đôi lúc nàng kín đáo để lại một ít tiền dưới gối và đi.

Chiếc áo sơ mi màu hột gà xắn lên ở hai khủy tay- có gài nút- đôi khi là chiếc áo thun tròng cổ và chiếc quần jean mòn rách ở hai đầu gối là trang phục thường thấy của nàng. Tiếng cửa phòng đóng lại sau lưng và dáng điệu mảnh mai cũng biến đi như một vệt khói. Nhìn vệt khói đó, đâu ai biết nàng từng có một thời gẫy đổ?

Còn lại trong căn phòng rất ít đồ đạc nhưng anh vẫn cảm thấy chật chội. Mùi hương còn đậm trên gối. Nàng xức nước hoa White Dianmond. Nhưng son môi của nàng lại có mùi khác. Một chiếc laptop lúc nào anh cũng đem theo bên người. Và một chai Martini lúc nào cũng vơi.

Những trang bản thảo chưa làm ướt cuộc đời sau cơn mưa, và sắc cầu vồng lộng lẫy vẫn chấp chới đàng sau những cơn bão rớt. Dưới những bờ môi cong và dưới những trì kéo của da thịt, tình yêu và tâm hồn của một người đàn bà vẫn còn là một ẩn số…

Không có đường tắt nào cho việc lãng quên một người nào đó. Chúng ta phải học cách chịu đựng mỗi ngày cho đến khi chúng ta không còn nhớ họ nữa.

Khi mọi thứ rời đi (hay sắp sửa rời đi) khiến ta trân trọng chúng hơn là lúc chúng ta thực sự sở hữu chúng. Anh nghĩ mình sắp mất Phượng.

Ngày thứ năm kế tiếp Phượng trở lại sớm hơn, buổi sáng và ngay giờ break time. Túi đồ ăn bằng giấy từ cửa hàng bán thức ăn Tàu túm sơ sài gần muốn rách vì nàng ôm đi qua một block đường và qua một cầu thang máy. Một nải chuối và một chai nước lọc là hai thứ nàng không thể thiếu. Nàng bày ra trước mặt anh. Chiếc bàn kề bên cửa sổ để anh và nàng có thể vừa ăn vừa nhìn xuống đường.

Mùa này có mưa nhưng rất ít. Đã có những ngày mưa miệt mài trong thành phố. Cỏ vàng úa lao xao. Trên những ô cửa từ phòng anh và những phòng đối diện, lời ban mai thuôn thả trôi qua nỗi mênh mông để bắt tay với nỗi buồn. Những chuyện tình yêu khởi đầu giống như tiếng gió thổi. Rồi một ngày tiếng gió đậm màu những yếu lòng. Và những tình nhân tưởng chừng đã cảm thông nhưng mọi cánh cửa mới chạm vào đã khép…

- Hôm nay có cà phê cho anh.

Nàng đẩy ly cà phê về phía anh và ngồi xuống. “Hôm nay anh viết được nhiều hơn hôm qua?”

Phượng hỏi.

Anh không trả lời. Màu mắt của nàng chông chênh không phải vì nắng mà vì những long lanh héo hắt. Có bao giờ một người cam chịu tàn lụi vào những khao khát của người khác?

Anh đang tàn lụi vào những khát khao của nàng.

- Đôi lúc anh nghĩ giá mà anh không bị ràng buộc bởi em, anh sẽ viết dễ dàng hơn…

- Chúng ta có ràng buộc nhau đâu?

- Vẫn. Vì nếu không thì anh không ở đây, trong căn phòng này.

- Em đã không bận tâm thì tại sao anh bận tâm? Cái thế giới này luôn làm cho người ta tan vỡ. Nhưng tình yêu mới là cảm giác quan trọng.

- Nhưng anh vẫn cảm giác bất an, khi em vẫn là một người phụ nữ gieo trong anh nhiều dấu hỏi…

Bao giờ cũng vậy, khi chạm đến điều này, thì Phượng đã nhún vai và từ phía sau lưng, nàng vòng tay qua ôm cổ anh. Giọng nói ướt đẫm những bước chân mưa và có khả năng làm cho người ta trợt té.

- Đừng lãng phí thời gian với em nữa…

Anh nghe biết những ngón tay của nàng đang uyển chuyển tháo gở những vướng bận trên người anh. Đôi mắt nhìn anh như nhìn một con mồi đang sa bẫy…

 

Ngày đầu tiên anh bước vào cái thế giới của những người cai rượu, cảm giác rất bình thản. Anh nhìn quanh gian phòng rộng khoảng chừng nửa sân bóng rổ, chỉ có những chiếc ghế xếp thành vòng tròn. Có  tất cả 10 cái. Không có bàn hay một tấm bảng chứng tỏ rằng nơi đây tồn tại một lớp học. Anh nghĩ anh đến đúng giờ vậy mà chưa thấy ai. Anh mở điện thoại coi lại, thì ra anh nhớ sai giờ. Phải một giờ nữa mới bắt đầu. Ngoài đường, vuông sân lát bằng đá granite màu trắng dội ánh nắng ngày như những cái khay bằng bạc.

Từng chiếc xe nối đuôi chạy qua, rồi mất hút ở một góc đường, nơi có hàng rào sơn hai màu cam trắng. Vài người thợ đội nón bảo hiểm đang lúi húi sửa chữa gì dưới trụ đèn giao thông. Một chiếc xe cảnh sát đang quay đèn để bảo vệ cho thợ làm. Những mảnh vải đủ màu che nắng trước một tiệm cà phê lộ thiên. Bên cạnh là một tiệm rượu cũng có bàn lấn ra đường. Tự dưng anh nghĩ phải chi được cầm trong tay một ly martini để thấy hết cái sóng sánh lãng mạn của một vàng úa màu thu. Phải chi giờ này anh được ực một hơi cạn sạch cái chất men quyến rũ kia và băng qua đường với một đầu ngày bình thản.

Có tiếng người nói và có vài bóng người vừa lọt vô phòng. Họ tự động tìm ghế ngồi xuống. Một vài chiếc còn để trống và người đàn bà chủ trì lớp học giới thiệu mình:

“Tôi là Laura. Phải nói rằng hôm nay là một ngày rất đẹp trời. Giá mà chúng ta có thể cụng ly để mừng một ngày gặp nhau nhỉ? Nếu ai cảm thấy muốn uống cà phê xin mời bước qua căn phòng kế bên cách đây vài bước. Không biết là tôi đã từng gặp ai trong những người đang có mặt hôm nay chưa?..

