Tuesday, December 31, 2013


CHUYẾN BAY ĐÊM GIAO THỪA

NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG.











Chuyến bay dừng lại ở Chicago,
Khi ngoài kia bắt đầu cơn bão tuyết,
Người ta tạm hoãn chuyến bay nối tiếp,
Đêm cuối cùng, đêm cuối tháng Mười Hai

Phi trường đông người trong đêm Ba Mươi,         
Kẻ đi người đến một nơi nào đó,
Chuyến bay đi qua những ngày tháng cũ,
Bước sang năm mới mình sẽ gặp nhau.

Nửa cuộc hành trình chưa thấy anh đâu,
Phi trường lạ người dưng xa vời vợi,
Quán cà phê đông người vào chờ đợi,
Có cả em đếm từng giọt thời gian.


Chiếc áo khoác không đủ làm ấm em,
Túi hành lý như một người lưu lạc,
Cà phê thêm đường mà sao vẫn nhạt,
Ly cà phê bất đắc dĩ không ngon..

Em đã thấy những ánh mắt mỏi mòn,
Nhìn về phía cửa máy bay hi vọng,
Chốc nữa đây cửa đi vào mở rộng,
Như cánh cửa đời em đã gặp anh.

Người ta chờ đợi để gặp người thân,
Vượt bao dặm đường chân mây đầu gió,      
Giọt cuối cùng ly cà phê còn đó,
Em còn đây với nỗi nhớ đầy thêm..

Người ta vừa gọi lên chuyến bay đêm,
Và có lẽ cũng là chuyến bay cuối?
Những hành khách kéo hành lý rất vội,
Bỏ ghế ngồi bỏ khoảng trống bơ vơ.

Em bỏ lại ly cà phê hững hờ,
Bỏ lại tâm tư quán khuya gió lạnh,
Đám đông đi vào, phi trường dần vắng,
Người lao công quét bụi rác cuối cùng.

Trong máy bay dù muộn còn hơn không,
Hành khách gần nhau chúc nhau năm mới
“Happy New Year” giữa trời đêm tối,
Em đang về, tình sẽ mới bên anh.

NTTD








 

Thursday, December 26, 2013


Cái lạnh đêm Noel

Phan Minh Châu

 
 
 
 
 
 
 
Cái rét xé lòng cái lạnh cắt da
Ôi cái rét không thể nào tả xiết
Một cái rét thấm vào từng thớ thịt
Chảy lan man trong mấy triệu hồng cầu
Chảy đi rồi không biết chảy về đâu
Nên nằm lại chốt trong từng hơi thở
Trong chiếc áo dày cui tưởng rằng vừa đủ cựa
Nhưng không ngờ cái rét vẫn chui vô
Nó ăn luồn vào trong mỗi cơn ho
Nó soi mói vào trong từng xương tủy
Một cái rét tưởng chừng như bất trị
Nó đang về trong theo hướng chúa phục sinh
Nó đang về mang cái lạnh mùa đông
Chảy se sắt trong những ngày cận tết
Nó đi mãi chưa bao giờ thấm mệt
Đêm Noel cái rét chẳng lui tàn
Trên nóc nhà thờ gióng giả tiếng chuông ngân
Tiếng cầu nguyện tiếng ca mừng thiên chúa
Những đôi môi run
Những bàn tay khốn khổ
Cái rét vẫn hồn nhiên bọc đá giáo đường
Xoáy sâu vào trong thăm thẳm hồn ta
Cháy hừng hực vào trong dòng máu nóng
Rét từ lúc canh gà chưa báo sáng
Để nao lòng khắp ngõ ngách quê hương
Ngày chúa về nếu không có mùa đông
Không có rét cũng trở thành vô nghĩa
Bởi chúa sinh ra cũng đã từng thấm thía
Cái rét ngày nào còn phủ cuộc đời con
Chúa phơi trần lồ lộ tấm lưng thon
Cây thánh giá tuyết đông từ mọi phía
Mọi cám giổ đến từ bầy ngạ quỷ
Chúa vẫn dang tay ban lộc phước cho đời
Con một thời đã biết mồ côi
Mồ côi phật và mồ côi cả chúa
Nhưng con tin mùa đông không lạnh nữa
Khi chúa về ru một giấc chiêm bao

PMC

Wednesday, December 25, 2013


KHI MÙA NOEL TỚI

TRÚC THANH TÂM

 














 
Noel năm đó lên Đà Lạt
Nhà thờ Con Gà đứng trong sương
Ta như lạc giữa trời nhan sắc
Dòng tóc mây bay góc giáo đường


Vùng đất cao nguyên ngày thiếu nắng
Sương mù đêm xuống cứ rơi rơi
Chiếc áo khoác nhung màu rượu chát
Có đủ cho em ấm một đời

Em biết yêu anh năm mười tám
Má hồng, môi mọng, mắt tròn xoe
Cùng cắn trái dâu tươi màu máu
Như khắc vào tim chữ hẹn thề
 
Ân tình ta nợ em từ đó
Phải chăng lúc trả chính nợ thêm
Theo ta suốt một đời lang bạt
Mùi hương con gái khó lòng quên

 
Tàn cơn lửa khói ta trở lại
Đồi Cù gió hú phía hàng thông
Hỏi ra, em đã rời phố cổ
Xuống miệt Đồng Nai để lấy chồng


Tình hỡi, kiếp nầy xin lỗi hẹn
Đêm nay nghe lại tiếng kinh cầu
Từ trong sâu thẩm như ai khóc
Chúa ở trên trời có thấy đau!
Trúc Thanh Tâm
(Châu Đốc)

Tuesday, December 24, 2013

Noël, mưa phùn và chuyện kể về một bức tranh
Đinh Cường

tặng Nguyễn Xuân Thiệp


Suốt ngày nay mưa Thiệp ơi
mưa như mưa phùn
trên mấy ngọn sầu đông Huế
mưa như mưa phùn
trên hàng mimosa vàng Đàlạt

chiều khoác chiếc áo coat dày
đi bộ hai blocks qua Starbucks
cám ơn người không cho biết tên
gởi tặng Starbucks gift card 50 USD
thư của Starbucks coffee company
gởi qua bưu điện đưa đến nhà

cám ơn người tặng món quà cảm động
và tôi lầm lũi đi trong chiều mưa phùn

trời mù trời xám mù lại tiếng còi tàu
nhắc mãi nhắc hoài ôi tiếng hú
như Thiện nhắc hoài một tiếng ho khan [1]
chúng ta mải miết trong tịch lặng
chúng tôi đã có mùa Noël thật đẹp
bạn bè đông về Đàlạt dự phòng tranh
nửa thế kỷ nay tranh về lại [2]
tôi dặm nhẹ thêm ít màu trên gương mặt ai…

Virginia, Dec. 23, 2013
Đinh Cường


[1] Hắn ho khan vài tiếng cho đỡ buồn,
trời lạnh quá, im lặng quá, nhiều khi mình phải
bày đặt ho khan để thấy rằng mình vẫn còn đó,
vẫn sống, vẫn thở và thổi những cơn mưa phùn…
( Phạm Công Thiện – Bay đi những cơn mưa phùn -
truyện ngắn, nhà xuất bản Phạm Hoàng 1970, trang 8 )

