Wednesday, February 25, 2015

viết cho hồn thơ dại

thư viết từ đường heatherglen

Phạm Ngũ Yên

1.
Có những lúc tôi muốn đi về phía một tình buồn, như đi về một trạm dừng của định mệnh. Nơi phố khuya miệt mài những hàng cây và con đường mệt đuổi theo những quá khứ. Đêm chưa kịp thắp đèn mà đêm đã mù mịt giăng mưa. Những đời xe nối đuôi nhau ướt át theo dòng đời. Không ai đón tôi nơi cuối đường. Không cả vòng tay chật ấm cùng với nụ hôn dài cả một đời người cộng lại.
Đâu rồi nụ cười của em, cùng tia nhìn bão lửa? Tôi trói mình vào gian phòng đang ủ kín mùa xuân trong khi gió lạnh còn tạt hối hả qua lòng.
Góc đường tháng hai đang ẩm ướt mưa bụi. Ai đợi chờ tiếng phone của ai đêm cuối năm và tiếng thời gian đi từng bước thầm trên tờ lịch cũ. Có rất nhiều đời sông vội vã đi qua một khúc quành để kịp chảy xuôi về biển lớn. Tình yêu nàng dành cho tôi giống như dòng sông ngày nào. Nàng chảy ngược ngang đời tôi rồi xóa nhòa một dấu tích.
Con người luôn có trái tim yếu đuối, nhưng lạ lùng thay nó có thể chịu đựng được hết mọi thống khổ tình yêu. Mùa này, những cây sứ đang nở hoa trên đường về Dinh Ông Thượng. Màu hoa trắng tinh chở chuyên hạnh phúc thời con gái của em. Và trái tim lãng mạn cho đi mà không biết lấy về. Hương thầm của hoa và hơi thở em đang hòa nhập làm một đọng lại giữa hồn tôi hớn hở, trong khi môi em cuống quít một màu son.
Mùa này, Việt Nam đang mùa Tết. Tôi đã qua một tuổi thơ mộng mị để bay bổng những điều tưởng như cỗ tích. Bụi thời gian dù có chồng chất từ sau một cuộc biển dâu, nhưng không làm sao xóa mờ những ngăn ký ức. Giống như ngọn lửa giữa đêm về sáng của ngoại tôi bên nồi bánh chưng. Thơ ấu của tôi còn rõ nét một buổi chiều cuối năm như vậy, để tôi biết rưng rưng một màu nắng. Có phải nó đang nằm yên nơi ngạch cửa để chờ đợi vỡ òa khôn lớn. Và trái tim sắp chín đủ đau buồn?
Nhiều năm rồi tôi vẫn còn nhớ như mới vừa hôm qua, một lần tôi được thức khuya để coi bà ngoại tôi nấu bánh chưng. Lòng náo nức một niềm vui vì sáng mai được mặc quần áo mới, được tiền lì xì làm tôi không thấy buồn ngủ. Đêm tối đen xào xạc tiếng lá cây sau vườn. Nơi có những cành lá chuối sau nhà xô giạt vào nhau như tiếng đùa cợt của hồn ma bóng quế. Tuổi nhỏ luôn có nhiều lý do để sợ hải. Tôi tin những điều huyễn hoặc được nhào nặn, thêu dệt của người lớn. Bây giờ hồi tưởng lại tôi thấy buồn cười. Nó thay đổi theo thời gian và gắn chặt trong lòng tôi có thứ tự lớp lang như bố cục tuyệt vời của chuyện cổ tích. Tôi không dám ra vườn ban đêm và khi ngủ tôi dành nằm phía trong hoặc giữa mấy người lớn. Chiếc mền trùm kín không để hở chân. Lòng an tâm tự nhủ nếu có gì xãy ra thì tôi sẽ là người sau cùng đối diện với bất trắc. Có lần, tôi làm gan đi theo ông ngoại tôi ra sau vườn, để tìm một con gà lạc đàn không chịu về ngủ ở chuồng. Dưới ánh đèn “bão” xanh mướt thắp bằng dầu hôi, tôi co rúm bước theo ông, mắt nhìn dáo dác, sợ bất cứ một tiếng động nào vang lên hoặc sợ gió làm tắt ngọn đèn và tôi sẽ lạc mất ông tôi. Và một ông thần hung ác hay một con quỉ sẽ nhảy bổ ra, bắt tôi đem về hang của nó.
Buổi chiều bà ngoại tôi sai bà chị lớn của tôi tướt lá chuối để bà gói bánh. (Bây giờ bà chị đã đi tu. Không biết mùa xuân có làm chị tôi nao lòng khi tiếng gió thổi qua sân chùa. Nơi có góc vườn bồ đề trở trăn một kiếp người ngắn ngủi?). Nếp và đậu xanh được chuẩn bị từ buổi sáng. Mọi thứ được gói gém gọn gàng thành từng phần đều nhau. Chính giữa là thịt mỡ và cuối cùng được bọc bên ngoài bằng lá chuối, sau đó cột dây chặt chẻ chung quanh. Một bà chị khác lo châm củi nấu nước. Nồi nấu bánh là một thùng sắt vuông có từ thời Nhựt Bổn đô hộ. Má tôi cũng không hở tay, bà lo làm thịt một con gà để cúng ông bà. Trên bàn thờ gia tiên đã có vài ngụm khói. Những sợi khói quẩn quanh không chịu bay xa mấy bộ lư bằng đồng. Vài đĩa mức. Vài đĩa trái cây. Một chai rượu mua ngoài tiệm “ba tàu” còn nguyên giấy kiếng chưa mở ra. Không thể thiếu một bình hoa vạn thọ vàng chói nằm bên cạnh. Và một phong pháo dài treo trước cửa. Đúng nửa đêm cậu tôi sẽ đốt.
Đêm chưa đến bao lâu, nhưng tôi nghe lác đác vài tiếng pháo vội vàng của ai đốt tiển đưa một năm sắp tàn. Tiếng ồn ào của nhà gần đó, đang mở vội một sòng bầu cua. Tiếng cười nói, tiếng nhạc mừng xuân từ chiếc radio mở hết âm độ từ một căn nhà khác.
2.

