Saturday, June 29, 2013



LY CÀ PHÊ ĐEN ĐÁ.
NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG









Mỗi người có một sở thích riêng,
Một kiểu cà phê anh đã quen,
Anh ngồi ngắm cà phê nhỏ giọt,

Từng giọt đời giọt cà phê phin.


Anh chẳng thử cà phê Mocha,
Cà phê sữa, Cappuccino…
Lúc nào cũng cà phê đen đá,
Dù quán sang hay quán vỉa hè.

Vào quán cà phê chuyện đời thường,
Ngồi với bạn bè hay người thương,
Anh không thích uống cà phê ngọt,
Ly cà phê anh cho ít đường…

Anh cho đá vụn vào trong ly,
Những mảnh đá trong như pha lê,
Quậy đều với cà phê đậm đặc,
Mùi cà phê thơm chưa bay đi.

Anh quậy ly cà phê bâng quơ,
Thìa chạm vào ly như chuyện trò,
Trong lúc anh đợi chờ em đến,
Ly cà phê cũng biết hẹn hò.

Anh nâng ly cà phê nhấp môi,
Thưởng thức vị đắng như mùi đời,
Thưởng thức cà phê thơm mùi nhớ,
Cà phê ơi và tình yêu ơi.

Giản dị như tính cách của anh,
Ly cà phê đen đá chung tình,
Những khi lòng bâng khuâng trống trải,
Anh nhớ cà phê, anh nhớ em


NTTD
(June 10, 2013 )

Sunday, June 23, 2013


ĐÀN BÀ ĐẸP THÌ LUÔN CÓ QUÀ

DƯƠNG BÌNH NGUYÊN


Mỗi giai đoạn cuộc đời người ta thường có một khái niệm về nhan sắc khác nhau. Và vì thế, ngay cả hoa hậu mỗi thế hệ cũng có những nét đẹp khác biệt. Nhưng đối với những đàn ông thì luôn luôn có một hình bóng phụ nữ của riêng mình.Đôi khi người ta thường hay nhìn phụ nữ đẹp như nhìn một tấm ảnh lịch năm mới. Những cô gái trên ảnh lịch lúc nào mắt cũng mở, tròn miệng cười răng đều như hạt na đứng cạnh những cảnh đẹp mượt mà.

Tôi cũng nghĩ đó là những phụ nữ đẹp. Nhưng đó là nét đẹp mặc định của một thời đã qua, khi rất nhiều người tự ước lệ vẻ đẹp của phụ nữ là phải mắt lấp lánh miệng cười duyên và đẹp dịu dàng. Bây giờ, chỉ cần bạn đi thang máy ba chục tầng ở building mỗi ngày, thì cũng đã ngắm đủ miên man chân dài bước nhanh mắt nhìn thẳng, là fashionista với màu áo tiệp màu môi và biết rành mạch từ các thủ thuật trên macbook air cho đến những trào lưu mới nhất của giới trẻ.

Phụ nữ đẹp dạng này sẽ bỏ lại sau lưng các em tóc dài đẹp dịu dàng, nhìn đàn ông nhún nhường mắt chớp chớp. Họ đẹp vì họ năng động, dám quyết mọi chuyện liên quan đến số phận mình. Và họ đẹp vì họ là những cô gái thực sự biết mình muốn gì và tìm cách để thoả mãn những mong muốn ấy.

Tôi có một chị bạn, mới bước qua tuổi 30 một chút nhưng điều hành cùng lúc hai công ty, mỗi ngày nghe khoảng 200 cuộc điện thoại và di chuyển không dưới 50km trên xe hơi. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy chị than mệt. Chị thường hẹn tôi ăn sáng và chuyện phiếm trước khi bước vào công việc. Mỗi sáng thấy chị tô một màu son và đổi một món đồ trang sức cho hợp với kiểu tóc và quần áo.

Dù bận rộn như vậy nhưng chị kể mình vẫn đi bộ 30 phút vào buổi tối và ăn thêm một hộp sữa chua có Collagen. Với tôi, chị đặc biệt và không giống như những người phụ nữ khác, chị không nói về hàng hiệu và kiểu sơn móng tay sành điệu, chị nói về những chiến lược phát triển công ty và chia sẻ những kinh nghiệm kinh doanh. Tôi thực sự học được nhiều điều từ chị. Chị đẹp không phải vì chị biết dùng hàng hiệu một cách sành điệu, mà vẻ đẹp của chị toát ra từ tâm hồn, sự thông minh và dáng vẻ khoẻ khoắn như người con gái mãi xinh tươi.

Công việc hiện tại cho tôi có cơ hội gặp phỏng vấn nhiều người phụ nữ đẹp. Trong số ấy tôi đặc biệt ấn tượng với chị, vốn là một hoa hậu, người mẫu và diễn viên nổi tiếng. Nhưng vào lúc này, mỗi năm chị chỉ nhận đóng một phim nhựa. Thời gian còn lại chị dành thời gian cho kinh doanh và chăm sóc cô con gái nhỏ lên 3. Nhiều người nói, chị lùi về phía sau để cho chồng chị nổi tiếng. Nhưng tôi biết, chị đã đi qua giai đoạn mê đắm ánh đèn màu, muốn giữ lại cho mình một cuộc sống thực sự yên ổn và làm một bà mẹ đúng nghĩa. Người đàn bà đẹp, rồi nhan sắc cũng sẽ tàn phai.

Và món quà còn lại, khi đi qua thời rực rỡ, là cuộc sống tròn đầy cùng những đứa con dưới mái nhà yên ấm.

Người ta thường làm một việc không thông minh lắm, đó là đưa các nhan sắc ra so sánh với nhau. Và rồi lại hay so sánh hình như bây giờ các cô gái không đẹp bằng những người đẹp xưa kia. Nhưng, có một thực tế là, mỗi người được ông trời ban cho một khuôn mặt, và mỗi khuôn mặt ấy là độc lập với những khuôn mặt khác. Có rất nhiều phụ nữ hiện đại chân không quá dài, ngực không quá đầy đặn, nhưng lại là những người đàn bà quyến rũ, hút mọi ánh nhìn.

Bởi vì vẻ đẹp của phụ nữ bây giờ, rốt cùng, là nằm ở thần thái và sự duyên dáng, là nét đẹp toát lên từ bên trong tâm hồn. Những chuẩn mực về nhan sắc, có lẽ chỉ nên đưa lên bàn cân trong các cuộc thi hoa hậu mà thôi.

Bây giờ, nếu bạn chưa có một khuôn mặt hoàn hảo, bạn có thể nhờ phẫu thuật thẩm mỹ. Bạn chưa có được một vóc dáng thanh tú, việc tập luyện và sự can thiệp của công nghệ cũng sẽ giúp bạn. Nhưng đó không phải là những chuẩn mực. Đó là sự chạy đua “vũ trang” giữa những người phụ nữ với nhau.

Thực sự, phụ nữ có được đánh giá là mãi xinh hay không lại thường được quyết định bởi đôi mắt của đàn ông. Người ta có thể ngất ngây trước một nhan sắc rực rỡ ngay phút đầu gặp mặt, nhưng người ta chỉ yêu một người đàn bà thực sự là chính mình, biết làm một người duyên dáng, biết chăm chút vẻ đẹp của diện mạo và tâm hồn từ bên trong. Bởi vậy mới nói, đàn bà đẹp thì luôn có quà…

DBN

Monday, June 17, 2013


MÙA SẤU ĐÃ ĐI QUA

LÊ GIANG
















 


Hà Nội mùa này sấu chín chưa em?
Hàng me Sài Gòn đang vào mùa thay lá
Thoang thoảng vị chua khiến lòng anh nhớ quá
Nhớ mùa sấu rụng phố Tràng Thi

Nhớ dáng em ngồi, nhớ bước em đi
Nhớ tiếng em cười, hờn ghen bóng gió
Yêu em, yêu em vì em là ngọn lửa
Hơ ấm lòng anh khi tất cả đã xa vời

Tuổi đang yêu chua chát cũng ngọt bùi
Trái sấu chia đôi tay - và - tay - chấm - muối
Chỉ có vậy mà lòng anh bối rối
Ðể bây giờ thèm sấu nhớ tay ai?

Anh muốn tức thì hoá cánh chim bay
Ra nhặt sấu giữa phố đông Hà Nội
Cho hai đứa lại xoè tay chấm muối
Có sao đâu, dù sấu đã trái mùa!...

Hà Nội mùa thu vắng những cơn mưa
Em hát với Sài Gòn, mưa lâm thâm mái phố
Thấm vào anh từng hạt thương, hạt nhớ
Hạt sấu nào chín rụng giữa bàn tay!


LG

 

Sunday, June 16, 2013


KHÚC HÁT RU MÙA HÈ CUỐI CẤP
HOÀNG ANH TÚ











Ngoan nào mùa hạ cuối cùng
Ngủ đi, thương quá nỗi buồn chia tay
Ngủ ngoan nhé giữa vòm cây
Tiếng ve mới nhú, giọng gầy lời xa
Ầu ơ! Đường chẳng về nhà
Bàn chân lại lạc trong nhoà nhạt trông
Ngoan nào mùa hạ cuối cùng
Ngủ đi thương nhớ trên dòng thơ nhau
Đừng buồn nữa nhé mắt nâu
Lời chia xa chửa thành câu - thôi đừng
Ngoan nào mùa hạ cuối cùng
Ta gom đôi tiếng trống trường vào thơ
Hôm nay lại hoá ngày xưa
Lẫn vào nhau để day dưa lòng mình
Cỏ xanh khóc đến biếc xanh
Hình như cỏ hiểu tụi mình chia tay.


