Monday, November 21, 2011

hành trang vào đời


THƯ VIẾT TỪ ĐƯỜNG HEATHERGLEN



1.

Bảy giờ sáng đưa Tý xuống đường, băng qua thềm chung cư để đến nơi chờ xe buýt. Ngày còn tối tăm vì đêm còn nấn ná. Sương mù phơi phới làm cha con lạnh run. Tý nép vào tay áo tôi tìm chút hơi ấm. Bên kia đường những cây thù du im sũng nước, đưa những tàn nhánh mộng mị lên nền trời màu chì. Mấy đứa trẻ Mỹ quần áo xanh đỏ đủ màu đứng co ro bên đường. Như góp thêm cho đời sống đơn điệu này một chút lãng mạn làm bồi hồi những trái tim già nua. Cặp sách sau lưng và bên cạnh chúng bãi cỏ mới tháng qua mùa hè còn âm ỉ cái nóng từ hoang mạc thổi về, hôm nay đã rưng rưng những hơi thở tươi tắn của mùa thu. Chưa phải là mùa đông, nhưng dường như trên những cánh chim đen lạc lỏng tìm mồi người ta thấy thời tiết đã đổi thay đột ngột.

Chung cư Santa Maria còn chìm trong giấc ngủ trong khi ngày đã lên tiếng gọi ngày. Chiếc xe buýt vàng chạy đến, đậu lại. Ðèn stop bên hông nhấp nháy. Chiếc bảng đỏ bên hông xe vươn mình ra hai bên. Tý tiến về phía trước trèo lên:” Bye Daddy!”. Tiếng chào từ giả thân yêu mất hút giữa hàng ghế lạnh căm, nó dáo dác tìm kiếm một chỗ ngồi quen thuộc. Người tài xế da mầu để máy chờ đợi. Tất cả các xe từ mọi phía đều dừng lại chờ đợi. Mọi ưu tiên tuyệt đối đều dành cho tuổi thơ, tại đây. Vì biết đâu, tuổi thơ hôm nay sẽ là những người nắm vận mệnh quốc gia ngày mai, nếu được chăm sóc và đầu tư đúng mức. Tất cả đều chờ đợi, cho dù trong bao lâu- dù mới sáng hôm nay, có nhiều tuổi thơ chỉ mới lần đầu tiên cắp sách đến trường.

Khi tôi định cư tại Austin, Texas, tôi đã bắt đầu những buổi sáng như vậy bên trạm xe buýt, cùng con gái tôi. Lúc đó nó mới bốn tuổi rưởi. Khung cảnh mới mẻ về một ngày tựu trường nơi một đất nước rộng lớn làm nó sợ hãi. Nhưng sự háo hức bên bạn bè, thầy cô đã làm nó can đảm. Cạnh thùng thơ chung cư, mù sương còn lướt thướt trên bờ cỏ mộng mị. Ðời sống cũng lướt thướt những hạnh phúc. Mẹ của nó đi làm từ sáng sớm trong một hãng điện tử. Một đôi lần tôi chờ đợi nó lên ngồi trên xe buýt xong và xe lăn bánh, tôi trở vào nhà, ngồi cạnh bàn viết để viết xuống một điều gì đó. Bình cà phê nóng vừa mới pha đang ràn rụa trong bếp. Tôi nghĩ đến những năm tháng cơ hàn tại Việt Nam. Nơi mà đất nước không khoan dung được con người vì chế độ làm sưng tấy những vết thương. Nơi mà mỗi ngày người ta phải lăn xả hết mình vào cuộc sống nhưng vẫn không tìm ra sự sung túc. Và giá trị xuống thấp lạ lùng.

Những người bạn thân hồi còn đi học của tôi cũng lần lượt mất tâm. Một số còn trong trại tù. Một số khác vượt biên. Số còn lại, ít oi hơn, đang lang thang như tôi và làm đủ mọi nghề. Tùy theo khả năng, họ sẽ “bước xuống cuộc đời” một lần thứ hai với tấm lòng hiu hắt nỗi đau. Những bàn vé số. Những trạm sửa xe đạp. Những tủ thuốc lá mà trong đó bày biện những gói thuốc lá trôi nổi không tìm ra xuất xứ. Những cuốc xe ba bánh, xe xích lô mệt nhoài mỗi ngày.

