Saturday, March 30, 2013


CHÚT KỶ NIỆM THUỘC VỀ NHAU

*Tùy Bút M.H.HOÀI-LINH-PHƯƠNG









 
 
 
 
 
 


 
Em cho tôi sợi dây diều
Loay hoay buộc mãi mà chiều vẫn rơi (1)

West gọi tôi. Tiếng gọi khác với bao ngày. Không rộn rã, reo vui, mà lắng sâu, chùng xuống.
Tôi quay lại nhìn, mừng rỡ nhưng bỗng ngại ngần, băn khoăn.
Một chút ngập ngừng, tôi bước tới. Chúng tôi chỉ còn cách nhau một khoảng ngắn...
Hôm nay là lần cuối tôi đến để chào từ giã West. Chẳng phải tôi đã chờ West meeting ra đã mười lăm phút hay sao?

Tôi bồn chồn, nôn nao, sốt ruột, sốt gan vì người thư ký văn phòng dặn dò tôi nhớ ký vào card kỷ niệm để từ giã trước khi được gặp West. Tôi bực bội, khó chịu vì tập tục này của người Mỹ. Quan, hôn, tang tế ... bất cứ cái gì cũng chen chúc với nhau trong cùng một tấm thiệp đầy hình thức. Chỉ vậy rôì thôi. Như khi nghe tin mẹ Mathew nằm xuống, đầy tình thân thiết, nhưng trong cùng department mà anh em không ai viếng thăm, chia buồn, đưa tiễn, cũng chỉ một tấm card chi chít chữ ký. Là đủ tình người. Xong tang lễ, Mathew đi làm trở lại. Mọi việc bình lặng trôi qua...
Ngày còn ở quê nhà, góp vui trong tiệc cưới, thì cũng chia xẻ nỗi bất hạnh buồn phiền những dịp tang ma. Tình người đầy và cao như núi. Thân ái, đậm đà như biển mặn phù sa. Mà sao ở đây, tôi với trời bơ vơ nghe xa lạ vô bờ. Ai cũng phải chạy đuổi theo thời gian nghiệt ngã, mọi ân tình phải xếp lại đằng sau...
Và với West, mọi ngày thật dễ để chúng tôi nhìn thấy nhau, nói cười, thăm hỏi. Ngày nào đầu giờ khi qua khỏi hành lang thang máy, đến những dãy bàn của Mai, Daisy, tôi cũng thấy West đưa tay vẫy khi nhìn thấy tôi từ xa, hoặc có thể là lúc tôi punch in, hay khi tôi đã bắt đầu công việc.
Khi bận rộn, West bước vào giúp tôi những gì cần thiết, có thể là di chuyển cái bàn để tránh đi ánh nắng hay phụ tôi làm nhanh hơn cho công việc sớm hoàn tất. Đã như thế hai tháng. Đã như thế gần suốt một mùa hè. Nhưng tôi vẫn tưởng chừng như lâu lắm, như tôi và West đã quen biết nhiều năm…...

West là Manager của tôi. Đơn xin việc của tôi gửi đi buổi sáng, buổi trưa tôi về nhà đã có tiếng máy nhắn. Ngày hôm sau West là người interview tôi. West trả lại tôi bộ găng tay mà West tiên đoán là của em gái tôi vừa interview trước đó. Chúng tôi cùng học một nơi, ra trường một lúc, và job là do văn phòng tìm viêc của nhà trường tìm kiếm, nên thật dễ để nhận ra Quỳnh Nhị và tôi là chị em.
West chỉ hỏi ngắn ngủi mấy câu, và hẹn chờ tôi sắp xếp công việc cũ để trở lại nhận việc mới. Không lạt lẽo. Nhưng cũng không thân tình, chỉ là lịch sự cho nhau. Tôi thực sự ngạc nhiên, vì không dễ để apply một job văn phòng khi chúng tôi chưa có một kinh nghiệm nào ngoại trừ chữ nghĩa của thầy cho qua bao nhiêu trường lớp.
Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với Meridel, người supervisor có khuôn mặt khó đăm đăm, phút đầu tiên đã làm tôi và Quỳnh Nhị ái ngại. Nhưng sự thật hoàn toàn trái ngươc. Meridel nghiêm trang, nhưng tận tâm, chân tình, và dễ thương trên lòng tôi nghĩ. Buổi sáng có party của department, Meridel không quên để dành lại cho chúng tôi một hộp Donut, và nhắc nhở nên ăn ngay khi chúng tôi vừa đến đầu giờ. Không khí ngân hàng như một tình thân, mà Helen, người training chúng tôi điềm đạm mẫu mực nhưng rất dịu dàng của một người thầy, đã đến tuổi retired, vẫn còn làm part-time 6 tiếng vì luyến lưu những con số.
Chỉ có một điều, lần đầu tiên khi nhìn thấy West, tôi lịm sững vì West thật giống Chuân-  thầy dạy Anh Văn của tôi ở Việt Nam từ những năm xưa... Bởi West đã có những nét của người châu Á.
Hình như vẫn là đôi mắt đó của người thầy trên bảng đen nhìn xuống cô học trò nhỏ từ một thời tuổi vàng, áo lụa... Con đường Bà Huyện Thanh Quan rợp lá me bay, tiếng guốc tôi vang trên từng viên gạch xám. Một thuở tình thư:
“Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường “ (2)

