Saturday, July 28, 2012


BIỂN XƯA KHÔNG CÒN HÁT

th. đoàn thy vân

BIỂN KHÔNG CÒN HÁT. Những hàng liễu xanh cũng hết lao xao, chỉ còn gió, gió từ muôn phía, gió từ biển khơi thổi vào mang theo vị mặn. Gió từ những động cát thổi ra làm ran rát mặt và có kèm theo mùi rong cỏ của những bầu sen gợi nhớ tuổi thơ với những chiếc cần câu nhỏ, nhưng dường như giun dế đã quá giang theo dòng người vượt biên tìm đất sống. Tuyệt nhiên không có hương sen, hương súng thoảng đưa vì sen súng đã tàn úa theo tháng ngày đổi đời trăn trở dười bàn tay thô bạo của những người dân mới nhập cư.

          Vũng tàu bãi trước đón tôi về như đón một người khách lạ, những kiosque dể thương đã biến mất.  Ngước lên núi nhỏ tôi có cảm giác như ngọn hải đăng nghiêng xuống nhìn tôi mà thầm hỏi: “Về làm gì khi Vũng Tàu thân quen đã không còn nữa, và hải đăng đã quá già nua không còn sức để soi đời trên biển đêm Ô Cấp?

           Tôi không còn biết gì về Vũng tàu nữa dù đã đi một vòng xe ôm qua những nơi chốn ngày xưa quen biết, qua cả ngôi trường ngày xưa tôi theo học. Tất cả đã biến dạng, những con đường thân quen những địa danh ấm áp đã chia ngang xẻ dọc vô lý như bàn cờ nát, như lưới nhện nhà hoang.

           Với tôi Vũng Tàu biển không còn hát vì dân mới nhập cư làm sao hiểu được tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá nói gì, tiếng liễu ru dưới ánh trăng non tâm sự, tiếng thì thầm của những đợt sóng lăn tăn như mời gọi dân chài những chiều nước rút. Cảnh quan đã hoàn toàn thay đổi, những ngôi nhà cao tầng chen vai sát cánh mọc lên như nấm với nhiều màu sắc và nhiều khuynh hướng kiến trúc tùy tiện thoạt trông như bức tranh vẽ vụng của những người cầm cọ bất tài. Vũng Tàu như cô gái giang hồ già nua đang cố bôi son trét phấn để che đi nhan sắc tàn phai của chính mình.

            Biển không còn hát, nhất định như thế và tôi xuôi dòng ký ức tìm về một thời rong chơi ở Vũng Tàu nhỏ xíu như bàn tay, đầy nắng gió nhưng cũng đầy ắp tình người, với cà phê kho Liên Tinh, cà phê filter thằng Cuội, Quán thằng Bờm. Quán kem Anh Đào nơi có hai cô bé chỉ nhìn qua là đã mát cả người. Quán ăn Thanh Cảnh với những bàn bi da đầy quyến rủ một thời tuổi trẻ, tôi nhớ đến Kim Chi cô con gái người chủ quán đang ở thời 16 trăng tròn dường như phổng phao hơn số tuổi, đã làm ngây ngất bao nhiêu trái tim trai trẻ dĩ nhiên trong ấy có cả tôi. Nhớ tiệm chụp hình Kim Phượng đã cho tôi những tấm hình đầu tiên để gởi vào lưu bút, Tiệm trồng răng Ông Năm chửa cho tôi mấy cái răng sâu. Nhà may Thăng Long có cô em màu da bánh mật đã làm tôi mất ngủ nhiều đêm. Tiệm thịt bò Đồng Thanh có hai anh chàng quỷ sứ bạn tôi. Mắm ruốc Bà Giáo Thảo cũng có cô em ngày xưa hoàng thị trong trí nhớ tôi. Bánh cuốn Hy Thái, quán cơm Hải Âu. Những rạp cine Võ Ngọc Chấn, Duy Tân, Kim Đô là những nơi có nhiều bóng tối từng che chở cho những nụ hôn thầm.… nhiều, còn nhiều lắm, đầy ắp trong ký ức tôi. Nhưng tất cả đã biến dạng hoặc không còn nữa. Tôi đã là khách lạ trên chính quê hương tôi. Tâm hồn tôi rụng xuống như trái bàng rơi khô khốc trên lề đường xi măng kẻ ca rô ngang dọc thuở nào.