Vài người hiển hách hơn thì mở quán cà phê hay mở quầy bán sách báo, quầy buôn bán vật liệu gia dụng. Tất cả đều chứa chan trong tim một hoài mong là lúc nào đó sẽ thoát ra khỏi hoàn cảnh khốn khó và được định cư ở nước ngoài.

Tôi luôn nghĩ về những ngày chớm thu tại Vũng Tàu, trong một quán cà phê quen, lòng chùng xuống mọi hi vọng, như khung trời màu chì bên ngoài. Ngụm cà phê nóng bỏng trong miệng và đắng chát nổi cô đơn, trong khi loa phóng thanh phát đi những lời nghi hoặc về thành quả một cuộc cách mạng. Xen lẫn vào đó những bài hát ca tụng thành phố mười mùa hoa.

Mọi hoàn cảnh trở nên lạ lẫm và đối chọi nhau giống như hai phía của vầng trăng. Bên này là ánh sáng dịu dàng. Bên kia là bóng tôi. Những người tình thời học trò cũng lảng đảng như khói sương khi gặp lại. Khuôn mặt buồn lạnh như sông.

Họ lam lũ bên chồng con, hay bươn chải để tìm đường ra biển. Ðàng sau họ không có tương lai và trước mặt chông chênh bất trắc. Họ đứng giữa những bầy sói lúc nào cũng chờ chực ngấu nghiếng thân xác yêu đuối của họ.

Tàn rồi từ sau một mùa trăng tháng tư, khi hai bờ chộn rộn những xuân thì, những người đàn bà Việt Nam thời đại oan nghiệt kia đã để cho nỗi buồn chạy đuổi theo niềm vui với lòng ráo hoảnh hạnh phúc. Nắng cũng sẽ tàn theo cùng tiếng chân mưa sóng soài trên thân phận, họ đi tìm một bờ bến khác. Ðâu đây tiếng chuông ngân lên cuối ngày từ một giáo đường, như để chia xẻ với cuộc đời sần sượng một chút lòng thanh thản bình an. Mùa thu mang hơi thở rung qua tuổi thơ của những đứa học trò ngày nào, giờ đã lạ lẫm một lời chim.

2.

Mỗi tuổi thơ Việt Nam trên đất Mỹ giống như một mặt trời hồng. Mặt trời vượt lên trên những ước mơ mà con người có thể vói tới được. Ðịnh mệnh oan khiên từ một tháng tư đen đã rụng xuống trên những vai đời. Trên vai những người cha lưu vong Việt Nam nên hạnh phúc bèo bọt cũng từ đó trôi trác qua những kẻ ngón tay buồn. Ai đó đã nói “đứa con là cánh tay nối dài của người cha”. Trong khi những người đàn ông từng phung phí thanh xuân mình cho cuộc chiến đang làm những kẻ di tản muộn phiền. Một hôm nào chợt thấy trái tương lai chín đỏ bên ngoài tầm tay với.

Buổi sáng mai hôm nay, trong hạnh phúc rét căm của Austin, có bao nhiêu chiếc xe buýt vàng đã chở chuyên những mặt trời hồng đến lớp? Không ai có thể biết được. Nhưng chắc chắn không có một đứa bé nào đang tuổi đến trường được quyền ở nhà một mình. Người ta đã “cưỡng bách” các em đi học. Vì đó là con đường ngắn nhất dẫn đến cánh cửa tương lai. Người ta sữa soạn cho các em vào đời bằng chính những tiện nghi và kinh nghiệm của hơn hai trăm năm lập quốc. Những kinh nghiệm mà bất cứ một quốc gia văn minh nào cũng đều thèm muốn. Tôi biết, có một kinh nghiệm quan trọng hơn hết mà người ta muốn dạy cho các em là chuẫn bị làm một con người tự do- trong một đất nước tự do.

Trong khi đó, ở bên kia nửa vòng trái đất, có bao nhiêu tuổi thơ Việt Nam đã được tự do cắp sách đến trường? Có bao nhiêu giấc mơ xanh đã được thắp lên giữa tháng ngày tù đọng? Bài học nào các em vừa học hôm qua, hôm nay đã chìm khuất, chới với giữa cơm áo, giữa kỳ hoặc hư ảo chủ nghĩa.