Laura ngừng lời và nhìn quanh…” Không có ai hết”…

Lần lượt mọi người tự nói tên mình. Có những cái tên dễ nghe và dễ nhập tâm còn có những cái tên khó nhớ. Khi anh nói đến tên mình thì một bóng người bước vào. Đó là một cô gái cũng Á Châu và sau một thoáng rụt rè, quan sát, nàng đến đứng ngay chỗ của anh. Nàng nói luôn: “Nancy Nguyen, Sorry đã đến trễ”, rồi ngồi xuống.

- Ai sẽ bắt đầu một điều gì đó mà nhờ nó chúng ta sẽ hiểu nhau hơn? Laura nói…

Những nghề nghiệp và gia cảnh cũng được nói lên. Không ai muốn giấu diếm và cũng không ai đánh bóng hay sơn phết thêm cái quá khứ của mình, trong đó kể cả anh và nàng là 2 người Á Châu duy nhứt trong một đám đông bản xứ nói tiếng mẹ đẻ. Và cũng trong cái sôi nổi đó, hy vọng anh sẽ không cảm thấy lúng túng vì sự hạn chế ngôn ngữ của mình. Hy vọng cô gái cũng vậy.

Anh nhìn nghiêng về phía nàng. Khuôn mặt không còn tươi mới của thanh xuân nhưng phải nói là không kém hấp dẫn. Chiếc mũi xinh và chiếc môi như muốn tung tãi lên cuộc đời này những mời gọi nào không biết.

Từng chuyện kể đơn giản nhưng cuốn hút người nghe bước lạc vào những sầu đạo.

Một người là chủ một cơ sở bán bàn ghế- vừa bị giam bằng lái 6 tháng trước vì lái xe uống rượu. Anh ta đến lớp bằng xe buýt và trước khi về nhà chắc phải ghé lại đâu đó uống một chút gì mới đủ sức đi bộ qua mấy dãy phố lầu.

Người đàn bà ngồi bên cạnh đặc biệt có mái tóc vàng hoe ngắn ngủn mọc vô trât tự, nhưng hay gãi đầu mỗi khi nói. Sự xui xẻo đến với bà khi chạy quá 30 milles cho phép. Hôm đó còn chở thêm đứa nhỏ phía sau. Lúc cảnh sát dừng xe, nhìn thấy trong xe có vài vỏ lon bia. Bà nói là của ai đó bỏ quên (?) Một tờ giấy phạt ngay sau đó đồng thời giới thiệu bà đến lớp học.

Một người khác, có chiếc bụng hơi bề thế, không có gì đặc biệt ngoại trừ lúc nào cũng thủ một chai “dầu gió xanh” trong túi áo khoác”. Mỗi lúc dừng xe chờ đèn là rút chai “dầu gió” ra hớp vài ngụm... Ông đến lớp với tình trạng như vậy và tự nguyện không uống một cái gì hết, trong suốt ngày hôm đó.

Một người khác đã một lần ngủ trong đồn cảnh sát và khi rời khỏi đồn cam kết làm 40 giờ thiện nguyện trong một cửa hàng Good Will.

Một người là mẹ kế của ba đứa con nhỏ và tối nào bà ta cũng say trước khi tống kịp 3 đứa con lên giường…

Một người, khai báo là mình từng có tiền sử bạo hành trong gia đình.

Một phụ nữ khác vừa ly dị với chồng nhưng còn lâu mới chia tay với rượu…

Đến lượt anh, anh nói giống như một người bước lên sân khấu:

“Nếu viết văn coi như là một cái nghề thì coi tôi là một nhà văn. Nhưng quý vị đừng tìm đọc tác phẩm của tôi vì nó chưa từng được xuất bản”. Anh nói và liếc nhìn cô gái mới đến. Nàng đang cúi xuống ghi chép gì đó trong cuốn sổ tay. “Ban đầu tôi chỉ uống trong bữa ăn. Nhưng dần dà uống mà không cần một lý do nào. Tôi chưa từng gặp những hoàn cảnh giống như quý vị, nhưng tôi muốn dừng lại, hoặc giảm thiểu số lượng Alcohool trong máu, trước khi gan của tôi trở thành một vật thể không còn cảm giác. Và tôi cũng không muốn mình nằm ở đâu đó ngoài nghĩa trang với dòng chữ ghi trên mộ bia là nơi đây an nghĩ của một người đàn ông chết… vì rượu…”

Vốn liếng tiếng Anh của anh không nhiều nên anh chỉ cố gắng nói lên được chừng đó.

Đến phiên nàng, anh ngạc nhiên vì giọng nói rất hay. Lại lưu loát nữa. Và càng ngạc nhiên vì sự có mặt của nàng giống như một vì sao sáng lạc trên một bầu trời đang nhấp nháy tinh cầu.

“Tôi đến đây không phải chia sẻ với quý ông bà cái kinh nghiệm của một người từng là thân chủ của các bar rượu- vì tôi không có một từng trải nào hết. Và cũng chưa từng là khách mời bất đắc dĩ của đồn cảnh sát… (ai nấy đều cười). Vậy tôi đến đây để làm gì ??? Tôi đang là một nhân viên xã hội. Việc đầu tiên là muốn học biết làm sao để làm chủ bản thân mình, và biết quay lưng lại đúng lúc với lời mời gọi dịu dàng của dòng chảy ma quỷ. Đồng thời tôi muốn dùng nghề nghiệp mình để giúp đỡ người khác. Tôi không biết mình có thể làm điều gì và… ai… trong quý vị sẽ cần một cô gái Á Châu vụng về như tôi giúp đỡ? Nhưng đến hết chương trình mà không có ai, thì tôi sẽ tình nguyện giúp đỡ… ông khách nào khó tính… nhất… đang ngồi tại đây”.

Rõ ràng nàng ám chỉ anh. Lúc này anh thấy chiếc cổ trắng của nàng vươn cao giữa hai bờ vai phẳng phiu. Từ ngấn cổ đó là những đường gân xanh mờ nhạt như một mạch đời chìm khuất. Những sợi máu sẽ theo nhau về đâu khi trái tim nàng ngậm đầy những đam mê chín ửng? Những bối rối dường như cũng ùa về như sóng mà tâm hồn dài rộng những cửa biển mù lòa.

Mặc kệ những tia nhìn và câu nói bu lu ba loa của những người trong phòng, anh đứng lên ra ngoài hành lang. Những viên gạch sôi nổi và mát lạnh dưới chân nếu anh chịu khó cởi bỏ giầy. Có những niềm vui chạy đuổi theo nhau trên những cánh cửa sổ được mở. Hôm qua là quá khứ. Ngày mai là điều bí ẩn. Chỉ có hôm nay là một món quà.

