Saturday, March 30, 2013


CHÚT KỶ NIỆM THUỘC VỀ NHAU

*Tùy Bút M.H.HOÀI-LINH-PHƯƠNG









 
 
 
 
 
 


 
Em cho tôi sợi dây diều
Loay hoay buộc mãi mà chiều vẫn rơi (1)

West gọi tôi. Tiếng gọi khác với bao ngày. Không rộn rã, reo vui, mà lắng sâu, chùng xuống.
Tôi quay lại nhìn, mừng rỡ nhưng bỗng ngại ngần, băn khoăn.
Một chút ngập ngừng, tôi bước tới. Chúng tôi chỉ còn cách nhau một khoảng ngắn...
Hôm nay là lần cuối tôi đến để chào từ giã West. Chẳng phải tôi đã chờ West meeting ra đã mười lăm phút hay sao?

Tôi bồn chồn, nôn nao, sốt ruột, sốt gan vì người thư ký văn phòng dặn dò tôi nhớ ký vào card kỷ niệm để từ giã trước khi được gặp West. Tôi bực bội, khó chịu vì tập tục này của người Mỹ. Quan, hôn, tang tế ... bất cứ cái gì cũng chen chúc với nhau trong cùng một tấm thiệp đầy hình thức. Chỉ vậy rôì thôi. Như khi nghe tin mẹ Mathew nằm xuống, đầy tình thân thiết, nhưng trong cùng department mà anh em không ai viếng thăm, chia buồn, đưa tiễn, cũng chỉ một tấm card chi chít chữ ký. Là đủ tình người. Xong tang lễ, Mathew đi làm trở lại. Mọi việc bình lặng trôi qua...
Ngày còn ở quê nhà, góp vui trong tiệc cưới, thì cũng chia xẻ nỗi bất hạnh buồn phiền những dịp tang ma. Tình người đầy và cao như núi. Thân ái, đậm đà như biển mặn phù sa. Mà sao ở đây, tôi với trời bơ vơ nghe xa lạ vô bờ. Ai cũng phải chạy đuổi theo thời gian nghiệt ngã, mọi ân tình phải xếp lại đằng sau...
Và với West, mọi ngày thật dễ để chúng tôi nhìn thấy nhau, nói cười, thăm hỏi. Ngày nào đầu giờ khi qua khỏi hành lang thang máy, đến những dãy bàn của Mai, Daisy, tôi cũng thấy West đưa tay vẫy khi nhìn thấy tôi từ xa, hoặc có thể là lúc tôi punch in, hay khi tôi đã bắt đầu công việc.
Khi bận rộn, West bước vào giúp tôi những gì cần thiết, có thể là di chuyển cái bàn để tránh đi ánh nắng hay phụ tôi làm nhanh hơn cho công việc sớm hoàn tất. Đã như thế hai tháng. Đã như thế gần suốt một mùa hè. Nhưng tôi vẫn tưởng chừng như lâu lắm, như tôi và West đã quen biết nhiều năm…...

West là Manager của tôi. Đơn xin việc của tôi gửi đi buổi sáng, buổi trưa tôi về nhà đã có tiếng máy nhắn. Ngày hôm sau West là người interview tôi. West trả lại tôi bộ găng tay mà West tiên đoán là của em gái tôi vừa interview trước đó. Chúng tôi cùng học một nơi, ra trường một lúc, và job là do văn phòng tìm viêc của nhà trường tìm kiếm, nên thật dễ để nhận ra Quỳnh Nhị và tôi là chị em.
West chỉ hỏi ngắn ngủi mấy câu, và hẹn chờ tôi sắp xếp công việc cũ để trở lại nhận việc mới. Không lạt lẽo. Nhưng cũng không thân tình, chỉ là lịch sự cho nhau. Tôi thực sự ngạc nhiên, vì không dễ để apply một job văn phòng khi chúng tôi chưa có một kinh nghiệm nào ngoại trừ chữ nghĩa của thầy cho qua bao nhiêu trường lớp.
Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với Meridel, người supervisor có khuôn mặt khó đăm đăm, phút đầu tiên đã làm tôi và Quỳnh Nhị ái ngại. Nhưng sự thật hoàn toàn trái ngươc. Meridel nghiêm trang, nhưng tận tâm, chân tình, và dễ thương trên lòng tôi nghĩ. Buổi sáng có party của department, Meridel không quên để dành lại cho chúng tôi một hộp Donut, và nhắc nhở nên ăn ngay khi chúng tôi vừa đến đầu giờ. Không khí ngân hàng như một tình thân, mà Helen, người training chúng tôi điềm đạm mẫu mực nhưng rất dịu dàng của một người thầy, đã đến tuổi retired, vẫn còn làm part-time 6 tiếng vì luyến lưu những con số.
Chỉ có một điều, lần đầu tiên khi nhìn thấy West, tôi lịm sững vì West thật giống Chuân-  thầy dạy Anh Văn của tôi ở Việt Nam từ những năm xưa... Bởi West đã có những nét của người châu Á.
Hình như vẫn là đôi mắt đó của người thầy trên bảng đen nhìn xuống cô học trò nhỏ từ một thời tuổi vàng, áo lụa... Con đường Bà Huyện Thanh Quan rợp lá me bay, tiếng guốc tôi vang trên từng viên gạch xám. Một thuở tình thư:
“Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường “ (2)

Vẫn là khuôn mặt đó ngày tôi gặp lại thầy Chuân ở khóa 6/70 Thủ Đức khi tôi cộng tác với nguyệt san Bộ Binh và ra mắt tập thơ đầu tay của mình ở các quân trường.
Chuân lịch lãm, thâm trầm, ít nói, lúc nhận ra tôi, “cô thi sĩ“ của nhật báo Chính Luận và các tờ báo quân đội ngày nào, bây giờ đã lớn.
Chuân viết cho tôi những lá thư đầu của đời lính, kể về những nỗi vất vả ở quân trường và xem tôi như một người bạn nhỏ.
Biết tôi thích “Mùa Thu Không Trở Lại“ của Phạm Trọng, Chuân hẹn sẽ hát cho tôi nghe khi có dịp về thăm, vì chương trình văn nghệ của Đài Quân Đội, giờ phát thanh của trường Bộ Binh Thủ Đức do Chuân phụ trách không thể trình bày những bản nhạc có nội dung ướt át, bi lụy sẽ làm mềm lòng chiến sĩ…
Tình tôi cho Chuân là tình tuổi ngọc. Tôi vẫn gọi Chuân bằng Thầy, dù những lá thư Chuân thật thiết tha nồng ấm. Tôi vẫn nghĩ đến Chuân trên từng vòng xe đến lớp, từng chiều qua phố đông vui, từng đêm nghe mưa mà nhớ... Nhưng chỉ như vậy rồi thôi. Tôi từ chối những lần Chuân xin gặp mặt. Thỉnh thoảng Chuân gọi điện thoại cho tôi từ quân trường.
Tôi biết cuộc sống gia đình Chuân không hạnh phúc. Chuân né tránh. Tôi cũng không đề cập tới. Nhưng tình tôi trong sáng, bé dại, hồn nhiên. Tôi kiêu hãnh vì điều đó. Tôi thương Chuân với tấm lòng đứa em gái gầy guộc mong manh thương người anh trai lớn, vì cần được kể lể, dỗ dành. Như Chuân đã cần tôi- những giọt nước mát cho một cành khô, để đêm đêm Chuân tìm một chút ánh sáng nhỏ đọc lại thư Saigon để vơi đi những nhọc nhằn nơi quân trường gió cát.
Mơ mộng và lãng mạn. Những lá thư Saigon- Thủ Đức đã nối kết tình nhau... Tôi nói với Chuân, tôi sẽ viết cho Chuân đến một ngày Chuân giã từ Tăng Nhân Phú, đồi 25, đồi Mẹ Bồng Con, với rừng chồi xanh ngắt, sân bắn, bãi tập, làng mạc, ruộng vườn... Rồi thôi. Rồi hết.
Ngày ra trường, Chuân về trường Sinh Ngữ Quân Đội, và sau đó tu nghiệp ở Mỹ.
Tôi lại nhận những lá thư ngắn ngủi, nhưng rất cô đọng tình thân từ Texas, những lá thư viết bằng giấy và bao thư Hall Mark dịu ngọt cho tôi những xúc động bồi hồi.
“Hương Xưa có bao giờ đi xa quê hương? Có đi xa rồi, mới hiểu chẳng nơi đâu hơn được quê mình. Cho nên mong về lắm rồi, nhớ Saigon quá, nắng ấm và mưa rào, tiếng guốc bên hiên trường gõ nhịp và cô bé tóc dài, răng khểnh, mắt nai...“
Đêm, tôi thường đọc thư Chuân trước khi đi ngủ. Nét chữ nghiêng, đều đặn, rắn rỏi, của một người đã có nhiều năm trên bục gỗ, những lời thư mềm mại, ngọt nồng như một đóa Quỳnh khuya.
Từ Mỹ trở về tôi biết Chuân phục vụ ở Nha Động Viên, thỉnh thoảng xem TV, thấy Chuân làm xướng ngôn viên cho chương trình này.
Như một kỷ niệm buồn. Tôi có đời tôi, con nước xuôi giòng trên những bậc thềm Đại Học. Rất nhẹ nhàng cơn gió thoảng đã bay qua. Chuân có đời Chuân, không biết người thầy tài hoa của tôi có tìm thấy một bến bờ hạnh phúc hay cũng lận đận theo những trận bão lòng.
Và như thế... đến ngày ba mươi tháng tư lịch sử. Tôi và Chuân mất nhau hoàn toàn, dù chỉ là có nhau trong tinh thần, trong ý nghĩ.
Không biết bây giờ Chuân đã về đâu? Con sóng đã bạc đầu, kỷ niệm chỉ còn đây qua nửa vầng trăng vỡ-  Tôi đã thôi là cô bé con của thời thơ dại. Và Chuân cũng đã ra sao giữa những thăng trầm, dâu bể?...
Nếu Chuân còn sống, nếu Chuân đọc được những giòng này, Thầy hãy hiểu Hương Xưa vẫn nhớ về một phần đời cũ, một khoảng trời xa...


