Saturday, July 16, 2016

tuổi thơ và dế...

thư viết từ đường heatherglen
phạm ngũ yên


1.
Ðêm qua, có tiếng con dế kêu râm ran nơi góc nhà làm thao thức người chủ nhà mất ngủ. Tiếng dế không to nhưng đủ làm dấy động một góc đời thơ ấu. Nơi mà buổi trưa cách đây mấy mươi năm khi tan học, tôi không chịu về nhà mà ghé qua một cánh đồng hoang.

Nói là hoang vì là một đồng cỏ chưa có nhà cửa và là nơi đón nhận những đồ vật phế thải, vài chiếc lò đất bị vỡ; vài khung cửa rệu rã còn sót lại bản lề. Những lon sữa bò, đã bị rỉ sét. Vài khúc xương bò đã khô cùng với nắng mưa. Lúc đó nhu cầu của người địa phương không cầu kỳ, nên những gì từ những đồ vật cũng mang một giá trị đơn giản. Vì chính đời sống đã như vậy. Cánh đồng đôi lúc đẹp lên nhờ những thảm hoa dại có tên là hoa mắc cỡ. Ngày nắng, hoa lấm tấm màu tím chạy đuổi theo màu xanh của cỏ đến tận cuối tầm mắt trẻ thơ, nơi có một con đường mòn chạy ra chợ. Con đường này từng in vết những chuyến xe bò chở củi từ một khu rừng đâu đó. Gần tết, xe bò cũng chở thêm hoa vạn thọ, hoa cúc và dưa hấu ra chợ. Tôi biết rõ những chuyến xe như vậy vì đó là xe của gia đình người bạn học chung lớp với tôi.

Từ các đồ vật phế thải đó, một lần tôi nghe tiếng dế gáy. Khi thì chỗ này, khi thì nơi khác. Âm thanh trong trẻo và giòn như thúc hối mọi tuổi thơ hãy dừng lại một mùa hè. Tiếng dế liên tục và đôi lúc cũng biết lặng im để nghe ngóng tiếng chân người. Và dù rất đói bụng và sợ bị đòn, nhưng âm thanh giống như những niềm vui đang trở mình đủ làm một đứa bé ham chơi dừng lại. Tôi bỏ tập sách qua một bên và không ngại lấm lem quần áo, tôi lúi húi vạch từng đồ vật, từng bụi cỏ để tìm… Bàn tay nở hoa theo trái tim đang rất nhiều bối rối. Tâm hồn đứa bé mười tuổi rất đơn sơ và trắng như một trang tập chưa nắn nót những mộng đời. Chưa biết đau vì roi đòn cũng chưa hề chín háp những ước vọng, nhưng sao cảm thấy hạnh phúc khi bắt được con vật nhỏ nhoi trong bàn tay. (con chim non, con dế hay một con quít màu xanh). Thì ra cái hạnh phúc của chúng ta không bao giờ có tuổi?

Tuổi thơ có những luyến tiếc vô lý nhưng cứ ngỡ là trọng đại.

Mùa hè, tôi tắm biển và đá banh trên bãi cát nước ròng. Những con còng gió rượt đuổi nhau và ẩn núp vào những đụn cát, để rồi bị sóng chạy vào bờ cuốn trôi. Giống như tuổi học trò chúng tôi mỗi ngày bị cuốn trôi ra khỏi tuổi thơ mầu nhiệm

Tôi có những bạn thân cùng tuổi và cùng lớp, từng biết rõ hoàn cảnh gia đình và khả năng học hành của nhau. Biết luôn cả những ưu và khuyết điểm của nhau. (biết cả tên cha mẹ luôn). Vì Vũng Tàu nhỏ như một bàn tay và những bạn bè thân không nhiều hơn những đường chỉ trong bàn tay. Sau này, càng lớn, càng biết rõ nhau về tình cảm, về những tình yêu vu vơ mây trời. Nhưng ngày đó, hãy còn sớm để nói lên những điều như vậy cũng như khẳng định cá tính mình. Chỉ biết cắm đầu học trong thời gian ở lớp và chơi tận tình trong dịp bãi trường.