[2] Nài lại cà phê Tùng để về chỉnh sửa, và thế nào “nó”
cũng về lại Đàlạt…


Giáng Sinh Ở Việt Nam

Phạm Cao Hoàng











nghe trong tiếng nhạc vàng réo rắt
gót chân ai bước xuống bên đời
cả trần gian nở hoa thơm ngát
hãy cùng nhau quì xuống đợi tin Người

lạy Chúa tôi đêm nay Người đã đến
mưa ngoài trời đang tạt giữa hồn tôi
tim có se nhưng máu tôi vẫn chảy
đời buồn tênh vẫn mỉm môi cười

giữa phù vinh có khi buồn ứa máu
sống như là đã chết giữa vô tăm
vẫn biết Người có trái tim nhân ái
mặt đất này còn đợi phúc Người ban

vẫn biết Người sáng danh Thiên Chúa
trong hồn tôi là bóng mát hiển linh
nên đêm nay tôi nghe lòng phơi phới
dù phúc kia đâu phải riêng mình

lạy Chúa tôi đêm nay Người có thấy
đường tôi đi lớp lớp mộ bia xanh
có phải sống là tự mình hủy diệt
tự lưu đày giữa biên giới phân tranh

có phải sống là rơi nước mắt
khóc ngậm ngùi bên những dải khăn tang
Chúa tôi ơi Người có nghe tiếng súng
nổ bên trời hiu hắt giọt mưa sương

tôi vẫn đợi một ngày được thấy
chút yên bình của thuở xa xưa
và trên cánh đồng thơm lúa chín
cánh diều bay trong gió dật dờ

tôi vẫn mơ có một chiều trở lại
những con đường rộn rã bước chân quen
hay giữa lòng heo may tháng chạp
tiếng còi tàu giục giã đêm đêm

nhạc vẫn trổi bên bờ vô tận
hãy cúi đầu chờ đợi phút linh thiêng
dìu dặt tiếng thánh ca trong mưa bấc
nghe vang vang trên mặt đất ưu phiền

lạy Chúa tôi đêm nay Người đã đến
trong hồn tôi hoa nở đóa nhiệm mầu
trăm năm sau dưới trời cô độc
tạ ơn Người này một trái tim đau

Phạm Cao Hoàng
1970

Thursday, December 19, 2013

Chiều Tàn Năm Trên Quê Hương Lưu Đày
. thơ m.h.hoàilinhphương
 
tranh đinh cường 
 .“ trăng tròn chỉ một đêm rằm
    tình duyên chỉ hẹn một lần mà thôi” (1)
    nên giờ… môi đã lìa môi
    nên ta giờ đã… xa người trăm năm…

          Em về trên phố xưa

          Tìm anh hoài chẳng thấy
          Gió chuyển mùa bơ vơ
          Người xa từ dạo ấy...

         
Saigon chiều hôm nay
          Em làm người ở trọ
          Như quê hương lưu đày
          Một mùa đông vàng võ

          Em vào trong nghĩa trang
          Người nằm yên không nói
          Tìm đâu sắc cờ vàng?
          Của máu xương hờn tủi

          Trên hàng mộ không tên
          Em nghe lời gió hỏi
          Người còn nhớ hay quên?
          Đời quân nhân trôi nổi…

          Người nằm không khói nhang
          Lá vàng rơi lả tả
          Bè bạn đã quy hàng
          Quê hương thành đất lạ

 
         Em tìm trên trang thư
          Chim bay hoài đã mỏi
          Chưa lần cuối tạ từ
          Sao không còn chung lối?

          Biết tìm anh nơi đâu?
          Sao không còn nhau nữa...
          Ngục tối hay mộ sâu?
          Năm năm dài cách trở

          Năm năm đời trăm ngã
          Em còn gì đâu anh?
          Mùa xuân về xa lạ
         Trên kiếp người mong manh


M.H.HOÀI LINH PHƯƠNG
Saigon- Việt Nam 1980


(1) Ca Dao

Tuesday, December 17, 2013


CHÚT TỰ SỰ, VÀ EM
ĐINH VŨ HOÀNG NGUYÊN











 
 
Những cơn bão xiêu
đêm. Những cơn bão dịu dàng.
Những ga lá nhắc nửa đời lỗi hẹn.
Gió hấp hối suốt một thời của biển
Có bao giờ biết lặng trước mùa thu.
Em!
đang nghĩ gì khi anh ôm bàn tay?
Đôi mắt muộn, ngóng vì sao lẻ!


Em đừng bâng khuâng điều xa xôi quá
Một cơn mưa cũng tạo nên mùa
Bởi ta đến bên nhau đâu phải từ sóng mắt
Mà bởi lòng lắng lại mới thành nhau.


Và điều không dễ mất trong nhau
Như cuối nắng còn trăng lưu bóng nắng
Ta thấm qua nhau những niềm chưa hết nỗi…
Đôi mắt muộn, ngôi sao bay chớp vội
Em ủ cánh buồm, câu ước, sao băng.

Khi anh lắng nghe tiếng trái tim em
Nghe khoảng lặng nửa đời anh, chợt đập
Nghe bao điều riêng đau, ta không kể
Bởi một điều trong nhịp nhịp đồng rung.
Là điều chẳng dễ gọi thành tên
Nước mắt vẫn không mầu,
khi lăn qua nỗi đau và hạnh phúc.
Đôi mắt muộn, một vì sao rụng
Giọt nước mắt này anh muốn gọi thành tên.

Trời rộng đất dài ta đến tìm nhau
Đất trời gọn trong làn hơi nhau thở.
Em nhận nhé nửa đời chưa hết gió
Để cánh buồm… câu ước, sao băng…

Có một phố vừa đi qua phố

Có bao người vừa đi qua phố
Có một phố vừa đi qua phố
Có chút lòng khẽ chạm… làn rêu.

Phố, kẹo lạc kẹo vừng
Con dế thơ ngây gáy vào cơn ngủ
Nắng câu Kiều thơm gió những vòm đêm
Cánh cò lạc bờ đê
cò dò trên ngói
bỗng gặp cái cò trong tiếng à ơi…

Phố, làng lúa làng hoa
Người trong phố về quê trong phố
Ngã tư lòng
vương
ngát sen hương…

Phiên chợ đầu hôm
Sông Hồng cong mình trên bờ vai thành phố
Người quang gánh gánh làng về phố
Mùa nước đỏ mắt người cũng đỏ
Mỗi mảnh trăng phôi trên mỗi mảnh đời…

Cửa ô
Im lìm
Đoàn quân
chuyển mình lên biên giới
Những giọt máu hai mươi hợp dòng xa phố
Ngọn đèn- Tim
cháy thâu sương…
Có người cha tiễn con,
mắng vợ mình mau nước mắt
Nhưng đêm ấy là đêm
mờ mưa, sao tắt
Gò má người cha
mọng
thắp
Ánh sao…

Vỉa hè
Lang thang
Đứa trẻ không nhà
trèo sấu trèo me đi bán
Sau cơn mưa
gẫy rắc
cành me…
Người đàn ông
nước mắt không rơi suốt thời chinh chiến
Bỗng mặn mòi se giọt… giữa vành môi!

Khúc ơ khúc ơ…
Đêm qua
Tiếng rao cũ lạc người trên gác cũ
Có cụ già cô đơn bỏ phố
Chị hàng rong
đặt tấm bánh trên bàn thờ, hương đỏ
Những mảnh lòng chưa thành quen trong phố
Khóc ngậm ngùi tiễn tưởng một người thân.

Bình minh bay từ khung cửa sổ
Dòng sông trôi từ khung cửa sổ
Đa - Nuýp
xanh
sắc cốm Vòng
Những mảng trầm thiêm thiếp giấc đông
Bỗng mở mắt cái hoa lên tháng
Có người con gái
Dịu dàng đưa tháng qua môi

Ta bên nhau trên phố của bao người
Bao ân tình vừa đi qua phố
Có một phố vừa đi qua phố!
Có một người lắng phố, bên em.

Em hồn nhiên cho phố hồn nhiên
Tóc phả mái bên chiều
phai phai nắng ngói…
Thân thương quá!
ĐVHN

Sẽ có một ngày
Phan Hoài Nam















Em lớn lên trên môt thành phố dệt
Mấy trăm năm thành phố dệt anh hùng
Anh lớn lên nơi thượng nguồn chớp biển
Sông Thu Bồn con nước trãi yêu thương

Em chưa vào Nam, anh chưa ra Bắc
Trên những con tàu dày lớp bụi phân ly
Để phương đó chờ tin người phương ấy
Để một ngày… người đó tiễn người đi

Thành phố dệt đã qua mùa dông bão
Nắng lại hiền trên suối tóc, môi em
Chiếc lá rụng tưởng chừng không rụng nữa
Khi mùa Thu rưng rức chảy qua thềm

Anh ở trong này miền Trung lũ lớn
Lúa đòng đòng ngất ngưỡng đổ ra sông
Những cánh đồng hồn nhiên màu con gái
Lại cuộn mình theo gió xé chiều đông

Đành phó mặc cho bão cuồng lũ dữ
Bão thiên thu đâu phải bão đôi lần
Ta dốc sức nuôi mùa xuân mới chớm
Trên khu vườn xanh mãi cánh môi thơm

Xuân lại đến phải rồi xuân lại đến
Bao đau thương tan nát lại lui dần
Giơ tay vẩy mùa xuân vùng đất biển
Ngữa tay chào thành phố dệt yêu thương

Sẽ gặp lại một ngày không xa nữa
Tàu vào Nam ta sẽ đợi em về
Cũng có thể chuyến tàu xuôi ra bắc
Cả đôi bờ ấm lại mối tình quê

Phan Hoài Nam
Nha Trang Khánh Hòa


 

Tuesday, December 10, 2013

BỐN NGỌN NẾN MÙA VỌNG
NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG

(Gồm 3 ngọn nến màu tím và 1 ngọn nến màu hồng)






Bốn ngọn nến để sửa soạn tâm hồn,
Mừng Chúa Giáng Sinh về trong mùa Vọng,
Màu tím ăn năn những điều sai sót,
Màu tím cũng là ngưỡng vọng, niềm tin.

