Sunday, October 14, 2012


MỘT NƠI TRỞ VỀ ĐÃ MẤT

VŨ ĐÌNH TRƯỜNG

 

Tôi, tên thuyền nhân thoát chết nhờ được tàu vớt giữa sóng biển Đông cuồng nộ trong một ngày hè gần gần hai mươi lăm năm về trước, đã rời quê hương ra đi nhưng không bao giờ nghĩ rằng sẽ không có ngày trở lại. Hồi ấy nghe những lời đồn đại xa gần tôi còn mơ mộng hão huyền rằng biết đâu khi ra đến nước ngoài sẽ gặp những tổ chức kháng chiến phục quốc, trong đó có thể có những người lính đã từng một thời chiến đấu bên nhau. Có người đã đi xa hơn khi cho rằng người Mỹ không bao giờ bỏ rơi miền Nam. Họ chỉ tạm thời rút lui để sẽ trở lại trong một thời điểm khác. Họ sẽ giúp những tổ chức phục quốc như họ đã từng giúp nhóm kháng chiến Cuba. Lắm người còn tự ví việc bỏ nước ra đi của người Việt Nam giống như cuộc lưu vong của người Do Thái xưa kia. Thôi thì trăm ngàn luận điệu và tin tức khác nhau.

Khi đặt chân đến trại tỵ nạn, tôi bàng hoàng nhận ra tất cả những gì tôi mong đợi chỉ là mơ. Đây chỉ là một nơi người tỵ nạn tạm trú trong thời gian chờ đợi đi định cư ở một quốc gia khác. Không hề có một bóng dáng của người hùng phục quốc hay dấu hiệu của các tổ chức kháng chiến nào tại nơi tôi đang ở.

Thời gian ngắn sau đó, tôi được xuất trại lên đường đi Mỹ. Thực tế phũ phàng ở trại tị nạn vẫn chưa làm tan vỡ giấc mơ tôi. Tôi vẫn còn nghĩ đến hình ảnh của một bưng biền đâu đó với những anh hùng áo vải Lam Sơn thời đại cùng tụ về dưới bóng cờ thiêng. Tôi lang thang la cà đó đây, tham gia các sinh hoạt cộng đồng, các cuộc biểu tình tranh đấu cho tự do nhân quyền tại Việt Nam, các cuộc biểu tình phản đối chánh sách đàn áp người tỵ nạn của một vài quốc gia Đông Nam Á. Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng mình phải làm một cái gì để khỏi phụ lòng tin của người ở lại. Tôi chẳng buồn đi học lại vì nước đã mất nhà đã tan thì có học chăng cũng chẳng ích gì. Ngày qua ngày, để tạm quên nỗi buồn của người chiến bại, tôi đọc thơ Cao Tần, nghe Sài Gòn Vĩnh Biệt của Nam Lộc và Hát Trên Đường Tạm Dung của Phạm Duy. Đến bây giờ, gần hai mươi lăm năm sau, tôi vẫn còn nhớ những câu thơ bi tráng của Cao Tần như:

“Năm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai”


“Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan”

Tôi cũng thấy mình có những đêm dài nằm vùi mà nước mắt chứa chan. Không biết nhân vật trong thơ Cao Tần khóc vì cái gì nhưng tôi khóc vì nhớ Sài gòn và tiếc thương cho đời lính của mình chưa lên đã xuống. Rồi thời gian trôi và tôi cam đành nhận nơi này làm quê hương thứ hai, ngày đi làm, tối đi học ở một trường đại học cộng đồng và cứ thế yên phận với kiếp sống tha phương cầu thực.

Đúng như người ta nói, Mỹ đã không vĩnh viễn rời bỏ Việt Nam. Vào những năm tám mươi, họ đã trở lại nhưng không với tư thế của kẻ mạnh mà trở lại để tìm kiếm, đào bới hài cốt quân nhân Mỹ đã bỏ mình trong chiến trận. Con đường thông thương mỗi lúc một mở rộng thêm để rồi sau khi lệnh cấm vận được giải tỏa, Mỹ chánh thức bắt tay với kẻ cựu thù để mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của giao thương và hợp tác. Người tị nạn Việt Nam, sau những năm tháng dài sống trong nỗi nhớ thương da diết, bấy giờ đã có cơ hội trở về thăm lại quê hương. Người đi mỗi lúc một đông để những người ở lại, trong đó có tôi, cảm thấy như có một cái gì rất thôi thúc, giục giã, xâu xé. Đôi lúc tôi cũng đã muốn theo chân họ mà về, nhất là về để thăm mẹ đã quá già nua. Nhưng rồi những xung đột liên tiếp trong tâm linh đã xóa tan ý muốn trở về Việt Nam của tôi. Tôi còn nhớ những câu thơ chất phác nhưng rất thâm thúy của ai đó mà tôi đọc được trên một tờ báo Việt ngữ:

