Thursday, February 27, 2014



NGƯỜI ĐI TRÊN ĐỐNG TRO TÀN

HUYỀN CHIÊU


NH, ngày 14 tháng 1 2014

Anh K thương mến,

Những năm trước khi nghe anh nói năm nay anh cũng chưa về VN được, em rất buồn. Hơn 20 năm rồi còn gì. Nhưng năm nay thì em lại nghĩ khác. Anh không về hóa ra lại hay. Hãy để VN biến thành tro bụi trong ký ức. Nhưng anh không về mà cứ muốn em kể chuyện VN cho anh nghe. Em sẽ kể nhưng anh đừng khóc đấy nhé.
Em sẽ bắt đầu từ đâu nhỉ?

À. Huyện lỵ của mình bây giờ được gọi là thị xã. Nếu về anh sẽ không nhận ra đâu là đâu. Ngôi trường bé nhỏ dưới mấy gốc bàng nơi anh và em học lớp vỡ lòng, đã bị đập bỏ để xây một cung thiếu nhi nguy nga. Hai hàng tre bên sông Dinh đã được thay bằng bờ kè bằng đá. Đường sá cũng được mở rộng thay cho những con đường làng nhỏ mà thuở bé anh hay đạp xe chở em về thăm quê nội hay rong chơi đây đó. Xem ra thì đướng sá cầu cống, dinh thự, trường học có khang trang hơn xưa nhưng đó là hàng mã. Tất cả đều chỉ đẹp đẽ trong ngày khánh thành, còn sau đó nó hư hỏng nhanh chóng là điều bình thường ở xứ sở này. Trên những con đường ở đất nước gọi là thanh bình này mỗi năm có hàng chục ngàn người chết vì tai nạn xe cộ. Người chết vì tai nạn giao thông mấy mươi năm nay còn hơn số người chết trong cuộc chiến vừa qua. Không có ở nước nào mà người dân phải tự di chuyển bằng xe gắn máy. Không có ở đâu mà xe gắn máy chạy chung với xe tải, xe khách, xe chở container. Người mình chết nhiều đã đành. Cứ mỗi lần đọc báo có tin một chuyên viên nước ngoài đến VN làm việc bị xe tông chết thì em vừa xấu hổ vừa thương cho họ. Đáng lẻ họ không nên đến đây, một đất nước mà mạng người chỉ là cỏ rác.
Trong thư anh thường nói phong cảnh ở VN là đẹp nhất. Núi đẹp, rừng đẹp, những ngôi nhà nho nhỏ giửa những thửa ruộng xinh tươi.
“Chiều ơi, lúc chiều về là lúc yên vui
Trâu bò về dục mõ xa xôi … ơi chiều” (*)

Anh ơi, làng quê thì vẫn còn màu xanh như cũ nhưng nó không còn là chốn yên lành. Rượu, phim bạo lực, phim sex, thất nghiệp đã làm dậy lên men say cuồng sát và cảnh chém giết nhau anh cũng đã biết rồi trên các báo online.
Anh cũng sẽ không còn tìm ra những nàng thôn nữ:
“gánh gánh, gánh, gánh thóc về gánh về gánh về” (*)

Không còn nữa nụ cười e ấp dưới vành nón che nghiêng.
Tìm đâu thấy chiếc áo bà ba quen thuộc của bà, của mẹ.
Hàng Trung Quốc bây giờ vừa rẻ vừa model đã biến cả các phụ nữ nông thôn thành những con rối hồn nhiên háo hức với “quần bò” hở rún, áo hai dây hoặc không có dây nào.
Trước đây người dân được dạy cho biết lao động là vinh quang và mọi người mọi nhà phải tăng gia sản xuất. Lúc đó cây khoai mì đã trở nên một biểu tượng được tôn sùng của đất nước. Nhưng sau đó họ sực tỉnh ra rằng những cây gổ trăm năm, ngàn năm bạt ngàn trên rừng Trường Sơn mới là triệu triệu dollars. Và thế là một cuộc thảm sát long trời lỡ đất chưa từng có đã biến cho đất nước mình thảm hại như một con đại bàng bị vặt trụi lông.

Anh sẽ khóc khi nhìn thấy Dalat mất gần hết rừng thông, anh sẽ thất vọng khi Dalat không còn cái lạnh đáng yêu của một châu Âu giữa lòng một đất nước chỉ có hai mùa mưa nắng. Và anh sẽ phì cười khi thấy đã có tiệm bán quạt máy ở Dalat.

Người Việt dẩu sao cũng dể thích nghi với mọi hoàn cảnh. Em thương nhất, đau lòng nhất khi nhìn vào đôi mắt buồn vời vợi của những người thiểu số khi họ bị bứt khỏi núi rừng.
Núi rừng là quê hương của họ, là ngôi nhà kỳ vỹ của họ. Thật nhẫn tâm khi để chiếm núi rừng, người ta lùa họ ra sống ở những ngôi nhà gạch, mái tôn xây vội. Nhìn họ uể oải nhảy múa, đánh cồng, đánh chiêng phục vụ cho ngành du lịch thấy mà đắng lòng.
Anh đã từng nhìn thấy voi khóc chưa? Mỗi lần nhìn vào mắt của những con voi chở khách du lịch em chắc chắn rằng chúng đang khóc. Những con voi cuối cùng ở buôn Đôn ấy đã lần lượt ngã gục sau một đời nô lệ, xiềng xích, đói khát.
Dalat không còn hoang sơ, bí ẩn, thơ mộng như thuở nào.
Rồi đây cáp treo sẽ đưa người lên Phan Xi Pang, lên Langbian. Những rùa, nhím, trút, chồn hương, nai hoẳng sẽ bị tận diệt cho những cái bao tử phàm phu khốn nạn.

Người ta cũng phát hiện ra rằng ngoài rừng, biển cũng là triệu triệu dollars. Không biết vua Duy Tân có lỗi gì với dân tộc mà sau năm 1975 con đường tuyệt đẹp mang tên ông trải dọc biển Nha Trang đã đổi thành đường Trần Phú. Và cũng từ đó biển Nha Trang dân dần bị biến dạng. Song song với cuộc tàn sát rừng, biển cũng bị xâm lấn nặng nề. Nếu anh về thăm biển Nha Trang anh sẽ thấy biển không còn gây cho anh cảm giác mênh mông, anh sẽ không còn cái thú được thấy mình như “con ốc bơ vơ nằm trên cát” (*). Biển Nha Trang bây giờ bị bao vây bởi một rừng khách sạn khổng lồ ngạo nghễ nhìn ra biển. Nằm dưới chân những gã khổng lồ khách sạn, biển Nha Trang đã biến thành một cái ao làng với rất nhiều bao ny lông nhớt nhát trôi vật vờ. Nha Trang bây giờ không còn thênh thang gió biển…
Còn đâu nữa:
“Phố chiều bao tà áo trắng,
Lượn quanh hè phố nắng
Những cô nàng xinh đang tròn trăng”
(Hoàng Thi Thơ)

Nhưng điều đau buồn nhất là một thế hệ con cháu chúng ta đã lớn lên như những con gà công nghiệp trong một chiếc lồng chật chội.
Làm sao trách chúng được khi chúng lớn lên trong một không gian mù mờ về lịch sử..
Chúng được dạy dổ rằng chúng đang sống rất hạnh phúc trong một đất nước đã được giải phòng và chúng phải biết ơn Bác, biết ơn Đảng.
Mà hạnh phúc thật đấy. Một diễn viên nổi tiếng của Hollywood tổ chức đám cưới chỉ mời không đến vài chục khách trong khi bà Hai bán phở, ông Chín nhân viên thuế vụ, chị Năm y tá làm đám cưới cho con mời bốn, năm trăm khách. Trong đám cưới, thật ngỡ ngàng khi có ông cựu binh sĩ VNCH hào hứng lên sân khấu hát bài “Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng”!!!
Nếu anh về đi thăm bà con, anh sẽ chạnh lòng khi nghe thím Hai khoe con thím đi làm ở Bưu Điện được cử đi học lớp cảm tình đảng. Điều đó có nghĩa nó có hy vọng vào đảng và lên chức. Buổi tối về nhà anh sẽ nghe mấy đứa cháu anh ê a học “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào…”
Không thể trách được. Dù là gà công nghiệp, gà cũng thèm mổ gạo, cũng thèm sống.