Trước ngưỡng cửa của phòng làm việc của West, tôi đứng khựng lại. West đi vào trước và nhắc lại lần thứ hai tôi mới chịu bước vào.
Tôi kỳ lạ. Tôi không hiểu tôi hôm nay. Hay chỉ còn một phút này thôi, tôi và West sẽ không bao giờ còn có dịp gặp gỡ, thăm hỏi nhau hàng ngày, nói với nhau những chuyện thu phong, lòng hẹn với lòng, như có một sự cảm thông kỳ diệu nào mà trước khi biết West tôi không thể nào hình dung nỗi. Hay đâu đó, bóng hình Chuân- mối tình thơ dại của tôi- nhẹ như mây, bồng bềnh như khói đã ẩn hiện vào vì West đã mang dáng dấp, tính cách của Chuân ngày tôi mới lớn.
West mời tôi ngồi. Tôi nói trong xúc động khó thể dấu che. Rồi ngày mai West sẽ về với công việc mới, chúng tôi sẽ xa nhau. Nhưng tôi biết tôi sẽ không bao giờ quên ngày tháng này có West, cho dù người ta vẫn nói: “Everything will be forgotten sooner or later“. Nhưng tôi biết mình. Tôi thì không. Tôi sẽ nhớ West mãi mãi...
West chỉ cho tôi lọ hoa hồng vàng nở rực trên bàn viết. West cúi đầu. Ánh mắt tối lại. Những bông hoa đưa tiễn của tôi. Rồi West sẽ quên. Tôi biết. Cho dù West nói West sẽ nhớ tôi nhiều. Đời sống Mỹ đã dạy tôi, không ai đứng lại mãi hoài trên một giòng sông cũ. Làm sao hơn được. Sự tàn nhẫn của thời gian. Bánh xe quay đi và ta còn gì ngoài quên lãng?
Ánh mắt và nụ cười. Ân cần và sâu lắng. Những câu chuyện bâng quơ về đất trời, thời tiết, về quê hương tôi mưa nắng hai mùa, chinh chiến dài lâu, cho đến một ngày nước mất, nhà tan, tôi bỗng thành kẻ lưu vong, phiêu bạt, phong trần làm thân viễn xứ.
Khó ai ngờ West đến gần tôi hơn cả Supervisor. Tôi có gì lạ, tôi có gì khác hơn những nhân viên khác, làm cho West phải bận tâm?
Thấy tôi người gốc Á, người chưa quen khi nói về tôi vẫn gọi con bé Chinese. Tôi lặng câm, không buồn giải thích. Không cần thiết để phải giải bày với đồng nghiệp mọi nỗi riêng tư. Bóng tôi hiu quạnh đi về trong mùa nắng đổ.
Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tôi đã chạnh lòng vì một người khác màu da, tiếng nói. Giữa West và tôi, khoảng cách thật xa. Mà tôi- không- tôi cũng đâu yêu West. Chưa có gì hơn ngoài những cái bắt tay như cầm giữ lại. Quá nhẹ nhàng và rất đổi mong manh. Ngày mai con đường West đi, tôi không bao giờ đến đó, và con đường dẫn tôi về, vẫn chỉ là bước chân tôi.
Tôi không dự party đưa tiễn. Tôi nói với West tôi bận gặp Counselor của tôi vào lúc một giờ trưa.
Mắt tôi buồn tênh. Tôi cố gắng cầm giữ nước mắt. Tôi quên nói với West một lời chúc, một câu chào.
Tôi đứng lên. West đứng lên theo, vội vàng ôm vai tôi. Tôi tránh mắt nhìn của West, quay mặt bươc đi vội vã.
Tôi nghe như West đã nhìn theo. Tôi nghe như giữa tôi và người cũng gọi là kỷ niệm. Một chút tình thơ dù lời yêu chưa trao, nụ hôn nồng chưa có. Tôi nghe như tôi và người, một thoáng nào cũng đã thuộc về nhau, như với Chuân một ngày xưa tuổi dại...
Vâng, West đi hãy nhớ. Tôi không bao giờ quên ngày tôi mới nhận việc, West như một người thầy đã chỉ dạy những bài học đầu tiên.
Vâng, tôi về, tôi nghĩ làm sao cho nguôi quên chút kỷ niệm xót xa này.
M.H.HOÀI-LINH-PHƯƠNG
(1) thơ Đoàn Đại Trí (2) thơ Nguyên Sa

 

Friday, March 29, 2013


KINH THƠ

PHẠM QUANG TRUNG




ngồi đây em nhé hồn nhiên
nghiêng sang một tí bờ hiên nắng vào
che đi những vết hư hao
dấu đi giọt lệ
dường trào khi không

ngồi yên em nhé khuê phòng
dăm ba chiếc lá
ngoài song gió đùa
chiếc nào gửi phận gió mưa
chiếc nào tấm lụa
trói vừa xác khô


ngồi đây em nhé tội đồ
ma vương rao bán
mưu mô trăm nghìn
tìm đâu trong cõi tuyệt tình
tìm đâu hồn xác
hiển linh phương nào

ngồi yên em nhé xanh xao
mùa xuân không tới
nghẹn ngào cỏ cây
trên tay ồ chiếc hoa gầy
ném tung giữa chợ
người bầy cuộc chơi

ngồi đây em nhé chào đời
bật lên tiếng khóc
hả hơi một lần
phút giây nghênh đón số phần
là đao oan nghiệt
tan thân Thúy Kiều

ngồi yên em nhé buồn thiu
phấn son tô nét
bao nhiêu cũng thừa
đứng lên vào chốn gió mưa
lắng nghe tủi nhục
cày bừa hồn nhiên

ngồi yên em nhé ngồi yên
ngồi như phật tử
toạ thiền sớm mai
để ta gửi tiếc thương này
tới em rất lạ
bằng bàì kinh thơ
PQT

 

PHỐ NHẠC XANH

thụyvi

 










 
 

Tôi đi trên hè phố đầy nắng dọc theo những ngôi nhà hai tầng san sát nửa kiểu Tây Ban Nha nửa kiểu Pháp nối nhau bằng dãy balcon sắt trong một buổi chiều uể oải với cái nóng hầm hập trong khu French Quarter. Bỗng tôi hốt nhiên mừng rỡ nhận ra tiếng đàn Guitar và giọng Blues vang lên thống thiết đâu đây. Tôi nhìn quanh đi xăm xăm tới hướng có người nhạc sĩ hè phố ngồi ôm đàn gảy nơi góc đường trước quán Café Du Monde 150 tuổi hầu như ai cũng có thể nhận ra với toà kiến trúc gần như y nguyên với thưở ban đầu thường xuất hiện trên báo chí tranh ảnh khiến bất cứ du khách nào đến New Oleans cũng muốn một lần ghé qua.


Tôi vào quán kiếm chiếc bàn kế bên hàng rào sắt nhìn đối diện với người nhạc sĩ và gọi ly café cùng dĩa bánh Beignet phủ đầy bột đường trước khi yên lặng chăm chú nhìn người đàn ông trong bộ quần áo bụi bặm bạc thếch đang say sưa vừa đàn vừa hát với giọng khàn khàn điệu Blues da diết kể lể về thân phận nào đó gây cho người nghe những mối cảm hoài còn vô tình vò xé trong lòng tôi nỗi lung linh nhớ anh, nhớ về một cuộc tình mà nếu cả hai đi hết vòng tròn đời sống chỉ là trở về thời điểm và mỗi một người không thể thanh toán dứt khoát với quá khứ mình để thản nhiên sống nên thường xuyên nặng trĩu trên vai những tháng năm nào không còn nữa. Mặc dù biết rằng cả hai lúc nào cũng nghĩ đến nhau nhưng cả hai không bao giờ có thể xê dịch hay thay đổi khỏi vòng vây mệnh số, cũng như cả hai không bao giờ thay đổi được vị trí của mỗi đứa vào ngày hôm nay.
Tiếng đàn, tiếng kèn tiếng hát vang lên khắp các góc phố có lúc thống thiết có lúc dồn dập vui tươi xui khiến tôi rưng rưng cảm động, muốn buông thả mình một chút, muốn đứng lên bước ra nhún nhẩy với đám đông theo điệu nhạc trong phong cách tự nhiên trong bầu không khí hừng hực nỗi đam mê cháy bỏng của âm thanh và con người trong thành phố này.