“Quên sao được ngày ra đi tủi nhục
Có thẳng lưng ngẩng mặt hãy quay về
Đừng học thói chàng Thúc Sinh thuở trước
Hể nhớ quê là kiếm lối thăm quê”

Và tôi vịn vào những câu thơ này như một niềm an ủi vô biên. “Quên sao được ngày ra đi tủi nhục!” Tôi nhất định không về. Trong khi người ta đi tìm lại quê hương hiện thực, tôi tìm lại quê hương trong mơ và qua hình ảnh, tin tức. Người ta nói Việt Nam đã thay da đổi thịt. Có người về thăm một lần, trở lại với tâm trạng ngao ngán như mất mát tất cả. Nhưng cũng có rất nhiều người đi lại thường xuyên. Có cả những người mang tiền về đầu tư và mua vui trên thân xác những thiếu nữ tuổi chỉ đáng con cháu họ. Với những người này, chắc hẳn quê hương thực sự đã là:

“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày”

Với tôi và những người đồng cảm khác, có lẽ quê hương của thời thơ mộng trước bảy mươi lăm đã chết. Quê hương của tuổi nhỏ cởi truồng tắm mưa, của những cánh diều, con đường đất, ngọn khói lam, mái nhà tranh ọp ẹp, cây cầu khỉ cong vẹo, con đò lặng lờ khuấy nước trên sông, đã chết. Quê hương trong hiện thực vẫn còn đó nhưng quê hương trong ký ức đã không còn. Những trăn trở, ray rứt trong hồn tôi bỗng một ngày kia dâng lên như cuồng lũ khi tôi đọc được những vần thơ bi thiết của Hoàng Định Nam trong bài

Nơi Trở Về Đã Mất:

“Mai có về giữa mùa trăng phiêu lãng
Cũng đã xa rồi mộng ban sơ
Cũng đã nghìn trùng trong mắt cũ
Giữa lòng nhau là cả vạn bến bờ
Một chén tương phùng dẫu rằng chẳng thiếu
Còn ấm lòng không ngọn lửa cố tri
Tâm hồn ta không còn như ngày cũ
Thì chút tro tàn có theo gió bay đi
Mai có về con đường năm xưa
Cố nhân đã đi vào cổ tích…”

Nhân vật trong bài thơ này hay chính người sáng tác ra nó chắc cũng chưa một lần về thăm lại Việt Nam. Vì thế nên nhà thơ đã viết “Mai có về…”. Về để thấy con người tuy gần trong gang tấc nhưng cách xa nghìn trùng vì giữa lòng nhau là cả vạn bến bờ. Lòng kẻ ở, hồn người đi chắc không ai còn nguyên vẹn như xưa thì thôi kỷ niệm chắc cũng chỉ là chút tro tàn chực chờ bay đi theo gió. Theo những dòng thơ của thi nhân, tôi hình dung ra tôi, một gã thuyền nhân lạc loài của hơn hai mươi năm trước, quay về với một nơi trở về đã mất, bơ vơ, ngơ ngác. Ở một đoạn khác, Hoàng Định Nam viết:

“Mai có về soi bóng Thu giang
Tắm bến sông An Trường, Hà Mật
Nước có rửa sạch đôi chân cát đất
Thì lòng ta cũng đã bụi giang hồ”