Làm sao trách được người dân Việt khi trong sân bóng đá họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là lá cờ đỏ sao vàng để cuồng nhiệt phất lên mừng đội nhà chiến thắng.
Sau năm 1955 chúng ta có một cuốn phim với một tên gọi rất hay “Chúng Tôi Muốn Sống”. Sau 1975 em rất thích phim “Phải Sống” của Trương Nghệ Mưu.
Phải sống thôi..
Người dân quê mình không còn hơi sức đâu mà buồn mà lo lắng, suy nghĩ.
Thời gian để sống dường như càng ngày càng vội vã mà gông cùm thì siết quá chặt.
Phải chi có anh vào những ngày cuối năm này em sẽ dẫn anh đi thăm một nơi mà em rất thích vì nó yên tỉnh, đẹp và buồn.
Đó là nghĩa trang nơi có mộ ba, má, bộ cậu Sáu, dì Bốn, mộ ông Ba Cà, bà Tám Hương, ông Mười Cảnh… Những người hàng xóm thân thiết của chúng ta đều có mặt ở đây. Đến đây anh sẽ nhớ lại những ngày thơ ấu tươi vui của chúng mình những đứa trẻ nghèo, thiếu thốn nhưng được tự do bay nhảy trong khu rừng nguyên sinh bát ngát tuyệt đẹp của một đất nước tên gọi Việt Nam …
Em thích nhất là được ngắm nhìn những rặng núi xanh thẳm buồn buồn, được nghe tiếng những hàng cây rủ rỉ trong gió chiều tịch mịch.
“Me có hay chăng con về
Chiều nay thời gian đứng yên để nghe”.
Nói vậy nhưng em vẫn tin rằng anh sẽ về. Anh nhé.
Em gái

HC
(*) nhạc Phạm Duy


 

 

VỀ YÊU HOA MỘC LAN

Sean Bảo

 











Trong cuốn phim kinh điển Cuốn Theo Chiều Gió, chắc bạn không quên hình ảnh của Scarlett O’hara một cô gái miền Nam đầy sức mạnh, phải tìm mọi cách để sống sót qua chiến tranh và vượt lên cuộc sống khó khăn trong thời hậu chiến. Và chàng Clark Gable vai Rhett Butler, một tay giang hồ pha trộn quý tộc, đẹp trai hào hoa với hàng ria mép đểu cáng. Anh chàng Rhett này đã nói một câu trứ danh: "Frankly, my dear, I don't give a damn." (Thật lòng mà nói, em yêu ạ, anh cũng cóc cần quan tâm.) Lời nói này được bật ra trong đoạn cuối của bộ phim khi Scarlett hỏi Rhett: "Em sẽ đi đâu? Em sẽ làm gì?" nếu Rhett bỏ cô.

Cũng ở một đoạn đối thoại khác khi Scarlett  nhìn thấy sự giả dối khôn ngoan, cái phù phiếm hào hoa của chàng Rhett, nàng đã thốt: "You can drop the moonlight and magnolia.” (Và Rhett ngạo nghể đáp trả: So things have been going well at Tara, have they?) Thôi đi anh! Hảy quên đi những ánh trăng và hoa mộc lan.

Nàng nói thế vì trang trại Tara ở Georgia, có 12 cây sồi già bao quanh. Đường đi vào có hàng cây mộc lan, nở hoa trắng tuyệt vời khi xuân về, ngan ngát mùi hương và lộng lẩy trong ánh trăng. Hoa mộc lan và ánh trăng là tượng trưng cho những tháng ngày lảng mạn và mộng mơ trước khi chiến tranh, tai họa và xung đột đến trong đời nhau nghiệt ngã.

Những cây hoa mộc lan thân gỗ cứng, nhành cao, lá bóng dày mướt. Mùa đông rụng hết lá, mùa xuân từ những đầu cành nở rộ những cánh hoa lớn như hoa sen, vươn thẳng lên trời. Khi hoa nở thì lá non chưa mọc, cành lộc chưa đâm chồi, nhìn cây ra hoa chỉ tím hay trắng ngát một khoảng trời – chỉ có hoa và hoa. Cánh hoa mộc lan cứng cáp và lâu tàn, có cây nở suốt tháng.

Hoa mộc lan có tự lâu lắm.​Dấu hóa thạch từ niên đại khủng long. Hoa hiện hửu trước khi ong bướm tiến hóa. Hoa không có đài và mật nhụy, chỉ có hương thơm ngọt ngào để thu hút  loài bọ cánh cứng làm nhiệm vụ thụ phấn cho hoa. Mổi bông hoa có nhị và nhụy hoa sắp xếp thành hình xoắn ốc trên đế hoa hình nón, như thể dể dàng cho một kiếp tái sinh và hòa nhập với đời xanh tươi.

Những cây hoa mộc lan của miền nam nước Mỹ (Magnolia grandiflora) có màu trắng với lá to và dày như lá bàng. Một mặt lá màu xanh bóng láng, mặt kia có lông tơ phấn. Mộc lan trắng ít khi nở rộ một lần như mộc lan tím miền bắc Mỹ. Hoa thường nở e ấp giữa các tán lá và ngào ngạt hương thơm. Có nhiều người còn gọi mộc lan trắng này là Mộc Liên (Hoa Sen Gỗ). Bởi vì hương thơm như sen, mà đóa hoa lúc nở trông cũng từa tựa như hoa sen. Hai tiểu bang Louisiana và Missisipi đã chọn mộc lan trắng là hoa của tiểu bang. Người xưa dùng hoa để chửa trị một số bệnh về đường tiêu hóa. Vỏ mộc lan trắng làm thuốc điều trị trầm cảm, dị ứng, hen suyễn và giảm cân. Chồi của mộc lan tím (Magnolia liliiflora), được dùng trị nhiễm trùng đường hô hấp kinh niên, nhiễm trùng xoang và sung huyết phổi.

Mỗi lần về thăm Cali, vẫn đi ngang con đường Magnolia trù phú của quận Cam. Con đường này ngày xưa có lẽ nhiều cây hoa mộc lan lắm. Cũng như con đường phượng bay của quê tôi này nào giờ thưa bóng phượng. Nhưng cái tên đã nằm hoài theo tháng năm.

Hiên nhà tôi sáng nay đã ngập tím một khoảng trời. Một màu tím trắng tươi vui như sen Hồ tịnh nở bung trên mây, như lơ lửng trên đầu một rừng màu tím kỷ niệm. Hai cây mộc lan mua từ chợ Home Depot cách đây 8 năm, một trắng - một tím nay đã cao ngang mái nhà. Mỗi năm đều hẹn xuân về ra hoa một cách dung dị mà mảnh liệt. Khi cái băng giá của mùa đông qua không làm tàn đi những khát vọng và kiên nhẫn chứa trong thân mộc. 

Người xưa có bốn thú phong lưu cầm-kỳ-thi-họa. Hoa và người như bên nhau khắng khít. Mà sao không đưa thú chơi hoa lên hàng đầu? Bởi hoa là đề tài, là nguồn cảm hứng cho các thú phong lưu ấy. Có điệu nhạc nào thiếu dáng hoa, có bài thơ nào vắng bóng hoa và có bức tranh nào hoa không nở...Phải chăng vì hoa tượng trưng cho phái yếu, phải chăng vì hoa mong manh chóng tàn mà kiếp nhân sinh thì luôn khác vọng cái gì trường cửu.