Chẳng mấy chốc buổi tối vội vàng rơi xuống với người người hấp tấp tràn ra đường như giành giật lấy hạnh phúc tối thiểu cho mình trên hè phố. Buổi tối các cánh cửa nhôn nhao mở ra cho những người nao nức kiếm tìm niềm vui, hẹn hò, rủi may, bất ngờ… Tiếng nhạc vang đây đó như vẫy gọi như quyến rũ khiến ai nấy náo nức như sợ đến trễ một cuộc lễ tưng bừng độc nhất trong đời ở cuối những con đường của phố tình xanh.
Tôi nồng nàn nhìn những hình ảnh loang loáng trước mắt rồi bọc qua một lối hẹp đi ra dòng sông lồng lộng gió lúc nào cũng thổi tắp phả hơi nước mát vào những con phố ngắn hai bên toàn các cửa hàng đèn màu tấp nập cùng bước chân vui của du khách khắp nơi đổ về.
Tôi đứng thật lâu trước ánh sáng chơi vơi của bờ đất cong hình lưỡi liềm ôm xiết vùng sông nước rộng trời dài.
Tôi muốn đi lần theo bậc tam cấp bằng gỗ đen bước xuống ghềnh đá lô nhô bên dưới ngồi ngâm chân trong dòng nước nước ấm để nghe bọt sóng lăn tăn rồi tan chìm như những mộng mị của một đời người đắp xây.
Phố tình xanh
Mặt trời đang lặn
Những khúc hát xanh rền rĩ
Bay qua mặt nước
Bay thốc qua hồn
Sưởi ấm tình buồn
Khúc hát xanh
. thụyvi
(Hầm Nắng, tháng 7 năm 2012 - Kỷ niệm chuyến đi đến New Orleans vào mùa Hè 2012 )


Theo Wikipedia:
"Jazz là một thể loại nhạc có nguồn từ Hoa Kỳ. Dòng nhạc Jazz là sự pha trộn của nhạc blues và hòa âm trong nhạc cổ điển, sự trộn lẫn phức tạp trong tiết tấu của âm nhạc châu Phi và giai điệu theo lối hát ứng tác trong âm nhạc của người Ấn Độ. Những đặc điểm này được nhận thấy trong kiểu cách chơi nhạc Jazz của những nghệ sĩ người Mỹ. Dòng nhạc Jazz đã phát triển từ loại nhạc vui nhộn và nhạc blues trong thời gian đầu của thế kỷ 20, và tiếp tục phát triển với những huyền thoại như: Duke Ellington, Miles Davis, Herbie Hancock..., và phát triển lớn mạnh cùng với các thể loại nhạc khác như nhạc cổ điển, nhạc Rock, hip-hop... Các nghệ sĩ và ban nhạc nổi tiếng: Louis Armstrong, Miles Davis, John Coltrane..."?

Monday, March 25, 2013


MẸ VÀ NỒI BÁNH CHƯNG
ĐỨC HÙNG- LÊ KHÁNH LONG

Khi toàn bộ một màn đen tối chụp lên miền Nam Việt Nam vào thời gian mà từ lúc ấy trở đi không ai có thể quên được dù có cố gắng quên, tất cả người dân đều cảm nhận được sự khó khăn đang chờ đón. Khó khăn không phải do từ nay phải cố gắng xây lại đất nước đã kết thúc được cuộc chiến vốn đã quá lâu và tàn bạo. Đất nước nào nếu đã phải trải qua thời chiến tranh đều như thế. Cuộc sống khó khăn. Thắt lưng buộc bụng. Làm việc nhiều hơn. Chịu đựng mạnh mẽ hơn. Nhưng nếu chỉ có thế thì miền Nam và cả nước có thể vượt qua mà không phải mất mát quá nhiều và cho đến tận ngày hôm nay vẫn mang tiếng một đất nước chưa phát triển. Tài năng và tài nguyên cũng như các sự thuận lợi về thiên nhiên sẽ giúp đất nước phục hồi sự hùng mạnh dễ dàng nếu đất nước được dẫn dắt bằng một chính sách hướng đạo đúng đắn. Nhưng không! Chỉ sau một thời gian rất ngắn mọi người dân bắt đầu rơi vào guồng máy tra tấn dã man. Sự đói no được tính bằng ngày và đối với những gia đình lính và công chức của chính quyền cũ thì phải tính bằng từng bữa ăn. Không biết ngày mai, sáng mai hoặc trưa chiều tối mai có được ăn no. Dưới những lệnh học tập chính trị, lệnh ngăn sông cấm chợ, không cho tự do lưu thông hàng hóa và tập trung phân phối lương thực, “đánh” tư sản nhiều đợt và các cuộc đổi tiền, cào bằng cho nghèo như nhau.... Cuộc sống của người dân miền Nam như đang ở trong một trại giam khổng lồ. Mọi người, mọi gia đình cố gắng vùng vẫy, trốn chạy, mưu sinh tìm sự sống như bầy cá không may rơi vào rọ.

Gia đình tôi rất đông anh em với người cha là sĩ quan cấp trung của quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), Mẹ tôi chỉ là nội trợ và các chị tôi là công chức. Bố tôi vốn dĩ lại rất thanh liêm dù địa vị ông cũng có nhiều quyền hành có thể giúp ông có nhiều bổng lộc. Sự thanh liêm đó về sau này đã nhiều lần khiến ông ray rứt khi chứng kiến gia đình quá túng quẫn. Vì thế, sự khó khăn trong gia đình tôi rất lớn. Câu chuyện của tôi sẽ loãng ra nếu tôi kể quá nhiều về những khó khăn khi ấy. Tôi chỉ muốn kể về sự lo toan của Mẹ tôi khi năm hết tết đến trong gia đình và tôi nghĩ những bà mẹ khác cũng thế.

Với tình cảnh như thế, nguồn thực phẩm Tết trong gia đình tôi chỉ có thể kéo dài được dăm ngày hoặc một tuần mà vẫn còn chút hương vị Xuân chính là nồi bánh chưng. Năm nào gia đình tôi cũng gói bánh chưng và phải nấu một nồi to để có đủ bánh cúng Tổ tiên; biếu họ hàng và kéo dài các bữa ăn ngày xuân. Bánh chưng hoặc được gói với một khuôn gỗ hoặc chỉ bằng đôi tay trần. Bố tôi là người duy nhất trong nhà biết gói bánh, anh tôi và tôi cũng đã lớn nhưng không biết. Sự khó khăn đó là vì cách Bố tôi gói chỉ là gói tay trần. Tuy thế, chiếc bánh vẫn rất vuông vắn, rất đẹp. Bánh chưng được gói bằng tay với những chiếc lá dong mà mặt trong của lá bọc ra ngoài nom đẹp hơn nhiều so với chiếc bánh được gói trong khuôn. Gói bánh với khuôn, mặt ngoài của lá dọng với gân lá cộm lên đưa ra ngoài, tạo góc vuông bén cạnh nhưng khi lá khô thì trở màu vàng úa. Chúng ta thường nói: Bánh chưng xanh – Dưa hấu đỏ. Bánh chưng gói bằng tay trần sẽ có màu xanh từ lá ngoài cho đến mặt bánh bên trong xanh mướt khi bóc. Với trách nhiệm người lính và sự an ninh trong những ngày cuối năm cho người dân, kinh nghiệm năm Mậu Thân 1968, Bố tôi cố gắng thu xếp để sáng ngày 28 Tết ở nhà hoặc vào sở làm việc một chút rồi tranh thủ về nhà gói bánh. Những ngày trước đó, Mẹ tôi đã đi chợ chọn mua sẵn gạo và đậu xanh. Đêm trước ngày gói, gạo và đậu được nhặt kỹ các hạt đen, sâu, lép, mốc và ngâm nước. Bà cũng giành quyền mua lá dong. Vì bánh gói tay nên bà luôn chọn lá dong loại nhất. Chiếc lá phải to, lành lặn và non. Bà nói lá già thì giòn, khi gói dễ gẫy, rách. Bà cũng dặn hàng thịt quen để mua thịt heo ngon. Việc chọn mua nguyên liệu gói bánh rất quan trọng, quyết định chất lượng bánh. Nhà tôi ở vùng Ông Tạ, Gia Định. Trong nhiều năm, mỗi dịp tết âm lịch đến, từ ngày 23 tháng Chạp, ngày mọi nhà đưa Ông Táo về trời báo cáo Ngọc Hoàng việc trần gian, cho đến sáng 30, đoạn đường Thoại Ngọc Hầu từ chỗ nhà tôi ở hẻm Cổng Bom - Chùa Khuông Việt - ra đến Ngã Ba đường Lê Văn Duyệt, được ngăn lại, không cho xe chạy để họp chợ Tết. Trên đường Lê Văn Duyệt phía ngoài ngã ba, chợ Tết Ông Tạ kéo dài đến quá trường Thánh Tâm phía bên phải hoặc quá nhà thờ Nam Thái phía bên trái. Nơi đây đã trở thành chỗ mua sắm có hương vị đậm đà ngày Tết Việt Nam nổi tiếng của Sàigòn.