          Những đường kẻ ca rô xẻ ngang ký ức và tôi nhớ đến Sa Giang, người con gái bắc kỳ kiêu sa theo gia đình từ thành phố xuống nhập học trường tôi. Nàng trông lớn hơn tôi thấy rõ vì nàng học lớp trên và đã qua lâu cái tuổi dậy thì, nàng như trái cây vừa chín tới thoạt trông là đã muốn vịn cành. Và nói theo cách xếp hạng bình dân bây giờ thì nàng thuộc loại “ngực tấn công mông phòng thủ”. Có lẽ trong số những chàng trai mới lớn si tình nàng thì tôi là gã si tình nặng nhất nhưng nhát nhất. Đã bao lần trốn học để ra bãi trước ngồi dưới những gốc bàng vớ vẫn làm thơ tặng nàng. Trên bàn học khắc tên nàng chồng chéo, những câu thơ tỏ tình vụn vặt, có trái tim và tên bắn xuyên tâm. Sa Giang, chỉ cái tên thôi đã nghe như chập chùng sóng nước sông hồng, đã ngầy ngật tâm hồn đầy mơ mộng của tôi. Thơ chỉ đến tay nàng một lần duy nhất và không hề có hồi âm, kết quả là năm ấy tôi thi rớt, còn nàng đang là bạn rất thân với anh chàng Trần xóm lưới đang học cùng lớp với nàng.

         Không hiểu là biển gọi hay quê hương gọi, tôi và Trần trước sau đều lên đường nhập ngủ. Tôi vào lính mang theo hình ảnh nàng và một mũi tên xuyên tâm. Dĩ nhiên điều này nàng không hề hay biết.

         Riêng tôi lại biết đôi chút về nàng thông qua bà chị Hai học cùng lớp với nàng. Sa Giang là đối thủ của chị tôi, cứ cho là như thế vì trước khi Giang về nhập học thì chị tôi đã là bạn khá thân thiết của Trần (sau này là bạn của Giang) Trần học giỏi, cùng lớp nhưng vẫn thường phải giảng bài thêm cho chị tôi vì thế hai người thân quen còn yêu đương ai biết. Khi Giang về và thân quen với Trần thì Chị tôi đã là người ngoài cuộc. Tuy vậy chị vẫn lưu tâm đến Giang và Trần.

Sau khi Trần và tôi nhập ngũ thì Giang thi rớt phần 2 và lập gia đình với một anh chàng sĩ quan Truyền tin xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân Vũng tàu. Chị tôi lòng vui như mở hội nhưng có biết đâu Trần lại đau nhức niềm riêng vì sau khi ra trường anh lại được chuyển về trường Truyền tin làm việc dưới trướng của chồng Giang.

Sau đó có lẽ vì không chịu được nghịch cảnh này nên Trần đã tình nguyện đổi về Bảo Lộc tìm quên theo sương trắng nghe thông reo mà ngỡ như biển hát. Trần đẩm mình trong chữ nghĩa và trở thành một nhà văn khá thành công vì những bài viết về tình yêu mượt mà làm nhức tim người đọc. Không lâu sau chồng Giang tử nạn giao thông ở cầu Cây Khế. Và Giang với đôi mắt lá răm lệ nhòa ngày tang chế cũng bốc hơi biến mất. Chị Hai tôi xuống tóc vào chùa Tịnh Độ thả hồn theo kinh kệ thu mình trong nhang khói thập phương.

Có lẽ biển đã không còn muốn hát ngay từ dạo ấy.

Chinh chiến điêu linh, chinh chiến tàn, vật dổi sao dời, tôi và những người cùng lứa cũng phải đổi đời. Giang đi đâu, Trần về đâu, ai biết chỉ còn sợi nhớ mong manh.

Những tưởng đã quên, nhưng sao vẫn nhớ, gót son nhẹ bước kiêu sa, đôi mắt lá răm hờn sông mà nổi sóng. Giang về đâu sóng nước về đâu.

Dòng sông đời vẫn chảy thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua, hoa nở hoa tàn và tôi nhìn lại trong gương đã bạc nửa mái đầu bên trời phiêu bạt.