Chúa Nhật thứ nhất tôi đã thắp lên,
Ngọn nến tím cắm trong vòng xanh lá,
Vòng tròn vĩnh hằng tình yêu Thiên Chúa,
Lá xanh hi vọng như ngọn nến này.

Quên những vui chơi thanh tịnh ăn chay,
Quên những giận hờn cho lòng cao đẹp,
Lòng tôi cháy theo suốt tuần ngọn nến,
Vẫn nồng nàn chờ thắp ngọn nến sau.

Chúa Nhật thứ hai nến tím như nhau,
Tiếp theo hi vọng là tình thương mến,
Hai ngọn nến cháy tình không bờ bến,
Hai ngọn nến còn lại đợi mùa vui.

Chúa Nhật thứ ba ánh lửa sáng ngời,
Khi tôi thắp ngọn nến màu hồng đẹp,
Niềm vui mừng Chúa Cứu Thế sắp đến,
Ba ngọn nến làm ấm một mùa Đông.

Chúa Nhật thứ tư tuần lễ cuối cùng,
Ngọn nến tím cuối cùng của mùa Vọng,
Bình an tâm hồn góp phần toả sáng,
Bốn ngọn nến cùng cháy đón Giáng Sinh.

Tôi thắp đủ bốn ngọn nến đời mình,
Và nhìn lại những thăng trầm cuộc sống,
Để hi vọng bình an và hạnh phúc,
Cho đời này và cho cả đời sau

Nguyễn Thị Thanh Dương.
(Mùa Giáng Sinh 2013)



Monday, December 9, 2013

KHE KHẼ GỌI TÊN

Nguyễn Ngọc Hưng















Quá lâu rồi
Kêu hú mỏi mòn không một hồi thinh
Tưởng cánh buồm xưa đã trôi vào biển khơi dĩ vãng
Thăm thẳm chiều nay nghe gió buồn lang thang lướt mạng
Bất chợt em tít tắp hiện hình

Vẫn ngây ngất mắt xanh
Vẫn môi thắm gợi tình
Vẫn rạo rực mẩy vàng nghiêng ngực nắng
Ơi cô gái đại dương chìm đắm trong giấc mơ nồng mặn
Có bao giờ nghe tiếng sóng mồ côi

Nhắm mom đá đập liên hồi đến vỡ vụn chưa thôi
Quật hết cỡ bão giông cho tiêu hồn tan phách
Tưởng mọi thứ xong rồi
Đâu hay rách nát cũ càng trái tim cũng có lúc tự hồi dương sinh mạch
Khẽ chạm bóng xưa là nhịp nổi nhịp thầm


Ngậm ngải lên non non khuất dạng trầm
Quay về biển biển hút tầm trai ngọc
Cả thế giới trong tay mà đơn độc ta chơi một mình ta khóc
Đâu người thơ níu đôi bờ lặn mọc
Trăng có còn ở phía mặt trời lên

Không hú hét kêu gào
Chỉ khe khẽ gọi tên
Vì ta tin trái đất này chẳnh mênh mông như chính ta từng tưởng
Không nghe được bởi chênh sóng lệch tần mất khả năng cộng hưởng
Phải không em, viễn cận tại tâm mình?

14.06.2012
Nguyen Ngoc Hung

Khi nghe tin cô gái th by trên thế gii chu thí nghim sinh con mà không cn đàn ông

BÙI CHÍ VINH














Rồi thế giới sẽ bất cần đàn ông
Em không cần thiết phải lấy chồng
Em tiếp tục bảo toàn trinh tiết
Em sẽ giống Đức Mẹ Maria, giống hệt
Người phụ nữ đồng trinh đầu tiên chỉ biết cỡi lừa
Còn bây giờ em biết lái ôtô
Biết nhai kẹo cao su trong đêm hòa nhạc
Em sẽ là Đức Mẹ Maria văn minh nhất
Tụi anh thành Thánh Giuse vì em đã bất cần

Vì tụi anh vốn là đàn ông
Đàn ông lấy vợ để thành chồng
Em chẳng có chồng dù tưởng như là vợ
Em vẫn tiếp tục ô-ri-gin sau khi sinh nở
Em vẫn là con gái muôn năm

Này đứa con gái thứ bảy trên hành tinh
Vào nhà bảo sanh mà chưa hưởng thụ ái tình
Em thánh thiện chẳng thua gì Đức Mẹ
Nhưng em ngu ngốc chẳng thua gì đau đẻ
Em chối từ sự có mặt của tụi anh
Giống đ
ực
vị tha, can đảm, tốt lành
Biết hé miệng lúc môi em chờ đợi
Biết hướng dẫn em bài học mà ông Adam bà Eva chưa nhắc tới
Biết cách làm hôn thú thật nhanh

Này đứa con gái thứ bảy trên hành tinh
Vào nhà bảo sanh mà chưa hưởng thụ ái tình
Hãy nhổ nước bọt vào những người xúi giục
“Tinh trùng ống nghiệm vô danh kết hợp với noãn sào của em” hợp thành hai tiếng khóc
Đứa bé khóc vì không biết mặt cha
Em sẽ khóc vì thành một masoeur
Để anh làm dấu thay vì săn sóc

Hỡi những thí nghiệm mang danh y học
Các bạn làm ơn nghiên cứu con người
Ở Trung Phi vừa có dịch cùi
Ung thư vú xâm lăng Bắc Mỹ
Giang mai ở Đại Hàn vẫn còn nguyên giá trị
Tuổi lên mười nước Việt bệnh còi xương
Ma túy nước Anh chờ tuổi trẻ đầu giường
Các virus mãi bò lên chất xám

Hỡi trí tuệ chúng ta, những chàng trai dũng cảm
Hãy tỏ tình mạnh dạn với các em
Đừng để Đức Mẹ đồng trinh vầng trán nhăn thêm

Bùi Chí Vinh

Friday, December 6, 2013


TÔI YÊU SÀI GÒN

TRUNG DANIEL NGUYỄN
















Tôi yêu Saigon
với những con đường cây cao bóng mát
cơn mưa chợt về thơm ngát phố phường
bò bía Duy Tân tan trường ghé lại
ly nước mía nhớ hoài lúc mới quen em.(*)

Tôi yêu Saigon
với bao con người tưởng chừng xa lạ
giọng Bắc Kỳ qua bài giảng Văn Khoa
nghe tình ca mơ màng về Hà Nội
biết em rồi đọc vội thơ Nguyễn Tất Nhiên.

Tôi yêu Saigon
với chất ngất ưu phiền thời loạn lạc
hận thù về từ hoang mạc dối gian
vội vàng bên ly cà phê Năm Dưỡng (**)
yêu em bao dung các buổi xuống đường.

Tôi yêu Saigon
với bạn bè khắp nơi về họp mặt
vằng vặc ánh trăng soi bóng trường xưa
con đường Cộng Hòa với bao lưu luyến
thầy Thới, thầy Sơn, thầy Khuyến, cô Sương.(***)

Tôi yêu Saigon
với đồng đội xưa lệnh tổng động viên
gặp lại nhau từ ở khắp mọi miền
từ các nước xa xôi tận cùng trái đất
kiểm điểm lại xem đứa mất đứa còn.