Thi nhân đã nói giùm tôi những gì tôi chưa và không nói được vì không đủ khả năng diễn đạt. Tôi, không như nhà thơ hay nhân vật trong thơ, đã không được cái vinh hạnh sinh ra trên quê nghèo xứ Quảng, nhưng nơi này chính là nơi mà cha tôi đã sinh ra và lớn lên, là nơi ông bà tổ tiên tôi đã nằm xuống, là nơi mà dòng họ bên nội tôi hiện vẫn còn sinh sôi nẩy nở. Cảm ơn ba tôi đã cho tôi phân nửa dòng máu Quảng để tim tôi còn được đập chung nhịp đập với con tim những người sinh ra trên vùng đất cằn cỗi nhưng giàu tình người và dào dạt ý thơ. Nếu không tình nguyện gia nhập quân đội chắc tôi đã không biết gì về đất Quảng. Gót giày sô nhà binh đã cho tôi có cơ hội về thăm quê nội năm 1974 khi đi thực tập Rừng Núi Sình Lầy với liên đoàn 12 Biệt Động Quân. Tôi đã may mắn được đi qua khắp cùng xứ Quảng, từ Tam Kỳ, Tiên Phước đến Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Hà. Đó cũng là lần đầu và lần cuối tôi được đến quê cha. Đến nay đã gần ba chục năm, hình ảnh xưa mỗi ngày một nhạt, còn chăng là loáng thoáng những bóng núi lam trên bán đảo Sơn Trà nổi lên giữa vùng trời nước mịt mùng xanh thẫm và núi đồi trùng điệp của những chiến trường tôi đã đi qua. Mấy ngày phép quá ngắn ngủi không đủ để tôi thấy hết bộ mặt phố phường Đà Nẵng. Tôi chỉ còn nhớ lơ mơ con đường Hùng Vương với những dãy phố trệt, lầu cao thấp lỏn chỏn và chợ Cồn, chợ trời huyên náo. Tôi cũng chẳng có dịp ghé qua phố cổ Hội An hay những vùng quê xa như Vĩnh Điện, Phong Thử, những địa danh mà thuở sinh tiền ba tôi thường nhắc đến. Bây giờ nếu tôi có về thăm quê cha thì chắc cũng giống như nhân vật trong thơ Hoàng Định Nam:

“Ta lạc lõng giữa thị thành Đà Nẵng
Ta bơ vơ trong phố cổ Hội An…”

Lạc lõng và bơ vơ nhưng có lẽ cũng không chua xót và ngậm ngùi hơn:

“Đường Nam Phước có phẳng phiu hơn trước
Nhưng lòng người gập ghềnh từ chinh chiến ly tan…”

Chiến tranh và những hậu quả của nó chắc chắn đã làm đổi thay toàn diện nhiều thứ, trong đó cái tàn hại nhất phải nói đến là lòng người. Chưa chắc tôi và người thân tôi còn nhận ra nhau, hay nếu có nhận ra không biết người ta có còn nhìn tôi bằng cái nhìn của mấy mươi năm trước. Trong một bài thơ khác, bài “Câu Lâu ngày về”, Hoàng Định Nam đã nói giùm tôi nỗi niềm u uẩn này:

“Thời thế đổi thay, người cũng chia, phân
Tôi đi giữ nước thành quân bán nước
Người sợ vạ thân hoan hô xâm lược
Tôi tội đồ được ra vẻ khoan dung.”

Thời niên thiếu tôi không ở xứ Quảng nên chẳng biết đến những địa danh mà nhà thơ nhắc đến như Câu Lâu, Gò Nổi, Đông Bàn, Cẩm Lậu, Thi Nhơn…Rất may tôi đã được nhìn thoáng qua dòng sông Thu và sông Hàn trong những giây phút ngắn ngủi năm 1974. Nếu tôi đã từng lớn lên trên mảnh đất này chắc tôi cũng quặn thắt lắm khi trở về để đối diện với những đổi thay:

“Lần trước tôi về, nước quặn Câu Lâu
Tôi đứng bên ni, bên tê Gò Nổi
Lòng tôi ngập tràn bóng ngày xuống vội
Tôi đứng trên cầu hiu hắt ngó sang
Tôi xưa hồn nhỏ mà sông mênh mang
Chiếc cầu sắt đen ngày đi chưa có
Đưa tôi qua sông con đò năm nọ
Đã trôi về đâu lòng ngẩn ngơ sầu”

Nước quặn hay lòng người quặn? Có lẽ cả hai. Chắc không có từ ngữ nào diễn tả nỗi lòng người xa xứ sát thực bằng chữ “quặn”, như trong trường hợp này. Đã thế, bóng ngày còn sụp xuống như bóng hoàng hôn của một kiếp người. Nhân vật trong thơ (hay chính là thi nhân?) đứng đó nhìn hiu hắt về ngôi làng mà anh đã chôn bao nhiêu kỷ niệm buổi thiếu thời, nhìn hoài, tìm mãi để rồi thở dài ngao ngán:

“Chẳng biết ghé đâu dù là quê cũ
Tôi tìm vô vọng sợi khói lam xanh
Không cả tiếng gà cục tác mái tranh
Nào đâu mùi thơm nồi cơm chín tới”

