Friday, June 30, 2017


EM TÔI
Phạm Ngũ Yên

Tôi thứ tư còn em thứ sáu.
Năm 2014 tôi về thăm Vũng Tàu. Nhà em gái tôi ở gần hang Ông Hổ. Căn nhà nhỏ và thiếu trước hụt sau ngoài một chỗ để ngủ nghỉ, một phần phía trước dùng bán cà phê cho dân ở cùng xóm. Trước ngày tôi về lại Mỹ  hai mẹ con mời tôi ăn một bửa cơm trưa. Nhà không có bàn, ngồi dưới đất vừa ăn vừa nghe cái mát lạnh của nền xi măng lan tỏa dưới bàn chân để không.  Tiếng xe gắn máy vụt qua cuối hẻm và tiếng con nít cải vã với nhau về một trò chơi nào đó. Từ nhiều chục năm rồi tôi mới có dịp ăn bửa cơm ngon miệng đậm nét gia đình. Em biết tôi thích cá đục kho tiêu và rau muống xào tỏi nên đã làm hai món đó. “Anh Tư ăn tự nhiên nghe”. Em nói…

Tôi ngủ qua đêm tại căn nhà dưới chân núi. Nửa đêm không ngủ được, nghe tiếng gió thổi từ biển về, vòng vo, rượt đuổi nhau  và cuối cùng  tụ lại dưới những hàng bông sứ. Con gái em, Bé Thơ, đi làm ca chiều và trở về nhà gần giữa đêm. Tôi nằm nghe tiếng mở cửa, tiếng dội nước và tiếng của thạch sùng chặt lưởi. Tôi nhìn lên trần nhà, dưới ánh điện mờ nhạt, mái tôn cũ in hình những rảnh cong bị thời gian làm rĩ sét  giống như đường rầy chạy ngang qua những sân ga. Những cuộc đời không hội tụ.
Trở lại Mỹ, với một bố cục buồn bã như vậy, tôi viết bài Gởi Lời Thăm Mùa Xuân.
…………..
Nhớ khi Saigon sụp đỗ, tôi cũng vừa giải ngũ về. Lang thang từ nơi này đến nơi khác, cuối cùng không còn chỗ để lang thang, tôi trở về sống cùng má tôi. Căn nhà lọt sâu trong hẻm Lê Lai và Nguyễn Thái Học, bên kia đường là bánh bèo  Nhị Nữ. Nơi căn nhà đó, em tôi ở tạm cùng Má tôi, vừa làm thợ may vừa mở lớp dạy. Lúc đó em vừa có tình yêu. Đời sống hơi vất vả nhưng không đến nỗi nào. Hai lần đổi tiền em vẫn trụ được. Đến lần thứ ba, em bệnh. Em may ít hơn và bớt thâu nhận học trò. Má tôi không biết làm gì ngoại việc bếp núc, mỗi tuần vài ba ngày bà đi làm công quả ở chùa. Tôi làm một đứa con trai thất thời  lỡ vận sống nhờ em tôi. Rồi may mắn được định cư ở nước ngoài. Và một thời gian nghe tin em vẫn còn bịnh. Còn Má tôi thì mất.

Cách đây hai năm, em tôi bán căn nhà riêng của hai mẹ con ở đường Trần Xuân Độ, Vũng Tàu dọn lên Sài Gòn. Vẫn hai mẹ con sống cùng nhau và khi tôi gọi về, nghe em nói đời sống cũng tạm. “Chỗ mới không rộng rãi lắm, nhưng mai mốt anh Tư có về, cũng có phòng riêng cho anh Tư ở”…
Tôi hứa với em... Nhưng chắc không kịp nữa rồi.
Thứ sáu vừa rồi (23 tháng 6 năm 2017) em vừa rời bỏ đời sống phiền muộn này để về gặp lại Ba, Má tôi, và ông bà ngoại, ở một nơi chốn nào đó. Em đi bình an, thanh thản và không kịp nói với ai lời chia tay. Ngay cả con gái thân yêu của em…
Tôi tự hỏi cuộc đời sao có nhiều nghịch lý quá vậy? Tự hỏi, mà bồi hồi vì không giải đáp được và nghe cay ở mắt. Năm nay em tôi 66 tuổi.

Chúc em sớm siêu thoát. Và vui thỏa ở một nơi không có buồn rầu, không có đau khổ, như những ngày tháng cũ của em. Như tình duyên buồn bã của em. Tạm biệt nhé…
 
P.N.Y
 
 

 

Saturday, June 17, 2017


CHA , CÓ BAO GIỜ LÀ CŨ
TRỊNH SƠN

 
Tháng sáu bão về cây khế rụng kín sân
Mận cũng rụng trắng trong ngần hoa cánh vở
Tuổi thơ trôi qua bao lâu nay ùa về một thuở
Ngày con chập chửng xách vở đến trường Cha là người dắt bước đầu tiên.

Đường làng nhỏ, lớp học nhỏ còn nguyên mùi kỷ niệm
Mẫu giáo ê a, đọc theo cô cho cái miệng nó tròn
Mấy ngày đầu Cha chấp bước cho con
Rồi sau đó bận vùi nương rẫy con lon ton tự đến
Không lá, không mầm, không chồi... chỉ là mẫu giáo trường quê.

Chiều ra về, có những buổi chiều dài đến lê thê
Cha hứa đón nên con tin ngồi đợi
Con cú ăn đêm, lủi vào chiều chới với
Đêm xụp xuống rồi mà chẳng thấy Cha đâu!

Mím môi gọi, tiếng con vang xa lan khắp địa cầu
Thì mới thấy đầu đường Cha bước tới
Bóng Cha lom khom áo tơi còn chưa cởi
Con tự hiểu vụ mùa nên phấn khởi mà quên.

Nhớ những đường cày con dắt bò một bên
Vun những ụ khoai, vét sâu lòng rảnh mía
Nhớ những đêm mưa đèn soi bốn phía
Con ếch mập ù, con bì bỏm lội theo Cha.

Chẳng muốn nhớ làm chi ngày đó đã quá xa
Nhưng sao thỉnh thoảng nó cứ ứ đọng rồi lân la gợi nhớ
Ký ức cùng cha neo vào một thuở
Níu tuổi thơ nào trong vắt của con xưa.

Thời gian trôi, năm tháng cũ đâu còn
Lớp học cũ giờ cũng đỏ son màu ngói mới
Gò đất hôm nao, giờ là cả ngôi trường vời vợi
Rộng, cao, uy nghi... đi qua rơi kỷ niệm mất rồi!
Cha cũng đã xa tôi.
 
T.S