Tôi yêu Saigon
với lang thang trên khắp nẻo phố phường
Nguyễn Huệ, Tự Do, Lê Lợi, Hiền Vương
nhớ thương phi trường vùng Lăng Cha Cả (****)
con đường Công Lý giờ như đày đoạ.

Tôi yêu Saigon
với nắng ban mai cho ngày sắp đến
cho côn trùng thôi chuếnh choáng men say
cho tình yêu ngự trị thế gian nầy
cho Saigon tôi yêu mĩm cười trở lại.

Trung Daniel Nguyen
(Sep 2013)
(*) bò bía, gỏi khô bò, nước mía Hồ Con Rùa, đường Duy Tân cạnh trường Đại Học Luật Khoa là các món ăn ưa thích của sinh viên học sinh Saigon.
(**) cà phê Năm Dưỡng, ở ngay con hẻm qua Lý Thái Tổ và Nguyễn Thiện Thuật, nổi tiếng một thời, nơi ưa thích của sinh viên học sinh Sư Phạm, Khoa Học, Pétrus Ký.
(***) giáo sư Lê Văn Thới, Chu Phạm Ngọc Sơn, Nguyễn Thanh Khuyến, Nguyễn Ngọc Sương.
(****) phi trường Tân Sơn Nhất, SĐ5KQ.

 
CON CỌP YÊU QUÍ CỦA TÔI
HƯNG YÊN

 

Tôi nhất đinh đòi thày bu tôi phải cưới Hương cho tôi. Tôi thích nàng, tôi yêu nàng và tôi phải lấy nàng cho bằng được. Nếu thày bu tôi không hỏi cưới nàng cho tôi thì tôi sẽ bỏ nhà ra đi, đi giang hồ hay đi theo Việt Minh cho Tây nó bắn tôi lòi ruột ra. Chẳng thà thế chứ  sống mà thiếu Hương tôi sống không được. Tôi cũng đã ngỏ ý ấy với nàng và nàng bảo hễ cứ có mai mối bên nhà tôi tới là bên nhà nàng bằng lòng ngay.

 

Tình yêu của tôi đối với Hương nó vĩ đại và mãnh liệt như thế có lẽ cả làng ai cũng biết. Biết nhưng có ai giúp gì được cho tôi đâu, có khi họ còn nói ra nói vô khiến bu tôi càng quyết liệt không cho tôi lấy Hương, và khi nghe tôi dọa đi theo Việt Minh cho Tây nó bắn tôi lòi ruột ra, bu tôi còn bảo:

- Chẳng thà Tây nó bắn mày chứ bu giết mày không được con ạ – Bu tôi rơm rớm nước mắt – Ðẻ mày ra, nuôi mày tới bây lớn sao tự dưng mày lại không muốn sống nữa hở con? Gái làng này thiếu gì sao mày không lấy mà mày lại đòi lấy cái con tuổi cọp ấy? Mày tuổi lợn mà bu lại cưới vợ tuổi cọp cho mày thì có khác nào bu giết mày không?! 

 

Thày bu tôi hiếm muộn chỉ sanh được có 8 người con, 5 trai 3 gái. Các chú các bác tôi người nào cũng từ 10 đến 12 con cơ. Chỉ cái việc có 5 thằng con trai thôi mà đã gây ra một sự xì xèo rồi. Người ta bảo sanh 5 đứa con gái là sanh được “Ngũ Long Công Chúa” quý lắm, cha mẹ thế nào cũng được nhờ, tha hồ ngồi rung đùi mà hưởng. Chả thế mà ca dao Việt Nam ta đã có những câu:

Mẹ sinh con trai làm chi

Ðầu gà má lợn đem đi cho người!

Mẹ sinh con gái như tôi

Ðầu gà má lợn mẹ ngồi mẹ sơi!

 

Lúc đầu bu tôi làm liền tù tì một lèo 3 đứa con gái, thày tôi khoái chí bảo: “Bu mày ráng thêm 2 con tèo nữa cho đủ Ngũ Long Công Chúa, sau đó làm thêm vài thằng cu tí nữa là tha hồ mà sướng!” Nhưng bu tôi chỉ sanh có 3 đứa con gái, kế đó lại làm một lèo 5 thằng con trai rồi thôi luôn.

Chơi tam cúc có 4 con tốt cùng loại đỏ hay đen thì gọi là tứ tử, có 5 tốt là ngũ tử. Tứ tử trình làng, ngũ tử cướp cái, khéo chơi một chút là ăn trùm làng. Còn đẻ mà 5 thằng con trai thì người ta lại bảo là ngũ quỷ, thế nào trong 5 thằng cũng có một, hai thằng chẳng ra gì. Trong 5 anh em trai thì tôi là thằng thứ ba, nếu tính cả ba người con gái thì tôi là thằng thứ sáu. Hai ông anh trước tôi đã lập gia đình rồi, các ông ấy củ mỉ cù mì, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Lấy vợ xong là chí thú làm ăn, chỉ mong sao nói được nghiệp nhà, cầy ruộng cấy lúa. Nói một cách giản dị là làm một anh nông dân chứ không có cao vọng gì cả. Hai đứa em trai thì còn đi học, chúng chưa biết gì, có muốn vợ cũng phải chờ vài năm nữa.

 

“Nữ thập tam, nam thập lục” các cụ ta đã bảo như thế nên dù tôi mới 16 tuổi đã đòi vợ cũng không ai nói gì được. Cái điều ồn ào nhất là tôi tuổi heo mà lại đòi lấy vợ tuổi cọp. Hương kém tôi 3 tuổi, mới 13 thôi mà trông cứ mơn mởn ra, mỗi lần gặp nàng là tôi chỉ muốn cắn cho một cái. Trai làng tôi nhiều thằng nhìn nàng đôi mắt cứ hau háu, thèm nhỏ dãi, nhưng chúng chỉ dám đứng xa xa mà nhìn thôi chứ không dám xáp lại gần. Lấy vợ tuổi cọp để về chầu ông bà ông vải sớm à?! Con gái tuổi Dần khó lấy chồng lắm, chả biết đã có bao nhiêu bà bị ở giá suốt đời vì sanh nhằm năm Dần và đã có bao nhiêu ông sớm ngỏm củ tỏi vì lấy phải vợ tuổi cọp, thế nhưng người ta vẫn cứ kiêng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” mà lị!

 

Thày tôi ngày trước có đi lính Pháp, dù gì thì cũng đã có tiếp xúc với Tây học một tý nên không đến nỗi nào. Thấy tôi tuyên bố nhất định phải lấy Hương, dù hôm trước cưới, hôm sau có đi ngủ với giun ngay cũng cứ lấy, thày tôi bảo:

- Nó đã nhất định như thế thì mình cứ đi nói con đó cho nó. Biết đâu thằng này chẳng đặc biệt hơn người ta, tôi nghe kể heo rừng mà thuộc loại “lăn chai” thì cọp cụng chả làm gì được!

 Nghe thày tôi nói, tôi đã mừng mừng nhưng bu tôi lại gắt lên:

- Ông có đẻ đâu mà ông đau, đã không cản nó thì chớ lại còn nối láo cho giặc, không nghe cụ Lý Ngọ bảo “Dần, Thân, Tỵ, Hợi tứ hành xung” đấy à? Ai lại đi cưới con gái tuổi Dần về cho con mình, có mà điên!

 Thày tôi cười khà khà:

- Gớm, cái lão Lý Ngọ ấy nói đã chắc gì đúng. Lão để mồ, để mả, coi hướng nhà hướng cửa, bói toán cho người khác thì được thế mà chính lão lại nghèo rớt mồng tơi!