Yêu hoa chớ để hoa tàn. Yêu sách chớ để sách tan nát bìa. Tôi yêu sách lắm, những cuốn sách dù phủ đầy bụi thời gian nhưng gáy và bìa vẫn còn đó đầy vơi những con chữ mộng mị. Nhưng tôi lắm khi ghét sách bởi nhiều cuốn sách đã làm trầy trụa một thời đi hoang. Một thời cả tin vào những trang sách cũ. Giờ lòng chỉ tin và yêu hoa. Yêu hoa lắm nhưng không biết làm sao để hoa đừng tàn. Những gói bột trắng aspirin chỉ cố giữ hoa tươi ít ngày. Những chăm chút bên bụi hoa hiên nhà cũng chỉ được vui với hoa một mùa. Cành mộc lan mạnh mẻ mà sung sức này như chẳng cần tôi chăm sóc. Cứ đem lại một khung trời tim tím và trắng tinh ngạt ngào hương mỗi mùa xuân về.

Phúc thay! trăng cứ mỗi tháng vằng vặc, hoa mộc lan mỗi năm lại nở tràn trề. Chúng ta sẽ không phải bỏ những vầng trăng và quên đi cánh mộc lan, như nàng Scarlett O'hara. Phúc thay vì hoa mộc lan chẳng cần tôi chăm chút. Có lẽ như Em đã cùng tôi song hành vào đời sống này đầy tự lực. Nhưng Em thì khác! Tôi sẽ nhìn hoa và nhớ rằng đừng để Em chóng tàn. Vâng! yêu hoa chớ để hoa tàn. Yêu Em nhớ để Em sang cả ngày​.​

Chắc là Em thích lắm. Phải không Em?
Cuối tháng hai 2014
BS
​​




THƠ SAU NGÀY VALENTINE
Quan Dương

(tặng bà xã )

 








 
 
 
 
 
 
 
 

Bởi lắm thứ giữa đời thường tất bật
Nên mới có ngày gọi là lễ tình nhân...
Nhưng riêng anh một năm mười hai tháng
12 tháng ròng nguyên lễ tình em

Mười hai tháng. Ngày: ba trăm sáu chục
Ba trăm sáu chục ngày hay ba triệu sáu trăm
Tóc có thể nhởn nhơ thêm vài sợi bạc
Chẳng nhằm nhò gì trong đa số còn đen

Da vẫn dẻ. Tay chân em vẫn múp
Đâu thua gì đám con gái con gung
Eo vẫn sịn dù đã vài ba đứa
Nhai môi em mùi thơm ấy vẫn lừng

Em vẫn như những ngày xưa thân ái
Vẫn giật mình khi anh ôm phía sau lưng
Vẫn hết hồn khi môi lên gáy
Mặt đỏ bừng bủn rủn cả tay chân

Thiên hạ trao nhau một ngày trong mười hai tháng
(mười hai tháng chỉ trao nhau một ngày )
So với anh thiệt vô cùng ít sỉn
Vì anh giao em từ đó cái mạng này


QD

Monday, February 24, 2014

TÔI LÀM THƠ QUANH NĂM
NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG










Tôi làm thơ quanh năm,
Bốn mùa tôi nao nức,
Ban ngày và ban đêm,
Thơ tôi là cuộc sống.

Khi trăng tròn, trăng khuyết,
Khi đêm tối mênh mông,
Tôi vẫn còn thao thức,
Chờ câu thơ xuống dòng.

Khi nắng lên, mưa xuống,
Khi mây chiều lê thê,
Câu thơ tôi vừa viết,
Có khi trên đường về.

Thơ tôi mùa gieo trồng,
Những buồn vui bất chợt,
Chuyện thế gian mênh mông,
Vườn tôi không giới hạn.

Tôi nâng niu hạt giống,
Tung ra khắp cánh đồng,
Hồn tôi thơm mùi đất,
Chờ câu thơ nẩy mầm.

Thơ tôi mùa gặt hái,
Ngày tháng không hạn kỳ,
Theo dòng sông tôi chảy,
Theo dòng đời tôi đi.

Bình yên và bão loạn,
Cuộc đời vẫn nở hoa,
Có những gai hoa nhọn,
Vần thơ đau khóc òa.

Nhưng dù hoa có gai,
Vẫn là hoa xinh đẹp,
Câu thơ cho tình yêu,
Tôi buông lời mật ngọt.

Nụ cười và nước mắt,
Cuộc đời vẫn là thơ,
Dù mùa từng mùa chết,
Tôi không chết theo mùa.

Tôi làm thơ quanh năm,
Cho dù đời mỏi mệt,
Dù thơ vào hư không,
Cõi ta bà sinh diệt.


NTTD
(Feb 5 2014)












Saturday, February 22, 2014

những nhánh sông không chạm biển

văn
Phạm Ngũ Yên
phụ bản trích từ Gió O
 

 
Có một chút hơi sương bay qua chỗ tôi ngồi. Thời gian là mười giờ sáng. Không gian là tư gia của đôi uyên ương rất quen thuộc nhưng cũng rất nồng nàn của thành phố Slidell, thuộc tiểu bang Louisianna. Ngôi nhà, tự nó là một góc riêng giữa nhánh đời trăm hướng- từng hứng chịu thiên tai, cũng như từng đón nhận những lạc thú. Sau mỗi nắng lên, mỗi ngày xuống, bây giờ cành hồng trước nhà vẫn trẻ trung như tâm hồn gia chủ ngày nào. Có cả cây thông già bị bão làm bật gốc, trở thành một dấu tích lặng lẽ nhìn ra góc đường Shakespeare, và khu phố chưa hồi sinh vì kinh tế đang trì trệ.

Nhưng với tôi, buổi sáng nay thì thời của tàn phai và bão tố đã qua. Cái cảm giác thân mật từ những lần ghé thăm New Orleans vẫn còn nguyên, cùng cung cách riêng tư không giống ai của hai vợ chồng người nghệ sĩ, cách đây vài năm đã hiên ngang “đứng dưới trời đổ nát”. Đó là nhiếp ảnh gia Hữu Việt và nhà văn nữ Nhật Nguyễn - đã làm tôi ngưỡng mộ. Không phải riêng tôi mà hình như hầu hết bằng hữu đều cảm thấy như vậy.

Tháng giêng thơm ngát mùi hương của hoa tật lê sau vườn và tiếng ấm nước vừa kêu sôi trong chái hiên bên ngoài, nơi mà Nhật Nguyễn và chúng tôi thân mật gọi là quán cà phê Cổ Tích.

Trong quán cà phê Cổ Tích này, khi chúng tôi tề tựu lại, người đàn bà sinh quán tại Bảo Lộc và có một thời say mê những đóa dã quỳ đã đòi chúng tôi viết xuống những câu thơ, lên bất cứ chỗ nào có thể viết được, trong lúc người bạn đời của nàng, đang loay hoay điều chỉnh lại máy ảnh. Những ngày đông đầy mưa bên ngoài nhưng bên trong là những ngụm cà phê làm bỏng môi, từng rối bời mỗi băn khoăn. Nơi đó từng đón nhận những dừng chân, để rồi sau đó là ly biệt. Những thao thức và mơ ước trộn lẫn vào nhau, như một nhánh sông ngậm đỏ phù sa trong lòng.