Cánh đồng đó khi tôi đi lính về, khoảng năm 1966- 67 đã có nhà cửa mọc lên. Nhiều đến nỗi tôi không hình dung ra nơi đây từng có một vùng thảo nguyên bát ngát.
Mười mấy năm sau tôi tất bật giữa ồn ào phố thị, nhớ cánh đồng hoang và con đường vắt ngang qua giấc mộng.
Những con hẻm cũng dọc ngang như tấm lòng thiếu phụ. Vì đâu ai biết trong tâm hồn và trái tim của một cô gái nghĩ những gì? Có trì kéo luyến tiếc thời hoa niên hay chằng chịt những nghịch cảnh?

Nghe nói có một khu đất gọi tên là Quốc Hiệp (vì có một ngôi nhà mà chủ nhân của nó là nhà sách lớn ngoài chợ). Tôi không nhớ và hình dung ra vì khi khu đó phát triển thì tôi đã đi lính. Một hướng thông ra hẻm Tự Do và đường Nguyễn Thái Học. Một hướng thông ra đường Đồ Chiểu và Lê Lai. Đôi lần, tôi thấy vài cánh diều chao đảo trên trời. Ban đầu chúng len lén chui qua những khoảng trống của các ngôi nhà có mái ngói vượt trội trong phố, một lúc sau bay hẳn lên. Cuối cùng hòa nhập vào những cánh gió lẳng lơ, nhìn xuống…
2.

Con gái tôi mùa hè này chạm tay với sinh nhật thứ 30. Nó đang chạy trên cánh đồng thơ ấu của ba nó ngày xưa bằng những vòng bánh xe 60 dặm một giờ. Tuổi thơ nó không có cánh diều cũng không có tiếng dế. Không có bụi bặm đường phố và tâm hồn không lấm tấm màu hoa dại ngày nào. Không có những đời chim thơ ấu co ro. Không có con quít xanh làm quà bên ngoài một cành ổi. Nó là một người Mỹ da vàng đương nhiên gia nhập vào dòng chảy của Mỹ Quốc. Làm sao để tôi gởi đến cho nó một lời chúc mang tình tự Việt Nam mà không vấp phải những hờ hững? Làm sao để cho nó hình dung được rằng bên kia Thái Bình Dương có những tuổi thơ của anh chị em nó không có bánh hồn nhiên ngày sinh nhật… Những cơ thể hom hem không lớn kịp vì thiếu vị ngọt của đời…
Buổi sáng có nắng xuyên qua từng sợi màng treo trên cửa sổ để vào phòng. Nắng chói chang nhưng trời lạnh làm sao. Hai hôm trước có đóng băng trên mặt đường và nhiều trường học đóng cửa suốt ngày. Trên màn ảnh truyền hình xướng ngôn viên thông báo danh sách các hãng xưởng mở cửa trễ sau 10 giờ sáng. Danh sách chạy dài nhìn chóng mặt. Ðó đây, một vài hình ảnh vui vẻ khi các đứa bé áo lạnh trùm kín đầu đổ xô ra đường để trượt băng. Chúng hớn hở trong khi những người già co ro đi từng bước chậm rãi trèo lên các tam cấp để vô nhà. Vài người trượt ngã khi vừa bước xuống xe. Ðôi khi hạnh phúc ùa đến cho người này nhưng bất hạnh lại thăm viếng người khác.

