Tâm Tình


PHẠM NGŨ YÊN và PHẠM ANH TRÂM, qua CAFÉ TALK

Cuộc phỏng vấn qua email, dành cho Trung Học Vũng Tàu Hải Ngoại và Đặc San Sóng Biển 2/1995)

1. Niên khóa học:
- Từ 1955 đến 1965.
- Ði lính gần 10 năm, thuộc binh chũng Truyền Tin. Ða số trú đóng tại Vùng 2. Thời gian lâu nhất ở Ðà Lạt và Bảo Lộc.
2. Ðịa chỉ:
- Austin, Texas, USA
- Email: pham_ngu_yen@yahoo.com
3. Tình trạng gia đình:
- Vợ mất. Ðang sống một mình cùng con gái mới vừa vào Ðại Học.
4. Nơi nào ở VT đẹp nhất?
Có thể nói nơi nào có in dấu một phần của quá khứ, nơi đó đều đẹp. Cho nên có rất nhiều. Từ căn nhà thơ ấu ở dưới chân Núi Lớn, đến con đường đi học hàng ngày (đường Lê Lợi- ngang qua cơ sở Mắm Ruốc Bà Giáo Thảo, nhà Bảo Sanh Hữu Phước). Ðến một góc sân trường giờ ra chơi, và những quán cà phê thời thanh niên ngồi với bạn bè: (cà phê Năm Tròn, cà phê Thuận, cà phê Anh Ðào). Cũng nên nói thêm về Bãi Trước, khi bãi cát nước ròng. Chúng tôi kéo nhau xuống đá banh suốt một mùa hè. Những hình ảnh đó, tôi đã ghi lại qua những bài tạp ghi của tôi.
5. Góc trường nào có kỷ niệm đáng nhớ nhất?
Sân chơi Volley. Nơi đó chúng tôi bắt đầu thả cho trái tim bay bổng. Nơi mà chúng tôi bắt đầu chia xẽ cho nhau những kinh nghiệm tốt lẫn thói quen xấu. Bên ngoài sân Volley là khuôn viên của nhà thờ Lớn. Có một lề đường phía trước cổng trường mà chúng tôi ưa ngồi nhìn các nữ sinh đi qua. Những mối tình kiểu 50 phần trăm cũng được dựng nên. Những nàng Mỵ Nương kiêu kỳ thích ăn đậu đỏ bánh lọt. Trong khi mùa thu thời đó đẹp và thơ mộng vô cùng. Có những chiếc lá vàng rụng xuống, giống như mộng ước của các bạn và tôi.
6. Kỷ niệm nào với Giáo Sư/ Giáo Sư nào thích nhất?
Có một chuyện tôi vẫn còn giữ mãi trong lòng. Một lần trong đêm lữa trại ngoài Bãi Sau, tôi không nhớ năm nào, tôi cùng như một số học sinh khác được nghe Cô Ngọc (vợ Giáo sư Ngọc) hát. Cô không dạy chúng tôi. Lần đầu tiên tôi biết cô. Ðêm đó cô hát bản Thu Vàng của Cung Tiến. Giữa đêm tối mênh mang và giữa tiếng rì rào của gió biển, lời hát cô vang lên như những hơi lửa đốt cháy tâm lòng thơ dại của tôi. Cô hát dể dàng và điêu luyện, giống như Cung Tiến làm ra bản Thu Vàng để dành cho cô hát. Tôi cảm giác được hạnh phúc, nơi những âm thanh thoát ra từ đôi môi mượt mà kia. Hạnh phúc sắp được làm người lớn. Sắp được yêu. Tôi không dám nói tôi yêu cô giáo mình, nhưng hình như đó là mùi vị khởi đầu cho những tình yêu sau này.
7. Không thích giáo sư nào?
Yêu thích là một quán tính, nhất là khi còn thơ dại. Cho nên cũng có chuyện không thích một vài vị. Nhưng xin miển được nói ra. Còn yêu, thì rất nhiều, hầu hết các giáo sư.
8. Giấc mơ? Thực hiện chưa?
Có giấc mơ đã thực hiện được. Có giấc mơ chưa. Xin nói trước về giấc mơ đã thành sự thật.
