Wednesday, July 6, 2016

ôi giấc mơ non của ông già

thơ
phạm ngũ yên















 




Rất nhiều ngày anh không làm được bài thơ
Nên những bước chân cứ dẫm vào nỗi nhớ
Một nửa hồn nhiên nửa chập chùng lo sợ
Một bờ sông nghe cạn nước từ đầu

Ngày rất dài và đêm rất thẳm sâu
Sợi tóc mới vui nay biến thành giận dỗi
Những bảng stop signe nơi cuối đường nông nỗi
Những buồn vui theo mắt liếc môi cười

Con chim nào nhiều buổi sáng hót chơi
Con dế gáy vang trong hộc bàn góa bụa
Mùa hạ cháy trên những cành hoa lửa
Phượng của đời hay phượng của em thôi?

Vũng Tàu từng son trẻ thuở hai mươi
(Vừa ai đó gởi hình lên Face Book)?
Anh chóng mặt giữa tháng ngày dung tục
Giáo đường quen cùng những tiếng chuông quen

Chợt đắng lòng nghe hai chữ nhân duyên
Ai ngồi xuống phía bên này oan nghiệt?
Ai đứng lại giữa muôn trùng luyến tiếc?
Lời của trái tim sao không đủ ngôn từ?

Quán vắng em rồi nên quán rất ưu tư
Hàng cây thiếu một mùi hương thiếu phụ
Bụi bậm ngủ yên trên những bàn ghế cũ
Có một người quay quắt nhớ gì đâu…

Một chuyện tình dang dở đã từ lâu
Khi cuộc sống trôi theo những điều không thực
Anh thèm khát nụ hôn lần mới nhất
Một bàn tay che khuất bóng trăng cười

Em làm con sông nhỏ chẳng thèm trôi
Mặc anh đứng ngó một mình ra biển
Những con thuyền đi hoài… không thấy bến
Những cuộc đời chưa khóc đã rưng rưng

Có những ngày nắng khát gọi mưa xuân
Buồn lây lất một tình yêu rất vội
Ngày em đến rồi đi như gió thổi
Anh vụng về không biết dỗ dành đâu…

Trong tận đáy lòng và mãi đến nghìn sau
Một mối tình tay ba đi vào một chân trời xa lắc
Nhưng nghĩ về ai anh cũng nghĩ về em trước nhất
(Nghĩ về em anh thanh thản cả ngày)

Có điều gì trong buổi sáng hôm nay
Xe cộ miên man những nhịp cầu xa lộ
Tim chợt lạnh chợt nhủ lòng đừng nhớ
(Một mùi hương còn đọng chỗ em ngồi)

Xa em rồi làm … ông lão… mồ côi
Trên chăn gối tiếng đời đi rất vội
Vừa mới đó vẫn còn nghe nóng hổi
Vị ngọt ngào làm kiêu hãnh môi son…

Một đời già ôm mãi giấc mơ non
Dẫu từ chối bão giông … nhưng mỗi ngày mỗi đến…
Bông hoa nở giữa sân vườn trìu mến
Vừa mới hôm qua sao đã héo khô rồi…
PNY

No comments:

Post a Comment