Saturday, June 15, 2013




CHUÔNG GIÓ BÊN HIÊN NHÀ
NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG


Mùa Đông đi từ trong nhà ra ngoài và bước vào hàng hiên, bên hông nhà. Chiều nay thứ bảy bố đi đâu chưa về, lúc này thỉnh thoảng bố hay đi như thế nhưng Mùa Đông không muốn hỏi bố. Có thể bố đi chợ, đi ra phố gặp bạn bè nên vui mà về trễ? Cô theo thói quen leo lên bề mặt của lan can hàng hiên, ngồi lưng tựa vào tường cho hai chân duỗi dài ra thoải mái. Ngày xưa khi vẽ kiểu căn nhà này, vẽ hàng hiên này bố đã muốn lan can có bề mặt rộng đủ cho người ngồi lên mà ngắm nhìn phong cảnh ngoài xa kia..Hôm nay trời nhiều gió quá, Mùa Đông lắng nghe những tiếng kêu leng keng của chiếc chuông gió rung lên từng chập. Chiếc chuông gió của bố là 5 ống đồng, chỉ một cơn gió hờ cũng đủ làm rung động lá thòng phía dưới đưa đẩy những ống đồng rối rít chạm vào nhau và rối rít kêu lên những âm thanh reo vui như chào đón hay vỗ về mơ mộng từ hơn 10 năm nay.Gió thổi nhiều thế này lại làm rụng những trái lê non bé bỏng vừa nở ra mất thôi, cả một mùa hoa Lê trắng xóa mới vừa đâu đây đã biến mất như giấc mơ vừa qua đi. Những cây hồng, cây cam cũng đang ra hoa chờ kết trái…Mùa Đông ngồi đây mà nghĩ về cây trái nơi vườn dù cô không thể nhìn thấy nó.Bắt đầu vào tháng Tư mà trời còn mang hơi lạnh của cuối mùa Đông chưa kịp giả từ, những cây Crepe Myrtle dọc theo con đường từ cổng vào sẽ bắt đầu ra những chùm hoa tím ngợp trời vào tháng sáu, nên bây giờ chỉ có những bụi hoa Hồng trồng xen lẫn với Crepe Myrtle nở tràn đầy hoa màu hồng, màu đỏ…Cây Sồi trước nhà vẫn xanh lá bốn mùa, che bóng mát những ngày hè. Trước hiên nhà còn có mấy cây hoa Trà. Hoa Trà thích hợp nở vào lúc chớm Xuân còn hơi lạnh như thế này rồi mới đến hoa Tiểu Mộc Lan nở chi chít xòe cánh màu tím tím nên thơ.Cây dâu tây dại to cao nơi cuối con đường dẫn ra khu vườn đã xanh rợp lá sau mùa Đông trơ trụi. Hôm qua Mùa Đông thấy cỏ trong vườn đã cao và mọc đầy những cây dại Bồ Công Anh với những hoa vàng.Chẳng biết bố bận rộn gì mà chưa cắt cỏ, công việc hàng tuần mà bố yêu thích.??Mùa Đông thương bố quá, bất giác cô nhìn cái chuông gió mà đau lòng, cái chuông gió chính tay mẹ đã chọn mua rất kỹ lưỡng vì người làm chuông gió là làm thương mại hàng loạt, những kiểu ống dài hay ngắn khác nhau mà phát ra tiếng kêu riêng biệt, nên bố đã âu yếm nhắc nhở mẹ là sự lựa chọn tùy thuộc vào lòng mình. Khi lòng vui, khi lòng có tình thì chuông gió sẽ đẹp.Chiếc chuông gió treo bên hàng hiên kể từ ngày đầu tiên sau khi xây xong ngôi nhà cho tới bây giờ vẫn chưa hề được thay thế bằng cái mới. Hình như trong chiếc chuông gió ấy có hơi hướm của mẹ, có hình bóng của mẹ??…Bố vẫn nói mẹ là cái chuông gió để bố là gió vỗ về vuốt ve mẹ.

Ngày xưa chuyện tình của bố mẹ thật đẹp. Họ gặp nhau vào một mùa Đông tại Park City, một resort nổi tiếng của tiểu bang Utah. Những bạn bè cũ thời Trung học tổ chức họp mặt nhau và vui chơi tại đây.Mẹ là bạn đồng môn với bố nhưng niên khóa sau bố 2 năm. Hôm ấy tuyết rơi nhiều, người ta vẫn lên núi say sưa đua nhau trượt tuyết. Nhưng bố và mẹ đã bỏ cuộc vui chung, hai người rủ nhau xuống núi, ra phố.Họ đi bộ trong mưa Tuyết để tìm vào một cửa hàng cà phê ấm cúng. Tình yêu sét đánh từ đây.Vì thế khi lấy nhau, đứa con của tình yêu chào đời bố mẹ đặt tên gọi ở ngoài giấy tờ là “Mùa Đông” để ghi nhớ mùa tình yêu, mùa kỷ niệm tuyệt vời của họ.Tình yêu của bố mẹ càng thêm tha thiết, thêm tâm đầu ý hợp với những mùa Xuân cùng ngắm hoa Anh Đào ở Nhật Bản, hay lang thang trên những cánhđồng thảo nguyên lộng gió mùa Hè của Tây Tạng và nhiều nơi khác nữa mà bố và mẹ đã đi qua… Khi cô bé Mùa Đông lên 7 tuổi thì bố mẹ dọn từ tiểu bang Virginia về 1 thành phố tiểu bang Texas. Bố đã mua 1 acre đất để xây căn nhà lý tưởng này theo đúng ý của bố và mẹ. Căn nhà giữa những lùm cây cao, bố trồng thêm những loại cây hoa trái khác.Căn nhà có hàng hiên dài để đón gió, nơi bố sẽ treo một chùm chuông gió, hàng hiên để bố mẹ ngồi chơi hay nằm trên chiếc ghế gỗ dài đọc báo và ngủ một giấc trưa hè mát mẻ…Bố mẹ đã chụp rất nhiều hình ảnh tại hiên nhà này. Mùa Đông thích nhất những hình mẹ chụp với cô, khi ấy Mùa Đông chưa đến 10 tuổi, có hình cô ngồi trong lòng mẹ, váy con, váy mẹ loà xoà vào nhau, hai mẹ con trông thật ngộ nghĩnh và tràn đầy vui vẻ.Có hình hai mẹ con đứng vịn vào lan can để bố chụp lúc hai mẹ con cùng cười trêu chọc bố…Hàng hiên này đã ghi dấu bao lần hình ảnh của bố mẹ, và cả con bé Mùa Đông. Từ thuở lên 7 cô cũng đã leo trèo lên lan can ngồi bên mẹ, bên cha. Hay có khi một mình Mùa Đông chơi lẩn quẩn ở hàng hiên đã thấy xe bố về khi cánh cổng tự động mở ra, và khi bố vào sân vừa xuống xe có khi mẹ từ đâu chạy ra đón bố để hai người cùng đi bộ vào nhà, những chiều có gió thì cô bé Mùa Đông thường thấy váy mẹ bay quấn quýt bên bố như chẳng thể lìa xa.Vậy mà họ đã bị chia lìa, mẹ đột ngột qua đời vì một tai nạn xe cộ khi Mùa Đông 12 tuổi. Năm ấy bố 42 tuổi, cái tuổi đời của đàn ông còn rất trẻ.Bố đã đau khổ buồn bã suốt nhiều năm trời, bố hụt hẫng vì mất đi một tình yêu, như một phần cuộc đời mình.Không có mẹ, Bố vẫn lầm lũi những công việc thường ngày quanh nhà sau khi đi làm về, mùa Xuân bố tỉa nhánh tỉa cành cây, chăm phân bón, đổ thêm đất bồi bổ cho mỗi gốc cây, mùa Hạ tưới cây tưới hoa, từ giữa mùa Thu bố lai rai quét lá gần như cho đến cuối mùa Đông, sợ lá rụng dầy đặc làm chết cỏ. Bố đẩy chiếc xe cút kít chở lá mùa Thu đổ gom thành một đống nơi chỗ trống và thoáng để đốt lá lấy tro làm phân bón cây. Khói lá u uẩn quanh vườn.
Có con chim Mockingbird trong vườn đã làm bạn với bố, nó là loại chim hiếu khách, khôn lanh và dễ gần gũi, chỉ cần bố vài lần huýt sáo theo tiếng hót của nó là nó bay tới làm quen, hai bên huýt sáo và hót qua lại như đang trò chuyện và con Mockingbird kia không bao giờ chịu thua bố, nó chỉ ngừng hót khi bố ngừng huýt sáo. Thật nhí nhảnh và háo thắng, bố thương con Mockingbird , chắc nó cũng thương bố, mỗi sáng bay la đà theo bố khi thấy bố ra xe để đi làm hay buổi chiều vỗ cánh hót ríu rít đón mừng bố đã trở về nhà
Con Mockingbird làm bố cảm thấy vui vui và bớt cô đơn.
Mùa Đông bố đỡ phải làm ngoài vườn thì bố cũng chẳng ngồi không, bố lau chùi dọn dẹp nhà cửa và sửa chữa những gì cần thiết.
Không có mẹ, bố đã đảm đang tất cả công việc nhà từ ngoài vào trong kể cả chuyện bếp núc của người phụ nữ. Bố tập nấu nướng đủ món ăn hàng ngày đến những món đặc biệt, từ dở rồi cũng đến vừa miệng và ngon miệng đối với hai bố con…Nơi chiếc bàn ăn dài và rộng này, nơi căn bếp thoáng mát có ánh sáng lùa vào này bao năm qua chỉ có bóng dáng hai bố con cùng ngồi ăn, dù bữa đơn sơ canh rau dền mồng tơi nấu khô cá tra hay bữa linh đình gỏi sứa, cơm gà, cá hấp v..v..Khi cô bé Mùa Đông lớn lên trở thành thiếu nữ bố vẫn hầu hết nhận phần làm bếp để cho con gái rảnh rang học hành. Bố thương và chiều Mùa Đông lắm, bố nói cô là ngọc ngà của bố.Có những buổi chiều rảnh rỗi bố đã ngồi hàng giờ bên hàng hiênđể chỉ lắng nghe tiếng chuông gió mà ngày xưa bố và mẹ đều thích.Hay những khi bố làm vườn mệt mỏi, mỗi lần nghỉ tay bố đều chạy ra bên hàng hiên nhảy phóc lên ngồi trên lan can, dựa lưng vào tường, chiếc mũ che mặt bố làm một giấc ngủ ngắn trong gió, trong tiếng khua của chiếc chuông gió bằng đồng thân yêu. Có lẽ nơi đây nhờ có tiếng chuông gió giấc ngủ ấm cúng hơn căn phòng ngủ của bố mẹ xây hướng theo bóng nguyệt, từ khi mẹ mất không biết đã bao đêm trăng bố nằm vò võ một mình? Không biết đã bao đêm trăng tàn qua khung cửa sổ và tâm hồn của bố?
Khi cơn đau khổ tạm nguôi ngoai, họ hàng và bạn bè đã làm mai làm mối cho bố vài lần, lần nào có người phụ nữ lạ đến nhà hay dù chỉ loáng thoáng nghe ai nói đến chuyện bố cưới vợ khác là Mùa Đông phản đối quyết liệt, cô bé giận hờn bố không thèm ăn cơm, không nhìn bố, không nói chuyện với bố cho đến khi bố phải làm lành, năn nỉ và hứa sẽ không lấy vợ khác, bố sẽ là người bố độc thân nuôi cô bé Mùa Đông tới khi trưởng thành.Mùa Đông đã giữ được bố suốt 10 năm qua. Nhưng những năm sau này thì cô đã lớn khôn và hiểu ra cái sai trái của mình khi Mùa Đông bắt đầu có tình yêu năm cô 20 tuổi, cô lo xa nếu mai kia mốt nọ cô lấy chồng thì sẽ rời khỏi ngôi nhà này, bố sẽ phải sống một mình trong ngôi nhà rộng, trong khu vườn rộng thật lẻ loi, tội nghiệp! Mùa Đông ân hận lắm, giá ngày xưa cô đừng ngăn cản bố thì giờ này đời bố chắc đã yên vui? Cô đã làm mất một vài cơ hội tình duyên có thể đến với bố. Vì thế lúc này Mùa Đông đã thường xuyên nhắc nhở bố nên tìm một người phụ nữ cho đời mình.Bố đang lái xe vào cổng, Mùa Đông nhảy xuống bệ lan can cô chạy ra phía garage bên sau nhà để đón bố và hai bố con cùng đi bộ vòng ra bên hông nhà để vào lối cửa bếp, nơi đây những bụi hoa Dâm Bụt và Mãn Đình Hồng đang nở đỏ rực rỡ bên cạnh bụi hoa “Yesterday Today and Tomorrow”. Bố thích loài hoa mang tên lạ lùng này lắm “Yesterday Today and Tomorrow”. Khi mùa Xuân bắt đầu thì cây cũng bắt đầu ra hoa, những đóa hoa màu tím, sẽ đổi thành màu tím nhạt rồi màu trắng thật kỳ diệu, hoa nở cho đến cuối mùa Thu. Ý nghĩa của 3 màu hoa chính là tên của nó, thật đẹp và lãng mạn…