Ngày còn nhỏ tôi mê Ðà Lạt, vào ao ước khi lớn lên sẽ về sống nơi đó một lần cho biết. Khi đi lính, sau khi từ quân trường Truyền Tin Vùng Tàu ra đơn vị, tôi được chuyển đến phục vụ tại Ðà Lạt. Sống quanh quẩn nơi đó gần 10 năm.
Một ước mơ thứ hai là mong một lúc nào đó được du lịch ở Âu Châu hay Mỹ. Vì những hình ảnh đẹp trong các phim đã quyến rũ tôi, như (cảnh tuyết rơi, cảnh phố xá nhộn nhịp, cảnh mùa thu vàng rực lá phong).
Một ước mơ khác, đơn sơ và tầm thường, nhưng hình như chưa trọn vẹn. Là một gia đình yên ấm thực sự, theo nghĩa đen của nó.
9. Vài kỷ niệm đáng nhớ (buồn/ghét/yêu) tại VT.
Khó lòng nói ra hết vì nhiều quá. Trong tâm hồn thơ ấu của tôi đã căng chật những kỷ niệm về VT. Bây giờ ngồi một mình, tôi vẩn cảm giác đang nghe từng kỷ niệm ùa về hớn hở, tươi xanh. Nhưng trên hết vẫn là Mẹ tôi.
Thời gian học trung học, tôi rất ham chơi. Dù là con trai lớn trong gia đình, tôi vẫn chưa kinh nghiệm được giá trị của sự tận tụy, hi sinh mà Mẹ tôi đã dành cho chúng tôi. Ba tôi mất sớm, nhà nghèo, ngoài những lo lắng sinh kế hàng ngày Mẹ tôi còn có những trách nhiệm phải chu toàn vượt quá khả năng một người đàn bà.
Một lần gần Tết. Mẹ tôi nhờ tôi sơn nhà (mua sơn về sơn lại những cánh cửa cho mới). Tôi nghe lời nhưng vẫn ham chơi, lần lượt đến gần cuối năm mà vẫn chưa làm. Một đêm, tôi từ nhà của Nguyễn Ðịch Thanh về, gần đến sân, nhìn vào tôi thấy Mẹ tôi đang ngồi sơn cửa một mình. Dưới ánh sáng hiu hắt của ngọn đèn néon trong nhà, dáng Mẹ tôi ngồi sơn làm lòng tôi thắt lại. Tôi hối hận và sơ. Tôi đứng chôn chân ngoài đường, không dám bước vào. Phải đợi đến khi mẹ tôi tắt đèn đi ngủ, tôi mới mở cửa vô nhà. Nhiều chục năm sau, khi trưởng thành, thì Mẹ tôi quá già, Tôi không bao giờ có cơ hội để làm lại cái việc đơn giản đó cho Mẹ tôi. Nó không còn cần thiết nửa.
10. Chia xẻ đắng cay/ vui buồn/ thất bại sau 1975
Sau 1975 lang thang. Có thể đây là thời gian buồn nhất của một đời người.
Khi định cư nước ngoài, có vui, chỉ là vui trong đời sống vật chất. Còn tuổi trẻ của tôi, thời hoa niên của tôi, ai trả lại cho đây?
11. Nghề nghiệp: Nhà văn (có phải là nghề chính thức? Và lý do tại sao thay đổi như vậy?)
Viết văn là một cái nghiệp chớ không phải là một nghề. Giữa văn chương và đời sống, tôi không đứng ở giữa mà nhập vào một. Tôi dùng văn chương để trang trải cho đời những giấc mộng, những món nợ mà tôi nhận được từ người khác.
Năm nay tôi đúng 60. Không biết con đường mà tôi đang theo nó sẽ mở ra cho tôi một cánh cửa lộng lẩy nào không, nhưng tôi sẽ cảm giác thiếu vắng và yếu đuối nếu tôi không còn viết được.
12. Tác phẫm đầu tay? Tựa đề, và nội dung gì?
Tôi đến Austin Texas, Hoa Kỳ năm 1991.
Chúng tôi thuê từng trên một căn apartment mang tên một Nữ Thánh (Santa Maria). Ðêm đêm, từ chiếc bàn viết lạnh lẽo và im vắng, trong khi vợ và con gái tôi ngủ, tôi bắt đầu viết lại những cảm xúc đầu tiên, khi được tạm dung.