Sáng sớm ngày gói bánh, chị Cả tôi là người quán xuyến việc đãi đậu xanh, đãi gạo và rửa lá. Chị rất tỉ mỉ, cẩn thận. Đậu xanh được đãi thật sạch để không còn một tí tẹo gì của vỏ, mày hoặc hạt đậu lép. Khi vớt lên khỏi mặt nước, hạt đậu xanh nở to đầy và màu vàng tươi trước khi đưa vào chõ hấp chín. Khi đậu chín, được đưa vào cối để giã nát, sau đó được nắm chặt lại thành từng viên to. Khi nguội, từng viên đậu lại được thái mỏng và vò tơi ra. Lá dong cũng phải được rửa thật sạch. Chị tôi đặt lá lên chiếc mâm và lấy khăn dấp sũng nước để lau. Lau đi lau lại nhiều lần và tráng nước cho thật sạch. Lá được rửa thật sạch như thế sẽ giúp bánh không bị mốc và để được nhiều ngày. Thịt heo dùng để gói bánh thì mẹ tôi hay dùng thịt nách. Bà bảo, thịt nách không nạc quá, da không quá dầy, mỡ lại dễ tan chảy và ngấm vào gạo khiến bánh dẻo và ngon hơn. Mẹ tôi thái thịt miếng nào miếng nấy to bằng lòng bàn tay, dầy đến 3 phân. Một chiếc bánh to nặng đến một ký rưỡi sau khi nấu cũng chỉ đặt 2 miếng. Thịt được ướp với một chút nước mắm ngon, hành tím băm nhỏ và nhiều tiêu.

Khi chuẩn bị cho Bố tôi gói bánh, anh em chúng tôi dọn quang một chỗ trong nhà, trải chiếu và bày lên một chiếc mâm ngay giữa chiếu. Lá dong sau khi được rửa sạch, chặt cuống và tề một chút ở ngọn lá, xếp lớp trên một cái mẹt to cho ráo nước, được đặt một bên chỗ Bố tôi ngồi. Bó lạt chẻ từng sợi mỏng từ ống giang được ngâm nước cho mềm nằm kế bên. Gói bánh bằng tay trần thì sống lá dong luôn được tước mỏng bớt để khi gói việc xếp và gấp lá dễ dàng hơn. Đậu xanh sau khi được thái tơi để trong một khay to đặt một bên. Rá gạo trắng ngần được mẹ tôi cho vào một ít muối rồi xóc đều lên đặt phía trước mặt cùng với nồi thịt. Em gái tôi không quên pha cho Bố tôi ấm trà nóng. Ngày gói bánh chưng tết là ngày thú vị nhất trong năm của gia đình chúng tôi. Mỗi người một việc, lớn hay bé đều có việc cả và chúng tôi rất thích thú với công việc chung của gia đình.

Mẹ tôi luôn quan tâm đến từng chút trong thời gian gói bánh. Bà nếm gạo sau khi xóc muối xem có nhạt hay mặn quá không. Phải luôn luôn có hai rá gạo để khi gói gạo không quá ướt. Khi Bố tôi dùng đến rá thứ nhì thì Bà bảo chị tôi vớt ngay rá gạo khác và để sẵn đấy. Bà không cho thái đậu quá dầy, phải mỏng và bóp tơi ra. Bố tôi bắt tay vào việc gói bánh. Cả gia đình quan sát bàn tay của ông. Hai sợi lạt đặt trước hết, chiếc ngang chiếc dọc như chữ thập; hai chiếc lá dong đặt lên nằm ngang ngược chiều nhau, mặt trong của lá úp xuống, một cạnh của chiếc lá dưới được xếp lại để khi hoàn thành trở thành mặt ngoài của bánh trông đẹp hơn – khi gói chiếc bánh xong, nếu cạnh lá xếp nằm ngay giữa và vuông góc với 2 cạnh cũng như song song với 2 cạnh còn lại đồng thời chiếc lạt nằm chồng lên nếp lá xếp thì chiếc bánh trông cân đối -, chiếc lá trên đặt gác lên một phần của chiếc lá dưới; hai chiếc lá khác được tiếp tục đặt dọc và chồng lên nhau sao cho đủ chiều dài khi ta nắm hai đầu cuống lại với nhau để gói phần gạo, đậu thịt đã đặt lên, hai chiếc lá này lại đặt ngửa mặt trong của lá lên để khi nấu màu xanh của lá sẽ thấm dính vào gạo giúp mặt bánh có màu xanh. Bố tôi đổ một bát gạo đầy mà Mẹ tôi múc sẵn lên mặt lá, ông lấy ngón tay san bằng lớp gạo còn dầy khoảng hơn 1 cm rồi đổ lưng bát đậu xanh. Mẹ tôi đã chuẩn bị và gắp đặt lên mặt lớp đậu xanh cũng đã được san bằng bằng hai miếng thịt, phần da đưa ra ngoài, phần thịt đưa vào trong. Bà thái và lựa các miếng thịt khi gói rất khéo sao cho mọi chiếc bánh đều có nhân tương tự nhau. Bố tôi lại đổ lên một lớp đậu xanh rồi lại một chén gạo đầy. Thế là các miếng thịt đã nằm giữa lớp đậu và được bao phủ bởi lớp gạo. Bố tôi khéo léo nắm hai đầu cuống của hai chiếc lá dọc xếp chồng lên nhau để che phủ lớp gạo. Một tay giữ hai chiếc lá ấy, một tay ông luồn xuống dưới hai lá to bên ngoài lật úp vào. Giữ yên khi ép lá xuống ông lại lấy tay kia luồn hai đầu lá bên kia và ép đè xuống. Gạo đậu đã nằm gọn trong bốn cạnh lá ép vào. Ông vừa giữ các chiếc lá vừa xoay chiếc bánh 90 độ để xếp hai cạnh lá còn lại. Trong lúc xếp các lớp lá, gạo đậu bên trong luôn được giữ không quá chặt cũng không quá lỏng cũng như cố gắng định hình vuông vức. Hai bàn tay người gói luôn cảm nhận được sự vuông vức của các góc cũng như sự cân bằng của lớp gạo đậu thịt bên trong mà điều chỉnh. Khi xếp hai cạnh lá cuối cùng, Bố tôi kéo hai đầu của một chiếc lạt, so cho cân bằng, vuốt ngón tay theo sợi lạt và bấm chặt trên mặt lá, các ngón tay còn lại nắm chặt thân lạt và xoắn lại sau đó cài vào thân sợi lạt đã buộc chặt bánh. Lại xoay chiếc bánh và thắt nốt chiếc lạt còn lại. Thế là gói xong chiếc bánh chưng. Ông lật chiếc bánh lại, vừa xoay vừa dùng lòng bàn tay ấn đều toàn chiếc bánh để gạo đậu bên trong san đều ra. Bánh chưng gói bằng tay trần không có nhiều lớp lá và chỉ buộc bằng hai sợi lạt nhưng vẫn chắc chắn, nên đòi hỏi người gói phải thật khéo léo sử dụng đôi bàn tay sao cho vừa gói, vừa giữ bánh, rồi xoay, rồi buộc mà lá không bị bung sút ra làm gạo đậu bị lẫn lộn.

Cứ thế đến trưa, Bố tôi đã gói khoảng 40 chiếc bánh. Đôi khi còn sót lại một ít gạo đậu mà không thể gói thành một chiếc, Bố tôi gói cho các em tôi vài cái bánh tày trông giống như chiếc bánh ú to. Các em tôi rất thích và đưa các chị tôi luộc ngay. Bánh này luộc không lâu như những chiếc bánh chưng to kia. Chỉ vài tiếng đồng hồ là chúng có bánh ăn rồi. Bố tôi ăn cơm, nằm nghỉ một lúc rồi dậy đi làm. Khi đó đến phiên anh em tôi chuẩn bị bếp và nồi nấu bánh. Bếp là ba hoặc bốn viên gạch thẻ xếp chồng lên nhau làm ba góc, đủ cao để đút các thanh củi to. Sau khi kê nồi bánh to đùng lên bếp cho ngay ngắn, cân bằng, các cuống lá dong chặt bỏ ban sáng được cho vào đáy nồi làm lớp lót để đỡ cho những chiếc bánh xếp phía dưới không bị hư lớp lá, các chiếc bánh chưng sau khi được đặt úp vào nhau và buộc thành từng đôi được đặt ngay ngắn vào thùng. Có năm nhà tôi phải dùng đến 2 thùng mới nấu hết số bánh gói được. Sau đó đổ nước vào ngập mặt bánh. Lửa bếp được đốt lên. Bắt đầu từ lúc nước sôi bánh sẽ được nấu liên tục khoảng 12 tiếng đồng hồ. Anh tôi là người phụ trách việc đun bánh. Kỹ thuật đun bánh quan trọng nhất là giữ lửa trong bếp cháy đều, lửa không qúa to và cũng không được để lụi tàn đồng thời phải theo dõi mực nước trong nồi để châm thêm. Nước trong nồi phải luôn luôn ngập mặt bánh. Đêm nấu bánh chưng luôn là khoảng thời gian đầy thi vị Tết. Chúng tôi trải chiếu cạnh bếp rồi ngồi quây quần, vừa trông bếp vừa trò chuyện, ăn mứt, cắn hạt dưa hoặc đánh bài tam cúc hoặc đổ cá ngựa. Bạn bè của chúng tôi thường ghé lại và cùng thưởng thức thời khắc giao mùa. Gia đình tôi thường bắt đầu nấu bánh vào khoảng 3 hay 4 giờ chiều và đến khoảng giờ ấy sáng hôm sau thì vớt. Chúng tôi chuẩn bị mặt bếp tráng men của nhà để nén bánh sau khi nấu. Bánh sau khi được vớt ra được nhúng vào rửa trong một chậu nước lạnh to. Sau đó xếp lớp cũng từng đôi trên mặt bếp. Chúng tôi lấy một miếng ván to đặt lên che toàn bộ các chiếc bánh và dùng các vật nặng đặt lên để nén. Việc làm này nhằm giúp bánh dẽ chắc.