Khu nghĩa trang mà tôi đến để thăm lại ngôi mộ của Ng. sáng nay cũng lấp lánh màu nắng. Bãi cỏ rơi rụng vài chiếc lá chưa kịp khô từ một mùa thu. Những cụm hoa cũng héo hon trước bia mộ như nhắc nhở bổn phận của người còn sống. Đó đây, vài cây dâu phơi thân trắng bệt như màu da của người bệnh đang chờ chết. Mọi thứ, đều mang một đời sống âu sầu khi chúng ta đứng trong này nhìn ra xe cộ đang vùn vụt lướt qua đường 35. Hai thế giới trái ngược nhau nhưng song hành bên nhau. Mọi nghịch lý không bù đắp và cũng không san sẻ.
Tôi đứng co ro nhìn lui về phía những ngôi mộ mới làm mộ bia. Không lâu sẽ có thêm những lọ hoa tươi. Ngày mai, hay ngày mốt chúng sẽ tàn héo.
Những kỷ niệm từ lâu chợt ùa về ào ạt, như một tình nhân trở về sau một quay lưng…

Khi tôi chia tay với Ng. vĩnh viễn, đó là mùa đông năm 1999. Từ căn phòng dùng làm phòng hồi sinh trong bệnh viện đường Mopac, tôi viết những câu thơ tặng Ng. lần cuối cùng. Có thể trong cuộc đời còn lại của tôi sau này, tôi sẽ không viết được những lời thơ có khả năng chạm đến nỗi đau dịu dàng. Những lời thơ rã rời làm sao. Chúng kéo tình yêu cắm đầu xuống sự mất mát:

Hãy cuống quít thở lần cuối cùng
Khi những bình hơi chưa kịp cạn
Khi môi khô còn mấp máy tên nhau
Tiếng chuông rung giờ hấp hối
Hãy mở mắt nhìn nhau lần cuối
Cuộc đời vẫn đẹp quanh đây?

Hình như nơi một ngã ba em vừa mới chia tay
Ướt đẫm mưa xuân con đường Mopac?
Ðâu những mâm cơm của thời xa lắc
Tan chợ về nghe mắt cay cay…

Có những chiều hạnh phúc khỏi tầm tay
Em so đũa ăn một mình bối rối
Vì anh giận bỏ ra ngồi biển tối
Uống ly cà phê nghe đắng một nỗi buồn…

Có những ngày tiếng gió thổi muôn phương
Không đứng lại bên đời em ủ rũ
Từ những trang văn viết về nhau rất cũ
Em đỏ hồng đôi má thanh xuân

Ðâu những ly cà phê buổi sáng phân vân
Em không bằng lòng anh uống
Như nhánh sông đen chẻ đời hai hướng
Nửa cơm áo bên này, nửa hạnh phúc bên kia

Ðâu những chiều mưa xuống phố mua bia
Em nở đắng cay… tiếng chì… tiếng bấc
Chiếc gạt nước xua nhanh nỗi buồn khô khốc
Còn lại với đời đôi chút bâng khuâng

Hãy nhắc giùm anh chiếc áo mênh mông
Anh mặc già nua, ốm đau bệ rạc
Hôm nay lái xe về qua một ngã tư quen
Không có ai nhắc chừng… cảnh sát

 Hãy đọc thơ anh một lần cuối cùng
(những bài thơ em không hề để mắt)
Bởi cơm áo theo em sẽ lấp đầy cuộc sống
Ngược với tiếng lòng xua đuổi tương lai

Những lời thơ không nén chật ngày mai
Không thể làm no tháng ngày quá khứ
Em không hiểu lá dâu xanh mọc trên cành tuyệt vọng
Là khởi đầu cho hạnh phúc em ơi...
Những con tằm nhờ nó nhả ra tơ
Lấp lánh vầng trăng giữa tinh cầu mệt mỏi.