Khi đi vào đời, rồi vào lính, những mùa xuân như vậy không còn được bao nhiêu. Nó không theo tôi vì mỗi năm hoàn cảnh đổi thay. Lòng người cũng đổi thay theo. Những hơi thở chất ngất tình tự gia đình đã chìm khuất trong một ngăn đời quá tải. Những chiếc bánh tét, bánh chưng thơm mùi lá chuối non cũng mai một dần dà. Chiến tranh và nhịp sống vội vã đã đẩy những hình ảnh thân thiết đó vào tận cùng tâm hồn tôi và trái tim tôi chai mòn kỹ niệm.
Tiếng pháo, đôi khi thay bằng tiếng súng bên kia núi, làm mùa xuân trở nên cay đắng hơn. Tôi không còn thường xuyên ở thành phố. Dấu chân mòn vẹt đế giầy “sô” trên các vùng chiến thuật. Năm trước ở vùng 1. Năm sau ở vùng 2. Màu áo treilli cũng phai màu nắng mưa trong khi tóc tai bồng bềnh bụi đường từ một quán gió. Những bài hát về lính, ca ngợi tình lính luôn tuôn chảy trên làn sóng điện, khi dừng chân tại một khu gia binh. Những bài hát thời thượng tôi không muốn tha thiết để nghe, vì tôi nghĩ nó hơi cường điệu và hơi làm nản lòng … chiến sĩ : “đồn anh đóng bên rừng mai, nếu mai không nở, anh không biết xuân về hay chưa…” (nhưng bây giờ, sau ba mươi mấy năm tôi nghe lại thấy cũng hay).
Những mùa xuân xa nhà trong đời lính rất nhiều. Những gác trọ quen thuộc cũng vùi dập một đam mê khi tôi đi phép về Sàigòn. Con đường Nguyễn Thiện Thuật khu Bàn Cờ và căn nhà giặt ủi Như Ý. Tôi đã có những ngày tết đầy đủ nhan sắc và mùi vị học trò. Bà chủ nhà tốt bụng cũng là người dân Vũng Tàu. Mấy anh em của Nguyễn Hải Nam, Nguyễn Hải Đông, và các cô em Thu, Cúc đã yêu mến tôi coi tôi như người nhà. Tôi ghé ở tại đó vài hôm Tết, trước khi đón xe đò về Đà Lạt.