Đoạn thơ nhắc tôi nhớ đến hình ảnh đàn chim lạ trên ngọn cây phong sau nhà tôi mùa hè năm ngoái. Mấy chú chim với màu sắc thật đẹp, không rõ là loại chim gì, bay đến làm tổ trên ngọn cây. Hai chú chim ríu rít tha từng cọng rơm cọng cỏ đâu đó bay về tằn mằn tẳn mẳn bện nên cái tổ nhỏ nhắn xinh xinh ngay giữa một cháng ba chót vót trên cây, chung quanh là những nhánh nhóc với đầy ắp lá. Chừng như bọn chúng đang xây tổ uyên ương để chuẩn bị cho sự ra đời của những chú chim non. Đúng như tôi dự đoán, vài tuần sau đó ngọn cây nhộn nhịp hẳn lên với những tiếng kêu chiêm chiếp và cây cành xao động thường xuyên với sự ra vào của những con chim lớn, chắc là cha hay mẹ gì đó của những chú chim con. Lũ chim đã chọn mảnh đất sau nhà tôi làm quê hương và chiếc tổ trên ngọn cây phong là căn nhà ngập tràn hạnh phúc của chúng. Nhưng rủi thay, một trận mưa giông thật to ập đến bất ngờ vào một buổi chiều đã làm gảy nhiều nhánh cây nơi có chiếc tổ chim xinh xắn. Sau cơn giông, tôi nhìn lên cây thì chỉ thấy có khoảng trời xanh lồ lộ phía sau cái cháng ba mà không thấy cái tổ chim đâu nữa. Nhìn quanh quất, tôi chợt nhận ra nó đã bị gió thổi văng vào một góc sân, nằm trơ trọi như làm chứng cho một cuộc bể dâu. Tôi nhặt chiếc tổ chim vẫn hãy còn nguyên vẹn và bắc thang leo lên để nó lại chỗ cũ trên cây với hy vọng bầy chim sẽ trở về. Tôi cũng không biết mấy con chim non có sống sót sau trận bão ấy không? Hàng ngày tôi ngó mông trên bầu trời như để tìm bóng dáng những chú chim xinh đẹp dễ thương đang tìm về tổ cũ. Mãi đến vài hôm sau, có hai cánh chim trông rất giống bầy chim đã làm tổ nơi đây bay đến ngay phía trên ngọn cây, đảo lượn nhiều vòng như để tìm kiếm một cái gì. Sau đó chúng bay vụt đi, mất hút giữa khung trời xa thẳm để từ đó tôi không bao giờ thấy chúng nữa. Tôi nghĩ chắc đúng là hai con chim ấy, chúng trở về để tìm lại mảnh vườn cũ, cái tổ xưa. Mảnh vườn và cái tổụ vẫn còn đó, nhưng chắc có một mất mát lớn lao nào đó khiến chúng nhận ra rằng chúng đang tìm về một nơi trở về đã mất. Người viễn khách trong thơ Hoàng Định Nam đã “tìm vô vọng sợi khói lam xanh” như những chú chim tìm vô vọng một cái gì đó rất thân yêu với chúng. Và tôi biết rằng, với những đổi thay sau hơn hai mươi lăm năm, quê hương Việt Nam của tôi ngày mai nếu tôi trở lại chắc chắn sẽ không là quê hương của tôi như trong ký ức. Người trong thơ Hoàng Định Nam đã xót xa và thất vọng đến độ anh ta phải:

“Tôi đứng trên cầu nhìn qua làng cũ
Tôi chẳng sang sông để khỏi chạnh lòng”

Nếu tôi là nhân vật trong thơ thì chắc tôi cũng không thể làm gì khác hơn. Qua sông chi nữa để phải đối diện với những sự thật phũ phàng, thôi thì cứ đứng bên ni nhìn sang bên tê để còn tự an ủi rằng biết đâu sự đổi thay không tang thương đến như mình nghĩ. Ở một đoạn khác, Hoàng Định Nam viết:

“Tôi đứng trên cầu ráng đỏ chân mây
Bên kia sông vùng tuổi thơ mất dấu
Tìm hoài đâu ra Đông Bàn, Cẩm Lậu
Thi Nhơn, Phú Lộc cũng đã thay tên
Tôi đứng nơi đây hồn xuống, chiều lên
Khóc cuộc đời mình như thuyền đã đắm…”

