Thursday, January 9, 2014


Nhớ Givral

Nguyễn Hữu Khánh

Điều cần thiết duy nhất để cái ác chiến thắng là người tốt không làm gì cả
Edmund Burke (1729-1797)

 
 
 
Khi tôi rời thành phố, Givral chưa biến mất. Và khi tôi thật sự xa Sài Gòn, tôi nhận được cáo phó trên các mạng của những người mươi năm cũ, rằng cái quán cà phê bánh ngọt đã thật sự không còn. Buổi chiều tôi đọc lại tin đó trên một tờ báo của quê nhà vừa được đem sang.

Buổi chiều, tôi ngồi trong quán cà phê ở một góc phố của thành phố Boston. Một góc cà phê nhìn ra thấy những hình dáng, đám đông đang xuôi ngược giống nhau trên vỉa hè như phố Sài Gòn. Ở đây lề đường được kè bằng những thanh đá huyền vũ, như lề đường thời tôi còn thơ ấu cho đến lúc trung niên. Chắc chắn và xưa cũ bởi cái bóng nhẵn của nó. Tôi có bao nhiêu lần bước ngang ngã tư Lê Lợi Tự Do hay là Đồng Khởi đó. Tôi có bao nhiêu chiều đứng trên lề phiến đá xanh và làm sao tôi nhớ hết bao lần tôi đẩy cánh cửa vào ngồi bất cứ một chổ ngồi nào không cần chọn lựa.

Ở đây cái buổi chiều mà lúc 7 h 30 tối, mặt trời vẫn còn sáng rực nắng vàng trên thành phố xa lạ của xứ người, bên ly cà phê không thiết uống. Tôi nhớ tới Givral. Đầy đủ rõ ràng như nhớ tới từng dáng đi của bạn bè, những khuôn mặt các người tình trong mỗi chặng tuổi. Tôi thấy lại những người tuổi trẻ xa lạ với mái tóc dài ngồi làm dáng bên những cuốn sách của Faulkner, của Nietzche, Krisnamurti, của Phạm Công Thiện, Nhất Hạnh … Rồi tôi khám phá ra một điều từ lâu lắm mỗi lần tôi nhớ tới Givral, tôi đã yêu những hình ảnh của họ hơn là châm chọc mỉa mai như thời tôi còn trẻ.

Rồi tôi thấy tôi đứng đâu đó trong thành phố Sài Gòn. Lòng trẻ tuổi luôn luôn mới thẳng, những kỷ niệm về một nơi dừng của trưa chiều tối để nhìn ngắm diện mạo thủy chung của người tình duy nhất; không một lần giận dỗi bởi những cơn mưa rào đột ngột tầm tã dù trời đang hanh nắng. Những người trẻ tuổi của đủ miền đất nước với phát âm của địa phương lúc rủ rê – đi dạo phố – xuống phố hè – đi bát phố. Nắm tay nhau chạy lúp xúp từ hè Continental qua lằn đường vạch trắng, như đâm xầm vào cánh cửa của Givral.

Người tình lớn lòng độ lượng với hàng kính trong dày không một lem luốc, đục ố của mình. Và kem, bánh ngọt, hay cà phê bốc khói được bưng ra. Họ châu đầu nói với nhau mọi thứ có nghĩa hay vô nghĩa trên cõi đời này. Mắt họ long lanh với niềm phấn khích họ có. Họ còn trẻ,nhưng người tình lớn bắt đầu dạy cho họ cái lịch lãm về ăn mặc, ngôn ngữ sử dụng ở chốn đông người. Phong cách có thể còn nông nỗi nhưng chắc chắn là lòng không hề vướng víu điều ác độc.

Hơn 30 năm với vận mệnh trầm bổng của đất nước. Dù có hay dở như thế nào – không biết – Nhưng tôi nghĩ một chiều một sớm, một chạng vạng của hoàng hôn, những người một thời tuổi trẻ nếu còn sống và đứng lẻ loi ở góc phố lề đường sẽ thấy hết cái lạnh lẽo u uất của kỷ niệm, thoi thóp, hắt hơi. Một chứng tích đổ vỡ mất tăm bởi những tâm hồn khiếm khuyết hay tàn tật vô lương.

Nguyễn Hữu Khánh
Nguồn:
sáng tạo

 

No comments:

Post a Comment