- Bố ơi, chiều nay bố đi đâu mà về muộn thế?
Bố mỉm cười có vẻ bí mật:
- Chuyện riêng của bố mà….
- Bố đang quen ai chứ gì? Con thấy mấy tuần lễ này bố có vẻ yêu đời và bận rộn hẳn ra. Bố ơi, bố có đủ tiêu chuẩn ổn định để cưới vợ mà, đừng chần chờ nữa thời gian không đợi chờ bố đâu…
Mùa Đông láu táu và hớn hở nói tiếp:
- Con nhớ đã đọc một bài viết từ lâu rồi trên Yahoo, người ta nói rằng nếu bạn có khoảng 300,000 USD kể cả giá trị căn nhà, là bạn đã giàu có hơn 40% dân số Mỹ rồi. Không ngờ số đông người Mỹ lại … nghèo thế bố nhỉ? Hèn gì đi đâu con cũng thấy những apartment những Condo, townhouse và duplex cho thuê…
- Không phải người Mỹ nghèo đâu, vì họ hưởng trước, làm tới đâu thì hưởng thụ tới đó. Còn dân Việt Nam mình thì chắt chiu tính toán và dành dụm để dành cho mai sau có khi chết sớm chẳng hưởng được thứ gì từng ước mơ.
Mùa Đông tò mò dự đoán:
- Có phải là bố đang quen cô Vy không? Cô Vy người bạn mới vào làm cùng hãng với cô Út nhà mình đó… Cô Vy trông giản dị rất thích hợp với nếp sống của bố, cô cũng sẽ thích ở căn nhà này.
Bố gạt đi:
- Chuyện gì cũng sẽ có thời gian trả lời, con luôn ở sát cánh bên bố, con sẽ là người biết trước nhất mà.
Mùa Đông năn nỉ, như ngày xưa bố cô đã năn nỉ cô:
- Nếu là cô Vy thì bố đừng từ chối nhé, con sẽ buồn lắm đấy, cô Vy đẹp và hiền dịu như mẹ. Bố không chịu nói con sẽ hỏi thăm cô Út, vì cô là bà mai cho bố…
Bố âu yếm dí ngón tay lên trán cô con gái:
- Thì ra con sắp lấy chồng nên muốn gả bố cho nhanh đấy?
- Chưa lấy đâu bố, vì tình yêu của con và anh John không là tình yêu sét đánh như bố mẹ ngày xưa, có thể một vài năm nữa sau khi chúng con đã đi làm và để dành được chút tiền. Chúng con sẽ sống và dành dụm kiểu Việt Nam chứ không theo kiểu Mỹ, vì John không muốn nằm trong 40% dân số Mỹ nghèo kia.
Bố có vẻ hài lòng:
- Hai con tâm đầu ý hợp thế bố mừng lắm, bố mong là hai con sẽ có cuộc sống vững vàng êm ấm. Còn hơn một tháng nữa là con và John ra trường rồi, con cho bố biết ngày giờ chính thức nhé …
- Ôi, bố yêu quý của con, dĩ nhiên rồi vì bố là số 1 của đời con mà.
Mùa Đông nhìn bố ân cần:
- Hôm ấy bố phải dẫn cô Vy đi dự luôn nhé…