Cho nên khi viết xuống những câu thơ, tôi nghĩ rằng có một chút lòng riêng của tôi về cái thành phố New Orleans. Và không biết sao tôi vẫn thương vô cùng cái thành phố đó. Một phần vì nó gánh chịu một thiên tai làm sững sốt những trang sữ thầm lặng, kể từ thời Vua Louis của nước Pháp sang nhượng vùng đất đó lại cho Hoa Kỳ. Sự tàn phá của cơn bão Katrina và những hệ lụy- theo sự đánh giá của các nhà xã hội- đã làm lung lay một nền tảng từng thao túng nhiều năm trên chính trường Mỹ Quốc, để cuối cùng kéo theo sự sụp đổ của đảng Cộng Hòa. Một phần vì thổ ngơi đó đã từng chứa đựng cũng như đã từng khởi sinh một nền văn hóa trù phú đa dạng, trong đó âm nhạc và lễ hội là phần chính. Những góc phố cũ kỹ nhưng đầy mới mẻ vì chứng kiến mọi màu da quy tụ về đây mỗi tuần. Từng hơi thở hổn hển lẫn đắm đuối giống như gió đêm không ngừng đậu xuống. Trên những bờ ngực phì nhiêu, những tóc tai bồng bềnh. Và tiếng cười trang sức bằng nỗi khổ đau, nếu quả thật có một khổ đau nào đó. Mọi hàng quán chật kín tiếng nhạc Jazz suốt từ chiều tối đến tận bình minh. Đàng sau lưng các băng ghế ướt đẫm mù sương là nhánh sông Mississippi và những thân tàu vô cảm.

Những con đường buồn chạy dài qua một vùng đầm lầy khô cạn ngày nào đã trở mình để kịp đuổi theo những vòng xe lữ thứ. Nơi dấu trong lòng nó những con cá sấu làm bộ hiền lành như các cành cây mục. Nhưng hãy coi chừng. Giống như tình yêu của ai đó dành cho tôi, âm thầm. Nhưng đau đớn bầm vập những vết răng từng nghiến nát thanh xuân trong khi trái tim nàng khép lại với tôi để mở về một hướng khác. Rất vui và lộng lẫy màu đời.

Lúc tôi ngồi trong quán ăn của Hữu Việt, nhìn ra con đường Bourbon trước mặt, nắng chiều còn lảng đãng ngoài xa không chịu về. Những gác trọ nhô mình ra phía trước che ánh sáng mặt trời cùng những balcon cũ mòn nhìn xuống đường phố bên dưới. Khoảng sân trải nhựa trân mình nghe thương tích khi mỗi đời xe vụt qua. Vại bia trước mặt và đĩa đồ ăn nấu theo lối Pháp đem ra bởi người phục vụ. Một đĩa bít tết có kèm theo đậu Petite bois với hạt tiêu hầm cùng những khoanh bánh mì Pain đặc chế theo cách Parisien. Tôi nghe tiếng sóng mơ hồ ngoài xa. Những quán bar mệt lã chưa lại sức vì suốt một đêm không kịp ngủ. Hữu Việt nói với tôi- một trong đặc điểm của thành phố là sự cũ kỷ được giữ nguyên. Dù nhà cửa có tuổi đời hàng trăm năm nhưng chính quyền không cho phép xây cất lại. Tất cả đều được duy trì, từ màu sơn đến chất liệu xây dựng. Sự kiến trúc theo nhiều góc cạnh mang dấu vết các nền văn hóa Âu Châu thời Trung Cổ, nhưng riêng rẻ, không trùng lập.

Mùa đông có những con chim bồ câu trốn lạnh bay về đậu trên những đầu hồi. Chúng nhìn xuống bộ hành bên dưới. Vài nghệ sĩ hát rong ôm đàn gieo những âm thanh cuốn hút theo những xào xạc áo xiêm.

Làm sao tìm kiếm giữa xao động và rét mướt ngoài kia một bước chân trở về của ai đó? Tôi tự nghĩ, trong khi vại bia được đem ra lần thứ hai. Bình đá không còn lấp lánh nắng chiều. Hữu Việt đang vào trong để dặn dò thức ăn vì thực khách đã lần lượt bước vào quán.

 

Bây giờ ngồi một mình trong một góc quán, giữa khung cảnh ồn ào của xe cộ và người đi như lá xanh, tôi vẫn thấy nguyên vẹn một góc đêm trong vườn nhà nàng, hơi thở của mùa xuân bốn mươi năm trước. Ngày đó nàng còn thơ dại và tôi còn liều lĩnh biết bao. Ngày đó trước mặt nàng là bếp lửa và những cời than âm ỉ một tình yêu vội vàng. Đêm có những vì sao hờn dỗi trốn đi đâu và tôi lang thang suốt một buổi chiều trên những góc phố lặng câm. Cuối cùng tôi thấy tôi đứng trước nhà nàng. Như cơn gió mõi chân không chịu bay đi. Cành ngọc lan trước bàn học của nàng lạnh buốt như được tẩm bằng nước đá. Điếu thuốc Bastoz xanh mà tôi không biết là điếu thứ mấy đang băn khoăn giữa hai kẻ ngón tay. Tôi nhủ lòng mình hãy vui và đừng sớm vội già nua nhưng sao vẫn nghe buồn khi cơn mưa chạy dài qua phố.

Ngọc ra mở cửa. Hương thầm theo gió rơi trên má nàng. Khung cửa bâng khuâng màu đêm. Có những điều mà hai người khi yêu nhau chưa từng nói với nhau, nhưng rét mướt đã làm thay điều đó. Có biết bao nụ cười làm thành hơi ấm mùa xuân và chính nhờ vậy tôi yêu vô cùng thành phố có nàng đang sống.

Ngày ấy tình yêu còn rất trẻ. Chỉ biết đam mê mà chưa biết lỡ làng. Tôi và nàng vẫn như ngọn gió thổi mơn qua đời nhau, thầm thì. Những mùa đông hốc hác. Những mùa đông tôi lấp trên môi trên trán nàng ngấn ấy nụ hôn.

Mười bảy tuổi, Ngọc đang học Đệ Nhị trường Nữ Trung Học Bảo Lộc. Còn tôi, người lính Truyền Tin xa nhà, từng trôi giạt nhiều nơi trước khi về trú đóng tại đây. Các địa danh quan trọng của vùng 1 và vùng 2 chiến thuật tôi đã ghé qua. Đà Nẵng, Pleiku, Ban Mê Thuộc, Quảng Đức, Tam Kỳ. Những khu phố lầm lũi mưa đêm và lướt thướt sương ngày để tôi tương tư một màu son thiếu nữ. Quán cà phê Dinh Điền ở Pleiku nhìn ra khu chợ trời Diệp Kính, hay quán cà phê Đợi ở Tam Kỳ đều là nơi tôi đóng hụi chết và muối mặt ghi sổ hàng tháng. Nhiều tuần lễ tôi không dám đi ngang vì trong túi không còn tiền để trả cho chủ quán. Các phi trường Phụng Dực, Liên Khương tưởng chừng lúc nào cũng phủ đầy bụi đỏ. Các chuyến bay quân sự mang tên C.123, C.130 lên xuống mỗi ngày để bốc người, để chuyển quân. Những định mệnh trùng lập và rực rỡ một màu đời nhưng đối với tôi ngậm ngùi quá đổi. Và một trong những góc không gian thời gian như vậy, tôi gặp và quen nàng. Sự bất ngờ làm nên một định mệnh, đến nổi khi tôi muốn thoát ra khỏi những hệ lụy từ một đôi mắt hay một bờ môi thì đã muộn. Tôi đã yêu nàng vô cùng.

 
Từ thuở xa xưa trong huyền thoại, Thần Promethee đã xuống trần gian và mang theo lửa để sưởi ấm trai tim con người, nên những đôi tình nhân yêu nhau không còn cảm thấy lạnh lẽo. Những thịt da cùng môi miệng không còn đắn đo để chia xẻ với nhau chút ấm áp tàn đêm trong khi thời gian trôi qua khung cửa một mình.

Cuối cùng tôi cũng xa nàng. Vì đêm quá rộng dài mà lửa thì không thể cháy tận đến bình minh. Những ngọn nên quấn quít, mong manh. Như thân thể của nàng ngày đó.

Khi tôi xa nàng cũng là lúc những đóa dã quỳ hai bên đường ra phi trường Cam Ly nở ra để từng chứng kiến tình yêu mệt mõi của chúng tôi. Đâu rồi nụ cười thấp thoáng nút ruồi dưới khóe môi như một vết tích lầm lỡ. Nàng chưa từng nói với tôi lời từ biệt và tôi cũng không chờ đợi điều đó. Tôi ngơ ngẩn nhìn theo bước chân của nàng. Thành phố luôn im ả nhưng sống động biết bao. Hôm nay trong cõi lòng người đàn ông già tiếng mưa rụng xuống lạnh căm. Đồng thời cũng rung lên màu quá khứ.