 

Anh gặp Nancy trong hoàn cảnh như vậy. Những giờ học kế tiếp (để cho đủ tín chỉ nộp cho cảnh sát) anh còn gặp nàng hai lần. Laura vẫn chủ trì lớp học và anh thấy thêm vài khuôn mặt mới. Một lần anh cũng bắt gặp một người phụ nữ (chạy quá tốc độ và có mấy lon bia lạc đạn của ai đó) đến lớp cùng với hai đứa con đi theo. Một đứa còn nằm trong xe đẩy. Nhìn cái đầu ngộ nghĩnh của bà, anh không biết đàng sau mái tóc ngắn kia là một tâm hồn đủ dài bao nhiêu để bắt kịp và chu toàn với bổn phận trước khi hai đứa nhỏ trưởng thành.

Cuộc đời này gắn kết nhau bởi sự lựa chọn. Sự lựa chọn này tiếp nối những sự lựa chọn khác. Mãi về sau này, anh không biết giữa hai người, Nancy đã chọn anh hay anh đã chọn nàng. Nhưng anh biết số phận anh đã lệ thuộc vào nàng. Một ngày, anh nhớ là một ngày thứ bảy. Buổi chiều. Anh đề nghị với nàng:

- Anh có thể mua cho em một ly cà phê được không?

- Không cần.

- Anh nhớ ngày đầu tiên, em nói anh là một ông già khó tính… Và muốn được giúp đỡ anh…

- Dĩ nhiên rồi…

- Nhưng trong lúc này thì vai trò đó đổi lại. Em hơi khó tính và anh muốn giúp đỡ em…

- Em không khó tính.

Vừa nói, Nancy vừa đi như người đang nhảy lò cò, vì một quai dép tuột ra khỏi gót chân. “Anh giúp giùm em cái này coi”. Nàng đưa chiếc dép cho anh nhờ sửa giùm. Chiếc dây gài bị trệch ra khỏi chiếc khoen.

“Nhưng em không muốn anh nhân cơ hội này để cầm trong tay một ly rượu”.

(Nàng biết chiếc quán mà anh định vào vừa bán cà phê vừa phục vụ thức uống sau 2 giờ chiều.  Ở đó, thay vì uống cà phê, người ta sẽ không màng đến một chất lỏng màu đen chuyên trị những thao thức. Nhưng bia thì khác, giấc ngủ sẽ đển dễ dàng hơn).

- Hãy nói cho em nghe về anh. Hãy nói những gì mà em chưa biết. Đừng nói những gì mà em đã biết…

- Anh đang sống giống như một người vô gia cư, nhưng mang trong lòng một hoài bão. Muốn làm một nhà văn nhưng chua xót thay anh chưa chứng minh được khả năng của mình. Anh luôn có một thôi thúc trong đầu mỗi buổi sáng là phải viết xuống một điều gì đó giống như một viễn cảnh không nằm trong thế giới này. Viễn cảnh đó anh chỉ thường thấy và chạm nó hàng đêm, trong giấc mơ. Những giấc mơ mà mỗi khi tỉnh táo anh cảm thấy trái tim mình tan nát… Rồi anh gặp Phượng.

- Phượng yêu anh?

- Anh không rõ.

- Hai người biết nhau trong trường hợp nào?

- Cô ấy đăng tìm bạn trên báo.

- Nhưng Phượng rất giàu?

- Anh cũng không rõ. Chỉ biết là cô ấy rất hào phóng. Nhờ vậy mà mấy tháng nay anh không bận tâm về sinh kế…

- Anh có yêu Phượng không?

- Có. Nhưng anh yêu cô ấy, không có nghĩa là anh không yêu em, hoặc yêu ít hơn.

- Sao lạ vậy?

- Bởi tình yêu tự do là tình yêu luôn tồn tại. Nó giải thoát chớ không ràng buộc.

- Còn gì nữa?

- Có lần anh định nói lời cầu hôn với Phượng. Nhưng trước khi nói và tìm mua cho cô ấy một chiếc nhẫn, anh muốn biết rõ hơn về một hoàn cảnh mà lâu nay anh chưa từng biết. Từ một lần trao đổi với nhân viên tiếp tân dưới lầu, anh tìm đến địa chỉ của nàng….

… Đó là một căn biệt thự trên đồi gần đường “4 số 2” (2222). Phượng không biết anh đến nên ra mở cửa. Và anh nghe có tiếng một ai đó hỏi nàng từ balcon trên lầu… “Ai vậy em?” “Một người giao Pizza đi lầm địa chỉ…” Nàng trả lời.

Thứ năm tuần đó Phượng không đến. Nhưng lúc anh ngồi ở quầy rượu của khách sạn thì nàng đến.

“Khi một người đàn bà nói với mình trước bữa ăn là rất vui khi gặp, có nghĩa là còn có thể gặp lại mình. Còn câu đó nói sau bữa ăn có nghĩa là họ sắp rút lui… Sau bữa ăn tối anh nghe Phượng nói với anh như vậy. Nàng cũng trách anh là tại sao đến nhà nàng mà không gọi phone trước? Anh trả lời là anh chỉ tiện thể ghé qua…”

Những người đàn bà được dạy rất nhiều để trưởng thành. Nhưng những câu chuyện mà chúng ta trải qua, nó dạy chúng ta phải chờ đợi.

- Anh không học được cách để biết những dấu hiệu, là những người yêu, những cuộc tình sẽ ở lại, hay sẽ ra đi…

Nancy và anh vẫn còn ở nguyên vị trí cũ, không có dấu hiệu gì sẽ đi tiếp vào một nơi chốn nào đó, để ăn hay uống, hay mua sắm một thứ gì.

Mùa thu đến rồi mua thu đi? Đến chẳng chào mà đi cũng chẳng biết. Trong hơi thở của thời gian khẽ khàng, những bước chân của nàng giẫm lên mùa màng bằng những dấu son đài các. Đường phố vẫn ngược xuôi xe cộ và hối hả khách bộ hành.

- Nếu để anh chọn lựa, anh sẽ chọn lựa một hoàn cảnh khác hay trở lại từ đầu?

- Anh không chọn một điều nào hết. Vì có thể những kết thúc tốt đẹp là tự mình vượt qua nỗi đau. Có thể những kết thúc tốt đẹp không dành cho một người đàn ông tuyệt vời….

Bỗng dưng anh muốn ôm nàng trong tay. Thật vậy. Nancy không lộ vẻ từ chối cũng không khuyến khích một cử chỉ như vậy. Dù sao nàng cũng không phải là một cô gái mới lớn.

- Anh yêu em như chưa từng được yêu…

- Nhưng chúng ta chưa biết rõ nhau mà? Nancy nói mà có vẻ như muốn thách thức.