Vịnh San Francisco một chiều gió nổi, tôi ghé vào một tiệm rượu vắng khách không quen. Cô hầu bàn người Mexico vặm vở nở nụ cười thân thiện và hỏi ngay: “Anh đầu đen Châu Á? Giống chồng em! Nhưng chồng em đã chết sau lần đánh cá cuối cùng”. Tôi thảng thốt. Nàng quay người đi và mang ra chai rượu, xô đá và… mấy con khô mực nướng. Tôi lại ngớ người. Nàng cười cười nhìn tôi: “Không phải của em mà là của đồng hương anh đấy. Chờ nhé”.Quả thật trong một quán rượu Mể mà lại có khô mực đưa cay thường thì chỉ rượu trắng Tequila, máy lát chanh và muối… Tôi thầm nhủ người Việt mình hay thật bà Mể to thế kia mà cũng vơ vào.

         Sau ly rượu thứ hai, tôi lơ đảng nhìn qua cửa kính, vịnh Sanfran sóng gợn lăn tăn, xanh biên biếc, những cánh buồm vô định vẫn êm trôi. Còn tôi, tôi vẫn trôi đấy chứ, nhưng về đâu và sẽ đến đâu, tự dưng tôi nhớ Vũng Tàu và muốn nghe biển hát nhưng Ô Cấp đã là một chỗ nào xa. Một lần về là chia xa miên viễn. Nhưng Vũng Tàu ơi, vẫn nhớ lời biển hát, biển lẵng lơ vẫn nhưng nhức trong tim. Khói thuốc vờn bay tôi mềm người trong nỗi nhớ, nhớ gì lạ quá đi thôi.

Tự dưng nghe thoảng mùi hương, là sen hay súng là lý hay ngâu là chanh hay bưởi nhưng rõ ràng là đang có một mùi hương. Tôi quay người lại, trước mặt tôi là một thiếu phụ gương mặt còn đậm kiêu sa, chỉ có đôi mắt gợn buồn man mác như hồ thu có sóng chao nghiêng. Là Giang, nhất định là Giang vì làm sao tôi quên được đôi mắt lá răm kia đã theo tôi suốt cuộc đời này. Nàng không nhận ra tôi vì vết thời gian đã làm thay đổi dung mạo mỗi người, tôi lại để râu và mang kính. Nàng chìa tay thân thiện: “em là Saphire cứ gọi là Sa, vì anh là Việt Nam, sao em biết ư? Họ anh thêu trên túi áo kia kìa”.Tôi lại ngớ người.” Anh đừng ngạc nhiên, em ngồi được chứ ?” Và nàng thản nhiên ngồi xuống dù tôi chưa trả lời. “Em là… là chủ quán nhỏ này, cô chạy bàn hồi nảy là em dâu họ của em, chồng nó là dân đi biển và đã tử nạn”. Để tự kềm chế tôi rót ly thứ ba và khẻ khàng: “em dùng chút rượu chứ?”. Nàng cười… “Cám ơn, em có thứ của em…” Và rút trong túi áo blue của nàng một chai Martel bỏ túi đã cạn nữa phần…có lẽ không thể giữ thêm bình tỉnh vì thân hình toát ra hơi ấm cùa nàng cận sát bên tôi, tôi tháo kính và xoay người nhìn thẳng vào nàng khẻ gọi: “Giang, Sa Giang Trung học Vũng Tàu nhớ không?” Nàng giật mình và nhìn tôi chăm chú. “Anh là… là Hà hải đăng”.  Nàng ôm chầm lấy tôi xem như chung quanh chẳng có một ai, may mà quán vắng…  Rượu chưa cạn tiệc chưa tàn và chúng tôi dường như cùng trôi vào vùng ký ức nào xa…  

       Nhà Giang là một biệt thự nhỏ nằm trên đồi bắc nhìn xuống vịnh Sanfran, nửa đêm ngồi nhà như chìm giữa ngàn sao, gió từ vịnh thổi vào mát lạnh. Tôi không khỏi chạnh lòng vì cảm giác cô đơn và trống vắng như khói sương vẫn bàng bạc quanh đây…