Có những bài học dạy cho chúng ta biết về sự kiên nhẫn cũng là lúc đêm mênh mông bày ra nỗi khao khát đợi chờ. Màu áo em mang trên người ngày đó rơi rớt nét thị thành trong khi tôi là một gã con trai còn quê mùa vùng biển.

Những bước chân của nàng từng đi ngược về phía tôi. Vượt qua để đi về hướng khác. Màu hoa vẫn vàng rực không thôi. Nàng trẻ trung và còn cả tương lai. Còn tôi? Những đóa dã quỳ vẫn ngậm trong lòng sự vô cảm của thời gian kể từ khi tôi rời Đà Lạt. Giống như một đời lá hiện rõ hơi thu trên những đường gân vàng úa, tôi phơi bày sự đau khổ chín mùi trên những sầu đạo. Gần bốn mươi năm, sự đau khỗ vẫn còn nguyên ngày nào, như vết mực lấm lem trên trang giấy thời thơ dại.

 

Khi tôi còn trong quân ngũ, Ngọc đang học đệ nhị. Tình yêu của một người lính không đủ xanh mướt như những cành ngo nhưng đủ làm những bước chân tôi ngại ngần đi dưới đường mưa qua nhà nàng. Cùng những khao khát chất chồng lên nhau như lá mùa rơi rụng. Năm tháng đi qua vội vàng. Tôi không còn cơ hội ở bên cạnh nàng sau mùa đông đó. Nàng đổi về học ở Đà Lạt. Còn tôi trở lại Trường Truyền Tìn làm huấn luyện viên. Tình yêu chúng tôi bị đứt đoạn. Đó là năm 1970.

Công việc hàng ngày của tôi là chuẩn bi bài vở và thiết trí mày móc để đón nhận các khóa sinh đến học. Khóa học chuyên về vô tuyến viển ấn tự- Một ngành chuyên môn chuyển tiếp giữa hệ thống truyền tin cũ và mới- là Morse và Teletype-  Morse xử dụng ngón tay gõ trên các Manipe và phát đi tín hiệu “tít- te” dài ngắn tùy thuộc vào 24 chữ cái. Còn Teletype- dùng máy đánh chữ bằng điện và chuyển đi tin hiệu qua hệ thống Siêu tần số. Tín hiệu sau đó sẽ được nhận và biến thành chữ hiện trên các máy đánh chữ ở một Trung tâm truyền tin khác. Teletype là tiền thân của e mail sau này. Thời của tôi, Cục Truyền Tin (dưới quyền của Đại tá Phạm Văn Tiến) đã từng thiết lập hệ thống cáp ngầm xuyên đại dương để hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa liên lạc với nhau mà không sợ gián đoạn vì sự giao thoa của thời tiết. Hệ thống chuyển tin tức đó được gọi là hệ thống viễn liên, dể bảo mật hơn là phương pháp Morse- Dĩ nhiên là hệ thống phải qua một vài trạm chuyển tiếp. (Cam Ranh Bay và Núi Lớn ở Vũng Tàu là một trong những trạm chuyển tiếp như vậy). Khóa sinh đa số đều thuộc các đơn vị bộ binh từ bốn vùng chiến thuật đổ về, có một vài người là Hải quân. Sau khóa học, họ trở lại đơn vị. Có vài khóa tôi tiếp nhận toàn là Nữ Quân nhân. Họ học chuyên môn về đánh máy để trở về bổ sung cho những trung tâm truyền tin diện địa- tại các Tiểu Khu. Một số trở thành nhân viên Tổng Đài. Một số tiếp tục là nhân viên viễn ấn, chuyển nhận công điện đi, đến trong vùng.

Thời gian huấn luyện của tôi chia theo thời khóa biểu, mỗi tuần có vài chục giờ. Ngoài giờ huấn luyện, tôi rảnh rang đọc sách và viết bài gởi đăng một vài báo ở Sài Gòn. Vì trong thời chiến tranh, tôi cũng tuân theo vài quy định của quân trường, trong đó có việc cùng với khóa sinh lên phiên trực và ứng chiến. Dù thảnh thơi, nhưng tôi không thích cái không khí gò bó của quân trường, với những khuôn khổ áp đặt mà một người lính trẻ như tôi cảm thấy khó lòng tuân thủ. Như quân phục chỉnh tề và theo đúng giờ giấc mỗi ngày. Mỗi tuần sáng thứ hai huấn luyện viên cùng khóa sinh phải có mặt đông đủ để chào cờ ở Vũ Đình trường. Đó cũng là thời gian tôi đau khổ vì chờ đợi vị Chỉ Huy Trưởng duyệt binh, khám quân phục, tóc tai, giầy vớ và sau đó nghe huấn từ. Buổi sáng đầu tuần như vậy, diễn ra dài ngắn tùy theo cảm hứng của vị Chỉ Huy Trưởng (lúc đó là Đại Tá Vũ Duy Tạo).

Tôi không nhớ là một lúc nào đó, Ngọc trở về Vũng Tàu để tìm tôi. Một đêm tôi từ quân trường về nhà- lúc này tôi ở chung với Mẹ tôi- tôi nghe nói có nàng đang ở trong phòng khách. Chiếc túi xách chứa đựng hành trang đường dài để dưới chân. Mẹ tôi tránh né để chúng tôi nói chuyện riêng. Nàng nhìn tôi bằng đôi mắt buồn nhiều hơn vui và thầm thì: “Em nhớ anh”. “Anh cũng vậy”. Tôi đáp lời nàng. “Có ai biết em về đây không?” Tôi hỏi đồng thời hôn lên trán nàng. “Không ai biết. Ba mẹ em không muốn em yêu anh...”

Câu nói của nàng rơi xuống giữa im vắng của gian phòng nhưng làm nhói trong lòng tôi nỗi xúc động bao la mà mãi một lúc sau tôi mới bình tâm trở lại. Chưa gì tôi đã hình dung ra mọi tình huống khó khăn và những điều không suông sẽ tiếp theo một khi chúng tôi vượt qua những rào cản xã hội. Tình yêu lúc nào cũng ngát hương. Nhưng khu vườn không phải luôn dịu dàng những đóa hoa nở bên những ấm lạnh tình đời. Mà đôi khi còn đón nhận nhiều bão tố.

Tôi đưa nàng ra phố để tìm một quán ăn. Sau đó chúng tôi thả dài xuống biển. Nàng đi bên cạnh tôi, mảnh mai như ngày nào. Chiếc áo thun bó sát màu đen và chiếc quần Jean cũ mang vẻ bụi đời. Mái tóc không cột bay về phía sau. Tôi ít khi thấy nàng trong trang phục như vậy từ khi tôi quen nàng. Vì Vũng Tàu dù sao cũng không lạnh như Bảo Lộc để lúc nào ra đường nàng cũng mặc áo len.

- Mấy đứa em của em ra sao?

- Tụi nó vẫn đi học. Chính nó hỏi thăm anh.

Chính là tên của em trai của nàng. Nó là một trong mấy đứa em không phản đối tình yêu của nàng dành cho tôi.

 

Tôi đưa nàng đi trên những đoạn đường mà ngày còn đi học tôi thường đi. Tôi chỉ cho nàng một vài địa điểm ghi đậm dấu vết thời thơ ấu, trong khi nàng im lặng bên cạnh. Lòng nàng đang ngổn ngang rối bời, có lẻ. Một cô gái trẻ muốn đi về phía chông chênh trong khi bước chân chưa biết trầy trụa vì đời. Gió suồng sã trên tóc nàng. Có một lúc tôi vòng tay ôm nàng khi đi qua một đoạn vắng. Nếu là ban ngày, tôi sẽ chỉ cho nàng thấy bãi cát nước ròng. Những dịp như vậy, biển trở nên xa xôi hơn và làm mờ mịt những cánh buồm. Biển muôn đời vẫn xanh, nhưng đôi khi biển đục ngầu màu sậm. Ðó là những ngày mưa bão.