Tháng Năm đã đến, ngày làm lễ ra trường của Mùa Đông vào giữa tháng Năm, cô tốt nghiệp ngành kỹ sư điện và đã được nhận vào làm tại một công ty tại Texas sau một năm làm thực tập tại đây. John, người bạn cùng học và cũng là người yêu của Mùa Đông cũng đang xin việc tại công ty này, điểm tốt nghiệp của anh xuất sắc nên hi vọng rất cao sẽ xin được việc dễ dàng .
Bố vui lắm, bố tin là cuộc đời của Mùa Đông luôn suông sẻ trong học hành cũng như trong tình duyện, sẽ bù đắp cho những thiệt thòi bất hạnh của bố mẹ.
Lễ ra trường của Mùa Đông vào 7 giờ chiều thứ bảy nên ban ngày cô có nhiều thời gian để chuẩn bị cho ngày vui này…
Bố cũng bận rộn từ sáng đến giờ, hai bố con có lúc chẳng trông thấy mặt nhau…
Khoảng 4 giờ chiều thì bố về, khi ấy Mùa Đông đã hầu như xong xuôi mọi thứ, cô đang ở trong phòng của mình trên lầu, từ cửa sổ phòng cô thảnh thơi nhìn chiếc xe của bố đang chầm chậm đi qua cổng rào rồi mất hút ở phía hông nhà…
Mãi một lúc khá lâu thì Mùa Đông mới nghe thấy tiếng động dưới nhà, cô từ trên lầu bước xuống và ngạc nhiên không tin vào mắt mình khi đi bên cạnh bố là cô Vy. Đúng là cô Vy, dù Mùa Đông chỉ mới được gặp cô một lần cách đây không lâu khi cô Út dẫn cô Vy đến đây chơi nhằm giới thiệu cô Vy cho bố.
Mái tóc cô Vy để dài buông thả chấm vai, gương mặt cô xinh và hiền với đôi mắt một mí và nụ cười tươi tắn. Cô xinh thế mà muộn chồng vì đường tình lận đận, cô chưa lập gia đình lần nào.
Mùa Đông ôm lấy cô Vy, thân mật:
- Chào cô Vy.
Rồi Mùa Đông ôm lấy bố vui mừng:
- Chào bố, con đã hiểu vì sao chiều nay bố đi đâu vắng mặt rồi, bố mang cô Vy về đây chung vui với chúng ta…
Cô Vy cũng thân mật với Mùa Đông:
- Chào cháu, tối nay cô rất vui được tham dự lễ ra trường của cháu và của John.
- Ôi, thật đúng như cháu đã ước mong.
Bố nắm tay Mùa Đông:
- Con ra hàng hiên với bố, bố cho con xem cái này hay lắm đây…
Mùa Đông tò mò đi theo bố và cô Vy ra ngoài bằng cửa sau vòng ra hàng hiên, khi cả ba vừa bước chân đi vào hàng hiên Mùa Đông đã trông chấy một chiếc chuông gió mới treo đúng vào vị trí chiếc chuông gió cũ, một luồng gió thổi ào tới làm chuông gió kêu lên những tiếng trầm trầm đầm ấm thiết tha.
- Bố ơi, tiếng chuông gió này lạ và hay quá… Hình như không phải là những ống đồng?
- Con lại gần và xem này, bằng trúc con ạ, cô Vy đã thích và chọn nó. Bố và cô Vy vừa mua về và treo lên đây…
Mùa Đông nhìn cái chuông gió gồm 6 thanh trúc màu nâu bóng, sợi dây chỉ dài với chiếc phao nhẹ để sẵn sàng đón gió làm rung động những thanh trúc kia, chúng sẽ va chạm vào nhau và tạo tiếng kêu.
Mùa Đông đã hiểu bố thay cái chuông gió mới là bố có tình yêu mới… Chắc bố cũng đã âu yếm nhắc nhở cô Vy hãy cẩn thận khi chọn mua cái chuông gió này bằng cả tình yêu và tấm lòng mình thì tiếng kêu sẽ hay hơn. Bố luôn nghĩ thế và tin thế.
Cô Vy nghịch ngợm đưa tay đập nhẹ trực tiếp vào những thanh trúc để chúng khua lên rộn rã và liên tục, cô mỉm cười và bố cũng mỉm cười theo.
Cô Vy nói với Mùa Đông mà mắt nhìn bố nũng nịu:
- Cháu biết không bố cháu nói cô là chuông gió, bố là gió, nhưng chưa có gió cô vẫn rộn ràng cất tiếng đấy thôi.
Cô thật trẻ con, thật dễ thương, hèn gì mà bố chẳng thương.
Mùa Đông kéo tay bố đứng xa ra cô Vy một chút để hỏi:
- Thế tại sao mãi đến hôm nay bố mới thay cái chuông gió này và đưa cô Vy về mà không là sớm hơn kể từ khi cô Út giới thiệu?
Bố cười và giải thích:
- Như con đã nói về tình yêu của con và John. Bố và cô Vy cũng thế thôi, không phải là tình yêu “sét đánh” như bố mẹ ngày xưa, bố và cô Vy phải từ từ tìm hiểu nhau chứ và hôm nay là ngày thuận tiện nhất để bố xác nhận với con tình yêu mới của bố. Bà mai cô Út của con còn chưa hay biết gì cho đến chốc nữa chúng ta gặp cô tại buổi lễ ra trường của con.
Giọng bố chợt đầy xúc cảm:
- Và ngày hôm nay con đã hoàn tất việc học, con đã khôn lớn. Bố đã làm tròn trách nhiệm của một người cha đối với đứa con gái mồ côi mẹ từ lúc còn bé bỏng ngây thơ.
Mùa Đông nói mà tưởng như sắp bật khóc lên:
- Bố ơi, con hiểu tình yêu của bố dành cho con như thế nào rồi. Con thật có lỗi khi ấy…
- Không, con đừng nói nữa, con của bố đã đúng, khi ấy con rất cần tình yêu thương trọn vẹn của bố… Bố con chúng ta đã sống thật đầm ấm bên nhau, chắc mẹ con cũng đã vui lòng nơi chín suối.
Mùa Đông nắm tay bố và nắm tay cô Vy:
- Con chúc mừng bố và cô Vy đã tìm được tình yêu của nhau.
Mùa Đông nói xong đi rất nhanh ra khỏi hàng hiên để bố và cô Vy ở lại, cô muốn trả không gian riêng cho họ, cô nghĩ họ cần nói với nhau những điều yêu thương hơn nữa…
Mùa Đông nghe thấy tiếng chuông gió khua lên cùng với tiếng cười của Bố và cô Vy. Không biết là gió vừa thổi qua hay chính bàn tay cô Vy lại nghịch đùa chạm vào chuông gió để nũng nịu với bố như lúc nãy?
Mùa Đông về phòng mình ở trên lầu, cô cần nghỉ ngơi một chút trước khi đi dự lễ tốt nghiệp tối nay..
Cô cảm thấy nhẹ lòng, lâng lâng niềm vui khi nhìn xuống dưới sân, nắng chiều tháng Năm vẫn còn mênh mang trải trên các ngọn cây và dưới đường, màu nắng chiều của tháng Năm sao mà dịu dàng đến thế!
Bố và cô Vy đang đi bộ dọc theo hàng cây Crepe Myrtle vẫn còn trơ trụi vì chưa tới mùa hoa, đi dọc theo những luống hoa Hồng rực rỡ dưới mỗi gốc Crepe Myrtle ấy.
Không biết họ có quẹo sang phía trái và đi vào khu vườn? Quanh vườn có cây Maple to cao và những cây Cedar xanh lá.
Và hình như trời vừa có gió, gió thổi giữa đường lồng lộng…
Vì Mùa Đông thấy chiếc váy dài của cô Vy bay chập chùng bên cạnh bố, y như hình ảnh ngày xưa bố mẹ đi bên nhau cũng trên conđường này, cũng buổi chiều như thế này, váy mẹ cũng quấn quýt chập chùng vào người bố như thế.
Nguyễn Thị Thanh Dương (Father’s day, 2013)