Cụ Lý Ngọ người làng bên, làm thày địa lý và coi bói, cũng phét lác khiếp lắm. Nhờ cụ coi thế đất hoặc sửa hướng cửa, hướng nhà cho thì chỉ một bữa rượu với vài đồng bạc. Cụ khoe là đã để mồ để mả cho nhiều người, có người nhờ cụ mà ăn nên làm ra hoặc con cái học hành đỗ đạt làm đến tri phủ, tri huyện, còn những hạng như lý trưởng, chánh tổng thì khối. Có điều cụ làm cho người ta được, còn làm cho chính mình lại không được, hoặc giả là cụ quên chưa làm cho mình nên lúc nào cụ cũng chỉ có một cái quần cháo lòng với cái áo the thâm rách và cái khăn xếp dán nhấm tứ tung. Một hôm đi qua trước cửa nhà tôi, cụ đứng ngắm nghía một lát rồi lững thững bước vào. Nghe chó sủa, thày tôi chạy ra, may mà đúng lúc, nếu không thì cụ đã bị mấy con chó cắn cho te tua rồi, “chó cắn áo rách” mà lị!

 Sau một tuần trà nước, cụ bảo:

- Tại căn nhà này quay về hướng Nam, chứ nếu mà hướng Bắc thì ông đã có 5 đứa con gái thay vì 5 thằng con trai rồi!

Chắc ý cụ muốn nói thay vì “Ngũ Quỷ” là “Ngũ Long” chứ gì. Thấy tôi ngồi học ở bàn, cụ gọi đến cho cụ coi, ngắm nghía một lát, cụ phán:

- Thằng này tướng mạo coi cũng tạm được, nhưng mặt này là mặt bán trời không mời Thiên Lôi đây!

Khi cụ đi rồi, tôi nghe thày tôi lẩm bẩm:

- Làm cửa về hướng Bắc để mùa Ðông gió Bấc thổi vào cho mà chết rét, còn nhà có nhiều con gái chỉ tổ lo ngay ngáy chứ nước mẹ gì, dốt thế mà cũng bàn!

Riêng tôi, chỉ nhìn hình dáng cụ là đã chán rồi, tôi hỏi thày tôi:

- Chắc nhà ông thày Ðịa Lý này ngon lành lắm hở thày?

- Không bằng cái bếp nhà mình!

 

Có tin vào thày bói cũng chỉ nên tin một phần nào cho nó vui thôi chứ chẳng nên tin nhiều làm gì. Những vị có chân tài, đọc nhiều, hiểu rộng và có nhiều kinh nghiệm chả nói làm gì, còn phần đông là những tay ấm ớ, nghèo rớt mồng tơi lại chỉ cách cho người khác làm giầu mới tiếu lâm chứ?! Cứ tin vào những điều các vị ấy tán hiêu tán vượn thì có ngày đổ thóc giống ra mà ăn! Làm cái gì cũng phải coi ngày, coi giờ, hạp với không hạp, kiêng cái này cữ cái kia... Cứ như việc lấy vợ của hai ông anh tôi thì rõ. Trước khi cưới dâu, bu tôi đã nhờ thày so tuổi, coi ngày đủ thứ, thế nên hai ông anh tôi mới rinh về được hai bà vợ, một bà thì như cái hột mít, còn một bà lại gầy đét như con cá hố! Hai người con dâu này đều do bu tôi chọn cả. Tôi ấy à, nếu không lấy được người tôi yêu chẳng thà tôi ở giá cho đến già hoặc đi theo Việt Minh cho Tây nó bắn lòi phèo ra chứ nhất định không chịu bắt chước mấy ông anh tôi.

 

Thày tôi xem chừng đã ngả hẳn về phía tôi, chỉ riêng bu tôi là còn găng lắm, có lúc bà nổi cơn tam bành chửi tôi thậm tệ, bà nhiếc: “Cho mày đi học ngậm bút sắt hay ngậm cái gì mà mày ngu thế? Tử tế không muốn lại muốn rước cái của nợ vào mình”. Có lần bu tôi lại dùng tình cảm để lung lạc tôi, bà mếu máo:

- Mày có chọc phá đền miếu nào không hở con, để đến nỗi những người khuất mày khuất mặt nổi giận mà phạt mày trở nên dở dở ương ương thế? Có thì bảo cho bu biết để bu sửa lễ tạ lỗi cho, kẻo càng ngày nó càng lậm vào thì khổ đấy con ạ, chứ cưới vợ đẹp về rồi lăn đùng ra chết thì cưới làm gì?! Mày nghe lời bu đi, chọn con khác, hễ bu nhờ thày coi tuổi mà thấy hạp là bu cưới ngay cho!

Mặc bu tôi nói gì thì nói, tôi vẫn khăng khăng chỉ lấy Hương của tôi thôi. Nói mãi mỏi mồm, bu tôi bèn đổi chiến thuật là không thèm nói gì đến tôi nữa. Trong làng tôi lại có tiếng xì xèo: “Ðã bảo là đẻ 5 thằng con trai, Ngũ Quỷ thì thế nào chả có một, hai thằng chẳng ra gì mà”! Ngoài ra họ còn đồn tôi là thằng dở hơi hoặc điên điên khùng khùng... Một lần Dì Năm, em gái của bu tôi tới chơi, lấy tay sờ trán tôi như mấy bà mẹ thường khám xem con mình có ấm đầu không rồi Dì hỏi:

- Mày có bị làm sao không thế hở con?

Tôi hỏi lại:

- Làm sao là làm sao hả Dì?

- Nghĩa là mày có ốm đau, bệnh tật gì không mà mày lại kỳ cục thế?

- Con có làm gì đâu mà Dì bảo là kỳ cục?

- Không kỳ cục làm sao mày tuổi Hợi lại đòi cưới con vợ tuổi Dần?

- Thế tuổi nào mới lấy vợ tuổi Dần được?

- Không tuổi nào lấy vợ tuổi Dần được!

Tôi ngập ngừng:

-Thế nếu Dì cũng tuổi Dần thì Dì có bảo là không tuổi nào lấy vợ tuổi Dần được không?

Bu tôi đứng bên cạnh, cho là tôi hỗn với Dì, sẵn tay cầm cái chổi, bà đập lên đầu tôi cái cốp làm tôi giật mình bỏ chạy.

 

Thế mới biết ở đời làm chuyện gì cũng phải có quyết tâm mới được. Việc càng khó thì quyết tâm càng phải cao, chứ nếu cứ xìu xìu ển ển, đến đâu hay đến đó thì còn lâu mới thành công được. Thày tôi tuy đã ngả hẳn về phía tôi nhưng là theo kiểu thụ động thôi, chứ thày tôi cũng không thể bênh vực tôi một cách tích cực được, dù gì thì cụ ông cũng phải nể cụ bà chứ! Riêng tôi, đã “chót đành phải chét”, làm một phát tháu cáy. Nếu bu tôi theo ván bài này tới cùng có lẽ tôi phải đổi chiến thuật khác. Thú thật, bỏ Hương để lấy người khác thì tôi không bỏ được, còn bỏ nhà đi theo Việt Minh cho Tây nó bắn lòi phèo ra tôi cũng teo lắm, thế nhưng tôi vẫn phải tố một cú chót xem sao.

 

Một hôm tôi giả vờ sắp xếp quần áo bỏ vào một cái rương nhỏ, như đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Tôi cố làm dềnh dang cho bu tôi thấy. Quả nhiên, tưởng tôi sắp bỏ nhà đi xa thật, bu tôi khóc bù lu bù loa:

- Ối giời ơi, con ơi! Mày tính bỏ thày bỏ bu mày đi thật đấy à? Mày muốn lấy vợ thì bu lấy cho mày chứ bu có cấm cản gì mày đâu? Chẳng qua là bu chỉ không bằng lòng cho mày lấy cái con tuổi Dần ấy thôi. Ðẻ mày ra, nuôi mày từ lúc một bàn tay không hết, hai bàn tay không đầy cho tới bây lớn để mày giả nghĩa thày, nghĩa bu như thế đấy hở con?!

Dù chỉ mới dàn giáo thế thôi chứ tôi đã định đi ngay đâu, nhưng thấy bu tôi khóc thảm thiết quá, tôi cũng mủi lòng nước mắt, nước mũi chẩy lã chã, nói không nên lời:

- Bu không thương con thì bu cứ để con đi chết trận chết mạc, chết đông chết tây cho rồi!..