“em học trò sao hôm nay em không đi học

sao bỏ lớp ra chơi dưới gầm cầu,

sao đôi mắt xanh trông dòng nước chảy

tưởng là giọt lệ dành cho ngày lớn khôn? ”

(thơ Cao Huy Khanh)

Trường lớp Việt Nam bây giờ, không còn bụi phấn mong manh trên vai áo người thầy, trong khi học trò thì không còn mộng bay ngoài cửa lớp. Và màu hoa phượng chói chang tuyệt diệu của mùa hè sao nhìn giống như màu cờ máu? Hình như cuộc đời hư vô ở mãi đàng sau, và tuổi thơ Việt Nam mãi quay lưng về phía trước, khi mà:

“những bọn muốn ôm cây mùa Xuân không cho mọc,

những bọn muốn làm cây to cho mất mầm non”

( Văn Cao)



“ Hàng năm cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỹ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được cái cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mĩm cười giữa bầu trời quang đãng...”

Tôi sắp nói cho các bạn nghe điều mà tôi trông thấy mỗi buổi sáng, khi đi ngang qua vườn Lục Xâm Bảo trong những ngày đầu tháng mười. Lá vàng rơi từng chiếc trên đôi vai trắng của các pho tượng trong vườn. Trời có vẽ hơi buồn bã nhưng chưa bao giờ đẹp như vậy..”

Ðoạn văn trên của Thanh Tịnh. Ðoạn dưới của Anatole France. Cả hai cùng nói về kỹ niệm ngày đầu tiên đi học của một đứa trẻ. Quá khứ tôi cũng có những ngày như vậy. Lời văn đã làm rung động lòng tôi suốt nhiều năm. Cho dù tôi không còn thơ trẻ để nắm bắt lại đầy đủ những cảm giác đó. Thời gian là một cái gì rất kỳ lạ- nó san bằng những bất hạnh đồng thời cũng chôn lấp cả hạnh phúc. Thời gian vừa mang thêm những vết nhăn trên vầng trán vừa tô đậm trong tim những vết đau đời. Tôi đang đứng bên ngoài bóng mát của hạnh phúc. Những bài học vỡ lòng của ngày xưa đã làm phong phú tâm hồn thơ dại của tôi.

Ðã qua rồi cái thời mà các bạn và tôi cùng hít thở mùi thơm từ quyển vở trăm trang mới vừa mở ra. Mùi thơm chỉ có đời học trò mới cảm biết được giữa lòng giấy trắng tinh, như tấm lòng trong trắng. Nơi đó, chính những khổ đau và chịu đựng của Mẹ tôi đã đậu xuống, cho hi vọng ngày mai của tôi chấp cánh bay. Nơi đó, trong khi tôi học biết được những điều hữu ích từ những dòng chữ đơn sơ thì mẹ tôi đã nếm đủ mọi đau khổ trên những trang năm tháng cơ hàn:

            Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắc lẽo gập gềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi.

Con đi trường học.

Mẹ đi trường đời...

Mùi thơm lộng lẫy đã bay theo tôi bên cạnh cuộc đời. Giống như mùi thơm của bông hoa ngoài đồng nội. Như mùi thịt da, máu xương của Mẹ, còn sót lại đâu đó trong hồi ức lặng lẽ.

3.

Con gái tôi bây giờ đã lớn. Nó đang ở năm đầu của đại học. Nó vừa đi xuống cuộc đời lồng lộng gió mát mà không cần có tôi bên cạnh. Nó vừa lấy những khóa học, vừa đi làm part- time để kiếm tiền đổ xăng, vừa đi chơi. Bên cạnh đó còn có những cú phone miệt mài mà tôi không biết nó tìm ở đâu ra nhiều bạn bè như vậy. Tôi không biết với bao nhiêu thứ chuyện bề bộn của một đứa con gái thì thời gian 24 tiếng một ngày đủ cho nó sống hay không.

Mùa xuân tới nó sẽ tròn 21 tuổi. Ðôi khi tôi không hình dung ra sự trưởng thành của nó, vì mỗi ngày nó ở bên tôi.  Bây giờ mỗi lần hôn tôi nó phải cúi xuống, không như mười sáu năm trước tôi phải cúi xuống để cỏng nó đi qua hành lang của phi trường. Những hành lang dẫn vào phòng đợi ở Bangkok, ở Tokyo. Những chiếc áo gió mùa đông sẽ không vừa vặn với thân thể nó và trở nên lỗi thời. Nó đi bên cuộc đời với tấm lòng hồn nhiên của một thiếu nữ, trong khi ba nó già nua.