- Dĩ nhiên. Anh từng muốn sống một mình. Ngồi một mình ở đâu đó trong một nơi chốn không tồn tại những tiếng động và ngôn ngữ của con người. Vì những lúc như vậy anh mới viết được dễ dàng.

- Cho tới khi…

- Cho tới khi thấy em trong lớp cai nghiện…

- Chỉ thấy thôi mà sao anh muốn lệ thuộc với em nhiều vậy?

- Không phải thấy thôi mà còn cảm nhận…

- ……

- Anh thích cách đi lại, và những trang sức của em. Thích hai hột bẹt mà em đeo trên hai mang tai. Nhiều khi anh không cầm lòng muốn môi mình hôn lên đó…

- Anh điên rồi…

- Thích bản nhạc mà em đang nghe, tâm hồn của em. Anh thích luôn những ước mơ của em. Những nụ cười và những cơn giận dữ…

- Cơn giận dữ? Em có giận ai bao giờ?

- Có đó. Một lần… Khi đưa em lên căn phòng của anh. Căn phòng mà Phượng thuê bao cho anh…

- Em không muốn anh mượn rượu để … dùng em làm một vật giải sầu…

- Cơn giận màu hồng và đẹp rực rỡ lúc đó, của em…

Nancy bật cười. “À há. Cơn giận màu hồng… Em mới vừa nghe qua”.

Nàng tựa lưng vào lan can dẫn vào một cửa hàng. Quay lưng về phía anh. Buổi chiều thoi thóp và nắng cũng trốn biệt đi đâu. Tóc nàng cũng thoi thóp trên vai anh. Vài sợi bay vướng trên cánh mũi nàng. Vài sợi trên má anh. Một lúc, anh nghe tiếng run bần bật từ ngực hay từ trái tim lạnh run? Không rõ. “Trong cái giây phút mà em và anh đang ở trong căn phòng, điều gì làm anh nhớ? Đó là biển của anh…” Anh nói như nói với mình.

“Anh yêu Vũng Tàu. Biển và sự lãng mạn, ngay cả khi nó phẫn nộ. Yêu luôn những ly cà phê từ chiếc quán lộ thiên nhìn ra. Những con sóng vỗ rì rào, rượt đuổi và mất hút sau một ghềnh đá…”

- Nghe anh nói mà em cũng muốn yêu cái thành phố của anh… Vừa mới đây thôi.

- Nhâm nhi với anh một ly cà phê để nói về chuyện cũ thì như thế nào nhỉ?

- Được thôi. Nhưng em biết rằng sẽ mất ngủ khi uống cà phê giờ này.

- Em không biết là em đẹp thế nào đâu? Và mới mẻ trong bộ trang phục này…

- Câu nói này xưa rồi? Và anh dùng nó để tán tỉnh và cưa đổ bao nhiêu người rồi?

- Nếu là một câu tán tỉnh như em nói, thì tại sao em cứ khó khăn với anh?

- Vì nếu em dễ dàng thì chắc anh không ngó ngàng gì đến em… Em rất sợ đàn ông từng trải.

- Không phải từng trải mà chín chắn. Chỉ có Phượng… nàng thích đàn ông từng trải.

- Lại nhắc đến Phượng rồi. Nancy muốn nén tiếng thở dài, dù rất nhẹ.

 

“Ông bà muốn dùng món gì?” Người phục vụ hỏi khi hai người bước vào phòng. Hắn đang lau chiếc ly thủy tinh bằng chiếc khăn vải và máng nó trên vai. Ánh sáng mờ ảo quanh phòng và quanh lối đi giống như có ai thả khói lên trời. Chỉ có quầy rượu là ánh sáng nhiều hơn dội xuống từ các bóng đèn tròn. Sau lưng hắn, là chai lọ chứa đựng hàng trăm thứ bia. Hai cái vòi mỏ vịt to chảng dùng để bơm rượu ra ly nếu khách hàng muốn thưởng thức bia bằng ly cối.

- Một cà phê và một lý cam vắt. Nancy nhanh nhẩu nói.

- Cà phê cho thêm chút rượu rhum nhe? Anh nài nỉ…

- Ừ… hứ.

Nàng kéo ghế ngồi ngay quầy bar. Anh cũng ngồi kế nàng. Chỉ một thoáng, người phục vụ đẩy 2 ly nước về phía hai người…

- Ước gì anh có thể dẫn em ra khỏi cái quá khứ của anh, nhưng không thể…

- Tất cả mọi phụ nữ đều muốn người đàn ông đấu tranh chứ không muốn người đàn ông thụ động… Trước khi anh muốn làm điều khác, anh hãy thu nhặt những mảnh vỡ của mình đi… làm lại…

Đêm hồn nhiên như nàng. Trên tóc nàng có mùi thơm nào đó bay qua khứu giác.

Anh đưa nàng ra khỏi quán. Mưa lắc rắc trên đường, những vạch vôi phân chia hai hướng đường cũng ướt. Giống như một cơn mộng, anh vu vơ đi tìm một giá trị tưởng chừng như tiếng khóc thật thà của trái tim. Và tự nhủ lòng đừng buồn, nhưng nghe tiếng mưa cứ chạy dài qua phố.

- … Sao anh lại hôn em?

- Vì … em làm phiền anh.

Anh nói và nghe trên miệng mình có một mùi son rất lạ…

- Anh chẳng từng ao ước thực sự hôn lên môi, lên mắt em. Được ôm em trong tay và đủ chặt để em không thể rời xa anh. Để nghe trách móc và mè nheo anh cùng lúc.

- Anh đã hôn quá nhiều người. Có nụ hôn nào thanh khiết dành cho em đâu?

Nàng nói đúng. Giữa nụ hôn của tình đầu và nụ hôn tình cuối, anh đã đi qua một đoạn đường dài. Đã có nhiều chuyện xảy ra giữa hai nụ hôn đó…

Trên những vỉa hè nhỏ nhất, và hình như cũng cũ nhất ở thành phố anh ở, những con đường chồng chéo nhau như quá khứ. Và để đến được tình yêu em, đến được cái địa chỉ có ngôi nhà của em, anh đã phấn đấu và bỏ lại đàng sau những máu lệ từ trái tim mình.

Nhưng nếu anh không đến được nơi mà anh thuộc về hay đến mà biết có người quay lưng lại với anh, liệu anh có thể chịu đựng được hay không nhỉ?

Đôi khi anh muốn em làm anh đau khổ, Muốn em xát muối vào vết thương cũ chưa lành miệng của anh. Để nghe được cái đau thương nhức nhối từ tình yêu muộn màng nhưng chói ngời ánh sáng. Và có như vậy anh mới bớt đi cái mặc cảm không thánh khiết với em.