Friday, June 14, 2013


BA, CHIẾC XE ĐẠP VÀ NHỮNG VÒNG QUAY

THÚY QUỲNH




Đó là chiếc xe đạp mà bây giờ khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Chiếc xe đạp đầm màu xanh dương đã bạc, vài chỗ sờn tróc của ba tôi với cái tay cầm ngang làm bằng nhôm mờ, cái yên xe gọi là yên chứ nó có yên đâu vì bao giờ cũng nghe tiếng nó kêu cót két, còn cái yên xe phía sau thì ôi thôi không biết là bao nhiêu sợi dây thun to bản màu đen mà ba móc ngang móc dọc quanh đó. Sợi dây sên đã rỉ sét và giãn ra đến nỗi cứ vài vòng xe là nó lại tuôn sên, không hiểu làm sao mà ba tôi có thể kiềm được cái tay cầm loạng choạng, rồi nhấp nhấp cái bàn đạp vài lần, vậy mà nó lại ro ro chạy tiếp. Cứ chiều về là ba tôi lấy hôp dầu nhớt đặc sánh ra rồi dùng tay thoa đều cái thứ mà ba gọi là mỡ bò đó lên từng mắc xích của sợi dây sên. Lạ lùng thay sau khi cho sợi dây sên nó ăn mỡ bò xong, ba quay cái bàn đạp một vòng tròn thì tôi không còn nghe tiếng rin rít lè xè tưởng chừng như mấy cái mắc xích nó sắp bung hết ra nữa. Từng lóng mắc xích bỗng trở nên đoàn kết với nhau thật chặt chẽ và cứ quay bao nhiêu vòng thì trông nó vẫn cứ mượt mà, nhẹ nhàng đằm thắm làm sao!
Mỗi buổi sáng ba dắt chiếc xe mà má tôi hay kêu là cái xe cà tàng ra khỏi nhà, rồi cứ thế mà đạp rong ruỗi trên khắp nẽo đường hang cùng ngõ hẹp. Để đến khi chiều tàn tôi luôn thấy ba trở về với đằng sau xe là ràng buộc tứ tung, khi thì mấy cái ghế dựa đã sút chân gãy gọng, khi lại là nguyên cái tủ gạc-măng-ghê (garde manger) to đùng mà ba phải dùng mấy thanh tầm vông cắt ngắn buộc chặt sau yên xe để giữ thăng bằng. Cũng có hôm ba mua đựợc cái tủ thờ xưa hay bộ ván cũ thì ba phải kêu thêm chiếc xe ba gác máy để chở. Tôi nhớ mãi cái dáng ba tất bật đạp xe chạy theo chiếc xe ba gác máy to kềnh, người ba dướn lên phía trước với hai bàn chân chai sạn đạp xe thật mạnh mẽ, cái xe cà tàng chắc cũng tội nghiệp cho ba nên nó cứ chạy băng băng mà không chút ọt ẹt ỏng a ỏng ẹo như mọi ngày. Ba tôi, sau mấy chục năm dài chỉ biết mỗi một "nghề đi lính" thì giờ đây ba đã biết được thêm một nghề theo thời cuộc đó là nghề mua đồ cũ. Ba mua bàn ghế, tủ, giường cũ đem về làm mới lại bằng cách sữa chữa, lau chùi, đánh bóng rồi bán cho mấy cửa tiệm bán đồ gỗ lấy công làm lời. Ba đi mua đồ cũ bằng chiếc xe đạp cũng cũ không kém. Tôi không biết ba có yêu cái nghề bất đắc dĩ này không, nhưng mỗi buổi chiều về dù có mua đựợc hay không mua được món gì thì tôi vẫn thấy sau khi ba chống chiếc xe đạp bên hông nhà, ba thẫn thờ vói tay lơ đãng cầm cái bàn đạp xe quay đều đều rồi nói với má bao giờ cũng vẫn một câu "họ lại kêu bán nữa bà ạ..". Trong trí óc non nớt của tôi khi ấy không thể nào hiểu rằng sao ba có vẽ buồn bã đến vậy khi mua được một món đồ đem về bán kiếm đồng lời. Làm sao tôi hiểu được cảm giác chua xót của ba khi thấy người ta nghèo khó đến mức phải bán dần những thứ vật dụng trong nhà để đổi lấy một số tiền ít ỏi có thể mua thức ăn nuôi sống cho cả gia đình trong vài ngày.
Cả miền nam khi ấy đang oằn mình với những hơi thở nhọc nhằn biến chuyển theo thời cuộc và ba tôi, với số vốn thì ít ỏi mà nỗi muộn phiền thì nhiều, ba đã bỏ cuộc trong những tính toan thường ngày. Thì đó, người lính ở chiến trường dầy dặn trận mạc bao nhiêu thì khi ra thương trường họ trở nên ngơ ngác, hoang mang bấy nhiêu.
Ba nghỉ việc không đi mua đồ cũ nữa nhưng chiếc xe đạp thì không nghỉ, nó lại theo ba đi trên những nẽo đường khác. Ba kiếm mua được miếng đất nhỏ với giá rẻ mạt vào thời đó để tập tành trở thành người nông dân. Và thế là ba bắt đầu làm quen với cuốc, với xẻng, với hạt giống, với thuốc trừ sâu, với dự đoán trời sẽ nắng hay là sắp mưa... Tôi không biết ba học hỏi từ đâu những kinh nghiệm làm nông quý báu như vậy vì thời đó làm gì có những thông tin hay hướng dẫn tràn lan cho ta hiểu biết như bây giờ!? Tôi chỉ thấy mỗi ngày ba dắt xe đạp ra đi sớm hơn, da ba sạm đen hơn. Giờ đây ba có thêm hai thứ làm bạn nữa là cái cuốc và cái xẻng xúc đất mà lúc nào tôi cũng thấy chúng được buộc cặp dọc theo hai bên sườn xe đạp một cách điệu nghệ.
Tôi còn nhỏ quá để hiểu và chia sẽ những nhọc nhằn của nghề làm nông với ba, tôi chỉ biết thích quá trời vì nhờ ba tôi làm nông mà tôi có những ngày nghỉ học không còn nhàm chán ở nhà. Nhà đông anh chị em nhưng chỉ mình tôi là thích theo ba đi thăm đất. Tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác ngồi sau chiếc xe đạp cà tàng của ba, vừa ra khỏi phố chợ đông đúc thì rẽ sang con đường đất đỏ với hai bên đường là nhà cửa thưa thớt, là cỏ, là cây, là hoa nở đầy trên những hàng rào dâm bụt. Tuy vẫn nghe tiếng lè xè của sên xe đạp nhưng tôi không còn khó chịu nữa vì gió thì mơn man, và mây trời thì lồng lộng trên đầu. Ngồi phía sau tôi còn có một nhiệm vụ hết sức "quan trọng" nữa là giữ thật chặt cái giỏ xách đan bằng cói mà ba tôi gọi là cái tụng đệm, trong đó má sắp sẵn cái gà-mên cơm với khoai lang luộc xắt từng lát, ít dưa mắm và cái ấm nhôm thật to đựng nước uống. Cái món dưa mắm này ở nhà tôi ăn ậm ờ, lơ đãng, ăn vì đói, vì cho xong bửa chứ ngày nào cũng ăn nó ngán ngẫm ra rồi! Nhưng không hiểu sao khi ba tôi bày nó trên tấm bạt bằng ni lông trãi giữa cánh đồng mà chung quanh còn đang ngổn ngang những hom khoai mì ba chặt sẵn từng lóng để trồng, những luống đất khô khốc đang còn cuốc dở dang và gió đồng đang lồng lộng thổi, thì cái món cơm trộn khoai lang với dưa mắm đó bỗng chốc nó trở thành một bữa ăn thịnh soạn ngon hơn bất cứ thứ gì khác trên đời.
Và thế là ba trồng sắn, trồng khoai rồi chuyển sang trồng đậu phộng, đậu bắp, mùa này tiếp nối những mùa kia. Và cứ thế anh chị em tôi lớn lên rồi lập gia đình với những mái nhà riêng. Và ba thì già đi, và xe đạp cũng đã mấy lần thay mắt xích. Mỗi buổi chiều ba thường hay đạp xe thong dong tới nhà thăm đứa này đứa nọ. Chiếc xe đạp nó vẫn gắn bó với ba đến nỗi hễ cứ nghe tiếng thắng xe rin rít, tiếng dựng xe lạch cạch bên bờ rào là tôi biết ba đã tới nơi rồi.
Bao nhiêu năm dài ba tôi sống an phận với những vòng quay của cuộc đời như thế. Cũng có lúc khó nhọc trăm bề với miếng cơm manh áo, có lúc tủi nhục vì sự o ép của đời với thân phận người lính cũ, có những tháng năm khủng hoảng tinh thần mà một đứa nít ranh như tôi không thể nào hiểu được,không thể nào cảm nhận nỗi. Sau này lớn hơn một chút có đôi lần tôi bắt gặp ba thẫn thờ ngồi đọc những lá thư của cô tôi gửi về từ nước ngòai, kèm với những thùng đồ mà khi mở ra như có phép màu vì mùi thơm sang trọng, quý phái của nó ngào ngat đến mê mẫn cả người. Lúc ấy mấy anh chị em tôi mừng rở tíu tít vây quanh những món quà lạ lẫm thần kỳ, còn ba thì ngồi đó với ánh nhìn xa xăm nhưng đầy khao khát. Ba ngồi yên một chỗ như mắc kẹt giữa cái không gian chật hẹp của căn nhà hai bên là vách đất và trần lợp bằng tôn phủ đầy những tấm nhựa dù mà nước mưa vẫn cứ lọt vào rơi lõm bõm. Cứ thùng đồ này rồi tới thùng đồ kia, bao nhiêu năm cô tôi từ một nơi xa xăm nào đó âm thầm trợ giúp cho ba nuôi mấy đứa tôi ăn học. Khi đó tôi thấy cô tôi như một bà tiên ban phép lạ và cái xứ cô tôi đang ở đúng là một xứ sở thần tiên. Mãi về sau khi tôi đến được cái xứ sở thần tiên của cô tôi rồi thì tôi mới hiểu được rằng, để trở thành một bà tiên như thế cô tôi phải cần kiệm, dè xẻn và tính toán từng chút những nhu cầu thiết yếu của một đời sống cao hơn. Hóa ra tiên hay không tiên gì thì cũng đều có nỗi khổ riêng cả đó mà!
Nỗi khổ vì sự chia cắt quá lâu như một thứ ám ảnh mơ hồ bao trùm lên đời sống của kẻ ra đi lẫn người ở lại, diễn ra từ ý thức hệ này đến ý thức hệ khác. Nó thấm dần vào từng con người để rồi đến một lúc nào đó người ta chợt nhận ra từ bờ bên đây tới bờ bên kia là cả một đại dương ngày càng rộng lớn.

Đó là khi tôi đưa ba tôi qua cái xứ thần tiên mà ba từng khao khát để bù đắp những tháng năm khổ cực ba phải chịu bấy lâu nay. Tôi mừng vì đã làm được điều đó cho ba và tin là ba sẽ vui lắm. Nhưng không, ba tôi như một người đi lạc và chỉ muốn trở về. Ba muốn về để được đi lại thong dong trên những nẽo đường nhọc nhằn quen thuộc. Nước mắt và mồ hôi đã thấm đẫm những ngõ ngách của cuộc đời ba ở đó quá lâu rồi. Cho dù những vòng quay vẫn cứ tiếp nối nhưng ba tôi, với đôi mắt tật nguyền vì đã lòa đi, với tấm lưng còm cõi giờ đã khòm xuống, và đôi chân bước từng bước mõi mòn chậm chạp, ba đã chọn cho mình nơi chốn để dừng chân.
Thúy Quỳnh


Tuesday, June 11, 2013

MÙA PHƯỢNG ĐỎ
CHU MINH KHÔI

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Ai chợt ưu tư trước ngưỡng cửa đường mình
Ai ép chết khô một xác ve trong trang lưu bút
Ta nao lòng bên cây gạo già rêu mốc
Không dám khắc tên mình sợ chạm nhói tên em.
Phép toán hôm nay không đúng đến vô cùng
Lận đận, thành danh làm sao chia đều ta và bạn
Nhớ thương ơi, đừng bao giờ khô cạn
Lối gió hờn nét phấn buổi đầu tiên.

Saturday, June 8, 2013



LẠI CÀ PHÊ THỨ BẢY
NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG











Một tuần trôi qua khi mình chia tay,
Thứ bảy này quán cà phê gặp lại,
la Madeleine bàn ghế nâu vẫn đợi,
Mùi son em tuần trước vẫn đâu đây.

Em dùng son môi hồng nhạt thơ ngây,
Tô son bóng mùi nho vừa chín tới,
Anh hôn em quên đời lòng bối rối,
Chẳng biết môi em mùa trái cây nào.

Anh vẫn thói quen uống cà phê nâu,
Cà phê nóng có pha thêm chút sữa,
Bàn tay anh những ngón dài nghệ sĩ,
Bàn tay thong thả nâng ly cà phê.

Em tôn trọng anh giây phút trầm tư,
Và hiểu anh cả những khi khó hiểu,
Thương anh ngồi uống cà phê sành điệu,
Những lúc tình vui, những lúc tình buồn.

Cà phê Mocha môi em ngọt mềm,
Có mùi sữa, chocolate quen thuộc,
Em thích bánh mì nóng ròn Baguette,
Hai đứa điểm tâm vừa rẻ vừa ngon.

Thứ bảy thơm có mùi bánh mì thơm,
Mùi cà phê em nhâm nhi từng chút,
Ngoài khung cửa chỉ cách nhau vài bước,
Ai ngoài kia đang xuôi ngược cuộc đời!