Mẹ nó đã dừng lại ở một khúc quành, từ một mùa thu cách đây 6 năm. Những đóa hoa trên mộ nàng lặng yên và phôi pha cùng tháng ngày giống như sự nhớ nhung của chúng tôi cũng dần dà lợt phai. Mỗi ngày tôi lái xe đi làm, qua con đường I. 35 North, để đến vùng Hutto, qua nghĩa trang có ghi lại dấu vết của một người đàn bà kém may mắn, tôi nhớ lại những lầm lỗi của mình. Những lầm lỗi không thể san bằng cũng như không thể dùng nó để làm mùi vị cho sự kích thích. Nó chỉ có thể là kinh nghiệm cho một đổ vỡ.

Trong mọi tình yêu, luôn hàm chứa những xung đột. Tôi và nàng không tránh khỏi điều đó. Nàng sống thực tiển và hết mình với những cái đang có. Tôi mơ mộng và phủi bỏ mọi ước lệ ràng buộc của cuộc đời. Nàng yêu mến những câu chuyện giản đơn và những kết quả có hậu. Toi nghi ngờ sự tròn trịa của những tuồng tích làm nên từ những sân khấu lộng lẫy. Nàng sùng bái những lời khen dù biết rằng gian dối. Tôi khinh bạc những điều ngụy tạo cùng những nhan sắc tân trang. Nhưng trên cùng, quan trọng hơn hết và cao cả hơn hết là lòng thủy chung của nàng.

Tôi không có được điều này. Khi tôi yêu nàng và bày tỏ mong ước được đi cùng nàng chặng cuối đường dương gian, tôi vẫn không chắc tôi sẽ đem đến cho nàng hạnh phúc. Vì hạnh phúc là biết nhìn về cùng một hướng. Tôi vẫn còn giữ lại một khoảng trời riêng không có nàng tham dự. Qua vai nàng, tôi vẫn nhìn thấy những chiếc lá vàng mùa thu rơi xuống lòng ngực. Và màu nắng dù có xanh xao cuối ngày, trong tôi vẫn mang màu mới mẻ.

Khi ra hải ngoại, mỗi ngày sau khi tan sở làm trở về, tôi trãi lòng mình ra giấy. Những bài văn tôi viết không có hồi tưởng về bóng dáng nàng và rạch ròi phân chia hai mảnh đời quá khứ. Thấp thoáng giửa những dòng chữ gõ xuống từ bàn phím đêm là nỗi luyến ái một thời. Của một người nữ vắng mặt. Của những hơi thở mong manh nhưng có khả năng làm tràn lên nổi nhớ.

Nhiều đêm tôi ra khỏi nhà, giữa lúc vợ con yên giấc. Tôi lái xe ra quán cà phê Mỷ mở cửa 24 giờ ngồi uống một mình. Những đời xe lao đao và những góc phố im vắng. Mùa thu mảnh khảnh bên thềm parking loang lổ ánh đèn. Như vết mực ngày xưa trên trang giấy lòng rất cũ. Những đêm như vậy tôi nhủ lòng mình đừng bao giờ buồn, nhưng vẫn nghe tiếng mưa chạy dài qua phố.

Tiếng mưa, nếu có dừng lại trong phút giây, vẫn rền rỉ trong tôi như tiếng sóng vổ từ ghềnh đá lâu rồi, nơi mà thời gian tròn vo trên vai người lính vừa bỏ quên một thành phố biển. Ðêm đô thị hiếm muộn vầng trăng, nên những vì sao rưng rưng trên đầu. Tôi ngồi ngắm những lòng đường lướt thướt ánh đèn quảng cáo từ các siêu thị và thấy yêu mến kỳ lạ thành phố tôi đang ở. Mỗi giao lộ xanh mướt bờ cỏ xuân thì, như giấu trong nó những tâm sự của người đàn ông già vừa muốn quên đi một cuộc đổi đời.

Mỗi mùa đi qua đều đẩy tình yêu cách xa thêm. Và một người đàn bà sẽ ngừng lại đâu đó nơi một chỗ rẻ. Những gì thoáng qua ít ai còn giữ lại. Mùa thu mênh mông. Có ai đó úp mặt vào tay để khỏi chạm tới sự gió rét trong lòng...



No comments:

Post a Comment