Hơn lúc nào hết, anh biết rằng cái khoảnh khắc mà anh bước vào trái tim em, vào cái thế giới hồn nhiên nhưng cũng đầy bí ẩn của em. Nếu điều đó đúng và đang xãy ra- như một bài toán đúng đáp số- thì rõ ràng là chúng ta đang ở nơi mà chúng ta đang thuộc về…

- Em không bao giờ muốn xát muối vào vết thương của anh, đừng ngờ oan cho em…

- Anh nghĩ em có thể là người yêu của anh một ngày nào đó được không vậy?

- Anh đang tán em một cách tế nhị đó hả? Nhưng em sẽ làm anh thương tổn mất thôi…

- Bộ anh không làm em thương tổn sao? Nhưng anh chắc sẽ không khi nào bị thương tổn bởi em đâu…

“Hãy hôn em đi…” Bây giờ nàng kiểng chân lên. Hai bàn chân không. Không còn đôi dép vì rơi mất ở đâu đó trên một cung đường.

“Hãy hôn em và hãy giữ em đủ lâu và chặt…”

“Ừ”…

“Hãy ghé lại chỗ anh đêm nay nhe?”

“Ừ”…

“ Em ừ… sao lại lắc đầu???”

Gần sáng, tiếng ập cửa làm anh thức giấc. Anh tưởng Nancy trở mình và làm rơi chiếc laptop xuống đất. Nhưng không phải. Nàng vẫn còn ngủ và quay lưng lại với anh. Chiếc chăn đêm không đủ ấm trên đôi vai phập phồng. Những đường gân vẫn mờ nhạt bên cổ nàng như một mạch đời chìm khuất. Mùi hương thể vẫn lãng đãng và bây giờ nồng thêm một mùi hương mới. Mùi nước hoa White Diamond và anh thấy Phượng đứng yên ở ngạch cửa. Khoác vội chiếc áo ngủ lên mình và chiếc áo kia cho Nancy, anh lảo đảo đứng lên.

- Mình ra ngoài nói chuyện được không? Phượng cấm cẳn.

- Vậy rồi…

Anh nhìn lui lại phía Nancy vẫn đang còn ngủ say (hay nàng cố làm ra vẻ ngủ say?)

Phượng ném cái nhìn nửa khinh bỉ nửa thù ghét lên cái dáng dấp đại diện cho phái yếu giống như nàng, bước ra ngoài. Hôm nay vẫn chưa phải là ngày thứ năm trong tuần lễ. Nhưng đâu có ai giữ một cơn bão đừng bay lạc qua một khung trời áp thấp nhiệt đới?

Khi yên ổn trong hai chiếc ghế ngồi ở phòng tiền sảnh, anh biết anh càng ít nói chừng nào càng tốt chừng nấy.

- Em có chuyện ghé ngang qua để gia hạn phòng... Và tiện thể có hẹn với một người.

- Danh từ hẹn có nghĩa rộng lắm…

- Nên em muốn mượn lại căn phòng của một nhà văn được chứ?

- Em hãy nói những gì em cần nói. Anh đang sẵn sàng nghe đây…

- Mặc dù em rất ghét phải nói rằng em đã mất kiểm soát bản thân, nhưng quả thật em đã cố kềm chế. Và quả thật là em có trót yêu anh… Câu hỏi mà em muốn đặt ra là tại sao anh không còn yêu em nữa?

- Mình có yêu nhau đủ chưa?

- Anh nói vậy là sao?

- Tất cả những điều này rồi sẽ trôi ngang qua em. Em xứng đáng với những gì tốt hơn anh…

- Nhìn anh với cô ta, nó nhắc với em rằng anh từng yêu em như thế nào…

- Đúng vậy. Nhưng tại sao em không cho anh biết là em đã có một gia đình và một người đàn ông chăm sóc cho em 6 ngày trong một tuần lễ…? Em đâu biết anh từng nhớ ơn em đã cưu mang, từng có lần muốn bỏ hẳn rượu và từng muốn nói lời cầu hôn em… Chiếc nhẫn mà anh dành dụm tiền để mua cho em vẫn đang nằm trong ví của anh, bây giờ anh không muốn giữ nó nữa. Em có muốn anh gởi lại cho em không?

- Không cần. Cô ấy là ai vậy? Có giàu hơn em không?

- Cô ấy là một nhân viên làm ở Sở Xã Hội. Cô ấy chẳng những không giàu mà cũng không tự giúp được cho bản thân. Nhưng anh có thể giúp được cho cô ấy… Liệu một người tìm thấy tình yêu đích thực của mình, trong khi hoàn cảnh em thì đã có nơi có chốn, em khuyên anh phải làm gì? Bỏ qua cơ hội hay ngồi đó nhặt những mảnh vỡ?

- Đó là tự anh cắt đứt chớ không phải tự em.

- Có thể những kết thúc tốt đẹp không dành cho một người đàn ông tuyệt vời. Nhưng chính anh tìm được.

- Anh còn nhớ lời tìm bạn của em trên báo không?

- “Không xét đoán người khác nhưng không thích bị lợi dụng. Muốn tìm một người đàn ông đứng tuổi, có học, không cần giàu, đã qua một lần gẫy đổ để biết tha thứ. Và cần sự thủy chung…”

- Hợp đồng đó coi như đã bị bể.

- Không phải lỗi hoàn toàn cho một phía…

- Tác phẩm của anh thế nào?

- Có lẽ sẽ thành hình sau biến cố này.

- Chúc anh thành công. Đàn ông các anh có thể sống mà không cần tình yêu. Nhưng phụ nữ thì khác…

- Đúng. Cuộc sống luôn đầy thách thức và bất công. Nhưng chúng ta không ai muốn từ bỏ và dừng bước. Ai cũng muốn đi về phía trước. Tình yêu cũng vậy. Nó không bao giờ đủ để nhận và cho đi…

- Em muốn anh gởi lại chìa khóa phòng cho nhân viên tiếp tân một giờ đồng hồ nữa. Thời gian qua anh không có làm thêm một cái thứ hai chứ?

- Không? Tại sao?

- Em chỉ sợ lúc em đang có ai khác… anh mở cửa vào…

- À há. Lời chia tay đó phải không?

- Tất cả điều mà em có thể làm là nói yêu anh và tạm biệt. Hẹn gặp lại lần sau, nếu như có lần sau…

Phượng đứng lên, bất ngờ nàng ôm chầm lấy anh, kéo đầu anh xuống và cắn mạnh vào môi anh, và nói: “Đồ đĩ đực”.