Nếu mai kia mốt nọ tôi có về thăm lại Sài Gòn, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, chắc tôi sẽ nhìn thấy mình qua hình ảnh của người viễn khách trong thơ. Có lẽ tôi cũng sẽ đứng trên một chiếc cầu nào đó trên sông Sài Gòn nhìn qua bên kia sông để hình dung ra vùng tuổi thơ đã mất dấu của mình. Có lẽ tôi cũng sẽ tìm hoài nhưng tìm đâu ra những góc phố đầy ắp kỷ niệm của thời trai trẻ vì chính cái tên gọi quen thuộc của thành phố cũng đã đổi thay. Sài Gòn hôm nay đã được quân chiến thắng mặc cho một cái áo sặc sỡ với đầy màu sắc lố lăng. Ngay cả ngôi trường cũ của tôi cũng bị người ta biến thành một cái gì Tàu không ra Tàu, Tây không ra Tây, Việt không ra Việt để đến nỗi một bạn đồng môn còn ở lại quê hương đã phải có cảm giác như “chết điếng” khi về thăm lại trường xưa. Sài Gòn hôm nay với vũ trường, khách sạn, nhà hàng, cao ốc- những thứ mà ngày xưa quân chiến thắng gọi là trụy lạc và phồn vinh giả tạo- đua nhau mọc lên như nấm. Một góc thành phố được tô son trát phấn cực kỳ lộng lẫy để thu hút du khách và cũng để nhà nước làm phương tiện tuyên truyền.

Hai mươi bốn cái Tết trên quê hương thứ hai lạnh giá càng làm tôi khát khao thèm thuồng một cái Tết quê nhà, một cái Tết thật đẹp và ấm áp như những cái Tết của thời thơ ấu. Có lúc mềm lòng vì sự dày vò mãnh liệt của nỗi nhớ quê hương, tôi đã muốn dẹp quách hết những gì chất chứa trong lòng, những mâu thuẫn ý thức hệ, những căm thù vẫn còn âm ỉ để làm một chuyến trở về thăm lại quê hương. Nhưng rồi cứ nghĩ đến về để nhìn thấy lá cờ máu tung bay trên những nóc nhà thành phố là tôi không chịu được. Về để nhìn thấy biết đâu trong những người chung quanh có những kẻ đã cướp của gia đình tôi, bắn giết người thân tôi là máu trong tim tôi lại sùng sục sôi lên. Làm sao tôi có thể trở về khi mà cái chế độ đã làm tôi liều chết ra đi vẫn còn ở đó. Về để làm gì và để tìm lại được những gì hay chỉ để khơi lại vết thương lòng, và tại sao tôi lại phải về một nơi trở về đã mất?

VĐT

Wednesday, October 10, 2012

Chị Ơi Em Cưới Mùa Xuân Nhé


phạm ngũ yên
 

1.
Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ
Đừng làm ẩm áo khách chưa quen.
Chân cô in vết trên đường bụi
Chẳng bước chân nào được dẫm lên

(Ghen)
Hà nội ba mươi sáu phố phường,
Lòng chàng có để một tơ vương .
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác,
Góp lại đường đi, vạn dặm đường.


Nhà ấy hình như có mặt trời,
Có rừng có suối có hoa tươi,
Bao nhiêu chim lạ, bao nhiêu bướm?
Không! Có gì đâu, có một người.

(Hà nội 36 phố phường)
Những nàng kiều nữ sông Hương,
Da thơm là phấn, môi hường là son.
Tựu trường san sát chân thon,
Lao xao nón mới màu son sáng ngời.

Gió thu vàng lắm ai ơi!
Đôi thân áo rộng tơi bời bay lên
Vội vàng những ngón tay tiên
Giữ hờ mái nón làm duyên qua đường.
(Thơ Huế)

Cỏ đồi ai nhuộm mà xanh
Áo em ai nhuộm mà anh thấy chàm
Da trời ai nhuộm mà lam
Tình ta ai nhuộm mà làm cho phai.


Đường rừng sỏi đỏ như son
Xe hàng một cỗ theo con ngựa gầy
Lối mòn theo lá luồn cây
Nhá nhem dừng lại quán này mai xuôi.


Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy anh đừng yêu em.

(Vài nét rừng)
Tháng chạp cho cải hoa vàng
Cho cam da đỏ, cho nàng vu quy
Nàng về mãi xứ bên kia
Cam thôi màu đỏ, bướm chê hoa vàng


Sáng nay sương xuống đầy làng
Tưởng như khói pháo đưa nàng năm xưa
Nàng về kẻ đón người đưa
Tôi chờ gì nữa mà chưa giang hồ?