Vẫn là khuôn mặt đó ngày tôi gặp lại thầy Chuân ở khóa 6/70 Thủ Đức khi tôi cộng tác với nguyệt san Bộ Binh và ra mắt tập thơ đầu tay của mình ở các quân trường.
Chuân lịch lãm, thâm trầm, ít nói, lúc nhận ra tôi, “cô thi sĩ“ của nhật báo Chính Luận và các tờ báo quân đội ngày nào, bây giờ đã lớn.
Chuân viết cho tôi những lá thư đầu của đời lính, kể về những nỗi vất vả ở quân trường và xem tôi như một người bạn nhỏ.
Biết tôi thích “Mùa Thu Không Trở Lại“ của Phạm Trọng, Chuân hẹn sẽ hát cho tôi nghe khi có dịp về thăm, vì chương trình văn nghệ của Đài Quân Đội, giờ phát thanh của trường Bộ Binh Thủ Đức do Chuân phụ trách không thể trình bày những bản nhạc có nội dung ướt át, bi lụy sẽ làm mềm lòng chiến sĩ…
Tình tôi cho Chuân là tình tuổi ngọc. Tôi vẫn gọi Chuân bằng Thầy, dù những lá thư Chuân thật thiết tha nồng ấm. Tôi vẫn nghĩ đến Chuân trên từng vòng xe đến lớp, từng chiều qua phố đông vui, từng đêm nghe mưa mà nhớ... Nhưng chỉ như vậy rồi thôi. Tôi từ chối những lần Chuân xin gặp mặt. Thỉnh thoảng Chuân gọi điện thoại cho tôi từ quân trường.
Tôi biết cuộc sống gia đình Chuân không hạnh phúc. Chuân né tránh. Tôi cũng không đề cập tới. Nhưng tình tôi trong sáng, bé dại, hồn nhiên. Tôi kiêu hãnh vì điều đó. Tôi thương Chuân với tấm lòng đứa em gái gầy guộc mong manh thương người anh trai lớn, vì cần được kể lể, dỗ dành. Như Chuân đã cần tôi- những giọt nước mát cho một cành khô, để đêm đêm Chuân tìm một chút ánh sáng nhỏ đọc lại thư Saigon để vơi đi những nhọc nhằn nơi quân trường gió cát.
Mơ mộng và lãng mạn. Những lá thư Saigon- Thủ Đức đã nối kết tình nhau... Tôi nói với Chuân, tôi sẽ viết cho Chuân đến một ngày Chuân giã từ Tăng Nhân Phú, đồi 25, đồi Mẹ Bồng Con, với rừng chồi xanh ngắt, sân bắn, bãi tập, làng mạc, ruộng vườn... Rồi thôi. Rồi hết.
Ngày ra trường, Chuân về trường Sinh Ngữ Quân Đội, và sau đó tu nghiệp ở Mỹ.
Tôi lại nhận những lá thư ngắn ngủi, nhưng rất cô đọng tình thân từ Texas, những lá thư viết bằng giấy và bao thư Hall Mark dịu ngọt cho tôi những xúc động bồi hồi.
“Hương Xưa có bao giờ đi xa quê hương? Có đi xa rồi, mới hiểu chẳng nơi đâu hơn được quê mình. Cho nên mong về lắm rồi, nhớ Saigon quá, nắng ấm và mưa rào, tiếng guốc bên hiên trường gõ nhịp và cô bé tóc dài, răng khểnh, mắt nai...“
Đêm, tôi thường đọc thư Chuân trước khi đi ngủ. Nét chữ nghiêng, đều đặn, rắn rỏi, của một người đã có nhiều năm trên bục gỗ, những lời thư mềm mại, ngọt nồng như một đóa Quỳnh khuya.
Từ Mỹ trở về tôi biết Chuân phục vụ ở Nha Động Viên, thỉnh thoảng xem TV, thấy Chuân làm xướng ngôn viên cho chương trình này.
Như một kỷ niệm buồn. Tôi có đời tôi, con nước xuôi giòng trên những bậc thềm Đại Học. Rất nhẹ nhàng cơn gió thoảng đã bay qua. Chuân có đời Chuân, không biết người thầy tài hoa của tôi có tìm thấy một bến bờ hạnh phúc hay cũng lận đận theo những trận bão lòng.
Và như thế... đến ngày ba mươi tháng tư lịch sử. Tôi và Chuân mất nhau hoàn toàn, dù chỉ là có nhau trong tinh thần, trong ý nghĩ.
Không biết bây giờ Chuân đã về đâu? Con sóng đã bạc đầu, kỷ niệm chỉ còn đây qua nửa vầng trăng vỡ-  Tôi đã thôi là cô bé con của thời thơ dại. Và Chuân cũng đã ra sao giữa những thăng trầm, dâu bể?...
Nếu Chuân còn sống, nếu Chuân đọc được những giòng này, Thầy hãy hiểu Hương Xưa vẫn nhớ về một phần đời cũ, một khoảng trời xa...


Trước ngưỡng cửa của phòng làm việc của West, tôi đứng khựng lại. West đi vào trước và nhắc lại lần thứ hai tôi mới chịu bước vào.
Tôi kỳ lạ. Tôi không hiểu tôi hôm nay. Hay chỉ còn một phút này thôi, tôi và West sẽ không bao giờ còn có dịp gặp gỡ, thăm hỏi nhau hàng ngày, nói với nhau những chuyện thu phong, lòng hẹn với lòng, như có một sự cảm thông kỳ diệu nào mà trước khi biết West tôi không thể nào hình dung nỗi. Hay đâu đó, bóng hình Chuân- mối tình thơ dại của tôi- nhẹ như mây, bồng bềnh như khói đã ẩn hiện vào vì West đã mang dáng dấp, tính cách của Chuân ngày tôi mới lớn.
West mời tôi ngồi. Tôi nói trong xúc động khó thể dấu che. Rồi ngày mai West sẽ về với công việc mới, chúng tôi sẽ xa nhau. Nhưng tôi biết tôi sẽ không bao giờ quên ngày tháng này có West, cho dù người ta vẫn nói: “Everything will be forgotten sooner or later“. Nhưng tôi biết mình. Tôi thì không. Tôi sẽ nhớ West mãi mãi...
West chỉ cho tôi lọ hoa hồng vàng nở rực trên bàn viết. West cúi đầu. Ánh mắt tối lại. Những bông hoa đưa tiễn của tôi. Rồi West sẽ quên. Tôi biết. Cho dù West nói West sẽ nhớ tôi nhiều. Đời sống Mỹ đã dạy tôi, không ai đứng lại mãi hoài trên một giòng sông cũ. Làm sao hơn được. Sự tàn nhẫn của thời gian. Bánh xe quay đi và ta còn gì ngoài quên lãng?
Ánh mắt và nụ cười. Ân cần và sâu lắng. Những câu chuyện bâng quơ về đất trời, thời tiết, về quê hương tôi mưa nắng hai mùa, chinh chiến dài lâu, cho đến một ngày nước mất, nhà tan, tôi bỗng thành kẻ lưu vong, phiêu bạt, phong trần làm thân viễn xứ.
Khó ai ngờ West đến gần tôi hơn cả Supervisor. Tôi có gì lạ, tôi có gì khác hơn những nhân viên khác, làm cho West phải bận tâm?
Thấy tôi người gốc Á, người chưa quen khi nói về tôi vẫn gọi con bé Chinese. Tôi lặng câm, không buồn giải thích. Không cần thiết để phải giải bày với đồng nghiệp mọi nỗi riêng tư. Bóng tôi hiu quạnh đi về trong mùa nắng đổ.
Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tôi đã chạnh lòng vì một người khác màu da, tiếng nói. Giữa West và tôi, khoảng cách thật xa. Mà tôi- không- tôi cũng đâu yêu West. Chưa có gì hơn ngoài những cái bắt tay như cầm giữ lại. Quá nhẹ nhàng và rất đổi mong manh. Ngày mai con đường West đi, tôi không bao giờ đến đó, và con đường dẫn tôi về, vẫn chỉ là bước chân tôi.
Tôi không dự party đưa tiễn. Tôi nói với West tôi bận gặp Counselor của tôi vào lúc một giờ trưa.
Mắt tôi buồn tênh. Tôi cố gắng cầm giữ nước mắt. Tôi quên nói với West một lời chúc, một câu chào.
Tôi đứng lên. West đứng lên theo, vội vàng ôm vai tôi. Tôi tránh mắt nhìn của West, quay mặt bươc đi vội vã.
Tôi nghe như West đã nhìn theo. Tôi nghe như giữa tôi và người cũng gọi là kỷ niệm. Một chút tình thơ dù lời yêu chưa trao, nụ hôn nồng chưa có. Tôi nghe như tôi và người, một thoáng nào cũng đã thuộc về nhau, như với Chuân một ngày xưa tuổi dại...
Vâng, West đi hãy nhớ. Tôi không bao giờ quên ngày tôi mới nhận việc, West như một người thầy đã chỉ dạy những bài học đầu tiên.
Vâng, tôi về, tôi nghĩ làm sao cho nguôi quên chút kỷ niệm xót xa này.
M.H.HOÀI-LINH-PHƯƠNG
(1) thơ Đoàn Đại Trí (2) thơ Nguyên Sa

 

No comments:

Post a Comment