Sau nhiều năm quan sát, Tết năm 1975 tôi được Bố tôi hướng dẫn và tự tay mình gói được chiếc bánh chưng. Không ngờ việc đó giúp gia đình tôi vẫn còn có thể có được những chiếc bánh chưng ăn vào ngày Tết. Khi miền Nam lọt vào tay cộng sản, Bố tôi và tất cả các sĩ quan quân đội chính quyền VNCH bị cộng sản bắt tù đày. Tôi trở thành người duy nhất trong gia đình biết gói bánh chưng. Cứ thế trong nhiều năm sau đó khi Bố tôi vẫn còn bị tù đày, Mẹ tôi vẫn cố gắng nấu cho được nồi bánh chưng cho con cái ăn trong những ngày đầu năm mới.

Gia đình tôi ngày càng lâm vào tình cảnh khó khăn. Bố tôi phải đi tù thì chỉ vào tháng sau đến lượt anh tôi cũng vào tù vì tham gia hoạt động chính trị. Phần lo bữa cơm cho đàn con đông, phần lo dành dụm để đi thăm nuôi người thân bị tù. Mẹ tôi không biết buôn bán, một chút tài sản tiền bạc có được phải bán đi dần để sống và những cuộc đổi tiền khiến gia đình tôi kiệt quệ. Cái đói lãng vãng quanh nhà. Nồi bánh chưng muốn có cũng phải được chuẩn bị thật lâu. Vài tháng trước khi hết năm Mẹ tôi đã chuẩn bị cho nồi bánh chưng truyền thống. Mẹ tôi và các chị chuẩn bị từng hạt đậu xanh, từng hạt gạo. Về thịt thì bà bảo chúng tôi quây một góc sân làm cái chuồng nhỏ. Bà mua một con heo con, giống heo mọi. Giống heo này khi lớn cũng chỉ nặng vào khoảng 30 đến 40 kg, ít mỡ, dễ nuôi, ít bệnh. Hàng ngày bà mua rau muống loại người ta cắt bán dành cho việc nuôi heo, bà mua thêm cám và kiếm các thức ăn thừa khác để làm thức ăn cho nó. Cứ thế, năm tháng gần hết thì con heo cũng lớn dần. Mẹ tôi cứ đi ra chuồng vỗ về con heo mọi. Bà thương nó vì nó là tặng vật quý báu của mùa xuân cho gia đình tôi. Gần nhà tôi có một lò sát sinh, Mẹ tôi nhờ một anh hàng xóm làm việc trong đấy vào sáng sớm ngày 28 tháng chạp sang bắt con heo mọi để làm thịt dùm. Hôm ấy, Mẹ tôi dậy rất sớm. Tôi không biết Bà thì thầm gì với con heo nhưng tôi biết chắc chắn với tấm lòng vô cùng nhân hậu, Bà sẽ cám ơn nó về sự hy sinh cho gia đình tôi. Bà sẽ cầu nguyện cho nó đã xong một kiếp loài vật trên đời. Nó sẽ đầu thai làm loài khác sung sướng hơn. Chỉ sau 30 phút, anh đã đưa lại cho Mẹ tôi một rổ thịt to đã được làm sạch sẽ. Nhờ nuôi con heo mọi, gia đình tôi không những có được thịt để gói bánh mà còn có thể làm nhiều thức ăn khác: đầu và tai thì làm giò thủ, chân giò thì nấu canh, bộ lòng thì giúp chúng tôi có được một nồi cháo huyết ngon lành.

Tết đầu tiên tôi ngồi vào chỗ Bố tôi vẫn thường ngồi gói bánh. Việc chuẩn bị vẫn được Mẹ tôi, các chị và anh em chúng tôi làm như mọi năm. Hạt gạo vẫn trắng ngần, hạt đậu vẫn vàng tươi mát mắt, Mẹ tôi vẫn chọn những chiếc lá dong loại hạng nhất. Nhất là khi người gói, là tôi, là một tay mơ. Mẹ tôi ngồi trước mặt tôi nhắc và giúp tôi từng chút một. Tôi cố gắng gói được từng chiếc bánh nhưng đến khâu xoắn những chiếc lạt buộc thì tôi không cách nào làm tốt được. Thế là Mẹ tôi lại xoắn giúp tôi sợi lạt. Bà buộc rất dễ dàng. Mỗi lần như thế tôi lại mỉm cười và đẩy chiếc bánh về phía Mẹ, giữ chiếc bánh cho bà so sợi lạt và xoắn tít rồi cài chặt lại.

Nhiều tháng trời Mẹ tôi tích lũy dần dần cho nồi bánh chưng ngày Tết. Tôi nhìn thấy trong những chiếc bánh của quãng thời gian khốn khó đó có bóng dáng của Bố tôi còm cõi trong trại tù, những ngày cuối năm giữa núi rừng mờ sương đau đáu lo lắng nhìn về chốn vợ con ở xa xôi; có bóng dáng của Mẹ tôi chăm chút, tảo tần lo cho con và chú heo mọi; có giọt mồ hôi của chị tôi bỏ dạy bươn chải chạy chợ mua từng lạng gạo, lạng đậu; có giọt mồ hôi của anh em tôi cặm cụi làm việc để có tiền đưa cho Mẹ. Buổi sáng khi chúng tôi bóc thưởng thức những chiếc bánh đầu tiên còn âm ấm nóng, mời Mẹ ăn chúng tôi thấy những giọt nước mắt lăn trên gò má gầy của Mẹ. Đôi mắt đẹp của Mẹ trông buồn bã. Năm trước Bố tôi còn ngồi ăn chung chiếc bánh chưng mang công sức của cả gia đình.

Đức Hùng - Lê Khánh Long

Saturday, March 23, 2013


MẤY LẦN THẤT THỦ KINH ĐÔ
VÕ HƯƠNG AN


Tặng những người Huế 30 năm xa xứ (1975-2005)


Ất Dậu, 1885;
Ất Dậu, 2005.

Tròn hai hoa giáp xoay vòng, 120 năm chẳn, một trăm hai mươi năm không phải chỉ một lần mất Huế. Mỗi lần như thế, đều lưu lại một dấu ấn văn hóa riêng, làm cho Huế không lẫn với “ai” khác được.
Nhớ Vè Thất thủ Kinh đô.
Cách nay 120 năm, nửa đêm 22 tháng Năm năm Ất Dậu quan tướng Tôn Thất Thuyết ra lệnh nổ súng vào Tòa Khâm Sứ Pháp ở bên kia bờ sông Hương, và đồn Mang Cá ở phía đông bắc Kinh thành, nghĩ rằng sẽ mở đầu một trận phục thù, đánh cho quân Pháp manh giáp không còn, giành lại quyền tự chủ. Ai hay lực bất tòng tâm, sáng ngày 23 (5/7/1885), quân Pháp phản công dữ dội, kinh đô thất thủ, quân chết như rạ [1], dân chết như củi, triều đình tứ tán, vua Hàm Nghi ở ngôi chưa ấm chỗ đã phải xuất bôn, ba năm rày đây mai đó trong vùng rừng núi Quảng Bình-Hà Tĩnh, cầm đầu cuộc kháng chiến Cần Vương không kết quả.
Những gì sử sách ghi chép không gây xúc động trong lòng tôi cho bằng đọc Hạnh Thục Ca của Nguyễn Nhược Thị [2] và nghe mụ Mì nói vè Thất thủ Kinh đô, dù đó chỉ là kinh đô ngọai sử, nhưng tình cảm thì xóay vào lòng người. Mụ Mì, người đàn bà mù, sống cô đơn trong túp lều tranh sau lưng lầu ông Hòang tùng đệ [3], ngày ngày chân đất áo dài vá chằm vá đụp, lang thang khắp chốn kinh thành, nói vè Thất thủ Kinh đô, vè Cô Thông Tằm . . . để kiếm vài xu sống qua ngày. Mệ ngọai tôi và mạ tôi thuộc lòng nhiều đọan của bài vè, vậy mà mỗi lần nghe mụ Mì gõ cặp sanh cầm nhịp và cất tiếng khàn khàn kể chuyện kinh đô khói lửa, vẫn không cầm được nước mắt. Cái biến cố đó đau thương quá, người ta không phải chỉ chết vì tên bay đạn lạc, mà còn chết vì chen nhau chạy lọan, xéo lên nhau lấy đường mà chạy, đạp lên nhau mà chết. Ông già bà cả kể chuyện rằng có người ôm trắp của mà chạy, bị xô đẩy, trắp của rơi xuống, tiếc của đứt ruột, vừa cúi xuống lượm thì bị sóng người ở sau phủ tới, và chết với của..
Từ đó cứ mỗi tháng Năm (âm lịch), từ mồng mười trở đi, hầu như ngày nào đi đâu trong thành phố cũng có thể ngửi thấy hương thơm của nhang trầm và mùi khen khét của vàng mã đốt cháy phảng phất trong gió. Cả thành phố cùng giỗ 23 tháng Năm. Triều đình có giỗ của triều đình [4], địa phương có lễ cúng của địa phương. Nhiều địa phương hình thành những tập thể gọi là Phổ Hăm ba tháng Năm, hàng năm đóng góp tiên bạc để tổ chức lễ cúng cô hồn một cách trọng thể.