Chung quanh tôi tràn ngập gió đêm và đời sống ràn rụa hạnh phúc. Những tạp ghi và truyện ngắn gởi đăng các báo hải ngoại sau này (trong đó có Văn/ của Mai Thảo, Làng Văn/ của Nguyễn Hữu Nghĩa và Văn Học /của Nguyễn Mộng Giác), đều thấp thoáng hạnh phúc đó. Một buổi chiều, trở về từ sở làm, tháng ba mùa Xuân tôi bắt gặp những hoa Bluebonnets mọc đầy trên bãi cỏ chung quanh (sau này tôi mới biết hoa đó là biễu tượng của Texas). Tôi lấy hứng và viết. Truyện gởi đi dự thi giải truyện ngắn Văn Bút Nam Hoa Kỳ, đước giải nhất. Sau này tôi dùng truyện làm tựa đề chính cho tác phẩm đầu tay “Hoa Bluebonnets Cho Hai Người”, xuất bản năm 1994.
Ða số truyện của tôi viết về tình yêu. Nhưng không phải là tình yêu tròn trịa, có hậu. Không có những cặp tình nhân cùng nắm tay nhau đi về phía trước. Mà chỉ có những bão giông. Những cuộc tình mắc cạn. Những cuộc chia tay hay lạc nhau tình cờ ở một ngả ba.
13. Có bao nhiêu tác phẩm đã viết, hoặc xuất bản? Ðề tài nào viết nhiều nhất, gợi hứng nhất? Chịu ảnh hưởng của văn sĩ nào không?
Hai tác phẩm đã xuất bản “Hoa Bluebonnets Cho Hai Người” và “Chăn Gối NgàyVề”.
6 tác phẩm khác viết chung với nhiều người. Hai nhà văn chịu ảnh hưởng sâu đậm nhất là Mai Thảo và Duyên Anh.
14. Ðã từng sống ở Vũng Tàu. Có cái gì tương quan giữa đời sống VT và tác phẫm?
Thời niên thiếu sống tại Vũng Tàu. Ði lính sống gần 10 năm tại những vùng cao nguyên. Vì vậy, tác phẩm tôi rõ ràng mang hơi thở của núi rừng và biển cả. Có một chút mùi vị của muối. Có một chút mưa bụi và sương mù. Những tình yêu đã đi qua không trở lại. Ðàng sau đó là chiến tranh Việt Nam. Bây giờ là những băn khoăn về một nước Mỹ. Về thời cuộc. Ngần ấy đã đủ chưa?
Theo tôi điều quan trọng để một tác phẫm có hơi thở và sức sống, là viết bằng tấm lòng và bằng trái tim đôn hậu. Tài năng dỉ nhiên cũng phải có.
15. Cái gì đã gợi hứng đề bắt đầu viết? Thích nhất là cuốn sách nào?
Khi còn đi lính tôi viết hơi khó khăn. Lúc đó tôi còn trẻ. Có thể vì tôi đang tập sống, cũng như người ta đang tập nếm thử một mùi rượu.
Sang định cư tại Hoa Kỳ, tôi viết dể dàng hơn. Chắc nhờ những kinh nghiệm. Một góc quán cà phê nhìn ra hàng cây u sầu hay một chút giờ nghỉ tại sở làm tôi cũng có thể ghi xuống vài ý chính. Sau đó về nhà, tôi bắt đầu viết cẩn thận lại. Bây giờ viết bằng laptop, nên cũng tiện. Tôi đem ra quán cà phê, vừa uống cà phê vừa viết, vừa nhìn người qua lại.
Phim ảnh cũng tạo cho tôi nhiều hứng thú. Vì ngoài sự diễn xuất, tôi còn biết thêm những cảnh vật khác, những góc đời khác mà trong hoàn cảnh hiện tại tôi không nhìn thấy. Tác phẫm ngoại quốc ghi lại trong lòng tôi dấu ấn, là tác phẫm Doctor Zhivago của Boris Pasternak.
Xin nói về Văn Bút? Mục đích của Văn Bút là gì và hoạt động ra sao?
Theo Lời Mở Ðầu của Tài Liệu Văn Bút là:
