Friday, June 14, 2013


BA, CHIẾC XE ĐẠP VÀ NHỮNG VÒNG QUAY

THÚY QUỲNH




Đó là chiếc xe đạp mà bây giờ khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Chiếc xe đạp đầm màu xanh dương đã bạc, vài chỗ sờn tróc của ba tôi với cái tay cầm ngang làm bằng nhôm mờ, cái yên xe gọi là yên chứ nó có yên đâu vì bao giờ cũng nghe tiếng nó kêu cót két, còn cái yên xe phía sau thì ôi thôi không biết là bao nhiêu sợi dây thun to bản màu đen mà ba móc ngang móc dọc quanh đó. Sợi dây sên đã rỉ sét và giãn ra đến nỗi cứ vài vòng xe là nó lại tuôn sên, không hiểu làm sao mà ba tôi có thể kiềm được cái tay cầm loạng choạng, rồi nhấp nhấp cái bàn đạp vài lần, vậy mà nó lại ro ro chạy tiếp. Cứ chiều về là ba tôi lấy hôp dầu nhớt đặc sánh ra rồi dùng tay thoa đều cái thứ mà ba gọi là mỡ bò đó lên từng mắc xích của sợi dây sên. Lạ lùng thay sau khi cho sợi dây sên nó ăn mỡ bò xong, ba quay cái bàn đạp một vòng tròn thì tôi không còn nghe tiếng rin rít lè xè tưởng chừng như mấy cái mắc xích nó sắp bung hết ra nữa. Từng lóng mắc xích bỗng trở nên đoàn kết với nhau thật chặt chẽ và cứ quay bao nhiêu vòng thì trông nó vẫn cứ mượt mà, nhẹ nhàng đằm thắm làm sao!
Mỗi buổi sáng ba dắt chiếc xe mà má tôi hay kêu là cái xe cà tàng ra khỏi nhà, rồi cứ thế mà đạp rong ruỗi trên khắp nẽo đường hang cùng ngõ hẹp. Để đến khi chiều tàn tôi luôn thấy ba trở về với đằng sau xe là ràng buộc tứ tung, khi thì mấy cái ghế dựa đã sút chân gãy gọng, khi lại là nguyên cái tủ gạc-măng-ghê (garde manger) to đùng mà ba phải dùng mấy thanh tầm vông cắt ngắn buộc chặt sau yên xe để giữ thăng bằng. Cũng có hôm ba mua đựợc cái tủ thờ xưa hay bộ ván cũ thì ba phải kêu thêm chiếc xe ba gác máy để chở. Tôi nhớ mãi cái dáng ba tất bật đạp xe chạy theo chiếc xe ba gác máy to kềnh, người ba dướn lên phía trước với hai bàn chân chai sạn đạp xe thật mạnh mẽ, cái xe cà tàng chắc cũng tội nghiệp cho ba nên nó cứ chạy băng băng mà không chút ọt ẹt ỏng a ỏng ẹo như mọi ngày. Ba tôi, sau mấy chục năm dài chỉ biết mỗi một "nghề đi lính" thì giờ đây ba đã biết được thêm một nghề theo thời cuộc đó là nghề mua đồ cũ. Ba mua bàn ghế, tủ, giường cũ đem về làm mới lại bằng cách sữa chữa, lau chùi, đánh bóng rồi bán cho mấy cửa tiệm bán đồ gỗ lấy công làm lời. Ba đi mua đồ cũ bằng chiếc xe đạp cũng cũ không kém. Tôi không biết ba có yêu cái nghề bất đắc dĩ này không, nhưng mỗi buổi chiều về dù có mua đựợc hay không mua được món gì thì tôi vẫn thấy sau khi ba chống chiếc xe đạp bên hông nhà, ba thẫn thờ vói tay lơ đãng cầm cái bàn đạp xe quay đều đều rồi nói với má bao giờ cũng vẫn một câu "họ lại kêu bán nữa bà ạ..". Trong trí óc non nớt của tôi khi ấy không thể nào hiểu rằng sao ba có vẽ buồn bã đến vậy khi mua được một món đồ đem về bán kiếm đồng lời. Làm sao tôi hiểu được cảm giác chua xót của ba khi thấy người ta nghèo khó đến mức phải bán dần những thứ vật dụng trong nhà để đổi lấy một số tiền ít ỏi có thể mua thức ăn nuôi sống cho cả gia đình trong vài ngày.