Đó là sự thương tổn không hề nhẹ…

Gần một thời gian sau anh vẫn còn đứng ở tiền phòng, chưa biết cái hôn của nàng có làm anh chảy máu.

Anh trở lên thang máy và trở lại căn phòng 303. Nancy vẫn còn đang say giấc. Lúc anh quay lưng đóng cửa phòng, anh nghe tiếng “ngái ngủ” của nàng:

- Ai vậy anh?

- “Một người giao Pizza đi lầm địa chỉ…”

PNY

Saturday, July 16, 2016

tuổi thơ và dế...

thư viết từ đường heatherglen
phạm ngũ yên


1.
Ðêm qua, có tiếng con dế kêu râm ran nơi góc nhà làm thao thức người chủ nhà mất ngủ. Tiếng dế không to nhưng đủ làm dấy động một góc đời thơ ấu. Nơi mà buổi trưa cách đây mấy mươi năm khi tan học, tôi không chịu về nhà mà ghé qua một cánh đồng hoang.

Nói là hoang vì là một đồng cỏ chưa có nhà cửa và là nơi đón nhận những đồ vật phế thải, vài chiếc lò đất bị vỡ; vài khung cửa rệu rã còn sót lại bản lề. Những lon sữa bò, đã bị rỉ sét. Vài khúc xương bò đã khô cùng với nắng mưa. Lúc đó nhu cầu của người địa phương không cầu kỳ, nên những gì từ những đồ vật cũng mang một giá trị đơn giản. Vì chính đời sống đã như vậy. Cánh đồng đôi lúc đẹp lên nhờ những thảm hoa dại có tên là hoa mắc cỡ. Ngày nắng, hoa lấm tấm màu tím chạy đuổi theo màu xanh của cỏ đến tận cuối tầm mắt trẻ thơ, nơi có một con đường mòn chạy ra chợ. Con đường này từng in vết những chuyến xe bò chở củi từ một khu rừng đâu đó. Gần tết, xe bò cũng chở thêm hoa vạn thọ, hoa cúc và dưa hấu ra chợ. Tôi biết rõ những chuyến xe như vậy vì đó là xe của gia đình người bạn học chung lớp với tôi.

Từ các đồ vật phế thải đó, một lần tôi nghe tiếng dế gáy. Khi thì chỗ này, khi thì nơi khác. Âm thanh trong trẻo và giòn như thúc hối mọi tuổi thơ hãy dừng lại một mùa hè. Tiếng dế liên tục và đôi lúc cũng biết lặng im để nghe ngóng tiếng chân người. Và dù rất đói bụng và sợ bị đòn, nhưng âm thanh giống như những niềm vui đang trở mình đủ làm một đứa bé ham chơi dừng lại. Tôi bỏ tập sách qua một bên và không ngại lấm lem quần áo, tôi lúi húi vạch từng đồ vật, từng bụi cỏ để tìm… Bàn tay nở hoa theo trái tim đang rất nhiều bối rối. Tâm hồn đứa bé mười tuổi rất đơn sơ và trắng như một trang tập chưa nắn nót những mộng đời. Chưa biết đau vì roi đòn cũng chưa hề chín háp những ước vọng, nhưng sao cảm thấy hạnh phúc khi bắt được con vật nhỏ nhoi trong bàn tay. (con chim non, con dế hay một con quít màu xanh). Thì ra cái hạnh phúc của chúng ta không bao giờ có tuổi?

Tuổi thơ có những luyến tiếc vô lý nhưng cứ ngỡ là trọng đại.

Mùa hè, tôi tắm biển và đá banh trên bãi cát nước ròng. Những con còng gió rượt đuổi nhau và ẩn núp vào những đụn cát, để rồi bị sóng chạy vào bờ cuốn trôi. Giống như tuổi học trò chúng tôi mỗi ngày bị cuốn trôi ra khỏi tuổi thơ mầu nhiệm

Tôi có những bạn thân cùng tuổi và cùng lớp, từng biết rõ hoàn cảnh gia đình và khả năng học hành của nhau. Biết luôn cả những ưu và khuyết điểm của nhau. (biết cả tên cha mẹ luôn). Vì Vũng Tàu nhỏ như một bàn tay và những bạn bè thân không nhiều hơn những đường chỉ trong bàn tay. Sau này, càng lớn, càng biết rõ nhau về tình cảm, về những tình yêu vu vơ mây trời. Nhưng ngày đó, hãy còn sớm để nói lên những điều như vậy cũng như khẳng định cá tính mình. Chỉ biết cắm đầu học trong thời gian ở lớp và chơi tận tình trong dịp bãi trường.

Cánh đồng đó khi tôi đi lính về, khoảng năm 1966- 67 đã có nhà cửa mọc lên. Nhiều đến nỗi tôi không hình dung ra nơi đây từng có một vùng thảo nguyên bát ngát.
Mười mấy năm sau tôi tất bật giữa ồn ào phố thị, nhớ cánh đồng hoang và con đường vắt ngang qua giấc mộng.
Những con hẻm cũng dọc ngang như tấm lòng thiếu phụ. Vì đâu ai biết trong tâm hồn và trái tim của một cô gái nghĩ những gì? Có trì kéo luyến tiếc thời hoa niên hay chằng chịt những nghịch cảnh?

Nghe nói có một khu đất gọi tên là Quốc Hiệp (vì có một ngôi nhà mà chủ nhân của nó là nhà sách lớn ngoài chợ). Tôi không nhớ và hình dung ra vì khi khu đó phát triển thì tôi đã đi lính. Một hướng thông ra hẻm Tự Do và đường Nguyễn Thái Học. Một hướng thông ra đường Đồ Chiểu và Lê Lai. Đôi lần, tôi thấy vài cánh diều chao đảo trên trời. Ban đầu chúng len lén chui qua những khoảng trống của các ngôi nhà có mái ngói vượt trội trong phố, một lúc sau bay hẳn lên. Cuối cùng hòa nhập vào những cánh gió lẳng lơ, nhìn xuống…
2.