“Tin tưởng vào sự trường tồn của dân tộc Việt Nam, vào sức mạnh của văn hóa dân tộc”
Nên một số văn nghệ sĩ có lập trường quốc gia dân tộc, tôn trọng tự do dân chủ, nhân quyền và chống mọi hình thức độc tài, theo đúng tinh thần Hiến Chương VB Quốc Tế và bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, đã cùng nhau thành lập hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (Vietnamese Writers Abroad PEN Centre/ Pen Club Vietnamien à l’etranger).
Văn Bút VN Hải Ngoại là một hội bất vụ lợi, theo đuổi các mục tiêu sau đây:
- Bảo tồn và phát huy văn hóa VN.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc sáng tác và phổ biến các sáng tác phẩm của văn nghệ sĩ VN trên thế giới.
- Phát huy tinh thần của Hiến Chương VB Quốc Tế.
- Tương thân tương trợ giữa những văn nghệ sĩ tự do trong và ngoài nước
- Khuyến khích thế hệ trẻ ở Hải Ngoại sáng tác bằng tiếng Việt.
- Góp phần xây dựng cộng đồng VN ở hải ngoại thích ứng với cuộc sống mới nhưng vẫn duy trì truyền thống dân tộc.
Văn Bút VN Hải Ngoại hiện có 11 Trung Tâm đang hoạt động rãi rác tại Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu và Úc Châu.
16. Cộng tác với báo nào?
Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Thời Luận (California).
Thế Giới Mới, Xây Dựng (Texas)
Làng Văn (Canada)
Nguyên Chủ Bút US.Viet Times, phát hành tại Austin.
17. Muốn nói gì thêm với cựu học sinh VT? Về việc sáng tác, về tác phẩm?
Dù thành công hay thất bại, thì tôi vẫn coi sự viết văn là một phần của đời sống. Một đinh mệnh. Cái định mệnh đó đã theo tôi hơn 40 năm.
Khi tôi viết bài thơ đầu tiên đăng trên tờ Sóng Biển (tờ bích báo của lớp tôi năm đệ ngũ), và một vài truyện ngắn đăng trên nguyệt san Xây Dựng (Tờ báo của Cảnh Sát QG Rạch Dừa- do ông Võ Lương làm Giám Ðốc), tôi biết mình muốn chọn cho mình một lẽ sống.
Tâm hồn tôi sẽ ướp đầy hoa sói hoa ngâu hay sẽ thấm thấu những giọt lệ mặn chát? Tôi không biết được vì ngày đó tôi chưa qua hết Trung Học. Tôi chưa thực sư đi xuống cuộc đời. Tâm hồn tôi đang ngổn ngang những giấy mực, trường lớp. Trong khi gia đình nghèo. Mẹ tôi một đời lo lắng nuôi một bầy con chưa trưởng thành.
Sau đó tôi thi rớt Tú Tài và đi vào lính. Những tình yêu- nếu gọi những mối tình một chiều là tình yêu- cũng đã tan theo dòng đời.
Nhưng chính sự thiếu thốn, nghèo túng, thất bại đã là đòn bẫy nâng tôi đứng lên. Nó làm cho trái tim rướm máu và đồng thời tăng trưởng những hồng huyết cầu.
Chất liệu để một người làm văn chương, không hẳn hoàn toàn là hạnh phúc. Mà còn có bất hạnh. Mất mát và đôi khi tuyệt vọng. Ðó là một kinh nghiệm.
Nhưng trên hết là lòng tin. Nếu tôi không còn tin vào sự tốt đẹp của đời và sự lương thiện của con người, thì chắc tôi không còn viết được.
Xin cám ơn Anh Trâm.
Xin cám ơn những bạn bè Cựu Học Sinh Trung Học Vũng Tàu.