Cả miền nam khi ấy đang oằn mình với những hơi thở nhọc nhằn biến chuyển theo thời cuộc và ba tôi, với số vốn thì ít ỏi mà nỗi muộn phiền thì nhiều, ba đã bỏ cuộc trong những tính toan thường ngày. Thì đó, người lính ở chiến trường dầy dặn trận mạc bao nhiêu thì khi ra thương trường họ trở nên ngơ ngác, hoang mang bấy nhiêu.
Ba nghỉ việc không đi mua đồ cũ nữa nhưng chiếc xe đạp thì không nghỉ, nó lại theo ba đi trên những nẽo đường khác. Ba kiếm mua được miếng đất nhỏ với giá rẻ mạt vào thời đó để tập tành trở thành người nông dân. Và thế là ba bắt đầu làm quen với cuốc, với xẻng, với hạt giống, với thuốc trừ sâu, với dự đoán trời sẽ nắng hay là sắp mưa... Tôi không biết ba học hỏi từ đâu những kinh nghiệm làm nông quý báu như vậy vì thời đó làm gì có những thông tin hay hướng dẫn tràn lan cho ta hiểu biết như bây giờ!? Tôi chỉ thấy mỗi ngày ba dắt xe đạp ra đi sớm hơn, da ba sạm đen hơn. Giờ đây ba có thêm hai thứ làm bạn nữa là cái cuốc và cái xẻng xúc đất mà lúc nào tôi cũng thấy chúng được buộc cặp dọc theo hai bên sườn xe đạp một cách điệu nghệ.
Tôi còn nhỏ quá để hiểu và chia sẽ những nhọc nhằn của nghề làm nông với ba, tôi chỉ biết thích quá trời vì nhờ ba tôi làm nông mà tôi có những ngày nghỉ học không còn nhàm chán ở nhà. Nhà đông anh chị em nhưng chỉ mình tôi là thích theo ba đi thăm đất. Tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác ngồi sau chiếc xe đạp cà tàng của ba, vừa ra khỏi phố chợ đông đúc thì rẽ sang con đường đất đỏ với hai bên đường là nhà cửa thưa thớt, là cỏ, là cây, là hoa nở đầy trên những hàng rào dâm bụt. Tuy vẫn nghe tiếng lè xè của sên xe đạp nhưng tôi không còn khó chịu nữa vì gió thì mơn man, và mây trời thì lồng lộng trên đầu. Ngồi phía sau tôi còn có một nhiệm vụ hết sức "quan trọng" nữa là giữ thật chặt cái giỏ xách đan bằng cói mà ba tôi gọi là cái tụng đệm, trong đó má sắp sẵn cái gà-mên cơm với khoai lang luộc xắt từng lát, ít dưa mắm và cái ấm nhôm thật to đựng nước uống. Cái món dưa mắm này ở nhà tôi ăn ậm ờ, lơ đãng, ăn vì đói, vì cho xong bửa chứ ngày nào cũng ăn nó ngán ngẫm ra rồi! Nhưng không hiểu sao khi ba tôi bày nó trên tấm bạt bằng ni lông trãi giữa cánh đồng mà chung quanh còn đang ngổn ngang những hom khoai mì ba chặt sẵn từng lóng để trồng, những luống đất khô khốc đang còn cuốc dở dang và gió đồng đang lồng lộng thổi, thì cái món cơm trộn khoai lang với dưa mắm đó bỗng chốc nó trở thành một bữa ăn thịnh soạn ngon hơn bất cứ thứ gì khác trên đời.