Mười bảy tuổi, Ngọc có dáng điệu của một cô gái trưởng thành. Tôi kinh ngạc mỗi lần gặp lại nàng. Có một điều gì rất gần nhưng cũng rất xa khi nghe hơi thở của nàng bên cạnh. Như một lời chim bay qua cõi lòng trống vắng. Trong lúc mưa bay lất phất từng sợi nhỏ trên vai nàng, tôi thấy tôi già nua trước tuổi. Tôi đang té trong ánh mắt long lanh của nàng và gần như mắt cạn trong đó. Biển đang vật vã từng cơn sóng đục ngầu rác rến và phù sa từ đâu trôi về. Lòng tôi cũng sậm một màu buồn khi nghĩ đến lúc nàng không còn tại đây. Những năm tháng mù sương và bóng ai sẽ biền biệt ở cuối đường có hàng cây phong trần bụi bậm?

Có những giấc mơ hấp hối rồi chết bên đời. Tình yêu của tôi một ngày nào sẽ cũng như giấc mơ đó và trôi tuột vào trong quá khứ. Nhưng tôi không muôn nghĩ tới điều này nên tôi vẫn đi bên cạnh nàng với một niềm hân hoan như đợt sóng mơ hồ đang xa rời bờ cát. Tôi biết nàng yêu tôi như tôi đã từng yêu nàng. Nhưng tình yêu đó có phải là một cơn mưa? Để bay qua mọi hiên đời trống trải và không đọng lại trong lòng nhau, một lần?

Con đường xuôi về phía Bãi Sau, gần nhà Bưu Điện, tôi nhớ có một quán cà phê có tên là Năm Tròn. Quán mở cửa từ sáng sớm đến tận khuya. Tôi đưa nàng đến đó.

Đang giờ đông khách nên quán không đủ chỗ ngồi. Người uống cà phê đa phần là dân chài sau một chuyến ra khơi trở về. Thảng hoặc một vài khách phương xa. Dưới những cây bàng sù sì cành nhánh và rơi rớt màu đêm, tiếng cười nói của thực khách chen lẫn với mùi cà phê, mùi bánh ngọt, mùi thức ăn mang hương vị biển cả. Những con mực trên lò than vặn vẹo cong mình vì lửa nóng. Những con khô cá đuối nực nồng mùi “amoniac”. Mùa nầy khách uống cà phê có thêm chiếc áo mặc trên người và đôi dép dưới chân. Mùa hè thì khác. Họ là những ngư phủ luôn ở trần và ít khi mang dép. Hai cánh tay lực lưỡng vì kéo lưới mỗi ngày cùng khuôn ngực nở nang cộm dưới thớ vải bạc màu bởi mồ hôi và muối. Trong khi những bàn chân ngơ ngác vì lạnh buốt gió đêm.

Phải khó khăn lắm tôi mới được chủ quán đem ra hai cái ghế ngồi cạnh quầy. Một ly cà phê đen cho tôi và cà phê sửa nóng cho nàng. Vài tia nhìn dò xét ném về phía chúng tôi vì so với đám đông, chúng tôi còn quá trẻ để có thể gia nhập dể dàng vào thế giới của họ. Một vài người khác, đón chào chúng tôi bằng ánh mắt thân thiện hơn. Họ hút thuốc và thả khói bay mịt mùng chung quanh. Ly cà phê nguội lạnh từ lâu nằm trước mặt. Những bình trá nóng liên tục được đem ra. “Đó là một phần của quá khứ anh.” Tôi nói bên tai nàng để cho nàng dạn dĩ. “Ngày xưa anh đã từng thức khuya, đi chơi đêm và ngồi tại đây.”

- Em thấy hơi ngại vì họ trông có vẽ dữ dằn quá. Nàng nói.

- Họ thô ráp nhưng không dữ dằn. Tôi nói. Cuộc đời của họ sống trên biển quanh năm và chỉ có ghe thuyền lưới cá là bạn. Vợ con ở trên bờ. Hạnh phúc thực sự của họ là những giờ phút nầy. Em có nhìn thấy cách họ ăn uống không? Rất sảng khoái và cũng rất trang trọng.

- Tại sao?

- Có lẻ một phần vì họ cảm giác được sự còn mất và cái mênh mông của cuộc đời. Dù họ không phải là những triết gia. Người ta nói “biển là giả”. Không có gì thật trước mỗi chuyến đi. Một chiếc ghe ra khơi và trở về ngày hôm sau với tôm cá đầy khoang. Đó là niềm vui và họ san sẻ điều đó với gia đình. Với làng xóm. Nhưng cũng có những chuyến đi không kịp về. Đâu có ai biết được bất trắc của trùng dương?

Hai ly cà phê đem ra trước mặt chúng tôi. Bàn bên cạnh có người đàn ông cũng kêu một ly nhỏ. Nhưng ông đổ cà phê ra đĩa để uống...

Thời gian trôi theo những nhịp sóng xô bờ, rồi vuột ra xa. Quán cà phê Năm Tròn cũng trôi theo cùng khôn lớn. Ngày xưa tôi mê nhìn những bông bàng rụng trên mặt bàn bụi bậm như những kỷ niệm êm đềm rụng trên tuổi thơ của tôi. Những chiếc ghế làm bằng những thanh sắt mảnh mai, có thể xếp lại mỗi lúc quán gần đóng cửa. Chúng nằm im ở một góc tối, cho đến mờ sáng ngày hôm sau, được mở ra. Tôi mê những chiếc đĩa nhỏ bằng sành có vẽ bông hoa màu mè quanh miệng, lâu ngày đĩa bị sứt mòn, nhưng chủ quán hà tiện không chịu thay. Những chiếc đĩa được đặt dưới đáy ly, cũng có thêm một công dụng khác là làm cho cà phê mau nguội. Tôi không biết nơi đâu có thói quen uống cà phê bằng đĩa, nhưng tôi biết chắc chắn thời đó, dân Vũng Tàu của tôi từng có biết bao nhiêu thực khách uống cà phê như vậy. Nghĩa là người ta không kịp chờ cà phê nguội mà đổ ra đĩa, sau đó đưa lên miệng uống từng ngụm. Mới đầu tôi ngạc nhiên, nhưng về sau thì những điều như vậy trở nên quen thuộc. Ngọc hỏi tôi:

- Tại sao người ta lại phải đổ cà phê ra đĩa?

- Cho nó bớt nóng. Tôi đáp. Nhiều người vội uống mà không muốn chờ đợi.

Qua vai nàng, vài vệt sáng từ đèn pha trên núi rọi xuống, quét dài trên mặt biển. Những đôi tình nhân của đêm cũng vừa vượt qua chỗ chúng tôi ngồi. Đôi mắt nàng càng nhìn càng thẳm sâu và tôi ao ướt được hôn lên đôi hàng mi cong vút gió mùa đó. Giống như một đời chim, nàng co ro trên chỗ ngồi của mình, nghe ngóng từng bất trắc.

Tôi cảm giác muốn chia sẻ thật tình cái giây phút ngắn ngủi nhưng vời vợi đó, của nàng. Mùa đông ủ trong nó tiếng lòng có pha chút hơi nước đượm mùi biển từ trùng khơi. “Em muốn về”. Nàng nói. Tôi rời tay nàng và kêu tính tiền. Nàng trả lại cho bàn ghế chút hương thể và một vết son âm thầm trên miệng ly.

Làm sao để nói lên được thế nào là ngắn ngủi hoặc đầy tràn một hạnh phúc? Trong tình yêu luôn có cộng trừ và nhân chia. Nhưng sự lầm lỗi sẽ nhấn chìm tình yêu như biển cả nhấn chìm con thuyền.