 

TƯỜNG VI phỏng vấn

(văn nghệ ngàn phương/1998)

 

VNNP:  Xin chào anh Phạm Ngũ Yên. Như Vi đã nói với anh, mỗi lần nhận được tờ U.S Viet-Times tư`Texas, Vi lật đọc “Thư Viết Từ Ðường Heatherglen” trước. Ðọc đoạn đầu và đoạn cuối cùng để thưởng thức văn phong và tâm tình Phạm Ngũ Yên. Có một chút gì riêng tư, chút tình cảm nhè nhẹ trong đó. Nhân dịp nói chuyện với anh, Vi xin hỏi đường Heatherglen có phải là địa chỉ của “toà soạn” U.S Viet-Times không? Vi đang tưởng tượng ra một bàn làm việc bề bộn những giấy và một cửa sổ nhìn ra ngoài đường để anh viết văn.

PNY: Trước tiên, tôi xin cám ơn Tường Vi có nhã ý giới thiệu tôi với độc giả trên VNNP. Và cũng xin cám ơn Tường Vi đã cho tôi có cơ hội nói về mình. Quả tình, những gì tôi ghi lại trong “Thư Viết Từ Ðường Heatherglen” có đôi chút riêng tư, nhưng hình như đã xảy ra vài sự cảm thông tốt đẹp từ phía bạn đọc.

Ðường Heatherglen là địa chĩ nơi tôi đang cư ngụ. Từ chiếc bàn làm việc mỗi buổi sáng sớm cuối tuần nhìn ra công viên sau nhà, tôi đã viết những suy nghĩ của tôi, cho Lá Thư Tòa Soạn, mỗi tháng. Nhiều lúc cho những sáng tác khác. Tờ báo của chúng tôi (U.S Viet Times) có ba nơi làm việc khác nhau. Một chỗ của tôi. Hai nơi kia là của anh Châu Kim Khánh, chủ nhiệm. Và của cô Hoàng Lan Anh, phụ trách phần kỹ thuật (trang trí bìa và sắp xếp những bài vở do tôi chuyển qua. Lan Anh cũng là người cuối cùng lay out tờ báo trước khi gởi về nhà in ở Houston để in).

 

 VNNP:  Hỏi nhập đề rồi, bây giờ xin anh giới thiệu về mình cho độc giả VNNP được biết thêm về anh.

PNY:  Chắc Tường Vi muốn biết về cái tôi đáng ghét của Phạm Ngũ Yên? Cách đây không lâu, chị Nhật Nguyễn ( nhà văn, đang sống tại New Orlean, LA, cũng đã hỏi tôi một lần) Thật ra, Phạm Ngũ Yên là bút hiệu. Nó được tách rời từ hai cái họ Phạm- Nguyễn. Kỷ niệm hai mối tình “lớn” khi tôi còn trong quân đội. (Ðà Lạt/ Bảo Lộc). Ðôi khi, bút hiệu nói lên một định mệnh của người viết. Nó có thể làm thăng hoa những trang văn hay dìm chết mọi nhân cách. Nhưng với tôi, dù sao, cái tên định mệnh đó đã gắn liền với con người tôi hơn ba mươi năm. Tôi không biết tôi có khả năng làm tốt cho chữ nghĩa nhiều hay ít, nhưng tôi biết rằng tôi đi đúng con đường mà tôi đã chọn. Còn nói thêm về hạnh phúc nằm đàng sau cái bút hiệu đó? E rằng không có được là bao.

 

VNNP:  Các truyện ngắn của anh được đăng rải rác trên các tạp chí như Văn, Văn Học, ngay trong tờ U.S Viet-Times của anh (xin anh nhắc thêm các tạp chí nào mà anh đã gửi đăng). Một vài truyện mà Vi rất thích và vẫn còn nhớ là “Mai Nếu Em Có Về”, “Người Về Housing”, v.v. Trong các truyện của anh, anh thường nhấn mạnh về tả tình cảm xen lẫn với cảnh trí, giống như là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Vi nhận xét như vậy có đúng không, và đó có phải là một cách viết của anh hay không, hay anh còn có cách thể hiện nào khác?