Mạ tôi tuy đã có chân trong Phổ Hăm ba tháng Năm của xóm, nhưng, cũng như nhiều gia đình khác trong xóm trong phường, đến ngày 23 vẫn bày bàn trước ngõ, bên lề đường để cúng cô hồn; lễ vật đơn sơ nhưng cần thiết với người chạy lọan: cháo lỏang (cháo thánh) để húp nhanh cho đở đói, gạo muối để làm lương thực đi đường, và ghè nuớc chè xanh, kèm theo cái gáo dừa với mấy cái tô sành cho bà con đở khát. Hương thắp suốt ngày, đến tối mịt mới đốt vàng mã, gồm rất nhiều áo binh, gíấy tiền và giấy vàng bạc. Người ta không phải chỉ cúng giỗ trong một ngày hăm ba tháng Năm; người ta cúng lai rai từ mồng mười trở đi cho đến hết tháng. Không đâu trên đất nước lại có lễ giỗ tập thể lạ lùng như thế như ở Huế.
Chuyện một chiếc cầu đã gãy [5]
Một người bạn Huế lập nghiệp ở Sàigòn, khi gặp lại tôi sau biến cố Tết Mậu Thân, 1968, đã hỏi tôi rằng, “Anh đã nghe bài hát Chuyện một chiếc cầu đã gãy của Trầm Tử Thiêng chưa? Anh biết không, khi nghe tin cầu Trường Tiền bị giật sập, tôi buồn ngơ ngẩn như mất một cái chi rất gắn bó với mình. Đến khi nghe bài hát của Trầm Tử Thiêng, tôi không khóc mà ứa nước mắt. Nó đâu phải chỉ là một cây cầu, nó là Huế của mình.”
Ôi chao! Một người đàn ông Huế chảy nước mắt cho Huế khi xa xứ mà ngó về quê hương điêu linh, vậy thì có lạ chi mạ tôi và mệ ngọai tôi khóc cho kinh đô thất thủ, dù chỉ nghe kể lại bằng lời vè mộc mạc. Trước đó 22 năm (1946) cầu Trường Tiền cũng đã bị hy sinh một cách vô lối cùng với một số cung điện trong Hòang thành vào một đêm lạnh tháng Chạp tây, trong chủ trương tiêu thổ kháng chiến chống xâm lược Pháp. Nhưng chiếc cầu gãy lần đó hầu như không để lại một ấn tượng u ám nào trong lòng người cố đô. Nó khác với lần gãy gục thứ hai, về mặt tác động tâm lý.

 Chuyện thất thủ kinh đô lần thứ nhất chỉ xảy ra trong một ngày. Chuyện tang tóc đổ nát trên Huế 83 năm sau đó kéo dài cả tháng trời trong cảnh u ám của trời đất với mưa phùn lạnh lẽo, đêm cũng như ngày. Thời Tây chiếm kinh đô, thảm cảnh chỉ diễn ra trong Thành Nội với mấy cửa thành phía đông, phía tây và phía bắc vì nghẽn dân chạy lọan; vùng phụ cận Huế vẫn yên tĩnh. Lính và dân chết nhiều vì tên bay đạn lạc, vì đạp lên nhau mà chạy, nhưng chỉ có hỏang sợ mà chưa thấy bóng hận thù. Mậu Thân thì khác. Ngòai 10 phường trong Thành Nội, thì Tả Ngạn, Hữu Ngạn sông Hương cũng cùng chung số phận. Nếu đem chuyện thất thủ đời xưa ra sánh với chuyện thất thủ thời nay thì thiệt hại tài sản và sinh mạng phải nhân lên mấy lần. Hơn năm ngàn sinh mạng đã ra đi trong oan khiên và tức tưởi bằng tiếng cắc bụp giữa đêm khuya, bằng đầu cuốc, sống rựa đập xuống trên đầu trên trốt, không kịp kêu cha kêu mạ, ới vợ, ới con.
Từ sau vụ phát giác những mồ chôn tập thể trong khu vực phía sau trường Trung học Gia Hội và chùa Áo Vàng, cả thành phố như lâm vào cảnh hậu địa chấn với những tóan người trang bị cuốc thuổng lang thang núi này, bãi kia, đồng nọ để đào bới tìm kiếm thân nhân. Như Nguyễn Nhược Thị xưa kia, Nhã Ca đã viết Giải khăn sô cho Huế cho cả và thiên hạ và con cháu mai sau cùng hay, nhưng vẫn chưa nói hết niềm đau và nỗi mất mát, kinh hòang, của lần thất thủ kinh đô thứ hai này. Xem ra, vết thương do Tây làm ra không độc cho bằng người cùng dòng máu. Già trăm năm trước, cụ Nguyễn Du đã viết câu Đống xương vô định đã cao bằng đầu để bình luận về sự nghiệp của Từ Hải. Tưởng rằng đó chỉ là chuyện thơ phú văn chương, mãi đến khi bước chân vào trường tiểu học Bảng Lãng để xem thành tích Khe Đá Mài mới thấy đống xương vô định đã cao bằng đầu là cái chi rất thực, rất cụ thể, khỏi phải tưởng tượng xa gần chi cả. Thiệt thấy mà rùng mình [6].

Ngày xưa, thất thủ cũng có chết chóc và đổ nát , nhưng lòng người dân vẫn gắn bó cố đô, chưa ai đành lòng bỏ đi. Sau Mậu Thân thì tinh thần và tình cảm bắt đầu lung lay. Khi trật tự vãn hồi, tôi nhận ra bạn bè, bà con có người rời Huế từ bao giờ không hay. Họ bỏ Huế đi luôn, để định cư một nơi khác an tòan hơn, mà mình cứ tưởng như họ đi chơi, đi mua hàng, đi thăm bà con ở Sàigòn, như họ vẫn thường đi. Họ sợ chi? Mỗi người mỗi hòan cảnh, khó mà trả lời một cách chính xác, nhưng họ giống nhau ở một điểm là sợ cái màn ngày đi trình diện, tưởng chỉ vài tiếng đồng hồ “làm việc” rồi về, ai ngờ thiên thu vĩnh biệt, không biết nơi mô mà chạp mã; họ sợ những vụ xử không phiên tòa, của người anh em , vốn ưa khử lầm hơn bỏ sót

Yên yên đâu chừng được bốn năm thì tới ngày phượng nở ve kêu 1972, có tên thường gọi là Mùa hè đỏ lửa [7]. Cổ thành Quảng Trị thất thủ. Làn sóng đồng bào Quảng Trị sau khi quét qua Đại lộ Kinh hòang đã biến thành đợt sóng thần, cuốn dân Huế vô Đà Nẵng ào ạt hối hả, sợ rằng chậm chân thì chết. Trong khi dòng người ngày đêm bương bả vượt đèo Hải Vân bằng mọi phương tiện, kể cả xe cày và xe bò, đi bộ, và xe ba gác, thì tôi và anh bạn mỗi người một chiếc Honda, từ Đà Nẵng ngược đường ra Huế để cõng ông già vào, bởi ông không chịu đi theo gia đình người bạn mà tôi đã tin cậy gởi gắm, mà nhất định chờ cho được thằng con trai đích thân đem xe ra rước. Ông cụ có biết đâu rằng lúc đó có xe hơi mười bánh cũng không đi Huế được, vì sóng kinh hòang đã ngập đường rồi; chỉ có xe gắn máy mới lạng lách được thôi! Hôm trước cháy chợ Đông Ba. Có người nói, cháy chợ thì chớ chạy , nhưng có người cãi lại, tầm bậy, chợ cháy thì chạy chớ (chứ’), nên người ta cứ mạnh ai nấy chạy, chạy không ngóai đầu ngó lui. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái không khí của một thành phố chết là chuyến về Huế bằng xe Honda lần đó. Đường sá vắng tanh, phố xá, nhà cửa, hàng quán, đều cửa đóng im ỉm. Mình đi trong thành phố quê hương mà e dè, rờn rợn như đi giữa miền đất lạ. Nhưng tiền hung mà hậu cát, rồi sóng gió qua đi, dân Huế lại lục tục vượt đèo Hải Vân trở về. Tuy chỉ là một lần súyt nữa thì thất thủ, nhưng dân Huế lại mỏn đi , bởi những điều mắt thấy hoặc tai nghe về Đại lộ Kinh hòang rùng rợn quá, họ không muốn rơi vào cái bẫy sập đó như đồng bào Quảng Trị đã mắc, thôi thì cao chạy xa bay càng sớm càng tốt. Nhưng có đi xa lắm thì người Huế bỏ xứ lúc đó cũng chỉ tới Sàigòn. Không một ai, kể cả người có tiền, nghĩ rằng họ có thể đi xa hơn . . .
Mùa Xuân năm đó, 1975

Tết Năm Kỷ Mão, 1975, nhằm ngày 11 tháng 2 năm 1975. Ăn Tết được hơn một tháng thì đã nghe “động chiến phong” Đến giữa tháng Ba thì Huế cùng người anh em Quảng Trị tái diễn cảnh di tản của mùa hè đỏ lửa 72, ban đầu còn ở mức đô thấp, rồi bỗng lên cơn hối hả khi có tin đồn ngày 23 tháng 3 đường đèo sẽ bị cắt. Huế chính thức thất thủ ngày 26 tháng 3, nhưng thực ra Huế đã mất trong bỏ ngõ khi quân đội rút về Thuận An. Nỗi mừng đại gia đình đòan tụ tòan vẹn ở Đà Nẵng chưa kịp lên men thì ba ngày sau Đà Nẵng cũng buông tay cho sấu nuốt.
Trong khi vợ bụng mang dạ chửa, một nách ba đứa con dại với vạn nỗi âu lo, thì tôi cùng hàng vạn người khác lên núi học làm người tốt.
Ngày đi, tre chửa mọc măng,
Ngày về măng đã mấy lần thành tre.