Con gái tôi mùa hè này chạm tay với sinh nhật thứ 30. Nó đang chạy trên cánh đồng thơ ấu của ba nó ngày xưa bằng những vòng bánh xe 60 dặm một giờ. Tuổi thơ nó không có cánh diều cũng không có tiếng dế. Không có bụi bặm đường phố và tâm hồn không lấm tấm màu hoa dại ngày nào. Không có những đời chim thơ ấu co ro. Không có con quít xanh làm quà bên ngoài một cành ổi. Nó là một người Mỹ da vàng đương nhiên gia nhập vào dòng chảy của Mỹ Quốc. Làm sao để tôi gởi đến cho nó một lời chúc mang tình tự Việt Nam mà không vấp phải những hờ hững? Làm sao để cho nó hình dung được rằng bên kia Thái Bình Dương có những tuổi thơ của anh chị em nó không có bánh hồn nhiên ngày sinh nhật… Những cơ thể hom hem không lớn kịp vì thiếu vị ngọt của đời…
Buổi sáng có nắng xuyên qua từng sợi màng treo trên cửa sổ để vào phòng. Nắng chói chang nhưng trời lạnh làm sao. Hai hôm trước có đóng băng trên mặt đường và nhiều trường học đóng cửa suốt ngày. Trên màn ảnh truyền hình xướng ngôn viên thông báo danh sách các hãng xưởng mở cửa trễ sau 10 giờ sáng. Danh sách chạy dài nhìn chóng mặt. Ðó đây, một vài hình ảnh vui vẻ khi các đứa bé áo lạnh trùm kín đầu đổ xô ra đường để trượt băng. Chúng hớn hở trong khi những người già co ro đi từng bước chậm rãi trèo lên các tam cấp để vô nhà. Vài người trượt ngã khi vừa bước xuống xe. Ðôi khi hạnh phúc ùa đến cho người này nhưng bất hạnh lại thăm viếng người khác.

Khu nghĩa trang mà tôi đến để thăm lại ngôi mộ của Ng. sáng nay cũng lấp lánh màu nắng. Bãi cỏ rơi rụng vài chiếc lá chưa kịp khô từ một mùa thu. Những cụm hoa cũng héo hon trước bia mộ như nhắc nhở bổn phận của người còn sống. Đó đây, vài cây dâu phơi thân trắng bệt như màu da của người bệnh đang chờ chết. Mọi thứ, đều mang một đời sống âu sầu khi chúng ta đứng trong này nhìn ra xe cộ đang vùn vụt lướt qua đường 35. Hai thế giới trái ngược nhau nhưng song hành bên nhau. Mọi nghịch lý không bù đắp và cũng không san sẻ.
Tôi đứng co ro nhìn lui về phía những ngôi mộ mới làm mộ bia. Không lâu sẽ có thêm những lọ hoa tươi. Ngày mai, hay ngày mốt chúng sẽ tàn héo.
Những kỷ niệm từ lâu chợt ùa về ào ạt, như một tình nhân trở về sau một quay lưng…

Khi tôi chia tay với Ng. vĩnh viễn, đó là mùa đông năm 1999. Từ căn phòng dùng làm phòng hồi sinh trong bệnh viện đường Mopac, tôi viết những câu thơ tặng Ng. lần cuối cùng. Có thể trong cuộc đời còn lại của tôi sau này, tôi sẽ không viết được những lời thơ có khả năng chạm đến nỗi đau dịu dàng. Những lời thơ rã rời làm sao. Chúng kéo tình yêu cắm đầu xuống sự mất mát:

Hãy cuống quít thở lần cuối cùng
Khi những bình hơi chưa kịp cạn
Khi môi khô còn mấp máy tên nhau
Tiếng chuông rung giờ hấp hối
Hãy mở mắt nhìn nhau lần cuối
Cuộc đời vẫn đẹp quanh đây?

Hình như nơi một ngã ba em vừa mới chia tay
Ướt đẫm mưa xuân con đường Mopac?
Ðâu những mâm cơm của thời xa lắc
Tan chợ về nghe mắt cay cay…

Có những chiều hạnh phúc khỏi tầm tay
Em so đũa ăn một mình bối rối
Vì anh giận bỏ ra ngồi biển tối
Uống ly cà phê nghe đắng một nỗi buồn…

Có những ngày tiếng gió thổi muôn phương
Không đứng lại bên đời em ủ rũ
Từ những trang văn viết về nhau rất cũ
Em đỏ hồng đôi má thanh xuân

Ðâu những ly cà phê buổi sáng phân vân
Em không bằng lòng anh uống
Như nhánh sông đen chẻ đời hai hướng
Nửa cơm áo bên này, nửa hạnh phúc bên kia

Ðâu những chiều mưa xuống phố mua bia
Em nở đắng cay… tiếng chì… tiếng bấc
Chiếc gạt nước xua nhanh nỗi buồn khô khốc
Còn lại với đời đôi chút bâng khuâng

Hãy nhắc giùm anh chiếc áo mênh mông
Anh mặc già nua, ốm đau bệ rạc
Hôm nay lái xe về qua một ngã tư quen
Không có ai nhắc chừng… cảnh sát

 Hãy đọc thơ anh một lần cuối cùng
(những bài thơ em không hề để mắt)
Bởi cơm áo theo em sẽ lấp đầy cuộc sống
Ngược với tiếng lòng xua đuổi tương lai

Những lời thơ không nén chật ngày mai
Không thể làm no tháng ngày quá khứ
Em không hiểu lá dâu xanh mọc trên cành tuyệt vọng
Là khởi đầu cho hạnh phúc em ơi...
Những con tằm nhờ nó nhả ra tơ
Lấp lánh vầng trăng giữa tinh cầu mệt mỏi.

Hãy hôn anh một lần, một lần.
Khi đôi môi chưa nứt mầm phản bội
Khi chưa biết nghĩa trang, chưa tím bầm bóng tối
Khi tháng mười còn cháy đỏ lá phong
Khi tim xanh còn mới huyết cầu hồng…

Hãy cười với anh và khóc với anh
Với nắng xôn xao với mưa tầm tã
Những buổi xuống ca em về mệt lã
Viên thuốc an thần đợi giấc mơ xanh

Bây giờ không còn ai cản ngăn anh
Thức suốt đêm sâu trải lòng ra giấy
Ngực lép ho lao những con vi trùng bay nhảy
Hóa thân thành những câu thơ…

Hãy nhắc giùm anh một kẻ hay mơ
Chậm chạp rong chơi suốt đời lạc mất
Hãy nhắc giùm anh những thời trăng mật
Áo bà ba khi mắt biết mơ màng
Khi lượng đời còn tươi nét khoan dung
Khi trái đắng chưa no cành bất hạnh

Hãy gõ vào trái tim anh
Những lời bông đùa cười cợt
(Tên cù lần của em- tên ngốc của em)
Buổi sáng đi làm nghe thiếu vắng hơi quen
Trên ghế nệm xe chỗ ngồi nhức nhối

Hãy nhắc giùm anh, cho dù rất vội
Nụ hôn buồn quên tặng giữa môi nhau
Hãy nhắc giùm anh sinh nhật của mùa sau
Ngọn nến rưng rưng cháy lòng mưa bão...