PNY:  Có rất nhiều tạp chí VN tôi đã từng cộng tác tại Hoa Kỳ và bây giờ không nhớ hết tên những truyện ngắn và các bài Tạp Ghi. Ngoài những bài Tạp Ghi được tôi pha chế thêm một chút màu sắc chính trị đủ để mang một sức công phá vào thành trì cộng sản, đa số những truyện ngắn của tôi có sự hiện diện của tình yêu. Nhưng là một thứ tình yêu ràn rụa những nước mắt và thiếu vắng những môi hôn. Nó chưa thể là một hạnh phúc, nhưng tôi thích diễn tả như vậy. Tôi không thích cường điệu những bất hạnh, một khi nó là một phần đời sống của chúng ta. Tôi lại càng không thích hư cấu. Nên hầu hết những truyện ngắn của tôi có ít nhiều người thật việc thật. Và may mắn cho những nhân vật của tôi (đa số là những người đàn bà đẹp). Tôi muốn họ, qua ngòi viết của tôi- dù không yêu tôi nhiều như tôi yêu họ- họ vẫn được quyền đi vào văn học sử. Hai truyện mà tôi ưng ý nhất, chưa gởi đến bạn đọc là Ly Rượu Bờ Sông Chăn Gối Ngày Về.

 

VNNP. Có khi đọc truyện của anh xong, Vi cứ bâng khuâng như chuyện buồn của chính mình hay một người thân nào trong đời. Cái tâm tư mà anh lột tả trong truyện có phải cũng là tâm tư của Phạm Ngũ Yên, nhất là trong những bức thư từ đường Heatherglen, lá thư nào cũng nhắc về tình yêu và sự tìm kiếm vô vọng của một người đàn ông?

PNY:  Cô hãy buồn và bâng khuâng nếu còn cảm thấy như vậy. Nó làm tôi hãnh diện và đánh giá được mình. Ðó không phải là ước ao của bao nhiêu người viết hay sao?

Tôi không có kinh nghiệm viết về những tâm sự của người khác. Nhưng nếu những điều tôi viết gây cho người đọc sự ngộ nhận nào đó, (thí dụ như sự trẻ trung hay sự lãng mạn) thì đó là tại tôi muốn níu kéo lại những quá khứ đã mất. Còn sự vô vọng mà cô nói đó, chẳng qua là chút gia vị của cuộc đời.


VNNP:  Anh có tác phẩm nào đã xuất bản hay sắp xuất bản không? Nếu có, xin anh giới thiệu cùng với độc giả VNNP.

PNY:  Có một tập truyện ngắn đã xuất bản và bán bản quyền cho nhà xuất bản Bình Minh cách đây tám năm (năm 1992). Tựa của nó là “Hoa Bluebonnets Cho Hai Người”. Một tập truyện khác là “Ly Rượu Bờ Sông”. Một Tạp Ghi nửa là “Bé Ơi Ðừng Khóc”. Hai tác phẩm sau chưa được in ra vì chưa có thì giờ. Chúng đang nằm trong computer. Công việc điều hành tờ báo chiếm của tôi quá nhiều công sức trong khi tôi còn phải xoay xở với công việc làm mỗi ngày. Và vừa làm cha và làm mẹ với một đứa con gái đang trong tuổi nổi loạn.

Ngoài ra, nếu hoàn cảnh cho phép, tôi sẽ in lại những bài thơ tôi mà nghĩ là trên trung bình.

 

VNNP:  Anh có vẻ quan tâm đến thơ văn của giới trẻ trên liên mạng vì thấy anh hay đăng thơ các bạn trẻ trong U.S.Viet-Times. Thường giới trẻ và các nhà văn đi trước ít có sự gần gữi, thông cảm nhau. Anh nghĩ phải làm sao để có một nhịp cầu giữa các thế hệ trong văn chương?