Tôi tự hứa sẽ không bao giờ trở lại sự lầm lỗi ban đầu. Tôi không muốn kể ra đây điều tôi gây cho nàng thương tổn. Có thể một ngày nào tôi sẽ viết xuống. Nhưng không phải là lúc này. Không phải để chuộc lại những gì đã vuột khỏi tầm tay. Tôi viết để lòng vơi đi và nhẹ bớt gánh nặng.

Bốn mươi mấy năm trôi qua. Tôi chưa hề nghe phong phanh về nàng. Kể từ một mùa đông nghe trở trăn đời đau nhức.

Tôi không từng trải hết một quá khứ mà trong đó tình yêu của nàng dành cho tôi đủ đốt lên thành ngọn lửa. Nàng cháy hết mình cho tôi trong gian phòng kín bưng trong khi đêm lả tả dấu kín gió khuya bên ngoài. Những nụ hôn từ một bờ môi mới vừa đắn đo hôm qua trở thành cơn mưa làm khát trong nhau từ thuở trước. Vạt áo đêm không khép ấm hai bầu ngực thơm mùi mật. Như mảnh trăng thơ ấu bỏ quên mùa...

 Những ngày như vậy tôi biết thế nào là tình yêu. Thời gian đi qua nhanh chóng như một vạt gió thổi chạm vào tim lúc nào tôi không biết. Hơi thở của hạnh phúc như những lời chim hót trong vườn xanh buổi sáng mai. Cây ổi sẻ bên góc tường có trái thòng vào tận cửa sổ.

Tháng ba ùa lên màu hoa bàng lấm tấm. Nàng nói nàng nhớ gia đình. Nhớ nhà và muốn xa tôi. Hành trang vẫn là chiếc túi xách thoi thóp ngày tìm đến. Tôi thấy lòng mình chia hai nửa.

Chiếc túi xách đó, hình như có một hàng dây kéo bị bung ra. Nàng bỏ vào đó mọi thứ lỉnh kỉnh mà nàng cảm thấy tiện. Một vài thỏi son. Một hộp thuốc cảm cúm. Một chiếc rubent màu tím giống như màu áo len của nàng. Một ngăn phía kia cũng có dây kéo, nhưng không bị hư. Nàng bỏ kem đánh răng, bàn chải và giấy tờ tùy thân. Tháng  giêng này sẽ đánh dấu nàng tròn mười tám tuổi.

Tôi không kịp mua cho nàng một món đồ sinh nhật. Mùa màng cũng không kịp trở mình trên cánh chim, nên tiếng của nó cứ rót mãi một điệu cũ buồn. Nhưng tôi tin ngày tháng cũng biết yêu và biết chờ đợi, ngay cả khi người ta muốn quên nhau.

Tôi xách dùm nàng túi xách và đưa nàng ra đón xe. Buổi sáng cuối tuần đường phố còn ngái ngủ. Vài tiệm ăn có bán cà phê mở cửa sớm, tôi đưa Ngọc vào ăn sáng. Những đồng bạc tôi dự định dành dụm để trả cho câu lạc bộ trong quân trường, bây giờ tôi bỏ ra không đắn đo. Biết đâu tôi sẽ không còn dịp để làm một điều như vậy?

Có một thời nàng thích làm nũng với tôi. Dường như để đo lường tình yêu của tôi dành cho nàng. Nhưng có một lần tôi không để ý. Và như vậy nàng để trong lòng điều đó mà không nói ra. Tôi là đứa con trai miền Nam trong khi nàng là con gái Bắc. Tôi sinh ra ở biển còn nàng lớn lên ở núi rừng. Rừng và biển gần nhau nhưng ít khi dung hòa với nhau? Chỉ có một điều giống nhau là ngay trong hoàn cảnh này, chúng tôi vẫn không nói lên được một lời chia tay thật tình.

Phải mất bao nhiêu thời gian. Bao nhiêu năm tháng tôi mới bình tâm để nhìn lui lại bài học tan vỡ mà tôi là người tạo ra?

Nàng trở về căn phòng nhỏ của nàng, tại Blao. Đó là khoảng cuối năm 1970, đầu năm 1971. Thế giới của nàng đầy những giấc mơ cùng những điều bí mật đem theo từ một tình yêu. Còn tôi, giờ đây trên tường vôi vàng úa như màu cỏ thu trong căn phòng ngủ, nàng để quên lại bức ảnh bán thân của nàng. (nàng đã quên hay cố tình bỏ lại?) Dưới khuôn mặt mà nàng nói với tôi là chụp năm mười sáu tuổi, là tên của nàng do tôi viết xuống bằng viết màu. Cái tên nằm lại, nhưng người đã xa.

Thật khó lòng để tôi nhớ lại ngày tháng có nàng mà không vấp phải sự buồn rầu. Nỗi buồn phút chốc mênh mông và làm chật chội căn phòng, trong khi tôi vụng về thừa rộng. Sợi tóc nàng sót lại trên gối, giống như một kỷ niệm màu đen mảnh mai. Tôi bỏ ra ngoài, ra biển. Chiều xuống mịt mùng trên góc phố nhỏ quen thuộc như đường chỉ tay. Hàng cây bàng xanh lá nhìn xuống ghế đá như đợi ngày nàng trở lại. Không có ai ngồi đợi ai trong khi tiếng chuông rung lên chiều chủ nhật.

Đêm lao xao tiếng cười nói tại quán cà phê Năm Tròn. Ánh điện trong vắt dội xuống như màu mắt nàng đêm nào rối bời. Chiếc lá bàng rụng từ lúc nào vừa lật mình vì gió. Tiếng hát như lời nấc nghẹn giữa môi từ chiếc máy hát, đôi lúc nghe rõ, đôi lúc bị gió tạt không nghe. Vài chiếc xe thoáng qua chở đêm về cho phố thị. Tôi nghe trên môi run tiếng đời đi vội vã.

 

Những cơn gió đêm thổi về tại đây, bên ngoài ngôi nhà đường Heatherglen. Ở Đàlạt, hay Bảo Lộc mùa nầy chắc cũng không khác gì. Không biết nàng vui hơn hay buồn hơn. Nếu tính từ năm mà chúng tôi chia tay, thì bây giờ nàng đã 56 tuổi.

39 năm trôi qua. Tình yêu giống như một chiếc kẹo. Khi ngọt ngào, khi chua chát. Khi êm ái trong miệng. Khi cay đắng trên môi. Chưa một lần tôi trở lại nơi nàng sống để thăm lại, vì sau nửa năm rời xa tôi nàng có chồng. Trong lòng tôi mùa đông năm đó lạnh xiết bao. Cái nắng của biển và hơi thở của trùng khơi không chạm được trái tim tôi dù mỗi ngày gió vẫn lồng lộng bay qua sân Vũ Đình Trường. Tôi xin thuyên chuyển khỏi Trường Truyền Tin. Đại tá Vũ Duy Tạo kêu tôi lên văn phòng xài xể và đe dọa. Tôi không đổi ý. Mẹ tôi không ngạc nhiên. Bà nuôi chúng tôi từ lúc còn ẫm trên tay đến khi trưởng thành, bà biết tình tình của từng đứa. Tôi là một đứa con trai cực đoan và cứng đầu nhứt trong gia đình. Bà thường kể về tôi, với mấy người hàng xóm: “Nó là thằng mỗi lần đạp cứt là chặt chưn...”

Tôi chỉ là một gả con trai miền Nam. Tháng ba rét nàng Bân tôi bày đặt mặc áo len ra đường. Vào quán cà phê Thuận thấy quê mùa vội cởi ra. Chiếc áo giống như một sự bồi hồi không tên gọi. Nó nằm hờ hững trên lưng ghế. Đà Lạt hư ảo như vậy sao? Những tình yêu mang màu sắc của sương mù và mưa bụi cũng mờ nhạt vậy sao?