Quả thật là tiến thoái lưỡng nan. Làm cho bu tôi tưởng là tôi sắp đi, bây giờ không đi cũng kỳ, còn đi thật thì biết đi đâu? Ðang lúng túng không biết phải làm sao, thì may quá, cậu Út tôi tới. Bên Ngoại tôi chỉ có cậu Út là người danh giá và có uy tín với chúng tôi hơn cả. Chẳng những cậu có uy tín với đám trẻ mà còn uy tín cả với người lớn nữa. Cậu có bằng Ðíp lôm lại đang làm Nhật trình ở trên Hà Nội. Ngày đó ở quê tôi, các vị làm văn, làm báo được coi là danh giá lắm. Cậu Út làm Nhật trình tức là làm báo. Thỉnh thoảng cậu mới về thăm nhà một lần, đầu cậu chải bi-dăng-tin bóng loáng, tóc để cánh gà úp sát vào tai, chân đi giầy đơ-cu-lơ, quần tây trắng, áo sơ mi trắng bỏ trong quần, túi áo cài chiếc bút máy hiệu Kaolo, thứ bút mà mỗi khi viết phải mở nắp rồi xoay xoay cho cái ngòi bút trồi lên, viết xong lại vặn cho cái ngòi bút tụt xuống rồi đậy nắp lại. Ngày ấy bọn trẻ chúng tôi thì thào chỉ mấy ông làm Nhật trình mới có loại bút đó. Mỗi lần cậu Út về, cậu kể chuyện Hà Nội tưng bừng, cậu nói gì người lớn cũng như đám trẻ chúng tôi đều tin hết.

Bước vào nhà, thấy bu tôi đang bù lu bù loa, còn tôi thì mếu máo, cậu mới hỏi đầu đuôi sự việc. Bu tôi kể câu chuyện tôi đòi lấy vợ tuổi Dần cho cậu nghe. Ðợi bu tôi nói xong, tôi cũng bầy tỏ nỗi lòng để cậu hiểu. Nghe xong, cậu cười cười hỏi tôi:

- Cháu định lấy cái con Hương, con ông Chánh Ðoàn ở xóm Giữa chứ gì? Vừa rồi đi đường cậu cũng có gặp nó, con này được, đã thắt đáy lưng ong lại mảnh mày hay hạt...

Quay về phía bu tôi, cậu tiếp:

- Chị mà được đứa con dâu như thế là quý lắm rồi còn đòi chi nữa. Còn cái vụ tuổi tác, hạp với không hạp, nó xưa quá rồi chị ơi. Cứ tin vào mấy ông thày bói thì có ngày đổ thóc giống ra mà ăn rồi hoa hồng không trưng đi trưng hoa cứt lợn!..

Thật cậu là người ăn học có khác, cậu nói câu nào cứ chắc nình nịch câu ấy. Chiều hôm đó, cậu ở lại dùng cơm với gia đình tôi và cũng nhờ sự dẫn giải của cậu mà bu tôi nghe ra. Cuối năm đó, tôi rước được con cọp yêu quý của tôi về nhà. Cậu Út tôi lại còn bảo:

- Cưới vợ rồi, nếu mày không muốn ở nhà quê thì lên Hà Nội làm Nhật trình với cậu. Cũng phải ra ngoài để mở mắt ra với người ta, chứ cứ lúi húi thế này mãi đến bao giờ mới khôn được?!

 

Người xưa có câu “Không vào hang hùm sao bắt được cọp con” thật đúng quá sức. Tôi không chỉ vào “hang hùm” một lần, mà đã mò mẫm vào nhiều lần, có thể nói là rất nhiều lần… Cứ thế rỉ rả tôi đã khều ra được gần một tá cọp con, con nào con nấy đều rất dễ thương, còn con cọp mẹ thì càng ngày càng hiền khô à. Nghe đến đây có lẽ quý vị thày bói cảm thấy ngứa tai, “nghịch nhĩ” lắm đấy: Ừ, ba hoa cho lắm vào, đến khi lăn đùng ra chết nhăn răng mới không kịp hối! Quý vị rủa tôi như thế cũng chẳng sao. Tôi sinh năm 1935, tuổi Ất Hợi, còn con cọp cưng của tôi sinh năm 1938, tuổi Mậu Dần. Con Heo 64, con Cọp 61.. Hai con ôm nhau ngủ đã gần 50 năm nay mà chẳng có chuyện gì xẩy ra cả. Giả như bây giờ tôi có nhắm mắt xuôi tay mà về chầu ông bà đi chăng nữa thì cái câu “Tứ Hành Xung” của quý vị thày bói cũng là sai rồi…

H.Y

Tuesday, December 3, 2013

CON TINH YÊU THƯƠNG VÔ TÌNH CHỢT GỌI
TRẦN KIÊM ĐOÀN

“Em yêu.
Chiều qua, mới gặp em trên bến đò Thừa Phủ mà suốt đêm trường, một mình trong căn gác trọ, anh trăn trở hoài không ngủ được. Anh thao thức nhớ em với cả nỗi lòng thổn thức bâng khuâng…”
- Ui chao là lâm ly bi đát. Nì, cái đồ cu-lơ sến mô ri mi?!
Con Bé Tiểu Phượng ré lên hỏi con bạn Giang Tân vừa mới chuyền tay cho hắn lá thư tình chưa rõ ai là nạn nhân, ai là thủ phạm của tình yêu. Cô bé bình luận ra vẻ “đạt đạo” nhưng đôi mắt ướt vẫn dán vào cái thư tình mới bóc bì, chưa xếp nếp, rồi lên giọng đọc tiếp:
“Sáng nay anh bị cảm lạnh vì gần nửa đêm về sáng, tình em như sóng trào thôi thúc anh khoác áo dạ ra đi. Anh đi như một chiếc bóng gầy ôm trọn tình yêu em và đếm bước qua lại trước ngõ nhà em cho đến khi trời sáng…”
- Chu cha! Da diết đến nước nớ thì thôi hết nói năng chi nữa. Đồ ba xạo. Mấy đêm rồi thiết quân luật, đi ra đường lọang quoạng là bị hốt vô lao Thừa Phủ liền chứ đừng giả bộ tán phét.
Cô bé rắn mắt nhất trong đám nữ sinh thường xuyên rủ nhau đi học, đi chung chuyến đò lần nầy lại bình luận, nhưng giọng nói bớt phần ngỗ ngáo. Biết đâu, nếu lá thư tình đó gởi riêng cho cô, thì cô lại ngất xỉu không chừng. Con gái Đồng Khánh mà. Tình cảm như hầm chông. Có khi cố dang tay quất mấy gã Quốc Học ngã nhào; nhưng lại bị phản đòn chơi mà thiệt, bị mấy tay “cứng cựa” Quốc Học quật lại ngã lăn quay là thường.

