Thursday, February 25, 2016

thanh xuân của đời

Ký ức từ trang vở cũ
phạm ngũ yên


1.
Những con chim hút mật bay ngang vườn tôi sáng nay làm ngỡ ngàng một giấc mộng. Có một thời  những câu thơ được viết ra chỉ dành riêng cho một người, chỉ một người được đọc. Cùng nỗi nhớ cũng tròn vo như một giọt mực ngủ quên trên mặt bàn thời niên thiếu.

như đóa hoa vừa ngậm sương đêm
mắt mở thầm giữa muôn lá khép
em đứng yên bên cạnh mặt trời
tóc xỏa hồn nhiên
Cơn sóng vỗ hồn ta mệt đuối...
(1965)
Ðêm qua, thoang thoảng một mùi hương từ bông hồng lạc lõng sau nhà. Không có tiếng chân dẫm trên thềm khô để vỡ òa một nỗi nhớ. Khi người ta quên nhau, người ta sẽ dể dàng đánh mất những điều gì làm nên một tình yêu. Giữa hai đầu nỗi nhớ, tôi và nàng chỉ còn lại những cơn mưa...
Khi tôi vào đời, tôi mới chỉ là một người lính. Cao nguyên vùng 2 Chiến thuật là nơi tôi dừng chân nhiều nhất. Những đồi núi chập chùng cùng sương mù quanh năm đã ủ chật hồn tôi như dòng sông mang mùa đông trong lòng của nó. Có một màu hoa tôi yêu thích là màu tím cũng đi theo vào đời. Hai mươi tuổi, tôi có quá nhiều thơ dại để thẩm định màu hoa như thẩm định một nhan sắc.
Một lần nàng hỏi tôi: ”Anh yêu em rồi mới yêu màu tím hay yêu màu tím rồi mới yêu em?”. Câu hỏi rơi xuống khô lắng và gần như muốn bốc hơi vì khó lòng để tôi trả lời ngay sau đó. Nhưng tôi biết tôi đã yêu nàng đồng thời cũng yêu màu tím. Cùng một không gian như những chuyến xe đi qua cuộc đời, có một lúc nào đó thời gian là cánh gió bay ngược lại sau lưng.
Có những ngày mưa nắng theo nhau đậu xuống trên thành phố núi của nàng. Cũng có những ngày giông bão. Tôi ngồi trong quán cà phê nhìn ra đám đông trong đó có nàng. Trường học của nàng tổ chức quyền tiền để cứu trợ thiên tai. Những khách qua đường được các cô gái trẻ “trì níu” lại để mời mọc, thuyết phục. Và sau đó là những đồng bạc được bỏ vào trong chiếc hộp giấy. Họ cưới nói vui vẻ như không thấy mệt. Nắng sáng mai làm ửng hồng đôi má và mồ hôi lấm tấm trên trán nàng. Chiếc áo len tím ôm sát thân hình mảnh mai như một búp hoa chưa kịp nở bung hết cánh. Tôi cũng đóng góp bổn phận của mình- dù không đáng là bao- khi nàng đến bên cạnh bàn của tôi. Nàng không nói được gì khi đứng trước tôi, ngoài những lời cám ơn nhỏ trong miệng và sự bối rối. Người con gái trên đường đời tôi vừa bắt gặp đã có một chỗ nằm êm ả trong trái tim, tôi nghĩ như vậy.
Không ai nói cho tôi biết khi một dòng sông trôi mênh mông về biển lớn sẽ kéo theo bao nhiêu phù sa trong lòng? Khi nàng rời khỏi tôi nàng đã kéo theo sau lưng nàng những mong nhớ từ một tình yêu mù lòa như vậy.
Nỗi buồn luôn có thật để đêm đêm tôi ủ nó vào trong những bài thơ. Tôi nhớ màu tím trên thân thể nàng. Nó xóa đi trong lòng tôi những bình yên và trở thành một cảm xúc tuyệt diệu. Ðêm về sáng trong căn hầm lô cốt, giữa những tín hiệu phát đi từ chiếc máy truyền tin, tôi thao thức nhớ tiếng nói của nàng khi tôi bỏ tiền vào trong chiếc thùng giấy quyên góp.
Nàng là con gái Bắc. Tôi không biết nàng có bao nhiêu phần trăm “ngoan hiền” như lời thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Nhưng tôi sẽ không ngại ngần để nhớ về nàng.
Mùa hè có mưa thường xuyên đổ về như muốn làm ngập ngụa núi rừng. Trong này nhìn ra, tôi chỉ thấy những dòng nước trắng xóa dội xuống thềm xi măng, trên những cây soan tây rũ rượi. Con đường chia hai trước nhà bưu điện- một phía vào trại lính, một phía đến chợ. Ly cà phê buổi chiều làm giấc ngủ của tôi đến chậm. Bên bàn kế bên ngưởi hạ sĩ quan Ðiều chỉnh đang cúi đầu trên những trang công điện nhận được từ chiếc máy viễn ấn tự. Màu giấy vàng cũ và những dòng chữ đơn điệu, nhàm chán nhưng toát lên sức sống mạnh mẽ của cả một đơn vị. Từ những trang giấy đó, những tin tức và những báo cáo về những cuộc hành quân, những tổn thất giữa thù và bạn. Nhiều đêm hệ thống siêu tần số bị giao thoa, tôi và vài người có trách nhiệm phải thức khuya để chuyển cho kịp đến đơn vị bạn một vài công điện hỏa tốc. Sau đó là trời sáng.
Tôi ra ngoài, qua một tam cấp dẫn lên câu lạc bộ của tiểu khu, kêu cho mình một ly cà phê đầu ngày. Một chiếc bánh Paté Chaud kèm theo để dằn cơn đói. Lúc đó tôi nhớ nàng. Giữa những tiếng nói chuyện, tiếng ly tách va chạm vào nhau sau quầy, hơi thuốc không muốn bay thoát ra khỏi cái không gian chật chội kia, tôi hình dung ra tiếng cười nàng và đôi mắt trong veo như chưa chín đủ đau buồn. Trên hai đầu ngón tay ốm o kia điếu thuốc có bao giờ tự biết rằng nó sẽ đưa nỗi nhớ bay về đâu?
Tất cả đã xa rồi. Trong hơi thở của thời gian khẽ khàng, mùa thu đã làm nhói trong lồng ngực chiếc lá khô ghi dấu mùa chia tay. Ngày tháng lần lượt đi qua. Nhưng màu sắc của một loài hoa vẫn không phai nhạt. Cỏ hai bên đường về trại lính vẫn xanh như níu kéo thanh xuân của đời.