Tại sao trong khi tình yêu của người ngày dành cho người kia đã tan vở nhưng hình bóng về nhau vẫn không lụi tắt. Mà âm ỉ như tro than? Có những điều tầm thường tưởng chừng như ngủ yên, bổng một lúc nào đó cựa mình thức dậy. Như chiếc túi xách bị hư dây kéo của nàng buổi sáng ngày ra bến xe. Nó mở ra như một vết thương lòng ngào ngạt. Nó sẽ không thể khép lại để trang trải rạch ròi một quá khứ. Tôi cũng nhớ, số tiền mà tôi định dùng để trả cho câu lạc bộ tháng đó, ngoài trừ tiền ăn sáng chút đỉnh, số còn lại tôi lén bỏ vào ngăn kéo kia. Tôi không nói cho nàng biết. Mãi đến khi nàng ngồi ngay ngắn trên xe đò và xe sắp lăn bánh tôi mới nói.

Mưới bảy tuổi Ngọc yêu tôi mù quáng. Nàng bỏ những ngày tháng thơ mộng học trò để trôi về những bất trắc. Chuyến xe đò Minh Trung của chặng đường Đà Lạt- Sàigòn và Sàigòn- Vũng Tàu đã qua bao nhiêu dằn xốc cũng như tâm hồn nàng đang bị dằn xốc, phân vân? Những cột mốc bên đường ghi dấu từng lầm lỡ hay từng lớn khôn của một người con gái?

Ngày ấy, tình yêu chúng tôi giống như cánh đồng lúa chỉ biết xanh chưa vàng háp mùa gặt. Nàng và tôi chỉ biết yêu mà không hình dung đến tương lai. Không mường tượng đến những giông tố trong lòng biển.

Căn phòng củ chứa đựng sự thân thiết của chúng tôi dù sau này tôi không còn ở đó, mẹ tôi vẫn để không. Tôi để một chiếc chìa khóa cửa nằm dưới chậu bông kiếng, hi vọng một hôm nào đó nàng trở lại, sẽ có cửa để vào, không cần phải chờ tôi khi tôi còn trong quân trường. Chiếc chìa khóa đó không có dịp để tra vào trong ổ khóa và xoay theo chiều kim đồng hồ để mở. Nó cũng không có dịp trở trăn để nghe hơi ấm bàn tay của ai run vì xúc động. Cùng gió đêm ùa qua lòng hối hả. Cho đến ngày mất nước.

(Tôi rời trường Truyền Tin và đổi ra Nha Trang. Sau đó, có một người bạn ở Đà Lạt muốn đổi về Ba Ngòi để gần gia đình, đã hoán chuyển với tôi. Tôi trở lại làm việc với Trung Tâm Truyền Tin Đà Lạt lần thứ nhì)

Khó lòng để tôi có thể sống bình an như ngày tôi chưa gặp nàng. Cũng khó lòng để phân tích sư tan vở đến từ đâu và làm sao để đi qua những sầu đạo mà không vấp phải sự đau khổ.

Tôi chỉ biết rằng cuộc đời này còn thiếu rất nhiều thứ, trong đó có nàng. Một cô gái nhỏ nhoi và một tấm lòng bình dị. Nhưng tình yêu của nàng dành cho tôi lại thiết tha và lẫm liệt.

Phải mất bao nhiêu ngày tháng để tôi bình tâm và quên lắng những nhức nhối. Lúc xe rời bánh tại bến xe Vũng Tàu, nàng hôn vội trên trán tôi (hay tôi cúi xuống hôn nàng?) và nói: “Mai mốt em sẽ trở ra”. Tôi nói với nàng là tôi sẽ đợi được, dù thời gian có dài bao lâu. Dù nàng có trở lại hay không, khi tôi trèo xuống xe, tôi vẫn nghe thấy vạt gió buồn thổi ngược đường tôi đi. Lời hứa của nàng vuốt ve tôi từng đêm, trong giấc ngủ và cả trong giấc mơ.

Tôi thấy mình bay trong sân trường học của nàng. Những cây mận đang mùa ra trái. Những cây đào sum suê trên đường ra Trại Hầm. Tôi thấy chuyến xe đêm chở tôi qua một trại lính, có giàn ăng teng trước sân cờ giống như đơn vị của tôi. Và cuối cùng tôi thấy nàng thản nhiên rời khỏi tôi, quẹo vào một chốn nào đó, đầy sương. Tiếng cười vu vơ như một đài hoa rụng xuống.

Tiếng cười nhỏ nhoi trong giấc mơ ngắn ngủn, nhưng làm thành nỗi nhớ dài mênh mông.

Đêm Đà Lạt nghèn nghẹn như tiếng khóc vì cơn mưa bay dài qua phố. Có một bông hồng nở nụ buổi sáng nhưng rồi sẽ bị vùi vập không ngờ. Góc phố kia, nơi mà tôi và nàng từng đi về với nhau vẫn còn cây hồng đào cô độc. Nó như một vật chứng, hay một tình yêu không tàn phai trong lòng những kẻ yêu nhau- vì đã hết thời nở hoa rồi mà vẫn còn phơi phới thủy chung một màu hồng.

“Có những ngọn nến không cần phải thắp vì ánh mắt em đã là ngọn lửa”. Tôi nói với nàng như vậy trong một đêm mà nhà đèn cúp điện. Khung trời mông lung không có một vì sao để nhấp nháy một tinh cầu. Không ai trong chúng tôi hình dung ra một cuộc tình phờ phạc và tưởng tượng sẽ xa nhau một ngày nào. Gió trải rét mướt lên đời nhau, và đêm nhuộm đen mắt nàng, giống như cà phê buổi chiều. Những nỗi buồn dọc ngang trong phòng, trên chăn gối.

Những đêm dịu dàng như vậy, giá mà kéo dài được suốt đời.

Nhưng mọi thứ trở thành cổ tích. Những vòng bánh xe lăn ngược đường về Đà Lạt, qua Định Quán, Phương Lâm làm đậm đặc nụ hôn đầu. Bao nhiêu năm rồi, màu son đó vẫn như còn trên vai áo, trong khi tiếng cười ai kia đã rớt xuống, bên đường...

 

Ở phía bên này năm tháng, tôi chọn cho mình một hướng đi. Người phụ nữ, đồng thời là người bạn đời sau đó, đã dừng lại nơi một khúc quành. Khi những người lính phương bắc vào chiếm miền Nam, tôi không chịu nỗi những ngày tháng lang thang và lập gia đình với một người con gái nhỏ hơn tôi một tuổi. Nàng là con gái thứ trong một gia đình không có nhiều anh em. Và mẹ của nàng sống một mình lúc bà bốn mươi tuổi. Lập gia đình với nàng một năm, bà mẹ vợ tôi bị mất vì đau tim, hay vì trầm cảm, thiếu thốn. Có thể là cả hai thứ. 

Sang định cư Hoa Kỳ chưa đầy mười năm, tôi mất luôn nàng. Cơn bệnh từ chứng đau tim di truyền, cộng thêm cao huyết áp, đã khiến nàng vĩnh viễn rời tôi. Hai mươi năm sống chung, đồng sàng nhưng dị mộng. Nàng thực tế, tôi mơ hồ. Nàng sùng bái những điều gì làm nên tiện nghi vật chất và coi đó là khuôn mẫu của đời sống. Còn tôi, khi những cơn mưa trở về nơi sân vườn sau, cũng là lúc ký ức tôi mịt mùng những hoài niệm.

Tôi đi qua những ngày mùa đông đầy mưa với bàn chân không thể bước ra ngoài nỗi nhớ. Và tâm hồn dù buồn đau như sông lạnh nhưng không thể chạm đến biển đời bao la.

Người ta nói, tình yêu không biết lội và sẽ chết đuối giữa biển khơi. Cớ sao, tôi vẫn nhớ mãi một vòng môi làm ấm lạnh một đêm dài?