Chúng mình trong quán hạnh phúc nhỏ nhoi,
Giây phút bên nhau qúy hơn tiền bạc,
Hai nhánh sông, hai tâm hồn hòa hợp,
Em và anh quấn quýt chảy một dòng.

Buổi sáng thứ bảy trời đẹp, người xinh,
Dù thời tiết bốn mùa đều thay đổi,
Dù quán cà phê khách hàng cũ mới,
Em và anh vẫn thế chẳng đổi thay.

Thứ bảy tuần trước, thứ bảy tuần này,
Thứ bảy tuần sau chúng ta lại hẹn,
Ly cà phê anh không thể nào cạn,
Tình ngọt ngào em chẳng thể nào vơi.

Nguyễn Thị Thanh Dương.
(June -1, 2013 )
 
 
 HỌ HÀNG CHUỘT VÀ MÈO TRẮNG MÈO ĐEN
 
 Phạm Khắc Trung
 
Mèo là động vật nhỏ, thông thường nặng từ 2,5 đến 7 kg, tuy nhiên một số giống như Maine-Coon có trọng lượng vượt quá 11 kg. Mèo thuộc giống ăn thịt, lông mềm, râu trắng cứng và cử động được, móng vuốt bén nhọn, mình nhẹ, leo giỏi, có tài bắt chuột.
 
Vũ khí săn mồi của mèo là móng vuốt ở đầu ngón chân hình cong, có chiều dài hơn 1 phân có thể thu lại được, đầu móng vuốt nhỏ và nhọn rất ư sắc bén. Ở vị trí bình thường, các móng vuốt được thu lại trong da và lông quanh đệm ngón chân, nhờ thế mà móng vuốt mèo luôn sắc bén bởi chúng không bị cạ mòn do tiếp xúc với mặt đất, điều đó cũng khiến mèo di chuyển nhẹ nhàng, không gây tiếng động, tạo được ưu thế rình mồi. Mèo có thể giương một hay nhiều vuốt ra tùy theo nhu cầu nó muốn. Mèo thường giương vuốt lúc săn mồi, tự vệ, leo trèo, hay để tăng ma sát khi bước đi trên các bề mặt trơn láng… Khi săn mồi, mèo thường đứng từ xa cách con mồi khoảng chừng 5 đến 6 thước, sau đó nó ép bẹp thân mình xuống sát đất, mắt chăm chăm nhìn không nháy mắt con mồi, rồi nó nhẹ nhàng bước tới gần con mồi hơn. Khi đã đến khoảng cách mà nó cảm thấy thuận lợi, mèo liền dùng 2 chân sau phóng mạnh người tới phía trước rồi dùng móng sắc nhọn duỗi thẳng ra và quào bắt con mồi. Lối vồ mồi của mèo rất độc đáo và hiểm độc, nó duỗi móng ở hai bàn chân trước ra và túm lấy gáy con mồi, rồi sau đó mới dùng miệng cắn lên đầu con mồi cho đến chết mới buông ra.
Đối tượng để mèo săn mồi cho nhu cầu sinh tồn là những động vật nhỏ như: chuột, rắn, cóc nhái, chim, cá…
Mèo có khả năng bắt chuột dù trong đêm tối. Lê Trung Tín, bạn tôi, cho rằng, “Mèo giả nhân giả nghĩa như đàn bà, thấy cuộn mình nằm yên hiền từ trên salon vậy đó, chứ đố cha con chuột nào chạy ngang mà thoát khỏi nanh vuốt mèo?”
Thức ăn khoái khẩu nhất của mèo là chuột. Chuột là loại động vật gặm nhấm, có mỏ dài, đuôi dài, tai nhỏ, lông nhiều, và rất sợ mèo.
Thế nhưng không phải bất cứ loại chuột nào mèo cũng thích ăn, chẳng hạn như chuột cống, tuy to con, nhưng thường sống dưới cống hay những hang ngách dưới đất nên mình mẩy lở lói, dơ bẩn, thúi tha…, nên mèo gớm. Kế đến là chuột chù hay chuột xạ, là loài chuột nhỏ, mỏ thật dài và nhọn, ban ngày không thấy đường, không leo giỏi, dễ bắt nhưng có mùi hôi nên mèo cũng chê. Mèo thích ăn chuột lắt hay chuột nhắt, là loại chuột nhỏ, to hơn ngón tay cái, sinh sản lẹ, ưa cắn phá quần áo, giấy tờ.
Mèo là động vật tham ăn mà làm biếng so với đa số các loại động vật khác, đặc biệt khi mèo già đi sẽ biến thành cáo điếm vô cùng. Thời gian ngủ hàng ngày của mèo có khác nhau, thường từ 12–16 giờ mỗi ngày, mức trung bình 13, 14 giờ/ngày. Một số mèo có thể nằm ngủ đến 20 giờ trong ngày, tối đến thức dậy rình mò trước hang bắt chuột.
 Tội nghiệp lũ chuột lắt, ban ngày phải chui rúc trong hang vì sợ loài người giết hại; tối đến mới lén bò ra lượm lặt của rơi của rớt, ăn vụng ăn vặt mà sống qua ngày. Vậy mà chẳng được yên thân, còn bị nanh vuốt của lão mèo to tướng rình bắt ăn thịt. Nếu rúc trong hang suốt ngày đêm thì đói chết, mà ló ra thì không thoát khỏi nanh vuốt mèo! Lũ chuột lắt còn đang phập phồng lo sợ, chưa biết tính cách nào thì lũ chuột cống xuất hiện với khẩu hiệu “Độc Lập – Tự Do”, đem “Ấm no – hạnh phúc” cho lũ chuột lắt. Thế là họ hàng nhà chuột vui sướng bắt tay nhau lập ra Vương quốc “Đại đồng”: Chuột lắt đông nhưng mảnh dẻ được tôn lên làm chủ nhân ông, gọi chung là nhân dân. Chuột cống to và khỏe nên hy sinh đi đầu làm đầy tớ cho nhân dân, kêu bằng vua tập thể. Vua cống chỉ định chuột chù làm “Giám sát” và “Nghị viên”, cùng tung ra hiến pháp cho Vương quốc “Đại đồng”: (1) Muôn năm chuột lắt được làm “Ông chủ”. (2) Chuột cống từ đây lãnh đạo và quản lý Vương quốc, dưới sự giám sát của lũ “Nghị viên” chuột chù. (3) Tài sản Vương quốc bây giờ là của chung, chuột lắt tự do đi kiếm ăn gôm về kho cho chuột cống quản lý… Thế là “Ông chủ” lắt khóc ròng!
Nắm quyền lãnh đạo rồi, công việc đầu tiên của Vua cống là liên minh với mèo để đưa Vương quốc thoát cảnh nghèo đói: Mèo bằng lòng thả cho dân Vương quốc tức đám chuột lắt đi lượm lặt kiếm ăn trong phạm vi ấn định, với điều kiện mỗi ngày Vua cống phải cống hiến vài mạng chuột lắt cho mèo “hẩu xực!” Vua cống tinh ranh mới sai cấp thừa hành ký công hàm công nhận giang sơn nhà chuột thuộc quyền sở hữu của mèo. Những điều này được Vua cống giấu còn hơn “mèo giấu kít!”
 Vua cống cũng thừa thông minh để biết rằng, nếu “nướng” chuột lắt một cách công khai cho mèo như vậy, thì chẳng sớm thì chày sẽ bị chuột lắt phát hiện và chống đối. Hơn nữa, Vua cống biết mèo thích vờn chuột cho rụng rơi tơi tả trước khi ăn, cho nên Vua cống mới nghĩ ra một kế độc, trước hết là che đậy cái bản chất bất lương vô nhân đạo của mình, sau là làm cho mèo sung sướng, Vua cống bèn cho làm những cái lục lạc thật lớn, rồi họp nhân dân lại trước Ba Đình, vừa giả khóc vừa kể:
 − Lâu nay chuột ta đi kiếm ăn bị mèo vồ ăn không biết bao nhiêu cho kể, là kẻ làm vua, quả nhân đau như cắt từng đoạn ruột. Quả nhân xin chia sẻ nỗi mất mát của thân nhân những nạn nhân xấu số…
 Ngừng lại vờ lấy khăn chùi nước mắt và chờ cho lũ chuột nhắt sụt sùi khóc một hồi. Bấy giờ Vua cống mới tiếp lời:
 − Nhiều lúc quả nhân muốn liều thân xông ra làm một trận sống mái với mèo, nhưng nghĩ lại, chuột mà tranh đấu với mèo thật là không nổi. Ta tránh nó thì hơn…
 Bên dưới “Nghị viên” chù đồng thanh hưởng ứng:
 − Đúng vậy! Phải đấy! Hay lắm!
 Vua cống lại thủng thẳng nói tiếp:
 − Muốn tránh mèo, ta phải nghĩ cách nào báo cho ta biết sự hiện diện của mèo để tránh trước, khỏi bị mèo vồ?
 “Nghị viên” chù lại nhao nháo thổi ống đu đủ:
 − Chuột cống muôn năm! Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Bác cống, họ hàng nhà chuột chúng ta rắp tâm thi hành đúng đắn những chỉ thị của Bác cống là chắc chắn hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ “cắt mạng”, kính xin Bác cống rộng lượng hải hà mà ban bố cho những lời huấn từ hữu ích. Chúng cháu nguyện sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác cống vĩ đại!
 Vua cống mỉm cười khoái trá, tay dơ cái lục lạc lên lắc qua lắc lại cho phát tiếng kêu leng keng rồi nói:
 − Quả nhân nghĩ rằng ta phải treo cái lục lạc này vào cổ lão mèo. Từ đó lão đi đến đâu, lục lạc rung vang báo tin cho chuột ta hay mà lánh trước.
 Tiếng hoan hô vang dội không ngớt. Chờ một đỗi cho lòng chuột lắng xuống bớt, bấy giờ Vua cống mới dơ tay cho mọi người yên lặng, xong lão tiếp tục:
 − Vì sự nghiệp “cắt mạng” sáng ngời, Bác mong các cháu hãy hăng hái hy sinh theo gương đồng chí anh hùng Tý Văn Tám, người đã tẩm xăng tự châm lửa làm bó đuốc sống chạy tới đốt râu lão mèo. Từ nay các cháu họp nhau chia thành từng đội 2 cháu, một cháu nằm ngửa ôm cái lục lạc, cháu kia nắm đuôi kéo tới chỗ mèo nằm ngủ như kiểu Bác từng dạy các cháu ăn cắp trứng, rồi cố gắng quàng cái lục lạc vào cổ mèo. Toán này không thành công thì tiếp nối toán khác, ta quyết tâm thực hiện cho bằng được dù có phải hy sinh tới con chuột lắt cuối cùng. Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công! Chuột nhất định thắng! Mèo nhất định thua!
 Hùng khí bừng bừng, những đội thiếu niên quàng khăn đỏ anh hùng mang tên Bác cống nắm chặt tay đấm lên trời tung hô thật hào hứng và hùng hồn:
 − Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!
 Từ đấy, ngày nào cũng có 4, 5 cặp chuột lắt anh dũng xông pha làm liệt sĩ. Trong khi Mèo yên tâm nằm ngủ thẳng giấc bất kể ngày đêm chẳng cần tốn công sức rình mồi, hễ nghe tiếng lục lạc tới gần, chỉ cần quơ tay là sớt ngọt 2 chuột lắt… Cứ thế mỗi ngày mèo lại lấn thêm một bước, hết mèo trắng lại đến mèo đen, xấn dần bao vây thu nhỏ phạm vi kiếm sống của chuột lắt lại, đồng thời kêu gọi Vua cống cho tăng cường số chuột lắt ôm lục lạc mỗi ngày… Lũ chuột lắt ta thán kêu khóc ngút trời, nhưng Vua cống và “Nghị viên” chù đồng tôn vinh mười sáu chữ vàng khè là:“Láng giềng hữu nghị; Hợp tác toàn diện; Ổn định lâu dài; Hướng tới tương lai”, cùng thực thi bốn tốt làn là: “Láng giềng tốt; Bạn bè tốt; Đồng chí tốt; Đối tác tốt.”
Thời gian cứ thế kéo dài, hết Xuân qua, Hè đến, Thu sang, Đông về… Cây kim giấu mãi cũng có ngày lòi ra ngoài, thế là những âm mưu đen tối của đảng cống mỗi ngày một bại lộ, rồi hết nhóm này đến nhóm nọ, hết người nọ đến người kia, đã hiên ngang đứng lên gióng tiếng chuông thức tỉnh đồng loại đừng mê muội hy sinh cho lũ chuột cống chuột chù bắt tay với mèo già mở tiệc ăn mừng máu xương dân tộc… Những nhóm này lúc đầu còn đơn độc, vừa mới cất lời đã bị Vua cống trấn áp, bắt cóc, bỏ tù bằng những tội danh ấm ớ như trốn thuế hay tọa kháng tại gia…
Gần đây có nhóm sinh viên trẻ cùng nhau tụ tập, họ kháo nhau rằng chủ trương đem lục lạc khoác vào cổ mèo là “nướng” sống dân cho mèo của tập đoàn Thái Thú chuột cống chuột chù. Họ đứng lên kêu gọi thanh niên hãy giăng mắc lục lạc khắp hang cùng ngõ hẻm để mèo di chuyển đụng vào báo hiệu cho chuột biết mà lánh xa, ngưng ngay việc hy sinh quàng lục lạc vào cổ mèo… Sinh viên nam thì in rải truyền đơn cảnh tỉnh đồng loại, sinh viên nữ thì trích máu pha nước viết hai khẩu hiệu: “Mèo phù cút khỏi đất chuột ngay!” và “Chết đi lũ chuột cống chuột chù!” Hai em bị Vua cống bắt cóc ngay rồi ép cung cho “Kiểm sát” chù khởi tố, vu khống các em “tuyên truyền chống họ hàng chuột”…
 Tiếng Anh người ta gọi chuột lắt là house-mouse, chuột chù là shrew-mouse, trong khi chuột cống là sewer-rat.
 Theo tự điển thì 2 chữ “mouse” và “rat” đều là danh từ có nghĩa (động vật học) là “chuột”, và nội động từ là bắt chuột, săn chuột; nhưng chữ “rat” mang nhiều nghĩa khác rất xấu xa. Chẳng hạn như danh từ về chính trị thì “rat” có nghĩa là kẻ phản bội, kẻ phản đảng, kẻ bỏ đảng trong lúc khó khăn; hay người chiếm chỗ làm của công nhân đình công, người chịu nhận tiền lương ít hơn của công đoàn yêu sách. Theo nội động từ về chính trị thì “rat” có nghĩa là phản bội, phản đảng, bỏ đảng trong lúc khó khăn; nghĩa bóng là phản bội, bỏ rơi…
 