Nhóm “ngũ quỷ Thành Nội” gồm năm cô nương ở Nội Thành, học trường Đồng Khánh. Có cô ra cửa Thượng Tứ, cô ra cửa Ngăn, cô ra cửa Nhà Đồ nhưng đều phải đi qua bến đò Thừa Phủ. Năm cô lập hội nhưng chẳng có cương lĩnh, tiền đồ, lý tưởng đấu tranh vĩ đại gì ráo. Động cơ sâu xa và gần nhất là vì các cô có tên cúng cơm lạ hoắc mà cũng thiệt là dễ thương, được quý ông già – chắc cũng có giây mơ rể má với nòi nghệ sĩ – cao hứng đặt cho, họp lại thành bầy: Tiểu Phượng, Tiểu Kiều, Giang Tân, Hoắc Hương và Đào Tơ. Tiểu Phượng là con yêu bánh nậm thủ lãnh toàn nhóm. Cô bé rất xông pha và đầy tiết tháo anh hùng Lương Sơn Bạc, nhưng cũng rất nhạy cảm và ướt át với đôi mắt đẹp và buồn rất có duyên nợ với khăn mù xoa lúc nào cũng sẵn sàng trong cặp sách.
Che chiếc nón cho gió Nồm bớt cản, sợ làm lạc giọng oanh vàng, Tiểu Phượng đằng hắng giọng đọc tiếp hết phần kết luận của lá thư tình:
Mụ cô đứa mô đọc trộm “thơ” ni,
Tinh le dịch bọp là mi đó tề.
Đào Tơ, cô bé hiền nhất trong nhóm “Ngũ Quỷ” la lên:
- Chi Lạ rứa. Thơ chi mà “ba de” đội rổ rứa hè!
Dòng chảy văn chương tình cảm lãng mạn bỗng đổi chiều qua khuynh hướng văn chương bình dân… Ba Giai Tú Xuất. Năm nàng ngũ quỷ vang bóng một thời ở bến đò Thừa Phủ chột dạ, mím môi, tức anh ách cái “thằng quỷ sứ” Quốc Học nào dám chơi trội mấy bà.
Tiểu Kiều, nhân vật thứ hai của nhóm Ngũ Long gầm gừ xé xác đối phương:
- Tụi bây phải điều tra cho ra thằng “ác ôn” mô dám mò… sừng mấy bà. Biết được kẻ gian rồi là trừng trị thẳng tay, không khoan hồng thương tiếc chi cả!
Cái giọng làm ra vẻ đanh đá Đường Sơn Đại Huynh không hợp lắm với khuôn mặt thon, hiền có cái mũi “đầm” thanh thoát và đôi môi nồng nồng một cơn nắng ban trưa của Tiểu Kiều.
- Con ni đẹp thiệt tụi bây hỉ!
Lời bình luận thì thào của nhóm năm thằng chúng tôi đang núp trong cái mui đò hư nát bỏ hoang bên bờ sông, dưới cây cừa tán rộng phủ bóng nên chẳng có ai để ý. Thế nhưng từ trong mui đò nhìn ra thì lại thấy rõ mồn một và nghe tiếng nói léo nhéo như kê sát mang tai của bọn con gái trên bến đò.
Thằng Vui rọm cả quỷnh, ngố nhất bọn, có tật là phải ho khèn khẹt vài cái trước khi nói. Nó tính mở miệng nói điều gì thì đã bị thằng Tường lốp tàn nhẫn đưa tay bóp cái miệng hở hang chực ho hen làm lộ bí mật của cả bọn.
Thằng Vui rọm không còn giữ được nồi súp-de đang sôi sùng sục trong đầu hắn. Hắn hỏi ngang phè:
- Ê, thằng Tuấn chàng trai nước Việt, mi là tác giả bức thư tình phải không đó?
Tuấn tủm tỉm cười không nói gì. Hắn là đứa hiền nhất trong đám chúng tôi. Nhưng hắn phải trả thù. Lá thư tỏ tình đầu đời của Tuấn dán tem ghi địa chỉ đàng hoàng gởi cho Tiểu Kiều bị nhóm ngũ quỷ đưa ra làm “tạp chí tình yêu” chuyền tay nhau đọc mấy tháng trước. Tuấn xin nhập bọn với bốn thằng chúng tôi để học hỏi thêm kinh nghiệm “vừa chơi, vừa học, vừa chọc, vừa vui”. Đứa nào trong nhóm năm thằng cũng bị đặt tên kèm theo cái đuôi mô tả phẩm chất và nhân dáng của mỗi tên. Riêng Tuấn có cái tên như vậy vì nó thường đội cái nón cối làm bằng điền điển, bọc vải kaki trắng rất giống với hình ảnh của “Tuấn, chàng trai nước Việt” của Nguyễn Vỹ trong báo Phổ Thông.
Cả đám năm thằng đang ngon trớn từ vòm mui đò làm nơi trú ẩn an toàn nhìn ra hau háu thì bỗng gió Nồm thổi mạnh. Cái mui đò làm bằng tranh tre đã rã rệu kêu răng rắc. Ngoài kia nhóm con gái phải tranh đấu kéo vạt áo dài trắng đang bị gió thổi tung, phủ lại cho kín đáo con nhà. Cô nữ sinh trong gió cần phải có số tay gấp đôi mới giữ lại được nón lá bay, tóc thề lộng gió, cặp sách chực rớt, vạt áo tung bay…
Rồi… ào một cái, cơn gió giật tung mui đò để hiện nguyên hình bầy yêu quái đứng tênh hênh như trời trồng trước mặt bầy con gái. Ôi! Cái tội đàn ông lợi dụng mưa gió nhìn trộm đàn bà là một tội tày đình không tha thứ được. Nhưng quả thật là trời xanh còn có con mắt nên đã sáng tạo ra con gái Huế… dại như ếch ao. Cả bầy con gái sững hồn, sững vía khi bắt được kẻ gian phi mà không tốn một nụ cười hay tiếng hét. Cảm giác ngượng ngập “thuở ban đầu” làm cô bé nầy đẩy cô bé kia lên trước đối diện với bọn con trai cũng đang bàng hoàng giương mắt chờ sấm sét của lòai yêu quái.
- Xí! Đồ tinh le nờ. Chun chi sau lưng tau mà phiền rứa!
Một giọng phản kháng nổi lên trong hàng ngũ nữ binh đang rối loạn.
Tiếng khác tiếp theo:
- Quỷ nờ! Mắc chi đẩy tau lên!
Phản pháo nặng kí lô hơn:
- Toàn cái đồ tinh yêu dịch bọp mô cả. Cứ đè vai tau mà níu hoài rứa làm tau lùn hết lớn răng. Có đứng yên hết không nì.

Sau lệnh của thủ lãnh Tiểu Phượng, đám con gái coi bộ tạm yên thân, nhìn quanh chờ đợi một biến cố nào đó sắp xảy ra.
Bên phía con trai, thằng Hiền lì (vì nó tên Hiền mà lại rất lì nên được mang tên như thế) chẳng nói chẳng rằng, tách hàng ngũ anh em còn đứng trơ như phỗng đá, tiến về phía con gái. Nó làm bộ oai phong lẫm liệt bên phía đất nhà nhưng cái bộ hắn co đầu xuống hai vai khi qua đất địch thì cũng biết hắn đang run. Hắn cố lên giọng cho to và cao để giống nòi hiệp sĩ nhưng lại lạc giọng vì mất bình tĩnh:
- Nì, rứa chớ mấy chị cần anh em “bà tui” giúp chi không ạ?
Bên phía hàng ngũ nam nhi có thằng lên tiếng thì thào: “Cái thằng khỉ đột ni tự nhiên khi không dẫn xác tới xưng chị, xưng em với mấy con yêu bánh nậm nớ là kể như tiêu diêu miền cực lạc rồi chớ chi nữa”. Bên ta không nghe ai lên tiếng, nhưng bên phía nữ binh đã nghe tiếng thủ lãnh lanh lảnh vang lên như tiếng kèn xung trận:
- Cám ơn em và các em bên nớ, các chị bên ni không cần chi cả.
Đặc sứ toàn quyền họ nhà trai câm như miệng hến. Hắn dở khóc, dở cười đưa mắt nhìn phe ta và phe địch như cầu cứu, nhưng chẳng có một Triệu Tử Long hay một Tôn Ngộ Không nào chịu xông xáo giữa trận tiền cứu khổn phò nguy hắn cả. Hắn rút cổ lên hai vai lủi thủi quay về trong chiến bại.
Thằng Tuấn chàng trai nước Việt bình luận nho nhỏ:
- Mạ tau nói rồi, con gái Huế thiên tinh lắm. Khi ở thế bị đè hắn mềm như bún; nhưng khi hắn mà lên đè lại thì hắn dữ như bà chằn lửa.
Có tiếng hỏi lại:
- Rứa ba mạ mi thì răng, ai dữ hơn ai?
Thằng Tuấn bèn nói lên một sự thật xót xa mà hắn cứ đinh ninh là một chân lý vĩnh hằng của Huế:
- Đồ hỏi mà ngu như bò. Cưới nhau về nhà thành vợ thành chồng rồi thì làm răng đàn bà mà thua đàn ông được. Ba tau làm giám đốc, ra ngoài thì có nhân viên tài xế, nhưng về nhà thì phải biết trung hiếu với mạ tau chớ…
Thằng Hiền lì mới đi được nửa đường thì có tiếng con gái kêu giật lại:
- Nì, ấy nớ. Khoan đã, cho nhờ chút.
Thằng Hiền lì ngoái lại và mắt muốn hoa lên khi bắt gặp những cánh tay từ phía nhũ binh đang vẫy nó quay lại. Hào khí của Hiền lì tự dưng về lại. Hắn cắn môi cho ướt và nhớ lại cái bản mặt mình soi gương hồi sáng đánh răng, rửa mặt cũng khá “bô” trai. Hắn không vội vàng mà lừ đừ quay lại phía nữ binh, sau khi cẩn thận quét một cái nhìn tỏa hào quang đắc thắng về phía bốn thằng kia đang nín thở chờ đợi. Hiền vừa đến gần, đám con gái đã nhao nhao lên hỏi:
- Ấy có biết ai viết cái thư ba nhe ni không?
Giang Tân đưa cao cái thư “tình” lên hỏi.
Hiền lì đã lấy lại được khí thế. Hắn không còn ngu dại để xưng “chị” với đám con yêu bánh nậm nầy nữa. Hắn cũng tạm thời lấy “ấy” làm tên. Hiền lì từ tốn lên mặt hỏi lại:
- Mấy “ấy” từ từ cái đã. Ấy ni rồi tới ấy tê chớ mấy ấy cùng làm một lần thì ai chịu nổi.
Đám nữ binh nhìn nhau, không ngờ cái bóng rút vai, rút cổ hồi nãy mà bây giờ cũng lên hương gớm. Ấy Tiểu Phượng giật cái thư từ tay Giang Tân đưa ra trước mặt Hiền lì xẵng giọng:
- Hỉ! Có ấy mô bên nớ viết thư ni không?
Hiền lì biết tỏng là ai viết rồi, nhưng hắn đang ở thế trên ngựa, dại gì để cho đối phương vung kiếm. Hắn ỡm ờ nói chữ:
- Tên ai nấy cử, chữ ai nấy đọc. Đây chưa biết thư chi mà mấy ấy cứ hỏi dồn kiểu bề hội đồng nớ thi ai mà nói được.
Tiểu Phượng giúi cái thư vào tay Hiền lì, nói:
- Đây, thư đó. Ấy coi đi.
Thằng Hiền đọc lướt qua một lượt rồi bình luận:
- Đây không biết ai viết. Nhưng đứa mô viết cái thư đó rất “ngầu”, vừa hay vừa đúng.
Cả bọn con gái lại nhao nhao phản đối. Thằng Hiền chơi kiểu kẻ cả:
- Thư ni viết cho ai thì người đó đọc. Còn không phải thư mình mà “đọc lóm” thì bị chưởi có chi mà oan. Ấy mô là chủ thư ni thì không bị chưởi. Còn tất cả mấy ấy khác đọc ké thư tình thiên hạ thì bị chưởi là đáng đời. Đây mà như mấy ấy thì cũng phải ngậm mà nghe thôi.
Như một cuộc tuẫn đạo không có giáo chủ. Mấy nàng con gái nhìn nhau tức tối. Hiền lì chờ một lát chỉ nghe tiếng: “xí”, “xà” không thành lời từ mấy cái miệng chua ngọt, nên lịch sự nói: “Mình chào mấy ấy”! Rồi chắp tay sau lưng đi về.
Quốc Học Đồng Khánh tôi là thế đó!
Những trận thủy bộ giữa hai phái Đồng Khánh và Quốc Học từng kéo dài cả trăm năm không phân thắng bại. Có khi thất bại trên chiến trường lại là thắng lợi trên tình trường. Chiến sử, tình sử, lịch sử và tiểu sử của hai ngôi trường dễ thương nầy xin để dành lại cho các sử gia Quốc Học Đồng Khánh Huế– Những lãng tử viết sử thi chỉ bằng cảm xúc trên những dòng sông vắng lặng nhất của đời mình. 

***
Rồi những vàng xanh trắng đỏ của cột mốc thời gian từng thế hệ qua đi, qua đi. Cái còn của những ruộng xanh và nương dâu, ngày xưa và bây giờ, cũng chỉ là những ý niệm đẹp. Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm nhưng gia tài đồ sộ nhất của cái đẹp chỉ hiện hình trong 4 câu thơ “Nam Quốc Sơn Hà”. Nguyễn Trãi như một ngọn Linh Sơn sừng sững nhưng nét đẹp không tàn phai còn mãi giữa nhân gian nầy là thư kiếm trong Bình Ngô Đại Cáo, “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Đạo Phật hơn 2500 qua cũng để lại một gia tài to lớn và cao viễn nhất trong một chữ: Không! Thấy được cái đẹp là thấy được bản thân của cái mà người khác không thấy và cũng cần nhắm mắt đưa chân trước những cái mà người đời thích chen chân vào để thấy.

Với Huế, Nguyễn Du thấy “Hương Cần quan đạo liễu thanh thanh”. Và giữa Huế, cả ba trăm năm sau, gần hết một đời người, Trịnh Công Sơn mới chợt vô tình nghe được tiếng gọi của “con tinh yêu thương”. Với cảm quan nghệ thuật riêng của người viết bài nầy thì hay nhất trong dòng nhạc của Trịnh Công Sơn là bài Một Cõi Đi Về; và tài hoa nhất trong bài Một Cõi Đi Về là hình ảnh: “Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi. Lại thấy trong ta hiện bóng con người”. Những con yêu, con tinh, con quỷ, con ranh, con yêu bánh nậm… đẹp ngời màu Huế vì bầy tinh yêu đó biết diễn tả cảm xúc bằng tia mắt “háy”, “nguýt” mạnh hơn mười lần kính chiếu yêu của Tôn Ngộ Không. Bầy yêu tinh không biết niệm chú Kim Cô như Đường Tam Tạng nhưng biết đủ những nghiến, ngầm phản đối; biết những giận dỗi, nũng nịu thương yêu bằng vẻ đẹp nồng nàn mà kín đáo; và bằng sự sắc bén thanh xuân của Huế, của Việt Nam mà trên đất Mỹ nầy còn chi lưu dấu.
Trái táo địa đàng đã rơi rớt hột mọc khắp cùng trái đất. Trên quê mình và những bước đi xa xứ, tôi đã gặp lại những Tiểu Phượng, Tiểu Kiều, Giang Tân… và những Hiền Lì, Vui Rọm, Tuấn Chàng Trai Nước Việt. Tuổi xanh của những “con tinh yêu thương” đã qua đi nhưng chưa mất dấu. “Tuổi đá buồn” dài bằng tuổi chiến tranh cũng vẫn còn những trăn trở khuya khoắt. Và tuổi vàng hôm nay đang nghe bầy cháu ngoại, cháu nội nhỏ nhẻ chúc thọ ông bà.
Chiều nay anh Trịnh Quang Hà, em ruột nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang cùng ở tại thành phố Sacramento, tiểu bang California với tôi mời thứ Bảy đến nhà riêng và nhà hàng Trung Nam Bắc vào buổi chiều để ăn giỗ lần thứ năm của bào huynh. Lời mời của Hà làm sống lại trong tôi hình ảnh “con tinh yêu thương” của người thi nhạc sĩ tài hoa mà ca từ “yêu tinh phù điêu diễm tuyệt” của anh chưa có người thay thế và có lẽ sẽ chẳng có người thay thế.

Tôi đang ở thành phố Napa, nơi sản xuất rượu nho lớn nhất trên toàn nước Mỹ. Cuối tháng ba rồi mà trên những đồi nho vẫn còn trụi lá, gió thổi lạnh như băng. Một mình, uống một ly rượu vang không hết. Mầu rượu vang đỏ thẩm sóng sánh đơn độc giữa đêm mưa bỗng thành tím lịm. Còn nửa ly cạn hay nửa ly đầy. Nhớ con tinh yêu thương, nửa ly là cạn. Đối bóng con người, nửa ly là đầy. Đong giữa đời thì chỉ thấy đầy hay cạn mà đong trong tâm mới nhận hết cạn hay đầy.
Trần Kiêm Đoàn
Napa, tháng 3, 2006

*Người Huế nói "giả đò" thay vì "giả bộ" . Ngoài ra phần kiến giải của tác giả chưa đủ thuyết phục về cách dùng từ đặc biệt của NS. TCS mà NS. Đoàn Chuẩn cho là "quái đản" chẳng ai hiểu nổi - MH

 Nguồn:
http://vnthuquan.org/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4n0n2n0n31n343tq83a3q3m3237nvn