Hãy hôn anh một lần, một lần.
Khi đôi môi chưa nứt mầm phản bội
Khi chưa biết nghĩa trang, chưa tím bầm bóng tối
Khi tháng mười còn cháy đỏ lá phong
Khi tim xanh còn mới huyết cầu hồng…

Hãy cười với anh và khóc với anh
Với nắng xôn xao với mưa tầm tã
Những buổi xuống ca em về mệt lã
Viên thuốc an thần đợi giấc mơ xanh

Bây giờ không còn ai cản ngăn anh
Thức suốt đêm sâu trải lòng ra giấy
Ngực lép ho lao những con vi trùng bay nhảy
Hóa thân thành những câu thơ…

Hãy nhắc giùm anh một kẻ hay mơ
Chậm chạp rong chơi suốt đời lạc mất
Hãy nhắc giùm anh những thời trăng mật
Áo bà ba khi mắt biết mơ màng
Khi lượng đời còn tươi nét khoan dung
Khi trái đắng chưa no cành bất hạnh

Hãy gõ vào trái tim anh
Những lời bông đùa cười cợt
(Tên cù lần của em- tên ngốc của em)
Buổi sáng đi làm nghe thiếu vắng hơi quen
Trên ghế nệm xe chỗ ngồi nhức nhối

Hãy nhắc giùm anh, cho dù rất vội
Nụ hôn buồn quên tặng giữa môi nhau
Hãy nhắc giùm anh sinh nhật của mùa sau
Ngọn nến rưng rưng cháy lòng mưa bão...

3.
Con gái tôi lặng lẽ ngày mẹ nó mất. Nó ở nhà một mình trong khi tôi túc trực trong nhà thương, lo lắng mọi thủ tục. Một buổi chiều tôi trở về nhà để thay đổi quần áo, tôi thấy nó nằm ngủ dưới nền thảm, không ngủ trên giường. Nó ngủ một mình như vậy với chiếc gối và chiếc chăn mỏng.
Nó hôn tôi. Ðôi mắt nó bộc lộ sự đau khổ dù nó cố nén. Chắc nó muốn làm một người trưởng thành. Ðó là mùa đông năm 1999.
Nếu chậm vài tháng nữa là đến sinh nhật của nó. Lúc đó nó vừa 13 tuổi.
Nhưng, năm đó tôi và con tôi quyết định không làm điều gì hết...
Có những nỗi buồn tự nó sẽ bốc hơi. Nhưng cũng có nỗi buồn sẽ già háp trong lòng.

Tuần lễ sau đám tang, tôi đưa nó xuống Downtown, đi lại những đoạn đường chúng tôi từng đi khi mới vừa qua Mỹ. Tôi ghé vào sân cỏ trước điện Capitol, ngồi dưới một gốc sồi có tuổi thọ gần 100 năm, nhìn ra những bức tượng những người lính cưỡi ngựa mà ngày xưa gia đình tôi đứng chụp hình bên dưới.
Mùa đông, gió hiu hiu nhưng rét mướt khôn cùng. Ly cà phê cầm trong tay không còn khói và lạnh tanh. Bức hình đã ghi lại toàn cảnh điện Capitol và chúng tôi đang nhìn đăm đăm vào ống kính. Ðời sống khoáng đạt và hàm chứa những hạnh phúc ngoài kia, trên các tòa buynh đinh được xây bằng kính bao bọc chung quanh. Ðời sống cũng hàm chứa một giấc mơ tuyệt vời vàng ửng đắng cay khi còn sống ở Vũng Tàu.

Ngày đó, những chiếc áo lạnh thùng thình mua trừ hao trước khi rời Việt Nam (ở đường Huỳnh Thúc Kháng) đã giúp chúng tôi đương cự với cái lạnh tháng ba. Bây giờ, 9 năm sau, những chiếc áo lạnh trừ hao đó vẫn chưa suy suyển, nhưng chúng được nằm yên trong đáy rương. Giống như một chứng tích héo hon nhưng đậm đà cảm xúc. Chiếc rương bằng nhôm do dịch vụ Tân Sơn Nhất làm ra (tính thêm vào tiền phục vụ) có vẽ tên tuổi chúng tôi, cùng địa chỉ nơi đến tại Hoa Kỳ để có thể đi theo chúng tôi mà không sợ lạc mất. (Vậy mà lúc quá cảnh ở phi trường Bangkok, một trong 2 chiếc rương bị lạc và mãi gần đến ngày có chuyến bay sang Tokyo, chúng tôi mới nhận lại).
Con tôi ngày đó mới 4 tuổi rưỡi. Tôi cõng nó đi dọc theo hành lang để vào thang máy bay. Nó ngủ gục trên vai tôi. Tôi đi qua những hành lang mênh mông trong phi trường, qua những trạm kiểm soát nghiêm nhặt. Những quán xá phục vụ theo lối Mỹ và bia bọt hổn hển trong tiếng nhạc. Những bàn ghế có người ngồi quay ra. Những vòng môi và những lưng ong óng ả.