2.
Giữa mùa hè năm 1969 tôi bị thuyên chuyền về Trung Tâm Truyền Tin Quảng Ðức. Ðó là một quận lỵ buồn và nhuốm màu sắc dữ dội của chiến tranh. Một con suối len lỏi qua rừng cây để bao quanh một sườn đồi. Trên cùng, nơi cao nhất là phạm vi trú đóng của Tiểu Khu. Một phi trường quân sự nhỏ nhưng đủ để cho vài chuyến C.130 hạ cánh. Thư từ và báo chí của Tiểu khu đều do những chuyến bay hiếm hoi như vậy đem đến. Mỗi tuần lễ hai ngày- thứ ba và thứ sáu- mỗi người lính trong Tiểu Khu đều hướng nhìn về Ban Mê Thuộc chờ đợi sự xuất hiện của các chiếc phi cơ đồng thời nuôi dưởng những hi vọng. Cách xa hơn vài chục cây số là đoạn đường nối liền Quảng Ðức và Ðức Lập, thường xuyên bị tàn phá và bị gài mìn. Những chuyến Commando Car phải mở đường lúc mờ sáng cho xe đò lưu thông nhưng có nhiều buổi tối thì đoạn đường đó trở thành khu vực hoạt động của “phía bên kia”
Nhiều ngày liền tôi không nhận được thư. Báo chí lại càng hiếm hoi. Buổi sáng mặt trời lên, sương còn đọng giữa những hàng dây kẻm gai như nước mắt chưa kịp bốc hơi từ một tình yêu. Ðôi khi khoảng cách giữa hai hàng chữ trên trang giấy giống như khoảng cách của hai thành phố không bao giờ chạm tới. Tình yêu cũng lầm lũi và cách xa như vậy.
Ngày tôi rời xa nàng, Bảo Lộc đang mùa hạ. Tháng tám vắng lặng những tà áo trên sân trường. Và nàng hồn nhiên như chim để đi qua từng góc đường mà không nhìn lại. Chiếc áo len màu tím trĩu xuống vì sương mù hay vì mưa bụi? Có một chút nào hình ảnh của tôi trong lòng nàng? Tôi không biết. Sự bâng khuâng nào đó hay chỉ là nắng gió trên chiếc nón lá che nghiêng, tôi hi vọng mọi thứ đừng che lấp trái tim mười bảy tuổi của nàng.
Mùa hạ sắp đi và mùa thu sẽ đến sớm. Rừng cây đã chớm màu vàng. Tôi tồn tại trong một thành phố già háp vì chiến tranh nhưng non yếu những mơ ước. Một nơi chốn duy nhất sống động là chiếc quán ăn nghèo nàn ở cuối xóm. Những người lính xa nhà sẽ cảm giác được không khí gia đình quen thuộc khi ngồi tại đó. Những bửa cơm đơn giản nhưng tươm tất được dọn ra bởi bàn tay của hai mẹ con người chủ quán. Họ là người địa phương sống lâu năm tại Tiểu Khu. Người mẹ là một góa phụ của của một binh sĩ. Còn cô con gái chưa chỉ có người yêu cũng là một người lính trong tiểu khu. Cô dạy học ở trường tiểu học cộng đồng ở Ban Mê Thuỗt, ba tháng nghỉ hè về phụ giúp mẹ nấu nướng và đi chợ lặt vặt.
Thức ăn thường là canh rau muống nấu với cua đồng và cá chuồn kho. Lâu lâu có thịt heo và đầu tháng có thêm thực phẩm phụ trội của quân tiếp vụ. Những người lính địa phương quân là thân chủ thường xuyên của quán và họ sẽ thanh toán sòng phẳng tiền nợ cho bà chủ quán trong ngày phát lương. Ðôi lúc có thiếu hụt chút đỉnh nhưng bà chủ không phiền hà và cho họ thiếu lại tháng sau. Những người lính không phải là thân chủ thường xuyên như tôi thì ăn bửa nào trà tiền bửa ấy. Còn tiền thì ghé quán lai rai, hết tiền thì nấu mì gói. Cuốn sổ nợ treo trên vách cong queo và nhòe nhoẹt những chữ ký cũng theo thời gian mà vàng úa. Lâu lâu, dưới ánh đèn dội xuống giữa trần nhà, đủ soi sáng cuốn lịch Tam Tông Miếu và vài chai bia quân tiếp vụ để ngay ngắn, cô con gái đang cúi đầu ghi chép. Ðêm hiu hắt những cơn gió thổi từ Lào về và cũng hiu hắt một nỗi buồn. Tôi nghe trong lòng vàng phai một màu lá.
Tôi nhớ đến nàng vô cùng. Không biết lúc này ra sao. Bảo Lộc cũng sang mùa và lá vàng đang rụng. Chúng có bay cả về đêm trên đường đi của nàng và bao giờ thì đậu lại? Tháng năm và biển dâu có làm trái tim nàng lấm lem màu mực đầu đời, khi tình yêu trở mình khôn lớn? Tôi tự nhủ mình không thể buồn, nhưng vẫn nghe cơn mưa bay dài trên quận lỵ heo hút. Những giấc mơ trống hoác và xa lạ một dung nhan. Tôi thấy mình già nua dù mới ngoài hai mươi tuổi.
Một đêm cộng sản pháo kích vào Tiểu Khu. Nơi làm việc của chúng tôi không bị thiệt hại nhiều vì những trái đạn bị chệch hướng. Những tia lửa rực sáng kéo đàng sau đường đi của nó những tiếng rít căm thù giống như lòng căm thù của của những bộ đội miền bắc. Dù Trung tâm Truyền Tin nằm sâu dưới hấm lô cốt kiên cố nhưng chúng tôi vẫn sẳn sàng trong tư thế giáp chiến với địch và cố gắng giữ cho mọi liên lạc đến các đơn vị bạn không bị gián đoạn- nhất là Ban Mê Thuột- Những người lính Ðịa phương Quân phòng thủ bên trên hầm lô cốt và chung quanh vòng rào kẽm gai của Tiểu Khu. Họ quá quen thuộc với chiến thuật “tiền pháo hậu xung” và ghìm chặt tay súng chờ đợi sự hiện diện của quân thù. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, có tiếng rền rĩ của phi cơ bay trên trời. Sự nguy hiễm đã không còn vì Tiểu khu đã xin được yểm trợ của không quân và đạn pháo bắt đầu rơi xuống những vị trí nghi ngờ. Hừng đông cũng sắp ló dạng. Qua vài công điện, chúng tôi biết có một vài tổn thất, nhưng nhỏ. Chỉ có một tổn thất khác, trầm trọng hơn mà gần sáng chúng tôi mới biết. Một trong những viên đạn pháo đầu tiên bắn đi của kẻ thù đã rơi lạc vào chiếc quán ăn dưới xóm. Hai người phụ nữ trong quán bị thương nặng. Trên đường đi đến bệnh viện dã chiến, người con gái dạy học đã chết.
Sau này, khi nghe kể lại, tôi mới biết cô giáo không chuẫn bị cho mình sự ra đi. Ðêm cô chết là đêm thứ bảy. Chỉ còn một ngày nửa là cô từ giả chiếc quán thân yêu và người mẹ già để trở lại Ban Mê Thuột. Trở lại trường.
Không có đứa học trò nào tiển chân cô đi vào cõi vĩnh hằng. Một mình cô sẽ đi qua mùa tựu trường với một lòng sông ôm nỗi đau vào biển. Luống đất sau quán ăn bây giờ lặng tăm. Không còn ai để ghi xuống sổ nợ những số tiền còn thiếu.
Chiến tranh, nhìn từ phía nào cũng đều vô luân. Và những ai chủ trương hoặc cổ súy cho điều này đều bị nguyền rũa...

3.
Nhiều năm sau, khi hồi tưởng lại một tình yêu đã trưởng thành trong chiến tranh cùng những hệ lụy, tôi không tin mình đã đi qua với lòng khô cạn mạch đời. Người con gái khi gia nhập vào cuộc tình sẽ có một lúc nào đó như hương hoa ngoài vườn, vội vàng bay đi không đọng lại. Nhưng cũng có lúc như ánh sao trên bầu trời đêm cháy hết mình và hòa nhập vào những khát khao thầm kín.
Dù bây giờ cách xa nửa vòng trái đất. Dù bây giờ không còn nắm được bàn tay của nàng và mắt nhìn nhau như cái thời lửa cháy, tôi vẫn không thể quên về một quá khứ, trong đó, tiếng cười, hay một lời cảm ơn sẽ làm tan chảy mọi tấm lòng dung tục. Như con chim hút mật vừa bay qua vườn tôi sang nay, và đậu xuống. Màu đỏ trên đôi cánh nó giống như màu môi của nàng đã từng cháy hồng trên môi tôi, ngày nào, mấy chục năm về trước...
PNY
NHỎ BẠN NGÀY XƯA
Kha Tiệm Ly
(phụ bản Dzungart)

 





 
Ngày lớn ròng hai lần con nước,
Mi nhỏ chưa cong, tóc nhò chưa dài.
Vú cau thẹn nằm sau áo ướt,
Ta nợ cái nhìn ở tuổi mười hai!

Giã biệt nhỏ ta lên thành đi học,
Để nợ bãi bồi, để nợ dòng sông.
Không ai chọc, mà sao nhỏ khóc?
Làm bông bần rơi trắng mênh mông!

Một hạ ta về thăm sông cũ,
Tóc búp bê, giờ óng ả mượt mà.
Đinh áo chẻ cao, khoe chút da trắng muốt,
Thêm một lần ta nợ áo bà ba!

Hàng rào thưa ngăn nhà ta, nhà nhỏ.
Mà xem như cách mấy dòng sông.
Ai giả bộ đem áo ra phơi gió,
Để nhìn nhau, má nhỏ ửng hồng hồng.

Theo lốc xoáy, ta thành thân viễn xứ,
Cây bần xưa buồn bã đón ta về.
Vắng ai đó bên dòng sông năm cũ,
Mấy bông bần theo gió rụng lê thê.

Mười tám tuổi, nhỏ tay bồng tay bế.
Bởi con bướm vàng đậu nhánh mù u.
Ta chết lặng, nhỏ nhìn ta ứa lệ,
Ta nợ nhỏ rồi, ánh mắt thiên thu!
KTL
 

Saturday, February 13, 2016

hỏa táng một tình yêu

thơ
phạm ngũ yên



















Bởi cuộc đời như cánh cửa mùa đông
Dù khép kín vẫn chưa từng được ấm
Lòng nghe đắng như buổi chiều rất đậm
Có bao giờ em mơ thấy anh không?

Bởi cuộc đời chảy mãi một dòng sông
Sông lãng mạn hay chúng mình lãng mạn?
Em đứng lại phía bên này năm tháng
Nhan sắc buồn vừa rớt một bình yên…

Anh trôi hoài ra biển ngỡ mình quên
Những lúc tim đau như cái thời rỉ máu
Ai khóc ngất giữa một ngày giông bão
Ai đau lòng làm chiếc lá xanh rơi?