        Lò sưởi nhỏ vẫn râm ran cháy, ấm nồng mùi gỗ oak. Nàng tựa vào tôi không chút ngại ngần. “Anh nhận ra em mà sao không nói? Khôn thật, thôi để em tâm sự cho anh biết ngọn ngành. Anh chàng làm thơ vớ vẫn kia ơi, em chẳng yêu Trần và cũng chưa hề yêu chồng một phút. Chỉ vì vâng lời bố mà em phải tuân theo. Bố em là Huấn luyện viên võ thuật trong trường Thiếu Sinh Quân và chồng em là học tró đắc ý nhất của Bố. Bố em chỉ muốn em lấy chồng người Bắc và cũng vì một lời hứa nào đó mà ông phải gã em. Chồng em lấy được xác em nhưng không giữ được hồn. Còn anh chàng Trần Xóm Lưới kia học tài nhưng lại là thi phận, học đúp hai năm mà cũng chẳng thành công, em không chê anh ấy, nhưng dường như anh ấy quá khô khan lại vội vã lên đường nhập ngũ như là đang chạy trốn định mệnh mình. Còn anh ư! Thú thật không có trong bộ nhớ vì anh là Nam kỳ lại kém tuổi em biết chưa? Cái thuở học trò ấy, biển thì lẳng lơ mà người thì đầy cao vọng. Em đã sai ngay từ đầu và cuối cùng như anh thấy cũng ba chìm bảy nổi mấy chục cái long đong. Trôi theo vận nước sang đây vớ một ông Tây lai Mể, làm chủ quán rượu bây giờ, ông ấy đã về Tây theo tiếng gọi của gái non và em thừa hưởng chút gia sản nhỏ nhoi này”. Bỗng dưng tôi nghe ươn ướt trên vai, thì ra nàng đang chạnh lòng mà rơi lệ.

        Tôi có cần nói cho nàng biết là con gái đầu lòng của tôi được đặt tên là Hà Giang, là tên ghép của tôi và nàng. Có cần nói là vợ tôi cũng đã trầm mình dưới thủy mộ quan ngay lần vượt biển đầu tiên, lúc ấy tôi còn trong trại tù lao khổ và Hà Giang thì cùng khổ với Bố mẹ tôi sau những ngày tháng tư hấp hối. Có cần nói cho nàng hiểu là tôi vẫn là gã lưu vong đơn chiếc vì nàng và vì chính con tôi. Có cần nói cho Nàng biết là Trần cùng chung cảnh ngộ như tôi. Có cần nói là tôi vẫn yêu nàng như chưa thể được yêu và có cần nói cho nàng là con tôi dù đã trưởng thành vẫn cần một người để gọi là Mẹ.

            Có cần- có cần… tôi lịm người đi trong vòng tay ấm áp của nàng, hương da thịt vẫn vô vàn quyến rủ, bầu vú căng áp chặt vào môi tôi, tôi ngã xuống hay nàng kéo tôi ngã xuống tấm thảm đời bên lò sưởi ấm nồng. Gió từ vịnh Sanfran lướt qua những ô cửa sổ như nghe như tiếng dương cầm phụ họa cho một đoản khúc quằn quại của của Chopin.

            Tôi và Giang như chút rượu Matel còn ấm và điếu thuốc chưa tàn nối đời nhau bên bờ vịnh Sanfran lộng gió, gió mơn man trên từng phân da thịt, không rát mặt chai da như Vũng Tàu nắng gió mà còn nghe biển hát tự tình xa.

            Chuyện tôi không có nàng Lara tóc vàng quyến rủ và Doctor Zhivago ngập thở một chiều đông, không có những nhân vật buồn bã của Boris Pasternak một thời loạn lạc. Hoàn toàn không có.

Chuyện tôi chỉ có những nỗi đau rất thật những mất mát không thể đền bù từ một cuộc đổi đời lịch sử mà mỗi một chúng ta là một chứng nhân hằng sống.

Cám ơn Trần đã thả xuống đời những lời mượt mà khó nói, cám ơn Giang đã cho con tôi có Mẹ lại đỡ dùm gánh nặng trên đôi vai còm cõi của tôi. Và cám ơn tôi gã làm thơ ngọng nghịu vẫn còn chút hạnh phúc cuối trời của đời lưu vong xa xứ.

Dường như gió vừa thổi vài hạt cát vào trong đôi mắt ngập tràn hạnh phúc của tôi.

No comments:

Post a Comment