Bây giờ mẹ nó dừng lại ở một ngã ba. Không kịp báo trước một lời chia tay. Tôi thay mẹ nó để dẫn nó đi tiếp con đường đến trường học và trường đời như lời ru ngày nào. Dầu không có cầu ván lắt lẻo, nhưng Mỹ Quốc hình như đang gập ghềnh. Trên từng dặm đường cộm lên nỗi bất an ngờ vực và trên những vòng bánh xe, không ai có thể biết tương lai của mình ra sao. Kinh tế khó khăn, công nhân thất nghiệp, cùng với niềm tin bị lung lay cũng là một hình thức khủng bố không có tiếng nổ, đã làm sầu muộn nước Mỹ.
Bây giờ, có thể con tôi sẽ không cần tôi dẫn đi trên quanh co trường đời. Nó cao lớn và tự xoay sở được một mình khi tôi không còn bên cạnh nó. Khi hôn tôi để tỏ lòng yêu mến, nó cúi xuống thay vì ngước lên. Và nhiều khi, nó làm ra vẻ như sẵn sàng che chở tôi.
Có thể nó chưa thấu hiểu được giá trị đời sống làm ra bằng những cơ cực và chông chênh. Có thể nó sẽ đi xuống cuộc đời bằng tấm lòng căng gió trùng dương và bỏ quên quá khứ. Nhưng trái tim nó chắc sẽ còn thẩm thấu những giọt lệ cơ hàn từ tôi và mẹ nó. Chắc chắn nó chưa hoàn toàn trở thành một đứa trẻ Mỹ để quay lưng lại một tình tự Việt Nam.

Ðêm nay, tôi tình cờ nghe lại tiếng dế kêu. Nó nằm trốn cẩn thận dưới chiếc rương nhôm ngoài garage. Tiếng dế khua động một ngăn đời chật hẹp của một người đàn ông già để làm non những kỷ niệm.
Tiếng dế, dù nghe bằng thính giác, nhưng lạ lùng sao, giống như hương vị một ly cà phê đủ để làm tôi mất ngủ, thao thức về một cánh đồng xưa khi tôi tan trường về. Không có những lon sữa bò móp méo trên đất đai tạm dung trù phú này, cũng không có màu hoa mắc cỡ từ một góc đường xa lộ, nhưng tôi vẫn cảm giác được mọi thứ đó đang gần gũi với tôi. Làm cho đời sống tôi thêm ý nghĩa và làm tôi biết tri ân cuộc đời này. Cũng như từng tri ân đất đai sinh tôi và nuôi tôi khôn lớn. Vạt đất hiền hậu nơi vùng biển xưa làm thổn thức mảnh trăng thời thơ dại. Nơi tuổi thơ tôi hay khóc cười vì những chuyện không đâu. Như chuyện con chim chết trong lồng hay cánh diều đứt dây bay mất.

Ðêm nay, giữa một ngôi nhà im vắng không có bóng dáng một người nữ để chiêu mộ một tình yêu. Thiếu vắng một tiếng cười để nghe hồn đêm thao thức. Những vì sao đang nhỏ lệ. Tiếng dế nghe như một hạnh phúc ngợp ngụa niềm cô đơn. Sự cô đơn rực rỡ trong lòng đời ngạt ngào…

PNY.

 

1 comment: