Thursday, August 14, 2014


DẶN BÀN TAY

TRÂN SA





















Hãy viết như là âu yếm chữ
Như đang tình tự với trần gian
Hãy chép mối tình người với đất
Là duyên kỳ ngộ suốt trăm năm
Hãy là tình nhân của ngôn ngữ
Đêm nay hãy hẹn với trăng rằm
Xin sẽ âm thầm trao tặng cả
Đời ta hãy nhận- hỡi hư không

Hãy sống như thời gian bất tận
Hãy yêu bằng tim óc thủy chung
Hãy là ân nhé không là hận
Tạ với thiên thu một tấm lòng
Hãy làm những ngón tay gieo hạt
Hãy mơ sa mạc nở đầy bông
Ai cấm môi cười trong giấc mộng
Ai giận thông buồn trong gió đông?

Hãy viết như là âu yếm chữ
Hãy thương từng nét, quý từng câu
Ước mơ, hạnh phúc, và oan khổ
Hãy viết như tình nhân gửi nhau.
TS

 





Friday, August 8, 2014


NỒNG NÀN
Phạm Ngọc













Anh vẫn đợi chờ cho ngày tháng qua mau
để trở lại cùng em và con phố cũ
đi với em qua hàng cây, lối cỏ
thưở hẹn hò hai đứa đã thân quen

Khi buổi chiều rơi xuống thật dịu êm

em gom hết hoàng hôn vào trong mắt
bao kỷ niệm hai đứa mình góp nhặt
rủ nhau về trong ký ức mênh mông

Anh vẫn đi qua những con đường
mang trái tim đã nặng oằn nỗi nhớ
vẫn yêu em trong nồng nàn hơi thở
để quay về nơi chốn hết cô đơn

Ngồi bên nhau anh sẽ thấy gần hơn
môi em thơm dậy mùi hương con gái
năm tháng sẽ già nhưng tình ta còn trẻ mãi
nên cuộc đời muôn thuở vẫn đơm hoa

Em thật gần dẫu hai đứa cách xa
vẫn theo anh giữa dòng đời tất bật
tình yêu em, anh đâu cần phải nhắc
vẫn nồng nàn một mầu tím em ơi!..
Phạm Ngọc
08072014








Wednesday, August 6, 2014

nhìn lui một định mệnh


thư viết từ đường heatherglen

phạm ngũ yên


1.

Mười tám năm tôi xa quê và ba mươi ba năm Vũng Tàu của tôi đã phai nhạt màu xanh. Muối của biển có còn mặn mà hay phôi pha vì mỗi mùa giông bão? Ngọn hải đăng mỗi đêm có còn soi rọi những hướng đi về tương lai cho những chiếc tàu đã không còn tay lái? Nghe nói con đường chạy quanh Núi Lớn, Núi Nhỏ đã khang trang hơn vì nhu cầu du lịch, nhưng tấm lòng của người dân đang cạn hẹp và ngổn ngang những gai góc tình người.

Mẹ tôi không còn cách đây nhiều năm. Khi bà mất tôi không thể về. Có những lầm lỗi mà chúng ta có thể quên được, nhưng có những lầm lỗi không bao giờ san sẻ hay bị đồng hóa dù chúng ta biện minh bằng những lý do nào đi nữa. Suốt đời tôi sẽ hối hận vì điều này. Và mọi thành công sau này nếu tôi vươn tay tới được, sẽ nặng trĩu lòng thống hối. Nó sẽ làm lem luốt mọi mùi thơm và mọi vinh quang trên những vòng nguyệt quế.

Có biết bao nhiêu người Từ Mẫu đã hụt hơi đi bên cạnh bước chân thơ dại của con mình? Có biết bao nhiêu người Mẹ còn giữ cho đời một chút màu xanh hi vọng? Mẹ tôi là một trong những người Mẹ đó. Bà đã ươm trong hồn tôi, từ ngày thơ ấu những hơi thở tươi mát như gió biển. Bà không đủ giàu để mua tặng tôi chiếc vé xe mộng ước để chạy đuổi theo những thành phố hào nhoáng vật chất. Nhưng bà đã đặt tôi trang trọng trên chỗ ngồi của lòng can đảm - để từ đó đi xuống đời bằng bước đi chân cứng đá mềm.

Trên đất nước tạm dung nơi đây có ngày lễ Mẹ. Người Mỹ thích cho thế giới thấy sự hiếu thảo của họ, dù chung quanh vùng Down Town có những căn nhà Nursing Home. Có bao nhiêu chiếc ghế xích đu đong đưa nỗi cô đơn của những ông bà già, như đong đưa niềm hi vọng? Ở đó cũng còn có người trợ tá đút cơm cho những người không còn trí nhớ suốt ngày cười nói như một đứa trẻ, trong khi màn ảnh truyền hình chiếu đi chiếu lại những bộ phim tình yêu. Những quảng cáo thuốc tăng cường sinh lực. Mọi điều có vẽ như một mặt khác của đời sống. Nó trùng lấp, hỗn độn và đầy gai góc. Và chúng ta nhìn vào bức tranh đó, chúng ta sẽ thấy rõ tương lai của chúng ta ra sao.

Những đứa con của Hợp Chũng Quốc Hoa Kỳ thích vinh danh những người Mẹ. Hãy để cho chúng có việc để làm và có một sự bận rộn dể thương bên cạnh những căng thẳng nhà xe, cơm áo.

“Có phải nơi kia là phố tôi sinh

Có sương sớm đọng trên đèn muộn

Ðâu? Ðâu có ngụm đèn xanh

Rèm che nhòe cửa sổ

Nín đi thôi. Nín đi thôi các đại lộ nhiều cây...” (Trần Dần)

 

Ðêm mênh mang những cánh gió rượt theo vòng lăn của bánh xe và con đom đóm bay dật dờ trong đám cỏ. Không lâu nửa con gái tôi sẽ trưởng thành. Nhưng chắc còn lâu nó mới hiểu tường tận về bà nội của nó nơi một góc phố mà ba nó sinh ra. Trong khi nền văn hóa tại đây không dạy cho nó cái cảm giác về sự ràng buộc mật thiết của tình mẫu tử. Nên nó sẽ đi vào đời với một đóa hồng rất hời hợt ngày Mother‘s Day. Một lần tôi chỉ cho nó tấm hình chụp chung với bà Nội, lúc nó mới vừa bốn tuổi. Khi chúng tôi về thăm lại Ðà Lạt. Bà Nội nó đội khăn mỏ quạ và trông có vẽ “quê mùa” dưới mắt nó. Nhưng với tôi, cuộc đời sẽ không lớn lao và văn minh được nếu không có những chiếc khăn mỏ quạ. Từ những vuông khăn đó, mồ hôi và nước mắt khổ đau đã được lau khô. Hạnh phúc và niềm vui cũng gói ghém trong đó. Chúng tôi, cùng khôn lớn theo màu thời gian phai mờ trên từng sợi vải và tương lai phồng căng trên đó như một cánh buồm.

Những chiếc khăn mỏ quạ che kín những vai đời, trong khi nắng gió làm già háp mộng ước thời niên thiếu. Tôi lớn lên theo những mùi thơm ngào ngạt toát ra từ nổi buồn, như hóa thân của thời gian . Chiếc khăn cũng vậy. Nó bạc màu theo tuổi già của Mẹ tôi. Nhưng sao tôi vẫn thấy nó chứa đựng bao điều mới mẽ.

2.