Mùa Xuân Sàigòn luôn lấp lánh những suối nắng chảy dọc dài các ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Sàigòn đầy bụi cuốn tung khi gió theo bước chân các cô nữ sinh tan trường về. Tà áo dài quấn quít e thẹn khi họ băng qua đường. Sàigòn muôn thuở thiếu mùa thu và Vũng Tàu mùa đông cũng ngỡ ngàng xác hoa muồng rụng xuống trên tam cấp nhà thờ. Tôi đứng trên ban công căn nhà 16/14 đường Nguyễn Thiện Thuật nhìn xuống người đi như lá xanh. Các xe Honda luồn lách tài tình trong đường hẽm chật chội. Vài xe xích lô nổ máy chờ đợi khách hàng trả giá bên vựa dưa hấu chồng chất, bên gánh hàng hoa đủ màu. Tiếng rao bán vé số và tiếng hát mời gọi một thời vận huy hoàng của Trần Văn Trạch vang lên quen thuộc ”kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta /mua vé số này giàu sang mấy hồi…”
Bên kia đường là quán cà phê Năm Dưỡng. Một góc khác là lớp dạy Anh Ngữ có tên là Trung Hiếu. Tôi đã từng là khách quen của cà phê Năm Dưỡng khi về thăm lại Bàn Cờ. Ngồi ở một chiếc bàn gỗ thấp, trước mặt là ly “xây chừng”- đôi khi là ly bạt xĩu- Châm điếu thuốc Bastoz xanh và rít một hơi vào trong buồng phổi, trước khi thở ra ngoài. Khói chảy tràn lơ đảng. Tôi thấy đời sống cũng tất bật và ồn ào giống như xe cộ đang xuôi ngược bên ngoài. Vài xe hủ tiếu, xe bánh cuốn, xe bò bía đậu chênh vênh trên vỉa hè. Lâu lâu có vài chị bán mía ghim, bán trái cây ngừng lại. Mọi hình ảnh tưởng chừng như nhỏ nhoi và rời rạc đó, nhưng là mảnh keo vặm vỡ nối kết đời sống này trở thành một phần của Sàigòn muôn mặt.
Những ngày như vậy tôi rất hạnh phúc. Có những xác hoa vàng đại diện một mùa xuân đã nằm lại đâu đó trên góc phố. Tiếng cười mật ngọt của người con gái bên kia lan can lầu ghi dấu một câu chuyện tình dang dở bị chết non. Từ lâu tôi cố gắng nhớ lại một dung nhan tình cờ trên chặng đường xuôi ngược. Và một mùa xuân êm ả bên dòng đời. Nhưng thời gian giống như cơn sóng, xua đi những rác rến cùng những cành hoa trôi hết ra ngoài khơi biển động. Cuối cùng không để lại dấu vết.

Người con gái trên lầu hoa một lần tôi thấy khi đứng bên này nhìn sang. Chiếc áo dài màu xanh da trời và chiếc áo lạnh màu đen hờ hững, trông nàng vừa sang trọng vừa lạnh lùng. Chỉ có đôi mắt hấp háy nụ cười hoặc không khí mùa xuân làm nàng có vẻ tự tin, yêu đời? Ngay cả cái tên của nàng tôi cũng không biết. Tôi hỏi thăm Thu, Cúc thì biết nàng không phải là người địa phương, giống như tôi, từ xa về thăm bà con ở Sàigòn. Cứ coi như tôi và nàng là “hai người dưng khác họ”, nhưng lạ lùng làm sao, không biết tại sao tôi cứ đem lòng hoài vọng?...
“Hãy gọi cho anh khi đêm đã khuya rồi
Khi anh đã về với mình rất thật
Khi anh thấy tận trong anh- sâu nhất
Ánh mắt em nhìn trách móc suy tư” (?)
Đoạn thơ của ai đó, tôi không biết tên tác giả chợt tạt qua trí nhớ, như minh họa lại một góc quá khứ đậm đặc nỗi buồn mà mãi sau này tôi mới biết, sau những ấm lạnh tình đời…
3.
Bây giờ căn nhà 16/14 đường Nguyễn Thiện Thuật đó vẫn không thay đổi một chút nào. Không sửa sang thêm cũng không tàn phai thêm. Bà chủ nhà dĩ nhiên có già đi chút đỉnh, nhưng vẫn mang dáng điệu sang trọng, quí phái của một người phụ nữ Hà Nội. Còn Thu, Cúc hai cô gái đã có chồng. 
Chỉ có Đông và Nam không tin tức sau ngày vượt biên. Không ai biết về chuyến ghe có hai anh em trên đó. Tội nghiệp người đàn bà vẫn hơn ba mươi năm chắt chiu hi vọng nhìn thấy hai đứa con trai trở về. Bà không tin Đông và Nam là hai vì sao xấu số trong muôn vạn vì sao đang lấp lánh trên trời. Những thày bói, những cô đồng nổi danh Sài gòn đều được bà ghé lại hỏi han. Những số tiền không nhỏ bỏ ra chỉ để thu về một kết quả lạc quan ít ỏi. Nhưng tất cả đều sai lạc, mơ hồ…
Tôi ghé thăm bà một lần. Rồi không bao giờ dám ghé lại một lần thứ hai. Không phải tôi vô tình nhưng tôi không muốn nhìn thấy hi vọng của ai kia bị bầm vập dưới những bước chân đời, như cành hoa mùa xuân bị tàn phai sau một ngày tan chợ.
Dỉ nhiên, người con gái trên lầu hoa cũng biền biệt. Tình yêu đi qua đời nhau nhẹ nhàng, lặng lẽ. Nhưng làm buồn và rách rưới một tương lai.

Sáng nay, một đóa hoa xuân rụng bên thềm vì gió lạnh, khi tôi đi ra ngoài lấy thơ. Mưa rơi mỏng như sương mù. Hoa đã chết non một đời hoa vì cuộc đời không chịu xanh hồn thơ dại. Nhưng trái tim vẫn râm ran những bản tình ca dù tình yêu đã ngã xuống lâu rồi…
PNY

 

No comments:

Post a Comment