Ở bên một người mà nghĩ đến một người
Tình yêu đó như thế nào em nhỉ?
Anh khôn lớn nhưng vẫn còn ấu trỉ
Rượt đuổi mênh mông mà không biết tận cùng…

Em đang còn mãi đếm những thanh xuân
Vui trên đầu ngón tay mà buồn như biển lớn? (à há…)
Vừa mới hôm qua nghe tiếng lòng mơn mởn
Dội vào trái tim nhưng sai nhịp mất rồi…            

Có những ngày vừa mới ngậm trên môi
Những miếng hôn nghe cuối đời lửa cháy
Giữa quá khứ yên vui là bể dâu ngày ấy
Giữa cận kề, là khoảng trống mênh mang

Những ngày này gió Tết thổi miên man
Gom hết lá khô của mùa đông nghiệt ngã
Em ủ hết thơ ngây trong bếp đời tơi tả
Đốt thành tro chôn quá khứ rất buồn

Chẳng bao giờ mình là của nhau luôn…
Hãy tha thứ như chưa từng trách móc
Hãy cười cợt như chưa từng biết khóc
Hãy lạnh lùng như chưa biết thương yêu…

Anh trở về ngang qua biển một chiều
Đứng lại nhói đau quán cà phê ngày nọ
Lòng ủ rủ một cánh buồm thiếu gió
Trôi về đâu khi lạc mất nhau rồi?

Cây điệp già năm tháng của anh ơi
Vẫn đứng đợi bên sân trường rất tội
Những tiếng ve kêu không bao giờ biết lỗi
Nên cuối cùng để cháy một tình yêu…
PNY.
(Valentine 2016… today and always)

 


 

Wednesday, February 3, 2016

những câu thơ tặng em, mùa Tết

thơ
phạm ngũ yên
















Chưa bao giờ anh ngừng nghĩ về em…
Khi chúng ta ở “hai đầu nỗi nhớ” (*)
Một cửa biển mênh mông một cánh buồm lo sợ
Biết làm sao để quay lại từ đầu?

Mình không còn son trẻ để yêu nhau
Cho tim đập một tình yêu mười tám!
Trong giấc ngủ muộn màng hơi thở ấm
Nên sáng ngày nghe lạnh những chiêm bao…

Tháng giêng về sợi nắng trốn nơi nao?
Ngọn gió Tết trên hàng cây cũng Tết
Anh ngồi nhớ một… mơ hồ… đã hết
Một tiếng cười và hai tiếng… Anh ơi!!!

Anh muốn về hôn lại giữa bờ môi
Đang dấu kín nhịp đời đi vội vã
Bằng chứng đó một tình yêu nghiệt ngã
Đôi lúc ngọt ngào và đôi lúc chua cay…

Dẫu bây giờ không nắm được bàn tay
Vẫn cảm nhận những đường gân máu chảy
Nghe rét mướt đuổi qua ngày tháng ấy
Dấu buồn vui câu trách móc ngọt ngào

Chẳng thể nào san sẻ được cho nhau
Chuyện của trái tim không đủ lời lý giải
Chuyện những giấc mơ và những cuộc đời quá tải
Những trạm dừng và những chuyến xe qua?...

Phải làm sao ngăn nỗi nhớ như là…
Con sóng vỗ miệt mài lên quá khứ
Con hẻm cũ dẫn vào ngôi nhà mới
Cửa mở đón anh vào nhưng cũng… đuổi anh ra!!!

Sợi tóc mềm nơi xanh thẳm trời xa
Sao vẫn trói được đời nhau quá dễ?
Từng ngắn vội nhưng cũng từng dâu bể
Thuở đầu tiên vừa mới đó … lâu rồi…

Biển vô tình (như em của anh ơi)
Đang đỏng đảnh qua những mùa thương nhớ
Nơi anh ở bao ngày đông thiếu lửa
Nghĩ về em mà cũng ấm nguyên mùa…

Buổi sáng này ra quán cũ, lưa thưa
Tìm kiếm quẩn quanh một chỗ ngồi ít rét
Ly cà phê đen quên bỏ đường đắng nghét
Anh quậy đều …
… thương nhớ gởi về em…

Tháng 2 2016
PNY
(*) nhạc Phan Huỳnh Điểu
 

 

Tuesday, February 2, 2016

cho một tình yêu quá vãng

thư viết từ đường heatherglen
phạm ngũ yên

Lúc yêu nàng, bốn mươi năm về trước tôi không có những nan đề. Tôi chưa từng nghe biết hay chạm đến tan vỡ. Bởi nhan sắc người đàn bà luôn óng ả trên mọi dấu vết đường dài của người đàn ông.

Không ai đứng chờ xe dưới một trạm dừng xe buýt. Chỉ còn những con chim đen.

Chúng bay từng bầy giữa buổi chiều mùa đông như giỡn chơi với thời tiết giá lạnh. Một nơi khác, chúng đậu thành hàng trên những đường dây điện. Gió rét thổi qua lưng chúng. Cây thánh giá nhô lên trên nóc nhà thờ vừa mới sơn lại trước mùa lễ. Tiếng chuông ngại ngần xa tít. Một mùa lễ như vậy, tôi về phép Sài gòn.

Căn gác đường Nguyễn Cư Trinh, nơi tôi ủ thời hoa niên của tôi từ một mùa thi, nhìn xuống một góc phố đông đúc. Bến xe đò mỗi tháng hai lần đổi vị trí về hai phía đường cùng giấc ngủ nửa đêm về sáng.

Một nơi mà ngày xưa tôi từng ghé lại khi về phép từ Ðà Lạt. Có một quán cơm tấm nằm kế tòa soạn của tạp chí Văn do Mai Thảo chủ trương. Một lần tôi ghé lại lảnh tiền nhuận bút. Lần khác tình cờ ghé lại để nhận một lá thư của một người quen. Nơi góc đường đối diện với chợ Thái Bình là rạp hát bóng Khải Hoàn. Một con đường xe lửa chạy xuyên qua. Một bồn binh chia ra những góc đời chảy về nhiều hướng. Những người bạn của tôi trong đoàn Văn Công Chí Linh đang có gia đình và sống ổn định trong khu cư xá Võ Tánh. Ðối diện với khu cư xá là đường Cống Quỳnh. Một đầu tiếp nối với đường Nguyễn Cư Trinh, có bến xe đò lục tỉnh. Ðầu kia đụng rạp Quốc Thanh và khu Mã Lạng.

Tôi hôn nàng trong ánh điện hiu hắt mà mọi căn phòng trọ đều giống nhau như vậy tại Sài gòn thời đó. Một bình hoa giả bằng vải màu đặt trên chiếc bàn ngủ và một ngọn đèn nhỏ có chụp luôn thả ánh sáng suốt bàn. Đó là hai vật chứng duy nhất, thầm lặng.

Ngày đó tôi 45 tuổi trong khi nàng nhỏ hơn tôi tám tuổi. Có những mùa xuân hời hợt không để lại một chút hương phấn hay một mùi hoa trong tâm hồn. Nhưng có những mùa xuân mang hơi lửa ngút ngàn ủ trên môi miệng nhau. Những vòng tay mệt nhoài xóa lấp mọi băng giá.

 

Tôi mang mùa xuân đó trèo lên máy bay, giữa tiếng gầm rú ngoài phi đạo. Mùa xuân sáng ngời hạnh phúc sau mười tám năm trong lòng chế độ cộng sản. Tôi định sẽ không muốn nhớ mọi bất hạnh cùng đau khổ trong thời gian qua. Tôi sẽ để riêng nó ra một ngăn đời nào đó, sau này sẽ nhớ lại. Nhưng khi ngồi ngã dựa ra băng ghế phi cơ, mọi hình ảnh cũ đều lần lượt hiện về, như một đoạn phim rời nhiều tập. Ngồi giữa vợ tôi là đứa con gái vừa đúng bốn tuổi rưỡi. Nó đang hướng về người tiếp viên phi hành để chờ đợi chiếc xe đựng đồ ăn đẩy đến.

Khi tôi chờ chuyến bay nơi phi trường, không thấy Ng. ra tiển đưa , chỉ có em trai nàng. Minh nhét vào tay tôi một tờ giấy có ghi địa chỉ của bà chị rồi chúc tôi lên đường bình an.

Khi Minh rời khỏi phòng cách ly của phi trường, tôi mở tờ giấy ghi địa chĩ của nàng ra xem. Những chữ viết mềm và nghiêng về một phía như ngày nào. Có bao nhiêu lá thư nàng gởi cho tôi suốt một mùa yêu đương? Không có nhiều. Nhưng tôi viết cho nàng rất nhiều, những lá thư mà có lần giận tôi nàng đòi đốt bỏ và nói: “Chắc đủ để đun nóng một ấm nước pha cà phê”. Nhưng nàng chỉ đùa. Không bao giờ có được bếp lửa đó vì lúc lìa xa tôi tại căn gác trọ ở ngã tư Giếng Nước Vũng Tàu nàng đã trả lại tôi chồng thư cũ. Những lá thư có cả bao bì thẳng thóm được bó chặt bằng dây thun. “Trả lại anh để anh không còn bận tâm và lo sợ có ngày em sẽ đốt”.

Tôi biết về nàng, không nhiều lắm, do lời kể của em trai nàng. Qua Minh, tôi biết nàng đang làm chủ một tiệm bán đồ chạp phô ở chợ Bảo Lộc. Thu nhập khá sung túc và có một chút tiếng tăm trong thành phố, vì chồng nàng là một giáo sư đang dạy học tại trường Trần Hưng Ðạo, Ðà Lạt. Hai đứa con gái đang học ở Sài Gòn. Ðại khái là vẫn hạnh phúc như cái thời nàng chưa từng quen biết tôi.

Những bài tạp văn tôi viết, thỉnh thoảng có nhắc đến nàng. Giống như một đời lá. Chúng chỉ  bám chặt vào cành khi nhựa xuân còn đó. Gần bốn mươi năm rồi còn gì. Làm sao để chắc lá vẫn còn xanh không hẹn ngày chờ rụng?

Chiếc phi cơ êm ả bay về hướng phi trường Thái Lan. Từ Thái Lan chúng tôi sẽ làm thủ tục để đi tiếp. Phi trường Denver ở Seatle là chặng cuối cùng. Giữa hai chặng này là phi trường Tokyo, Nhật Bản.

Những cụm mây bềnh bồng nằm im dưới cánh máy bay. Tôi buồn bã khi nghĩ rằng sẽ không còn cơ hội để trở về thăm nàng. Một phần đời thơ mộng của tôi và làm tôi khôn lớn.

Tình yêu của nàng dành cho tôi, lúc nào cũng chứa đựng sự cho đi nhiều hơn lấy lại. Tôi là một người lính, nên dễ nhìn đâu cũng thấy chết chóc tàn phai, nên ít trân trọng những khoảnh khắc đẹp trong đời sống. Tôi sống vội vàng và không bận tâm đến những hơi thở đã thở ra mổi ngày mang một rung động như thế nào.Tôi tiêu pha những hạnh phúc không so đo giống như tiêu pha những đồng lương ngày đầu tháng. Trong lúc nàng giữ gìn từng giá trị nhỏ nhoi.

Lúc gần mất nàng vĩnh viễn tôi mới bình tâm lại. Những giọt đắng đọng trong lòng tôi và nàng, hình như chỉ có nàng cảm nhận được.

Còn tôi, khi tôi học được bài học quí giá của tình yêu cũng là lúc tình yêu không còn đươm hoa kết trái.

 

Có thể là đêm sẽ rất mong manh. Tôi nghĩ vậy khi nhìn ra ngoài vườn. Ðêm mùa đông luôn rét mướt những cây sồi tháng chạp. Mới hôm nào, những đèn hoa bủa giăng trên đó, từ ngọn xuống đến tận gốc. Bây giờ dường như có triệu chứng ũ rũ chờ ngày thu dọn.

Tôi vẫn là tôi, người đàn ông già nua đang chạy theo những hương sắc bên đời. Không một nụ cười nở ra để lau dùm những nhau những ngấn lệ.

Nàng sẽ ra sao? Tôi vừa nghe được một tin từ một người quen ở gần gia đình nàng. Bây giờ nàng đang gần 55 tuổi. Nàng không có vẻ gì là nhớ về tôi- đứa con trai của mấy chục năm xưa đi ngang qua đời nàng- Khu chợ Mới nhìn ngang qua Hồ Ðồng Nai Thượng vẫn còn gian hàng chạp phô của nàng. Nàng không còn bận tâm nhiều về nó và chuyển dần công việc cho mấy đứa con gái. Giống như ngày xưa mẹ nàng từng làm. Mỗi tháng nàng ăn chay vài ngày và lên chùa nghe kinh mỗi dịp lễ lạc.

Tháng bảy có mưa về đêm. Tôi nằm nghe mưa bay qua khung cửa sổ và bay qua hồn lạnh buốt.

Mưa từ rừng núi bao giờ cũng dai dẳng và kéo theo những gió mùa. Chiếc mùng nhà binh căng gió như một cánh buồm chờ giờ ra khơi. Tôi nhớ về biển của tôi và những cây bàng già trắng xóa trong mùa này. Những cây hoa sứ trên đường ra Bạch Dinh bắt đầu tỏa hương thơm ngào ngạt. Những cánh trắng dịu dàng phiêu hốt trong bóng đêm như thịt da con gái. Bao giờ nàng trở về để uống chung cùng tôi những ly cà phê. Tiếng “morse” đánh đi từ căn phòng truyền tin nửa khuya như tiếng của một con dế mắt kẹt trong lòng đất.

Ai đó đã nói rằng trong tình yêu, một khi đến với nhau dễ dàng thì khi xa nhau cũng dễ dàng. Tôi không muốn tin như vậy. Bao nhiêu điều nghịch lý và những mưa nắng đi qua, tình yêu của hai chúng tôi hình như không thẩm thấu được hết mọi trăn trở và không ủ hết những hương mật tình đầu. Nên cuối cùng tan vỡ. Tôi và nàng còn quá trẻ để chọn lựa một cách thức đi vào đời mà không gặp những gai góc.

 

Nhiều năm sống bình lặng tại Hoa Kỳ, tôi viết lại dể dàng nhưng không viết được về Ng. Vợ tôi kiên quyết không cho tôi đá động đến tên nàng trong mọi tác phẩm. Cũng không được nhắc đến Ðà Lạt, Bảo Lộc. Một vài trang bản thảo của tôi có dính líu một phần cái quá khứ ràn rụa kia, cũng bị vợ tôi khướt từ. Những trang bản thảo mà khó khăn lắm tôi mới đem theo được từ Việt Nam, một lần bị vợ tôi xé thành nhiều mảnh vụn. (Vì có một đêm tôi la cà tại nhà mấy người bạn H.O, bia bọt chút đỉnh và về muộn). Con gái tôi thu góp lại từ trong thùng rác và bỏ vào chiếc bao ni lông. Sáng hôm sau nó đưa lại cho tôi và đòi tôi thưởng công cho nó. Năm đó nó mới 6 tuổi. Tôi nhìn nó và không hiểu giữa hai người- con gái tôi và vợ tôi hiện tại- ai là người đã trưởng thành.

Năm 1994, tức ba năm sau ngày định cư, tôi cho in tác phẩm đầu tiên tại hải ngoại, có tên là “Hoa Bluebonnets Cho Hai Người”. Tác phẩm giản đơn và không màu mè như cuộc đời tôi lúc đó do nhà xuất bản Bình Minh tại Houston ấn hành. Chủ nhà xuất bản là anh Phạm Gia Khôi đề nghị mua đứt bản quyền trong vòng 5 năm và cho tôi 100 quyển để tặng bạn bè, thân hữu xa gần. Tôi dành một quyển gởi về Bảo Lộc, đề tặng Ng. trên trang giấy đầu với dòng chữ: “Cho em, không đẹp, nhưng không thường...” Ðó là câu nói mà nàng rất yêu thích ngày xưa khi tôi và nàng còn gần gụi nhau. Tôi gói ghém cẩn thận và gởi về địa chĩ mà Minh đã trao cho tôi ở phi trường.

Tác phẩm gởi đi không có được một hồi đáp. Không biết có đến tận tay nàng hay không vì thời gian đó sách báo in ấn tại hải ngoại khó lòng qua lọt cửa hải quan. Không biết nàng có nhận được và im lặng cất giữ nó trong một nơi chốn nào đó, như cất giấu một tình yêu trong một ngăn đời eo hẹp. Hay qua lọt cửa hải quan nhưng không qua lọt đôi mắt kiểm soát của chồng nàng và bị xé tan nát vụn vằn, như cách thức vợ tôi dành cho bản thảo của tôi?

Trước những điều không thể thực hiện trong cuộc đời, đôi khi chúng ta nên chấp nhận và nhìn nó với lòng khoan dung. Tôi đang nhìn lại cái quá khứ của tôi. Cái thời mà hai bàn tay cùng nắm chặt với nhau và mắt nhìn nhau bằng cái nhìn của lửa, trong khi sương mù lướt thướt bên ngoài. Bây giờ cái quá khứ đó không thể tan biến trong lòng mà cộm lên thành một nỗi đau. Nó giống như chiếc lá rụng tình cờ bên cửa xe chiều nay trên đường về mịt mùng. Nó không nói lên điều gì quan trọng và đại diện cho cuộc đời những đau thương hay những hạnh phúc. Nhưng chắc chắn là nó sẽ đẹp và buồn.

PNY