Gần tới mùa tựu trường. Gió thu hiu hắt những hồi tưởng. Khi tôi còn là học sinh trọ học bất đắc dĩ trên thành phố Sài Gòn. Vũng Tàu của tôi là một tỉnh nhỏ, khi học xong Trung Học đệ nhị cấp phải về thành phố để thi Tú Tài. Một người bạn cùng lớp đã rũ tôi lên nhà bà cô của anh để chuẫn bị ngày thi. Căn gác trọ nằm trên đường Nguyễn Cư Trinh. Căn nhà số 105 ngày đó là một nhà gỗ hai tầng. Phía dưới dùng làm kho chứa đồ. Tầng trên dùng làm sinh hoạt cho cả gia đình.

Ðó là những năm của thập niên 60. Lúc đó bến xe đò lục tỉnh nằm hai bên đường Nguyễn Cư Trinh, chưa dời ra ngoại ô. Mỗi tháng thay đổi vị trí chỗ đậu xe một lần. Tháng trước xe về đậu bên này đường. Tháng sau về đậu phía bên kia. Sự huyên náo, ồn ào chia đều cho hai bên và người dân hai khu phố quen thuộc với những hoạt cảnh mỗi ngày. Từ một buổi sáng nào đó, trên căn gác trọ số 105, tôi nhìn xuống con đường và những đời xe tất tả, xuôi ngược, tôi thấy hết nhịp sống của Sài Gòn. Mọi loại xe đều hiện diện trong ngần ấy không gian chật chội, giữa những tiếng động nhức nhối. Tiếng kèn xe, tiếng máy nổ chờ lăn bánh, tiếng rao hàng, tiếng cải cọ, tiếng đồ vật rơi đổ, tiếng một con chó gầm gừ do bị đánh bởi một bà bán hàng nóng tính, tiếng chọc ghẹo, tỏ tình sỗ sàng từ những người lơ xe bạt mạng giang hồ với các cô gái bán hàng. Xen lẫn giữa mùi thơm của cà phê, của hủ tiếu và hơi thuốc lào là mùi cống rãnh nghẹt ứ, mùi rác rến tùy tiện.

Cái nhịp đời đó không bao giờ nằm im trong trí nhớ tôi. Nó vẫn sừng sững dù nhiều năm bể dâu biến động. Vì nó đánh dấu một mối tình mới lớn. Người con gái của hơn bốn chục năm về trước mà tôi từng yêu khi về sống tại Sài Gòn. Căn gác ván cũ kỹ, (sau này được xây ba tầng gạch, nhưng vẫn chật chội bề ngang) mỗi đêm tôi về nghe lại tiếng cười và tiếng nói chuyện của những cô gái con bà chủ nhà người Bắc. Nhà không có đàn ông. Những bữa cơm tối muộn màng vì mọi người bận bán hàng ở chợ Thái Bình, tôi đói bụng lén xuống đường kiếm món gì ăn đỡ dạ. Tôi biết buồn và biết đau khổ từ những ngày đó. Và cũng biết thêm những thôi thúc giang hồ theo tiếng kèn xe. Nơi căn gác còn có thêm một bà cô mù suốt ngày ngồi một mình, nghe tiếng bước chân chúng tôi lên gác mà mừng rỡ. Tôi biết bà thương tôi và kỳ vọng ở tôi một chàng cháu rể không cứng đầu. Những con mèo tam thể ẻo lả nằm quấn quít cạnh bà trong khi tôi lắng nghe bà kể lể chuyện đời. Ðôi lúc câu chuyện của bà bị ngắt quãng vì tiếng cãi lộn bên dưới. Những tiếng chửi thề và nhiếc móc đay nghiến nhau của những đôi vợ chồng vọng lên căn gác, như những vết cắt đau điếng làm cho đời sống thêm sần sượng, gai góc. Cái góc phòng chật hẹp và bề bộn những tiếng động đó nhưng đại diện cho một Sàigòn lớn lao.

Bây giờ, một vài người nơi căn nhà 105 đó vẫn còn. Những người lớn thì đã mất vì thời gian -trong đó có bà cô chủ nhà và bà cô mù. Một trong ba người con gái nơi căn gác đó vẫn không chịu có chồng và sống thui thủi một mình bên những ngày tháng rời rộng khổ đau nhưng thiếu vắng hơi thở hạnh phúc. Tôi chắc như vậy vì sau một cuộc đổi đời mọi đời sống đều như vậy. Tôi không biết trong tâm hồn người con gái lở thì đó có bao nhiêu hình ảnh của tôi, có bao nhiêu khoảng trống cho một kẻ giang hồ như tôi cư ngụ? Nhưng với tôi, tình yêu tự nó thu xếp những chổ trú trong tim. Nó giống như những chuyến xe đò mỗi chiều về tìm bến đậu. Có một lúc nào, tự chính nó, vì bận rong chơi trên đường dài, lúc tàn cuộc quay về, sẽ mất hẳn một chỗ nằm khiêm tốn qua đêm. Chỉ tội nghiệp cho những quang gánh chất đầy mộng ước, bị bỏ quên dưới gầm xe vì không có người thu nhặt, phải chờ đến bình minh...

Một buổi chiều chủ nhật, trước ngày thi một ngày trời đổ mưa. Mưa dai dẳng từ buổi trưa, kéo dài đến chiều tối. Tiếng mưa gõ buồn bã trên các mái tôn cũ nghèo. Trên những mâm cơm tức tửi nỗi cơ hàn. Tôi đứng trú mưa giữa hành lang nối liền hai dãy nhà, lòng trống trãi một quạnh hiu. Vẵng đâu đây từ một chiếc radio, tiếng hát Phương Dung vọng xuống. Bài “Nỗi Buồn Gác Trọ”.

Tiếng hát ráo hoảnh giữa những dòng mưa. Tiếng hát chạy thêng thang trên những lòng đường bên dưới. Con nhạn trắng Gò Công giữa những thập niên 60, vừa vươn cánh bay xa khỏi ruộng lúa và những bờ sông phèn lợ phù sa để bay về thành phố. Tiếng hát chơn chất miền nam đôi lúc bay cao như cánh diều, đôi lúc la đà như sương mỏng.

 

Bâng khuâng gác vắng khêu tim đèn đêm

Nhớ nhung đi vào quên

Sông sâu cố nhân ơi đi về đâu

Gởi hồn chìm vào đôi mắt

Ái ân chưa trọn để ngàn đời nhớ nhau...

Phố nhỏ đường mưa trơn lối về

Trăng sầu nhân thế đọng hoen mi

Có ai ngồi đếm mùa nhung nhớ

Nỗi niềm đầy lại vơi

Mỗi mùa tiển đưa một người...”

 

Nàng hát cho ai nghe giữa một lòng mưa hắt hiu như vậy? Không phải cho tôi nhưng sao tôi cảm giác được nỗi chông chênh gập ghềnh, một mai khi bước xuống cuộc đời. ”Mỗi mùa tiễn đưa một người...”

Tôi không biết sáng mai tôi có thể hoàn tất những bài thi hay không, nhưng chưa gì tôi đã hình dung ra ngày niêm yết danh sách không có tôi đứng lẫn lộn giữa đám đông để rà soát tên mình. Lũ lượt những đứa học trò vượt qua biển dâu. Cũng như có những đứa học trò cam tâm chấp nhận ngày đi lính. Tôi là một trong những số đó. Ngày thi tôi nạp bài thật sớm và không buồn ký tên vào phiếu hồ sơ. Những quỹ tích, hàm số biến mất không để lại dấu vết trong đầu. Những bào tử, những bộ phận tim gan phéo phổi con người cũng vậy. Chỉ còn lại tiếng hát trong vút mượt mà nhưng đậm một một tình yêu tan vỡ. Người con gái đó chắc không biết tiếng hát của mình từ một buổi chiều mùa hạ đã làm cháy bỏng một đời trai. Nàng cũng không biết giọng ca ướt sũng lời mưa của mình đã níu chân một đứa con trai đứng lại bên ngoài cổng thiên đường. Sáng mai, sẽ có một người thu vén một chổ ngồi trên chuyến xe đò để xuôi giạt về quê. Chắc nỗi buồn sẽ lớn lao và làm cay mắt. Nhưng bù lại, đời sống cũng vừa thu nhập một vốn liếng khác, là sự lãng mạn ngọt ngào.