Chữ “rat” ghép với những chữ khác thành nhiều thành ngữ: (1) to give somebody rats: (từ Mỹ, nghĩa Mỹ) chửi bới ai, la mắng ai; (2) like a drowned rat: ướt như chuột lột; (3) like a rat in a hole: trong tình trạng bế tắc không lối thoát; (4) to smell a rat: nghi có sự dối trá, cảm thấy âm mưu mờ ám…
 Ngày 16 tháng 05 năm 2013, đúng 12 giờ trưa, là thời điểm bắt đầu của lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông đối với ngư dân Việt Nam do nhà cầm quyền Bắc Kinh ban hành.
Cùng ngày 16 tháng 05 năm 2013, Tòa án “rat” tỉnh Long An kết án hai sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên với hai bản án hết sức nặng nề về tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”, trong đó có hành vi dùng máu pha loãng với nước rồi viết vào một mảnh vải “có nội dung không hay về Trung Quốc”.
 Theo tường trình của Danlambao thì phiên tòa “rat” kết thúc lúc 16h00 với những bản án nặng nề đối với 2 sinh viên yêu nước (Trích):
 - Đinh Nguyên Kha bị kết án 8 năm tù giam, 3 năm quản chế.
 - Nguyễn Phương Uyên bị kết án 6 năm tù giam, 3 năm quản chế.
 Ngay sau khi phiên tòa buổi sáng tạm nghỉ, nhà báo Trần Quang Thành đã thực hiện cuộc phỏng vấn với cô Nguyễn Thị Nhung, mẹ Phương Uyên:
 Cô Nhung cho biết, bản thân cô rất bất ngờ về thái độ của Phương Uyên trước tòa. Tinh thần Phương Uyên “trên cả mức tưởng tượng của gia đình”.
 Mặc dù sức khỏe không tốt, nhưng tinh thần Phương Uyên rất tốt. Tại tòa, cô sinh viên yêu nước cũng đã trình bày thẳng thắn quan điểm của mình.
 Trước tòa, Phương Uyên khẳng định: Những việc Phương Uyên làm được thể hiện hoàn toàn dựa trên tinh thần yêu nước, chống ngoại bang, cũng như chống lại bất công của xã hội. Đây đều là những điều mà người dân thấp cổ bé miệng không nói lên được, nếu ai dám nói thì cũng sẽ bị đàn áp.
Tinh thần này đã được thể hiện qua các bức tranh, cũng như những khẩu hiệu như “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” (do tự tay Phương Uyên viết bằng máu)
 Phương Uyên cũng cho biết thêm, những hành vi xâm lược, cướp giết ngư dân Việt Nam ngày càng trắng trợn và dã man của Trung Quốc đã khiến Phương Uyên “phẫn uất lên đến tận cùng”.
 Nói đến đây, chủ toạ phiên tòa lập tức cắt lời Phương Uyên.
 Được biết, tại phiên xử sáng nay, Phương Uyên đã không xin khoan hồng và không nhận tội. Đây rõ ràng là một cái tát vào mặt bộ công an với đoạn video “nhận tội” đã được phát sóng trước đó.
 Trước tòa, Phương Uyên dõng dạc khẳng định: “Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm”.
Trao đổi với nhà báo Trần Quang Thành, cô Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: “Là một người mẹ, là người đã sinh ra bé Uyên và nuôi đến ngày hôm nay, tôi cảm thấy rất vinh dự về Phương Uyên. Công lao mình nuôi con đến ngày hôm nay đã được thỏa mãn”.
Đinh Nguyên Kha tuyên bố trước tòa: “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội”. (Ngưng trích)
Tôi xin phép mượn lời thầy tôi, Người Lính Già Oregon để kết thúc bài này:
 1) Đau xót và phẫn nộ. Thương cho phận người dân trong nước. Thương cho tuổi trẻ anh hùng Việt Nam. Căm thù Hồ Chí Minh, tên ác quỷ và tội đồ của dân tộc, đã nhập cảng chủ nghĩa Cộng sản quái thai, quái đản, quái dị, đã sản sinh ra một giai cấp lãnh đạo gốc bần cố nông ngu si, hung ác, và một thứ văn hóa hủy diệt, triệt hạ những giá trị cao quý, căn bản nhất của con người.
 2) Những đứa ở hải ngoại ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản, những tên khoa bảng trí thức nửa mùa cỡ giáo sư “tôi không chống Cộng”, những thằng Việt Gian đã bán linh hồn cho quỷ, đang hô hào hòa hợp hòa giải với lũ tham tàn bán nước v.v… cần phải đọc bản tường trình này, cần phải cúi đầu, gục mặt trước gương kiêu hùng của hai người trẻ, nạn nhân mới nhất, trong nước hiện nay để thấy cái hèn và cái nhục của mình như thế nào. Bọn người hải ngoại vô liêm sỉ này không đáng xách dép cho họ.
 3) Muốn đánh đuổi Tàu Cộng, trước tiên phải tiêu diệt lũ Việt Cộng chóp bu bạo ngược, độc tài, hung ác, ngu si, đê hèn, khôn nhà dại chợ. Không còn con đường nào khác. (Người Lính Già Oregon)
 
“Tôi viết tên em (Uyên-Kha) trong trái tim tôi”,
   Phạm Khắc Trung

Monday, June 3, 2013


CÀ PHÊ THỨ BẢY
NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG














Em chẳng bao giờ thích uống cà phê,
Nhưng thứ bảy em theo anh ra quán,
Anh muốn bên em phút giây thư giãn,
Giữa ồn ào của phố xá cuối tuần.