PNY:  Vấn đề nầy nói ra hơi có vẻ đụng chạm. Cá nhân tôi, tôi không cảm thấy xa cách với thơ văn của bất kỳ tác giả nào hết. Một bài thơ hay một truyện ngắn làm tôi cảm được, tôi đều đưa lên trang báo của tôi, dù họ mới vừa viết văn hoặc đã thành danh lâu. Tôi luôn chống đối lại với những gì mang tính chất phân biệt vì văn chương không có biên giới mà tâm hồn thì không đợi thời gian để chín mùi. Những người sáng tác trẻ họ thường có ưu điểm hơn những người già là họ không có mặc cảm bởi quá khứ. Họ cũng không bị hào quang của người đi trước làm chói mắt. Hình như, trong sự việc Văn Bút VN Hải Ngoại bị phân hóa vừa qua có một phần do cái nhìn sai lạc nói trên, giữa những người viết văn (cũ) và những người viết trẻ. Tôi sẽ trình bày trong một dịp khác. Ðây là vấn đề mang tính chất tế nhị và chắc chắn trong thế hệ chúng ta bây giờ khó lòng xóa bỏ được. Còn cô muốn có một nhịp cầu giữa các thế hệ văn chương? Cô hãy hỏi Quan Dương, Nguyễn Nam An, Thu Thuyền, Hồ Ðình Nghiêm,Trầm Hương, hàng hàng lớp lớp những người viết mới gần đây sẽ rõ. Thơ văn của họ đâu có cần thiết để bắt một nhịp cầu cảm thông? Và cô hãy hỏi Nhật Tiến, Thụy Khuê, Nguyễn Ngọc Ngạn... Văn chương họ có còn gì mới lạ nữa hay không?

 

VNNP:  Vì ngày nay có rất nhiều tạp chí dưới đất cũng như trên liên mạng, vấn đề bài vở cũng không phải là dễ dàng vì chúng ta cũng đều thấy vẫn cùng một số người góp mặt trên tất cả các tạp chí ấy. Theo anh thì làm cách nào để khuyến khích có nhiều người viết hơn cũng như có nhiều bài viết có chất lượng hơn?

PNY:  Chính tôi cũng không biết làm sao. Vì chúng ta viết văn làm thơ không phải chỉ bằng trái tim. (Một trái tim luôn nghèo túng thiếu vắng những hồng huyết cầu). Con tằm dù bổn phận của nó là suốt đời nhả tơ, nhưng phải cần cho nó những lá dâu non mượt mà để nó sống. Giữ cho được những người viết tồn tại không suy suyển hư hao trong xứ sở nầy là may mắn lắm rồi.

 

VNNP:  Những lá thư cũng như truyện ngắn của anh cho thấy một Phạm Ngũ Yên với nhiều mơ ước. Anh có thể chia xẻ những mơ ước của anh với độc giả VNNP?

PNY:  Mơ ước đơn giản của tôi là muốn dùng ngòi viết làm đẹp cuộc đời. Nhưng khó khăn làm sao vì chung quanh tôi có quá nhiều cái xấu. Ðiển hình là chúng ta biết cộng sản là vô luân, không có tính người, nhưng lại đang có nhiều nhà văn chịu bán đứng lương tâm và danh tiếng của mình để chạy theo CS. Trong khi chế độ cộng sản đang sắp bị cáo chung trên hành tinh này thì vẫn có nhiều người vẫn hiên ngang cổ vũ nó. Nhưng không phải chính vì có quá nhiều cái xấu mà chúng ta đành lòng ném ngòi viết vào trong quên lãng của bóng tối để chờ đợi bình minh. Những laù thư viết từ đường Heatherglen của tôi là cách thức nói lên những phẫn nộ kinh tởm như vậy. Ðôi khi tôi bị yếu đuối, mệt mỏi, nhưng chắc chắn rằng người quốc gia sẽ thắng trong cuộc chiến cuối cùng. Ðiều nầy đã kéo tôi đứng dậy.

Còn mơ ước của tình yêu? Tôi muốn những đôi tình nhân đừng bao giờ lạc mất nhau tình cờ giữa một ngã ba . Họ hãy luôn nắm tay nhau vượt lên những bể dâu của dòng đời trước mặt.


VNNP:  VNNP xin cám ơn anh đã dành thì giờ cho buổi nói chuyện hôm nay với VNNP. Cầu chúc anh luôn an vui và sẽ còn những “Thư Viết Từ Ðường Heatherglen” với nhiều sắc màu khác nhau.

Liên lạc nhà văn Phạm Ngũ Yên:
email: pham_ngu_yen@yahoo.com
Ðịa chỉ: 1807 Heatherglen Lane – Austin, TX 78758
Tel.: (512) 731- 5529 (c)

No comments:

Post a Comment