Sông Thương cách mấy lần đò
Chợ Hoàng họp mãi bao giờ cho tan!....
(Vu quy)


Buổi sáng hôm nay, lòng ngẩn ngơ nhớ về những bài thơ Nguyễn Bính, trong đó có những câu thơ như trên. Người thi sĩ tài hoa luôn để hồn thơ bay bổng trên mọi đất đai ba miền. Chàng rét mướt và nồng nàn trong tâm hồn các cô gái Hà Nội. Chàng cũng say đắm vô cùng những vệt nắng sông Hương. Và thiết tha gần gũi với miền Nam hai mùa mưa nắng. Thơ Nguyễn Bính rãi trên đường đi thơ mộng như lá vàng. Chập chờn như cánh bướm. Thơ Nguyễn Bính thuộc nằm lòng trong trí nhớ thanh niên thiếu nữ Việt Nam. Mộc mạc như ca dao mà rất mượt mà gấm vóc. Rất hiếm có một tài năng thơ lộng lẫy giữa đời như Nguyễn Bính. Ông sống với cuộc đời không bao lâu - nhưng hồn thơ ông trải bóng mát cho nhiều thế hệ văn chương Việt Nam.

Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 tại làng Thiện Vinh, huyện Vụ Bàng, tỉnh Nam Ðịnh (nay là Hà Nam Ninh). Mất ngày 20 tháng 1 năm 1966 tại Hà Nội.
Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, tự học ở nhà và làm thơ lúc 13 tuổi.
Khi nói về tâm hồn thơ của một người, chúng ta không nhắc đến thành tích khoa bảng của người đó. Hồn thơ tự nó bay lên như cánh diều. Trên những đại thụ, những thành quách, những miếu đền. Không ai nói người thi sĩ phải qua bao nhiêu trường lớp, qua bao nhiêu sách vở, giấy mục. Người ta chỉ nói thi sĩ có bao nhiêu tác phẩm để lại cho người, cho đời. Người ta chỉ nói thi sĩ làm thơ và ươm vàng hạnh phúc cho ai, như người nông phu đã ươm vàng bông lúa.
Tài năng tự nó thẩm thấu trong trái tim người mộ điệu. Tài năng cũng không cần những bệ phóng phàm tục.
48 năm tồn tại trong đời, Nguyển Bính biểu lộ rõ rệt tài năng của mình qua nhiều tác phẩm. Tập thơ ”Tâm Hồn Tôi”được giải  khuyến khích của Nhóm Tự Lực Văn Ðoàn (1937) nhưng tác phẩm được nhiều người biết đến là tập ”Lở Bước Sang Ngang” xuất bản năm 1940.
Những tập thơ kế  tiếp là “Hương Cố Nhân” (1941) “Mây Tần” (1942) “Người Con Gái Ở Lầu Hoa” (1942), “Tình Nghĩa Ðôi Ta” (1960), “Bóng Giai Nhân” (kịch thơ 1942) “Truyện Tỳ Bà” (truyện thơ 1944).
Ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ, rồi tập kết ra Bắc năm 1954, làm việc tại Hội văn nghệ Việt Nam, Ty Văn Hóa Thông Tin Nam Hà. Ông còn làm chủ bút báo Trăm Hoa (1956). Thời gian này, ông sáng tác bài “Tỉnh Giấc Chiêm Bao”. Hình như lời thơ không thật lòng và không còn là Nguyễn Bính. Hình như để làm vui chế độ:
Tình cờ gặp giữa phố đông,
Em đi ríu rít tay chồng tay con.
Nét cười âu yếm môi son,
Áo bay chắc buổi trăng tròn sánh vai ...


Chín năm bão tối mưa ngày,
Nước non để có hôm nay sáng trời.
Em đi hạnh phúc hồng tươi,
Anh nhìn tận mắt cuộc đời đẹp sao?

(Tỉnh giấcchiêm bao)
và:
Thưa đây một đóa hoa hồng
Và đây một án hương lòng hoang vu
Đầu bù trở lại kinh đô
Tơ vương chín mối sầu cho một lòng.


Tình tôi như đóa hoa hồng
Ở mương oan trái, trong lòng tịch liêu.
Kinh đô cát bụi bay nhiều
Tìm đâu thấy một người yêu hoa hồng?