3.
Con gái tôi lặng lẽ ngày mẹ nó mất. Nó ở nhà một mình trong khi tôi túc trực trong nhà thương, lo lắng mọi thủ tục. Một buổi chiều tôi trở về nhà để thay đổi quần áo, tôi thấy nó nằm ngủ dưới nền thảm, không ngủ trên giường. Nó ngủ một mình như vậy với chiếc gối và chiếc chăn mỏng.
Nó hôn tôi. Ðôi mắt nó bộc lộ sự đau khổ dù nó cố nén. Chắc nó muốn làm một người trưởng thành. Ðó là mùa đông năm 1999.
Nếu chậm vài tháng nữa là đến sinh nhật của nó. Lúc đó nó vừa 13 tuổi.
Nhưng, năm đó tôi và con tôi quyết định không làm điều gì hết...
Có những nỗi buồn tự nó sẽ bốc hơi. Nhưng cũng có nỗi buồn sẽ già háp trong lòng.

Tuần lễ sau đám tang, tôi đưa nó xuống Downtown, đi lại những đoạn đường chúng tôi từng đi khi mới vừa qua Mỹ. Tôi ghé vào sân cỏ trước điện Capitol, ngồi dưới một gốc sồi có tuổi thọ gần 100 năm, nhìn ra những bức tượng những người lính cưỡi ngựa mà ngày xưa gia đình tôi đứng chụp hình bên dưới.
Mùa đông, gió hiu hiu nhưng rét mướt khôn cùng. Ly cà phê cầm trong tay không còn khói và lạnh tanh. Bức hình đã ghi lại toàn cảnh điện Capitol và chúng tôi đang nhìn đăm đăm vào ống kính. Ðời sống khoáng đạt và hàm chứa những hạnh phúc ngoài kia, trên các tòa buynh đinh được xây bằng kính bao bọc chung quanh. Ðời sống cũng hàm chứa một giấc mơ tuyệt vời vàng ửng đắng cay khi còn sống ở Vũng Tàu.

Ngày đó, những chiếc áo lạnh thùng thình mua trừ hao trước khi rời Việt Nam (ở đường Huỳnh Thúc Kháng) đã giúp chúng tôi đương cự với cái lạnh tháng ba. Bây giờ, 9 năm sau, những chiếc áo lạnh trừ hao đó vẫn chưa suy suyển, nhưng chúng được nằm yên trong đáy rương. Giống như một chứng tích héo hon nhưng đậm đà cảm xúc. Chiếc rương bằng nhôm do dịch vụ Tân Sơn Nhất làm ra (tính thêm vào tiền phục vụ) có vẽ tên tuổi chúng tôi, cùng địa chỉ nơi đến tại Hoa Kỳ để có thể đi theo chúng tôi mà không sợ lạc mất. (Vậy mà lúc quá cảnh ở phi trường Bangkok, một trong 2 chiếc rương bị lạc và mãi gần đến ngày có chuyến bay sang Tokyo, chúng tôi mới nhận lại).
Con tôi ngày đó mới 4 tuổi rưỡi. Tôi cõng nó đi dọc theo hành lang để vào thang máy bay. Nó ngủ gục trên vai tôi. Tôi đi qua những hành lang mênh mông trong phi trường, qua những trạm kiểm soát nghiêm nhặt. Những quán xá phục vụ theo lối Mỹ và bia bọt hổn hển trong tiếng nhạc. Những bàn ghế có người ngồi quay ra. Những vòng môi và những lưng ong óng ả.

Bây giờ mẹ nó dừng lại ở một ngã ba. Không kịp báo trước một lời chia tay. Tôi thay mẹ nó để dẫn nó đi tiếp con đường đến trường học và trường đời như lời ru ngày nào. Dầu không có cầu ván lắt lẻo, nhưng Mỹ Quốc hình như đang gập ghềnh. Trên từng dặm đường cộm lên nỗi bất an ngờ vực và trên những vòng bánh xe, không ai có thể biết tương lai của mình ra sao. Kinh tế khó khăn, công nhân thất nghiệp, cùng với niềm tin bị lung lay cũng là một hình thức khủng bố không có tiếng nổ, đã làm sầu muộn nước Mỹ.
Bây giờ, có thể con tôi sẽ không cần tôi dẫn đi trên quanh co trường đời. Nó cao lớn và tự xoay sở được một mình khi tôi không còn bên cạnh nó. Khi hôn tôi để tỏ lòng yêu mến, nó cúi xuống thay vì ngước lên. Và nhiều khi, nó làm ra vẻ như sẵn sàng che chở tôi.
Có thể nó chưa thấu hiểu được giá trị đời sống làm ra bằng những cơ cực và chông chênh. Có thể nó sẽ đi xuống cuộc đời bằng tấm lòng căng gió trùng dương và bỏ quên quá khứ. Nhưng trái tim nó chắc sẽ còn thẩm thấu những giọt lệ cơ hàn từ tôi và mẹ nó. Chắc chắn nó chưa hoàn toàn trở thành một đứa trẻ Mỹ để quay lưng lại một tình tự Việt Nam.

Ðêm nay, tôi tình cờ nghe lại tiếng dế kêu. Nó nằm trốn cẩn thận dưới chiếc rương nhôm ngoài garage. Tiếng dế khua động một ngăn đời chật hẹp của một người đàn ông già để làm non những kỷ niệm.
Tiếng dế, dù nghe bằng thính giác, nhưng lạ lùng sao, giống như hương vị một ly cà phê đủ để làm tôi mất ngủ, thao thức về một cánh đồng xưa khi tôi tan trường về. Không có những lon sữa bò móp méo trên đất đai tạm dung trù phú này, cũng không có màu hoa mắc cỡ từ một góc đường xa lộ, nhưng tôi vẫn cảm giác được mọi thứ đó đang gần gũi với tôi. Làm cho đời sống tôi thêm ý nghĩa và làm tôi biết tri ân cuộc đời này. Cũng như từng tri ân đất đai sinh tôi và nuôi tôi khôn lớn. Vạt đất hiền hậu nơi vùng biển xưa làm thổn thức mảnh trăng thời thơ dại. Nơi tuổi thơ tôi hay khóc cười vì những chuyện không đâu. Như chuyện con chim chết trong lồng hay cánh diều đứt dây bay mất.

Ðêm nay, giữa một ngôi nhà im vắng không có bóng dáng một người nữ để chiêu mộ một tình yêu. Thiếu vắng một tiếng cười để nghe hồn đêm thao thức. Những vì sao đang nhỏ lệ. Tiếng dế nghe như một hạnh phúc ngợp ngụa niềm cô đơn. Sự cô đơn rực rỡ trong lòng đời ngạt ngào…

PNY.