Nhiều chục năm sau, tôi vẫn luôn ngưỡng mộ về một giọng hát chơn chất đó như ngày nào chưa trưởng thành. Nếu một tiếng hát hay một bài ca đều phảng phất một định mệnh, thì tại sao chúng ta lại từ chối nắm bắt trong tay một định mệnh và ủ nó trong lòng?

Chúng ta không thể làm khác hơn với một hạnh phúc hay một tan vỡ- vì tất cả đều biểu lộ một tính chất mạnh mẻ của đời sống. Chúng tượng trưng cho một đời sống không thể chọn lựa khác hơn.

Khoảng trời xưa của tôi. Tiếng hát hạnh phúc cũ của tôi. Mọi thứ hình như đã xa rồi. Bây giờ chỉ còn lại tiếng gió đang rượt đuổi theo sau vòng quay của bánh xe, mệt lã như vòng đời. Gió không biết buồn nhưng gió luôn vùi lấp những khao khát. Gió cũng ít khi bùng lên những hi vọng buồn bã.

 

Tiếng hát dội vào lòng tôi như điềm dự báo một số phận. Lần đầu tiên trong buổi chiều xa nhà, tôi cảm biết rằng tình yêu sẽ làm cho con người ta lớn lao hơn hay bé nhỏ hơn. Lần đầu tiên tôi cảm biết rằng đời sống có những giá trị khác, tuyệt vời hơn. Không phải đơn điệu chỉ màu sắc của cơm áo, của công danh hay những thành đạt. Mà còn có sự lãng mạn của nắng mưa, của thời tiết. Của hạnh phúc và những đau khổ trộn lẫn. Của tình yêu tơi tả, bầm vập vì không tìm ra lối thoát.

“Mỗi mùa vắng đi một người”. Như mỗi đứa học trò sẽ trụ lại hay sẽ rời bỏ trường lớp sau một mùa thi. Ðể trôi lăn trên những vòng đời chóng mặt?

Năm đó tôi thi rớt Tú Tài 1. Tôi nạp bài thi trước hết và ra khỏi phòng. Lòng tôi trống trải như bến xe đêm về sáng. Không còn tồn động một phương trình hay một định lý nào trong trí tôi. Tôi lang thang gần nửa ngày, qua rất nhiều ngả tư ồn ào xe cộ. Qua những quán cà phê và những cô chủ quán yêu kiều. Tôi tập làm người lớn và tập hút điếu thuốc đầu tiên trong đời. Khói thuốc sẽ làm khô môi nhưng ướt sũng hạnh phúc được pha chế bằng mùi vị đau khổ. Những vòng khói níu chân tôi bước xuống cuộc đời và tôi nghe trong đó hương thơm của sầu mộng. Những vòng khói quấn quít, như những vòng tay ôm.

3.

Mỗi người có một định mệnh từ một cuốn phim hay một bài hát. Tôi không ra ngoài ngoại lệ. Bài hát Nỗi Buồn Gác Trọ đã cắt hồn tôi thành hai mảnh đời. Và tôi sẽ không bao giờ ghép hai nửa mảnh đời đó nhập lại cùng nhau. Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn không thể quên được giọng hát làm trái tim tôi trầy trụa. Tiếng hát cắm vào hồn tôi những chiếc gai nhức nhối có khả năng làm rơi máu lệ. Tiếng hát như một định mệnh đẩy tôi trôi trên những nhánh sông buồn.