(Đóa hoa hồng)
2.

Nhiều thiếu nữ yêu thơ Nguyễn Bính, đã thổn thức vì những lời thơ dìu dắt tương tư của Nguyễn Bính, nhưng chắc ít ai nhớ đến mối tình si của Nguyễn Bính.
Mỗi thi sĩ đều có trong lòng một mối tình câm. Như Hoàng Cầm có người chị yêu dấu thấp thoáng trên đường đời vạn nẽo, trong (Lá Diêu Bông, Cỏ Bồng Thi, Nước Sông Thương, Qua Vườn Ổi), thì Nguyễn Bính có chị Trúc.
Người yêu lớn tuổi của Hoàng Cầm không viết thành tên. Là người yêu của tình yêu mơ màng không thể nói ra. Chỉ biết người đó ở làng Ðình Bảng, Bắc Ninh. (hình như tên là Vinh, lớn hơn ông 8 tuổi). Ðôi lần gặp nhau trong các lễ hội Lim.
Trong khi người yêu lớn tuổi của Nguyễn Bính là chị Trúc. Một người con gái đẹp nhưng lỡ thì, sống ở Hà Ðông. Có thể hai người yêu nhau. Một người yêu vì người kia nhan sắc. Một người yêu vì người nọ tài hoa. Khi Nguyễn Bính tha phương cầu thực, thì chị Trúc không chờ được bỏ đi lấy chồng. Nàng không thể chờ vì thời gian trôi đi vùn vụt, trôi đi trên tuổi xuân hồng đang kề cận mùa thu. Nguyễn Bình thất vọng nên “vơ đủa cả nắm”:

một trăm con gái đời nay ấy
đừng nói ân tình với thủy chung...

Chúng ta hãy mường tượng nỗi cô đơn của Nguyễn Bính khi nghe tin người “chị gái” yêu thương đi lấy chồng. Tình yêu đó tinh khiết và tuyệt vời làm sao... Nổi đau đó có thiệt và đầm đìa một nhan sắc:

cột nhà hàng xóm lên câu đối
em đọc tương tư giữa giấy hồng…

Những đóa hoa thầm những lời son sắt trên đường phố Hà Nội, như đóm lửa cháy suốt trong tim người đàn bà cô đơn. Dù mưa bên chồng vẫn hồn nhiên phơi phới.

Chị ơi em cưới mùa xuân nhé
đốt pháo cho thơm với rượu hồng
xa nhà xa chị tuy buồn thật
cũng cố vui ngang gái được chồng
 
Tôi không từng biết Hà Nội. Chỉ từng biết Hà Nội qua sách vở. Nhưng khi đọc Nguyễn Bình tôi thấy mình mật thiết với Hà Nội. Có những điều giống như hương hoa thơm ngát rất vội vàng không bao giờ đọng lại một tình yêu. Có những hương hoa tồn tại lâu dài trong tâm hồn người thưởng ngoạn. Thơ của Nguyễn Bính là những hương hoa đó. Chúng ta hãy nghe người thơ tài hoa viết về chị Trúc:

Đố chị thư nầy ai viết nhé,
Chị ơi, em bé chị đây mà!
Được tin người ấy cho em biết:
"Chị Trúc giờ đang bận chữa nhà."

Ờ nhỉ, nhà ta ở phố nào?
Số đề chẵn lẻ? Mấy tầng cao?
Quanh nhà rụng trắng hay rơi đỏ?
Trăng gió bao nhiêu lối lọt vào?

Nhà mới bao giờ chị chữa xong?
Bao giờ cho thợ chén "hồi công"?
Bao giờ chị dọn sang bên đó?
Xem lịch khai trương, đốt pháo hồng?

Úi chá, chị bận nhiều như thế,
Em lại còn đi hỏi vẩn vơ,
Vốn đoảng là em, chiều ấy chị,
Thôi em đền chị một bài thơ.

Nhưng chị hiền ơi, chị Trúc ơi,
(Câu này em chỉ hỏi thầm thôi)
"Chị tôi ai giúp, hay trời giúp
Cho chị tôi xây lại cuộc đời?
(Gửi chị Trúc)

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông

Em đi trăng gió đời sương gió
Chị ở vuông tròn phận lãnh cung
Chén rượu tha hương, trời: đắng lắm
Trăm hờn nghìn giận một mùa đông

Chiều nay ngồi ngắm hoàng hôn xuống
Nhớ chị làm sao, nhớ lạ lùng...
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng

Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở
Chị vẫn môi son vẫn má hồng?
Áo rét ai đan mà ngóng đợi
Còn vài hôm nữa hết mùa đông!