Và thế là ba trồng sắn, trồng khoai rồi chuyển sang trồng đậu phộng, đậu bắp, mùa này tiếp nối những mùa kia. Và cứ thế anh chị em tôi lớn lên rồi lập gia đình với những mái nhà riêng. Và ba thì già đi, và xe đạp cũng đã mấy lần thay mắt xích. Mỗi buổi chiều ba thường hay đạp xe thong dong tới nhà thăm đứa này đứa nọ. Chiếc xe đạp nó vẫn gắn bó với ba đến nỗi hễ cứ nghe tiếng thắng xe rin rít, tiếng dựng xe lạch cạch bên bờ rào là tôi biết ba đã tới nơi rồi.
Bao nhiêu năm dài ba tôi sống an phận với những vòng quay của cuộc đời như thế. Cũng có lúc khó nhọc trăm bề với miếng cơm manh áo, có lúc tủi nhục vì sự o ép của đời với thân phận người lính cũ, có những tháng năm khủng hoảng tinh thần mà một đứa nít ranh như tôi không thể nào hiểu được,không thể nào cảm nhận nỗi. Sau này lớn hơn một chút có đôi lần tôi bắt gặp ba thẫn thờ ngồi đọc những lá thư của cô tôi gửi về từ nước ngòai, kèm với những thùng đồ mà khi mở ra như có phép màu vì mùi thơm sang trọng, quý phái của nó ngào ngat đến mê mẫn cả người. Lúc ấy mấy anh chị em tôi mừng rở tíu tít vây quanh những món quà lạ lẫm thần kỳ, còn ba thì ngồi đó với ánh nhìn xa xăm nhưng đầy khao khát. Ba ngồi yên một chỗ như mắc kẹt giữa cái không gian chật hẹp của căn nhà hai bên là vách đất và trần lợp bằng tôn phủ đầy những tấm nhựa dù mà nước mưa vẫn cứ lọt vào rơi lõm bõm. Cứ thùng đồ này rồi tới thùng đồ kia, bao nhiêu năm cô tôi từ một nơi xa xăm nào đó âm thầm trợ giúp cho ba nuôi mấy đứa tôi ăn học. Khi đó tôi thấy cô tôi như một bà tiên ban phép lạ và cái xứ cô tôi đang ở đúng là một xứ sở thần tiên. Mãi về sau khi tôi đến được cái xứ sở thần tiên của cô tôi rồi thì tôi mới hiểu được rằng, để trở thành một bà tiên như thế cô tôi phải cần kiệm, dè xẻn và tính toán từng chút những nhu cầu thiết yếu của một đời sống cao hơn. Hóa ra tiên hay không tiên gì thì cũng đều có nỗi khổ riêng cả đó mà!
Nỗi khổ vì sự chia cắt quá lâu như một thứ ám ảnh mơ hồ bao trùm lên đời sống của kẻ ra đi lẫn người ở lại, diễn ra từ ý thức hệ này đến ý thức hệ khác. Nó thấm dần vào từng con người để rồi đến một lúc nào đó người ta chợt nhận ra từ bờ bên đây tới bờ bên kia là cả một đại dương ngày càng rộng lớn.

Đó là khi tôi đưa ba tôi qua cái xứ thần tiên mà ba từng khao khát để bù đắp những tháng năm khổ cực ba phải chịu bấy lâu nay. Tôi mừng vì đã làm được điều đó cho ba và tin là ba sẽ vui lắm. Nhưng không, ba tôi như một người đi lạc và chỉ muốn trở về. Ba muốn về để được đi lại thong dong trên những nẽo đường nhọc nhằn quen thuộc. Nước mắt và mồ hôi đã thấm đẫm những ngõ ngách của cuộc đời ba ở đó quá lâu rồi. Cho dù những vòng quay vẫn cứ tiếp nối nhưng ba tôi, với đôi mắt tật nguyền vì đã lòa đi, với tấm lưng còm cõi giờ đã khòm xuống, và đôi chân bước từng bước mõi mòn chậm chạp, ba đã chọn cho mình nơi chốn để dừng chân.
Thúy Quỳnh


No comments:

Post a Comment