Anh đưa em đến la Madeleine,
Chọn một bàn nhỏ mình ngồi bên nhau,
Những bàn ghế nâu, tường nhà màu nâu,
Cà phê nâu bưng ra còn hơi khói.

Ly chocolate nóng cho em. Anh gọi.
Anh và em riêng trong một không gian,
Mời em điểm tâm với bánh Croissant,
Bánh mới nướng thơm ròn mùi bơ Pháp

Anh chiều em mua thêm phần bánh ngọt,
Orange dream Cake màu vàng cam ngon,
Uống chocolate nóng chắc phai môi son?
Ăn miếng bánh chắc mùi son bay mất?

Anh vẫn thích cuộc đời là sự thật,
Đâu vì màu son, màu phấn điểm trang,
Chốc nữa hôn em anh sẽ thích hơn,
Vì đôi môi em có mùi vị ngọt..

Thứ bảy có nhiều cuộc tình hò hẹn,
Có ai vào quán cà phê như mình?
Niềm vui đôi khi không tốn nhiều tiền,
Ly cà phê đủ cho tình gần lại.

Anh vẫn thích cuộc đời là thứ bảy,
Một ngày thảnh thơi trọn vẹn cho nhau,
Vào quán cà phê chia từng giọt sầu,
Chung từng giọt vui có em tri kỷ.

Cà phê với em. Tình yêu chỉ thế,
Không xa hoa, không mơ mộng hoang đường,
Em cũng thích đời đơn giản dễ thương,
Thứ bảy sau lại cùng anh ra quán.

Nguyễn Thị Thanh Dương.(May 4, 2013)

Sunday, June 2, 2013


Bài Diễn Văn Của Cô Cung Hoàng Kim, Hoa Hậu Toàn Quốc Hoa Kỳ 2012-2013, tại Austin, Texas


Bài diễn văn rất đặc biệt của Hoa Hậu Mỹ năm 2012- 2013 là cô gái Việt tên là Cung Hoàng Kim, cha : Cung Nhật Thành hiện phục vụ trong ngành Cảnh Sát Hoa Kỳ và mẹ là Giáo Sư Trần Thủy Tiên (đã về hưu sau 16 năm làm việc tại Colleges: College Advisor, Psychology/Sociology/Vietnamese Professor. M.A in Counseling & Guidance và M.S. in Psychology/ Sociology) 



 Kính Thưa Quý Vị,
Qua Lịch Sử, chúng ta được học là nên ghi nhớ lấy các Tư Tưởng, hơn là Con Người. Vì con người có thể thất bại. Con người có thể bị bắt giữ, bị giết chết và quên lãng, nhưng dù năm tháng trôi qua, một tư tưởng vẫn có thể tồn tại và thay đổi cả thế giới. Chúng ta không thể tiếp xúc, va chạm, hoặc giữ lấy một tư tưởng trong tay mình. Tư tưởng không biết đổ máu và không biết đau đớn, nhưng nó tiếp tục sống và hiện hữu với thời gian…


38 năm đã trôi qua kể từ khi Saigon thất thủ, nhưng chúng ta vẫn tụ họp ở đây hôm nay, tưởng niệm về sự mất mát quê hương xinh đẹp của mình. Tuy nhiên, có thể không đáng kể lắm về việc mất đi mảnh đất, mà đáng kể hơn nhiều, là Sự Mất Tự Do, Mất Đạo Đức, Và Sự Mưu Cầu Hạnh Phúc Cho Dân Tộc Việt Nam.
Là một nữ sinh viên 22 tuổi, sắp tốt nghiệp hạng Danh Dự, từ University of Texas (UT) vào Tháng 5, 2013, tôi tự hào là cư dân Texas, và hơn thế nữa, hãnh diện mình là người Mỹ gốc Việt. Dĩ nhiên tôi rất ý thức là gia đình tôi đến Hoa Kỳ vì sự lựa chọn chính trị, với tư cách là Người Tỵ Nạn, nạn nhân của chế độ Cộng Sản Việt Nam, chứ không phải vì lý do kinh tế vật chất.
Đằng sau lớp sơn “dân chủ” mỏng và rẻ tiền, Việt Nam bây giờ vẫn có đủ những đặc tính của Cộng Sản độc tài, mà các quốc gia tân tiến như Hoa Kỳ không thể tin được là những chuyện này còn tồn tại. Không có cơ sở thông tin nào do tư nhân làm chủ, tất cả từ báo chí, đài truyền hình, và ngay cả các chương trình ca nhạc giải trí, đều do nhà nước kiểm soát. Các người trong đảng Cộng Sản tự phong mình là “lãnh đạo” cầm quyền. Hậu quả là luật lệ không được thi hành, công an và quân đội Việt Cộng bảo vệ đảng, không bảo vệ dân, và người dân khổ sở...
Tôi thật đau xót khi nghĩ đến những cô gái đồng trang lứa với tôi ở Việt Nam hôm nay, bị mang bán ra nước ngoài, hoặc phải làm việc quá sức. Họ bị mắc bẫy trong cuộc sống đầy dẫy lạm dụng về tình dục, đói khổ, làm việc kiệt sức, nói chung là một cuộc sống đầy máu và nước mắt.
Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, tôi được đi học và được làm công việc tôi thích: làm người kể chuyện bằng cách tường-thuật tin tức về những gì xẩy ra chung quanh tôi. Tôi nhận thức, được sống trong một xứ sở tự do ở đây, là một đặc ân. Nhưng sự tự do nầy có được, với cái giá rất cao. Sau cùng, Năm Mươi Tám Ngàn Chiến Binh Hoa Kỳ, Ba Trăm Ngàn Chiến Binh Việt Nam Cộng Hòa Đã Hy Sinh Cho Miền Nam Việt Nam. Họ đã ngã xuống cho tôi được đứng đây hôm nay, trước mặt quí vị. Năm Trăm Ngàn Thuyền Nhân Việt Nam đã chết trên Biển Đông, trong khi cố gắng vượt thoát để hy vọng có Cuộc Sống Tự Do như tôi hôm nay. Những người đàn ông, phụ nữ, thanh niên, và các trẻ em, đã chiến đấu cho một Lý Tưởng hoặc một Tư Tưởng, Không Bao Giờ Mất.

Nhưng Tư Tưởng này là gì? Đó là một Nguyên Tắc về Nhân Quyền, Dân Chủ, Công Lý, và Tự Do. Nó cung cấp cho dân Việt sự yên bình trong tâm hồn và không phải khiếp sợ nhóm cầm quyền cộng sản như hiện nay. Họ có thể ngủ yên an toàn ban đêm, không phải lo toan cho có bữa ăn ngày hôm sau, hoặc bị nhốt tù vì Ý Tưởng Được Độc Lập, như Cựu Đại Úy VNCH Nguyễn Hữu Cầu, Nhà Báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, như Nông Dân Đoàn Văn Vương, như Ca Nhạc Sĩ Việt Khang, Blogger Tạ Phong Tần, nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên, và còn biết bao nhiêu người khác nữa... Họ đang gánh chịu ngục tù Cộng Sản, vì họ dám đứng lên tranh đấu cho Nhân Quyền và Độc Lập ở quê hương Việt Nam, chống lại Tầu.
Đối với thế hệ trẻ, những người được sinh ra và nuôi dưỡng trong một xã hội tự do, thì Sự Tự Do Giống Như Khí Trời Bao La. Chúng ta hiếm khi nghĩ đến nó vì Sự Tự Do luôn luôn có sẵn đó. Nhưng đối với 90 triệu người Việt đang sống trong một đất nước Cộng Sản, tràn đầy áp bức và ngăn cấm, Sự Tự Do Không Hề Hiện Hữu.
Nếu Có Ai Cần Ghi Nhớ Và Bảo Vệ Tư Tưởng Nầy, Đó Chính Là Chúng Ta, Những Người Tỵ Nạn Miền Nam Việt Nam. Chúng ta phải tranh đấu để ghi nhớ Tư Tưởng Tự Do và Nhân Quyền nầy, vì nó sống mãi trong thâm sâu, tận đáy lòng ta. Đó Là Một Giấc Mơ Rực Lửa. Lúc đầu, nó là ngọn lửa rất đẹp, thường bùng cháy dữ dội, nhưng rồi dần dần vơi đi... Tuy nhiên, khi ngọn lửa Tư Tưởng Tự Do được phát triển lâu dài, nó giống như than đốt, nóng bỏng, cháy thâm sâu xuống dưới, và không sao dập tắt được nữa…
Austin, Texas, Ngày 27/4/2013

HOA HẬU CUNG HOÀNG KIM