Phải hơn một năm sau khi trở về trần tôi mới được phép về thăm lại Huế xưa, nhìn lại ngôi nhà thời thơ ấu, dẫy mớ cỏ mọc hỗn trên nấm mộ ông bà già.. Hai người em gái thấy lại ông anh khác xưa nhiều quá, òa lên khóc. Tôi cười, “ Khóc chi mà khóc, qua bao sóng gió mà còn được thấy mặt anh em như ri là quí rồi.” Tôi thấy ngôi nhà cũ kỹ điêu tàn hơn, mấy gốc cây quen thuộc trở thành lạ lẫm, bởi chúng không còn trẻ trung như ngày tôi thấy lần cuối, chúng trở thành trung niên hay bô lão mất rồi, nhất là cái gốc hồng trứng mà tôi đã bỏ nhiều công chăm sóc.
Ở một nơi vốn ra đường không gặp học trò thì cũng gặp bà con hay bạn bè, người quen biết, vậy mà trong ba ngày liền, ra đường chẳng thấy ai là cố nhân; mãi cho đến ngày thứ năm mới tình cờ gặp lại chàng họ Trương, giáo sư Sử Địa, ở dốc cầu Bến Ngự. Hai đứa bở ngỡ nhìn nhau. Câu chào sau mấy năm không chộ mặt là “mình mất dạy mấy năm ni rồi.” Thầy giáo mà “mất dạy” thì đường cùng rồi, vì đất trời đâu còn chỗ để thối vi sư ! Tìm tới nhà thăm người bạn cũ, hai đứa đã từng đóng vai rể phụ cho nhau năm xưa, thì gặp một ông lão tóc trắng như cước ra chào vồn vã. Cũng may lão không để râu nên tôi mới nhận ra đó là bạn mình. Ngắm cái đầu bạc của bạn, không khỏi gật gù mỉm cười, “Ta ở trong bạc đầu còn có lý, ngươi ở ngòai mà cũng đầu bạc là răng?”

Bạn bè , người quen như lá mùa thu. Sau lần thất thủ kinh đô thứ ba này, người ta đành đọan bỏ Huế mà đi, thí thân liều mạng mà đi, cầm bằng tù tội và sóng gió đại dương là canh bạc đen đủi của cuộc đời mà thôi. Cái điều trước đó không hề có ai nghĩ tới là liệu có đi đến nơi nào xa hơn Sàigòn hay không, thì nay họ quyết đi xa hơn cả hải trình Kha Luân Bố đi tìm tân thế giới, họ cả gan vượt Thái Bình Dương, chứ Đại Tây Dương thì sá chi!
Bước qua năm 1990, lại một đợt ra đi khác của Huế, dân HO. Từ HO-1 đến HO-7 còn thấy lai rai năm bảy gia đình, qua HO-8 và HO-9 thì phải gọi là HO-Huế. Trong mỗi đợt vô ra Sàigòn lập thủ tục, nào phỏng vấn, nào chích ngừa, bầu đòan thê tử của họ chiếm trọn một hai toa tàu xuyên Việt, là thường. Đây là những chuyến đi có kèn có trống, nghĩa là có chén rượu giã từ hay đưa tiễn, chứ không phải chun bụi lũi bờ như mấy năm trước, thiệt là hết rồi cơn bỉ cực, thiệt là có ông trời ngó lại.

Mới đó mà đã ba mươi năm xa Huế. Ngày xưa, nàng Kiều xa nhà, xa người yêu chỉ có mười lăm năm mà còn được Tiên Điền tiền bối hạ cho một câu rằng Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình, huống chi ta xa những ba mươi năm, phải không, hỡi những ngừơi Huế ra đi từ độ 75 xa xôi đó? Những chú bé oa oa năm ấy, nay đã ở cái tuổi tam thập nhi lập, đang vững vàng bước đi trên quê hương mới, lòng không vướng một chút mây mờ của quá khứ thất thủ kinh đô, dù xa hay gần. Những cô bé cùng tuổi thì nay hẳn đã tay bồng tay dắt mà sức đua tranh có kém chi trai. Rất nhiều, rất nhiều cuộc đời cũ được tái tạo khởi sắc, rất nhiều rất nhiều cuộc đời mới đang hăm hở tiến về phía trứớc. Tất cả gíống nhau ở chỗ sợi dây rốn chưa cắt, vẫn còn NHỚ HUẾ.
Võ Hương-An

Tháng 3/2005
 [1] Trong trận đánh này quân Pháp chỉ chết 18 người, bị thương 80, còn quân Việt thì chết lên số ngàn ( Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược , Q.2, Paris, 1987, tr. 324), chưa kể thường dân.
[2] Bà tên thật là Nguyễn Thị Bích (1830-1909), con quan Bố Chánh Nguyễn Nhược San, có văn tài, học thức, nên được tuyển vào cung từ đầu đời Tự Đức. Đến đời Thành Thái được phong làm Tam giai Lễ Tân. Người ta xem bà như là thư ký riêng của Hòang Thái hậu Từ Dũ. Hạnh Thục Ca là hồi ký về biến cố thất thủ kinh đô mà bà là nhân chứng.
[3] Hòang thân Vĩnh Cẩn, em họ vua Bảo Đại.
[4] Năm 1894, đời Thành Thái, môt đàn Âm hồn được lập ở khu Lý Thiện gần cửa Quảng Đức (khu Cầu Đất ngày nay) để tế tướng sĩ và dân chúng chết trong ngày thất thủ Kinh đô. Một quan Võ cao cấp đứng chủ tế, với lễ tam sanh (heo, bò, dê) xôi chè, hương ,đèn, trà, cau, trầu , rựu, vàng mã.
[5] Tên một nhạc phẩm của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.
 [6] Trong khi rút lui, VC đã dẫn theo hàng trăm người bị bắt trong khu Phủ Cam-Từ Đàm lên núi, tất cả đều bị trói bằng dây điện thọai. Đến khu vực khe Đá Mài, tất cả đều bị hạ sát bằng súng máy, xác vất xuống khe. Vụ này được phát hiện năm 1969, thời Đại tá Lê Văn Thân làm Tỉnh trưởng..
[7] Tên cuốn bút ký chiến tranh nổi tiếng của nhà văn Phan Nhật Nam.





Sunday, March 17, 2013


CƯA

TRIỆU LƯƠNG DÂN















Khi tôi đến lúa ngoài đồng Thạch Hãn đang lên

Bên con sông một thành phố nhỏ, một cổ thành rêu phong, những con đường tôi đi học.

Khi qua tiểu học, tôi đến sân ga đi xa thành phố.

Vũng Tàu,

Nơi Bải Trước, con đường phố đi lên núi lớn biển cứ vổ sóng quanh chân

Nơi Bải Sau biển tràn lên cát ngọn núi nhỏ đứng ngẩn ngơ nghe bao nhiêu gió

Tôi lớn lên như những đợt sóng biển nối nhau đi

Những ngày ra trận - Pleiku

Bụi đỏ bay theo gió hồng trời

Gặp nhau không nói cúi đầu cười

Cả trái tim sôi

Những ngày ra trận, nơi tình yêu nở nơi mặt trận thua.

Khắp cả quê hương bổng dưng ly loạn những con đường đi chật kín nỗi đau.

Tôi buông súng nhưng sao trong lòng không buông nổi.

Những cổng tù mở rộng, người vào trại giam.

Boat people- lương tâm thế giới rung rinh.

Một dân tộc bị bứng, hai bước chân đi, hai bàn tay trắng.

Cơ nghiệp như viên cát dã tràng vo tròn chưa hết kiếp

Bóng vinh hoa trôi trên mấy ngã lưu vong, cứ xa nguồn cội.

Những người về thất thểu lượm tang thương tìm không ra nỗi buổn đã mất.

Họ đi dưới những tàng cây đang chết những con đường cứ vở tan hoang

Có gì đang chôn lấp bóng vinh quang- như ngày hôm qua đã mất.

TLD

(Dân làm báo)