Cột nhà hàng xóm lên câu đối
Em đọc tương tư giữa giấy hồng
Gạo nếp nơi đây sao trắng quá
Mỗi ngày phiên chợ lại thêm đông

Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết
Một mình em vẫn cứ tay không
Vườn nhà Tết đến hoa còn nở
Chị gửi cho em một cánh hồng

Tha hương chẳng gặp người tri kỷ
Một cánh hoa tươi đủ ấm lòng
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng...

Chao ơi, Tết đến em không được
Trông thấy quê hương thật não nùng
Ai bảo mắc duyên vào bút mực
Sòng đời mang lấy số long đong

Người ta đi kiếm giàu sang cả
Mình chỉ mơ hoài chuyện viễn vông
Em biết giàu sang đâu đến lượt
Nợ đời nặng quá gỡ sao xong?

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Tết này, ô thế mà vui chán
Nhưng một mình em uống rượu nồng

Rượu cay nhớ chị hồi con gái
Thương chị từ khi chị lấy chồng
Cố nhân chẳng biết làm sao ấy
Rặt những tin đồn chuyện bướm ong

Thôi, em chẳng dám đa mang nữa
Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng
Nàng bèo bọt quá, em lăn lóc
Chấp nối nhau hoài cũng uổng công!

(Một trăm con gái đời nay ấy
Đừng nói ân tình với thủy chung!)
Người ấy xuân già chê gối lẻ
Nên càng nôn nả chuyện sang sông

Đò ngang bến dọc tha hồ đấy
Quý hoá gì đâu một chữ đồng!
Vâng, em trẻ dại, em đâu dám
Thôi, để người ta được kén chồng

Thiếu nữ hoài xuân mơ cát sĩ
Chịu làm sao được những đêm đông
Khốn nạn, tưởng yêu thì khó chứ
Không yêu thì thực dễ như không!

Chị ơi, Tết đến em mua rượu
Em uống cho say đến não lòng
Uống say cười vỡ ba gian gác
Ném cái chung tình xuống đáy sông

Thiên hạ "chi nghinh Nam Bắc điểu"
Tình đời "Diệp tống lãng lai phong"
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một chút lòng

Sương muối gió may rầu rĩ lắm
Còn vài hôm nữa hết mùa đông
Xuân đến cho em thêm một tuổi
Thế nào em cũng phải thành công

Em không khóc nữa, không buồn nữa
Đây một bài thơ hận cuối cùng
Không than chắc hẳn hồn tươi lại
Không khóc tha hồ đôi mắt trong

Chị ơi, Em Cưới Mùa Xuân nhé?
Đốt pháo cho thơm với rượu hồng
Xa nhà xa chị tuy buồn thật
Cũng cố vui ngang gái được chồng

Em sẽ uống say hơn mọi bận
Cho hồn về tận xứ Hà Đông
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng

Với lá thư này là tất cả
Những lời tâm sự một đêm đông
Thôn gà eo óc ngoài xa vắng
Trời đất tàn canh tối mịt mùng

Đêm nay em thức thi cùng nến
Ai biết tình em với núi sông
Mấy sông mấy núi mà xa được
Lòng chị em ta vẫn một lòng

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Cầu mong cho chị vui như Tết
Tóc chị bền xanh, má chị hồng

Trong mùa nắng mới sầu không đến
Giữa hội hoa tươi ấm lại lòng
Chắc chị đời nào quên nhắc nhở:
- Xa nhà, rượu uống có say không ?

(Xuân tha hương).

PNY

Saturday, October 6, 2012


NỬA BÀI THƠ

THANH VÂN

 










Nửa đời, nửa tỉnh, nửa mê

Nửa câu tâm sự chưa hề nói ra

Chẳng ai chia nửa tuổi già

Ứa gan, nửa giọt lệ sa nửa vời

 
Nửa buồn, nửa tủi chao ơi

Nửa tôi hiu quạnh, nửa ai lạnh lùng

Tới đây mới thấy nửa chừng

Nửa mong đi tiếp, nửa dừng tại sao?

 
Nửa hờn, nửa giận xôn xao

Nửa thương, nửa hận, nửa nào nặng hơn?

Nửa thương nhớ, nửa căm thù

Nửa ly rượu cạn, nửa sầu rót thêm!!!