Con nhạn trắng Gò Công chắc không thể hình dung được rằng cách đây đúng 40 năm, tiếng hát của nàng đã gây cho tâm hồn đứa con trai mười tám tuổi cơn địa chấn. Không phải cấp 4 hay cấp 5. Mà là cơn địa chấn ngọt ngào hơi thở của môi miệng và ràn rụa của nước mắt.

Nhiều năm trôi qua, hồn tôi vẫn còn rung động như ngày nào, khi nghe lại Nỗi Buồn Gác Trọ. Vẫn in như ngày mới lớn, vẫn mới mẻ ngần ấy những rung động.

Nhiều năm trôi qua. Từng có biết bao nhiêu gác trọ hiện ra bên cạnh cuộc đời. Một lần ở khu Bàn Cờ. Một lần ở Bảo Lộc. Một lần ở Chi Lăng, ở đường Hai Bà Trưng, Ðà Lạt. Vài gác trọ trên đất nước người có danh xưng khô khốc là Motel, bên những chặng nghỉ đường dài. Nhưng sự rung động bớt đi những sôi nổi, bồi hồi.

Hình như chúng chỉ tiếp nối những định mệnh, chớ không phải bắt đầu một định mệnh.

PNY.

 

Sunday, August 3, 2014

Em Trên Những Đường Mưa Xưa.
thơ mhhoàilinhphương















Em vẫn yêu mùa mưa
Như một thuở nào hồn nhiên, mới lớn
Những cơn mưa dài dịu ngọt thiết tha
Em trong giảng đường một mình
Ngày tháng đó thật xa…
Chuông đổ, trường tan
Tiếng guốc em vang lẻ loi trên lá vàng, tiếng mưa hòa trong gió
Sao nhớ về
Vẫn nghe thắt đau buồng tim nhỏ
Em bây giờ
Còn gì nữa không anh?
Trong tù nguc bao la…
Tiếng thơ buồn im băt trên mắt ướt long lanh
Thơ em dêt, có còn ai đoc nữa?
Nhât ký hoang vu khi thu về lá úa
Trong nắng hạ vàng, mù mit những cơn giông..
Tay gõ cửa đời hun hút dấu thanh xuân
Ta đến với nhau giữa muôn trùng giông tố đó!
Nếu em có là… một cành lau sậy buổn ngửa nghiêng trong gió
Cũng cám ơn anh vô cùng – màu áo cũ quen xưa
Vực em lên từ tuyệt vong vô bờ
Trong đá nát, vàng phai
Biển hóa nương dâu
Người người lưu lạc.


Và ta đã có nhau
Bên đồi thông hát
Café ấm nồng …Dalat mưa bay
Tháng chín trời mù
Những giọt tình say.
Ôi, yêu dấu những ngày mưa tháng chín!
M.H.HOÀI LINH PHƯƠNG


Saigon- Việt Nam tháng 9/1991.







Friday, August 1, 2014


GỞI VỀ EM
KHIẾU LONG









Anh gởi về em màu lá
Sân trường xưa buổi gặp nhau
Thời gian vụt qua rất vội
Lá xanh giờ đã thay màu

Anh gởi về em áo trắng
Một thời thơ dại mộng mơ
Bây giờ đường đời đôi ngả
Người đi kẻ vẫn đợi chờ

Anh gởi về em màu mực
Những chiều tím cả hoàng hôn
Em có khi nào chợt nhớ
Mực xưa tím cả linh hồn

Anh gởi về em cơn gió
Thổi vào lớp học chiều nao
Gió mơn man trên màu má
Tình yêu mới lớn ngọt ngào

Anh gởi về em kỷ niệm
Ngày đầu hai đứa nắm tay
Khung trời xanh tình rộn rã
Để anh nhớ mãi bao ngày

Anh gởi về em màu tóc
Bao năm lưu lạc bên đời
Tóc xanh ngày xưa đã bạc
Trong chiều thương nhớ đầy vơi
KL