Saturday, March 16, 2013





SẾN GIÀ NAM
ĐỖ HỒNG NGỌC



Thấy tôi đứng loay hoay tìm kiếm mãi trên các kệ đầy nhóc băng đĩa ngổn ngang, cô bé bán hàng đến gần hỏi:
- Bác muốn kiếm loại nào?
- Nhạc. Nhạc xưa.
Cô đọc vài cái tên gì đó…
- Không. Xưa hơn nữa kìa. Chừng nửa thế kỷ trước. Có không?
- Bác chờ con lấy.
Một lúc, cô mang ra một cái... giỏ, đúng hơn là một cái rổ to, hình chữ nhật, chứa hàng ngàn đĩa CD, buộc dây thun từng cọc nói bác lựa đi.
Tôi giật mình thấy trên thành rổ dán mấy mảnh giấy viết tay bằng chữ in khá to: “sến già nam”.
Tuần trước, vào một siêu thị ở một tỉnh miền đông nọ tôi thấy nơi người ta bán băng đĩa có rất nhiều rổ đựng các thứ, được phân loại như có rổ phim hành động, phim kinh dị, phim Mỹ, phim Hồng Kông... và đặc biệt có hai rổ ghi: nhạc sến nam, nhạc sến nữ. Tôi định mua vài thứ xem sao, nhưng thấy kỳ kỳ nên thôi. Tuy vậy, tôi cũng học được vài từ mới. Có điều ở cửa hàng này, một cửa hàng bán băng đĩa khá lớn ở thành phố có cách phân loại độc đáo hơn: sến già nam. Tôi đoán đây là loại nhạc “sến” dành riêng cho nam giới “già”!
- Có sến già nữ không cháu? Tôi tò mò.
- Dạ có. Bác kiếm xong sến già nam con đưa sến già nữ ra bác lựa!
Thì ra nam nữ đây không phải khách hàng mà là ca sĩ. “Sến” do“nam” ca sĩ hát cho người “già”nghe thì gọi là... sến già nam,v.v... Tiếng Việt ta thiệt hay! Nhớ lần ra Hà Nội năm xưa, người ta giới thiệu tôi một xí nghiệp có tên là Xí nghiệp Cao Xà Lá. Hỏi “Cao xà lá” là cái gì? Là cao su, xà bông và thuốc lá, gọi tắt cao xà lá!
Tôi vừa tủm tỉm cười vừa lựa đống băng đĩa trong rổ sến già nam, chọn được vài đĩa. Nhiều khi cả đĩa chỉ có một bài ưng ý. Thôi vậy cũng được. Có một bài mình thích là quý rồi! Tôi hỏi còn sến già nữ đâu? Cô bưng ra một rổ sến già nữ nữa và nhìn tôi có vẻ nghi tôi mê cô ca sĩ nào đó của năm mươi năm trước!
“Sến” là gì? Người ta bảo là do chữ Marie sến, tức người giúp việc, người ở đợ, con sen, người nhà quê, ít học. Nhạc sến là nhạc... tầm thường, nhà quê mà các cô gái này thường hát hỏng để trải tâm sự nỗi lòng khi vô công rỗi việc.
Đã có những bài báo, những tranh luận sôi nổi về thứ nhạc “sến hay không sến” này. “Sến” mà sao người ta thuộc, người ta khắc cốt ghi tâm? “Sến” mà sao người ta cười người ta khóc?... Gần đây trên mạng, nhiều bạn trẻ “còm” rằng nhờ “sến” mà nuôi dưỡng được tâm hồn trong một thế giới vô cảm, và có bạn còn rất tự hào rằng đã sưu tầm được hàng ngàn bản nhạc “sến” để làm của quý!
Còn tôi, tôi chỉ biết nhạc hay hay dở với mình mà thôi. Hay là thứ làm tôi “rung động sáu cách” (nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý)..., còn dở là nhạc “nghe không vô” !
Chiều làng em của Trúc Phương chẳng hạn, với tôi là một bài hay, không chỉ rất lãng mạn “khói lam buồn như muốn ngừng thời gian” mà còn do tác gải viết bài này lúc ở Bình Tuy, quê tôi, cho một cô gái mà tôi có lẽ cũng quen biết.
Anh ơi nhớ về thăm thôn xưa,
Để nghe tiếng ngọt ngào ru bóng dừa
Xa xôi bước người anh lữ thứ
Nhớ thương hoài câu hát chiều làng em…


Còn Mộng ban đầu của Hoàng Trọng làm sao quên được:
Trông em mừng vườn cau
Trái mập tròn xuân mới
Bỗng me cười me nói
Con bé lớn thật mau
Mai mốt mẹ ăn trầu


«Mai mốt mẹ ăn trầu» bây giờ không còn nữa nên đám trẻ không biết là phải rồi. Còn những trái cau «mập tròn xuân mới» cũng khó kiếm! Bây giờ là bưởi, là dưa hấu cả rồi!
Rồi Lối về xóm nhỏ của Trịnh Hưng:

Có những chiều hôm
Trời nghiêng nắng xế đầu non
Nắng xuống làng thôn
Làm cho đôi má em thêm giòn
Lúa đã lên bông
Mắt già tươi sáng thôi chờ mong
Tiếng hò cô gái bên Cửu Long
Mơ rằng mai lúa lên đầy bông...

hay Tình lúa duyên trăng của Hoài An

Quê hương ta đất xưa vốn nghèo
Nhưng giàu tình thương nhau
Biết yêu lúa mầu xa cuộc đời cơ cầu
Gái trai biết làm tròn lời thề khi ban đầu


Tôi không hiểu vì sao những lời ca đầy tình quê hương, đất nước, tình gia đình, tình gái trai «biết làm tròn lời thề khi ban đầu» như vậy mà «sến» được?
Hà Đình Nguyên trong một bài báo về vấn đề nhạc sến đã viết: «... nhưng không biết do đâu mà hầu như tất cả các bản nhạc được sáng tác trước 1975 -nhất là những bản có điệu boléro, rumba... đều bị quy là nhạc sến (tiếng "sến" được hiểu theo nghĩa dè bỉu, mỉa mai, khinh thị). Nhưng sẽ thật sai lầm khi quan niệm "nhạc sến" với hàm ý khinh thị, chê bai bởi trong dòng nhạc bình dân này có rất nhiều tuyệt tác mà chưa chắc các nhạc sĩ dòng nhạc "hàn lâm" đã sáng tác được, như: Khúc ca ngày mùa (Lam Phương), Hoài thu (Văn Trí), Xóm đêm (Phạm Đình Chương), Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên), Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn), Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ), Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Thương hoài ngàn năm (Phạm Mạnh Cương), Nắng lên xóm nghèo (Phạm Thế Mỹ)...»
Sẽ thật sai lầm khi quan niệm "nhạc sến" với hàm ý khinh thị, chê bai
Còn nhà thơ Đỗ Trung Quân có một bài thơ được Vũ Hoàng phổ nhạc rất hay tên Phượng hồng có lần bực mình: "Nói chú đừng giận, bài Phượng hồng phổ thơ của chú sến chảy nước", chàng trai 20 tuổi tóc tai kiểu hip-hop nói thẳng thừng... Thế hệ trẻ 8X hôm nay không thể tin nổi, không thể chấp nhận nổi có một gã nào đó trạc tuổi mình suốt một năm dài ngồi cạnh bàn, học cùng lớp để ý cô bạn gái mà vẫn cứ: "bài thơ còn trong cặp... giữa giờ chơi mang đến lại mang về...".Nhát gái đến thế, "yếu" đến thế thì "sến" là cái chắc. Bây giờ, chỉ cần một cú nhắn tin chớp nhoáng là alê hấp! Ra cà phê hộp ngồi ngay. Yêu à? Tỏ tình à? Đây, nhanh gọn lẹ: "Anh là number one, vừa đẹp trai lại vừa dễ thương..." Không yêu nữa cũng chẳng sao: "thà như thế, thà rằng như thế...". Đỡ lôi thôi,đỡ mất thì giờ, khỏi mang tiếng "sến».
Gần đây nhiều ca sĩ bắt đầu quay về với nhạc «sến» có lẽ để đáp ứng nhu cầu tình cảm của con người trong một thế giới ngày càng vô cảm chăng! Có điều, vì sến... thiếu gốc nên nhiều khi hát sai mà không hay. Chẳng hạn «Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng» trong Chiếc lá cuối cùng của Tuấn Khanh, có ca sĩ hát ngon lành «đêm chưa qua mà trời sao vội sáng»! Qua chưa với chưa qua khác nhau xa quá! Cũng như «Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em» của Từ Công Phụng mà hát thành «Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em?»... thì nguy tai!
Tôi vẫn còn nhớ những đêm ngồi nghe Tuấn Khanh đàn piano dưới chân cầu sắt Đa Kao trong một quán cà phê nhỏ chênh vênh.


Đêm qua chưa mà trời sao vội sáng
Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang
Chiều vào thu tiễn em sầu lạnh giá
Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa ...

(xin đừng nhầm với các nhạc sĩ Tuấn Khanh, Hoài An đương thời).


Tôi chắc rồi một hôm nào đó cậu trai 8X kia sẽ tìm đến bản nhạc “sến chảy nước” nọ và rồi 8X sẽ được thay thế bởi 9X, 0X… Rồi sẽ có những người tìm đến sến già nam, sến già nữ như tôi hôm nay cho mà coi!
Không lâu lắm đâu! Hãy đợi đấy!
Sài Gòn, 3.3.2013
ĐHN

Wednesday, March 13, 2013


THẢ TỜ LÁ BIẾC
VÀO CƠN MÊ HỒNG

PHẠM QUANG TRUNG


















Mùa xuân
giã phố về non
núi xanh động biếc
mấy con bướm hồng
tơ trời
sợi khói mênh mông
hay là bụi sóng
dưới giòng thác reo
ta ngồi
phiến đá cheo leo
ngó xuân biêng biếc
trong veo lưng đồi

Mùa xuân
biệt núi ngàn khơi
về ngang phố cũ
đón mời bạn xưa
rượu hồng
bếp lửa giao thừa
dường như ngoài ngõ
chút mưa xuân đầu
ta ngồi
đêm xuống đã lâu
nghe xuân êm nhẹ
hát câu mê tình

Mùa xuân
lễ lạc sân đình
rồng bay phượng múa
cung nghinh xếp hàng
đì đùng
pháo nổ liên tràng
tụm năm tụm bảy
bên đàng hò reo
ta ngồi
một chỗ vắng teo
thấy con chim mộng
bay vèo thực hư

Mùa xuân
đọc sách án thư
bỗng dưng mặc khải
khởi từ thiện tâm
lại rồi
biệt phố âm thầm
về non thấp ngọn
hương trầm tạ ơn
ta ngồi
trên ngọn cổ sơn
thả tờ lá biếc
vào cơn mê hồng
PQT